Những lý do
khiến Hoàng đế Bảo Đại thoái vị
Gs Phạm Cao Dương
Mặc dầu trẫm hết sức bùi ngùi cho nỗi làm vua trong 20 năm, mới gần gũi quốc dân được mấy tháng chưa làm được gì ích lợi cho quốc dân như lòng trẫm mong muốn, trẫm cũng quả quyết thoái vị để nhường quyền điều khiển quốc dân cho một chính phủ dân chủ cộng hòa.
Trẫm thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ.
Hoàng Đế Bảo Đại
(trích Chiếu Thoái Vị)
***
Những tin tức liên hệ tới sự kiện Việt Minh Cướp Chính Quyền ở Hà Nội và ở các địa phương khác, đặc biệt là ở các tỉnh miền Bắc Trung Bộ hay ở Quảng Ngãi và luôn cả ở Nam Bộ, dù là với ít nhiều lệch lạc, cuối cùng đều đã đến kinh đô Huế và đến tai Hoàng Đế Bảo Đại vào lúc Trần Trọng Kim, mặc dầu đã được nhà vua chính thức lưu nhiệm, vẫn chưa thành lập lại được Nội Các mới. Bộ Trưởng Phan Anh trên đường ra Bắc bị Việt Minh chận lại ở Quảng Trị và Bộ Trưởng Hồ Tá Khanh trên đường vô Nam bị chận lại ở Quảng Ngãi, trong khi Ngô Đình Diệm, Trần Văn n, Vũ Đình Dy, Lê Toàn như đã trình bày ở trên, từ Saigon ra Huế cũng bị đâm thủng vỏ xe và bị hàng trăm lính Việt Minh bao vây tại một khách sạn ở Nha Trang phải quay trở về Saigon. Vua Bảo Đại trở thành bơ vơ trong Đại Nội hoàn toàn vắng lặng với áp lực khuyến cáo hay yêu cầu thoái vị đến từ mọi phía. Sau đây là tóm tắt các sự kiện chính yếu.
I. Từ ngày 17 đến ngày 23 tháng 8: Phạm Khắc Hoè và Tôn Quang Phiệt hoạt động mạnh nhằm thúc đẩy Nhà Vua tự ý thoái vị
Đây là tuần lễ bận rộn, đầy thách thức nhất và có tính cách quyết định cho cả hai nhân vật này nhằm đáp ứng nhu cầu của Việt Minh, hướng về ngai vàng của Nhà Nguyễn. Lý do là vì cho đến thời điểm này Vua Bảo Đại vẫn chưa biết rõ lãnh tụ Việt Minh là ai, còn Tôn Quang Phiệt thì được Việt Minh trao cho nhiệm vụ là vận động cho Nhà Vua tự ý thoái vị và Chính Phủ Trần Trọng Kim từ chức.
1. Thắc mắc của Vua Bảo Đại: Lãnh tụ Việt Minh là ai?
Đây là thắc mắc lớn lao nhất của Vua Bảo Đại khi ông ký Dụ trao quyền lập chính phủ cho Việt Minh và sau này là thoái vị, một thắc mắc phải nói là hoàn toàn tự nhiên và hợp với lý thuyết về vương quyền của Á Đông. Công tác tìm hiểu vấn đề này đã oái oăm thay lại được nhà vua giao cho Phạm Khắc Hoè làm sau khi ông đã ký Dụ số 105 mời các lãnh tụ Việt Minh về Huế thành lập nội các và Chiếu hiệu triệu Quốc Dân. Theo Phạm Khắc Hoè thì chiều ngày 17 tháng 8, sau khi viên Tổng Lý này lấy xong chữ ký của Nhà Vua, đương sự đã “vô cùng vui mừng, phấn khởi” và “vội vàng” rời Phòng Phê thì bị nhà vua gọi lại bảo: “Tối nay ông cố đi tìm ông Tạ Quang Bửu và ông Tôn Quang Phiệt hỏi cho ra lãnh tụ Việt Minh là ai".
Thực sự thì có ít nhất hai lần Phạm Khắc Hoè đã hỏi Tôn Quang Phiệt về vấn đề này nhưng cả hai lần họ Tôn đều đã không trả lời viện cớ là cần giữ bí mật.
Lần thứ nhất là vào ngày 8 tháng 8, ba ngày sau khi Trần Trọng Kim và nội các của nhà học giả này từ chức và được Vua Bảo Đại trao cho trách nhiệm thành lập nội các mới. Lý do được Phạm Khắc Hoè nêu lên là vì trong tờ phiến xin từ chức thủ tướng Trần Trọng Kim có nêu lên vấn đề trách nhiệm với chủ trương của ông là “trong tình hình nước nhà lúc ấy mà rút lui là trốn trách nhiệm!” và trách nhiệm ở đây bị Phạm Khắc Hoè giải thích sai đi là để “đàn áp Cách mạng để giữ vững cuộc trị an và bắt buộc nhân dân ta phải đem hết mồ hôi xương máu ra giúp Nhật Bản theo đuổi cuộc chiến đấu cho đến khi toàn thắng để kiến thiết vùng Đại Đông Á".
Nguyên văn của cuộc trao đổi giữa họ Tôn và họ Phạm đã được Phạm Khắc Hoè ghi lại như sau:
Với những ý nghĩ như vậy, sáng hôm 8 tháng 8, tôi đến gặp anh Tôn Quang Phiệt kể chuyện Bảo Đại và Trần Trọng Kim muốn đẩy tôi đi Tổng đốc Thanh Hóa. Tôi mới đề cập vấn đề thì anh Phiệt kêu ngay:
Chết! Chết! Anh nhận đi Thanh Hóa à?
Không! Tôi không nhận.
Đáng quá. Anh đi vừa nguy hiểm cho anh, vừa bất lợi cho tôi. Nguy hiểm cho anh, vì khi bão táp cách mạng lên mạnh thì lòng căm thù của nhân dân đối với quan lại sẽ rất dễ biểu hiện bằng hành động bạo lực!! Bất lợi cho tôi là vì chủ trương của cấp trên là phải vận động Bảo Đại tự nguyện thoái vị và giao cho tôi chịu trách nhiệm chính trong vấn đề này. Tôi đã nhận trách nhiệm ấy, vì tôi tin ở anh, tôi chắc rằng thế nào anh cũng thực hiện được chủ trương nhân đạo ấy của Cách mạng một cách tối đẹp.
Cấp trên là ai? Anh có thể cho tôi biết được không?
Tuyệt đối bí mật là một nguyên tắc lớn của Cách mạng. Tôi mong anh thông cảm cho và không vì thế mà kém tận tình trong việc vận động Bảo Đại thoái vị.
Tôi sẽ cố gắng và tôi tin là sẽ thành công.
Về cuộc gặp lần thứ hai, người ta không biết có phải là vào buổi tối hôm Bảo Đại nhờ kiếm Tạ Quang Bửu và Tôn Quang Phiệt hay không và Phạm Khắc Hoè có đi kiếm hai người này hay không, nhưng theo lời của Phạm Khắc Hoè kể lại thì mãi tối ngày 18 đương sự mới gặp được Tôn Quang Phiệt. Khởi đầu câu chuyện, Phạm Khắc Hoè báo cáo về việc vận động Bảo Đại thoái vị và về tình hình phân hóa trong Chính Phủ Trần Trọng Kim. Sau đó ông mới đề nghị Tôn Quang Phiệt cho biết người cầm đầu Việt Minh là ai nhưng cũng như lần trước, Tôn Quang Phiệt lại từ chối “mà chỉ nhấn mạnh một điểm là nên khuyên Bảo Đại tự nguyện thoái vị đi thôi, chớ không nên nêu vấn đề Vua và Nội các ra nữa”.
Qua hai lần đề nghị vô hiệu quả của Phạm Khắc Hoè này, đồng thời đối chiếu với những gì Tôn Quang Phiệt đã tiết lộ là trong một thời gian dài, cho đến khi đương sự gặp Hoàng Anh và Tố Hữu ở giai đoạn cuối cùng, người ta có thể chắc chắn là Tôn Quang Phiệt không bao giờ được gặp và cũng không biết gì về những người lãnh đạo Đảng Cộng Sản hay Việt Minh cả mà chỉ được biết lờ mờ về họ mà thôi. Nhưng đối với những người như Phạm Khắc Hoè thì Tôn Quang Phiệt luôn luôn giữ thái độ mập mờ để hù dọa, tạo ảnh hưởng và thực hiện chủ trương của mình. Chẳng hạn như về chuyện Phạm Khắc Hoè được cử làm Tổng Đốc Thanh Hoá, Tôn Quang Phiệt đã dùng các thành ngữ “cách mạng”, “bạo lực cách mạng”, “lòng căm thù của nhân dân đối với quan lại”, “hành động bạo lực” một bên để đe dọa và “chủ trương nhân đạo của cách mạng” một bên để trấn an và hứa hẹn. Cuối cùng là để dứt điểm: “chỉ nhấn mạnh một điểm là nên khuyên Bảo Đại tự nguyện thoái vị đi thôi”.
Thất bại không kiếm được chỉ dẫn từ Tôn Quang Phiệt, ngày 24 tháng 8, Phạm Khắc Hoè quay sang nhờ tới học giả Đào Duy Anh. Nhà học giả này đã “lục hết tài liệu, sách vở mở ra xem thì cụ Nguyễn Ái Quốc có rất nhiều tên trong quá trình hoạt động cách mạng, nhưng không có tên nào là Hồ Chí Minh cả". Cuối cùng ông mới sực nhớ tới Vũ Văn Hiền mới từ Bắc về thì được Vũ Văn Hiền xác nhận Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc. Đây là một “tin vui” cho Phạm Khắc Hoè vì trước đó ông đã dùng tới bốn câu sấm:
Đụn Sơn phân giái
Bò Đái thất thanh
Nam Đàn sinh Thánh.
để thuyết phục Bảo Đại. Thánh đây được tuyên truyền là Nguyễn Ái Quốc.
2. Tại sao Bảo Đại lại thắc mắc về nhân vật lãnh đạo Việt Minh này?
a. Một thắc mắc bình thường: Thắc mắc, tìm hiểu về người mình phải làm quen, giao thiệp hay cộng tác với, nhất bàn giao công việc mình đang làm cho người đó là một thắc mắc bình thường, trong cuộc sống bình thường, ai cũng phải có, nhưng đó chỉ là thắc mắc cá nhân, chỉ liên hệ tới một cá nhân hay của một nhóm người nhỏ. Đây là một chuyện hoàn toàn khác vì nó liên hệ tới Thiên Mạng của một ông vua bên cạnh những gì hoàn toàn thực tế trước mắt ở thời điểm ông phải đương đầu, mà ông kể lại sau này:
Tôi bỗng nhớ lại chiếc sà rơi và nhớ đến lời tiên tri của mẫu thân tôi: “một chỗ ngoặc trong đời con.".
Những lời bí mật của Tạ Quang Bửu cũng nổi lên trong óc. Mặt Trận Việt Nam Độc Lập Đồng Minh là gì, mà có thể động viên được dân chúng, cụ thể được nguyện vọng của mọi người, và đọc cho tôi đường hướng phải theo?
Tôi không biết một lãnh tụ nào của họ, thế mà họ đã liên lạc được với Đồng minh Trung Hoa, Mỹ, Pháp, trong khi lời kêu gọi của tôi gửi cho Tổng Thống Truman, cho Thống Chế Tưởng Giới Thạch, cho Quốc Vương Anh, cho Tướng De Gaulle lại im lìm, không có hồi âm. Họ có súng đạn, phương tiện, còn tôi thì không có cả khả năng để tập hợp những bậc trung thần và những người thân cận xưa nay bỗng câm như thóc, hay có âm mưu chống lại tôi… Họ đã chiếm được quyền hành không mất một mảy lông, và tôi bị bơ vơ trong một kinh thành chết.
Tất cả như tập họp lại cho họ, đầy bí hiểm. Sự thành công không thể chối cãi này, phải chăng là một dấu hiệu chứng tỏ họ đã nhận được thiên mệnh của Trời?
b. Thiên Mạng không thể trao cho một kẻ vô danh chưa ai biết tới: Trường hợp của Vua Bảo Đại không nằm trong trường hợp bình thường, của một cá nhân bình thường mà là trường hợp liên quan đến cả một triều đại, một dòng họ và rộng hơn nữa của cả một quốc gia, một dân tộc. Nói cách khác đây là chuyện liên hệ tới Mệnh Trời, do tổ tiên ông truyền lại với những chi tiết chắc chắn ông đã được học do vị phụ đạo của ông, Cử Nhân Lê Nhữ Lâm truyền dạy cho ông trong thời gian ông du học bên Pháp, mà ông đang nắm giữ. Tất cả đã xảy ra trong buổi họp của Nội Các Trần Trọng Kim do chính ông chủ tọa vào ngày 7 tháng 8 và đã diễn ra một cách quá bất ngờ và quá nhanh chóng khiến ngay sau đó ông thấy cần phải xét lại hay ít ra là phải tìm hiểu lại trước khi ông phải làm quyết định hệ trọng hơn rất nhiều là thoái vị. Những quyết định ông làm trong buổi họp này chỉ là bước đầu và nhất thời do áp lực của những người bị tổ chức Việt Minh móc nối, lãnh công tác của Việt Minh, nằm vùng sẵn, tạo ra mà trước đó ít phút, khi buổi họp bắt đầu ông không hề hay biết. Trong thâm tâm của vị hoàng đế này, chắc chắn ông phải cảm thấy mình hồ đồ nhưng vẫn thắc mắc. Chính vì thế ngay sau khi ký tên vào văn bản đạo Dụ do Phạm Khắc Hoè đệ trình chiều ngày 17 tháng 8, ông đã giao cho viên Tổng Lý này việc tìm gặp Tạ Quang Bửu và Tôn Quang Phiệt để hỏi xem lãnh tụ Việt Minh là ai. Chưa hết, qua ngày 19, sau một ngày không thấy Phạm Khắc Hoè trả lời, ông đã bốn lần cho kiếm Phạm Khắc Hoè để biết điều ông muốn biết.
