Ngày mội trường thế giới 2015: nếp sống bền vững

thay truyet

Ts Mai Thanh Truyết

Kể từ năm 1972, hàng năm, Chương trình Môi trường Liên hiệp quốc (UNEP) tổ chức và vinh danh Ngày Môi trường Thế giới (World Environmental Day) vào ngày 5 tháng 6 nhằm mục tiêu nâng cao sự cảnh giác cho dân chúng toàn cầu về những vấn đề môi trường, cũng như kêu gọi mỗi người dân có hành động tích cực hơn trong việc bảo vệ trái đất. Và mục tiêu cho năm 2915 là: nếp sống bền vững (sustainable lifestyles).

Đây là một tiêu đề có thể áp dụng cho mọi người để, trong một giây phút nào đó tự hỏi bất chợt rằng chúng ta sống như thế nào và cuộc sống đó ảnh hưởng lên trái đất ra sao?
Từ đó, một chuổi câu hỏi khác hiện ra trong đầu trong mỗi chúng ta là:
Chúng ta ăn uống như thế nào?
Đi mua sắm ra sao?
Đi du lịch bằng phương tiện gì? v.v
Từ những suy nghĩ đó, chúng ta sẽ nhận thức được là nếp sống bền vững rất cần thiết và là cốt lõi của việc bảo vệ môi trường. Theo ước tính của UNEP, vào năm 2050, nếu mức tiêu thụ và sản xuất giữ nguyên như hiện nay, và dân số toàn cầu sẽ tăng lên 9,6 tỷ, chúng ta cần phải có một diện tích tương đương với trái đất cộng lại để đạt được lối sống như hiện nay với gần 7 tỷ dân hiện tại.
Vì vậy, giữ được nguyên trạng nếp sống như ngày hôm nay cho năm 2050 cần phải có một chiến lược để bảo vệ một tương lai lành mạnh.

Mục đích của Ngày Môi trường Thế giới là tập trung sự chú ý trên toàn thế giới vào tầm quan trọng của môi trường và khuyến khích sự quan tâm chính trị và hành động bảo vệ môi trường.

Phương châm của Ngày Môi Trường Thế Giới năm nay là: Giấc mơ bảy tỷ - Một Hành tinh – Tiêu thụ thật cẩn thận (Seven Billion Dreams. One Planet. Consume with Care).
Năm ngoái, 2014, Ngày Môi trường Thế giới (NMTTG) tổ chức tại đảo Barbados,một quốc gia đảo nhỏ trong vùng biển Caribee, tập trung vào hình ảnh “một đảo nhỏ phát triển thành quốc gia” (mall island developing nations), từ đó hình dung ra được hệ quả trực tiếp của việc thay đổi khí hậu và mực nước biển tăng dần.
Năm trước đó nữa, 2013, Ngày MTTG nhấn mạnh việc phí phạm thực phẩm, điều nầy không những cần được góp phần vào việc cứu đói mà còn là một việc làm tiêu hao tài nguyên của trái đất nữa! Nên nhớ, thức ăn dư thừa của học sinh tiểu và trung học tại Hoa Kỳ đủ để cung cấp thực phẩm cho một số dân 30 triệu trong một năm!
Cũng vào năm 2013, thế giới nhấn mạnh đến nhiều khía cạnh bảo vệ môi trường bằng “Giáo dục Môi trường và Nhận thức” (Environmental Education & Awareness-raising), trong đó nhấn mạnh vai trò của nhà giáo trên thế giới.
Những đề nghị sau đây cho các nhà giáo trên thế giới là:

  • Trong ngày nầy, cần nên nhấn mạnh cho học sinh hiểu thêm về tầm quan trọng trong việc bảo vệ môi trường chung của thế giới;
  • Chuẩn bị những câu hỏi cho học sinh về một vấn nạn lớn của thế giới; đó là việc phế thải thực phẩm dư thừa và hệ lụy của việc nầy đối với môi trường chung;
  • Khơi dậy ý thức về “ngôi vườn thực phẩm” nơi trường học và thành lập các nhóm bảo vệ môi sinh (bio-club);
  • Đặc biệt, nhấn mạnh sự lưu tâm về vấn đề thoái hóa môi trường do con người tạo ra, cùng các phương cách giải quyết vấn đề…

