Theo hãng thông tấn AP, ngày 4 tháng 4 năm 1995, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã ước lượng số người Việt Nam, trong đó có quân đội hai bên, đã chết trong 21 năm chiến tranh là năm triệu một trăm ngàn người (hai triệu thường dân miền Bắc, hai triệu thường dân miền Nam và một triệu một trăm ngàn quân đội hai miền). Con số đó đại diện cho 12 phần trăm của toàn bộ dân số Việt Nam trung bình trong giai đoạn 1954-1975. Dù sai số bao nhiêu, năm triệu một trăm ngàn người chết và mất tích quả thật quá lớn trong một cuộc chiến địa phương trên một vùng đất nhỏ hẹp về địa lý và về dân số như Việt Nam. Câu nói "Miền Nam trong trái tim tôi" của Hồ Chí Minh đã phải đổi bằng năm triệu mạng sống của nhân dân Việt Nam vô tội ở hai miền. Số lượng người Việt đã chết trong chiến tranh Việt Nam còn cao hơn cả tổng số bốn triệu sáu trăm ngàn người Do Thái bị giết trong Thế chiến Thứ Hai.
Chính Luận Trần Trung Đạo
Nửa thế kỷ một dòng sông
Giới thiệu: Sau thời kỳ làm thơ nhiều, tôi viết một số bài dưới dạng “tâm bút” , một thể văn nhẹ nhàng, chia sẻ, không quá nặng về lý thuyết để diễn tả quan điểm văn hóa, xã hội và chính trị của mình. Bài dưới đây viết năm 2004 và in trong Tâm Bút, xuất bản năm 2005. Mặc dù đã mười tám năm, nhưng khi đọc lại, tôi nghĩ nếu viết hôm nay, chắc tôi cũng không viết khác nhiều. Bài dài nên tôi chỉ trích những phần có ý nghĩa với cuộc vận động dân chủ hiện nay.
----
Trong bài thơ Giấc Mơ Nhỏ Của Tôi, có một đoạn tôi viết về sông Bến Hải:
Chào anh công nhân dệt từng tấm vải
Cho tôi làm con thoi nhỏ trên tay
Để tôi nối hai bờ sông Bến Hải
Nối lòng người vời vợi cách xa nhau.
Trong suốt 21 năm dài đầy máu và nước mắt, từ 1954 đến 1975, Bến Hải không phải là tên của một dòng sông, Hiền Lương không phải tên của một chiếc cầu nhưng là bức màn sắt ngăn đôi căn nhà dân tộc, môt vết dao cắt ngang lòng đất nước. Dù với ước mơ chân thành, được ôm ấp trong lòng từ khi còn bé cho đến bây giờ, mong được làm một con thoi nhân ái để nối hai bờ sông Bến Hải, tôi vẫn chưa một lần đặt chân lên chiếc cầu định mệnh này.
Nhớ lại những ngày còn là học sinh trung học, với đám bạn bè cùng lớp, thêu dệt ước mơ. Một ngày kia, khi đất nước không còn tiếng súng, chúng tôi sẽ đạp xe xuyên suốt ba miền. Chúng tôi sẽ bắt đầu từ Mũi Cà Mau, vùng đất cuối cùng của tổ quốc và đạp thẳng đến tận Ải Nam Quan.
Chúng tôi sẽ ghé thăm núi Mã Yên, Tụy Động, Chúc Động, nơi các tướng Lý Triện và Đinh Lễ đã từng tử chiến với đại quân của Vương Thông, Phương Chính, Mã Kỳ. Chúng tôi sẽ ghé thăm Thiên Trường, nơi Trần Bình Trọng mắng vào mặt kẻ thù trước khi bị chém.
Đêm đêm nằm nghe tiếng súng vọng về bên kia sông Thu Bồn, lòng chợt đau khi nghĩ đến những người đang chết. Dù nhân danh bất cứ lý do gì, cái chết của một người Việt Nam vẫn là một điều đáng tiếc. Đất nước sẽ phải hết chiến tranh. Quê hương rồi phải có hòa bình. Dân tộc Việt Nam phải đi lên.
Những thôn làng tối tăm phải được thắp sáng bằng những nhà máy điện hiện đại. Ước mơ của tuổi học trò bao giờ cũng dễ thương và trong sáng như mối tình đầu của hai kẻ yêu nhau mà không hề lo nghĩ đến chuyện nợ nần, cơm áo ngày mai.
Trong khao khát của những đứa bé lớn lên trong chiến tranh như đàn nai tơ khát nước, chẳng thể nào phác họa nổi bức tranh về ngày hòa bình rồi sẽ ra sao.
