NTT

Nguyễn Trần Trác tốt nghiệp ngành Lý Hóa, ĐH Sư Phạm và ĐH Khoa học SG năm 1967. Nhiệm sở đầu tiên của ông là trường Nữ Trung học Lê Ngọc Hân Mỹ Tho.
Năm 1972, ông tốt nghiệp Tiến sĩ Vật Lý tại Đại học Khoa học Sàigòn.
Sau khi sang Pháp tu nghiệp, năm 1973 ông về làm giảng sư tại ĐH Sư Phạm SG và giảng dạy tại đây cho tới ngày về hưu.

 

Duyên nợ  Nguyễn Trãi

Khi ở Hà Nội, tôi học trường tiểu học Nguyễn Công Trứ,  mà người dân Hà Nội xưa quen gọi là trường Hàng Than, từ năm lớp Năm tới năm lớp Ba ( 1951 tới 1954), thời kỳ này Hiệu trưởng là thày Nguyễn Trọng Hàn. Tôi không nhớ đích xác là năm nào, trong một buổi lễ phát thưởng cho các trường tại nhà Hát Lớn Hà Nội, có lẽ là năm 1953, tôi được xem một buổi biểu diễn văn nghệ của học sinh các trường. Chương trình gồm có nhiều tiết mục: ca hát, hoạt cảnh, diễn kịch,... Gây ấn tượng mạnh cho tôi trong buổi biểu diễn hôm ây là một vở kịch thơ mà cho tới bây giờ tôi vẫn nhớ nhiều đoạn.

Màn sân khấu vén lên, hiện ra cảnh một vùng núi non trùng điệp, với  một cửa ải ở vùng biên giới. Nhân vật chính là một cụ già, mái tóc bạc phơ, bị áp giải bởi mấy tên lính Tầu. Đi theo cụ là một nho sinh, xách một tay nải, dường như đi theo để hầu hạ. Nhiều lần cụ già vẫy tay, ra hiệu cho người nho sinh quay lại nhưng chàng vẫn  lẽo đẻo đi theo. Khi mấy tên lính Tầu ngồi xuống nghỉ mệt, cụ già dừng lại, khuyên nhủ chàng nho sinh:

“Con yêu quý chớ xuôi lòng mềm yếu
Gác tình riêng vỗ cánh trở về Nam
Con về đi ,tận trung là tận hiếu
Đem gươm mài bóng nguyệt dưới khăn tang
Nếu trời muốn cho nước ta tiêu diệt
Thì lưới thù đã úp xuống đầu xanh
Không bao giờ,không bao giờ con chết
Về ngay đi rồi chí toại công thành
Nghĩ đến cha một phương trời ảm đạm
Thì nghiến răng, vung kiếm quét quân thù.
Trãi con ơi,tương lai đầy ánh sáng
Cha đứng đây trông suốt được ngàn thu“

nguyentrai

Ải Nam Quan-Biên giới Hoa-Việt

Chàng nho sinh như vừa bừng tỉnh  một giấc mộng, khảng khái:

“Cha nói đến tương lai đầy ánh sáng
Khiến lòng con bừng tỉnh một cơn mê”

Chàng sụp xuống quỳ lạy cụ già:

“Quỳ lạy Cha, Cha lên đường ảm đạm
Rồi Nam Quan theo gió con bay về”

Cụ già  cười sang sảng:

“Ôi sung sướng ,Trời cao chưa nỡ tắt”
Về ngay đi ,ghi nhớ hận Nam Quan
Bến Kim Lăng cho đến ngày nhắm mắt
Cha nguyện cầu con lấy lại giang sơn”

Đó là lần đầu tiên tôi được “gặp” Nguyễn Trãi,  đi theo thân phụ là Nguyễn Phi Khanh trên đường lưu đầy, tới tận ải Nam Quan, qua vai diễn chàng nho sinh, trong vở kịch thơ Hận Nam Quan của nhà thơ Hoàng Cầm, trình diễn bởi các học sinh trường Trung Học Nguyễn Trãi  năm 1953, tại Nhà Hát Lớn Hà Nội.

