Chuyện Quê nhà

 

20 cây bút từ bỏ Hội nhà văn VN

 

Một số thành viên của nhóm vận động thành lập Văn đoàn độc lập


Hơn 20 nhà văn, nhà thơ đã ký tên vào đơn tuyên bố từ bỏ Hội nhà văn Việt Nam (HNVVN), trong đó có nhiều người nổi tiếng như nhà văn Nguyên Ngọc, nhà thơ Đỗ Trung Quân, giáo sư Nguyễn Huệ Chi, nhà văn Nguyễn Quang Lập.
Lá đơn được đăng tải trên trang mạng xã hội của các thành viên trong nhóm viết:
"Là những người viết văn đã nhiều năm tham gia Hội Nhà Văn Việt Nam, đã góp sức xây dựng Hội qua thời chiến cũng như thời bình, đã đau xót trước sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của Hội trong những năm gần đây và tích cực góp ý với Hội để khắc phục tình trạng ấy."
"Đến hôm nay, nhận thấy tình trạng suy thoái của Hội đã trở nên không thể cứu vãn nếu không có sự thay đổi nhiều điều căn bản trong điều lệ và tổ chức của Hội để Hội thực sự là một tổ chức nghề nghiệp tập hợp những người viết muốn xây dựng một nền văn học Việt Nam đích thực, tự do, nhân bản."
"Nhận thấy khả năng thay đổi trên càng không thể xảy ra khi lãnh đạo HNVVN đã tự tiện tước quyền tham gia Đại hội lần 9 sắp tới của chúng tôi với lý do chúng tôi là thành viên của một ban vận động thành lập một văn đoàn tương lai – đó là việc làm vi phạm trắng trợn điều lệ hiện hành của HNVVN, tước bỏ một trong những quyền cơ bản của hội viên và công dân, xúc phạm nghiêm trọng danh dự của người cầm bút."
"Chúng tôi tuyên bố từ bỏ Hội nhà Văn Việt Nam kể từ ngày hôm nay, 11 tháng 5 năm 2015."
Hội Nhà văn Việt Nam trước đó đã có hành động được cho là “loại bỏ” những hội viên trong nhóm vận động thành lập Văn đoàn độc lập Việt Nam.
Trong phiên bỏ phiếu bầu đại biểu đi dự Đại hội toàn quốc diễn ra ở TP. HCM ngày 5/5, lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam đề nghị những người tham dự gạch tên chín người sinh sống ở TP. HCM và tham gia Văn đoàn độc lập.
Chín người này là Ngô Thị Kim Cúc, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Lập, Dạ Ngân, Ý Nhi, Hiền Phương, Đỗ Trung Quân, Nguyễn Quang Thân, và Phạm Đình Trọng.
Tổ chức này xuất hiện tháng Ba năm ngoái với lời kêu gọi về “quyền tự do sáng tác và công bố tác phẩm”.
Lý do Hội nhà văn Việt Nam đưa ra để loại chín người này là họ tham gia một tổ chức “không được thừa nhận và có dấu hiệu phạm pháp”, theo tin từ đại hội nhà văn khu vực TP. HCM.
Các nhà văn, nhà thơ ký tên từ bỏ Hội nhà văn Việt Nam :

Nguyên Ngọc
Đỗ Trung Quân
Nguyễn Quang Lập
Nguyễn Huệ Chi
Phạm Đình Trọng
Võ Thị Hảo
Bùi Minh Quốc
Đặng Văn Sinh
Hoàng Minh Tường
Lê Hiền Phương
Ngô Thị Kim Cúc
Nguyễn Quang Thân
Thùy Linh
Vũ Thế Khôi
Ý Nhi
Dư Thị Hoàn
Trịnh Hoài Giang
Dạ Ngân
Nguyễn Duy
Trần Kỳ Trung

"Điều cần thiết"

