banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Viên thuốc độc "thống nhất đất nước"

vẫn còn rất độc

Trần Trung Đạo



Một lần đứng giữa khu Manhattan, New York, toàn là nhà lầu và cao ốc, người viết chợt nghĩ nếu một đoàn du khách nào đó muốn thấy rõ thành phố New York mà không bị cản trở gì chỉ còn cách mua vé đi lên tận sân thượng của One World Trade Center, tòa nhà cao nhất ở New York, để nhìn xuống.
Tòa nhà nhận thức về chính trị và lịch sử Việt Nam cũng cao như tòa nhà One World Trade Center, New York, nhưng khác ở chỗ có một số người dù lên tới sân thượng, tức đọc nhiều sách vở, vẫn có thể không nhận thức đúng.
Lý do, các anh chị đó nhìn lịch sử đất nước dựa trên những quy định được hệ thống tuyên truyền CS áp đặt từ khi bắt đầu tập nói. Mọi câu trả lời, mọi lý luận, mọi giải thích về chiến tranh và lịch sử dù được anh hay chị cho là rất khách quan đi nữa cũng đều dựa trên quy định áp đặt đó.
Một trong những quy định đảng áp đặt trong nhận thức làm nền tảng cho mọi suy nghĩ của một số anh chị là quy định “thống nhất đất nước.”

Tuyệt đại đa số người Việt đều mơ ước quê hương Việt Nam được thống nhất. Đồng bào miền Bắc muốn thống nhất đất nước. Đồng bào miền Nam muốn thống nhất đất nước. Đảng CS chẳng những muốn mà còn sẵn sàng “đốt cháy cả dãy Trường Sơn để thống nhất đất nước” nữa. Tuy nhiên, mục đích và mức độ cấp thiết khác nhau ở mỗi thành phần.

Đồng bào miền Bắc rất thiết tha với “thống nhất đất nước”.
Đúng, nhưng nếu ai ở miền Bắc và đã từng tha thiết thì xin hãy ngồi xuống lắng lòng suy nghĩ lại cái tha thiết đó có thật sự phát xuất từ trái tim Việt Nam trong sáng, chân thành từ khi cha sinh mẹ đẻ hay do đảng áp đặt vào tâm hồn.
Đọc các nhật ký của Đặng Thùy Trâm, Nguyễn Văn Thạc, những người chưa hề biết miền Nam trước đó, để thấy thương cho một thế hệ bị các khẩu hiệu “xích xiềng Mỹ Ngụy”, “lê máy chém”, “miền Nam đói khát” v.v… hành hạ cho đến chết.
Tình yêu nước không tự nguyện đó thực chất là sản phẩm tuyên truyền. Viên thuốc độc “giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước” mà hầu hết đồng bào miền Bắc bị đảng buộc phải uống từ ít nhất 48 năm trước, nay vẫn còn tác hại.

Đồng bào miền Nam tha thiết với thống nhất đất nước.
Làm người Việt ai mà chẳng mơ non sông liền một dải nhưng họ không bị đánh bùa mê như đồng bào miền Bắc.
Trong bối cảnh chính trị phân cực trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, chính phủ và nhân dân miền Nam tỉnh táo đặt ra những ưu tiên của đất nước theo mỗi thời kỳ. Ưu tiên trên hết là ổn định xã hội, sau đó tái thiết đất nước, xây dựng căn nhà dân chủ và thúc đẩy sự thịnh vượng kinh tế.
Hãy nhìn các chỉ số phát triển của VNCH trong năm năm sau khi đình chiến 1954 để thấy miền Nam tiến nhanh thế nào so với Đại Hàn, Thái Lan, Mã Lai. Những thành tựu đó nếu đạt được sẽ là nền tảng vững chắc cho một cơ hội thống nhất có thể đến sau này.
Con đường dân chủ mà chính phủ và nhân dân miền Nam trải qua có nhiều ổ gà, nhiều chướng ngại, nhiều khó khăn nhưng dù gì đi nữa cũng là chuyện của Việt Nam Cộng Hòa không liên quan gì đến Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa.

