banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Dân chủ & Dân chủ nào?

thaytran
Ts Nguyễn Văn Trần


Ý niệm cơ bản về dân chủ
Việt Nam cho đến ngày 30/04/1975, vẫn chưa có được một chế độ dân chủ hoàn chỉnh, tuy tinh thần dân chủ vẫn thể hiện rõ nét qua nếp sống văn hóa dân tộc, ngay cả dưới thời quân chủ. Hai nền Cộng Hòa ở miền Nam trước đây chưa thật sự dân chủ nhưng đã bảo đảm được một xã hội tương đối thông thoáng, luật pháp được tôn trọng khá tốt. Nếu đem so sánh với chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa thì chắc chắn tốt hơn rất nhiều. Nhưng đó là chuyện đã qua!

Ai cũng tin ngày mai này chế độ cộng sản độc tài không còn nữa. Người Việt Nam sẽ phải thiết lập cho mình một chế độ chánh trị dân chủ để cai trị đất nước, hầu giữ cho Việt Nam vĩnh viễn không còn bị một chế độ độc tài nào trở lại nữa. Khi muốn làm dân chủ, chúng ta nên học hỏi những kinh nghiệm lịch sử quí báu của các nền dân chủ Tây phương và Huê kỳ, để giúp chúng ta hiểu rõ hơn những vấn đề sẽ đặt ra cho xứ sở chúng ta và giúp chúng ta chủ động hơn trong việc giải quyết vấn đề, vì các nền dân chủ ấy sẽ giúp chúng ta thấu hiểu ba ý niệm cơ bản để xây dựng đất nước ngày mai. Đó là những quyền bất khả nhượng, chủ quyền và dân chủ.


1/ Những quyền bất khả nhượng là những “quyền tự nhiên của con người” mà mọi Nhà nước không thể tước đoạt và cũng không thể ban phát cho chúng ta, bởi những quyền ấy là sở hữu của chúng ta. Đó là quyền an ninh thân thể, quyền tự do tinh thần và quyền chống lại áp bức của Nhà nước. Các dân tộc Anh, Mỹ, Pháp, đã nhân danh những quyền này làm những cuộc cách mạng của họ, ngày nay đem lại cho họ một đất nước dân chủ tự do và phú cường.

2/ Chủ quyền quốc gia thuộc về toàn dân, nghĩa là người dân tự mình cai trị chính mình.

3/ Dân chủ là sự cai trị bởi dân và vì dân.

Chúng ta nên nhớ dân chủ không phải được định nghĩa bởi nguồn gốc quyền lực, mà do người dân bị cai trị có kiểm soát được hữu hiệu và thường xuyên theo định kỳ người cầm quyền cai trị mình hay không. Dân chủ như vậy thực sự chỉ là những định chế do người dân thiết lập ra để thực hiện an ninh trong xã hội và bảo vệ những quyền tự do căn bản của họ. Trong một chế độ dân chủ tự do, Nhà nước không gì khác hơn là một tập hợp những định chế do con người sáng tạo. Quyền lực cho phép Nhà nước hành xử chức năng của mình mà không cho phép Nhà nước có quyền đứng trên xã hội. Bởi trong chế độ dân chủ, luật pháp biểu thị chủ quyền quốc gia. Nói cách khác, dân chủ thật sự thì phải là dân chủ pháp trị.


Ngộ nhận về dân chủ
Khi nói dân chủ, trong số những nguời Việt Nam ngày nay ở hải ngoại tranh đấu cho dân chủ, có người cổ súy dân chủ đa nguyên để nhằm phản bác lại thứ dân chủ mà cộng sản Hà nội đang áp đặt ở Việt Nam, đó là dân chủ xã hội chủ nghĩa.

Cụm từ “dân chủ đa nguyên” rất gợi hình, làm cho nhiều người nghĩ trong nền dân chủ ấy, nhiều sự khác biệt được tôn trọng. Phải chăng phải “đa nguyên” mới nói lên đầy đủ những đặc thù về chánh trị, văn hóa, xã hội… của một quốc gia? Và đa nguyên dân chủ? Nhưng, nếu suy nghĩ về mặt thể chế thì sẽ thấy “đa nguyên” lại không giúp hội ý được về cơ sở của một nền dân chủ. Như vậy, phải chăng khi nói “dân chủ đa nguyên” là muốn đem cái “dân chủ đa nguyên” ấy đối lập với “dân chủ xã hội chủ nghĩa” mà thường bị hiểu sai lạc là “dân chủ tập trung”? Thật ra không có dân chủ tập trung.

Theo người cộng sản, thì về thể chế chánh trị, đại loại chỉ có hai nền dân chủ hoàn chỉnh và phổ biến hơn hết. Đó là dân chủ tư sản và dân chủ xã hội chủ nghĩa. Hai nền dân chủ này được định hình trên hai hình thái kinh tế khác nhau: kinh tế tư sản và kinh tế tập trung, tức kinh tế xã hội chủ nghĩa. Như vậy, rõ ràng với người cộng sản không có “dân chủ tập trung” như bị hiểu sai lạc, mà chỉ có “dân chủ xã hội chủ nghĩa” và tập trung dân chủ.


