Huyệt mộ mang tên Niềm Tin

Vũ Đông Hà (Danlambao)  Vợ ông Lê Đình Kình kể: "Ông cụ nhà tôi tin vào ông Trọng chống tham nhũng lắm! Ông ấy tin ông Trọng, ủng hộ ông Trọng, ủng hộ đảng tuyệt đối..." Niềm tin đó đã được đảng "đền đáp" bằng những viên đạn lạnh lùng nhắm thẳng đồng chí mà bắn. 3 tên té giếng tham gia cuộc tấn công Đồng Tâm, dẫn đến cái chết bi thảm của ông Kình, được chính Nguyễn Phú Trọng trao huân chương hạng nhất.
"Đồng chí" Kình, 84 tuổi đời 60 tuổi đảng. Xem như là người đã dâng gần hết cuộc đời từ lúc trưởng thành đến lúc chết cho đảng. Trong 60 năm đi-theo-đảng ông đã cống hiến, góp phần bao nhiêu cho tập đoàn bán nước hại dân mà ông là thành viên? Chỉ có ông mới biết được "công sức" và "thành quả đóng góp cho cách mạng" của ông. Nhưng chắc chắn một điều: Ông không xem đảng cộng sản là tập đoàn hèn với giặc, ác với dân - là thủ phạm của mọi tai ương đến với dân tộc. Trước khi chết ông vẫn ủng hộ đảng, ủng hộ tên chúa đảng tuyệt đối. Ông là một phần tử của tập đoàn tội ác trong hơn nửa thế kỷ.
Từ một đảng viên lãnh đạo xã như ông Lê Đình Kình, nhìn sang những lãnh đạo cộng sản cao cấp hơn ông rất nhiều như Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh bị cho vào tù hay Nguyễn Bá Thanh, Trần Đại Quang chết vì bệnh "hiếm", bệnh "lạ"... tất cả đều giống nhau trong phiên bản đồng-rận-giết-đồng-chí vì sự nghiệp tranh quyền-tranh tiền-tranh đất. Tất cả những đồng chí bị đồng rận cho lên bờ xuống ruộng, lên voi xuống chó này, khi ở vào giây phút đụng đáy cuộc đời vẫn tuyệt đối tin vào đảng, tin vào đảng chúa.
Không riêng gì ông Lê Đình Kình mà còn rất nhiều người - đảng viên và ngay cả không là đảng viên cộng sản - vẫn có niềm tin "son sắt", đến chết vẫn còn nhất định tiến bước trên con đường đi-theo-đảng. Chính vì những niềm tin lú lẫn này đã giúp cho đảng cộng sản tồn tại. Chính vì những kiểu tin ông Trọng, ủng hộ ông Trọng, ủng hộ đảng tuyệt đối nên tên trùm đảng cướp mới huênh hoang và tự kỷ ám thị để cuồng tin rằng: “Hiếm có dân tộc nào trên thế giới khi nói đến đảng cầm quyền, nhân dân lại dành cho một sự trân trọng, tự hào, yêu thương như dân tộc Việt Nam đối với đảng cộng sản Việt Nam”.
