Đồng bằng sông Cửu Long

biến thành «vùng sâu vùng xa»

Lâm Văn Bé

Vùng sâu vùng xa là danh từ của cộng sản dùng để chỉ vùng đất mà trước đây người Việt gọi là miền Thượng Du Bắc Việt và miền Cao nguyên Trung Việt, nơi cư trú của các sắc dân bản địa/dân tộc thiểu số nghèo đói và bị tụt hậu so với những khu vực khác.
Sau khi chiếm Miền Nam và sau nhiều lần đổi tên các vùng miền địa lý, chánh quyền cộng sản đã chia Việt Nam thành 6 vùng kinh tế xã hội gồm 63 tỉnh/thành phố (58 tỉnh+5 thành phố là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Hồ Chí Minh và Cần Thơ.

Các vùng như sau:
Vùng 1- Đồng Bằng Sông Hồng- ĐBSH (trọng điểm: Hà Nội, Hải Phòng)
Vùng 2- Trung Du và Miền núi phía Bắc
Vùng 3- Bắc Trung Bộ và Duyên hải Miền Trung (trọng điểm: Đà Nẳng
Vùng 4- Tây Nguyên
Vùng 5- Đông Nam Bộ (trọng điểm: TP Hồ Chí Minh)
Vùng 6- Đồng Bằng Sông Cửu Long - ĐBSCL (trọng điểm: TP Cần Thơ).

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vựa lúa lớn nhứt, thủy hải sản nhiều nhứt, cây trái phong phú nhứt, nhưng đồng thời cũng là vùng nghèo nhứt, nhà ở tồi tệ nhứt, giáo dục thấp nhứt, đó là những nghịch lý bi đát của vùng ĐBSCL. So sánh một số thống kê về mức sống của 6 vùng, người viết muốn chứng minh là vùng ĐBSCL hôm nay tụt hậu nhứt, nghèo nhứt của Việt Nam, nếu không kể vùng Tây Nguyên vốn là vùng đất luôn bị tụt hậu của các dân tộc thiểu số.

Mức sống của 6 vùng kinh tế-xã hội (%)


    Nguồn : Báo cáo nghèo đa chiều VN 2020.- Thống kê VN;  UNDP Liên Hiệp Quốc. tr.16
                 Khảo sát mức sống 2020. - Thống kê VN, 2022

Về ngưỡng nghèo, năm 2020 chánh phủ VN quy định chuẩn nghèo mỗi người/mỗi tháng là 2 triệu đồng ở thành thị và 1.5 triệu đồng ở nông thôn (trước đó là 1.5 triệu và 1 triệu). Chuẩn nghèo nầy bằng với chuẩn nghèo cùng cực áp dụng cho các quốc gia kém phát triển trên thế giới theo Ngân hàng Thế giới (năm 2022: 2.15 USD /người/ngày; năm 2007: 1.9 USD và trước đó là 1.25). (Ajustement des seuils internationaux de pauvreté / Banque Mondiale, Mai 2022).
Tuy nhiên, nghèo không phải chỉ được tính bằng tiền tệ mà bằng mức sống gọi là nghèo đa chiều gồm nhiều yếu tố trong đó chính yếu là giáo dục, y tế, nhà ở, nước sạch, vệ sinh…

