banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Nhân dịp tưởng niệm ngày tang Yên Báy 17-6-1930

Tìm hiểu lý do Trung Cộng “vinh danh” Tôn Dật Tiên

và CSVN “vinh danh” Nguyễn Thái Học

Trần Trung Đạo



Theo The New York Times  số ra ngày 6 tháng 3, 1982, 32 năm sau khi chiếm toàn lục địa, nhà cầm quyền Trung Cộng mới thả hết các đảng viên  Quốc Dân Đảng Trung Hoa ra khỏi nhà tù mặc dù trong thời điểm đó nhiều đài tưởng niệm, nhiều đường phố và ngay cả nhiều trường đại học mang tên Tôn Văn, người sáng lập ra đảng này.
Tại Việt Nam, những năm sau 1930, các chính sách tận diệt Việt Nam Quốc Dân Đảng (VNQDĐ) đã được thực hiện bằng nhiều cách như tấn công trực tiếp trong vụ Ôn Như Hầu, ám sát như trường hợp sáng lập viên VNQDĐ Nhượng Tống, hay xử tử như trường hợp nhà văn Khái Hựng mặc dù trong cùng thời điểm đó, Nguyễn Thái Học đã được đảng CS “vinh danh” như một “anh hùng dân tộc”.
Tại Liên Xô cũng vậy, sau 1917, Lenin ca ngợi  các lãnh đạo của cách mạng dân chủ 1905 chống Nga Hoàng như một lần “diễn tập vĩ đại của cách mạng Xô Viết” mặc dù trong lúc đó bộ máy khủng bố CS đang thẳng tay tận diệt lãnh đạo các đảng xã hội, dân chủ và cánh tả Mensheviks còn sống sót.
Tại sao vừa “vinh danh” và vừa “tận diệt”, mâu thuẫn chăng? Là một xảo thuật chính trị chăng? Chỉ để lừa gạt người dân chăng?  Chỉ để che mắt dư luận chăng? Đúng nhưng không đúng hết. Việc “vinh danh” các cuộc cách mạng diễn ra trước của các đảng CS Nga, CS Trung Quốc, CS Việt Nam có nguồn gốc sâu xa trong nền tảng triết học duy vật lịch sử  do Marx-Engels dựng và Lenin khai triển.
Các bạn trẻ trong nước đều học ở trường các lý thuyết “duy vật lịch sử”, lý luận “năm hình thái”, “ba dòng thác” v.v... nhưng có thể chưa thấy mối liên quan giữa các lý luận đó với thực tế diễn ra trong lịch sử. Mời đọc bài viết dưới đây để biết lý do CSVN “vinh danh” Nguyễn Thái Học:

LÝ DO CSVN VẪN “VINH DANH” NGUYỄN THÁI HỌC VÀ CÁC ĐỒNG CHÍ CỦA ÔNG ĐÃ HY SINH TRONG KHỞI NGHĨA YÊN BÁI 1930
Vào thời điểm cực thịnh 1980 phe CS quốc tế chiếm 1.5 tỉ dân trong tổng số 4.4 tỉ người trên thế giới với 17 quốc gia thuộc khối CS. Tuy nhiên, nếu phân tích một cách rốt ráo chỉ có ba nước CS ra đời do sự chiến thắng của đảng CS từ đầu đến cuối và thiết lập nhà nước CS chuyên chính đúng sách vở của Marx và Lenin để lại. Đó là Nga, Trung Quốc và CSVN. Các quốc gia còn lại như bảy nước Đông Âu, Đông Đức, ba nước Baltics, các nước “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa” thuộc Liên Xô, Mông Cổ, Ethiopia, Lào v.v… đều hoặc do cưỡng bách, áp đặt, “hoàn cảnh vùng độn” hay chư hầu.
Trong nội dung kinh tế, không có quốc gia nào trong khối CS thật sự thỏa mãn quy luật “mâu thuẫn giữa tính chất xã hội hóa ngày càng cao của lực lượng sản xuất với chế độ chiếm hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa của” của Marx. Nga còn chập chững trong giai đoạn tiền tư bản trong lúc Trung Quốc và Việt Nam là hai nước nông nghiệp lạc hậu.
Dù sao, về mặt phương pháp luận, muốn giải thích đúng lý do CSVN vẫn tiếp tục “vinh danh” Nguyễn Thái Học và các đồng chí của ông đã hy sinh trong khởi nghĩa Yên Bái 1930 chắc phải dựa trên nền tảng lý luận chi phối quan điểm lịch sử của đảng CS tại ba nước CS chuyên chính tiêu biểu này.
Cơ sở lý luận đó được gọi là triết học duy vật lịch sử của chủ nghĩa Marx-Lenin.  
Ba quốc gia Nga, Trung Cộng và Việt Nam chia sẻ một phương pháp luận và quan điểm chung khi đánh giá các vấn đề lịch sử.
Không phải tự nhiên hay trùng hợp mà Mao Trạch Đông “vinh danh” Tôn Dật Tiên, Lenin đánh giá cao phong trào cách mạng tư sản tự phát Nga 1905 và Hồ Chí Minh “vinh danh” Nguyễn Thái Học.