Nhu cầu tìm hiếu gần như cấp bách kể trên của Bảo Đại cho người ta thấy nhà vua đã nghĩ tới nhu cầu quan trọng hơn sớm muộn sẽ phải làm là thoái vị, nhường quyền lãnh đạo đất nước cho người lãnh đạo Việt Minh, một hành động mà các vua Nghiêu, Vua Thuấn trong buổi đầu của lịch sử Á Đông đã làm cả ngàn năm trước, theo như ông được học qua cách sách Thượng Thư, Mạnh Tử với khẩu hiệu Dân Vi Quý, khẩu hiệu ông đã lựa chọn làm phương châm của mình không lâu trước đó. Điều trở ngại duy nhất cho Nhà Vua là cho tới giờ phút đó, người lãnh đạo tối cao của Phong Trào Việt Minh vẫn còn là một nhân vật hoàn toàn vô danh chưa được ai biết tới, nhất là người này chưa làm được điều gì có lợi cho đất nước, trong khi Ông Thuấn thì đã phục vụ 28 năm dưới thời Vua Nghiêu và nổi tiếng là một người con có hiếu; còn Ông Vũ thì đã thành công trong công tác vô cùng lớn lao được Vua Thuấn trao phó là trị thủy trong lưu vực Sông Hoàng Hà với truyền thuyết là trong ba năm liên tiếp ngày nào ông cũng đi qua nhà mình khi đi làm mà ông không hề một lần ghé thăm. Chưa hết, các vị vua này còn được lựa chọn là vì Đức lớn Trời ban cho họ. Quan niệm này Bảo Đại không thể nào không được học từ vị thày đã theo nhà vua sang Pháp đã dạy ông, hay ông đã được đọc trong các sách Mạnh Tử và Thượng Thư. Chẳng hạn về Vua Nghiêu, ngay đoạn đầu trong thiên Nghiêu Điển của Thượng Thư đã ghi: “Ngài kính cẩn, sáng suốt, văn hoa, ý tứ, êm đềm, thực nhún, biết nhường…Ánh sáng khắp bốn phương ngoài, suốt cả trên dưới! Tỏ rõ được đức lớn, để thân với người chín tộc. Chín tộc thuận rồi, rạng đều ra trăm họ. Trăm họ đã rỡ sáng, hợp hoà muôn nước. Dân đen thẩy biến đổi! Đời thì yên vui!” Còn Vua Thuấn thì: “quang hoa cũng lại hợp với đức Vua (Nghiêu) sâu sắc, khôn ngoan, văn vẻ, sáng suốt, hoà nhã, kính cẩn, đứng đắn, thành thật…”. Ba năm rồi, ngươi khá lên ngôi vua". Cuối cùng là ông Vũ, theo lời Vua Thuấn: “Nạn hồng thủy răn ta! Thành đúng, thành công, chỉ có ngươi là giỏi! Siêng được với nước, sẻn được với nhà; chẳng tự đầy đủ, nghỉ ngơi, chỉ ngươi là giỏi! Bởi ngươi không cậy, dưới trời chẳng ai tranh tài với ngươi! Bởi ngươi không khoe, dưới trời chẳng ai tranh công với ngươi! Ta mến đức ngươi; khen thành tích lớn lao của ngươi. Số lịch của Trời ở mình ngươi. Ngươi phải lên ngôi vua đứng đầu!” Tất nhiên cả hai nhân vật này đều là huyền thoại nhưng ở thời Nho học thịnh hành và dưới chế độ quân chủ Truyền thống cả ba đều luôn luôn được nhắc tới coi như là khuôn mẫu cho đời sau. Cả hai đều được biết đến từ lâu, không riêng với các nhà Nho có học mà luôn cả giới bình dân, khác hẳn với lãnh tụ Việt Minh của thời Vua Bảo Đại. “Ngày Nghiêu, tháng Thuấn”, “Thời Nghiêu Thuấn”, “Vua Nghiêu, dân Thuấn”:
Vua Nghiêu Thuấn, dân Nghiêu Thuấn
Dường ấy ta đà phỉ thửa nguyền
đã trở thánh những thành ngữ quen thuộc trong tiếng Việt và trong văn chương Việt. Cả ba đều được biết đến từ lâu, khác hẳn với lãnh tụ Việt Minh của thời Vua Bảo Đại, người mà sau này Đại Tướng Võ Nguyên Giáp đã ghi lại trong hồi ký của ông khi nói tới ngày 2 tháng 9 năm 1945, nguyên văn:
Ba tiếng HỒ CHÍ MINH không bao lâu đã vang đi khắp thế giới với những truyền thuyết mà người ta thường dành cho các bậc vĩ nhân. Nhưng vào ngày hôm ấy, cái tên mới của Bác vẫn còn mới lạ với nhiều đồng bào. Số người biết Bác chính là đồng chí Nguyễn Ái Quốc khi đó không nhiều.
Sau hết là quyền nhường ngôi. Câu hỏi được đặt ra ở đây là một vị vua có quyền nhường ngôi cho một người khác hay không? Đây là câu hỏi Vạn Chương đặt ra cho Mạnh Tử, nguyên văn cuộc trao đổi giữa hai người được Đoàn Trung Còn dịch như sau:
Vạn Chương hỏi rằng: “Vua Nghiêu đem thiên hạ mà cho ông Thuấn, có phải vậy không?” Mạnh Tử đáp: “Không. Bậc thiên tử chẳng được quyền đem thiên hạ mà cho kẻ khác”.
- Như vậy ông Thuấn có thiên hạ. Ai cho Ngài đó?
- Trời cho đó.
- Nếu trời đã đem thiên hạ mà cho ông Thuấn, vậy trời có đinh ninh mà căn dặn những gì không?
- Không, trời chẳng tỏ ra lời. Chẳng qua vì ông Thuấn có đức hạnh và sự nghiệp nên trời ngấm ngầm mà cho vậy thôi.
Vạn Chương hỏi tiếp: “Nhờ đức hạnh và sự nghiệp nên trời ngấm ngầm mà cho, vậy cách cho như thế nào?” Mạnh Tử giải đáp rằng: “Vua Thiên tử có thể tiến cử một người với trời, chớ chẳng có quyền khiến trời phải đem thiên hạ mà cho người ấy…”
Đoạn văn trích trên cho ta thấy là người được truyền ngôi không thể là một kẻ vô danh mà phải được người truyền ngôi và mọi người biết từ trước, đồng thời phải có đức hạnh và sự nghiệp. Vị vua đương nhiệm phải căn cứ vào đó mà tiến cử với Trời. Đây là những điều bình thường ai ở vị thế của Vua Bảo Đại cũng phải quan tâm trước khi đi xa hơn là thoái vị. Trao quyền cho lãnh tụ Việt Minh lập nội các khi mình chưa biết người đó là ai thì còn được, nhưng thoái vị để nhường ngôi Vua cho người ấy thì phải nói là hoàn toàn không được. Hoàng Đế Bảo Đại do đó đã phải tìm hiểu thêm về người ấy. Nhưng tình thế đã không cho phép ông làm và việc ông thoái vị cho người sau này được biết là Hồ Chí Minh là hoàn toàn không phù hợp với truyền thống của các nước Á Đông chịu ảnh hưởng của văn minh Trung Hoa. Cuối cùng, ông đành phải bấu víu vào mấy câu sấm về “Núi Đụn Sơn” và “Hang Bò Đái” và những lời đồn đại về “Thánh Nguyễn Ái Quốc” mơ hồ để tự thuyết phục mình. Giá trị của việc thoái vị của ông do đó cần phải được xét lại. Có điều, phải chăng vì thế mà sau này Hồ Chí Minh, để chứng minh sự chính thống của mình, đã phải chính thức nhờ Vua Bảo Đại làm Cố Vấn Tối Cao, rồi đi đâu cũng mang Cựu Hoàng đi theo hay để ngồi bên cạnh và hầu như buổi họp nội các nào cũng để Cựu Hoàng tham dự. Chính vì nhu cầu cần phải có Bảo Đại ở bên mình để chứng minh sự chính thống của mình trước quốc dân và quốc tế, mà Hồ Chí Minh và Đảng Cộng Sản đã để cho Vua Bảo Đại và Hoàng Gia cũng như các nhân vật trong Chính Phủ Trần Trọng Kim cùng những người thuộc chế độ cũ được yên ổn chứ không phải là vì lý do nhân đạo. Cách Mạng Tháng Tám đã không mang tính cách bạo lực, không đổ máu là vì vậy. Không có vấn đề trừng phạt, không có tàn sát trong thời gian này là vì vậy. Hơn ai hết, Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp hiểu rõ nhu cầu này. Họ cần phải có Bảo Đại.
3. Vận động của Phạm Khắc Hoè
Về phía Phạm Khắc Hoè, hiểu rõ ý của Tôn Quang Phiệt, ngay chiều ngày 8, tháng 8, sau khi gặp Tôn Quang Phiệt và vừa về đến nhà, Phạm Khắc Hoè “liền đi lục soạn mấy quyển sách lịch sử ra xem để hiểu rõ những trường hợp của vua Lu-y thứ 16 nước Pháp, vua Ni-cô-la thứ hai nước Nga và cả các vua Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc của Nguyễn Triều. Cộng với những chuyện cũ đó, là trường hợp nóng bỏng trước mắt của Phan Kế Toại đang năn nỉ xin từ chức Khâm sai Bắc bộ mà chưa có ai đảm nhận ra thay thế cả". Việc làm này của Phạm Khắc Hoè, kèm theo với việc nghe ngóng tình hình lúc đó để có đủ lý lẽ đe doạ và thuyết phục Bảo Đại thoái vị cùng với một kế hoạch để tiếp cận với Bảo Đại, theo lời viên Tổng Lý Đại Thần được nhà vua và Nam Phương Hoàng Hậu tin cẩn này, kéo dài ba ngày liền, mà ta hiểu là các ngày 9, 10 và 11 tháng 8. Tiếp theo là gặp Bảo Đại để làm lung lay tinh thần của nhà vua và những người khác chung quanh Nhà Vua trong các ngày kế tiếp. Đương sự đã thành công như ta đã thấy: Chính Phủ Trần Trọng Kim đã từ nhiệm và Vua Bảo Đại đã phải để cho Việt Minh lập nội các mới, sau đó là thoái vị. Có điều sự kiện lãnh tụ Việt Minh là một nhân vật vô danh, không ai biết cả vẫn là mối ám ảnh của cả Hoàng Đế Bảo Đại và Phạm Khắc Hoè. Vì vậy Phạm Khắc Hoè vẫn phải tiếp tục tìm hiểu. Thất bại không kiếm được chỉ dẫn gì từ Tôn Quang Phiệt, ngày 24 tháng 8, Phạm Khắc Hoè quay sang nhờ tới học giả Đào Duy Anh. Nhà học giả này đã “lục hết tài liệu, sách vở mở ra xem thì cụ Nguyễn Ái Quốc có rất nhiều tên trong quá trình hoạt động cách mạng, nhưng không có tên nào là Hồ Chí Minh cả". Cuối cùng ông mới sực nhớ tới Vũ Văn Hiền mới từ Bắc về thì được Vũ Văn Hiền xác nhận Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc. Đây là một “tin vui” cho Phạm Khắc Hoè vì trước đó, xin được nhắc lại, để thuyết phục Bảo Đại, ông đã dùng tới ba câu sấm như đã trích trên đây:
Đụn Sơn phân giái
Bò Đái thất thanh
Nam Đàn sinh Thánh.
Ba câu sấm này được lưu truyền trong vùng Nghệ Tĩnh đã từ lâu và qua đó, nằm trong chính sách tuyên truyền của Đảng Cộng Sản, người ta đã thần thánh hóa Nguyễn Ái Quốc, được Phạm Khắc Hoè giải thích là “Núi Đụn Sơn tự phân chia ra, Khe Bò Đái mất tiếng đi thì đất Nam Đàn có Thánh ra đời, vì Đụn Sơn và Bò Đái đều nằm trong địa phận huyện Nam Đàn. Nhân dân địa phương thường kể rằng: Câu sấm ấy là do nhà tiên tri Trạng Trình phán ra từ thề kỷ thứ 16. Đến cuối thế kỷ thứ 19 thì Núi Đụn Sơn xưa kia là một hòn nguyên vẹn đã bị chia ra làm hai bằng một đường rạn nứt ở giữa và khe Bò Đái xưa kia nước chảy ầm ầm ngày đêm thì đã không nghe tiếng nữa. Như thế là đã đến lúc Nam Đàn có Thánh ra đời…Thánh đó là ai? Lúc đầu người ta cho đó là Nhà Cách Mạng Phan Bội Châu, nhưng khoảng từ năm 1920 trở đi, người ta lại cho đó là người yêu nước Nguyễn Ái Quốc mà hoạt động cách mạng ở Pháp đã bắt đầu vang dội vào trong nước” để thuyết phục Bảo Đại. Cũng theo Phạm Khắc Hoè thì khi nghe được tin Hồ Chí Minh chính là Nguyễn Ái Quốc, nhà vua đã bật ngay ra câu tiếng Pháp có nghĩa là “Như thế thì thật đáng thoái vị” (Ca vaut bien le coup alors). Nên để ý là ở thời điểm này, và luôn cả sau này nữa, người ta còn rất tin vào sấm, đặc biệt là Sấm Trạng Trình, kể cả Hoàng Đế Bảo Đại, người đã chịu ảnh hưởng của Tây Học.