Bảng thống kê trên cho thấy sự cách biệt quá lớn về nghèo đa chiều các vùng, đặc biệt giữa vùng Đồng Bằng Sông Hồng (ĐBSH) và Đồng Bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL).
- Về nghèo, vùng Đồng Bằng Sông Hồng (vùng 1) có tỉ lệ nghèo đa chiều thấp nhứt (0.3%) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (vùng 6) cao nhứt (7.9%) nếu không kể vùng Tây Nguyên. Mức độ  giàu nghèo giữa hai vùng cách nhau lên đến 26 lần.
- Về nhà ở, Thống Kê Việt Nam phân biệt 4 loại nhà: kiên cố, bán kiên cố, thiếu kiên cố và thô sơ. Vùng ĐBSH có đến 91.6% nhà kiên cố, chỉ có 0.1% nhà thô sơ. Bảng thống kê trên đã phơi bày một khía cạnh đen tối trong đời sống của người dân vùng ĐBSCL. Số nhà kiên cố ở vùng ĐBSCL ít nhứt nước (8.9%) so với vùng ĐB Sông Hồng nhiều gấp 10 lần (91.6%), và số nhà tạm, nhà tồi tàn chiếm kỷ lục (ĐBSCL: 4.2% so với 0.1% ở vùng ĐBSH, gấp 42 lần).
- Về vệ sinh, đặc biệt vùng ĐBSCL tỉ lệ cầu xí trên sông nước lên đến mức độ không tưởng tượng được (13.9%) trong khi tất cả các vùng khác gần như không có. Người dân ở vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long đâu phải là người Ấn Độ sống ven Sông Hằng?
- Về Giáo Dục (dân số từ 15 tuổi trở lên)


  Nguồn: Khảo sát mức sống dân cư năm 2020. -  Thống kê VN 2022, tr. 116-118

Giáo dục là căn bản của sự phát triển con người. Trước 1975, giáo dục Việt Nam Cộng Hòa đã bành trướng với các viện đại học tiến bộ, các trường học từ tiểu  đến trung học phát triển rộng rãi đến tận các làng xã, trong khi các trường học ở miền Bắc thiếu trang bị, phải sơ tán vì bom đạn, vì nghèo đói. Vậy mà hôm nay, giáo dục tại Vùng Đồng Bằng Sông Hồng, số học sinh dốt (không đến trường, không bằng cấp) chỉ có 5.4% trong khi tại vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long lên đến 27.1%, cao nhứt nước. Nhiều gia đình nghèo đành phải để con thất học, trẻ con phải đi làm để phụ giúp gia đình. Từ bao năm nay, các kế hoạch phát triển của nhà nước, của các chương trình viện trợ vẫn cứ tập trung ở các vùng miền khác, cộng thêm mức sống quá thấp khiến tỉ lệ thất nghiệp ở vùng ĐBSCL rất cao, phụ huynh và học sinh không tha thiết đến việc học, bởi lẽ có bằng cấp cũng không có việc làm ngoài công việc tay lấm chân bùn. Ngoài ra, đường giao thông còn là trở ngại lớn cho  giáo dục và mọi sinh kế. Các trường học thường xa nhà, trẻ con phải đi bộ nhiều cây số trên các đường lầy lội, qua các cầu tre vắt vẻo hay trên các ghe xuồng. ĐBSCL có 13 tỉnh/thành mà 11 tỉnh phải đi chung một con đường là Quốc Lộ 1A từ cầu Mỹ Thuận đến Trung Lương, các đường liên tỉnh thì nhỏ hẹp, suy sụp. Trong cả vùng hiện nay chỉ có 80 km đường cao tốc, nhưng trong phiên họp tại Cần Thơ ngày 05/02/2023, Thủ Tướng Phạm Minh Chính thông báo là năm 2026, ĐBSCL sẽ có 554 km đường cao tốc. Trong 48 năm qua chỉ có 80km, trong 3 năm tới sẽ thêm gần 500 km, quả thật là nói láo trơ tráo mà không biết ngượng.
Tóm lại, với chánh sách bần cùng hóa, ngu dân, bất bình đẳng đối với người dân miền Nam, cộng thêm với sự bất tài, độc tài và chánh sách kỳ thị địa phương, đảng và nhà nước cộng sản đã biến ĐBSCL từ một vùng đất trù phú trước 1975 nay trở nên nghèo khổ, chậm tiến về mọi phương diện, chỉ ngang hàng với các «vùng sâu, vùng xa» của các dân tộc thiểu số.

