banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Ai có quyền viết sử Việt Nam?

Trần Trung Đạo

Nhà thơ Tô Thùy Yên viết trong bài thơ Chiều Trên Phá Tam Giang:
“Ta phá lên cười, ta phá lên cười
Khi tưởng tượng ngươi cùng ta gặp gỡ
Ở cõi âm nào ngươi vốn không tin
Hỏi nhau chơi thoả chút tính bông đùa:
Ngươi cùng ta ai thật sự hy sinh
Cho tổ quốc Việt Nam - một tổ quốc...?”

Muốn biết “ai thật sự hy sinh cho tổ quốc” phải đọc lại lịch sử Việt Nam cận đại theo từng thời điểm.
Từ hậu bán thế kỷ 19 đến nay, có bao nhiêu cuộc chiến diễn ra trên đất nước Việt Nam?
Nếu đem ra hỏi Nguyễn Phú Trọng, ông ta sẽ trích ngay từ các nghị quyết của đảng, đó là cuộc “chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để thiết lập chế độ xã hội chủ nghĩa, thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa CS trên toàn lãnh thổ Việt Nam chính thức bắt đầu vào tháng Giêng, 1930 tại Cửu Long, Hương Cảng và chấm dứt vào sáng 30 tháng Tư, 1975.”
Không đúng.

Cuộc chiến giành độc lập và tự do cho dân tộc Việt Nam không bắt đầu từ khi có đảng CS mà bắt đầu vào ngày 1 tháng 9, 1858, khi quân Pháp dưới quyền Đô Đốc Charles Rigault de Genouilly tấn công Đà Nẵng chính thức mở đầu cuộc chiến tranh vì độc lập tự do và cuộc chiến đó vẫn còn đang tiếp diễn cho đến hôm nay.
Bộ máy tuyên truyền của đảng CS nhuộm đỏ nhận thức người dân Việt Nam bằng lý luận chỉ có đảng CSVN mới là đảng duy nhất thật sự mang lại độc lập, tự do và hạnh phúc cho dân tộc Việt Nam.
Cũng không phải.

Đừng quên rằng, 72 năm trước khi đảng CSVN thành lập năm 1930, cuộc chiến đấu vì độc lập, tự do của toàn dân tộc Việt đã bắt đầu từ 1858 với Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Trương Công Định, Thiên Hộ Dương, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Hữu Huân, Phan Đình Phùng, Nguyễn Duy Hiệu, Tống Duy Tân, Đinh Công Tráng, Hoàng Hoa Thám và vô số anh hùng dân tộc khác.
Đừng quên rằng, 36 năm trước khi Hồ Chí Minh đặt chân trở lại Việt Nam lần đầu năm 1941, các tư tưởng dân chủ khai phóng của Jean-Jacques Rousseau, Montesquieu, Voltaire, Duy Tân Nhật Bản đã được các nhà cách mạng Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và các nhà cách mạng của phong trào Duy Tân (1905) truyền bá khắp ba miền. Phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục do các nhà tân học miền Bắc như Lương Văn Can, Đào Nguyên Phổ đề xướng được đông đảo đồng bào ủng hộ.

Đừng quên rằng, 18 năm trước khi đảng CSVN ra đời, 1930, đã có rất nhiều đảng phái chính trị không CS chống thực dân Pháp được thành lập như Việt Nam Quang Phục Hội do cụ Phan Bội Châu lãnh đạo (1912) và theo sau bằng đảng Lập Hiến Đông Dương của Bùi Quang Chiêu (1919), Việt Nam Quốc Dân Đảng (1927) do nhà cách mạng Nguyễn Thái Học lãnh đạo, Việt Nam Độc Lập của Nguyễn Thế Truyền (1927) v.v... Các tổ chức cách mạng đó có khác nhau về phương pháp thực hiện nhưng đều đặt cơ sở trên nền tảng dân tộc và hướng tới một chế độ Cộng Hòa.

Đừng quên rằng, 90 năm trước khi Tạp chí Cộng Sản ra đời 1955, mấy mươi tờ báo đã được phát hành khắp nước như Gia Định Báo (1865), Tiếng Dân (1876), Nông Cổ Mín Đàm (1901), Đông Dương Tạp Chí (1913), Nam Phong Tạp Chí (1917), An Nam Tạp Chí (1926), Phụ Nữ Tân Văn (1929), Tiểu Thuyết Thứ Bảy (1934) và nhiều báo Pháp Ngữ. Tất cả đều nhằm thúc đẩy tiến trình khai dân trí tại Việt Nam.