Đảng CS muốn thống nhất đất nước. Hơn cả hai thành phần dân tộc Bắc và Nam, CSVN rất muốn thống nhất đất nước vì CS hóa Việt Nam là điều đầu tiên ghi trong nghị quyết của đại hội đảng Cộng sản Đông Dương do Trần Phú chủ trì năm 1930 và được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương phê chuẩn vào tháng 4 cùng năm: "Vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản trong cuộc cách mạng, hai giai đoạn cách mạng từ cách mạng tư sản dân quyền chống đế quốc và phong kiến nhằm thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và người cày có ruộng và sau đó chuyển sang làm cách mạng xã hội chủ nghĩa".

Kể từ tháng 4, 1930 đến nay, mục đích “cách mạng xã hội chủ nghĩa”, tức CS hóa Việt Nam, không hề thay đổi.
Không cần phải một nhà nghiên cứu hay người học nhiều hiểu rộng mà bất cứ ai sống dưới chế độ CS Việt Nam từ sau 1975 với trại tập trung, kinh tế mới, đánh tư sản, nhà tù mọc lên khắp ba miền để giam những tiếng nói bất đồng đều thấy ra điều đó.

Thực tế chứng minh rất rõ rằng “thống nhất đất nước” đối với đảng CSVN chỉ là tiền đề để từ đó CS hóa Việt Nam dựa trên chủ nghĩa Mác Lê tàn bạo.
Hôm nay, mục đích CS “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu” không còn nhưng hầu hết các phương pháp và nội dung vẫn không thay đổi. Tuyên truyền tẩy não còn đó, bạo lực cách mạng còn đó, độc tài đảng trị còn đó. Như người viết có lần đã viết, đối với các đảng phái quốc gia, đảng chính trị chỉ là chiếc thuyền đưa dân tộc đến tự do nhưng với đảng CS chiếc thuyền lại chính là dân tộc.

Khác với việc nhìn New York từ One World Trade Center, nhận thức phải được soi rọi từ bên trong.
Nhìn được từ bên trong là một điều rất khó, đòi hỏi anh hay chị phải vượt qua cho được tình cảm riêng tư, từ chối chính mình trong một thời binh lửa. Rất khó. Nhiều đồng đội của anh hay chị đã chết dưới ngọn cờ CS và có thể máu của chính anh hay chị đã từng đổ xuống dưới ngọn cờ CS. Muốn quên đi một quá khứ đầy gian nan chịu đựng như thế không phải là chuyện dễ dàng.
Vâng, nhưng muốn hướng tới tương lai, phải vượt qua quá khứ.

Không thể đấu tranh cho dân chủ dựa trên các quy định do đảng cài vào nhận thức như tiếng đầu đời. Vượt qua không có nghĩa quên đi. Không ai có thể buộc anh hay chị quên kỷ niệm, hãy ôm ấp kỷ niệm nhưng đừng sống với nó nữa, sống vì tương lai.

Quảng trường Anh Hùng ở thủ đô Budapest của Hungary chứa mười ngàn người là cùng và cuộc biểu tình đầu tiên ở Tiệp ngày 16 tháng 11, 1989 cũng chỉ khoảng mười ngàn người. Nhưng họ là những người dứt khoát với quá khứ CS.
Như lịch sử chứng minh, cách mạng dân chủ luôn được viết từ những người dứt khoát chứ không phải những người do dự.

01 tháng 5.2023
Trần Trung Đạo

https://www.facebook.com/trantrungdao

https://www.facebook.com/ChinhLuanTranTrungDao





Hun Sen là ai?


    Hun Sen và vợ                                            Bộ sưu tập đồng hồ của Hun Sen

Đêm 5 tháng 8, 1952, một đứa bé ra đời tại làng Peam Koh Snar thuộc tỉnh Kampong Cham, phía đông sông Mekong. Đứa bé được đặt tên là Hun Bunall. Tên của cậu được thay đổi nhiều lần và lần cuối được đổi thành Hun Sen khi cậu ta gia nhập du kích Cộng Sản Cambodia năm 1970.