Chiến tranh cũng lớn nhanh cùng với tuổi đời chúng tôi.
Khi bước vào đại học, cũng là lúc chúng tôi hiểu rằng nguyên nhân và kết quả của cuộc chiến không đơn giản như chúng tôi từng nghĩ. Nền hòa bình Việt Nam có thể sẽ không đẹp như một bức tranh vân thủy, có cánh đồng xanh, có suối nước trong, có đàn nai tơ quây quần bên nai mẹ. Viễn ảnh đen tối của một xã hội bị cai trị bởi một đảng duy nhất, một nền kinh tế tập trung, các tôn giáo được xem như là thuốc phiện, mọi quyền tư hữu sẽ bị tước đoạt, các sáng tác không được phép xuất bản sẽ trở thành phản động, dần dần hiện rõ ra.
Những hình ảnh và tài liệu về Tết Mậu Thân, cuộc cải cách ruộng đất tại miền Bắc, Nhân Văn Giai Phẩm, mùa xuân Prague, mùa thu Hungary, mùa đông Siberia, Công Xã Nhân Dân, nạn đói Trung Quốc, cuộc thanh trừng đẫm máu của Stalin v.v…mà chúng tôi đã đọc, bỗng dưng trở thành quan trọng.
Là những học trò chân thành của lịch sử Việt Nam, chúng tôi cảm nhận rằng, chỉ có sức mạnh dân tộc mới hy vọng cản ngăn nổi thảm họa diệt vong đang đổ xuống sinh mệnh Việt Nam, chỉ có ý chí của Mê Linh, Bạch Đằng, Chí Linh, Vạn Kiếp mới mong giúp dân tộc Việt Nam vượt qua sức càn quét của dòng tư tưởng ngoại lai đang xâm chiếm miền Nam. Nhưng sức mạnh đó đang tiềm ẩn nơi đâu trong buổi nhiễu nhương tang tóc của miền Nam. Và giữa hố thẳm của hoài nghi ngăn cách này, ai sẽ là người dẫn dắt chúng tôi trên con đường gian nan tìm về lịch sử. Nhìn quanh không một bóng người.
Thế hệ chúng tôi lớn lên sau hiệp định Geneve. Chúng tôi bước vào đời như những khán giả bước vào rạp hát khi vỡ thảm kịch Việt Nam đã mở màn từ nhiều năm trước.
Chúng tôi sờ soạng trong bóng đêm dày đặc để tìm một chỗ đứng, tìm một hướng đi, tìm một câu trả lời cho những cảnh máu đổ đầu rơi đang diễn ra trên sân khấu. Không có tiếng trả lời. Chung quanh chúng tôi chỉ có tiếng súng nổ vang và thây người đổ xuống. Chung quanh chúng tôi chỉ có máu và nước mắt.
Chúng tôi mò mẫm đi tìm cội nguồn dân tộc trong điêu tàn đổ nát của quê hương như những đứa con lạc mẹ. Chúng tôi gõ cửa mọi căn nhà, hỏi thăm từng thầy dạy học, kính viếng các Cha, đảnh lễ các Thầy. Nhưng tại mỗi nơi, mỗi người, dân tộc mang một vóc dáng khác nhau, một định nghĩa khác nhau và được hiểu một cách khác nhau. Chúng tôi có cảm tưởng dân tộc của Cha không phải là dân tộc của Thầy, dân tộc của những người sống nhờ vào chiến tranh không phải là dân tộc của người đang chịu đựng chiến tranh.
Mặc dù kiến thức về lịch sử còn nông cạn, xã hội chúng tôi lớn lên còn đầy bất công sai trái, sau những năm học hỏi, tìm tòi, chúng tôi hiểu được một điều vô cùng hệ trọng và căn bản, rằng để có hòa bình trước hết phải bảo vệ được miền Nam.
Giữa giờ phút gần như tuyệt vọng đó, giữa lúc tiếng kêu bi thảm của nhân dân miền Nam tưởng như đang vỡ tung cả thượng tầng khí quyển, tôi đã tìm thấy dân tộc mình.
Dân tộc tôi là đoàn người vừa di tản từ ngoài Trung đang sống lay lắt dọc bờ biển Vũng Tàu; là những đứa bé đang bơ vơ trên đường phố Sài Gòn; là những người lính đang đứng chờ địch với những viên đạn cuối cùng bên này cầu Tân Thuận; là những chiến binh đang đếm những bước đau thương tủi nhục trở về quê quán chờ đợi gông xiềng tù tội; là những người đã chết trên những chuyến hải hành tuyệt vọng giữa biển Đông; là những anh hùng đã chọn cho mình cách chết vinh quang hơn là rơi vào tay Cộng Sản. Và dân tộc tôi là giọt nước mắt của bà mẹ nhỏ xuống trong đêm 30 tháng Tư khi biết đứa con trai duy nhất của mình vừa hy sinh trong giờ phút cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam.
