Giá trị của Việt Nam Cộng Hòa

Trần Trung Đạo

Từ 1954 tại miền Bắc và sau 1975 trên phạm vi cả nước, bộ máy tuyên truyền của đảng CS đã không ngừng vẽ trong nhận thức của bao nhiêu thế hệ Việt Nam một VNCH chẳng khác gì một con ma, ghê sợ, hung dữ và tội lỗi nhất trong thế gian này. VNCH là hiện thân của mọi thứ tội ác.
Trong nhận thức không chỉ tuổi trẻ Việt Nam sinh sau 1975 mà ngay cả các tầng lớp cán bộ, đảng viên, nhà văn, nhà thơ thì VNCH có ba đặc điểm lớn là “tham nhũng”, “trấn áp” và “ôm chân đế quốc Mỹ”.
Trong tiểu luận “Khám nghiệm một hồn ma” trên Talawas hơn  mười năm trước người viết đã có dịp phân tích thể chế cộng hòa tại miền Nam. Xin trích một phần bài viết đó ở đây để chia sẻ với các độc giả chưa đọc.

Miền Nam trước 1975 có tham nhũng không? Có.
Miền Nam có đàn áp biểu tình, đối lập không? Có.
Miền Nam trước 1975 có sống bám vào viện trợ Mỹ không? Có.
Nhưng các đặc điểm đó có đại diện cho Việt Nam Cộng hoà (VNCH) không? Không.

Cho đến nay, một số người hoặc vì không có cơ hội nghiên cứu sinh hoạt chính trị tại miền Nam, không phân biệt được sự khác nhau giữa chính quyền và chế độ chính trị hoặc vì nghe riết những lời tuyên truyền của đảng đến độ nhập tâm, đã đồng hoá chính quyền của các ông Ngô Đình Diệm, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Dương Văn Minh với VNCH.
Như một viên ngọc nằm trong lòng lớp rong rêu của vỏ con trai, trên tất cả, giá trị đích thực của VNCH không nằm trong tham nhũng, trấn áp và đồng đô la Mỹ mà nằm trong Hiến pháp VNCH đặt nền tảng trên một thể chế dân chủ do dân và vì dân.

Lời mở đầu của Hiến pháp 1967 do chủ tịch Quốc hội Lập hiến Phan Khắc Sửu ký ngày 18 tháng 3 năm 1967, xác định Việt Nam là một chế độ cộng hòa “Dân chủ độc lập, thống nhất, lãnh thổ bất khả phân, chủ quyền thuộc về toàn dân” phát xuất từ “Ý thức rằng sau bao năm ngoại thuộc, kế đến lãnh thổ qua phân, độc tài và chiến tranh, dân tộc Việt Nam phải lãnh lấy sứ mạng lịch sử, tiếp nối ý chí tự cường, đồng thời đón nhận những tư tưởng tiến bộ để thiết lập một chánh thể cộng hòa của dân, do dân và vì dân, nhằm mục đích đoàn kết dân tộc, thống nhất lãnh thổ, bảo đảm Độc lập Tự do Dân chủ trong công bằng, bác ái cho các thế hệ hiện tại và mai sau.”

Ngoài phần mở đầu hùng hồn nêu trên, chuyên chở trong suốt 9 chương và 117 điều của Hiến pháp 1967 là nền tảng của chế độ cộng hòa, qua đó, quyền lãnh đạo đất nước như chỉ rõ trong điều 3, được phân quyền rõ rệt: ”Ba cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp phải được phân nhiệm và phân quyền rõ rệt. Sự hoạt động của ba cơ quan công quyền phải được phối hợp và điều hòa để thực hiện trật tự xã hội và thịnh vượng chung trên căn bản Tự do, Dân chủ và Công bằng xã hội”.
Hiến pháp 1967 tốt đẹp đến nỗi ông Lý Quý Chung, trong Hồi ký không tên, xuất bản tại Sài Gòn trước ngày ông qua đời, dù chê bai các chính quyền miền Nam tàn tệ, cũng không thể nói xấu bộ luật tối thượng của chế độ cộng hoà như một diễn đàn để ông ta thực thi dân chủ: “Quốc hội lập hiến kéo dài một năm đã cung cấp cho tôi một môi trường học tập đấu tranh chính trị tại nghị trường và từ diễn đàn này, tôi cũng có cơ hội bày tỏ công khai qua mạng lưới báo chí Sài Gòn các quan điểm của mình đối với chính quyền, đối với các vấn đề dân chủ, chiến tranh, hoà bình v.v…”

