Thân gửi Quý Anh Chị,
Xin gửi bài viết của Anh Dương vừa viết xong đêm qua.
Mấy tối qua tôi thấy ông ấy, rất khuya, cặm cụi gõ máy bằng hai ngón tay, đêm qua tôi mới biết là ông già tóc bạc phơ, sức khỏe suy kém, trên đường bước vào tuổi chín mươi đã ngồi cặm cụi gõ máy từ lá thư chữ viết rất rất mờ, rất khó đọc của Anh Nguyễn Quốc Hùng, Thày Khóa Tư, người bạn từ thuở niên thiếu, viết từ tṛại tị nạn gần bốn thập niên trước. Khi Thày Khoá Tư, Nguyễn Quốc Hùng ở đảo, nhà tôi thường vẫn nhắc tôi gửi biếu Anh ấy để mua thuốc hút.
Chúng tôi có sang thăm Anh ấy ở thành phố gần Toronto bên Canada. Anh Nguyễn Quốc Hùng đã mang đàn ra đánh riêng tặng nhà tôi.
Nhìn hai người bạn ngộ̀i cạnh nhau trong căn phòng ở dưới basement, tuy không nói ra, nhưng nhìn ánh mắt họ, tôi đoán là họ rất trân quý tình bạn của nhau, trân quý những phút được gần nhau đó...
Anh Nguyễn Quốc Hùng, Thày Khóa Tư ở bên Canada vẫn tiếp tục hút thuốc, tiếp tục làm báo.
Anh đã bỏ bạn bè vĩnh viễn ra đi vì căn bệnh quái ác của nhân loại mà nguyên nhân cũng có thể vì hút thuốc, viết báo, trong căn phòng đóng kín cửa ở xứ lạnh Canada chăng?
Xin chia sẻ trong tâm tình quý trọng những người cầm bút chân chính.
Xin thân chúc Quý Anh Chị luôn vui mạnh.
Thân mến,
Khánh Vân
* * *
Thêm một bài họa bài thơ
đề Đền Đức Thánh Trần của Hồ Chí Minh
Phạm Cao Dương sao lục
Trong ít ngày qua, khi kiểm điểm và sắp xếp lại sách vở, thư từ, tài liệu để sửa soạn về cõi, khỏi làm phiền con cháu, người viết tình cờ tìm lại được thư của một người bạn thân viết cho từ một trại tị nạn Đông Nam Á. Người bạn đó là nhà giáo kiêm nhà báo Nguyễn Quốc Hùng, bút danh là Thày Khóa Tư của tờ Diều Hâu của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa ở Saigon thời trước năm 1975. Bạn tôi xuất thân từ một gia đình Nho giáo. Anh là con một vị huấn đạo, một học quan trong chế độ xưa nên rất giỏi chữ Hán và chuyên dạy Quốc Văn cho các trường trung học ở Miền Nam với nhiệm sở chính là Trường Trung Học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho. Nhưng khác với các giáo sư Quốc Văn khác, anh không chỉ chuyên dạy Quốc Văn mà còn viết văn, viết báo, dịch truyện cổ từ chữ Hán sang tiếng Việt như Kim Bình Mai, Hồng Lâu Mộng, chưa kể tới Từ Điển Hán Việt... Mặt khác, anh cũng giỏi nhạc và chơi đàn lục huyền cầm Hạ Uy Di rất điêu luyện. Chính anh là người đã giúp cho tôi biết ít nhiều về nhạc mới Việt Nam, đặc biệt là nhạc tiền chiến mà cho tới khi biết anh, vì chỉ lo học hành, tôi hoàn toàn mù tịt, cũng giống như một bạn nhà giáo khác trước học cùng lớp với tôi, Giáo Sư Sử Địa Nguyễn Khắc Ngữ, người đã đưa tôi vào con đường nghiên cứu và xuất bản sách. Chưa hết, trong các lối văn anh viết, bạn tôi rất giỏi về các thể văn cổ như thơ Đường, phú, văn tế, câu đối... mà anh viết một cách trôi chảy, dễ dàng không khác gì các nhà Nho ngày xưa với niêm, luật, đối âm, đối ý... rất chỉnh, khó có ai thời thập niên sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước và sau này có thể làm được. Chính vì vậy hồi trước năm 1975, tôi đã thu thập một số thơ văn anh để giúp anh phổ biến nhưng không thành. Như một cơn hồng thủy, Biến Cố 30 Tháng Tư 1975 đã xóa đi tất cả.
