Giáo Sư Đàm Trung Pháp (BA, MS, PhD) chuyên về ngữ học (linguistics) và phương pháp huấn luyện ESL (ESL instruction methodology) đã dạy đại học hơn 40 năm tại Việt Nam và Hoa Kỳ. Nay về hưu, ông hiện là Chủ biên cho Tập San Việt Học <viethocjournal.com> của Viện Việt Học tại Little Saigon, Nam California từ năm 2018.
Quá trình phục vụ giáo dục theo thứ tự thời gian của Giáo sư Đàm Trung Pháp:
• 1971 đến 1975 – Giám đốc Trung tâm Sinh ngữ và Giảng sư ngữ học Anh, Đại Học Sư Phạm Saigon.
• 1976 đến 1980 – Lecturer, Department of English, San Antonio College, Texas.
• 1981 đến 1997 – Director, Department of World languages, Dallas Independent School District, Texas.
• 1998 đến 2003 – Associate professor of linguistics, Texas Woman’s University.
• 2004 đến 2012 – Professor of linguistics, Texas Woman’s University.
Tác phẩm giáo khoa đại học do Giáo sư Đàm Trung Pháp soạn thảo hoặc chủ biên:
• 1981 – A Contrastive Approach for Teaching English to Indochinese Students (Intercultural Research Association, San Antonio, Texas).
• 2006 – Cultural and Linguistic Issues for English Learners (Editor, Federation of North Texas Universities, Denton).
• 2007 – Intercultural Understanding (Editor, Federation of North Texas Universities, Denton).
• 2008 – Current Issues and Best Practices in ESL Education (Editor, Federation of North Texas Universities, Denton).
• 2009 – Understanding the English Language Learner (Editor, Federation of North Texas Universities, Denton).
• 2010 – Teaching English Learners: An International Perspective (Editor, Federation of North Texas Universities, Denton).
• 2011 – Linguistic and Cultural Considerations for English Learners (Editor, Federation of North Texas Universities, Denton).   
            

 

Vài nét "rất Việt"

trong ngữ pháp tiếng nói chúng ta
 
Đàm Trung Pháp

CHỦ TỪ “TÀNG HÌNH”
Nhiều câu trong tuyệt tác Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du chứa đựng những chủ từ tàng hình, thiếu minh xác mà theo Đoàn Phú Tứ (1949) thì như “ẩn hình ngay trong động từ, ta không vạch được nó ra một cách rành rọt mà chỉ hội được nó, theo cái nghĩa của đoạn văn mà thôi". Ông Tứ đưa ra thí dụ dưới đây:
Bóng hồng nhác thấy nẻo xa
Xuân lan thu cúc mặn mà cả hai
Người quốc sắc kẻ thiên tài
Tình trong như đã mặt ngoài còn e
Chập chờn cơn tỉnh cơn mê
Rốn ngồi chẳng tiện rứt về chỉn khôn
Bóng tà như giục cơn buồn
Khách đà lên ngựa người còn ghé theo
Dưới cầu nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha.
Rồi ông Tứ đặt câu hỏi và tự trả lời, để chứng minh cho “cái lợi của tính chất thiếu minh xác trong ngôn ngữ văn chương của ta”:
“Ai nhác thấy? Đành là Kim Trọng, nhưng không nói rõ, thì sao lại không có thể là cả chàng độc giả thư sinh nọ, cảm thông với chàng Kim một cái liếc nhìn? Chập chờn cơn tỉnh cơn mê là ai? Là người quốc sắc hay kẻ thiên tài? Hay cả hai? Luận ra thì biết, song trước khi lý luận, tại sao ta không có quyền nghĩ đến cả hai người? Bóng tà như giục cơn buồn: Nỗi buồn của ai vậy? Của Kim Trọng hay của Thúy Kiều, hay của hai người? Hay cũng là nỗi buồn của ta chăng? Và hai câu cuối: Dưới cầu … thướt tha có phải chỉ là cái tình của Thúy Kiều gửi vào trong cảnh ấy, hay còn phảng phất cả cái tình của người đọc sách nữa?”
Nhưng tôi nhận thấy khi được dịch sang tiếng Pháp và tiếng Anh thì các chủ từ vô hình bắt buộc phải xuất hiện. Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) trong tác phẩm Kim-Vân-Kiều -Traduction en français xuất bản năm 1942 (sau khi ông mất) thì cho rằng chủ ngữ của chập chờn cơn tỉnh cơn mê chính là nàng Kiều cho nên đã dịch câu ấy sang Pháp văn thành Kiều flottait entre le rêve et la réalité và cũng cho rằng bóng tà như giục cơn buồn chỉ áp dụng cho nàng mà thôi, qua câu dịch La descente du soleil vers l’horizon semblait provoquer chez elle un accès de mélancolie.
Bốn mươi mốt năm sau (1983), tôi nhận thấy Huỳnh Sanh Thông (1926-2008) trong bản dịch sang tiếng Anh mang tên The Tale of Kiều đã nghĩ khác ông Vĩnh trong hai ngữ cảnh nêu trên. Ông Thông dùng chủ từ số nhiều để gồm cả nàng Kiều và chàng Kim vào trong cơn tỉnh cơn mê ấy: They hovered, rapture-bound, ‘tween wake and dream và không cho nàng Kiều độc quyền thấy cơn buồn đang bị bóng tà giục giã: The dusk of sunset prompted thoughts of gloom. Tôi đoán ông Tứ dưới suối vàng chắc tâm đắc lối dịch của ông Thông hơn lối dịch của ông Vĩnh, vì ông Tứ cho rằng ông Vĩnh “đã hiểu vội vàng, và cũng bị lầm vì cái thiếu minh xác của ngôn ngữ".