Năm nay, Ngày MTTG chia xẻ nhắm vào sự lựa chọn vè quan niệm sống của chúng ta ngoài xã hội, để vận động quần chúng đóng góp tích cực vào cung cách sống biểu hiện trên các biểu ngữ (slogan).
Hưởng ứng Năm Quốc tế các tiểu quốc đảo đang phát triển 2014,
Ngày Môi trường Thế giới 2014 hướng tới chủ đề rộng lớn là biến đổi khí hậu và tác động của nước biển dâng.

Về vấn đề thực phẩm dư thừa, chúng ta có thể hình dung được rằng, theo ước tính của một số nhà môi trường Hoa Kỳ, chỉ riêng phần thực phẩm dư thừa trong buổi ăn trưa ở các trường học trung tiểu học Mỹ có thể cung cấp cho 30 triệu người thiếu ăn trên toàn cầu!
Đối với quốc gia Kuwait, vấn đề nầy cũng trầm trọng không kém. Để đáp ứng ngày hành động cụ thể cho Ngày Môi Trường, Chính phủ Kuwait đưa ra khẩu hiệu năm nay cho đất nước nầy là “Think-Eat-Save”. Tất cả vì vấn nạn phế thải thức ăn dư thừa cũng quá trầm trọng ở đất nước nầy. Ước tính trên 50% tổng số lượng phế thải rắn (solid waste) toàn quốc là thức ăn dư thừa hàng ngày với 38 tấn/ngày.
Do đó, nhân ngày môi trường thế giới, chánh phủ Kuwait khuyến cáo là “…cần nên lưu tâm về những vấn nạn môi trường do thức ăn phế thải…”

Còn Việt Nam ứng xử như thế nào trước Ngày Môi trường Thế giới năm nay?
Việt Nam tham gia hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới từ năm 1982. Hàng năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan tổ chức trọng thể ngày lễ này ở tất cả các tỉnh thành trên phạm vi cả nước và cũng chọn một địa phương làm nơi tổ chức các hoạt động quy mô cấp quốc gia hưởng ứng sự kiện này.
Ngày 17 tháng 04 năm 2015, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang phê duyệt chủ đề chính thức của Ngày Môi trường thế giới năm 2015 tại Việt Nam là: Cùng nhau tiêu dùng có trách nhiệm - Vì một trái đất bền vững”. Các hoạt động tổ chức Ngày Môi trường thế giới rất đa dạng, phong phú. Ngày Môi trường thế giới chính là “sự kiện của người dân” tham gia các hoạt động như tuần hành, diễu hành bằng xe đạp; tổ chức các buổi hoà nhạc xanh, các cuộc thi viết, vẽ, tìm hiểu về môi trường; phát động chiến dịch trồng cây xanh, các chiến dịch khuyến khích tái chế chất thải và làm sạch môi trường; tổ chức các cuộc hội thảo, các diễn đàn về chủ đề gìn giữ sự trong lành của môi trường vì lợi ích của các thế hệ mai sau...
Ngày Môi trường thế giới còn là cơ hội để ký kết hay phê chuẩn các công ước quốc tế về lĩnh vực môi trường.
Ngày Môi trường thế giới năm 2015 nhằm kêu gọi con người hãy bảo vệ trái đất ngay từ bây giờ bằng những hành động thiết thực trong tiêu dùng vì đó là cách tốt nhất đảm bảo cho tương lai của chúng ta và các thế hệ mai sau.