Ngày 14 tháng 4, 1970, Hun Sen gia nhập Mặt Trận Đoàn Kết Dân Tộc Cambodia (National United Front of Cambodia) thường được viết tắt là FUNK để chống lại chính phủ Lon Nol thân Mỹ.
Năm 1974,  Hun Sen chỉ huy một đơn vị với quân số khoảng hai ngàn. Trong thời gian này ông ta biết lãnh đạo thực sự của phong trào FUNK không phải là Sihanouk mà là Pol Pot. Chức vụ chính thức của Hun Sen là Tham Mưu Trưởng trung đoàn và năm 1977 được phong lên chức Trung đoàn phó. Theo lời Hun Sen ông ta đã sử dụng đơn vị này tấn công Lon Nol và sau đó tấn công Khờ Me Đỏ.
Lúc 2 giờ sáng ngày 20 tháng 6, 1977, Hun Sen và một số chỉ huy của trung đoàn đào thoát sang Việt Nam.
Sau khi Pol Pot bị lật đổ, Hun Sen, 26 tuổi và chưa xong bậc trung học, được CSVN chọn làm Bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ Heng Samrin. Tại tuổi 33, Hun Sen là thủ tướng trẻ nhất không chỉ riêng Cambodia mà cả thế giới trong thời điểm đó.
Trong cuộc bầu cử 1993, Hun Sen thất cử trước đối thủ Norodom Ranariddh nhưng ông ta không chịu nhường quyền. Hun Sen và Hoàng thân Norodom Ranariddh chia sẻ quyền lực cho tới 1997.
Bằng một biến cố bạo động, Hun Sen lật đổ Norodom Ranariddh.
Sau thời gian lưu vong, Norodom Ranariddh về ứng cử lần nữa. Trong cuộc bầu cử 1998, Hun Sen thắng cử. Norodom Ranariddh giữ chức vụ Chủ tịch Quốc Hội nhưng Hun Sen nắm chặt quyền hành thủ tướng từ đó đến nay.
Mặc dù ít học, năm 1991, Hun Sen đã trình luận án tiến sĩ dày 172 trang “Các đặc điểm chính trị tại Cambodia” tại Học Viện Chính Trị Quốc Gia,Việt Nam.

Vợ của Hun Sen là bà Bun Rany, người Cambodia gốc Quảng Đông, Trung Hoa, sinh năm 1954. Sau khi Sihanouk bị lật đổ, bà bí mật tham gia FUNK và được Khờ Me Đỏ huấn luyện về y tế. Năm 1974, bà là giám đốc một bịnh viện Khờ Me Đỏ và tại đây bà gặp Hun Sen. Mối tình đẹp nảy nở trong bịnh viện. Họ cưới nhau đầu năm 1976 dù khi đó chàng thanh niên  Hun Sen 24 tuổi đã bị mù một mắt.

Lý lịch của Hun Sen cũng giống như các lãnh đạo CS thay đổi tùy theo thời thế. Một số nghiên cứu cho rằng ông ta tham gia Khmer Đỏ khá sớm, khoảng 1967, nhưng Hun Sen phủ nhận và tự khai chỉ gia nhập vào năm 1970 đáp lời kêu gọi của Quốc vương Norodom Sihanouk. Giống như nhiều lãnh đạo Cambodia có quá khứ Khmer Đỏ khác, Hun Sen cố tình che giấu lý lịch CS của mình càng nhiều càng tốt.

Luật sư Brad Adams, Giám đốc Khu vực Á châu của Human Rights Watch, nhận xét Hun Sen là một kẻ có bản chất độc tài thô bạo không khác gì các nhà độc tài trong cùng “câu lạc bộ 10 ngàn”, ám chỉ một nhóm gồm những nhà độc tài thông qua bạo động, kiểm soát an ninh, dựa vào sự yểm trợ từ nước ngoài để kéo dài quyền lực cai trị trên 10 ngàn ngày.
Sau sự sụp đổ của hàng loạt các nhà độc tài tại Tunisia, Ai Cập, Libya và Yemen, Hun Sen là một trong số rất ít hội viên của “câu lạc bộ 10 ngàn” còn nắm được quyền hành.
Tên danh dự của Hun Sen là Samdech Akeak Moha Sena Padei Techo Hun Sen dài không thua gì tên danh dự của nhà độc tài khát máu nhất Congo là Mobutu Sese Seko Nkuku Ngbendu wa Za Banga.