Nếu trong cuộc tổng tấn công Đồng Tâm với 3000 côn an côn đồ vũ khí tận răng mà lại có chuyện oái oăm 3 "chiến sĩ té giếng hy sinh" thì niềm tin của ông Kình cũng đắng cay theo kiểu "niềm tin té giếng". Liệu ở suối vàng ông có thấy đau vì cú té niềm tin này hay ông vẫn tuyệt đối tin vào đảng và tin luôn lời đảng rêu rao cho cả nước: Khi chết tên Lê Đình Kình trên tay vẫn còn cầm lựu đạn!?
Nếu nghĩ rằng bài học "niềm tin té giếng" của ông Kình là quá đủ để cho người ta hết đui mù sau nhiều năm tháng "đảng đã cho ta sáng mắt sáng lòng" đến chói lòa con ngươi thì chưa chắc. Bài học bi đát và chua cay của ông Kình không phải là bài học đầu tiên. Đã có quá nhiều tấm gương để người ta sáng mắt thật sự từ ngày Minh râu bịt mặt che râu đi xem thuộc hạ giết chết ân nhân Cát Hanh Long cho đến bây giờ. Thế nhưng vẫn còn đó những Lê Đình Kình cho đến chết vẫn một lòng một dạ trung thành và tin tưởng tuyệt đối vào "đảng ta".
Chúng ta lên án, chống lại hành vi cướp đất, tấn công, bắt dân và giết người của đám cường hào ác bá cộng sản. Chúng ta đồng lòng, đồng hành, hỗ trợ người dân Đồng Tâm và thương cảm cho cái chết bi thảm của cụ già 84 tuổi Lê Đình Kình vì cuối cùng và trên hết ông là vẫn là một con người, là đồng bào, là nạn nhân của chế độ bạo tàn giống như mọi người dân Việt Nam khác đang bị chế độ cai trị và áp bức. Nhưng không thể bỏ qua mà phải nhắc đến một điều vì điều đó ảnh hưởng đến sự tồn tại của đảng độc tài và công cuộc tranh đấu xoá bỏ độc tài của dân tộc - đó là không thể đồng ý, đồng thuận hay tôn vinh một người mà cho đến chết vẫn còn tin tưởng tuyệt đối vào tên đầu đàn và đảng cướp của nó.
*
60 năm trước. Người thanh niên Lê Đình Kình xách búa, cầm liềm và mang cuốc xẻng đào đất Việt Nam. Hố đất sâu dần theo năm tháng với người đảng viên cộng sản Lê Đình Kình mải mê trong đó. Hố đất có tên gọi Niềm Tin. Hố đất Niềm Tin. Niềm tin cộng sản.
60 năm sau, các đồng chí của Lê Đình Kình đã dùng đống đất do chính Lê Đình Kình vun lên để phủ lấp cái hố mà bây giờ đã mang tên khác: Huyệt mộ Đồng Tâm. Trên huyệt mộ đó, các đồng chí của Lê Đình Kình cắm một tấm bảng. Không phải là bảng viết tên đồng chí Lê Đình Kình, khắc ghi công trạng đảng viên Lê Đình Kình. Tấm bảng đó có hàng chữ: Viettel - Đất Quốc Phòng.
Làm màu mỡ cho mảnh đất đó là thịt xương của một người 60 năm góp vốn cuộc đời cho đảng, với niềm tin tuyệt đối vào đảng.
30.01.2020