Theo đánh giá của UNEP, hệ sinh thái trên trái đất đang dần tiến tới mức suy thoái hoặc bị biến đổi, nguyên nhân là do sự gia tăng dân số và phát triển kinh tế.
Việt Nam và nhiều nước trên thế giới, tăng trưởng kinh tế còn dựa nhiều vào các yếu tố phát triển theo chiều rộng, chậm chuyển sang phát triển theo chiều sâu. Sản xuất công nghiệp với công nghệ lạc hậu làm mức tiêu hao nguyên liệu, năng lượng còn rất lớn kéo theo tỷ suất phát thải chất ô nhiễm cao, cộng với nhu cầu phát triển nóng các nền kinh tế, nhu cầu tiêu dùng tăng và với nhiều thói quen tiêu dùng bởi phong tục, tập quán, đã trở thành một trong những nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp khiến cho các nguồn tài nguyên bị khai thác và môi trường bị ô nhiễm, gây mất cân bằng sinh thái.

Sự hâm nóng toàn cầu
Để đóng góp cho Ngày Môi trường Thế giới năm nay, người viết xin nêu vấn đề về sự Hâm Nóng Toàn Cầu để cùng chia sẻ trước sự nóng dần lên với nhịp độ nhanh hơn các nhà làm khoa học tính toán. Năm 2012, số lượng khí carbonic (thán khí) CO2 thải hồi vào không khí tăng lên đến trên 480 mg cho mỗi lít (mg/l) không khí. Và cũng theo mô hình toán của các chuyên gia, nếu mức thán khí lên tới mức báo động (threshold limit) là 400 mg/l, thế giới sẽ xảy ra một cơn khủng hoảng về mội trường không thể tiên liệu được.
Các lý thuyết về sự hâm nóng toàn cầu phát sinh từ cuối thế kỷ 19 do những nhà khoa học Thụy Điển trong khi quan sát sự thay đổi nhiệt độ của không khí bị ô nhiễm để rồi từ đó kết luận rằng trái đất nóng dần do con người phóng thích các khí ô nhiễm vào không khí. Lý thuyết nầy là nguyên nhân khởi đầu cho bao cuộc thảo luận sau đó giữa các nhà khoa học. Họ đã võ đoán là từ năm 1896, thán khí (CO2) thải vào không khí do việc đốt than đá để tạo ra năng lượng là nguyên nhân chính gây ra “hiệu ứng nhà kiếng” (greenhouse effect). Theo ước tính, thán khí trong không khí đã tăng 30% từ năm 1750 đến nay.

Mãi đến năm 1949, sau khi khảo sát hiện tượng tăng nhiệt độ trong không khí ở Âu Châu và Bắc Mỹ từ năm 1850 đến 1940 so với các nơi khác trên thế giới, các nhà nghiên cứu Anh đã đi đến kết luận là sự phát triển ở các quốc gia kỹ nghệ đã làm tăng lượng ô nhiễm thán khí trong không khí, do đó làm cho mặt đất ở hai vùng nầy nóng mau hơn so với các vùng chưa phát triển.
Đến năm 1958, các cuộc nghiên cứu ở Mauna Loa Observatory (Hawai) đặt ở cao độ 3.345m mới chứng minh được khí CO2 là nguyên nhân chính yếu của sự gia tăng nhiệt độ nầy. Đến năm 1976, các chất khí methane, chlorofluorocarbon (CFC), nitrogen oxide (NOx) cũng được xác nhận là nguyên nhân của hiệu ứng nhà kiếng.
Từ năm 1979 đến 1983, nhiều báo cáo của Hàn Lâm Viện Quốc gia về Khoa học Hoa Kỳ đã chứng minh và cảnh báo rằng nơi nào có ô nhiễm không khí trầm trọng là nguy cơ có nhiệt độ không khí tăng càng lớn.
Năm 1990, 49 nhà bác học đã có giải Nobel đã ra thông cáo kêu gọi mọi quốc gia trên thế giới phải có biện pháp tức thời để hạn chế ô nhiễm không khí hầu bảo vệ quả địa cầu.

