banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

“Ám sát tư cách cá nhân"

qua hai chuyện "16 tấn vàng" và "4 xe tiền mặt"

Trần Trung Đạo

Mặc dù bản chất và mục tiêu giữa hai cuộc chiến Afghanistan và Việt Nam hoàn toàn khác nhau như người viết đã phân tích khá chi tiết trong bài “Kabul Không Phải Là Sài Gòn”, màn chót của hai bi kịch có nhiều điểm giống nhau đáng chú ý.
Một trong chuyện đáng chú ý là chuyện vàng và bạc. Một TT Nguyễn Văn Thiệu mang theo “16 tấn vàng” và một TT Afghanistan Ashraf Ghani với “bốn xe và một trực thăng chở đầy tiền mặt”.
Một trong những kỹ thuật tuyên truyền bỉ ổi nhưng hữu hiệu trong chính trị là  “Ám Sát Tư Cách Cá Nhân” (Character  Assassination).
“Ám Sát Tư Cách Cá Nhân” được định nghĩa trong trang Web Luật Mỹ (US Legal):  “Ám Sát Tư Cách Cá Nhân là những cuộc tấn công bằng lời nói ác ý nhằm gây tổn hại hoặc làm hoen ố danh tiếng của một người. Sau khi đã thực hiện xong, những hành vi này thường rất khó để đảo ngược hay cải chỉnh. Do đó nó được ví như một vụ ám sát mạng người theo đúng nghĩa đen. Thiệt hại có thể kéo dài suốt đời hoặc, đối với các nhân vật lịch sử và nhân vật quan trọng, trong nhiều thế kỷ sau khi họ qua đời.”
(Character Assassination is malicious verbal assaults designed to damage or tarnish the reputation of a person. Once done, these acts are often difficult to reverse or rectify. Therefore it is likened to a literal assassination of a human life. The damage sustained can last a lifetime or, for historical figures and important personalities, for many centuries after their death.)

Trường hợp “16 tấn vàng”
Hẳn nhiên hôm nay những người biết đọc, biết viết, biết nhận ra những điểm vô lý trong một câu chuyện “16 tấn vàng” đều đồng ý việc đưa 1.234 thỏi (16 tấn) vàng một cách bí mật từ dưới hai hầm của Ngân Hàng Quốc Gia VNCH ra phi trường Tân Sơn Nhất để từ đó bay sang Đài Bắc là sản phẩm Hollywood  của báo chí tả khuynh phản chiến Mỹ.  Kế hoạch dùng vàng dự trữ để mua vũ khí có thể đã được bàn nhưng cũng chỉ là bàn, không có phương án cụ thể nào hay một thỏa ước giữa VNCH và một nước ngoài nào đó.
Không ít người cho rằng việc TT Nguyễn Văn Thiệu mang 16 tấn vàng đã được Phân Tích Viên CIA Frank Snepp kể lại trong tác phẩm Decent Interval, một tác phẩm không thể thiếu cho một người muốn nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam. Nhưng toàn văn cuốn sách nhất là 11 trang trong chương “High-Class Chauffer” (Tài Xế Hạng Sang) mô tả khi Frank Snepp lái xe đưa TT Nguyễn Văn Thiệu ra máy bay không có một chữ “vàng” nào. Tiếng kim loại va chạm nhau mà Frank Snepp tả trong sách và cũng có thể là nguồn cho “ám sát tư cách cá nhân” TT Nguyễn Văn Thiệu thật ra chỉ là tiếng va chạm giữa hai khẩu súng nhỏ của Thiếu Tá Nguyễn Tấn Phận để trong cặp samsonite.
Một chuyến ra đi bí mật nhưng bình thường của cựu TT VNCH Nguyễn Văn Thiệu và một số viên chức trên phi cơ C-118 Mỹ.
Sau này TT Nguyễn Văn Thiệu nhắc lại điều ông Nguyễn Văn Hảo nói để mọi người biết nhưng trước đó tổng thống im lặng. Bởi vì ông biết có nói “không” một trăm lần thì những người nghĩ là có vẫn không tin. Họ tin BBC loan, tin AP viết “dựa theo một nguồn  tin” được thêu dệt của những kẻ thù ghét VNCH thay vì bình tĩnh tìm ra những nghịch lý của chuyến đi trong thời gian cấp bách chỉ 5 ngày trước khi Sài Gòn mất vào tay CS.

Trường hợp “Bốn xe và Một trực thăng chở ddầy tiền mặt”
Trong mấy tuần qua, những người không biết nhiều về chính trị Afghanistan sẽ khinh bỉ cựu tổng thống của quốc gia này hết sức chỉ vì bản tin của một hãng tin Nga: “Tổng thống Ashraf Ghani bỏ trốn với nhiều xe và trực thăng chứa đầy tiền mặt” (Afghan president fled with cars and helicopter full of cash – RIA”.
RIA là chữ viết tắt theo tiếng Anh của Cơ Quan Thông Tin Nga ( Russian Information Agency) thuộc quyền sở hữu của chính phủ Nga. Điều đó có nghĩa những tin do RIA phát là tin chính thức của Nga.
Hầu hết các hãng tin và đài truyền hình lớn của Mỹ như Reuter, AP, ABC v.v.. và các báo lớn trên thế giới đều loan dựa theo nguồn tin RIA. Tòa đại sứ Nga tại Kabul còn lo không nhiều người tin vào RIA, đã tiếp lời bằng cách lên tiếng tố cáo tổng thống Ashraf Ghani bỏ trốn với bốn xe chất đầy tiền.
Việc đánh phủ đầu bằng cách “ám sát tư cách cá nhân” của TT Ashraf Ghani là một trong những biện pháp cần phải thực hiện ngay.
Putin biết cuộcchiến Afghanistan còn lâu mới chấm dứt. Các lực lượng chống Taliban còn chiếm giữ nhiều vùng và đóng quân chỉ cách thủ đô Kabul 100 cây số. Ahmad Massoud, con trai của anh hùng dân tộc Ahmad Shah Massoud (1953-2001), tư lịnh nổi tiếng của cuộc chiến chống Liên Xô xâm lược và là người bị al-Qaida ám sát đầu tháng 9, 2001, vẫn còn hoạt động chống Taliban tại nhiều nơi trên khắp nước. Ahmad Massoud đang kêu gọi thế giới ủng hộ cuộc chiến chống Taliban của nhân dân Afghanistan.
Sau khi Mỹ rút, Nga và Trung Cộng là hai quốc gia có ảnh hưởng mạnh nhất trong đời sống chính trị của một nước gần 40 triệu dân vùng Trung Á này.

Ashraf Ghani là ai?
Ashraf Ghani sinh năm 1949 tại miền Nam Afghanistan. Theo chương trình trao đổi học sinh, Ashraf Ghani có cơ hội học tại trung học Lake Oswego, tiểu bang Oregon. Khi trở lại quê hương ông học tiếp để tốt nghiệp trung học và sau đó theo học American University at Beirut ngành Nhân Chủng Học Văn Hóa (Cultural Anthropology).


