Trung Quốc : Một cường quốc nửa vời
Lâm Văn Bé
Năm 2010, Trung Quốc (viết tắt là TQ) chính thức vượt qua Nhật Bản trở thành cường quốc kinh tế thứ nhì thế giới khi tổng sản lượng quốc gia (GDP) của Trung Quốc vượt lên đến 5878 tỉ USD trong khi Nhật xuống còn 5497 tỉ USD. Nhiều chuyên gia kinh tế (Geoffrey Murray. China, the next superpower.- David Shambaugh. Greater China: the next superpower) và cả Ngân Hàng Thế giới tiên đoán Trung Quốc sẽ (hay có thể) là cường quốc số 1 (siêu cường) vào thập niên 2020.Ý niệm về siêu cường (superpower) đã được đề cập lần đầu tiên vào năm 1944 khi William Thornton R. Fox, giáo sư chính trị học tại đại học Columbia xuất bản quyển sách tựa là The superpowers : The US, Britain ,and the Soviet Union theo đó, vào thời điểm nầy, Hoa Kỳ, Anh Quốc và Liên Sô là ba siêu cường thế giới. Tuy nhiên, những cuộc khủng hoảng chính trị và kinh tế tại Anh Quốc đã sớm loại Anh Quốc ra khỏi danh sách nầy và năm 1990, khi khối Liên Sô tan rả, Hoa Kỳ trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới cho đến nay.Mặc dù các chỉ tiêu về siêu cường không thống nhất tùy theo quan điểm, học phái, nhưng nói chung, để được gọi là một siêu cường, quốc gia ấy phải có một số yếu tố ưu việt như một lực lượng quân sự hùng hậu, một nền kinh tế bền vững với tài nguyên và nhân lực dồi dào, một ảnh hưởng chính trị sâu rộng với các quốc gia trên thế giới.Với những nhận định như trên, bài viết trình bày những yếu tố tối ưu cũng như những thách thức mà Trung Quốc phải đối diện để thử xem viễn tượng một Trung Quốc siêu cường là một thực tế hay chỉ là một phỏng đoán chủ quan.
Căn bản của sự vĩ đại
Trung Quốc rộng hơn 9.6 triệu km2, đứng hạng tư thế giới sau Liên Sô, Canada và Hoa Kỳ. Nếu phải kể thêm Ma Cao, Hong Kong và Đài Loan, diện tích Trung Quốc vượt hơn Hoa Kỳ một ít, do đó Trung Quốc tự xếp hạng lãnh thổ của mình rộng thứ ba thế giới. Không phải chỉ có một lãnh thổ mênh mông với 20 400 km biên giới đất liền tiếp giáp với 14 quốc gia đại lục và 15 000km bờ biển tiếp cận với 9 quốc gia ven biển và hải đảo, Trung Quốc còn có một dân số khổng lồ. Cuối năm 2014, Trung Quốc có 1367 triệu dân trong đó có 51.2% là nam, 48,8% là nữ, 55% là thị dân và 45% là dân nông thôn. (National Bureau of Statistics of China. Statistical Communiqué, Feb 25, 2015).Mặc dù có một diện tích bao la và một dân số khổng lồ, Trung Quốc lại phân chia thành ít đơn vị hành chánh (22 tỉnh, 4 thành phố trực thuộc trung ương, 5 khu tự trị và 2 đặc khu hành chánh), vì vậy mỗi tỉnh có diện tích và dân số lớn như một quốc gia, thí dụ như tỉnh Quảng Đông (Guangdong): 104 triệu dân, Sơn Đông (Shandong) : 97 triệu, Hà Nam (Henan) : 94 triệu , Tứ Xuyên (Sichuan) : 80 triệu.Cơ cấu hành chánh trên được điều khiển bởi 70 triệu công chức trong đó có 5 triệu là đảng viên (năm 2014 TQ có 85 triệu đảng viên), tạo nên tình trạng lãnh chúa ở các địa phương. Các lãnh chúa nầy tuân lịnh cấp trên, đàn áp cấp dưới, bất hợp tác hay chống đối cấp lãnh đạo hàng ngang khi chánh quyền trung ương mạnh, khi được thỏa mãn các yêu sách, nhưng hiểm họa tình trạng sứ quân là một đe dọa thường trực cho chế độ trung ương tập quyền cộng sản. Mọi yêu sách dân chủ hóa chính trị đều bị bác bỏ từ cấp chính quyền trung ương đến địa phương để kềm giữ quyền lực và quyền lợi của Đảng và đảng viên. Tổ chức đảng Cộng Sản TQ đã bắt đầu lung lay từ năm 2008 khi chuyển giao quyền lực lãnh đạo và các bất ổn gia tăng ở vùng Tây Tạng và Tân Cương. Những cuộc đàn áp chính trị để triệt tiêu phe đối lập, các người tiền nhiệm, đã bùng nỗ từ khi Tập Cận Bình cầm quyền. Một siêu cường không thể là một quốc gia độc tài, độc đảng, tiềm ẩn những bất ổn, tranh chấp nội bộ thường xuyên.
Cơ cấu hạ tầng vĩ đại
Dù thương, dù ghét Trung Quốc, ai ai cũng phải nhìn nhận Trung Quốc có những công trình siêu việt do tinh thần làm việc cần mẫn, kỹ luật của người Trung Quốc. Không kể những công trình kiến trúc từ 20 thế kỷ qua là chứng tích của một nền văn minh rực rỡ mà những di tích lịch sử của nhân loại đã được UNESCO thừa nhận đa số nằm trong lãnh thổ Trung Quốc, trong bài viết nầy, chúng tôi chỉ đề cập đến những công trình vĩ đại thực hiện trong vòng 30 năm qua, biến đổi Trung Quốc từ một quốc gia chậm tiến sang một quốc gia kỹ nghệ và tiến lên thành cường quốc kinh tế thứ hai thế giới.Trước tiên, cửa ngõ đến Trung Quốc là phi trường Bắc Kinh. Trung Quốc đã phô trương cho thế giới thấy sự vĩ đại của mình qua phi trường Bắc Kinh, khánh thành nhân Thế Vận Hội 2008. Với một nhà ga tân kỳ, hiện đại rộng 98 mẫu, rộng hơn cả nhà ga của phi trường Heathrow ở London được xem như lớn nhứt thế giới trước đó, nhà ga Bắc Kinh có hệ thống chuyển vận hàng hóa bằng rail dài 2 km, có thể phân loại và di chuyển 20 000 valises trong một giờ với vận tốc 10m/giây, nghĩa là chỉ mất 5 phút để đưa hành lý lên phi cơ hay đến tay hành khách sau khi phi cơ đáp xuống. Lối đi rộng thêng thang, mái nhà cao vút mang những hình vảy con rồng, tường và mái làm bằng thép và kiếng hai màu vàng và đỏ cổ truyền của hoàng tộc, bãi đậu xe có thể tiếp nhận 7000 xe đủ loại và hành khách di chuyển với 243 thang cuốn và thang máy. Theo bảng xếp hạng của ACI (Airports Council International) hồi tháng 3 năm 2015, căn cứ vào số lượng hành khách, phi trường Bắc Kinh được xếp hạng nhì thế giới (thứ nhứt là Hartsfield-Jackson Atlanta 96 triệu hành khách, thứ nhì là Bắc Kinh 86 triệu, thứ ba là Heathrow London 73 triệu, thứ mười là HongKong Int. Airport). Như vậy, chỉ riêng Trung Quốc đã có 2 phi trường trong top 10 thế giới.Trung Quốc cũng tự hào một kỳ công vĩ đại khác là đã khánh thành trước phi trường Bắc Kinh một năm (tháng 6/2007) cầu Hàng Châu (Hangzhou) là chiếc cầu xuyên đại dương dài nhứt thế giới (35.6km) nối liền Thượng Hải với Ninh Ba. Năm 2011, Trung Quốc khánh thành cầu nội địa dài nhất thế giới (164 km) nối liền hai thành phố Danyang-Kunshan, đặc biệt trên đó có đường xe lửa tốc hành nối liền Thượng Hải – Bắc Kinh. Trung Quốc luôn muốn có tên mình trong Guinness : năm 2005, khánh thành đường xe lửa Qinghai – Lhassa (Tây Tạng) dài 1 400km xuyên qua đèo Tangula ở cao độ 5000m, một kỷ lục thế giới và một ngày sau lễ Giáng Sinh năm 2009, chiếc xe lửa tốc hành với vận tốc nhanh nhất thế giới (394km/giờ) nối liền Vũ Hán-Quảng Đông dài 1 086km, trước đây phải mất 11 giờ, nay rút lại chỉ còn 3 giờ.