Về căn bản, không có nhiều khác biệt giữa Hiến pháp VNCH 1967 và Hiến pháp Nam Hàn 1948 được tu chỉnh lần cuối vào năm 1987. Cả hai hiến pháp đều dựa trên chế độ cộng hoà, phân quyền rõ rệt, thích hợp với đà tiến hoá của văn minh nhân loại.
Dân chủ không phải là món quà của ông thần tài đem đặt ngay trước cửa nhà mà là chiếc máy lọc từ nước đục sang nước trong, từ phong kiến lạc hậu đến văn minh tiên tiến, và trong tiến trình đó hai quốc gia VNCH và Nam Hàn, đều phải trải qua những kinh nghiệm máu xương trên con đường dân chủ hoá đất nước.  Giống như người dân Nam Hàn, người dân miền Nam Việt Nam cũng vừa học dân chủ và vừa tập sống dân chủ với tất cả những khó khăn thử thách.
Điểm khác nhau chính giữa Nam Hàn và Nam Việt Nam là cơ hội.
Nam Hàn có cơ hội để biến những ước mơ của dân tộc Triều Tiên gói ghém trong hiến pháp của họ để ngày nay là nước giàu mạnh nhất nhì châu Á. Miền Nam Việt Nam thì không.

Chế độ cộng hoà tại miền Nam Việt Nam ra đời và lớn lên trong một hoàn cảnh chiến tranh tàn khốc, trong đó các nguyên tắc dân chủ đã trở thành con dao hai lưỡi. Chính con dao dân chủ hai lưỡi đó đã đâm vào thân thể của chế độ cộng hoà hàng trăm vết thương đau đớn từ ngày mới ra đời cho đến gục xuống trong tức tưởi.
Ngay cả những quốc gia tiên tiến như Pháp, Mỹ cũng phải bước qua con đường đầy máu nhuộm để có được nền dân chủ như hôm nay. VNCH cũng vậy. Miền Nam có đàn áp chính trị nhưng cũng có đấu tranh chính trị, có ông quan tham nhũng nhưng cũng có nhiều phong trào chống tham nhũng hoạt động công khai, có ông tướng lạm quyền nhưng cũng có ông tướng trong sạch, có nghị gà nghị gật nhưng cũng có những chính khách, dân biểu, nghị sĩ đối lập chân chính.
Nếu trước 1975, vì thiếu cái nhìn về cả hai bên của cuộc chiến và  bất mãn trước xã hội nhiễu nhương, việc kết án chính quyền là “trấn áp” có thể còn thông cảm được, thế nhưng sau 48 năm sống dưới chế độ độc tài đảng trị vẫn có kẻ biện minh cho hành động đốt xe, bắt cóc, ném bom xăng vào thương xá, ném lựu đạn vào nhà hàng ăn uống trước đây thì quả thật là vô cảm.

Đặc điểm thứ ba đảng tuyên truyền là miền Nam chỉ biết “ôm chân Mỹ”.
Thật mệt mỏi nếu lại phải lần nữa đem so sự lệ thuộc vào Mỹ của chính quyền miền Nam và sự lệ thuộc vào Liên Xô, Trung Cộng của đảng CSVN và cũng chẳng sướng ích gì khi phải đọc lại bảng kê khai vũ khí, quân trang, quân dụng mà hai đế quốc cộng sản đổ xuống Việt Nam.
Cho dù sự lệ thuộc vào cường quốc là điều không tránh khỏi trong thế giới phân cực của thời kỳ Chiến tranh Lạnh vừa qua thì chọn lựa cường quốc nào sẽ mang lại nhiều lợi ích cho đất nước hơn?

Lịch sử đã chứng minh một cách hùng hồn, hầu hết các nước chọn lựa hay do điều kiện chính trị thế giới đẩy đưa, đã đứng về phía tự do dân chủ như Nhật Bản, Tây Đức, Nam Hàn, Đài Loan, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ v.v. đều trở nên các quốc gia ổn định và phát triển nhờ chính sách đối ngoại thân Mỹ một cách khôn khéo, trong lúc các nước theo chân Liên Xô, Trung Cộng như Bắc Việt, Cu Ba, Bắc Hàn thì kết quả ra sao không cần phải phân tích.

Không ai từng chống Mỹ quyết liệt hơn cố tổng thống Anwar Sadat nhưng để mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân Ai Cập, năm 1976, ông đã bỏ đồng minh Liên Xô để bước sang phía thế giới tự do cho dù ông biết trước sự chọn lựa đó có thể trả giá bằng nhiều rủi ro như ông tiên đoán trong diễn văn đọc trước Quốc hội Israel ngày 20 tháng 11 năm 1967.