Vũ Đông Hà
danlambaovn.blogspot.com


 

Chia buồn với nghệ sĩ Hoài Linh

Cu Tèo (Danlambao)

Chú Hoài Linh quý mến,
Trước hết cháu xin tự giới thiệu với chú, tên cháu là Cu Tèo, một cuồng phen (fan) của chú từ nhiều năm qua. Hôm nay cháu mạo muội mổ meo (email) này để chia buồn với chú về sự nghiệp danh hài, nghệ sĩ nhân dân của chú bị đe dọa nghiêm trọng, có nguy cơ xuống cấp, thậm chí giải nghệ.
Chú danh hài nhân dân ơi, cháu vừa mổ meo này cho chú vừa phấn đấu nén dòng suối lệ cầm lại ở mức lưng tròng, kẻo khóc rống lên theo nhu cầu (hưởng theo nhu cầu), Cái Hĩm nghe được sẽ cười thúi mũi.
Cháu khóc vì buồn. Buồn là buồn cho chú thôi, còn cháu, trái lại, vui hơn. Xin chú Hoài Linh cầm “bức xúc” ở chỗ vui buồn lẫn lộn này để khỏi hiểu lầm rồi đâm ra lên án cháu lấy cái buồn của chú Linh làm cái vui cho cu Tèo thì oan cho cháu lắm. VN mình chưa bao giờ “được” như hôm nay là dân oan chạy đầy đường, đêm hôm đang ngủ trong nhà cũng bị côn an đến “té giếng” như Đồng Tâm vừa rồi. Để cháu “làm rõ sự cố” chú buồn/cháu vui này như sau:
Buồn cho chú, vì đang ngon lành là đệ nhất danh hài, là ngôi sao hề sáng chói nhất vòm “trò” hề Việt Nam, được nhân dân cả trong nước lẫn ngoài nước “thống nhất, nhất trí, nhất quán, đồng tình, đồng lòng, trước sau như một, ủng hộ”. Ấy thế mà than ôi, ngôi sao hề sáng chói nhất vừa bị một ngôi sao hề sáng chói hơn xuất hiện làm lu mờ. Buồn cho chú hề Hoài Linh là ở chỗ đó. Nói trắng ra là mai đây chú sẽ bị ế “sô”, vô phương cứu chữa...
Chú hề Hoài Linh ơi, thế còn cháu đây lại vui hơn là vui chỗ nào? Là là... lâu nay chú chọc cười cho thiên hạ như thế tưởng là đệ nhất hề trần đời rồi, không ai còn có thể thọt léc “phê” hơn. Nào ngờ câu “cao nhân tất hữu cao nhân trị” lại “rơi vào trường hợp”... hề. Nói túm là, mới xuất hiện một tay hề mới làm mắc cười hơn đệ nhất danh hài Hoài Linh nhiều.
Cháu biết chú càng đọc càng bức xúc. Thôi để cháu vắn tắt: Người làm mất giá đệ nhất danh hài Hoài Linh không ai khác là bác đương kim Chủ tịch Nước CHXHCNCC kiêm Tổng Bí thư Đảng CSVN, Nguyễn Phú Trọng.
Chú Hoài Linh muốn biết trình độ hề của bác Tông Tịt vượt trội, hơn hẳn trình độ đệ nhất danh hài như thế nào thì chú Linh cứ lên mạng tìm đọc cho được báo lề đảng là xong ngay. Chú lại đang ở trong nước, tha hồ mà đọc báo đảng, nghe đâu có cả ngàn báo, nhưng báo nào cũng giống báo nào, đỡ mất công tìm.
Một ví dụ... hài hước: Mới hôm trước, đảng ta xua 3000 quân ta vào Đồng Tâm khủng bố dân ta vì dân ta không chịu giao đất sinh sống cho nhóm lợi ích, rồi “giết tươi” đồng chí ta cụ già Lê Đình Kình đang ngủ, hôm sau Tổng Tịt ta “khẩu dâm” tự sướng: “Hiếm có dân tộc nào trên thế giới khi nói đến đảng cầm quyền, nhân dân lại dành cho một sự trân trọng, tự hào, yêu thương như dân tộc Việt Nam đối với đảng cộng sản Việt Nam”.

Rõ ràng là như thế chứ còn gì nữa, và mình có ra sao người ta mới viết: Dẹp Táo Quân, Phú Trọng tự diễn hài cuối năm.
Chú Hoài Linh quý mến,
Nói là chia buồn, nhưng cháu cũng rất tiếc nếu chú phải bỏ nghề vì cạnh tranh không lại với anh hề chẳng những trình độ hơn, lại có quyền thế, làm tới đảng trưởng một đảng “hiếm có...”, kiêm thêm chủ tịch một nước cũng hiếm có ra ngõ là gặp anh hùng té giếng...
Hay là Chú Linh xin “ông thầy” dạy hề thêm cho. May ra mới trở lại sân khấu nghề được.
Thư bất tận ngôn. Trước khi ngừng mổ cò, cháu chúc chú thành công trong sự nghiệp noi gương hề của lãnh đạo tối cao của đảng và của nhà nước. Nhưng ưu tiên là phải chia buồn với chú cái đã, nha chú.
25.01.2020
Kính meo,
Phen cuồng của chú:

Cu Tèo
danlambaovn.blogspot.com


 

Từ Lê Đình Kình

đến bà Nguyễn Thị Năm

Phạm Trần (Danlambao) Máu Đồng Tâm đêm ngày 09/01/2020 đã lôi ra ánh sáng bản chất gian dối, buộc sợ hãi vào người dân của một nhà nước chỉ muốn được sùng bái không khác gì thời của thảm kịch Cải cách Ruộng đất 1953-1956.

