“Tỉnh thức” và “Hóa giải”
Trần Trung Đạo
Cuối tháng Bảy năm nay, tôi hẹn đi uống café với anh Terry Lee Terry Lee, một người bạn Facebook từ Úc qua thăm Mỹ. Boston là một chặng trên chuyến đi nghỉ hè khá dài của anh chị. Mặc dù mới quen qua Facebook, tuổi tác chúng tôi chỉ cộng trừ nhau vài tuổi và lớn lên trong cùng một nền giáo dục ở miền Nam trước 1975 nên nói chuyện rất thoải mái. Tôi vừa đọc một bài viết của anh về Hòa thượng Tuệ Sỹ nên cũng muốn thảo luận thêm về chủ đề Phật Giáo hơn là những chủ đề khác.
Trong những bậc tôn đức Phật Giáo chúng tôi nhắc đến là cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Đức Nhuận, Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống GHPGVNTN. Ngài là bậc tôn sư mà cả hai chúng tôi đều kính trọng và nhất là anh có dịp gần gũi với ngài.
Luôn dịp này, tôi chia sẻ với anh thông điệp của Đức Tăng Thống Thích Tịnh Khiết nhân dịp Tết. Tôi không nhớ là Tết năm nào nhưng phải trước 1972 vì tôi đọc thông điệp khi còn ở chùa Viên Giác.
Theo tinh thần Hiến Chương của GHPGVNTN, Hòa thượng Chánh Thư Ký Viện Tăng Thống có trách nhiệm điều hành Viện Tăng Thống. Dù không giải thích một cách chi tiết, trách nhiệm điều hành có cả việc thỉnh ý, soạn thảo, trình đức tăng thống phê chuẩn và công bố hai thông điệp quan trọng hàng năm là thông điệp Phật Đản và thông điệp Tết Nguyên Đán. Tôi nghĩ thông điệp của Đức Tăng Thống mà tôi đọc là do Hòa thượng Chánh Thư Ký Thích Đức Nhuận viết.
Ngày đó tôi học lớp đệ tam (lớp 10) hay đệ nhị (lớp 11) ở trung học Trần Quý Cáp nhưng cũng nhớ và hiểu chút ít để chia sẻ với anh về quan điểm “hóa giải” của Phật Giáo chuyên chở trong thông điệp. “Hận thù” và “chiến tranh” không thể chấm dứt bằng “hòa giải” mà phải trước hết bằng “hóa giải” và “hóa giải” bắt đầu từ mỗi người. “Hóa giải” là tỉnh thức, nhận ra và vượt qua. "Hóa giải" là nhân và "hòa giải" là quả.
Tôi nói với anh những lời dạy của Hòa thượng Đức Nhuận trong thông điệp đó ảnh hưởng tôi rất nhiều về cách để giải quyết nhiều vấn đề dù tôn giáo, văn hóa hay chính trị sau này. Anh chưa có dịp đọc thông điệp và tôi chưa biết tìm đâu ra.
May mắn quá, cách đây ba hôm, 11 tháng 9 , trên Facebook của Quảng Pháp Tran Triet có đăng bài viết của tác giả Nguyên Tường, trong đó trích nhiều câu trong Thông Điệp Ý Thức Về Nguồn xuân Tân Hợi 1971 của Viện Tăng Thống GHPGVNTN. Những dòng chữ quen thuộc trở về. Tôi rất cảm động nghĩ tới ơn chư tôn đức và nhớ lại chính mình.
Tôi rời chùa Viên Giác năm 1972. Hành trang của tôi không có gì ngoài chiếc túi nhỏ và một tâm hồn mới lớn.
Năm ngoái khi viết bài “Hãy trở về với uyên nguyên dân tộc” tôi viết về “hóa giải” như sau:
"Phải chăng dân tộc chúng ta có truyền thống đoàn kết chống ngoại xâm nhưng không có khả năng hóa giải nội thù?
Phải chăng dân tộc Việt Nam có truyền thống bảo vệ đất nước nhưng không có khả năng xây dựng đất nước?
Không. Người Việt chưa đoàn kết bởi vì chúng ta chưa cùng tắm chung trong một dòng tâm thức Việt Nam, chưa cùng chia sẻ một suy nghĩ về tương lai và chưa thấy giống nhau khi đối diện với những nhu cầu chung của đất nước. Nói vắn tắt, chúng ta chưa thật sự có một ước muốn giống nhau cho đất nước mình.
