Truyện dài

         Chùm hoa cosmos

Vài hàng về tác giả Lưu An:
- Tên thật Vũ Ngọc Ruẩn, sinh năm 1946 tại Xuân TRường, tỉnh Nam Định, Viêt Nam
- Bút hiệu Lưu An & Thượng Xuyên Lộ
- Di cư vào Nam năm 1954
- Học sinh trường Chu Văn An Saigon (1959-1966)
- Học tại Trung tâm QG Nông Nghiệp, tốt nghiệp ngành Thú Y & Chăn nuôi (1971)
- Làm giảng viên cho Phân khoa Nông nghiệp, Đại học Cần thơ (1971-1975)  
- Tu nghiệp dài hạn tại Nhật bản về biến chế ngư sản, Đại học Kagoshima (1974-1977)  
- Sau khi tốt nghiệp Master về thực phẩm biến chế, làm việc cho công ty biến chế thực phẩm Tanigawa Butsusan (1977-1979)
- Định cư tại Thuỵ Sĩ, làm việc khảo cứu cho Đại học bách khoa liên bang Thuỵ Sĩ, ngành Hoá học thực phẩm (1979-1983)
- Khảo cứu về dinh dưỡng cho viện khảo cứu (Institute für Ernaerung Forschung, Rueschlikon, Zuerich), kiểm xét vệ sinh thực phẩm cho Central Labor tại Zuerich (1983-1996).
- Bị dị ứng hoá chất nên giảm việc làm chuyên môn dần dần, rồi cùng với gia đình hoạt động trong ngành giáo dục (Kindergarten và âm nhạc). Cộng tác với nhóm chuyên viên Nhật kiều tại Thuỵ sĩ trong lãnh vực tài chánh cho đến khi thực sự hồi hưu ( 2013).
- Viết rải rác cho nhiều tạp chí tại hải ngoại ( Nghệ Thuật, Làng Văn, Phụ nữ diễn Đàn, Viên Giác v.v...) và nhiều báo mạng dưới vai trò cộng tác viên tự do, không chuyên nghiệp, không gò bó với bất cứ đoàn thể chính trị nào trong cũng như ngoài nước. Việc viết lách như một thú tiêu khiển trong cuộc sống, chủ đề thuần tuý trong văn chương, đạo đức xã hội và chuyên môn về thực phẩm, dinh dưỡng.
- Trong lãnh vực văn nghệ đã xuất bản: Tuyển tập truyện ngắn Sayonara, Truyện dài Chùm Hoa Cosmos, Truyện Tân liêu trai chí dị, Truyện ma quái kinh dị…
-  Trong lãnh vực chuyên môn, đã xuất bản: “Dinh Dưỡng Học & Những bệnh dinh dưỡng thông thường“, sách khổ lớn, 600 trang do nhà xuất bản Đại học Quốc Gia TP Hồ Chí Minh, VN phát hành (2005).
-  Gia đình đa quốc tịch, con cháu hiện định cư tại Thuỵ Sĩ và Nhật bản.


Chùm hoa cosmos

(Hoa Cúc Bướm)

Lưu An

Kính dâng Hương hồn mẹ tôi.
Kính tặng Bố tôi và toàn thể gia đình những đứa em của tôi.
Cho Eiko - người vợ mà tôi mãi mến yêu - Ryoichi, Mai Hiromi và Lan Miyuki với nhiều ước muốn, thương yêu.
Cho Hạnh, người tình vắn số mà tôi miên viễn không quên.

Chương 1
Ngồi trên chiếc xe đò chật chội. Đoàn vẫn còn nguyên vẹn cảm giác mệt mỏi, tiếc nhớ một tuần lễ nghỉ phép rong chơi vừa qua ở Sàigòn, với đám bạn bè thủa niên thiếu đã nhiều năm, anh chưa một lần gặp lại. Những bữa ăn nhậu thâu đêm suốt sáng, ngồi bên nhau kể lể tâm sự buồn vui về những kỷ niệm xa xưa. Nói cho nhau nghe những đổi thay, mất mát của mỗi đứa trong hoàn cảnh chiến tranh của đất nước... Tất cả đang lần lượt phô diễn trở lại trong trí nhớ cuả Đoàn. Cảm giác buồn bã chợt đến xâm lấn tâm tư Đoàn, khi nghĩ đến những bất hạnh của cả một thế hệ trong lứa tuổi của mình. Thế hệ đã  không may sinh ra, lớn lên, và bị đẩy vào khói lửa của một cuộc chiến tranh kéo dài qúa lâu !
Ngồi bên cạnh Đoàn, cùng trên chiếc ghế dài chật chội của chiếc xe, cô thiếu nữ khá xinh đẹp trong chiếc áo dài mầu vàng nhạt, chấm điểm vài bông hoa nho nhỏ nhiều mầu trên hai vạt áo. Cô ta co ro như cố thu nhỏ thân mình lại trong cái không gian nhỏ bé của chiếc xe. Đôi mắt mở lớn hướng ra phía ngoài xe ngạc nhiên, dõi theo những hoạt cảnh ồn ào, níu kéo, dành dật khách đi xe của những người lơ trên bến xe.
Thỉnh thoảng cô gái nhăn mặt, hơi cau mày hay cố ra vẻ làm ngơ, không chú ý đến những câu chửi bới tục tằn, hành động thô bạo của vài người lơ gây gỗ, đánh chửi nhau trên bến xe. Vài người bán hàng rông, đưa chiếc khay hàng nhấn hẳn vào tay cô ta, mời chào như năn nỉ...lại làm cho cô ta cuống quýt với những câu từ chối lí nhí không rõ ràng. Chỉ nhìn thoáng qua vẻ ngơ ngác, thiếu tự nhiên của cô thiếu nữ trước những diễn tiến cố hữu, rất thông thường ở bến xe. Bất cứ ai quen thuộc với sinh hoạt của bến xe, cũng đoán được cô gái chỉ là người khách hàng rất mới mẻ. Người khách chưa quen thuộc xử dụng cái phương tiện chuyên chở bình dân, khá phức tạp này.
Sau một lúc ồn ào, chèn nén khách đến mức không còn một khe hở dư thừa nào trên hàng ghế trong xe. Người lơ xe vỗ đập vào thành xe, âm thanh chói tai, cùng những câu la hét xua đuổi mấy đứa bé bán hàng rong dành đường cho xe tách bến. Chiếc xe lăn bánh chậm chạp đi vào quốc lộ 4, bỏ lại đằng sau cái ồn ào, náo nhiệt, phức tạp của bến xe đi miền Tây.
    