Sự vĩ đại của Trung Quốc đã thể hiện trong các đại công tác hạ tầng cơ sở. Chỉ trong ba năm 2001-2003, số đường xá được xây lên đến 200 000 km trong khi suốt nửa thế kỷ trước (1950-2000), Trung Quốc chỉ có 170 000 km. Năm 2014, Trung Quốc có một hệ thống đường xá dài 4.3 triệu km, đường cao tốc 100 000km, đường hỏa xa 103 000 km và một hệ thống dẫn dầu 100 000 km. Số xe lưu hành tăng gấp 600 lần trong 30 năm (năm 1978 chỉ có 250 000 chiếc, năm 2014 tăng lên 154 triệu xe các loại.Trung Quốc chiếm kỷ lục về sản xuất và tiêu thụ trong ngành giao thông và truyền thông. Cuối năm 2014, Trung Quốc có 1535 triệu điện thoại chiếm tỉ lệ 113% dân số, trong đó chỉ có 250 triệu điện thoại cố định và 1285 triệu điện thoại di động. (National Bureau of Statistics of China : Statistical Communiqué Feb. 25, 2015 và China Statistical Yearbook 2014).Theo trang mạng khuyến mãi truyền thông quốc tế We are social (trụ sở chính ở London và nhiều chi nhánh ở các thành phố lớn trên thế giới), Trung Quốc là quốc gia hàng đầu thế giới về việc sử dụng internet và các thiết bị truyền thông . Một vài con số :Số người sử dụng internet : 668 triệu, chiếm 49% dân số (gia tăng 6% so với năm trước) trong đó 90% người sử dụng bằng điện thoại di động. Số điện thoại di động lên đến gần 1300 triệu chiếc, trung bình một người có hai máy di động. 64% người sử dụng internet là thị dân, 30 % là dân ở nông thôn. Người Trung Quốc cũng rất «chuyên cần» truy cập internet : trung bình mỗi ngày 3g45 với PC, 2g45 với mobile và 1g25 xem TV. Họ dùng internet để làm gì : xem thời tiết (22%), mua bán (20%), trao đổi trên mạng xã hội (20%),« chat» 20%, xem phim (18%). Tuy chiếm kỷ lục về trang bị và truy cập như vậy, người Trung Quốc có dân trí còn thấp kém vì dùng các phương tiện truyền thông hiện đại chỉ để giải trí và mua bán chớ không để mở mang về chính trị và kiến thức. Điều nầy cũng phù hợp với một chế độ kiểm duyệt thông tin nghiệt ngã mà theo Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RSF=Reporters Sans Frontières, trụ sở ở Paris), Trung Quốc đứng hạng 176 trong số 180 quốc gia trên thế giới về tự do báo chí. Trong bảng đen nầy là các quốc gia độc tài nhất trên thế giới : Việt Nam (hạng 175), Trung Quốc(176), Syrie (177), Turkmenistan(178), Bắc Hàn (179), Eritrea (180). Tại Trung Quốc, sự kiểm duyệt truyền thông là tuyệt đối. Đạo quân cảnh sát internet thiết lập bức Vạn Lý Trường Thành Lửa (Grande Muraille de feu) kiểm soát internet, Google bị cấm hoạt động phải chuyển máy chủ qua Hong Kong, Wikipedia bị thanh lọc đổi thành trang mạng Wikepedia Trung Quốc tên là Baidu Baike, các người tình nghi bị đột nhập điện thư, các bloggers bị khủng bố, và tất cả người đăng ký internet phải ghi tên thật, số căn cước. Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (và đàn em VN Nguyễn Phú Trọng) bị RSF điểm mặt là Hung Thần của Tự Do Báo Chí (Predators of Freedom of Information). Trung Quốc không thể là siêu cường vì một siêu cường không thể là một quốc gia độc tài lạc hậu về đệ tứ quyền.
Những công trình vĩ đại
Nói đến Trung Quốc là phải nói đến chuyện xẻ núi lấp sông và trong các công trình vĩ đại nầy, Trung Quốc tự hào về đập thủy điện Tam Hiệp (Trois-Gorges) và thành lập đặc khu kinh tế Thẩm Quyến (Shenzhen).Bắt đầu thiết kế từ năm 1994, khởi công từ 1997, hoàn tất năm 2009, đập thủy điện Tam Hiệp là tượng trưng cho sức kiến tạo vĩ đại của người dân Trung Quốc (có thể nhìn thấy từ mặt trăng).Tường béton chứa nước cao 185m, dài 2309m, hệ thống đê giữ nước dài 600km, dự trử 4 tỉ m3 và cung cấp 11% điện lực cho Trung Quốc, có thể đưa điện lực đến Thượng Hải cách xa 2000km. Để hoàn tất đập nước phải dùng 27 triệu m3 béton và việc xây dựng con đê ngăn nước phá kỷ lục thế giới, bởi lẽ những chân béton được chôn sâu dưới nước 60m và công tác được thực hiện dưới một lưu lượng khổng lồ của sông Dương Tử là 11300 m3/phút.Đập thủy điện Tam Hiệp thực sự là một đại công trình thủy điện nhưng lại là một đại họa cho Trung Quốc. Về phương diện môi trường, dự án đã tiêu diệt nhiều loại thủy sản và hồ chứa nước là một bãi rác lộ thiên khổng lồ. Đất phù sa bị giữ lại ở thượng lưu (500 triệu tấn mỗi năm) bám vào lòng sông và bờ sông khiến mực nước dâng cao gây lũ lụt ở vùng thượng lưu và đất đai ở hạ lưu chóng cằn cỗi, phải dùng thật nhiều phân bón (phosphore và azote gấp 20 lần), nước bị ô nhiểm. Hồ chứa nước gây ra sức ép cho đất đai xung quanh làm nhà cửa bị hư hỏng, đê và hồ chứa nước đã bắt đầu có vết nứt. Chi phí dự trù là 30 tỉ USD nhưng thực sự lên đến 73 tỉ chưa kể 25 tỉ dùng để sửa chửa liên tục và bồi thường cho 1.5 triệu người tại 12 thành phố bị di dời. Về phương diện xã hội, đập Tam Hiệp gây bất mãn cho người dân trong vùng vì số người bị di dời mất đất, mất nhà, mất xí nghiệp, và quốc gia mất các di tích lịch sử. Người dân phải sơ tán vì đập Tam Hiệp lang thang khắp nước, không biết bao nhiêu người tự tử. Đập Tam Hiệp vĩ đại, nhưng hậu quả về xã hội, kinh tế và môi trường cũng vĩ đại và kéo dài. Một siêu cường không thể vì tự ái dân tộc mà để cho dân tộc gánh chịu các hậu quả triền miên.Khi nói đến chánh sách mở cửa kinh tế của Đặng Tiểu Bình (Deng Xiao Ping) thì phải nói đến câu nói bất hủ của ông : Mèo đen hay mèo trắng không quan trọng, miễn là nó bắt được chuột. Để thu hút đầu tư và kỹ thuật Tây Phương, Đặng Tiểu Bình thành lập những đặc khu kinh tế và mời Tây Phương đến kinh doanh, mở các công ty hỗn hợp (joint-venture) theo đó giới đầu tư ngoại quốc tại các đặc khu được miễn thuế lợi tức hoàn toàn trong 2 năm đầu và 50% trong 3 năm sau.Đặc khu đầu tiên được ra đời là Thẩm Quyến (Shenzhen) vốn là một làng đánh cá nghèo có 30 000 dân thuộc huyện Bảo An, tỉnh Quảng Đông. Chỉ sau 20 năm, Thẩm Quyến trở thành một đại trung tâm kỹ nghệ qui tụ 150 đại công ty trên thế giới, với hơn 6 triệu dân, với những trung tâm nghiên cứu, đại học tối tân. Trên thế giới, chưa có một quốc gia nào xây dựng và phát triển thành phố kỹ nghệ với một vận tốc kinh khủng như Trung Quốc mà chính quyền Thẩm Quyến đã có khẩu hiệu : mỗi ngày một cao ốc, 3 ngày một đại lộ (ý nói thời gian cứu xét dự án). Thẩm Quyến là biểu tượng cho sức mạnh kỹ nghệ của Trung Quốc, do đó Bộ Du Lịch của Trung Quốc đã quảng cáo cho du khách là : Nếu bạn muốn xem nền văn minh Vạn Lý Trường Thành thì đến Trường An (Tây An), nền văn minh 1000 năm thì đến Bắc Kinh, nền văn minh 100 năm thì đến Thượng Hải và nền văn minh thế kỷ 21 thì đến Thẩm Quyến.Sau Thẩm Quyến, những đặc khu khác cũng lần lượt ra đời : Chu Hải (Zhuhai) gần MaCao, Sán Đầu (Shantou), đảo Hải Nam, và sau đó 14 khu kỹ nghệ lần lượt được mở ra tại nhiều thành phố dọc theo bờ biển và vùng đồng bằng sông Châu Giang (Rivière des Perles).