Theo lời giới thiệu được lưu trữ tại Đại học Columbia, ông được học bổng học hai năm trong chương trình Master (Thạc Sĩ) của Columbia University. Sau khi vừa tốt nghiệp Master cũng là lúc gia đình ông bị các lực lượng thân Liên Xô bắt. Ông buộc phải ở lại học tiếp và trình luận án Tiến Sĩ Kinh Tế Nhân Chủng Học Văn Hóa tại trường này năm 1983. Sau khi tốt nghiệp, Dr. Ashraf Ghani được mời dạy tại University of California Berkeley, Johns Hopkins University. Ông gia nhập World Bank năm 1991 và làm việc 11 năm cho tổ chức này tại các vùng Đông và Nam Á Châu.
Ashraf Ghani trở lại Afghanistan sau 24 năm để tham gia chính phủ. Bộ trưởng Tài Chánh Ashraf Ghani chủ trương minh bạch và trách nhiệm. Ông sa thải các viên chức tham nhũng. Mười một năm trong tổ chức World Bank cho ông biết minh bạch và trách nhiệm trước hết phải bắt đầu từ người lãnh đạo. Dr. Ashraf Ghani là người đầu tiên trong chính phủ Afghsnistan công khai hóa tài sản riêng của mình thu nhập được sau 24 năm sống và làm việc ở nước ngoài cũng như đất đai do cha ông để lại. Ông ra lịnh phải điện toán hóa mọi thu chi của bộ và từ chối trả lương cho quân đội nếu đơn vị nào không kết toán đầy đủ nhân sự và số lượng người tuyển dụng.  
Trong suốt các hoạt động văn hóa và chính trị của mình, Ashraf Ghani tập trung vào hai mục đích chính đáng cho dân tộc ông: (1) xóa bỏ nạn nghèo đói tại Afghanistan, (2) xây dựng quyền công dân. Ông không thành công như ý muốn, nhưng không phải vì ông tham nhũng hay độc tài mà do nhiều yếu tố chính trị, lịch sử, văn hóa, tập quán xã hội khác.
Sau thời gian làm Bộ Trưởng Tài Chánh, ông từ chối tiếp tục tham chính và xin trở lại làm Viện Trưởng Viện Đại Học Kabul. Năm 2009, ông trở lại chính trường để ứng cử tổng thống. Tuy không thành công, ông được mời làm chủ tịch ủy ban chuyển giao quyền hạn từ Hoa Kỳ và NATO sang các lực lượng an ninh Afghanistan.
Năm 2014, Ashraf Ghani được Foreign Policy magazine chọn  là một trong một trăm World's Top 100 Global Thinkers. Ông cũng là tác giả của nhiều tác phẩm nghiên cứu về lịch sử, văn hóa và chính trị Afghanistan.
Năm 2014, ông ứng cử tổng thống lần nữa và đắc cử. Ngày 15 tháng 8, 2021, TT Ashraf Ghani rời Afghannistan để “tránh đổ máu” và khỏi bị “treo cổ” nhưng hứa sẽ trở lại Afghanistan.
Đọc tiểu sử và những đóng góp của TT Ashraf Ghani, một trí thức có tài sản được ExactNetworth ước lượng vào khoảng năm triệu dollar và được xếp vào hạng 100 nhà trí thức có ảnh hưởng trên thế giới để thấy với cái đầu suy nghĩ của ông ta chẳng lẽ tới giờ chót lại dại dột chở theo bốn xe chất đầy tiền bạc?
Tài sản trị giá năm triệu dollar của một tiến sĩ giảng dạy nhiều năm tại các đại học danh tiếng thế giới, làm việc 11 năm cho World Bank, được thừa kế nhiều ruộng đất do ông cha để lại và đầu tư trong suốt 24 năm là một gia sản hợp lý nếu không muốn nói là khiêm nhượng.
Hôm 18 tháng 8 vừa qua, TT Ashraf Ghani tố cáo Nga đã “ám sát tư cách cá nhân” ông khi tung tin không căn cứ. Giấy tờ khai với hải quan qua hai nước cho thấy ông chỉ mặc một bộ đồ truyền thống, khoác chiếc áo ‘vest’ và mang đôi giày ‘sandals”.
Đành rằng "con người lòng tham không đáy”, không có gì chắc chắn để bảo đảm Ashraf Ghani giàu rồi nên không muốn giàu thêm nhưng ít nhất ông cũng biết mọi hành vi của ông không thể nào tránh được tai mắt của mọi người.

Lý do Putin muốn “Ám sát tư cách cá nhân” Ashraf Ghani
Muốn biết lý do chúng ta phải xem xét mối quan hệ giữa Taliban và Nga cũng như cách đánh giá của Putin về vai trò của Ashraf Ghani trong tương lai Afghanistan.
Nga nhận xét Afghanistan như là một “vùng ảnh hưởng” của ba cường quốc: Mỹ, Trung Cộng và Nga. Quốc gia này có chung biên giới với các “kho thuốc súng” Trung Cộng, Iran, Pakistan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan.
Nga được bao bọc bởi một vòng đai an ninh gồm ba nước Trung Á là Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan. Ba nước này là thành viên của Tổ Chức Liên Phòng An Ninh Tập Thể (Collective Security Treaty Organization) do Nga đứng đầu, và vì thế, biên giới của Nga trong thực tế là Afghanistan như đã có từ thời Liên Xô còn tồn tại.  
Lãnh thổ Afghanistan có thể sớm bị biến thành bãi chiến trường trong một cuộc Chiến Tranh Ủy Nhiệm (Proxy War) kiểu Syria mà Putin không muốn thấy. Lý do, tại Syria, Nga đóng vai “ngư ông đắc lợi” trong khi tại Afghanistan, Nga từng là “cò” và có thể sẽ là “cò”  lần nữa trong tương lai.
Mọi bất ổn trầm trọng của Afghanistan sẽ ảnh hưởng đến phần Á Châu của Nga. Bài học xương máu 10 năm xâm lược Afghanistan với 15,000 lính bị giết, 35,000 lính bị thương và làm nền kinh tế suy sụp như Gorbachev thừa nhận với RIA hôm 17 tháng 8, 2021 vừa qua  là một bài học cay đắng của Liên Xô.
Ngày 8 tháng 7, 2021, Nga là quốc gia đầu tiên mà các đại diện phe Taliban thăm viếng và cam kết cuộc tiến quân nhanh chóng của họ sẽ không ảnh hưởng gì đến các quốc gia lân cận trong vùng Trung Á và Taliban thừa nhận rằng họ có quan hệ tốt với Nga.
Khi Nga tung tin để “ám sát tư cách cá nhân” một đối thủ chính trị của Taliban cho thấy mối lo xa của Putin và cũng để lấy lòng Taliban.  Dù Ashraf Ghani đã cải chính “viên đạn” của Nga cũng đã làm ông bị tổn thương trầm trọng.
Mấy tuần qua cách rút quân ra khỏi Afghanistan của TT Joe Biden làm trò cười cho thế giới và bị các chính khách cả hai đảng Dân Chủ lẫn Cộng Hòa phê bình. Khi bị phê bình, TT Joe Biden thay vì thừa nhận sai lầm đã đổ thừa lên TT Ashraf Ghani và quân đội Afghanistan nhu nhược, không có khả năng bảo vệ đất nước. Trong khi đó,  TT Joe Biden và bộ tham mưu của ông đã làm ngược với sách vở và kinh nghiệm rút quân của thế giới cũng như của các chính phủ Mỹ trước đây.  
Trong số những người phê bình có Mikhail Gorbachev. Cũng trong bài trả lời phỏng vấn của RIA, Mikhail Gorbachev cho rằng Mỹ thất bại ngay từ đầu cuộc chiến Afghanistan. Nhận xét đó không đúng và chẳng qua là một cách gỡ gạc cho thất bại của chính mình.
Mỹ không thua ở Afghanistan. Việc rút quân ra khỏi Afghanistan sau khi các mục đích chính đã hoàn thành dù tốn kém là một chọn lựa có tính chiến lược. Tuy nhiên, cách rút của TT Joe Biden đã biến những thành tựu nên được đề cao, những tốn kém cần được đánh đổi, những hy sinh cần được vinh danh thành những thất bại ê chề.
Lẽ ra, TT Joe Biden nên tuần tự rút theo ưu tiên các thành phần dân sự Mỹ và các cộng tác viên người Afghanistan sau đó mới chính thức công bố thời hạn rút số quân còn lại. TT Joe Biden làm ngược với sách vở nên tạo ra một luồng sóng phản ứng tâm lý đối với mọi cấp từ lãnh đạo, quân đội đến người dân Afghanistan.
Ai không sợ Taliban? Thời gian từ khi lên nắm quyền 1996, bị đánh bật ra khỏi Kabul 2001 và phục hồi, Taliban là cơn ác mộng hãi hùng của dân tộc Afghanistan vì đã gây ra vô số tội ác.  Hình phạt mà Taliban thường dùng là cắt cổ. Cách đây không lâu, tháng 5, 2021, Sohail Pardis, một thông dịch viên cho quân đội Mỹ chỉ 16 tháng bị Taliban chận xe bắt và chặt đầu ngay giữa đường. TT Joe Biden và bộ tham mưu của ông biết rõ tội ác của Taliban nhưng vô cảm trước nỗi sợ hãi và tai họa sẽ giáng xuống đầu hàng triệu dân Afghanistan trong nay mai.