Các cuộc nghiên cứu mới nhất do hai khoa học gia Karl và Trenberth trên tạp chí Sciences số tháng 12/2003 nói lên tính cách khẩn thiết của vấn đề nầy. Theo ước tính của hai ông thì từ 1990 đến 2100, nhiệt độ trên mặt địa cầu sẽ tăng từ 3,1 đến 8,9oF (1,6 đến 4,2oC). Và sự tăng nhiệt độ nầy sẽ làm nóng chảy hai tảng băng ở Greenland và Antartica và có thể làm ngập lụt các bờ biển. Điều sau nầy sẽ làm thu hẹp diện tích sống của con người trên quả địa cầu. Để rồi từ đó sinh sản ra nhiều hệ lụy đang dồn dập xảy ra như sau.
Trái đất sẽ chịu đựng những luồng khí nóng bất thường;
Hạn hán sẽ thường xuyên hơn và xảy ra ở nhiều nơi;
Mưa to, bão tố xảy ra bất thường cũng như không thể tiên liệu trước như hiện nay;
Hệ thực vật, sinh vật bị thay đổi;
Và sau cùng mực nước biển sẽ dâng cao ở nhiều nơi ước tính khoảng 75cm vào năm 2100.

Và hiệu ứng nhà kiếng đã được giải thích một cách khoa học hơn như sau: Các khí kể trên di chuyển trong bầu khí quyển, “nhốt” (trap) khí nóng thải hồi từ mặt địa cầu, do đó khí nóng nầy không thể thoát ra ngoài không gian được. Ngược lại, các khí trên cũng đã hành xử như một nhà kiếng để lọc các tia sáng mặt trời trước khi vào trái đất. Tháng 4, 2004, Trung tâm Nghiên cứu Mauna trên lại vừa công bố một báo cáo khoa học mới nhất trong đó ghi nhận nồng độ của thán khí (CO2) trong năm 2002 là 376 mg/L và năm 2003 là 379mg/L. Và trong vòng 10 năm trở lại đây, mức thán khí tăng hàng năm là 1,8mg/L; trong lúc đó mức tăng trung bình là 1mg/L ở 5 thập niên về trước. Lý do chính là do sự phát triển gần đây của Trung Cộng và Ấn Độ.
Hoa Kỳ, vào năm 1990, đã sản xuất 36,1% sản phẩm của toàn thế giới, do đó có trách nhiệm trên 36,1% lượng khí phóng thích vào bầu khí quyển tạo ra sự hâm nóng toàn cầu. Trong lúc đó Nga Sô chịu trách nhiệm 17,4%.
Tính đến ngày 16/2/2006, NĐT Kyoto đã biến thành luật vì Liên Bang Nga đã chuẩn y Dự thảo vào tháng 11, 2005. Hoa Kỳ cho đến hôm nay (2015) vẫn chưa chịu chuẩn y vì không đồng ý với con số % về trách nhiệm góp vào hiện tượng hâm nóng toàn cầu. Úc Châu đã chuẩn y vào năm 2008.

Cho đến năm 2011, Trung Cộng đã qua mặt Hoa Kỳ trong việc phát thải thán khí với 6,8 tỷ tấn so với 6,2 tỷ tấn của Hoa Kỳ. Thế mà TC vẫn “tự nhận” là “quốc gia đang phát triển” để nhận được một số ưu đãi và miễn nhiễm trong lãnh vực ô nhiễm môi trường thế giới; trong lúc trên bình diện khác đất nước nầy trở thành con hổ hung hăng đang đe dọa chiếm lĩnh toàn thế giới thể hiện qua những hành xử côn đồ trong vùng biển Đông là một, đặc biệt công cuộc Hán hóa tiệm tiến Việt Nam trong tiến trình Bắc thuộc lần thứ 5 với sự tiếp tay của đảng Cộng sản Bắc Việt.