Bần cùng hóa, bất bình đẳng đối với người dân miền Nam
Liền sau khi chiếm Sài Gòn, những người dép râu nón cối từ rừng ra, từ miền Bắc tràn vào miền Nam, áp dụng chánh sách 4V (vào vơ vét mang về) để hưởng được những tiện nghi mà cả đời họ chưa bao giờ biết đến, rồi ở lại chiếm nhà chiếm đất, ăn cướp tài sản của dân miền Nam. Chánh sách 4V nầy lại tiếp nối với chánh sách trả thù phe thua cuộc khiến hơn 1 triệu quân cán chánh, kể cả tu sĩ, phụ nữ, phải bị cầm tù trong các trại cải tạo, rồi đánh phá tư sản, lùa dân đi kinh tế mới. Trong 10 năm, từ 1976-1985 có 2.8 triệu người bị cưỡng bức đi kinh tế mới, trong đó 2/3 bị đi vùng ĐBSCL (Patrick Gubry. Population et développement au VN, p.201). Chỉ trong 3 năm, cộng sản  đã thành công đưa miền Nam ngang hàng với trình độ lạc hậu của miền Bắc.

Để hợp thức hóa chuyện cướp đất, cướp nhà dân miền Nam, cộng sản ban hành nghị quyết 111/CP ngày 14/4/1977 quy định việc quản lý nhà đất ở miền Nam, chương IV như sau: « mọi nhà cửa, đất đai trước ngày giải phóng do chính quyền Mỹ Ngụy quản lý hoặc dành cho những tổ chức hay cá nhân thuộc ngụy quân ngụy quyền, các tổ chức đảng phái phản động sử dụng, nhà cửa đất đai của sĩ quan ngụy từ cấp tá trở lên…nay đều là tải sản công cộng do Nhà Nước trực tiếp quản lý…». Như vậy, chiếu theo nghị quyết nầy, nhà cửa đất đai của người di tản, vượt biên, HO, sĩ quan, công chức trung cao cấp, kể cả người dân bị gán ghép một cách độc đoán là mật vụ, phản động đều bị chánh phủ tịch thu.

Năm 1980 có khoảng 150 000 người phía Bắc sông Bến Hải vào sinh sống tại Saigon, năm 2000 có khoảng 1 triệu người vào Nam làm việc, làm ăn, còn bây giờ không biết bao nhiêu mà kể, từ cán bộ các cấp, chủ nhân các xí nghiệp lớn nhỏ đến cư dân các cao ốc tại các đô thị, từ ông bà chủ tịch Ủy Ban Nhân Dân xã đến anh phu quét đường đều có có mặt  người miền Bắc và Thanh Nghệ Tĩnh. Jean Lacouture, sử gia Pháp thân cộng, sau chuyến viếng VN trở về Pháp đã viết một bài trong báo Le Monde về sự bình thường hóa hai miền Nam Bắc (normalisation) đã chơi chữ viết là nordmalisation (có thêm chữ d) nghĩa là bắc kỳ bình thường hóa.
Chuyện nầy đã bắt đầu ngay từ ngày 1/5/1975, khi Tố Hữu chuyển lịnh của Lê Duẩn cho Anh Bảy (tức Bảy Cường, bí danh của Phạm Hùng, Bí Thư Trung ương cục Miền Nam): «Xin báo để Anh biết, theo ý kiến của Anh Ba (tức Lê Duẩn) về tổ chức chánh phủ không còn vấn đề 3 thành phần…»  (Văn kiện đảng toàn tập, tập 36, NXB Chính Trị , tr.182).

Vừa đạt được chiến thắng, Cộng sản miền Bắc đã loại bỏ ngay Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam ra khỏi vòng quyền lực. Rồi tháng 1/1977, Mặt Trận Miền Nam  bị giải thể để sát nhập vào Mặt Trận Tổ Quốc, một cơ quan ngoại vi của đảng Cộng Sản. Những đảng viên cao cấp gốc miền Nam như Trần Bạch Đằng, Huỳnh Tấn Phát, Dương Quỳnh Hoa, Trịnh Đình Thảo,Trương như Tảng… được phong cho vài chức vụ linh tinh, hay bất mãn bỏ về quê nuôi heo, vượt biên, số khác vào trú ẩn trong Câu Lạc Bộ các người cựu kháng chiến, uống trà nhìn thế sự, hay viết văn làm thơ phản kháng, rồi đi tù. Thế là chấm dứt một thế hệ yêu nước chọn lầm đường.