Xe chạy, làn gió mát rượi, từ phía ngoài lòn qua những khung cửa sổ hai bên lườn xe, thổi đi tất cả cái nóng bức khó chịu trong xe. Gió làm tung bay mái tóc dài buông xỏa của cô gái cùng với mùi nước hoa thơm êm dịu, hấp dẫn từ mái tóc  cô ta đưa vào mũi Đoàn  cái cảm giác ngất ngây, dễ chịu.
Chiếc xe càng lúc càng chạy nhanh hơn. Sau khi ra khỏi khu vực xầm uất của chợ Phú Lâm dẫn vào khỏang không gian thoáng khoát của đồng lúa hai bên quốc lộ. Luồng gío thổi vào trong xe càng nhiều, càng mạnh hơn, mái tóc của cô gái vươn bay ra xa hơn. Cô gái không dấu được vẻ luống cuống, đưa hai bàn tay xinh xắn, trắng mịn cố chụp lấy những lọn tóc thơm tho, lờn vờn bay trong gió hay lòa xòa trên khuôn mặt cô ta. Bắt được sợi tóc nào, cô gái cố ép chặt chúng vào một phía bên kia chiếc cổ của mình. Hành động vô tình của cô gái lại phơi bầy ra trước mắt Đoàn chiếc cổ thon nhỏ, trắng mịn,thoai thoải chạy dài xuống đôi bờ vai tròn trịa, bao quanh bởi vòng cổ áo khá rộng hơi trễ xuống phía dưới.
Mặc dù cô khách đồng hành tìm đủ mọi cách giữ chặt lấy mái tóc, nhưng vẫn có một vài lọn tóc lòn lách qua kẽ những ngón tay, loà xòa dính chặt trên khuôn mặt trái xoan, hơi ốm nhưng rất hiền của cô ta. Khuôn mặt bầu bĩnh, khá đẹp pha trộn nét ngây thơ ngượng ngập được phớt điểm với những sợi tóc bắt ngang, tạo cho cô gái ẩn hiện nét đẹp của dễ thương hiền thục pha trộn tí man dại. Cái đẹp hấp dẫn hiện ra trong tầm mắt Đoàn, làm cho anh quên khuấy cảm giác buồn nhớ cuộc gặp gỡ với bạn bè vừa qua. Đoàn ngất ngây, kín đáo nhìn khuôn mặt nhu mì, dễ mến của cô gái. Sóng mũi dọc dừa thon nhỏ, xếp đặt hài hoà, cân đối giữa đôi mắt đen tròn  ngơ ngác, mở lớn nhìn với xã hội chung quanh. Chiếc miệng xinh xắn, khép kín tự nhiên, bình thản với đôi môi đỏ mọng, hơi mỏng, vênh nhẹ lên phía trên... Tất cả những cái đó hoà hợp với dáng dấp sang trọng lộ rõ ra bên ngoài cùng với ánh mắt hiền lành pha chút ngơ ngác đã cho người ta biết chắc rằng cô gái phải là dân thành phố chưa biết gì nhiều về chuyện đi xa.  
Làn gió từ cánh đồng bên ngoài vẫn dồn dập thổi qua khung cửa chiếc xe đò. Vài lọn tóc dài mang mùi nước hoa thơm nhè nhẹ của cô gái vươn ra xa hơn, quàng vào mặt và cổ Đoàn làm cho cô gái cuống quít hơn. Hình như có tí ngượng ngùng, cô ta đưa bàn tay nắm lấy lọn tóc của mình, kéo nhè nhẹ, như sợ sự di động qúa nhanh của sợi tóc, đang vướng vất trên cổ và mặt Đoàn sẽ làm cho anh phát giác, phiền lòng. Đưa mắt kín đáo liếc nhìn đôi mắt ngây ngô, ngượng ngùng của cô gái, Đoàn tự nhiên thấy thích thú. Nhưng nhìn thấy vẻ bối rối của cô ta Đoàn lại có cảm giác tội nghiệp, tránh cho cô ta khỏi rơi vào tình trạng khó xử. Đoàn thả lỏng đôi mắt ra phía trước, nhìn xuyên qua khung cửa sổ đối diện của chiếc xe, dõi theo những hoạt cảnh đồng quê đang chạy dọc theo hai bên bờ quốc lộ. Anh cố làm ra vẻ không chú ý hay không hề biết đến vướng víu của những sợi tóc mang mùi thơm êm dịu đang di chuyển nhè nhẹ, trên mặt, trên cổ mình.