Thay lời kết
Nguồn nhiễm bịnh mang lại từ phân của con người rất nhiều, từ các bịnh thiên thời (cholera) đến thương hàn (typhoid), từ các bịnh về gan như Viêm gan A,B, đến bịnh tê liệt (polio), và một số mầm bịnh do ký sinh trùng, vi khuẩn, cầu trùng khác v.v…Mặc dù mục tiêu của LHQ là luôn đặt trọng tâm vào việc cung cấp nước sạch và thanh lọc nước sinh hoạt của các quốc gia nghèo, nhưng trên thực tế, theo các thông tin trên rõ ràng là sự phân bổ viện trợ cho hai vấn đề nước và hệ thống phóng uế hợp vệ sinh không được trong sáng và còn nhiều chỉ dấu bất công trong việc điều hàng ngân khoản của LHQ trong việc trợ giúp nầy. Cũng cần kể thêm là LHQ cũng đã vấp phải nhiều quyết định sai lầm trong việc cung cấp nước sạch cho Bangla Desh qua việc đào trên 4 triệu giếng vào thập niên 70, để rồi sau cùng kết quả hiện tại là hàng năm tại xứ nầy có trên hàng trăm ngàn người chết và hàng triệu người đang phải chịu đau đớn vì bị nhiễm độc arsenic do nước giếng gây nên. Điều nầy đã được tái lập ở Việt Nam hiện tại với trên 400.000 giếng đào và đã có chỉ dấu bịnh arsenicosis do bị nhiễm độc arsenic trên người dân Hà Nội và ĐBSCL.

Tháng 6 năm 2002, một phương án đã được UNICEF đề ra tại Hội nghị Thế giới về Arsenic ở San Diego (CA) nhằm giảu quyết nạn nhiễm độc arsenic tại Bangla Desh là thực hiện những hồ chứa nước vào mùa mưa mặc dù vũ lượng nơi đây chỉ có 250 mm nước mưa/năm mà thôi. Và chương trình nầy đã hạn chế số lượng nạn nhân bị chết hàng năm vì bị nhiễm độc arsenic ở xứ nầy.
Qua thông tin trên, một lần nữa, biện pháp thiết lập hồ chứa nước mưa ở ĐBSCL đã được Hội KH&KT Việt Nam tại Hoa Kỳ cổ súy từ nhiều năm qua, với mục đích tránh nguy cơ nhiễm độc arsenic ở vùng nầy, càng có thêm căn bản vững chắc hơn nữa vì vũ lượng nơi đây là 2.000 mm nước mưa hàng năm. Đây là một biện pháp an toàn, dễ dàng thực hiện, và rẽ tiền nhất để hạn chế việc đào giếng, nguyên do của nạn nhiễm độc arsenic trong tương lai.

Nhìn chung, tình trạng nước và môi trường nước trên thế giới cũng như ở Việt Nam không được sáng sủa. Do đó hàng năm, nhân Ngày Môi trường Thế Giới, LHQ luôn luôn cảnh giác tất cả các quốc gia nhất là những nước đang phát triển cần phải chú trọng hơn nữa việc mang lại nguồn nước sinh hoạt sạch cho người dân, cùng hệ thống vệ sinh phóng uế cũng như những phương hướng bảo vệ sức khỏe bằng cách gìn giữ vệ sinh cá nhân và ngăn ngừa ô nhiễm.
Riêng tại Việt Nam, vì nhu cầu phát triển quốc gia(?) cho nên một số biện pháp bảo vệ môi trường cần thiết không được chú tâm đúng mức. Và chính tình trạng nầy ngày càng làm cho vấn đề môi sinh ở Việt Nam bị xuống cấp trầm trọng.
Nếu không thực hiện việc thay đổi chính sách và quyết tâm bảo vệ môi sinh ngay từ bây giờ, chắc chắn Việt Nam sẽ gặp nhiều khó khăn về nhiều mặt của chính sách phát triển quốc gia trong một tương lai rất gần.