Trung Quốc là nhà máy khổng lồ của thế giới
Trung Quốc đang khai thác thế giới (và thế giới cũng đang khai thác TQ). đứng đầu số sản xuất hàng chục sản phẩm kỹ nghệ. Trung Quốc chiếm từ 50% đến 90% số sản xuất trên thế giới một số sản phẩm sau đây :Sản phẩm gia dụng : frigidaire : 88 triệu, máy lạnh : 144 triệu, quạt máy :140 triệu, máy giặt : 72 triệu, máy hút bụi :85 triệu; điện thoại di động: 1627 triệu, PC : 270 triệu, micro-computers : 350 triệu, TV : 141 triệu, máy nghe nhạc (stéréo players) : 120 triệu; máy chụp ảnh các loại : 100 triệu, quần áo : 89 tỉ thước vải vv…Sản phẩm cơ khí : xe hơi : 12 triệu, xe bus, truck : 5 triệu, tracteurs : 580 000, moto : 25 triệu, xe đạp : 60 triệu, vỏ xe các loại : 965 triệu, vv…Nguyên liệu : Than đá : 3800 triệu tấn, khí đốt :117 tỉ m3, dầu thô : 210 triệu tấn, dầu lọc : 98 triệu tấn, dầu diesel : 172 triệu tấn, ciment : 2400 triệu tấn, thép các loại : 1800 triệu tấn, vv…Với sản lượng như vậy, năm 2014, trị giá hàng xuất cảng 14 440 tỉ yuan và nhập cảng 12 000 tỉ yuan, thặng dư 2400 tỉ yuan (khoảng 390 tỉ USD, tính theo hối suất 1USD=6.1 yuan)(Nguồn : National Bureau of Statistics of China, Statistical communiqué, Feb. 2015).
Mặt trái của những vĩ đại: Nông dân mất đất, mất nhà
Trước tiên, chuyện làm ăn giữa tư bản trắng và tư bản đỏ là một liên minh bốc lột sức lao động của người dân Trung Quốc, bần cùng hóa nông dân và công nhân, đào sâu hố chia cách giàu nghèo. Sự đô thị hóa (xây cao ốc, hạ tầng cơ sở) và kỹ nghệ hóa ( xây nhà máy) ở vùng ven biên nông thôn đã khiến người trung lưu, nông dân phải bán nhà (theo giá của chính phủ ấn định) rồi trở nên vô gia cư, vô nghề nghiệp. Từ khi có chánh sách mở cửa kinh tế năm 1979, Trung Quốc có 200 triệu nông dân phải bỏ nông thôn lên các thành phố sống vất vưởng, tạo thành một giai cấp không nhà, không nghề gọi là dân lưu động (ming gong). Tại các thành phố, cứ mỗi sáng sớm, số người nầy tụ tập ở các ngã đường chờ người đến mướn, làm đủ các nghề nặng nhọc (phần lớn làm phu trong kỹ nghệ xây cất, phụ nữ làm tạp dịch cho nhà giàu). Họ bị chủ nhân bốc lột một cách vô nhân đạo, làm việc không giờ giấc, có khi một ngày lãnh chưa được 10 yuan (trên dưới 1 USD). Những người may mắn hơn có công việc thường trực trong các công ty hỗn hợp như Walt Mart, Nike…, số phận cũng không khá gì hơn. Trong công cuộc hợp tác kinh tế giữa Trung Quốc và ngoại quốc, mặc dù theo nguyên tắc win-win, nhưng Trung Quốc luôn bị giới đầu tư ngoại quốc chèn ép và phải chấp nhận vì nhu cầu phát triển quốc gia và quyền lợi của phe nhóm. Để được giá rẻ, chánh phủ, tư bản đỏ và tư bản trắng bốc lột nhân công quá đáng, lương một người thợ Trung Quốc ít hơn công nhân Mỹ từ 20 đến 30 lần. Một trường hợp diển hình được Antony Bianco kể lại tại công ty Chun Si Enterprise Handbag Factory ở Thẩm Quyến :« 1000 nhân công bị nhốt trong một tòa nhà chật chội, nóng bức, làm việc 12giờ chỉ có 60 phút để ăn, được trả 22 USD mỗi tháng nhưng phải hoàn lại cho công ty 15 USD tiền ăn và ở. Một nhân công đã kể : Muốn đi vệ sinh phải xin phép người cai, và mỗi khâu 70 người chỉ có 2 người được đi nhà vệ sinh cùng lúc và không quá 5 phút mà khoảng cách đến nhà vệ sinh rất xa » (Antony Bianco. The bully of Bentoville, p. 189).