Trong thư viết cho tôi, Thày Khóa Tư có gửi kèm cho tôi bài viết nhan đề “Giai Thoại Thi Ca Thời Đại” và yêu cầu tôi phổ biến. Bài viết nói về bài thơ nhan đề Đề Miếu Hưng Đạo Vương truyền tụng là do Hồ Chí Minh làm khi ông này viếng thăm Đền Kiếp Bạc hồi đầu kháng chiến chống Pháp. Thư bạn tôi viết đã lâu, ngót bốn thập niên trước, chữ rất mờ nhưng giá trị vẫn còn, nay tìm lại được, thể theo lời bạn, tôi xin sao lục gửi tới các quý vị thân hữu quen biết anh, đồng thời cũng xin gửi tới quý vị yêu lối thơ xướng họa của cổ nhân, có dịp nhớ lại sinh hoạt một thời, nay chỉ còn là vang bóng. Bài viết nguyên văn như sau:
Giai thoại thi ca thời đại
Thầy Khóa Tư
Khóa tôi lúc mới ở trại tập trung cải tạo ra, được một anh bạn nhà văn đọc cho nghe một bài thơ của Hồ Chí Minh. Khóa tôi nghe xong bài thơ mà tay chân bủn rủn cổ họng tắc nghẹn, vì nó thuộc loại cực mất dạy, tối mất dạy, có lẽ do tên “phản động” nào làm rồi gán cho “Hồ Chủ Tịch Vĩ Đại” để tuyên truyền bậy chăng. Anh bạn tôi tức quá, tìm cho bằng được số tạp chí Văn Học Nghệ Thuật có đăng bài thơ đó dí vào mũi tôi.
Thì ra, hồi Việt Minh đánh Pháp, họ Hồ đi ngang đền thờ Đức Trần Hưng Đạo, ghé lại đề thơ như sau:
Suy ra tôi bác cũng anh hùng,
Sau trước cùng chung giữ núi sông.
Bác đuổi giặc Nguyên thanh kiếm bạc,
Tôi xua giặc Pháp, ngọn cờ hồng.
Bác đưa dân tộc qua nô lệ,
Tôi dẫn năm châu đến đại đồng.
Bác có khôn thiêng cười một tiếng,
Giùm tôi kháng chiến sớm thành công.
Thật là giấy trắng mực đen, Khóa tôi hết ý kiến. Anh bạn nhà văn phạt Khóa tôi bằng cách bắt làm bài họa. Kể ra, đây là bài thơ niêm luật chỉnh tề, vần đối chững chạc. Hay nhất là hai câu thực, từ ngữ sống động, hình ảnh hào hùng. Nhưng không phải vì thế mà khó làm bài họa. Lấy thơ để họa thơ là chuyện thường tình, khó là ở chỗ lấy ý mà chọi ý. Về vụ này, với bài thơ của họ Hồ thì Khóa tôi xin chịu thua trước. Họ Hồ coi Đức Thái Sư Thượng Phụ Thượng Quốc Công Bình Bắc Đại Nguyên Soái Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn là chỗ bạn bè quen biết, xưng hô “tôi tôi bác bác” thì Khóa tôi phải gọi họ Hồ bằng đại danh từ gì cho tương xứng? Họ Hồ lại còn tự khoe là trên cơ Đức Hưng Đạo, vì họ Hồ ở tầm vóc quốc tế, còn Đức Hưng Đạo có tầm vóc quốc nội, thì Khóa tôi phải so sánh cách gì cho xứng?
Thôi thì, thật thà là cha quỷ quái, Khóa tôi cứ chuyện mình mà nói, cứ đem mình ra so sánh với họ Hồ. Khóa tôi với họ Hồ có chỗ giống nhau là trước sau cùng vượt biên, chỉ khác nguyên nhân và mục đích là khác (về kết quả thì họ Hồ đã vượt biên thành công, nhờ làm cu ly bồi tầu cho Pháp, còn Khóa tôi thì chưa thành công mà thôi).
Bài học của Khóa tôi như sau:
Đề Lăng Hồ
Cu ly bồi bếp cũng xưng hùng,
Tao thẹn cùng mày một núi sông.
Tao trốn nguy cơ bầy quỷ đỏ,
Mày xua dân tộc đống than hồng.
