Võ Hưng Thanh
THỰC CHẤT CUỘC ĐẤU TRANH TỰ DO DÂN CHỦ
CHO VIỆT NAM NGÀY NAY
Cuộc đấu tranh tự do dân chủ cho VN ngày nay là cuộc đấu tranh chung vì đất nước, dân tộc, không vì quyền lợi riêng của cá nhân, phe nhóm, giai cấp, hay đảng phái nào cả. Nếu đi ngược điều đó là sai lầm và đáng nguyền rủa. Bởi thật sự chỉ có tự do dân chủ đúng nghĩa mới phát triển được xã hội, phát triển được đất nước. Người nào còn quan niệm độc tài mới nhằm giải quyết được điều đó đều chỉ cạn hẹp, ngây thơ, thiển cận, sai lầm và nguy hiểm.
Học thuyết Mác là học thuyết ảo tưởng và không tưởng về tự do dân chủ. Mác bài xích dân chủ tự do bình thường, truyền thống, mà ông cho là dân chủ kiểu tư bản, tư sản. Ông dùng quan điểm đấu tranh giai cấp và độc tài vô sản để đẩy lùi tự do dân chủ đến tương lai vô hạn mà ông tự cho là chế độ xã hội cộng sản khoa học, tự do dân chủ gấp cả triệu lần. Điều đó hấp dẫn nhiều người cộng sản, mặc dầu nó chỉ là không tưởng, và nhiều người ngày nay mới vỡ lẽ ra là thời kỳ quá độ đó là hoàn toàn không thể có, và còn có người nói rằng cả trăm năm hay cả ngàn năm cũng không thể bao giờ có được. Dùng nhu cầu ảo tưởng để xóa bỏ mọi yêu cầu thực tế, đó không những là sai lầm mà còn là điều tội lỗi của Mác.
Thế cho nên nền tảng thiết yếu nhất hiện nay trong đấu tranh tự do dân chủ chính đáng, là làm sao cho mọi người cộng sản đều thấy được ra chân lý khách quan khoa học là như thế. Sở dĩ người CS vẫn cố bám hoài vào ý nghĩa chuyên chính vô sản vì họ không thấy điều đó là phi thực chất, phản thực tế và phản khoa học. Vì mọi sự dắm đuối vào chủ nghĩa Mác thực ra không phải do sự hiểu biết nó mà lại do sự không hiểu biết nó hay sự hiểu biết hoàn toàn không thực chất hay sai lầm về nó. Sự cãi chày cãi cối giữa hai bên cộng sản và không cộng sản ở đây từ xưa nay chính là ở đó. Không những vậy, ngày nay nó lại còn liên quan cả đến triển vọng và tiền đồ sự sống còn của cả đất nước và dân tộc trong tương lai nữa.
Nên nói một cách ngắn gọn, lịch sử xã hội luôn luôn phát triển đi lên theo tiệm tiến. Cách mạng chỉ là những nhu cầu nhất thời chẳng đặng đừng nào đó để làm xã hội phát triển. Không thể có cuộc cách mạng tận gốc, làm lại hết từ đầu như Mác ảo tưởng và không tưởng, cũng không thể có kiểu cách mạng thường xuyên như sự ngụy biện và mị dân kiểu Mao Trạch Đông. Chỉ khi hiểu ra được điều đó thì người CS sẽ không còn là CS mù quáng nữa, hay những người chỉ muốn lợi dụng chủ nghĩa Mác để thủ lợi cũng thấy rằng đó chỉ là điều bất chấp đạo đức, và cả những người muốn đấu tranh cho tự do dân chủ đúng nghĩa cũng không còn thấy điều gì là cam go hay gai góc nữa.
Và điều sau cùng đáng nói, mị chế độ độc tài đều có thể bị lợi dụng hay lạm dụng. Vì độc tài là một cơ chế trở nên quán tính và vật hóa, khiến mọi ý thức con người đều bị tê liệt, còn người mất mọi khả năng đề kháng, chỉ còn tuân thủ và thích nghi một chiều để nhằ tồn tại theo cách tiêu cực và thụ động nhất, bất kỳ ai cũng vậy ở trong cơ chế đó, kể cả những cán bộ CS cầm quyền cao nhất. Có nghĩa học thuyết Mác không phải giải phóng con người, giải phóng giai cấp như ông ta ảo tưởng hay ngụy biện mà chỉ là ngược lại.
