Tạp ghi sau 40 năm
Ngộ Không Phi Ngọc Hùng
Nếu bạn bắn súng lục vào quá khứ, tương lai sẽ bắn đại bác vào bạn.
Rasul Gamzatov
Bạn có thể từ bỏ được mọi thứ nhưng bạn không thể từ bỏ được quá khứ.
Abraham Lincoln
Kỳ 7
Vùng 3 chiến thuật – Quân đoàn III
Vùng 3 CT từ Bình Tuy đến Tây Ninh.
(gồm các tỉnh: Long Khánh, Biên Hòa, Bình Dương, v…v… Long An)
Quân đoàn III có 3 sư đoàn: Sư đoàn 5, Sư đoàn 18 và Sư đoàn 25.
Xuân Lộc, một chiến thắng ngắn ngủi
Xuân Lộc là một thành phố chính yếu của tỉnh Long Khánh, có vị trí cách thủ đô Sài Gòn khoảng 60 km về hướng đông bắc. Ở vào thời điểm cuối cùng của cuộc chiến Việt Nam thì trận đụng độ tại nơi này giữa quân đội Bắc Việt và VNCH được coi như là một trận chiến khốc liệt nhất trước khi miền Nam Việt Nam hoàn toàn bị thất thủ. Đây là trận chiến duy nhất mang tính cách quy mô toàn diện trong giai đoạn cuối của kế hoạch xâm chiến miền Nam, qua đó quân Bắc Việt đã tận dụng hết toàn bộ lực lượng quân chính quy với những hỏa lực hùng hậu nhất nhằm tấn công triệt để quân đội VNCH hầu tạo thế quyết định chiến trường.
Nhưng có một điều đau lòng đối với chính quyền Sài Gòn là qua trận chiến ác liệt này mặc dù Sư đoàn 18 của VNCH dưới sự chỉ huy của tướng Lê Minh Đảo đã chiến đấu thật mãnh liệt và đẩy lui những đợt sóng tấn công ào ạt của địch bảo vệ Xuân Lộc trong một chiến thắng oanh liệt cũng như chiến thắng này đã đưa tên tuổi của tướng Lê Minh Đảo trở thành một vị anh hùng trong quân sử VNCH. Nhưng chỉ một thời gian ngắn ngủi sau đó chính quyền Sài Gòn sụp đổ tan tành. Thành phố Xuân Lộc có khoảng 100 ngàn dân cư, được những đồn điền cao su dày đặc bao bọc xung quanh. Trong thành phố, người ta thấy có rất nhiều tiệm buôn nho nhỏ xen kẽ với nhà cửa dân chúng và sự nổi bật của những ngôi nhà thờ nghiêm trang, cung kính như làm tăng thêm phần thanh nhã, êm đềm vốn là đặc tính của phong cảnh nơi này. Tôi cũng đã có nhiều dịp dùng xe đi ngang thành phố Xuân Lộc mỗi khi phải thực hiện phóng sự tại các tỉnh cao nguyên Trung phần và các thị trấn ven biển của miền Trung.
Mức độ tấn công của quân Bắc Việt vào Xuân Lộc đã thực sự trở nên ác liệt từ ngày 9-4-1975, tức thời điểm trước khi Sài Gòn thất thủ đúng 3 tuần lễ. Đầu tiên, để uy hiếp và trấn áp tinh thần của Sư đoàn 18 VNCH, quân Bắc Việt đã dùng loại pháo 130 ly liên tục pháo kích vào những cứ điểm đóng quân của sư đoàn này và hầu hết những địa điểm trong ngoài thành phố Xuân Lộc. Loại pháo 130 ly này có xạ trình đến 27 km do Liên Xô và Trung Quốc phối hợp chế tạo và là một trong những vũ khí có sức công phá dữ dội nhất của quân Bắc Việt.
Pháo 130 ly tầm tác xạ từ 15 đến 27 km
Sau khi Sài Gòn bị rơi vào tay quân đội Bắc Việt, tôi đã được chúng kiến tận mắt loại pháo 130 ly này với một số lượng không sao đếm hết. Đồng thời, với kích thước to lớn của nó, cũng đã cho thấy phần nào hỏa lực hùng mạnh của quân Bắc Việt. Qua việc tận dụng cả lực lượng chính quy của Quân đoàn 4 trong mục tiêu đánh chiếm Xuân Lộc đã cho thấy phía Bắc Việt rất coi trọng địa điểm này trong vị trí chiến lược xung yếu. Nếu chiếm được Xuân Lộc thì những lộ quân của Bắc Việt xuất phát từ đây dễ dàng phối hợp cùng những tuyến quân xâm nhập từ phía đông nam để chọc thủng hàng rào phòng thủ cuối cùng quanh thủ đô Sài Gòn. Từ đó, Xuân Lộc đã trở thành mục tiêu hàng đầu trong chiếc lược tấn công của Bắc Việt. Mặt khác, nếu nhìn từ Sài Gòn ta sẽ thấy Xuân Lộc quả thật là một thành trì quan trọng nằm ở hướng đông, có khả năng che chở cho cả thủ đô vì nó là giao điểm của quốc lộ số 1 dọc theo các bờ biển Trung phần và quốc lộ số 2 từ các tỉnh cao nguyên miền Trung. Nếu cho quân thẳng tiến vào Nam thì phải đi theo 2 tuyến đường quốc lộ nói trên nên Bắc Việt phải giải tỏa nút chặn chiến lược trọng yếu Xuân Lộc.
Sau khi chịu đựng những đợt pháo kích liên tục như bão táp mưa sa của quân Bắc Việt, lực lượng phòng thủ Sư đoàn 18 VNCH với tương quan quân lực kém hẳn địch thủ là 1 đối 3 bắt đầu tổ chức những đợt phản công đánh trả lại một cách hữu hiệu. Và thật đáng kinh ngạc, những chiến sĩ Sư đoàn 18 đẩy lui không biết bao nhiêu đợt tấn công xâm nhập vào Xuân Lộc của địch với gần 1.000 xác quân Bắc Việt và mấy chục chiến xa phải bỏ lại tại thành phố đầy lửa đạn này. Trong tình thế liên tiếp mấy ngày liền bị vây hãm như vậy, chính quyền Sài Gòn đã tăng phái quân tinh nhuệ thuộc sư đoàn nhảy dù lúc đó đang đóng tại phía bắc Sài Gòn, dùng trực thăng đến Xuân Lộc để tiếp ứng. Dưới sự chỉ huy tài tình của tướng Lê Minh Đảo, những chiến sĩ VNCH đã cố thủ cũng như phản công mạnh mẽ.
Kết quả, sau ba ngày tấn công tới tấp vào Xuân Lộc, quân Bắc Việt đã bị nhiều tổn thất nặng nề nên đành phải ngưng chiến. Liên quan đến sự kiện này, tướng Văn Tiến Dũng của Bắc Việt, tổng tham mưu cuộc tấn công Xuân Lộc, đã viết: Tại Xuân Lộc, lần đầu tiên quân đội ta chạm phải một đội quân quyết tử của địch. Tuy quân ta đã nhiều lần xâm nhập được vào trong thành phố và tạo được thế uy hiếp mạnh mẽ nhưng đều bị đánh lui trở lại. Điều này chứng tỏ Quân đoàn 4 của ta đã không lượng định được chính xác sức đề kháng kiên cường của địch.
Lúc này, 3 sư đoàn thuộc Quân đoàn 2 Bắc Việt đã từ những vùng ven biển miền Trung kéo quân tiến về Xuân Lộc để tăng cường thế công và tổng cộng có 5 sư đoàn của phía Bắc Việt với quân số đầy đủ vây hãm duy nhất 1 Sư đoàn 18 của VNCH.
Sau mươi ngày cầm cự, chịu đựng không nổi trước chiến thuật áp đảo của địch, Sư đoàn 18 bắt đầu triệt thoái khỏi thành phố Xuân Lộc vào ngày 20-4-1975. Sau đó, sư đoàn này được tái tập trung và đóng quân phòng thủ ngay sát nách Sài Gòn về phía đông, nhưng đã quá muộn màng vì quân Bắc Việt gỡ được nút chận Xuân Lộc và các tuyến quân Nam tiến của họ đã tựa như thế chẻ tre tiến công ào ạt về Sài Gòn khiến cho quân đội miền Nam bị tan rã thành từng mảnh, từng mảnh. Tướng Lê Minh Đảo, tư lệnh Sư đoàn 18 cùng các binh sĩ của ông chiến đấu đến giờ phút cuối cùng.
Sau ngày miền Nam sụp đổ, tướng Lê Minh Đảo đã bị cộng sản giam giữ tại các trại tù khổ sai, cưỡng bức lao động. Người hùng Xuân Lộc năm nào nay đã trở thành người hùng cô đơn với nhiều tâm sự mà ít người thấu hiểu.
(The Fall Of Sai Gon - Komori Yoshihisa)
Ngày thứ 29 : 7-4-1975
Bình Dương – Long Khánh
Ngày 7-4, Bắc quân tiến về gần Bình Dương và Long Khánh.
Bình Dương có Sư đoàn 5 BB với Chuẩn tướng Lê Nguyên Vỹ.
Long Khánh có Sư đoàn 18 BB với Chuẩn tướng Lê Minh Đảo.
(SQTB K10B/72)
Quân sử ngoại truyện
Ngày 7-4-1975, Ủy viên Bộ chính trị Lê Đức Thọ, thành viên ký Hiệp định Paris đại diện Bắc Việt, bay vào Lộc Ninh để chỉ đạo cuộc xâm chiếm miền Nam.
Tình hình căng thẳng tại Xuân Lộc khiến Thượng tướng Trần Văn Trà và lãnh đạo lo âu:
Trận đánh quá ác liệt, e rằng các đơn vị ta bị thương vong nặng trong thời điểm này không lợi. Vì vậy các anh gợi ý có thể cho anh em rút ra khỏi thị xã… tôi đề nghị cho tôi đến tận nơi, nắm rõ tình hình cụ thể tại chỗ và cùng anh em nghiên cứu cách đánh.
Tướng Trần Văn Trà nhận định lực lượng VNCH: Chiếm ưu thế so với ta. Ta không còn giữ được yếu tố bất ngờ, vì vậy tiếp tục đánh vào Xuân Lộc là không lợi.
(Chiến tranh Việt Nam toàn tập - Nguyễn Đức Phương)
12 ngày trận chiến Long Khánh (Xuân Lộc)
Xuân Lộc là quận châu thành của tỉnh Long Khánh, được thành lập năm 1957, là nơi định cư của đồng bào miền Bắc di cư vào Nam ở thời điểm 1954, gồm cả người Việt lẫn đồng bào sắc tộc như Nùng, Thái, Mường…
Quận Xuân Lộc nằm dọc trên Quốc lộ 1, từ Gia Rai đến ngã ba Dầu Giây (giáp ranh tỉnh Biên Hoà), do đó Xuân Lộc được coi như vòng đai ngoài bảo vệ phi trường Biên Hòa và Sài Gòn.
