banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Từ xã hội "người bóc lột người"

đến xã hội "người ăn thịt người"


Ts Võ Hưng Thanh

Xã hội con người từ thiên nhiên mà ra, từ thiên nhiên đi lên, nền văn minh văn hóa phát triển qua hàng nhiều ngàn năm mới tới được xã hội hiện đại ngày nay, nhưng những bản năng cơ bản từ thiên nhiên cũng không bao giờ mất được. Sự phát triển như vậy luôn luôn là sự phát triển tiệm tiến, nền tảng sau được xây dựng từ trên nền tảng trước, không thể gián đoạn, không thể tách rời, mọi sự thống nhất và mọi sự liên tục của lịch sử là thế, không bao giờ có thể xóa bài làm lại một cách hoàn hảo, mọi cuộc cách mạng đều chỉ là là chừng mực, không bao giờ có thể quay lại được từ đầu và đi lên lại từ đầu, bởi như thế chỉ là phá hoại, hay mở lối quay về lại thiên nhiên theo kiểu hủy hoại.

Bởi cá nhân con người được phát triển trong lịch sử, trong xã hội, nhưng vòng đời mỗi cá thể vẫn luôn hạn chế, nên nguyên tắc giáo dục, nguyên tắc học tập là không thể thiếu. Đó là sự kết hợp giữa cái gián đoạn và cái liên tục, đó cũng là cái bảo đảm duy trì để xã hội tiến tới. Có nghĩa mỗi giai đoạn mới đột biến nào đó mang tính khách quan đều phải có thời điểm sơ khai nào đó để tiến dần lên, để cũng cố thêm, để hoàn thiện hơn về sau, và bất kỳ khía cạnh mặt nào của lịch sử xã hội vẫn thế.

Như giai cấp công nhân công nghiệp xuất hiện lần đầu tiên ở số nước công nghệ phát triển ở châu Âu vào đầu thế kỷ 19, thật sự chỉ là bước khởi đầu do nền công kỹ nghệ cơ khí ra đời và phát triển lúc đó. Trước đó, trong xã hội quân chủ phong kiến điều này chưa hề có, chỉ nhiều lắm mới có thợ thủ công trong các xưởng chế tạo nhỏ. Những công nhân đó có nguồn gốc xuất phát của nó cũng từ các thợ thủ công này hay cả từ những nông dân hiện có lúc đó mà ra, và mọi cái gì lúc đầu thì còn hoàn toàn khó khăn, eo hẹp mọi mặt, đó là tình cảnh giới công nhân chủ yếu trong ngành công nghiệp dệt mới phôi thai lúc đó mà những nhà kinh tế xã hội khi ấy nói chung đã từng mô tả.

Cái nghèo của công nhân ở thời buổi ban sơ đó khách quan chỉ là sự tự nhiên. Bởi người công nhân không có vốn liếng, không có năng lực kinh doanh, không có khả năng quản lý, nên công việc đi làm lao động thuê đơn giản để kiếm sống, là điều phù hợp nhất cho họ lúc đó, không thể đòi hỏi chi hơn và cũng không cách nào hơn. Giới chủ hay các nhà tư bản ban đầu lúc đó cũng thế, nhờ huy động được vốn liếng để đầu tư sản xuất trong một ngành nghề nào đó, cũng phải có năng lực phù hợp, phải biết làm kinh tế, phải biết tính toán, vì nếu tính không khéo cũng không thành công được trong cạnh tranh trong thương trường, tất phải bị phá sản và đào thải. Đó cũng là lý do xí nghiệp càng phát triển thì lại càng mở rộng, thuê mướn công nhân nhiều hơn, sản phẩm cũng phát triển và phong phú hơn. Tài kinh doanh và chất xám bỏ ra của giới doanh thương dĩ nhiên cũng không phủ nhận được, và mọi hàng hóa họ tạo ra cuối cùng vẫn đi vào chung trong xã hội qua thị trường mọi loại, họ không thể giữ riêng cho họ vì nguyên tắc lợi nhuận nhằm tái đầu tư, nhằm đầu tư mở rộng vốn là các nguyên tắc trong quy luật kinh tế. Nói cho cùng cả giới công nhân và cả giới tư bản đều thực tế cũng trở thành những công cụ sản xuất chung cho toàn xã hội, nhưng điều kiện và hưởng dụng có khác nhau vì đặc trưng và hoàn cảnh mỗi giới đều khác nhau. Không thể bảo công nhân phải cư xử như giới tư bản cũng như ngược lại, nhưng lúc đó nền tư bản còn phôi thai nên lúc đầu sự hình thành nên các tổ chức công đoàn bảo vệ những quyền lợi chính đáng của công nhân là hoàn toàn chưa có hay còn yếu, chỉ có thả nổi theo thị trường lao động, do đó công xá cũng hoàn toàn bấp bênh, có nhiều cái bất công và không hợp lý. Điều đó khi xã hội phát triển đi lên nó cũng dần dần được cải thiện đi, và ngày nay đời sống của các công nhân đều được cải thiện nơi các nước giàu có, nhờ các chính sách xã hội và nhờ các quy định của pháp luật mà nhà nước càng ngày càng ý thức và can thiệp hiệu quả vào. Nói chung giai cấp công nhân và giai cấp công nhân là hai giai cấp lao động nền tảng không bao giờ thiếu trong xã hội. vì công nghiệp và nông nghiệp luôn luôn là hai hoạt động chính hàng đầu cho sự tồn tại và phát triển của nhân loại. Do đó nếu chỉ nhìn lệch lạc, phiến diện hoặc thậm chí xuyên tạc về giai cấp, chẳng như không có lợi cho ai cả, không có lợi cho xã hội, vì nó trái với quy luật và ý nghĩa khách quan của thực tế.

Nhưng học thuyết Các Mác khi đó thì lại khác. Ông ta là người có khuynh hướng cộng sản ngay từ đầu, một người hoạt động cộng sản khi ấy, nằm trong tổ chức đầu tiên của những người cộng sản, nên ông chỉ nhìn giới công nhân như giới bị bóc lột, giới chủ tư bản như giới bóc lột, từ đó ông cũng xướng xuất lên lý thuyết và quan điểm đấu tranh giai cấp, mà theo ông đó là công cụ vận dụng lật đổ xã hội tư sản để đi đến xã hội cộng sản không còn giai cấp mà ông quan niệm. Thật ra Mác cũng không thấy có cơ sở khoa học hay khách quan nào để chủ trương và thực hiện được điều đó, nên ông mượn quan điểm triết học biện chứng luận của Hegel, cho rằng theo nguyên lý phủ định của phủ định, tất vô sản phải phủ định tư sản, và kết quả phải là xã hội vô sản trong tương lai mà ông mong muốn.

