Hiệp định Genève và những kinh nghiệm

không được người trong cuộc rút tỉa

 

Gs Phạm Cao Dương

- "Ở Hội nghị Giơ-ne-vơ, do sự đấu tranh của đoàn đại biểu ta và sự giúp đỡ của hai đoàn đại biểu Liên-xô và Trung-quốc, ta đã thu được thắng lợi lớn...”  (Hồ Chí Minh, Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Giơ-Ne-Vơ thành công ngày 22 tháng 7 năm 1954).

- Hai buổi tiếp theo, đồng chí Chu Ân Lai trình bày về tình hình diễn biến hội nghị Giơnevơ....Bác và chúng tôi đều ngỡ ngàng.....” (Võ Nguyên Giáp, Điện Biên Phủ, Điểm Hẹn Lịch Sử. 2000)

- Chủ trương của họ (Trung Quốc) trong Hội nghị Giơ-ne-vơ 1954 về Đông Dương là: giữ Pháp ở lại Đông Dương, tạo ra khu vực an toàn cho Trung Quốc ở phía nam, tránh đụng đầu trực tiếp với Mỹ, chia cắt lâu dài Việt Nam, hòng làm suy yếu và thôn tính ba nước Đông Dương, chuẩn bị cho việc thực hiện âm mưu bành trướng ở Đông-nam Á  ..............................................................Như vậy do sự phản bội của những người lãnh đạo Trung Quốc, giải pháp Giơ-ne-vơ đã ngăn cản nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Cum-pu-chia đạt được thắng lợi hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Pháp“. (Nhà Xuất Bản Sự Thật, 40 Năm Nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, 1985).

 

Trong lịch sử Việt Nam hiện đại nói chung và lịch sử Người Việt Hải Ngoại nói riêng, hai thời điểm 1954 và 1975 là hai thời điểm căn bản, hai khúc quanh lớn của lịch sử có liên hệ chặt chẽ với nhau trong những quan hệ nhân quả. Năm 1954 là năm Hiệp Định Genève được ký kết chia lãnh thổ Việt Nam thành hai miền Nam, Bắc, mở đầu cho cuộc di cư của non một triệu người từ Bắc vô Nam; năm 1975 là năm miền Nam sụp đổ trước sự xâm lăng bằng võ lực của miền Bắc, mở đầu cho phong trào dời bỏ đất nước ra đi của hơn hai triệu Người Việt ngày nay sống rải rắc ở khắp nơi trên thế giới. Cả hai ngày đều đã được những người Việt Nam không

Cộng Sản coi là Quốc Hận. Nhưng từ sau năm 1975, người ta gần như chỉ còn kỷ niệm Ngày Quốc Hận 1975 mà không còn kỷ niệm Ngày Quốc Hận 1954 nữa. Nhiều người, đặc biệt là giới trẻ hầu như là đã quên, thậm chí là không còn biết đến Quốc Hận 1954 là gì cả. Có điều không hiểu Quốc Hận 1954, người ta không thể hiểu Quốc Hận 1975, từ đó những hậu quả và những bài học của những biến cố cực kỳ đen tối , cực kỳ bi thảm đã xảy ra trong lịch sử dân tộc Việt Nam trong non nửa thế kỷ vừa qua. Bài này được viết với mục tiêu cung hiến cho bạn đọc, đặc biệt là các bạn trẻ, một số những dữ kiện căn bản liên hệ tới Ngày Quốc Hận Thứ Nhất, đúng hơn Hội Nghị Genève và Hiệp Định Genève 1954 cùng những hậu quả của hội nghị và của hiệp định này, kèm theo đó là những kinh nghiệm đã không được người trong cuộc học.

 