Khi được hỏi liệu ông ta có lo ngại sẽ bị lật đổ như các nhà độc tài Tunisia, Egypt, Libya, máu Khmer Đỏ trong người sục sôi lên và Hun Sen trả lời: “Tôi chẳng những làm suy yếu đối phương mà còn tận diệt chúng… Nếu kẻ nào nghĩ mình đủ mạnh để biểu tình, tôi sẽ đánh gục bọn chó đó và nhốt chúng vào trong cũi”.

Hun Sen không chỉ đe dọa thôi nhưng trong quá khứ ông ta đã trấn áp đối lập một cách thô bạo nhiều lần.
Trong năm 1991, khi các đại diện Liên Hiệp Quốc vào Cambodia tổ chức tuyển cử, Hun Sen đã ra lịnh cho an ninh dưới quyền tàn sát trên 100 đảng viên của một đảng đối lập ngay trước mắt của phái đoàn Liên Hiệp Quốc.
Một lần khác, vào năm 1997, Hun Sen ra lịnh cho cận vệ tấn công bằng lựu đạn vào một buổi họp của lãnh tụ đối lập Sam Rainsy làm 16 người chết và hơn 150 người bị thương. Cũng trong năm 1997, lo ngại bị thất cử, Hun Sen tổ chức đảo chánh chống lại đảng Hoàng gia mà ông ta đã liên minh. Hàng trăm người bị bắt và bị giết. Các nhân viên Liên Hiệp Quốc khi đào xác lên đã khám phá phần lớn đã bị bắn vào đầu trong lúc đang bị còng tay và bị bịt mắt. Những hình ảnh đó gợi lại cảnh tượng kinh hoàng của thời Pol Pot.
Đối với các thành phần tàn dư Khờ Me Đỏ, Hun Sen khuyến khích các lãnh đạo cao cấp đầu hàng. Với quân số 50.000 thời Pol Pot, Khờ Me Đỏ chỉ còn lại khoảng 1.000 vào năm 1997. Khieu Samphan và Nuon Chea đầu hàng vào tháng 12, 1998. Hun Sen ân xá cho Ieng Sary.

Hun Sen và Trung Cộng
Nhiều người cho rằng Hun Sen ngã về phía TC mới đây. Điều đó không đúng. Khuynh hướng thân TC của Hun Sen bắt đầu sau cuộc đảo chánh đẫm máu 1997.
Cuộc đảo chánh đã làm ông ta mất uy tín trong các lãnh đạo các quốc gia dân chủ Tây phương. Nhiều quốc gia đã ngưng viện trợ cho chính phủ Hun Sen hay tiếp tục viện trợ nhưng đưa ra các điều kiện phải tôn trọng nhân quyền.
Giống như Pol Pot trước đây, Hun Sen không còn đường nào khác ngoài việc đi tìm sự ủng hộ từ phía TC.
Dĩ nhiên giới lãnh đạo TC nắm bắt cơ hội ngàn vàng này. Từ năm 1997 đến năm 2005, TC cung cấp cho chính quyền Hun Sen 600 triệu dollar qua đầu tư, viện trợ không hoàn lại, hủy bỏ nợ đến thời hạn trả. Từ năm 2000, hàng loạt lãnh đạo cao cấp TC lần lượt viếng thăm Cambodia.
Đáp lại, trong cùng thời gian, Hun Sen đã thăm viếng TC tất cả 6 lần. Hun Sen từng tuyên bố “Trung Quốc nói ít làm nhiều”. Viện trợ của TC không đặt ra các điều kiện nhân quyền trong khi nhân quyền lại là tiền đề thảo luận với các nước dân chủ.