Phạm Khắc Hoè đã đem “câu chuyện nhuộm màu sắc thần bí” này ra kể cho Bảo Đại và đã được Bảo Đại lắng nghe một cách thích thú say sưa hơn nhiều so với những mẩu chuyện thật tôi kể lúc đầu”. Chưa hết, Bảo Đại còn nhắc tới câu sấm “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” và kể chuyện cây rầm to rơi trong Đại Nội khoảng hai tháng trước đó, trong Ngày Quốc Khánh, đúng chỗ Nhà Vua mới đi qua mấy giây trước để lên kiệu đến Điện Thái Hoà dự lễ với lời tiên đoán của Hoàng Thái Hậu Từ Cung, người chứng kiến biến cố bất thường này: “Đó là Phật Thánh báo hiệu cho biết một bước ngoặt rất lớn sắp xảy ra trong đời Trẫm, nhưng Trẫm vẫn được an toàn vô sự. Ông có tin như vậy không?”. Bắt được cơ hội này, Phạm Khắc Hoè tấn công thẳng vào mục tiêu. Viên Ngự Tiền Tổng Lý này gợi ý ngay:
Tâu. Chúng tôi tin lời Đức Từ đoán là đúng, nhưng vì việc ấy xảy ra đúng vào lúc Ngài Ngự ra dự lễ Quốc Khánh nên chúng tôi muốn đoán rõ thêm: Cái rầm to tướng rơi tức là thực dân Pháp đổ; từ nay không có Tây đứng kèm bên Ngài trong lễ Quốc Khánh nữa, nhưng Ngài vẫn được an toàn vô sự nhờ có sự che chở của cách mạng.
Thế là ông muốn khuyên Trẫm thoái vị nhường tất cả quyền bính cho Việt Minh phải không?
Tâu. Đúng như vậy.
Nếu quả người cầm đầu Việt Minh là “Thánh Nguyễn Ái Quốc” thi tôi sẵn sàng thoái vị ngay.
Nghe Nhà Vua nói như vậy, Phạm Khắc Hoè “chắp tay cúi đầu vái Nhà Vua một cái quay lưng đi ra “với một niềm vui sướng, xúc động không sao tả hết”.
II. Buổi họp cuối cùng của Chính Phủ Trần Trọng Kim: 23 tháng 8 năm 1945, Thủ Tướng và Nội Các ngưng hoạt động
1. Tình hình vô cùng sôi sục ở Huế
Buổi họp này do chính nhà vua triệu tập vào lúc tình hình ở Huế vô cùng sôi động: “Nhà nào cũng nhộn nhịp may cờ, dán cờ, viết khẩu hiệu; các đoàn thanh niên nam nữ mang gậy gộc, giáo mác bắt đầu từ nông thôn kéo vào thành phố; thanh nhiên tiền tuyến, bảo an binh và cả lính hộ Thành đều đã ngả theo cách mạng. Huế là một thành phố, nhiều người đeo bài ngà nhất trong toàn cõi Việt Nam, mà từ ngày 22 tháng 8 tuyệt đối không thấy một người nào đeo bài ngà đi ngoài phố nữa". Trong khi đó thì từ chiều hôm trước, 21 tháng 8, cờ vàng của nhà vua đã bị hạ. Công tác này do một nhóm sinh viên thân Việt Minh nằm vùng trong Trường Thanh Niên Tiền Tuyến cầm đầu bởi Đặng Văn Việt, người sau này nổi tiếng là Con Hùm Xám Đường Số 4 trong Chiến Tranh Việt – Pháp, theo lệnh của Trần Hữu Dục lúc đó là Thường Vụ Tỉnh Ủy Tỉnh Thừa thiên và sau này là Chủ Tịch Ủy Ban Khởi Nghĩa Trung Bộ. Đặng Văn Việt đã ghi lại biến cố này như sau:
Tôi đang theo học ở lớp Thanh niên tiền tuyến Huế, hoạt động cùng tổ Việt Minh với anh Lâm Kèn, Phan Hàm, Khánh Khang, được lệnh cùng anh Thế Lương (tức Cao Pha), hạ cờ quẻ ly, treo cờ đỏ sao vàng lên cột cờ huế. Lá cờ to rộng bằng cả 2 gian nhà, rải ra trông như một tấm thảm lớn.
Bà con đất Thừa Thiên, ai mà chẳng biết Cửa Ngọ Môn, một công trình cổ kính xây trên cổng thành đi vào nội cung. Chính diện trước Cửa Ngọ Môn cách hơn 200m là một cái đài khối khá đồ sộ, biểu tượng cho uy phong của vua quan thời phong kiến. Đó là kỳ đài, là cột cờ. Đài có ba tầng, tường xây to rộng, tạo nên một ba bậc cấp nối tiếp nhau (cao 17m50). Cột cờ là những ống gang, to 2-3 người ôm mới xuể, nối ghép nhau cao vút lên trời xanh (29m52).
Bảo vệ kỳ đài là một tiểu đội lính dõng, làm thêm nhiệm vụ đốt pháo lệnh, nhân dân Huế (có cả tôi, gần hai mươi năm lớn lên trên đất này) sống quen với tiếng pháo đùng phát ra từ kỳ đài. Cứ đến 6 giờ, 12 giờ, 18 giờ, mỗi lần 3 phát, làm chấn động cả bầu trời yên tĩnh của cố đô, hòa với nhịp đập của trái tim, hơi thở, nếp sống của từng người dân.
Anh Thế Lương và tôi nai nịt gọn gàng, trong quân phục chỉnh tề: Calô sừng đội đầu, bêrê kaki kiểu kỵ mã vàng óng, đôi ghệt cao cổ của chàng ngự lâm quân. Tất cả binh hỏa lực để xung trận: “hai đứa tui”, là khẩu barillet to bằng bàn tay và 6 viên đạn út. Cuốn trọn lá cờ, gác lên hai chiếc xe đạp, chúng tôi đẩy thẳng tiến về kỳ đài…
Tôi lên gặp chỉ huy truyền lệnh: “Hạ cờ cũ – Treo cờ mới”.
Có lẽ uy thế Việt Minh quá mạnh, không gặp một phản ứng nhỏ nào. Vì đằng sau chúng tôi là hàng vạn nhân dân Thừa Thiên-Huế, bừng bừng khí thế như một ngọn sóng thần đang chuẩn bị xông lên lật đổ chế độ quân chủ, lập nên nền cộng hòa Việt Nam.
Theo lệnh tôi:
-5 lính pháo đùng buộc cờ vào giây, qua ròng rọc, đưa cờ đỏ sao vàng từ từ lên cao và cờ nhà vua từ từ hạ xuống.
Anh Cao Pha và 5 lính pháo đùng, xếp hàng ngang, theo lễ nghi quân sự “đưa tay chào”.
Hình thức thật đơn sơ, thời gian thật ngắn gọn.
[…]
Tôi còn nhớ hôm ấy, giờ mùi (khoảng 14 giờ), Ất Dậu (tức 21-8-1945 trước 2 hôm ngày giành chính quyền ở Huế (23-8-1945).
Tôi không ngờ là một việc nhỏ đơn sơ ấy, lại mang một ý nghĩa trọng đại “báo hiệu sự chấm dứt một triều đại trị vì của nhà Nguyễn trên 143 năm (1802-1945), kết thúc 4000 năm lịch sử của chế độ phong kiến để chuyển qua một thời kỳ mới của cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân".
Và đến gần trưa thì nhà vua lại nhận được tối hậu thư của Việt Minh đòi ông phải trả chính quyền cho nhân dân và hứa sẽ bảo đảm tính mạng, tài sản cho hoàng gia với các điều kiện như sau:
Thứ nhất: Nhà Vua phải giao lại cho chính quyền Cách mạng đội lính khố vàng, với tất cả trang bị, vũ khí, đạn dược.
Thứ hai: Nhà Vua phải báo cho Nhật biết là triều đình đã trao tất cả quyền bính cho Chính quyền Cách mạng rồi.
Thứ ba: Nhà Vua phải điện ra lệnh cho tất cả các tỉnh trưởng là phải giao chính quyền cho cách mạng tức là cho Việt Minh.
Cuối cùng là Nhà Vua phải trả lời trước 13 giờ 30 phút ngày 23 tháng 8 năm 1945 và cử Ông Phạm Khắc Hoè làm liên lạc giữa Nhà Vua và Chính quyền Cách mạng.
Bức thư được ghi là của “Thành bộ Việt Minh tỉnh Nguyễn Tri Phương” nhưng không có người ký tên.
2. Mục đích của buổi họp: Trả lời tối hậu thư của Việt Minh và Chính Phủ ngưng hoạt động
Buổi họp bắt đầu lúc 12 giờ 25 phút với mục đích là trả lời tối hậu thư kể trên của Việt Minh và để mọi người góp ý kiến vào việc dự thảo chiếu thoái vị. Nhà Vua đích thân chủ tọa với sự hiện diện của Thủ Tướng Trần Trọng Kim, Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Bộ Ngoại giao Trần Văn Chương, Bộ Trưởng Nội Vụ Trần Đình Nam, Bộ Trưởng Tư Pháp Trịnh Đình Thảo, Bộ Trưởng Tiếp Tế Nguyễn Hữu Thí. Kết quả là mọi người đều đồng ý chấp nhận các điều kiện của Việt Minh và thông qua bản dự thảo với lời kết luận của Thủ Tướng Trần Trọng Kim mà Phạm Khắc Hoè cho là với một giọng vừa mỉa mai, vừa run sợ: “Thôi, bây giờ mọi việc đều do ông Hòe làm và chịu trách nhiệm, không cần phải có Nội các nữa” (PCD đánh đậm).
Qua lời tuyên bố của kể trên của Thủ Tướng Trần Trọng Kim, người ta có thề nói rằng Chính Phủ Trần Trọng Kim đã chấm dứt hoạt động ngay từ sau buổi họp cuối cùng ngày 23 tháng 8 năm 1945 này. Sự kiện này giải thích tại sao Trần Trọng Kim và các vị bộ trưởng của ông đã không có mặt trong Đại Nội, cạnh Nhà Vua trong những ngày chót.
Trong hồi ký của Vua Bảo Đại, người ta không thấy Nhà Vua nói gì đến buổi họp này. Tất cả là do Phạm Khắc Hoè kể lại và lời tuyên bố kể trên của Thủ Tướng Trần Trọng Kim giống với thái độ buông xuôi của Hoàng Đế Bảo Đại trước đó. Đó là thái độ và lời nói của Nhà Vua với Nguyễn Duy Quang, Bộ Trưởng Đại Nội, Nguyễn Xuân Dương, Chánh Văn Phòng của Trần Đình Nam, Bộ trưởng Bộ Nội Vụ và Phạm Khắc Hoè sau khi ông khiển trách Nguyễn Xuân Dương nhận được tối hậu thư của Việt Minh mà đã đem trình quá trễ khiến cho Nguyễn Xuân Dương lúng túng không trả lời được. Nguyên văn lời kể của Phạm Khắc Hoè như sau:
Tôi xem bức thư vừa xong thì Bảo Đại hỏi dồn Nguyễn Xuân Dương: “Tại sao nhận được thư từ sáng mà mãi đến gần 12 giờ mới đưa vào?” Nguyễn Xuân Dương lúng túng. Bảo Đại đứng dậy, quay lưng đi vào nhà và nói: “Thôi mặc kệ các ông, các ông muốn làm chi thì làm!” (PCD đánh đậm)
Tôi chạy theo Bảo Đại, khuyên ông ta phải bình tĩnh và đề nghị triệu tập Nội các ngay lập tức để bàn hai vấn đề: Một là trả lời tối hậu thư của Việt Minh cho kịp trước 13 giờ 30 phút. Hai là góp ý kiến vào dự thảo Chiếu thoái vị. Bảo Đại đồng ý.