Nền kinh tế của những cổ xanh (col bleu)
Mặc dù hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc vĩ đại, nhưng Trung Quốc chủ yếu chỉ sản xuất các hàng hóa gia dụng rẻ tiền, và đối với các hàng kỹ nghệ nhẹ, trang bị máy móc, Trung Quốc cũng chỉ đóng vai trò lấp ráp các bộ phận chế biến sản xuất từ các xứ Âu Mỹ thiết kế. TQ làm theo phiếu đặt hàng của các xí nghiệp Âu Mỹ rồi xuất cảng trở lại. Trong chuỗi sản xuất nầy, đầu não là Tây Phương, còn Trung Quốc giống như thứ công nhân cổ xanh chỉ biết thừa hành. Số xuất cảng của Trung Quốc khổng lồ thật, nhưng số lợi nhuận rất khiêm tốn bởi lẽ Trung Quốc phải nhập cảng vào nguyên liệu và bộ phận rời. Trung Quốc tự hào là cường quốc kỹ nghệ nhưng thực sự làm mướn cho các đại công ty Âu Mỹ theo mô hình 3M : Manpower=Main d’oeuvre (nhân công TQ), Multinational (đại công ty hỗn hợp), Money= Monnaie (Tiền công).Một trường hợp điển hình. Năm 2007, Steve Jobs đăng đàn quảng cáo chiếc Iphone của Apple sẽ tung ra trên thị trường trong vài tuần, nhưng ông nổi giận khi móc trong túi ra chiếc Iphone mà thế giới trông chờ có những vết trầy trên màn ảnh vì xâu chìa khóa.Steve Jobs ra lịnh phải làm lại tất cả mặt kiếng màn ảnh của hàng triệu Iphone trong 6 tuần, điều mà Corning, đại công ty sản xuất kiếng của Mỹ đã làm ăn với Apple từ lâu bó tay không thể thực hiện trong thời gian quá ngắn như vậy. Foxconn City của Đài Loan làm ăn với Trung Quốc ra tay «nghĩa hiệp». Hàng ngàn kỹ sư, nhân công của Foxconn làm việc 24 giờ mỗi ngày, 6 ngày trong tuần, ăn ở trong hãng. Và Steve Jobs có trong tay hơn 1 triệu Iphone như dự định. Giá thành sản xuất chiếc Iphone 4S là 196 USD gồm các bộ phận là 180 USD (phần lớn nhập cảng), tiền công của Foxconn là 16 USD trong đó chỉ có phân nửa trả cho nhân công. Nếu tính thêm tiền chuyên chở từ Trung Quốc đến thị trường Mỹ, giá thành của chiếc Iphone nầy là 207 USD. Giá bán trong các cửa hàng Apple là 649 USD. Dĩ nhiên phải tính thêm chi phí R&D, nhưng với tiền lời khổng lồ như vậy, trong vòng 10 năm, Apple thu được 145 tỉ USD «cash» phần lớn đi đến những nơi tránh thuế hay thuế nhẹ như quần đảo Virgin, Grand Cayman. (Le choc des empires, p.36-37)Người Cộng Sản hay dùng câu nói bất hủ của Lénine để đề cao sự khôn ngoan của người Cộng Sản : Bọn tư bản bán cho chúng ta sợi dây để chúng ta treo cổ chúng (Les capitalistes nous vendent la corde qui nous servira à les pendre) thì trước hiện tượng Trung Quốc bị tư bản khai thác, Trung Quốc nên tự hỏi ai treo cổ ai. Dĩ nhiên các tư bản đỏ làm ăn với tư bản trắng cũng chia chát phần nào. Sách Xanh năm 2014 về Di cư quốc tế của người Trung Quốc (Blue Book on Chinese International Migration) do Trung Tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (Center for China & Globalisation) biên soạn cho biết từ năm 1990, có 9.3 triệu người Trung Quốc đã đi ra nước ngoài mang theo 2.8 ngàn tỉ yuan (khoảng 46 tỉ USD).Không những lợi nhuận bị chia cắt cho giới đầu tư ngoại quốc, Trung Quốc xuất cảng rất ít các loại máy móc và dụng cụ hạng nặng là các sản phẩm có giá trị thặng dư (plus-value), sức mạnh kinh tế của Trung Quốc vì vậy chỉ có bề mặt mà không có bề sâu, do đó trong sự giao thương với các quốc gia kỹ nghệ, Trung Quốc ít có lợi thế. Thử tưởng tượng muốn mua một chiếc Airbus 380, Trung Quốc phải xuất cảng 800 triệu chiếc chemises, thì với lợi nhuận trung bình khoảng 200 tỉ USD mỗi năm, chính yếu là từ bốc lột nhân công giá rẻ và phí phạm tài nguyên, giấc mộng siêu cường của Trung Quốc chắc phải chờ một biến cố vĩ đại tàn phá Hoa Kỳ mới mong đến được.
Nền kinh tế hàng giả
Trung Quốc chẳng vẻ vang gì với giới đầu tư và người tiêu thụ trên thế giới vì Made in China đồng nghĩa với hàng giả, rẻ tiền, kém phẩm chất. Phân nửa hàng giả lưu hành trên thế giới phát xuất từ Trung Quốc, đem lại 8% lợi tức quốc gia, 90% dĩa hát và 95% DVD phim ảnh lưu hành tại Trung Quốc là những copies. Năm 2010, TQ sản xuất chiếc Ipad bán 100 USD trước khi Apple tung ra thị trường chiếc Ipad Air2 bán giá 600 USD. Hàng giả (nói theo danh từ Việt Cộng là hàng nhái) gồm 60% là hàng đắc giá, luôn cả dược phẩm, thức ăn, bộ phận rời xe hơi . Thức ăn giả, dược phẩm giả của TQ đã tạo ra bao thảm trạng cho người tiêu thụ (La Chine nouvelle, p.80). Chuyện khôi hài là một số quốc gia Phi Châu lên án Trung Quốc vì nhiều phụ nữ bị mang thai bởi lẽ bao cao su Made in China bị lũng.Chẳng những giả mạo hàng hóa, Trung Quốc còn ngang nhiên giả mạo thương hiệu. Nhiều cửa hàng mang bảng hiệu IKEA, Apple Store nhái giống hệt như cửa hàng của IKEA, Apple từ thiết kế đến đồng phục nhân viên, xuất hiện tại nhiều thành phố, thậm chí một ngân hàng của Trung Quốc mở tại Thẩm Quyến lấy tên Goldman Sachs là tên một đại ngân hàng đầu tư danh tiếng của Mỹ. Bị thế giới lên án nhất là sau khi gia nhập vào Tổ chức Thương mại Thế giới, chính phủ TQ tuy có ban hành một số biện pháp, nhưng chỉ là hình thức, chính phủ trừng phạt ai khi mà chính phủ chủ trương gian dối. Hiệu xe QQ xem như loại xe sang trọng của Trung Quốc được sản xuất từ một xưởng quốc doanh ở Quảng Đông là bắt chước Mercedes của Đức và Buick của Mỹ. Xe Geely GE của TQ bán giá 45 000 USD nhái giống hệt chiếc Rolls Royce Phantom giá 370 000USD, chiếc LandWind X7 giá 20 000 USD giống hệt chiếc Range Rover Evoque của hãng Jaguar Land Rover giá 60 000. Cần gì phải đầu tư hàng tỉ bạc cho việc nghiên cứu phát triển R&D. Theo Quỹ Khoa học Quốc Gia (National Science Foundation), trong năm 2009, ngân sách cho R&D của Trung Quốc chỉ có 1.7% GDP so với Mỹ là 2.9%, Đức là 2.8% và Nhựt là 3.3%. Trung Quốc chỉ có hai trường đại học nằm trong danh sách top 100 trường hàng đầu thế giới theo bảng xếp hạng năm 2015-16 của QS World University Rankings. (Tsinghua University hạng 25 và Shanghai Jiao Tong hạng 70) trong khi Mỹ có 30 trường, thậm chí môt quốc gia nhỏ bé về diện tích và dân số là Singapore có hai đại học nằm trong top 20 (hạng 12,13). Ngoài ra, trong số 584 giải thưởng Nobel từ năm 1949 đến 2000 chỉ có 10 người Trung Quốc (trong số có 8 nhà khoa học mà 8 người nầy đều làm việc ở ngoài Trung Quốc). Hai trường hợp ngoại lệ là giải Nobel Hòa Bình năm 2010 trao cho Lưu Hiếu Ba (Liu Xiaobo) và giải Nobel Văn học 2011 trao cho Mặc Ngôn (Mo Yan). Về các bài viết nghiên cứu đăng trong các tạp chí quốc tế chuyên đề, học giả Trung Quốc chỉ chiếm 4% trong khi người Mỹ chiếm đến 49% (theo David Shambaugh. The Illusion of Chinese Power/The National Interest, June 25, 2014). Với tình trạng như vậy, Trung Quốc chỉ là một quốc gia đang phát triển về kỹ nghệ và không thể trở thành siêu cường vì gian dối, không tôn trọng sở hữu trí tuệ và thiếu phát triển tinh thần sáng tạo.