Tao mua hạnh phúc chừng năm lượng,
Mày bán giang san được mấy đồng?
Hòm kiếng mày nằm sung sướng nhỉ?
Coi chừng chỉ một phát thần công.
Tất nhiên, như đã thưa trước bài họa còn thua xa bài xướng, phê bình từng chi tiết là phần quyền của độc giả. Khóa tôi chỉ cầu xin Đức Hưng Đạo Đại Vương mỉm một nụ cười thôi.
Thầy Khóa Tư
Mặc dù quá trễ, nhiều người lẽ ra tôi phải chuyển bài này tới tận tay ngay khi nhận được theo ý Thày Khóa, trong đó có nhiều người không còn nữa, tôi vẫn xin được sao lại ở đây để gửi chung tới quý vị độc giả, đặc biệt để quý vị nào còn yêu lối thơ xướng họa của người xưa có thêm một giai thoại liên hệ tới lịch sử nước nhà.
Phạm Cao Dương
Người Lính Nguyễn Công Luận - Tốt nghiệp khoá 12 Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, tác giả "Nationalist in The Viet Nam Wars", tác phẩm được Giáo Sư Phạm Cao Dương cho sinh viên Đại Học UCLA đọc như một cuốn trong reading list, trong các giảng khoá của Ông.
Nhà Giáo - Người Lính Nguyễn Quốc Hùng, Báo Diều Hâu, họa thơ của HỒ CHÍ MINH
Trong khi kiểm điểm và sắp xếp lại sách vở, thư từ, tài liệu để sửa soạn về cõi, khỏi làm phiền con cháu, người viết tình cờ tìm lại được thư của một người bạn thân viết cho từ một trại tị nạn Đông Nam Á. Người bạn đó là nhà giáo kiêm nhà báo Nguyễn Quốc Hùng, bút danh là Thầy Khóa Tư của tờ Diều Hâu của Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa ở Saigon thời trước năm 1975. Bạn tôi xuất thân từ một gia đình Nho giáo. Anh là con một vị huấn đạo, một học quan trong chế độ xưa nên rất giỏi chữ Hán và chuyên dạy Quốc Văn cho các trường trung học ở Miền Nam với nhiệm sở chính là Trường Trung Học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho. Nhưng khác với các giáo sư Quốc Văn khác, anh không chỉ chuyên dạy Quốc Văn mà còn viết văn, viết báo, dịch truyện cổ từ chữ Hán sang tiếng Việt như Kim Bình Mai, Hồng Lâu Mộng, chưa kể tới Từ Điển Hán Việt. PCD
Bảy Bài Thơ, Phú, Văn Tế
của Nguyễn Công Luận
Đây là hai bài đầu trong nhiều bài văn viết theo thể văn cũ của các Nhà Nho ta xưa của Nguyễn Công Luận. Phạm Cao Dương sao lục để gửi tới các bạn cũ của Luận để biết thêm về tài năng đa dạng, hiếm có của người Bạn đã vĩnh viễn ra đi. Xin được nhắc thêm là một người bạn khác cũng làm nhiều thơ văn loại này và cũng là bạn cùng lứa tuổi của Luận là Thày Khóa Tư Nguyễn Quốc Hùng có bài đăng trên tờ Diều Hâu thời trước năm 1975. Thày Khóa Tư cũng đã qua đời ở Canada. PCD
1. Văn Tế Bác
(3/9/1967)
Đêm thu, Hồ Gươm gió thổi rì rào,
Tháng bẩy, Hà Nội mưa dầm ướt át.
Nhớ Bác xưa:
Mắt sáng tai vênh,
Trán cao râu bạc.
Lúc trung niên gầy cà tong cà teo,
Khi già lão béo nục nà nục nạc.
Nhân tình nhân ngãi nhiều bà, không ai hay con cái ở mô tê,
Đổi tên đổi họ lắm lần, chẳng thể biết ngày sinh nào chính xác.
Chốn thâm cung sữa tươi thuốc ngoại, tuy rất mực xa hoa,
Trước công chúng cơm nắm muối vừng, vẫn ra điều mộc mạc.
Lắm tài đóng kịch, từng nhiều phen rơi lệ khóc Lenin,
Nhiều bận ngồi tù, vẫn một mực dốc lòng thờ Karl Marx.