Bởi thế chỉ có xã hội tự do dân chủ đúng nghĩa mới giải phóng và phát huy mọi người thật sự, mới giải phóng xã hội thực sự theo nghĩa thực tế, khách quan, khoa học, hiệu quả thật sự mà không phải chỉ kiểu ảo tưởng, thả mồi bắt bóng như học thuyết chủ nghĩa Mác trong thực tế đã nhầm lẫn tạo nên. Điều này có thể phần lớn nhân dân Việt Nam đều hiểu từ lâu, nhưng riêng có những người CS nào đó vẫn không hiểu. Nên chính cơ sở của đấu tranh tự do dân chủ hoàn toàn cần thiết và chính đáng cho Việt Nam ngày nay thực chất chỉ là vậy.
THƯỢNG NGÀN
(29/5/16)
_____________
XÃ HỘI CỘNG SẢN LÀ KHOA HỌC
HAY XÃ HỘI KHÔNG CỘNG SẢN LÀ KHOA HỌC?
Ngay từ đầu học thuyết Mác hâp dẫn nhiều người vì nó tự nhận là khoa học. Ý nghĩa của sự hình thành nên chủ nghĩa cộng sản trong thực tế là như vậy. Mác tự nhận là khoa học không phải vì lý thuyết ông ta căn cứ vào những nền tảng khoa học khách quan, xác đáng thật sự mà chẳng qua vì ông tin chắc vào ý nghĩa biện chứng luận của Hegel (quy luật phủ định của phủ định). Chỉ tại Hegel tự cho mình là học thuyết khoa học, nên Mác tin tưởng mù quáng vào đó cũng tự cho lý thuyết ông ta là khoa học. Thật ra quy luật của Hegel là quy luật duy tâm. Mác mang mớ duy tâm đó áp dụng cho quan điểm thuần túy duy vật của mình là điều bất tương thích và nghịch lý, ngược ngạo, như thế về nguyên tắc nó có làm sao mà khoa học được. Sự tự nhầm lẫn hay tự ngụy biện của Mác để khiến người khác cùng nhầm lẫn và cùng ngụy biện theo, đây là trách nhiệm vô cùng to lớn của Mác.
Thực chất cái cốt lõi trong lý thuyết chủ nghĩa Mác không gì hơn là kinh tế tập thể. Mác cho rằng kinh tế cá thể là sai lầm, tai hại, xấu xa, do đó bác bỏ xã hội tư sản, tư bản, để chỉ còn chủ trương thiết lập nên xã hội tập thể, nền kinh tế tập thể, gọi là xã hội xã hội chủ nghĩa hay xã hội cộng sản. Cơ sở lý luận chủ yếu của Mác là căn cứ vào khái niệm sự bóc lột, giai cấp và đấu tranh giai cấp, ý niệm chuyên chính để nhằm xây dựng một xã hội tương lai không còn tư hữu, tư sản, được Mác hiểu là xã hội vô sản không còn giai cấp, không còn bóc lột.
Thực chất lý luận như trên là do Mác không phân biệt rạch ròi hay tạo sự nhập nhằng giữa kinh tế xã hội vi mô và kinh tế xã hội vĩ mô. Từ đó Mác muốn dùng ý chí chính trị để thay hẳn cho thực tiển xã hội tức xã hội tự do dân sự, là điều không thể nào có được trong xã hội loài người. Hay nói khác đi, mọi khái niệm cơ bản của Mác phần lớn là phiến diện, một chiều, giả tạo, bị công thức hóa trừu tượng cho hợp với ý niệm biện chứng luận, do vậy chúng không thể là khách quan khoa học và không thể tạo nên được một tổng thể hệ thống lý thuyết khoa học nào cả.