Trả lời BBC ngày 12/5, nhà thơ Đỗ Trung Quân, một trong những người ký tên vào đơn, nói cá nhân ông cho rằng đó là "điều cần thiết".
Ông cũng cho biết ông "không ngạc nhiên" trước quyết định của Hội nhà văn Việt Nam.
"Thực ra mà nói cá nhân tôi thì có thể đoán trước , chỉ có không biết rõ thời điểm, và tôi không ngạc nhiên lắm."
"Sự lựa chọn của cá nhân tôi đối với Hội nhà văn, không có nghĩa là tôi phê phán các hội viên chưa từ bỏ Hội."
"Tôi bày tỏ thái độ đối với những người cầm nắm hội chứ không phải các anh em hội viên. Không phải khi chúng tôi ra rồi thì xem anh em trong hội là thế này thế nọ."
Ông cho biết cho đến nay, ông chưa nhận được phản hồi nào từ những người bên trong Hội nhà văn Việt Nam về quyết định của mình.
"Nhưng tôi nhận được nhiều phản hồi của những người bên ngoài hội," ông nói.
"Một trong những lời chú sâu sắc nhất với cá nhân tôi, là 'chúc mừng anh đã trở về nhân cách ngang bằng với một người dân đen'," ông cho biết thêm.
Trong số 20 người, có bốn người cũng đồng thời tuyên bố rời bỏ cả Văn đoàn độc lập, gồm: Nguyễn Quang Lập, Dạ Ngân, Nguyễn Duy và Trần Kỳ Trung.
Ông Trần Kỳ Trung nói với BBC: "Nhà văn muốn có tự do, không muốn phải lệ thuộc. Văn đoàn hay Hội nhà văn mình đều tôn trọng, nhưng tôn trọng nhất là sự tự do.”
Ông Trung cho biết “không có ai” vận động buộc ông rời bỏ cả hai tổ chức.
Nhìn về tương lai, ông nói: “Bất cứ ai, khi thấy một tổ chức đáp ứng được yêu cầu của họ, tổ chức đó làm đất nước tiến bộ, sẽ có rất nhiều người ủng hộ tổ chức đó.”

_____________________

 

Tuyên bố từ bỏ Hội Nhà Văn Việt Nam

Là những người viết văn đã nhiều năm tham gia Hội Nhà Văn Việt Nam (HNVVN), đã góp sức xây dựng Hội qua thời chiến cũng như thời bình, đã đau xót trước sự xuống cấp ngày càng nghiêm trọng của Hội trong những năm gần đây và tích cực góp ý với Hội để khắc phục tình trạng ấy;
đến hôm nay, nhận thấy tình trạng suy thoái của Hội đã trở nên không thể cứu vãn nếu không có sự thay đổi nhiều điều căn bản trong điều lệ và tổ chức của Hội để Hội thực sự là một tổ chức nghề nghiệp tập hợp những người viết muốn xây dựng một nền văn học Việt Nam đích thực, tự do, nhân bản;
nhận thấy khả năng thay đổi trên càng không thể xảy ra khi lãnh đạo HNVVN đã tự tiện tước quyền tham gia Đại hội lần IX sắp tới của chúng tôi với lý do chúng tôi là thành viên của một ban vận động thành lập một văn đoàn tương lai – đó là việc làm vi phạm trắng trợn điều lệ hiện hành của HNVVN, tước bỏ một trong những quyền cơ bản của hội viên và công dân, xúc phạm nghiêm trọng danh dự của người cầm bút;
chúng tôi tuyên bố từ bỏ HNVVN kể từ ngày hôm nay, 11 tháng 5 năm 2015.

Bùi Minh Quốc (hội viên HNVVN từ năm 1977)
Đặng Văn Sinh
Đỗ Trung Quân (hội viên HNVVN từ năm 1987)
Hoàng Minh Tường (hội viên HNVVN từ năm 1981)
Lê Hiền Phương
Ngô Thị Kim Cúc
Nguyên Ngọc (hội viên HNVVN từ năm 1957)
Nguyễn Huệ Chi (hội viên HNVVN từ năm 1984)
Nguyễn Quang Thân (hội viên HNVVN từ 1977)
Phạm Đình Trọng
Thùy Linh
Vũ Thế Khôi
Ý Nhi