Nói một cách chung chung, chủ từ tiếng Việt thường vắng mặt trong các trường hợp dưới đây:
- Khi câu bắt đầu bằng một động từ hiện hữu như có hoặc còn:
Có vấn đề rồi!
Còn nước còn tát.
Có người khách ở viễn phương. (Truyện Kiều)
Còn về còn nhớ đến người hôm nay. (Truyện Kiều)

- Khi câu là một tục ngữ :
Đi một ngày đàng học một sàng khôn.

- Khi câu là một độc thoại :
Mệt quá rồi, nghỉ một chút. Lát nữa làm tiếp.

- Khi câu là một trao đổi giữa hai cá nhân mà chỉ ngữ cảnh mới có thể xác định ai là ai:
Đang làm gì đấy?    -  Đọc sách.
Lãnh lương chưa?    -  Lãnh sáng nay rồi.

- Khi câu là một trao đổi giữa hai cá nhân chưa xác định được mối liên hệ xưng hô phù hợp:
Đi đâu đấy mà đẹp thế kia? Đứng lại cho hỏi thăm một chút được không nào?

- Khi câu là một trả lời cho một câu hỏi thuộc dạng có/không (yes/no question):

Anh có muốn nghỉ không?   -  Muốn!
Bạn đã hiểu chưa?   -  Hiểu rồi.
Ông Nam có chịu điều kiện đó không?  -  Chịu mạnh đi chứ!

- Khi câu là một lời ra lệnh:
Hãy dựa tóc vào vai cho thuyền ghé bến
Hãy nhìn nhau mà sưởi ấm trời mưa (Nguyên Sa)

LIÊN TỪ "HIỂU NGẦM"                                       
Một số mệnh đề độc lập có thể được viết kề cận nhau mà không có liên từ nối những mệnh đề ấy cho câu được thêm rõ nghĩa, như trong các thí dụ sau đây :
Nó thi rớt liên miên, nó học ít mà chơi nhiều (liên từ vì hiểu ngầm sau dấu phết trong câu).
Loan hát rất hay, Tuấn đệm dương cầm điệu nghệ (liên từ trong khi hiểu ngầm sau dấu phết trong câu).
Tôi đến nơi, họ đang cãi nhau to tiếng, tôi can ngăn vô ích, đành phải bỏ về trong thất vọng (tiếng Anh viết theo kiểu Việt như thế này thì chắc chắn nó sẽ bị giáo sư người Anh hay Mỹ sổ toẹt, vì phạm lỗi run-on sentence [tức là chỉ dùng dấu phết thay cho tất cả các liên từ trong câu] là một lỗi rất nặng).