Hoàn cảnh triệu tập

Trong hoàn cảnh nào Hội Nghị Genève đã được triệu tập và Hiệp Định Genève đã được ký kết? Để trả lời câu hỏi này, nhiều người thường nghĩ ngay tới Trận Điện Biên Phủ và cho rằng Hội Nghị Genève đã được triệu tập một ngày sau khi người Pháp bị bại trận, tức ngày 8 tháng 5 năm 1954. Điều này không hoàn toàn đúng. Ngày 8 /5/1954 chỉ mở đầu cho giai đoạn thứ hai của một hội nghị Genève lớn hơn, có mục tiêu là cả vùng Đông Á với Chiến Tranh Cao Ly là chính, bắt đầu họp từ ngày 26/4/1954 trước đó. Tất cả bắt nguồn từ sự thất bại của Hội Nghị Tứ Cường, Anh, Pháp, Mỹ, Nga, để bàn về các vấn đề Âu Châu, trọng tâm là sự thống nhất nước Đức vào đầu năm này. Đây là thời kỳ Chiến Tranh Lạnh bao trùm thế giới. Hội Nghị Genève được triệu tập là do Nga đề nghị. Thành phần là các ngoại trưởng của Tứ Cường, thêm Chu Ân Lai của Trung Cộng, cũng do Nga đề nghị. Vào thời điểm này Trung Cộng mới vừa làm chủ được Trung Hoa lục địa được ít năm và chưa có một vai trò quốc tế nào. Mục tiêu của Nga là tạo dịp để đồng minh Á Châu của mình được gián tiếp công nhận. Hoa Kỳ buổi đầu rất ngần ngại. Nhưng sau những giải thích của Nga và những mặc cả qua lại, hội nghị đã được triệu tập với mỗi nước mỗi chủ trương khác nhau và những mục tiêu khác nhau.

 

Chủ trương của các nước tham dự:

Anh Quốc: Anh Quốc tin tưởng vào đường lối hòa hoãn, đồng thời e ngại chiến tranh ở Việt Nam có thể gây ra những ảnh hưởng không tốt cho các thuộc địa của nước này, đặc biệt là Hương Cảng nằm trong nội địa của Trung Quốc, sau đó là những vùng Anh có ảnh hưởng và quyền lợi nằm ở phía tây và tây nam bán đảo Đông Dương với Mã Lai và Singapore là chính.

Liên Xô: Liên Xô từ sau khi Stalin chết (5/3/1953) chủ trương mềm dẻo và muốn sống chung hòa bình với các nước Âu Châu chống lại Hoa Kỳ, từ đó tìm cách thuyết phục Pháp không tham gia Cộng Đồng Phòng Thủ Chung Âu Châu. Khởi đầu, ngày 28 tháng 9. Liên Xô đề nghị tứ cường họp để giải quyết vấn đề thống nhất nước Đức. Đến tháng Giêng năm 1954 trước khi Hội Nghị Berlin nhóm họp, Ngoại Trưởng Vyacheslav Molotov thông báo cho Pháp biết là Nga sẽ giúp Pháp giải quyết vấn đề chiến tranh Đông Dương nếu bù lại Pháp từ chối yêu cầu của Hoa Kỳ không tham gia Cộng Đồng Phòng Thủ Âu Châu . Người ta không rõ người Pháp đã trả lời ra sao nhưng chỉ hơn một tuần sau Hội Nghị Genève Hạ Nghị Viện Pháp đả bác bỏ dự án tham gia tổ chức này, vào ngày 30/8/1954. Đối với Á Châu, Nga cũng chủ trương bành trướng chủ nghĩa cộng sản ra khắp châu này, nhưng lại dành cho Á Châu một ưu tiên thấp hơn Âu Châu. Không những thế, Nga tự coi như không có khả năng kiểm soát mọi chuyện ở Á Châu nếu Mỹ cố ý leo thang ở Á Châu với sự thỏa thuận của Anh trong khi Nga không chủ trương leo thang. Đồng thời Nga cho rằng một khi chuyện này xảy ra, các nước Tây Phương sẽ sáp lại gần nhau hơn trong một thế chống Cộng mới từ đó bó buộc Nga phải tham chiến để bênh vực Trung Quốc. Trong khi đó, vai trò đem lại hòa bình ở Đông Dương sẽ tạo cho Nga một hình ảnh đẹp của một quốc gia mưu cầu hòa bình cho thế giới.

Với chủ trưiơng kể trên, ngay khi Hội Nghị Genève bắt đầu, khi câu hỏi là đình chiến và giải pháp chính trị nên được thảo luận chung hay tách rời thành hai vấn đề riêng biệt thì Nga đã ủng hộ Pháp là nên tách biệt với ưu tiên dành cho ngưng chiến trước Molotov tỏ ra không lưu tâm tới vấn đề bảo đảm sự thống nhất của Việt Nam.

Nước Pháp: Nước Pháp thì không còn hy vọng có thể thắng được Việt Minh Cộng Sản giành lại cả những thuộc địa cũ của mình ở Đông Dương như trước được nữa, đồng thời nội bộ bị chia rẽ trầm trọng nên nhất thời chỉ muốn giải quyết cuộc chiến mà thôi.