Nền kinh tế quản trị xí nghiệp chậm tiến và quan liêu
Năm 2014, Trung Quốc có 3840 tỉ USD dự trử ngoại tệ, đứng đầu thế giới, nhưng thống kê TQ không xác định bao nhiêu là tiền, bao nhiêu là công khố phiếu Mỹ mà trị giá rất bấp bênh bởi hối đoái. Thoạt nhìn qua, đó là con số rất lớn nhưng so với dân số 1367 tỉ, số dự trử nầy tính theo tỉ lệ thì chẳng có gì gọi là to tát. Hãy xem một quốc gia nghèo như Algérie có 178 tỉ USD dự trử nhưng chỉ với một dân số là 40 triệu, nếu Trung Quốc muốn có một tỉ lê dự trử như Algérie, Trung Quốc phải có một số ngoại tệ là 6 083 tỉ . Ngoài ra, sức mạnh kinh tế của một quốc gia không đo lường bằng dự trử, mà bằng tốc độ lưu hành của khối tiền tệ. Trường hợp Hoa Kỳ là siêu cường chỉ có khối dự trử là 150 tỉ (đứng hang thứ 18 thế giới), nhưng đồng dollar của Mỹ chiếm 45% sức lưu hành trong Giỏ ngoai tệ thế giới (basket of currencies) gồm 4 đồng tiền «mạnh » là USdollar, yen, euro và Anh kim là những đồng tiền được thế giới tín nhiệm trong việc trao đổi tiền tệ thế giới. Tuy ngoại thương của Trung Quốc đứng hàng đầu, nhưng từ 3 thập niên qua, đồng nhân dân tệ (yuan) không được vào trong giỏ tiền tệ nầy vì đồng yuan không được quốc tế tín nhiệm bởi lẽ chính phủ Trung Quốc thường can thiệp kềm giữ giá đồng yuan rất thấp để giữ giá hàng xuất cảng rẻ, bán được nhiều, mặc dù Hoa Kỳ và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) đã nhiều lần làm áp lực để Trung Quốc phải tăng giá đồng yuan (Năm 2006: 1USD=8.06 yuan, 2007: 1USD = 7.52 yuan, 2003 : 1USD = 6.1 yuan). Cho đến ngày 1/10/2015, IMF mới chấp thuận đồng yuan được vào giỏ tiền quốc tế nầy kể từ 1/10/2016 chung với 4 đồng tiền của Mỹ, Euro, Nhật Bổn và Anh Quốc.Mặc dù Trung Quốc đã mở cửa buôn bán với tư bản, nhưng vết tích của nền kinh tế quốc doanh vẫn tồn tại. Các ngân hàng quốc doanh là trung tâm của tham nhũng bởi lẽ các doanh thương phải tùy thuộc vào ơn mưa móc của người quản trị ngân hàng, dĩ nhiên là bè phái đảng viên. Ngân hàng Trung ương thường phải bơm tiền vào các ngân hàng quốc doanh địa phương để trả nợ xấu (cá nhân hay công ty phe đảng quỵt nợ, khai phá sản). Cách quản lý xí nghiệp không có văn hóa kinh doanh, vẫn coi trọng hệ thống thứ bậc, quan liêu, xem thường sự phân nhiệm theo khả năng chuyên môn, hoạt động kinh doanh bị bòn rút và thủ tục kế toán thường bị gian lận. Sự kiện các công ty Trung Quốc thiếu khả năng cạnh tranh cũng thể hiện khi nói đến thương hiệu quốc tế. Chỉ có một số rất ít thương hiệu được biết đến ở nước ngoài như bia Thanh Đảo (Beer Tsintao) công ty máy gia dụng Haier, Lenovo, công ty viễn thông Huawei, công ty Air China, công ty sản xuất xe hơi Geely…nhưng không một công ty nào có tên trong Business Week/Interbrand Top 100 Global Brands (David Shambaugh)– Một số hiện tượng khác cũng làm kinh tế Trung Quốc bắt đầu gặp khó khăn gần đây.* Chỉ số tăng trưởng kinh tế sụt giảm mỗi năm : Năm 2010 : 10.63% ; 2011 : 9.48%; 2012 : 7.75%; 2013 : 7.68%; 2014 : 7.35%, 2015 : 6.45% (Perspective monde. Université de Sherbrooke).* Sự kiện vỡ bong bóng chứng khoán hồi mùa hè 2014 và tiếp tục thỉnh thoảng sau đó làm người dân mất tài sản, bởi lẽ tin theo những tuyên truyền của chánh phủ, nhiều người vay tiền ngân hàng, bán nhà để đầu tư chứng khoán. Để đối phó, chánh phủ phải hạ giá đồng yuan càng tăng thêm áp lực cuộc khủng hoảng tiền tệ. Theo tin của Bloomberg, số xuất cảng xuống thấp nhất trong 6 năm qua và chỉ số chứng khoán của Thượng Hải đã sụt giảm liên tục sau đó từ 5.5% đến 2.5% chỉ trong tháng 7. Hỗn loạn kinh tế kéo theo hỗn loạn chính trị và xã hội. Ngày 12 tháng 8, 2014, vụ nổ kho chứa chất hóa học ở Thiên Tân khủng khiếp chưa từng có, tàn phá cả một khu vực rộng lớn làm thiệt mạng ít nhất 160 người và bị thương 700 người. Hai vụ nổ tiếp theo ở Quảng Đông và vụ nổ thứ tư ở Triết Giang cách nhau mỗi vụ mấy ngày khiến dư luận cho đó là một cuộc thanh toán chính trị giữa phe của chủ tịch tiền nhiệm Giang Trạch Dân và phe của đương nhiệm Tập Cận Bình. Cuộc tranh chấp dưới chiêu bài diệt tham nhũng đang làm đảng Cộng Sản lung lay.* Vì sản xuất bừa bãi không kế hoạch, sản xuất hàng xấu, hàng giả bị trả lại, Trung Quốc phải đối diện với tình trạng dư thừa sản lượng, hàng hóa tồn kho khổng lồ, từ sản phẩm kỹ nghệ nặng như ciment, sắt, thép, xe hơi đến hàng gia dụng như quần áo, da thuộc, đồ chơi…Trung Quốc và tư bản hôm nay cũng không thể tiếp tục bốc lột nhân công như hai thập niên trước, do đó các công ty ngoại quốc lần lượt di chuyển sang các quốc gia lân bang của Trung Quốc như Việt Nam, CamBot, BanglaDesh, Pakistan… giá nhân công rẻ hơn nhân công của Trung Quốc mà sản phẩm có phẩm chất hơn. Trung Quốc phải xoay qua làm ăn với Phi Châu và Trung-Nam Mỹ mà lương nhân công ở đây lại còn ít hơn ở Trung Quốc rất nhiều, nhưng TQ phải cần thời gian tổ chức và thích nghi.Thời hoàng kim kinh tế bốc hốt của Trung Quốc đang tàn , Trung Quốc đang phải «tái cơ cấu» để đối diện với các khó khăn trăm bề, từ kinh tế đến chính trị, từ đối nội đến đối ngoại, chuyện siêu cường Trung Quốc là chuyện mộng mơ.
