banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Dự phóng dân số và lương thực thế giới

30 năm sắp đến (2020-2050)

Lâm Văn Bé

Ngày 11 tháng 7 năm 1987, lúc 6g35 (giờ Anh), tại thành phố Zagreb ở Nam Tư, đứa trẻ sơ sinh mang tên Matej Gaspar được chào đời là người công dân thứ 5 tỉ trên thế giới. Để đánh dấu ngày lịch sử nầy, Liên Hiệp Quốc tuyên dương ngày 11 tháng 7 là «Ngày Dân Số Thế Giới» (World Population Day= Journée mondiale de la population) để nâng cao hiểu biết về vấn đề dân số  toàn cầu. Mỗi năm, Ngày Dân Số Thế Giới chọn một chủ đề, thí dụ như chủ đề năm 2021 là « Accès équitable à la planification familiale =Tiếp cận công chính chương trình kế hoạch hóa gia đình ».
Nhân ngày lễ quốc tế nầy, bài viết thử nhìn tổng quan về biến chuyển dân số  và lương thực thế giới từ nay đến năm 2050.

Biến chuyển dân số thế giới
Biến chuyển dân số thế giới được qui định bởi 3 yếu tố chính yếu là sinh suất, tuổi thọ và di dân quốc tế  nếu không kể thêm những yếu tố bất cập như chiến tranh, thiên tai và mức độ phát triển khoa học kỹ thuật.
Mặc dầu khoa thống kê học đã có một bước tiến khá dài dựa vào sự phát triển của môn học nầy ở Tây  u và Bắc Mỹ, nhưng mức độ chính xác của thống kê vẫn còn thấp tại nhiều quốc gia vì phương tiện và phương pháp làm thống kê, nhứt là vì sự gian dối, đặc biệt tại các quốc gia cộng sản và độc tài. Đó là lý do khiến các nhà nghiên cứu thường dựa vào các Cơ Quan Thống Kê của Liên Hiệp Quốc bởi lẽ cơ quan nầy chuẩn hóa các con số thống kê của các quốc gia hội viên. Từ các con số thống kê nầy và dựa vào các nghiên cứu, khảo sát địa phương, các nhà dân số học, kinh tế học, xã hội học… đề ra những phân tích và dự phóng.
Cũng cần nói thêm  Cơ quan Dân Số Liên Hiệp Quốc (United Nations Population Division) dựa vào yếu tố sinh suất  để dự phóng dân số theo 3 giả thuyết cao nhứt, thấp nhứt và trung bình. Những thống kê trong bài viết nầy là số trung bình.
Ngoài ra, Ngân Hàng Thế Giới (World Bank) cũng có làm dự phóng dân số, nhưng dựa vào yếu tố lợi tức. CIA World Facebook  cung cấp loại thống kê tổng hợp và phân tích khả tín, tất cả các nguồn liệu nầy được xem như bổ túc nhau, cần thiết cho các nhà nghiên cứu.
Nói đến thế giới, cần xác định trước tiên các quốc gia. Vào năm 2020, thế giới có 205 quốc gia gồm có:
- 193 quốc gia hội viên của Liên Hiệp Quốc ;
-   4 quốc gia không phải là hội viên nhưng được quốc tế thừa nhận (Vatican, Palestine có qui chế là quan sát viên thường trực và 2 đảo Cook, Niue liên kết với New Zealand) ;
-    8 quốc gia không phải là hội viên nhưng được có ít nhứt 1 quốc gia hội viên thừa nhận (Kosovo, Taiwan, Ossétie Sud và Abkhazie, Haut-Karabath, Transnistrie, Nouvelle-Russie, République Sahraouie, République Turque de Chypre du Nord).
Năm 2020, thế giới có 7,8  tỉ người, dự phóng tăng lên 8 tỉ vào năm 2023, 9 tỉ năm 2037 và 9,7 tỉ năm 2050 (số tròn).
Nếu kể về độ lớn theo vùng, cứ 100 người dân thì có 60 người ở Á Châu, 16  người ở Phi Châu, 10 người ở  u Châu, 9 người ở Mỹ Châu La Tinh, 5 người ở Bắc Mỹ (Úc Châu : quá ít).
Nếu kể về lịch sử, từ năm 1800 đến năm 2020, trong  vòng 220 năm, dân số thế giới đã tăng gấp 7.8 lần, nhưng nếu phỏng định đến năm 2050, dân số tăng lên gấp 10 lần.
Một cách chi tiết như sau :
1800 : 950 triệu  
1900 : 1,6 tỉ  
1927 : 2 tỉ  
1960 : 3 tỉ  
1974 : 4 tỉ  
1987 : 5 tỉ  
2000 : 6 tỉ  
2010 : 7 tỉ  
2020 : 7.8 tỉ  
2050 : 9,7 tỉ
2100 : 10,8 tỉ.
Lưu ý : từ 1800 đến 1900 : chỉ tăng có 650 triệu
            từ 1900 đến 2000 : tăng 4.4 tỉ
            từ 2000 đến 2020 : tăng 1.8 tỉ
            từ 2020 đến 2050 : tăng 1.9 tỉ