Ngoài ra, Xuân Lộc cũng nằm trên đường giao liên của địch, giữa chiến khu C và D, với mật khu Mây Tào, Xuyên Mộc, Đất Đỏ của tỉnh Phước Tuy, con đường mạch máu mà Bắc Việt dùng để nhận tiếp tế bổ sung quân và tiếp liệu bằng đường biển.
(ĐBT - Hồ Đinh)
Ngày thứ 30 : 8-4-1975
Trận chiến trên Quốc lộ 20
Bắc quân áp lực nặng phòng tuyến Long Khánh.
Ngày 8-4, Bắc quân tung lực lượng tiến chiếm một đoạn đường dài trên Quốc lộ 20 và đóng chốt ở ngã ba Dầu Giây, giao điểm của Quốc lộ 1 và Quốc lộ 20.
Ngày 8-4, để ngăn chận các đợt tấn công của Bắc quân, không quân VNCH đã thực hiện nhiều phi tuần oanh tạc vào các vị trí đóng quân của Bắc quân, nhưng đã gặp khó khăn do màn lưới phòng không dày đặc của các trung đoàn pháo binh phòng không của Bắc quân.
Góp nhặt…ghi chép…
Theo Sài Gòn thất thủ của Komori Yoshihisa, mặt trận Long Khánh trong những ngày đầu là Quân đoàn 4 do tướng Hoàng Cầm làm tư lệnh, chính uỷ là tướng Hoàng Đình Hiệp. Các đại đơn vị thuộc quân đoàn này gồm có: Sư đoàn 6, Sư đoàn 7 và Sư đoàn 341 và các trung đoàn xe tăng, pháo, phòng không…
Thêm 2 sư đoàn thuộc Quân đoàn 2 Bắc Việt (thuộc Vùng 1 chiến thuật VNCH) đã từ vùng ven biển miền Trung kéo quân tiến đến Xuân Lộc để tăng cường.
Quân đoàn 4 tại Vùng 3 chiến thuật
Quân đoàn 4 tức Binh đoàn Cửu Long, quân số 35.000 người.
Ngoài các Sư đoàn 6 (2.300 người), 7 (4.100 người), 341 (4.500 người), Trung đoàn 26 tăng thiết giáp, Trung đoàn pháo binh 24, Trung đoàn đặc công 429, Trung đoàn phòng không 71, Trung đoàn công binh 25. trung đoàn truyền tin, v…v…
- : Quân đoàn 4 vừa được thành lập ngày 20-7-1974.
- : Sư đoàn 341 trừ bị vừa di chuyển từ Thanh Hoá vào để tăng cường.
- : Tư lệnh Quân khu 7 (hay CT7) là tướng Trần Văn Trà.
12 ngày trận chiến Long Khánh (Xuân Lộc)
Chiến tuyến Xuân Lộc được thiết lập dọc theo Quốc lộ 1 dài hơn 10 km. Chiến đoàn 52 và thiết đoàn xe tăng giữ mặt tây tại ngã ba Dầu Giây trên đường đi Đà Lạt, Trung đoàn 48 BB và Liên đoàn 7 Biệt động quân phòng thủ mặt đông từ núi Chứa Chan, Giá Rai đến Xuân Lộc.
Thị xã Xuân Lộc do Trung đoàn 43 BB và các tiểu đoàn địa phương quân Long Khánh bảo vệ. Tướng Lê Minh Đảo và bộ tư lệnh sư đoàn đóng tại Tân Phong phía nam Xuân Lộc 3 cây số.
Sư đoàn 7
Sư đoàn 341
Xuân Lộc và các đơn vị VNCH
Sư đoàn 6 nằm trong vòng đai màu xanh.
Năm giờ sáng 9-4 Bắc quân pháo kích thị xã Xuân Lộc trong 2 tiếng đồng hồ. Pháo vừa ngưng tức thì bộ binh, xe tăng ào ạt tiến vào, quân trú phòng chống trả ác liệt, hơn 10 xe tăng bị bắn hạ sau 6 tiếng đồng hồ giao tranh. Hai tiểu đoàn đặc công bị thiệt hại nặng, hơn 100 tên bỏ xác tại trận, Bắc quân rút lui giữa ban ngày bị máy bay, pháo binh ta truy kích dữ dội.
Ngày thứ 31 : 9-4-1975
Trận chiến Long khánh (Xuân Lộc)
Ngày 9-4, Bắc quân pháo kích như mưa vào Biên Hòa, và căn cứ tiếp vận Long Bình.
Theo tài liệu ghi trong hồi ký của Đại tướng Cao Văn Viên, ngày 9-4, Bắc quân điều động 3 sư đoàn chính quy trải rộng bao quanh khu vực ngã ba Dầu Giây.
(SQTB K10B/72)
Xuân Lộc tháng Tư
Đầu tháng 4-1975, Quân đoàn II không còn nữa. Vì liên đoàn trưởng và liên đoàn phó vắng mặt, nên tôi được chỉ định nhận nhiệm vụ hướng dẫn Liên đoàn 24 Biệt động quân từ Quảng Đức về sân bay Long Khánh đặt thuộc quyền xử dụng của bộ tư lệnh Sư đoàn 18 BB.Ngày đầu đặt chân xuống phi trường Xuân Lộc (6-4-1975) tôi không hề có ý nghĩ rằng tại nơi này chỉ mấy hôm sau, đơn vị tôi lại có dịp tham dự vào một trận đánh long trời lở đất.
Rạng đông 9-4 trận Long Khánh bắt đầu. Súng nổ như bắp rang khắp nơi trong thành phố, ngoài vòng đai. Đủ loại đại bác thét gầm, đạn xé gió ào ào tới tấp tưới trên mục tiêu của cả hai phía. Máy truyền tin ơi ới gọi nhau. Những thân hình ngã xuống, những tiếng hô xung phong nghe rợn tóc gáy. Những cánh F5 thét gào, lên, xuống, thả hết đợt bom này tới đợt bom khác lên đầu địch. Những chiếc Khủng Long AC119 bao vùng cả ngày lẫn đêm với những họng đại bác 20 ly gầm rú từng hồi. Đáp lại, địch cũng trả đòn bằng những chùm 100 ly và 57 ly phòng không nở hoa trên mây. Những chiếc T54 hung hãn khạc đạn không ngừng, những cái lô cốt ngả nghiêng vì trúng đạn đại bác 100 ly của xe tank địch.
Trong những ngày đầu tháng Tư ở Long Khánh, một góc địa cầu đã rung rinh vì bom đạn!
Địch đông gấp ba, bốn lần quân bạn, được T54 trang bị đại bác 100 ly dẫn đường. Pháo yểm của Bắc quân gồm đủ loại hạng nặng: đại bác 130 ly, 122 ly nòng dài, 105 ly, 75 ly sơn pháo, cối 120 ly, cối 82 ly, và phòng không 100 ly, 57 ly.
Thậm chí trong ba ngày đầu địch dùng cả phòng không 57 ly để bắn trực xạ vào Trại 181 Pháo binh của Sư đoàn 18, nơi tôi đặt bộ chỉ huy Tiểu đoàn 82 Biệt động quân.
(Vương Mộng Long)
Vương Mộng Long, K20 VB, thiếu tá BĐQ.
Quân sử ngoại truyện
Ủy viên bộ chính trị Lê Đức Thọ cũng phải công nhận thất bại tại trận Xuân Lộc, Long Khánh:
Sau hai lần B2 xin quân thì tôi vào chiến trường gặp lúc hội nghị miền vừa kết thúc. Tôi được nghe anh em báo cáo lại là đã bàn về việc đánh Xuân Lộc. Lúc ấy tôi cũng được biết trước đó, theo chủ trương của Miền, anh em đã đánh Thủ Thừa, đường số 4, nhưng bị thiệt hại nặng nề, không giải quyết được chiến trường. Do đó tôi mới có ý toan bàn với các đồng chí ngưng đánh Xuân Lộc lại. Nhưng nghe anh Dũng nói, tôi cũng nghĩ có thể mình mới vào chưa rõ hết tình hình: Cứ để các đồng chí đánh vậy.
Kết cục là anh em ta không đánh được Xuân Lộc, bị thương vong nặng phải rút ra.
(Chiến tranh Việt Nam toàn tập - Nguyễn Đức Phương)
Ngày thứ 32 : 10-4-1975
12 ngày trận chiến Xuân Lộc – Long Khánh
Sáng 10-4, Sư đoàn 7 và 341 Bắc quân tấn công tuyến phòng thủ Long Khánh. Hai trung đoàn Bắc quân giao tranh ác liệt với chiến đoàn 52, một số tiền đồn các cao điểm trên Quốc lộ 20 bị mất, tuyến phòng thủ của chiến đoàn nay thu ngắn lại còn chừng 10 km.
Trưa 10-4, Bắc quân di chuyển từ Định Quán xuống bị máy bay L19 phát hiện, không quân liền được gọi tới oanh kích gây nhiều thiệt hại nặng cho địch, hàng chục xe tăng, hằng trăm Bắc quân bị tiêu diệt. Hai trung đoàn Bắc quân từ hướng bắc Long Khánh ồ ạt tấn công vị trí phòng thủ của BĐQ và Trung đoàn 48 BB nhưng bị thảm bại, hàng trăm tên bỏ xác tại trận.
(Trọng Đạt)
Góp nhặt…ghi chép…
Darcourt (1), sử gia người Pháp nhận xét: Trong hai ngày pháo binh Bắc Việt tác xạ hơn 8.000 trái đạn vào các vị trí của Sư đoàn 18. Liên lạc vô tuyến với bộ chỉ huy của tướng Đảo bị gián đoạn rồi lại được tái lập. Quân của ông bám sát trận địa, chiến đấu cực kỳ dũng mãnh và nhất định không lùi, mặc cho những trận mưa lửa cứ trút lên đầu họ.
(1) “Ngọn đồi cuối cùng” - Pierre Darcourt.
Xuân Lộc tháng Tư
Qua hàng chục đợt xung phong, đoàn chiến xa của Bắc quân cũng không làm cách nào vượt nổi cái doanh trại bé tí teo đó để xông thẳng vào tòa hành chánh tỉnh, nơi ông Đại tá BĐQ Phạm Văn Phúc (K10 VB) tỉnh trưởng, đang trợn tròn con mắt theo dõi tên đàn em chơi trò ú tim với xe tank địch. Khi bánh xích của chiếc chiến xa đầu tiên vướng vào cuộn kẽm gai của trại Pháo binh 181 thì cũng là lúc đoàn quân xâm lăng khựng lại vì tiếng thét: “Biệt Động! Sát! ” … “Biệt Động! Sát!”. Lũ cán binh hung hăng không ngờ biệt động quân đang có mặt nơi đây!
Một quả M72 làm cho chiếc PT76 (*) xấu số cháy bùng, những cán binh Bắc Việt tùng thiết vội vàng chạy trối chết về hướng rừng lau. Ngày nào cũng như này nấy, sau những màn pháo kích như mưa, T54 có bộ binh tùng thiết, lại từng đợt, từng đợt ào ào xung phong vào vị trí tử thủ của chúng tôi. Nhưng những tổ chống tank ba người của TĐ82/BĐQ ẩn hiện như ma trơi, sau ô mối, sau gốc xoài, trong bụi chuối, cứ từ từ rang hết con cua T54 này đến con cua T54 khác.
