Nhân vụ các cô giáo tỉnh Hà Tĩnh bị ép “tiếp khách, rót rượu, hát karaoke cho quan chức tỉnh”, nhìn lại
Những đặc tính truyền thống cơ bản
của giáo dục miền Nam thời trước năm 1975
Phạm Cao Dương
Bồng bồng mẹ bế con sang
Đò dọc quan cấm, đò ngang không chèo.
Muốn sang thì bắc cầu kiều,
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.
(Ca dao Việt Nam)
“Tôi muốn thấy có sự kính trọng trong một trường học. Ông thầy tới, học trò phải nghiêm chỉnh đứng dậy chào thầy…” Nicolas Sarkozy, khi tranh cử Tổng Thống Pháp (Từ Nguyên, “Tựu Trường 2006”, Báo Người Việt, 10 tháng 9, 2006) (*)
Một người bạn mới về thăm Việt Nam trở lại Mỹ trước ngày Lễ Tạ Ơn 2016 ít ngày cho biết rất nhiều người trong nước hiện tại đã đánh giá cao nền giáo dục ở miền Nam thời trước năm 1975; riêng bà con ở miền Nam lại lấy làm hãnh diện là đã được đào tạo bởi nền giáo dục ấy, trong những học đường miền Nam và bởi các thày cô miền Nam. Bạn tôi là một nhà nghiên cứu. Anh đã khách quan kể lại không thêm bớt. Sau đó dư luận lại ồn ào về chuyện xảy ra ở trong nước: 21 cô giáo ở thị xã Hồng Lĩnh, tỉnh Hà Tĩnh bị Ủy ban Nhân dân tỉnh ép phải “tiếp khách, rót rượu, hát karaoke” cho quan khách. Chưa hết, các nạn nhân lại còn bị vị Bộ Trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Phùng Xuân Nhạ, thay vì bênh vực cho những nhân viên thấp cổ bé miệng nhất của bộ mình, trước sự bắt nạt của những ông vua con ở các địa phương, lại công khai trách cứ họ là không biết phản đối, khiến dư luận trong và ngoài nước vô cùng phẫn nộ, nhiều người lấy làm tủi hổ. Việc làm của các quan chức cộng sản tỉnh Hà Tĩnh này phải nói là chưa bao giờ xảy ra trong lịch sử dân tộc Việt Nam, một dân tộc luôn luôn hãnh diện tự coi mình là có nhiều ngàn năm văn hiến.
Nhân dịp này, tôi xin được cùng bạn đọc ôn lại những ưu điểm qua một số những đặc tính cơ bản của sinh hoạt giáo dục ở miền Nam thời trước năm 1975 nói riêng và văn hóa miền Nam nói chung, chính yếu là sự liên tục lịch sử. Nói như vậy không phải là trong thời gian này miền đất của tự do và nhân bản mà những người Quốc Gia còn giữ được không phải là không trải qua nhiều xáo trộn. Chiến tranh dưới hình thức này hay hình thức khác luôn luôn tồn tại và có những thời điểm người ta nói tới các chế độ độc tài hay quân phiệt và luôn cả cách mạng. Nhưng ngoại trừ những gì liên hệ tới chế độ chính trị, quân sự hay an ninh quốc gia, sinh hoạt của người dân vẫn luôn luôn diễn ra một cách bình thường, người nào việc nấy, người nào trách nhiệm nấy và được tôn trọng hay tôn trọng lẫn nhau. Sự liên tục lịch sử do đó đã có những nguyên do để tồn tại, tồn tại trong sinh hoạt hành chánh, tồn tại trong sinh hoạt tư pháp, trong văn chương và nghệ thuật và tồn tại đương nhiên trong sinh hoạt giáo dục. Trong bài này tôi chỉ nói tới tới giáo dục và giáo dục công lập. Đây không phải là một bài khảo cứu mà chỉ là một bài nhận định và những nhận định được nêu lên chỉ là căn bản, sơ khởi, và tất nhiên là không đầy đủ. Đồng thời mỗi người có thể có phần riêng của mình. Một sự nghiên cứu kỹ càng, có phương pháp hơn và đầy đủ hơn là một điều cần thiết.