Vấn đề chính trị sẽ giải quyết sau. Có hai lý do. Một mặt Pháp bị kẹt với chính phủ Quốc Gia Việt Nam của Cựu Hoàng Bảo Đại vì ngày 4 tháng 6 năm 1954, Pháp đã ký với chính phủ này hai thỏa ước công nhận nền độc lập hoàn toàn và chủ quyền về mọi phương diện của Việt Nam, với tư cách này Việt Nam đã gia nhập khối các quốc gia liên kết với Pháp, đồng thời ngoại trưởng Bidault đã hứa bằng lời nói và bằng văn thư với Bảo Đại là sẽ không có chuyện chia đôi lãnh thổ; mặt khác là vấn đề chính trị có liên quan đến những giải pháp cho Miên và Lào và quyền lợi trong tương lai của Pháp ở cả ba xứ Đông Dương.

Hoa Kỳ: Hoa Kỳ thì muốn can thiệp hơn vào Việt Nam để ngăn chặn sự bành trướng của thế giới Cộng Sản nhưng vẫn do dự và bất mãn với Pháp vì cho rằng Pháp không cho Hoa Kỳ biết rõ những gì đã xảy ra và Pháp chủ trương những gì trong giai đoạn tới. Khi hội nghị được triệu tập, Hoa Kỳ chỉ tham dự như một quốc gia thân hữu với một vai trò phụ thuộc đối với các nước không cộng sản, tức các quốc gia liên kết và Pháp. Do đó vào cuối tháng Tư, Ngoại Trưởng Dulles chỉ lưu lại Genève có một tuần và chỉ để lại một phái bộ cấp thấp hơn sau đo với vai trò quan sát nhiều hơn là tham dựù. Chúng ta cũng cần phải lưu ý là trước đó Washington đã rất quan tâm đến tình hình Đông Dương và Ngoại Trưởng Dulles vào hạ tuần tháng 4 năm 1954 khi đến Paris họp Hội Đồng Bắc Đại Tây Dương đã nhận được lời cầu cứu khẩn cấp của ngoại trưởng Pháp

Bidault để cứu vãn tình trạng nguy ngập của quân dội Pháp ở Điện Biên Phủ. Dulles đã hoạt động rất tích cực để có sự hỗ trợ của ngoại trưởng Anh Eden nhưng không thành công. Không những thế, những đề nghị của ông nhằm thiết lập một hiệp ước an ninh Á Châu và về các hành động chung cũng bị chính phủ Anh bác bỏ. Tổng Thống Eisenhower cuối cùng đã loan báo là Mỹ sẽ không làm gì trong khi chờ kết quả của hội nghị Genève. Không chấp nhận nhượng bộ lại không dám tham chiến khi không có sự thỏa thuận của đồng minh. Thái độ lơ lửng này của Washington đã làm cho sứ mạng của Dulles trở thành bất khả thực hiện.

Trung Cộng: Trường hợp của Trung Cộng thì phức tạp hơn nhiều. Trước hết Trung Cộng vào năm 1954 mới làm chủ được Trung Hoa Lục Địa trong ít năm, chưa có được một vai trò quốc tế nào nên muốn có vai trò này, đồng thời vì nước này vừa mất khoảng một triệu quân ở chiến trận Cao Ly nên tìm cách ngăn chặn không cho Hoa Kỳ có cớ can thiệp vào chiến tranh Việt Nam . Chưa hết, Trung Cộng còn muốn chứng tỏ cho Ấn Độ, Nam Dương và các nước không liên kết một thái độ ôn hòa, không bành trướng của mình, đồng thời thực thi chủ trương cố hữu của Trung Quốc là không muốn thấy một nước Việt Nam quá mạnh và muốn chia vụn khu vực Đông Nam Á. Đối với Nga, Trung Cộng rất cần viện trợ kinh tế của Nga nên phải hỗ trợ Nga trên chính trường quốc tế. Hội Nghị Genève là một dịp hiếm có để Trung Cộng thực hiện những chủ trương này. Trong hoàn cảnh đó, ngày 20 tháng 5, theo sự khởi xướng của Nga, Chu Ân Lai đã đồng ý tách rời hai khía cạnh quân sự và chánh trị của vấn đề Đông Dương thành hai đề tài thảo luận riêng biệt. Sau đó, sang thaÁng 6, sau khi Pháp công nhận Quốc gia Việt Nam là một nước hoàn toàn độc lập và có chủ quyền với tất cả những tính chất và những quyền hạn theo quốc tế công pháp thì Chu Ân Lai đã tuyên bố ngay là ông thừa nhận sự tồn tại của hai chính phử tại Việt Nam và thỏa hiệp cuối cùng về một giải pháp chính trị cho Việt Nam sẽ do sự điều đình trực tiếp giữa hai chính phủ này. Chu Ân Lai cũng tỏ ra có ảnh hưởng mạnh mẽ với phái đoàn Việt Minh. Bằng chứng là khi bàn về sự hiện diện của quân đội Việt Minh ở Lào và Miên, lúc đầu Việt Minh chối bỏ là không hề có bộ đội xâm nhập vào Lào và Miên, sau đó, theo các nhà quan sát đương thời, dưới áp lực cưa Chu Ân lai, họ sửa lại là có một ít tình nguyện quân nhưng đã rút rồi, sau đó lại điều chỉnh là nếu còn có phần nào bộ đội của họ ở những nơi này thì các bộ đội này sẽ rút. Nhưng đóng góp lớn nhất của Chu Ân Lai vào sự thành công của Pháp và Nga ở Hội Nghị Genève là sự bay về Á Châu của ông để gặp và áp lực với Hồ Chí Minh để ông này chấp nhận những gì đã được các nước này thỏa thuận.