Câu hỏi được đặt ra ở đây là tại sao một bức thư tối quan trọng như vậy lại không do đích thân Bộ Trưởng Nội Vụ Trần Đình Nam khẩn cấp đệ trình Nhà Vua mà lại do viên chánh văn phòng đem vào và tại sao lại có sự chậm trễ như vậy? Phải chăng Trần Đình Nam đã bỏ thì giờ để suy tính rồi cố tình vắng mặt, để cuối cùng trì hoãn mãi không được, phải nhờ thuộc cấp của mình làm hộ khiến cho người này lúng túng không trả lời được câu cật vấn của Nhà Vua. Sự kiện này, kèm theo với chi tiết trong thư về vai trò của Phạm Khắc Hoè “làm liên lạc giữa nhà Vua và Chính quyền cách mạng” cùng nhiều sự kiện khác đã xảy ra trước đó khiến Nhà Vua không khỏi không thấy rõ những âm mưu của Hoè là như thế nào. Nhưng đã quá trễ. Cũng nên biết là sự nghi ngờ về vai trò nằm vùng của Phạm Khắc Hoè cũng là sự nghi ngờ của Nam Phương Hoàng Hậu sau khi Bà nghe lời chỉ dẫn về những gì Bà được mang theo và những gì không được mang theo khi dời bỏ Hoàng Cung, theo lời kể của chính viên Tổng Lý này, nguyên văn như sau:
Qua những lời ông vừa nói, tôi càng thêm trách ông.
Tâu, Chúng tôi chưa hiểu ý Ngài muốn nói chi? Nếu chúng tôi có lỗi lầm chi đáng trách thì xin Ngài cho biết rõ để chúng tôi nhận lỗi.
Tôi muốn nói rằng ông là người của Việt Minh cài vào Đại Nội đã từ lâu. Điều này tối hậu thư ngày 23 tháng 8 của Việt Minh đã cho biết khá rõ. Hôm nay qua cách ông sắp xếp việc bàn giao tài sản cho Việt Minh, tôi càng thấy rõ hơn vai trò của ông. Ấy thế mà ông không hề cho tôi biết trước một chút xíu chi cả. Việc chi cũng phải nước đến chân mới nhảy, bị động hoàn toàn
Nếu chúng tôi quả thật “là người của Việt Minh cài vào Đại Nội đã từ lâu” thì đó là một vinh dự cho chúng tôi. Chúng tôi can chi mà phải chối. Nhưng sự thật là chúng tôi không có chân trong tổ chức Việt Minh: chúng tôi chỉ làm việc theo tiếng gọi của Tổ quốc, theo sự thúc giục của lương tâm và với tấm lòng thiết tha mong muốn nước nhà có một chế độ mới thay thế chế độ vua quan lỗi thời. Chính vì vậy mà chúng tôi đã tích cực vận động Hoàng đế thoái vị và chúng tôi vô cùng sung sướng khi được Hoàng đế chấp nhận lời khuyên của chúng tôi. Theo lương tâm chúng tôi, thì cuộc vận động ấy kéo dài gần hai tuần lễ là cả một quá trình báo cho Hoàng gia “biết trước” những gì sẽ xảy ra để Hoàng gia khỏi bị bất ngờ, tránh được tình trạng nước đến chân mới nhảy. Nếu chúng tôi cứ để cho Hoàng đế ngả theo những người như Phạm Quỳnh, Nguyễn Duy Quang… thì chắc chắn là chúng tôi không có hạnh phúc được ngồi hầu chuyện hai Ngài một cách thân mật và thẳng thắn như hôm nay.
Lắng nghe tôi nói như vậy, Nam Phương và Bảo Đại đều tỏ vẻ cảm động, ngồi nhìn nhau...
Bị Nam Phương hỏi, Phạm Khắc Hoè đã có thể phần nào nói đúng sự thực vì hai lẽ:
Thứ nhất: Nam Phương Hoàng Hậu là người đã nâng đỡ Phạm Khắc Hoè, đã đưa Phạm Khắc Hoè từ Đà Lạt về Huế và giao cho chức vụ trọng yếu trong triều.
Thứ hai: Ở vào thời điểm này Phạm Khắc Hoè không còn cần phải giấu giếm sự thật này nữa mà trái lại, đây là một dịp để đương sự gián tiếp kể công với cả Hoàng Đế và Hoàng Hậu, sau này là với “Cách Mạng”. Trước đó chắc chắn ông không dám nói như vậy. Có điều ông đã không nói hết sự thực vì như đã nói ở trên, Phạm Khắc Hoè không phải là Việt Minh và được Việt Minh cài vào Đại Nội như Hoàng Hậu Nam Phương thắc mắc mà là qua Tôn Quang Phiệt, ông đã tự tìm theo Việt Minh và tự nhận làm nội ứng cho Việt Minh, gây hoang mang và mâu thuẫn trong nội bộ của Chính Phủ Trần Trọng Kim, đặc biệt là trong những ngày cuối với nhiệm vụ dọa dẫm và thuyết phục Vua Bảo Đại tự ý thoái vị. Việc làm này của ông có thể bị coi là trái với quan niệm của các nhà Nho đương thời, từ đó không được nhiều người chấp nhận vì nếu quả tình ông coi chế độ quân chủ là lỗi thời thì tại sao ông lại nhận ra làm quan và làm quan to mà không từ chức để làm cách mạng như nhiều người khác trước ông và đồng thời với ông. Không những thế ông đã ở lại với chức vụ trọng yếu bên cạnh Nhà Vua của mình cho đến phút chót mới công khai phản lại chế độ và những người đã tin cậy và gia ơn cho mình? Phải chăng hành động của ông chỉ là hành động xu thời không hơn, không kém? Hay nói theo Thủ Tướng Trần Trọng Kim là “Khi vui thì vỗ tay vào đến khi hoạn nạn ào ào chạy ra” trong buổi họp Nội Các ngày 3 tháng 8. Tuy nhiên trong vai trò nội ứng của ông, ông cũng đã có công thu xếp để Nhà Vua, Hoàng Hậu và Hoàng Gia được an toàn, theo nhận định của Hoàng Xuân Hãn khi vị cựu bộ trưởng này được Nhà Văn Thụy Khuê hỏi về giá trị của tập hồi ký của viên Ngự Tiền Tổng Lý họ Phạm này:
Nhưng phải biết rằng nếu không có ông Hoè hồi ấy, thì Triều Đình Huế và nhất là gia đình của ông Bảo Đại, chưa chắc đã hoàn toàn đâu. Có thể nói là ông ấy cứu được ông Bảo Đại, với các gia đình hoàng phái, những người Huế, với lại cái sự hoà giải…
Điều cần phải để ý là ở thời điểm được Thụy Khuê phỏng vấn này Hoàng Xuân Hãn đã thay đổi thái độ chính trị của ông và tiến gần với chế độ Cộng Sản Hà Nội hơn. Bằng chứng là ông đã không dùng từ ngữ hoàng gia hay hoàng tộc mà dùng hai chữ “gia đình”: “gia đình của ông Bảo Đại, các gia đình hoàng phái”. Chính vì sự thay đổi này mà Hoàng Xuân Hãn đã bị mất cảm tình của nhiều người, mặc dầu ông đã ở lại với vai trò đại diện cho Chính Phủ đến giờ phút chót thay vì bỏ dở khi tình hình vô cùng nguy ngập cho an ninh của chính ông, khi ông một mình đến điều đình với Việt Minh, khác hẳn với ba vị bộ trưởng khác đã nói ở trên là Trần Đình Nam, Nguyễn Hữu Thí và Hồ Tá Khanh.
3. Bức điện tín của bốn trí thức trẻ từ Hà Nội đánh vào
Bức điện tín này mang tên bốn trí thức trẻ từ Hà Nội được Ủy Ban Giải Phóng Thành Phố Hà nội gửi vô qua đường bưu điện. Bốn trí thức này gồm có các ông Ngụy Như Kontum lúc đó làm Giám Đốc Đại Học Xá Hà Nội, Nguyễn Văn Huyên , Hồ Hữu Tường và Nguyễn Xiển . Người ta không rõ bức điện tín này được gửi đi ngày nào nhưng theo Phạm Khắc Hoè thì Bảo Đại nhận được trong đêm ngày 23 tháng 8 và do Ủy Ban Nhân Dân Bắc Bộ từ Hà Nội đánh vào. Còn người đem điện tín này vào trình với Nhà Vua là Chủ Sự Phòng Bưu Điện Huế Ngụy Như Bích, cha đẻ của Ngụy Như Kontum. Toàn văn của điện tín ngắn gọn như sau:
Một Chính phủ nhân dân cách mạng lâm thời đã thành lập. Chủ tịch là Cụ Hồ chí Minh. Yêu cầu đức Vua thoái vị ngay để củng cố và thống nhất nền độc lập nước nhà.
Qua điện tín này, lần đầu tiên Bảo Đại đọc được tên Hồ Chí Minh, lãnh tụ Việt Minh, người sẽ kế vị ông. Điều này, theo Phạm Khắc Hoè, đã làm cho Nhà Vua “thất vọng và lo buồn”, vì những câu sấm “Nam Đàn sinh Thánh” là sai và câu sấm “Vạn đại dung thân” cũng có thể sai. Để trấn an Nhà Vua, Hoè đưa ra nghi vấn Hồ Chí Minh là ai mà lâu nay ở Huế chưa hề nghe tiếng? và biết đâu cụ Hồ Chí Minh và cụ Nguyễn Ái Quốc lại không phải là một? Để làm sáng tỏ chuyện này, như đã nói ở trên, đương sự đã chạy đi kiếm Tôn Quang Phiệt để hỏi nhưng Phiệt đi vắng nên qua nhà Đào Duy Anh. Học giả này “liên lục hết mọi tài liệu, sách vở giở ra xem thì cụ Nguyễn Ái Quốc có rất nhiều tên trong quá trình hoạt động cách mạng, nhưng không có tên nào là Hồ Chí Minh cả”. Cuối cùng “Sực nhớ tới Vũ Văn Hiền vừa mới ở Hà Nội về thì Vũ Văn Hiền nói ngay: “Đúng rồi! Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc".
Cũng theo Phạm Khắc Hoè thì khám phá này là một sư giải toả cho nỗi thắc mắc của Nhà Vua như đã phân tích trên đây, theo đó ngôi vua không thể trao cho một nhân vật vô danh, không thành tích được. Chính vì vậy mà, theo lời kể của Phạm Khắc Hoè, khi được Phạm Khắc Hoè báo “tin vui”, Nhà Vua đã bật ra câu tiếng Pháp “Ca vaut bien le coup alors”, “Như thế thật đáng thoái vị” và từ đó “Bảo Đại trở lại lạc quan và chuyện trò với tôi thân mật hơn bao giờ hết. Suốt cả buổi sáng ngày 26, câu chuyện của hai chúng tôi toàn xoay quanh vấn đề hết đời sống vua quan nô lệ đến đời sống công dân tự do. Nguyên Bảo Đại có một đồn điền riêng mới bắt đầu trồng chè ở Bờ lao, trên đường quốc lộ 20 từ Đà lạt xuống Sai Gòn. Bảo Đại dự định sẽ về đó trồng chè và làm nghề săn bắn cũng đã sống phong lưu".
Từ phía Hoàng Đế Bảo Đại, trong hồi ký của nhà vua, ông có nhắc tới điện tín của nhóm trí thức trẻ này, nhưng chi tiết hơi khác với nội dung được ông ghi lại như sau:
Trước ý chí đồng nhứt của toàn thể dân chúng Việt Nam, sẵn sàng hy sinh tất cả để cứu vãn nền độc lập quốc gia, chúng tôi thành kính xin đức Hoàng đế hãy làm một cử chỉ lịch sử để từ bỏ ngai vàng.
Trái với bức của Phạm Khắc Hoè, người đọc không thấy tên Hồ Chí Minh được nhắc tới ở đây. Tên này chỉ được Bảo Đại nhắc tới khi ông kể lại chuyện Trần Huy Liệu vào cung trình ông giấy ủy quyền nhận ấn kiếm và bản tuyên ngôn thoái vị với nguyên văn được nhà vua ghi lại như sau:
Nhân danh dân tộc Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chi Minh của Mặt trận Giải phóng đất nước cho chúng tôi danh dự đến gần Hoàng thượng, để nhận ấn kiếm.
Nhà vua cũng ghi thêm “Đó là lần đầu tiên mà tôi nghe thấy tên Chủ tịch Hồ Chí Minh".
Tại sao lại có sự khác biệt như vậy? và giữa hai bản được hai nhân vật trực tiếp với biến cố này ghi lại, bản nào đúng với sự thật hơn? Đây là những câu hỏi cho tới nay người ta chưa tìm ra câu trả lời. Phải chăng đây chỉ là một vấn đề thuần túy của trí nhớ mà thôi, cũng giống như ngày, giờ nhà vua tiếp kiến Phái Bộ Trần Huy Liệu lần đầu tiên ở Điện Kiến Trung? Bảo Đại ghi là buổi sáng ngày 25 tháng 8, trong khi đích thực là buổi chiều ngày 29, sai nhau tới 4 ngày.
4. Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Phan Thanh Hòa phản đối bức điện tín
Từ phía các sinh viên Đại Học Hà Nội, việc 4 trí thức trẻ đánh điện yêu cầu Vua Bảo Đại thoái vị không phải là không gặp sự chống đối, đặc biệt là từ phía Chủ Tịch Tổng Hội Sinh Viên Phan Thanh Hoà. Ông này dòng dõi Phan Thanh Giản và là em vợ của Bác Sĩ Nguyễn Tôn Hoàn của Đảng Đại Việt sau này. Bác Sĩ Phan Văn Đương, trong hồi ký của ông nhan đề “Nhớ Quê Hương” ký tên Nguyễn Minh Hoài Việt đã dẫn ở trên, lúc đó mới được người Nhật thả ra khỏi tù sau ngày Nhật Bản đầu hàng, có mặt ở Việt Nam Đại Học Xá, đã kể lại chuyện Việt Minh xâm nhập vào hàng ngũ sinh viên ở đây, khi nói về buổi họp ngày 22 tháng 8 của các trí thức nhằm quyết định việc đánh điện yêu cầu Vua Bảo Đại thoái vị đã viết nguyên văn như sau:
Việt Minh len lỏi vào hàng ngũ sinh viên, xâm nhập toà soạn báo tự trị của Tổng Hội, gây mâu thuẫn giữa sinh viên. Hết phát xít Nhật đàn áp, phá hoại, bây giờ lại đến bọn Bôn-sơ-vích tạo ung thối từ bên trong. Trong thời gian dưỡng bệnh, tôi đọc lại báo chí cũ để am hiểu tình hình. Trong buổi giao thời, chính phủ Trần trọng Kim một mặt cố gắng giới hạn can thiệp của người Nhật, mặt khác cố tạo một tình trạng thực tại “bất khả phản hồi” để chặn thực dân Pháp đô hộ trở lại.
[…] Đau đớn và đáng phỉ nhổ hơn là một cuộc họp mặt của các trí thức danh tiếng miền Bắc tại Việt Nam Đại Học Xá ngày 22 tháng 8: một công điện được đánh đi từ Hà Nội yêu cầu Hoàng Đế Bảo Đại thoái vị để nhường quyền cho một chính phủ mới. Công điện mang chữ ký của Nguyễn Xiển, Nguyễn Văn Huyên, Nguyễn Mạnh Tường (đúng hơn là Hồ Hữu Tường, tác giả Phan Văn Đương ghi lầm), Ngụy Như Kontum, những khoa bảng, xuất thân từ các trường đại học của Pháp.[………]
Trong khi chúng tôi, một số sinh viên đang âm thầm cổ động trong Việt Nam Học Xá sự chống đối việc yêu cầu Hoàng Đế Bảo Đại thoái vị, thì anh đương kim chủ tịch Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam có một thái độ tích cực hơn. Đứng trên diễn đàn, trước một đám đông, chủ tịch Phan Thanh Hoà tuyên bố: “Phải để nguyên Hoàng Đế tại vị. Tôi không biết miền Trung và miền Bắc phản ứng ra sao nhưng tôi biết chắc là miền Nam nhất định không theo Cộng Sản. Hoàng đế thoái vị, miền Nam sẽ ly khai". Anh Phan Thanh Hòa là một sinh viên gốc Vĩnh Long, cháu ba đời cụ Phan Thanh Giản. Anh học ngành nha khoa, rất sành về âm nhạc có uy tín nhiều trong giới sinh viên, nên được anh em sinh viên ba kỳ bầu lên làm chủ tịch thay thế anh Phạm Thành Vinh khi anh này bị bắt. Tính anh Hoà rất bộc trực, nóng nảy, tranh đấu chống Việt Minh quyết liệt, từ đó ít lâu anh bị bắt và mất tích luôn.
Tôi đang phẫn nộ và lo buồn về việc mấy nhà “đại trí thức khoa bảng” họp tại Việt Nam Đại Học xá đánh điện vào Huế yêu cầu Hoàng Đế thoái vị thì vài ngày sau đó được tin Vua Bảo Đại chấp nhận từ bỏ ngôi báu. Tuyên cáo thoái vị của nhà vua làm tôi vô cùng xúc động, không cầm được nước mắt.
5. Một điện tín khác: nhà văn, nhà báo, nghệ sĩ?
Tri Tân Tạp Chí, số 202, ra ngày 30 tháng 8, trong một bản tin nhan đề “Toàn thể giới nhà văn, nhà báo và nghệ sĩ nhiệt thành ủng hộ chính quyền cách mạng, đánh điện yêu cầu Vua Bảo Đại thoái vị ngay, sửa soạn tờ thỉnh cầu lên phái bộ đồng minh sắp tới”. Buổi họp diễn ra lúc 10 giờ sáng ngày 26 tháng 8 năm 1945 tại trụ sở của Hội Khai Trí Tiến Đức. Buổi họp qui tụ “đủ mặt đại biểu các báo hàng ngày trừ báo Đông Phát, các báo hàng tuần, các nhà xuất bản, các nhà văn, thi sĩ, kịch sĩ, họa sĩ và các nhà điêu khắc, kiến trúc”. Người khai mạc buổi họp, mà người ta phải coi là người chủ trương, là Nhà Văn Trương Tửu. Chương trình nghị sự gồm có bốn vấn đề:
1. Tỏ thái độ đối với chính quyền cách mạng
2. Quyết định thái độ đối với triều đình Huế
3. Hô hào thống nhất chính quyền trong toàn cõi Việt Nam
4. Sửa soạn tiếp đón phái bộ đồng minh và đặt lời thỉnh nguyện lên phái bộ.
Trương Tửu được bầu làm chủ tịch buổi họp và Nguyễn Hoạt làm thư ký. Bài báo chỉ ghi là “Bầu xong hội nghị bắt đầu thảo luận”, không kể thêm chi tiết và tờ báo cũng không đăng thêm gì khác nữa. Điều ta cần để ý ở đây là ngày giờ họp. Đó là 10 giờ sáng ngày 26 tháng 8 năm 1945 tại trụ sở của Hội Khai Trí Tiến Đức, một tuần lễ sau biến cố 19 tháng 8, ba ngày sau buổi họp của giới trí thức, sinh viên ớ Đại Học Xá Đông Dương và điện tín của bốn trí thức trẻ kể trên được gửi vô Huế. Trong khi đó thì ngày 25, phái đoàn Trần Huy Liệu đã rời Hà nội vô Huế rồi. Chuyện đánh điện “yêu cầu Bảo Đại thoái vị ngay” đối với Việt Minh không còn cần thiết nữa. Điều này giúp ta giải thích tại sao cả Bảo Đại lẫn Phạm Khắc Hoè đều không nói tới điện tín này trong hồi ký của hai người. Lý do rất đơn giản: điện tín này đã không được gửi đi. Cũng nên để ý là trong thành phần những người tham dự không phải không có người chống đối, rất có thể có cả Khái Hưng của tờ Ngày Nay, nên “có nhiều tranh cãi gay gắt” mà người ký giả tường thuật cũng như tờ báo không đăng gì tiếp thêm.
Nam Phương Hoàng Hậu. Nguồn: Hồi Ký của Toàn Quyền Jean Decoux, À la Barre de l’Indochine.
III. Hoàng Đế Bảo Đại chính thức thoái vị
1. Trả lời tối hậu thư của Việt Minh
Như trên đã nói, sau những biến cố xảy ra trong buổi sáng ngày 23 tháng 8, việc Vua Bảo Đại chấp nhận những điều kiện yêu cầu nhà vua thoái vị theo như lời yêu cầu của Việt Minh trong tối hậu thư kể trên, đã chính thức được quyết định. Phạm Khắc Hoè đã trở thành người liên lạc giữa Đại Nội và Việt Minh. Ngay lập tức, ông này đã ra sân vận động, là nơi đã diễn ra cuộc biểu tình lúc đó, để trả lời cho Việt Minh cho kịp thời hạn 13 giờ 30 trưa. Nhưng tại đây ông đã phải “chờ đến 4 giờ chiều mới thấy Tôn Quang Phiệt tới. Anh dẫn tôi tới một ngôi nhà phía sau khán đài, gõ cửa một phòng nho nhỏ đưa tôi vào giới thiệu với ông Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa, một người bé nhỏ trẻ măng như một chàng thư sinh". Người đó sau này ông mới được họ Tôn cho biết là “thi sĩ cách mạng” Tố Hữu. Sau này khi viết hồi ký, Phạm Khắc Hoè đã ghi lại cảm tưởng của mình sau khi được Tôn Quang Phiệt đọc cho nghe mấy bài thơ của Tố Hữu như sau:
Nghe bài nào tôi cũng thấy mới, thấy thích, nhưng có một bài đã đập rất mạnh vào tim óc tôi và tôi ghi nay vào sổ tay. Đó là bài “Tiếng hát sông Hương”.
2. Trả lời điện tín của Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng Bắc bộ
Sáng ngày 24, sau khi tìm ra được tên của người lãnh đạo Việt Minh và giải tỏa được thắc mắc của Vua Bảo Đại về người này, Phạm Khắc Hoè đã gửi ngay cho Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng Bắc Bộ bức điện tín nguyên văn như sau:
Khâm phụng, Hoàng đế sắc văn phòng tôi trả lời bức điện số DT của quý Ủy ban rằng: Ngài vui lòng thoái vị ngay và đã sắp đặt sẵn sàng, nhưng có trách nhiệm đối với lịch sử và toàn thể quốc dân và muốn Chính phủ mới chính thức ra mắt quốc dân một cách long trọng, Ngài muốn ông Chủ tịch Chính phủ nhân dân cách mạng lâm thời gấp về Thuận Hóa để Ngài giao chính quyền và Ngài muốn ông cho biết ngày giờ làm lễ ấy. Đồng thời Hoàng đế lại sắc văn phòng tôi sao chuyển bức điện văn này cho nhà đương chức Nhật Bản và Ủy ban nhân dân cách mạng Thuận Hóa biết.
Qua bức điện tín này, người ta thấy về phía Hoàng Đế Bảo Đại, nhà vua muốn đích thân Hồ Chí Minh vào Huế để dự lễ bàn giao chính quyền và ra mắt quốc dân một cách long trọng. Đây là một vấn đề liên quan tới trách nhiệm mà ông luôn luôn coi trọng, nhưng ông đã không được toại nguyện. Thay vì Hồ Chí Minh lại là Trần Huy Liệu, người sau này nhà vua đã đánh giá thấp và miêu tả như “là một người gầy còm, có hình thái tiều tụy, đeo đôi kính đen để che cặp mắt lé, mà người ta lấy làm khó chịu khi phải nhìn lâu. Kẻ đồng hành là Cù huy Cận trông thật là vô nghĩa. Tôi không khỏi thất vọng". Thất vọng là phải nếu người ta hiểu được sự trông đợi của nhà vua trước quyết định tối quan trọng ông đã phải làm ở thời điểm này. Tưởng cũng cần để ý là cho mãi đến tận sau này người Việt Nam vẫn coi trọng tướng mạo bề ngoài của một người để có thể tin cậy vào người ấy hay không và nhất là để giao phó công việc. Điển hình là câu ca dao:
Trông mặt mà bắt hình dong,
Con lợn có béo thì lòng mới ngon.
Quan hệ hơn nữa, ở đây là chuyện nhường ngôi vua mà Bảo Đại đã nhận được từ tổ tiên ông.
Ngoài ra nhà vua cũng đã có lý khi ông cho việc gửi điện tín trả lời cho “Ủy Ban Nhân Dân Cứu Quốc” chỉ là một việc làm “vu vơ”. Lý do là vì ở vào thời điểm này ông cũng như những người chung quanh ông chưa biết ủy ban này thật sự là gì và ở đâu?
Cuối cùng, chiều hôm sau, 25 tháng 8, văn phòng của Phạm Khắc Hoè nhận được điện tín trả lời của Chính phủ nhân dân cách mạng lâm thời với nội dung đòi hỏi nhà vua phải ra dụ chính thức thoái vị, lấy cớ “để yên lòng dân”, nhưng thực sự thì để chắc ăn và để đặt những ai còn lưu luyến và hy vọng giữ chế độ quân chủ cũng như Hoàng Đế Bảo Đại trước sự đã rồi, nguyên văn của bức điện tín này như sau:
Hoan nghênh tinh thần dân chủ và đoàn kết, thống nhất của Hoàng đế. Yêu cầu Hoàng đế hạ dụ chính thức thoái vị để yên lòng dân. Đại biếu Chính phủ sắp tới Thuận Hóa.
3. Chiếu thoái vị: Bản Đại Hiến Chương, Magna Carta, của Việt Nam?
Ngay sau đó Phạm Khắc Hoè đã cho niêm yết hai bản Chiếu Thoái Vị và Tuyên Chiếu với Hoàng Tộc của nhà vua ở Phu Văn Lâu, đồng thời gửi toàn văn Chiếu Thoái Vị cho các vị Khâm Sai Bắc bộ và Khâm Sai Nam Bộ cũng như các tỉnh trưởng Trung Bộ. Sự thoái vị của nhà vua như vậy kể như là đã được cả hai bên chấp thuận. Còn lại là một buổi lễ chính thức để nhà vua từ giã thần dân của mình và trao quyền cho đại diện của chính phủ mới.
Sau đây là nguyên văn của hai tờ chiếu:
Chiếu Thoái Vị
Việt Nam Hoàng Đế Ban Chiếu
- Hạnh phúc của dân Việt Nam
- Độc lập của nước Việt Nam
Muốn đạt được mục đích ấy, Trẫm đã tuyên bố: Trẫm sẵn sàng hy sinh hết cả mọi phương diện và cũng vì phương diện ấy nên trẫm muốn sự hy sinh của trẫm phải có bổ ích cho tổ quốc.
Xét thấy điều bổ ích cho tổ quốc lúc này là sự đoàn kết toàn thể quốc dân, Trẫm đã tuyên bố ngày 22 tháng 8 vừa rồi rằng: trong giờ nghiêm trọng này đoàn kết là sống chia rẽ là chết.