Chiếc xe chật cứng khách, lăn bánh đều đặn không một lần dừng lại lấy khách dọc đường, dù thỉnh thoảng có vài người đứng bên lề đường xẫy gọi. Cho mãi đến khi vào địa phận tỉnh Long An, đến khoảng đất trống ở đầu cầu Bến Lức, xe mới dừng lại. Người lơ xe tháo gỡ vài thồ hàng trên nóc xe bỏ xuống lề đường, thả vài người khách cũ, nhận thêm vài người khách mới. Lúc đó cô gái đồng hành mới dám bỏ đôi tay xuống, vội vàng mở chiếc xách tay lấy ra vài chiếc kẹp tóc, ngậm vào miệng, giữa hai làn môi đỏ mọng. Rồi với đôi bàn tay rất thành thục và khéo léo, cô ta nhanh nhẹn kẹp mái tóc dài của mình thành một búi tóc chắc chắn, ép chặt vào đằng sau chiếc gáy trắng ngần xinh xắn. Sau khi đã hoàn tất công việc, cô gái ngước mắt nhìn Đoàn với tí ngượng ngập, nở nụ cười dễ mến trên đôi môi hơi cong, nói nhẹ với Đoàn:
- Xin ông tha lỗi, tôi đã làm phiền ông.
Đoàn quay nhìn lại cô ta, mỉm cười thông cảm:
- Chẳng có gì để chị gọi là phiền nhiễu tôi cả,. Tôi rất thường đi về trên con đường quốc lộ 4 này, nếu đáng gọi là phiền phức, bực bội phải là những lần xe bị nghẽn hàng 2, 3 tiếng đồng hồ vì những đoàn "công voa" dài ngoằng hàng trăm chiếc. Hoặc những lúc xe bị hư hỏng dọc đường, phải sốt ruột ngồi chờ hàng giờ để sửa chữa... Đó mới là những cái khó chịu, bực mình mà tôi đã từng gặp phải vài lần.
- Thưa ông, chắc ông làm việc hay thường đi công tác ở các tỉnh miền đồng bằng Cửu Long này ạ?
- Tôi dạy học dưới Cần Thơ, nhưng gia đình ba mẹ tôi ở Sàigòn, cho nên cứ khoảng vài tuần lễ, tôi lại về Sàigòn một lần thăm gia đình nhưng cũng để gặp bè bạn xưa cũ để rong chơi.
Rồi cũng chẳng để ý đến thái độ của cô gái, Đoàn nhìn cô ta, giọng nói thân tình, anh tâm sự :     
- Có lẽ tôi chẳng dễ quên được Sàigòn dù phải đi xa vì công việc. Sài gòn là nơi đó tôi lớn khôn, có quá nhiều kỷ niệm cũng như bạn bè từ lúc trẻ thơ cho đến khi tôi phải xuống Cần Thơ làm việc.
Nhìn vào khuôn mặt hiền hậu của nàng, ngần ngừ đôi chút, Đoàn hỏi:
- Còn chị, chắc chắn phải có một lý do đặc biệt, hi hữu lắm chị mới phải đi xuống miền dưới, bằng cái phương tiện xô bồ, rẻ tiền này nhỉ?
- Ông nói đúng. Đây là lần đầu tiên tôi đi xe đò, thật lạ lùng và vui thú không ngờ!
Ngập ngừng một tí chút rồi cô ta nhỏ nhẹ nói tiếp:
- Tôi có cảm tưởng phương tiện di chuyển này có khá nhiều rắc rối ông ạ.
Trong khi Đoàn chưa tìm được câu trả lời khả dĩ biện hộ cho cái phương tiện di chuyển, mà anh đã xử dụng quá quen thuộc suốt gần một năm vừa qua, từ khi tốt nghiệp rồi đi làm ở Cần Thơ. Cô gái lại nói tiếp :
- Tuy nhiên từ nay tôi sẽ có nhiều dịp để xử dụng cái phương tiện di chuyển phức tạp này, vì tôi phải xuống dưới Vĩnh Long để dạy học ông ạ.
Không hiểu vì sao, khi vừa nghe cô gái cho biết nghề nghiệp của cô ta Đoàn tự nhiên muốn thân thiện, làm quen với nàng. Có thể vì anh thích thú, cảm tình với những người cùng nghề dạy học của mình. Cũng có thể vì dáng dấp dễ thương, nhu mì của cô ta đã làm anh cảm mến. Đoàn nhìn cô ta, tí chút ngạc nhiên:
- Chị xuống Vĩnh Long để dạy học? Chị là cô giáo?
Cô gái hướng đôi mắt hiền lành nhìn Đoàn,  như không mấy vừa ý vì câu hỏi ngạc nhiên của Đoàn. Hơi cau mày, cô ta hỏi ngược lại anh:
- Ông không tin sao? Có lẽ dưới cái nhìn của ông, tôi có điểm gì không xứng đáng để làm một cô giáo hay sao?
Đoàn vội vàng đính chính:
- Không! không!... Chị lầm ý nghĩa câu hỏi không khéo léo, thiếu tế nhị của tôi rồi. Tôi ngạc nhiên tí chút chỉ vì nhìn dáng dấp của chị quá trẻ, còn đầy đủ những nét e lệ, đơn sơ, đẹp đẽ của một cô sinh viên hơn là một người đã phải vào đời kiếm sống.
Hình như thái độ ân hận của Đoàn và cũng có lẽ câu trả lời có tí khen tặng nét đẹp của cô ta, đã làm cho cô gái vừa ý. Chiếc miệng xinh đẹp, đôi môi tô hồng nhè nhẹ, hơi cong  khẽ nở nụ cười thân thiện với Đoàn:
- Ông nói đúng! Thật ra, tất cả đều là những khởi đầu, hoàn toàn mới mẻ trong đời tôi ông ạ. Đây là lần đầu tiên tôi đi dạy học.  Lần đầu tiên tôi phải xa gia đình ba mẹ, kiếm tiền cho cuộc sống tự lập của mình. Cũng là lần đầu tiên tôi lạ lùng, làm quen với cái bến xe đò mà chưa bao giờ tôi biết đến, mặc dù tôi đã sống ở Sàigòn cả mấy mươi năm.
Đoàn mỉm cười, nhìn cô gái anh nói :
- Chị có nhiều cái khởi đầu quá. Nhưng rồi thời gian sẽ cho chị quen thuộc và nhàm chán.
- Thật vậy sao ông?
Đúng lúc đó chiếc xe đò từ từ dừng lại, nối đuôi cùng với hàng trăm chiếc xe khác đang xếp hàng chờ đợi ở bến phà Mỹ Thuận. Nhìn ra ngoài xe, Đoàn bỏ ngang vấn đề đang bàn luận, anh nói với cô gái:
- Với lượng xe dồn ứ nhiều như thế này, có lẽ chúng ta phải chờ cả tiếng đông hồ mới có thể sang phà được. Thôi, chúng ta xuống xe đi bộ sang phà trước và cũng là dịp để chị biết thêm một tí về sinh hoạt nơi đây.
Chẳng đợi cô gái trả lời, Đoàn tiếp:
- Sang bên bờ Bắc bên kia, chúng ta vào một quán nước nghỉ chân, đợi xe sang sau. Nếu chị muốn, trong lúc đợi chờ tôi sẽ viết một lá thư sơ sài giới thiệu chị với một người bạn khá thân của tôi. Anh ta hiện đang là giáo sư của trường Trung học kỹ Thuật tại thị xã Vĩnh Long. Tôi nghĩ trong thời gian đầu tiên mới đến, chưa quen biết, còn ngỡ ngàng với việc dậy học, nếu có gì khó khăn chị có thể nhờ anh ta giúp đỡ. Hồng là vợ của Chính, người bạn của tôi, chị ấy tốt nghiệp ban Đốc sự Hành chánh năm vừa rồi, hiện đang làm chủ sự một phòng nào đó trong toà thị chính. Vợ chồng họ có hai cháu và một căn nhà rất khang trang ở ngay trên đường liên tỉnh Cần Thơ- Vĩnh Long.
Ngưng lại một chút, nhìn rõ hơn thái độ mừng vui hiện rõ trên nét mặt của cô gái. Đoàn nói tiếp:
- Theo tôi nghĩ, quen biết một vài người bạn đồng nghiệp sống ở Vĩnh Long rất cần thiết và ích lợi cho chị. Nhất là thời gian đầu tiên sống xa gia đình, còn lạ lùng với công việc và nếp sống của điạ phương. Anh Chính là một nhà giáo rất ngay ngắn, có nhiều năm kinh nhiệm về dậy học, chắc chắn chị sẽ có rất nhiều điều học hỏi nơi anh ấy trong nghề nghiệp. Ngoài ra vợ chồng anh ta cũng là người đã sống và tốt nghiệp từ đại học Sàigòn trước khi xuống Vĩnh Long làm việc.
Nét vui mừng hiện rõ trên khuôn mặt, cô gái nói:
- Thật là may mắn cho tôi được gặp ông.
- Quen họ, chị cũng sẽ có nhiều dịp gặp gỡ, liên hệ với nhiều người khác trong tỉnh.Vợ chồng Chính thường tổ chức những buổi họp mặt hay đi chơi đồng quê vào những ngày nghỉ, thỉnh thoảng tôi cũng từ Cần Thơ đến tham dự vào các cuộc vui đó.