Giáo dục là của những người làm giáo dục
Giáo dục công lập ở Việt Nam đã có từ lâu đời và tùy theo nhận định của các sử gia, tới một mức độ nào đó định chế này đã tồn tại trên dưới mười thế kỷ. Mục đích của nó là để đào tạo nhân tài cho các chế độ, nói riêng, và cho đất nước, nói chung. Các vua chúa Việt Nam thời nào cũng vậy, cũng coi trọng việc học cả. Có điều coi trọng thì coi trọng, các vua Việt Nam, nói riêng và các triều đình Việt Nam, nói chung, chỉ vạch ra những đường nét chung và những mục tiêu chung, kèm theo là tổ chức các kỳ thi để tuyển chọn người tài mà không trực tiếp can dự vào sinh hoạt giảng dạy của các trường, hầu hết là các trường tư ở rải rác khắp trong nước. Sinh hoạt này hoàn toàn do các thày ở các trường do các tư nhân đảm trách. Giáo dục là của người dân và của những người làm giáo dục, và cho đến khi người Pháp sang, nó là của giới trí thức đương thời, đúng hơn là của các nhà Nho với tất cả những học thuyết, những nguyên tắc căn bản của giới này. Sang thời Pháp, do nhu cầu bảo vệ và phát triển văn minh và văn hóa của họ, người Pháp lập ra một nền giáo dục mới, nhưng việc điều hành, việc soạn thảo chương trình vẫn được giao cho các nhà giáo được huấn luyện chuyên môn hay ít ra là lựa chọn nghề dạy học với tinh thần quí trọng kiến thức và yêu mến nghề dạy học dù chỉ là tạm thời về phía người Pháp cũng như về phía người Việt. Họ mở các trường sư phạm để huấn luyện giáo chức chuyện nghiệp.
Đặc tính kể trên đã liên tục được tôn trọng trong suốt thời gian miền Nam tồn tại và luôn cả trước đó, từ thời chính phủ Quốc Gia của Cựu Hoàng Bảo Đại. Chức vụ bộ trưởng hay tổng trưởng giáo dục có thể là do các chính trị gia hay những người thuộc các ngành khác đảm nhiệm, nhưng trong việc lựa chọn nhân sự điều hành trong bộ, ngoại trừ các chức vụ có tính cách chính trị như đổng lý văn phòng, chánh văn phòng, bí thư tức thư ký riêng của bộ trưởng... tất cả các chức vụ chỉ huy khác trong bộ, từ thứ trưởng, tổng thư ký, tổng giám đốc, giám đốc cho tới các hiệu trưởng các trường và đương nhiên là các giáo sư, giáo viên, đều là những nhà giáo chuyên nghiệp, không có đại diện đảng phái chính trị ở bên cạnh. Lý do rất đơn giản: họ là những người vô tư, biết việc, rành công việc và có kinh nghiệm, chưa kể tới sự yêu nghề. Chính trị đối với họ chỉ là nhất thời, tương lai của cả một dân tộc, hay ít ra là của những thế hệ tới mới, là quan trọng. Trong phạm vi lập pháp, rõ hơn là ở quốc hội, các chức vụ đứng đầu các ban hay tiểu ban, dù là thượng viện hay hạ viện đều do các nghị sĩ hay dân biểu gốc nhà giáo phụ trách. Ngoại trừ ở những vùng mất an ninh, những gì thuộc phạm vi chính trị nhất thời đã ngưng lại trước ngưỡng cửa của học đường. Thầy cô giáo là nhân viên của bộ giáo dục, do bộ giáo dục bổ nhiệm, trực thuộc vị hiệu trưởng của trường sở tại , rồi các nha sở của bộ giáo dục ở trung ương chứ không trực thuộc các quận hay tỉnh trưởng.
Về tên các trường, tất cả các trường trung, tiểu học đều được gọi bằng tên của các danh nhân hay anh hùng dân tộc thời trước, được mọi người công nhận: Trưng Vương, Ngô Quyền, Chu Văn An, Đoàn Thị Điểm, Gia Long, Petrus Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Phan Thanh Giản, Lê Ngọc Hân… Không hề có tên nào là của các lãnh tụ đương thời dù đó là Bảo Đại, Ngô Đình Diệm hay Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, kể cả Trần Văn Hương gốc nhà giáo… thay vì những tên hoàn toàn xa lạ đối với quảng đại quần chúng miền Nam về sau này như Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Thị Sáu, Lê Văn Tám… những người của một đảng chính trị hay, tệ hơn nữa, là ngụy tạo, không có thật.