Ô nhiểm tàn phá đất nước
Để sản xuất nhanh và rẻ, Trung Quốc không tôn trọng bảo vệ môi trường, thải các hóa chất độc hại bừa bãi xuống đất, xuống nước, trong không khí. Để gia tăng năng xuất nông nghiệp, Trung Quốc dùng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu làm cho đất cằn cỗi. nứt nẻ, các kim loại nặng thấm xuống đất, mạch nước. Bộ Canh Nông TQ cho biết mỗi năm TQ mất 1 triệu mẫu đất vì không còn canh tác được. Mặc dù Trung Quốc thiếu nước (mỗi người dân chỉ có quyền sử dụng trung bình 300 m3 nước /một năm, trong khi nhu cầu tối thiểu là 1000m3/năm), vì nguồn nước bị ô nhiểm, 700 triệu dân phải dùng nước «có mùi vị» đặc biệt của chất thải kỹ nghệ, của người và các trại chăn nuôi vì nước không được xử lý.Trung Quốc còn là quốc gia thải ra khí gây hiệu ứng nhà kính (gaz à effet à serre) nhiều nhứt thế giới với khí CO2 và méthane thải từ than đá là nguồn năng lượng chính yếu sử dụng trong kỹ nghệ và trong gia đình (TQ sản xuất than đá nhiều nhất mà cũng tiêu thụ nhiều nhất thế giới). Ngoài ra, phải kể thêm hàng trăm triệu xe đủ loại sử dụng loại xăng của TQ có lượng sulfure rất cao mà từ 30 năm nay, Trung Quốc không cải thiện vì hai công ty lọc dầu lớn nhứt của Trung Quốc là công ty quốc doanh.Theo báo cáo của Bộ Bảo Vệ Môi Trường Trung Quốc năm 2013, « 70% thành phố của Trung Quốc không đạt tiêu chuẩn về không khí sạch. Bắc kinh được xem là một trong số 10 thành phố lớn bị ô nhiểm nhiều nhất trong 4 tháng đầu năm 2013, số ngày bị sương mù lên đến 46 ngày…, số người nhập bịnh viện vì sưng phổi và ung thư phổi tăng lên 50% trong thập niên qua. Nhiều thành phố sẽ phải đóng cửa trường học, giảm giờ làm việc, ngưng các sinh hoạt ngoài trời do nạn ô nhiễm không khí hoành hành…70% các con sông và 90% các khúc sông đi qua các thành phố bị ô nhiễm nặng… » (Viện Nghiên Cứu Trung Quốc. Xã hội Trung Quốc năm 2013).Ngân Hàng Thế giới đánh giá ô nhiễm nước và không khí làm thiệt hại từ 3 đến 8% sản lượng quốc gia và trong số 50 thành phố lớn trên thế giới bị ô nhiễm nhiều nhất, Trung Quốc có 16 mà Bắc Kinh và Thượng Hải đứng đầu (Le défi chinois, p.60)Ngoài ra, TQ còn phải đối diện với 50 triệu tấn chất thải điện tử mỗi năm gồm các loại máy móc, thiết bị điện tử phế thải, và nếu phải dùng xe vận tải chở các loại vật dụng phế thải nầy, đoàn xe sẽ dài đến nửa vòng trái đất. TQ chỉ kỹ nghệ hóa mới 30 năm mà đã gặp bao nỗi kinh hoàng.Tuy là quốc gia không tôn trọng các tiêu chuẩn môi trường, nhưng trong các hội nghị quốc tế, Trung Quốc lại lên giọng đạo đức kết tội các quốc gia kỹ nghệ khác, đưa ra những tiêu chuẩn thật cao nhưng lật lọng không chịu công bố những chỉ tiêu mà Trung Quốc sẽ thực hiện với lý do bảo vệ chủ quyền quốc gia.Trung Quốc không thể là một siêu cường vì Trung Quốc không tôn trọng các luật lao động và môi trường quốc tế, gây tác hại không phải chỉ cho Trung Quốc mà cho cả thế giới.
Hỗn loạn xã hội - Phân hóa giai cấp
Sự khai phóng Trung Quốc đã tạo ra sự phân cách các giai cấp và hỗn loạn xã hội TQ. Trước 1990, Trung Quốc chỉ có 2 giai cấp : nông dân và công nhân cộng thêm một thiểu số trí thức. Từ 2001, theo Viện Khoa Học Xã Hội (China Academy of Social Sciences) Trung Quốc có đến 9 giai cấp chênh lệch rất nhiều về lợi tức và điều kiện sống.*Giới nhà giàu (10%) gồm : các tỉ-triệu phú (1%), nhà giàu mới (5%), giới lãnh đạo cao cấp (4%). TQ có 315 tỉ phú (mỹ kim) và hơn 1 triệu triệu phú, nhưng trong thực tế con số cao hơn nhiều vì không biết được số đảng viên cao cấp là tỉ-triệu phú làm giàu nhờ tham nhũng từ 30 năm nay.*Giới trung lưu (50%) gồm : trí thức, nông dân giàu, nhân viên chính phủ. Có khoảng 500 triệu người, đa số là thị dân, phát triển từ thời Trung Quốc mở cửa. Mức thu nhập của họ từ 250 đến 400 USD mỗi tháng với thời gian làm việc là 60 giờ/tuần. Một số chuyên viên có cấp bằng đại học, chủ các xí nghiệp gia đình có lợi tức đồng niên có thể lên đến 7000 USD, nhưng họ vẫn có một đời sống chật vật vì vật giá leo thang, đặc biệt phải chi tiêu một phần rất lớn để thuê nhà. 85% người Trung Quốc không có nhà riêng cho dù họ thuê hay mua.Tại các thành phố lớn, chỉ có giới nhà giàu mới mua được nhà vì giá nhà vượt quá khả năng của giới trung lưu.*Giới nhà nghèo (40%) gồm : công nhân, nông dân, dân lưu động (ming gong), có độ 400 triệu, là thành phần bị bạc đãi, đời sống cực kỳ khó khăn đặc biệt với hơn 100 triệu lưu dân vô gia cư, vô nghề nghiệp. sống với 1 USD một ngày, dưới ngưỡng nghèo cùng cực theo chỉ tiêu của Liên Hiệp Quốc ( Le choc des empires, p.29-30)Theo «Báo cáo Sinh Kế của dân Trung Quốc năm 2014» đăng trong China’s People’s Daily : 1% dân số là gia đình giàu chiếm 30% tài sản của quốc gia trong khi 25% dân số là người nghèo chỉ chiếm có 1% tài sản quốc gia».Trong tình trạng khốn đốn của giới trung lưu và giới nghèo như vậy, 100 triệu người giàu, có mức sống như người giàu Tây Phương. Dọc theo bờ biển từ Chu Hải đến Ma Cao, hàng cây số những ngôi biệt thự tráng lệ xây trên núi trông ra biển, những sân golf với 100 000 USD để vô hội, 30 000 USD niên liễm và 100 USD mỗi giờ chơi mà số người chờ tới phiên mình được gia nhập hội cũng giống như các bà mẹ ở Québec trông chờ một chỗ trống cho con mình trong nhà giữ trẻ 7$/ngày (chơi golf ở TQ là môn thể thao cực kỳ đắt vì TQ thiếu đất, thiếu nước tưới cỏ ).Xã hội TQ đã xuống cấp chỉ sau 30 năm mở cửa. Nạn băng đảng bành trướng khắp nơi. Thiếu nhi phạm pháp là hậu quả tất nhiên của nghèo đói, bị trường học xua đuổi vì không có tiền đóng học phí (con của người dân lưu động không có hộ khẩu), ảnh hưởng của phim ảnh đồi trụy tràn lan tại các thành phố kỹ nghệ. Nạn mãi dâm trước kia giấu diếm, nay trở nên công khai, 8 triệu gái mãi dâm và 30% mắc bịnh Sida theo OnuSida, hậu quả của nghèo đói và chính sách một con (Chine, de Pékin à HongKong, p.82,86). Những bước tiến kinh tế của TQ vĩ đại, nhưng những vết thương xã hội của TQ cũng vĩ đại.