Sinh xuất
Dân số gia tăng vì sinh xuất cao mặc dù tại nhiều quốc gia đông dân đã và tiếp tục áp dụng chính sách hạn chế sinh sản, phá thai, sống độc thân hay từ chối sinh đẻ.
Tuy nhiên, kể từ giữa thế kỷ XX, sinh suất có khuynh hướng giảm dần. Vào năm 2020, trung bình mỗi phụ nữ sinh 2.5 trẻ con so với 5 đứa vào năm 1950. Đến năm 2050, tỉ lệ nầy sẽ xuống còn 2.2. Theo thăm dò của World Population Prospects, đa số phụ nữ muốn có trung bình 2 con.
Sinh xuất thấp nhứt thế giới là ở Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bổn (1,2 vào năm 2015) và cao nhứt là Niger (7,3). Trong số các quốc gia vẫn còn có sinh xuất cao trên 3 trẻ sơ sinh gồm  Phi Châu, vài quốc gia ở vùng Trung Đông và khu vực từ Afghanistan đến bán đảo Ấn Độ.
Để có một ý niệm về gia tăng dân số, cứ mỗi ngày trên thế giới có trung bình 392000 trẻ sơ sinh (căn cứ theo UNICEF, vào ngày 1/1/2020 có 392 000 sơ sinh chào đời).Số sinh sản đã  nhiều như vậy, mặc dù phụ nữ đã ngừa thai và phá thai.
Theo OMS (Organisation mondiale de la santé), vào năm 2019, trên thế giới, trong số 1.9 tỉ phụ nữ ở trong tuổi có thể thụ thai (15-49t) có 840 triệu người ngừa thai bằng các phương pháp khác nhau. OMS đã liệt kê 20 phương pháp ngừa thai với cách thức và hiệu quả (OMS. Planification familiale/Contraception) không kể các phương pháp cổ truyền của các sắc tộc Á-Phi.
Về phá thai, theo Guttmacher Institute, mặc dù luật pháp nhiều quốc gia ngăn cấm, trong thời gian 2010-2014, mỗi năm trung bình có 56 triệu phụ nữ phá thai, tăng lên 73 triệu  mỗi năm trong thời gian 2015-2019, đó là chưa kể những trường hợp phá thai không khai báo.
Trái lại, Trung Quốc và Ấn Độ cổ vỏ việc ngừa thai và phá thai để hạn chế sinh sản. Tại Ấn độ, vào thập niên 1960, hơn phân nửa người dân dùng các phương pháp ngừa thai và phá thai khiến sinh suất trung bình giảm từ 6 trẻ con  xuống còn 2.3 vào thập niên 1980. Tại Trung Quốc, vào thập niên 1960, Mao Trạch Đông khuyến khích dân chúng sinh đẻ nhiều để phát triển nông nghiệp, nhưng từ 1979, với chánh sách 1 con, sinh suất của Trung Quốc giảm tột độ từ trung bình 5.7 xuống 1.6 năm 2000. (Diplomatie, no. Juin-Juillet 2019, p.52). Các nhà dân số và kinh tế học phỏng định cứ 3 bào thai thì có 1 bị ngăn chận hay bị phá.  Thật kinh hoàng !
Ngoài ra, hiện tượng giới trẻ không muốn có con và người đồng tính không thể có con càng lúc càng tăng tại các quốc gia phát triển, sự kiện nầy cũng góp phần vào  sinh xuất giảm so với thế kỷ trước.
 