Mao “Vinh Danh” Tôn Dật Tiên
Nhân dịp kỷ niệm sinh nhật thứ 90 của Bác sĩ Tôn Dật Tiên, 12 tháng 11, 1956, đảng CSTQ tổ chức lễ “vinh danh” trang trọng dành cho ông. Mao Trạch Đông trong dịp này đã đọc một diễn văn với nội dung thường chỉ dành cho sinh nhật của Karl Marx.
Mao phát biểu trong lễ mừng sinh nhật Tôn Dật Tiên: “Chúng ta bày tỏ lòng biết ơn đến nhà cách mạng tiên phong vĩ đại của chúng ta, Bác sĩ Tôn Trung Sơn! Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với ông về cuộc tranh đấu quyết liệt mà ông đã tiến hành trong thời kỳ chuẩn bị của cuộc cách mạng dân chủ của chúng ta chống lại những người cải cách Trung Quốc, theo lập trường rõ ràng của một nhà cách mạng dân chủ Trung Quốc. Trong cuộc đấu tranh này, ông là người mang tiêu chuẩn của các nhà dân chủ cách mạng Trung Quốc. Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với ông vì những đóng góp đáng kể mà ông đã thực hiện trong giai đoạn Cách mạng năm 1911 khi ông lãnh đạo nhân dân lật đổ chế độ quân chủ và thành lập nước cộng hòa.” (Mao Trạch Đông toàn tập, tập V, bản Anh Ngữ)
Vợ của Tôn Dật Tiên là Soong Ching-ling (Tống Khánh Linh) ở lại Trung Quốc và đóng nhiều vai trò trong nhà nước CSTQ trong đó có Phó Chủ Tịch Nhà Nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và Phó Chủ Tịch Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc CHNDTH. Khi bà Soong Ching-ling qua đời còn được truy tặng danh hiệu Chủ Tịch Nước Danh Dự.
Không cần nhắc lại, những ai theo dõi cuộc chiến tranh Quốc Cộng tại Trung Quốc đều biết đến cuộc chiến đẫm máu giữa Trung Hoa Quốc Dân Đảng do Tưởng Giới Thạch truyền nhân của Tôn Dật Tiên lãnh đạo và quân đội CSTQ dưới quyền Mao. Kết quả phe Tưởng thua phải rút ra Đài Bắc ngày 24 tháng 6, 1949.
Ngay trong lúc Mao ca ngợi Tôn Dật Tiên, hàng vạn đảng viên Trung Hoa Quốc Dân Đảng không thoát được ra Đài Bắc đang chết dần trong các trại tập trung được dựng nên khắp nơi trên lục địa.