Khi nói đến dân chủ xã hội chủ nghĩa, thì về phương diện hoạt động và thể chế, dân chủ phải có quan hệ hữu cơ, gắn liền với tập trung để “chế độ dân chủ kết hợp chặt chẽ với chế độ tập trung”. Từ mối liên hệ này, tập trung dân chủ trở thành một nguyên tắc, một đòi hỏi tất yếu trong thể chế của chủ nghĩa xã hội. Đây là “nguyên tắc cốt tủy” của đảng cộng sản trong lãnh đạo chánh trị đối với xã hội và lãnh đạo Nhà nước. Nguyên tắc tập trung dân chủ cho phép người cộng sản đảm bảo cho đảng cộng sản có sức mạnh thống nhứt về tư tưởng, chánh trị và tổ chức, để biểu hiện và khẳng định đó là đảng cầm quyền, tập trung vào đảng trọn vẹn quyền lực quốc gia để thực hiện một chế độ độc tài toàn trị trên cả nước.

Như vậy, dân chủ xã hội chủ nghĩa hay tập trung dân chủ chỉ là phương pháp thi hành quyền lực lên xã hội dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, chớ hoàn toàn không có gì liên hệ đến quyền của người dân làm chủ đất nước và vận mạng của mình hết cả. Bởi dân chủ xã hội chủ nghĩa hay tập trung dân chủ không tôn trọng nguyên tắc căn bản là chủ quyền quốc gia thuộc toàn dân, nên người dân không có quyền kiểm soát nhà cầm quyền và quyết định nhiệm kỳ cầm quyền. Thực tế ở Việt Nam ngày nay cho thấy người dân bình thường, không phải đảng viên đảng cộng sản chẳng những không có quyền tham gia chánh sự như dưới thời quân chủ, mà còn không có quyền phát biểu ý kiến khác hơn ý kiến của nhà cầm quyền. Những bản án của những nhà dân chủ ở việt nam ngày nay là bằng chứng điển hình. Những người này ở tù chỉ vì đã không biết “nghĩ trong những điều đảng nghĩ” !

Tóm lại, «dân chủ xã hội chủ nghĩa», «Dân chủ nhơn dân»… đều không phải là dân chủ, mà đó chỉ là những mỹ từ trang điểm cho chế độ độc tài toàn trị theo ý hệ cộng sản. “Dân chủ pháp trị” hàm chứa đầy đủ ý nghĩa chánh trị của một chế độ dân chủ của dân và vì dân. Dân chủ pháp trị sẽ áp dụng ở Việt Nam để vĩnh viễn thay thế chế độ cộng sản ngày nay. Xây dựng cho Việt Nam một chế độ dân chủ chẳng những không xa lạ, mâu thuẫn với truyền thống dân tộc, mà còn là mong đợi thiết tha của toàn dân ngày nay.

Một liên bang cho Việt Nam
Về mặt tổ chức lãnh thổ, thiết tưởng nên tổ chức Việt Nam thành một Cộng hòa liên bang (Cộng hòa liên bang Việt Nam). Liên bang để thống nhứt đất nước trong sự tôn trọng những đặc thù địa phương do lịch sử để lại trên một lãnh thổ có chiều dài hơn 2000 km (dân số với mật độ khác nhau, tài nguyên, nhân lực, không được phân phối đồng đều, nhiều vùng địa lý khác nhau…).


Cũng giống như tổ chức thể chế chánh trị, liên bang ở Việt Nam chắc chắn sẽ không tạo ra những xung đột xã hội, bởi nếu trở về đầu thế kỷ XIX, chúng ta sẽ thấy vua Gia Long đã tổ chức nước Việt Nam thành nhiều vùng nhằm đáp ứng những đặc tính tâm lý và địa phương khác nhau (miền Trung gồm 4 doanh, 7 trấn; miền Bắc gồm 5 nội trấn và 6 ngoại trấn; miền Nam gồm 5 trấn). Lui về thời gian, xã thôn Việt Nam vẫn giữ được nhiều quyền tự trị đối với triều đình. Chánh quyền xã thôn hoàn toàn do dân chọn lựa theo tiêu chuẩn tài đức. Nhìn Việt Nam qua hệ thống xã thôn tự trị, người ta có cảm tưởng như đó là một liên bang xã thôn. Địa phương tản quyền, trung ương tập quyền. Tản mà hợp. Đây là sức mạnh dân tộc, bởi hạ từng cơ sở Việt Nam là một hệ thống hài hòa, sinh động, toát lên một tinh thần đoàn kết toàn dân đích thực!