Nay thấy nhiệt vọng dân chủ của quốc dân Bắc bộ lên quá cao nên trẫm cứ ngồi yên mà đợi quốc hội thì không thể nào tránh khỏi nạn Nam, Bắc phân tranh, đã thống khổ cho quốc dân lại thuận tiện cho người lợi dụng.
Cho nên mặc dầu trẫm hết sức đau đớn nghĩ đến công lao liệt thánh, vào sinh ra tử trong gần 100 năm để mở mang giang sơn đất nước từ Thuận-hóa tới Hà-tiên.
Mặc dầu trẫm hết sức bùi ngùi cho nỗi làm vua trong 20 năm, mới gần gũi quốc dân được mấy tháng chưa làm được gì ích lợi cho quốc dân như lòng trẫm mong muốn, trẫm cũng quả quyết thoái vị để nhường quyền điều khiển quốc dân cho một chính phủ dân chủ cộng hòa.
Trong khi trao quyền cho chính phủ mới, trẫm chỉ mong ước có ba điều này:
1. Đối với Tông-Miếu và Lăng-Tẩm của Liệt Thánh, chính phủ mới nên xử trí thế nào cho có sự thể.
2. Đối với các đảng phái đã từng tranh đấu cho nền độc lập quốc gia, nhưng không đi sát theo phong trào dân chúng, trẫm mong chính phủ mới sẽ lấy sự ôn hòa xử trí để những phần tứ ấy cũng có thể giúp vào việc kiến thiết quốc gia và tỏ rằng chính phủ dân chủ cộng hoà nước ta đã xây đắp trên sự đoàn kết của toàn thể quốc dân.
3. Đối với quốc dân, trẫm khuyên hết cả các giai cấp, các đảng phái, cho đến cả người Hoàng phái cũng vậy, đều nên hợp nhất mà ủng hộ triệt để chính phủ dân chủ, giữ vững nền độc lập của nước, chứ đừng vì lòng quyến luyến trẫm và Hoàng gia mà sinh chia rẽ.
Còn về phầm trẫm, sau 20 năm ngai vàng bệ ngọc, đã biết bao ngậm đắng nuốt cay. Từ nay trẫm lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập, chứ trẫm nhất quyết không để cho ai lợi dụng danh nghĩa của trẫm hay của Hoàng gia mà lung lạc quốc dân nữa.
Việt Nam độc lập muôn năm
Dân chủ cộng hoà muôn năm
Khâm thử
Phụng ngự ký: “Bảo Đại”
Ban chiếu tại lầu Kiến Trung ngày 18 tháng 7 năm Bảo Đại thứ 20
(25 tháng 8 năm 1945), Số hiệu 1871 GT
Ngự tiền văn phòng cung lục
dấu ngự tiền văn phòng
Chiếu Ban Cho Bà Con Trong Hoàng Tộc
Việt Nam Hoàng Đế Ban Chiếu
Kể từ ngày Đức Thái tổ Gia Dũ Hoàng Đế vào trấn ở Thuận Hóa đến nay đã 388 năm.
Trong non 4 thế kỷ Liệt-Thánh chúng ta trước đã trải qua biết bao nhiêu sự gian lao nguy hiểm vì nước vi dân mới truyền ngôi lại cho trẫm được đến ngày nay.
Cái gia tài quí báu di truyền đã gần 400 năm ấy, nay trong giây phút trẫm bỏ hết cả. Bà con trong Hoàng-tộc ai mới nghe cũng phải đau đớn ngậm ngùi.
Song trẫm biết rằng đó chỉ là một cái cảm tình thoáng qua chốc lát mà thôi chớ bà con ai cũng sẵn tính bình tĩnh, sẵn trí sáng suốt để xét gần thấy xa, cho nên sau khi đã chuẩn định lấy ba chữ “Dân vi quí” làm một khẩu hiện của chính thể mới, sau khi đã tuyên bố: “Để hạnh phúc dân lên trên ngai vàng”, “Làm dân một nước độc lập hơn làm vua một nước nô lệ’, nay trẫm nhất định thoái vị để giao vận mệnh quốc gia cho một chính phủ có đủ điều kiện huy động hết thảy lực lượng của toàn quốc mà giữ vững nền độc lập của nước, hạnh phúc cho dân.
Độc lập của nước, hạnh phúc của dân, vì tám chữ đó mà trong 80 năm vừa qua biết mấy mươi ngàn vạn đồng bào đã rơi đầu bỏ xác nơi nước thẳm non xa, trong lao đen ngục tối.
Đối với sự hy sinh của những kẻ anh hùng liệt sĩ ấy, của muôn ngàn chiến sĩ vô danh ấy, trẫm cho sự thoái vị của trẫm là thường.
Vậy trẫm chắc rằng bà con trong Hoàng tộc sau khi nghe lời chiếu thoái vị, ai ai cũng vui lòng để nợ nước lên trên tình nhà mà đoàn kết chặt chẽ với toàn thể quốc dân để ủng hộ chính phủ dân chủ, giữ vững nền độc lập cho tổ quốc. Thế mới là một cách chân chính cao thượng, giữ chữ trung với trẫm và chữ hiếu với Liệt-Thánh.
Việt Nam độc lập muôn năm
Dân chủ Cộng Hòa muôn năm
Khâm thử
Phụng Ngự ký: “Bảo Đại”
Ban chiếu tại lầu Kiến Trung này 18 tháng 7
năm Bảo Đại thứ 20 (25 tháng 8 năm 1945)
Số hiệu: 1872 GT
Ngự tiền văn phòng cung lục
dầu ngự tiền văn phòng
Nhận định và đánh giá Chiếu Thoái Vị của Hoàng Đế Bảo Đại cùng với những biến cố liên hệ đã diễn ra trước và sau đó trong lịch sử cận đại Việt Nam, Luật Sư Trần Thanh Hiệp, một nhà tranh đấu cho nhân quyền hiện ở Pháp, trong tập khảo luận ngắn đã dẫn trên đây, đã ví tờ chiếu này với bản Đại Hiến Chương Magna Carta mà King John (1199 -1216) của nước Anh, ban hành năm 1215, theo đó nhà vua phải tôn trọng các quyền căn bản, ban đầu là của các quý tộc, sau mở rộng cho mọi người dân, những quyền sau này được người Mỹ đề cao trong cuộc tranh đấu giành độc lập của 13 thuộc địa của người Anh ở Mỹ Châu, nền tảng của Hiến Pháp 1787 của Hoa Kỳ và sau này gián tiếp được chính Chủ Tịch Hồ Chí Minh của Nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa nói tới trong bản Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 của ông. Magna Carta ngày nay vẫn còn được coi như biểu tượng quan trọng cho quyền tự do của con người và được các chính trị gia và các nhà vận động cho nhân quyền nhắc tới và được tôn trọng trong thế giới Tây phương.
Coi như một việc làm nhằm trả lại sự thực cho lịch sử trên bình diện pháp lý, phần biện luận của Luật Sư Trần Thanh Hiệp tương đối dài nhưng vì nhu cầu cần phải được trích dẫn đầy đủ, xin quý vị độc giả vui lòng lượng thứ và kiên nhẫn đọc kỹ quan điểm có thể coi là mới và quan trọng này. Nguyên văn như sau:
Việc tìm hiểu tại sao vua Bảo Đại thoái vị không quan trọng bằng việc xác định người vua ấy đã thoái vị như thế nào, đã trao quyền cho ai, và trên những cơ sở gì, với những hậu quả pháp lý ra sao?
Về điểm này, tưởng phải phục hồi giá trị lịch sử cho “Chiếu thoái vị” ngày 25-8-1945 của vua Bảo Đại, một văn kiện lịch sử đã bị chôn vùi một cách vô ý thức, chẳng những bởi những người cộng sản mà cả những người chống cộng sản.
Đối với người Việt Nam, không ai nghĩ rằng Chiếu thoái vị này là một loại Đại Hiến Chương (Magna Carta hay Great Charter) mà ý nghĩa lịch sử cũng như pháp lý cao hơn bản Hiến Chương 1215 của vua Jean-Sans-Terre, một lời cam kết của vị vua này ở Anh quốc chấp nhận nhường một phần vương quyền cho các bá tước người Anh. Vậy mà ngày nay chẳng những riêng người Anh, cả thế giới đều coi nó như một nguồn gốc lịch sử của nhân quyền. Trong khi đó Chiếu Thoái Vị 25 -8-1945 của vua Bảo Đại là một văn bản chính thức và công khai qua trung gian của các đai diện dân chúng nhường không điều kiện toàn bộ vương quyền cho dân chúng. Những người cộng sản cướp chính quyền, theo mẫu âm “la” của Trường Chinh, coi Chiếu Thoái Vị của vua Bảo Đại chỉ là một văn kiện “đầu hàng cách mạng” là điều hiểu được. Nhưng quả thực rất khó hiểu sự kiện đã có không ít những người tự nhận là chống cộng sản, hoặc vì không biết đầy đủ nội dung của nó nên coi nó như không có gì đáng kể, hoặc khiếp đảm vì bạo lực của cộng sản cướp chính quyền, không nhận ra được giá trị của Chiếu Thoái Vị, thậm chí còn nhập nội và lưu truyền mặc cảm tự ti của những người thất trận.
Đã đến lúc phải tái lập sư thật.
Trên bình diện lịch sử, Chiếu Thoái Vị 25-8-1945 của vua Bảo Đại là một sử liệu quý giá đánh dấu sự chấm dứt nền quân chủ cổ truyền để chuyển quyền, không đổ máu từ vua sang dân, trong một tinh thần tự nguyện vì độc lập của đất nước, vì tự do của mỗi người dân và vì đoàn kết của cả dân tộc. Trên bình diện pháp lý, văn kiện này là một bản hợp đồng rất đặc biệt - vừa thành văn vừa không thành văn - ấn định rõ ràng những điều kiện trong đó hành vi trao quyền được thực hiện và những nghĩa vụ mà người nhận quyền phải thi hành. Điều cho đến nay không ai nói tới hoặc không nghĩ tới là bên nhận quyền, những người cộng sản cướp chính quyền năm 1945, đã long trọng cam kết thi hành những nghĩa vụ ấy. Nhưng cộng sản đã bội ước, nhận quyền để thiết lập chuyên chính còn bạo tàn hơn cả quân chủ.
Cũng như trường hợp bản Đại Hiến chương 1215, luật học ngày nay không cần tìm biết vì sao vua Jean-Sans-Terre đã nhường quyền mà chỉ cần biết vị vua này đã nhường những quyền gì, nhường cho ai? Vua Bảo Đại, với tư cách người kế vị vương quyền của dòng họ Nguyễn lưu truyền đã gần 400 năm nay, đã văn kiện hóa hành vi nhường quyền của mình bằng những lời lẽ không thế rõ ràng hơn nữa: vì “hạnh phúc của dân”, vì “độc lập của nước”, không “ngồi yên mà đợi quốc hội” trước “nhiệt vọng dân cử rất cao của dân chúng miền Bắc, đã “quả quyết thoái vị” để tránh nạn“Nam - Bắc phân tranh” đồng thời “ nhượng quyền điều khiển quốc dân lại cho một chính phủ dân chủ cộng hòa”. Một trong đòi hỏi của người trao quyền là chính quyền dân chủ sắp được thiết lập phải “lấy sự ôn hòa xử trí” đối với “các đảng phái đã từng tranh đấu cho nền độc lập quốc gia nhưng không đi sát theo phong trào dân chúng để những phần tử ấy cũng có thể giúp vào việc kiến thiết quốc gia và tỏ rằng chính phủ dân chủ cộng hòa nước ta đã xây đắp trên sự đoàn kết của toàn thể quốc dân”.
