banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Đài Loan bị loại ra khỏi Liên Hiệp Quốc như thế nào?

Trần Trung Đạo


Một người bạn Facebook hỏi “Đài Loan bị loại ra khỏi Liên Hiệp Quốc như thế nào?”
Trước áp lực, đe dọa của Trung Cộng (TC), không ít người có thể đã cảm thông với Đài Loan, một “quốc gia” đang giữ vị trí thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An bỗng nhiên bị hất văng ra khỏi LHQ và mang khăn gói về nhà trước sự làm ngơ của đồng minh Hoa Kỳ cũng có quyền phủ quyết.

Việc Đài Loan khăn gói ra về thật ra không đơn giản. Dưới đây là những lý luận chính và con đường dẫn tới việc Đài Loan bị loại ra khỏi LHQ:
1) Mỹ và Đài Loan không có cơ hội dùng quyền phủ quyết (veto power) đơn xin gia nhập LHQ của TC tại Hội Đồng Bảo An LHQ.
2) Việc chọn TC thay cho Đài Loan đại diện cho Trung Quốc là vấn đề thuộc về tư cách ủy nhiệm (credentials) chứ không phải tư cách hội viên (membership). Tư cách ủy nhiệm được thảo luận và biểu quyết tại Đại Hội Đồng trong khi hồ sơ xin gia nhập làm hội viên được quyết định trước tại Hội Đồng Bảo An. Đài Loan đã từng dùng quyền phủ quyết để phủ quyết đơn xin gia nhập của một quốc gia khác nhưng không thể tự bảo vệ lấy mình.
3) Tham vọng độc tài và thiển cận về tương lai thế giới của Tưởng Giới Thạch đã để lại khó khăn cho các thế hệ lãnh đạo Đài Loan ngày nay. Họ Tưởng nghĩ rằng ông ta là tổng thống của toàn lục địa Trung Hoa cộng với Đài Loan chứ không phải tổng thống của một nhóm đảo chỉ rộng 14 ngàn dặm vuông và dân số chỉ gần 15 triệu.
4) Chủ thuyết Nixon, chính thức ra đời tại Guam ngày 25 tháng 7, 1969, có ảnh hưởng tới mức độ quyết tâm của Mỹ để bảo vệ Đài Loan.