Nhưng Mác quên rằng quan điểm gọi là biện chứng luận của Hegel lại chỉ là một ý nghĩa duy tâm trong triết học, nó cũng chưa có gì cụ thể và khách quan, chắc chắn, mà chỉ là quan điểm nhận thức riêng của nhà triết học duy tâm Hegel, tất nhiên nó có thể có những khía cạnh hạn hẹp hay không chuẩn xác của nó. Thế nhưng Mác lại là nhà duy vật, lại đem áp dụng vào cho kinh tế xã hội và lịch sử cụ thể, quả là sự bốc đồng, vô nguyên tắc, chủ quan hoặc cường điệu, bất chấp tính cẩn trọng và chân lý trong ý nghĩa và giá trị khoa học. Sự phê phán biện chứng luận của Hegel có lẽ tôi sẽ dành riêng cho một bài viết khác, còn ở đây chỉ đề cập sơ qua sự hời hợt, bốc đồng và cẩu thả của Mác về mặt khoa học, mặt phương pháp luận, và mặt nhận thức thế thôi.

1/ Thế nào là xã hội “người bóc lột người”.

Mác nói rằng người công nhân làm bao nhiêu cũng đều biến thành giá trị thặng dư trong lao động để gom vào trong tay người chủ cả. Mác đưa ra cả những con tính cụ thể theo kiểu sơ đẳng trong kinh tế vi mô để cho rằng điều đó hoàn toàn chính xác, nên đấu tranh giai cấp của giai cấp công nhân nhằm loại bỏ giới chủ, tiêu diệt giới chủ là hoàn toàn tất yếu. Mác không hề nhìn vào những ý nghĩa, những nguyên tắc của kinh tế vĩ mô như đã nói mà chỉ khư khư bảo có tư sản là có bóc lột, và chỉ đi đến xã hội vô sản mới chấm dứt bóc lột. Đó là ý nghĩa của khái niệm “xã hội người bóc lột người” mà Mác đã làm say đắm bao nhiêu thế hệ cộng sản và cho mãi đến ngày nay vẫn còn nhiều người chưa thoát ly được ý tưởng ma mánh và hàm hồ về mặt nhận thức đó của Mác.

Thật ra mọi xã hội sinh vật đều có nguyên lý đấu tranh nhưng đó không phải là ý nghĩa duy nhất. Ngoài đấu tranh còn có sự hợp tác, sự cộng tồn, đó là quy luật môi trường phổ biến nhất. Và đấu tranh chủ yếu vẫn là đấu tranh giữa những cá thể, không khái quát hóa được thành giai cấp như Mác đã làm. Vả chăng xã hội loài người khác xã hội loài vật là còn có truyền thống, có văn hóa, có pháp luật, có ý thức xã hội và ý thức đạo đức giữa bao nhiêu những thứ khác nữa. Mác bất chấp mọi nguyên tắc văn minh của nhân loại mà chỉ nhìn đơn thuần thành nguyên lý vật thể thuần túy, coi bóc lột giữa người với người, nhất là trong xí nghiệp nhà máy là điều tất yếu, là điều nhất thiết phải bị loại bỏ bằng mọi cách.

Thức tế, mối quan hệ giữa người và người trong xã hội luôn được xây dựng trên cơ sở đồng luận, có nghĩa điều đó bảo đảm ý chí tự do cho mỗi bên, và cũng trên những quy định của pháp luật liên hệ. Mọi sự công bằng tương đối của xã hội chính là ở đó. Bởi xã hội luôn luôn là một thực thể động, không bao giờ tĩnh, nên áp lực chung của xã hội trên mọi cá nhân cũng như áp lực của không khí đồng đều lên mọi phương diện của các vật có mặt trong nó, hay lên thành bình chứa mà trong vật lý học ai cũng rõ. Nó cũng chẳng khác nguyên tắc bình thông nhau, dù hình thể của các vật chứa khác nhau thế nào, nhưng khi liên thông thì mức chất lỏng của mỗi vật đều ngang đều nhau. Bởi vậy mọi giá cả dịch vụ nói chung đều tuân theo những quy luật riêng của chúng, khó biết khi hai cá nhân giao dịch phần thặng dư chính xác là nghiêng về bên nào. Đó chỉ tùy trường hợp hay điều kiện, hoàn cảnh cụ thể mà không có nguyên tắc nào cứng nhắc cả. Đấy đặc điểm tính công bằng của xã hội là như thế, đó là công bằng động mà không bao giờ là công bằng tĩnh. Không phải chỉ nhất thời tướt đoạt phi lý của người này đem phân chia cho những người khác là giải quyết được sự công bằng. Bởi vì mọi sự rồi cũng đều tái diễn trở lại y như cũ. Do đó những sự tàn ác trong cải cách ruộng đất hay trong cải tạo công thương nghiệp mà những nước cộng sản thường hay làm, cuối cùng cũng chỉ gây sự thiệt hại và sự đau xót chung trong xã hội mà không ra ngô khoai nào cả. Bởi vì tài sản trong xã hội đối với mỗi cá nhân chỉ có tính cách công cụ đáp ứng nhu cầu của cá nhân mà không hề bao giờ là mục đích tối hậu. Mác dường như đã nhầm lẫn hay đánh tráo tính phương tiện và tính mục đích của tài sản. Nên tài sản của xã hội luôn luôn phải làm ra mới, không phải chỉ phân chia một lần là ổn cả. Vì nhu cầu của cá nhân là vô hạn và số lượng con người thì luôn là một biến số, bởi vậy ý niệm cộng sản làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu trong xã hội tương lai chỉ là sự phỉnh gạt không thực tế, mà nhiều người ảo tưởng chỉ vì tâm lý ích kỷ, lười biếng, không làm vẫn được hưởng. Mặt khác, ý niệm giá trị lao động, ý nghĩa lao động của Mác phần lớn đều mang tính cách không tưởng, ấu trĩ, kiểu trường ốc, giáo khoa thư mà ở đây không cần đi sâu phân tích vì ngày nay chúng hầu hết đã bị lỗi thời. Nên điều quan trọng nhất trong Mác là hiểu sai lầm và nông nỗi ý nghĩa của tư hữu. Thật ra ý nghĩa của tư hữu vẫn gắn liền với ý nghĩa công năng của tài sản về mọi khía cạnh, mọi phương diện. Do đó ngay như nơi loài vật cũng còn có tâm lý tư hữu huống gì là nơi con người.

