Mùa xuân trên quê hương ngoài ký ức
Tâm bút Trần Trung Đạo
Dọc hành lang các công ty Mỹ thường treo tranh ảnh. Có khi là bản sao một danh họa và có khi chỉ là một tấm ảnh nghệ thuật để làm kín bức tường. Bức tranh treo bên ngoài phòng làm việc của tôi là một ngọn đồi xanh với những bụi hoa dại nhiều màu mọc đó đây, và xa hơn là một cánh rừng. Bức tranh đơn giản, không phải là một tuyệt phẩm hội họa nhưng với tôi lại quá đẹp. Mỗi ngày đi ngang qua, nhìn bức tranh, tự nhiên cảm thấy một chút gì đó ấm áp trong lòng.
Cảnh trong bức tranh rất giống ngọn đồi phía sau nhà, nơi cha mẹ tôi sống trong những ngày tản cư ở Quế Sơn, Quảng Nam. Nơi đó, những buổi chiều, tôi đứng lặng nhìn ngọn đồi như cố thu hết từng hoa sim tím, từng giọt nắng vàng vào trong trí nhớ còn rất nhiều chỗ trống của mình như để một ngày nào đó còn đem ra xem lại. Cuốn phim thời thơ ấu đầy bất trắc còn rất rõ. Tôi vẫn xem lại đoạn phim trong những ngày giỗ cha mẹ tôi, những chiều mưa rất buồn, những đêm trăng rất sáng.
Tôi thường chỉ bức tranh và hãnh diện khoe với các đồng nghiệp người Mỹ “Quê hương tao giống hệt như vậy đó”. Các bạn Mỹ thường hỏi xã giao “Mày có về thăm quê mày lần nào chưa?” “Chưa”. Tôi trả lời và rồi chỉ vào đầu “Nhưng không sao, quê hương là ở đây, trong ký ức của tao.”
Nói thế vì tôi biết dù có trở về, quê hương cũng không còn như thế nữa. Ngọn đồi sim tím có thể đã bị san bằng và cụm rừng kia chắc đã bị khai hoang.
Nếu về lại, tôi sẽ làm gì? Tôi sẽ ngồi xuống như đang ngồi đây và hình dung một khoảng thời gian, một khoảng không gian đã mất. Tôi sẽ cảm thấy rất đau khi tất cả những gì gần gũi nhất của tôi trên thế gian không còn nữa. Mơ mộng thì ở đâu mà chẳng mơ mộng được. Ngày mới tới đây, tinh thần chưa ổn định, nhiều buổi chiều tôi thường đi bộ một mình dọc bờ biển Đại Tây Dương nhìn những chiếc tàu hàng đi qua mà nhớ ngày nào mình từng cầu mong một con tàu như thế đi qua trên Thái Bình Dương.
Trong ngôn ngữ Việt Nam, quê hương là một trong những danh từ gây nhiều cảm xúc nhất. Một phần phát xuất từ tình yêu sâu đậm dành cho nơi chôn nhau cắt rốn và phần khác mang đặc tính rất con người, đó là quyền sở hữu. Khi nhắc đến quê hương, dù hai người cùng lớn lên trong cùng một tỉnh, một quận huyện hay cả một thôn xóm, vẫn cảm thấy quê hương là của riêng mình. Cũng một dòng sông, một bến đò, một đồi sim nhưng hình ảnh của chúng khác nhau trong mỗi tâm hồn.
Những nhạc phẩm quê hương bao giờ cũng đậm đà, tha thiết. Bài hát về quê hương tôi thích nhất là bài Tình Quê Hương của Việt Lang.
Ngàn dâu xanh ngát mấy nếp tranh xa mờ
Tiếng sáo bay dập dìu đường về thôn xưa
Tình quê lai láng dưới trời thu
Khói xây thành chập chùng mây đưa
Cành tơ liễu thấp thoáng bên hồ
Mùa nhớ nhung dòng nước lững lờ...
Quảng Nam là xứ trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ và dệt lụa nên tôi lại càng thấy gần gũi hơn với câu “Ngàn dâu xanh ngát mấy nếp tranh xa mờ” trong bài Tình Quê Hương. Làng tôi không trồng dâu nhiều bằng các nơi khác trong quận nhưng nuôi tằm và ươm tơ rất nhiều. Tuổi thơ tôi ở quê nội Duy Xuyên là những ngày quây quần bên những chiếc nia tròn nhìn những con tằm trắng cuộn mình trong những chiếc lá dâu xanh. Vì ươm tơ nên thức ăn chính trong bữa cơm gia đình ở làng tôi là nhộng. Nhộng xào, nhộng rang khô, nhộng xúc bánh tráng, nhộng nấu canh, nhộng làm gỏi. Cô tôi dạy tôi quay tơ và lớn hơn chút tôi được dạy ươm tơ. Quay tơ chỉ quay đều tay là được nhưng ươm thì kỹ thuật hơn, khéo tay hơn, đánh nhiều kén quá sợi tơ sẽ dày như sợi thao và ít quá tơ sẽ đứt đoạn nhiều, không đều. Học ươm tơ rất vui nhưng nếu bị bắt ngồi ươm suốt mấy giờ liên tục lại là chuyện khác. Phần lớn công việc ươm tơ là của các chị trong làng.