Việt Minh: Việt Minh, hay dùng danh xưng chính thức của chính phủ do Hồ Chí Minh làm chủ tịch, là Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, thì tỏ ra rất và ngay cả quá tự tin, tự tin vào thế chiến thắng của mình, tự tin vào kinh nghiệm học được từ các nước Cộng Sản khác trong chiến thuật vừa đánh vừa đàm, rồi sau này là những xảo thuật vận động qùn chúng một khi có tổng tuyển cử. Họ muốn dựa theo đà chiến thắng quân sự của mình đòi một giải pháp chính trị trước và để cho người Việt tự giải quyết những mâu thuẫn riêng với nhau. Họ cũng đòi cho những nhóm Pathet Lào và Khmer Issarak là những nhóm Cộng Sản ở Lào và Miên mà họ nâng đỡ được công

nhận. Theo nhận xét của một tác giả Mỹ, trong suốt 25 năm trước đó, Cộng Sản Việt Nam đã trung thành theo những chỉ thị đến từ Mac Yư Khoa thì ở Genève họ đã không đi ra ngoài khuôn phép ấy. Các tác giả của Pentagon Papers thì dẫn lời của Jean Chauvel, đại sứ Pháp ở Berne và là người trực tiếp điều đình trong phái đoàn Pháp ở Genève là ông này linh cảm rằng sau những buổi tiếp xúc riêng với phái bộ Trung Quốc thì phe Việt Minh đã thực sự ở đầu cuối sợi dây được những bàn tay từ Mạc Tư Khoa hay Bắc Kinh nắm giật.. Điều này không có gì là khó hiểu vì Hồ Chí Minh là người của Cộng Sản Quốc Tế và vì Việt Nam không hề có thực lực để theo đuổi cuộc chiến. Tất cả tùy thuộc vào Liên Xô và Trung Quốc.

Quốc Gia Việt Nam: Quốc Gia Việt Nam với Cựu Hoàng Bảo Đại làm quốc trưởng thì tham gia với tư cách một chính phủ quốc gia độc lập trong Liên Hiệp Pháp bên cạnh các phái đoàn chính thức của Lào và Miên. Tuy nhiên, để củng cố thêm cho tính cách độc lập và uy thế của mình, trong thời gian này, phía Quốc Gia sau một thời gian dài tranh đấu và đòi hỏi, đã đạt được hai thỏa ước mới và riêng rẽ do hai thủ tướng Joseph Laniel và Bửu Lộc ký kết vào ngày 4/6/1954 về nền độc lập của Việt Nam và sự liên kết giữa hai nước. Hai thỏa ước này đã bổ khuyết và kiện toàn nền độc lập của Việt Nam trước đó đã được công nhận bằng hiệp định Elysée giữa Cựu Hoàng Bảo Đại và Tổng Thống Pháp Vincent Auriol, với tư cách hai quốc trưởng. Khi Mendès France thay thế Laniel làm thủ tướng, Mandès France lại hứa tôn trọng thỏa ước này mặc dầu nó chưa được Quốc Hội Pháp thông qua. Đây là những thỏa ước ít được mọi người biết đến mặc dầu nó vô cùng quan trọng vì theo đó Việt Nam được Pháp công nhận là hoàn toàn độc lập và có chính quyền với những tư cách và quyền hạn theo quốc tế công pháp (thỏa hiệp thứ nhất) và với tư cách một nước hoàn toàn độc lập và có chủ quyền theo quốc tế công pháp đó Việt Nam gia nhập khối các quốc gia liên kết của Pháp (thỏa hiệp thứ hai).