Con người thường rất dễ tin
Sự dễ tin của một người phát xuất từ bốn lý do, (1) thiếu kiến thức căn bản để tự tìm hiểu các điều nghịch lý trong câu chuyện; (2) thiếu tự tin ở chính mình nên dễ bị lung lạc; (3) đầy định kiến nên tin vào những nguồn tin không chính xác nhưng lại phù hợp với tình cảm hay quan điểm riêng của mình; (4) những điều đó dẫn tới một trình độ nhận thức kém về những lãnh vực mà người đó quan tâm.
Người viết không binh vực hay chống đối TT Ashraf Ghani nhưng chỉ viết ra đây mặt khác của vấn đề để các bạn trẻ đọc và qua đó sẽ có một cách nhìn sáng suốt, đa diện, khách quan và bình tĩnh khi có cơ hội đọc về những nhân vật lịch sử của cuộc chiến Việt Nam.
Không riêng  cố TT Nguyễn Văn Thiệu mà cả nước Việt Nam Cộng Hòa cho đến nay vẫn còn là nạn nhân của loại “ám sát" này.
Thế giới con người đầy gai nhọn, gai trên đường đi và gai nhiều nhất trong lòng người. Mong các ban trẻ học chuyện nước ngoài để bước khéo hơn trên con đường Việt Nam đã, đang và sẽ đầy gai như thế.
Trần Trung Đạo
25/08/2021

https://www.facebook.com/trantrungdao/posts/4644058745618075


Kabul không phải là Sài gòn

Trần Trung Đạo

Qua nay nhiều tác giả nghĩ rằng những gì đang xảy ra tại Kabul cũng giống như đã xảy ra tại Sài Gòn 30-4-1975, tuy nhiên đó chỉ giống nhau về hình thức.
Cuộc chiến tranh Afghanistan và chiến tranh Việt Nam khác nhau về kích thước và nhất là về bản chất.
Mục đích của Mỹ và đồng minh không phải để bảo vệ “Afghanistan Cộng Hòa”, tương tự như bảo vệ Việt Nam Cộng Hòa mà là để đánh bại tổ chức khủng bố al-Qaeda do Osama bin Laden dùng Afghanistan như một hậu phương an toàn.
Theo tài liệu của Hội Đồng về Quan Hệ Ngoại Giao (Council on Foreign Relations) từ 1999 Liên Hiệp Quốc đã có ủy ban chuyên trách về tổ chức khủng bố al-Qaeda gọi là al-Qaeda and Taliban Sanctions Committee.
Sau biến cố 9/11, TT George W. Bush quyết định tấn công nếu Taliban không giao nộp bin Laden và đồng đảng. Ngày 7 tháng 10, 2001 liên quân đồng minh trên danh nghĩa gồm Mỹ, Anh, Canada, Úc, Đức, Pháp mở các cuộc oanh tạc phối hợp với các lực lượng chống Taliban đánh bật Taliban ra khỏi Kabul, tuy nhiên Osama bin Laden và lãnh tụ Taliban là Mullah Omar trốn thoát.
Cuối năm 2001, một chính phủ liên hiệp do Liên Hiệp Quốc và Iran bảo trợ do Hamid Karzai đứng đầu được thành lập. Mỹ ủng hộ. TT George W. Bush trong diễn văn tại Virginia Military Institute ngày 17 tháng 4, 2002 kêu gọi tái thiết Afghanistan. Nhưng cũng ngay sau đó, nội bộ phe đồng minh và NATO có nhiều điểm bất đồng. Chính phủ Karzai bị tố cáo tham nhũng và không chính danh vì không thắng đủ túc số 50 phần trăm trong cuộc bầu cử tổng thống 2009.
Những bất ổn chính trị tạo điều kiện cho Taliban phục hồi và chiếm một phần ba lãnh thổ Afghanistan.  Bên cạnh đó, các vụ khủng bố bằng ôm bom tự sát gia tăng với một cường độ chưa bao giờ có trước đó. Tháng 5, 2014 TT Obama công bố một thời khóa biểu rút quân.
Tới phiên TT Trump. Vào tháng 8, 2017 ông cũng có ý định rút quân nhưng không muốn tạo một lổ hổng cho khủng bố tái phát. Dưới thời TT Trump, Mỹ tiến hành đàm phán với Taliban trên cơ sở Mỹ đồng ý rút quân và Taliban đồng ý không chứa chấp khủng bố đồng thời tham gia đàm phán giải quyết các vấn đề nội bộ của Afghanistan. Tháng 2, 2020, thỏa hiệp giữa Mỹ và Taliban được ký. Mỹ bắt đầu rút quân.
Ngày 14 tháng 4, 2021, TT Biden tuyên bố việc rút quân sẽ hoàn tất vào 9 tháng 11 2021 mặc dù trên thực tế, việc rút 600 sĩ quan và binh sĩ chiến đấu cuối cùng đã hoàn tất từ tháng 7, 2021.
Yếu tố khác nhau căn bản giữa hai cuộc chiến là nền cộng hòa
Chế độ Cộng Hòa tại miền Nam Việt Nam được thiết lập trước khi Mỹ đưa quân sang Việt Nam và dù có Mỹ hay không, quân dân miền Nam vẫn chiến đấu và hy sinh cho nền cộng hòa non trẻ, cho khát vọng tự do.
Mục đích và lý tưởng tự do đó vẫn còn đang tiếp tục và sẽ tiếp tục cho tới khi nền cộng hòa được thiết lập không chỉ riêng cho miền Nam mà cho cả dân tộc Việt Nam.
Con đường đó có thể dài hơn con đường từ thủ đô Washington D.C. đến Kabul hay Baghdad, nhưng sẽ là con đường của niềm tin và hy vọng, của giấc mơ Việt Nam đang dần dần trở thành hiện thực.
Người Việt yêu nước sẽ tiếp tục vận dụng các yếu tố quốc tế vào cuộc vận động tự do dân chủ nhưng như bài học Afghanistan cho thấy dân chủ không phải là sản phẩm đóng thùng sẵn từ Washington D.C. mà bằng hy sinh xương máu của chính người Việt Nam.