Gian dối Đồng Tâm do báo, đài Công an chủ đạo bịa đặt tất cả, từ bị tấn công nên phải phản công để bảo vệ lực lượng, bảo vệ chính quyền nhân dân nhưng thực chất là tiêu diệt Cụ Lê Đình Kình, người lãnh đạo công cuộc chống tham nhũng, cường quyền để bảo vệ 59 mẫu đất nông nghiệp của dân.
Cụ Kình, 84 tuổi, 58 tuổi đảng, không còn đi đứng bình thường sau lần bị Công an đánh gẫy chân năm 2017, nhưng được dân làng tín nhiệm và kính trọng. Hương linh cụ đã bị bôi nhọ sau khi bị hành quyết dã man bằng 4 phát đạn ngay tại nhà. Thủ phạm Công an không nói một câu về cái chết của cụ Kình, nhưng lại bịa chuyện phản khoa học rằng khi chết trên tay cụ vẫn còn cầm quả lựu đạn.
Công an cũng lờ đi không giải thích tại sao lại tự động mổ bụng cụ Kình để làm gì, và ai đã cho phép làm chuyện bất nhân này?
Công an còn bịa đặt không hổ thẹn rằng: "Cơ quan điều tra thu giữ được các tài liệu chứng minh rằng, ông Lê Đình Kình giữ vai trò “đầu tàu”, tập hợp những người khác, trong đó có các thành phần bất hảo, nghiện ngập tụ tập về Đồng Tâm, phân chia ra các bè mảng để “thề ăn đủ”! Số này đã kêu gọi việc đóng góp từ nhiều nơi, trong đó có nguồn tài trợ từ tổ chức phản động hải ngoại, biến việc đòi đất ở Đồng Tâm thành cái cớ để gây sức ép với chính quyền, chống phá Nhà nước." (theo báo Công an Nhân dân (CAND), ngày 10/01/2020)

Vậy bằng chứng đâu mà đến nay chưa dám trưng ra?
Báo này viết tiếp với giọng lưỡi Hổ mang rằng: "Có chống phá là có tiền từ bên ngoài rót về, vì thế những đối tượng này đã kiếm sống bằng nguồn tiền phi pháp dựa trên vỏ bọc khiếu kiện đất đai. Đây là vấn đề hết sức nguy hiểm, chỉ vì động cơ vụ lợi thấp hèn, kiếm những đồng tiền nhơ bẩn mà chà đạp lên pháp lý, đạo lý, biến mình thành con rối trong tay kẻ địch để phản dân, hại nước. Do đó, chúng ta không thể gọi từ nhân dân Đồng Tâm nói chung mà phải tách biệt nhân dân với những kẻ phạm tội, gây tội ác. Mượn cớ đòi đất để gây sức ép với chính quyền, rồi thực hiện các hành vi phạm tội, đặc biệt là gây trọng tội giết người là hành vi đặc biệt nguy hiểm. Không thể bao biện, không thể ngụy trang dưới hình thức đòi đất, khiếu kiện để gây tội ác như vậy. Nhẫn tâm ra tay với cán bộ, với công an, cái đó phải thấy rõ để lên án và nghiêm trị trước luật pháp.”
Nhưng ai giết ai? Công an nói cả 3 Công an chết vì cùng “rơi xuống hố kỹ thuật”sâu 4 mét, hay còn gọi là “giếng trời” giữa hai căn nhà, nên cạnh nhà cụ Kình, rồi bị con cháu cụ Kình đổ xăng xuống, ném bom xăng đốt chết. Thế nhưng tại sao các bức tường của cái hố này lại không có vết cháy và khói đen bám vào? Xác cháy đen đâu?
Đã có nghi vấn cả 3 chết vì đạn cháy đeo theo người phát nổ, hoặc trúng đạn phe mình.