Chánh sách một con và người già
Năm 1979, Đặng Tiểu Bình qui định chánh sách 1 con để giảm bớt dân số . Nếu chánh sách 1 con giải quyết phần nào nạn nhân mãn, chánh sách nầy đã mang lại những hậu quả kinh tế và xã hội trầm trọng.Trước tiên, dân số lao động mỗi năm giảm 10 triệu từ năm 2005 và dân số trẻ từ 20-24 tuổi sẽ giảm 25% trong thập niên tới. Trong khi lực lượng trai trẻ giảm xuống, số người già tăng theo nhịp lũy tiến : năm 2008 có 170 triệu người trên 60 tuổi (13% dân số), năm 2013 tăng lên 200 triệu và năm 2050 thì cứ 3 người dân có 1 người già.Việc săn sóc và an sinh cho người già là vấn đề trọng đại cho quốc gia và gia đình Trung Quốc. Theo đạo lý và luật pháp TQ, người con phải nuôi cha mẹ và ông bà. Đó là cái cơ cấu đại gia đình theo mô hình 1-2-4 (1: đứa con trai, 2: cha mẹ, 4 : ông bà nội, ông bà ngoại) mà đứa con trai phải đảm nhận (người con gái đi lấy chồng thì thuộc về nhà chồng, bi đát cho vợ chồng có đứa con duy nhất là con gái). Ngoài chuyện gồng gánh gia đình, người trẻ trong tuổi lao động hôm nay còn phải đóng góp quỹ hưu bỗng càng lúc càng nặng để nuôi người già càng lúc càng tăng. Năm 1980, 13 người làm việc để nuôi 1 người già, tỉ lệ nầy giảm xuống còn 3/1 năm 2013 và đến năm 2050 thì cứ 2 người làm việc để nuôi 1 người già. Đó là viễn ảnh kinh tế đen tối mà TQ phải đối diện. Năm 2010, TQ có 45 000 nhà dưỡng lão, chỉ có thể cung cấp 10 chỗ cho 1000 người so với tỉ lệ thông thường từ 50 đến 70 người tại các quốc gia phát triển. Bởi lẽ chế độ hưu bỗng tại TQ chỉ mới bắt đầu từ năm 1997 tại một số thành phố, đa số là cho công chức và xí nghiệp, đến năm 2005 chỉ có 170 triệu người có hưu bỗng, còn lại người già ở nông thôn chỉ trông cậy vào con. Gần đây, tại một số tỉnh ở phía Bắc và phía Tây là vùng có lợi tức thấp, chính phủ phát cho người già mỗi năm 600 yuans (khoảng 100 USD), nhưng với cơ cấu kỹ nghệ và kinh tế lạm phát, đa số người già bị bỏ rơi vì con cái không lo nổi cho đời sống của chính chúng nó. Tại TQ, mỗi năm trung bình có khoảng 2 triệu người già tự tử. (China Daily, 14/2/2006).Chế độ 1 con đã phát sinh tham nhũng khắp nơi vì người giàu lo lót cho chính quyền địa phương làm ngơ để có thể có đứa con thứ 2 (từ năm 2015, chánh phủ chấp nhận đứa con thứ 2 nhưng phải đóng thuế rất cao cho chính phủ). Chế độ nầy cũng tạo ra việc phá thai khi siêu âm cho biết bào thai là con gái, tuy luật pháp cấm đoán, nhưng hiện tượng phá thai, giết trẻ sơ sinh là gái hay đem con gái bỏ vô viện mồ côi vẫn là chuyện thường tình ở Trung Quốc. Báo Figaro trong số ngày 16/3/2013 cho biết Căn cứ vào những con số của Bộ Y Tế TQ, từ năm 1971 đến 2000 có 330 triệu vụ phá thai, đặc biệt trong thời gian từ 1983 đến 1991, mỗi năm có đến 14 triệu . Trung bình, mỗi năm có hơn 10 triệu vụ, nhiều hơn tất cả các quốc gia trên thế giới gộp lại. Hậu quả là hiện tượng nầy làm đảo lộn giới tính, tỉ lệ thông thường là 106 nam/100 nữ, nhưng tại TQ là 123 nam /100 nữ (Autrement, Paris, 2007, p. 21). Đàn ông khó kiếm được vợ, 90% người độc thân trên 30 tuổi là đàn ông, Năm 2020, 40 triệu thanh niên TQ sẽ không kiếm được vợ (La Chine nouvelle, p.54).
Tham nhũng là đại họa
Tham nhũng là một đại họa làm Trung Quốc bị thất thoát từ 400 đến 1600 tỉ USD mỗi năm. Từ nhiều năm nay, TQ đã lập ra nhiều ủy ban bài trừ tham nhũng, ban hành nhiều biện pháp chống rửa tiền và ký thỏa ước dẫn độ các phạm nhân với 23 nước trên thế giới, nhưng tham nhũng là bịnh nan y đối với xã hội Trung Quốc bởi lẽ chuyện «đền ơn» nằm trong tập tục giao tế của người dân. Ngoài ra, theo luật hình sự, những món quà dưới 10 000 yuans (khoảng 1 700 USD) không phải là hối lộ và các cuộc tranh tụng dân sự thường theo thủ tục ăn chia tứ-tam-tam (tiền bồi thường chia 40% cho ông tòa, 30% cho các viên chức làm việc trong vụ án và 30% cho người thắng kiện).Cho đến nay, nỗ lực chống tham nhũng của Tập Cận Bình với chánh sách «đả hổ đập ruồi» đã cách chức ít nhất là 36 quan chức từ cấp Thứ trưởng trở lên, và hàng chục tướng lãnh trong vòng 20 tháng đầu cầm quyền. Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng cho biết năm 2013 Ủy ban này đã trừng phạt 182.000 cán bộ (Journal de Montréal 28/12/2015). Trong số những “con hổ” bị Tập Cận Bình đánh có nhiều lãnh đạo cấp tỉnh như Bí thư thành ủy Trùng Khánh Bạc Hy Lai (Bo Xi Lai), Từ Tài Hậu (Xin Caihou), một trong những tướng lãnh có thế lực nhất Trung Quốc, Chu Vĩnh Khang (Zhou YongKang), cựu Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị, bộ trưởng Bộ Công An là “con hổ” to nhất cho đến nay. Tài sản của những con hổ tham nhũng nầy khổng lồ thí dụ như Lệnh Kế Hoạch (Ling Jihua), nguyên bí thư của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào có hai dinh thự cổ ở Tokyo trị giá nửa tỉ USD, Từ Tài Hậu có một tấn tiền mặt gồm mỹ kim, euro và hàng trăm kg đá quý, đồ cổ chôn trong một hầm bí mật phải dùng 10 xe vận tải để chở đi khi bị khám phá. Sau 30 năm, tham nhũng lan tràn từ quân đội đến hành chánh, từ trung ương đến địa phương giống như ung thư đang hoành hành người bịnh đến giai đoạn cuối. Tập Cận Bình đang đối diện với một vấn đề cực kỳ khó khăn : phải diệt tham nhũng để tái quân bình kinh tế, nhưng diệt tham nhũng là bức dây động rừng, gây chống đối làm suy yếu đảng. Không chống tham nhũng thì đảng sẽ tan vở, nhưng chống tham nhũng mạnh tay cũng đưa đến kết quả tương tự. Trung Quốc không thể là siêu cường khi phải đối diện với đại nạn tham nhũng.