Đúng như các nhà thơ Quảng Nam thường hay tả thôn nữ Duy Xuyên, các chị trong làng tôi ngày ấy ai nấy cũng đẹp. Nghề ươm tơ phải ngồi bên nồi nước sôi nên đôi má của các chị lúc nào cũng ửng hồng. Tôi nghĩ hoài đến cái xứ Quảng nghèo nàn nhưng gặp quá nhiều khốn khó này. Hạnh phúc thường hiếm hoi và ngắn ngủi nhưng tai họa lại hay chọn nơi này để đến và ở lại rất lâu. Phải chi ngày xưa ông bà chúng tôi đi thẳng vào Sài Gòn, Cần Thơ, Sóc Trăng, Bạc Liêu thì hay biết bao nhiêu. Dừng lại bên kia đèo Hải Vân làm chi để sáu thế kỷ trôi qua, bao nhiêu thế hệ đã sống và đã chết trên vùng đất định mệnh đó.
Đó chỉ là vài trong vô số kỷ niệm của tôi về một quê hương trong ký ức.
Nhưng nếu quê hương chỉ là những gì trong ký ức thôi, thật là buồn tẻ, khô khan và giới hạn.
Tôi có thể viết cả cuốn sách về tuổi thơ và quê hương trong ký ức nhưng rồi để làm gì. Ký ức không chết khi nào con người còn sống nhưng ký ức chỉ là quá khứ không thay đổi, không cũ đi và cũng chẳng mới hơn. Ký ức là chất nhựa, sức bật cần thiết để con người từ đó vươn lên chứ không phải từ đó dừng lại. Phải sống trong hy vọng vào một ngày mai. Nhưng hy vọng chưa đủ, phải hoạt động tích cực để hy vọng trở thành sự thật.
Câu chuyện của chuyên viên ngân hàng Andy Dufresne trong phim The Shawshank Redemption là một lời khuyên tốt. Andy Dufresne, nhân vật chính trong phim bị kết án hai bản án chung thân về tội giết người mà anh không gây ra. Oan ức nhưng anh không xem đó như số phận an bài. Andy dành gần 19 năm để khoét một đường hầm chỉ lớn đủ cho một người chui qua bức tường dày của nhà tù bằng chiếc búa rất nhỏ thường dùng để đục đẽo những con cờ bằng đá. Không giống như các bạn tù khác ở tù lâu năm nên nhận thức của họ bị cơ chế hóa, Andy sống trong hy vọng và đeo đuổi ước mơ mà anh hằng đêm thêu dệt như có lần anh ta nói với Red, một người bạn tù “Hy vọng, có thể không phải là điều tốt nhất, nhưng là điều tốt và trước nay chưa có điều tốt lành nào chết đi”. Mơ ước của Andy là được đến Zihuatanejo, Mexico, một vùng biển anh ta chưa bao giờ đặt chân đến, để sống một cách tự do cho đến hết đời mình vì, như anh đọc đâu đó, miền đất ấm đó là nơi không giữ một dấu vết nào của quá khứ. Mỗi ngày Andy đục một chút vôi trên vách tường, bỏ vào túi quần và rải xuống đất khi đi bộ trong sân nhà tù. Cuối cùng, sau gần 19 năm, anh đục xuyên bức tường dày và vượt ngục thành công.