Trong bang giao quốc tế, chế độ Hun Sen nhiệt tình ủng hộ các chính sách của TC qua việc ngăn cấm các viên chức trong chính quyền Cambodia thăm viếng Đài Loan. Ông ta còn họa theo TC khi lên tiếng kết án Mỹ trong vụ máy bay Mỹ ném bom lầm xuống tòa đại sứ TC tại Belgrade năm 1999.
Trong lãnh vực quân sự, TC lần nữa đóng vai trò yểm trợ tích cực như đã từng làm đối với chế độ Pol Pot.
Từ sau cuộc đảo chánh của Hun Sen năm 1997, TC đã gởi các trang bị quân sự cho cánh Hun Sen, xây dựng các doanh trại quân đội, sửa chữa phi trường Kampong Chhnang. Hàng năm đưa 40 sĩ quan trong quân đội Cambodia sang TC huấn luyện. Năm 2011, TC cho Cambodia vay 195 triệu Dollar để mua một số lượng máy bay trực thăng không được tiết lộ của TC. Tháng Tám 2012, TC viện trợ quân sự cho Cambodia thêm 19 triệu dollar và sẽ giúp xây dựng các bệnh viện quân đội, trung tâm huấn luyện cho đạo quân 140 ngàn của Hun Sen.

Đầu năm 2023, Hun Sen thăm TC. Trong dịp này, Tập Cận Bình cam kết “ủng hộ Cambodia bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia, kiên quyết ủng hộ Cambodia trong việc thúc đẩy đều đặn các chương trình nghị sự chính trị lớn trong nước và phát triển kinh tế xã hội, đồng thời kiên quyết phản đối các thế lực bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của Cambodia".
Về phía Hun Sen, ông ta khẳng định sự ủng hộ chính sách “Một Trung Quốc” của TC.
Năm 2022, trong cương vị Chủ tịch ASEAN, Hun Sen lại một lần nữa chống lại việc ASEAN ra một thông báo chung phê bình chủ trương quân sự hóa Biển Đông của TC.

Đối với nội bộ Cambodia, càng đóng vai trò độc lập với CSVN bao nhiêu, Hun Sen, người vẫn còn bị phe đối lập tại Cambodia tố cáo là bù nhìn Việt Nam, càng được sự ủng hộ của nhân dân Cambodia bấy nhiêu.
Thế hệ Cambodia được CSVN cứu sống năm 1979 đã già và nhiều trong số họ đã chết. Thế hệ trẻ lớn lên chỉ biết đến Việt Nam là kẻ thù truyền thống của dân tộc Khmer.

Lời tuyên bố của Hun Sen về cuộc tranh chấp Biển Đông giống như trích nguyên văn từ bản tuyên bố của TC : “Cuối cùng đó không phải là vấn đề đối với toàn bộ ASEAN. Nó là vấn đề song phương giữa các nước liên quan mà họ cần phải nói chuyện với nhau".
“Thảo luận song phương” là chủ trương của TC từ khi cuộc tranh chấp mới bắt đầu nhiều năm trước.

Nhiều bình luận từ phía Việt Nam có phần trách Hun Sen đang tâm phản bội những kẻ đã từng cứu vớt, bảo bọc và đưa y lên tột đỉnh danh vọng và quyền lực như hôm nay. Chính Hun Sen cũng thừa nhận, không có CSVN, không những con mắt trái mà cả mạng sống của ông ta chưa chắc đã còn.
Nhưng ngọn gió quyền lực và danh lợi đang thổi về hướng Bắc. Đối với Hun Sen việc chọn lựa đi theo TC không chỉ vì quyền lợi quốc gia mà còn giữ được cả tài sản kếch xù ăn cắp từ máu xương của đồng bào ông ta suốt 38 năm qua.
Không có chỗ cho các yếu tố đạo đức, ơn nghĩa trong bàn cờ chính trị. Hơn ai hết Hun Sen biết chính bản thân y trước đây khi được đặt vào chức Bộ trưởng Ngoại giao ở tuổi 26 cũng chỉ là con cờ chính trị của CSVN mà thôi. Thời thế đã đổi thay và con người chính trị của ông ta thay đổi theo thời thế.
Sự kiện quân đội TC đồn trú tại căn cứ hải quân Ream Naval Base thuộc lãnh thổ Cambodia trên Vịnh Thái Lan (Gulf of Siam) là một mối đe dọa trực tiếp cho sự ổn định trong khu vực Thái Miên Việt cũng như cả Biển Đông.
TC với một giọng điệu cố hữu là bác bỏ nhưng các không ảnh cho thấy các cơ sở được xây dựng trước đây do hợp tác với Mỹ từ năm 2010 đã bị phá hủy và các cơ sở mới đang được xây.
Theo nhiều nguồn tin, năm 2017 một hiệp ước bí mật giữa Hun Sen và Tập đã được ký kết, qua đó, TC có quyền sử dụng căn cứ Ream Naval Base ba chục năm. Hun Sen từ chối yêu cầu của Mỹ được vào xem tận mắt căn cứ.