Nói chung Mác bất chấp mọi ý nghĩa hay quy luật tâm lý khách quan tự nhiên của cá nhân con người và của xã hội loài người, như vậy cái được Mác cho là khoa học như khái niệm duy vật biện chứng, duy vật lịch sử hay biện chứng lịch sử đều chỉ là những sự tưởng tượng giả tạo, lấy cái tư biện trừu tượng thuần túy để thay vào cho mọi sự tại lịch sử khách quan cụ thể và sinh động, đó là ý nghĩa giả khoa học, phản khoa học hay phi khoa học của học thuyết chủ nghĩa Mác tức là học thuyết chủ nghĩa xã hội cộng sản. Bởi vì nếu thế giới vật chất không thể không tuân theo mọi quy luật khách quan của nó, thì thế giới tâm lý của con người cũng thế. Mác bất chấp mọi quy luật thực tế thì không thể gọi đó là quan điểm khoa học hay chủ trương khoa học thực chất hay có ý nghĩa hoặc giá trị gì cả.
Điều này thực tế đã hoàn toàn cho thấy. Sau hơn 70 năm tồn tại, thế giới cộng sản trước kia cũng đã hoàn toàn sụp đổ và tan rã. Mọi sự hi sinh, gò ép, cưỡng chế phí phạm mọi loại mà không đi tới đâu đó quả là canh bạc cháy túi của học thuyết Mác đã áp đặt lên lịch sử nhân loại. Bởi vì mọi khoa học khách quan chắc chắn sẽ đat kết quả. Ngược lại mọi cái gì không đạt kết quả hay kết quả ngược lại, cũng đều là phi khoa học hay phản khoa học. Ý nghĩa do người ta có thể lấy lô-gích hay lý luận lý thuyết đúng đắn để chứng minh một chân lý khoa học như trong toán học, vật lý học hoặc các ngành khoa học tự nhiên khác. Nên chi mọi lý luận ngụy biện đều có thể cho thấy ngay từ đầu nó đã sai lầm, mà sai lầm thì không thể nào cho ra giá trị đúng và dẫn tới kết quả đúng được. Cả mặt lý thuyết và thực tiển của học thuyết chủ nghĩa Mác đều cho thấy hay đã chứng minh được điều đó. Tự cho là khoa học mà thực chất không là khoa học, đó không những là ngụy tạo mà còn là trách nhiệm lớn lao trong lịch sử loài người của Mác.
ĐỈNH NGÀN
(29/5/16)
______________
CHÍNH TRỊ GIA VÀ DIỄN VĂN TRƯỚC CÔNG CHÚNG
Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson nói rất đúng. Để phát biểu tự do mười phút trước công chúng, ông ta phải cần một tuần để chuẩn bị. Nếu nói mười lăm phút phải ba ngày. Nửa giờ phải hai ngày. Một giờ thì chẳng phải chuẩn bị gì.
Có nghĩa càng ngắn phải càng súc tích nên cần phải đắn đo nhiều ngày hơn. Bởi cương vị một Tổng Thống, nhất là Tổng Thống Mỹ, mọi từ ngữ, ý tưởng nói ra nhất thiết phải có trọng lượng của nó.
Người Việt có câu thùng rỗng kêu to. Nhưng tiếng gỗ thì chỉ nghe đặc úc. Tuy vậy cũng không phải tiếng gỗ loại nào cũng giống nhau. Nên tiếng nói chính là sự chắc lọc của hiểu biết. Người viết lách cũng thế. Nếu viết nhiều tràng giang đại hải mà chỉ nhằm tuyên truyền rẻ tiền, ngắn ngày, cả vạn trang cuối cùng cũng chỉ để nghiền bột giấy.
Trái lại nhà văn, nhà thơ, nhà tư duy, có khi suốt cả đời nghiền ngẫm, học tập, nhưng vài tác phẩm ngắn vẫn có thể vượt thời gian, để đời cho mọi thế hệ mai sau. Tư tưởng chính là chất lượng của ngôn ngữ, cho dù ngôn ngữ loại gì, nó chính là tinh hoa của cây đời. Nhưng cây đời vẫn có nhiều loại khác nhau.