Vị thế của Trung Quốc trên thế giới
Trung Quốc chỉ có tiếng sản xuất nhiều hàng và hàng rẻ, hàng giả, nhưng trong nhiều lãnh vực khác, Trung Quốc không vẻ vang gì, chỉ được xếp hạng từ trung bình đến gần cuối bảng.–Tự do báo chí : Năm 2014, Freedom House xếp TQ hạng 183 trong số 197 quốc gia về tự do báo chí.–Tham nhũng : Năm 2014, Transparency International xếp TQ hạng 100 trong số 175 quốc gia được khảo sát. Chỉ trong một năm, Trung Quốc sụt 20 điểm trong bảng xếp hạng (hạng 80 năm 2013).Tham nhũng là một đại nạn của Trung Quốc và đàn em Việt Nam học kỹ bài bản của đàn anh để áp dụng y chang ở VN.–Phát triển con người : Cơ quan Phát Triển Con Người thuộc Liên Hiệp Quốc (United Nations Development Programme) tổng hợp các yếu tố về lợi tức, giáo dục, y tế, tuổi thọ để xếp Chỉ số phát triển con người (Human Development Index = HDI). Năm 2015, chỉ số HDI của TQ hạng 90 trong số 188 nước.–Chỉ số Cạnh Tranh Toàn Cầu (Global Competitiveness Index = GCI) do cơ quan Diễn Đàn Quốc Tế World Forum tổng hợp từ 12 chỉ tiêu, Trung Quốc đứng xa Hoa Kỳ về các chỉ tiêu quan trọng:* Giáo dục Đại học và Đào tạo (Trung Quốc 68 / Hoa Kỳ 6)* Tính linh hoạt của công nghệ (Trung Quốc 74 / Hoa Kỳ 17)* Mức độ tinh vi của Doanh nghiệp (Trung Quốc 38 / Hoa Kỳ 4)* Tự đổi mới (Trung Quốc 31 / Hoa Kỳ 4)Năm 2015, TQ hạng 28 thua xa Nhật (hạng 9), Hong Kong (7), Hoa Kỳ (hạng 3) Singapore (hạng 2), Thụy Sĩ (hạng nhứt).– Chỉ số sáng tạo toàn diện (Global Innovation Index = GII) là công trình nghiên cứu của tổ hợp ba cơ quan danh tiếng : Cornell University, Business School for the World (INSEAD) và World Intellectual & Property Organization (WIPO). Báo cáo của Tổ hợp cung cấp dữ liệu và bảng sắp hạng của 143 quốc gia liên quan đến chủ đề sáng tạo qua nhiều yếu tố đa dạng và đa chiều. Bảng sắp hạng nầy cung cấp trình độ văn hóa, chính trị, kinh tế của các quốc gia với những phân tích và tổng hợp của những nhà nghiên cứu và cơ quan quốc tế thẩm quyền chuyên ngành. Năm 2014, Trung Quốc được xếp hạng 29 trên 141 quốc gia.– Chỉ số Quốc gia Tốt (Good Country Index) : mục đích của Chỉ số Quốc Gia Tốt để đo lường mức độ đóng góp của mỗi quốc gia cho thế giới và nhân loại. Chỉ số sử dụng 35 hệ thống dữ liệu (dataset) tổng hợp thành 7 lãnh vực, được cung cấp bởi Liên Hiệp Quốc vàcác tổ chức phi chính phủ quốc tế. Bảng xếp hạng của Trung Quốc năm 2014 trong từng lãnh vực rất thấp, từ dưới trung bình đến gẩn cuối bảng trong số 125 quốc gia khảo sát. Thứ hạng của các lãnh vực :* Khoa học kỹ thuật, kiến thức : hạng 54 (số sinh viên ngoại quốc đến học, số bài đăng trên tạp chí quốc tế, số người đoạt giải Nobel, số bằng phát minh quốc tế).* Văn hóa : hạng 91 (số xuất cảng sản phẩm, dịch vụ sáng tạo, tự do báo chí, số người dân các quốc gia đến không cần giấy nhập cảnh) .* Hòa bình và An ninh thế giới : hạng 59 ( số quân và số tiền đóng góp cho hòa bình thế giới, số võ khí xuất cảng)* Trật tự thế giới : hạng 94 ( tỉ lệ đóng góp từ thiện, số người tị nạn nhận và bỏ xứ ra đi, số hiệp ước ký* Bảo vệ môi trường thế giới : hạng 96 ( lượng thải CO2, méthane, ô nhiểm nước)* Thịnh vượng và bình đẳng thế giới : hạng 108 (số tiền đầu tư ra nước ngoài, số xuất cảng)* Y tế và An Sinh thế giới : hạng 70 (số lương thực viện trợ, số dược phẩm xuất cảng, số lượng ma túy tịch thu)Tổng hợp các yếu tố trên, Trung Quốc được xếp hạng 107 trong số 125 quốc gia, thua cả những quốc gia nghèo hay chậm tiến Á-Phi như : Lào, Soudan, Nigeria, Congo, Ấn độ, BanglaDesh, Sri Lanka., Pakistan . Điểm đặc biệt là đàn em Cộng Sản Việt Nam đứng áp chót (hạng 124) chỉ hơn quốc gia độc tài Lybie (125).Những thành tích tầm thường của Trung Quốc trên trường quốc tế cho thấy Trung Quốc thực sự chỉ là một quốc gia có lợi tức và sáng tạo trung bình, một nền kinh tế lung lay, một chính quyền độc tài và tham nhũng bỏ rơi người dân trong bất bình đẳng và nghèo khổ. Siêu cường chỉ là một tuyên truyền láo khoét cố hữu của chế độ cộng sản.
Kết luận
Trung Quốc là một quốc gia vĩ đại, cao cả và bạo tàn. Chính bản chất nầy khiến Trung Quốc đã trải qua những thời đại vinh quang lẫn tủi nhục. Sau một thế kỷ bị trị và cô lập, Trung Quốc đã chổi dậy và đang viết lại lịch sử của thời hưng thịnh. Tuy TQ đã thực hiện được một số vĩ đại trong một số lãnh vực trong 30 năm qua, nhưng căn bản của nền kinh tế TQ vẫn còn mang dấu vết cùa nền kinh tế các quốc gia đang lên (pays émergents) như tên gọi khối BRICS trong dó có Trung Quốc (Brazil, Russia, India, China, South of Africa). Ngoài ra, thể chế Cộng Sản mà Trung Quốc không thể rời bỏ được đã và đang kềm giữ Trung Quốc trong trạng thái của nền kinh tế tư bản định hướng chủ nghĩa xã hội, mô hình kinh tế chỉ có TQ và đàn em VN xây dựng và củng cố. Chẳng giống ai. Dù Trung Quốc đã đạt được vị trí một cường quốc kinh tế thứ hai với bao nhiêu hi sinh và thất bại, Trung Quốc hôm nay vẫn được xem như một thứ cường quốc nửa vời.Với những yếu tố quân sự và ngoại giao mà chúng tôi sẽ phân tích như Trung Quốc là một cường quốc cô đơn, Trung Quốc sẽ khó có thể trở thành một siêu cường.
* Thư mục chính yếu:
La Chine et le monde : quelles nouvelles relations, quels nouveaux paradigmes ? – Ste-Foy : Presses de l’Université du Québec, 2015.National Bureau of Statistical of China. Statistical Communiqué of the People’s Republic of China on the 2014 National Economic and Social Development. Feb.26, 2015.Digital in China in We are Social, August, 2015.David Shambaugh. The Illusion of Chinese Power in The National Interest, June 25, 2014.Jean-Michel Quatrepoint. Le choc des empires. –Paris : Gallimard, 2014.Cyrille J.D – Javary. La Chine nouvelle, être riche et glorieux. – Paris : Larousse, 2006.Frédéric Lasserre. L’éveil du dragon. – Ste-Foy : Presses de l’Université du Québec, 2006.WikipediaNhững trang mạng có bài viết về chủ đề.
Giáng sinh 2015
Lâm Văn Bé
Đăng ngày 02 tháng 03.2016