Bảng 1- Biến chuyển dân số tại 15 quốc gia đông dân nhứt thế giới 2020-2050  (đơn vị : triệu)


    - World Population Prospects. The 2019 Revision (Medium-fertility)
    - CIA World Facebook

Một vài nhận định từ bảng thống kê trên:
- Dân số thế giới tăng từ 7.8 tỉ năm 2020 lên đến 9.7 tỉ năm 2050. Gia tăng trong 30 năm là 1.9 tỉ (số thực sự: năm 2050: 9 735 triệu – 7 790 triệu năm 2020 = 1945 triệu ).
- Một cách tổng quát, dân số các quốc gia phát triển gia tăng rất ít. Trong vòng 30 năm sắp tới, hơn phân nửa số gia tăng (1.2 tỉ) thuộc 9 quốc gia kể theo thứ tự là Ấn Độ, Nigeria, Pakistan, Congo, Ethiopia, Tanzania, Indonesia, Ai Cập và Mỹ. Trường hợp gia tăng dân số của Mỹ phần lớn là  do di dân quốc tế và trẻ con của khối di dân nầy vốn có sinh xuất cao. Trừ Mỹ và Ai Cập, các quốc gia  tăng dân số đều là những quốc gia nghèo, chậm tiến hay đang phát triển. Đặc biệt dân số vùng Châu Phi Cận Sahara sẽ gia tăng gấp đôi vào năm 2050.
- Ấn Độ sẽ bắt đầu vượt qua dân số của Trung Quốc vào năm 2027 và trở thành quốc gia có dân số đông nhứt thế giới vào năm 2050, vượt hơn Trung Quốc 240 triệu.  
Bảng thống kê dân số 15 quốc gia đông dân (Top 15) như trên cho thấy thứ tự các quốc gia đão lộn từ 2020 đến 2050 : Trung Quốc từ hạng 1 xuống hạng 2, Nigeria từ hạng 7 lên hạng 3, Ethiopia từ 12 lên 8, Congo không có tên trong top 15 thành hạng 9. Nga từ hạng 9 xuống 14, Nhật từ hạng 11 bị lọt sổ. Phi Luật Tân và VN không thay đổi thứ hạng (hạng 13, 15)
- Tuy nhiên không phải tất cả các quốc gia đều có gia tăng dân số. Từ nay đến năm 2050 có 55 quốc gia và vùng lãnh thổ (quốc gia nhỏ) giảm đến 10% dân số, một số khác giảm đến 15% như Bosnie-Herzégovine, Bulgarie, Croatie, Hongrie, Nhật, Lettonie, Lithuanie. Moldavie, Roumanie, Serbie và Ukraine.

Tuổi thọ
Một cách tổng quát, tuổi thọ con người đã gia tăng theo tiến hóa của kỹ thuật. Chỉ trong 65 năm qua (1950- 2015), tuổi thọ trung bình của người dân trên thế giới đã tăng 24 tuổi, từ 47 tuổi năm 1950 tăng lên đến 71 tuổi năm 2015 và dự phóng sẽ 78 tuổi vào năm 2050. Tuy nhiên, tuổi thọ cách biệt rất lớn giữa người dân các nước. Năm 2015, một người Mỹ sống trung bình 80 tuổi trong khi người Phi châu chỉ có 62 tuổi (Atlas, p.28).
Năm 2015, tuổi thọ của người Nhựt cao nhứt (trung bình 83,6 tuổi) và kế đến lần lượt là Thụy Sĩ, Tây Ban Nha, Ý, Úc, Islande, Pháp, Do Thái, Thụy Điển, Canada (82,2 tuổi). Tuổi thọ của 10 quốc gia thấp nhứt đều ở Phi châu, thấp nhứt thế giới là Sierra Leone và Centre-Afrique (51.4 tuổi).