Sau này khi di cư vào Nam, tôi học lớp Nhất trường tiểu học di chuyển Lê Lợi. Đây là một trường di cư nên chỉ được học buổi chiều vì trường sở đi mượn. Các thày cô giáo và học trò toàn là người Bắc di cư. Trường nằm trên đường Chi Lăng, đối diện với bệnh viện Nguyễn Văn Học và là láng giềng của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Gia Định. Cuối năm học, thày giáo căn dặn các học trò làm bài cho tốt để thi đỗ kỳ thi Tiểu Học và thi vào Đệ Thất Trung học. Thày bảo : Các trò nên thi vào trường Chu Văn An hay trường Nguyễn Trãi ( Đây là truyền thống của học sinh Bắc Việt di cư: Nam thì thi vào Chu Văn An hay Nguyễn Trãi, cùng lắm thì thi vào Hồ Ngọc Cẩn hay Trần Lục, còn nữ thì thi vào Trưng Vương). Trường Chu Văn An thì xa, tôi đi tìm trường Nguyễn Trãi để nộp đơn xin dự thi.

Khi học lớp nhất, tôi khá về hai môn Toán và Luận Văn nên cũng thuận lợi trong kỳ thi tuyển. Trường chỉ tuyển vào hơn hai trăm học sinh (không nhớ con số chính xác), tôi may mắn trúng tuyển và được nhận học bổng toàn phần, tôi nhớ là 400 đ một tháng. Vào thời kỳ năm 1957 thì đây là một món tiền rất quý đối với một học sinh nghèo như tôi (lương lính thời gian này chỉ có 800 đ một tháng). Tuy nhiên, học sinh không được lĩnh mỗi tháng mà cuối năm, trước khi nghỉ hè, lãnh luôn một lần chín tháng học bổng.

Trong năm Đệ Thất, để đi học, tôi phải đi bộ dọc theo đường Chi Lăng, tới Lăng Ông rẽ tay mặt đi về phía cầu Bông, tới rạp Casino ĐaKao thì rẽ trái, đi theo đường Đinh Tiên Hoàng. Đi tuốt luốt tới ngã tư , giao nhau với đường Phan Đình Phùng, ở đây có  phòng trà (night club) Cigale quét vôi đỏ choét  màu bã trầu , thì rẽ  tay phải. Đi khoảng 200 mét thì tới trường tiểu học Lê Văn Duyệt. Ở bên cạnh bảng tên của trường tiểu học và hơi thấp hơn là một  tấm bảng nhỏ hơn: Trường Trung Học  Nguyễn Trãi.

 

Những năm 1957, 1958… Sài gòn còn khá vắng vẻ, ngăn nắp và khá sạch sẽ, không quá chen chúc, bụi bặm, ngổn ngang như bây giờ. Loại xe thổ mộ chở khách, chở các bà, các chị ra chợ vẫn còn phổ biến. Nhưng vài năm sau thì loại xe này vắng bóng, chỉ còn thấy ở  những vùng quê xa xôi. Hàng ngày, đi học trên đường Chi Lăng, tôi vẫn thấy loại xe ngựa này chạy đón, đưa khách đến chợ Bà Chiểu.

Bác đánh xe,ngồi để hai chân sang một bên, cầm dây cương, đánh miệng “tróc, tróc” để ra hiệu cho ngựa chạy. Cây roi chỉ thỉnh thoảng bác mới phải dùng tới, đánh khẽ một cái, như thói quen nhiều hơn là cần thiết.

nguyentrai

Xe thổ mộ trên phố xá Sài Gòn thập niên 50 thế kỷ trước

Trường Nguyễn Trãi khi ấy có ba dãy gồm có hai dãy nhà cổ, lợp ngói, lớp học thoáng mát, đúng tiêu chuẩn trường học xây dựng thời Pháp. Hai dãy cách nhau bởi một khoảng sân rộng. Một dãy thứ ba, lợp tôn, được xây dựng thêm  ở phía sau, gần  đường Tự  Đức. Vì là trường sở đi mượn nên học sinh Nguyễn Trãi chỉ đi học buổi chiều, từ một giờ tới sáu giờ. Văn phòng trường là một căn nhà nhỏ,,lợp tôn, ngang thước thợ và ở đầu dãy thứ hai. Bây giờ nghĩ lại, thấy tội nghiệp các thày: Căn phòng thì nhỏ, không bằng một lớp học, lợp tôn nóng bức mà vừa là phòng Hiệu Trưởng, phòng Giám học, phòng Giáo sư, văn phòng hành chánh,…

Tôi được xếp vào lớp Đệ Thất B3. Tới bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao ký hiệu của các lớp trường Nguyễn Trãi thời kỳ đó, vốn là trường trung học đệ nhất cấp, chưa phân ban, mà có chữ B, giống như ban B (ban Toán) ở bậc học Tú Tài. Có lẽ, nhiều giáo sư trẻ về dạy Nguyễn Trãi sau này chắc cũng không  biết tại sao.