Chúng ta cần phải nhớ là lúc đầu Pháp đề nghị một thỏa ước cho cả hai vấn đề nhưng phái đoàn Việt Nam đòi hai thỏa ước riêng biệt và Pháp đã nhượng bộ. Rất tiếc là thời gian hai thỏa ước này được ký kết là quá muộn nên không ai nói tới về sau này. Tuy nhiên chúng đã phản ảnh lập trường của phái đoàn Quốc Gia Việt Nam trong suốt thời gian Hội Nghị Genève nhóm họp. Quốc Trưởng Bảo Đại ngay từ đầu đã luôn luôn đòi hỏi người Pháp phải tôn trọng sự thống nhất lãnh thổ của Việt Nam và chống lại mọi sự chia cắt. Ông đã thành công trong việc đòi hỏi Ngoại Trưởng Bidault phải hứa bằng lời nói và bằng văn kiện là sẽ không bao giờ chia cắt Việt Nam coi như điều kiện để ông cử phái đoàn của Quốc Gia Việt Nam tới dự hội nghị. Về tư thế của phái đoàn Việt Minh khi phái đoàn này được mời tham dự hội nghị thì qua sự đòi hỏi của Ngoại Trưởng Nguyễn Quốc Định sự hiện diện của phái đoàn này phải được coi là không có nghĩa là Việt Minh được công nhận. Lập trường của Bảo Đại và của phái đoàn Quốc Gia Việt Nam đã gây rất nhiều khó khăn cho người Pháp. Người Pháp đã phải mất rất nhiều thời giờ qua lại giữa Paris và Berne với Cannes dòi sau này là Evian để thuyết phục Bảo Đại. Sau đó, trong thời gian điều đình, người Pháp đã luôn luôn tránh gặp Bảo Đại và phái đoàn Quốc Gia Việt Nam mà phái nhờ người Mỹ làm trung gian thông báo tin tức. Điều này giải thích tại sao, theo lời kể của Cựu Hoàng Bảo Đại, trong thời gian này có nhiều người Mỹ đã tới gặp ông trước và trong thời gian hội nghị để rồi sau đó không tới gặp ông như trước nữa. Người Pháp sợ bị Bảo Đại và phái đoàn Việt Nam chất vấn làm cản trở cuộc điều đình của họ. Một phần cũng vì vậy người Pháp chủ trương tách rời giải pháp chánh trị ra khỏi giải pháp quân sự. Với giải pháp quân sự thuần túy, người Pháp có thể đại diện cho các nước liên kết thỏa hiệp được. Chúng ta cũng cần để ý là vào thời điểm này quân đội Quốc Gia mới được thành lập không được bao lâu và còn bị phụ thuộc nhiều vào quân đội Pháp, đồng thời sự chia rẽ giữa những người Việt Nam không Cộng Sản rất trầm trọng. Bảo Đại và phái đoàn của Quốc Gia Việt Nam do đó không ở vào một vị thế thuận lợi để nói lên và bảo vệ lập trường của mình.

 

Diễn tiến của các cuộc điều đình

Với những chủ trương rõ rệt kể trên, các phái đoàn Nga và Trung Cộng đã đóng những vai trò chủ động và tích cực trong những khóa họp khoáng đại hay những cuộc họp giới hạn của hội nghị cũng như trong các hoạt động ngoại vi, đúng hơn những cuộc điều đình mật. Tất cả là nhằm vào những quyền lợi riêng của họ.