Một số người có thể cho rằng Hiến pháp VNCH cũng do người Mỹ nhúng tay vào. Dù điều đó đúng thì đã sao. Hiến pháp của quốc gia Nhật Bản hiện đại cũng do bàn tay của Mỹ nhưng ngày nay tướng McArthur chẳng những không bị oán ghét mà còn được nhân dân Nhật xem như là một trong những người có công lớn trong việc xây dựng nước Nhật hiện đại.
Dân chủ là một kỳ quan được nhân loại bồi đắp qua nhiều thời đại chứ không phải là tài sản riêng của quốc gia nào.
Học hỏi cái hay cái đẹp của các nước tiên tiến để áp dụng vào cuộc cách mạng dân tộc và phát triển đất nước như cụ Phan Chu Trinh từng thống thiết kêu gào gần trăm năm trước, luôn luôn là điều đáng khuyến khích.

Phân tích để thấy, chế độ cộng hoà tuy không còn hiện diện tại miền Nam nhưng các giá trị dân tộc, nhân bản và khai phóng thể hiện trong Hiến pháp VNCH vẫn còn đó. Gia tài quý giá đó chẳng những không rã mục theo chính quyền Nguyễn Văn Thiệu, Dương Văn Minh mà ngày nay đã vượt ra khỏi biên giới Bắc Nam để trở thành ước vọng chung cho cả dân tộc.
Nếu ai cho người viết phô trương quá đáng hãy tạm gác qua bên các định kiến Bắc Nam, khuynh hướng chính trị, đảng phái, tôn giáo, tả khuynh, hữu khuynh, thù hận riêng tư và thậm chí che luôn bốn chữ Việt Nam Cộng hoà trên trang đầu của Hiến pháp mà chỉ đọc một cách nghiêm chỉnh nội dung của Hiến pháp VNCH 1967 thôi, người đọc sẽ công nhận đó chính là mục tiêu mà dân tộc Việt Nam cần phải đạt đến.
Việc lặp lại những lời tuyên truyền cũ mèm của đảng cho rằng chế độ cộng hoà tại miền Nam là “sản phẩm do chính quyền Mỹ tạo ra trong Chiến tranh Lạnh” chẳng khác gì chê lớp rong rêu ngoài vỏ một con trai.

Hiến pháp VNCH có thể chưa hoàn chỉnh nhưng là một văn kiện tham khảo cần thiết để kiến tạo một Việt Nam dân chủ cường thịnh. Hạt giống dân chủ khơi mầm tại miền Nam cũng không chỉ bắt đầu sau khi đất nước bị chia đôi mà đã có từ hàng trăm năm trước.
Lợi dụng chính sách Nam kỳ tự trị của thực dân, các nhà cách mạng tại miền Nam có cơ hội học hỏi và áp dụng phương pháp đấu tranh nghị trường, tiếp cận các tư tưởng dân chủ Tây phương, mở mang dân trí làm nền tảng cho chế độ cộng hoà sau này.
Đó không phải là sản phẩm của Tây hay Mỹ mà là vốn quý của dân tộc đã được đổi bằng mồ hôi nước mắt của nhiều người. Những ai biết gạt bỏ định kiến Bắc Nam, gạt bỏ lòng “căm thù Mỹ Ngụy”, sẽ thấy đó chính là hành trang cần thiết cho nỗ lực mưu cầu một xã hội công bằng và tốt đẹp hơn cho các thế hệ mai sau.
Tiếc thay, viên ngọc và viên sỏi khác nhau khi nằm trong tay người thợ bạc nhưng lại giống nhau khi nằm trong tay mấy cậu bé bắn chim.
Do đó, phục hưng VNCH không có nghĩa là phục hưng chính quyền miền Nam. Chính thể không đồng nghĩa với một chính quyền và do đó không sống hay chết theo một chính quyền.