Cho nên quan điểm của Mác bảo tư hữu là nguồn gốc của bóc lột, của giai cấp, của đấu tranh giai cấp đều hoàn toàn mơ hồ và giả tạo, cũng như cho rằng để xóa bỏ mọi cái đó phải đi đến xã hội vô sản, triệt bỏ mọi tư hữu, chỉ còn công hữu thuần túy là sự ngu dốt, sự điên khùng và sự ảo tưởng. Bởi lịch sử một khi qua rồi thì không bao giờ tái diễn lại nữa. Thuở hồng hoang, con người ở trong trạng thái hoang dã, lúc đó chưa có tư hữu nhưng không mang ý nghĩa là xã hội cộng sản nguyên thủy như Mác phịa đặt. Bởi khái niệm tư hữu là khái niệm về sau, khi đã có ý niệm tài sản. Lúc ban đầu chỉ là thiên nhiên, chưa phát xuất ý nghĩa tài sản riêng, lấy đâu là quan niệm cộng sản nguyên thủy. Vả chăng nếu từ hoang dã để đi đến có tư hữu phải có nguyên nhân nào sâu xa của nó, đó là sự tiến hóa theo yêu cầu tự nhiên nào đó của xã hội, Mác muốn thụt lùi lại giai đoạn trước của lịch sử chỉ là sự ngu dốt và phản động. Cho nên nếu xã hội vô sản hay cộng sản tương lai một khi đã bị cưỡng chế đi tới được, chắc gì nó sẽ ổn định dài lâu và tồn tại mãi mà không quay sang tư hữu như quy luật ban đầu đã diễn ra ngay từ đầu của lịch sử. Sự ngu dốt trong quan điểm lịch sử của Mác quả là thậm tệ. Mọi sự tưởng tượng của Mác đều chỉ điên rồ vì do mê muội vào quan điểm biện chứng luận mù mờ, mơ hồ của Hegel mà không gì khác. Quả là tư duy sai lầm của một cá nhân mà đã dẫn đến bao nhiêu tai hại cho xã hội và lịch sử là như thế. Nên thực chất lý thuyết của Mác chỉ phỉnh gạt được những người kém nhận thức hay chỉ nhằm lợi dụng nó để thủ lợi riêng mà bất chấp sự thật, bất chấp ý nghĩa chân lý chung vậy thôi. Nên từ quan điểm kinh tế sai lầm, xã hội sai lầm, lịch sử sai lầm, Mác đã đưa lại cả tư tưởng chính trị sai lầm là điều không thể tránh. Mác cho rằng chính trị hay mọi cơ cấu tổ chức xã hội, kể cả luật pháp đều thuộc thượng tầng kiến trúc, đều phản ảnh hạ tầng cơ sở, nên nhà nước và luật pháp nói chung vẫn chỉ là công cụ của giai cấp thống trị, bóc lột, bởi vậy trong tương lai cũng sẽ không còn nhà nước không còn pháp luật. Mác không hiểu pháp luật cơ bản là ý nghĩa xã hội mà không phải duy nhất chỉ là ý nghĩa chính trị. Do đó tính cách của Mác là tính cách của quan điểm vô chính phủ, là ý nghĩa hoàn toàn phi thực tế, ngốc nghếch và cũng hoàn toàn nguy hiểm. Từ đó Mác cũng cho rằng giai cấp công nhân vô sản là giai cấp tiên tiến nhất trong phát triển lịch sử xã hội, như vậy nó cũng có sứ mạng giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội. Chính sự đề cao giai cấp kiểu mê tín, huyễn hoặc này của Mác cũng đã thu hút được nhiều người dốt nát và biến xã hội trở thành một khái niệm rỗng, đầy huyền hoặc và tưởng tượng.

Thật thì chính sự phát triển của khoa học kỹ thuật ngay từ bước sơ khai nhất lúc ban đầu đã là động lực để lịch sử phát triển mà không phải đấu tranh giai cấp như Mác ngu dốt tưởng tượng. Chính sự phát hiện ra lửa, sự chế tác được những công cụ bằng đá, sự khám phá ra kim loại, rồi chế tạo ra các máy móc khác nhau, dần dần làm con người văn minh, giải phóng được sức lao động, làm xã hội phát triển mọi mặt, trong đó có tinh thần, văn hóa mãi tới ngày nay. Còn đấu tranh giai cấp thực chất chỉ là sự giành giật quyền lợi lẫn nhau, có bao giờ làm gì mà phát triển lên được, thật là sự thơ ngây và sự khờ khạo hay quỷ biện của Mác. Ngày nay con người vượt ra ngoài không gian được, đó là nhờ khả năng vô hạn của khoa học kỹ thuật, của trí tuệ con người, đâu phải nhờ đấu tranh giai cấp. Nên Mác phán câu xanh rờn trong Tuyên ngôn cộng sản xã hội loài người từ trước nay chỉ là xã hội đấu tranh giai cấp thì thật là sự huyễn hoặc, xạo xự không tiền khoáng hậu. Cũng từ đó Mác cho rằng phải chuyên chính vô sản để triệt tiêu tư bản, xóa bỏ tư hữu như giai đoạn thời kỳ quá độ để đi đến xã hội cộng sản. Mác không biết hay không thèm biết giai cấp công nhân thực tế đâu phải tinh hoa nhất trong mọi giai cấp, nó chứa trong lòng nó bao nhiêu sự tiêu cực do hoàn cảnh cơ cực lúc ban đầu tạo nên, vả chăng chưa chắc nó đã thành người nắm quyền mà có bao kẻ sẽ nhân danh, lợi dụng nó. Như vậy một khi đã chuyên chính, chẳng khác gì cầm tù toàn thể nhân loại, còn bao giờ nó nhả ra, thả ra cho tự do dân chủ được nữa. Đó là sự ngu dốt hết mực của Mác, phủ nhận cả nhân loại chỉ vì sự rồ dại và sự ngu xuẩn của mình. Mác còn nói những quan điểm nào trái với Mác đều là tư sản, đều là phản động. Sự cả vú lấp miệng em, thái độ chuyên đoán thái thậm như vậy của Mác thật phi trí thức, phi nhân văn, chủ quan và ngu muội không thể nào bằng. Đấy quả từ quan điểm hiểu sai trái, phiến diện, thiển cận, phi lý “xã hội người bóc lột người” Mác đã đi đến một quan điểm cũng tai hại không kém là vinh danh, hi vọng ở xã hội “người ăn thịt người” trong thực tế mà vô hình chung Mác chưa hề lường tới được, đó là chuyên chính vô sản mà Mác tưởng bở và lạc quan vô lối, phản nhân văn, phản xã hội chỉ vì ngu ngốc.