Với chúng tôi, những thanh niên tròn tuổi hai mươi, giấc mơ đạp xe xuyên suốt ba miền ôm ấp từ thời trung học cũng đã chết non ngay sau ngày 30 tháng Tư năm 1975. Thành phố, con đường, ngôi trường vẫn còn đó nhưng tất cả đã bị đổi thay tên. Ngày xưa, ánh trăng chảy vào tâm hồn tôi những dòng thơ yêu người và yêu đời. Sau 1975, nằm trong căn nhà không vách trên vùng Kinh Tế Mới, ánh trăng vàng như những vết dao đâm vào lòng tôi bao tủi buồn, đau xót. Trong sáu năm ở lại Sài Gòn, tôi sống trong tâm trạng chờ đợi một điều gì sắp xảy ra cho mình và cho đất nước. Tôi đã sống như một người sống tạm trên quê hương cho đến ngày vượt biển ra đi.
Về mặt khách quan, Việt Nam Cộng Hòa có một quân lực hùng hậu, tinh nhuệ nhất Đông Nam Á đã được chứng minh qua những chiến tích lẫy lừng trong việc bảo vệ An Lộc, tái chiếm Cổ Thành, trấn giữ Bồng Sơn, Thường Đức v.v… Vâng, nhưng một đạo quân, dù tinh nhuệ bao nhiêu, các tướng lãnh dù tài ba thao lược bao nhiêu, trong một cuộc chiến chỉ nhằm mục đích tự vệ và kéo dài quá lâu, cũng không thể thắng một đạo quân xâm lược, cuồng tín và không từ chối bất cứ một phương tiện gì để đạt được mục đích thôn tính miền Nam. Những ai còn ở lại Sài Gòn sau 1975 chắc đã có nhiều cơ hội để thấy được sự khác nhau giữa hai người lính.
Hãy xem hình ảnh một người lính miền Nam đầy nhân ái bao dung và rất là con người như nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn nhắn gởi mấy anh du kích:
ta vốn hiền khô, ta là lính cậu
đi hành quân rượu đế vẫn mang theo
mang trong đầu những ý nghĩ trong veo
xem chiến cuộc như tai trời ách nước
ta bắn trúng ngươi vì ngươi bạc phước
vì căn phần ngươi xui khiến đó thôi.
(Chiến Tranh và Tôi, thơ Nguyễn Bắc Sơn)
Hay nhà thơ Trần Hoài Thư đối xử với tù binh CS:
Trong túi ta một gói thuốc chuồn
Bắt tù binh mời điếu thuốc thơm
Ðể thấy miền Nam lính hiền ghê gớm
Mấy năm trời giày da bẹt gót
Ngày lãnh lương về chợ dưỡng quân.
(Ta Lính Miền Nam, Thơ Trần Hoài Thư)
Những hình ảnh dễ thương đó tương phản biết bao nhiêu khi so với thơ Tố Hữu dùng để đầu độc những người lính Cộng Sản:
Chúng ta đang ở trên đầu chúng nó
Đại bác ta sau rèm tre ngảnh cổ
Trông xuống khoanh đồi nọ
Ngon như một đĩa thịt bò tươi
Ở dưới kia chúng nó đang cười
Cười đi nhé các con ơi rồi chết...
(Bắn Đi, thơ Tố Hữu)
Khi ví những người bên kia chiến tuyến, dù người đó là Pháp, Mỹ hay đồng bào cùng máu mủ với mình, như một đĩa thịt bò tươi, quả thật trong người Tố Hữu đã không còn một chút gì để gọi là nhân tính.
Người lính Cộng Sản bị mê hoặc bởi một ý thức hệ vong bản khủng khiếp đến nỗi chỉ biết hận thù, đấu tranh, giết chóc. Suốt đời họ được huấn luyện để nói dối, dối có hệ thống, dối một cách hồn nhiên và dối trong cả những chuyện hiển nhiên nhất. Nhiều người nghiên cứu cuộc chiến Việt Nam cho đến nay vẫn thắc mắc rằng, làm thế nào một miền Nam hùng mạnh lại dễ dàng mất về tay những anh chàng khờ khạo từ trong rừng xuất hiện.