Tôn chỉ và mục đích nhằm hướng tới quốc gia, dân tộc và con người, dựa trên những truyền thống đã có từ lâu đời
Nói tới ba nguyên tắc căn bản, đồng thời cũng là tôn chỉ và mục đích tối hậu của nền giáo dục của miền Nam trước năm 1975, có người tỏ ý không thích ba nguyên tắc này. Lý do có lẽ, tôi chỉ đoán như vậy, là vì ba nguyên tắc này phần nào đã được người Cộng Sản Việt Nam nêu lên trong Đề cương Văn hóa 1943 của họ. Ba nguyên tắc đó là Nhân Bản, Dân Tộc và Khai Phóng, sau này là Nhân Bản, Dân Tộc và Khoa Học trong khi trong Đề cương Văn hóa của đảng cộng sản Việt Nam thì là Dân Tộc, Đại Chúng và Khoa Học… Ở đây người viết không đi sâu vào khía cạnh này vì dù không thích, không đồng ý, ba nguyên tắc Dân Tộc, Nhân Bản và Khai Phóng này vẫn đã trở thành căn bản của nền giáo dục của miền Nam mà không ai lưu tâm tới vấn đề là không biết. Chúng đã giúp cho nền giáo dục này giữ được những truyền thống cơ bản của dân tộc và phát triển một cách vững vàng từng bước một để theo kịp với đà tiến triển của cả nhân loại mà không chạy theo những gì của thời thượng để trở thành lai căng, mất gốc, đồng thời cũng không bị gán cho là bảo thủ, lỗi thời… Tính cách liên tục lịch sử của nền giáo dục của miền Nam sở dĩ có được, phần nào là dựa trên những nguyên tắc này, đặc biệt là nguyên tắc Dân Tộc. Nó cho phép người ta đề cao và bảo tồn những truyền thống dân tộc trong học đường, dù đó là những truyền thống thuần túy Việt Nam hay những truyền thống của Khổng giáo. Đôi câu đối được khắc trên cổng chính của một trong những trường trung học lớn nhất của miền Nam là trường Petrus Trương Vĩnh Ký sau đây là một trường hợp điển hình:
Khổng Mạnh cương thường tu khắc cốt
Âu Tây khoa học yếu minh tâm
Sự khủng hoảng hiện tại của nền giáo dục ở trong nước là do ở sự thiếu những yếu tố chỉ đạo này. Điều này đã được thấy rõ qua sự vô cùng lúng túng của Ông Vũ Đức Đam, đương kim Phó Thủ Tướng, đặc trách văn hóa, xã hội, khoa học, giáo dục và đào tạo trong một buổi điều trần trước Quốc hội và bị hỏi câu hỏi là “có hay không một triết lý giáo dục Việt Nam?” Điều khiến cho người ta ngạc nhiên là không lẽ là một cán bộ ở cấp cao chuyên lo về văn hóa, như vậy, ông lại không biết tới Đề Cương Văn Hóa 1943 của đảng Cộng sản Việt Nam trong đó ba nguyên tắc cơ bản chỉ đạo cho các vận dụng văn hóa, nói chung, văn học và giáo dục… nói riêng, là: dân tộc hóa, đại chúng hóa, và khoa học hóa đã được nêu cao hay sao? Không lẽ ba nguyên tắc này đã trở thành lạc hậu trong tình thế mới, trước quyền hành và quyền lợi của đảng Cộng sản Việt Nam?
Liên tục trong phạm vi nhân sự
Nhân sự ở đây không ai khác hơn là các nhà giáo, căn bản là các nhà giáo chuyên nghiệp. Tôi muốn nói tới các nhà giáo tốt nghiệp từ các trường sư phạm, những người ngay từ thuở thiếu thời đã chọn nghề dạy học làm lý tưởng cho mình và chỉ sống bằng nghề dạy học, vui với nghề dạy học hãnh diện với vai trò làm thày, làm cô của mình, dù đó là sư phạm tiểu học hay sư phạm trung học. Một nghề bị coi là “bạc nghệ”, là bị xếp sau so với các nghề khác:
Dưa leo ăn với cá kèo,
Cha mẹ anh nghèo, anh học noọc-man.
Tất cả các vị này vẫn còn nguyên vẹn khi đất nước bị qua phân và đã ở các trường trong Nam khi các trường này được mở cửa trở lại sau một thời gian chiến tranh bị tạm đóng cửa, không mấy người tập kết ra Bắc.
Sau khi đất nước bị chia cắt và qua cuộc di cư của non một triệu người từ miền Bắc vô Nam, họ lại được tăng cường thêm bởi một số đông các đồng nghiệp của họ từ miền Bắc vô cùng với các trường được gọi là Bắc Việt di chuyển: Ngô Quyền, Nguyễn Trãi, Chu Văn An, Trưng Vương, Hồ Ngọc Cẩn, Trần Lục... Tất cả đã cùng nhau hướng dẫn và điều hành các học đường miền Nam trong thời kỳ chuyển tiếp từ Pháp thuộc sang độc lập, đồng thời cũng là những giảng viên cơ bản trong các trường huấn luyện giáo chức thuộc thế hệ mới. Từ phong thái đến cách giảng dạy, từ cách vào lớp, cho phép học trò ngồi, tới cách viết bảng và xóa bảng, cách chấm bài hay phê bài, các vị này đã để toát ra một sự chừng mực và vô cùng thận trọng của những nhà sư phạm nhà nghề, khác hẳn với một số các đồng nghiệp của họ từ ngoại quốc về chỉ lo dạy các môn học chuyên môn. Học đường do đó đã tránh được nạn chánh trị hóa, tránh được nạn cán bộ chánh trị xâm nhập. Nhiều vị vào những lúc tình thế vô cùng tế nhị đã giữ được thế vô tư và độc lập, nghiêm chỉnh của học đường và tư cách của giáo chức. Cũng cần phải nói thêm là trong thời gian này nhiều vị xuất thân là cử, tú, kép, mền, luôn cả tiến sĩ của thời trước, những người tinh thâm Nho học, vẫn còn có mặt ở các học đường, đặc biệt là các Đại Học Văn Khoa ở Saigon và Huế như Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Giác, Cử nhân Thẩm Quỳnh, Tú tài kép Vũ Huy Chiểu... mà không ai là không quý trọng.