2/ Xã hội “người ăn thịt người”.

Mỗi cá nhân đều có bản năng hoang dã vẫn thường xuyên tồn tại trong người. Chỉ nhờ có giáo dục, có luật pháp mới cải thiện, khống chế, đè nén, chế ngự nó mà không là gì khác. Đó là lý do tại sao người càng được giáo dục thì tương đối càng xa bản năng hơn, trái lại với người càng ít học thì càng tương đối gần bản năng hơn. Vậy mà Mác phịa bừa giai cấp vô sản là giai cấp tương đối ít học nhất lại tuyệt đối là giai cấp thần thánh nhất, giai cấp có sứ mạng cao cả nhất để nắm vai trò cùng ý nghĩa độc tài chuyên chính. Thật cái ngu tột cùng, sự mê sảng tột cùng không thể nào nói được. Bởi chính trong xã hội vẫn tiềm ẩn đầy bản năng như thế mà loài người phát triển mới tìm ra giải pháp là quyền tự do dân chủ của mỗi công dân trong một nhà nước để chế ngự lại phần nào bản năng bột phát nếu có dịp của con người. Tự do dân chủ có nghĩa là quyền bình đẳng, quyền hóa giải hay chế ngự mặt tiêu cực nhau một cách hiệu quả. Thế mà Mác ngang bướng cho đó chỉ là dân chủ tự do kiểu tư sản, và chỉ có độc tài vô sản mới hợp lý nhất, mới cần thiết nhất. Một số người cũng non dạ tin rằng để tự do xã hội sẽ loạn, chỉ có độc tài độc đoán mới tạo sự thống nhất, mới tạo nên sức mạnh tập thể và kết quả tập thể. Đó chỉ là quan điểm kiểu trại lính, kiểu phát xít. Bởi mọi sự thành công nếu giả dụ có được đó thực chất chỉ là sự vật hóa con người, biến xã hội thành một guồng máy vô hồn, có khi phi nhân và hoàn toàn phi nhân bản. Chính tư tưởng ngu dốt và tư tưởng phản nhân văn của Mác phỉnh được nhiều người kém nhận thức, thiển cận, hạn hẹp là điều đã được từng thấy. Thực chất thời quân chủ phong kiến kéo dài cả ngàn năm trong lịch sử nhân loại chỉ thực tế là một xã hội trì trệ mà không gì khác. Sức mạnh mù quáng trong các chế độ quốc xã và phát xít trước đây cũng hoàn toàn nguy hiểm và tai hại không kém. Ngay những nước độc tài vô sản trong thực tế đều lạc hậu, trì trệ mọi mặt hơn các nước tự do khác, đó là lý do tại sao Liên bang xô viết và khối Đông Âu đã hoàn toàn sụp đổ và tan rã cho dầu nó kéo dài cả hơn bảy thập kỷ. Trong xã hội đó chỉ có mội thiểu số ít ỏi cầm quyền, nhân danh đủ thứ, dùng mọi phương tiện có thể dùng được hiệu quả, bất chấp toàn xã hội, chỉ để nhằm củng cố, duy trì quyền hành sao cho có lợi ích của riêng mình. Mọi quyền tự do dân chủ chính đáng của con người và xã hội con người đều bị dẫm đạp lên không thương tiếc, dưới ngụy danh là dân chủ tập trung, dân chủ nhân dân, dân chủ tập thể mà thực chất chỉ có thiểu số cầm quyền cao nhất là khống chế. Tổng bí thư đảng cộng sản Liên Xô trước kia hầu như là vị đại hoàng đế trong toàn khối, các Tổng bí thư những nước nhỏ hơn đều thành những loại chư hầu chẳng khác gì trong thời phong kiến xa xưa nhất. Ngay như quyền tự do báo chí là quyền thứ tư thiết yếu trong bốn quyền tự do cơ bản của nhân loại cũng bị xâm hại, chỉ tập trung vào trong tay đảng cầm quyền duy nhất. Mọi tự do bầu cử ứng cử đều hoàn toàn không có, trở thành nguyên tắc vừa thành văn trong hiến pháp vừa bất thành văn như thói quen trong xã hội là đảng chọn dân bầu. Người dân trở thành bung xung để hứng chịu hết cả mà hoàn toàn không có thực chất gì ráo trọi. Nên cái goi là nhân dân, thực chất chỉ là nhân danh dân không hơn không kém. Từ đó mọi người phải thúc thủ mà sống, phải tự đạp lên nhau mà sống, chỉ có sự hân hoan giả tạo, hạnh phúc và sự bằng lòng giả tạo. Thực tế đó chẳng khác gì một bầy trùn bỏ vào trong ống kín, kết quả như thể nó không tự ăn thịt nhau để tồn tại thì là gì. Mà nói chung lại, thiểu số cầm quyền đâu hẳn là thiểu số tinh hoa, tài năng nhất trong xã hội, đó chỉ là theo nguyên tắc lâu năm lên lão, hay nhiều công trạng lâu ngày khống chế được toàn xã hội thì lên chức lên quyền, nên kinh tế phải luôn thất bại vì không có sáng kiến, vì quản lý sai nguyên tắc kinh tế khách quan, vì cốt hành chánh hóa cứng nhắc, một chiều và phản hiệu quả toàn xã hội, tức là làm nghèo đi toàn xã hội, đó nếu không phải là một hình thức ăn thịt người thì là gì. Bởi kinh tế ốm teo đi, xã hội ốm teo đi mọi mặt, mõi mòn đi mọi mặt, không còn phát triển tự do mà chỉ héo hon thêm cho thiểu số được lợi, cho các nhóm lợi ích được béo bỡ, đó không phải là bị ăn thịt chung và các nhóm mạnh ăn thịt các nhóm yếu thì còn là gì nữa. Còn hơn thế, con người không phải thuần túy chỉ là sinh học mà còn mọi giá trị tinh thần khác nhau. Nếu toàn thể chỉ bị ý thức hệ một chiều kiểu mác xít chi phối, chỉ huy, cấm cản duy nhất, mọi hoạt động tự do chính đáng của xã hội đều bị hi sinh hay tiêu diệt, mọi người chỉ còn là công cụ duy nhất cho chính trị một chiều, độc đoán, mọi con người văn hóa, văn minh tự do chính đáng đều không còn nữa, mọi khía cạnh văn hóa, ý thức, tư tưởng tự do đều không còn nữa, đó thực chất không phải xã hội người ăn thịt người thì còn nói chi nữa. Ai cũng nhớ trong thời kỳ bao cấp trước kia ở mọi nước cộng sản đều toàn như thế, con người nghèo nàn từ thể xác đến tinh thần về mọi phương diện, chỉ nói theo một chiều, tuân theo một chiều, khác gì kiểu gia cầm công nghiệp được nuôi nhốt, thậm chí không xứng đáng là nhân cách con người hồn nhiên, cương trực và tự do nữa, thì đó không phải kiểu xã hội ăn thịt con người thì còn nói theo cách chi khác. Tất nhiên trong thực tế thì không ai được quyền nói lên điều đó, vì luật pháp của thiểu số thiết đặt đã cấm đoán tất cả, nói ra là bị chế tài, bị phạm pháp, cuối cùng toàn xã hội đều bị câm miệng, giống như chỉ còn phần xác mà không còn phần hồn, như vậy không phải phần còn người đã bị ăn thịt mất hết, chỉ còn lại phần sinh vật thuần túy hay sao, và cũng là một dạng con người ăn thịt con người mà còn gì khác. Thay vào đó người ta còn dùng mọi phương thức tuyên truyền sai trái, mọi ngôn ngữ, ngôn từ tuyên truyền huyễn hoặc, biến con người chỉ thành các máy nghe và các máy nói, tức hoàn toàn bị vật hóa, làm con người đích thực không còn nữa, tức con người đã bị ăn thịt mất hết, chỉ có những gì là đầu thừa đuôi thẹo còn lại, điều đó thực sự chẳng đúng hay sao. Như vậy sự ăn thịt con người rõ ràng là từ trên xuống dưới, ăn thịt qua lại lẫn nhau, và tráo vào đó bằng mọi danh từ, mọi cung cách giả tạo nhất, nhưng không bao giờ được thay đổi, cứ tích lũy và duy trì thường xuyên không biết lúc nào mới hết, quả là quá trình con người ăn thịt con người theo nhiều kiểu khác nhau, theo nhiều cách khác nhau mà chỉ những cái đầu rỗng tuếch, những con mắt nhắm nghiền lại mới không còn thấy ra được những điều đó. Nhưng có ai kêu ca được vào đâu, vì ở đâu cũng thế, đâu đâu cũng chỉ là những tầng tầng lớp lớp mịt mùng như thế, đâu còn chỗ kêu, đâu còn lối ra, và sự ăn thịt con người không những mọi mặt, thường xuyên mà còn mút chỉ cà na thì có ai tưởng tượng ra được. Vì cứ nói ra là phản động, là diễn tiến hòa bình, thậm chí ngoài cả bao đoàn thể sắn sàng bao che, làm bình phong đề che chắn cho điều đó, mà cũng còn cả đội lý luận được đào tạo chuyên nghiệp ở khắp nơi để ru ngủ quần chúng, có cả ban lý luận trung ương để làm nhiệm vụ thống nhất lý luận cho kiểu ăn thịt người đại trà như thế, thì quả thật một xã hội đã hoàn toàn tẩu hỏa nhập ma, đã lâm vào mê cung, rơi vào mê hồn trận không làm sao thoát ra hay không làm sao còn giải pháp hay còn cứu chữa được nữa. Bởi còn ai thiết tha với con người đúng nghĩa, với xã hội đúng nghĩa, với sự thật và chân lý đúng nghĩa, với phẩm hạnh và đạo đức đúng nghĩa nữa đâu, mà giống như toàn hàng gian hàng giả, giống như loại bạc giả mà mọi người đều phải tiêu thụ, đều phải tiêu xài, nếu không còn biết lấy gì mà sống, làm sao để tồn tại, và nếu muốn còn được quyền tồn tại. Tính cách xã hội liên hoàn toàn diện như thế, nếu không phải bảo được là xã hội “người ăn thịt người” thì còn gì nữa.