Chọn lựa duy nhất để phá vỡ những bế tắc tư tưởng trong cộng đồng dân tộc hôm nay, không phải là đi xa hơn nữa, không phải rập khuôn từ ai khác, nhưng là trở về. Sau bao năm chạy theo những ảo vọng, những chân trời không có thực, những ý thức hệ ngoại lai, hơn bao giờ hết, mỗi người Việt Nam phải tự thắp sáng niềm tin vào dân tộc trong lòng mình bằng một cuộc hành hương trở về với các giá trị tự chủ, nhân bản và khai phóng đã hun đúc nên giòng giống Đại Việt. Ngoài các giá trị tinh thần và truyền thống, tổ tiên đã để lại cho chúng ta một gia tài vô cùng phong phú với tất cả phương tiện cần thiết để đưa đất nước Việt Nam thành một cường quốc văn minh và hiện đại“.
Sáng nay đọc lại Thông Điệp của Đức Tăng Thống viết hơn nửa thế kỷ trước và bài mình viết năm ngoái mới hiểu ra giọt nước đến từ đâu. Giọt nước đến từ sông, từ suối và nửa thế kỷ qua dòng sông tình thương, dòng suối từ bi qua thông điệp của Đức Tăng Thống vẫn êm đềm chảy trong tâm hồn mình.
Tôi tính gởi riêng thông điệp cho anh Terry đọc trước nhưng làm vậy không đúng. Thầy không viết cho tôi hay cho anh mà cho mọi người và thầy cũng không viết riêng cho Phật tử Việt Nam mà cho các thế hệ Việt Nam năm 1971, hôm nay và mai sau.
Dưới đây là toàn văn:
THÔNG ĐIỆP “Ý THỨC VỀ NGUỒN” CỦA ĐỨC TĂNG THỐNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH TỊNH KHIẾT CÔNG BỐ VÀO XUÂN TÂN HỢI 1971
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
Kính gửi Chư Hòa Thượng, chư Thượng tọa, Đại đức Tăng Ni, cùng toàn thể Phật tử và đồng bào trong, ngoài nước.
Trước anh linh Tổ quốc và khí thiêng sông núi.
Trước bàn thờ Phật, và khởi từ lòng người thanh tịnh trong cảnh đầu xuân, tôi cầu nguyện cho mọi người một năm mới an lành, và hòa bình sớm thực hiện trên đất nước chúng ta.
Dân tộc Việt Nam chúng ta trong hơn hai mươi năm chiến tranh, từng chịu nhiều khổ cực, biết bao nhân mạng, sức lực và tài sản đã bị hủy diệt. Mà nguyên nhân chính chỉ vì mỗi phía đã phục vụ cho một ý hệ chủ thuyết và quyền lợi khác nhau, rồi tự coi đó là phục vụ Tổ quốc, nhưng đích thực chỉ biết có quyền lợi riêng tư ích kỷ, cố tình tạo mâu thuẫn để có cớ tàn hại lẫn nhau. Đó là một bi thảm của lịch sử dân tộc thời đại!
Dân tộc Việt Nam ta vốn hiếu hòa, không bao giờ chấp nhận sự trả thù, trả oán giữa những người cùng một nòi giống.
Quả tình chúng ta đã đánh mất niềm tin và tình thương yêu bao bọc lẫn nhau.
Quả tình chúng ta đã xa nguồn gốc tổ tiên.
Quả tình đã có những người nghĩ, nói và làm theo những biên kiến, thiên kiến không mấy trong sáng, thậm chí hành xử theo chỉ thị của ngoại nhân, vô tình đưa dân tộc vào con đường phiêu lưu hủy diệt, nhưng lại cứ đinh ninh rằng mình đang thi hành sứ mạng cứu dân, cứu nước.
Hỏi đến bao giờ chúng ta mới thật TỈNH THỨC?
Mỗi lần Tết đến là mỗi lần dân tộc ta có những đổi thay. Cảnh vật đổi mới, lòng người đổi mới. Ý thức đổi mới, nhân dịp này, tôi cầu mong tinh thần Tỉnh Thức sẽ bừng sáng nơi tâm hồn mọi người, để ý thức VỀ NGUỒN, trở về với dân tộc thuần chính, xóa đi những hận thù không bao giờ do chúng ta chủ trương, mà chính ý hệ chủ thuyết và thế lực vật chất vô minh đã thúc đẩy, chỉ huy.
Chúng ta hãy nhìn nhau với sự cảm thông và tình thương yêu chân thật.