Hiệu trưởng Nguyễn Trãi thời kỳ đó là thày Vũ Đức Thận. Thày người tầm thước, hơi gầy, tới trường bao giờ cũng mặc bộ complet trắng. Tính thày điềm đạm, nghiêm nghị, đúng là một nhà mô phạm điển hình của thế hệ trước. Thày có viết một cuốn sách Vạn Vật cho lớp Đệ Tứ.

Lớp Đệ Thất B3 nằm ở một góc ba tó, cuối dãy đầu tiên, gần phía đường Phan Đình Phùng. Dạy Anh Văn năm đó là thày Quỳ, người to cao, oai phong. Thày đi dạy bằng một chiếc Lambretta rất bệ vệ. Trong cặp thày luôn có một cái quạt giấy. Khi tới lớp, thày ngồi xuống ghế, lấy quạt ra quạt quạt vài cái rồi mới bắt đầu giờ học. Ngược lại với vẻ oai phong của thày Quỳ là thày Diệu, dạy Pháp văn, người tầm thước, nho nhã , trắng trẻo. Dạy Việt Văn là thày Hoạt, người hơi gầy, nhỏ nhắn, dáng vẻ văn nhân, đi dạy bằng xe đạp Peugeot. Sau năm học Đệ Thất, tôi không có dịp nào gặp lại thày (hình như thày chuyển sang làm báo?). Thày Phạm Quýnh phụ trách môn Toán. Các môn Đức Dục và Công Dân thì thày Tô Đình Hiền. Thày hiền lành nhưng đặc biệt có dáng đi ẻo lả như con gái. Dạy Nhạc thì luôn luôn là Thày Chung Quân.

Dạy Vẽ trong suốt bốn năm ở Nguyễn Trãi là thày Thịnh Del. Dáng người thày béo tốt, nên lũ học trò láo lếu gọi lén sau lưng thày là Michelin (xin thày xá tội cho tụi nó, không có con trong đám ấy). Một năm thày bị sao quả tạ chiếu. Nguyên là, thày có mở lớp riêng về hội họa ở nhà (khu Bàn Cờ), mà vẽ khỏa thân lại là một bộ môn trong ngành vẽ. Chắc là hàng xóm có các anh chàng thường ngó nghé nhìn trộm, rồi tiếng đồn truyền xa, hoặc do ai ác ý đi báo chính quyền, nên một hôm đẹp trời, cảnh sát đến khám nhà thày, bắt gặp một cô gái khỏa thân đang ngồi làm mẫu. Thế là mấy anh cảnh sát dốt nát bèn làm biên bản về tội “công xúc tu sĩ”. Báo chí Sài thành đăng lên tùm lum, thày trò Nguyễn Trãi đều biết hết, khiến hôm sau đến lớp thày phải mất công giải thích thanh minh, thanh nga với đám học trò.

Năm học sau, Bộ Giáo Dục có chủ trương thay đổi về chương trình sinh ngữ: học sinh trung học đệ nhất cấp chỉ học một sinh ngữ: Anh văn, Pháp văn hay Hán văn. Vì vậy lớp Đệ thất B3 cũng như nhiều lớp khác bị phân tán, trò thì  học Anh văn, trò khác Pháp văn, một số nhỏ học Hán văn.

Lên Đệ Lục B3, chúng tôi phải xuống học ở “xóm” nhà tôn phía sau. Chỉ cách đường Tự Đức một dẻo đất hẹp và một bức tường cao khoảng hai mét. Trên đường Đinh Tiên Hoàng có một rạp chiếu bóng “pẹc-ma-năng”, là rạp ASAM. Đây là rạp chiếu bóng “tủ” của các nhóc tì Nguyễn Trãi. Rạp bình dân, giá rẻ, chỉ có 5 đồng một vé, có thể ngồi coi suốt ngày. Thỉnh thoảng một đám tiểu yêu, trốn học, len lén đi ra bức tường sau, quẳng cặp táp ra trước rồi leo tường nhảy ra ngoài, chạy ù tới rạp chiếu bóng. Rạp Casino Đakao ở đầu đường Đinh Tiên Hoàng thì cao cấp hơn, giá tới 10 đồng một vé nên các nhóc tì chê, ít khi bén mảng tới.