Đơn giản bởi vì nếu các anh không khờ khạo thì đã không chiếm được miền Nam. Nếu các anh biết thế nào là ý nghĩa của hai chữ chọn lựa và có quyền chọn lựa một cuộc đời để sống, thì các anh không dại gì chọn để chết. Thanh niên miền Bắc bị đầu độc rằng đồng bào miền Nam đang đói khát và ngày đêm chờ đợi họ vào để "giải phóng khỏi xích xiềng đế quốc." Thế nhưng thực tế đã trái ngược. Đồng bào miền Nam đã bỏ cả làng mạc, ruộng vườn, nhà cửa, lưng cõng mẹ già, tay bế con thơ để tìm đường vào Nam lánh nạn.
Cuối thế kỷ 20 nhưng thanh niên miền Bắc vẫn còn được dạy để tin rằng “Trăng Trung Quốc tròn hơn trăng nước Mỹ và đồng hồ Liên-xô tốt hơn đồng hồ Thụy Sỹ.” Một đoạn trong bài thơ Ðịa Ngục Không Cửa Sổ của Việt Phương, thư ký riêng của Phạm Văn Đồng viết tại Hà Nội năm 1972 sau một chuyến được xuất ngoại với phái đoàn ngoại giao Cộng Sản:
Tôi đã đến Paris phồn hoa tráng lệ
Ði dưới trời tuyết lạnh
Tôi ngẩn ngơ từng góc phố con đường
Sao tôi thấy cảnh thanh bình xa lạ
Từng đàn chim quanh quẩn dưới chân người
Cuộc sống nơi đây tôi nào có biết
Nhưng nhận ra ngay qua những nụ cười
Ở nơi đó tôi thấy rất nhiều khác lạ
So với điều người ta dạy cho tôi
Và từ đó hồn tôi bỗng "CỬA MỞ"
Tôi khóc thầm cho dân tộc của tôi
Hỡi Nhân Loại! Hãy giùm tôi mở cửa
Bao nhiêu người đang ngu muội lầm than
Trong địa ngục khổng lồ không cửa sổ.
(Ðịa Ngục Không Cửa Sổ,Việt Phương)
Thật vậy, từ sau 1954, miền Bắc Việt Nam chìm trong bóng đêm dài không một ánh trăng sao. Nửa đất nước là một địa ngục lầm than không cửa sổ.
Theo hãng thông tấn AP, ngày 4 tháng 4 năm 1995, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã ước lượng số người Việt Nam, trong đó có quân đội hai bên, đã chết trong 21 năm chiến tranh là năm triệu một trăm ngàn người ( hai triệu thường dân miền Bắc, hai triệu thường dân miền Nam và một triệu một trăm ngàn quân đội hai miền). Con số đó đại diện cho 12 phần trăm của toàn bộ dân số Việt Nam trung bình trong giai đoạn 1954-1975.
Dù sai số bao nhiêu, năm triệu một trăm ngàn người chết và mất tích quả thật quá lớn trong một cuộc chiến địa phương trên một vùng đất nhỏ hẹp về địa lý và về dân số như Việt Nam.
Câu nói "Miền Nam trong trái tim tôi" của Hồ Chí Minh đã phải đổi bằng năm triệu mạng sống của nhân dân Việt Nam vô tội ở hai miền. Số lượng người Việt đã chết trong chiến tranh Việt Nam còn cao hơn cả tổng số bốn triệu sáu trăm ngàn người Do Thái bị giết trong thế chiến thứ hai.
Đó là chưa kể hàng trăm ngàn thương binh đang đếm những ngày tàn trên đường phố Hải Phòng, Hà Nội.
Đó là chưa kể tội ác của giới lãnh đạo Cộng Sản đối với hàng trăm ngàn sĩ quan và viên chức Việt Nam Cộng Hòa bị đày ải trong những trại tập trung dã man rải rác khắp ba miền.
Đó là chưa kể số phận của một trăm năm chục ngàn cô gái vót chông tải đạn" đã đánh mất tuổi thanh xuân trong rừng sâu nước độc Trường Sơn. Một đoạn trong bài thơ viết về nỗi đau của một người đàn bà hai đời làm mẹ, chăm sóc cho đứa con gái đã gởi lại Trường Sơn đôi chân ngà ngọc:
Con trở về sau cuộc chiến tranh
Không chàng trai nào đưa tiễn
Không còn nữa lời thề non hẹn biển
Mẹ là người duy nhứt đón đưa con
Ừ, thì con về với mẹ
Ngôi nhà ta bao năm rồi đơn lẻ...