Cho nên nói chung lại xã hội “người ăn thịt người” là điều thực tế và tinh tế mà ai tinh vi mới có thể nhìn thấy được. Nó vừa mang tính cách cố ý hay vô tình, công nhiên hay che giấu, ngụy trang hay ẩn khuất tùy theo từng trường hợp. Luật pháp hiển nhiên là trường hợp rõ ràng nhất, các nguyên tắc hay quy định là trường hợp phổ biến, còn ngoài ra đều là hình thức ẩn tàng, mà ngay các thói quen tự nhiên trong xã hội cũng vậy. Có nghĩa có nỗi sợ hãi được lan rộng tràn lan, sợ hãi bị ăn thịt dưới hình thức này hay hình thức khác, tức sự cảm nhận bị mất an ninh luôn luôn rình rập nếu có tư tưởng dị biệt nào đó, trừ phi chỉ hoàn toàn sống vô cảm về mọi phương diện. Điều đó cũng dễ hiểu vì quan điểm về chủ nghĩa xã hội được hiểu một cách nhầm lẫn nhất. Thay vì quan điểm xã hội được hiểu như sự tương thần tương ái, tình cảm hồn nhiên và hỗ tương giữa người và người trong xã hội, sự hợp tác tích cực và hiệu lực mọi mặt trong xã hội, nó trở thành quan điểm hiểu chủ nghĩa xã hội theo cách tập thể bề ngoài, theo kiểu trại lính, theo cách bầy đàn, như một cuộc tổng diễu hành bao khắp và hoàn toàn giả tạo, do đó không ai được bước chân lỗi nhịp, không ai được quay qua quay lại. Đó hoàn toàn là sự ngột thở, sự gò ép mà mọi người phải chịu. Ngay cả giới trí thức cũng không làm gì khác, cũng chỉ là những con vẹt nói được tiếng người, thậm chí còn biến thái thành các thành phần lưu manh, chuyên nghề ca ngợi, tâng bốc, lừa đảo bằng tình cảm, cảm xúc, tư duy hay ngôn ngữ, mà mục đích tối hậu là để biện giải, biện minh, để bảo vệ cho thực trạng xã hội người ăn thịt người vì chính lợi ích ích kỷ riêng của bản than mình. Từ đó nhiều thần tượng giả cũng được dựng lên, tô son trét phấn, thậm chí thành một thứ mặt trời giả ảo cao tít, soi sáng tạo điều kiện cho kiểu xã hội người ăn thịt người được thuận lợi hơn. Mọi cá nhân đều bị vong thân toàn diện, toàn bộ xã hội đều bị vong thân toàn diện, con người luôn luôn bị đặt vào dưới những dạng tổ chức, luôn bị quyền lực giám sát, mất hết mọi tự do dân chủ hồn nhiên vốn có. Con người trở thành như những cái máy, được cài đặt sẳn chương trình, và chỉ hoạt động rập ràng ở mọi nơi như kiểu người máy. Điều đó còn hoàn toàn thua xa cả những xã hội quân chủ phong kiến. Bởi vì trong những xã hội đó, thường triều đình cũng không can thiệp vào các đời sống riêng tư, độc lập của người dân. Chỉ muốn sử dụng đến dân trong những trường hợp cần thiết nhất và trong những mục đích cần thiết hay đột xuất nhất.