Sự cảm thông và tình thương yêu khi đã được thể hiện nơi mọi người, thì công cuộc hóa giải ý thức hệ, hóa giải hận thù, hóa giải chiến tranh, hóa giải nếp sống sẽ là những ngọn đuốc thắp sáng cho Tổ quốc Việt Nam, mang lại nguồn phúc lợi chung cho dân tộc và hòa bình cho xứ sở.
Trong một năm, thật không có dịp nào tốt đẹp hơn ngày Tết. Chúng ta hãy gọt rửa mọi ý niệm vọng ngoại, gột rửa những thiên kiến, biên kiến và luôn luôn Tỉnh Thức, đổi mới tâm hồn. Phải cẩn trọng trong mọi hành động của mình. Có thiện chí là một điều hay. Nhưng có thiện chí mà kém sáng suốt thì đôi khi lại là một tai họa lớn. Chúng ta hãy đoàn kết lại, tạo thành một khối dân tộc lớn mạnh, duy nhất. Chúng ta hãy góp phần tích cực xây dựng một quan niệm sống, một đường lối sống, một khuôn mẫu sống dựa trên tính chỉ từ bi trí tuệ bình đẳng giải thoát và tự chủ, hợp với rung cảm, suy tư và tình tự của một dân tộc tiến bộ, đi lên, thì đó là chúng ta xây dựng nổi một xã hội lành mạnh, ấm no, bình đẳng, đúng theo nghĩa “tình người” và lòng bao dung độ lượng của một nòi giống văn minh – nòi giống Lạc Hồng. Đó là Ý thức Về Nguồn của hết thảy chúng ta, ở bên này cũng như ở bên kia giới tuyến. Và, đó cũng chính là điều mà thâm tâm tôi hằng trông đợi.
Với lòng tự tin, với ý chí kiên nhẫn, với truyền thống bất khuất của dân tộc, càng nhìn vào quá khứ oanh liệt của tiền nhân, tôi càng thêm tin tưởng vào sức quật khởi của chúng ta – Một dân tộc đã tự chủ vượt qua mọi cuộc đồng hóa, đem vinh quang về dâng cho Tổ quốc mến yêu, suốt từ thời tự chủ Đinh – Lê – Lý – Trần, thế kỷ thứ IX XIII, đến các thời đại kế tiếp. Tổ tiên chúng ta khi ấy thực sự đã tạo được thế Hòa giải, đã hoàn thành được sứ mạng lịch sử cứu nước, giữ nòi. Thì, trong hiện tại và tương lai, chúng ta quyết không bao giờ phá vỡ, đi ngược lại truyền thống và đường hướng VỀ NGUỒN và KHỞI ĐI TỪ NGUỒN cao đẹp ấy.
Ý THỨC VỀ NGUỒN, nếu được mọi người chấp nhận, đó mới là căn bản chính thức của sự HÓA GIẢI chiến tranh, HÓA GIẢI hận thù, đem lại nguồn thương vui và hòa bình lâu dài cho dân tộc ta.
Trước thềm năm mới, tôi cầu chức cho mọi người thành đạt nổi ý thức VỀ NGUỒN ấy.
Nam Mô Đại Từ Di Lặc Tôn Phật
Sài Gòn, Xuân Tân Hợi, Phật lịch 2514 – D.L 1971
Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất
Đại Lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết
https://www.facebook.com/trantrungdao
Giới thiệu bài thơ Mộng Ngày
của HT Tuệ Sỹ do anh Terry Lee Terry Lee dịch sang Anh Ngữ
Dịch thơ là một thách thức, nhất là thơ của những thiền sư, triết gia, những người vốn không phải là thi sĩ mà chỉ mượn chiếc thuyền thi ca để chuyển tải tư tưởng sâu xa của mình. Một câu hay thậm chí một chữ trong một bài thơ có thể giải thích bằng một tiểu luận dài. Nhưng dù khó bao nhiêu, giới thiệu thơ Việt Nam sang Anh Ngữ vẫn là một điều cần thiết. Nếu bản dịch đầu tiên chưa hoàn chỉnh sẽ có bản dịch sau hiệu đính, nhưng phải bắt đầu. Bản dịch tiếng Anh dưới đây do anh Terry Lee dịch từ bài thơ Mộng Ngày của Hòa thượng Tuệ Sỹ. Anh Terry Lee cố gắng dịch sát với nội dung tiếng Việt rất cô đọng của bài thơ nhưng đồng thời cố gắng giữ bài thơ mang không khí của thơ. Rất khó làm cả hai công việc trong một lúc. Dù sao đọc lên chúng ta vẫn biết đó là một bài thơ. Hiểu đúng ý sâu xa của bài thơ chỉ có tác giả, trong trường hợp này là Hòa thượng. Nhưng chúng ta vẫn có thể hiểu bài thơ theo cách riêng của mỗi người. Cái “hay” của bài thơ trong hai người đọc có thể không giống nhau và không nhất thiết phải giống nhau, tùy thuộc vào tâm thức và cảm nhận. Ngọn núi cao hay thấp do chỗ mỗi người đứng để nhìn lên núi. Vì facebook tôi bị hạn chế khi ‘share’ cũng như nhiều khi Facebook không tự động gởi những bài viết của tôi đến ‘News Feed’ của các bạn nên tôi ‘copy’ về nhà. Ngoài việc dịch bài thơ này anh Terry Lee viết khá nhiều trên Facebook cá nhân, mong các bạn ghé thăm và đọc những bài còn lại:
Thượng tọa thi sĩ Thích Tuệ Sỹ, những phương trời viễn mộng (phần 3)
Day Dream
(a poem in Vietnamese by Venerable Tuệ Sỹ, and translated to English by Terry Lee )
On the back of an ant, in search of a sanctuary,
Where death does not exist, I find a herd of butterflies fluttering,
And some toads and frogs wandering around, looking for food,
While deep in its cave, a snake is day dreaming.