____________

Luôn dịp, đăng lại bài viết đã đăng trong phần 'Notes' trước đây và mời các bạn trẻ đọc để biết thêm về bản chất của cuộc chiến Việt Nam:

GỌI TÊN CUỘC CHIẾN     
Ngày 23 tháng 3, 2017, Giáo sư Drew Gilpin Faust, Viện trưởng Viện Đại Học Harvard viếng thăm Đại học Fulbright Việt Nam. Nhân dịp này bà đọc một diễn văn tại Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn. Phần khá dài của diễn văn, bà dành để nói về Chiến tranh Việt Nam, nội chiến Hoa Kỳ và hòa giải Nam Bắc Mỹ.
Trong suốt diễn văn bà Drew Faust không hề nhắc đến sự chịu đựng của người dân miền Nam Việt Nam hay nhắc đến Việt Nam Cộng Hòa (VNCH), chính phủ đại diện cho hơn một nửa dân số Việt Nam ngày đó.
Người viết không nghĩ bà dè dặt hay không muốn làm buồn lòng quốc gia chủ nhà. Nhưng giống như một số khá đông các trí thức Mỹ trước đây, sau 44 năm từ khi các đơn vị trực tiếp chiến đấu Mỹ rút khỏi Việt Nam vào tháng Ba năm 1973, bà vẫn chưa nhìn sâu được vào bản chất của cuộc Chiến tranh Việt Nam.
Việt Nam trong diễn văn của bà Drew Faust là Cộng Sản Việt Nam.
Bà Drew Faust không hiểu được trên con đường Việt Nam đầy máu nhuộm chạy dài suốt 158 năm, từ khi viên đại bác của Rigault de Genouilly bắn vào Sơn Chà, Đà Nẵng sáng ngày 1 tháng 9, 1859 cho tới hôm nay, nhiều triệu người Việt đã hy sinh vì độc lập tự do dân tộc.
Đảng CS là một nhóm rất nhỏ, và chỉ ra đời vào tháng 3, 1930. Cộng Sản thắng chỉ vì họ có mục đích thống trị rõ ràng, dứt khoát, kiên trì và bất chấp mọi phương tiện để hoàn thành mục tiêu đã vạch ra.
Bà Drew Faust là người học nhiều, hiểu rộng. Chắc chắn điều đó đúng. Nhưng nghe một câu chuyện và cảm thông với những nạn nhân trong câu chuyện là một chuyện khác. Ngôn ngữ không diễn tả được hết nỗi đau và đôi mắt thường không thấy được những vỡ nát bên trong một vết thương.
Là một sử gia, bà biết lịch sử được viết bởi kẻ cưỡng đoạt không phải là chính sử. Chính sử vẫn còn sống, vẫn chảy nhưng chỉ được hiểu bằng nhận thức khách quan, tinh tế, chia sẻ với những tầng lớp người đang chịu đựng thay vì đứng về phía giới cầm quyền cai trị.
Một ví dụ về chính sử. Năm 1949 tại Trung Cộng, trong cuộc bỏ phiếu bầu chức vụ Chủ tịch Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa, Mao tin tưởng tuyệt đối 547 đại biểu sẽ bỏ phiếu cho ông ta. Không, chỉ có 546 người bỏ phiếu thuận, nhà nghiên cứu triết học Zhang Dongsun bỏ phiếu chống lại Mao. Ông bị đày đọa và chết trong tù nhưng lịch sử Trung Hoa ngày sau sẽ nhớ đến ông như một người viết chính sử Trung Hoa.
Việt Nam cũng thế. Chính sử vẫn đang được viết không phải từ những người đang đón tiếp bà mà bằng những người đang ngồi trong tù, đang bị hành hạ, đày ải, trấn áp dưới nhiều hình thức.
Khát vọng độc lập, tự do, từ những ngày đầu tháng 9, 1859 ở Cẩm Lệ, Quảng Nam, nơi máu của Đô Thống Lê Đình Lý chảy xuống cho đến hôm nay, vẫn cùng một dòng và chưa hề gián đoạn.
Nhân dịp tháng Tư năm 2017, người viết xin phân tích một số định nghĩa về nội dung của cuộc Chiến tranh Việt Nam. Bài này tổng hợp một số bài ngắn của người viết đã phổ biến trước đây.

Chiến tranh Việt Nam là Chiến tranh Ủy nhiệm (Proxy War)?
Chiến tranh ủy nhiệm (Proxy War) là cuộc chiến tranh mà các quốc gia bên ngoài, thường là cường quốc, không tham gia trực tiếp cuộc chiến nhưng qua hình thức cung cấp võ khí, tài chánh cho các phe cánh, lực lượng trong quốc gia đó đánh nhau vì quyền lợi riêng của các phe nhóm này nhưng cũng tương hợp với quyền lợi của nước bên ngoài.
Chiến tranh đang diễn ra tại Syria thường được báo chí gọi là chiến tranh ủy nhiệm. Mỹ, Nga, Iran, Thổ, Anh, Pháp, Saudi Arabia và Qatar góp phần tàn phá Syria khi yểm trợ cho các phe nhóm, nhiều khi bất cần hành vi khủng bố của các phe nhóm này, để tranh giành ảnh hưởng và tài nguyên của vùng Trung Đông.
Không ít báo chí quốc tế và nhà nghiên cứu Chiến tranh Lạnh gọi chiến tranh Việt Nam trước khi Mỹ đổ bộ vào tháng Năm, 1965, là chiến tranh ủy nhiệm, trong đó Trung Cộng, Liên Xô một bên, Mỹ và đồng minh một bên.
Định nghĩa chiến tranh Việt Nam là chiến tranh ủy nhiệm chỉ đúng khi nhìn cuộc chiến từ quan điểm đế quốc dù là Mỹ, Liên Xô hay Trung Cộng chứ không phải từ vết thương, từ vị trí của nạn nhân buộc phải chiến đấu để sống còn như dân và quân miền Nam Việt Nam.
Như có lần người viết dẫn chứng, một người lính nghĩa quân gác chiếc cầu ở đầu làng để mấy anh du kích khỏi về giựt sập cũng là một biểu hiện hùng hồn của lý tưởng tự do và chủ quyền. Chiếc cầu là huyết mạch kinh tế của làng, là trục giao thông chính của làng, là vẻ đẹp của làng, và bảo vệ chiếc cầu là nhiệm vụ sống còn mà người lính nghĩa quân phải làm cho bằng được.
Không ai “ủy nhiệm” anh lính Nghĩa Quân cả. Anh không bảo vệ chiếc cầu giùm cho Mỹ mà cho chính anh và bà con trong thôn xóm của anh. Lý tưởng tự do của một dân tộc dù thiêng liêng to lớn bao nhiêu cũng bắt nguồn từ những hình ảnh nhỏ nhoi nhưng đầy ý nghĩa đó.
Trong phần lớn chiều dài của cuộc chiến, quyền lợi của Mỹ ở Đông Nam Á và quyền lợi của VNCH tương hợp. VNCH đã nhận hầu hết viện trợ quân sự của Mỹ kể cả nhân lực nhưng không đánh thuê cho Mỹ như CS tuyên truyền.
Sau Thông Cáo Chung Thượng Hải năm 1972 và Hiệp Định Paris năm 1973, chính sách của Mỹ tại Đông Nam Á thay đổi, quyền lợi VNCH và Mỹ do đó không còn tương hợp nữa. Mỹ rút quân và cắt giảm viện trợ quân sự quá chênh lệch so với nguồn viện trợ quân sự CSVN nhận từ Liên Xô, Trung Cộng và phong trào CS Quốc Tế.
Cho dù cạn kiệt nguồn cung cấp, quân và dân VNCH vẫn chiến đấu và hy sinh cho tự do của họ, không phải chỉ sau Hiệp định Paris 1973, không phải đến ngày 30-4-1975 mà cả sau 30-4-1975, hôm nay và cho đến khi chế độ CS còn hiện diện tại Việt Nam.