Đằng này quan niệm chủ nghĩa Mác là quan điểm kiểu thường xuyên cách mạng, tức cách mạng không ngừng mọi nơi mọi lúc mọi phương diện nhằm đi lên xây dựng cái gọi là chủ nghĩa xã hội hay cái gọi là thiên đường cộng sản. Xã hội trở thành được huy động thường xuyên nhằm thỏa mãn tham vọng hay thị hiếu muốn có được thành quả vinh quang của một số người, tất cả đều trở thành phương tiện, thành công cụ dứt khoát chẳng đặng đừng cho chính mục tiêu giả ảo đó. Tất cả nguyên nhân đó là do từ đầu chính bản thân Các Mác không hiểu sâu về các ý nghĩa của triết học, không hiểu tường tận bao quát về các ý nghĩa, nguyên tắc hay quy luật của kinh tế xã hội. Thế nhưng đám quần chúng đi theo lại thần thánh hóa Mác, tâng tư tưởng Mác như là đỉnh cao của trí tuệ loài người, khiến Mác trở thành như một vị thánh, một ông giáo chủ, tác phẩm của Mác trở thành kinh thánh, và cuối cùng chủ nghĩa Mác trong thực tế trở thành như kiểu một tôn giáo, một thứ đạo. Điều này thật trái hẳn với ý nghĩa triết học, khoa học, hoạt động xã hội ngay từ đầu mà Mác đã từng muốn dấn thân vào trong đó. Điều đó cho thấy xã hội luôn luôn có những qui luật riêng của nó không thể chủ quan coi thường hay vượt qua được. Bởi không khéo không những không cứu được xã hội mà còn làm cho xã hội mê lún hơn, càng làm xã hội tệ hại hơn, và điều đó rõ ràng mục đích ban đầu của Mác như thể nhằm giải phóng xã hội, nhằm giải phóng giai cấp, nhằm giải phóng loài người, thực tế vì hiểu sai, chủ trương sai nhiều mặt, chỉ mang hậu quả ngược lại, biến xã hội trong thực tế trở thành thứ xã hội “người ăn thịt người” một cách phũ phàng, lộ liễu nhất mà lại được che đậy, được ngụy trang dưới những khái niệm và danh từ mỹ miều nhất.

3/ Con đường ra hay cách làm thế nào giải quyết tệ nạn và thực trạng xã hội “người ăn thịt người” ?

Điều này thực chất hoàn toàn không khó. Nó cũng giống như chữa trị bệnh, nhận bệnh đúng, phương pháp đúng, thuốc thang đúng thế là khỏi bệnh thế thôi. Nhưng làm thế nào nhận bệnh đúng, đó là trước hết những người nắm quyền và sau đó là toàn dân đều thấy ra thực tế của bệnh. Không nhận được bệnh, tức không thấy có bệnh, thì còn đâu muốn chữa, bệnh cứ trở thành bệnh kinh niên và chỉ càng ngày càng nan trị và hoàn toàn bế tắt thế thôi. Nhưng định bệnh được không gì so sánh với thực tế, với tình trạng lúc chưa có bệnh. Bởi rõ ràng kinh tế bao cấp kiểu gọi là kinh tế xã hội chủ nghĩa, kinh tế cách mạng trước kia đã hoàn toàn thất bại, để lại biết bao nhiêu di hại, biết bao nhiêu di chứng mà ngày nay đều thấy rõ. Điều đó nói lên điều học thuyết chủ nghĩa Mác là hoàn toàn vô duyên, phi lý, và hoàn toàn không thực tế. Nên từ sự say mê ảo tưởng đó trong quá khứ, ngày nay người ta đã quay về lại với kinh tế thị trường, kinh tế tự do một phần lớn, kinh tế tư bản ở thời kỳ sơ khai, có nghĩa đã quay lại với “xã hội người bóc lột người” mà trong cả trăm năm người ta xúm lại để dè bỉu, lên án và bằng đủ mọi cách ngang trái nhất để tiêu diệt nó. Có nghĩa những việc làm quá khứ là sai, và cái đối tượng được cho là sai hóa ra lại không sai mà nó thành đúng, tức tự bản thân khách quan nó là đúng. Nhưng mà sự định bệnh như thế vẫn chưa hoàn toàn và người ta còn tiếp tục phần nào đó giấu bệnh, tự lừa dối bản thân là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tức cái độc tố gây bệnh, cái vi rút gây bệnh vẫn cứ còn đó hay vẫn tiếp tục ủ bệnh hay giả đò ủ bệnh vì những lý do nào đó. Mà nếu không hết lòng chữa bịnh thì có bao giờ lành bịnh, chuyện tự nhiên mà bất kỳ ai ngây thơ nhất cũng đều phải thấy.