Như vậy là vua Bảo Đại đã sang trang cho lịch sử cả hàng ngàn năm. Và những người nhận quyền từ tay vua Bảo Đại đã giao ước, trước mặt quốc dân, với vua Bảo Đại, sẽ viết những trang sử mới theo đúng lời yêu cầu ghi trong Chiếu Thoái Vị. Giao ước long trọng nhiều lần. Lần thứ nhất, khi vua Bảo Đại gặp các đại diện của Ủy ban Nhân Dân Cứu Quốc tự xưng là đại diện cho tất cả mọi đảng phái và từng lớp dân chúng, sáng ngày 23-8-1945 tới cung điện với giấy ủy quyền nhân danh Việt Năm Độc Lập Đồng Minh (Việt Minh) ở Hà Nội phái vào. Theo tập hồi ký Con Rồng Việt Nam thì phái đoàn đại diện gồm có hai người là Trần Huy Liệu, Phó chủ tịch của ủy ban Nhân dân cứu quốc và Cù Huy Cận, nhưng ký giả Nam Đình Nguyễn Kỳ Nam trong tập hồi ký của ông là còn có cả Nguyễn Lương Bằng, đại diện cho “cách mạng”. Cách thức nhận quyền thuộc phần giao ước không thành văn. Người ta đọc thấy trong tập hồi ký Con Rồng Việt Nam rằng Trần huy Liệu xuất trình giấy ủy quyền và tuyên bố: “Nhân danh dân tộc Việt Nam, Chủ Tịch Hồ Chí Minh của Mặt Trận Giải Phóng đất nước cho chúng tôi danh dự đến gần Hoàng thượng đến nhận ấn kiếm”. Được vua Bảo Đại trao cho đọc Chiếu Thoái Vị, sau khi đọc xong và, hội ý với Cù huy Cận, Trần Huy Liệu nói: “Thưa Hoàng thượng, nhân danh dân tộc Việt Nam, chúng tôi nhận hết cả bản văn này. Nhưng chúng tôi kính cẩn xin tổ chức một buổi lễ vắn tắt, trong đó xin Hoàng thượng công khai tuyên bố cho mọi người biết”. Chiều ngày 23-8-1945, vua Bảo Đại bận triều phục, đọc cho hàng ngàn người tụ họp trước cửa Ngọ môn nghe Chiếu Thoái Vị đề ngày 25-8-1945. Lần đầu tiên nền dân chủ đã trực tiếp ra đời trên đất nước Việt Nam, với một áp âm tươi sáng: “Trẫm lấy làm vui được làm dân tự do của một nước độc lập”. Lần thứ hai, sư giao ước - lần này gián tiếp – đã được chính quyền cộng sản trá hình, thay thế triều đình Huế, long trọng tuyên đọc qua bản Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 2-9-1945 trong đó có trích dẫn tinh thần dân chủ tự do theo truyền thống phương Tây để được nêu lên như một giá trị quy chiếu. Không biết rằng vô tình hay cố ý, sự giao ước hai bên không được văn kiện hóa để mang hình thức một tài liệu thành văn. Nhưng xét theo tập tục của người Việt Nam vào thời điểm mùa Thu 1945, giữa hai bên “Vua” và “Dân” đã có một sự kết ước với những điều kiện rõ rệt. Ở các chợ miền quê trong cả nước hồi đó, tập tục mua bán trâu bò chỉ cần thỏa thuận miệng và một cử chỉ hai bên vỗ tay nhau là sự kết ước thành tựu. Không một bản văn trọng đại như Chiếu Thoái Vị, được tăng cường thêm bằng những hình thức trọng thể của việc thoái vị và Tuyên ngôn ngày 2-9-1945 thành lập chính quyền Cộng Hòa, lại không có giá trị bằng một lời giao ước miệng mua bán trâu bò ở giữa chợ sao?
Chưa hết, với sự dè dặt của một nhà luật học, Luật Sư Trần Thanh Hiệp vẫn muốn luận cứ của mình được đầy đủ hơn và vững chắc hơn, ông viết để kết luận như sau:
Trong những năm tới Việt Nam chắc cũng sẽ có những công trình nghiên cứu sử học vô tư – như trong bộ sử hậu-cộng -sản, do giáo sư đại học Nga, Iouri Afanassiev, chủ trì và ấn hành năm 1991 tại Mạc Tư Khoa - để đưa ra trước ánh sáng những thao tác của Đảng Cộng sản Việt Nam trong ý đồ cưỡng hiếp và ngụy tạo lịch sử. Nhưng ngay tự bây giờ người ta cũng đã có cơ sở để dứt khoát kết luận rằng cuộc chính biến mùa thu 45 đã không thể coi là một cuộc cách mạng – dù vô sản hay dân tộc dân chủ nhân dân – mà chỉ là một vụ cướp chính quyền.
Có điều những luận cứ pháp lý như luận cứ của Luật Sư Hiệp chỉ có giá trị khi tinh thần thượng tôn pháp luật và đạo đức được triệt để tôn trọng. Chúng hoàn toàn không thể có được ở một nước độc tài, dù là độc tài dưới một hình thức nào. Vua Bảo Đại sau này chắc chắn đã nhận ra điều này nên khi gặp lại Cựu Thủ Tướng Trần trọng Kim ở Hương Cảng, lời đầu tiên ông nói “Chúng mình già trẻ mắc lừa bọn du côn”. Xin để ý hai tiếng “du côn” ông dùng ở đây có nhiều phần ông học được trong thời gian làm Cố Vấn Tối Cao cho Hồ Chí Minh ở Hà Nội, vì nói tới du côn thi người ta không thể nói tới luật pháp hay đạo đức, mà là ngang ngược, lừa dối, đểu giả không coi người khác ra gì. Còn nói tới mắc lừa thì Nhà Vua và mọi người đã bị mắc lừa trước những tin đồn về sức mạnh của Việt Minh, về mối liên hệ giữa Việt Minh và Đồng Minh, nhất là Hoa Kỳ và Tướng Cọp Bay Chennault, mà sau này mới rõ sự thực. Nhưng dù sao hành động thoái vị của Hoàng Đế Bảo Đại vẫn là một hành động đẹp, đầy tình cảm, mang ít nhiều lãng mạn tính, dù là trong lời nói hay trong việc làm vào lúc nguy nan nhất trong cuộc đời làm vua của ông, trái hẳn với hoàn cảnh và con người của King John của Anh Quốc. King John không thành công cả trong lẫn ngoài, bị các barons chống lại, tính tình nhỏ nhen, dâm loạn, tàn bạo, dễ ghét..vân vân…
3. Phái đoàn Chính Phủ Lâm Thời và Lễ Thoái Vị, 30-8-1945
Phái đoàn này gồm có ba người là Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận với Trần Huy Liệu làm trưởng đoàn. Những chi tiết về lễ thoái vị đã được hai bên chính thức đồng ý trong buổi Nhà Vua tiếp kiến phái đoàn tại Điện Kiến Trung chiều ngày 29 tháng 8. Buổi lễ sẽ do Nhà Vua tổ chức vào lúc 4 giờ chiều ngày 30 tháng 8 năm 1945 tại Ngọ Môn.
Về buổi lễ kể trên cũng như những gì đã xảy ra trước và sau đó, về căn bản ta có hồi ký của ba nhân chứng chính có mặt là Hoàng Đế Bảo Đại, Trưởng Phái Đoàn Đại Diện Chính Phủ Lâm Thời Trần Huy Liệu và Tổng Lý Văn Phòng của nhà vua, Phạm Khắc Hoè. Giữa ba hồi ký này, người ta thấy có nhiều điểm khác nhau, đặc biệt là ngày giờ phái đoàn vào cung gặp Vua Bảo Đại, nhà vua ghi là sáng ngày 23 tháng 8 trong bản tiếng Việt và ngày 25 trong bản tiếng Pháp trong khi cả hai Ông Phạm Khắc Hoè và Trần Huy Liệu đều ghi là buổi chiều ngày 29, sau khi phái đoàn gần trưa mới tới Sân Vận Động Huế, rồi lại gặp riêng Phạm Khắc Hoè lúc 2 giờ chiều ở trụ sở của Ủy Ban Nhân Dân Huế ở Toà Khâm Sứ cũ để bàn về lễ thoái vị. Thời điểm này phù hợp với ngày tháng được ghi trong Việt Nam Niên Biểu của Chính Đạo . Riêng hồi ký của Trần Huy Liệu, tác giả tập sách này được biết có tới ít nhất ba bản nội dung có chứa nhiều chi tiết khác nhau. Trước hết là bản do Tạp Chí Nghiên Cứu Lịch Sử, số 18, 9-1960 ấn hành và bản thảo đánh máy, hồ sơ số 147, phòng Trần Huy Liệu, được lưu trữ tại Viện Sử Học, dưới tiêu đề “Tước Ấn Kiếm của Hoàng Đế Bảo Đại” được Phan Thứ Lang trích dẫn trong Bảo Đại, Vị Vua Triều Nguyễn Cuối Cùng của ông , bản được in trong Những Ngày Cuối Cùng Của Triều Nguyễn của Nhà Xuất Bản Thuận Hóa, trích từ Hồi Ký Trần Huy Liệu, Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội ấn hành năm 1992, và bản in trong Tạp Chí Xưa Và Nay, số 450 (8-2014), tháng 8 năm 2014, nhan đề “Nhận Thanh kiếm Vàng Của Cựu Hoàng Đế Bảo Đại”, trích từ báo Cứu Quốc, số đặc biệt kỷ niệm một năm ngày Quốc Khánh (1946). Nội dung của các ấn bản không giống nhau, trong đó đáng chú ý là ba chữ “tên”, “hắn” và “nó” tác giả Trần Huy Liệu dùng để gọi Hoàng Đế Bảo Đại trong bản thảo đánh máy mà Phan Thứ Lang đã trích dẫn. Chẳng hạn như “Trở lại câu chuyện Bảo Đại, tên vua cuối cùng của triều Nguyễn, và cũng là tên vua cuối cùng của chế độ quân chủ Việt Nam mà cách mạng sắp hạ bệ xuống” hay “Cái hy vọng của hắn không còn phải là duy trì ngôi báu mà chỉ là bảo toàn tính mạng”, hay “vấn đề xưng hô giữa chúng tôi và Bảo Đại cụ thể là nên gọi hắn bằng gì và nếu hắn xưng hô trẫm với chúng tôi thì sao?” hay “nó hiện nay là tù binh của mình, đối xử với nó như thế nào không thành vấn đề”… Cùng với một số chi tiết được sửa chữa hay xóa bỏ, những chữ này đã được thay thế bằng “Vua Bảo Đại” hay “nhà vua” hoặc “ông ta” với một giọng viết bớt kiêu căng của kẻ chiến thắng hơn. Bản văn như vậy đã bị sửa đổi. Nhưng câu hỏi được đặt ra là ai đã sửa đổi, chính tác giả Trần Huy Liệu đã sửa đổi hay người sau này sửa đổi và do đâu có sự sửa đổi này. Đây là một trong những khó khăn nhưng cũng là một điều đáng chú ý mà người muốn tìm hiểu lịch sử Việt Nam gặp phải. Cũng nên để ý là ngoài hồi ký của Trần Huy Liệu, ngay các văn bản vô cùng quan trọng liên quan tới Chủ Tịch Hồ Chí Minh cũng không phải là không chịu chung số phận. Điển hình là bản Tuyên Ngôn Độc Lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 của Chủ Tịch Chính Phủ Lâm Thời và bức thư cũng của chính Chủ Tịch Hồ Chí Minh gửi các học sinh nhân dịp khai trường không lâu ngay sau đó. Bản Tuyên Ngôn Độc Lập, theo tác giả Nguyễn Thành trên tờ Nghiên Cứu Lịch Sử, sô (278) (I–II), 19995 đã cho biết là có nhiều dị bản sai nhau đến 22 từ vì đã được sửa đi sửa lại nhiều lần từ ngày 2-9-1945 đến năm 1973, theo ông “thật là không thể hiểu nổi” . Còn bức thư của Hồ Chí Minh thì theo Giáo Sư Hà Văn Tấn trong một bài tham luận nhan đề “Lịch Sử, Sự Thật và Sử Học” đăng trên tờ Đoàn Kết, số 403, ấn hành vào tháng 6 năm 1988 tại Paris, có lẽ in lại từ tờ Tổ Quốc số tháng Giêng năm 1988, “sai rất nhiều so với văn bản đầu tiên còn được cất giữ ở Cục Lưu Trữ Trung Ương”.
Trở lại với Lễ Thoái Vị. Lễ này đã diễn ra lúc 4 giờ chiều ngày 30 tháng 8 ở Ngọ Môn, trước một đám đông chừng 5 vạn người do Việt Minh huy động. Phạm Khắc Hoè đã kể lại buổi lễ như sau:
Trưa 30 tháng 8-1945, cờ vàng của Vua được kéo lên lại trên kỳ đài. Đồng bào bắt đầu tập hợp trước Ngọ Môn khoảng 2 giờ đã có hàng người. Từ các ngả đường, những đoàn người vẫn tiếp tục kéo đến mỗi ngày một đông, đứng chật ních cả bãi cỏ rất lớn trước Ngọ Môn.
Đúng 4 giờ, xe của Phái đoàn Chính phủ cách mạng cắm cờ đỏ sao vàng tiến thẳng vào cửa chính giữa của Ngọ Môn, giữa tiếng hoan hô nhiệt liệt của hơn năm vạn nhân dân nội thành Huế.
Phái đoàn trên xe bước xuống, thì tôi và Hoàng tùng đệ Vĩnh Cẩn đón mời lên lầu Ngũ phụng của Ngọ Môn. Ở đây, Bảo Đại khăn vàng, áo vàng, quần trắng, giày dừa thêu rồng ra, đón phái đoàn.
Trước hết ông Trần Huy Liệu nói cho đồng bào rõ ý nghĩa của việc Phái đoàn thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời vào nhận sự thoái vị của Bảo Đại và đọc cho đồng bào nghe bức điện mới nhận được từ Hà Nội đánh vào cho biết Chính phủ lâm thời sẽ ra mắt quốc dân tại thủ đô Hà Nội ngày 2 tháng 9 và Cụ Chủ tịch Hồ Chí Minh sẽ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập. Ông Trần Huy Liệu cũng đọc cho đồng bào nghe danh sách Chính phủ lâm thời. Những tiếng vỗ tay và hô khẩu hiệu của đồng bào kéo dài một hồi lâu.