Kết luận
Việt Nam hiện tại bị cai trị bởi một chế độ cộng sản độc tài toàn trị. Thật bất hạnh! Nhưng trước đây, ai có thể nói Liên Xô và Đông Âu sẽ sụp đổ? Điều quan trọng là Việt Nam có một nền văn hóa chánh trị dân chủ đích thực. Người cộng sản, kể cả Hồ chí Minh, hoàn toàn không hiểu biết về văn hóa dân chủ truyền thống. Chế độ cộng sản đang cai trị Việt Nam không do người Việt Nam chọn lựa và chấp nhận, mà do cộng sản lợi dụng được hoàn cảnh lịch sử cướp chánh quyền, áp đặt lên đất nước. Đó thật sự chỉ là tai nạn lịch sử nhứt thời. Mà quá trình cộng sản còn sót lại ở Việt Nam cũng đang trên đà kết thúc!

Tai nạn lịch sử này sẽ phải được dẹp bỏ. Người Việt Nam sẽ cùng nhau tái lập dân chủ cho đất nước. Dân chủ được tái lập, tức dòng văn hóa Việt được khai thông. Sự tái lập sẽ được thể chế hóa theo hiến định.

Biến cố Đông Âu và Liên xô sụp đổ trọn vẹn sẽ giúp cho người Việt Nam, và nhứt là người cộng sản, rủ bỏ ảo tưởng rằng một khi đất nước bị cộng sản cai trị thì đời đời sẽ “cộng sản”, rằng không ai có thể thay đổi được bởi mọi hiện tượng chống đối, phản kháng đều bị nhà cầm quyền độc tài dập tắt, đàn áp dã man. . Trái lại, người cộng sản Hà Nội phải thấy những biến cố ở Đông Âu và Liên xô là những bài học quí báu về chuyển hóa đất nước từ cộng sản qua dân chủ mà không đổ máu. Những quốc gia cựu cộng sản này, ngày nay đã thực sự ổn định để bắt đầu hội nhập vào cộng đồng Âu châu và thế giới.

Đó là những tiền lệ lịch sử chánh trị, những tấm gương sáng về chuyển hóa dân chủ mà Hà Nội cần sớm học hỏi để áp dụng. Ngày xưa nỗi nhục mất nước đã thôi thúc toàn dân dấn thân tranh đấu giành độc lập. Ngày nay, đất nước không có dân chủ, tức người dân không có chủ quyền trên đất nước của mình, cũng là một nỗi nhục lớn không khác hơn nỗi nhục mất nước trước kia! Ý thức được nỗi nhục này sẽ thôi thúc mọi người, như trước kia, phải dấn thân tranh đấu cho dân chủ. Bởi Việt Nam cần phải có dân chủ và phải có sớm, chẳng những có dân chủ để giúp động viên nội lực toàn dân phát triển đất nước, kịp sớm đưa đất nước thoát tình trạng khủng hoảng hiện nay, mà dân chủ còn giúp Việt Nam chủ động được trong mọi tình huống, nhứt là để đối phó với hiểm họa mất đất, mất chủ quyền quốc gia trước chủ trương bá quyền của Bắc kinh. Dân chủ để mỗi người Việt Nam tìm lại cho mình quyền làm một con người.

Hơn nữa, về mặt địa lý chánh trị, Việt Nam cần một chế độ dân chủ để hội nhập hài hòa với các nước dân chủ tự do trong vùng, tạo được niềm tin chánh trị bởi có cùng một thể chế.

Ngày nay, Đông Nam Á vẫn còn là vùng tranh chấp, xung đột, làm trở ngại cho nhiều dự án phát triển của các quốc gia địa phương, do thiếu ổn định. Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là một nỗ lực lớn từ hơn năm mươi năm nay, giúp các quốc gia hội viên trao đổi, hợp tác và phát triển. Nhưng ASEAN không đủ khả năng giữ vững quốc phòng chung, để có thể bảo đảm an ninh quân sự địa phương. Vì tầm quan trọng chiến lược vùng Nam Thái Bình Dương, mà một tổ chức có khả năng quốc phòng cao như Tổ Chức Liên Phòng Đông Nam Á ngày xưa (SEATO) cần sớm được các nước trong vùng bắt tay nhau vận động thành lập. Úc và Tân Tây Lan sẽ là hai nước có vai trò đem lại những nỗ lực đóng góp lớn và cụ thể, do đã có những liên hệ chặt chẽ và lâu đời với các quốc gia trong ASEAN.


Trước những nỗ lực an ninh và phát triển địa phương ấy, Âu châu và Huê kỳ chắc chắn sẽ không có lý do gì khác hơn để giữ thái độ thờ ơ mà không tích cực hợp tác. Vùng Đông Nam Á sẽ trở thành một khối có quốc phòng vững mạnh, giúp cho các quốc gia thành viên an ninh được bảo đảm, chỉ còn dồn nổ lực cho phát triển. Mọi âm mưu bá quyền sẽ không còn lý do để tồn tại.

Nguyễn Văn Trần


Ghi chú:
Michel, Senillart , La théorie médiévale et la raison d’Etat , Paris, 1989.

Fitche , Considérations sur la Révolution française 1793, Paris.
Nguyễn Tiến Phồn , Dân chủ và tập trung dân chủ , Hànội, nhà xb Chánh trị Quốc gia, 2001.

Đăng ngày 09 tháng 03.2015