Dung mộc y như dụng nhân, Bác có tài lập đảng,
lũ bầy tôi hết sức cúc cung,
Cứu cánh biện minh phương tiện, Bác không ngại ra tay,
phe đối lập thảy đều tan tác.
Thu phục tay chân bằng đặc quyền,
Diệt trừ địa chủ tận gốc gác.
Tả phù như chú Duẫn nhiều con lắm vợ,
việc Đảng Đoàn cật lực lo toan,
Hữu bật có chú Khu đấu mẹ tố cha,
cuộc Cải Cách tận tâm gánh vác.
Bác bạo tay thuổng văn Hoa Thịnh Đốn,
cho tuyên ngôn đượm vẻ Hoa Kỳ,
Bác mạnh lời chôm ý Tôn Trung Sơn,
để tiêu ngữ có mùi Đại Pháp. (1)
Anh dũng thật! Bác mượn lời ai nói,
mà nhận văn của chính mình,
Can đảm thay! Bác viết sách tự khen,
nhưng ký tên như kẻ khác.(2)
Bác ưa bài hát Kết Đoàn, trẻ già mỏi tay vỗ nhịp,
mà chẳng hay đâu chỗ phát sinh,
Bác khoe tập thơ trong ngục, đàn em líu lưỡi khen tài,
nhưng nào biết ai là nguyên tác. (3)
Vâng lời cụ Mác, đưa ngu dân lên chỗ quyền uy,
Học sách bác Mao, coi trí thức là đồ cỏ rác.
Hướng đến Thiên Đường Vô Sản, Bác không dung trí phú địa hào,
Đi lên Thế Giới Đại Đồng, Bác cứ phép tam vô nhị các.
Việc văn hóa không kém Tần Thủy Hoàng,
Thuật chính trị chẳng thua Tào Mạnh Đạt.
Nhưng thương ôi!
Bệnh hoạn luôn ngoài bẩy tháng năm Gà, (4)
Lâm chung lúc gần tám tuần tuổi hạc.
Tang lễ đầy ngũ sắc tinh kỳ,
Ma chay đủ bát âm nhã nhạc.
Khóc tiễn đưa bộ hạ bàng hoàng,
Chào vĩnh biệt đàn em ngơ ngác.
Đọc điếu văn giọng nhấm nha nhấm nhẳn ấy chú Đồng,
Chào mặc niệm mắt liếc dọc liếc ngang là chú Giáp.
Dù Bác còn ở trên dương thế, dẫu có ba đầu sáu cẳng,
nước chúng ta chẳng thêm chút đẹp tươi,
Nếu Bác chưa về chốn âm cung, hẳn với ngàn mẹo trăm mưu,
đời các cháu sẽ vạn phần hốc hác.
Bác chết đi, khi quốc gia nội chiến điêu linh,
Bác để lại, một chế độ độc tài bệ rạc.
Lũ đàn em chuyên thanh trừng đàn áp, nên kinh tế u u minh minh,
Bầy đồ đệ giỏi xuyên tạc lộng ngôn, mà văn hóa ù ù cạc cạc.
Ở trong nước thì thừa ngón gian tham,
Ra quốc tế chỉ giỏi nghề khoác lác.
Buổi chợ chiều lớn bé ráng bon chen,
Thời mạt vận nhỏ to lo kiếm chác.
Nặng tay áp bức người trí thức bất đồng,
Ngon ngọt dối lừa giới nông dân chất phác.
*
Nay nhân tiết Trung Nguyên giải trừ oan khuất,
hận Thăng Long mây cuốn âm u.
Vừa lúc mùa Vu Lan xá tội vong nhân,
lệ Ba Đình mưa rơi lác đác.
Hỡi hồn phách triệu người oan khuất, bị hành hình nơi đồng hoang
Châu Đốc, hoặc bỏ mình vì khủng bố, tù đầy, (5)
Hỡi anh linh thập loại chúng sinh, chịu chôn sống nơi rừng rậm Trị Thiên,
hay mất mạng vì thủ tiêu, tàn sát.
Thỉnh chư Phật và các vị Bồ Tát: Xin lấy lượng từ bi hỷ xả,
để giải oan nỗi hận còn vương,
Hãy vì đức đại độ khoan hồng, mà xá tội cho người đã thác.