Mai Thanh Truyết
Hội KH&KT Việt Nam (VAST)
Ngày Môi trường Thế giới 5/6/2015

_____________

Môi trường Việt Nam: Thảm họa đáng ngại

Trà Mi - VOA Vietnamese - 04.06.2015

Ô nhiễm môi trường tại Việt Nam là nguy cơ đe dọa trực tiếp sức khỏe và đời sống của dân chúng, theo khuyến cáo của giới chuyên môn.
Trao đổi với VOA Việt ngữ nhân Ngày Môi trường Thế giới 5/6 năm nay, một chuyên gia về môi trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hội Khoa học-Kỹ thuật Việt Nam tại hải ngoại (VAST), và cũng là tác giả nhiều ấn phẩm nghiên cứu về môi trường và chính sách phát triển của Việt Nam, nhấn mạnh các tác hại môi trường ngắn và dài hạn đối với sự phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam đang leo thang tới mức báo động và rằng nếu không có biện pháp cấp bách cải thiện chính sách quản lý môi trường, cái giá phải trả trong tương lai gần là không thể đo lường.
Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Về tình trạng môi trường Việt Nam, trong suốt 20 năm qua, chúng tôi đặt vấn đề về đất, nước, rác sinh hoạt phế thải, và không khí. Trong những yếu tố đó, hiểm họa nguy hiểm nhất là hiểm họa nước. Từ khi Việt Nam phát triển từ năm 1986, sự phát triển đó không đặt trọng tâm vào việc bảo vệ môi trường. Cho nên, sau 20 năm phát triển, những dòng sông từ Bắc chí Nam đều bị ô nhiễm, người dân càng ngày càng chịu áp lực nặng nề về nguồn nước sinh hoạt vì gia tăng dân số, gia tăng phát triển. Việt Nam hiện có hơn 265 khu công nghiệp, đặc biệt tại Sài Gòn có hơn 20 ngàn cơ sở sản xuất hóa chất mà hầu hết không có hệ thống quản lý, xử lý, thanh lọc nước thải.
Yếu tố làm ô nhiễm nước thứ hai là bãi rác, với độ gia tăng dân số, chẳng hạn Sài Gòn trên 7 triệu dân hằng ngày sản xuất khoảng 10 ngàn tấn chất thải sinh hoạt thì làm ô nhiễm bao nhiêu hệ thống nước. Cái mức ô nhiễm đó càng ngày càng trầm trọng.
VOA: Ngoài yếu tố dân số, theo Tiến sĩ, còn những yếu tố nào khác góp phần làm gia tăng ô nhiễm môi trường nước tại Việt Nam?
Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Những yếu tố về cả khách quan lẫn chủ quan, chẳng hạn như tình trạng phá rừng làm nước không còn được thanh lọc tự nhiên từ trong rừng. Thứ hai là việc xây đập thủy điện, đập chứa nước vô tội vạ, không nghiên cứu tác động môi trường. Chính đó làm cho nguồn nước càng ngày càng tệ hại hơn. Nhưng cái quan trọng nhất là chính sách quản lý môi trường nước và quản lý môi trường nói chung, dù có trên luật, nhưng người thừa hành không thực hiện được vì qua cái cơ chế tạo ra một hệ thống không thể kiểm soát.
Vấn đề chúng tôi đặt ra là lãnh đạo Việt Nam hiện tại có xem môi trường là vấn đề mấu chốt, vấn đề an toàn sức khỏe của các thế hệ tương lai hay không?
VOA: Là chuyên gia về môi trường tại đất nước bảo vệ môi trường hàng đầu là Mỹ, về những mặt được trong nỗ lực bảo vệ-cải thiện môi trường nước ở Việt Nam, Tiến sĩ nhìn thấy những gì? Có những gì đáng ghi nhận?
Chuyên gia về môi trường, Tiến sĩ Mai Thanh Truyết.
Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Những nguy cơ về ô nhiễm nguồn nước và mực nước mặn gia tăng do lượng nước sông chảy ra biển không còn đủ để đẩy lùi nhiễm mặn, việc phá rừng đặc biệt là rừng tràm-rừng đước để nuôi tôm hay cá ba sa cùng tất cả các nguy cơ về nước hoặc rác phế thải đều được những nhà chuyên môn, giới khoa học ở Việt Nam cảnh báo, nhưng tiến độ giải quyết không thể đáp ứng được nhu cầu bảo vệ môi trường. Chúng tôi nghĩ rằng nhà cầm quyền chưa đặt đây là mối nguy cơ hàng đầu, chưa đặt đây là trọng tâm của việc chuẩn bị cho một thế hệ tương lai.
VOA: Với những gì đang diễn ra hiện nay, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn tới những tác hại và những nguy cơ có thể trông thấy thế nào?
Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Nhìn Trung Quốc chẳng hạn, chúng ta thấy rõ ràng là hôm nay môi trường không khí ở thành phố Bắc Kinh, dân chúng có những ngày không thấy ánh mặt trời và bệnh phổi càng ngày càng tăng. Trở lại tình trạng Việt Nam, Việt Nam đang trên đà tiếp nhận các hậu quả của việc phát triển không đặt trọng tâm bảo vệ môi trường. Hôm nay, chúng ta nhìn thấy các dòng sông ở ngoài Bắc không còn là sông nữa mà đã trở thành các dòng sông đen. Nếu không có phương pháp giải quyết để chặn đứng, trong một thời gian không xa nữa, các dòng sông ở miền Nam không đủ khả năng điều tiết phế thải của dân chúng sẽ trở thành những dòng sông đen. Tình trạng này sẽ xảy ra trong một tương lai không xa, một vấn đề thoái hóa môi trường rất trầm trọng cho tương lai.
VOA: Trước những cảnh báo vừa nêu, giải pháp nào có thể giúp cải thiện điều kiện môi trường nước tại Việt Nam hiện nay?
Tiến sĩ Mai Thanh Truyết: Thứ nhất, kiểm soát tất cả các nguồn phế thải từ các nhà máy sản xuất và các khu công nghiệp đặc biệt là phế thải lỏng. Thứ hai, đối với miền Nam chẳng hạn, hạn chế việc phá rừng tràm rừng đước nuôi cá basa và nuôi tôm ở vùng ngập mặn. Hình ảnh vệ tinh năm 2008 cho thấy vùng đó bị tàn phá, bị khai thác hơn 250 ngàn mẫu, gần 100 ngàn mẫu đã trở thành những chấm đen; đó là vùng bị ô nhiễm không thể nuôi được sau 3-4 mùa nuôi tôm cá.
Việc phá rừng tràm, rừng đước ảnh hưởng tới thời tiết vì các khu rừng đó là nơi chắn gió tránh bão lụt, hấp thụ nhiễm phèn và chặn bớt nước mặn đi vào lục địa, và là vùng cho tôm cá sinh sôi nẩy nở. Ngày nay, 4 ưu điểm của rừng tràm, rừng đước bị mất. Do đó, kế hoạch trồng rừng, trồng tràm đước, hạn chế phá rừng là một trong những phương pháp giải quyết nạn ô nhiễm môi trường.
VOA: Xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Mai Thanh Truyết đã dành thời gian cho cuộc trao đổi hôm nay.