Tại sao công an chết?
Nên nhớ, kể từ khi lối 3,000 Công an và Quân đội đột phá Thôn Hoành, chưa có cuộc điều tra công khai, minh bạch và độc lập nào của Báo chí nước ngoài, của các Tòa Đại sứ nước ngoài, hoặc các Cơ quan Quốc tế có Đại diện ở Hà Nội về biến cố Đồng Tâm.
Về cái chết của 3 Công an, Facbooker Lã Minh Luận tiết lộ trong bài viết “Tôi đã đến được thôn Hoành, xã Đồng Tâm, ngày, 28-1-2020, trong cuộc đối thoại với Cụ bà Dư Thị Thành (quả phụ Lê Đình Kình):
“Tôi hỏi tiếp: “Thế hôm ấy, mấy anh công an đã chết như thế nào, cụ và gia đình có biết không? Có phải mấy anh em nhà mình ném bom xăng xuống cái giếng trời làm họ bị chết cháy không?” Cụ Thành lại vật ra kêu giời ơi…!
Đúng lúc ấy, mấy người hàng xóm và hai người con gái của cụ Thành bước vào, mọi người đồng thanh đáp: “Cả làng không ai nhìn thấy, không ai biết họ chết thế nào, không ai biết họ chết lúc nào, khi nào, sau này chỉ nghe công an nói…” (mấy người quả quyết)…
Tôi hỏi tiếp: “Vậy, vì sao mấy anh em, chú cháu lại nhận là ném bom xăng xuống giếng trời đốt cháy họ?” Cụ Thành và mấy người nói: “Cũng chả biết, chắc họ đánh đau quá, bắt phải nhận thôi, chứ thằng Uy vừa ló mặt ra sân thượng đã bị người ta bắn gãy tay, còn thả chó ra đuổi cắn… thì ai có thể chạy sang tận sân nhà bên để ném bom xăng…?”
Vậy mà báo Công an Nhân dân ngày 10/01 (2020) đã cảng cổ ra vu khống rằng: "Chúng ta thấy rõ tính chất hung hãn, mất nhân tính, giết hại cán bộ của những đối tượng chống đối, các đối tượng phải trả giá cho hành vi tội ác của mình và dư luận cần nhận diện rõ điều đó để lên án, không thể ngụy biện với bất cứ lý do gì.”

Nhớ về bà Nguyễn Thị Năm
Lời cáo buộc “ngậm máu phun người” của Công an trong vụ thảm sát cụ Lê Đình Kình đã nhắc ta nhớ về vụ án bà Cát Hanh Long (tên hiệu buôn của Bà ở Hải Phòng), tức Nguyễn Thị Năm, trong giai đoạn đầu gọi là “tiêu diệt địa chủ cường hào ác bá” ở Thái Nguyên (miền Bắc Việt Nam) giữa năm 1953, trước khi phong trào Cải cách ruộng đất lan rộng đến năm 1956.
Trước tháng 8/1945 thì: "Bà Năm đã ủng hộ Việt Minh 20.000 đồng tiền Đông Dương (giá trị bằng 700 lượng vàng) không kể vải vóc, lương thực. Tại “Tuần lễ vàng” ở Hải Phòng theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh tháng 9/1945, bà Năm cũng đã ủng hộ 100 lạng vàng nữa. Bà được cử làm Hội trưởng Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Thái Nguyên ba năm liền. Các ngôi biệt thự của bà ở Hà Nội, Hải Phòng, ở đồn điền Đồng Bẩm đều là nơi qua lại, ăn ở, địa điểm liên lạc của cán bộ Việt Minh cao cấp. Hai con trai bà là Nguyễn Văn Hanh, Nguyễn Văn Cát đều theo Việt Minh đi bộ đội. Nguyễn Hanh từng tháp tùng đoàn đại biểu Chính phủ do các ông Nguyễn Lương Bằng, Trần Huy Liệu, Cù Huy Cận... vào Huế nhận ấn kiếm khi vua Bảo Đại thoái vị.” (theo Tạp chí Luật sư Việt Nam, 18/9/2017)
Tài liệu khác còn cho biết Bà từng là ân nhân của nhiều cán bộ cấp cao Cộng sản như Lê Đức Thọ, Hoàng Hữu Nhân (Bí thư Thành uỷ Hải Phòng), Hoàng Tùng, Vũ Quốc Uy, Hoàng Thế Thiện, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh v.v…
Thế mà, bất nhẫn thay, tài liệu viết tiếp: "Bà Nguyễn Thị Năm (Cát Hanh Long), 47 tuổi, đã bị quy là “địa chủ cường hào ác bá” và đã bị đem ra xử bắn ở Đồng Bẩm, tỉnh Thái Nguyên vào 29 tháng 5 âm lịch (tức 9 tháng 7) năm 1953 và được báo chí đương thời coi là phát súng hiệu cho một cuộc vận động "long trời lở đất".
Khi mẹ phạm tội ác tày trời, bị xử tử hình ở quê hương, hai người con trai là Nguyễn Văn Hanh, đang học tập ở Nam Ninh (Trung Quốc) bị điệu về nước, đưa ngay vào trại cải tạo; Nguyễn Văn Cát - chỉ huy bộ đội của Đại đoàn 308 đang chỉnh huấn ở nước bạn cũng bị bắt giải về giam ở Việt Bắc, không có bản án rõ ràng. Vợ ông Cát là Đỗ Ngọc Diệp đang hoạt động ở vùng địch hậu Bắc Ninh nên không bị bắt, nhưng lại được người ta khuyên cắt đứt quan hệ với con trai một địa chủ cường hào ác bá; bà Diệp không chịu, khi sửa sai sau này vợ chồng ông Cát - bà Diệp mới được đoàn tụ.