Cây cỏ ngắn ngày thì mau ra hoa ra trái, nhưng cũng chỉ có thoáng qua. Trái lại những loại cây cổ thụ, lưu niên, có khi cả vài chục năm mới ra hoa kết trái, nhưng gỗ thì gỗ chắc, hoa trái cũng thường hay đặc biệt. Nói vậy để thấy rằng chính trị luôn cần phải đi đôi với văn hóa và sự trung thực, đó mới là loại chính trị hay ho và kiểu mẫu nhất. Các Tổng Thống Mỹ khó có ai tồi, bởi họ được toàn dân lựa chọn tự do trong số những người tinh hoa nhất của đất nước họ.
NGÀN KHƠI
(29/5/16)
_____________
KHOA HỌC LỊCH SỬ, NHÌN TỪ GÓC ĐỘ CUỘC THƯ HÙNG
GIỮA NHÀ NGUYỄN GIA LONG VÀ NHÀ NGUYỄN TÂY SƠN
Có lẽ nhà Nguyễn Tây Sơn và nhà Nguyễn Gia Long là giai đoạn lịch sử nhiều bi tráng mà cũng hào hùng nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam. Cả hai đều cùng tộc họ nguyễn, nhưng vị trí trong xã hội lại khác nhau. Có người còn truy nguyên gốc gác của anh em Tây Sơn thật ra không phải họ nguyễn mà là họ hồ. Điều đó càng cho thấy ý nghĩa về tộc họ thực chất cũng chỉ là tương đối.
Khi ba anh em Tây Sơn bắt đầu phất lên, khi đó họ Nguyễn Hoàng đã cai quản, ngự trị trong Nam đã lâu đời rồi, là dòng họ đang cầm quyền tại địa phương miền Nam. Bởi vậy khi Tây Sơn lên cầm quyền cả nước, dưới mắt Nguyễn Ánh, đó chỉ là bọn giặc, bọn ngụy, không phải dòng tộc chính thống. Nguyễn Ánh như vậy vì có thâm thù nhà, phất cờ chống lại triều đại Tây Sơn cũng chỉ là như thế.
Thứ nữa, điều sai lỗi nghiêm trọng của Nguyễn Ánh là cầu viện cả tới nước ngoài như nước Pháp và nước Xiêm khi đó để chống lại Tây Sơn, vì nhu cầu cá nhân và dòng tộc. Tuy vậy dòng họ Tây Sơn cũng chẳng phải là giới dân đinh thuần túy. Tây Sơn vốn là thân hào của địa phương thời đó. Và với thân thế như vậy mà Tây Sơn mới dấy lên được do hoàn cảnh lịch sử và cái nhìn về lịch sử xã hội lúc ấy cho phép họ.
Mọi người đều biết thời bây giờ là thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Đất nước bị chia đôi hai miền Nam Bắc đánh nhau suốt cả trăm năm, lấy sông Gianh làm giới hạn. Tuy thế, miền Nam lúc ấy đã có giao lưu với các hiểu biết xã hội của các nơi thông qua giới thương buôn và giới truyền giáo từ phương Tây đến. Có lẽ đó là hai yếu tố khiến cho nhà Tây Sơn thấy phải làm điều gì đó vừa có lợi cho xã hội vừa có lợi cho bản thân mình, đó chính là ý nghĩa quật khởi của họ để cuối cuối cùng đi tới được sự lên ngôi của hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ.
Nhưng cái khác với Nguyễn Ánh, thay vì quỵ lụy xin xỏ người ngoài, Nguyễn Huệ đã anh dũng chống lại quân xâm lược nhà Thanh của Trung Quốc, tiêu diệt đến hai trăm vạn quân thù, giữ vững được cương thổ quốc gia, đó chính là nét son chói lọi nhất. Tất nhiên khi đã lên ngôi vua, Nguyễn Huệ phải bảo về quyền lợi cá nhân và dòng tộc mình, thế nhưng không phải bằng kiểu đầu hàng, quy phục phương Bắc như kiểu Mạc Đăng Dung, Lê Chiêu Thống, đó mới là điều nên chú ý nhất. Tuy vậy cuối cùng, Nguyễn Ánh vẫn tiêu diệt được nhà Tây Sơn, thống nhất đất nước và lên làm vua thì ý nghĩa là thế nào ?