Chuyện Nam Bắc trong nội bộ đảng cộng sản, trong chánh quyền và trong dân chúng vẫn luôn âm ỉ. Báo Tuổi Trẻ online bị đình bản 3 tháng hồi tháng 6/2018 vì đã đăng bài phê bình của một độc giả viết «Nam kỳ đang bị bọn Bắc Kỳ ngu dốt cai trị». Đó là sự thật, vì tại Quốc Hội, ngày 29/11/2015, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng đã công khai tuyên bố: Tổng bí Thư phải là người miền Bắc, phải là người có lý luận». Với cái tâm thức độc tôn như vậy, từ 12 năm nay, ông Trọng đã khuynh đảo Ba Đình, và gần đây ông đã đuổi ông Chủ Tịch người xứ Quảng vì ăn mà không chịu chia, để thay thế bằng anh Hai Lúa người Vĩnh Long để dễ sai bảo. Nhưng chỉ mới vài tháng, anh Hai Lúa có đứa cháu gái mang ma túy từ Pháp về bị đổ bể, không biết ông Lú để yên vì có liên hệ thân tộc chồng chéo hay sẽ thay bằng anh  Ba Tô.    
Đó chính là nguyên nhân của tất cả nguyên nhân về sự phồn vinh của vùng Đồng Bằng Sông Hồng, sự suy yếu của miền Nam và sự chậm tiến của vùng Đồng Bằng Sông Cửu Long.

Thiên tai và nhân tai sát hại ĐBSCL
Đồng Bằng Sông Cửu Long đã và đang đối diện với những tàn phá của thiên tai như lũ lụt, hạn hán, nước biển dâng cao do hiện tượng biến đổi khí hậu. Ngoài thiên tai, ĐBSCLcòn phải gánh chịu những tác hại do chính con người tạo ra, hoặc để sinh tồn, hoặc để chống đỡ với thiên nhiên do các đập nước của Trung Cộng và các đê bao, cống đập ngăn nước mặn của Việt Cộng.
Vừa chiếm được miền Nam, cộng sản liền đưa Đoàn quy hoạch thủy lợi vào khai thác trồng lúa ở miền ĐBSCL. Họ ngu dốt nhưng rất tự cao, hống hách, họ bỏ qua các ý kiến của các chuyên viên thủy nông và nông dân miền Nam, vốn đã có hàng trăm năm kinh nghiệm. Trước 1975, người dân miền Nam không biết danh từ « mùa lũ » mà chỉ biết mùa nước nổi, nước ròng, nước lớn, nước rong, nước kém. Trái với nước lũ ở miền Trung và miền Bắc, nước nổi ở vùng ĐBSCL lên chậm mà xuống cũng chậm, nhờ ba túi nước là Biển Hồ, vùng tứ giác Long Xuyên và vùng Đồng Tháp Mười điều hòa các loại canh tác và nếp sống của người dân.