Phân tích rộng hơn:
Khi Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt tại Châu Âu, Liên Xô và Nhật vẫn bị quy định bởi Hiệp Ước Bất Can Thiệp (Soviet–Japanese Neutrality Pact) mà LX và Nhật ký kết ngày 3 tháng 4, 1941. Stalin tôn trọng và cần Nhật cũng tôn trọng hiệp ước này. Stalin cần để đưa quân đang bảo vệ phòng tuyến phía Mông Cổ, Mãn Châu về bảo vệ Moscow. Tương tự Nhật cũng cần rảnh tay để đương đầu với Mỹ trên Thái Bình Dương.
Số phận của Mãn Châu và Mông Cổ cũng được LX và Nhật tôn trọng như là hai quốc gia có chủ quyền và độc lập. Thực tế chính trị, Mãn Châu Quốc (1934) là sản phẩm chiến lược của Nhật, vua Phổ Nghi chỉ là vua bù nhìn. Mông Cổ (ngoại Mông) thì khác. Mông Cổ là một quốc gia độc lập chủ quyền.
Tại Hội Nghị Yalta, Stalin đồng ý mở mặt trận tấn công Nhật trong vòng ba tháng. Thế Chiến Thứ Hai tại Châu Âu chấm dứt vào tháng 5, 1945, thời gian ba tháng mà Stalin cam kết sẽ bắt đầu vào tháng 8, 1945. Việc đầu tiên Stalin làm là xé bỏ hiệp ước “bất can thiệp” (Soviet–Japanese Neutrality Pact) với Nhật trước khi tấn công Nhật tại Mãn Châu và Bắc Hàn.
Thế Chiến Thứ Hai chấm dứt tại Á Châu ngày 2 tháng 9, 1945.
Trước đó, ngày 26 tháng 6, 1945, Hiến Chương LHQ ra đời tại San Francisco. Hiến chương được viết bằng 5 thứ tiếng trong đó có Trung Quốc và có giá trị như nhau. Đại sứ của Đài Loan tại LHQ là Liu Chieh (劉鍇). Cộng Hòa Trung Hoa Dân Quốc, là một thành viên sáng lập của Liên Hiệp Quốc, và quan trọng hơn nữa, là thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (HDDBALHQ). Vũ khi lợi hại nhất của thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An là quyền phủ quyết.
Chiến tranh Quốc Cộng tại Trung Quốc chấm dứt cuối năm 1949 và nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa tức Trung Cộng ra đời.
Ngay sau đó, mặc dù còn nghèo và yếu, TC bắt đầu tận dụng mọi cơ hội để gây ảnh hưởng trên chính trường quốc tế nhất là Phong Trào Phi Liên Kết (Non-Aligned Movement) với 120 quốc gia hội viên bắt đầu tại hội nghị Bandung, Nam Dương 1955. (Tom Fowdy ,China's foreign policy is rooted in non-alignment)
Các quốc gia CS Đông Âu và thiên tả Á Phi muốn thấy TC có mặt tại LHQ nhưng không thể có hai nước Trung Quốc cùng tuyên bố chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và cùng là đại diện tại tổ chức quốc tế quan trọng nhất này.
Albany, các nước CS và một số nước vừa thoát ra khỏi chế độ thực dân có cảm tình với TC biện luận không có lý do gì một đất nước với 800 triệu dân lại không có quyền đại diện trong khi chính phủ Đài Loan với dân số chưa đến 15 triệu lại đại diện cho toàn thể Trung Hoa.
Các phiên họp dằng có giữa cánh ủng hộ Đài Loan và cánh ủng hộ TC kéo dài nhiều tháng trước Đại Hội Đồng LHQ. Nhiều dự thảo quyết nghị được đưa ra. Các dự thảo Mỹ ủng hộ như “Một Trung Quốc, một Đài Loan” bị đa số bác bỏ.
Ngày 25 tháng 10, 1971, dự thảo do Albany đệ trình được đem ra biểu quyết. Nội dung của dự thảo:
“Nhận xét việc phục hồi các quyền hợp pháp của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là điều cần thiết cho cả việc bảo vệ Hiến chương Liên hợp quốc và vì lý do mà Liên hợp quốc phải phục vụ theo Hiến chương.
Công nhận rằng các đại diện của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là những đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo An.
Quyết định phục hồi các quyền đối với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và công nhận các đại diện của chính phủ nước này là đại diện hợp pháp duy nhất của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, đồng thời trục xuất ngay các đại diện của Tưởng Giới Thạch khỏi nơi mà họ chiếm giữ bất hợp pháp tại Liên Hợp Quốc và trong tất cả các tổ chức liên quan.”
(Considering the restoration of the lawful rights of the People's Republic of China is essential both for the protection of the Charter of the United Nations and for the cause that the United Nations must serve under the Charter.
Recognizing that the representatives of the Government of the People's Republic of China are the only lawful representatives of China to the United Nations and that the People's Republic of China is one of the five permanent members of the Security Council.
Decides to restore all its rights to the People's Republic of China and to recognize the representatives of its Government as the only legitimate representatives of China to the United Nations, and to expel forthwith the representatives of Chiang Kai-shek from the place which they unlawfully occupy at the United Nations and in all the organizations related to it.) (UN Digital Library 1971)
Quyết nghị kết quả với 76 phiếu thuận, 35 phiếu chống và 17 phiếu trắng. Dự thảo chính thức trở thành Quyết Nghị 2758. Nhiều đồng minh chiến lược của Mỹ như Canada, Anh, Pháp, Do Thái, cũng bỏ phiếu ủng hộ TC thay thế Đài Loan. Đại sứ Hoa Kỳ tại LHQ trong thời gian này là George H.W. Bush, người sau này là tổng thống thứ 41 của Mỹ. (United Nations GENERAL ASSEMBLY TWENTY·SIXTH SESSION Official Records, Monday, 25 October 1971)
Phái đoàn Đài Loan tiên đoán kết quả xấu nên đã rời LHQ trước khi cuộc biểu quyết tiến hành.

Một yếu tố có lẽ quan trọng nhất ảnh hưởng đến việc Đài Loan phải rời LHQ là Chủ thuyết Nixon
Trong thời gian tranh luận về quyền đại diện, các cuộc thảo luận song phương về tái lập bang giao giữa Mỹ và TC cũng đang được tiến hành. Bắt tay với TC là một điểm tối cần thiết trong chiến lược toàn cầu của Chủ thuyết Nixon. Trước đó, chính sách đối ngoại của Mỹ đặt trên tầm nhìn lưỡng cực, tức Mỹ và LX. Tuy nhiên, Chủ thuyết Nixon đặt quá nặng lá bài Trung Quốc vì quyền lợi lâu dài của Mỹ và đặt liên minh Mỹ-Trung Quốc đối trọng với LX nặng hơn mức cần thiết. Nixon và Kissinger xem Đài Loan dù có phải mất cũng có thể chấp nhận.
James Mann, giáo sư đại học Johns Hopkin, trong bình luận trên Los Angles Times nhắc lại bài viết của sử gia Mỹ Nancy Bernkopf Tucker có mặt trong chuyến viếng thăm TC của Nixon: “Nixon và Kissinger muốn thực hiện mục tiêu của mình một cách mãnh liệt đến mức họ nhượng bộ nhiều hơn mức cần thiết để đạt được mục tiêu, và cái giá phải trả không phải là trước mắt bởi Tòa Bạch Ốc của Nixon mà là trong dài hạn bởi người dân Đài Loan và bởi Ngoại giao Hoa Kỳ. Tổng thống [Richard Nixon] và cố vấn an ninh quốc gia của ông ấy [Henry Kissinger] coi Đài Loan là thứ có thể tiêu xài được.” (James Mann, How Nixon’s fabled trip to China, 50 years ago this week, led to today’s Taiwan crisis, Los Angles Times, Feb. 21, 2022)
Nhiều quốc gia như Iran, Do Thái, Nam Hàn, Cambodia và nhất là Việt Nam Cộng Hòa đã bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Chủ thuyết Nixon.