Một cách tóm tắt, sau đây là những đặc điểm viễn tượng dân số đến năm 2050:
- Sinh xuất trung bình phụ nữ giảm: 1990: 3,2 con; 2020: 2,5 con; 2050 : 2,2 con
- Tuổi thọ trung bình người dân tăng: 1990: 64,2 t;  2020 : 73,6t;   2050 : 77,1t
- Bời lẽ tuổi thọ tăng nên dân số người già tăng.
Năm 2020 có 145 triệu người trên 80 tuổi (1.8%), tăng lên đến 430 triệu năm 2050 (4.4%). Nếu kể từ 65 tuổi xem như người già, thì trên thế giới vào năm 2020 có 10%, tăng lên 16% năm 2050, đặc biệt ở  u châu và Bắc Mỹ lên đến 25%. Đó là một gánh nặng lớn cho người trẻ : cứ 5 người ở tuổi lao động phải nuôi 1 người già, đặc biệt ở  u châu và Bắc Mỹ tỉ lệ nầy là 3 người vào năm 2050.
- Dân số thế giới có khuynh hướng đô thị hóa (urbanization), không phải chỉ ở quốc gia phát triển mà ngay tại các quốc gia đang phát triển, người dân tìm cách bỏ nông thôn đi về thành phố. Theo World Urbanization Prospects ; the 2018 revision,  tỉ lệ trung bình đô thị hóa là 55% (Bắc Mỹ : 82%;  u châu : 74%; Á châu : 50% ; Phi châu : 43%).
Nếu tính theo đà lịch sử, năm 1900 chỉ có 1 người trên 10 người sống ở thành phố, tỉ lệ nầy tăng đến 3 vào năm 1950, 5,5 vào năm 2018 , dự phóng 6 người vào năm 2030, và 7 người vào năm 2050. Điểm đặc biệt cần lưu ý là những quốc gia có những đô thị khổng lồ trên 10 triệu dân đã và sẽ thay đổi vị trí quan trọng theo thời gian
- Hãy xem thống kê vị trí 10 thành phố lớn nhứt thế giới vào năm 2015, 2035 , 2050 (triệu dân, số chẳn).

- Nếu so với năm 1950, nhiều thành phố như New York (hạng 1), Londres (hạng 3), Paris (hạng 4), Moscou (hạng 6), Chicago (hạng 8) thì những thành phố nầy không còn có tên trong bảng xếp hạng top 10 năm 2015 (chỉ còn New York).
Năm 2050, trong top 10, bán đảo Ấn Độ có đến 5 thành phố : Mumbai (trước 1992 là  Bombay), New Delhi, Calcutta (Ấn Độ ), Dhaka (Bangladesh), Karachi (Pakistan); Phi châu có 2 thành phố: Kinshasa (Congo), Lagos (Nigeria). Chỉ còn 3 thành phố 2015 còn trong bảng, nhưng tụt hạng : Tokyo (hạng 7), New York (hạng 9), Mexico (hạng 10). Trung Quốc bị xóa tên trong danh sách top 10 thành phố đông dân.
Năm 2015,  thế giới có 74 đại đô thị (mégalopole) trên 5 triệu dân, trong đó có 29 trên 10 triệu dân. Theo dự phóng, vào năm 2035, trên thế giới có 120 đại đô thị  trên 5 triệu dân, 48 trên 10 triệu và 15 trên 20 triệu.