Thật ra, nếu chỉ mỗi mình Nguyễn Huệ hay Nguyễn Ánh cũng chẳng làm được gì. Nhưng nhờ thời cơ khách quan, nhờ hoàn cảnh xã hội lịch sử bên ngoài, nhờ tài đảm lược và thao lược mà tự họ có được, nhờ tài năng quân sự chính trị mà họ tự khai thác và vận dụng được, đó chính là những yếu tố thành công của những nhân vật đó. Bởi thế việc Nguyễn Huệ ban đầu ngược đãi dòng họ Nguyễn Ánh, rồi về sau khi đã cầm quyền, Nguyễn Ánh trả thù gia đình, dòng tộc Nguyễn Huệ cũng chỉ là việc bình thường thời quân chủ, chẳng có gì đáng nói, cho dù nó tàn ác như thế nào chăng nữa. Chuyện có vay có trả chỉ đơn giản là như thế.
Mặt khác đi đã lên cầm quyền, người đứng đầu triều đại đều có cả khối đội ngũ triều đình và dân chúng để huy động, đó là chưa nói làm gì cũng nhân danh theo luật, thứ luật pháp mà họ làm chủ và đặt ra. Có nghĩa Nguyễn Ánh đối xử tàn ác với nhà Tây Sơn khi mình đã chiến thắng, cũng không đi ra ngoài quyền lực và luật lệ của chính triều đại nhà Nguyễn lúc đó. Đó chỉ là tính cách bạo lực của lịch sử, từ khi còn chưa cầm quyền cho đến khi cầm quyền của những giai đoạn lịch sử thời xa xưa nó đều như vậy.
Nhưng duy điều đáng nói nhất, khi đã lên cầm quyền rồi, Nguyễn Huệ đã làm được nhiều điều tốt cho đất nước, và sau này chính Nguyễn Ánh cũng thế. Lịch sử không bao giờ phủ nhận những nổ lực canh tân đất nước mọi mặt dưới thời Tây Sơn Nguyễn Huệ, cũng như không thể nào phủ nhận những thanh quả huy hoàng đối với quốc gia, dân tộc dưới triều đại nhà Nguyễn Gia Long cho tới khi đất nước bị thực dân Pháp xâm chiếm. Như thế kết luận là gì, xét một triều đại là xét về sự thành hình của nó, sự diễn tiến đấu tranh của nó, cuối cùng những kết quả nó đạt được chung cho toàn xã hội khi nó đã lên nắm được quyền thế thôi.
Như thế rõ ràng định mệnh cá nhân và định mệnh xã hội là luôn gắn bó vào nhau. Không phải mọi người trong điều kiện giống như Nguyến Huệ hay Nguyễn Ánh đều có thể làm được những ý nghĩa lịch sử to tát như hai nhân vật đó. Có nghĩa ý nghĩa quần chúng hay giai cấp cũng chỉ là ý nghĩa thứ yếu trước vai trò hay đầu óc của người lãnh đạo. Họ có phải là tinh hoa hay chỉ hoàn toàn nhờ bởi định mệnh siêu hình nào đó của họ hay không. Có lẽ đều do cả hai. Bởi vì tài năng và định mệnh không phải là hai mà lại chỉ là một, có cái này tất phải có cái kia mới có thể thành công ngoạn mục được.
Cái gọi là quần chúng nhân dân hay đấu tranh giai cấp trong xã hội theo như luận điệu của Mao và của Mác đưa ra, đó không hề là khoa học lịch sử khách quan, mà chỉ là những cảm tính chủ quan, hay thậm chí cả cái nhìn ngụy biện hay xuyên tạc lịch sử đúng đắn, khách quan mà mọi người đều có thể đơn giản và dễ dàng nhìn thấy được. Có nghĩa lịch sử tự nó là khách quan, và nghiên cứu mọi khía cạnh khách quan đó một cách đầy đủ, trọn vẹn và bao quát nhất, đó chính là khoa học. Điều này cũng hoàn toàn khác với mọi loại truyền thuyết hay giả sử, khác với mọi loại văn chương hay văn học hóa lịch sử, nó chỉ là những trò giải trí mà chẳng có gì là đích thực hay hoàn toàn đáng tin cả. Nó nhiều khi cũng hoàn toàn tồi tệ chẳng khác mọi loại tuyền truyền chính trị chuốt lục tô hồng cho một thời đại nào đó cuối cùng rồi cũng qua đi mà còn để lại bao hậu quả đáng cười cho tương lai hậu thế.