Lenin “Vinh Danh” Cách Mạng Dân Chủ 1905
Trước “Cách Mạng Tháng Mười” Nga đã có một cuộc cách mạng khác do các phong trào công nhân, nông dân, các thành phần tiến bộ và trí thức phát động tại nhiều nơi thuộc Đế Quốc Nga. Nga Hoàng Nicholas II đàn áp các cuộc biểu tình trong một biến cố được gọi là Chủ Nhật Đẫm Máu. Lenin từ lưu đày cũng trở lại Nga và cố gắng lợi dụng cơ hội nhưng thành phần tiến bộ và ôn hòa đã thắng thế. Mặc dầu chịu đựng đàn áp, cách mạng 1905 đã giành được những điều kiện sống dân chủ hơn so với thời hoàn toàn phong kiến. Quốc hội (Duma) được bầu 1905 và một hiến pháp mới được ban hành 1906. Cách mạng 1905 không phải do đảng CS Nga chủ xướng nhưng đã được Lenin đánh giá cao đến mức cho rằng nếu không có cách mạng tư sản 1905 có thể đã không có cách mạng vô sản 1917.
Trong dịp kỷ niệm 12 năm cách mạng 1905 được tổ chức tại Thụy Sĩ, Lenin ca ngợi cách mạng 1905 bằng những lời trịnh trọng: “Cách mạng Nga là cuộc cách mạng đầu tiên, mặc dù chắc chắn không phải là cuộc cách mạng vĩ đại cuối cùng trong lịch sử, trong đó cuộc bãi công chính trị quần chúng đóng một phần cực kỳ quan trọng. Thậm chí có thể nói rằng các sự kiện của cuộc cách mạng Nga và trình tự của các hình thức chính trị của nó không thể hiểu được nếu không nghiên cứu các số liệu thống kê về cuộc đình công để tiết lộ cơ sở của các sự kiện này và chuỗi các hình thức này. (Lenin Toàn Tập, tập 23, bản Anh Ngữ)

CSVN “Vinh Danh” Nguyễn Thái Học
CSVN đánh giá cao cuộc khởi nghĩa Yên Bái. Cho đến nay hình ảnh của Nguyễn Thái Học vẫn được kính trọng một cách công khai tại Việt Nam. Tiểu sử của Nguyễn Thái Học cũng như hoàn cảnh ra đời của Việt Nam Quốc Dân Đảng vẫn được phổ biến trên các tài liệu, báo chí. Khu di tích lịch sử Nguyễn Thái Học tại thành phố Yên Bái được xem là di tích lịch sử cấp quốc gia. Các thành phố lớn có đường Nguyễn Thái Học và một số các lãnh tụ Khởi Nghĩa Yên Bái khác.
Nguyễn Thái Học là một trong những người sáng lập ra tổ chức Việt Nam Quốc Dân Đảng (VDQDĐ). Ông sinh 30 tháng 12 năm 1902 tại làng Thổ Tang, tổng Lương Điền, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên. Ngày 25 tháng 12, 1927 Nguyễn Thái Học cùng các đồng chí thành lập VNQDĐ với chủ trương “làm cuộc cách mạng quốc gia, đánh đổ thực dân phong kiến, lập nên một chế độ Cộng Hòa Dân Chủ nhằm mang lại Độc Lập, Tự Do cho Dân Tộc, Hạnh Phúc và Tiến Bộ cho toàn dân”. Sau cuộc Khởi Nghĩa Yên Bái thất bại Nguyễn Thái Học và nhiều đồng chí của ông bị bắt. Ngày 17 tháng 6, 1930, Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí bị xử chém tại Yên Bái.

Lý Luận Duy Vật Lịch Sử
Phân tích ba trường hợp để thấy cả ba nước CS cùng áp dụng hệ thống lý luận duy vật lịch sử để giải thích các biến cố lịch sử.
Marx và Engels quan niệm lịch sử là một chuỗi các sự kiện diễn ra theo một quy luật có quan hệ biện chứng. Sự ra đời của một sự kiện phát xuất từ nguyên nhân ra đời của sự kiện trước đó.  
Theo Marx, nhân loại trải qua năm hình thái kinh tế xã hội và năm hình thái đó diễn ra một cách tự nhiên, khách quan và tất yếu. Năm hình thái kinh tế-xã hội đó là (1) cộng sản nguyên thủy, (2) chiếm hữu nô lệ, (3) phong kiến, (4) chủ nghĩa tư bản, (5) cộng sản chủ nghĩa.
Trong năm hình thái đó, chủ nghĩa tư bản đến trước chủ nghĩa Cộng Sản. Trung Hoa Quốc Dân Đảng ra đời (1912) trước đảng CSTQ (1921) và VNQDĐ của Việt Nam ra đời (1927) trước khi đảng CSVN chính thức ra đời (1930), cách mạng dân chủ Nga (1905) diễn ra trước cách mạng CS Nga (1917).
Trong quan điểm CS, Cách Mạng Tân Hợi 1911 cũng như Khởi Nghĩa Yên Bái 1930 phát xuất từ hệ tư tưởng tư bản và phản ảnh khách quan của điều kiện lịch sử trong giai đoạn đó và chỉ trong giai đoạn đó mà thôi.
Tài liệu Biên Niên Sử Việt Nam thuộc Đại học Quốc Gia xác nhận tính lịch sử của cuộc Khởi Nghĩa Yên Bái: “Phong trào Việt Nam Quốc dân Đảng và khởi nghĩa Yên Bái đã ghi một dấu son quan trọng trong phong trào đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược và truyền thống yêu nước của dân tộc ta thời kỳ trước khi có Đảng cộng sản lãnh đạo.”
Theo lý luận duy vật lịch sử, đảng CS thừa nhận sự ra đời của VNQDDĐ cũng như cuộc Khởi Nghĩa Yên Bái phù hợp với dòng phát triển của xã hội.
Tuy nhiên, một khi đảng CS ra đời thì chỉ có đảng CS mới đáp ứng được các nhu cầu lịch sử của thời đại. Các cuộc vận động xã hội đi ngược với tiến trình tuần tự đó là phản động.
Không ngạc nhiên khi đảng CS từ 1930 nhất là sau 1945 đã thẳng tay tiêu diệt không chỉ VNQDĐ mà tất cả đảng phái, tổ chức không CS.