Đoàn quy hoạch miền Bắc đem các nguyên tắc thủy lợi, đấp đê ở vùng sông Hồng vào áp dụng ở ĐBSCL, nơi có những đặc thù hoàn toàn khác biệt với đồng ruộng miền Bắc. Với khẩu hiệu lộng ngôn Vắt đất ra nước, thay trời làm mưa, đoàn quân thủy lợi «…Ta đấp đê ngăn lũ, xây các công trình lấy nước, nơi nào không có nước ngọt để thâm canh tăng vụ, ta đào kênh dẫn nước sông Cửu Long vào, nếu nước không tự chảy, ta xây dựng trạm bơm điện, nơi nào bị úng, ta thực hiện các công trình tiêu úng, chống úng…». Chính trong bối cảnh ấy mà một hệ thống kinh đào, đê bao, cống đập được mở mang ngổn ngang, vô trật tự, có cái hữu dụng, có cái tai hại đưa nước phèn, đất phèn, gây ô nhiễm đến những vùng khác. Và cứ thế, các đê ngăn nước mặn ở bờ biển, các đê bao chống lũ trong nội địa bành trướng khắp nơi để thi đua trồng lúa 2 vụ, 3 vụ (vụ thứ ba trong mùa lũ). Nhờ hệ thống đê bao ngăn nước lũ, nước mặn nầy mà trong 2 thập niên 1975-1995  diện tích trồng lúa ở ĐBSCL đã tăng lên, giải quyết được tình trạng nghèo đói  phải ăn độn khoai, sắn, bo bo, hậu quả chánh sách kinh tế ngu đần của các lãnh tụ giáo mác (Mác Lê), nhưng chánh sách xây đập đắp đê trồng lúa nầy đã mang lại cho vùng ĐBSCL những tai hại truyền kiếp, biến ĐBSCL trở thành những cánh đồng chết.

Thủ Tướng Võ Văn Kiệt, người biết rõ vùng đồng bằng Nam Bộ đã phát biểu trong một phiên họp với các chuyên viên kế hoạch tại TP Hồ Chí Minh vào đầu năm 1996 như sau: «Lũ lụt ĐBSCL là một hiện tượng tự nhiên góp phần vào môi trường sinh thái của vùng. Hằng trăm năm nay, nhân dân ta đã chung sống, tồn tại với nó lâu dài như vậy. Chiến lược phòng chống lũ lụt phải được hiểu một cách toàn diện, toàn vùng, khai thác tiềm năng của nó chớ không phải chống lũ là triệt tiêu lũ …» (Ý tuởng phát triển kinh tế vùng ĐBSCL. Zing VN).

Trước 1975, trong mùa nước nổi, nông dân sạ lúa mùa. Nước lên tới đâu lúa vượt tới đó, trổ bông kết hột trên mực nước sâu 2-3m. Khi nước rút hết thì lúa cũng chín, gặt lúa là xong mùa, khỏi làm cỏ, bón phân chăm sóc gì hết. Dân miền Tây có tiếng “làm chơi ăn thiệt” là vì vậy. Thời gian nước nổi là lúc đất nghỉ ngơi, nông dân cũng nghỉ ngơi hay có những sinh kế khác. Sau khi nước rút, ruộng đồng trở nên tươi mới, cỏ dại và sâu bịnh đều chết vì bị ngâm nước. Nước rút đi để lại một lớp phù sa màu mỡ, vì vậy đất luôn tốt và không bao giờ bị cằn cỗi. Các chuyên viên nông nghiêp, các nông dân miền ĐBSCL đã sinh hoạt theo mô thức thuận thiên như vậy từ bao nhiêu đời. Sau khi chiếm miền Nam, các người lãnh đạo Bộ Nông Nghiệp, toàn là người «đàng ngoài » (chỉ từ năm 2021 mới có một bộ trưởng sinh quán tại địa phương) chẳng biết gì về địa lý và nông nghiệp miền ĐBSCL, luôn có quan điểm nước mặn, nước lũ là kẻ thù nên triệt để chủ trương xây đập, đấp đê ngăn nước mặn, chống lũ để chỉ trồng lúa. Họ ngu hay giả ngu không biết là ĐBSCL còn có thể sản xuất được nhiều sàn phẩm đa dạng khác như cây trái, chăn nuôi, ngư nghiệp sông và biển. Chánh sách ngu dốt nầy đã tàn phá vùng ĐBSCL, bần cùng hóa người dân và để lại nhiều di lụy không cứu chữa được.