Góp nhặt sỏi đá
Lực lượng tăng thiết giáp của Bắc Việt: 320 xe tăng, và xe bọc thép gồm các loại xe tăng T34, T54/55, pháo tự hành SU100 của Liên Xô, xe tăng lội nước PT76, xe thiết giáp BTR40/50/60/152 của Liên Xô, xe tăng chủ lực kiểu 59, xe thiết giáp K63 của Trung Quốc.
T54 tương đương với M48, nhưng PT76 có hoả lực mạnh hơn M113.
Xe tăng lội nước PT76 do Ba Lan viện trợ (…)
Yên chí vì có chỗ dựa lưng là lực lượng bạn ở phía sau, tiểu đoàn tôi đánh vùi với chiến xa địch cả tuần lễ không biết mệt. Toán diệt tank này bị loại, toán khác lên thay. Săn đánh xe tank là cả một nghệ thuật, nó còn là một cái thú nữa, cái thú vui chết người! Hơ hỏng một chút thôi là mất mạng như chơi. Mỗi chiến cụ, mỗi vũ khí đều có chỗ yếu của nó. Cái bộ phận phun khói của xe tank là cái “Gót chân Achilles” của xe tank Bắc quân. Tất cả những chiếc tank địch bị TĐ82 BĐQ tiêu diệt trong trận Xuân-Lộc đều bị bắn từ phía sau đuôi, nơi phun khói.
Đánh tank cũng có qui luật. Việc đầu tiên là “tỉa” tên xạ thủ 12.8 ly, nó là tai mắt của chiếc tank, nó có một chân trái hoặc phải bị khóa vào dây xích trên ghế phòng không. Việc thứ nhì là “bung” một trái lựu đạn khói hoặc lân tinh làm màn chắn che mắt cái tank bạn của nó ở cách nó không xa, cây phòng không trên chiếc tank thứ nhì là tử thần gọi chết. Việc thứ ba thật là giản dị, cứ đứng xổng lưng bóp cò cây M72 nhắm ngay phần phun khói sau đít cái tank mục tiêu, đây là phần mỏng nhất, dễ bắn thủng nhất của chiến xa. Một tiếng “bùm!” rồi tiếp sau đó là xăng và đạn trong xe cháy nổ “lóc! tóc! ùm! ùm!” ngọn lửa dâng cao, khói dâng cao. Xong!
(…)
Quân sử ngoại truyện
Văn Tiến Dũng, người chỉ huy chiến dịch Hồ Chí Minh đã phải công nhận tinh thần chiến đấu dũng mãnh của quân lực VNCH tại mặt trận Long Khánh như sau…
“Các Sư đoàn 7, Sư đoàn 6 và Sư đoàn 341 của ta đã phải tổ chức tiến công nhiều lần vào thị xã, đánh đi đánh lại diệt từng mục tiêu và phải nhiều lần đẩy lùi các cuộc tập kích của địch. Trung đoàn 43 địch bị tổn thất nặng. Pháo binh chiến dịch và pháo binh đi cùng các sư đoàn của ta đã phải dùng thêm cơ số đạn. Xe tăng, xe bọc thép của ta một số bị hỏng, một số phải trở về vị trí xuất phát tiến công để bổ sung xăng dầu, đạn dược. Kế hoạch tiến công Xuân Lộc của Quân đoàn 4 lúc đầu chưa tính hết được sự phát triển phức tạp của tình hình, chưa đánh giá hết tính chất ngoan cố của địch. Tính chất giằng co ác liệt qua trận đánh này không phải trong phạm vi của Xuân Lộc-Long Khánh nữa rồi…”
(Đại thắng mùa xuân - Văn Tiến Dũng)
Chuyện của một thời chinh chiến trong quán nhậu
Thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt
Còn hơn là le lói cả trăm năm
Người lính giữa tháng tư
Đạn pháo, hỏa tiễn của binh đoàn quân Bắc Việt (thuần là đơn vị quân đội Hà Nội) đang dội xuống như mưa lũ ở Long Khánh. Cửa ngỏ phía đông-bắc dẫn vào Sài Gòn, nơi bản doanh Sư đoàn 18 do Thiếu tướng Lê Minh Đảo giữ quyền tư lệnh. Vị tướng lãnh thăng cấp cuối cùng (1) của quân lực để chứng thật cùng thế giới và lịch sử: Những người lính đã chiến đấu thực sự. Tuy nhiên tất cả sự sụp vỡ ngày 30-4-1975 hoàn toàn vượt tầm đạn bắn ra từ nòng súng chiến đấu của họ.
Mặt đối mặt qua bãi lửa:
Sau thành công đánh chiếm Vùng 2 và Vùng 1 chiến thuật do sự rút bỏ hỗn loạn của quân đội miền Nam, phía Bắc Việt rút kinh nghiệm từ Mậu Thân (1968) và Tổng công kích Xuân-Hè 1972 quyết tâm tiêu diệt miền Nam qua chiến thuật tấn công từ một điểm xong mở rộng ra, tránh giao tranh nếu gặp kháng cự mạnh để tất cả đồng nhất tiến về Sài Gòn. Mục tiêu cuối cùng phải đánh chiếm của cuộc chiến tranh “giải phóng” ngụy danh.
Trung ương đảng ra lệnh cho Trung ương cục miền Nam cùng tất cả lực lượng vũ trang phải hoàn thành công cuộc giải phóng miền Nam: Xung phong tiến công Sài Gòn, mà hiện tại kẻ thù đang tan rã, không còn sức mạnh chiến đấu. Chúng có năm sư đoàn, chúng ta có mười-lăm sư đoàn, chưa kể đến lực lượng hậu bị chiến lược. Chúng ta phải chiến thắng bất cứ giá nào: Đấy là quan điểm của trung ương đảng. Khi tôi (Lê Đức Thọ) rời miền Bắc, các đồng chí ở bộ chính trị đã nói rằng: Đồng chí phải đoạt thắng lợi, đồng chí chỉ trở về với chiến thắng.
Chiến dịch Hồ Chí Minh được đặt tên qua công điện 37/TK do chính Lê Đức Thọ, chính ủy chiến dịch phổ biến đến với tất cả lực lượng vũ trang đang có mặt tại miền Nam: Mười lăm sư đoàn quân chính quy Bắc Việt. Những danh xưng nầy cần phải viết đủ để trả lời cho quan điểm chiến lược từ Tòa bạch ốc, Ngũ giác đài, được phổ biến khắp hệ thống truyền thanh, truyền hình thế giới trong bao năm qua: Chiến tranh Việt Nam là do lực lượng Việt cộng (những người “quốc gia yêu nước Miền Nam” hay MTGPMN nổi dậy lật đổ chính quyền VNCH), nếu lực lượng của Hà Nội có kể đến chăng thì cũng chỉ chiếm một phần rất nhỏ, chỉ đóng vai trò “yểm trợ” vì 98% của vấn đề (chiến tranh) là ở miền Nam chứ không là miền Bắc.
Chúng ta trở lại chiến trường với Tướng quân Lê Minh Đảo và những người lính đang giữa trùng vây của lửa. Ở mặt trận Long Khánh. Ngay từ ngày đầu của năm 1975, Sư đoàn 18 đã phải đối phó với tình trạng căng quân ra giữ vững vùng lãnh thổ trách nhiệm, cùng tập trung lực lượng để chiếm lại phần đất đã bị lấn chiếm. Tiếng gọi là một sư đoàn, nhưng tướng Đảo chưa hề tập trung đủ lực lượng cơ hữu để điều động trong một cuộc hành quân quy mô cấp sư đoàn. Đầu tháng 3-75, Trung đoàn 48 lại tăng phái cho Sư đoàn 25 trách nhiệm mặt trận Tây Ninh, cùng chung Vùng 3 chiến thuật với Sư đoàn 18. Thế nên khi trận chiến bắt đầu 9-4-1975, ông chỉ có một lực lượng sư đoàn (trừ). Trước khi trận chiến bùng nổ lớn, thiếu tướng Đảo yêu cầu tư lệnh quân đoàn, Trung tướng Nguyễn Văn Toàn hoàn trả lại Trung đoàn 48, khi nhận được trung đoàn này về, tướng Đảo xử dụng đơn vị để trấn giữ mặt đông thị xã, đoạn đường từ Xuân Lộc đến thị trấn Giá Rai. Với quân số như trên, Sư đoàn 18 quả thật đã gánh một nhiệm vụ quá khổ dẫu trong thời bình yên chứ chưa nói về tình thế khẩn cấp của tháng 4-1975. Trước 1972, vùng nầy được tăng cường một lữ đoàn thuộc lực lượng Hoàng gia Úc-Tân Tây Lan, Lữ đoàn 11 chiến xa do đại tá Patton chỉ huy, chưa kể đến Sư đoàn Mãng xà vương Thái Lan tăng phái, trách nhiệm vùng Long Thành, dọc Quốc lộ 15, đường đi Vũng Tàu. Sư đoàn 18 lại là một đơn vị tân lập (chỉ trước Sư đoàn 3 BB của Vùng 1).
Trận thử sức cuối cùng, tháng 4-1975 tại Xuân Lộc, Long Khánh là một dấu tích sẽ còn lại muôn thuở với lịch sử. Chúng ta không nói điều quá đáng. Hãy nhìn sang phía đối phương để thử tìm so sánh, từ đấy lập nên phần thẩm định chính xác.
Với ý định vất bỏ Hiệp định Paris, quyết thanh toán miền Nam bằng vũ lực với trận mở màn thử xem phản ứng của chính quyền, quân đội Mỹ: Tấn công Phước Long. Sau lấn chiếm đóng Phước Long mà chính phủ Mỹ hoàn toàn im lặng, Tướng Hoàng Cầm trách nhiệm tấn công Sài Gòn từ mặt đông bắc qua ngõ Long Khánh. Tướng Cầm có dưới tay ba sư đoàn, chưa kể lực lượng địa phương (du kích), tương quan lực lượng coi như 4 đánh 1. Nhưng cũng không hẳn thế, tướng Hoàng Cầm còn được cả một bộ chính trị đảng cộng sản Hà Nội trực tiếp chỉ đạo, yểm trợ và tăng cường với Văn Tiến Dũng, tổng tham trưởng quân đội miền Bắc, Phạm Hùng, bí thư trung ương cục miền Nam, Lê Đức Thọ ủy viên bộ chính trị, bí thư chiến dịch. Tất cả đang có mặt tại Lộc Ninh, nơi chỉ cách chiến trường Xuân Lộc hơn 100 cây số đường chim bay. Thọ vừa đến từ Hà Nội không phải theo “đường mòn Hồ Chí Minh” với ba lô trên lưng như cách “mô tả” thành thạo trong những cuốn sách “nghiên cứu” về chiến tranh Việt Nam, nhưng ông ta đến từ sân bay Nam Vang, đi xe hơi đến biên giới Việt-Miên, xong dùng Honda chở tới Lộc Ninh. Trước những nhân vật kể trên, Trần Văn Trà, tư lệnh khu 7 báo cáo về tình hình quân sự. Phạm Hùng hỏi về tiếp liệu đạn dược, viên cán bộ phụ trách hậu cần trả lời: Báo cáo đồng chí, ta có đủ đạn để bắn (bọn Ngụy) sợ đến ba đời.