At the entrance, a swarm of bees are dancing round the forest flowers,
Which proudly show off their beautiful colors and attractive perfume.
Ashamed of their inferior colors and smell, the reeds' flowers stand up,
Looking like old angels' white hair, wavering in the wind.
Here are some ants running around, in search of their homelands.
With a heavy debt of love I carry on my back,
I also find myself homeless, sharing the fate with the ants,
And the love for our homelands, which is as fragile as sunlight threads.
I ask my ant where the tranquil world beyond the void is,
Where traces of bird flights can always be seen,
And from the darkness of our suffering Earth,
Rises the light of hope, in lieu of sunlight?
I tell my ant to stop, but the silver clouds stop in response instead,
And my homeland trembles following my path.
The angels look surprised when I unclothe my country's past,
And her dream fruit separated when I bite the limitless.
My country has been in stalemate,
Since the day her forests were furiously burnt down.
In searching for her broken heart,
I'll bite the emptiness when I'm hungry of time.
Dưới đây là nguyên văn bài thơ của thầy mà tôi đã dịch ở trên. Bài thơ này tôi đã có trích đăng trong bài số hai tôi viết về thầy (#tuesy2).
Mộng Ngày
Ta cỡi kiến đi tìm tiên động
Cõi trường sinh đàn bướm dật dờ
Cóc và nhái lang thang tìm sống
Trong hang sâu con rắn nằm mơ.
Đầu cửa động đàn ong luân vũ
Chị hoa rừng son phấn lẳng lơ
Thẹn hương sắc lau già vươn dậy
Làm tiên ông tóc trắng phất phơ.
Kiến bò quanh nhọc nhằn kiếm sống
Ta trên lưng món nợ ân tình
Cũng định mệnh lạc loài Tổ quốc
Cũng tình chung tơ nắng mong manh.
Ta hỏi kiến nơi nào cõi tịnh
Ngoài hư không có dấu chim bay
Từ tiếng gọi màu đen đất khổ
Thắp tâm tư thay ánh mặt trời?
Ta gọi kiến, ngập ngừng mây bạc
Đường ta đi, non nước bồi hồi
Bóc quá khứ, thiên thần kinh ngạc
Cắn vô biên trái mộng vỡ đôi.
Non nước ấy trầm ngâm từ độ
Lửa rừng khuya yêu xác lá khô
Ta đi tìm trái tim đã vỡ
Đói thời gian ta gặm hư vô.
Giải thích:
Mấy hôm trước, tôi được tin Hòa thượng Tuệ Sỹ đã chính thức đảm nhận chức Chánh Thư ký Văn phòng Viện Tăng thống kiêm Xử lý thường vụ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN). Thật là vui mừng khi thấy GHPGVNTN đã chính thức được phục hoạt và người lãnh đạo giáo hội trong những ngày sắp tới là người tôi hết lòng ngưỡng mộ và kính trọng. Thầy Tuệ Sỹ, với trí và huệ của một bồ tát, là viên ngọc sáng chói của cả thế giới, chứ không phải chỉ có Việt Nam.