Chương 2
Đoàn và cô gái xuống xe, lang thang ngắm nhìn sinh hoạt của hai bên bờ Bắc. Đoàn  dẫn cô gái vào một quán bán cơm khang trang, ngồi ở một chiếc bàn gần ngay sát đường lộ. Có vẻ cô gái đặt hết niềm tin vào Đoàn nên cũng chẳng có thái độ nào ngăn cản hay lưỡng lự với sự dẫn dắt của Đoàn. Đôi mắt cô ta luôn luôn mở lớn, ngạc nhiên theo dõi những hoạt cảnh xầm uất, vội vàng của bến Bắc.Hai người nói chuyện xoay quanh đủ mọi vấn đề. Từ những chuyện vu vơ về nếp sống , sinh hoạt của người dân của những tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, đến những hỏi han, kể lể về gia thế của nhau. Những câu nói, dáng điệu nặng phần khách sáo, ngại ngần lúc ban đầu dần dần biến mất, thay bằng những câu tâm tình thân thiện về đời sống riêng tư của nhau.
Mai, tên cô gái, vừa tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sàigòn, qua mấy tháng đợi chờ sau khi tốt nghiệp, được cử xuống dậy học cho một trường trung học trong thị xã Vĩnh Long. Khoảng hơn một tuần lễ trước, Mai cùng với ba mẹ đi bằng xe hơi tư nhân xuống trình diện ban giám hiệu của trường và cũng để sắp xếp chỗ cư ngụ. Lần này nàng đi một mình bằng xe đò để khởi sự nhận việc vào tuần tới.   
Ba của Mai trước kia cũng là một nhà giáo về Pháp văn ở Hà nội, nhưng khi di cư vào Nam năm 1954, chán nản với đời sống bình thản, trầm lặng của nghề dậy học. Ông muốn tìm một lối sống sôi động hơn nên đã bỏ nghề giáo, xung phong vào quân đội. Hiện nay ông đang là thiếu tá trong quân đội VN Cộng Hoà, phục vụ ở một đơn vị chuyên môn, không chiến đấu trong thủ đô Sàigòn.
Gia đình Mai sống trong cư xá sĩ quan cùng với vợ chồng người anh duy nhất của nàng, tên Khoa. Qua lời nàng tâm sự, hình như Khoa học trên Đoàn vài lớp, cùng một trường trung học ở Sàigòn ngày xưa thì phải. Khoa tốt nghiệp cử nhân luật, rồi nhờ quen thuộc của gia đình, vàolàm việc cho một văn phòng tư nhân của một vị luật sư nào đó ở Sàigòn. Nhưng chỉ được khoảng gần một năm, tình hình chiến sự sôi động nên Khoa bị động viên và theo học trường sĩ quan trừ bị Thủ Đức. Sau khi tốt nghiệp Khoa, nhờ có văn bằng cử nhân luật , Khoa được chuyển về làm việc cho nha Quân Pháp Sàigòn, hiện nay anh đang là trung úy. Khoa lập gia đình khá sớm, ngay từ thời còn là sinh viên, chưa đi làm. Vợ chồng Khoa đã có hai con vẫn còn nhỏ. Chị Quyên, vợ của Khoa, một người đàn bà rất đẹp, quý phái, là cựu nữ sinh trường Marie Curie, chị Quyên đang làm việc văn phòng cho công ty Shell Sàigòn.
Mai cho biết, đã phải năn nỉ cha mẹ, kèm theo biết bao nhiêu sự cương quyết mới thuyết phục được cha mẹ chấp nhận cho nàng rời khỏi gia đình, đi làm việc ở xa. Tuy nhiên nàng cũng không dấu được vẻ lo lắng, bối rối cho lần đi xa đầu tiên, bước vào nếp sống tự lập của mình. Nhất là không hề quen biết ai ở Vĩnh Long, ngoài một người họ hàng xa, của một nhân viên thuộc cấp của ba nàng ở Sàigòn. Nhờ sự giới thiệu của người quen này, Mai thuê được hẳn một căn gác không xa nơi trường mà nàng dạy học. Mai rất mừng khi nghe Đoàn có ý giới thiệu với gia đình Chính.
Nhìn sự ngờ nghệch, vẫn còn đầy dáng dấp tiểu thơ của cô sinh viên vừa ra trường. Trí nhớ của Đoàn lại trở về với gần một năm về trước, ngày đó anh cũng mới ra trường, đi làm việc lần đầu tiên. Anh cũng đã từng rơi vào hoàn cảnh đơn độc, ngu ngơ, không người quen biết, gặp biết bao nhiêu  những khó khăn liên quan đến đời sống tự lập khi mới xuống Cần Thơ . Đứng trên bục giảng tay chân như thừa thãi, lồng ngực muốn nổ tung trước những cặp mắt của hàng mấy chục sinh viên mà tuổi tác của họ cũng chẳng cách xa anh bao nhiêu. Đoàn thông cảm nỗi cô đơn và khó khăn ban đầu của Mai, có ý định giúp đỡ nàng dù chỉ mới gặp nhau lần đầu.