Đấy không phải là lời nói đùa, sau này khi thắng lợi nghiêng về phía VNCH, bộ tư lệnh mặt trận đã cho thay thế tướng Hoàng Cầm bằng Trần Văn Trà, vốn là người chỉ huy chiến trường miền Đông từ chiến tranh 1945-1954; và tăng cường thêm Sư đoàn 325, đơn vị tổng trừ bị quân đội miền Bắc, và Trung đoàn 95B biệt lập từ vùng châu thổ sông Cửu Long kéo lên tăng cường, nâng tỷ số tác chiến (ban đầu) lên thành 5 đánh 1.
Trận đánh:
Thiếu tướng tư lệnh Lê Minh Đảo chuẩn bị chiến trường đến mức coi như là toàn hảo. Lấy kinh nghiệm đau thương của những đơn vị bạn thuộc hai Quân khu I và II, ông nhận ra rằng, sở dĩ các đơn vị nầy mất sức chiến đấu mau chóng vì không có người lính nào còn được khả năng chiến đấu khi trong tay họ thay vì nắm chắc vũ khí bấy giờ chỉ để bế đứa con nhỏ, lưng cõng cha, mẹ già. Bằng tất cả mọi phương tiện có được, tướng Đảo cho di tản toàn bộ gia đình binh sĩ về hậu cứ Long Bình, một hậu phương an lành, tương đối đầy đủ cho tất cả. Cất bỏ được nặng gánh gia đình, người lính chỉ còn một hướng trước mặt, hướng địch quân tiến tới.
Pháo binh là một yếu tố chiếm giữ phần lớn quyết định sự thắng, bại chiến trường. Một khuyết điểm mà quân lực VNCH thường vấp phải là luôn tập trung pháo binh lại một địa điểm để dễ chỉ huy, điều động. Nay tướng Đảo thay đổi chiến thuật, ông phân tán pháo binh lên những cao điểm như Núi Thị (bên cạnh đường 20 lên Định Quán, đi Đà Lạt), (cạnh Quốc lộ 1, đường về Biên Hòa), những cao điểm phía đông và đông nam Xuân Lộc, nơi ngã ba Tân Phong (cũng là một vị trí di động của bộ chỉ huy, phần sau của chiến trận, giai đoạn rút lui về Bà Rịa, Phước Tuy), dọc Tỉnh lộ 2 những vị trí pháo nầy sẽ yểm trợ vô cùng hữu hiệu cho đoàn quân di tản. Tuy phân tán nhưng khi tác xạ, những vị trí pháo cùng bắn một lượt nên tập trung được hỏa lực vào một mục tiêu mà địch không phát hiện được vị trí pháo bắn đi (để phản pháo).
5 giờ 40 sáng ngày 9-4-1975 - “Giờ H của Ngày N”, chiến dịch đánh chiếm Xuân Lộc bắt đầu với một trận mưa pháo 2.000 quả đạn từ nhiều vị trí cùng đổ xuống trung tâm thị xã Xuân Lộc lập lại cảnh tàn sát của một ngày năm 1972, cũng buổi tháng 4 tại An Lộc. Chính xác một giờ sau, 6 giờ 40, tám xe tăng đơn vị tiền phong Sư đoàn 7 tùng thiết xông vào trung tâm thị xã Xuân Lộc, nơi đặt bộ chỉ huy Sư đoàn 18. Bắc quân ngỡ rằng sau đợt pháo hung hãn, và đội hình ào ạt, bề thế của những chiếc T54, thế nào cũng sẽ tràn ngập mục tiêu dễ dàng như đã xẩy ra ở những mặt trận “không cần giao tranh” nơi Vùng 1 và 2 của tháng 3 vừa qua. Nhưng hoàn toàn không phải là như thế, những xe tăng nầy mắc kẹt giữa bãi mìn của một hệ thống tám lớp kẽm gai và mìn bẫy mà thiếu tướng Đảo đã sẵn bố trí, không những chỉ thế, những phi cơ A37 và F5 từ phi trường Biên Hòa được gọi đến chỉ sau ít phút cất cánh, và trên đồng trống, giữa những khu rừng cao su đều đặn, đội hình của toán quân tùng thiết, chiến xa trở nên thành mục tiêu lộ liễu, trần trụi. Nhưng lính bộ binh của Trung đoàn 165 không nhận ra chỉ dấu thất bại, họ tiếp tục tiến lên đợt xung phong thứ hai với những chiến xa còn lại.
Trung đoàn 48 đã đợi sẵn với “hỏa tiễn 2.75 ly” đặt trên giá hai chân (lưu ý hỏa tiễn 2.75 vốn là vũ khí cơ hữu của trực thăng vũ trang, sau khi quân đội Mỹ rút đi, khối lượng hỏa tiễn nầy trở nên thặng dư, thiếu tướng Đảo biến chế thành vũ khí bộ binh dùng để chống chiến xa bằng cách đặt trên giá tre hai chân, kích hỏa bằng pin) bắn hạ ngay những chiến xa nầy trên tuyến phòng thủ cuối cùng. Mặt đông của thị xã, dọc Quốc lộ 1, Trung đoàn 209 (cũng của SĐ7) số phận cũng không mấy khả quan hơn bởi họ gặp một đơn vị đang cơn uất hận, Tiểu đoàn 82 Biệt động quân của Thiếu tá Vương Mộng Long. Lính biệt động đánh để trả hận lần lui quân bi thảm của tháng trước từ mặt trận Ban Mê Thuột, hai tiểu đoàn của Trung đoàn 209 bị chôn chân trước tuyến phòng thủ của 82 Biệt động.
Sau nầy Hoàng Cầm ghi lại trận đánh trong Hồi ký lịch sử quân đội nhân dân:
Những đợt xung phong đánh vào sở chỉ huy của Sư đoàn 18 và hậu cứ Trung đoàn 52 ngụy đều không thành công. Chiến sĩ ta giành giựt với địch từng đoạn giao thông hào, qua mỗi căn nhà, căn phố. Điều đáng ngạc nhiên là cuộc tấn công đã bị chận lại không phải chỉ do pháo binh và không quân yểm trợ, hệ thống phòng thủ vững chắc và sức chiến đấu ngoan cố của Trung đoàn 43 ngụy, nhưng điều đáng nói là Đảo đã tổ chức cho từng người lính thuộc sư đoàn mỗi một vị trí chiến đấu…
Viên tư lệnh Trần Văn Trấn đi theo với Trung đoàn 266, đích thân chỉ huy cuộc tấn công. Tùng thiết thoạt tiên mở được đường qua lớp kẽm gài, mìn bẫy thứ nhất tiến gần đến vùng “Hố Heo Rừng”, nơi Quốc lộ 1 chạy một đường quanh gắt trước khi đổ vô thị xã. Nhưng quả như ước tính của tướng Đảo, đại đội trinh sát của Đại úy Đa giăng một hàng lưới lửa bằng đại liên 50 chống chiến xa, hiệp cùng máy bay AC119 Hắc Long tự tầng trời đan kín thêm bằng đại liên minigun bốn nòng chống biển người vô cùng hữu hiệu. Sư đoàn 341 vốn là một sư đoàn tân lập gồm tân binh thiếu kinh nghiệm của đơn vị nầy quá hoảng sợ hỏa lực của đại đội trinh sát, phi cơ Hỏa Long nên cuối cùng đám lính trẻ tuổi của Trung đoàn 266 phải tan hàng, chạy vào lẫn trốn trong khu vực dân cư, bến xe, nhà thờ, trung tâm thị xã. Tổng kết ngày chiến trận đầu tiên, chỉ riêng Sư đoàn 341 đã bị thiệt hại khoảng 600 chết và bị thương, cùng một số tù binh (ba mươi người) bị bắt giữ. Buổi chiều, thiếu tướng Đảo khi đi thanh sát mặt trận bên trong thị xã, ông không quên ra lệnh cho phòng quân tiếp vụ sư đoàn trích một số khẩu phần lương khô để nuôi ăn đám tù binh còn rất mới.
Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 vẫn không tin quân phòng thủ Xuân Lộc đứng vững sau hai cuộc tấn công. 5 giờ 30 sáng ngày 11, đợt tấn công thứ hai bắt đầu. Sư đoàn 341 tiến chiếm từ hướng tây bắc, Sư đoàn 7 từ mặt bắc đâm thẳng vào thị xã, Sư đoàn 6 từ hướng đông, tất cả ba mũi dùi đồng hẹn ở điểm đến trung tâm thị xã, bộ tư lệnh Sư đoàn 18. Kết quả cũng tương tự như ngày 9, có khác chăng thêm một số chiến xa bị bắn hạ trên tuyến phòng ngự và một số tù binh bị bắt. Những ngày chẳng mấy vinh quang nầy được Hoàng Cầm viết lại trong Lịch sử quân đội nhân dân: Trong ba ngày đầu tiên của chiến dịch, Sư đoàn 7 bị tổn thất 300 chiến sĩ; Sư 341 thiệt hại 1.200. Cụ thể tất cả pháo 85 và 57 ly đồng bị phá hủy. Cùng lúc Văn Tiến Dũng cũng phải thú nhận trong Đại thắng mùa xuân: Từ ngày đầu mặt trận Xuân Lộc đã diễn ra vô cùng gay go, ác liệt. Những sư đoàn của ta. tổ chức nhiều đợt tấn công vào thị xã, đánh đi đánh lại để chiếm từng vị trí, và phải đẩy lui nhiều cuộc phản công của địch.
Tướng Toàn cố gắng giữ vững Xuân Lộc để có thế đão ngược tình thế. để “B52 có thể trở lại!” Tướng Toàn xử dụng Lữ đoàn 3 Thiết kỵ của Chuẩn tướng Trần Quang Khôi từ Trảng Bom cố mở đường tiếp cận với cánh quân Xuân Lộc. Tướng Toàn xử dụng Lữ đoàn 1 Nhảy dù được Tiểu đoàn 3 Pháo binh dù trực tiếp yểm trợ. Cuộc hành quân không vận lớn nhất của trận chiến thực hiện trong hai ngày 11, 12 đưa đơn vị tổng trừ bị cuối cùng của miền Nam vào trận. Sự xuất hiện của lực lượng nhảy dù tại trận địa đặt nên vấn đề nghiêm trọng đối với tập thể lãnh đạo bộ tư lệnh chiến dịch. Chiều ngày 11-4, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Trần Văn Trà duyệt soát lại kế hoạch tấn công theo chiều hướng mới. Dũng có ý kiến: Nếu địch tăng cường lực lượng phòng thủ Xuân Lộc thì ta không cần phải tập trung lực lượng để tấn công chúng nữa. Chúng ta nên xử dụng sức mạnh của mình để đánh những lực lượng ngoại vi (hàm chỉ lữ đoàn dù) trước khi chúng đặt chân xuống đất. Cũng nên dùng pháo tầm xa phá hũy căn cứ Biên Hòa để máy bay chúng không thể cất cánh.