Hệ thống tổ chức, tổ chức thi cử và chương trình học vẫn giữ được những nét chính của chương trình Pháp và chương trình Hoàng Xuân Hãn, Phan Huy Quát
Đây là một trong những đặc tính căn bản của nền giáo dục của miền Nam trong suốt thời kỳ nền giáo dục này tồn tại. Những gì người Pháp thiết lập không những không bị hủy bỏ, coi như tàn tích của chế độ thực dân, đế quốc mà còn được thận trọng giữ gìn, song song với việc bảo tồn truyền thống văn hóa cổ truyền và đạo đức của dân tộc. Người Việt ở miền Nam trong tinh thần cởi mở và tự do đã biết phân định những gì là kìm kẹp và những gì là hay đẹp mà một chế độ chính trị đem lại, thay vì cứ nhắm mắt đập bỏ để sau này hối tiếc. Các nhà làm giáo dục ở miền Nam đã tỏ ra vô cùng thận trọng trong mọi quyết định. Những gì gọi là cách mạng vội vã, nhất thời dường như không được chấp nhận. Họ chủ trương cải tổ để thích ứng với hoàn cảnh mới và cải tổ từ từ, kể cả khi thế lực và ảnh hưởng của người Mỹ, từ đó áp lực của họ đã trở nên rất mạnh. Hệ thống giáo dục do người Pháp từ tiểu học cho đến đại học đã tồn tại dưới hình thức Việt hóa bắt đầu từ thời chính phủ Trần Trọng Kim năm 1945, với chương trình Hoàng Xuân Hãn, vị bộ trưởng giáo dục đương thời, sau này là Phan Huy Quát thời Quốc Gia Việt Nam mới được thành lập. Nó cho phép người ta, từ thày đến trò, dễ dàng chuyển sang một nền giáo dục mới của một quốc gia độc lập không hề có chuyện trục trặc. Ngay từ cuối niên học 1944-1945, trong rất nhiều khó khăn, từ giao thông, vận chuyển đến thông tin, liên lạc, người ta đã tổ chức đươc những kỳ thi ở bậc tiểu học bằng tiếng Việt mà không hề có chuyện than phiền, khiếu nại. Điều nên nhớ là Chính Phủ Trần Trong Kim chỉ tồn tại có vẻn vẹn bốn tháng hay hơn một trăm ngày, vô cùng ngắn ngủi, với những phương tiện giao thông và liên lạc hết sức nghèo nàn. Sau này khi gửi sinh viên ra ngoại quốc du học, miền Nam đã không gặp phải những khó khăn trong việc đối chiếu bằng cấp, hệ thống học và khả năng của các đương sự, không phải chỉ riêng cho những ai muốn sang du học bên Pháp mà luôn cả cho những ai muốn sang các quốc gia khác, kể cả Hoa Kỳ, Gia Nã Đại, Úc, Nhật... vì đó là một hệ thống giống như các hệ thống khác thuộc thế giới tây phương, một hệ thống gần với hệ thống chung của quốc tế.
Duy trì mối liên tục lịch sử cũng cho phép người ta sử dụng được các sách giáo khoa của người Pháp và những sách giáo khoa về lịch sử và văn chương Việt Nam do chính người Việt soạn thảo từ thời trước năm 1945 và sau đó là từ năm 1947 đến năm 1954 ở những vùng đất của người quốc gia. Điển hình là các sách toán và khoa học bằng tiếng Pháp, do các tác giả Pháp soạn và xuất bản ở bên Pháp nhưng đã được không những các thày mà luôn cả các trò sử dụng làm tài liệu hay để tự học. Trong phạm vi văn chương, những sách của Dương Quảng Hàm, đặc biệt là hai cuốn Việt Nam Văn Học Sử Yếu và Việt Nam Thi Văn Hợp Tuyển đã được dùng rất lâu dù cho nhiều sách giáo khoa khác đầy đủ hơn đã được soạn thảo. Cũng vậy, trong phạm vi sử học với cuốn Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim. Về nội dung, đặc biệt là trong văn học, người ta cũng thấy nền giáo dục của miền Nam vẫn giữ được tinh thần tự do, cởi mở. Các tác giả được đem dạy hay trích dẫn đã được lựa chọn căn cứ vào giá trị của các công trình của họ thay vì gốc gác và sự lựa chọn chế độ của họ, thay vì căn cứ vào chuyện họ ở miền Bắc hay ở miền Nam trong thời gian này. Tô Hoài, Xuân Diệu, Thanh Tịnh, Nguyễn Tuân... là những trường hợp điển hình.