Góp ý của thính giả:

bởi: Không ghi tên
05.06.2015 01:00
Thảm họa ở dơ đã có từ lâu.
Tình trạng thiếu vệ sinh ngày càng tệ. Nhất là ô nhiễm nước sông. Dự án xử lý nước thải bị liên tục cắt xén vì tham nhũng trong khi các công ty dù tư nhân hay quốc doanh cứ lén lút xả nước thải, hóa chất độc xuống sông cho đỡ tốn ngân khỏan.

bởi: HOÀNG KỲ(NPCN)Btn
04.06.2015 22:14
"NHÀ NƯỚC ĐẢNG" chỉ thích khoe những "thành tích chiến tranh".Còn kiến thức Kinh tế,Khoa học,môi sinh,các kiến thức về thực vật,sông ngòi thì dốt đặc,lại mang cái bệnh "Đảng lãnh đạo",mà lãnh đạo bởi lọai "cám hấp Mác-Lê",đạo chích,thiến heo hoạn lợn,cái bệnh tự hào "nòng súng" cao hơn Trí thức khoa học môi sinh,nên trí thức trong nước có đề xuất,hay góp ý thì chúng cũng để ngoài tai.
Cứ nhìn bức cô gái kia làm sao biết cô ta đẹp hay xấu,khi toàn dân ra đường phải BỊT MỒM,BỊT MŨI thế kia,là thấy ngay cái "Mất vệ sinh của Chế độ".
A há! thế mới "Ngộ" ra chân lí,sống trong nước CHXHCN VN thì mọi thứ đều Ô nhiễm.
VIỆT NAM ta nào có kém TQ.Nhà nước Đảng đang tạo ra một hệ sinh thái mới chăng?
Cho nên phải "BỊT" tất cả dưới bàn tay của một nền "Văn hóa Chính ủy".

