“Cộng sản là loài cỏ dại, mọc trên hoang tàn của chiến tranh, là loài trùng độc, sinh sôi, nẩy nở, trên rác rưởi của cuộc đời.”  Đạt Lai Lạt Ma


Bài học của Ngài Đạt Lai Lạt Ma

Tình thương và đức tin

"Đức tin mù quáng là một sự ngu xuẩn" (Đạt Lai Lạt Ma)

Phan Văn Song

Tin tức tuần nầy, lắm nổi đau thương. Quân đội Nga cùng quân của độc tài Bachar Al-Assad đội bom liên tục vào thành phố Alep, giết hại thường dân Syriens và đang triệt hạ dần dần sức kháng cự của dân nổi dậy. Đồng thời không quân liên quân Pháp Mỹ cũng đang dội bom tới tấp vào thành phố Mossoul, giết hại thường dân Irak và đang dần dần triệt hạ sức kháng cự của quân đội của nhóm Daesh quá khích! Giải phóng Alep, thế giới tự do Pháp Mỹ Âu Châu chống đối, cho rằng Nga và nhà cầm quyền Syrie đương thời sai! Giải phóng Mossoul, thế giới tự do ủng hộ cho rằng Daesh quá khích phải được dẹp bỏ. Đâu là sự thực? Người dân Irak ở Mossoul, người dân Syriens ở Alep lãnh đủ. Đâu là lẽ phải? Tin vào lẽ phải nào? Và Tình thương nhơn loại? Dưới những trận mưa bom, tại sao ta đau xót cho dân Alep? Mà tại sao ta không thương dân chúng Mossoul? Ai là nạn nhơn? Nạn nhơn mà cũng có hai loại sao? Nạn nhơn của chánh nghĩa, nạn nhơn của tà phái. 
Riêng Việt Nam ta tuần nay, cũng chứng kiến một cuộc biểu tình rầm rộ của dân chúng đồng bào vùng Hà Tĩnh và cả bốn tỉnh miền Trung, nơi có Nhà Máy Formosa, trách nhiệm của cuộc đầu độc khổng lồ vừa qua cả một vùng biển Việt Nam ta, vì không tôn trọng quy trình sản xuất, xả bừa bải chất độc vào nước biển. Lần đầu tiên một cuộc biểu tình của dân chúng mà bọn Công An của nhà cầm quyền Cộng Sản bán nước không dám đàn áp. Vững tin vào công lý, vững tin vào đoàn kết, vững tin vào sự thật! Người dân Việt Nam đã dám xuống đường nắm quyền tự chủ, đòi hỏi công lý và sự thật. Một chơn trời mới đang hé mở! Một Việt Nam mới đang thành hình! Một người Việt mới đang đứng dậy!
Tình thương nhơn loại và đức tin vào lẽ phải, nhiều quan điểm? Hay tình thương nhơn loại và đức tin chánh nghĩa chỉ có một nguyên lý, phổ biến, đại đồng, toàn thể, muôn thuở!