Ở lớp Đệ Lục, dạy Anh văn là thày Phạm Chung. Thày là giáo sư dạy giờ, còn đang học ở Đại học (thời kỳ đó, nhiều giáo sư trẻ ở Nguyễn Trãi đang học chương trình cử nhân trên đại học). Thày Chung người khá béo, đi chiếc xe đạp rất bụi đời. Đặc điểm là thày rất nghiện hít dầu Nhị Thiên Đường nhưng lại luôn luôn không mang theo, nên khi tới lớp, vừa ngồi xuống bàn giáo sư, thày hỏi : “Có đứa nào mang dầu Nhị Thiên Đường không?”. Lớp tôi có một anh bạn, bao giờ trong túi cũng có một ve dầu Nhị Thiên Đường, bèn mang lên cho thày mượn. Nghe nói ở lớp khác do thày dạy, hàng ngày cũng có hoạt cảnh như vậy; nghĩa là mỗi lớp có một trò,  ngoài việc đi học còn có nhiệm vụ mỗi ngày mang theo một ve dầu Nhị Thiên Đường để cho thày mượn.

Ngoài sinh ngữ là Anh văn, lớp chúng tôi còn được học môn Hán ngữ do cụ Tú Anh dạy. Ngày xưa,  cụ đỗ Tú tài nho học. Trong năm Đệ Lục này, thày Bùi Thái Trừu dạy chúng tôi các môn Vạn Vật, Hóa Học và Vật Lý.

Lên lớp Đệ Ngũ B3, lớp chúng tôi được học ở phòng thứ hai của dãy nhà giữa, dãy đẹp nhất, lớp học thoáng mát nhưng kẹt một cái là gần “mặt trời”, văn phòng của thày Hiệu Trưởng.

Trong năm học này, đặc biệt thày Hà Đạo Hạnh phụ trách đủ “thập bát ban võ nghệ”, thày dạy các môn : Toán, Vật Lý, Hóa Học và Vạn Vật. Thày Hạnh hiện nay vẫn ở ngôi nhà ngày xửa ngày xưa của thày ở đường Lý Trần Quán, Tân Định (bây giờ không biết tên là đường gì).

Dạy Hán Văn là cụ Nguyễn Trọng Hàn, thày Hiệu Trưởng cũ của tôi ở trường tiểu học Hàng Than, Hà Nội. Khi tôi nhắc lại thời mình học ở trường Hàng Than, thày rất vui.

Dạy Việt Văn năm nay là thày Đặng Ngọc Hạnh. Thày đặc biệt rất ghét mấy trò hiệu đoàn, làm báo làm bổ và ghét lây cả các trò “học không học chỉ ham làm báo”, trong đó đầu têu là trò Nguyễn Trần Trác, "chủ bút" của tờ bích báo của lớp. Học kỳ một năm đó,t ôi nhất môn Luận văn của thày, nhưng khi trả bài, thày nói với tôi, trước cả lớp: “vì không có bài nào khá hơn nên tôi mới cho anh điểm cao nhất” (thời đó, các thày giáo người Bắc thường gọi học sinh là anh hay chị). Tôi biết là thày vẫn có ác cảm với việc ham viết báo, viết bổ của mình. Nhưng dần dần Thầy thấy, trò này tuy vậy lại chăm học , không bao giờ “cúp cua”, nhất là khi thi học kỳ hai, tôi lại nhất môn luận văn thì thày có vẻ rất “tín nhiệm” trò Trác.

Năm học 1960-1961, đám học trò chúng tôi ngày nào mới lớ ngớ bước vào ngôi trường Trung học xa lạ Nguyễn Trãi thì bây giờ đã lên lớp Đệ Tứ B3. Một năm học tôi không bao giờ quên, đầy tự hào với biết bao nhiêu kỷ niệm. Trước đây tôi có viết một bài hồi ký nhắc lại với các bạn Nguyễn Trãi những kỷ niệm của năm học này. Âu là, tôi chép lại ở đây:

Thấm thoát, ngày nào mới thi vào đệ Thất, bây giờ đã lên tới lớp cuối cấp, tụi mình  lên học đệ Tứ. Lớp đệ Tứ B3 vẫn cùng dãy với lớp đệ Ngũ nhưng ở xa mặt trời hơn, ở giữa dãy. Cuối năm sẽ thi lấy bằng Trung học Đệ Nhất Cấp. Thật là một cái mốc vô cùng quan trọng .Trong tuổi trẻ của mình, có lẽ đó là cái bằng quan trọng hơn cả, quý giá hơn hết thảy.