Mẹ hái hoa bưởi về gội tóc cho con đây
Ôi mái tóc xanh dài dưới bàn tay nhăn của mẹ
Vòm ngực con vẫn căng tràn sức trẻ
Mẹ run lên khi chạm vào đôi chân ngà ngọc của con
Gửi lại chiến trường
Sự im lặng còn đau đớn hơn ngàn lần tiếng nấc
Con ơi, làm sao mẹ quen được nỗi mất mát này ! ...
(Trầm Hương, Hai Đời Làm Mẹ)
Dù bên này hay bên kia Bến Hải, nỗi đau của bà mẹ Việt Nam nào cũng giống như nhau. Bao nhiêu máu Việt Nam đã đổ? Bao nhiêu xương Việt Nam đã rơi? Bao nhiêu thế hệ Việt Nam đã bị ném vào lò lửa của bạo tàn và tham vọng? Bao nhiêu tài nguyên đã bị tàn phá? Con số thật sự sẽ không bao giờ được biết.
Nỗi khổ đau của dân tộc Việt Nam sẽ không một ngôn ngữ nào tả được. Giới lãnh đạo Cộng Sản mỗi khi cất tiếng là nói về tổ quốc, nói về nhân dân nhưng họ đã làm gì cho đất nước Việt Nam ngoài tội ác diệt chủng đối với nhân dân Việt Nam?
Nhà cách mạng Nguyễn An Ninh đã nói trong buổi diễn thuyết đầu tiên của ông tại Sài Gòn năm 1923: “Dân tộc nào để cho nền văn hóa ngoại bang ngự trị thì không thể độc lập thật sự vì văn hóa là tâm hồn của dân tộc.” (Lê Tùng Minh, Nguyễn An Ninh Nhà Cách Mạng Dân Chủ Tiền Phong Trong Lịch Sử Hiện Đại Việt Nam)
Lời nói của nhà cách mạng Nguyễn An Ninh 80 năm trước đến hôm nay vẫn còn là tiếng kêu trầm thống. Năm mươi năm qua, nền trời văn hóa Việt Nam đã và đang bị che khuất bởi những đám mây đen, từ Nho Giáo lạc hậu đến Thực Dân bóc lột và hôm nay Cộng Sản độc tài.
Câu nói của chàng thanh niên Việt Nam 23 tuổi Nguyễn An Ninh, vì thế, xứng đáng là kim chỉ nam cho thế hệ trẻ Việt Nam ngày nay.
Câu ngạn ngữ Đông phương nhưng rất phổ biến ở Tây phương: "Đừng nguyền rủa bóng tối mà hãy thắp lên ngọn nến" chưa bao giờ ý nghĩa hơn hôm nay. Việt Nam sẽ có tự do và no ấm. Đêm dài độc tài Cộng Sản sẽ tan đi trong bình minh dân chủ. Nhưng để đạt được các mục tiêu đó, trước hết, mỗi người Việt, dù ở đâu, hãy thắp lên trong lòng mình ngọn nến được làm bằng chất liệu thuần túy Việt Nam. Đừng đổ thừa ai và cũng không nên hoàn toàn trông cậy vào ai khác để mang cơm no áo ấm đến cho dân tộc mình.
Nhà cách mạng Phan Chu Trinh phát biểu khi Thống Đốc Pháp thăm ông tại Côn Đảo 1908: "Người nước Nam chui núp dưới chính thể chuyên chế trên ngàn năm, chưa có tư cách quốc dân độc lập, dầu có nhờ cậy sức nước ngoài thì chỉ diễn cái trò "dịch chủ tái nô" không có ích gì." (Vọng Đông, Danh Nhân Cách Mạng Việt Nam).
Năm mươi năm là một quãng đường dài. Chúng ta đã hơn một lần trễ hẹn với non sông, nhưng không phải vì thế mà không còn cơ hội nào khác. Cơ hội vẫn còn đó nếu chúng ta biết đoàn kết, thấy được hướng đi chung của dân tộc và thời đại. Chúng ta có nhiều quá khứ nhưng đất nước chỉ có một tương lai, đó là tương lai tự do, dân chủ, nhân bản và khai phóng cho những ai, sau những điêu tàn đổ vỡ, còn biết nhận ra nhau, còn biết yêu thương mảnh đất thiêng liêng, vinh quang và thống khổ Việt Nam.
21/07/2022
Trần Trung Đạo
https://www.facebook.com/trantrungdao
https://www.facebook.com/ChinhLuanTranTrungDao
Đăng ngày 05 tháng 08.2022