1. Tình thương 
Mọi bà con chúng ta mặc dù khác biệt tôn giáo nhau đều biết bài học căn bản về Tình thương. Người đi Đạo Chúa, như chúng tôi, đã được học câu sau đây: «Con hãy mến Chúa với tất cả con tim, với tất cả tấm lòng, với tất cả lý trí của con. Và con hãy thương yêu nhơn loại, như thương yêu con vậy!» Ma-ti-ơ 22: 34 - 40 (Kinh Thánh-Bible)
Căn bản của Đạo Thiên Chúa là Tình Thương. «Mến Chúa, Thương Người» Dễ dàng qua! Dễ dàng như một quân nhơn tuân lệnh. Nhưng sự thật, rất khó!
Trong bài giảng thứ nhứt của tông đồ Jean đã nói: "Ai là người nói, vừa yêu Thiên Chúa vừa thương một người anh em, tuy hắn ta là một tên lưu manh. Làm sao ta có thể yêu Thiên Chúa một người ta không thấy và ta lại không thương yêu một người huynh đệ mà ta thấy?"
Vậy thì, Tình thương là gì? Tình thương chỉ là những cố gắng không làm những gì mà ta không thích tha nhơn làm phiền chúng ta, và ta làm tất cả cho tha nhơn, những gì, ta mong tha nhơn làm cho ta. Nói như vậy, một người đi đạo Thiên Chúa, đã được học lời Chúa dạy, đã là người biết vâng lời Chúa dạy, đã là học trò của Chúa, mà không biết ban Tình Thương (cho tha nhơn), là có tội! Một tội rất lớn, về mặt đạo đức! Về mặt tinh thần nữa!
Kinh Thánh Thiên Chúa Giáo - La Bible dạy chúng ta ba loại Tình thương - Amour – Love
Tình thương thứ nhứt, tên Hy lạp là Eros. Tạm dịch Việt ngữ là Tình yêu. Đây là Tình yêu giữa hai người, hai cá nhơn. Lôi cuốn, cuồng nhiệt, thèm khát nhau, dục vọng "cho lăn lóc đácho mê mẫn đời" (Kiều) Nhưng luôn luôn, với ý đồ xâm chiếm lẫn nhau, người nọ xâm chiếm người kia, nhục dục có thể, đam mê là cái chắc! Hoàn toàn xâm chiếm lẫn nhau, cuộn tròn vào nhau, hòa nhập vào nhau, xâm nhập lẫn nhau, nhốt kẻ nầy vào kẻ kia, không để người nầy thoát được người kia. Và Tình Yêu nầy, thường được các thi sĩ, nhạc sĩ, từ ngàn xưa đến ngày nay, ca tụng. Thế nhưng, nếu không toại, biến thành những ca khúc bi ai, tuyệt vọng, đổ vỡ. Bao nhiêu tự tử, vì ghen tương hay bao nhiêu giết chóc, bao nhiêu án mạng vì giận vì hờn, vì ghen vì tức!
Tình Thương thứ hai, tên hy lạp là Philae, tạm dịch là Tình Thương. Thương người, thương nhơn loại, tình huynh đệ, nghĩa đồng loại, đồng bào. Tình Thương không trói buộc người nọ với người kia. Tình Thương có trao đổi, hai chiều, có qua có lại. Tình huynh đệ, tình bạn bè, chí cốt, có khi lẫn lộn tý tình yêu, nhưng tương trọng, tương quý, xây dựng trên ngưởng mộ, trên trao đổi, quý trọng, gần gũi, tương hợp, trên tình trên nghĩa… và luôn luôn, do một sự gặp gỡ, trao đổi, lựa chọn lẫn nhau. 
Và cuối cùng, Tình Thương mà Jésus đã dạy con cái Chúa là Agape, xin tạm dịch là Mến Chúa. Tiếng Việt ta giàu có có ba từ ngữ để diển tả từ Amour - Love của Âu Mỹ. Nhưng Agapecũng còn có thể dùng để tả cái tình nhơn loại, cái nghĩa đồng bào, Tình Thương tha nhơn, nhưng một tình thương không đòi hỏi phải có trả lời, phải có trao đổi. Hoàn toàn một chiều, tình thương nhơn loại, tình thương đồng loại, đồng bào, tha nhơn. Tình Thương cho không, biếu không, tặng không… Tặng, biếu, cho, không đòi hỏi trao đổi. Và không cần trao trả. Cho tha nhơn, nhưng cũng có thể cho cả… kẻ thù. Và đó là Tha thứ - Le Pardon - Forgiveness.