Chiến tranh Việt Nam là Nội chiến (Civil War)?
Nhiều người chỉ nhìn vào mái tóc, màu da, khuôn mặt, chủng tộc, dòng máu và kết luận chiến tranh Việt Nam là nội chiến. Thật ra, mái tóc, màu da, khuôn mặt, dòng máu chỉ là hình thức.
Thế nào là nội chiến?
Theo các định nghĩa chính trị học, Nội chiến (Civil War) là cuộc chiến tranh giữa hai thành phần có tổ chức trong cùng một quốc gia vốn trước đó thống nhất, mục đích của một bên là chiếm đoạt bên kia để hoàn thành ý định chinh phục lãnh thổ hay thay đổi chính sách nhưng không thay đổi thể chế.
Theo định nghĩa này, chiến tranh Nam-Bắc Mỹ là nội chiến, hoặc xung đột võ trang giữa chính phủ da trắng và Nghị Hội Toàn Quốc Nam Phi (African National Congress) gọi tắt là ANC chống chính sách Phân biệt Chủng tộc tại Nam Phi là nội chiến.
Bắc Mỹ dưới sự lãnh đạo của TT Abraham Lincoln thắng cuộc nội chiến Mỹ nhưng chỉ thay đổi chính sách nô lệ, trong lúc cơ chế chính trị và chính phủ cấp tiểu bang gần như không thay đổi nhiều.
Tại Nam Phi cũng vậy. Sau cuộc đấu tranh dài dưới nhiều hình thức, cuối cùng ANC đã thắng nhưng cũng chỉ hủy bỏ chính sách Phân Biệt Chủng Tộc (Apartheid) tại Cộng Hòa Nam Phi nhưng không xóa bỏ nền kinh tế thị trường tư hữu. Không chỉ cựu Tổng thống de Klerk trở thành cố vấn của TT Nelson Madela trong suốt nhiệm kỳ mà nhiều viên chức trong chính phủ của de Klerk, các tư lịnh quân binh chủng, lực lượng cảnh sát quốc gia đều tiếp tục nhiệm vụ của họ.
Sau Hiệp định Geneva 1954, Việt Nam Cộng Hòa không có ý định chiếm đoạt lãnh thổ miền Bắc hay lật đổ cơ chế CS miền Bắc. Chính phủ và nhân dân VNCH hoàn toàn không muốn chiến tranh. Sau một trăm năm chịu đựng không biết bao nhiêu đau khổ dưới ách thực dân, mục đích trước mắt của nhân dân miền Nam là có được cơm no, áo ấm, có được cuộc sống tự do và xây dựng miền Nam thành một nước cộng hòa hiện đại.
Giấc mơ tươi đẹp của nhân dân miền Nam đã bị ý thức hệ CS với vũ khí của Liên Xô, Trung Cộng tàn phá vào buổi sáng 30-4-1975.
Sau khi VNCH bị cưỡng chiếm, đảng CSVN không phải chỉ thay đổi về chính sách như trường hợp Mỹ hay Nam Phi mà thay đổi toàn bộ cơ chế. Nói theo lý luận CS đó là sự thay đổi tận gốc rễ từ thượng tầng kiến trúc chính trị đến hạ tầng cơ sở kinh tế bằng các phương pháp dã man không thua kém Hitler, Mao, Stalin.
Do đó, gọi chiến tranh Việt Nam là nội chiến chỉ đúng về hình thức, nội dung vẫn là chiến tranh của các chính phủ và nhân dân miền Nam chống ý thức hệ CS xâm lược.

Chiến tranh Việt Nam là "Chiến tranh chống Mỹ Cứu Nước"?
Stalin, trong buổi họp với Mao và Hồ Chí Minh tại Moscow giữa tháng Hai, 1950 đã phó thác sinh mạng CSVN vào tay Trung Cộng. Theo William J. Duiker trong Ho Chi Minh: A Life, Stalin nói với Hồ Chí Minh tại Moscow "Từ bây giờ về sau, các đồng chí có thể tin tưởng vào sự giúp đỡ của Liên Xô, đặc biệt hiện nay sau thời kỳ chiến tranh, thặng dư của chúng tôi còn rất nhiều, và chúng tôi sẽ chuyển đến các đồng chí qua ngả Trung Quốc. Tuy nhiên vì điều kiện thiên nhiên, chính yếu vẫn là Trung Quốc sẽ giúp đỡ các đồng chí. Những gì Trung Quốc thiếu chúng tôi sẽ cung cấp." Sau đó tới phiên Mao, y cũng lần nữa xác định với Hồ "Bất cứ những gì Trung Quốc có mà Viêt Nam cần, chúng tôi sẽ cung cấp."
Theo Trương Quảng Hoa trong Hồi ký của những người trong cuộc, Hồ Chí Minh thưa với Mao trên xe lửa từ Liên Xô về Trung Cộng "Mao Chủ tịch, Stalin không chuẩn bị viện trợ trực tiếp cho chúng tôi, cũng không ký hiệp ước với chúng tôi, cuộc chiến tranh chống Pháp từ nay về sau chỉ có thể dựa vào viện trợ của Trung Quốc."
CSVN hoàn toàn lệ thuộc vào Trung Cộng, không chỉ phương tiện chiến tranh, kinh tế, quốc phòng, hệ ý thức, cơ sở lý luận mà cả cách nói, cách ăn mặc, cách chào hỏi. Mao gần như đơn phương quyết định mọi hoạt động quân sự của Việt Minh kể cả việc chọn ngày, chọn tháng cần phải chiếm Điện Biên Phủ.
Sau xung đột Eo Biển Đài Loan, và trầm trọng hơn, sau chiến tranh Triều Tiên với gần 400 ngàn quân Trung Cộng bị giết, trong số đó có Mao Ngạn Anh (Mao Anying), con trai trưởng và gần gũi nhất của Mao, từ đó kẻ thù lớn nhất của Mao Trạch Đông là Mỹ. Mao chỉ thị toàn bộ bộ máy tuyên truyền tại Trung Cộng phải chống Mỹ bằng mọi giá. Chống Mỹ từ xa, chống Mỹ ở gần, chống Mỹ trong lý luận, chống Mỹ trong thực tế, chống Mỹ khi có mặt Mỹ và chống Mỹ khi không có mặt Mỹ.
Tuân lệnh Mao, trong Hội nghị Lần thứ Sáu của Trung ương Đảng CSVN từ ngày 15 đến 17 tháng 7 năm 1954, Hồ Chí Minh và Bộ chính trị đảng CSVN đã nghĩ đến chuyện đánh Mỹ: “Hiện nay đế quốc Mỹ là kẻ thù chính của nhân dân thế giới và nó đang trở thành kẻ thù chính và trực tiếp của nhân dân Đông Dương, cho nên mọi việc của ta đều nhằm chống đế quốc Mỹ.”
Khẩu hiệu “Chống Mỹ cứu nước” được thai nghén từ quan điểm và thời điểm này.
Nhưng “nước” trong khẩu hiệu “Chống Mỹ cứu nước” phải hiểu là nước Tàu chứ không phải nước Việt, lý do trong thời điểm này chưa có một người lính hay một cố vấn Mỹ nào ở Việt Nam. Hôm đó, ngay cả Hiệp định Geneva 1954 cũng còn chưa ký.
Với chỉ thị của Mao và kiên trì với mục đích CS hóa Việt Nam đề ra từ 1930, vào tháng 5, 1959, Ban Chấp hành Trung ương đảng Lao Động sau khi biết rằng việc chiếm miền Nam bằng phương tiện chính trị không thành, đã quyết định đánh chiếm miền Nam bằng võ lực dù phải “đốt cháy cả dãy Trường Sơn” như Hồ Chí Minh đã nói. Gần hết đồng bào miền Bắc bị đảng lừa vào cuộc chiến “giải phóng dân tộc” và hàng triệu người đã uống phải viên thuốc độc bọc đường “chống Mỹ cứu nước” nên bỏ thây trên khắp hai miền.
Lý luận chính phủ VNCH không thực thi “thống nhất đất nước” theo tinh thần Hiệp định Geneva chỉ là cái cớ tuyên truyền.
Thực tế chính trị thế giới của giai đoạn sau Thế Chiến thứ Hai là thực tế phân cực và sự chọn lựa của thời đại là chọn lựa giữa ý thức hệ Quốc gia và Cộng sản. Không chỉ các quốc gia bị phân chia như Nam Hàn, Tây Đức mà cả các quốc gia không bị phân chia như Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ v.v… cũng chọn thế đứng dân chủ Tây Phương để làm bàn đạp phát triển đất nước.
Giả sử, nếu có bầu cử để “thống nhất đất nước” và đảng CS thua, liệu họ sẽ giải nhiệm các cấp chính trị viên và sáp nhập vào quân đội quốc gia, giải tán bộ máy công an chìm nổi, đóng cửa các cơ quan tuyên truyền, từ chức khỏi tất cả chức vụ điều hành đất nước? Trừ phi mặt trời mọc ở hướng tây và lặn ở hướng đông điều đó không bao giờ xảy ra.