Đầu năm đệ Tứ, trường Nguyễn Trãi có một thay đổi lớn: Thày Hiệu Trưởng Vũ Đức Thận về hưu, thay vào là thầy Phạm Đăng Châu, còn trẻ, ở Vĩnh Long đổi về. Hình như vị hiệu trưởng mới này có quen biết hay họ hàng chi đó với Bộ trưởng Giáo dục Trần Hữu Thế. Lễ chào cờ đầu năm học 1960-1961 rất trang trọng với sự chủ tọa của Bộ Trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục. Học sinh xếp hàng theo lớp, các giáo sư đứng thành hàng ngang ở trên. Lễ thượng kỳ có ban quân nhạc kèn đồng sáng loáng cử bài quốc ca rất hùng tráng “ Này công dân ơi đứng lên đáp lời sông núi…”. Sau lễ chào cờ, các giáo sư được giới thiệu với Bộ Trưởng. Có một “tai nạn” nhỏ là người giới thiệu lại bỏ sót không giới thiệu thày Thịnh Del, hình như điều này cũng làm thầy hơi phiền lòng.

Lớp đệ Tứ B3 có sĩ số là 51, được học với các thầy cô :

- Thày Nguyễn Tri Tài dạy môn Quốc văn. Thầy là dòng dõi của Tổng Đốc thành Hà Nội, Nguyễn Tri Phương. Thầy thuộc truyện Kiều như cháo, giảng  thao thao bất tuyệt. Sau này ,thày lên dạy ở đại học Văn Khoa.

-Thầy Nguyễn Huy Quán dạy môn Toán. Thầy người gầy gầy, nghiêm, không bao giờ thấy thầy cười. Thày giảng bài nhỏ nhẹ nhưng rất mạch lạc, rõ ràng và rất tận tâm.

-Cụ Nguyễn Trọng Hàn vẫn dạy Hán văn. Cụ nguyên là hiệu trưởng trường tiểu học Hàng Than, tên chính thức là trường Nguyễn Công Trứ,  Hà Ni, khi chưa di cư. Khi đó mình là học sinh trường này từ năm lớp Năm tới hết năm lớp Ba.

-Thày Bùi Thái Trừu dạy môn Vạn Vật. Thày có chiếc xe hơi nhỏ và hình như có dạy thêm vài trường tư ở Sàigon. Tính thầy nghiêm.

-Thày Đặng Ngọc Hạnh dạy hai môn Sử và Địa. Thày rất tín nhiệm trò Trác nên chẳng bao giờ thày gọi trò này lên trả bài. Cuối năm, thầy hỏi: từ đầu năm, có ai chưa lên trả bài lần nào không? Trò Trác thật thà dơ tay, thày có vẻ ngạc nhiên nhưng cũng cho trò lên trả bài.

-Thày Quỳ (mình không nhớ đích xác họ của thầy) vẫn dạy Anh Văn. Trong lớp có một trò rất ngỗ nghịch, một hôm thầy tức giận đuổi ra khỏi lớp. Trò này vẫn tỏ vẻ nhơn nhơn, khi đi qua bàn thầy còn cúi chào với vẻ diễu cợt, bất cần, Thày chỉ lầm bầm, có lẽ lòng rất buồn: “wait and see”.

-Dạy Lý, Hóa là thầy Phạm Quýnh. Thày người hơi nhỏ nhưng dạy học nghiêm. Một lần, khi đã học ở đại học Sư Phạm và đại học Khoa Học, mình ghé vào ăn sáng ở tiệm phở ở gần ngã bảy Cộng Hòa thì tình cờ gp thầy Quýnh. Mình chào thầy nhắc lại ngày xưa học Nguyễn Trãi. Hôm đó thày nhất định trả tiền cả hai tô phở.