Để Gốc Nhưng Đốn Thân, Chặt Ngọn, Tỉa Cành
Đối với VNQDĐ, CS chủ trương để lại gốc nhưng đốn sát thân, tỉa ngọn và chặt cành. Đó là lý do tại sao trong lúc ca ngợi Nguyễn Thái Học, CSVN tận diệt VNQDĐ thuộc thế hệ thứ hai như đã diễn ra trong vụ Ôn Như Hầu với hàng trăm đảng viên các cấp VNQDĐ bị giết.
CSVN cũng không tha cho những người đã cùng Nguyễn Thái Học lập nên VNQDĐ như trường hợp Nhượng Tống. Nhượng Tống tên thật là Hoàng Phạm Trân, thành viên của Nam Đồng Thư Xã và là một trong những người sáng lập ra VNQDĐ. Ông bị công an mật tên Nguyễn Văn Kịch ám sát tại Hà Nội ngày 8 tháng 11, 1949.  (Hoàng Văn Đào, Việt Nam Quốc Dân Đảng, Lịch sử Đấu tranh Cận Đại 1927-1954)

Không chỉ giết người may mắn còn sống sau Khởi Nghĩa Yên Bái, CSVN còn chủ trương che giấu tên tuổi của những người đã chết một cách anh hùng trong Khởi Nghĩa Yên Bái.
Rất ít sinh viên học sinh Việt Nam ngày nay biết Nguyễn Thị Bắc, Nguyễn Thị Giang, Nguyễn Khắc Nhu, Đoàn Trần Nghiệp, Phó Đức Chính là ai. Nếu có nhắc đến VNQDĐ trong chương trình học cũng chỉ để phê bình và so sánh với “đường lối khoa học, sáng tạo và thời đại của đảng CS.”
Chẳng hạn, giáo trình bộ môn sử lớp 12 của trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng (sau 1975) viết về nguyên nhân thất bại của VNQDĐ như sau: “Lúc mới thành lập còn chung chung chưa rõ ràng. Sau đó chịu ảnh hưởng của Tôn Trung Sơn ở Trung Quốc theo khuynh hướng dân chủ tư sản. Quá non nớt, mang nhiều yếu tố sai lầm. Tư tưởng dân chủ tư sản lạc hậu, không phù hợp, không thể giải phóng dân tộc. Tổ chức, lực lượng ô hợp, phức tạp, tổ chức lỏng lẻo, không có sự liên kết giữa 3 kì.” (Trung học Phổ Thông Phan Châu Trinh, giáo án môn lịch sử lớp 12, bài 13: phong trào dân tộc dân chủ ở Việt Nam từ 1925 đến năm 1930)