“Trên trời có đám mây xanh,
Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng…”
Câu ca dao quen thuộc mà ai cũng biết. Đó là chưa kể đến mây xám, mây đen, mây hồng, mây tím trong thơ và nhạc. Nhưng mây màu gì? Mây thực sự chỉ là màu trắng. Màu mây thay đổi do ánh nắng mặt trời tùy theo mỗi khoảnh khắc trong ngày.
Cuộc chiến Việt Nam cũng vậy. Tên gọi của cuộc chiến khác nhau tùy theo quan điểm, góc nhìn, quyền lợi và mục đích, nhưng với nhân dân miền Nam, đó chỉ là cuộc chiến tự vệ của những người Việt yêu tự do dân chủ chống lại ý thức hệ CS độc tài toàn trị xâm lược.
Không thấy rõ bản chất xâm lược của ý thức hệ CS sẽ khó có thể chọn con đường đúng để phục hưng Việt Nam.

16/08/2021
Trần Trung Đạo

https://www.facebook.com/trantrungdao


Afghanistan:

Biden chưa bị đánh đã bỏ chạy

Đại Dương

Tổng thống Joe Biden quyết định rút quân hấp tấp khỏi A Phú Hãn, nơi Quân đội Mỹ, NATO và các đồng minh, đối tác khác đã mất 20 năm xây dựng một quốc gia dân chủ thay thế cho Chế độ Hồi giáo cực đoan Taliban.
Liên Xô muốn biến A Phú Hãn thành một nước Xã hội Chủ nghĩa mà thất bại hoàn toàn sau 10 năm (1978-1989) đưa 100000 quân vào làm 15000 binh sĩ tử vong. A Phú Hãn tuy có nhiều sắc tộc khác nhau, nhưng, đa số theo Hồi Giáo (80% Sunni và 20% Shia) trong số 15 triệu dân vốn không chấp nhận học thuyết vô thần.
Sai lầm của Liên Xô do:
(1) Khí hậu khắc nghiệt, địa hình hiểm trở của A Phú Hãn là vị Đại tướng bất khả chiến bại.
(2) Hồi giáo không bao giờ chấp nhận Cộng sản vô thần. Vụ tàn sát hơn nửa triệu Đảng viên Cộng sản và Thiên Cộng tại Indonesia trong giai đoạn 1965-1966 đã chứng minh thêm.
Hoa Kỳ quên bài học Liên Xô nên bị sa lầy 20 năm (2001-2021) do quá tin tưởng vào sức mạnh chính trị dân chủ, tự do và phát triển kinh tế.
Vụ khủng bố bằng máy bay chở khách nhắm vào Nữu Ước và Tòa Bạch Ốc ngày 11 tháng 9 năm 2001 đã tạo điều kiện cho Tổng thống George W. Bush đem quân trừng phạt Taliban đang cai trị vô cùng khắc nghiệt ở A Phú Hãn, nơi dung chứa Thủ lĩnh al-Qaeda, Osama bin Laden. Sau khi lật đổ Chế độ Taliban thì Chính quyền Bush suốt 8 năm muốn xây dựng thể chế dân chủ cho A Phú Hãn theo tiêu chuẩn Tây Phương.
Bush đã mắc các sai lầm căn bản:
(1) Quá tin tưởng vào sức mạnh dân chủ sau khi Liên Xô sụp đổ năm 1991 nên tưởng rằng dân chúng A Phú Hãn sẵn sàng chấp nhận và thi hành như các nước cựu-cộng-sản Đông Âu và khắp thế giới. Đáng lẽ, chỉ nên giúp người A Phú Hãn xây dựng một “chế độ dân chủ hạn chế” nhằm kiềm chế bớt quyền tự do ngôn luận, tự do phá hoại mọi chính sách, kế hoạch của Chính quyền. Vì thế, nền dân chủ A Phú Hãn bị què quặt không thể phát huy hết sức mạnh chính trị.
(2) Liên minh Phương Bắc, Lực lượng quân sự đã chiến đấu một mất một còn với Hồi giáo cực đoan Taliban lại không được giữ vai trò quyết định trong Tân Chính phủ A Phú Hãn. Lẽ ra, Hoa Kỳ phải rút quân từ từ sớm hơn để thúc giục Chính quyền Kabul nhận trách nhiệm bảo vệ dân tộc.
(3) W. Bush quá ôm đồm khi xua quân vào Iraq để lật đổ Chính phủ Saddam Hussein tạo thêm gánh nặng chiến tranh lên dân Mỹ.
Tổng thống Barack Obama chỉ trích vụ lật đổ Tổng thống Saddam Hussein và Chiến tranh Iraq nên tuyên bố: “A Phú Hãn là Chiến trường đáng đánh”. Không có chút kiến thức và kinh nghiệm quân sự nào mà cặp bài trùng Obama-Biden đã điều động hàng chục ngàn lính thiện chiến vào Miền Nam A Phú Hãn chuẩn bị truy quét Taliban. Đại tướng David Petraeus và Đại tướng Stanley A. McChrystal từng tiêu diệt lực lượng Hồi giáo cực đoan bằng chiến thuật chống-du-kích ở Iraq được điều động tới A Phú Hãn đã lần lượt bị Obama thay thế nên lực lượng tinh nhuệ nhất thế giới phải đảm trách công việc bình định nông thôn!
Obama đã cho xây dựng Toà Đại sứ Mỹ lớn nhất thế giới tại Thủ đô Kabul tốn 774 triệu USD, và xây thêm các Toà Lãnh sự nguy nga ở A Phú Hãn nhằm ở lại lâu dài hoặc lo chuyện bàn giao cho Taliban?
Hôm 15/05/2021, Đài BBC dẫn lời kiến trúc sư đợt tăng quân của Obama ở Afghanistan năm 2010, Michele Flournoy: “Nhìn lại, Hoa Kỳ và các đồng minh đã sai ngay từ đầu vì tiêu chuẩn thiết lập chế độ dựa trên lý tưởng dân chủ của chúng tôi, mà không đặt trên nền tảng bền vững hoặc khả thi trong bối cảnh Afghanistan”.
Biden rút quân thiếu chuẩn bị nên gặp sự chống đối từ nhiều phía. Biden từng công khai biện minh "Rút quân theo kế hoạch của Trump". Trước khi đàm phán việc rút quân với Taliban, Trump đã cho ném một quả “Bom Mẹ” lớn nhất thế giới làm chết 90 tay súng Hồi giáo cực đoan IS như một lời cảnh cáo nghiêm khắc.
Từ khi tranh cử cho tới lúc trở thành Tổng thống thứ 45 của Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ, Donald Trump đã cương quyết rút chân khỏi A Phú Hãn nên đã ký Thỏa ước rút quân với Taliban.
Lợi dụng sự lộn xộn trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 nên các lực lượng Taliban công khai hoạt động khủng bố nhắm vào guồng máy cai trị và Quân đội A Phú Hãn nhằm đẩy nhanh tiến trình tan rã của Chính phủ. Đồng thời, Taliban huỷ bỏ hết mọi cam kết với Trump để tổng tấn công toàn quốc.
Tổng thống Joe Biden muốn tỏ ra quyết đoán nên ra lệnh nhanh chóng rút hết quân Mỹ về nước vì Taliban không mạnh như Cộng sản Bắc Việt và Tình báo cho biết Chính phủ Kabul chỉ sụp đổ sau 90 ngày. Khi Taliban tiến như chẻ tre thì đổ lỗi đã làm theo kế hoạch của Trump và lập luận trì hoãn một hay 5 năm cũng chẳng có ích gì.
Người kế nhiệm “PHẢI” duyệt xét kỹ lưỡng trước khi đem thi hành kế hoạch của người đi trước và “PHẢI CHỊU TRÁCH NHIỆM DUY NHẤT”.
Rút quân là một công việc khó khăn gấp bội so với chiến đấu được chép thành binh thư từ thời cổ đại mà sao Tập đoàn Biden không biết? Trump đã dùng “Bom Mẹ” để cảnh cáo Taliban và chắc chắn sẽ có biện pháp đối phó hữu hiệu chứ không theo kiểu “bỏ của chạy lấy người”.
Hoa Kỳ có 2,500 cố vấn giúp cho Chính quyền A Phú Hãn mà vẫn giữ thế cân bằng chiến lược suốt mấy năm qua. Lính Mỹ ở Iraq cũng tương đương. Từ 90 năm qua lính Mỹ vẫn đóng ở Đức, Nhật Bản, Đại Hàn trong môi trường an ninh mà Biden chống Trump định chuyển quân từ Đức tới Ba Lan, sát biên giới Nga?
Tướng Petraeus nói Tổng thống Biden không nhận thức được rủi ro của việc rút lui chóng vánh.
Cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert Gates của W. Bush và ở lại một thời gian với Obama nói “Biden “đã sai lầm trong hầu hết các chính sách đối ngoại và vấn đề an ninh quốc gia trong bốn thập niên qua, giờ đây lại sai lầm về Afghanistan”.
Việc tháo chạy của Tổng thống Joe Biden càng củng cố thêm lập luận của Bắc Kinh rằng Hoa Kỳ đang đi vào chu kỳ suy thoái quyền lực đến mức mà một nhúm Hồi giáo Cực đoan như Taliban cũng có thể đuổi chạy thất điên bát đảo. Cộng đồng nhân loại có sẵn sàng khiêng Joe Biden đặt trên bàn thờ không?
Làn sóng tị nạn sẽ ồ ạt trong bối cảnh Đại dịch Vũ Hán càng khủng khiếp và khó giải quyết hơn.
Phong trào Hồi giáo có cơ hội trỗi dậy mãnh liệt sẽ trở thành hiểm hoạ toàn cầu.
Điên như Adolf Hitler, Joseph Stalin, Mao Trạch Đông đã gây thảm hoạ cho nhân loại.
Thiểu trí như Joe Biden thì loài người tỉnh táo không cần.
Đại Dương