Trong phạm vi thi cử, các kỳ thi được thiết lập từ thời Pháp hay có ở bên Pháp vẫn được duy trì, đặc biệt là hai kỳ thi tú tài. Ở bậc đại học hệ thống tổ chức cũng tương tự. Ảnh hưởng của người Mỹ chỉ được chấp nhận một cách từ từ với nhiều thận trọng, mặc dầu người Mỹ đã bỏ ra nhiều tiền bạc và nhân sự qua các chương trình viện trợ khiến cho nhiều người Mỹ đã tỏ vẻ bất bình. Hình thức thi trắc nghiệm áp dụng cho các kỳ thi tú tài chỉ được thực hiện rất trễ về sau này và dư luận đã đón nhận nó với những nhận định khác nhau. Tiếc rằng chỉ vài năm sau Miền Nam đã không còn nữa.
Trong phạm vi tổ chức thi cử, người ta có thể thấy không riêng gì quan niệm, cách tổ chức, cách coi thi và chấm thi cũng như cách cho điểm, định kết quả và công bố kết quả hãy còn chịu ảnh hưởng nhiều của người Pháp mà còn luôn cả những thời quân chủ trước đó nữa. Quyền uy của các giám khảo, các chánh phó chủ khảo, các giám thị đã luôn luôn được tôn trọng và nhiều vị chủ khảo đã tỏ ra vô cùng can đảm giữ thế độc lập cho mình hay biết khôn ngoan né tránh cho mình và cho các đồng nghiệp của mình khi phải lãnh nhiện vụ ở những vùng xa thủ đô Saigon, an ninh và giao thông không bảo đảm. Nên nhớ là trong thờ gian này hệ thống trung ương tập quyền vẫn còn tồn tại. Ra đề thi, in đề thi và gửi đề thi về địa phương với tất cả sự bảo mật cần thiết là vô cùng khó khăn, tế nhị và phức tạp. Về phía chính quyền thì từ trung ương đến địa phương hầu như không hề có sự trực tiếp can thiệp. Báo chí, các cơ quan truyền thông vẫn luôn luôn hiện diện và sẵn sàng phanh phui mọi chuyện.
Một xã hội tôn trọng sự học và những người có học
Đây là một trong những đặc tính cơ bản của văn hóa Việt Nam mà xã hội Miền Nam nói chung và nền giáo dục Miền Nam nói riêng thời trước năm 1975 được thừa hưởng. Đặc tính này đã được biểu lộ không riêng qua tinh thần tôn sư trọng đạo mà còn được coi như một giá trị và là một giá trị đứng đầu trong mọi giá trị. Sự học là một giá trị và giáo dục là một giá trị. Sự học hay giáo dục làm nên con người chứ không phải là những yếu tố khác, dù đó là quyền uy và tiền bạc. Người làm công tác giáo dục được tôn trọng và từ đó có được những điều kiện ít ra là về phương diện tinh thần để thực thi sứ mạng của mình mà những người làm chánh trị, những nhà chủ trương cách mạng, kể cả những người cấp tiến nhất cũng phải kiêng nể. Nhưng bù lại, người ta lại trông đợi rất nhiều ở các người làm công tác giáo dục, ở đây là các thày, cô. Giữa những người cùng làm công tác dạy học cũng vậy, tất cả đã tôn trọng lẫn nhau và tôn trọng các bậc tôn trưởng, kể cả những người đã khuất. Sự thiết lập những bàn thờ tiên sư ở các trường trung học Nguyễn Đình Chiểu ở Mỹ Tho và Phan Thanh Giản ở Cần Thơ phải được kể là tiêu biểu cho tinh thần giáo dục của miền Nam. Đối với các phụ huynh học sinh, sự trong đợi các thày nhiều khi qua mức, ngày nay khó ai có thể nghĩ được điển hình là chuyện “giáo sư mà cũng ăn phở”. Câu chuyện do một vị giáo sư từ Bắc vô Nam sau Hiệp Định Genève và được cử xuống Mỹ Tho chấm thi tú tài kể lại. Buổi sáng, các thày rủ nhau đi ăn phở trước khi nhập trường. Ở tiệm phở, ông nghe người địa phương thầm thì “giáo sư mà cũng ăn phở”. Nên nhớ là Mỹ Tho là một tỉnh nhỏ và hồi giữa thập niên 1950, bằng tú tài là to lắm rồi trong khi các vị giáo sư này lại là giám khảo chấm thi tú tài lận!