Hai người ngồi cạnh nhau nhìn ra ngoài đường. Bầu trời xanh ngắt, vài đám mây trắng mỏng lờ lững, chẳng đủ che khuất ánh nắng chói chang của buổi chiều, đang lúc chớm hoàng hôn. Từ quán cơm bên cạnh, tiếng hát, tiếng đàn buồn bã của hai người hát dạo khỏang tuổi trung niên đã làm Mai chú ý và nghĩ họ là hai vợ chồn. Người đàn ông mù loà, để bàn tay lên vai người đàn bà dò dẫm bước theo. Tay bên kia, ông ta ôm một cây đàn vọng cổ cũ kỹ đã lên nước mầu nâu đậm. Trên vai người đàn bà treo một chiếc loa phát thanh cũ kỹ nhỏ sơn mầu nâu loang lổ được nối bởi sơị dây điện với một bình ắc qui nhỏ buộc sát vào bên hông người đàn ông mù loà đi sau.
Cứ qua vài chiếc bàn trong tiệm ăn đầy khách ngồi ăn uống, hai người hát dạo dừng lại để người đàn ông đánh đàn, tự đệm cho mình hát. Bất cứ bài hát nào, ông ta cũng khởi đầu với vài câu vọng cổ rất buồn bã, than van vì tình yêu dang dở hay khóc thương cho tử biệt sinh ly... Rồi tiếng đàn được ông biến đổi khéo léo sang âm thanh của guitar, đệm cho bài hát tân nhạc nối tiếp, ý nghĩa bài hát hòa hợp với mấy câu vọng cổ mở đầu. Giọng hát của ông ta thật buồn cùng ý nghĩa đau thương của bài hát, làm cho những cuộc nói chuyện đang ồn ào từ đám khách ăn uống đã phải dừng lại lắng nghe. Mỗi lần chấm dứt một hay hai bài hát, người đàn bà, cầm chiếc mũ cũ kỹ, dẫn ông ta đi quanh những chiếc bàn để thâu gom tiền ủng hộ của người nghe rồi lại đi đến nhóm bàn khác.
Nhìn nét mặt ngẩn ngơ, đầy xúc cảm của Mai khi nghe những câu hát trữ tình buồn bã của người đàn ông hát dạo. Đoàn hỏi nhẹ:
- Mai, chắc em cảm động vì những bài hát đau thương, buồn bã của họ lắm phải không?
- Đúng như vậy, giọng hát, lời nhạc thật buồn. Những câu vọng cổ kết nối với bài hát tân nhạc thật đúng chỗ, làm người nghe có thể khóc được.
- Em có tin hai người hát dạo đó quen với anh không?
Đoàn im lặng nhìn vẻ ngạc nhiên hiện rõ trong đôi mắt hiền lành tiềm tàng vẻ buồn buồn kín đáo của Mai mở lớn khi nghe câu hỏi của mình, Đoàn giải thích:
- Họ cũng chẳng phải là hai vợ chồng đâu, chỉ là một cặp tình nhân mà thôi. Nhưng họ rất yêu nhau, đã sống với nhau mấy chục năm nay trên bến phà Mỹ Thuận bằng nghề hát dạo này rồi đó.
Mai càng ngạc nhiên hơn, ngước mắt nhìn Đoàn như có vẻ không tin. Nhưng thấy Đoàn vẫn để mắt theo dõi sinh hoạt của hai người hát dạo từ tiệm cơm bên kia, chẳng có vẻ gì đùa bỡn cả. Mai ngạc nhiên hỏi Đoàn:
- Thật vậy sao anh? Lý do nào anh đã quen họ?
- Có thể nói, suốt gần một năm vừa qua. Từ ngày anh đi làm việc ở Cần Thơ, cũng như em, anh đã cảm động, thích thú  với những bài hát trữ tình, bi thương của họ. Thích đến nỗi, anh có cảm tưởng như đã bị ghiền với giọng hát, tiếng đàn và cả lời ca rất trữ tình, buồn bã của họ. Bất cứ lần nào đi qua con bắc Mỹ Thuận này, anh lại tạt vào những quán cơm ở hai bờ của Bắc. Không phải vì muốn ăn cơm hay uống nước mà muốn có một chỗ ngồi để được nghe họ hát. Lần nào không gặp họ, không được nghe họ hát, anh lại thấy như mình thiếu thốn, nhớ nhung một cái gì...
Mai bỏ ly nước trên môi xuống bàn, nhìn Đoàn ra vẻ thích thú theo dõi câu chuyện của anh:
"Một lần, Đoàn đến chơi với gia đình của Chính và ngủ qua đêm tại đó. Sáng hôm sau, lấy xe đò về Sàigòn thăm gia đình, lúc đến Bắc Mỹ Thuận, trời vẫn còn nhá nhem vì quá sớm, lại gặp buổi trời mưa lâm râm, khách khứa chỉ lèo tèo vài ba người. Đoàn tạt vào một quán cơm bên đường để ăn sáng. Lúc đó hai người hát dạo cũng đứng co ro, gần ngay bàn, nơi anh đang ngồi.  Chẳng có gì để Đoàn phải chú ý vì nghĩ họ là hai vợ chồng hát dạo kiếm sống, gặp buổi trời mưa, vắng khách, họ cũng trú mưa như anh.  Nhưng Đoàn đã ngẫn ngờ khi nghe họ đối thoại với nhau. Những câu đối đáp của họ dành cho nhau rất ấm cúng, khách sáo, chẳng có dấu hiệu gì giống như một cặp vợ chồng nói với nhau. Đã thế thái độ của họ dành cho nhau trong lúc đàm thoại rất chân tình, giống như một cặp tình nhân còn trẻ trung, đang trong giai đoạn yêu nhau nồng nàn. Những câu nói tôn trọng, ấm áp tình cảm họ dành hoàn toàn khác với bóng dáng nghèo khổ và lứa tuổi trung niên của họ.  
Người đàn bà đưa mắt nhìn khắp quán ăn, quay sang nói với người đàn ông:
- Hôm nay vắng khách quá anh ạ. Chỉ có vài người khách mà thôi, có lẽ mình tìm một chỗ nào đó để chờ đợi một lúc nữa có nhiều khách rồi hãy hát anh ạ.
- Tùy ý Vân, anh thì thế nào cũng được, bình ắc qui có vẻ cũ rồi, chúng ta nên tiết kiệm một tí cũng là điều hay, em ạ .