Giá trị của VNCH được xây bằng xương máu của bao nhiêu người và ngày nay đã vượt qua khỏi vĩ tuyến 17 để trở thành ước vọng chung cho cả dân tộc.
Lịch sử Việt Nam như một dòng sông, có khi cuồn cuộn lúc âm thầm, có chỗ sâu chỗ cạn nhưng chưa bao giờ ngưng chảy. Đó là sự thật.
Khoảng thời gian từ khi Mã Viện, danh tướng nhà Đông Hán, đánh bại Hai Bà Trưng (năm 43) đến khi Lý Nam Đế đánh bại quân Lương Vũ Đế và dựng nước Vạn Xuân (năm 543) là tròn 500 năm. Biết bao nhiêu lớp người đã sinh ra và chết đi trong suốt 5 thế kỷ sống trong bóng tối nô lệ nhưng sức sống Việt Nam vẫn tồn tại và lớn lên.
Đối mặt với một kẻ thù Trung Cộng đông hơn nhiều và mạnh hơn nhiều, chưa bao giờ sức mạnh tổng hợp của 90 triệu người Việt trong nước và 3 triệu người Việt ở hải ngoại cần thiết như hôm nay.

Chỉ có sức mạnh toàn dân tộc phát triển trên cơ chế dân chủ tự do mới mong thắng được Trung Cộng và mọi kẻ thù có âm mưu xâm lược Việt Nam. Tổ tiên Việt Nam đã làm được rồi các thế hệ Việt Nam ngày nay cũng sẽ làm được.
Người viết biết rằng, đối với một số người Việt đã bị bộ máy tuyên truyền đầu độc quá lâu và các bạn trẻ bị nhào nặn hoàn toàn trong hệ thống giáo dục một chiều CS, để có một nhận thức đúng về lịch sử là một quá trình đấu tranh tư tưởng khó khăn.

Nếu vậy, tạm gác qua chuyện thế kỷ trước mà hãy nhìn thẳng vào thực tế đất nước sau 48 năm vẫn là một nước lạc hậu về mọi mặt từ kinh tế, chính trị, quốc phòng và đời sống. Việt Nam còn thua xa những nước ở châu Phi như Ghana, Sierra Leone, Namibia vì những quốc gia đó còn nghèo nhưng hãnh diện vì chính phủ họ do nhân dân họ bầu lên.

Nếu vậy, tạm gác qua chuyện thế kỷ trước mà hãy nhìn vào cách giải quyết tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa với Trung Cộng của lãnh đạo CSVN. Ngoài những lời phản đối đọc như kinh nhật tụng họ không có và cũng không thể có một chọn lựa dứt khoát nào chỉ vì quyền lợi trước mắt của một nhóm người cầm quyền được đặt lên trên quyền lợi lâu dài của đất nước.
Sau mỗi cơn giận hờn, lãnh đạo CSVN lại lên đường sang Bắc Kinh triều cống, lại 16 chữ vàng, lại ca ngợi tình đồng chí, nghĩa anh em thắm thiết. Cơn hờn giận giữa hai đảng CS theo thời gian có thể sẽ nguôi ngoai nhưng trên các vùng biên giới, trong lòng biển Việt Nam, máu của ngư dân Việt Nam, của người lính biển Việt Nam sẽ không ngừng chảy.

Thảm trạng xã hội Việt Nam hôm nay, những lạc hậu kinh tế hôm nay, những yếu kém về quốc phòng hôm nay, những cô đơn trong bang giao quốc tế hôm nay là những câu trả lời cho những ai còn do dự, còn một chút tin tưởng nào đó ở lãnh đạo đảng CSVN.  
Giống như hầu hết các nước cựu CS ở Đông Âu và khối Liên Xô, thể chế Cộng Hòa là chọn lựa đương nhiên và dứt khoát. Các quốc gia sẽ bình đẳng trước công pháp quốc tế. Những khẩu hiệu tuyên truyền rất sến như “16 chữ vàng”, “hữu nghị Việt Trung” sẽ bị chôn sâu theo xác của ý thức hệ CS.

Dân tộc Việt Nam sẽ vượt qua những khó khăn để phát triển thành một quốc gia hiện đại về cả kinh tế lẫn quốc phòng. Các nhà lãnh đạo VNCH trong cuộc đấu tranh mới trên mặt trận ngoại giao sẽ hành xử xứng đáng với tư cách của một cấp lãnh đạo chính danh, thay mặt cho một nước VNCH thống nhất, dân chủ, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và chắc chắn sẽ được sự ủng hộ của đại đa số con người yêu chuộng tự do, hòa bình trên thế giới.

Giành lại Hoàng Sa và bảo vệ Trường Sa là một cuộc tranh đấu gian nan, gai góc, bị chi phối bởi nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nhưng chính nghĩa và chân lý cuối cùng sẽ thắng.