Tại Hội Nghị về Tương Lai Á Châu Hun Sen phát biểu: “Thành thật mà nói, nếu không phải Trung Quốc tôi có thể dựa vào ai khác? Hãy nói thật".
Khi đứng về phía TC, Hun Sen được nhiều mối lợi:
1. Giảm được áp lực trong thành phần Cambodia quá khích đang khai thác xung đột lịch sử giữa Việt Nam và Cambodia từ thời nhà Nguyễn, và kết án y chỉ là bù nhìn của CSVN.
2. TC sẽ gia tăng viện trợ kinh tế và tiếp tục là nước có quan hệ kinh tế thương mại lớn nhất với Cambodia.
3. Bảo vệ được chiếc ghế thủ tướng, quyền lợi, tài sản mà luật sư Brad Adams thuộc tổ chức Human Rights Watch và Global Witness đã ước tính lên đến 500 triệu đô la.
4. TC bao vây Việt Nam từ hướng đông và dùng tiền để mua chuộc Cambodia bao vây Việt Nam từ hướng tây. Trong một xung đột võ trang, Việt Nam phải đương đầu với hai kẻ thù có tinh thần dân tộc quá khích vô cùng nguy hiểm.

Nhưng Hun Sen cũng biết khôn ngoan trước thời cuộc quốc tế và sợ mất lòng Mỹ. Hun Sen chọn phỏ phiếu ủng hộ Ukraine “đòi Nga rút ngay lập tức, hoàn toàn và vô điều kiện tất cả các lực lượng quân sự của mình khỏi lãnh thổ Ukraine trong các biên giới được quốc tế công nhận” trong nghị quyết quan trọng của Đại Hội Đồng LHQ ngày 2 tháng 3, 2022 nhưng chọn bỏ phiếu trắng trong nghị quyết ít quan trọng hơn loại Nga ra khỏi Hội Đồng Nhân Quyền LHQ ngày 7 tháng 4, 2022.
Với chọn lựa này, Hun Sen muốn nói lớn cho Mỹ nghe rằng (1) Cambodia không tham khảo Tập Cận Bình trước khi bỏ phiếu; (2) Cambodia chưa quên vai trò chính yếu của Mỹ trong công cuộc phục hồi Cambodia sau thời kỳ Pol Pot diệt chủng; (3) Cambodia nhận thấy vai trò mới của Mỹ trong bàn cờ chính trị thế giới, nhất là Á Châu và muốn có một sự cân đối trong mặt trận ngoại giao trong thời gian tới.
Sau cuộc bầu phiếu tại Liên Hiệp Quốc, tòa đại sứ Mỹ tại Cambodia ghi nhận lãnh đạo Cambodia đã có lập trường cứng rắn chống lại hành động xâm lược Ukraine của Nga. Tháng 12, 2022, Hun Sen viếng thăm tòa đại sứ Mỹ tại Nam Vang lần đầu tiên. Không có thù vặt trong chính trị. Quan hệ giữa hai quốc gia không chỉ đặt cơ sở trên quyền lợi chung mà còn trên quan điểm của mỗi quốc gia trước một vấn đề chung.
Mặc dù ghi nhận sự đóng góp của Hun Sen, cho tới nay các chính phủ Mỹ vẫn xem Hun Sen như là một lãnh đạo độc tài có mối quan hệ mật thiết với TC.