Cầu Đức Thầy lãng quên chuyện cũ, để Bác thôi nằm ngục A Tì,
Xin cụ Phan tha thứ việc xưa, để Bác được về miền Cực Lạc. (6)
Ai tranh bá đồ vương bằng sắt máu, dẫu ướp xác muôn hoa
ngào ngạt, nhưng ngàn năm chẳng thể mạo tiếng thơm,
Ai hại dân phản nước vì hư danh, dù xây lăng trăm thước
nguy nga, thì vạn kiếp vẫn còn lưu tiếng ác.
Nếu còn anh linh, Bác nên tôn vinh Đức Chúa Trời độ lượng,
hầu về cõi vĩnh hằng,
Hoặc có khôn thiêng, Bác hãy nương nhờ cửa Phật Tổ từ bi,
để tìm đường đại giác.
Xác bày lăng đâu dễ được tiêu diêu,
Thân nằm hộp nên khó bề siêu thoát.
Mau thổ táng, cho hồn Bác thôi lưu luyến trần gian,
Hoặc hỏa thiêu, để linh Bác hết vấn vương thể xác.
Nay cháu có bài văn tế nôm na,
Xin bác thứ cho lời quê mộc mạc.
Với một nén nhang, nhân ngày giỗ Bác.
Ô hô! Thượng hưởng.
Ngày 22 tháng 7 Giáp Tuất
(3/9/1994)
Chú thích:
(1) Tuyên Ngôn mà ông Hồ đọc ngày 2/9/45 có mượn nguyên văn tuyên ngôn độc lập Hoa Kỳ câu "Con người ta sinh ra đều bình đẳng..." Tiêu ngữ "Độc Lập - Tự Do - Hạnh Phúc" là mượn của chủ nghĩa Tam Dân: Dân Tộc: Độc Lập; Dân Quyền: Tự Do; Dân Sinh: Hạnh Phúc. Được ghi trên đầu các văn kiện giống như tiêu ngữ của Pháp Quốc (Tự Do-Bình Đẳng-Bác Ái).
(2) Ông Hồ mượn văn Quản Trọng "vì lợi ích mười năm, trồng cây..." l
(3) Ông Hồ đi thăm dân ở đâu cũng cùng hát bài Kết Đoàn, ca khúc Trung Hoa dịch lời Việt, để gây ấn tượng trong lòng người, nhất là các thiếu nhi.
Nhiều nhà nghiên cứu văn học quả quyết văn mà là của một nhân sĩ tru phong tập thơ trong tù không thể là của ông Hồ.
(4) Theo Đảng CSVN, ông Hồ mất ngày 22 tháng 7 năm Kỷ Dậu
(3/9/1969). Sau này Đảng CSVN đính chính lại ngày ông Hồ chết là 2/9/1969.
(5) Hàng ngàn tín đồ Hòa Hảo bị tàn sát ở Châu Đốc năm 1947.
(6) - Đức Thầy Huỳnh Phú Sổ và vụ tàn sát Hòa Hảo.
- Cụ Phan Bi Châu bị ông Hồ và ông Lâm Đức Thụ báo cho nhà chức trách Pháp biết chỗ cụ cư ngụ ở Trung Hoa để bắt giam và đưa cụ về Việt Nam xử tội.
***
NGƯỜI LÍNH GIÀ
(2010)
Có một người lính già:
Quân vụ mười chín rưỡi,
Niên tuế bẩy mươi ba.
Con cả thẩy bốn đứa,
Vợ chỉ có một bà.
Bởi thẳng gối thẳng lưng, công danh suốt đời lẹt đẹt,
Vì cứng đầu cứng cổ, võ nghiệp mới cứ tà tà.
Một góc cuộc đời là quân nhân, vào lúc đứt phim tuổi xanh đã hơn ba giáp
Ngót hai mươi năm trong binh nghiệp, đến ngày sập tiệm mai trắng mới có một hoa.
Trong quân ngũ công việc vẹn toàn, để cho bạn bè không trách cứ,
Chốn gia đình bản bài đầy đủ, miễn sao mụ vợ chẳng rầy rà.
Nhiều lần phạm lỗi vặt, tổng cộng vài chục ngày trọng cấm vì ham chơi trốn việc
Đôi phen lập công quèn, trước sau ba bốn tấm huy chương khi lửa đạn xông pha.
Đã chút ít báo đền đất nước,
Từng phần nào trả nợ quốc gia.