ĐẠI NGÀN
(28/5/16)
______________
BẦU CỬ DÂN CHỦ VÀ BẦU CỬ PHI DÂN CHỦ
Bầu cử dân chủ phải thể hiện ngay từ đầu khi ứng cử và tranh cử, không phải chỉ khi thực hành bỏ phiếu và kết thúc bầu cử. Dùng danh nghĩa hiệp thương và lấy ý kiến dân khu vực như là cách loại bỏ những người không được ưa ngay từ đầu, đó không phải dân chủ.
Ngay như cách phát biểu về nội dung của một số ứng cử viên trong tranh cử ban đầu cũng cho thấy được ý nghĩa dân chủ hay không dân chủ là như thế nào rồi. Phát biểu nói theo một chiều, mang tính cách cò mồi, cho thấy ý thưc dân chủ hoàn toàn không có của họ, thế thì còn triển vọng gì là dân chủ nữa. Nên chỉ qua tính cách tổ chức của cuộc bầu cử, tính cách phát ngôn của người ra ứng cử, cũng cho thấy trước nhất tính cách, ý nghĩa và giá trị của sự bầu cử đó ra sao, không thể nào che giấu được.
Cuối cùng, nếu xảy ra tệ trạng tráo kết quả dân bầu, chữa lại biên bản kiểm phiếu để làm ra những kết quả giả chính thức, đó không những thấp kém, gian dối xấu xa, mà còn là phạm pháp nghiêm trọng nữa. Đây là lỗi phạm pháp và những người nào trực tiếp làm điều phạm pháp đó phải bị nghiêm trị mới là luật pháp có ý nghĩa và giá trị. Nhưng người là ra những sự xấu xa, nếu không có hệ thống chỉ đạo nào đó đối với họ, dễ nào họ dám làm được. Vậy thì khâu chỉ đạo đầu tiên đó nằm tại đâu mới là điều đáng nói nhất, cũng như có ai chịu trách nhiệm cuối cùng việc này hay không mới là điều ý nghĩa nhất.
Vậy nên người ta kết luận được rằng ý nghĩa của tự do dân chủ thật sự là ý nghĩa của khách quan, của đạo đức, của khoa học, của pháp luật mà không gì khác. Hiểu được vế đầu là hiểu được ý nghĩa sâu sắc của tự do dân chủ nếu không thì ngược lại. Làm sai vế sau chỉ là không hiểu vế đầu mà không gì khác.
Nói cho cùng trình độ dân trí chính là điều quyết định nhất. Trình độ dân trí không phải chỉ hiểu nơi ý nghĩa hiểu biết của người dân mà quan trọng nhất là ở mọi thành phần nắm quyền hay lãnh đạo các cấp. Nếu mọi cấp này mà trình độ dân trí như nói trên đều không có, nó chỉ tạo nên một hệ thống dọc dài hoàn toàn yếu kém về trình độ dân trí mọi mặt thì xã hội, đất nước làm sao phát triển, đi lên, tiến hóa được. Bởi vậy chỉ qua những cái nhỏ nhặt người ta có thể suy ra được những cái lớn hơn, đó là một thực tế. Những thực tế xấu thì không nên hay không thể tồn tại dài lâu.
Nếu ngược lại mọi cái xấu vẫn cứ để tiếp tục tồn tại dài lâu, đó là lỗi của toàn dân, toàn xã hội mà không phải ai khác. Người mình nói trăm tay vỗ nên bộp cũng chính là ý nghĩa như thế. Nếu không ai chịu vỗ cho dù bất kỳ lý do nào, đó chỉ là một xã hội phi xã hội hay một xã hội phi dân trí chính là như thế.