Ghi chú:
- Cùng tham gia tuyên bố, nhưng đã công bố cá nhân quyết định từ bỏ HNVVN trước ngày 11/5/2015:
Võ Thị Hảo
Dư Thị Hoàn
Trịnh Hoài Giang

- Đã tuyên bố rút khỏi HNVVN cùng các hội đoàn khác (kể cả Ban Vận động VĐĐLVN):
Nguyễn Quang Lập
Dạ Ngân
Nguyễn Duy
Trần Kỳ Trung

http://vanviet.info/


VNEXPRESS:

20 tác giả rút khỏi Hội Nhà văn Việt Nam

Văn Việt: Tờ báo mạng chính thống có lượng người đọc hàng đầu VNEXPRESS loan tin này, trong đó nêu rõ “nhiều tên tuổi của văn học trong nước từ hơn nửa thế kỷ qua… nằm trong Ban Vận động Văn đoàn Độc lập Việt Nam”. Điều đó nói lên cái gì? Trước nhất, sự việc chưa từng có này trong đời sống văn học 60 năm qua cho thấy vấn đề tổ chức hội đoàn của các nhà văn rất được xã hội quan tâm, và phải được đặt lại một cách nghiêm túc. Hai nữa, việc vận động thành lập một Văn đoàn Độc lập là một thực tế không thể né tránh, không thể dìm đi, không thể ngăn cản, vì nó đi đúng tinh thần của thời đại. Mọi ứng xử tùy tiện, áp chế đối với nó chỉ gây nên những hiệu ứng ngược, không lợi gì cho đời sống văn hóa tinh thần của đất nước.

Nhiều tên tuổi của làng viết tuyên bố không muốn tiếp tục là hội viên của Hội Nhà văn.

Ngày 11/5, 20 nhà văn cùng tuyên bố rời khỏi Hội Nhà văn Việt Nam – nơi họ là những hội viên lâu năm. Trong số này có nhiều tên tuổi của văn học trong nước từ hơn nửa thế kỷ qua như: Nguyên Ngọc (Hội viên từ năm 1957), Ý Nhi, Nguyễn Duy, Nguyễn Quang Thân, Dạ Ngân, Ngô Thị Kim Cúc, Đỗ Trung Quân… Một trong những lý do được nêu khiến các tên tuổi này quyết định rời bỏ Hội Nhà văn là vì thất vọng với đường hướng hoạt động của Hội hiện nay.

Nhà văn Nguyên Ngọc (phải) và nhà văn Nguyễn Quang Thân là hai Hội viên lâu năm của Hội Nhà văn Việt Nam trước khi rời bỏ tổ chức này.

 

 

 

 

 

 

 

Nhà văn Nguyên Ngọc (phải) và nhà văn Nguyễn Quang Thân là hai Hội viên lâu năm của Hội Nhà văn Việt Nam trước khi rời bỏ tổ chức này.