Lương bổng ít oi, hí viện thanh lâu ít khi bén mảng,
Túi tiền rỗng tuếch, trà đình tửu điếm chẳng hay kề cà
Tuy vậy "Không cơm nào bằng cơm vợ,"
Xem ra "Chẳng của ai bằng của nhà."
Thời niên thiếu nhiều ước vọng cao, toan vận sức chuyển xoay sông núi
Tuổi đôi mươi những xây mộng lớn, muốn ghé vai gánh vác sơn hà.
Nào ngờ đất nước mất nửa chừng, qua tám trại giam khi địch thắng,
Ai biết quân binh tan giữa độ, đã 7 năm tù lúc chúng tha.
Đời tranh đấu là trọn cơn ác mộng,
Cuộc chiến chinh thành một giấc Nam Kha
Dốc trọn tim gan vì quốc gia, thời trai trẻ đi khắp đó đây,
kiếp lính tráng thật giống dân du mục,
Đem hết hơi sức cho đất nước, lúc về già sống nơi viễn xứ, đời sĩ quan
không khác nghiệp cầm ca.
Suy cho cùng, bon chen lắm chẳng sống làm ông thánh,
Nghĩ lại kỹ, cựa quậy nhiều rồi chết cũng ra ma.
Cuối Thu Ất Mùi (1) theo bạn hữu vào Đà Lạt tòng quân,
khi mặt mũi còn ngô nghê, mồm miệng u ơ, lấc cấc một tên binh sữa,
Đầu Đông Canh Ngọ (2) cùng vợ con sang Hoa Kỳ tị nạn, lúc đầu óc đà lẩm cẩm,
chân tay chậm chạp, loạng quạng một anh lính già.
Thân hữu tản mát từ Paris, London qua New York,
Bạn bè lưu lạc khắp Sydney, Quebec tới Georgia.
Kẻ thèm thịt bò thì đi Texas,
Ai thích lắm vợ thì về Utah.
Người không sợ bão tuyết, người ở Massachussetts
Ta cóc ngán động đất, ta chọn California.
Hết tuổi trẻ trung, phong độï không còn ham le lói,
Đến hồi già lão, quần áo đâu có cần lụa là.
Ăn uống đơn sơ, thiếu giò lụa nhấm đỡ hot dog,
Khẩu vị giản dị, hết bánh bao dùng tạm pizza.
Thể xác tuy hơi ọp ẹp,
Trái tim còn khá đậm đà
Nhớ lại thuở thanh xuân, tình ái lăng nhăng lãng mạn,
Nghĩ đến thời niên thiếu, say mê lăn lóc trăng hoa.
Đôi khi trái gió trở trời, chợt nghĩ tiếc bệnh già sao đến sớm.
Những lúc đau vai nhức khớp, mới thấy buồn tuổi trẻ đã đi qua,
Nay lúc tuổi già:
Thường dậy con nơi đất mới phải noi gương tín nghĩa,
Vẫn răn cháu nhớ quê xưa cần giữ tính thật thà.
Thấy cộng đồng đầy rẫy tị hiềm, chung gốc gác mong có lòng độ lượng,
Vì đồng hương cực kỳ chia rẽ, cùng giống dòng nên tấc dạ xót xa.
Sao không để sức chống kẻ thù độc ác
Mà chẳng hết lòng trừ giặc cộng điêu ngoa?
Xem chúng làm, thấy rõ bọn mặt người dạ thú,
Nghe chúng nói, biết ngay quân khẩu phật tâm xà.
Phải tranh đấu nhiệt tình, để nhổ vuốt nanh bọn nó
Quyết thành tâm đoàn kết, chớ làm xấu mặt phe ta.
Nếu là bạn nên nhớ lời "đi với Phật, chớ vận áo giấy"
Nếu là thù chớ quên câu "đi với quỷ đừng khoác cà sa".
Nhân năm mới thắp nén hương thành khẩn,
Dịp xuân sang nâng chén rượu khề khà.
Cầu cho đất nước mau thoát tay bạo quyền gian ác,
Mong sao dân tộc sớm dựng nền dân chủ hiền hòa.
*
Là người lính già không bao giờ chết, chỉ tan biến giữa cõi đời ô trọc,
Như ngôi sao sáng chẳng khi nào tàn, chỉ phai mờ trong vũ trụ bao la.
Đông Chí Kỷ Mão, 1999.
(1) 1955
(2) 1990
Đăng ngày 21 tháng 08.2019