Tóm lại, bộ tư lệnh chiến dịch quyết định mở một mặt trận giả (để đánh lạc hướng quân phòng thủ) bằng hai cuộc tấn công chính diện vào vị trí đóng quân của Tiểu đoàn 1/43 (có nhiệm vụ giữ thị xã) để phía VNCH nghĩ rằng phía Bắc Viêt vẫn cố công dứt điểm Xuân Lộc theo như kế hoạch ban đầu. Trong khi chuyển hướng tấn công bằng cách đi vòng Xuân Lộc để (thực sự) tiến thẳng về Sài Gòn. Trần Văn Trà thay thế Hoàng Cầm để trực tiếp thực hiện kế hoạch. Ngày 13, Trà họp ban tham mưu Quân đoàn 4 để thông báo về việc thay đổi kế hoạch với luận cứ: Địch tăng cường phòng thủ Xuân Lộc sẽ gây nhiều bất lợi cho ta nếu cứ tiếp tục tấn công thị xã. Thế nên, nếu chúng ta tiến chiếm Dầu Giây (trên Quốc lộ 1, lối về Biên Hòa) thì Xuân Lộc không còn nằm trong tuyến phòng thủ của chúng nữa. Đồng thời ta xử dụng pháo 130 ly pháo sân bay Biên Hòa thì địch sẽ bị hạn chế khả năng cho phi cơ xuất kích yểm trợ.
Cũng quả thực tướng Đảo không biết được sự thay đổi kế hoạch của Trung ương cục miền Nam chỉ đạo từ Hà Nội. Nhưng ông làm đươc gì hơn với chức vụ tư lệnh một sư đoàn bộ binh trong giờ phút nguy nan nhất của cuộc chiến. Không một ai trong bộ tư lệnh Quân đoàn III ở Biên Hòa, có ý niệm địch sẽ siết chặt Biên Hòa-Sài Gòn với hai gọng kềm (hướng bắc và đông) bằng cách cắt Quốc lộ 1 ở Dầu Giây và Quốc lộ 15 ở Long Thành qua thay đổi quan niệm chiến thuật theo tình hình thực tế nên bỏ qua Long Khánh nơi họ đã thực sự thất bại và biến thất bại nầy thành một kế nghi binh. Kế sách nầy càng thêm hữu hiệu khi mặt trận được tăng cường thêm hai đơn vị mới, Sư đoàn 325, tổng trừ bị quân đội miền Bắc, đơn vị chủ lực trong trận tấn công Nha Trang, Phan Rang ngày đầu tháng 3.
Chiến trận lắng xuống, các đơn vị Bắc quân dần rút đi, chỉ còn pháo kích cầm chừng vào các vị trí phòng thủ. Ngày 20-4, tướng Toàn đích thân đến giao cho tướng Đảo một lệnh mơ hồ: Rời bỏ Xuân Lộc về bảo vệ mặt trận Sài Gòn. Hoá ra Bắc quân đã hoàn tất kế sách bỏ trống Xuân Lộc từ một tuần trước. Thiếu tướng Đảo phản đối, nhưng viên tướng tư lệnh khẳng định: Đó là lịnh của ông Thiệu! Tướng Lê Minh Đảo chỉ có đúng nửa ngày để hoàn tất một kế hoạch rút quân. Hành quân rút lui là hình thái hành quân khó nhất. Bởi đã mang sẵn mầm thất bại. Những danh tướng của quân sử thế giới mấy ai thực hiện được kể cả Hốt Tất Liệt, Napoléon, Rommel. Nhưng như phép màu, thiếu tướng Đảo đã hoàn tất cuộc lui binh về Bà Rịa, bảo toàn đơn vị, vũ khí, thậm chí đến hai khẩu pháo 175 ly hạng nặng cũng giao lại đủ cho quân đoàn.
Khi Dương Văn Minh ra lệnh đầu hàng, buông súng, Thiếu tướng (1) Lê Minh Đảo dừng quân trên xa lộ Biên Hòa, nhìn vào hướng trường Bộ binh Thủ Đức, Long Thành, Bà Rịa, và xa kia Xuân Lộc, Long Khánh, gần hơn là nghĩa trang Quân đội. Ông thấy thấp thoáng bức tượng “Tiếc thương” tạc hình “Người lính chờ đợi” in hình trong không gian mờ khói đạn.
Người lính cuối cuộc chợt thoáng nhớ những lời thơ ngắn
Vì anh là lính áo rằn. (2)
Ra đi nào biết mấy trăng mới về…
(Phan Nhật Nam)
(1) Sau trận Xuân Lộc, tướng Đảo được Tổng thống Trần Văn Hương thăng cấp thiếu tướng.
(2) Những câu thơ trên của em Chuẩn tướng Lê Minh Đảo, Trung tá Lê Hằng Minh, tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 TQLC “Trâu Điên”, người lính đã ra đi từ một ngày hè năm 1966 nơi chiến trường ở chân cầu thuộc Phong Điền, Thừa Thiên. (Phan Nhật Nam)
Ngày thứ 33 : 11-4-1975
12 ngày trận chiến Xuân Lộc
Đêm 11-4 Tiểu đoàn 2 của Chiến đoàn 52 đã phục kích đánh tan một tiểu đoàn Bắc quân đang di chuyển trên đường từ đồn điền Bình Lộc về Xuân Lộc. Một đoàn xe 30 chiếc chở đầy bộ đội, đạn dược, lương thực, quân dụng bị lọt ổ phúc kích của Tiểu đoàn 2/52 , hàng ngũ địch bị rối loạn vì chúng bị hoàn toàn bất ngờ. Bắc quân bị bắn chết như rạ ngay khi còn trên xe cũng như nhẩy xuống đất, cả tiểu đoàn bị chận đánh tơi bời, hằng trăm tên bỏ xác tại trận.
(Trọng Đạt)
Góp nhặt…ghi chép…
Nhà báo D,Warner, người Úc, những nhà quân sự ngoại quốc không ngớt lời ca ngợi chiến thắng Long Khánh: Với ba sư đoàn 7, 341 và 6, Văn Tiến Dũng tin tưởng sẽ chiếm được Xuân Lộc một cách dễ dàng. Ông đã lầm, Sư đoàn 18 chưa bao giờ được xem là một sư đoàn thiện chiến của miền Nam VN. Trái lại, có lần sư đoàn này còn được xem là sư đoàn tệ nhất. Vậy mà trong những ngày cuối cùng của chiến tranh VN, sư đoàn này đã chiến đấu một cách dũng cảm. Không những họ đã giữ vững được trận địa mà lại còn phản công mỗi ngày.
Xuân Lộc tháng Tư
Một ngày giữa tháng Tư, ngoài vòng đai phòng thủ, một chiếc T54 chạy lạc loài. Cái ống khói của nó lãnh trọn một quả M72 của toán diệt tank của Đại đội 1/TĐ82 BĐQ. Anh binh nhì Phan Thọ trong toán hộ tống của TĐ82 BĐQ cùng với ông phóng viên nhà báo lao vụt về hướng súng nổ. Ít phút sau tôi nghe choang choác, tiếng phòng không 12.8 ly nổ dòn ngoài xa.
Trong máy PRC25 tiếng Thiếu úy Đặng Thành Học, ĐĐT1/82 BĐQ báo cáo, thằng Thọ bị thương nặng, xin tản thương. Thì ra anh B2 Thọ gan dạ này thấy chiếc T54 đã nằm bất động; anh leo lên gỡ khẩu phòng không đem về cho thầy. Không ngờ còn một chiếc chiến xa T54 khác nằm ẩn trong bụi lau cách đó không xa. Thấy anh đứng nghênh ngang sau pháo tháp, nó quạt cho anh một tràng 12.8 ly. Anh rơi xuống đất như con chim bị ná. Ruột anh đổ ra lòng thòng, máu tuôn như xối. Tôi một mặt lo xin pháo binh trong vòng đai trực xạ vào vị trí chiếc xe tank còn lại, một mặt điều động ĐĐ1/TĐ3/TĐ43BB đánh bọc bên phải tiếp tay cho thiếu úy Học ĐĐ1/82 dùng kẽm gai concertina quây quanh chiếc xe mới bị bắn cháy. Chỉ có concertina mới ngăn cản hữu hiệu được bước tiến của chiến xa địch. Con đường độc nhất để tiến quân bằng xe tank của địch nhắm vào sân bay Long Khánh đã bị đan chằng chịt kẽm gai vòng.
(…)
Ngồi ở quán nhậu kể chuyện súng đạn
Lần ấy, đại đội hắn bị phục kích. Bạn bè chung quanh hắn đều bị bắn gục. Hắn kinh hoàng vùng lên chạy. Ðạn bắn gắt theo sau. Hắn vẫn chạy. Tiếng đạn rượt theo. Véo véo véo. Hắn vẫn chạy. Lâu, thật lâu sau, tiếng đạn thưa dần rồi tắt hẳn. Hắn kiệt sức nằm xoài trên một bãi cỏ, giữa một khu rừng thưa. Trời gần sáng. Chung quanh thật im ắng. Hắn chỉ nghe tiếng hắn thở. Rồi bỗng dưng hắn nghe có tiếng sột soạt trong một bụi rậm phía trước.
Hắn giật mình, tay ghì chặt khẩu súng, mắt chăm chăm nhìn. Im lặng. Hắn toan gục đầu xuống nghỉ thì lại nghe tiếng sột soạt vang lên. Hắn lại căng mắt ra nhìn. Hình như có bóng người lom khom sau lùm cây. Cái bóng ấy rõ ràng là đang rình hắn. Tiên hạ thủ, ý nghĩ ấy vừa loé lên trong đầu, hắn bóp cò. Ðoành. Tiếng nổ khô, lạnh. Cái bóng nọ gục xuống.
Chờ một lúc, thấy chung quanh vẫn im tĩnh, và trời lại hừng sáng, hắn mới chồm dậy, chạy lại bụi cây dò xét. Hắn giật mình thấy hắn đang nằm chết, viên đạn xuyên từ trán ra sau ót, nhưng không có một giọt máu nào cả. (Website Tiền Vệ - Truyện cực ngắn hay Truyện chớp)
Góp nhặt…ghi chép…
Nói về tinh thần chiến đấu của Sư đoàn 18 tại Long Khánh tháng 4-1975, ông Dawson (1), trưởng nhóm phóng viên hãng thông tấn UPI viết:
Trận đánh kéo dài một ngày nữa, rồi lại một ngày nữa, và cứ thế. Tướng Đảo và binh sĩ của ông đã đánh một trận đánh mà ít người dám nghĩ rằng họ có thể làm được. Bắc quân tung vào Xuân Lộc một sư đoàn nữa. Sư đoàn 18 vẫn tiếp tục chống cự.