Trong số 20 nhà văn tuyên bố rời khỏi Hội Nhà văn lần này, nhiều người có tên trong danh sách Ban vận động thành lập Văn đoàn Độc lập.
Nhà văn Ngô Thị Kim Cúc cho biết, cá nhân bà không có gì mâu thuẫn hay bất mãn với Ban chấp hành Hội. “Các hoạt động của Hội lâu nay không còn tạo sự hứng thú cho sáng tạo của hội viên. Vì vậy, việc hội viên không tiếp tục tham gia cũng là chuyện bình thường”, bà Cúc nói.
Nhà văn Thùy Linh bày tỏ: “Chỗ của nhà văn không phải chốn ồn ào. Tôi cần sự cô đơn để suy nghĩ và viết. Vì vậy tôi chia tay Hội Nhà văn. Cũng không cần phải giấy tờ gì. Tôi tuyên bố trên trang cá nhân của tôi là đủ”.
Trước sự việc này, nhiều tác giả bày tỏ ý kiến cho rằng, Hội Nhà văn Việt Nam cũng chỉ là một tổ chức nghề nghiệp. Vì vậy, việc người tham gia thấy không còn đóng góp được cho Hội, hoặc thấy không phù hợp quan điểm sáng tác thì rút khỏi tổ chức hội là điều bình thường.
“Tuy vậy, Hội Nhà văn Việt Nam cũng nên xem lại. Theo tôi, những người rút tên ở đây đều có tác phẩm tốt, tiếng nói của họ trong Hội nhà văn có uy tín lớn. Hội Nhà văn thì phải có người cầm bút xuất sắc ở trong ban chấp hành”, nhà thơ Lê Thiếu Nhơn chia sẻ ý kiến.
Nhà văn Trần Nhã Thụy – thành viên Hội Nhà văn Việt Nam – bày tỏ: “Tôi nghĩ bản chất hội hè thì thế thôi, những ai kỳ vọng vào hội thì sẽ thất vọng vì hội. Với tôi, hội hè chỉ là một cuộc chơi, một trò chơi. Và, nếu để bày tỏ một thái độ, tôi chọn sự im lặng để viết. Tôi nói trong những trang sách của mình”.
Trao đổi về việc một số nhà văn tuyên bố rời khỏi hội, ông Đỗ Hàn – Chánh Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam – cho biết, hiện tại văn phòng Hội chưa nhận được bất cứ đơn từ nào từ các tác giả nói trên.
“Nếu Hội nhận được đơn chính thức từ các nhà văn, Hội sẽ căn cứ theo điều lệ hoạt động để giải quyết”, ông Hàn cho biết.
Hội Nhà văn Việt Nam là một tổ chức của những người Việt Nam hoạt động sáng tác, dịch thuật và phê bình văn học. Thành lập vào năm 1957, hiện, Hội có khoảng 900 hội viên.
Nhà thơ Hữu Thỉnh là Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam 3 khóa liên tiếp (khóa thứ sáu, bảy và tám). Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ chín dự kiến diễn ra vào tháng 7 năm nay tại Hà Nội.
Thoại Hiền Chi

Nguồn: http://giaitri.vnexpress.net/


Tuyên bố Vận động thành lập

Văn đoàn độc lập Việt Nam

Sau năm 1975, kết thúc một thời kỳ lịch sử kéo dài hơn trăm năm, đất nước cần một cuộc phục hưng dân tộc căn bản, mà nền tảng là phục hưng văn hóa. Tiếc thay công cuộc cần thiết và nghiêm trang ấy đã không diễn ra như mong đợi. Trái lại văn hóa Việt Nam ngày càng suy thoái nghiêm trọng, lộ rõ nguy cơ đánh mất những giá trị nhân bản căn cốt nhất, uy hiếp đến cả sự tồn vong của dân tộc.
Những người viết văn tiếng Việt không thể nói rằng mình hoàn toàn không có phần trách nhiệm về thực trạng đó. Một trong những chức năng quan trọng nhất của văn học là thức tỉnh lương tri và bồi đắp đạo đức xã hội. Trong bước ngoặt lớn này của lịch sử, văn học Việt Nam đã không làm đúng được vai trò của mình.
Văn chương Việt Nam yếu kém có nguyên nhân chủ quan trước tiên thuộc chính người cầm bút là sự thờ ơ đối với trách nhiệm xã hội, vô cảm trước thời cuộc, quan trọng hơn nữa là thiếu độc lập tư duy, từ đó mà tự hạn chế năng lực sáng tạo.
Về mặt khách quan, một xã hội như chúng ta đang có, trong đó các quyền tự do cơ bản của con người thực tế bị vi phạm trầm trọng, đương nhiên đè nặng lên tâm lý sáng tạo của người cầm bút, làm mờ nhạt và tắt lụi các tài năng. Quyền tự do sáng tác và tự do công bố tác phẩm đang là đòi hỏi sống còn của từng nhà văn và của cả nền văn học. Không có những quyền tự do tối thiểu đó thì không thể có một nền văn học đàng hoàng.
Một thể chế tổ chức đời sống văn học nặng tính quan liêu và bao cấp càng làm nặng nề thêm tình hình, đồng thời lại không tạo được mối liên kết lành mạnh giữa những người viết để nâng đỡ và thúc đẩy nhau trong công việc, hỗ trợ nhau trong khó khăn. Trước tình cảnh kéo dài và nay đã trở nên cấp bách đó, chúng tôi, những người cầm bút ký tên dưới đây, quyết định vận động thành lập một tổ chức độc lập của các nhà văn viết bằng tiếng Việt ở trong nước và ngoài nước, lấy tên là Văn đoàn độc lập Việt Nam, với mong muốn góp phần tích cực xây dựng và phát triển một nền văn học Việt Nam đích thực, nhân bản, dân chủ, hiện đại, hội nhập với thế giới, có thể đóng vai trò tiền phong đúng như nó phải có trong sự nghiệp phục hưng văn hóa, phục hưng dân tộc mà lịch sử đang đòi hỏi.
Hoạt động của Văn đoàn độc lập Việt Nam nhằm vào những nhiệm vụ cụ thể sau đây:

Đoàn kết tương trợ giữa những người viết văn tiếng Việt trong và ngoài nước;
Tạo điều kiện nâng cao về nghề nghiệp, thúc đẩy sáng tạo cá nhân, khuyến khích đổi mới trong sáng tác và nghiên cứu phê bình văn học và ngôn ngữ;
Bảo vệ mọi quyền lợi vật chất và tinh thần chính đáng, hợp pháp của hội viên, đặc biệt là quyền tự do sáng tác và công bố tác phẩm, cũng như quyền tự do tiếp cận tác phẩm văn học của mọi người.

Văn đoàn độc lập Việt Nam là một tổ chức của xã hội dân sự, ái hữu nghề nghiệp, hoàn toàn độc lập đối với mọi hệ thống tổ chức và thiết chế trong và ngoài nước.
Điều lệ và Chương trình hành động cụ thể của Văn đoàn sẽ được hình thành và công bố trong quá trình vận động. Mọi liên lạc xin gửi về email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
Hà Nội ngày 3 tháng 3 năm 2014
TM Ban vận động
Nguyên Ngọc

Danh sách Ban Vận động thành lập Văn đoàn Độc lập Việt Nam
(cập nhật ngày 12/5/2015)

Nguyên Ngọc – nhà văn (Trưởng ban)
Bùi Chát – nhà thơ
Bùi Minh Quốc – nhà thơ
Bùi Ngọc Tấn – nhà văn (đã quá cố)
Chân Phương – nhà thơ, dịch giả (Hoa Kỳ)
Châu Diên – nhà văn, dịch giả
Dư Thị Hoàn – nhà thơ
Dương Thuấn – nhà thơ
Dương Tường – nhà thơ, dịch giả
Đào Tiến Thi – nhà nghiên cứu ngôn ngữ & văn học
Đặng Tiến – nhà nghiên cứu phê bình (Pháp)
Đặng Văn Sinh – nhà văn
Đoàn Thị Tảo – nhà thơ
Đỗ Lai Thúy – nhà nghiên cứu phê bình văn học
Đỗ Trung Quân – nhà thơ
Giáng Vân – nhà thơ
Hà Sĩ Phu – nhà văn
Hiền Phương – nhà văn
Hoàng Dũng – nhà nghiên cứu ngôn ngữ
Hoàng Hưng – nhà thơ, dịch giả
Hoàng Minh Tường – nhà văn
Lê Hoài Nguyên – nhà thơ
Lê Minh Hà – nhà văn (CHLB Đức)
Lê Phú Khải – nhà văn
Lưu Trọng Văn – nhà văn
Mai Thái Lĩnh – nhà nghiên cứu triết học, văn hóa
Nam Dao – nhà văn (Canada)
Ngô Thị Kim Cúc – nhà văn
Nguyễn Bá Chung – nhà thơ (Hoa Kỳ)
Nguyễn Đức Dương – nhà nghiên cứu ngôn ngữ
Nguyễn Huệ Chi – nhà nghiên cứu văn học
Nguyễn Quang Thân – nhà văn
Nguyễn Quốc Thái – nhà thơ
Nguyễn Thanh Giang – nhà thơ
Nguyễn Thị Hoàng Bắc – nhà thơ (Hoa Kỳ)
Nguyễn Thị Thanh Bình – nhà văn (Hoa Kỳ)
Phạm Đình Trọng – nhà văn
Phạm Nguyên Trường – dịch giả
Phạm Vĩnh Cư – nhà nghiên cứu văn học, dịch giả
Phạm Xuân Nguyên – nhà phê bình văn học, dịch giả
Phan Đắc Lữ – nhà thơ
Phan Tấn Hải – nhà văn (Hoa Kỳ)
Thùy Linh – nhà văn
Tiêu Dao Bảo Cự – nhà văn
Trang Hạ – nhà văn, dịch giả
Trần Đồng Minh – nhà nghiên cứu văn học
Trịnh Hoài Giang – nhà thơ
Trương Anh Thụy – nhà văn (Hoa Kỳ)
Võ Thị Hảo – nhà văn
Vũ Biện Điền – nhà văn (Nhật Bản)
Vũ Thế Khôi – nhà nghiên cứu văn học, dịch giả
Vũ Thư Hiên – nhà văn (Pháp)
Ý Nhi – nhà thơ
Vũ Ngọc Tiến – nhà văn
Thế Dũng – nhà thơ (CHLB Đức)
Đoàn Thanh Liêm – nhà nghiên cứu văn hoá (Hoa Kỳ)