Hai nhà văn Susan Blackburn và Helen Ting khi nghiên cứu về vai trò của phụ nữ trong các phong trào giải phóng dân tộc tại Đông Nam Á lưu ý đến trường hợp của nữ anh hùng Nguyễn Thị Giang (Cô Giang).
Nhưng khi tìm hiểu thực tế Việt Nam họ khám phá ra rằng tại Việt Nam giới cầm quyền chỉ đề cao những phụ nữ gốc CS như Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định nhưng không nhắc đến tên tuổi của các liệt nữ được kính trọng trong thời kỳ chống Pháp.
Susan Blackburn và Helen thay vì chọn những phụ nữ gốc CS đã chọn Nguyễn Thị Giang (Cô Giang) làm một trong số mười hai nhà cách mạng thuộc phái nữ tiêu biểu cho Đông Nam Á. (Women in Southeast Asian Nationalist Movements, Susan Blackburn and Helen Ting, NUS Press, 2013)

Việc CSVN “vinh danh” nhà cách mạng Nguyễn Thái Học và các anh hùng Yên Bái thoạt nhìn như là một cách CSVN biểu dương lòng yêu nước hay ca ngợi cuộc khởi nghĩa anh hùng dù thất bại của VNQDĐ. Không đơn giản như vậy. Đó là cả một hệ thống lý luận được vận dụng để biện minh cho sự ra đời, tồn tại và giết người không một chút xót thương của đảng CS.
Không nắm bắt những hiểu biết về lý thuyết CS sẽ rất khó khăn khi chọn một giải pháp thích nghi để xóa bỏ chế độ độc tài này.
Qua bộ máy tuyên truyền CS, các phong trào yêu nước đều thất bại cho đến khi cuộc đấu tranh “được đặt dưới sự lãnh đạo tài tình của đảng CS, dân tộc Việt Nam mới giành được độc lập tự do.”
Thực tế đất nước đã chứng minh ngược lại. Các quyền tự do căn bản của người Việt Nam bị thực dân tước đoạt từ thế kỷ 19 đến nay vẫn chưa đòi lại được. Quyền cai trị Việt Nam chỉ trao tay từ thực dân tàn bạo sang CS độc tài. CSVN áp dụng gần như tất cả phương tiện và biện pháp của thực dân với mức độ ác độc hơn nhiều.

Người dân của những thuộc địa Pháp trước đây như Algeria, Tunisia, Senegal, Sudan đã về nhà từ lâu. Người Việt đổ máu nhiều hơn thì lại chưa. Bao nhiêu năm qua từng lớp người Việt vẫn còn đi tìm một mảnh đất được gọi là quê hương đúng nghĩa để trên đó xây một căn nhà mới tự do, dân chủ, nhân bản và thịnh vượng cho các thế hệ hôm nay và mãi mãi về sau.

16-6-2023
Trần Trung Đạo

https://www.facebook.com/trantrungdao

https://www.facebook.com/ChinhLuanTranTrungDao




Tưởng niệm ngày tang Yên Báy 17-6-1930

KHÔNG AI TRONG SỐ HỌ ĐÃ HÔ “VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG MUÔN NĂM”


Ảnh pháp trường Yên Báy 17 tháng 6 năm 1930
(Ảnh sưu tầm)

Ngày 25 tháng 12, 1927 là ngày thành lập Việt Nam Quốc Dân Đảng, một tổ chức chính trị quy tụ đông đảo người Việt yêu nước với chủ trương “Làm một cuộc cách mạng quốc gia, dùng võ lực đánh đổ chế độ thực dân phong kiến, để lập nên một nước Việt Nam Độc lập Cộng hòa.”
Hội nghị đại biểu toàn quốc ngày 26 tháng 1, 1930 quyết định cuộc khởi nghĩa cả nước sẽ nổ ra vào đêm 9 rạng ngày 10 tháng 2, 1930. Tuy nhiên, vì gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức và Pháp có thể đã biết ngày nổi dậy, đảng trưởng Nguyễn Thái Học quyết định dời ngày khởi nghĩa sang đến 15 tháng 2, 1930.
Nhiều nơi không nhận được tin nên vẫn bắt đầu vào đêm 9 tháng 2 hay như trường hợp Nguyễn Khắc Nhu chỉ huy cuộc khởi nghĩa ở Hưng Hóa và Lâm Thao vẫn quyết định tiến hành.
Khi thất bại, Xứ Nhu tức Nguyễn Khắc Nhu tự sát bằng lựu đạn nhưng không chết. Địch băng bó vết thương và khiêng ông về nhà lao Hưng Hóa. Trên đường giải về nhà lao Nguyễn Khắc Nhu nhảy xuống sông tuẫn tiết nhưng cũng được vớt lên. Ngày 11 tháng 12, 1930, vì tay chân bị xích, Nguyễn Khắc Nhu phải tự sát lần nữa bằng cách đập đầu vào tường, ông vỡ đầu và hy sinh vì dân tộc.
Các nơi khác, nói chung cuộc khởi nghĩa thất bại và nhiều lãnh tụ đảng đã hy sinh, tự sát, hàng trăm người bị kết án chung thân và 62 người bị kết án tử hình.