2. Đức tin, bài học Ngài Đạt Lai Lạt Ma
dalai lamaNgài Đạt Lai Lạt Ma đã tiếp và cho phép Tuần Báo "Obs" (Tên thông dụng ngày nay của tuần báo Nouvel Observateur-Người Quan Sát Mới) một buổi phỏng vấn. Sau đây là tường thuật của phóng viên Ursula Gauthier đăng trên số 2707, tuần 22 đến 28 tháng chín nầy. Phan Văn Song chúng tôi, xin phỏng dịch để hầu quý bà con thân hữu:
"Lần nầy, sức ép của Lãnh Sự Quán Trung Cộng vô hiệu. Tại Strasbourg-Đông Bắc nước Pháp, Ngài ĐạtLai LạtMa nhận sự tiếp đón niềm nở của cả hai cơ quan, vừa của thành phố lẫn của âu châu (Strasbourg là nơi có Tòa Quốc hội Âu Châu). Suốt cả hai ngày cuối tuần, Ngài bỏ công sức để giảng dạy một án văn triết lý của thế kỷ thứ II cho một đám đông gồm 8000 người ngưởng mộ Ngài, tụ họp tại Nhà Hát Lớn Zénith, của thành phố êm đẹp nấy của nước Pháp. Cũng tại đấy, Ngài tiếp chúng tôi trong một phòng khách nhỏ, kín đáo, ấm cúng, trên lầu.
Khi chúng tôi nhắc đến bi kịch Tây Tạng, đến làn sóng tự thiêu, ánh mắt đang tươi của Ngài bổng tối sầm lại. Từ năm 2009, 145 người dân Tây Tạng đã biến thành 145 bó đuốc để phản đối Beijing-Bắc Kinh, vì quyết tâm giữ lời khuyên là đấu tranh bất bạo động của người lãnh đạo tinh thần của họ: "Đây là một vấn đề rất khó khăn đối với tôi, Ngài ĐạtLai LạtMa thở dài nói: "Tự vận, đối với người Phật tử, là một hành động hung dữ, một bạo động. Tôi không thể chấp nhận được. Nhưng nếu tôi tỏ lời phản đối, những gia đình đã đau khổ vì đã mất mát người thương, nay sẽ bị tổn thương thêm… Tôi đành im"
Ngay cả trên bình diện chánh trị, Ngài cũng nhìn nhận sự bế tắc hoàn toàn: "Kết quả của những tự thiêu? Ngoài "thông tin – kêu gọira – (Ngài dùng từ publicité-quảng cáo, PVS) - tất cả vô hiệu đối với phe các lãnh đạo "cứng rắn" của Tàu!»
Giới trẻ Tây tạng hiện đang mất nhẫn nại, càng ngày càng khó chấp nhận sự chiếm đóng của người Tàu: "Một người có trách nhiệm, đến từ Lhassa (thủ phủ Tây Tạng) gặp tôi và báo cho tôi biết rằng, nếu lúc xưa các người dân tây tạng có tuổi thường khá bằng lòng với cuộc sống hằng ngày. Ngày nay, trái lại, giới trẻ rất nóng ruột và đầy bất mãn, muốn hành động ngay. Tôi còn sống, may ra họ còn tự kềm chế, không có bạo động. Nhưng sau khi tôi mất? Câu trả lời của tôi lúc ấy và ngay cả bây giờ đều một lời: nguyên tắc bất bạo động phải được tôn trọng dù tôi còn sống hay tôi mất. Tôi mong rằng người dân Tây tạng không quên nguyên tắc nầy, là một nguyên tắc căn bản của văn hóa Tây tạng chúng tôi"
Làm sao đối diện với bạo quyền Beijing-Bắc Kinh, bằng mọi giá, không thay đổi chánh sách và lập trường? "Chúng ta chớ quên rằng quyền lực ở Trung Hoa thuộc vào người dân Trung Hoa, không phải là sở hữu riêng của Đảng Cộng sản Trung Hoa. Nhơn dân Trung Hoa mãi mãi trường tồn. Còn Đảng Cộng Sản có chắc sống mãi chăng? Sau 10 năm, 20 năm, 30 năm? Cách lựa chọn của chúng tôi là đối thoại và giữ liên lạc với các bạn bè người Trung Hoa ủng hộ lập trường và chánh nghĩa của người Tây tạng, và nhóm bạn bè ngườiTrung Hoa ấy mỗi ngày mỗi đông hơn!" 
Tuy là một nhà lãnh đạo tinh thần, với hàng ngàn đệ tử và người ngưởng mộ trên thế gìới, Ngài vẫn giữ một phong thái đầy nét bình dân. Ngài không ngần ngại, ngồi diễn thuyết với một cái khăn ướt đặt trên đầu "để làm nguội bớt bộ óc". Ngài không muốn quan trọng hóa con người của Ngài. Ngài thường cho rằng thế giới quá quan trọng hóa những "bề ngoài", thích hào nhoáng, nhìn vào thành công, thích quyền lực, thích tiện nghi tân thời vân vân…, và bỏ quên những giá trị "bề trong" của con người, những giá trị "con người" - như đi tìm sự đối thoại, đi tìm gặp gở, lòng vị tha, đi tìm cái nhìn lạc quan, và lòng thương người biết chia sẻ…Và chính cái văn hóa "duy vật" ấy đã tạo ra bao nỗi đau thương tạo bao xáo trộn của xã hội ngày nay.