Người đàn bà nhẹ nhàng với ánh mắt âu yếm dìu người đàn ông ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh bàn của Đoàn. Bà ta lấy khăn mặt âu yếm lau chùi từng hạt mưa, lọn tóc lòa xòa trên khuôn mặt rám đen của người đàn ông. Hành động săn sóc rất chân thành của bà ta làm Đoàn ngạc nhiên đến độ ngẩn ngơ. Bên ngoài quán trời vẫn mưa rả rích, xe đò hình như cũng chẳng muốn di chuyển vì chưa đầy khách. Đoàn quay sang bàn hai nguời hát dạo, nhìn người đàn bà mỉm cười, nói nhẹ với họ:
- Anh chị có bao giờ nghĩ rằng, dù vắng khách, nhưng lại có những người thích và mê giọng hát của anh chị không? Và anh chị có nghĩ rằng, dù ít khách nhưng anh chị lại được nhiều tiền thưởng hơn là đông khách không?
Nghe Đoàn nói, hai người hát dạo giật mình, người đàn ông hướng khuôn mặt mù loà về phía Đoàn im lặng ra vẻ chưa hiểu. Người đàn bà hơi cau mày nhìn anh với tí chút dò hỏi, ngạc nhiên. Một lúc lâu, bà ta mới trả lời Đoàn:
- Cám ơn chú Hai, thật ra tôi chỉ muốn nói, nếu ít người nghe làm cho chúng tôi không có nhiều hứng thú để hát mà thôi.
Lưỡng lự một tí rồi mỉm miệng cười, nhìn Đoàn bà ta nói tiếp :
- Nếu chú Hai nói như vậy, chúng tôi sẵn sàng hát tặng riêng cho chú vài bài.
ồi quay sang người đàn ông, bà ta nói:
- Anh Buôn, có lẽ chúng ta cũng nên vì ý muốn của chú Hai, hát tặng chú ấy mấy bài, nhé anh.
Họ chưa kịp hát, Đoàn đã rút trong túi ra một tờ giấy 50 đồng, thân thiện đưa vào tay ngưòi đàn bà, kèm với nụ cười như cám ơn sự chấp nhân sự đòi hỏi của mình. Người đàn bà nhìn thấy tờ giấy bạc lưỡng lự một tí bà ta đưa trả lại anh:  
- Sao chú Hai lại cho chúng tôi nhiều như thế? Năm chục đồng, quá nhiều so với tài năng của chúng tôi chú ạ, chúng tôi không dám nhận đâu.
Đoàn gạt nhẹ tay người đàn bà ra vẻ không vui vì lời từ chối của bà ta. Cứ thế, anh và người đàn bà cứ đẩy tờ giấy bạc qua lại vài lần. Hình như cảm nhận được cái lằng nhằng, lẩm cẩm đó, người đàn ông lên tiếng:
- Em Vân à, nếu chú Hai đã thương chúng mình mà cho như thế, thì em cứ nhận đi. Đổi lại anh sẽ cố hát tặng chú ấy vài bài hát thật hay để đáp lại lòng tốt của chú ấy cũng được mà.
Sau đó ông ta đàn và hát cho Đoàn nghe vài bản nhạc tình cảm rất hay, rất buồn mà có lẽ ai ai cũng biết. Chẳng hạn như bài Đồi Thông Hai Mộ, Mối Tình Trương Chi... Đặc biệt là ông ta liên kết những bản nhạc tình cảm đó với những câu vọng cổ rất khéo léo. Có lẽ vì quán ăn chẳng có ai, nhất là biết được những bài hát đó dành tặng riêng cho mình, Đoàn nghe với tất cả sự cảm động vì những câu vọng cổ giao duyên cùng với nhưng bài hát rất bi đát và lãng mạn của hai người hát dạo! Sau đó, Đoàn đã mời họ uống cà phê, ăn sáng. Sau ngày gặp gỡ lạ kỳ đó Đoàn và họ quen biết nhau, họ kể cho anh biết cuộc đời cũng như mối tình tuyệt đẹp, lãng mạn của họ
Buôn là tên người đàn ông, ngày xưa, lúc còn trẻ, khoảng hơn 20 năm về trước, là một ca sĩ trong một gánh hát nhỏ ở tỉnh Sa Đéc, quê hương của anh ta. Vân, tên người đàn bà cũng là một diễn viên trong ghánh hát. Hai người, vì gần gũi với nhau trong nghề nghiệp, họ yêu nhau thắm thiết và dự tính sẽ thành chồng vợ khi có điều kiện. Nhưng không biết vì một căn bệnh nào đó, Buôn bị mù loà, anh ta không thể tiếp tục nghề ca hát được nữa. Vân tiếp tục đi làm cho ghánh hát để kiếm tiền về nuôi và vẫn yêu Buôn như ngày đôi mắt anh ta còn trong sáng. Dù nghỉ việc, nhưng Buôn vẫn mang nặng lòng say mê nghệ thuật của người nghệ sĩ. Hàng ngày, ở nhà nhưng anh ta vẫn tiếp tục đàn hát cho chính mình nghe hay cho Vân thưởng thức mỗi khi rảnh rỗi.
Không lâu sau đó, ghánh hát không phát triển được, dù chưa đến nỗi phải đóng cửa nhưng cũng chỉ hoạt động cầm hơi. Sự sinh nhai của Vân và Buôn cũng vì đó mà gặp khó khăn. Ngoài việc đi hát, Vân còn phải buôn bán lẻ tẻ mới đủ tiền sinh sống cho hai người. Buôn thấy Vân phải đi làm quá cực nhọc, nhiều khi tới khuya vẫn chưa về nhà, trong khi mình chỉ ở nhà ăn và hát. Buôn đề nghị với người yêu bỏ việc làm ở ghánh hát, hàng ngày dẫn anh đến những nơi đông người trong phố để anh đàn hát kiếm tiền sinh sống. Với thay đổi này tuy cực nhọc nhưng cuộc sống có vẻ dễ chịu hơn, nhất là cả hai được sống bên nhau suốt ngày. Rồi dần dần hai ngươì tìm thấy vùng Bắc Mỹ Thuận nơi nhiều khách du lịch, người buôn bán  qua lại, từ thập phương đổ về. Những người này, rộng rãi về tiền bạc hơn, đã thế những bài hát của Buôn không bị nhàm chán, quen thuộc như ở các thành phố. Nhờ thay đổi này, việc kiếm ăn của Buôn Vân có vẻ thoải mái hơn, cuộc sống  không giầu có nhưng đã bình lặng và hạnh phúc đã được hơn 20 năm rồi. Đặc biệt là dù hai người yêu nhau, sống nương tựa nhau hàng mấy chục năm như một mái gia đình, nhưng họ không kết hôn, chỉ là một cặp tình nhân.Họ sống với nhau đầm ấm, nuông chiều, săn sóc nhau như thời còn trẻ lúc mới yêu nhau trong ghánh hát".