Trong tác phẩm Vụ Án Việt Nam Quốc Dân Đảng 1929-1930 của tác giả Cẩm Đình, xuất bản năm 1950 viết lại khá đầy đủ chi tiết biên bản các buổi xử án của Hội đồng Đề hình Pháp xử các đảng viên VNQDĐ suốt hai năm từ 1929 đến 1930. Những đảng viên VNQDĐ chống án, nhận án, phủ nhận hay công khai nhận trách nhiệm đều được ghi rõ.

Hầu hết trong số lãnh đạo của Việt Nam Quốc Dân Đảng thời kỳ thành lập đều còn rất trẻ như Nguyễn Thái Học 28 tuổi, Phó Đức Chính 23 tuổi, Nguyễn Ngọc Sơn 27 tuổi, Nguyễn Thế Nghiệp 24 tuổi, Hoàng Phạm Trân tức Nhượng Tống 22 tuổi, Nguyễn Thị Giang tức Cô Giang 24 tuổi, Nguyễn Thị Bắc tức Cô Bắc mới 22 tuổi, Đoàn Trần Nghiệp tức Ký Con cũng chỉ mới 22 tuổi v.v...

Trong suốt thời gian dài xử án, nhiều trường hợp cảm động nói lên tình yêu nước ngay cả lúc đứng trước vành móng ngựa.
Nguyễn Thái Học tuyên bố: “Tôi nhận cả trách nhiệm trong những cuộc biến động vừa rồi. Chính tôi đã chủ trương cuộc biến động ở Yên Bái, cũng chính tôi đã chủ tọa cuộc hội nghị ở Lạc Đạo. Chỉ có tôi mới là tay chính trong các cuộc biến động.”
Học sinh Trịnh Văn Yên, 16 tuổi, trả lời khẳng khái anh gia nhập VNQDĐ lúc 14 tuổi để “đánh đuổi đế quốc chủ nghĩa Pháp”.
Đoàn Thị Ái, khi luật sư Mayet biện hộ rằng bà chỉ theo đảng vì tình cảm riêng tư dành cho người yêu vốn đã là đảng viên VNQDĐ, bà đứng lên phủ nhận và cho rằng bà gia nhập đảng chỉ vì “thương nước Việt Nam” chứ không phải vì tình yêu trai gái.
Nhiều người như Nguyễn Xuân Huân, Nguyễn Văn Lân, Nguyễn Tấn Tuất không cho phép các luật sư người Pháp biện hộ giùm.

Tối 16 tháng 6, 1930, chuyến tàu đêm đưa đảng trưởng Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí lên Yên Bái để hành hình.
Theo tác giả Hoàng Văn Đào trong tác phẩm “Từ Yên Bái Đến Các Ngục Thất Hỏa-Lò, Côn-Nôn, Guy-An”: “Trong chuyến xe lửa bí mật, riêng biệt khởi hành từ Hà Nội lên Yên Bái, các tử tù cứ hai người còng làm một, trò chuyện ở toa hạng tư trên một lộ trình dài 4 tiếng đồng hồ. Cùng đi với các tội nhân còn có thanh tra sở mật thám Pháp, hai cố đạo người Âu là Linh mục Mechet và Dronet. Máy chém di chuyển theo cùng chuyến xe. Đao phủ thủ phụ trách buổi hành quyết là Cai Công. Cuộc hành quyết khởi sự vào lúc 5 giờ kém 5 phút sáng ngày 17.6.1930 trên một bãi cỏ rộng với sự canh phòng cẩn mật của 400 lính bản xứ. Xác chết 13 người chôn chung dưới chân đồi cao, bên cạnh đồi là đền thờ Tuần Quán, cách ga xe lửa độ một cây số.”