NGÀN KHƠI
(27/5/16)
____________
CHÍNH TRỊ VÀ KINH TẾ
Điều mà xã hội và mỗi người mong muốn trước tiên, đó là ý nghĩa kinh tế mà không hẳn là ý nghĩa chính trị. Thế nhưng khốn nỗi, chính chính trị làm ảnh hưởng kinh tế, nên thực tế mọi người trở thành đâm ra quan tâm tới chính trị trước nhất, chính là điều như thế.
Bởi thực chất, chính trị không tạo ra đồng tiền bát gạo nào cho người dân mà chỉ kinh tế mới làm được điều ấy. Chính trị theo nghĩa cầm quyền chính, chỉ thuần lấy thuế đóng của dân, tức sử dụng ngân sách đất nước để làm những việc có khi tự mình thấy bổ ích cho đất nước, cho nhân dân mà thật tình chỉ có hại cho đất nước và xã hội.
Như vậy điều quan trọng của chính trị là ý nghĩa, giá trị, hay mục đích của nó, nhưng không phải chỉ chính trị là chính trị thuần túy. Có nghĩa chính trị phải luôn gắn với kinh tế và văn hóa, xã hội. Tính hiệu quả hay giá trị của chính trị cũng chỉ là ở đây mà không ở đâu khác. Tức nếu ngược lại, đó không phải chính trị lành mạnh hay chính trị cần có, mà chỉ là điều phi lý, cần sửa đổi, hay cần loại bỏ.
Tất nhiên khi Tổng Thống Obama sang thăm Việt Nam, tuyên bố sự bình thường hóa giữa hai bên, điều trước tiên thấy rõ ràng đó là cái lợi của tập đoàn tư bản Mỹ cũng như là tập đoàn tư sản Việt Nam mà cụ thể là Boeing bán được hàng trăm máy bay và Vietjet cũng có thể mua để sử dụng. Các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội khác thì khỏi cần phải nói.
Có nghĩa trên cương vị Tổng Thống Mỹ, ông Obama không thể không nghĩ đến quyền lợi của nước Mỹ về mọi mặt trước nhất. Thế nhưng biết mình biết người cũng là điều khôn ngoan đầu tiên hết, và nước Mỹ cũng như mọi Tổng Thống của họ không bao giờ không biết điều đó. Đó là điều khiến nước Mỹ hay được cảm tình nhiều với thế giới, mà trong đó mỹ cảm của nhiều người Việt Nam đối với riêng ông Obama chỉ là cách thể hiện. Nó khác với tính cách vừa ăn cướp vừa la làng của một số nước lớn khác.
Trở lại vấn đề, khi tập đàn tư bản Mỹ Boeing được lợi, cũng có nghĩa toàn thể nhân dân và xã hội Mỹ được lợi. Bởi vì không bất cứ lợi nhuận nào ở đâu chỉ ỳ lại một chỗ mà nó sẽ phải được trang trải ra cho toàn dân tất cả. Không thể bắt mọi tập đoàn tư nhân phải làm chính trị, vì nhiệm vụ và mục đích của họ chỉ là kinh tế. Chính trị luôn là phần của nhà nước. Mọi chính sách chung của nhà nước về phúc lợi xã hội, về phát triển kinh tế, về điều hòa thu nhập xã hội, nhà nước đó có làm được hay không, đó mới chính là ý nghĩa và giá trị của nhà nước đó mà không phải của ai khác.
Nói rộng ra hơn, chính trị không phải chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn ảnh hưởng cả đến văn hóa, xã hội nói chung, trong đó có tự do dân chủ, nhân quyền, tôn giáo. Có điều nếu có tự do dân chủ thì có tất cả còn không thì ngược lại. Tự do dân chủ như vậy là chỗ đầu mối mà không là gì khác. Sở dĩ có người dị ứng, hay bài xích, tiêu diệt tự do dân chủ, vì người ta tin chắc vào một ý thức hệ tức lý thuyết chủ nghĩa vu vơ nào đó, hay tin tưởng rằng chỉ độc tài mới có khả năng giải quyết được nhiều vấn đề của những xã hội lạc hậu, thấp kém. Nhưng hiểu như thế là sai lầm.