Dù đang ở trên tàu, Internet lúc có, lúc không, tôi vẫn muốn chia sẻ niềm vui này với các bạn của tôi, nên tôi cố gắng dịch sang tiếng Anh bài thơ 'Mộng Ngày' này của thầy. Ai đó, lâu lắm tôi không nhớ rõ, có nói với tôi là không được dùng chữ 'chia vui', mà phải dùng chữ 'chia buồn' và 'chung vui', nhưng theo tôi thì đừng lo, khi ta chia sẻ niềm vui thì niềm vui tăng thêm, chứ không vơi bớt đi.
Bài thơ 'Mộng Ngày' này thầy viết năm 1984, tôi không biết là trước hay sau khi thầy bị ngụy quyền Cộng sản Việt Nam bắt giam ngày 2/4/1984. Bốn năm sau, trong một phiên tòa phường tuồng, thầy bị chúng kết án tử hình, rồi sau đó dưới áp lực của quốc tế, chúng đổi thành 15 năm tù. Sau khi đã giam tù thầy 14 năm 4 tháng 20 ngày, ngày 22/8/1998, bọn chúng giả vờ nhân nghĩa kêu thầy làm đơn xin ân xá thì sẽ được thả, nhưng thầy khẳng khái đáp: "Không ai có quyền xét xử tôi, không ai có quyền ân xá tôi", sau đó thầy tuyệt thực, khiến 10 ngày sau, ngày 1/9/1998, chúng phải thả thầy ra vì sợ thầy sẽ chết trong tù. Khi nói câu đó, ý của thầy là các ông có súng ống thì có thể bắt tôi bỏ tù, nhưng tôi không cho các ông cái quyền được xét xử tôi, và vì thế các ông muốn thả tôi thì thả, chứ các ông không có quyền ân xá tôi, vì tôi không có tội gì hết.
Người xưa có nói "dịch là diệt" (bài dịch giết chết cái hay của bài gốc), nên tôi chỉ hy vọng đã không hiểu sai ý của thầy, chứ không dám gọi bản dịch này của tôi là một bài thơ. Ví dụ như khi thầy viết "ta gọi kiến, ngập ngừng mây bạc", thì tôi hiểu là khi thầy gọi con kiến thầy đang cỡi đứng lại thì thay vì kiến, đám mây bạc ngập ngừng đứng lại, hay khi thầy viết "bóc quá khứ, thiên thần kinh ngạc" thì tôi hiểu là thiên thần kinh ngạc khi thấy thầy lột trần quá khứ và đó là quá khứ của đất nước mình.
Còn câu thơ "ngoài hư không, có dấu chim bay" của thầy khiến tôi liên tưởng đến câu chuyện khi hai thầy trò Mã Tổ Đạo Nhất và Bách Trượng Hoài Hải đi dạo, thấy một đàn chim bay qua, thì Mã Tổ mới hỏi Bách Trượng là đàn chim đâu rồi, thì Bách Trượng trả lời là chúng bay mất rồi. Ngay lập tức, Mã Tổ vặn mũi của Bách Trượng thật mạnh và hỏi "hà tằng phi xứ?" (đàn chim đó có bao giờ bay mất đâu?), khiến trong cơn đau điếng, Bách Trượng chợt ngộ đạo. Vì thế, tôi dịch câu thơ của thầy là nơi hư không đó, dấu chim bay luôn luôn có ở đó, không bao giờ biến mất đâu.
Nếu có một ngày nào, bản dịch này được lọt vào mắt thầy, thì tôi hạnh phúc biết bao!
Cuối cùng, tôi mong các bạn cùng với tôi chắp tay cầu nguyện cho GHPGVNTN được phát triển như ý nguyện của quý thầy trong ban trị sự của giáo hội.
Gate, gate, paragate, parasamgate, bodhi, svaha!
Câu trên đây là câu thần chú trong kinh Bát Nhã Tâm Kinh mà đọc theo tiếng Phạn là "ga tê, ga tê, pa ra ga tê, pa ra sam ga tê, bô đi, sì va ha", và các kinh sách tiếng Việt đều phiên âm theo bản tiếng Hoa là "yết đế, yết đế, ba la yết đế, ba la tăng yết đế, bồ đề, tát bà ha" (Hãy vượt sang, hãy vượt sang, hãy vượt sang bờ bên kia, hãy vượt sang hẳn bờ bên kia, nơi cõi giác ngộ, hãy an trú ở đó).
Terry Lee
(Ảnh trích từ trang nhà của Hội Đồng Hoằng Pháp, thuộc Viện Tăng Thống GHPGVNTN)
https://www.facebook.com/trantrungdao
Đăng ngày 24 tháng 09.2022