Trong tình trạng sinh hoạt phức tạp và không được qui định bằng những nguyên tắc rõ ràng này, người ta khó mà biết được một cách thật rõ ràng thứ tự của các cuộc mặc cả qua lại, nhưng mục tiêu giành quyền lợi riêng cho mình và hy sinh quyền lợi của đồng minh đã được phía Trung Cộng biểu lộ rất sớm. Chỉ mười ngày sau buổi họp đầu tiên, ngày 18/5/1954, một phụ tá của Chu Ân Lai đã trình bày với một nhân viên của phái bộ Pháp trong một bữa ăn tối là phái bộ của ông ta tới họp là để tìm kiếm hòa bình chứ không phải để làm hậu thuẫn cho Việt Minh. Không lâu sau đó họ Chu còn nói riêng với Anthony Eden, trưởng phái đoàn Anh, và Georges Bidault, trưởng phái đoàn Pháp, rằng ông chống lại chủ trương của Việt Minh nhằm kiểm soát Miên và Lào. Đến ngày 23/6, ông đã dàn xếp để bí mật gặp riêng Mendès France ở tòa đại sứ Pháp ở Bern, thủ đô của Thụy Sĩ thay vì ở Genève trong một bộ Âu phục thay vì chiếc áo lãnh tụ thường mặc nhằm gián tiếp bày tỏ ý muốn nói chuyện để điều đình thực theo sinh hoạt quốc tế chứ không phải theo lối đấu tranh cách mạng. Trong cuộc gặp gỡ này, Chu Ân Lai đã nói rõ là ông chấp nhận đình chiến trước rồi sau mới bàn việc chính trị, đồng thời sẽ thúc đãy Việt Minh chấm dứt can thiệp vào nội tình ở Miên và Lào, xa hơn là giải pháp chia đôi Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh rằng Trung Cộng chỉ có mục tiêu duy nhất là hòa bình, hòa bình không điều kiện và không có tham vọng nào khác. Sau đó vào cuối tháng sáu ông đã bay trở lại Á Châu thăm Ấn Độ và Miến Điện là hai nước không công nhận chính phủ của Hồ Chí Minh để trình bày quan đỉm sống chung hòa bình của Trung Cộng, và đầu tháng bảy, trong ba ngày từ 3 đến 5, sau đó mới trở lại Liễu Châu gặp Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp. Những chuyến công du này không có mục tiêu nào khác hơn là quảng bá và giải thích chủ trương của Trung Cộng và thuyết phục Hồ Chí Minh chấp nhận lập trường ấy.

Riêng với Hồ Chí Minh, đây phải là cuộc họp gay go và là một sự bắt ép rất nặng vì theo Võ Nguyên Giáp cuộc họp này kéo dài hai ngày trong đó, trong khi bài thuyết trình của Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh đến thế chủ động của quân đội Việt Minh với trên bản đồ cả miền Bắc và miền Trung Việt Nam hầu như toàn màu đỏ thì Chu Ân Lai chỉ nói tới tình hình Hội Nghị Genève với những dữ kiện làm cho “chúng tôi (Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp) đều ngỡ ngàng”. Võ Nguyên Giáp đưa ra lý do là sự lựa chọn vĩ tuyến 17 để chia đôi lãnh thổ , thay vì vĩ tuyến 13 hay ít nhất cũng là vĩ tuyến 16. Hồi ký của Võ Nguyên Giáp cho người ta thấy ngay từ thời điểm gặp Hồ Chí Minh và Võ Nguyên Giáp, vào đầu tháng 7/1954 này, Châu Ân Lai đã nghĩ tới vĩ tuyến 17 trong khi sự lựa chọn chính thức chỉ xảy ra về sau này, vào ngày 20/7, ở biệt thự tạm trú của trưởng phái đoàn Nga Vyacheslav Molotov với sự hiện diện của Mendès France, Anthony Eden, Chu Ân Lai và Phạm Văn Đồng. Cuộc mặc cả bắt đầu với sự nhượng bộ của Phạm Văn Đồng, từ vĩ tuyến 13 chuyển lên vĩ tuyến 16, trong khi Mendès France vẫn giữ vĩ tuyến 18. Cuối cùng do sự đưa đẩy của Molotov vĩ tuyến 17 đã được lựa chọn. Sang phần chính trị. Mendès France đề nghị bỏ ngỏ không ấn định thời hạn cho cuộc tổng tuyển cử. Phạm Văn Đồng lúc đầu đề nghị sáu tháng, sau sửa lại thành một năm và có thể mười tám tháng. Cuối cùng Molotov đề nghị hai năm và đương nhiên là được đa số hiện diện chấp thuận.

 

Hiệp Định Genève

Hội Nghị Genève kết thúc với hiệp định đình chiến gồm 47 điều được ký kết và một bản tuyên ngôn cuối cùng đã được thông qua bằng miệng. Hòa bình được tái lập nhưng đất nước bị chia đôi với vĩ tuyến 17 trở thành ranh giới giữa hai miền Nam Bắc, dân chúng được tùy nghi lựa chọn miền cư ngụ. Một Ủy Hội Quốc Tế Kiểm Soát Đình Chiến đã được thành lập với đại diện của Ấn Độ làm chủ tịch, của Gia Nã Đại và Ba Lan làm hội viên. Bản tuyên ngôn cuối cùng đã đề cập đến vấn đề tổng tuyển cử để thống nhất đất nước sau hai năm dưới sự giám sát của Ủy Hội Quốc Tế. Quốc Gia Việt Nam đã không chấp nhận tham gia sự thông qua bản tuyên ngôn này và đã ra một bản tuyên ngôn riêng xác nhận sự tôn trọng hòa bình của mình nhưng đòi hỏi tổng tuyển cử phải do Liên Hiệp Quốc giám sát. Hoa Kỳ cũng vậy, cũng bầy tỏ thái độ yêu chuộng hòa bình nhưng nhấn mạnh là sẽ nghiêm trọng cứu xét nếu có sự vi phạm thỏa hiệp đình chiến.