Tạm thời kết luận
Bài này bắt đầu được viết vào lúc những tin tức về những tệ hại trong nền giáo dục ở nước Việt Nam chiếm một phần không nhỏ trong sinh hoạt truyền thông quốc tế cũng như quốc nội. Ngoài những tin tức, những bài nhận định còn có những hình ảnh của các kỳ thi đi kèm. Tất cả đã xảy ra hàng ngày và đã chiếm những phần không nhỏ trong thời lượng phát thanh hay phát hình hay trên các trang báo, đặc biệt là vào những thời kỳ bãi trường hay khởi đầu của một niên học. Mọi chuyện đã liên tiếp xảy ra từ nhiều năm trước và người xem, người nghe có thể đoán trước và chờ đợi mỗi khi mùa hè và sau đó là mùa thu đến. Nhiều người còn dùng hai chữ phá sản để hình dung tương lai của nền giáo dục này và nhiều người khác còn tỏ ý nuối tiếc quá khứ mà họ cho là rất đẹp của nền giáo dục ở miền Nam thời trước năm 1975. Ở đây, như đã nói trong phần mở đầu, người viết chỉ vắn tắt ghi nhận một số những dữ kiện căn bản liên hệ tới nền giáo dục ở Miền Nam thời truớc năm 1975. Một công trình nghiên cứu qui mô hơn và kỹ càng hơn còn cần phải được thực hiện trước khi người ta có thể khẳng định những nhận xét này. Tuy nhiên có một điều người ta phải để ý và thận trọng khi nói tới cách mạng và đặc biệt khi làm cách mạng. Người ta có thể xóa bỏ một chế độ chính trị bằng cách mạng, từ đó đoạn tuyệt với quá khứ nhưng người ta không thể theo đà đó mà làm cách mạng trong những phạm vi sinh hoạt khác trong đó có giáo dục một cách máy móc, không thận trọng. Nhận định này có thể bị coi là bảo thủ, nhưng đó là một sự thật và là một sự thật bắt đầu bằng kinh nghiệm. Có điều vì bằng kinh nghiệm nên khi biết được là sai lầm thì đã quá muộn. Những gì thuộc về quá khứ, kể cả quá khứ bị coi là phong kiến, lạc hậu không phải là luôn luôn tệ hại, là cổ hủ và những gì được coi là canh tân, đổi mới không phải luôn luôn là tốt đẹp. Tất cả cần phải có thời gian để “gạn đục, khơi trong”. Duy có một điều không bao giờ thay đổi là khi giáo dục không còn được coi là một giá trị và khi các thày cô không còn được coi trọng thì xã hội sẽ không còn là xã hội của loài người nữa.
Trở về với thực tế trước mắt, với vụ 21 cô giáo ở Thị Xã Hồng Lĩnh, tỉnh Quảng Trị, nhiều người tự hỏi nếu các cô không được chính Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ quan trực tiếp phải lo cho đời sống và điều kiện hành nghề của các cô bênh vực, thì nghiệp đoàn giáo chức của các cô ở đâu? Tự hỏi nhưng ai cũng biết là ở Việt Nam hiện tại làm gì có nghiệp đoàn vì các luật về lập hội, lập nghiệp đoàn, biểu tình vẫn chưa được Quốc Hội đem ra thảo luận. Tưởng cũng nên nhớ là ngay từ thời Vua Bảo Đại, qua chính phủ Trần trọng Kim, các đạo Dụ về tự do hội họp, tự do lập hội, tự do lập nghiệp đoàn đã được ban hành ngay từ Tháng Bảy năm 1945. Tất cả đã xảy ra trong một tuần lễ đầu tháng Bảy khiến cho báo chí đương thời đã mệnh danh tuần lễ này là Tuần lễ của các Tự do. Nhưng chỉ chưa tới ba tuần lễ sau ngày tuyên bố nền độc lập và thành lập Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh ngày 22 tháng 9 năm 1945, bãi bỏ các nghiệp đoàn trên toàn cõi Việt Nam. Đồng thời Bộ trưởng Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký nghị định giải tán Hội Khai Trí Tiến Đức và cho Hội Văn Hóa Cứu Quốc tư cách pháp nhân. Trong khi đó, ở các nước tiền tiến, đặc biệt là ở Hoa Kỳ, các nghiệp đoàn giáo chức rất mạnh và được phía chính quyền kính nể. Tương lai của các giáo chức Việt Nam, nói riêng, và nền giáo dục Việt Nam, nói chung, quả thật không có gì sáng sủa.
Gs Phạm Cao Dương
Quận Cam Hoa Kỳ, mùa lễ Tạ Ơn 2016
_________
Phụ chú của admin:
(*) Sarkozy nói vậy nhưng không làm như vậy. Dưới mắt đa số dân Pháp, Sarkozy là một người dối trá, xấc xược và đã nhiều lần có thái độ lỗ mãng, vô lễ trước công chúng... không xứng đáng với tư cách của một tổng thống. Vì thế ông đã thất cử nhiệm kỳ 2 vào năm 2012 và mới đây ông cũng đã bị loại ngay từ vòng đầu cuộc bầu cử sơ bộ của phe hữu ngày 20/11/2016.