Mai thẩn thờ nghe Đoàn kể chuyện về mối tình đẹp đẽ nhiều bi thương của hai người hát dạo, đang định hỏi Đoàn một câu gì, nhưng đúng lúc đó người đàn bà hát dạo đã trông thấy Đoàn. Bà ta quay lại phía sau, nói với người đàn ông vài câu rồi rảo bước, dẫn người đàn ông đến trước cái bàn, nơi Đoàn và Mai đang ngồi. Bà ta mừng rỡ gật đầu chào Đoàn:   
- Chào chú Hai. Chú khoẻ không? Chắc chú lại về Sàigòn thăm gia đình ba mẹ chú hả?
Đoàn chưa kịp trả lời, người đàn bà chợt trông thấy Mai đang ngồi chung bàn. Đưa mắt thân thiện nhìn Mai, bà ta nói tiếp:
- Chào cô Hai. Tôi và anh Buôn mong gặp cô Hai một lần, nhưng mãi đến hôm nay mới gặp được. Thật là may mắn, cô Hai khỏe mạnh không?
Rồi chẳng chờ câu trả lời của Mai, bà ta quay sang người đàn ông, với giọng nói đầy vui mừng:
- Anh Buôn, Cô Hai đang ngồi với chú Hai đó, đẹp ghê dzậy đó!
Bà ta cười thân thiện, quay sang phía Đoàn:
- Chú Hai khéo chọn vợ lắm đó nghe !
- Dĩ nhiên là dzậy rồi, Vân, em không biết câu "Tài tử phải có giai nhân mới hợp chứ!". Người đàn ông mù loà hướng mặt về phía Mai vui vẻ nói.
Đoàn ngẩn ngơ với những câu chào hỏi vô tình nhưng rất chân thành của của hai người hát dạo. Anh vội vàng đính chính để chữa thẹn cho mầu hồng đang rực rỡ trên khuôn mặt của Mai:
- Cám ơn anh chị đã quá khen. Nhưng anh chị đã lầm rồi. Tôi xin giới thiệu với anh Buôn, chị Vân, đây là cô Mai, người bạn đồng nghiệp của tôi. Cô Mai mới được chuyển xuống làm việc ở thị xã Vĩnh Long đó.       
Lưỡng lự một chút, Đoàn nói tiếp:
- Tôi cũng vừa kể chuyện đời của anh chị cho cô Mai nghe, cô ấy đang muốn được anh chị cho thưởng thức một bài hát đây.
- Chẳng có gì khó khăn cả, tôi sẽ đàn và hát tặng riêng cho chú Hai và cô Mai nghe bài vọng cổ Lan và Điệp do tôi vừa mới sáng tác, giao duyên với bài hát tân nhạc Dạ Sầu của Phương Linh.
Buôn nói xong, anh ta cầm cây đàn lên, nét mặt nghiêm trang nhưng vẫn không dấu được vẻ sầu đau hiện rõ trên đôi mắt mù loà. Tiếng đàn vọng cổ nổi lên thưa thớt cuốn lấy giọng hát buồn bã như khóc than của anh ta trong những câu vọng cổ:
"... Điệp ơi! Sao anh lại phụ tình, quên đi vô vàn những lời nguyện ước của chúng mình xa xưa?... Để rồi từ nay, trong nỗi buồn đơn côi... Từng đêm Lan bên ánh đèn heo hắt, khóc than cay đắng cho duyên kiếp bẽ bàng!
Mối tình đầu tiên, đem chôn vùi trong tiếng chuông chùa ngân vang giữa bụi trần của kiếp tu hành. Đau xót thay, mối tình xưa không dễ quên trong hiu quạnh, năm tháng trôi qua nhưng Lan vẫn u sầu trong sương lạnh mỗi đêm khuya.
Ôi thê lương, bẽ bàng cho một đêm, tiếng ve kêu ảo não tiễn đưa Lan trở về với muôn thu. Ôm hận tình xuống tuyền đài để làm trọn một kiếp tình si. Điệp ơi, duyên lỡ làng rồi, thôi đành chờ kiếp sau nối lại lời hẹn ước..."
Tiếng hát của người đàn ông buồn bã như muốn khóc, hoà lẫn trong tiếng đàn vọng cổ đâm xé vào không gian. Đoàn và Mai cũng như vài người khách khác đang ăn uống trong quán im lặng, thẫn thờ lắng nghe. Tâm tư của mọi người như đang được tiếng đàn, giọng hát của người nghệ sĩ mù loà chuyên chở để cảm thông, hoà trộn với hoàn cảnh đau thương của cuộc tình bất hạnh, trái ngang giữa Lan và Điệp. Khi câu vọng cổ mở đầu vừa chấm dứt, tiếng đàn lại biến ra âm thanh của đàn guitar, chuyển tiếp một cách rất khéo léo từ cổ nhạc sang tân nhạc. Người đàn ông mù lòa lấy giọng hát bài hát Dạ Sầu của Phương Linh :  
"...Hết rồi! Người ấy đã xa ta. Những ngày vui cũng theo qua, nhưng buốt tim ta suốt đời! Hết rồi lời hứa trên đôi môi, mối tình ta vẫn đơn côi, lỡ  rồi! ...Người ơi xa vắng, tình ta cay đắng âm thầm.
Đêm nay ta khóc trong biệt ly, ta khóc cho người đi quên mối duyên tình si... Còn tìm đâu thấy ngày vui xưa ấy qua rồi.
Mình ta chiếc bóng, tìm đâu mộng thắm ban đầu? Những chiều xa vắng trong cô liêu... Xếp tàn y giữa hương yêu cho lòng ta bớt hoang sơ tiêu điều..."  
Người đàn ông hát dạo, mù loà chấm dứt bản nhạc trong im lặng, ngẩn ngơ của tất cả khách trong quán ăn. Đoàn chợt bắt gặp Mai kín đáo quay mặt ra phía sau, đưa chiếc khăn tay lên lau nhẹ đôi mắt, rồi quay lại, cố ra vẻ tự nhiên nhưng cũng không dấu được đôi mắt còn ửng đỏ, ngại ngùng nhìn Đoàn.
- Cám ơn anh chị, bài hát thật hay nhưng buồn quá! Thôi, có lẽ chúng tôi phải đi ngay bây giờ vì xe đò đã sang phà rồi, hy vọng sẽ gặp lại anh chị và thế nào cũng nhờ anh chị hát cho chúng tôi nghe vài bản nhạc khác.
Đoàn nói với hai người bạn hát dạo, để chấm dứt cuộc hát tặng của họ vì anh biết chắc chắn, nếu không chấm dứt sẽ làm Mai khóc thật sự. Hình như Vân cũng đã nhìn thấy rõ nỗi xúc cảm của Mai và hiểu rõ thâm ý của Đoàn khi muốn chấm dứt cuộc hát. Bà ta quay sang nói vài câu với Buôn rồi chào từ giã Đoàn và Mai trước khi dẫn Buôn ra khỏi quán cơm. Hai người hát dạo đi đã xa, nhưng Mai vẫn còn ngẩn ngơ, trông theo họ, tiếng nói của Đoàn đã làm Mai giật mình:
- Mai, em vẫn còn cảm động với bản nhạc mà họ vừa hát sao? Anh sợ em quá buồn cho nên anh đã không để cho họ hát thêm nữa.
- Em hiểu, cám ơn anh Đoàn ạ. Bài hát thật buồn! Càng buồn hơn vì tiếng hát, tiếng đàn và cả mối tình đẹp đẽ của chính họ nữa.
Ngừng lại một chút, như để đè nén cảm xúc, nàng nói tiếp với Đoàn:
- Nhưng tại sao họ lại không kết hôn, để chính thức thành vợ chồng anh nhỉ?
- Mai, một cuộc tình đẹp đẽ, được kết tinh bằng tất cả sự chân thành, đằm thắm như vậy, có thật sự cần đến một mảnh giấy hôn thú vô tri giác, một bộ luật hôn nhân vớ vẩn để bảo đảm cho mối tình của họ không em?
Thấy Mai im lặng, lắng tai nghe, Đoàn nói tiếp:
- Họ đã yêu nhau từ khi cả hai còn trẻ trung, lúc hai người cùng làm việc trong gánh hát, lúc Buôn chưa mù loà. Sau đó họ vẫn yêu nhau, dù đã hơn 20 năm trong nghèo túng và bất hạnh của Buôn. Đã quá đủ để nói đến hai chữ sắt son trong mối tình của họ. Em thử nghĩ mà xem, với một tờ giấy hôn thú, với bộ luật làm nên tình nghĩa vợ chồng có giữ được Vân, nếu thực sự Vân muốn rời xa Buôn vì nghèo túng, vì khiếm khuyết giác quan không? Theo anh, một mối tình chân thật, một tình yêu thánh thiện như vậy. Chẳng cần đến những cái nền tảng vu vơ, tầm thường, đầy hình thức đó bảo đảm cho cuộc tình quá đẹp, quá sắt son đó làm gì Mai ạ.
Mai đờ đẫn, ngước mắt lên nhìn Đoàn khi nghe câu trả lời của anh. Nàng không thể ngờ được, ngay ngày đầu tiên vừa ra khỏi gia đình, nàng đã gặp quá nhiều tao ngộ lạ lùng ra ngoài tưởng tượng của mình. Một người bạn mới quen, chỉ với vài giờ tâm sự, nàng đã có cảm giác từ con người đó nàng tìm thấy rất nhiều điều để học hỏi, suy tư. Chính từ điều học hỏi đó Mai chợt thấy trong lòng mình có cái gì đó có vẻ như mơ hồ nhưng rất mạnh mẽ tác động vào bản chất thật của mình hơn. Cũng trong vài giờ đầu tiên xa gia đình đó, Mai đã nhìn thấy tận mắt một mối tình thánh thiện, một cặp tình nhân nghèo khổ, bất hạnh về thể chất, hoàn cảnh nhưng lại tuyệt vời về tình cảm.