Sau đó, Bảo Đại đọc tờ Chiếu thoái vị một cách xúc động có khi tắt cả tiếng. Bảo Đại đọc xong thì trên kỳ đài lá cờ vàng của nhà Vua từ từ hạ xuống và lá cờ nền đỏ thắm tươi long lanh năm cánh sao vàng được kéo lên giữa những tiếng vỗ tay, những tiếng hoan hô như sấm cắt ngang bởi 21 phát súng lệnh vang lên chào quốc kỳ mới của Tổ quốc hồi sinh. (tr. 89)
Tiếng súng lệnh chấm dứt, Bảo Đại hai tay đưa lên trao cho ông Trưởng đoàn Đại biểu Chính phủ chiếc quốc ấn bằng vàng nặng gần 10 kilogam và chiếc quốc kiếm để trong vỏ bằng vàng nạm ngọc. Rồi ông Trần Huy Liệu đọc bản tuyên bố của Đoàn đại biểu Chính phủ, nêu rõ thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám là kết quả của hàng mấy chục năm tranh đấu anh dũng, kiên cường, bền bỉ của nhân dân cả nước, tuyên bố chấm dứt vĩnh viễn chế độ quân chủ và nhấn mạnh chính sách của Chính thể dân chủ cộng hòa là đoàn kết mọi từng lớp quốc dân để giữ nước và dựng nước.
[…….]
Cuối cùng, theo đề nghị của Bảo Đại, Đoàn đại biểu Chính phủ tặng ông ta một huy hiệu Cờ đỏ sao vàng. Ông Nguyễn Lương Bằng cài huy hiệu lên ngực Bảo Đại, từ nay trở thành người công dân Vĩnh Thụy, đồng thời ông Cù Huy Cận công bố điều ấy cho đồng bào biết và đề nghị đồng bào hoan nghênh người công dân Vĩnh Thụy.
Vĩnh Thụy tươi cười giơ tay vẫy chào đồng bào và ra về. Phái đoàn Chính phủ cũng đi xuống với Vĩnh Thụy đến chỗ xe đậu. Ở đây hai bên chia tay nhau. Phái đoàn Chính phủ trở về Trung Bộ phủ, Vĩnh Thụy cùng tôi và Vĩnh Cẩn trở về điện Kiến Trung.
Nhận định về đoạn văn này nhiều người cho rằng Phạm Khắc Hoè đã thay đổ thái độ và cách xưng hô đối với Nhà Vua một cách quá sớm, chỉ cách nhau có vài dòng, ông đã thay đổi cách gọi chủ cũ của mình, người đã tin cậy và nâng đỡ ông, đã đưa ông từ chức Quản Đạo Đà Lạt về làm Ngự Tiền Tổng Lý Văn Phòng, từ Bảo Đại, gọi trống không, không kèm theo chữ Vua hay Hoàng Đế, sang Vĩnh Thụy và dùng hai chữ “ông ta” để chỉ Nhà Vua một cách mỉa mai, coi thường nếu không nói là khinh miệt trong khi nói tới Trần Huy Liệu luôn luôn kèm tiếng “ông phía trước. Chưa hết, ông còn dùng câu “lá cờ nền đỏ thắm tươi long lanh năm cánh sao vàng” để ca tụng cờ Việt Minh và cách mạng và tiếng cụ để gọi họ Hồ thay vì hai chữ chủ tịch vừa đúng danh vị của ông này hơn, vừa nhẹ nhàng, nếu không nói là nịnh bợ hơn. Cách đối xử của Phạm Khắc Hoè với Vua Bảo Đại trong thời điểm này làm người ta không khỏi không nghĩ tới cách đối xử của viên lãnh binh khố vàng đối với nhà vua mà Hùm Xám Đường Số 4 Đặng Văn Việt kể lại, được trích dưới đây.
Hồi ký của Trần Huy Liệu cũng kể lại những chi tiết tương tự nhưng có thêm những nhận xét về phản ứng của quần chúng. Chẳng hạn như phản ứng của dân chúng “im phăng phắc nghe cái tâm sự của một ông vua sắp trở lại làm dân. Tâm sự ấy, thật có một vẻ gì kích thích lòng người quá chừng!” hay “Lễ tất, chúng tôi từ từng bực Ngọ Môn bước xuống để ra về, trước vẻ mặt của ông Vĩnh Thụy hớn hở như vừa trút được một gánh nặng, trái lại, trước vẻ ngơ ngác của một số người hình như vừa mới bị rơi mất một cái gì là gia bảo, là quốc túy, là kế vinh thân phì gia mà không còn cứu vãn được nữa”.
Về phía Vua Bảo Đại, hơn ba mươi năm sau ngày thoái vị, Nhà Vua đã kể lại biến cố tối quan trọng liên hệ tới không riêng đời mình mà luôn cả dòng họ mình, thần dân mình và đất nước mình một cách tình cảm hơn và bình thản hơn:
Bản tuyên ngôn được đọc trong sự yên lặng hoàn toàn. Tôi quan sát các khán giả đứng hàng đầu. Tất cả các vẻ mặt đều tỏ vẻ ngạc nhiên cùng cực. Bản tuyên ngôn thoái vị của tôi như tiếng sét đánh xuống ngang đầu họ. Họ lặng người đi.
Trong một bầu không khí bực dọc, tôi trao nhanh ấn tín, quốc bảo của hoàng triều cho Trần Huy Liệu, mà chính ông ta cũng có cảm tưởng như từ trên mây mà lại. Trong khi tôi hồi cung, đám đông tan ra, không một tiếng kêu.
Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận tiễn tôi phía sau. Trước khi chia tay với tôi, đại diện của Ủy ban Giải phóng nói:
-Chủ tịch Hồ Chí Minh của chúng tôi muốn mời Ngài ra Hà Nội để dự lễ đặt cơ cấu chính quyền dân chủ cộng hòa.
-Thưa ông Đại diện, tôi xin gửi lời ông cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhã ý mời tôi, và tôi không bỏ lỡ dịp tới dự.
Cũng nên biết thêm về cảm tưởng của Trần Huy Liệu khi nhận được ấn kiếm nhà vua trao cho mà ông gọi là “dâng lên”. Ông này viết:
Khi tiếp nhận thanh kiếm của Bảo Đại dâng lên thì không có gì đáng kể. Nhưng khi tiếp nhận chiếc ấn nặng tới 10 kg vàng, nói thật với các bạn, khi giơ hai tay đỡ chiếc ấn, tôi đâu có ngờ nó nặng đến thế, nên không chuẩn bị tư thế từ trước. Tuy vậy, khi chiếc ấn nặng trĩu đã nằm trong tay, tôi phải cố gắng vận dụng hết sức bình sinh để chống đỡ, không để nó trĩu xuống, nhất là để người tôi phải nghiêng ngả, vì tư thế của tôi lúc ấy có phải thuộc riêng của tôi đâu, mà là tư thế của một vị đại diện Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đương làm một việc rất quan trọng trong giờ phút lịch sử. Cũng may là tôi đã làm xong trách nhiệm “nặng nề” ấy.
Đoạn văn kể trên được in trong bản của Nhà Xuất Bản Thuận Hoá, bản được tác giả ghi là Hà Nội, 8, 1960 và trích từ Hồi Ký Trần Huy Liệu do Nhà Xuất Bản Khoa Học Xã Hội ấn hành năm 1992 nhưng đã bị cắt bỏ trong bản in trong Xưa Và Nay, Số 450, tháng 8 năm 2014, đã dẫn.
Một nhân chứng khác có mặt trong buổi lễ này là Đặng Văn Việt, người sinh viên trường Thanh Niên Tiền Tuyến đã hạ Cờ Quẻ Ly để thay thế bằng cờ đỏ sao vàng ở kỳ đài hai ngày trước, đã nói ở trên. Nguyên văn lời kể của Đặng Văn Việt như sau:
Mấy hôm sau, (hôm treo cờ lần thứ nhất) trên cổng Ngọ Môn, tôi có mặt trong buổi nhà vua làm lễ thoái vị “Giao ấn vàng, kiếm báu” cho ông Trần Huy Liệu - đại diện của chính phủ Trung ương từ Hà Nội vào. Trong cuộc mít tinh lịch sử, hàng vạn nhân dân Huế được tụ tập để “tạm biệt” vị Hoàng đế cuối cùng của triều nhà Nguyễn. Nếu chúa Nguyễn Hoàng là người đầu thực hiện lời khuyên, lời tiên đoán của nhà ẩn dật nổi tiếng Nguyễn Bỉnh Khiêm:
“Hoành Sơn nhất đái
Vạn đại dung thân”.
thì vị Hoàng đế cuối cùng Bảo Đại. cũng là người tuyên bố chấm dứt nghiệp đế sau gần 3 thế kỷ (chúa – vua):
“Thà làm dân một nước tự do
Hơn làm vua một nước nô lệ”.
Trong buổi lễ long trọng (ngày 30-8-1945) có mục nghi thức mới: Hạ cờ vàng, lần thứ hai và treo cờ đỏ sao vàng chính thức lên cột cờ của cố đô Huế.
Viên lãnh binh khố vàng đến cạnh tôi, biết anh Cao Pha và tôi là người đã làm việc treo hạ cờ hôm ấy – ông ta nói:
Hôm hạ cờ nhà vua, cả đại đội khố vàng chúng tôi nằm rạp, dọc theo thành cổng Ngọ Môn. Hơn một trăm tay súng chĩa về các anh - xin ý kiến Hoàng đế - Ngài bảo:
“Chớ! Chớ! Việt Minh đấy! Chúng mi nổ súng thì tao chết trước đấy – may quá lính chỉ nằm im cho đến khi các anh đi khuất. Hôm ấy mà bóp cò, thì nay tôi toi mạng rồi, thật phúc lớn nhà tôi".
Điều đáng để ý là cùng một nhân chứng Đặng Văn Việt, trong hồi ký Người Lính Già Đặng Văn Việt, Chiến Sĩ Đường Số 4 Anh Hùng (Hồi Ức), ấn hành bốn năm trước, năm 2004, bởi Nhà Xuất Bản Trẻ, câu trả lời này của Bảo Đại hơi khác. Thay vì xưng “tao” và “chúng mi” với vị lãnh binh lính Khố Vàng, nhà vua đã dùng các tiếng “các ngươi” và “trẫm”. Nguyên văn như sau:
Tôi đang đứng dự buổi lễ (thoái vị) tự nhiên ông lãnh binh đội cận vệ Hoàng gia (khố vàng) đến cạnh tôi và nói: ”Hôm nọ, hai ông ra lệnh hạ cờ nhà vua, treo cờ Cách mạng lên cột cờ lớn. Được tin, thi hành nhiệm vụ bảo vệ Hoàng cung, tôi đã cho 120 lính khố vàng nằm dọc theo thành của Ngọ Môn, chĩa súng vào hai ông”. Xin ý kiến của Hoàng đế, ngài thét lên và bảo: “Chớ, chớ! Việt Minh đấy, các ngươi mà nổ súng thì trẫm là người chết trước đó”. Nhờ lệnh ấy mà chúng tôi đã không bóp cò.
Cũng nên biết thêm cảm tưởng của Bảo Đại về Trần Huy Liệu và Cù Huy Cận khi Nhà vua tiếp kiến Phái Đoàn của Chính Phủ lần đầu tiên ở Điện kiến Trung:
Sáng ngày 23 tháng 8, hai phái viên của Việt Minh đến cung điện. Đó là những người đại diện cho việt Nam Độc lập Đồng Minh, do Hà Nội cử vào. Trần huy Liệu trưởng phái đoàn cũng là phó chủ tịch của Ủy ban. Đó là một người gầy còm, có hình thái tiều tụy, đeo đôi kính đen để che cặp mắt lé, mà người ta lấy làm khó chịu khi phải nhìn lâu.. Kẻ đồng hành là Cù huy Cận trông thật là vô nghĩa. Tôi không khỏi thất vọng.
Đến đây, cùng với sự kiện thoái vị của Hoàng Đế Bảo Đại, không chỉ riêng Triều Đại Nhà Nguyễn mà luôn cả nền quân chủ Việt Nam đã cáo chung sau hơn một ngàn năm tồn tại với không biết bao nhiêu thăng trầm, biến đổi, “dẫu cường nhược cũng có lúc khác nhau”. Đế Quốc Việt Nam cũng không còn nữa đúng như lời Vua Bảo Đại đã cảnh cáo Phạm Quỳnh khi có tình trạng hoang mang trong Hội Đồng Thượng Thư do Phạm Khắc Hoè tạo ra qua hai Thượng Thư Bùi Bằng Đoàn và Ưng Úy trước đó, nguyên văn:
“Ông liệu mà bảo họ chấm dứt những chuyện ăn nói lung tung và mưu mô đó đi… Hoàng đế là Trẫm! Bảo họ đừng quên điều đó. Nếu ngày nào Trẫm phải ra đi, ngày đó sẽ không còn Đế Quốc Việt Nam này nữa!”
Chiều ngày 30 tháng 8 năm 1945, Hoàng Đế Bảo Đại không ngờ đã “phải ra đi” thực và Đế Quốc Việt Nam cũng đã “không còn nữa”.
Một ông vua trí thức. Nguồn: Un Empire Colonial Français: L’Indochine,Georges Maspéro chủ biên (1929)
Trích từ tác phẩm "Trước Khi Bão Lụt Tràn Tới: Bảo Đại -Trần Trọng Kim và Đế Quốc Việt Nam" (chương 9)
Tác giả: Ts Phạm Cao Dương - Xuất bản năm 2018.
Đăng ngày 06 tháng 08.2021