Ngày 10-4. Bắc quân lại đánh vào giữa thị xã và lại bị đẩy lui.
Ngày 12, Bắc quân vẫn không tiến thêm được chút nào. Hai trung đoàn của quân đội Nam Việt Nam không những đã giữ vững được vị trí mà còn phản công dữ dội hơn… Thêm 2.000 đạn nữa rót vào Xuân Lộc, xé nát mọi vật. Sư đoàn 18 vẫn đứng vững. Tướng Đảo ở lại bên các binh sĩ của ông và tiếp tục chiến đấu…
(1) Alan Dawson trong tác phẩm Black April: The Fall of South Viet Nam.
Ngày thứ 34 : 12-4-1975
12 ngày trận chiến Xuân Lộc
Ngày 12-4, mặt trận Long Khánh được tăng cường lữ đoàn dù và một tiểu đoàn pháo, cuộc đổ quân bằng trực thăng vận đã được Sư đoàn 3 và 4 Không quân thực hiện đúng thời gian qui định. Lữ đoàn dù đã giao tranh dữ dội với Bắc quân quân để yểm trợ cho các lực lượng trú phòng. Hai tiểu đoàn Bắc quân đã đột nhập thị xã chiếm được một số cơ sở hành chánh quân sự, địa phương quân và Trung đoàn 43 đã dũng cảm đẩy lui địch, nhờ sự chiến đấu anh dũng của các đơn vị trú phòng Xuân Lộc vẫn còn đứng vững.
Ngày 12-4, đồng bào bỏ chạy khi Bắc quân tới Xuân Lộc.
Một người dân gục ngã trong vòng lửa đạn trên Quốc lộ 1
(Trọng Đạt)
Xuân Lộc tháng Tư
Tôi không có dịp tham dự vào cuộc phản công tái chiếm chợ Xuân Lộc, khách sạn Long Khánh cũng như những cuộc giao tranh trong khu trung tâm thị xã. Tin tức liên quan đến mặt trận hướng tây tôi hoàn toàn mù tịt. Suốt mười ngày dầu sôi lửa bỏng tháng tư TĐ82 BĐQ chỉ biết có mặt trận đông nam thị xã mà thôi. Bên hướng đông suối Rét là Lữ đoàn 1 Dù của Trung tá Nguyễn Văn Đỉnh (K15 VB) làm búa. Bên hướng tây suối Rét là cái đe do tôi chỉ huy.
Giữa tháng Tư, Lữ đoàn 1 Nhảy dù tung ra nhiều đợt tấn công nhắm vào một trung đoàn Bắc quân trong đồn điền chôm chôm hướng đông nam suối Rét. Chúng tôi ở bên này bờ, hào hứng quan sát pháo dù nổ rền trời phía bờ bên kia. Từ nơi đồn điền Thống tướng Lê Văn Tỵ, cán binh từng tốp chạy túa ra bìa rừng, nhảy ùm xuống suối Rét.
Những tay súng BĐQ nhả đạn từ từ và chính xác. Những người lính Bắc quân bật lên khỏi mặt nước như những con cá trắm cỏ, quẫy mạnh một lần rồi chìm luôn để thành…tử sĩ. Những tiếng hô “Biệt Động! Sát!” hòa lẫn tiếng súng M16, M60 làm cho một số cán binh vừa ló đầu ra đã vội chạy ngược lại phía bìa rừng. Rồi cũng có người cầm cờ trắng chạy từ trong bìa rừng ra bờ suối, súng AK dơ lên cao khỏi đầu: Thế là họ đầu hàng!
– Thôi! Vứt súng xuống suối rồi lội sang đây! Vứt súng xuống suối! Dơ tay lên cao khỏi đầu, lội sang đây! Nghe rõ chưa?
– Dạ cháu nghe rõ ạ!
Tôi và người phóng viên nhà báo mồi cho ba anh cán binh ba điếu thuốc lá. Họ còn rất trẻ, chỉ độ mười lăm. Bơ phờ mất ngủ, mắt quầng thâm.
– Cậu mấy tuổi rồi?
– Dạ thưa thủ trưởng, cháu lên mười sáu ạ!
– Sao đi bộ đội sớm thế? Mới mười sáu mà đã đi lính rồi à?
Chuyện một thời chinh chiến
Dép râu dẫm nát đời son trẻ
Nón tai bèo che khuất nẻo tương lai
– Cháu là thanh niên xung phong. Thủ trưởng của cháu nói rằng miền Nam giải phóng rồi, chúng cháu chỉ vào để tiếp thu thôi ạ!
– Thế đánh nhau mấy ngày nay cậu thấy thế nào?
– Thưa thủ trưởng, nhà cháu sợ lắm ạ!
– Thôi đừng sợ, chốc nữa có người đưa cậu về Sài Gòn. Hết chết rồi, đừng sợ!
– Thủ trưởng có nói thật không hử thủ trưởng? Nhà cháu sợ chết lắm thủ trưởng ơi!
Đôi mắt trẻ thơ ngơ ngáo. Ngón tay cậu bé run run cầm điếu thuốc đưa lên môi, chỉ sợ nó rơi…
(…)
- : Tiểu đoàn 82 Biệt động quân biên phòng của Thiếu tá Vương Mộng Long. Phải nói qua đơn vị kỳ lạ nầy với sự tồn tại tưởng như huyền thoại. Tiểu đoàn 82 vốn thuộc Quân khu II cao nguyên, khi mặt trận Ban Mê Thuột bị vỡ, thiếu tá Long vừa đánh vừa rút lui xuống đồng bằng. Từ Ban Mê Thuột, thiếu tá Long đưa đơn vị vượt cao nguyên Di Linh băng rừng về Bảo Lộc (nằm trên Quốc lộ 20 khoảng giữa đường đi Đà Lạt), ông tiếp tục băng rừng theo hướng tây nam về Long Khánh. (1)
Ngày 6-4 (gần một tháng sau trận Ban Mê Thuột), tướng Đảo nhận được công điện khẩn từ tiền đồn. Một đơn vị lạ với quân phục biệt động quân xuất hiện. Sau khi kiểm chứng với bộ chỉ huy Biệt động quân Quân khu III (Biên Hòa), tướng Đảo dùng trực thăng bốc toán quân của thiếu tá Long, một tiểu đoàn biệt động chỉ còn khoảng 200 người. (Nguồn: Phan Nhật Nam)
Lạc đạn
(1) Tác giả Vương Mộng Long hướng dẫn Liên đoàn 24 Biệt động quân từ Quảng Đức tìm đường ra biển để bắt tay với quân bạn. Khi liên đoàn được trực thăng vận về Phan Thiết thì Tiểu đoàn 82 Biệt động quân được đưa thẳng về sân bay Long Khánh đặt thuộc quyền xử dụng của Bộ tư lệnh Sư đoàn 18 BB của Chuẩn tướng Lê Minh Đảo.
(Nguồn: Vương Mộng Long)
Quân sử ngoại truyện
Ngày 13-4-1975, Thiếu tướng Hoàng Cầm bị thay thế, Thượng tướng Trần Văn Trà, tư lệnh quân giải phóng Miền đến sở chỉ huy chiến dịch để chỉ đạo trực tiếp. Sau khi đánh giá tình hình, tướng Trà (1) quyết định thay đổi cách đánh: Không tập trung lực lượng tấn công vào nội ô thị xã mà chuyển sang bao vây, cô lập, cắt rời Xuân Lộc ra khỏi các hành lang giao thông nối vào Biên Hòa, ra Bình Thuận, lên Đà Lạt và xuống Bà Rịa-Vũng Tàu.
Theo đó, quân giải phóng chỉ giữ lại một bộ phận kìm chế quân địch trong thị xã, điều chỉnh lực lượng, tổ chức tấn công đánh chiếm ngã ba Dầu Giây, cắt đường số 1, chặn quân địch từ Trảng Bom lên, từ Gia Kiệm về, làm chủ chi khu Tân Phong, cắt đường số 2 đi Bà Rịa.
(Chiến tranh Việt Nam toàn tập - Nguyễn Đức Phương)
(1) Sự thay đổi kế hoạch này, không do tướng Trà mà từ tướng Dũng:
Chiều ngày 11-4, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Trần văn Trà duyệt soát lại kế hoạch tấn công. Dũng có ý kiến: “Nếu địch tăng cường lực lượng phòng thủ Xuân Lộc thì ta không cần phải tập trung lực lượng để tấn công chúng nữa. Chúng ta nên xử dụng sức mạnh của mình để đánh những lực lượng ngoại vi trước khi chúng đặt chân xuống đất (lữ đoàn dù).
- : Xem “Người lính giữa tháng Tư” của Phan Nhật Nam ở khúc trên.
Quân sử ngoại truyện
Ngày 15-5-1975 duyệt binh mừng ngày giải phóng miền Nam và ra mắt Ủy ban quân quản thành phố Sài Gòn-Gia Định. Trong cuộc lễ này, trên khán đài có các thành viên của Bộ chính trị Hà Nội như Lê Duẫn, Trường Chinh, Lê Đức Thọ… Và các đại biểu Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam là Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Nguyễn Thị Bình, v.v. Hàng ghế sau dành cho các tướng lĩnh như Văn Tiến Dũng, Trần Văn Trà, v…v…
Khi các đoàn quân lần lượt di quyển qua khán đài, người ta thấy toàn là bộ đội chính quy Bắc Việt, nào đội tên lửa phòng không, chiến xa, pháo binh… với cờ đỏ sao vàng. Còn đại diện quân MTGPMN chỉ có một toán nhỏ nam, nữ du kích, mặc đồ bà ba đen, đội nón tai bèo. Thấy vậy, chủ tịch chính phủ lâm thời Huỳnh Tấn Phát đưa mắt nhìn chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ…Chủ tịch Thọ quay sang Lê Duẩn, hỏi:
- Đồng chí tổng bí thư, các Công trường 3, 5, 7 của quân giải phóng đâu cả rồi, sao không thấy xuất hiện?
Lê Duẫn không trả lời quay ra phía sau nói:
- Xin hỏi đồng chí Đại tướng Văn Tiến Dũng.
Văn Tiến Dũng trả lời lạnh lùng:
- Quân đội đã sát nhập rồi!
Nguyễn Hữu Thọ lại hỏi:
- Ủa, sát nhập hồi nào sao tôi không hay?
Văn Tiến Dũng đáp:
- Đất nước nay đã thống nhất thì tất nhiên phải thống nhất quân đội,
Ngọn đồi cuối cùng
Cứ cách nhau 3 phút là các phóng pháo khu trục cơ cất cánh và đáp xuống phi trường. Trên bãi đáp trực thăng số 42, đang có 4 chiếc gồm 2 chiếc vận tải loại lớn Chinooks CH47C và 2 trực thăng võ trang UH1D đang sắp sửa cất cánh. Nhiệm vụ: Tiếp tế đạn cho một tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 48 Bộ binh đang đụng địch ở chân núi Thị, một ngọn núi chế ngự hết cả vùng của đồn điền cao su Xuân Lộc rộng lớn (S.I.P.H.), và đang chuẩn bị chống trả những trận tấn công dữ dội hơn của Bắc quân.