Các đê nội địa đã chia cắt đồng ruộng, khi xưa cò bay thẳng cánh thì nay biến thảnh những lõm đất manh mún, trung bình 0.7 mẫu, không cơ giới hóa được. Nước các sông rạch bị đê chặn lại không chảy được vào đồng, nước lớn nước ròng biến mất, nước bị tù hãm, rác rến, chất thải người, súc vật, phân bón tịch tụ gây ô nhiễm trầm trọng. Người dân không có nước uống, tắm giặt, phải đào giếng lấy nước ngọt, có khi đào sâu tới cả 100m tạo ra đất sụt lún. Nông dân bị xem là công cụ vì  nhà nước ép buộc phải làm 3 vụ lúa vì cái ám ảnh  an ninh lương thực để trữ gạo, để xuất cảng có ngoại tệ, nhưng chánh phủ có biết đâu gạo là một sản phẩm ít có giá trị trong số hàng xuất cảng, bị cạnh tranh trên thị trường lúa gạo. Đất đai bị cằn cỗi vì thiếu phù sa, phải dùng nhiều phân bón, năng suất giảm, lại còn bị bóc lột bởi lái buôn cấu kết với chánh quyền làm giá, người nông dân vùng ĐBSCL «chịu khổ thấu trời xanh». Không thể chịu đói ở quê nhà, nông dân phải di cư đi làm lao động ở các khu kỹ nghệ Bình Dương, Biên Hòa, bỏ đồng ruộng cho trẻ con và ngưởi gíà. Thiếu giáo dục và tình thương của cha mẹ, trẻ con bỏ học, lêu lổng, thiếu ăn, bao nhiêu thế hệ người dân vùng ĐBSCL đắm chìm trong tăm tối. Kể sao cho hết cái sai lầm tai hại của nhà nước Cộng Sản với chánh sách đê bao, cống đập.

Ở các vùng ven biển, các “đỉnh cao trí tuệ” xây các đê kiên cố, cống đập để ngăn nước mặn từ biển tràn vào. Đó cũng là phương pháp nghịch thiên vì thông thường những con sông từ thượng nguồn chảy ra hạ lưu đẩy nước mặn ra ngoài, hay trung hòa nước mặn thành nước lợ có thể thể nuôi thủy sản và trồng các loại cây nước lợ. Nhà nước cộng sản đã bít cửa sông bằng các đê hay cống, nhưng không công trình nào giữ được lâu vì biến đổi khí hậu, thủy triều lên cao, nhưng trầm trọng hơn vì thiếu kỹ thuật và tham nhũng. Từ 30 năm nay, vài trăm đê, cống đập lớn nhỏ được xây dựng, tháo gỡ, xây thêm để tăng cường (đê dã chiến) tốn đến cả tỉ mỹ kim nhờ viện trợ và công quỹ. Thí dụ như cống đập Cái Lớn-Cái Bé được gọi là «siêu đập» , là công trình thủy lợi được xem là lớn nhứt VN vừa được khánh thành vào tháng 2/2022 tốn 3300 tỉ đồng, nhưng đã bị các nhà khoa học trong và ngoài nước nghi ngờ hiệu quả vì không tham khảo ai cả, đúng như đảng tuyên bố đó là « ý đảng, ý trời». Cũng giống như đê bao nội địa, các cống đập gây tác hại môi trường một cách trầm trọng hơn, các lọai hải sản nuôi (tôm, cá…) không sống được, lục bình, rong rêu rác rến dầy đặc ngăn trở giao thông ghe tàu, tiêu diệt các rừng tràm ở ven biển  để giữ  đất phù sa. Đã có phong trào người dân nổi lên phá đập để trở lại «làm ruộng» như xưa, nhưng mồ mả, gia cư, làng xã, trường học đã thành lập trong những năm qua, thật là tấn thối lưỡng nan.
 
Kết luận
Trong một cuộc họp ở Ba Đình ngày 22/04/2022, Tổng Bí Thư Nguyễn phú Trọng  đã tuyên bố như sau: « ĐBSCL sau nhiều năm ngủ yên, đã được đánh thức vào những năm 80 của thế kỷ trước, nhưng chỉ mới thức dậy mà chưa vươn lên, người dân nơi đây phần lớn chỉ mới đủ ăn, mặt bằng, y tế, giáo dục chưa theo kịp cả nước (báo Thanh Niên). Tuy các lãnh tụ cộng sản hay dùng khẩu hiệu, ăn nói có vần có điệu, nhưng lời tuyên bố trên rõ ràng là lời thú tội của Nguyễn Phú Trọng đối với người dân vùng ĐBSCL.