 29/4/2023
Trần Trung Đạo


 

Ảnh cách bắt tay của hai chế độ:
1. Ảnh của Paul Schutzer: Một cô giáo VNCH bắt tay cựu Phó TT Richard Nixon trong chuyến viếng thăm của ông đến VNCH năm 1965 (Richard Nixon visiting children in Vietnam, 1965 - Photo by Paul Schutzer)
2. Ảnh của AP Press: Thủ tướng CSVN Phạm Văn Đồng bắt tay Mao Trạch Đông ngày 13 tháng 12, 1971 tại Bắc Kinh)

https://www.facebook.com/trantrungdao

https://www.facebook.com/ChinhLuanTranTrungDao



 

Vết thương dân tộc chưa lành

Trần Trung Đạo



Giới thiệu: Nếu người viết phát biểu “ngày nào chế độ CS còn tồn tại, ngày đó sẽ không có hòa hợp hòa giải dân tộc”, không ít người sẽ cho rằng viết như thế là cực đoan và không thực tế, hàng trăm ngàn người đang trở về. Đúng, hàng trăm ngàn người đang về nhưng họ không về để “hòa hợp, hòa giải” hay vì “hòa hợp, hòa giải”. Họ về do chọn lựa cá nhân riêng. Không ít trong số họ đang sống trong những năm tháng cuối đời, mọi thứ đang là phù du. Bài viết này được viết 16 năm trước trên talawas để đặt vấn đề với ông Võ Văn Kiệt về những phát biểu của ông. Ông Võ Văn Kiệt đã qua đời. Nhưng phần lý luận, ngoại trừ các chi tiết về ngày tháng, nội dung căn bản vẫn không thay đổi và có thể áp dụng cho những “Võ Văn Kiệt” khác nếu có xuất hiện ngày nào đó. Người viết đăng lại để các bạn trẻ tham khảo:

***

Trong các lãnh đạo CSVN, có lẽ ông Võ Văn Kiệt là người đầu tiên nhấn mạnh đến “hòa hợp, hòa giải”. Một thời gian trước khi qua đời, ông Võ Văn Kiệt trả lời phỏng vấn dành cho báo Viet Weekly ở Mỹ, rằng: “Chúng ta phải hết sức quan tâm đến sự hòa hợp, chúng ta phải đặt dân tộc là tối thượng. Cho dù chính kiến, tôn giáo, quan điểm có khác nhau, nhưng lợi ích dân tộc phải được đặt lên trên hết”, và ông cũng nhìn nhận những phân chia, ngăn cách sau chiến tranh như “là vết thương chung của dân tộc cần được giữ lành thay vì lại tiếp tục làm cho nó thêm rỉ máu”.

Ông Võ Văn Kiệt nói nhiều về hòa giải, hòa hợp dân tộc: “Nếu đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, dẫu trước đây là kẻ thù của nhau vẫn có thể khép lại quá khứ để hoà bình hữu nghị, để cùng phát triển. Bởi vậy không lý nào người Việt Nam với nhau lại không thể khép lại quá khứ. Đây là vận hội, cơ hội cho sự hòa thuận. Đối với người ngoài còn bỏ qua được không lẽ người Việt Nam với nhau không bỏ qua được hay sao! Nếu cứ cố chấp với nhau, dân tộc không lớn mạnh lên được.”
Lịch sử nhân loại đã để lại nhiều bài học quý giá về hòa giải.

Hãy tưởng tượng nếu tổng thống Abraham Lincoln thay vì nói “không ác ý nhắm vào ai, với lòng từ thiện dành cho mọi người” (With malice toward none, with charity for all) trong phần kết luận diễn văn nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ thứ hai vào những ngày cuối của nội chiến Mỹ, mà kêu gọi “máu kêu trả máu đầu kêu trả đầu” thì nước Mỹ liệu có là một cường quốc hàng đầu thế giới như ngày nay không? Câu trả lời hiển nhiên là không.

Hãy tưởng tượng khi Nelson Mandela, người bị tù suốt 27 năm ngoài hoang đảo và đã có thời gian nghiêng về phương pháp đấu tranh bằng võ lực, không chủ trương hòa giải mà nhất định trả thù cho bằng được thiểu số da trắng đã một thời đã áp đặt những đối xử bất công, phân biệt chủng tộc lên trên số phận của đa số người da đen thì nước Cộng hòa Nam Phi ngày nay liệu có còn là quốc gia ổn định và phát triển nhất Châu Phi không? Câu trả lời hiển nhiên là không.
Hai nhà lãnh đạo quốc gia, tuy sinh ra và lớn lên trong những thời điểm lịch sử và hoàn cảnh bản thân khác nhau, nhưng đều sở hữu giống nhau ba đặc tính mà một lãnh tụ sáng suốt nào cũng cần phải có: kiên nhẫn, khôn ngoan và biết nhìn xa trông rộng.