Lương thực thế giới ngày mai
Trước khi đề cập đến nhu cầu lương thực để đáp ứng với gia tăng dân số trong 30 năm sắp đến, hãy nhìn hiện trạng.
Theo báo cáo mới nhứt của Tổ chức Lương Nông Liên Hiệp Quốc (FAO=Food and Agriculture Organization), vào năm 2019, thế giới có 690 triệu người bị đói và nạn dịch COVID gia tăng phỏng định từ 80 triệu đến 120 triệu người chỉ năm 2020.
Phải hiểu rằng đói là trình trạng cùng cực, nhưng tình trạng thiếu dinh dưỡng (nhẹ và trầm trọng) chiếm ½ dân số Phi Châu, 1/3 vùng Mỹ Châu La Tinh, Caraïbes và 1/5 vùng Á Châu. Nói chung khoảng 3 tỉ người.
Thế giới hiện nay chỉ có một thiểu số được có lương thực lành mạnh và bổ dưỡng, còn đa số người dân chỉ có lương thực căn bản tính bằng calories, chính yếu là chất bột từ ngũ cốc để có vừa đủ năng lựợng làm công việc nặng nề. Tình trạng đói, thiếu ăn, thiếu dinh dưỡng đưa đến những hệ lụy trầm trọng cho kinh tế. Với chế độ lương thực hiện nay, theo FAO, mỗi năm thế giới phải chi tiêu 1300 tỉ về chi phí y tế và 1700 tỉ thiệt hại vì ô nhiểm gây ra do khí lồng kính (gaz à effet de serre) để sản xuất thực phẩm.
Chưa nói đến tương lai xa, việc cấp thiết là thế giới phải thay đổi chế đô dinh dưỡng và các phương pháp sản xuất, chế biến, phân phối lương thực để thế giới giảm đói, đồng thời bớt hủy hoại tài nguyên thiên nhiên và làm chậm lại hiểm họa biến đổi khí hậu.
Cho đến nay, thức ăn chính yếu của con người vẫn là thịt, bơ sửa và ngũ cốc cung cấp từ canh nông và chăn nuôi là hai sinh hoạt tạo ra 30% khí lồng kính, tác hại đến biến đổi khí hậu và nguồn nước uống.
Về phân phối lương thực, có gì phi lý hơn khi mỗi năm có 1.3 tỉ tấn lương thực không đến được người tiêu thụ vì bị hủy hoại và hoang phí, trong khi có 690 triệu người đói. Theo FAO, chỉ cần 25% số thừa thải nầy đã có thể nuôi được 500 triệu miệng ăn và cho dù thế giới có gia tăng sản xuất lương thực thêm 60% như phỏng định mà thế giới không thay đổi các phương pháp hành động thì năm 2050 thế giới vẫn còn đói và trầm trọng hơn. (FAO. Nourrir la planète de manière durable).
Đó là trách nhiệm tập thể và liên đới của các nhà cầm quyền trên thế giới, phải cùng nhau điều hợp các chánh sách nông nghiệp, chăn nuôi,  kinh tế, xã hội để nâng cao an toàn lương thực cho những thành phần yếu kém.
Nhưng câu hỏi đặt ra là thế giới hôm nay có còn đủ ý thức trách nhiệm  và tinh thần liên đới hay không, khi cơn đại dịch COVID-19 đang hoành hành cả thế giới thì thuốc chủng ngừa bịnh được xem như tài sản ưu tiên của các quốc gia sản xuất hay giàu có. Trong khi đa số các quốc gia G7 , đến tháng 6/2021 đã có 70% người dân được chủng it nhứt 1 liều, thì tại Phi Châu chỉ có 2% người được chủng, dĩ nhiên đa số thuộc thành phần lãnh đạo.
Không phải sự phân biệt đối xử y tế xảy ra giữa các quốc gia giàu nghèo mà ngay cả trong cùng một quốc gia. Hồi tháng 6, khi Hoa Kỳ viện trợ lần đầu tiên cho VN 2 triệu liều thuốc Pfizer thì chỉ có dòng họ các đảng viên cao cấp và đại gia ở miền Bắc được chích. Càng tàn nhẫn hơn, vào tháng 7, khi Thành phố Saigon bùng phát đại dịch, người bịnh bị cô lập chờ chết không được cứu chữa vì bịnh viện quá tải, người không bịnh cũng chờ chết vì đói bởi chánh sách ngăn sông cấm chợ, thì  trong khi đó, chánh quyền Hà Nội  làm ngơ, sống chết mặc bây.
Nhìn hiện trạng mà nghĩ đến tương lai, quả thật bi quan.
Trong khi chờ đợi thế giới tái cấu trúc hệ thống lương thực theo đề nghị của FAO, các nhà khoa học, nhà dinh dưỡng, nhà «tương lai học» (futurologue) đã và đang nghiên cứu và phát triển các dự án gia tăng 60% thực phẩm cho nhân loại đến 2050.  
Các «món ngon vật lạ » sau đây hứa hẹn sẽ đầy đủ các chất dinh dưỡng theo các nhà khoa học, nhưng có hợp với khẩu vị và nhứt là có hợp với túi tiền của đa số người dân hay không thì chưa có gì bảo đảm.
1- Côn trùng
Theo FAO, thế giới có từ 1400 đến 1900 loại côn trùng có thể cho con người ăn được. Hiện nay đã có khoảng 3 tỉ người ở Á Châu, Phi Châu và nhiều vùng khác ăn cào cào, châu chấu, dế, bướm, cóc nhái…và FAO đoán rằng đến năm 2030 có hơn 50% dân số sẽ có thói quen ăn côn trùng, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp (dưới hình thức bột hay chất lỏng) vì côn trùng có đủ chất protein, và côn trùng dễ nuôi, sinh sản nhiều, ít tốn kém và ít tác hại khí hậu.
2- Thịt cấy trong phòng thí nghiệm
Để giảm bớt khí thải lồng kính vì chăn nuôi và canh nông, thit có thể tạo ra trong phòng thí nghiệm bằng cách cấy tế bào gốc rồi cho thêm gia vị, tạo ra độ mềm.
3- Rong tảo
Có thể trồng ở môi trường biển hay nước ngọt để thay thế thực vật, chứa nhiều vitamine và các loại khoáng chất.
4- Nuôi trồng thủy hải sản, lập nông trại trong nhà kiếng.
5- Thực phẩm biến đổi gène (OGM)
Áp dụng trên động vật, hải sản, cây trái để giảm bớt sâu bọ và gia tăng năng suất.
6- Thực phẩm in bằng kỹ thuật 3D
Để đơn giản hóa, vệ sinh hóa và cá nhân hóa dĩa thức ăn, máy in thực phẩm 3D giúp người tiêu thụ được thỏa mãn theo nhu cầu, hợp khẩu vị và tránh dư thừa thực phẩm.