 

-Một buổi học, hôm đó có giờ học thứ 5, trời sắp có cơn mưa nên hơi tối, lớp học đã bật đèn, thày giám thị bước vào lớp, giới thiệu vị giáo sư dạy môn Công Dân. Cả lớp yên lặng sững sờ khi vị giáo sư bước vào lớp. Đó là một cô giáo rất trang nhã, đẹp một vẻ đẹp quý phái, tên cô là An Hà Châu. Ngày đó, cô luôn luôn dùng viết Bic, mực màu xanh lá cây. Sau lớp đệ Tứ không ai được học với cô nữa. Hình như sau đó , cô đổi ra Nha Trang.

- Thầy Tiến vẫn dạy Nhạc. Tết năm ấy, trường Nguyễn Trãi tổ chức tất niên rất rầm rộ, tại Rạp Thanh Bình. Thày Tiến chỉ huy một màn hợp ca rất hoành tráng (lâu quá không nhớ trình diễn bài gì)

- Dạy vẽ tất nhiên là thày Thịnh Del. Trong lớp có bạn Nguyễn Đức Tuấn, tước danh là Tuấn Rụt (xin lỗi bạn) là cháu của thầy Thịnh Del

- Dạy thể dục, thể thao là thầy Bính. Lớp thường ra tập ở sân Hoa Lư. Thầy Bính có cách phạt là nắm tai học trò kéo lên. Một lần, kéo tai một trò làm trò này bị rách tai, chảy máu. Thầy có vẻ cũng hơi hoảng.

- Năm đệ Tứ còn có thầy Nguyễn Bá Lương. Người thầy mập mạp, mắt bị cận. Thầy dạy môn Việt văn nhưng chỉ dạy có nửa học kỳ 1. Có vài lần, mình đang nghiêm chỉnh ngồi chép bài , thốt ngửng lên thấy Thầy nhìn chằm chằm vào mình một cách giận dữ. Thằng bé chột dạ (mình đâu có nghịch phá gì đâu mà trông thầy giận dữ vậy). Tới lúc thầy cất tiếng mắng mình mới thở phào thoát nạn, té ra thầy mắng thằng bên cạnh (mắt thầy bị hiếng). Sau nửa học kỳ 1, thầy chuyển công tác sang bộ Tư Pháp. Nghe nói thầy mới làm xong tiến sỹ luật.

- Giám thị năm đệ Tứ là thầy Tùng. Thầy tính tình điềm đạm, làm việc nghiêm túc, công bằng và hết lòng với học sinh. Rất tiếc thầy mất sớm. Khi thầy mất, nhiều học sinh Nguyễn Trãi tới thắp nhang và đưa tiễn thầy.

 

Năm đệ Tứ (1960-1961) cũng là một bước phát triển quan trọng của trường Nguyễn Trãi từ khi vào Nam. Đó là năm trường mở thêm bậc đệ nhị cấp: đệ Tam, đệ Nhị , đệ Nhất. Lp đệ Nhất nằm ở phòng đầu dãy giữa , cạnh văn phòng trường. Tuy vậy, đám học trò đệ Tứ chẳng coi cái lớp đệ Nhất đó là cái “đinh” gì và vẫn tự cho mình là học trò kỳ cựu, lớn nhất trường, không thèm để mắt tới đám ma mới đệ nhất mới vô.

Khi chưa di cư, còn đóng đô ở Hà Nội, Trường Trung học Nguyễn Trãi vẫn dạy tới Đệ Nhất (Tú Tài 2); nhưng sau khi vô Nam, trường sở thì là học ké lại chật hẹp nên bị cắt mất bậc tú tài; trở thành trường trung học đệ nhất cấp.

Sau năm đệ Tứ, tụi mình thi bằng Trung học đệ nhất cấp.Thật là một kỳ thi trọng đại trong đời học trò của các học sinh Nguyễn Trãi 57. Có một số bạn bị hỏng trong kỳ thi. Qua được cửa ải vinh quang này là lên bậc học tú tài. Vài bạn gia cảnh khó khăn, tạm biệt con đường học vấn, vác mảnh bằng đi kiếm việc làm, hoặc thi vào trường Quốc Gia Sư Phạm để ra làm giáo viên tiểu học.

Năm học 1961-1962,chúng tôi lên học lớp Đệ Tam. Sau bốn năm học chung cùng một lớp, năm học này chúng tôi bị phân tán. Vì thiếu phòng học, nên chỉ một số được giữ lại học ở Nguyễn Trãi, số còn lại được chuyển sang Chu Văn An hoặc Võ Trường Toản. Tôi được giữ lại học lớp Đệ Tam B ở Nguyễn Trãi.