Đất nước Việt Nam thời buổi này không có may mắn đó. Một trong những điều bất hạnh dễ nhận ra nhất là các nhà lãnh đạo Việt Nam không những thiếu ba đặc tính kiên nhẫn, khôn ngoan và nhìn xa thấy rộng đó, nhưng đáng buồn hơn họ lại mang trong người ba căn bịnh trái ngược với các đặc tính vừa nêu.

Thay vì kiên nhẫn trong từng bước đổi thay của đất nước bằng tinh thần hòa giải bao dung dân tộc, họ đã bắt nhân dân thắt lưng buộc bụng để “tiến nhanh, tiến mạnh” lên chế độ xã hội mà chính họ cũng chỉ mới được nghe qua hay đọc đâu đó trong các tài liệu tuyên truyền của đảng; thay vì áp dụng một cách khôn ngoan các chính sách đối ngoại thận trọng với những người từng là bạn cũng như rộng lượng ngay cả với những kẻ vốn là thù, họ đã chứng tỏ vô cùng thiếu khôn ngoan, kiêu căng vô lối trong bang giao quốc tế, để rồi dẫn đất nước vào vòng cô lập trong nghèo nàn lạc hậu suốt mấy mươi năm; thay vì nối lại nhịp cầu dân tộc mà trước đây các dã tâm thực dân đế quốc đã làm ngăn cách tình đồng bào ruột thịt, hay lót những viên gạch rắn chắc trên con đường dẫn đến tương lai hạnh phúc cho con cháu khi còn có quyền lực trong tay thì họ chỉ biết đợi đến cuối đời để ngậm ngùi nhìn lại.

Thủ tướng Konrad Adenauer, chính trị gia thân Mỹ hàng đầu tại Châu Âu sau Thế Chiến Thứ Hai, mặc dù lo tái thiết Tây Đức hoang tàn đổ nát bằng tiền của Mỹ, nhưng cũng không quên kín đáo tiếp xúc với Stalin để cứu những tù binh Đức bị tù trên lãnh thổ Liên Xô dù trước đây chế độ Đức Quốc Xã đã từng bỏ tù ông ta.

Tương tự, những gì Nelson Mandela đã cống hiến cho đất nước ông không phải vì nhờ ông đã quên quá khứ hay gác quá khứ qua một bên, nhưng nhờ ông đã sống rất trọn vẹn trong quá khứ, đã chiêm nghiệm và chuyển hóa những những vinh quang và chịu đựng, thành công và thất bại, hy vọng và tuyệt vọng của quá khứ thành nhựa nguyên, nhựa luyện cho những hàng cây xanh tốt tươi và hy vọng ở tương lai. Nelson Mandela là tổng thống da đen đầu tiên của Cộng hòa Nam Phi, nhưng không ít phụ tá của ông, chuyên viên cao cấp trong chính phủ là những người da trắng. Họ không phải chỉ được dựng lên để làm cảnh như “Mặt trận Dân Tộc Giải phóng Miền Nam”, “Liên minh Dân tộc Dân chủ và Hòa bình” tại Việt Nam trước đây, nhưng là những người có thực quyền.
Ngoài ra, một trong những ưu tiên hàng đầu của chính phủ Nelson Mandela là thành lập ủy ban Sự thật và Hòa giải (the Truth and Reconciliation Commission)để điều tra các tội ác của chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi và thực thi chính sách hòa giải của ông.

Hòa giải chỉ có giá trị vĩnh cửu nếu hòa giải đó dựa trên sự thật và sự thật chỉ là viên ngọc quý khi nào nó được dùng để soi sáng công lý, xoa dịu khổ đau, chứ không phải để đào sâu thêm thù hận.
Các lãnh đạo đảng CSVN nói về hòa giải chắc là nhiều hơn cả Abraham Lincoln, Nelson Mandela và Konrad Adenauer cộng lại. Nhưng trong suốt 48 năm cai trị đất nước bằng nhà tù và súng đạn, họ chưa làm được một điều gì căn bản để thể hiện tinh thần đó.
Tệ hại hơn nữa, họ đã sử dụng hòa giải như là chiếc bẫy để lừa gạt những người dễ tin hay quá thật tâm đi tìm một con đường sống cho dân tộc.
Đừng nói gì đến các chính sách cứu người như của Konrad Adenauer, chỉ đơn giản sửa sang, tu bổ các ngôi mộ của những người lính miền Nam ở nghĩa trang quân đội Việt Nam Cộng Hòa ngoại ô Sài Gòn, giúp đỡ các thương phế binh miền Nam đang lây lất trên đường phố, họ cũng không làm.