Đối với rất đông người Việt, sự chấp nhận chia đôi lãnh thổ quốc gia là một điều không thể chấp nhận được và là một sự phản bội vì đây là một mục tiêu quan trọng hàng đầu của cuộc tranh đấu từ những ngày đầu của dân tộc bên cạnh nền độc lập. Ngày 20 tháng 7 từ đó đã trở thành Ngày Quốc Hận và được cử hành hàng năm ở miền Nam cho mãi đến năm 1975 mới chấm dứt. Riêng ở hải ngoại ngày này đã được thay thế bằng ngày 30 tháng 4, ngày miền Nam sụp đổ vào năm 1975.

Đối với chế độ Cộng Sản, cái nhìn về ngày 20 tháng 7 có thể khác. Có điều họ đã không thành công ở Hội Nghị Genève như họ đã mong đợi. Hai nước đồng minh và là đàn anh của họ không những đã không ủng hộ họ, lại còn bắt ép họ phải nhượng bộ. Rút cuộc, Võ Nguyên Giáp thắng ở Điện Biên Phủ, nhưng Phạm Văn Đồng đã thua ở Genève, dù cho ông này đã toát mồ hôi để bảo vệ lập trường của mình. Điều naỳ giải thích tại sao nhà cầm quyền Hà Nội sau đó đã không cho phổ biến những chi tiết về Hội Nghị Genève cũng như Hiệp Định Genève và đã mập mờ không nói rõ bản chất thực sự của các văn kiện. Nói cách khác, chánh quyền Cộng Sản Hà Nội trong thời gian điều đình cũng như sau khi Hiệp Định Đình Chiến đã được ký kết đã không cho quần chúng, kể cả các cán bộ trung cấp biết Hội Nghị đã diễn tiến ra sao, lập trường các phe như thề nào, và nội dung gồm có nhưng khoản gì. Nhưng dù sao, từ những căn cứ ở sâu trong rừng núi, sau ngót chín năm chiến đấu bằng súng đạn và bằng mạng sống của trên dưới một trăm ngàn vừa bộ đội, vừa dân công. Hồ Chí Minh và những người theo ông đã về được Hà Nội đã chính thức được kiểm soát một nửa lãnh thổ của quốc gia. Đây cũng đã là một thắng lợi lớn cho những người Cộng Sản rồi. Còn Pháp thì ngược lại. Được Nga và Trung Cộng ủng hộ,

Pháp đã đạt gần hết những gì Pháp muốn, từ việc tách rời ngưng bắn ra khỏi chánh trị, loại Việt Minh và phe Cộng Sản Miên Lào ra khỏi những quốc gia này, đến việc nâng đường ranh chia cắt từ vĩ tuyến 13 lên vĩ tuyến 17, bảo vệ được hải cảng Đà nẵng rất cần thiết cho Lào và Cố Đô Huế cho miền Nam sau này.

 