Thiếu tá Luân, 36 tuổi (với 4.000 giờ bay, 12 huy chương), đã chấp nhận cho tôi cùng bay với ông ta. Chúng tôi sẽ nghỉ đêm tại mỏm núi và sáng sớm ngày mai chúng tôi sẽ bay lượn trên khắp vùng trận địa 60 cây số dàn quân của chiến trường Xuân Lộc trên Quốc lộ 1 và Tỉnh lộ 24.
Có một số thợ máy mặc quần áo chống cháy đang gắn những tấm lưới thép dưới lườn thực thăng Chinooks CH47C và chất đầy ắp các thùng đạn vào đó. Trong phòng lái là thiếu tá Luân và sĩ quan hoa tiêu. Bên trái của tôi là một sĩ quan pháo binh có cả ống nghe trên mũ và ống nói dưới cằm. Phía sau, hai bên hai ụ súng là hai anh xạ thủ với hai khẩu đại liên 50 chĩa ra ngoài, và dưới lườn trực thăng có hai ống phóng mỗi ống chứa 8 quả rốc kết. Chúng tôi cất cánh lúc 18 giờ 15 phút. Trực thăng lấy cao độ và trực chỉ hướng đông. Xuyên qua các đám mây chúng tôi thấy một đường thẳng dài của Quốc lộ 1, lấm chấm có vài dấu nổ của đạn pháo: Đó là tác xạ ngăn chặn của pháo binh Sư đoàn 5 đang phòng thủ các ngõ vào Trảng Bom.
Trực thăng sau đó chui qua các đám mây xuống thấp, bay rà rà trên các ngọn cây cao su của hãng S.I.P.H. Trên một con đường mòn thẳng vắt ngang đồn điền cao su, trên 12 xe vận tải molotova chở đầy bộ đội đang chạy rất gần. Thiếu tá bẻ cần quẹo gấp, Luân đưa trực thăng nằm đúng ngay trên trục của đường mòn. Thình lình hai, rồi bốn rung chuyển ngắn làm chấn động chiếc trực thăng. Bốn quả rốc kết đã được Luân phóng đi từ hai ống phóng và nổ đúng vào đoàn xe vận tải của Bắc Việt. Nhiều tiếng nổ dữ dội cho thấy là các quả rốc kết đều trúng mục tiêu. Lửa, khói và miểng đạn bắn ra tung tóe gần như bao trùm chiếc trực thăng, vì nó bay rất thấp. Chiếc trực thăng võ trang UH1D rung lên từng chập. Các đại liên thôi thì thi nhau nhả đạn. Xuyên qua cửa ngang hông được mở toang ra, trong chớp nhoáng tôi thấy một chiếc xe đang cháy và những tên bộ đội bé nhỏ mặc quân phục xanh bị cháy đang nhảy tứ tung như những tia lửa bắn lên tứ hướng từ một cục than hồng. Thế rồi không còn nghe thấy gì nữa cả.
Chiếc Chinooks CH47C lại bay rà lên trên tấm thảm xanh của rừng cao su, chỉ còn nghe tiếng phành phạch của hai cánh trực thăng. Cuộc tấn công vừa rồi chỉ kéo dài có 20 giây. Sáu phút sau, chúng tôi đã thấy núi Thị. Một mỏm đá với một chòm cây và một gian nhà lớn chỉ còn nửa nóc. Đó là biệt thự của chủ đồn điền cao su. Thiếu tá Luân đáp xuống một bãi đất rộng được đánh dấu bằng mấy trái khói mầu vàng, nằm cao hơn mỏm đá. Một anh thiếu úy đưa chúng tôi đến bộ chỉ huy của trung tá Phát, một phòng lớn ở tầng trệt của biệt thự, có bao cát chung quanh, và một số bàn đầy máy móc truyền tin và điện thoại. Trung tá Phát hớt tóc ngắn, cầm to, tôi có cảm tưởng ông toát ra sức mạnh và nghị lực. Trung tá Phát bắt tay tôi, tay kia đấm Luân một phát, rồi đãi chúng tôi mỗi người một cốc cà phê nóng có chế vào một chút rượu mạnh, xong vùa cười vừa nói:
– Các anh đừng lo, căn nhà này chắc lắm, toàn là xi măng cốt sắt. Năm 1947 biệt thự này đã bị cháy và người Pháp đã bỏ đi. Hai chục năm sau người Mỹ lại sửa lại, tăng cường tới nóc nhà bằng các tấm thép. Họ đặt mấy chiếc máy lạnh và sơn phết lại hết, màu xanh lá cây.
Rồi sau đó ông ta nghiêm sắc mặt lại, nói với thiếu tá Luân :
– Tôi đã mang lên được trên ngọn đồi nầy 4 khẩu 105 ly và 3 khẩu 155 ly. Nhưng tôi thiếu đạn, tôi chỉ có 30 quả cho mỗi khẩu. Tôi cần gấp ba lần như thế, và một số đạn bích kích pháo. Anh cố tìm mọi cách mang lên đây cho tôi. Đi làm 6 hay 8 chuyến. Và làm sao để tôi có một chiếc AC-119K trước 12 giờ đêm và cho nó trực thôi, sẳn sàng chờ lệnh, vì bọn Bắc quân chắc chắn sẽ chơi tôi vào lúc 2, 3 giờ sáng.
– Hai chiếc Chinooks đang mang đến cho anh 3 tấn đạn. Họ sẽ đến đặt trước nhà cho anh trong một vài phút nữa thôi. Về phần còn lại tôi sẽ làm cho anh tối đa.
Thiếu tá Luân tiến tới một máy truyền tin và gọi Biên Hòa,
Trung tá Phát đốt một điếu thuốc, lật bản đồ ra và giải thích cho tôi nghe về tình hình…
Sư đoàn 18 và Liên đoàn Biệt động quân của đại tá Phước đã đánh nhau với bọn nó trong suốt 12 ngày ở thành phố Xuân Lộc đổ nát nầy. Họ đã lãnh đủ hơn 20.000 quả pháo và rốc kết. Nhưng họ đã bắn sụm 37 chiến xa T54. Thứ hai vừa rồi, Bắc quân đã bọc vòng phía sau thành phố chiếm lại giao lộ Suzannah và sơi luôn một đoàn xe tiếp tế của mình. Sau đó họ bố trí cẩn thận hai bên ngã tư, điều chỉnh sẳn tác xạ và để 2 sư đoàn gần đó trong tư thế chờ đợi, hy vọng đánh tan xác chúng ta khi ta rút quân. Nhưng tướng Đảo đã “chộp” được chúng nó.
Trưa thứ hai tướng Đảo đã phản công và giải tỏa phần đất chung quanh phi trường trên hơn 2 cây số, đồng thời xin tiếp tế đạn thật nhiều cả bằng trực thăng và thả dù. Sau đó ngày thứ ba, nghĩa là mới hôm qua đây, thay vì lui về ông đã cho cả sư đoàn đi thẳng về phía trước theo trục các đồn điền Courtenay, Xa Bang, Bình Ba, Bà Rịa. Ông đã bất thần phá vỡ vòng vây Bắc quân, mang theo tất cả thương binh, tất cả xe cộ (50 xe vận tải và trên 30 chiến xa). Để giúp cho tướng Đảo thành công trong sự điều quân của ông ta, chúng tôi đã cho 2 tiểu đoàn đánh ngược hướng tiến quân của chúng để cho Bắc quân tưởng rằng chúng ta sẽ rút lui về hướng Sài Gòn theo Quốc lộ 1. Tiểu đoàn dù tình nguyện đâm thẳng vào Gia Kiệm để cầm chân một trung đoàn địch. Tiểu đoàn của tôi đã băng ngang đồn điền S.I.P.H. đánh ngay sau lưng địch, hạ sát trên 300 tên, cắt hết đướng dây điện thoại của chúng, và bất ngờ đã bắn hạ 2 chiến xa T54. Chúng tôi đã lên thẳng trên ngọn đồi nầy vốn chỉ được có một đại đội địa phương quân phòng thủ, và chúng tôi đã mất hết hai ngày hai đêm để tổ chức vị trí phòng ngự. Muốn đuổi chúng tôi ra khỏi đây hả? Chúng cũng phải trả một giá hết sức đắt.
Thiếu tá Luân đã cất cánh với chiếc trực thăng của ông ta. Đêm đã xuống hoàn toàn. Binh sĩ đã nằm ở vị trí chiến đấu, Và rải rác ở phía bên đường dẫn xuống đồng bằng, giữa những hòn đá, ở những vị trí pháo binh và bách kích pháo, các xạ thủ củng đã sẵn sàng. Dài theo bìa phía đồn điền, là một đại đội biệt động quân với các khẩu trung liên, súng phóng lựu và súng không giật 57 ly. Phải biết chờ đợi và biết giữ yên lặng. Vào lúc 10 giờ đêm, có tiếng phành phạch của trực thăng Chinooks nghe được mỗi lúc một gần. Binh sĩ cho đốt những ngọn đèn mà ánh sáng chỉ có trên không mới nhìn thấy, đánh dấu bãi đáp để nhận hàng tiếp liệu. Những chiếc trực thăng đảo tròn trên bộ chỉ huy, với những kiện hàng nặng trong các lưới thép lòng thòng dưới lườn. Chỉ trong vòng vài phút, họ đã đặt các kiện hàng xuống đất, hệ thống dây bịt thả ra hết và trực thăng lại bay đi. Và họ trở lại hai lần nữa. Từ xa, các tiếng nổ của đại bác gầm thét như những tiếng sấm trong cơn mưa. Nhưng cơn bão mà chúng tôi đang chờ đợi lại không thấy tới. Nằm gọn trong một hốc đá, tôi không tài nào ngủ được. Chỉ nghe tiếng dế gáy liên hồi…
Nhưng đến 3 giờ sáng thì mọi sự đều biến chuyển. Nhiều chùm lửa đỏ rực của pháo binh Bắc quân bay vào ngọn đồi. Có một số cây bị trốc cả gốc lên. Rồi có một đợt tiếng la vang dội dưới chân các mỏm đá, phía dưới chân đồi. Đó là lệnh xung phong của Bắc quân. Bộ đội Bắc Việt tấn công trực diện dọc theo hai bên con đường. Binh sĩ miền Nam không bắn phát súng nào. Họ chờ cho “bộ đội” đến gần hơn dưới 100 thước. Và lúc đó tất cả các loại súng đều nổ một lượt. Mấy ống bich kích pháo nhắm vào hai bên đường, nã đạn, nòng súng gần như thẳng đứng cho tầm tác xạ ngắn lại. Pháo binh 105 ly tác xạ ở cự ly 0 độ. Thấp hơn phía dưới, về phía bên trái các khẩu trung liên của biệt động quân nổ như bắp rang. Có vài trái sáng được bắn lên xé tan màn đêm tối, cho thấy các bóng người tan tác, ngã lăn oằn oại dưới đất với những tiếng kêu la thảm thiết. Rồi hai chiếc AC119K lại xuất hiện, đang xé gió bay tới…Sau tiếng gầm, lao xuống như hai con chim ưng gặp mồi và dùng các khẩu đại liên điện bắn như mưa xuống đám cán binh Bắc Việt còn sống sót đang tháo chạy tán loạn dưới cánh đồng. Có nhiều tràng pháo 130 ly bắn quá ngắn nên rơi hết xuống đám rừng làm trốc gốc thêm một số cây. Pháo binh 155 ly của miền Nam phản pháo lại cũng dữ dội như sấm sét..