bởi: PhúQuốc từ: VN
05.06.2015 01:30
Chào bác Hoàng Kỳ!
Những điểm anh Truyết nêu lên hoàn toàn thực tế, chúng tàn phá đất nước chúng xong, bây giờ bắt đầu dở trò đi cướp của các nước khác trong vùng và Lan Rộng " Bành Háng"
Cá nhân gia đình bà con của chúng đều đã có nơi cắm dùi sẳn cho tương lai, khi cần Hạ Cánh An Toàn. Chỉ có đám cán bộ, đảng viên thuộc loại Lòng tong lục chốt thì ở lại mà " Đền tội Thay cho chúng nó ".
Tình trạng người dân trung lưu trở xuống hàng Cạp Đất thì thuộc loại " Trước cũng chết,sau cũng chết " kể cả đám theo gió kiếm ăn qua ngày. Cái chọn lưạ nào ở đây ? Đứng lên làm một cuộc cách mạng " Chết Vinh hơn sống nhục " chính là lúc nầy ? chúng nó cũng thấy vậy. Do đó Tư Sang mới nói là chữ SỢ của Y ngày càng Lớn mạnh ? là vì SỢ dân đã ngày không còn tin vào 40 năm thống nhất đất nước và sự Lừa Bịp của Đảng. Cứ nhìn tài sản của cán bộ mà chính Chân Dung Quyền Lực đã Vạch Toạt móng heo,phành ra giữa chợ, cả thế giới đều nhìn thấy, nhưng chúng có Rụng một cộng lông nào chưa ?
Có lẽ đây là nguyên nhân một tác giả nào đó đã viết một bài về "Cái hèn của ông ta và người Việt". Vâng thuốc Đắng luôn Dã tật và lời thật thì chắc chắn mích lòng, tôi cũng có cái hèn nào đó của tôi cũng như tác giả là điều không tranh cãi.

bởi: Bà Ba từ: Saigon
04.06.2015 22:10
Ở VN già trẻ lớn bé gì ra đường đều bịt mặt như ninja, không có đâu trên thế giới như vậy cả. Cây cối Saigon gần như không còn nghe tiếng chim, tiếng ve sầu mùa hạ. Ngày xưa đi từ Saigon ra miền Trung, xe lửa hay xe hơi đều chạy qua nhiền cánh rừng xanh mượt, nay nơi đó trơ trọi đất đỏ nham nhở hoặc nhà cửa xây cất vô tội vạ. Bờ biển Nhatrang một thời đẹp, hiền hòa, sạch. Nay còn đâu. Bờ biển bị cắt nát cả rồi! Khúc bờ kè cầu Xóm bóng (mới) cũng có công viên, cũng có bải cỏ cây trồng, nhưng mùi bốc lên "nồng nàn". Khách nhậu từ bên đường "vô tư" trút bầu tâm sự. Hình như chẳng có ai quan tâm hoặc quan tâm cho có lệ. Làm sao đi dạo? Làm sao đứng nhìn biển chiều tà mà làm thơ? Các nhà lãnh đạo chắc từng đi đây đi đó, sao không xem cách người ta giữ gìn thiên nhiên, môi trường!? Gần như Thái lan, xa như Mỹ. Vịnh San Francisco thì có hơn gì vịnh Nhatrang? Nhưng coi kìa, người ta chăm sóc từng gốc cây ngọn cỏ, còn mình thì sao? Vậy mà du lịch không thua CamPuChia mới là lạ. Du lịch gì ở đây? Thiên nhiên ư? Nếp sông văn hóa ư? Thoải mái bình an thư giản ư??


 Đăng ngày 6 tháng 06.2015