Trong thời gian chính phủ Nam Hàn hiện đại hóa thủ đô Seoul bắt đầu từ thập niên 1970, rất nhiều cơ sở thương mại phải bị dời đi, nhiều tòa nhà bị phá hủy, ngay cả nhiều cảnh đẹp dọc dòng sông Hán cũng bị thay đổi nhường chỗ cho các con đập lớn, đại lộ, đường xe điện cắt ngang qua thành phố. Dòng sông Hán từ triều đại Baekje trước công nguyên đã gắn đã liền với lịch sử và đời sống người dân Triều Tiên. Không phải ai cũng đồng ý. Nhiều nơi trong thành phố dân chúng biểu tình phản đối. Chính phủ Nam Hàn không thay đổi quyết định mặc dù đã xây thêm một số công viên để người dân giải trí. Thủ đô Seoul từ một thành phố gần như một đống gạch vụn sau bốn lần bị đổi chủ trong chiến tranh Triều Tiên với gần hai trăm ngàn tòa nhà bị san bằng và hơn một triệu người không nơi nương tựa, đã vượt qua ký ức đau thương, tang tóc để đạt đến một quê hương ngoài ký ức tự do, dân chủ, phồn vinh hiện đại như hôm nay. Những người phản đối chỉ vì họ sợ mất đi hình ảnh quá khứ mà họ trân quý nhưng đồng thời họ chưa hình dung được quê hương ngày mai sẽ đẹp đến mức nào. Giới lãnh đạo Nam Hàn, những người có tầm nhìn xa, biết rằng hiện đại hóa đất nước phải bắt đầu từ thủ đô Seoul. Kết quả, Seoul được phép tổ chức Olympics 1988 và người dân Nam Hàn hãnh diện về các công trình xây dựng, các kiến trúc tân kỳ, hiện đại của thủ đô họ.
Hai câu chuyện nhỏ, một hư cấu và một thực tế, cho thấy quá trình chuyển hóa giữa quá khứ, hiện tại và tương lai trong con người quan trọng đến dường nào. Đó là một chuỗi các chọn lựa can đảm bắt đầu từ mỗi con người cho đến phạm vi toàn đất nước. Tôi thật sự tin, con người và cả dân tộc Việt Nam cũng thế, hơn bao giờ hết, phải chọn lựa giữa tiếp tục đi trên một lối mòn của số phận hay vượt qua quá khứ, hành động cho tương lai để sải cánh vào bầu trời tự do của văn minh nhân loại.
Bốn mươi bảy năm trước, ngồi trước chén bo bo, tô nước muối khuấy lỏng, dĩa rau muống luộc, niềm ao ước của mỗi người dân là thấy được chén cơm ngon, một tô canh ngọt, một dĩa thịt thơm. Nhưng ngày nay, giữa thời đại con người đang du lịch cung trăng, nếu vẫn tiếp tục mơ một chén cơm trắng, tô canh ngọt, dĩa thịt thơm, làm sao đất nước sẽ đuổi kịp đà tiến văn minh?
Bốn mươi bảy năm trước, Việt Nam là một quốc gia cô lập từ thế giới, tiếng động nửa khuya là tiếng động của xích xiềng, ánh sáng le lói trong căn nhà tranh được thắp lên từ que diêm cuối cùng trong đêm dài lịch sử, mơ ước của người dân là được sống bình an dù bình an trong cơ chế, được xem phim ảnh dù đã được kiểm tra từng chi tiết, được hát một bài tình ca dù đã được chọn lọc kỹ càng. Nhưng ngày nay, ngoại trừ các nhóm thổ dân trong thung lũng Javari vùng Amazon, Brazil và năm nước cộng sản còn sót lại, phần lớn nhân loại đang bước vào thời kỳ văn minh mới, trong đó ngay cả các khái niệm dân chủ pháp trị cũng đang bị xem là lạc hậu, nếu người dân Việt Nam bằng lòng được sống bình an trong cơ chế, được xem phim ảnh dù đã được kiểm tra từng chi tiết, được hát một bài tình ca dù đã được chọn lọc kỹ càng, dân tộc này sẽ đi lùi cho đến bao sâu?
Từ nhiều năm qua, hàng loạt người Việt Nam đã ý thức các hiểm họa dân tộc lạc hậu đó và lên đường dấn thân cho một Việt Nam mới, cho một mùa xuân trên quê hương ngoài ký ức.
Phần lớn còn rất trẻ. Một số hy sinh, một số đang ở trong tù, và một số còn đang tranh đấu. Tình yêu nước trong tâm hồn họ vô cùng trong sáng.
Nếu ai hỏi họ tranh đấu để được gì, tôi tin, câu trả lời chắc chắn không phải được gì cho bản thân họ.
Nếu muốn thăng tiến trên con đường danh lợi cho bản thân, những bạn trẻ đó có thừa điều kiện để leo nhanh lên nấc thang xã hội hơn mà nhiều người đang chen lấn để leo. Nhưng các bạn chọn con đường khác, khó khăn nhiều nhưng cũng rất vinh quang, con đường đi dựng mùa xuân dân tộc.
Mùa xuân trên quê hương ngoài ký ức mà nhiều người Việt Nam yêu nước đang theo đuổi sẽ không có tù chính trị, không có đấu tranh giai cấp, không có tuổi thơ lây lất ăn xin trên các vỉa hè, không có những em bé cất tiếng khóc chào đời trong thùng rác, không có các em học sinh mỗi ngày hai bận phải bơi qua sông đi học, không có những ngư dân bị bắn chết chỉ vì đi đánh cá trên vùng biển của tổ tiên để lại.