Có nhiều lý do đã làm cho giới lãnh đạo đảng không thực tâm hòa giải và một trong những lý do đó là vì họ sợ sự thật.
Nhiều người cho rằng nhân dân Việt Nam quá sợ đảng Cộng Sản, nhưng đừng quên giới lãnh đạo đảng cũng luôn bị ám ảnh bởi sự thật.
Trong hơn 48 năm qua, họ đã làm tất cả những gì có thể làm được để che giấu sự thật. Một tấm bia nhỏ để tưởng nhớ những đồng bào bỏ thây trên biển cả cũng làm họ run sợ. Một bức tượng người lính Việt Nam Cộng Hòa tuy gãy đổ cũng làm họ ăn ngủ không yên. Các lãnh đạo đảng hẳn đang trách nhau tại sao 48 năm trước họ đã không san bằng nghĩa trang quân đội Biên Hòa cho rồi, để đến hôm nay, khi con dao chuyên chính vô sản không còn bén nữa, và trước mắt của cả thế giới khi vừa bước chân vào ngưỡng cửa WTO, họ không thể ra tay được.

Cũng trong bài trả lời phỏng vấn dành cho Viet Weekly, ông Võ Văn kiệt nói về vai trò lãnh đạo của đảng “Nói công bằng, cuộc chiến đấu của Việt Nam do Đảng Cộng sản, do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, vì lợi ích của dân tộc nhiều hơn hay vì thiên hạ nhiều hơn? Họ đã hy sinh cho đất nước, cho dân tộc này chứ! Vậy thì ít nhất phải để cho ba triệu đảng viên phải có chỗ đứng yêu nước trong dân tộc chứ, nếu phủ nhận, thật là quá đáng.”

Sinh viên Việt Nam nào cũng được dạy đảng là tổ chức anh minh, sáng suốt và lãnh đạo thành công mọi cuộc cách mạng, từ cách mạng dân tộc dân chủ trước đây cho đến cách mạng xã hội chủ nghĩa hiện nay. Nếu các em chịu khó vào trang mạng của đảng Cộng sản Việt Nam để đọc mục đích của đảng là gì, các em sẽ nhận thức ngay được tính mâu thuẫn đối kháng giữa nhu cầu của đất nước Việt Nam và quyền lợi của đảng.
Như một sinh viên, em muốn gì cho đất nước?
Phải chăng đó là một Việt Nam hội nhập vào dòng thác cách mạng dân chủ, khoa học kỹ thuật, văn minh hiện đại của nhân loại bằng sức mạnh tổng hợp và đa diện của người Việt, không chỉ người Việt trong nước, mà cho dù họ đang định cư bất cứ nơi nào trên thế giới?
Vâng, nhưng điều đó sẽ không thể thành sự thật khi đảng Cộng Sản Việt Nam cho đến hôm nay vẫn bám vào hệ thống giáo điều lạc hậu, cơ chế độc tài mà hầu hết các quốc gia, từ dân chủ Tây phương cho đến các nước chậm tiến ở núi rừng Châu Phi khinh rẻ.

Thế giới đã bước vào thiên niên kỷ thứ ba rồi mà ngay trong trang mạng chính thức của đảng vẫn còn viết được những câu đầy tính lừa bịp như thế này: “Lý luận tập trung dân chủ là một bộ phận quan trọng của học thuyết Mác-Lênin về Đảng Cộng sản, là cơ sở lý luận và kim chỉ nam cho các chính đảng của giai cấp công nhân thực hiện phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung thống nhất trong Đảng".

Ông Võ Văn Kiệt lo lắng cho chỗ đứng của ba triệu đảng viên vì theo ông “nếu phủ nhận, thật là quá đáng”, thế nhưng 90 triệu người còn lại không có chỗ đứng ông có lo giùm không?
Nhiều người chủ thật sự của đất nước hôm nay là những kẻ sống không nhà để ở, chết không có đất để chôn, tha phương cầu thực trên chính nơi chôn nhau cắt rốn của mình, ông có gọi đó là “quá đáng” hay không?