Văn Đoàn Độc Lập trong bước thử thách mới

Tiêu Dao Bảo Cự

Ban Vận Động Thành Lập Văn Đoàn Độc Lập Việt Nam (sau đây gọi tắt là Văn Đoàn Độc Lập hay Văn Đoàn) hiện nay có thể nói đang đứng trước một vận hội mới khi Ban Chấp Hành Hội Nhà Văn Việt Nam chỉ đạo gạch tên các hội viên là thành viên Văn Đoàn, không cho đi tham dự đại hội Hội Nhà Văn sắp tới.

Từ ngày hình thành, Văn Đoàn đã gặp nhiều thử thách: bị vu cáo là tổ chức phản động, do các thế lực thù địch giật dây; các thành viên không được đăng bài trên các báo chính thống; một số bị o ép hù dọa cả bản thân và gia đình; một số tự ra khỏi Văn Đoàn (có người vì lý do hoàn toàn riêng tư, có người do bị o ép…). Thử thách này là một yếu tố khách quan tác động chứ không phải do nội bộ Văn Đoàn nhưng lại đặt ra nhiều vấn đề đối với người trong cuộc.

Nhà văn Phạm Thị Hoài trong bài viết “Bạn muốn gì ở Hội Nhà Văn Việt Nam” (Bài đăng trên báo Trẻ, 11/5/2015, đăng lại trên FB https://www.facebook.com/notes/10206278409175926/ ) đã phân tích một cách triệt để, nghiêm khắc cách ứng xử của một số nhà văn thành viên Văn Đoàn Độc Lập và đặt thẳng câu hỏi về vai trò đích thực của cả Văn Đoàn.

Phạm Thị Hoài phân tích rất đúng nhưng có tính cách thuần lý vì chưa đặt vấn đề trong bối cảnh của tình hình Việt Nam hiện nay. Bối cảnh đó có thể tóm tắt trong mấy đặc điểm:
- Ở trong nước, nỗi sợ vẫn còn đè nặng lên mọi người, dĩ nhiên không loại trừ các nhà văn, chế độ độc tài toàn trị chi phối mạnh mẽ và khắc nghiệt toàn xã hội.
- Đối với những người còn trong bộ máy nhà nước và cả dân thường, quyền lợi và nhu cầu mưu sinh là mối quan tâm hàng đầu, nếu không nói là sinh tử.
- Tình hình chính trị – xã hội về một cách nhìn, là một mớ bùng nhùng, đôi khi thiện – ác đan xen, tốt – xấu lẫn lộn, đối lập – thỏa hiệp mập mờ…
- Đối với những người đấu tranh cho dân chủ, tự do, nhân quyền nói chung, đây là một hình thái du kích chiến, không phân biệt rõ ràng chiến tuyến, theo kiểu lấn từng bước, chiếm từng phần, trên một bản đồ da beo mà phần tự do còn rất hạn hẹp.
Vì vậy nên trong Văn Đoàn Độc Lập có chuyện vào ra, thành viên bị gạch tên, phát biểu kiểu Trần Kỳ Trung, chuyện Hữu Thỉnh cụng ly, thành viên là hội viên Hội Nhà Văn tuyên bố ra khỏi hội với nhiều kiểu phát ngôn khác nhau…