Tiếng Việt có đầy đủ các liên từ diễn tả các mối liên hệ giữa mệnh đề chính và phụ, như vì, bởi vì để chỉ lý do; để, để cho để chỉ mục đích; giá, giá mà để chỉ giả thiết; nếu, nếu như để chỉ điều kiện, v.v... Khác chăng thì tiếng Việt có khuynh hướng ít dùng liên từ hơn là các ngoại ngữ như tiếng Pháp, tiếng Anh. Nhưng, đây mới là một nghịch lý thú vị của tiếng Việt: Khi một liên từ được dùng cho mệnh đề phụ thì mệnh đề chính cũng có khuynh hướng sử dụng một tiểu từ để giữ quân bình cho cấu trúc – tức là còn kỹ lưỡng hơn tiếng Pháp, tiếng Anh. Quả vậy, khi một câu phức tạp tiếng Việt bắt đầu bằng mệnh đề phụ sử dụng một trong các liên từ vì /tuy/ nếu thì mệnh đề chính thường bắt đầu bằng một trong các từ quân bình (balance words) nên/nhưng/thì, như trong các thí dụ sau đây: (1a) Vì nó kiêu ngạo, nên nó không có bạn. (2a) Tuy họ nghèo, nhưng họ rất hạnh phúc. (3a) Nếu anh yêu em thực lòng, thì anh phải cưới em ngay đi chứ !
Khuynh hướng kỹ lưỡng nêu trên cũng thấy trong văn chương bác học:
Dẫu chẳng phải ngọc ngà kỳ dị,
Nhưng cũng trong ý nhị thanh tân. (Bần Nữ Thán)
Nếu thi gan với anh hùng thì thua. (Phan Trần)
Nếu vô tình để khía cạnh cú pháp này của tiếng Việt ảnh hưởng lối viết tiếng Anh, người Việt chúng ta có khuynh hướng viết ra các câu bất cập sau đây: (1b) Because he is arrogant, so he has no friends. (2b) Although they are poor, but they are very happy. (3b) If you love me, then you must marry me at once!

Cần nói lên nhận xét là những người Việt thông thạo tiếng Pháp hoặc tiếng Anh có khuynh hướng cho ảnh hưởng văn pháp hai thứ tiếng ấy vào tiếng Việt khiến cho câu văn tiếng Việt của họ đỡ bị chê là không có chủ từ, hoặc chủ từ mù mờ, hoặc thiếu phần mạch lạc vì tránh dùng liên từ trong câu phức tạp. Vì vậy, họ có thể chuyển câu “Trời mưa to quá, chúng tôi quyết định ở nhà” thành ra “Vì trời mưa to quá, chúng tôi quyết định ở nhà” và câu “Họ sống hạnh phúc bên nhau, họ rất nghèo” thành ra “Họ sống hạnh phúc bên nhau, mặc dù họ rất nghèo".