Bởi tự do dân chủ không phải là thị hiếu suông, nhưng là nguyên lý khoa học khách quan của đời sống xã hội. Nên mọi cái gì ngược lại tự do dân chủ chân thực đều ngược lại khoa học khách quan. à ngược lại khoa học khách quan thì không bao giờ kết quả hay thành công mà còn tạo ra bao nhiêu hệ lụy đi kèm theo đó. Có nghĩa mọi độc tài ý thức hệ hay độc tài duy theo quan điểm cá nhân thuần túy đều là sai trái, đều nhân văn, phản xã hội, phản khoa học, phản thực tiển, không bao giờ là điều gì tốt đẹp để có thể tán thưởng hay chấp nhận được. Nó chỉ là những thứ ngụy biện, lừa bịp, ngu dốt, làm thiệt hại cho mọi xã hội thế thôi.
Cuối cùng tôn giáo cũng thế. Tôn giáo là khát khao chân chính của một số người trong xã hội, đó là những khát khao siêu hình, những niềm tin siêu nhiên, những tâm thức sâu lắng nào đó mà mọi người khác đều không thể phủ nhận được. Phi bác tôn giáo cũng chỉ là sự độc tài độc đoán hạn hẹp, nó cũng chẳng khác gì sự cuồng si tôn giáo theo kiểu thấp kém và mê tín. Chính bởi thế không thể nhập nhòa giữa tôn giáo và chính trị, tức tôn giáo lợi dụng chính trị hay chính trị lợi dụng tôn giáo. Cả hai cái đó thực chất đều mị dân, đều chỉ muốn lợi dụng để mưu lợi cho riêng mình mà không hề vì chính trị chân chính hay vì tôn giáo chân chính nào đó cả.
Như thế kết luận lại, kinh tế và chính trị luôn là ý nghĩa bao quát nhất. Mặc dầu cái bao quát của chính trị chỉ là một bộ phận của cái bao quát trong kinh tế, nhưng ngặt nỗi, chính trị luôn luôn là quyền lực, quyền lực của cá nhân và quyền lực của xã hội, nên khiến cho chính trị dường như lấn át, bao trùm lên kinh tế dầu thực chất ý nghĩa không bao giờ là vậy. Bởi thế chỉ nhìn vào chính trị thì biết kinh tế ở đó ra sao, ngược lại chỉ nhìn vào kinh tế cũng biết được chính trị ở đó như thế nào, đó chi là điều dễ hiểu nhất. Mà kinh tế phát triển luôn phải trên thị trường cạnh tranh tự do nhưng lành mạnh, đó cũng là nguyên tắc để xã hội phát triển, kinh tế phát triển, văn hóa phát triển, chính trị phát triển. Chính điển hình của xã hội Mỹ là như thế. Đó là nguyên lý, không phải những cái râu ria.
Mọi nguyên tắc hay nguyên lý khoa học mới giải quyết được mọi cái râu ria theo thời gian lịch sử mà không bao giờ ngược lại. Theo nguyên lý khoa học cốt lõi, đó là sự sáng suốt, thông minh còn không thì ngược lại. Bởi suy nghĩ theo nguyên lý khoa học luôn là sự suy nghĩ lý tính còn suy nghĩ theo râu ria chỉ là những suy nghĩ theo cảm tính. Ngày nay mọi thực tế trên thế giới đều cho thấy con đường khoa học và lý tính là con đường khách quan và nhân văn, văn hóa, hay con đường nhân đạo. Ngược lại mọi con đường độc tài độc đoán phản tự do dân chủ theo kiểu mê tín ý thức hệ hay chuyên đoán cá nhân đều chỉ là những con đưởng lỗi phạm và tội ác vì chỉ biết nương theo những cảm tinh tầm thường thấp kém hay nương theo mọi mục tiêu thiển cận và giả đối đi ngược lại mọi thực chất xã hội nhân văn và nhân bản cũng như mọi ý nghĩa khách quan khoa học.
THƯỢNG NGÀN
(27/5/16)
Đăng ngày 30 tháng 05.2016