Các phương thức sản xuất thực phẩm như trên đã được đề nghị từ cả thập niên qua nhưng không ứng dụng nhiều hay phát triển vì nhiều lý do trong đó có vấn đề giá sản xuất quá cao và vấn đề đạo đức- éthique (thịt nhân tạo vs người nhân tạo), khẩu vị (côn trùng), không được sự đồng thuận (OGM)… nhưng trở ngại lớn nhứt, nếu không nói duy nhứt là sự thống trị của giới đại tư bản kỹ nghệ thực phẩm từ sản xuất (canh nông, chăn nuôi, phân bón, phân sâu bọ) đến chế biến, chuyên chở và phân phối, kể cả sự thỏa hiệp với  chính quyền và các ngân hàng quốc tế.
Năm 2013, OXFAM đã công bố hồ sơ «La face cachée des marques » tố  cáo những vi phạm của 10 đại công ty lương thực quốc tế trong 7 lãnh vực liên quan đến quyền lợi của người tiêu thụ, nữ công nhân, tiểu nông, hệ thống phân phối. bảo vệ môi trường… Báo cáo cũng qui trách nhiệm của chính phủ trong việc quản trị các vấn đề trên để bảo vệ sự an toàn thực phẩm cho mọi ngưởi dân.   
Năm 2020, theo Food Processing Technology, số thương vụ hàng năm của 10 đại công ty lương thực  u Mỹ là 600 tỉ USD. Về phía Trung Quốc, chỉ riêng COFCO, công ty thực phẩm quốc doanh thu về hàng năm 670 tỉ nhân dân tệ. Đó là chưa kể hàng trăm công ty  u Mỹ và hàng ngàn công ty Trung Quốc.
Với một lợi nhuận khổng lồ như vậy, liệu những khuyến cáo của cơ quan Lương Nông Liên Hiệp Quốc có «thấu» đến tai giới tài phiệt lương thực và tài phiệt chính trị hay không? Đó là mới là thách thức lớn  cho tương lai của nhân loại, nếu không muốn nói là nỗi lo sợ.