CẤU TRÚC "ĐỀ - THUYẾT" và CHỦ NGỮ "TÂM LÝ"              
Cấu trúc của một câu tối thiểu trong ngôn ngữ nào cũng gồm hai yếu tố là chủ ngữ (subject) và vị ngữ (predicate). Chủ ngữ (đồng nghĩa với chủ từ) thông báo một đề (topic) và vị ngữ cung cấp một thuyết (comment) tức là một nhận định về đề ấy. Mối liên hệ “chủ ngữ - vị ngữ” và “đề - thuyết” được thấy rõ rệt trong các câu Trời - mưa và Anh Tám - mới lấy vợ hôm qua. Nhưng không phải lúc nào chủ ngữ cũng trùng hợp với đề. Chẳng hạn trong câu (1) Chiếc xe này - còn chạy ngon lắm và (2) Chiếc xe này - tôi mua lâu rồi thì Chiếc xe này vừa là chủ ngữ vừa là đề trong câu (1), nhưng chỉ là đề và đóng vai túc từ cho động từ mua trong yếu tố thuyết của câu (2). Hơn nữa, đề luôn luôn xuất hiện ở đầu câu, trong khi chủ ngữ có thể xuất hiện ở đầu hoặc cuối câu (thí dụ, trong câu này thì chủ ngữ nằm ở cuối câu: Nằm giữa phòng khách - một dương cầm.
Đề cũng có thể được coi như một chủ ngữ tâm lý trong câu vì nó sửa soạn trí tuệ cho sự đón nhận thông điệp của phần thuyết. Tiếng Nhật luôn luôn đánh dấu chủ ngữ và đề bằng các tiểu từ (particles) ga và wa, thí dụ:
Neko ga sakana o tabemashita. (Mèo [chủ ngữ] cá [túc từ] đã ăn = Mèo đã ăn cá).
John wa san-nen-sei desu. (John [đề] tam-niên-sinh là = Còn về John, thì anh ta là sinh viên năm thứ ba).
Tiếng Việt cũng có khuynh hướng dùng cấu trúc đề - thuyết, với tiểu từ thì đánh dấu cấu trúc này, như thí dụ dưới đây:
Chuyện ấy - thì sáng mai ta sẽ bàn lại với nhau.
Ngoài ra cũng có các cách giới thiệu cấu trúc đề - thuyết sử dụng các phương tiện từ vựng và cú pháp đặc thù như trong các thí dụ sau đây:
Cái anh chàng ấy hả - trời ơi, keo kiệt lắm đấy!
Tám Mập và Út Sẹo có lấy nhau không - xin xem hồi sau sẽ rõ.
Riêng tôi - tôi rất mê những bài ca vọng cổ.
Nỗi nàng - tai nạn đã đầy
Nỗi chàng Kim Trọng - bấy chầy mới thương (Truyện Kiều)
Áo nàng vàng - tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh - tôi mến lá sân trường (Nguyên Sa)
Có lẽ vai trò “chủ ngữ tâm lý” của yếu tố “đề” trong cấu trúc đề - thuyết đã giúp tiếng Việt vẫn dễ hiểu bất kể các nhược điểm như chủ ngữ thiếu vắng hoặc mù mờ và sự lỏng lẻo trong mối liên hệ giữa các mệnh đề như đã giải thích ở trên. Riêng trong thể lục-bát của thi ca Việt Nam, câu lục thường đóng vai đề và câu bát thường đóng vai thuyết, như trong các câu thơ sau đây:
Trăm năm trong cõi người ta (đề)
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau. (thuyết) (Truyện Kiều)
Trước đèn xem truyện Tây Minh (đề)
Gẫm cười hai chữ nhân tình éo le. (thuyết)
Hỡi ai lẳng lặng mà nghe (đề)
Dữ răn việc trước, lành dè thân sau. (thuyết) (Lục Vân Tiên)

Thư tịch:
Nguyễn Văn Vĩnh (1942). Kim-Vân-Kiều – Traduction en francais. Éditions Alexandre de Rhodes, Hà Nội.(Phổ biến trên Internet [www.ndclnh-mytho-usa.org]).                                                                                
Đoàn Phú Tứ (1949). “Đi Tìm Chủ Từ Trong Vài Đoạn Văn Đoạn Trường Tân Thanh”. (In trong sách Nguyễn Du: Về Tác Giả Và Tác Phẩm (1999). Nhà Xuất Bản Giáo Dục, Việt Nam).
Hà Như Chi (1970). Việt Nam Thi Văn Giảng Luận. Nhà Xuất Bản Sống Mới, Saigon.
Huỳnh Sanh Thông (1983). The Tale of Kiều. Yale University Press, New Haven and London.
Nguyễn Đình Hòa (1997). Vietnamese / Tiếng Việt Không Son Phấn. John Benjamins Publishing Company, Amsterdam and Philadelphia.
Nguyên Sa (2000). Thơ Nguyên Sa Toàn Tập. Nhà Xuất Bản Đời, Irvine, California.
Đàm Trung Pháp (2011). Linguistic and Cultural Considerations for English Language Learners. Federation of North Texas Area Universities, Denton, Texas.

2020                   
Gs Đàm Trung Pháp  

 

Đăng ngày 26 tháng 05.2020