Đến 5 giờ sáng thì mọi tiếng súng đều ngưng. Lúc trời sáng tỏ binh sĩ mới cẩn thận bước ra khỏi phòng tuyến và đi lần xuống đồi, súng lăm lăm cầm tay sẳn sàng nhả đạn. Trên mặt đất có rất nhiều xác của cán binh Bắc Việt mặc quân phục xanh lá cây, đội nón cối.
Đại úy Nhân trao cho tôi một ly cà phê nóng và nói:
– Đêm rồi mọi việc đều rất tốt. Nhưng mà họ sẽ trở lại. Một tiếng đồng hồ nữa thiếu tá Luân sẽ có mặt ở đây, và anh sẽ về với ông ta.
Vào 7 giờ sáng tôi lên trực thăng của thiếu tá Luân, và chúng tôi cất cánh, lên cao độ 1200 bộ và bay về hướng bắc. Nhìn từ trên cao, Xuân Lộc chỉ là một đống gạch vụn đầy bụi, duy nhất chỉ còn mỗi lầu chuông của nhà thờ sừng sững như một ngọn hải đăng. Trực thăng đổi hướng về hướng đông và xuống thấp là là trên ngọn cao su. Qua khỏi đồn điền Hàng Gòn, chúng tôi thấy một đoàn xe dài của Bắc Việt, các chiến xa, các xe pháo binh, và xe vận tải chở đầy cán binh đang di chuyển dài trên mấy cây số ngang nhiên như chỗ không người và không thấy có nghi trang. Thiếu tá Luân tạt thật nhanh đi chỗ khác, dùng vô tuyến báo động ngay cho Biên Hòa và vọt thẳng lên cao độ 1500 bộ. Mười phút sau, chúng tôi chứng kiến một cảnh tượng quá kinh hồn. Hai, rồi bốn, rồi sáu chiến đấu cơ A37 đâm bổ xuống tác xạ từ phía sau của đoàn xe gây nhiều đám cháy, lửa khói mịt mù…
Vài giây sau đó lại có hai chiếc vận tải cơ C130 thả xuống từ trên cao hai thùng tròn đen, có dù và khi gần chạm đất gây ra hai tiếng nổ thật kinh khủng và phi thường, tiếp theo sau đó là hai lằn ánh sáng ngắn màu xanh kỳ dị. Hai ngọn khói hình nấm tròn bốc lên cao với một luồng gió mạnh phi thường đến nỗi trực thăng của chúng tôi ở cao độ 1500 thước bị lắc lư rung chuyển thật mạnh, rồi rơi tuột xuống một khoảng không như một hòn đá, đến cao độ 800 bộ mới lấy lại được thăng bằng. Khi khói tan mới thấy được con đường ngổn ngang đầy xe cộ bị lật ngã, nghiêng ngữa, tan nát, các khẩu pháo bị tung xuống hố và thây người chết nằm rãi rác trên 200 thước bề ngang, cây cối bị trốc gốc ngã lộn nhào đưa cả rễ lên trời. Thật là một cái nhìn khiếp đảm, cả một sự hủy diệt chỉ trong nháy mắt. Thiếu tá Luân cho trực thăng bay sà xuống đường và bắn hết tất cả rốc kết dọc theo hai bên đường. Không có một tiếng súng bắn trả:
Thì ra thiếu tá Luân đã bắn vào một đoàn người chết…..
Sau khi đáp xuống sân bay Biên Hòa, thiếu tá Luân vừa cởi nón bay ra vừa nói với tôi:
– Anh có thấy rõ mức độ thiệt hại không? Hai thùng tròn đen được thả xuống ban nảy là hai trái bom CBU 55. Một đầu đạn được gắn vào phía trước hai thùng đen đó là bộ phận kích hỏa phát nổ gần mặt đất. Như vậy là không có góc độ “tử giác”. Trong vòng 150 thước đường bán kính, không còn một chút không khí nào hết, dĩ nhiên là không còn dưỡng khí ở đâu cả. Cộng thêm với làn sóng cực mạnh của sức nổ. Đây là một loại vũ khí kinh hoàng, chỉ có thể dùng nó khi nào địch quân tập trung đông đảo thì mới có hiệu quả cao.
– Như vậy họ dùng thuốc nổ loại nào?
– Tôi cũng không biết chính xác cho lắm. Loại bom nầy đã có từ lâu rồi, nhưng vì sợ dư luận của dân chúng Hoa Kỳ nên người Mỹ chưa bao giờ xử dụng. Khi rời khỏi Việt Nam, họ để lại cho chúng tôi một số loại bom này và có dặn chúng tôi là chỉ nên xử dụng khi nào tối cần thiết, coi như đó là biện pháp sau cùng. Gần như đây là loại vũ khí của “cơ may cuối cùng”, chúng tôi đã xử dụng nó trong vòng 3 ngày nay.
(Pierre Darcourt)
Ngày thứ 35 : 13-4-1975
12 ngày trận chiến Xuân Lộc
Ngày 13-4, lực lượng VNCH vẫn giữ vững vị trí, nhờ sự yểm trợ chính xác của không quân, pháo binh, lực lượng phòng thủ đã gây thiệt hại nặng nề cho Bắc quân.
(Trọng Đạt)
Xuân Lộc tháng Tư
Một hôm, đại tá Hiếu gọi tôi vào máy để “check fire”. Tôi liếc qua nơi cần hỏa tập. Ồ! Cái tọa độ ấy chẳng liên hệ gì tới quân bạn, không trở ngại! Rồi đại tá Hiếu lại gọi tôi vào máy để “check fire”. Rồi tôi lại trả lời: Không trở ngại!, Cứ vậy, ba bốn lần hỏi qua, đáp lại. Chiều hôm ấy tôi nghe một tiếng “ùm!” âm vang hướng đông bắc. Tôi đã từng nghe B52 đánh cận phòng nhiều lần trên chiến trường cao nguyên Vùng 2. Tôi đã nghe quen tiếng những trái bom 500 cân Anh, 300 cân Anh thun thút từ trên mây xanh, những tiếng “ủn!… ủn!” theo đuôi nhau chui trong không khí kiếm mục tiêu. Nghe tiếng bom nổ chùm, tôi có thể phân biệt được đó là Box 3kmx1km, Box 2kmx1km, hoặc Box 1kmxkm. Tiếng “ùm!” lần này có vẻ như âm vang của một Box B52 đánh gọn ô vuông mỗi chiều 1kmx1km ngày nào?
Tôi thấy một cột bụi đỏ dâng cao dần dần tới mây. Trời cao và mây xanh ngắt. Một chiếc C130 còn lượn trên vùng. Tôi nghĩ, chắc chiếc C130 là tác giả cú “ùm!” vừa qua. Mãi sau này tôi mới biết tiếng “ùm!” đó là một trong hai trái CBU 55 (1) (hay CBU 85) được xử dụng trong trận Xuân Lộc. Một trái được thả xuống vùng Suối Tre hướng tây bắc Long Khánh, tôi không nghe báo cáo, trái thứ nhì thì được thả xuống chận đường kẻ thù đang nhắm tiến vào khu vực phòng thủ của Trung đoàn 43/SĐ18 BB trong đó có Tiểu đoàn 82 BĐQ tăng cường.
Một sớm mai, từ hướng đông, chiến xa địch dàn hàng tiến về vòng đai phòng thủ Xuân Lộc. Đại tá Hiếu gọi tôi và cho biết lần này bộ binh tùng thiết của Bắc quân có vẻ đông hơn những đợt tấn công trước đây nhiều. Pháo binh bạn đã bắn tối đa để chận địch. Tôi thấy vài cột khói bốc lên từ những chiếc tank bị cháy. Có một chiếc T54 bị bắn đứt xích cách vòng rào trại PB181 không xa lắm. Chúng tôi nghe tiếng búa của bộ đội Bắc quân gõ trên thành xe, chúng đang sửa cái xe tank bị đứt xích! Pháo binh từ trong vòng đai liên tiếp trực xạ hướng vào chiếc T54 bị thương. Địch không phản ứng. Tiếng búa chạm sắt cũng im. Họ án binh chờ lệnh? Rồi bên quân bạn cũng không thấy ai yêu cầu tác xạ thêm, pháo binh của ta cũng tạm ngưng.
(Vương Mộng Long)
(1) Theo tướng Lê Minh Đảo, 2 trái bom đó là: BLU 82.
Quân sử ngoại truyện
Theo nhận xét của Hà Nội về Trung tướng Hoàng Cầm của họ có đoạn như sau:
Quân đội đối phương hoàn toàn bị động. Tướng Cầm quá vội vã, muốn thắng mau, nên luôn luôn lúng túng. Họ sử dụng quân lính tân binh nhiều, không có kinh nghiệm chiến đấu.
Thượng tướng Trần Văn Trà cho pháo tấn công sân bay Biên Hòa, không cho máy bay ném bom từ đấy bay đến yểm trợ Xuân Lộc. Tướng Trà cho chiếm Dầu Giây, và đường 20, áp sát Biên Hòa, là sở chỉ huy Quân đoàn III của tướng Toàn, lúc này, cục diện chiến trường thay đổi, bộ chỉ huy của tướng Toàn bị uy hiếp. Trước đó mấy ngày, tướng Toàn còn cho quân và máy bay, pháo đến yểm trợ tướng Đảo. Thì nay, chính tướng Toàn phải ra lệnh cho tướng Đảo rút khỏi Xuân Lộc, để về cứu nguy cho tướng Toàn. Thế tức là tướng Trà không cần đánh trực tiếp vào Xuân Lộc nữa, mà vẫn đuổi được tướng Đảo ra khỏi Xuân Lộc.
Đến đây, lại thấy người chỉ huy là rất quan trọng. Nếu quân đội Hà Nội của ta cứ tiếp tục để ông tướng xoàng Hoàng Cầm chỉ huy trận Xuân Lộc, thì có lẽ toàn bộ Quân đoàn 4 của Hà Nội cứ tiếp tục bị cầm chân ở Xuân Lộc, thì có lẽ cục diện chiến tranh cũng sẽ có sự thay đổi lớn. Tướng Trà thay tướng Cầm, nên cục diện chiến trường thay đổi nhanh chóng.
(Chiến tranh Việt Nam toàn tập - Nguyễn Đức Phương)
(còn tiếp)
Đăng ngày 08 tháng 11.2016