Những kinh nghiệm không được những người trong cuộc rút tỉa

Thái độ của hai nước Nga và Trung Cộng ở Hội Nghị Genève cho người ta thấy rất rõ một sự thực đơn giản là trong liên hệ giữa các quốc gia, quyền lợi luôn luôn được đặt lên trên hết dù là giữa các quốc gia Cộng Sản. Cũng vậy giữa những nước lớn và những nước nhỏ, giữa những nước mạnh và những nước yếu. Kinh nghiệm này dường như đã không được những người Cộng Sản Việt Nam, mà đại diện trong một thời gian dài là Phạm Văn Đồng, chú ý tới. Giữa những người Việt không Cộng Sản và người Tàu, người Nga, trong những năm sau đó, họ đã lựa chọn người Tàu, người Nga, không để ý tới yếu tố đồng bào ruột thịt. Họ đã cố tình dùng võ lực chiếu cố miền Nam và đã tạo cơ hội cho nước Mỹ can thiệp sau đó, khiến cho chiến tranh bùng nổ trở lại. Hậu quả là hơn ba triệu người bị chết một cách oan uổng và thù hận giữa những người dân cùng một nước đã mỗi ngày một dày, mỗi ngày một sâu hơn. Con số người chết này mang rất nhiều ý nghĩa nếu người ta để ý tới con số tử vong chưa tới một trăm ngàn của Chiến Tranh Việt Pháp, 1946-1954, trước đo và con số những người thân thuộc, bạn bè của họ. Con số nạn nhân của cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ hai do đó phải nhân lên từ năm tới mười lần. Điều này giải thích tại sao phong cảnh Việt Nam từ sau năm 1975 lại mang quá nhiều màu trắng của những nghĩa trang liệt sĩ và tại sao cứ gần tết ở các làng miền Bắc người ta lại giỗ đồng các chồng con tử sĩ. Cũng vậy thay vì hỗ trợ cho miền Nam trong nỗ lực bảo vệ các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thì Phạm Văn Đồng lại công nhận hải phận mới do Trung Cộng vẽ lại vào năm 1958 rồi hoàn toàn yên lặng vào năm 1974 khi Trung Cộng xâm lăng Hoàng Sa. Nguyên nhân chính không ngoài sự tùy thuộc , hay trung thành của đảng Cộng Sản Việt Nam vào Cộng Sản quốc tế lãnh đạo bởi Nga và Trung Cộng. Tất cả những thành công về quân sự của Công Sản Việt Nam là nhờ ở viện trợ của Nga và Trung Cộng, không phải là tự mình, kể cả sự ủng hộ của người dân. Giữa người dân và Cộng Sản Quốc Tế, Cộng Sản Việt Nam đã lựa chọn Cộng Sản Quốc Tế. Đó là điểm then chốt của vấn đề và là kinh nghiệm mà lẽ ra ngay từ năm 1954 hay cả sớm hơn nữa, từ đầu năm 1950 khi Hồ Chí Minh sang Tầu và Nga cầu viện, họ phải rút tỉa.

Riêng đối với người Việt Quốc Gia, mặc dầu không cản được sự chia đôi đất nước, họ vẫn có được một nửa thay vì chỉ có một phần ba lãnh thổ, từ vĩ tuyến 13 trở xuống, nhờ người Pháp, dầu cho thua trận, sớm muộn cũng phải ra đi, nhưng vẫn từng bước giữ lại những gì có thể giữ được cho đồng minh đã liên kết với mình. Đây là một mảnh đất tạm dung cho 20 năm sau đó, trước khi giông tố lại đổ ập tới. Chính trên mảnh đất này, họ đã tom góp, tu bổ lại những di sản của cha ông, đã nuôi dưỡng hay sanh thêm những thế hệ mới, đã có dịp tiếp xúc, học hỏi từ thế giới bên ngoài. Bỏ qua một bên những gì thuộc giới lãnh đạo không mấy ai hãnh diện, những gì họ đã tom góp rồi bồi bổ thêm trong mọi lãnh vực, kể cả trong những lãnh vực sáng tạo như văn chương, âm nhạc, và nghệ thuật, đã trở thành những vốn liếng vô cùng quí giá và độc đáo để họ mang theo khi dời bỏ đất nước ra đi trong phần tư cuối cùng của thế kỷ hai mươi vừa mới chấm dứt. Những vốn liếng này, kèm theo những kinh nghiệm họ đã thâu lượm được về đủ mọi phương diện phải được nhìn như những dữ kiện vô cùng quan trọng trong lịch sử dân tộc Việt Nam hiện đại, nói chung, và lịch sử Người Việt Hải Ngoại, nói riêng, như một công trình nghiên cứu mà người viết nghĩ rằng rất nên và có thể thực hiện được. Riêng về những kinh nghiệm người Việt Quốc gia đã không rút tỉa được vì lý do này hay lý do khác là kinh nghiệm thiết lập ngoại giao với các nước trên thế giới. Trong thời gian họp Hội Nghị ở Genève, Ngoại Trưởng Trung Cộng Châu Ân Lai đã bày tỏ sự công nhận cả hai chánh phủ Việt Nam, sau đó trong buổi tiếp tân từ giã, họ Châu lại mời bào đệ của Tổng Thống Diệm là ông Ngô Đình Luyện với những lời ngỏ có tính cách mở đường, bất chấp phản ứng của Phạm Văn Đồng và phái đoàn của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Chưa hết , sau này Châu Ân Lai còn gửi thư cho Tổng Thống Ngô Đình Diệm muốn gợi ý cho một sự thiết lập bang giao giữa hai nước một lần nữa. Tất cả đều không được hồi âm. Vào những năm này, sự lơ là của các nhà cầm quyền ở miền Nam còn có thể hiểu được, nhưng sự thiếu sáng kiến trong những năm sau này, đặc biệt là vụ Hoàng Sa năm 1974 phải nhìn như là một sự thiếu mạnh dạn đáng chê trách, nhất là khi đã có người gợi ý.

Phạm Cao Dương