Có nghĩa nguyên lý chủ nghĩa Mác là sai, con đường dẫn dắt của nó là sai, nên nhất thiết phải từ bỏ nó đi, đã biết mắc bệnh thì phải nhất định can đảm chữa bệnh, không thể ngại ngùng hay mắc cỡ điều gì, đó là ý nghĩa thiết thân của lợi ích chung toàn xã hội cũng như lợi ích mọi mặt riêng của mình. Bởi xã hội là của chung nên không ai được ngoan cố, vf thấy sự độc tài độc đoán là phi lý thì phải phục thiện, phải cầu thị, phải từ bỏ độc tài độc đoán vì đó là điều hoàn toàn tai hại cho cái chung và hoàn toàn phi lý. Xã hội loài người tiến lên không ngừng, giai đoạn sau phải cao hơn giai đoạn trước về mọi mặt, nên dân chủ tự do thực chất phải hoàn toàn cao hơn độc tài phong kiến. Có lý gì mà đẩy lịch sử di lùi trở lại bằng những điều ngụy biện, ảo tưởng, hay dối gạt, đó là quan điểm độc tài vô sản của Mác mà mọi chế độ cộng sản nào cũng thực hiện nhưng lại nói trớ đi là dân chủ nhân dân, nói trại đi là dân chủ xã hội chủ nghĩa, tự phỉnh dụ mình và phỉnh dụ người khác là nền dân chủ gấp cả triệu lần, là ý nghĩa cao nhất của đỉnh cao trí tuệ loài người. Thật là những điều phi lô-gích, phi thực tế, chỉ cho thấy một ý thức mù quáng, một nhận thức hay hiểu biết phi khoa học, phản khoa học, thậm chí phản cả nhân văn, phản cả xã hội mà không gì khác. Và nếu là phản ngược lại con đường tiến tới của lịch sử, phản lại phát triển xã hội, đó chỉ là phản động thật sự mà còn đâu là cái gọi là cách mạng nữa.

Như vậy muốn không còn là xã hội “người ăn thịt người” nữa thì phải thấy cái cốt lõi trong đó của nó là gì. Đó chính là ý niệm độc tài vô sản mà Mác đã đưa ra. Có người vạch ra cuối đời của Mác ông ta đã cải chính và phủ nhận điều đó. Nhưng người ta không thấy rằng từ chối điều đó cũng có nghĩa là từ chối cả học thuyết Mác, bởi vì nó như một cái bó buộc của chủ nghĩa Mác, như là một cái cửa ải mà chủ nghĩa Mác nhất thiết phải vượt qua nếu muốn đến được bên kia bờ ảo tưởng. Như vậy Mác từ chối nó như một sự hối tiếc đã tuyên bố và mù quáng cổ vũ nó thì cũng đã quá trễ rồi, nên cho dù cuối đời Mác ông ta biện minh ông ta không phải người mác xít (“Je ne suis pas marxiste) thì ai còn tin ông nữa. Vả chăng nó chính là thứ hấp dẫn tất cả người nào tham vọng quyền lực, giành quyền và giữ quyền mãi mãi trong toàn xã hội thì làm gì mà quay lưng lại với khẩu hiệu độc tài vô sản mà Mác đã từng nông nỗi chủ trương.

Nên cách chữa bệnh thực tế và hiệu quả nhất, không ngoài trước hết phải tìm cách tự giải độc đối với chủ nghĩa Mác. Bởi vì nó không còn thực tế, thực chất hay lý tưởng nữa tại sao không can đảm giả từ nó. Điều này nếu tiếp tục lờ đi vì các lợi ích riêng tư nào đó thì cuối cùng cũng chẳng được mà còn nguy hại. Bởi thời nay là thời phát triển của công nghiệp và tri thức toàn cầu, vậy không có điều gì sai trái mà cứ tiếp tục giấu lâu được. Càng giấu nó chỉ càng thối và gây nguy hại nhiều hơn. Nên đó là lý do ngày nay tại sao cần giải mã học thuyết Mác mọi mặt sớm nhất. Bởi trước kia do ngụy tạo về chính trị, nên mọi sự tuyên truyền, huấn luyện học thuyết Mác đều chỉ một chiều, đều phiến diện và xuyên tạc, che đậy để gây ảo tưởng, thê thì làm gì mà người ta còn hiểu biết nó theo cách khoa học, theo cách trí thức để nhận định và phê phán nó. Chính sự độc tài độc đoán và sự mù quáng là do đó. Nó còn được ngụy trang dưới hình thức chủ nghĩa dân tộc hay yêu nước, kiểu yêu nước là yêu chủ nghĩa xã hội như có kẻ trí thức ba xu nào đó nói thì thật tầm thường và nhập nhằng hết sức. Vậy trước khi có chủ nghĩa Mác hay được du nhập chủ nghĩa Mác, bộ mọi nơi không có ai yêu nước của họ sao. Cho nên chính hậu quả của độc tài vô sản mà Mác xướng xuất cũng làm hủy diệt, tiêu tùng hết mọi thành phần trí thức đúng đắn nhất trong xã hội. Mà xã hội thật sự cũng như một cơ thể mà giai tầng trí thức là cái đầu, là não bộ hữu ích và cần thiết nhất. Sự làm hủy hoại trí thức, vô hiệu quá trí thức, tầm thường hóa trí thức, tha hóa trí thức mọi mặt, đó chính là tội ác lịch sử lớn nhất mà bản thân Mác đã phạm phải.