Tác giả Louis Roubaud in trong cuốn sách Việt Nam, xuất bản 1931, được trích dẫn khá nhiều, viết về cuộc khởi nghĩa Yên Bái và những diễn biến tại pháp trường. Ngay ở trang đầu Roubaud đã viết: “Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam! 13 lần tôi nghe tiếng hô này trước máy chém ở Yên Bái. 13 người bị kết án tử hình đã lần lượt thét lên như vậy cách đoạn đầu đài hai thước”. Tác giả cũng viết về nhà cách mạng Nguyễn Thái Học: “Anh mỉm miệng cười, cực kỳ bình thản, đưa mắt nhìn đám đông công chúng và cúi đầu chào đồng bào rồi cất giọng đĩnh đạc, trầm hùng mà hô lớn: “Việt Nam vạn tuế”. Cô Giang, vợ chưa cưới của Nguyễn Thái Học, cũng có mặt trong đám đông.”
Vài hôm sau Ngày Tang Yên Báy, ngày 17 tháng Sáu năm 1930, bức hình mười ba chiếc đầu của các đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng vừa bị chém còn phơi trên bãi cỏ được đăng trên báo Pháp. Chiếc đầu được đánh dấu tròn được tờ báo ghi chú "đây là đầu của Nguyễn Thái Học."

Đảng trưởng Nguyễn Thái Học và 12 đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng đã dành hơi thở cuối cùng của đời mình trên mặt đất này để gọi tên hai tiếng Việt Nam trước khi bị chém.

Như hai tác giả Louis Roubaud và Hoàng Văn Đào viết, không ai trong số họ đã hô “Việt Nam Quốc Dân Đảng muôn năm”.
Đó cũng là điểm khác biệt chính giữa các đảng cách mạng thật sự chiến đấu vì tự do, độc lập của dân tộc và đảng CSVN.
Với những người yêu nước chân chính, đảng cách mạng chỉ là chiếc ghe để đưa dân tộc Việt Nam qua sông trong khi với Đảng Cộng sản chiếc ghe lại chính là dân tộc.

Hôm nay, sở dĩ đảng CS ca ngợi lòng yêu nước của Nguyễn Thái Học chỉ vì ông đã hy sinh, tuy nhiên, nếu ông còn sống và tiếp tục lãnh đạo Việt Nam Quốc Dân Đảng trong giai đoạn 1945, số phận của Nguyễn Thái Học cũng giống như Bùi Quang Chiêu, Trương Tử Anh, Khái Hưng, Phạm Quỳnh, Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch, Hồ Văn Ngà, Nguyễn Thế Nghiệp và hàng ngàn người Việt Nam yêu nước bị CS giết mà thôi.

Nguyễn Thái Học khi sống là Đảng trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng nhưng khi chết đã chết như bao nhiêu thanh niên yêu nước khác, thư thái ngâm những vần thơ tuyệt mệnh “Chết vì tổ quốc, chết vinh quang, lòng ta sung sướng, trí ta nhẹ nhàng”.
Chàng thanh niên Việt Nam Nguyễn Thái Học mới 28 tuổi.

Lịch sử mang tính thời đại và tính liên tục. Mỗi thế hệ có một trách nhiệm riêng, nhưng dù hoàn thành hay không, khi bước qua thời đại khác, vẫn phải chuyển giao trách nhiệm sang các thế hệ lớn lên sau.

Sức đẩy để con thuyền dân tộc vượt qua khúc sông hiểm trở hôm nay không đến từ Mỹ, Anh, Pháp hay đâu khác, mà bắt đầu từ bàn tay và khối óc của tuổi trẻ. Lịch sử Việt Nam đã và đang được viết bằng máu của tuổi trẻ Việt Nam.

Dưới đây là bài thơ của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy viết để tưởng niệm những liệt sĩ đã hy sinh trong cuộc khởi nghĩa Yên Báy.