Ông Võ Văn Kiệt tin rằng đảng đã đóng vai trò lãnh đạo và do đó họ sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước như trong bài trả lời tạp chí Cộng sản: “Đảng sẽ tăng cường sự lãnh đạo của mình bằng quyền lực hiện có hay bằng khả năng thể hiện vai trò tiên phong của chính mình vì lợi ích tối cao của dân tộc".

Giả thiết cho dù đảng Cộng sản đã đóng vai trò lãnh đạo trong chiến tranh đi nữa, sau 48 năm đưa đất nước vào con đường tụt hậu so với đà tiến văn minh của nhân loại hôm nay thì liệu họ có xứng đáng tiếp tục lãnh đạo đất nước hay phải bước xuống trả lại quyền quyết định tương lai đất nước cho nhân dân Việt Nam?
Giả thiết cho dù chuyện công hay tội của đảng Cộng sản trong chiến tranh có thể còn là vấn đề đang tranh luận, thì trong 48 năm cầm quyền với những tộc ác không thể nào chối cãi khiến hàng triệu gia đình ly tán, hàng trăm ngàn đồng bào chết thảm thương trong rừng sâu nước độc, ngoài biển khơi, trong trại tập trung thì nhân dân Việt Nam có nên để đảng Cộng sản tiếp tục đè đầu cưỡi cổ nữa hay không?

Qua các bài viết, phát biểu, nhất là bài trả lời phỏng vấn của tạp chí Cộng sản, ông Võ Văn Kiệt trong lúc phác họa hình ảnh một căn nhà chung đoàn kết dân tộc, cũng đã vẽ thêm bên cạnh một con đường thoát cho đảng. Trong tác phẩm hội họa đó của ông, những hung thần đã và đang đày đọa dân tộc Việt Nam bỗng biến thành những thiên thần hiền hòa nhân hậu “biết vì lợi ích của dân tộc mà dám nhìn thẳng vào sự thật, nhận lấy khuyết điểm, bắt đúng thời cơ, nắm lấy cơ hội, đưa đất nước thoát dần ra khỏi nghèo đói, lạc hậu và bắt đầu phát triển".

Ông Võ Văn Kiệt quên rằng đa số người trong tập thể ông đang nói đến không phải là những người “gác bút nghiên lên đường tranh đấu”, mà là những kẻ gia nhập đảng chỉ vì danh lợi và quyền lực. Đảng Cộng sản đối với họ không phải là lý tưởng của đời người, không phải là nơi họ hợp đồng chiến đấu chống nghèo nàn lạc hậu, mà là chiếc thang xã hội họ phải leo, càng cao càng tốt và nếu cần đạp nhau, giết nhau, để trèo lên, họ cũng không ngần ngại như ông đã nhiều lần chứng kiến. Những người mà ông nói đến là những “đồng chí chưa bị lộ” đang nắm trong tay các ngân sách lớn, những đề án kinh tế quan trọng của nhà nước, toa rập nhau để làm giàu trên xương máu nhân dân. Ông thật sự tin rằng những người như thế có khả năng xây dựng một hệ thống chính trị dựa “trên cơ sở phát huy tối đa mọi nguồn lực của dân tộc, của người Việt cho một mục tiêu duy nhất là phát triển”?

Tôi chia sẻ với ông Võ Văn Kiệt nhiều điểm, nhưng chỉ mong ông Võ Văn Kiệt chia sẻ với tôi một điểm rất hiển nhiên rằng Đảng Cộng sản có thể còn thống trị một thời gian ngắn nữa, nhưng không thể thống trị dân tộc này mãi mãi. Sự thật rồi sẽ trả về cho lịch sử.

Tôi tin sẽ có một ngày các sinh viên học sinh Việt Nam ngồi đọc lại những chương buồn của lịch sử dân tộc với Nhân văn Giai phẩm, với Cải cách ruộng đất ở miền Bắc, với Tết Mậu Thân ở Huế, với Cải tạo công thương nghiệp ở miền Nam, với Trại cải tạo khắp ba miền, với Kinh tế mới, với Thảm cảnh biển Đông, và hẳn họ sẽ rơi nước mắt cảm thông cho sự chịu đựng vô bờ bến của ông bà mình.

Trần Trung Đạo
(Nguyên văn tựa của bài viết GÓP Ý VỚI ÔNG VÕ VĂN KIỆT VỀ HÒA GIẢI DÂN TỘC VÀ KHÉP LẠI QUÁ KHỨ, đăng lần đầu trên talawas 2007)
© 2007 talawas

https://www.facebook.com/trantrungdao

https://www.facebook.com/ChinhLuanTranTrungDao

 

Đăng ngày 06 tháng 05.2023