BS Ngô Thế Vinh, tuy không phải là chuyên viên thủy học và môi trường học, nhưng từ hơn 20 năm qua, ông đã tận tâm nghiên cứu về sông Mekong và ĐBSCL, đã đi quan sát thực địa sông Mekong từ nguồn qua các quốc gia ven sông, đã xuất bản và phổ biến nhiều tài liệu biên khảo giá trị về vấn đề nầy (xem: Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng, Mekong dòng sông nghẽn mạch). Trong một bài nghiên cứu gần đây, trong phần kết luận, ông đã có lời đề nghị với ông Nguyễn Phú Trọng như sau: « Trong phạm vi ĐBSCL, với bao nhiêu sai sót trong suốt 48 năm qua với các công trình cải tạo trọng điểm, mà cho tới nay không một ai nhận trách nhiệm, đề nghị với ông Tổng Bí Thư cho lập ngay một Nhóm Đặc Nhiệm, gồm những nhà khoa học và chuyên gia môi trường độc lập, xét duyệt lại toàn bộ các công trình cải tạo đã được các bộ, các cơ quan thực hiện trong ngót nửa thế kỷ qua….» (“Nửa thế kỷ cải tạo làm cạn kiệt tài nguyên” / Diễn đàn Thế kỷ 2/2/2023).

Benoît Bosquet, Giám Đốc khu vực Á Châu Thái Bình Dương, Ngân Hàng Thế Giới,  trong bài  «How is Vietnam’s Mekong  Delta adapting to a changing climate?» đăng trong East Asia & Pacific on the Rice (Dec 01, 2022), trong phần kết luận, ông đã nhắn gởi chánh phủ VN: «Chúng tôi nỗ lưc hợp tác với chánh phủ VN để  thực hiện những lời hứa biến thành hành động vì lợi ích cho gần 20 triệu người sống ở đồng bằng này» (We are trying our best, in partnership with the Government of Vietnam, to turn promises into actions for the nearly 20 millions people living in the delta ».

Người viết cảm phục BS Ngô Thế Vinh, vì tâm lành của người y sĩ và tấm lòng đối với đồng bào vùng ĐBSCL, cũng như sự ân cần của Ngân Hàng Thế Giới đối với chánh phủ VN. Tuy nhiên, người viết không tin những lời đề nghị, nhắn gởi nầy có lọt vô tai vô đầu những người vô học, vô đạo, đầu óc chất chứa chỉ bùn dơ và tiền bạc. Họ là những tên mafia đội lốt ái quốc ái quần, chỉ biết chém giết người dân và chém giết lẫn nhau để tranh giành đặc quyền, đặc lợi. Từ 80 năm nay, họ sống chết như vậy và họ sẽ tiếp tục sống chết như vậy. Người viết chỉ mong người Trùm mafia đã và đang dùng mọi mưu chước hèn hạ để trở thành bố già, rồi lập ra cái lò đốt giả tạo để lần lượt thanh toán các mafia thù địch. Người viết cũng mong các mafia giành  giựt ôm cái lò đốt nầy để đốt lẫn nhau nhanh hơn, mạnh hơn cho đến lúc thiêu hủy cả bọn.
Một cuộc cách mạng kiểu Roumanie hay Mùa Xuân Á Rập sẽ bùng lên, những Ceausescu, Khaddafi sẽ bị phơi thây, người dân trong và ngoài nước sẽ cùng nhau phá hủy xích xiềng để cùng nhau xây dựng lại một nước Việt Nam từ đầu. Gần hay xa, chắc chắn ngày ấy sẽ đến.

04/04/2023
Lâm Văn Bé



Đăng ngày 15 tháng 04.2023