Dạy Việt Văn năm nay là thày Minh. Thời gian này thày còn kiêm nhiệm hiệu trưởng trường bán công trung học Hoài An ở Phú Nhuận, nên lúc nào thày cũng có vẻ tất bật, vội vã. Hiện thày vui hưởng tuổi già ở Mỹ.

Nhiều giáo sư năm học này là các giáo sư trẻ mới tốt nghiệp khóa một Đại học Sư phạm Sài Gòn như thày Vĩnh dạy Lý Hóa, cô Đào Kim Phụng dạy Anh văn.

Ngày đó, cô rất đẹp và trẻ trung. Hình như cô vừa mới tốt nghiệp khóa đầu tiên ngành Anh văn, Đại học Sư phạm Sài Gòn. Cô dạy rất linh động, gọi học sinh có lúc là em, có lúc là bạn. Năm đó, mình nhất môn Anh Văn của cô. Khi cô cho bài dịch Anh-Việt, mình chọn chữ rất kỹ khi dịch nên cô rất ưng ý. Một hôm, trả bài dịch, cô nói trước lớp : “ Cô hy vọng sau này sẽ được đọc những tác phẩm dịch của Trác”. Tiếc thay là điều hy vọng của cô mình không đạt được, vì năm 1963, khi thi vào trường đại học Sư Phạm SG, mình lại thi vào ban Lý- Hóa. Mùa thi năm 1971, khi đó mình đi dạy đã được vài năm, một lần gác thi tú tài tại trường Sư Phạm Sài Gòn (tên cũ là Quốc Gia Sư Phạm) thì tình cờ sao lại gác cùng một phòng thi với cô. Mình nhắc lại thời gian học đệ Tam Nguyễn Trãi khiến cô có vẻ rất vui, gọi mình bằng tên rất thân mật.

 

Dạy Pháp Văn năm Đệ Tam là cô Trợ. Cô người Huế, có một vẻ đẹp rất trang nhã, quý phái. Cô nói tiếng Pháp rất hay, tính tình nghiêm nghị. Tôi rất tiếc chỉ được học cô một năm Đệ Tam. Sau đó, không có dịp nào được gặp hay biết tin tức về cô.

Năm học này, vừa học Đệ Tam, tôi vừa học Toán Lý Hóa chương trình lớp Đệ Nhị để thi nhảy tú tài một, nên cuối năm học thỉnh thoảng cũng trèo tường “cúp cua” để học bài thi. Một lần vừa trốn học, có lẽ thấy lớp vắng bất thường, thày Giám học là thày Tạ Văn Ru vào lớp kiểm danh đột suất, ghi tên các trò vắng mặt, trò Trác tất nhiên bị dính. Hôm sau, Thày vào lớp, gọi tên từng trò đứng lên để cảnh cáo. Khi tôi đứng dậy, thày có vẻ ngạc nhiên và thất vọng, nói : ”năm nay, anh Trác cũng trốn học cơ à?”

Cuối năm Đệ Tam, tôi thi nhảy tú tài một. May sao “mèo mù vớ cá rán”, đỗ. Vào xin thầy giám học Tạ Văn Ru cho vô học lớp Đệ Nhất. Thấy mình đỗ, thầy rất vui nhưng nói : Bộ không cho phép học nhẩy mà em học nhẩy, rồi lại xin vào học trường cũ, như vậy kẹt, hơi khó cho trường. Em nên sang bên trường Chu Văn An xin vô lớp Đệ Nhất bên ấy.Thế là mình trở thành học sinh Chu Văn An. Tới bây giờ có hai quốc tịch NT và CVA. Năm 2005, hội cựu học sinh NT-CVA  khóa 56-63 tổ chức họp mặt ở bãi biển Houston, gửi giấy triệu tập, đúng thời gian mình đang ở Mỹ, bèn khăn gói quả mướp bay sang Houston phó hội, gp nhiều bạn cũ ở NT và CVA xưa.

 

 

Bây giờ, nếu có dịp nào đi qua quãng đường Phan Đình Phùng cũ (nay là đường Nguyễn Đình Chiểu), nhìn vào chốn xưa, chẳng làm sao nhận ra một chút dấu vết của ngôi trường cũ .