Vì sao Mỹ sa lầy ở Afghanistan?

Tiến sĩ Robert Gates là Cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng dưới thời George W.Bush và Barack Obama, Cựu Giám Đốc Tình Báo CIA Hoa Kỳ, Viện Trưởng Đại Học A&M tại Texas.
Ông Robert Gates đã chỉ huy cả hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan từ năm 2006-2011 dưới thời George W.Bush và Barack Obama.

Tháng 6 năm 2020, ông ra mắt sách Exercise of Power: American Failures, Successes and a New Path Forward in the Post-Cold War World.
Trong chương sách về Afghanistan, ông nhận xét Mỹ lẽ ra cần rút sớm khỏi Afghanistan.
“Bắt đầu là một trong những chiến dịch quân sự nhỏ nhất, ít tốn kém nhất, ngắn nhất, thành công nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, và rồi đã biến thành một cuộc xung đột kéo dài nhiều thế hệ, cuộc chiến dài nhất trong lịch sử của chúng ta".
“Mọi thứ trở nên sai lầm vì những lý do tương tự thời hậu Chiến tranh Lạnh: sự kiêu ngạo khi tin rằng chúng ta có sức mạnh để biến đổi một đất nước và nền văn hóa, những sai lầm chiến lược và sự yếu kém của các công cụ quyền lực phi quân sự của chúng ta, những thứ rất cần thiết cho cơ hội thành công".

Chiến thắng "tuyệt vời" ban đầu
Chiến dịch quân sự sau ngày 9/11/2001 ở Afghanistan nhằm lật đổ Taliban và tiêu diệt al-Qaeda đã thành công lớn.
Ngày 7 tháng 10 năm 2001, Chiến dịch Tự do Bền vững bắt đầu. Tổng thống Mỹ George W. Bush thông báo rằng Mỹ và Anh đã bắt đầu không kích vào các mục tiêu của Taliban và al Qaeda ở Afghanistan.
Ngày 13 tháng 11 năm 2001, Kabul của Taliban thất thủ. Sang đầu tháng 12, Taliban để mất thành trì cuối cùng là Kandahar. Ngày 22 tháng 12 năm 2001, Hamid Karzai tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời.
Robert Gates viết: “Đó là một thành tựu ngoại giao và quân sự đáng kinh ngạc của Hoa Kỳ. 11 lính Mỹ đã thiệt mạng, 35 người bị thương. Mục tiêu của chúng tôi đã đạt được với tốc độ đáng kinh ngạc, chi phí quân sự Mỹ rất nhẹ và ít thương vong đáng kể. Thành công là do việc thực thi sức mạnh quân sự và ngoại giao phi thường".
Tuy vậy, Hoa Kỳ muốn làm điều to lớn hơn. Theo Tổng thống Bush “đã giải phóng đất nước khỏi một chế độ độc tài sơ khai, và chúng ta có nghĩa vụ đạo đức là phải để lại thứ gì đó tốt hơn. Chúng ta cũng có lợi ích chiến lược trong việc giúp đỡ người dân Afghanistan xây dựng một xã hội tự do".
Theo Gates, Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld vào ngày 6 tháng 11 năm 2001, đã điện thoại cho Bush: “Theo quan điểm của tôi, cần giới hạn nhiệm vụ của mình là truy bắt những kẻ khủng bố đang tìm đường đến Afghanistan. Chúng ta không nên tốn công vào việc biến đổi Afghanistan".
Gates không biết Rumsfeld bày tỏ quan điểm thận trọng này mạnh mẽ đến mức nào, nhưng lo ngại của Rumsfeld đã tỏ ra chính xác.

Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld

Gates giải thích Washington khi đó rút ra bài học liên kết sự ra đi của quân đội Liên Xô và Taliban lên nắm quyền: khoảng trống quyền lực dẫn đến nội chiến và chiến thắng của Taliban.
Hoa Kỳ nghĩ rằng nếu Hoa Kỳ rời khỏi Afghanistan sau khi lật đổ Taliban, điều đó có thể sẽ lại dẫn đến khoảng trống và sự trở lại của các phần tử cực đoan. Quả thực giai đoạn đầu từ 2002 – 2005 tỏ ra sáng sủa.
Tổng thống Karzai dường như đã làm việc được với các nhóm sắc tộc, các trường học được mở cửa cho trẻ em gái, phụ nữ bắt đầu tham gia vào cả quá trình kinh doanh và chính trị, truyền thông mở cửa.
Tình hình đất nước được cải thiện đến mức hàng triệu người tị nạn trở về nhà. Trong thời kỳ này, không bao giờ có hơn 15,000 lính Hoa Kỳ đồn trú tại đây.
Tuy nhiên, Robert Gates cho hay, tình báo Hoa Kỳ không nhận thấy rằng sau khi Taliban bị trục xuất khỏi Afghanistan vào năm 2001, họ đã tập hợp lại ở Pakistan, tái thiết và tái trang bị lực lượng.
Cuộc chạm trán của Mỹ với Taliban đang hồi sinh, diễn ra ở miền đông Afghanistan vào ngày 28 tháng 6 năm 2005. Lúc ấy, 19 lính Mỹ thiệt mạng. Đến cuối năm 2006, quân số Hoa Kỳ đã phải tăng lên khoảng 21000 người rồi tăng lên 31000 vào cuối năm 2007.

Tăng quân
Từ 2006 trở đi, trong vai trò Bộ trưởng quốc phòng, Robert Gates là người luôn đề xuất tăng quân.
Sau khi tân tổng thống Barack Obama kiểm tra tình hình từ tháng 2 đến tháng 3 năm 2009, tổng thống đã chấp thuận gửi thêm 17000 quân và thêm 4000 cố vấn. Việc này đã nâng mức quân số của Hoa Kỳ tại Afghanistan lên 68000 người. Sau đó, Obama đồng ý gửi thêm 30000 lính Mỹ và yêu cầu đồng minh cung cấp thêm 7000 – 8000 quân.
Chỉ trong ba năm, 2006-2009, số lượng quân nhân Mỹ ở Afghanistan đã tăng gấp 4 lần lên gần 100000 người.
Vào ngày 9 tháng 10 năm 2009, giám đốc CIA Leon Panetta nhận xét, “Chúng ta không thể rời đi, và cũng không thể chấp nhận hiện trạng”. Câu nói gợi nhớ về lời than thở của cố vấn cho Gorbachev, Anatoly Chernyaev, về Afghanistan 20 năm trước đó: “Chúng tôi đã bị kéo vào và bây giờ không biết làm thế nào để bò ra".

Thất bại
Robert Gates nói khó khăn lớn nhất chính là nội bộ Afghanistan.
“Tiền bẩn và tham nhũng từ việc buôn bán ma tuý tràn qua Afghanistan, với các quan chức chính phủ, lãnh chúa và quân nổi dậy, bao gồm cả Taliban, kiếm lợi. Mặc dù có một số thành công hạn chế, các chương trình chống ma tuý, trước tiên là của người Anh và sau đó là người Mỹ, nhìn chung là một thất bại".

Quân du kích Taliban

Theo Gates, người Mỹ và nước ngoài cũng không chịu chia sẻ kinh nghiệm với nhau. Ông gọi đó là “sự thất bại trong việc chia sẻ thông tin về chiến lược, dự án và chương trình nào đang hoạt động và điều nào không hiệu quả, không thể phối hợp các dự án do chính phủ Hoa Kỳ, các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ và các quốc gia đóng góp khác thực hiện”.
Đến năm 2007, có lẽ đã có hơn 100 tổ chức nước ngoài cố gắng giúp người Afghanistan phát triển một chính phủ hiệu quả, cải thiện cơ sở hạ tầng…Nhưng họ dường như không thích chia sẻ thông tin về những nỗ lực của mình với những người khác.
Ông Gates viết: “Cơ hội để học hỏi lẫn nhau đã bị mất; chúng tôi đã bỏ lỡ cơ hội áp dụng các bài học kinh nghiệm ở một nơi khác".
Nhìn lại, Gates nói về những điều tích cực mà quốc tế đã làm được cho Afghanistan.
Năm 2001, có một triệu học sinh tại các trường học ở Afghanistan, tất cả đều là nam. Năm 2017, có 8,4 triệu học sinh, 40% trong số đó là nữ.  Tỉ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 87 trên 1000 năm 2005 xuống còn 55 trên 1000 vào năm 2015. Người Afghanistan đã tiếp tục tổ chức bầu cử theo lịch trình khá nhiều kể từ năm 2004. Một số phụ nữ tham gia vào kinh doanh và chính trị.
Nhưng Gates cho rằng lẽ ra Hoa Kỳ đã nên rút khỏi Afghanistan ngay từ năm 2002.
“Để khuyến khích cải cách, phát triển thể chế, pháp quyền, quyền con người và chính trị, và tự do, tôi tin rằng chúng tôi – và người Afghanistan – lẽ ra tốt hơn nếu quân đội của chúng tôi rút đi vào năm 2002 và sau đó thì dựa vào các công cụ quyền lực phi quân sự, và dựa vào kiên nhẫn".
“Đầu năm 2002, Afghanistan có một chính phủ đa đảng được quốc tế công nhận, một số quốc gia cam kết hỗ trợ cả về phát triển và an ninh, và như tình hình trên thực tế phản ánh, đã có thời gian 3 năm trước khi Taliban tái chiến".
“Nếu không có quân đội nước ngoài ở đó và các nhà lãnh đạo chính trị Afghanistan phải tự lực, thì biết đâu chính phủ Afghanistan sẽ có được sự ủng hộ rộng rãi hơn nhiều, ngay cả ở phía nam và phía đông, khi Taliban cố gắng trở lại? Biết đâu các bên Afghanistan, bao gồm cả Taliban, sẽ thỏa hiệp với nhau?”
“Không có cách nào để biết liệu cách tiếp cận này có dẫn đến một kết quả khác hay không, nhưng phương pháp kia có kết quả thế nào thì đã quá rõ. Một trong những bài học lâu dài của Chiến tranh Lạnh và sự sụp đổ của Liên Xô là sự thay đổi lâu dài trong một quốc gia sẽ chỉ đến từ bên trong, mặc dù thay đổi có thể được khuyến khích và thúc đẩy thông qua việc sử dụng các công cụ quyền lực phi quân sự theo thời gian".
Gates đau buồn: “Lẽ ra chúng tôi nên ghi nhớ điều đó ở Afghanistan sau chiến thắng quân sự ban đầu của chúng tôi".
17/08/2021
Theo BBC

 

Đăng ngày 28 tháng 08.2021