Văn Đoàn Độc Lập, với tên gọi Độc Lập của mình, với những mục tiêu xác định trong bản Tuyên bố ra mắt, cũng như sloggan “Vì một nền Văn học Việt Nam tự do, nhân bản” của trang web Văn Việt, diễn đàn của Văn Đoàn, đã khẳng định một vị thế và hướng đi khác hẳn với Hội Nhà Văn Việt Nam, một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp do đảng Cộng sản lãnh đạo.
Do đó, các câu hỏi nghiêm túc và gay gắt của Phạm Thị Hoài, một đồng nghiệp đang ở nước ngoài, trong bài viết nói trên, làm cho người ta không thể không suy nghĩ:
Câu hỏi đặt ra là: Văn đoàn Độc lập đang được vận động thành lập sẽ nằm ở tọa độ nào?”

“Chẳng lẽ Văn đoàn Độc lập phải sinh ra, với bao rắc rối và hoài bão lớn lao, chỉ để cung cấp thêm một người bạn nữa, bé nhỏ nhưng mà thiện tâm, cho Hội Nhà văn? Nó mong được Hội coi trọng hay coi thường?”

“Chỉ lặng lẽ thôi sinh hoạt Hội hoặc tuyên bố mừng muộn khi bị Hội gạch tên, theo tôi, là không đủ trong bối cảnh cụ thể của sự kiện này. Phần lớn trong số họ là những tác giả đã ngoài sáu mươi, đã thành đạt về cả phương diện nghề nghiệp lẫn vị thế xã hội và hoàn toàn có thể độc lập tồn tại ngoài guồng máy văn nghệ chính thống. Nếu những người như thế còn nấn ná trong vòng trói buộc thì họ sẽ vận động được ai tham gia?”

Văn Đoàn Độc Lập từ khi hình thành hoạt động chủ yếu thông qua trang web Văn Việt và những gì làm được đã cho người đọc một niềm hi vọng nhưng trước mắt còn là một quãng đường rất dài.

Việc Ban Chấp Hành Hội Nhà Văn thành công dễ dàng trong việc “gạch tên” các hội viên là thành viên Văn Đoàn qua các cuộc họp từng khu vực cho thấy sự thao túng của Hội và ngoan ngoãn của hội viên, một tình hình đáng buồn cho văn giới, những người được coi là trí thức có tiếng nói của lương tri và trí tuệ.

Sự kiện mới nhất 20 thành viên Văn Đoàn tuyên bố từ bỏ Hội Nhà Văn, phần lớn do “tác động gạch tên” của Hội này, dù là một cách phản ứng thụ động chứ không phải hành vi chủ động, cũng là một quyết định chọn lựa mạnh mẽ và minh bạch, một bước tiến mới trên quãng đường còn lắm chông gai.

Đó không chỉ là lựa chọn của các thành viên Văn Đoàn mà còn là của bất cứ nhà văn nào nếu thực sự muốn làm một nhà văn chân chính và cũng để tránh tình trạng đáng buồn theo cách nói mang tính hình tượng và ẩn dụ của Phạm Thị Hoài “những văn hào quốc doanh thành đạt đang chùng chình trước buổi hoàng hôn của Đi tìm cái Tôi đã mất”

TDBC

13/5/2015

http://vanviet.info/