(**) Noọc-man: nói tắt của Ecole Normale Supérieure (ENS) là một trường đại học chuyên đào tạo các giáo sư (enseignants) và các nhà nghiên cứu (chercheurs). Đây là trường đại học sáng giá nhất với kỳ thi tuyển gắt gao nhất của nước Pháp. Trái với Việt Nam trường ĐH Sư phạm là nơi "cha mẹ anh nghèo anh học noọc-man" hoặc "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm", ở Pháp phải là những thí sinh thật sự rất giỏi (élites) mới vào được ENS. Tốt nghiệp Ecole Normale Sup. là một hãnh diện cho các Normaliens và cho gia đình của họ.
Khi giáo viên thành…tiếp viên
Cali Today News – Câu chuyện lạ lùng trên xảy ra tại thị xã Hồng Lĩnh (tỉnh Hà Tĩnh), chính quyền đã cho ban hành văn bản điều động một số cán bộ, giáo viên có ngoại hình dễ nhìn (vu to ,mong to ..) đi phục vụ cho những buổi nhậu, hát karaoke của lãnh đạo cấp trên. Các cô giáo hàng ngày đứng lớp, nhưng khi bị điều động lại trở thành…tiếp phục để phục vụ quan lớn.(đại cán!)
Phòng Giáo dục-đào tạo, nơi ông Lê Bá Thiềm biến những giáo viên có ngoại hình dễ nhìn trở thành những tiếp viên. Ảnh: đất Việt
Trả lời báo chí, rất nhiều cô giáo bị điều động đi làm tiếp viên cho cấp trên tỏ ra xấu hổ, tủi thân khi nhân phẩm mình bị xúc phạm. Các cô cho biết, ngoài giờ dạy tại trường, các cô có ngoại hình dễ nhìn thường xuyên bị điều đến các nhà hàng, quán nhậu, quán karaoke để…tiếp khách.
Điều đáng nói công văn trên lại được phát đi từ Ủy ban nhân dân thị xã Hồng Lĩnh gửi đến Phòng Giáo dục- đào tạo. Không phải chỉ một lần, mà rất nhiều lần Phòng Giáo dục-đào tạo thị xã Hồng Lĩnh nhận được loại công văn như vậy.
Các cô giáo cho biết, nhiều khi đi tiếp khách khiến các cô hết sức ái ngại. Sau khi vài ba chén rượu vào, nhiều cấp trên không còn giữ được phép tắc, thoải mái gác tay, sờ mó.
Có những cô phản ứng, liền sau đó bị cấp trên phê bình gay gắt.
Chính vì thường xuyên phải đi tiếp khách như vậy nên không ít lần xảy ra những vụ ghen tuông trong gia đình các cô.
Ông Lê Bá Thiềm-Trưởng Phòng Giáo dục- đào tạo thị xã Hồng Lĩnh thừa nhận có chuyện điều động các cô giáo đi tiếp khách. Ông cho biết:
“Chuyện đi tiếp khách là hoàn toàn trong sáng. Tuy nhiên, trong các bữa tiệc, rượu vô thì lời ra, ai đó có một hành động không đẹp thì cũng là chuyện bình thường trong cuộc sống”.
Ông Lê Bá Thiềm-Trưởng phòng Giáo dục-đào tạo thị xã Hồng Lĩnh, người biến những giáo viên thành…tiếp viên. Ảnh: đời sống và Pháp luật
Một người lãnh đạo, làm đến chức Trưởng phòng nhưng lại coi việc biến giáo viên, những người trong diện quản lý của mình thành tiếp viên là điều bình thường thì đúng là không còn điều gì để nói. Sự băng hoại đạo đức ở những đảng viên Cộng sản đã không thể cứu vãn. Những giáo viên tội nghiệp chẳng thể khước từ trước những mệnh lệnh phải đi phục vụ cấp trên. Vì nếu từ chối, họ có thể bị khiển trách, phê bình, mất điểm thi đua, thậm chí là bị đuổi việc. Do đó, các giáo viên đành phải ngậm ngùi chấp nhận cho nhân phẩm mình bị xúc phạm.
Nguoi Quan Sat
Đất nước mang đại hoạ
với một Bộ Trưởng Giáo Dục như ông Nhạ
FB Chau Doan
Tôi không tin ở mắt mình khi đọc dòng tít. Trong bài phỏng vấn với Vietnamnet về việc điều cô giáo đi tiếp khách, ông bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phán:
“… Các thầy cô phải giữ phẩm chất. Khi các thầy cô giữ phẩm chất, đạo đức mà vẫn bị lôi kéo, ép buộc thì trước hết phải nói đến trách nhiệm của thầy cô rồi mới tính đến người ép buộc.”