Ai giết bà Năm - ông Hồ làm gì?
Nhưng ai muốn giết Bà Năm và ông Hồ Chí Minh có trách nhiệm gì không?
Theo Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương đảng khóa V, nguyên Tổng Biên tập báo Nhân Dân viết trong hồi ký Những kỷ niệm về ông Hồ thì: "Thấy cố vấn Trung Quốc bảo phải xử tử Nguyễn Thị Năm, Hoàng Quốc Việt ủy viên Trung ương Đảng, ủy viên ban lãnh đạo Cải cách Ruộng đất trung ương, phụ trách Cải cách ở Thái Nguyên đến báo cáo với Hồ Chí Minh ý kiến của cố vấn. Hồ Chí Minh hứa với Hoàng Quốc Việt sẽ nói với Trường Chinh, Trưởng ban chỉ đạo trong cải cách ruộng đất nhưng ông không làm. Hơn nữa, Hồ Chí Minh đã giữ im lặng vì sợ gây mâu thuẫn với cố vấn Trung Quốc. Hồ Chí Minh nói: "Không ổn! Không thể mở đầu chiến dịch bằng cách nổ súng vào một phụ nữ, mà người phụ nữ ấy lại là người từng nuôi cán bộ cộng sản, là mẹ một trung đoàn trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam đang tại chức!". Cũng theo hồi ký của Hoàng Tùng thì: "Chọn địa chủ Nguyễn Thị Năm để làm trước là do có người mách cho cố vấn Trung Quốc". Họp Bộ Chính trị Hồ Chí Minh nói: "Tôi đồng ý người có tội thì phải xử thôi, nhưng tôi cho là không phải đạo nếu phát súng đầu tiên lại nổ vào người đàn bà, mà người ấy lại giúp đỡ cho cách mạng.", "Người Pháp nói không nên đánh vào đàn bà, dù chỉ đánh bằng một cành hoa". Sau cố vấn Trung Quốc là La Quý Ba đề nghị mãi, Hồ Chí Minh nói: "Thôi, tôi theo đa số chứ tôi vẫn cứ cho là không phải", và họ cứ thế làm.”
Mặt khác, trong hồi ký Làm người là khó, Đoàn Duy Thành, Phó Thủ tướng giai đoạn 1982-1990 viết: "Khi chuẩn bị bắn Nguyễn Thị Năm, Bác Hồ đã can thiệp, Bác nói đại ý "Chẳng lẽ Cải cách Ruộng đất không tìm được một tên địa chủ cường hào gian ác là nam giới mà mở đầu đã phải bắn một phụ nữ địa chủ hay sao?" Nhưng cán bộ thừa hành báo cáo là đã hỏi cố vấn Trung Quốc và được trả lời "Hổ đực hay hổ cái đều ăn thịt người cả!" Thế là đem hành hình Nguyễn Thị Năm".