NGÀY TANG YÊN BÁY

(Kính tặng hương hồn những liệt sĩ đã bỏ mình trong cuộc khởi nghĩa Yên Báy)

Tác giả: Đằng Phương, GS Nguyễn Ngọc Huy

Việt Nam muôn năm! Việt Nam muôn năm!
Trong bình minh sương lạnh phủ âm thầm.
Mười ba tiếng tung hô bao tráng liệt.
Toan lay tỉnh cả toàn dân nước Việt.
Gió căm hờn rền rĩ tiếng gào than.
Từ lưng trời, sương trắng rủ màn tang.
Ánh mờ nhạt của bình minh rắc nhẹ
Trên Yên Báy âu sầu và lặng lẽ,
Giữa mấy hàng gươm súng toả hào quang,
Mười ba người liệt sĩ Việt hiên ngang
Thong thả tiến đến trước đài Danh Dự:
Trong quần chúng đứng cúi đầu ủ rũ,
Vài cụ già đầu bạc lệ tràn rơi
Ngất người sau tiếng rú: Ối con ơi!
Nét u buồn chợt mơ màng thoáng gợn
Trên khoé mắt đã từng khinh đau đớn
Của những trang anh kiệt sắp lìa đời,
Nhưng chỉ trong giây phút vẻ tươi cười
Lại xuất hiện trên mặt người quắc thước.
Đã là kẻ hiến thân đền nợ nước,
Tình thân yêu quyến thuộc phải xem thường,
Éo le thay! muốn phụng sự quê hương
Phải dẫm nát bao lòng mình kính mến.
Nhưng này đây, phút thiêng liêng đã đến.
Sau cái nhìn chào non nước bi ai,
Họ thản nhiên, lần lượt bước lên đài
Và dõng dạc buông tiếng hô hùng dũng.
“Việt Nam muôn năm!” Một đầu rơi rụng,
“Việt Nam muôn năm!” Người kế tiến lên.
Và Tử Thần kính cẩn đứng ghi tên
Những liệt sĩ vào bia người tuẫn quốc,
Sau Đức Chính, đây là phiên Thái Học,
Anh nghiêng mình trước xác những anh em,
Rồi mĩm cười, Anh ngảnh mặt nhìn xem
Những kẻ đến quan chiêm đoàn liệt sĩ
Để từ biệt những bạn đồng tâm chí.
Tiếng tung hô bổng nổi, vang trời cao,
Nhưng liền theo Anh đã bị xô vào
Chiếc gươm máy giăng tay chào, lặng lẽ.
Đao xuống, đầu rơi, máu đào tung toé.
Người anh hùng nước Việt thôi còn đâu!
Lũ thực dân giám sát đứng nhìn nhau
Như trút sạch hết những đìều lo ngại
Và xoa tay chúng thở dài khoan khoái,
Trong rừng người ứa lệ, Nguyễn Thị Giang
Nén nỗi đau như cắt xé can tràng
Đứng ngơ ngác lặng người bên Hữu Cảnh.
Trong nắng sớm, gió căm hờn quát mạnh
Như thề cùng những tử sĩ anh linh
Vang dội cùng trên đất Việt điêu linh
Những tiếng thét uy hùng vì giống Việt.
Việt Nam muôn năm! Việt Nam muôn năm!
Như tan trong gió mạnh khóc vang rầm
Mười ba tiếng tung hô bao tráng liệt
Cố lay tỉnh cả toàn dân nước Việt.
Thân anh hùng đã nát dưới ngàn cây
Nhưng tiếng hô còn phảng phất đâu đây,
Mười lăm năm sau ngày sầu Yên Báy,
Toàn thể giống Tiên Rồng cùng đứng dậy,
Cố đuổi loài tham bạo khỏi non sông,
Hơn hai năm đất Việt máu pha hồng
Mà chiến sĩ vẫn một lòng cương quyết
Thề tranh đấu đến khi nào nước Việt
Được hoàn toàn độc lập mới ngừng tay.
Thế là dòng máu vọt dưới trời mây
Một buổi sáng mười lăm năm về trước
Đã vẽ được cảnh anh hùng nguyện ước.
Đưa non sông ra khỏi chốn u trầm
Cả toàn dân nước Việt đến muôn năm
Vẫn ghi tạc trong tâm ngày hôm ấy,
Ngày hôm ấy, ôi! ngày tang Yên Báy!
Việt Nam muôn năm! Việt Nam muôn năm!
Xé nát màn sương lạnh phủ âm thầm,
Mười ba tiếng tung hô bao tráng liệt
Đã lay tỉnh cả toàn dân nước Việt.
(Đằng Phương, Hồn Việt, NXB Đuốc Việt, Sài Gòn, 1950)

14-06-2023
Trần Trung Đạo

https://www.facebook.com/trantrungdao
https://www.facebook.com/ChinhLuanTranTrungDao



Đăng ngày 22 tháng 06.2023