“Tôi đề nghị phải nghiêm từ trong ngành, từng thầy cô một phải có trách nhiệm nghiêm túc, rồi mới xét đến người khác. Bản thân mình cứ đổ cho người khác thì không công bằng”.
“Bởi vì, ai sai đến đâu, xử lý đến đó chứ không phải vì thầy cô nào đó, không phát huy được bản lĩnh, không giữ được nguyên tắc của mình thì lúc đấy lại đổ cho người khác.”
Một bộ trưởng của bộ “trồng người”, thầy của những bậc thầy mà ông phát biểu mập mờ, né tránh thủ phạm để chĩa mùi dùi vào nạn nhân, những người đáng được bênh vực thì không ổn chút nào.
Ông giả vờ ngây thơ không hiểu hay ông thực sự không hiểu rằng các cô giáo thấp cổ bé họng, được “vinh dự” điều đi tiếp khách thì không thể từ chối bởi nỗi sợ bị trù úm, dìm dập, khiển trách.
Ông có còn nhớ vụ cô giáo Lê Thị Thùy Trang, tổ trưởng tổ chuyên môn ngữ văn Trường THPT Long Xuyên, An Giang, chỉ vì bình luận: “Ông chủ tịch này cái mặt kênh kiệu, xa lánh dân nhất trong các thời chủ tịch An Giang” mà bao cơ quan địa phương xúm vào đòi kỉ luật, phạt hành chính? Tôi nhắc lại để cho ông thấy cán bộ dưới quyền chịu áp lực từ quan chức địa phương như thế nào.
Các cô giáo trong trường hợp rơi vào tình trạng không chốn nương thân. Đã bị quan chức địa phương bắt nạt, lại bị ông đổ tội, họ biết bấu víu vào đâu? Cứ theo kiểu lý luận hết sức u mê này của ông, chồng các cô giáo cũng chê trách vợ thì điều gì sẽ xảy ra?
Một ví dụ hay được nêu ra về kiểu tư duy đổ lỗi nạn nhân là khi một cô gái bị sàm sỡ, thay vì lên án thủ phạm thì lại quay sang trách sao cô gái lại đi vào chỗ ấy, sao lại ăn mặc khêu gợi như thế? Nếu ông không biết ví dụ này, tôi hy vọng ông sẽ đọc mà tránh lặp lại cái lý luận phi lý đầy nguỵ biện một cách thô thiển ấy.
Với tư cách là người đứng đầu ngành giáo dục, đáng nhẽ ông Nhạ phải hiểu biết hơn, phát biểu có trách nhiệm và đúng đắn hơn. Mà có lẽ chúng ta không nên trách ông Nhạ, bởi ông ấy có thể là một nạn nhân của một quá trình bầu bán thiếu sáng suốt hay thậm chí là dối trá?
Giờ thì tôi hiểu tại sao các ông liên tục đưa ra những cải cách lùi và cả những đề án ngớ ngẩn, chỉ có mỗi số tiền là không ngớ ngẩn mà là dã man, khủng khiếp.
Tôi thất vọng và lo lắng vô cùng cho tương lai nền giáo dục Việt Nam và cho những sản phẩm của nền giáo dục ấy. Một nhận thức hết sức cơ bản, nhiều người bình thường biết mà ông lại không hề có chút khái niệm là thế nào?
Con em chúng tôi đang được giáo dục kiểu lý luận này sao? Chúng sẽ trở thành những người như thế nào? Tôi thà con tôi là xe ôm chứ nhất định không làm một bộ trưởng giáo dục mà phát biểu trước công luận một cách hết sức vô lý, vô trách nhiệm, thiếu hiểu biết trầm trọng như ông. Thử tưởng tượng bạn đọc của báo, những cấp dưới của ông, rồi học sinh, sinh viên tin lời phát biểu này của ông là đúng đắn, cùng mang tư duy quái gở kiểu ấy thì hậu quả sẽ tồi tệ đến đâu?
Bằng phát biểu này, ông đã tự hoạ chân dung của mình rất rõ nét. Chúc mừng ông!
Phát biểu của ông đã đập tan hy vọng mỏng manh về nền giáo dục ở Việt Nam và nó khiến tôi rơi vào một trạng thái buồn bực bi quan cùng cực.
Có một bộ trưởng giáo dục như ông Nhạ, đất nước thực sự đang mang đại hoạ, tiền đồ tối tăm như tiền đồ chị Dậu.
Tôi tha thiết đề nghị ông từ chức càng sớm càng tốt, và nếu ông không từ chức, tôi đề nghị công luận lên tiếng để ông Nhạ bị cách chức.
* Tựa đề do BBT Chân Trời Mới Media đặt.
Đăng ngày 24 tháng 11.2016