Những giá trị như lòng vị tha, tình yêu tha nhơn, chúng ta đừng xem đấy như chỉ là những lời hứa hẹn, những giấc mơ suông. "Khoa học ngày nay đã chứng minh đấy những đức tánh có sẳn, trời ban của con người" Ngài quả quyết với chúng tôiMột sai lầm thứ hai là xem đây như những đức tánh do Đức Tin – Tôn Giáo mang đến tuy phần Đạo Đức ấy có trong tất cả những Tôn Giáo. Để tránh những bi kịch đã xảy ra trong thời gian vừa qua, Ngài mong rằng những giá trị ấy phải được truyền dạy, đặt thành một chương trình giáo dục của thế giới, từ ngay từ tuổi trẻ từ hạ tầng đến thượng tầng giai cấp mọi xã hội.
Những quyết định của Ngài nay đã tạo thành một mẫu mực. Năm 2011, Ngài từ nhiệm mọi sứ mệnh chánh trị. Từ nay, các nhà lãnh đạo dân cử sẽ quản trị định mệnh của các người Tây Tạng tỵ nạn Cộng sản lưu vong. « Dân chủ sẽ là thế chế chánh trị tốt nhứt, để bảo đảm cái thực thi của cộng đồng ấy. Riêng về cái cơ chế Đạt Lai Lạt Ma, có từ hơn bốn thế kỷ nay, tôi đã sung sướng và hãnh diện, xóa bỏ nó!» Ngài hãnh diện kể cho chúng tôi nghe. "Cái thế chế đó lẫn lộn Thần quyền và Thế quyền, rất phong kiến, đã lỗi thời, nên phải phá bỏ. Người kế nhiệm tôi, nếu có, sẽ không có một trách nhiệm chánh trị nào". 
"Think, think, think- Hãy suy nghĩ, hãy suy nghĩ, hãy suy nghĩ" Ngài không ngớt chỉ tay lên trán nhắc nhở: "Think, Think ..." "Tất cả những cầu nguyện, những lễ nghi, những cúng bái hay những ưu ái, lễ giáo, tôn trọng giành cho các vị lãnh đạo tinh thần không đem lại những thay đổi quan trọng cho tinh thần hay đạo đức của các giáo hữu, lòng thành của con người, hay của bá tánh loài người, hay sự tốt lành cho thế giới như Đức Phật đã chỉ dạy. Đức Tin mù quáng, kể cả đối với những bản văn, những văn kiện, những bài kinh, bài giảng dù là bài giảng giá trị nhứt của một vị cao kiến nhứt, với tất cả những gì gọi là thiêng liêng nhứt của Phật Giáo đi nữa, cũng chỉ là một sự Ngu Xuẩn.". Và Ngài dẫn giài tiếp:"Hãy để Đức Tin Mù Quáng cho những kẻ không có cơ hôi phát huy sự thông minh của họ. Còn những ai, may mắn, có được "cái máy toàn hảo là khối óc" thì nên sử dụng ngay đi, để phục vụ sự hiểu biết. Một tỷ lần vái lạy không bằng một ngày nghiên cứu chăm học"
Đối với sự sùng bái đạo giáo. Riêng đối với Phật Giáo, Ngài cứng rắn chỉ trích mọi hành vi sùng đạo quá lố, "rất xa" với cái "sự thật", cái "tinh túy – l’essence" của Đạo là Tình Yêu – l’Amour và Tình Thương (Chia sẻ với) Tha Nhơn – la Compassion. "Lắm lúc, khi tôi nhìn thấy phương cách và phong cách của vài anh lãnh đạo tôn giáo, kể cả Phật Giáo, quá lố bảo vệ Đức Tin, tôi trộm nghĩ, lắm lúc thế giới có thể sanh hoạt yên lành hơn nếu không có Tôn Giáo".
Riêng về Hồi Giáo, Ngài không xem đấy là một biệt lệ: "Những hành vi phi pháp, "ngoài xã hội" của những người Hồi giáo "quá khích" không cho phép chúng ta vội vàng đánh giá toàn thể Hồi Giáo. Nếu như vậy, chúng ta hãy đánh giá Phật Giáo là một tôn giáo đầy thù hận, do vài hành vi đầy hận thù của vài ông sư quá khích ở Miến Điện. Dù có dẫn chứng bằng vài câu trong Kinh Coran có lời khuyên hung dữ hay răn đe vẫn không chứng minh gì cả. Chúng ta, người Phật tử trong kinh kệ chúng ta, cũng có vài đoạn nói về cái "nghiệp ác". Nhơn danh "cái nghiệp-dharma" mà chấp nhận sự hung dữ. Tất cả những việc ấy không liên quan gì cả với cái tinh túy-l’essence của đạo cả. Tất cả do nền giáo dục, sự thông minh trong nghiên cứu kinh kệ, trong trao đổi, trau dồi nghiên cứu, tham luận.". Nói tóm lại, một tư tưởng mở - một open mind- một esprit ouvert
Think, think, think như Ngài đã dạy.
Cám ơn Ngài Đạt Lai Lạt Ma.