Nên kết luận muốn từ bỏ, muốn xóa bỏ tình cành xã hội “người ăn thịt người” thật sự thì trước hết phải từ bỏ mọi quan điểm sai trái về độc tài chuyên chế trong chính trị mà quay lại với ý thức tự do dân chủ đúng đắn thật sự trong xã hội. Chính Mác là người đã trắng trọn xuyên tạc ý nghĩa của tự do dân chủ đích thực, cho đó là tự do dân chủ kiểu tư sản để dẫn đến cái độc tài vô hạn chỉ cho thấy sự ngu dại và sự nguy hiểm trong tư duy của Mác. Cái đúng bị xuyên tạc thành cái sai, khiến nhiều người hiểu sai thành đúng, hiểu sự độc tài đảng trị là đúng, còn chê bai cái đúng, quay lưng lại cái đúng là yêu cầu tự do dân chủ khách quan, thiết yếu trong xã hội, đó thật là tội lỗi ngàn đời của Mác. Bởi vì tại sao, vì mỗi cá nhân con người đều là những nhân tử, những đơn vị cơ bản, những nguyên tử đầu tiên trong xã hội. Thế lấy đâu tư cách để người này có quyền độc tài với người khác. Còn cho người vô sản, giai cấp vô sản phải có quyền độc tài, đó chỉ là sự lợi dụng, sự nhân danh, sự phịa đặt phi lý, có gì nền tảng khách quan để chứng tỏ đó là đúng đắn, đó là yêu cầu thật sự ? Nên mọi sự độc tài độc đoán nói chung chỉ là sự cưỡng đoạt quyền bình đẳng tự nhiên của mọi người, sự xâm phạm nhân quyền của mọi người chỉ bằng thái độ ngạo mạn, giả dối mà không phải điều gì nhân văn, chân lý hay thực tiển hoặc khoa học hết trọi. Bởi không có quyền nào từ trên trời rơi xuống theo kiểu vua chúa quan chủ phong kiến trước kia tự phịa và nhân danh khi nhân loại còn lạc hậu, mà ngày nay muốn có quyền phải do xã hội ủy quyền, phải do toàn dân trao quyền, thông qua tự do bầu cử, ứng cử, thông qua phổ thông đầu phiếu tự do và dân chủ đích thực. Không thể còn kiểu quyền hành lưu tôn truyền tử, quyền hành kiểu gia trưởng như ngày xưa, không còn kiểu quyền hành độc đoán tự phong không ai trao, không ai bầu mà vẫn có, nhân danh một ý thức hệ huyễn hoặc nào đó hoặc nhân danh những yếu tố lịch sử không thực chất nào đó. Bởi dân bầu lên, xã hội lựa ra mới bảo đảm được khách người tài đức hay có năng lực, có tài cán để điều hành phát triển chung cho xã hội. Quyền không phải như sự chuyền tay nhau giữ cửa, gác cổng theo kiểu tự chuyên, kiểu giao banh theo phe trong sân cỏ mà thậm chi chỉ kiểu vừa đá bóng vừa thổi còi hay thậm chí có một tốp cầu thủ kinh niên chỉ đá hoài đã mãi tự cho mình là những danh thủ mà ai cũng buồn cười và cũng chẳng ai còn đếm xỉa hay còn muốn ra sân để xem nữa. Cho nên con người và xã hội con người luôn luôn có lý trí và có ý thức. Chính tự do dân chủ đúng nghĩa luôn luôn phù hợp với nguyên tắc lý trí và ý thức khách quan tự có của con người. Ngược lại mọi sự độc tài độc đoán dù bất kỳ dạng nào, dưới màu sắc thế nào đều chỉ là phản khách quan, phản tự nhiên, phản xã hội, thậm chí chỉ trơ trẽn và ngu ngốc. Thời đại ngày nay là thời đại của khoa học kỹ thật, như vậy tính chất của lý trí, của khách quan cần phải nêu cao mọi mặt, mọi thực tế, không thể còn lối mù mờ, nhập nhòa, lừa dối như kiểu trạng thái xã hội còn lạc hậu xa xưa hay não trạng còn thấp kém của mọi người dân trong những thời kỳ mất nước khi bị nước ngoài đô hộ hay trong thời vua quan phong kiến lỗi thời và lạc hậu trước kia nữa. Có nghĩa mọi sự độc tài chỉ đi đôi với sự mị dân, sự ngu dân, còn tự do dân chủ đích thực luôn luôn đi đôi với sự khai dân, sự trọng dân, sự vì dân. Đó là lý do tại sao mọi giá trị thực tế mới là đáng quý, đáng trọng, không phải mọi danh từ hào nhoáng giả tạo nào đó là có thể có cơ sở, ý nghĩa hoặc luôn luôn tin được.

Bởi vậy mọi vấn đề đều phải có thực chất, tự do dân chủ cũng phải có thực chất. Đó là con đường ra duy nhất để phát triển xã hội, phát triển đất nươc thật sự hiệu quả ngày nay. Bệnh khẩu hiệu, bệnh trình diễn, bệnh chủ quan, bệnh diễn kịch ngày nay không còn ý nghĩa nào nữa. Nên cũng không bất kỳ hình thức độc tài nào còn có lý do gì để tôn tại nữa. Bởi quyền sống là quyền của tất cả mọi người, quyền tồn tại và phát triển là quyền chung của toàn xã hội, nên ý chí quyết định mọi việc, sự khôn ngoan lựa chọn mọi ý nghĩa hay đường hướng hợp lý là của mỗi người dân, của mọi người dân, đâu phải của riêng bất kỳ cá nhân nào, đẳng cấp nào, giai cấp nào, đảng phái riêng tư nào có thể quyết định chung cho mọi người, cho toàn xã hội được. Toàn dân phải tự chịu trách mọi sự quyết định của mình, và tất nhiên toàn dân phải sáng suốt, phải hợp lý hơn bất kỳ cá nhân nào, tập thể nào, đảng phái nào. Đó cũng là lý do không thể đảng phái nào ngày nay tự phong tự xưng mình là đảng cầm quyền một cách ngang xương, mà người cầm quyền chỉ có thể do dân tự bầu lên bằng những hình thức dân chủ phổ biến và hữu lý nhất. Nên nhất thiết cũng không thể có đảng nào được phép vỗ ngực tự xưng, tự phong mình là đảng cầm quyền, cũng không thể có đảng nào là đảng chính trị tất yếu, hay đảng gồm những người tinh hoa nhất của dân tộc, đảng nắm được chân lý của lịch sử hay đảng đại diện cho chân lý ấy. Nói khác mọi chính đảng đều bình đẳng và không thể chỉ có một đảng duy nhất trong xã hội. Chỉ có thể có đảng uy tín nhất hay đảng thực lực nhất, thế thôi. Và ý nghĩa cũng vẫn chỉ là đảng bầu cử, đảng vận động để được nắm quyền qua sự tín nhiệm của dân bầu, có nhiệm kỳ cụ thể, xác đáng, không thể lại có đảng nào tự tiếm quyền vĩnh viễn trong xã hội. Bởi vậy có lẽ mọi đảng viên cộng sản hiện nay cũng nên đọc bài viết này để thấy rằng mình phải hiểu biết hơn và phải sáng suốt hơn. Nói khác đi, con đường dân chủ hóa thực sự vẫn là con đường duy nhất để thoát ra khỏi mọi tình trạng xã hội người ăn thịt người, đó là ý nghĩa văn minh, văn hóa, con đường nhân văn, con đường khoa học, con đường phát triển đích thực và hiệu lực nhất đưa xã hội tiến lên, đất nước tiến lên, mang hạnh phúc đến cho tất cả mọi người dân và toàn dân tộc nói chung mà không thể có con đường nào khác. Trong xã hội hiện đại, không có bất kỳ người nào có thể sống lạc hậu, đó là nguyên tắc, là phương châm lành mạnh và giá trị của toàn xã hội, toàn đất nước mà không thể bất cứ người nào, tập thể nào lại không cần biết đến.

07/11/2015
VÕ HƯNG THANH

 

Đăng ngày 07 tháng 12.2015