Nhờ kính loupe, độc giả sẽ thấy mạng nhện 10 đại công ty mẹ và con khống chế kỹ nghệ thực phẩm toàn cầu qua điều tra của OXFAM năm 2013.
    
Kết luận
Cách đây 2 thế kỷ, Thomas Malthus, nhà dân số học người Anh đã tiên đoán là nước Anh sẽ bị nghèo đói vì gia tăng dân số (dân số tăng theo cấp số nhơn trong khi lương thực tăng theo cấp số cộng), điều mà nước Anh và thế giới đã không gặp phải mặc dù dân số thế giới đã tăng lên gần gấp 10 lần so với thời Malthus. Tiến bộ khoa học kỹ thuật nói chung và các lãnh vực canh nông, chăn nuôi cũng như sự toàn cầu hóa thương mại đã xóa đói trên thế giới. Nếu nạn đói có xảy ra tại vài nơi ở Á Phi và vài thời kỳ, đó không phải chỉ vì nạn nhân mãn mà chính do hậu quả của chế độ thuộc địa khi xưa, chế độ tư bản quá độ hôm nay và chiến tranh lớn nhỏ muôn thuở. Nhưng nghèo đói phải nhìn qua lăng kính toàn diện theo chỉ số nhân sinh chớ không chỉ có ăn uống để sống. Nếu thế giới đã có thể nuôi sống được gần 8 tỉ người trong hơn 2 thế kỷ qua, thì với tốc độ phát trển khoa học kỹ thuật, thế giới sẽ có thể nuôi sống được 10 tỉ người vào cuối thế kỷ. Nếu so với 2 thế kỷ từ thời Malthus đến nay, đời sống con người được khả quan hơn về mọi phương diện thì đến 2050 mức sống con người chắc hẳn càng được cải thiện hơn. Đó là một lý luận lạc quan.
Tuy nhiên, từ vài thập niên gần đây, thế giới đã và đang sống trong lo sợ vì thay đổi khí hậu quá nhanh, quá khắc nghiệt cũng như chiến tranh lạnh và nóng  đã làm thay đổi
diện mạo thế giới.

Afghanistan 1960 và 2016

Có ai dám quả quyết là trong vòng 30 năm tới sẽ không có một cuộc đại biến vì cơn thịnh nộ ngu xuẫn của những tên hoàng đế không ngai hay một cơn thiên tai khủng khiếp làm thay đổi diện mạo của một phần thế giới hay cả thế giới. Ngoài ra, tiến bộ khoa học kỹ thuật  với một vận tốc quá nhanh đã làm phân cách giàu nghèo, văn minh và chậm tiến một cách lố bịch thì trong 30 năm sắp đến, ai có thể bảo đảm là sự phân cực quá mức sẽ không làm thế giới bùng nổ. Đó là một cách suy nghĩ bi quan.
Giữa 2 thái cực ấy và với thời gian 30 năm có thể nhìn như quá dài trong thời đại nguyên tử, nhứt là với đa số những người cùng thế hệ với người viết có lẽ không có cơ may nhìn thấy được năm 2050. Như vậy, hãy vui sống với trạng huống mà mình đang có. Không ai biết chắc chắn được ngày mai.
 
Thư mục chính yếu:   
- UN. Population Division. World Population Prospects 2019 (medium-fertility)
- UN. World Urbanization Prospects, the 2018 revision
- FAO. The State of Food Security and Nutrition in the World 2020
- FAO. La face cachée des marques, 2013
- OMS. Planification familiale/Contraception, 27/06/2020
- CIA World Facebook 2020
- Gilles Pison. Atlas de la population mondiale. Paris : Autrement, 2019
- Thomas Buettner. Perspectives de la population mondiale. 22p. (internet)

05/09/2021    
Lâm Văn Bé

Đăng ngày 15 tháng 09.2021