Ngồi bên cạnh Đoàn trên chiếc xe đò, qua đọan đường ngắn ngủi từ Bắc Mỹ Thuận đến bến xe thị xã Vĩnh Long, Mai như bị dìm mình vào những sự kiện vừa xẩy ra trong cuộc đi xa kiếm sống đầu tiên trong đời mình. Đôi mắt thoáng buồn nhè nhẹ vô cớ  của Mai trầm mặc dõi theo sinh hoạt của cư dân hai bên con đường dẫn vào thị xã mà chiếc xe chạy qua. Những cảm giác mù mờ, khó hiểu dâng lên như nhấn chìm nàng vào suy tư. Cho đến khi chiếc xe chậm lại, từ từ đi vào bến xe bên con đường liên tỉnh Vĩnh Long - Cần thơ. Tiếng nói của Đoàn đã làm Mai giật mình:
- Mai, em có biết chắc chắn đường đi đến căn nhà trọ của em không? Nếu không anh sẽ cùng đi với em, rồi anh về sau cũng được.
- Cám ơn anh, chẳng có gì mù mở cả đâu. Lần trước em đã được ba mẹ em và người cho thuê nhà dẫn em ra bến xe chỉ bảo tường tận đường xá rồi, anh đừng lo!
Trước khi vẫy tay từ giã, Đoàn còn ngoái lại:
- Nếu có chuyện gì cần thiết em cứ điện thoại hay trực tiếp đến gặp mặt vợ chồng Chính, nhờ họ chỉ dẫn và giúp đỡ. Anh sẽ điện thoại đến họ để giới thiệu em với họ ngay vào ngày thứ hai hay thứ ba sắp tới, khi anh đi làm việc trở lại.
- Cám ơn anh nhiều. Em hy vọng lại có nhiều dịp để gặp lại anh, chắc chắn em phải học hỏi nơi anh nhiều lắm Đoàn ạ.
Mai đứng nhìn cho đến khi chiếc xe đò rời khỏi bến xe, biến mất sau khúc cong của con đường liên tỉnh lỵ.  Cảm giác êm ấm, vui vẻ tự nhiên bao phủ lấy tâm hồn nàng. Những lo lắng vì cô đơn, vì xa lạ, không người thân thiết khi từ giã gia đình đi làm xa, đã bị tẩy xóa hoàn toàn trong tâm tư nàng. Bên cạnh cảm giác tự tin, an bình đó, Mai chợt tìm thấy một cái gì khác lạ có vẻ mù mờ nhưng nhẹ nhàng đáng yêu, ẩn hiện trong tâm tư mình. Cái mù mờ đáng yêu đó mang đến cho Mai sự thoải mái rất nhẹ nhàng để nàng mong muốn được gắn bó, thân cận với người đàn ông mà nàng chỉ vừa mới gặp thoáng qua, nhưng đã ghi vào lòng mình những ấn tượng khó quên.
Đúng rồi Đoàn a, câu nói của anh về tình yêu đã làm cho em suy nghĩ rất nhiều! Một tình yêu thánh thiện người ta chẳng cần gì để bảo đảm cho nó cả, bởi chính bản chất tuyệt vời của nó đã là sự chân thành và chung tình rồi anh nhỉ?

(còn tiếp)

Trích truyện dài "Chùm hoa cosmos" - Tác giả: Lưu An - 2003

 

Đăng ngày 19 tháng 05.2021