Hun Sen tham nhũng
Vi trùng tham nhũng sinh sản rất nhanh trong các chế độ độc tài, nơi quyền lực tập trung trong tay một nhóm nhỏ người nắm quyền cai trị. Tham nhũng là một trong những căn bịnh đang đè nặng lên xã hội Cambodia và gia đình bị tố cáo tham nhũng nhiều nhất là Hun Sen. Mặc dù chỉ làm việc cho chính phủ trong suốt 38 năm, gia đình Hun Sen có một đời sống sung túc hơn bất cứ người dân Cambodia nào.
Sở thích của Hun Sen là sưu tập đồng hồ. Những đồng hồ ông ta đeo nhìn thấy được qua ảnh trị giá vào khoảng 13 triệu dollar. Chẳng hạn, một Patek Philippe Grandmaster Chime 5175 trị giá khoảng 2,700,000.00 dollar trong lúc vợ ông đeo chiếc đồng hồ Richard Mille RM037 trị giá 270,000.00. Hun Sen không che giấu sở thích đeo đồng hồ quý hiếm. Điều đó không sao nhưng tiền đâu để mua khi lương thủ tướng của Hun Sen là 1,150 dollar một tháng nếu không phải tiền do tham nhũng tích tụ được sau 38 năm cầm quyền.
Theo lời của luật sư Brad Adams thuộc tổ chức Human Rights Watch, mười năm trước, một viên chức Bộ ngoại giao Mỹ đã tiết lộ cho ông biết tài sản của Hun Sen được ước lượng vào khoảng 500 triệu dollar. Không ai biết chính xác giá trị bất động sản và dự trữ dollar, vàng bạc của Hun Sen và gia đình tại các ngân hàng ngoại quốc hiện nay.
Không có CSVN, Hun Sen không chỉ mù một mắt mà đã mồ hoang mả lạnh từ lâu rồi, nhưng với bản chất bạo động, háo danh, tham vọng quyền lực sẵn có của người cựu Khmer Đỏ, Hun Sen rất dễ dàng bị TC khích động và mua chuộc.
Tất cả những oan nghiệt đó, dùng chữ của Hun Sen trong luận án tiến sĩ chính trị của ông ta, chỉ vì cùng “từ một bào thai” CS.

11 tháng 5.2023
Trần Trung Đạo


Tham khảo:
- Mehta, Harish C, Hun Sen : strongman of Cambodia, Singapore, 1999
- Extraordinary Chambers in the Courts of Cambodia, the United Nations.
- Frank Dikotter, Mao’s Great Famine, Walker & Company 2010
-  Ian Storey, China’s Tightening Relationship with Cambodia, The Jamestown Foundation.
- Behind the Bamboo Curtain: China, Vietnam, and the World beyond Asia, edited by Priscilla Roberts, tr. 260, 393-394, Stanford University Press 2007
- Ezra F. Vogel, Deng Xiaoping and the Transformation of China, Harvard University/Belknap Press 2010, tr. 283.
- Philip Short, Pol Pot: Anatomy of a Nightmare, Macmillan, 2006, tr. 389
- Francis Deron, Several Improper Connections in Matters of Massacre: China, Cambodia, Indonesia, Monde Chinois, 2008.
- Xiaobing Li, China at War: An Encyclopedia, ABC-CLIO LLC, 2012
- Daniel Southerland, Uncounted Millions: Mass Death in Mao’s China, Washington Post, July 17, 1994
- Brad Adams, 10,000 Days of Hun Sen, The New York Times, May 31, 2012
- Russell D. Howard, The Chinese People’s Liberation Army: “Short Arms and Slow Legs”, USAF Institute for National Security Studies 1999
- Cambodian Genocide Program, Yale University
- Vũ Cao Đàm, Bài học đáng giá từ Luận án Tiến sĩ của Thủ tướng Cambodia Hun Sen, Bauxite Việt Nam, 14-8-2012
- Trần Trung Đạo, Chu kỳ thù hận Việt-Trung-Miên, Chính Luận, Cổ Loa, Boston, Hoa Kỳ 2014

https://www.facebook.com/trantrungdao

https://www.facebook.com/ChinhLuanTranTrungDao


 

Đăng ngày 16 tháng 05.2023