Nhưng tại sao CS thắng?
CS thắng chỉ vì họ không từ chối bất cứ một thủ đoạn nào, không hề tính toán cân nhắc phải chết hay phải giết chết bao nhiêu người, miễn là đạt được mục đích CS hóa Việt Nam.
Song song đó, đảng CS áp dụng một chính sách tuyên truyền tẩy não, lợi dụng và khai thác triệt để lòng yêu nước, bưng bít thông tin một cách tinh vi nhất trong lịch sử loài người.
Các đảng phái quốc gia Việt Nam không làm được điều đó. Họ nhân ái quá. Họ Việt Nam tính quá. Chính vì lòng nhân ái và Việt Nam tính đó mà phần đông những nhà cách mạng độc lập và dân chủ đã chết, không chỉ chết dưới máy chém thực dân mà còn do CS thủ tiêu.
Không ai có quyền viết sử Việt Nam ngoài chính dân tộc Việt Nam đang chịu đựng dưới ách độc tài CS. Con đường có thể còn xa nhưng là con đường chính sử. Chuyến xe có thể phải chậm vì chạy bằng máu của chính mình nhưng là chuyến xe tự chủ, không nô lệ cho bất cứ một ngoại bang nào.
Trần Trung Đạo
(Trích trong Chính Luận)




Bản chất của cuộc chiến

Sự hy sinh của 58,220 người lính Mỹ là sự hy sinh to lớn và đáng kính nhưng không thể so với sự chịu đựng của hơn hai chục triệu dân miền Nam Việt Nam, trong đó hàng triệu quân và dân đã chết một cách oan ức.
Từ những cụ già ở Huế cho đến những em bé còn mặc tả ở nhà hàng Mỹ Cảnh hay tuổi chưa lên mười ở Tiểu học Cai Lậy đã chết trong tức tưởi vì tham vọng CS hóa toàn cõi Việt Nam của đảng CSVN bắt đầu tại Cửu Long, Hương Cảng tháng 2, 1930.
Một người lính nghĩa quân gác chiếc cầu ở đầu làng để mấy anh du kích khỏi về giựt sập cũng là một biểu hiện hùng hồn của lý tưởng tự do và chủ quyền. Chiếc cầu là huyết mạch kinh tế của làng, là trục giao thông chính của làng, là vẻ đẹp của làng, và bảo vệ chiếc cầu là nhiệm vụ sống còn mà người lính nghĩa quân phải làm cho bằng được.
Anh không bảo vệ chiếc cầu giùm cho Mỹ mà cho chính anh và bà con trong thôn xóm của anh. Lý tưởng tự do của một dân tộc dù thiêng liêng to lớn bao nhiêu cũng bắt nguồn từ những hình ảnh nhỏ nhoi nhưng đầy ý nghĩa đó.
Trong phần lớn chiều dài của cuộc chiến, quyền lợi của Mỹ ở Đông Nam Á và quyền lợi của VNCH tương hợp. VNCH đã nhận hầu hết viện trợ quân sự của Mỹ kể cả nhân lực nhưng không đánh thuê cho Mỹ như CS tuyên truyền.
Sau khi VNCH bị cưỡng chiếm 30 tháng 4, 1975, đảng CSVN không chỉ thay đổi về chính sách như trường hợp Mỹ, 1865, hay Nam Phi, 1994, mà thay đổi toàn bộ cơ chế chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Nói theo lý luận CS đó là sự thay đổi tận gốc rễ từ thượng tầng kiến trúc đến hạ tầng cơ sở  bằng hàng loạt các biện pháp dã man không thua kém thời Mao, Stalin.
Khi một cuộc chiến nhằm thay đổi cả cơ chế kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, lịch sử, về bản chất cuộc chiến đó không còn là nội chiến nữa.
Ai gọi chiến tranh Việt Nam là nội chiến chỉ đúng về hình thức, nội dung vẫn là chiến tranh của chính phủ và nhân dân miền Nam yêu chuộng tự do chống lại ý thức hệ CS xâm lược.
Trần Trung Đạo
(trích trong Chính Luận)

https://www.facebook.com/trantrungdao
https://www.facebook.com/ChinhLuanTranTrungDao

 

Đăng ngày 10 tháng 04.2023