Viết thêm về quyền phủ quyết (veto power) của Đài Loan
Suốt thời gian từ 1945 đến 1971, Đài Loan chỉ sử dụng quyền phủ quyết một lần, đó là việc phủ quyết không cho Cộng Hòa Mông Cổ (ngoại Mông) gia nhập LHQ vào năm 1955. Lý do, theo quan điểm Đài Loan, Mông Cổ là một phần của Trung Quốc. Mãi tới 1960, khi LX tuyên bố nếu Mông Cổ không được chấp nhận vào LHQ, LX sẽ phủ quyết tất cả các quốc gia Á và Phi vừa được độc lập vào LHQ. Khi đó Đài Loan mới chịu nhượng bộ.
Mặc dù thua và rút ra Đài Loan, Tưởng Giới Thạch vẫn nghĩ chế độ Mao chỉ là một “chế độ bù nhìn” của LX. Họ Tưởng chủ trương “Một Trung Quốc” nhưng là một Trung Quốc do ông ta đại diện. Họ Tưởng không muốn thấy mình từ một lãnh đạo toàn thể Trung Hoa trở thành tổng thống của vài ngọn đảo.
Bộ Trưởng Ngoại Giao Đài Loan Shen Chang-huan giải thích quan điểm của Tưởng Giới Thạch: “Việc chúng tôi kiên quyết phản đối thuyết "hai Trung Quốc" đã được thể hiện rõ ràng trong các tuyên bố công khai vào nhiều thời điểm. Bất kỳ sự sắp xếp nào nhằm mục đích giải quyết vấn đề đại diện của Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc trên cơ sở "hai Trung Quốc" đều không thể được Trung Hoa Dân Quốc chấp nhận, cũng như không dung thứ. Chế độ Cộng sản Trung Quốc là một bù nhìn do Nga Xô Viết tạo ra và là sản phẩm của sự xâm lược của Nga đối với Trung Quốc.” (DOCUMENTS: Foreign Minister Shen Chang-huan’s report on the question of Outer Mongolia before the plenary session of the Legislative Yuan on June 16, 1961. The Question of China's Representation; The Question of Outer Mongolia, Taiwan Review, July 01, 1961)
Nếu thức thời, họ Tưởng sớm khai thác giải pháp “hai Trung Quốc cùng tồn tại”, có thể bằng cách nào đó, đã dẫn đến một giải pháp trung hòa. Tưởng Giới Thạch quên rằng Albany và một số nước CS đã vận động TC thay thế Đài Loan suốt 20 năm chứ không chỉ riêng 1971. Con số quốc gia ủng hộ dự thảo của Albany ngày càng tăng. Pháp cũng đã công nhận TC từ 1964.
Người Việt Nam xin nhớ “Đường Lưỡi Bò” không phải phát xuất từ thời TC mà đã có từ thời Tưởng Giới Thạch năm 1947. Tàu nào cũng Tàu, tham vọng bành trướng nào cũng là tham vọng bành trướng. Khác chăng, khi đương đầu với một Tàu dân chủ, mọi kết quả sẽ được đặt trên cơ sở công pháp quốc tế, khác với đương đầu với Tàu Cộng Sản bành trướng bằng bạo lực bất chấp mọi tập quán và luật pháp quốc tế như Tập Cận Bình đang làm hiện nay.
Năm 1947, khi được đồng minh giao trách nhiệm chiếm đảo Itu Aba (Taiping) của Nhật, họ Tưởng mới luôn tiện chỉ thị thuộc cấp vẽ bản đồ 11 đoạn theo mô phỏng chứ không dựa vào kết quả đo đạc tân tiến nào. Bản đồ của Tưởng Giới Thạch năm 1947 cũng chẳng thu hút nhiều chú ý mãi cho tới đầu thập niên 1960 khi đo lường về dự trữ dầu khí trong vực này được tiết lộ.

Đài Loan, về cơ chế chính trị, đã thay đổi toàn diện và hiện là một quốc gia tự do dân chủ hiện đại. Các lý do lịch sử, văn hóa mà TC đưa ra để chứng minh “Một Trung Quốc” chỉ là ngụy biện và lỗi thời. Quyền quyết định tối hậu cho tương lai Đài Loan không ai khác hơn là nhân dân Đài Loan.
Tóm lại, qua bài học Đài Loan, (1) biết đặt quyền lợi dân tộc lên trên hết, (2) thức thời với xu hướng phát triển của thế giới trong từng giai đoạn, và (3) có tầm nhìn xa là ba đặc tính cần thiết mà một lãnh đạo cũng như những ai quan tâm đến vận nước đều phải có.

05 mars 2023
Trần Trung Đạo

https://www.facebook.com/trantrungdao

https://www.facebook.com/ChinhLuanTranTrungDao

 

Đăng ngày 09 tháng 03.2023