 

”Trường học giờ xây kiểu khác rồi”!

 

Đứng nhìn vào khoảng không gian ngày xưa là ngôi trường di cư Nguyễn Trãi, cố lắng lòng mình để hồi tưởng thì, có còn chăng, là một chút dư âm trong ký ức :

 

“Dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo”

 

 

Vài năm sau 1975,tôi thỉnh thoảng đi dự các hội nghị về giáo dục. Những dịp như vậy, tôi lại có cơ hội đi thăm nơi này nơi khác, biết được một số danh thắng hay di tích lịch sử của đất nước.

Một lần về Hải Dương, tôi có dịp về thăm Côn Sơn, thuộc huyện Chí Linh, nơi Nguyễn Trãi về ở ẩn sau khi từ quan. Khi đó đang hè. Ngọn Côn Sơn không cao lắm nhưng đủ làm một thanh niên, khi leo 600 bậc đá tới đỉnh, mệt ngất ngư. Khi nhỏ , đã học qua bài Côn Sơn Ca của Nguyễn Trãi, nên tôi rất thích thú khi được leo lên ngọn Côn Sơn, hy vọng còn tìm thấy vài  vết tích được ghi trong bài ca của Nguyễn Trãi. Sau khi toát mồ hôi leo lên tới đỉnh, tôi chỉ thấy một đỉnh núi khô khan, cây cối thưa thớt, không nghe một tiếng chim hót, chỉ thấy một tảng đá khá to và bằng phẳng, được giới thiệu  là Bàn Cờ Tiên. Một ông Tây béo phục phịch cũng cố gắng leo lên tới nơi, đứng thở hổn hển, bập bẹ nói một câu tiếng Việt “Mệt quá, mà chẳng có gì!”.

Tôi tần ngần đứng nhìn cảnh vật ,nhớ lại bài Côn Sơn Ca của Nguyễn Trãi. Côn Sơn thời của Ức Trai nay còn đâu!

Côn Sơn suối chảy rì rầm
Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai
Côn Sơn có đá rêu phơi
Ta ngồi trên đá như ngồi chiếu êm
Trong ghềnh thông mọc như nêm
Tìm nơi bóng mát ta lên ta nằm
Trong rừng có bóng trúc râm
Dưới mầu xanh mát ta ngâm thơ nhàn
Về đi sao chẳng sớm toan
Nửa đời vướng bụi trần hoàn làm chi!

“Về đi sao chẳng sớm toan, nửa đời vướng bụi trần hoàn làm chi”. Nguyễn Trãi đã “về đi”, lui về Côn Sơn ở ẩn, để khỏi “vướng bụi trần hoàn”, mà nào có thoát khỏi án oan thiên cổ Lệ Chi Viên!

nguyentrai

Chùa Côn Sơn và nhà bia

Ở dưới chân Côn Sơn, có đền thờ Nguyễn Trãi, là một ngôi nhà ba gian. Nhìn cấu trúc đơn giản thì biết được công trình này không phải là đền thờ xưa, có lẽ chỉ mới được xây dựng khoảng sáu hay bẩy chục năm trở lại. Đây nguyên là chùa Côn Sơn (còn gọi là chùa  Hun) ngày xưa , được dựng từ thời nhà Trần. Thời nhà Lê, ngôi chùa rất lớn và tráng lệ nhưng qua bao nhiêu cơn binh lửa, khi tôi tới thăm năm 1979, chỉ là một ngôi nhà nhỏ nằm khiêm nhượng dưới chân núi và được dùng vừa làm nơi thờ, vừa làm một nơi lưu giữ và trưng bày một số tài liệu về Nguyễn Trãi. Tại đây, tôi đọc được một tài liệu cho biết: Nguyễn Thiện Thuật, lãnh tụ của chiến khu Bãi Sậy nổi tiếng thời chống Pháp là một hậu duệ của Nguyễn Trãi.

Suối Côn Sơn ( Côn Sơn có suối nước trong- thơ Nguyễn Trãi) nằm ở chân núi ,có lẽ ,trong mùa hè cạn nước nên tôi không nhận thấy.

nguyentrai

Đền thờ Nguyễn Trãi tại Côn Sơn,Chí Linh,Hải Dương (mới được xây dựng)

 

Gs Nguyễn Trần Trác
Sài Gòn - 2011