Để thay lời kết:
Xin phép dịch bài thơ của tu sĩ Saint Vincent de Paul (1581-1660) để chia sẻ cùng quý vị.
Ở Sàigòn ngày xưa ta có một bệnh viện Saint Vincent de Paul, chắc vài quý bà con còn nhớ!
Tôi chỉ xin phép đổi "từ Heureux" (Tu sĩ Vincent de Paul dùng chữ đầu trong bài Giảng trên núi của Jêsus trong Kinh Thánh: Heureux qui… Phước thay cho những ai…) sang "Cám ơn".
Cám ơn những ai! Heureux ceux qui
Cám ơn những ai đã trọng bàn tay khô cằn và bàn chơn méo mó của tôi. Heureux ceux qui respectent mes mains décharnées et mes pieds déformés. 
Cám ơn những ai đã nói chuyện với tôi, dù ngày nay đôi tai của tôi không nghe kịp. Heureux ceux qui conversent avec moi, bien que j’aie désormais quelque peine à entendre leurs paroles.
Cám ơn những ai đã hiểu ngày nay mắt tôi đã mờ, và óc tôi đã chậm. Heureux ceux qui comprennent que mes yeux commencent à s’embrumer et mes idées à s’embrouiller
Cám ơn những ai đã bỏ thời gian và giữ nụ cười để nói chuyện với tôi. Heureux ceux qui, en perdant le temps à bavarder avec moi, gardent le sourire.
Cám ơn những ai đã không nói rõ tôi rằng đây là lần thứ ba anh đã kể chuyện nầy rồi. Heureux ceux qui jamais me font observer: "C’est la troisième fois que vous me racontez cette histoire"
Cám ơn những ai đã thốt tiếng yêu thương tôi và nói rằng tôi còn là con người hữu ích. Heureux ceux qui m’assurent qu’ils m’aiment et que je suis encore bonne ou bon à quelque chose.
Cám ơn những ai đã giúp tôi đi sống với mùa thu của đời tôi. Heureux ceux qui m’aident à vivre l’automne de ma vie.
Cám ơn quý bà con và thân hữu đã chia sẻ bài viết tuần nầy.

Hồi Nhơn Sơn tháng 10 2016
Ts Phan Văn Song

 

Đăng ngày 18 tháng 10.2016