Ăn cháo đá bát
Nhưng câu hỏi của lịch sử là, tại sao khi ấy, trong cương vị lãnh đạo cao nhất của đảng và nhà nước mà ông Hồ Chí Minh không giám ra lệnh “ngưng hành quyết bà Nguyễn Thị Năm”. Và tại sao ông Hồ lại nghe theo ý phải giết bà Năm của Cố vấn Tầu La Quý Ba?
Chẳng nhẽ ông Hồ khi ấy cũng chỉ là bù nhìn của Tầu hay sao?
Nhưng chuyện đảng “ăn cháo đá bát” bà Nguyễn Thị Năm vẫn kéo dài cho đến bây giờ, 67 năm sau ngày bà bị xử bắn.
Tài liệu về vụ án bà Năm trên Bách khoa Toàn thư (BKTT) mở viết: "Trong nhiều năm, ông Nguyễn Hanh cùng bà Diệp vẫn đứng đơn đề nghị các cá nhân và cơ quan có trách nhiệm thực hiện Nghị định số 28/CP của Chính phủ ban hành ngày 29 tháng 04 năm 1995, theo đó đề nghị của gia đình ông Hanh nhiều năm nay là nên xét thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp và truy tặng danh hiệu Liệt sĩ cho bà Nguyễn Thị Năm. Dù đã nhiều lần lên tiếng yêu cầu từ năm 1995 đến năm 2014 qua những lá thư gửi lên địa phương và trung ương đòi phục hồi danh dự cho mẹ nhưng gia đình hoàn toàn không được hồi âm.” (BKTT)
Duy nhất, “từ tháng 3 năm 1987, Ban Tổ chức Trung ương đã chỉ đạo tỉnh Bắc Thái để ra văn bản (ngày 11.6.1987), nhưng cũng chỉ làm cái việc duy nhất là xác định lại thành phần giai cấp của bà Nguyễn Thị Năm là “tư sản địa chủ kháng chiến” (theo Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (viết trên báo Lao Động), ngày 22/07/2012)
Vậy tại sao lại có sự cố tình lảng tránh ghi công bà Nguyễn Thị Năm, mặc dù từ ông Hồ Chí Minh trở xuống đểu biết bà là ân nhân của đảng, là người đã đóng góp tài sản và nuôi ăn bộ đội trong nhiều năm?
Phải chăng, với thái độ kiêu ngạo Cộng sản gốc bần cố nông, lãnh đạo đảng CSVN chỉ biết lợi dụng lòng tốt của dân để củng cố quyền lực khi còn phải chiến đấu gian khổ. Nhưng sau khi thành công thì kết quả là của riêng mình như đảng đã trở mặt với các thành viên của Câu Lạc Bộ Truyền thống kháng chiến (tên ban đầu là Câu lạc bộ Những người Kháng chiến cũ) ở miền Nam, trong đó có các đảng viên kỳ cựu như Trần Văn Giàu, Trần Bạch Đằng và Trần Nam Trung.
Câu lạc bộ này, chính thức ra đời ngày 23/09/1986, nhưng bị Tổng Bí thư đảng Nguyễn Văn Linh ra lệnh đình chỉ hoạt động tứ tháng 03/1989 vì đảng cho rằng “các hoạt động đòi cởi mở của Câu Lạc Bộ đã đi quá đà.”
Nên biết lệnh giải tán Câu Lạc Bộ của ông Nguyễn Văn Linh được thi hành sau khi có Phong trào sinh viên xuống đường đòi tự do ở Bắc Kinh, và các biến động chính trị làm tan rã Thế giới Cộng sản ở Đông Âu và khối Liên Xô.

Vì vậy, nếu vụ Đồng Tâm đã quy tụ được một khối quần chúng đứng sau cụ Lê Đình Kình để đấu tranh bảo vệ chủ quyền đất, biến cụ thành một nông dân anh hùng ngay giữa Thủ đô Hà Nội thì không khỏi khiến Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, khó chịu. Do đó mà dư luận nhân dân có tư duy văn hóa đã không loại bỏ nghi ngờ là chính ông Trọng đã ra tay hạ sát cụ Kình để tiêu diệt uy tín và ngăn chặn ảnh hưởng của cuộc tranh đấu ở Đồng Tâm đến những vùng dân cư khác.
Cũng như bà Nguyễn Thị Năm bị đảng phản bội, nhưng vẫn được lịch sử ghi công thì Cụ Lê Đình Kình, dù bị mạ lỵ và vu khống nhưng con tim của dư luận người Việt trong và ngoài nước đã đứng về phía Cụ trong vụ Đồng Tâm./.
(01/2020)


Phạm Trần
danlambaovn.blogspot.com

 

 

 

Đăng ngày 31 tháng 1.2020