Dòng sông quê hương trong ý thức của họ là dòng sông của tình người và tình dân tộc trong xanh dịu mát. Bài hát họ mơ học sinh Việt Nam sẽ hát mỗi ngày bắt đầu bằng lòng kính nhớ đến ơn đức tổ tiên, công ơn cha mẹ, tình thương yêu dành cho đồng bào ruột thịt và kết thúc bằng ý chí vươn lên sánh ngang vai cùng thời đại con người đang không ngừng đổi mới.
Mùa xuân trên quê hương ngoài ký ức là một Việt Nam dân chủ hiện đại với các trường đại học tiêu chuẩn quốc tế, với các hạm đội hải quân trang bị tận răng mang tên Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Hàm Tử, Bạch Đằng, Vạn Kiếp, với những binh đoàn, phi đoàn trang bị vũ khi tối tân mang tên Chi Lăng, Đống Đa, Nhật Tảo, với những công ty kỹ thuật, những nhà máy công nghiệp, nông nghiệp cao cấp cạnh tranh ngang ngửa với các công ty Nam Hàn, Đài Loan, Nhật Bản. Từ hầm mỏ cho đến ruộng đồng, từ xa lộ thênh thang đến sông dài, biển rộng, từ thôn làng xã ấp xa xôi cho đến chính phủ trung ương, tất cả nối liền nhau như những mạch sống trong cùng một cơ thể Việt Nam tự do, khỏe mạnh và cường tráng.
Con đường những người đang đi tìm một quê hương ngoài ký ức hôm nay, dù sao, còn khá ít bởi vì giai đoạn từ kiến thức chuyển sang nhận thức trước khi dẫn tới hành động cụ thể vẫn còn là một chiếc cầu dài. Ngoài ra, không ít người Việt còn đang bị cơ chế hóa và số khác không đủ can đảm tự chặt đi một cánh tay lầm lỗi của chính mình. Nhưng không giống như các bạn tù của Andy Dufresne trong phim The Shawshank Redemption, các thế hệ Việt Nam sẽ lần lượt đứng lên như đã chứng minh nhiều lần trong suốt dòng lịch sử Việt Nam.
Nguyễn Trãi từng than "tuấn kiệt như sao buổi sớm, nhân tài như lá mùa thu" để nói lên cảnh khó khăn trong giai đoạn Lê Lợi mới dấy binh từ núi rừng Lam Sơn, Thanh Hóa. Những trận đánh đầu tiên là những lần thất bại. Từ năm 1418 đến năm 1422, quân khởi nghĩa phải ba lần phải rút lên núi Chí Linh, giết ngựa, hái rau, luột măng, đào củ chuối mà ăn. Nhiều trận đánh thua, quân tướng mỗi người mỗi ngả và có lần nhóm quân của Lê Lợi tan tác chỉ còn mỗi một mình ngài.
Nhưng cũng từ đó, lớp lớp người dân, anh hùng hào kiệt từ khắp nơi về tụ hội dưới ngọn cờ chính nghĩa. Ý chí tự chủ dân tộc như ngọn lửa thiêng lại bùng cháy lên trong mỗi trái tim, trong mỗi tâm hồn Việt Nam để rồi 5 năm sau, ngày 20 tháng 9 năm 1427, chém đầu danh tướng nhà Minh là An Viễn Hầu Liễu Thăng tại Mã Yên, giành lại chủ quyền độc lập như Nguyễn Trãi khẳng định trong Bình Ngô Đại Cáo “Ngàn năm vết nhục nhã sạch làu, muôn thuở nền thái bình vững chắc”.
Mùa xuân trên quê hương ngoài ký ức sẽ đến nếu mỗi chúng ta biết hy sinh một ít công sức cho công cuộc vận động tự do dân chủ đang chuyển mình trên đất nước hôm nay.
Như một lần kẻ viết bài này đã viết, bốn mươi bảy năm là một quãng đường dài, chúng ta đã hơn một lần trễ hẹn với non sông, nhưng không phải vì thế mà không còn cơ hội nào khác. Cơ hội vẫn còn đó nếu chúng ta biết đoàn kết, thấy được hướng đi chung của dân tộc và thời đại. Chúng ta có nhiều quá khứ nhưng đất nước chỉ có một tương lai, đó là tương lai tự do, dân chủ, nhân bản và khai phóng cho những ai, sau những điêu tàn đổ vỡ, còn biết nhận ra nhau, còn biết yêu thương mảnh đất thiêng liêng, vinh quang và thống khổ Việt Nam.
Trần Trung Đạo
https://www.facebook.com/trantrungdao
https://www.facebook.com/ChinhLuanTranTrungDao/
Đăng ngày 08 tháng 01.2023