Những điều chưa biết về vua Quang Trung
Ngô Nhân Dụng
Nhân Tết Đinh Dậu lại nhớ chiến thắng của vua Quang Trung, cách đây 228 năm, vào Tết Kỷ Dậu (1789). Nhiều bản tin báo chí trong nước tường thuật lễ kỷ niệm “chiến thắng Ngọc Hồi-Đống Đa 1789” viết rằng “…đồn trại giặc ở Khương Thượng bị phá hủy khiến tên Thái Thú Điền Châu Sầm Nghi Đống phải thắt cổ tự tử…”, Gò Đống Đa (1) nằm ở Khương Thượng, phía tây nam thành Thăng Long.
(1) Thanh sử gọi gò Đống Đa là Loa Sơn.
Trong lời tường thuật trên có chi tiết không đúng, là “Thái Thú Điền Châu Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử.” Nhưng không thể trách tác giả viết câu trên, vì hầu hết các sách lịch sử ở miền Nam cũng như miền Bắc, đều kể rằng Sầm Nghi Đống tự ải. Những người không theo dõi các cuộc nghiên cứu lịch sử mới đều lập lại như vậy.
Thực ra, Sầm Nghi Đống không giữ chức “thái thú” của Điền Châu, vì quan chế đời nhà Thanh không phong chức đó. Ông ta chỉ giữ chức “tri châu,” tức là đứng đầu một vùng sắc tộc thiểu số (2), ở Điền Châu, bên Tàu. Và ông ta đã chết trận, chứ không tự ải. Chúng ta biết được điều này, cũng như nhiều điều mới về vua Quang Trung, nhờ các công trình nghiên cứu của học giả Nguyễn Duy Chính; năm ngoái ông mới xuất bản 4, 5 cuốn sách về lịch sử Việt Nam thời Tây Sơn. Theo Nguyễn Duy Chính, dẫn từ Cao Tông Thực Lục của cung đình nhà Thanh, thì “…truy cứu những người sang đánh An Nam chết trận có thổ tri châu Điền Châu là Sầm Nghi Đống,…” (và kể thêm tên những người khác). Tài liệu này ghi chép về thời Cao Tông, tức Vua Càn Long là người sai quân sang đánh nước ta, nằm trong bộ Thanh thực lục, in năm 1986 tại Bắc Kinh.
(2) Có thể vì Sầm Nghi Đống là người sắc tộc thiểu số nên khi Càn Long đòi hỏi nhà Tây Sơn dựng miếu thờ các tướng tử trận năm KỶ Dậu (1789) ở Thăng Long không có tên Sầm Nghi Đống.
Nguyễn Duy Chính đã tìm tòi rất nhiều tài liệu để soạn các bộ sách mới về thời Tây Sơn, đặc biệt về vua Quang Trung. Ông đã dùng các bộ sử nhà Thanh, các bản báo cáo của quan lại gửi về và những thư trả lời, những mệnh lệnh của vua Càn Long, những văn kiện rao đổi giữa triều đình nhà Thanh và Việt Nam, để viết những cuốn Việt Thanh Chiến Dịch, Việt Thanh Nghị Hòa, Giả Vương Nhập Cận, vân vân. Giới sử học trong và ngoài nước đều công nhận đây là những công trình đóng góp lớn lao vào sử học nước ta. (…) Trong vài chục năm qua Nguyễn Duy Chính đã bỏ công đi tìm tài liệu ở Bắc Kinh, Đài Bắc, Việt Nam, các thư viện ở Mỹ, Pháp, Nhật Bản, Nam Hàn, vân vân, cung cấp cho độc giả người Việt những hiểu biết mới về một đoạn lịch sử oanh liệt, bi hùng, trong một thời kỳ nhiễu nhương nhất của dân tộc.
Câu chuyện Sầm Nghi Đống thắt cổ tự tử trên đây chỉ là một thí dụ về những điều chúng ta vẫn biết lầm về thời Vua Quang Trung. Thực ra, có hàng trăm điều quan trọng vẫn bị hiểu lầm về người anh hùng độc đáo này. Hãy nêu mấy câu hỏi làm thí dụ: Vua Quang Trung có sang Trung Hoa diện kiến vua Càn Long hay không? Vua Quang Trung có xin cưới công chúa nhà Thanh hay không? Ngài có ý đòi nhà Thanh trả lại đất Quảng Đông hay Quảng Tây cho Việt Nam hay không?
Trong cuốn Giả Vương Nhập Cận, Nguyễn Duy Chính đã chứng minh rằng Quang Trung đã đích thân sang dự lễ mừng thọ của Càn Long, mà việc này chính là một hành động ngoại giao giúp cho bang giao giữa hai nước được hòa bình sau khi Quang Trung đánh đuổi quân Thanh.
Chúng ta cũng biết thêm rằng vào năm 1792, vua Quang Trung đã cho người đề nghị Phúc Khang An, tổng đốc Lưỡng Quảng, làm môi giới xin hỏi cưới con gái vua nước Tàu, và đòi lại bẩy châu thuộc vùng Hưng Hóa của nước ta cũ, đã bị nhà Minh chiếm từ đầu thế kỷ 15. Nhưng có lẽ Phúc Khang An không bao giờ có dịp trình các vấn đề này cho vua Càn Long, vì khi về đến Bắc Kinh ông ta được phái đi ngay sang Tây Tạng, suốt hai năm, khi ông trở về thì Quang Trung đã qua đời. Hơn nữa, Nguyễn Duy Chính đã truy cứu “sổ gia đình” của Càn Long, và thấy rằng ông này có 17 con trai và 10 con gái, nhưng cô con gái út cũng đã lấy chồng từ năm Kỷ Dậu, 1789, năm chiến thắng Đống Đa. Tuy nhiên, nhờ có chuyện cầu hôn không thành này cho nên đời sau được đọc những bức thư trao đổi giữa Phúc Khang An và Ngô Thời Nhiệm. Khi họ Phúc nêu lên một khó khăn là nhà Thanh không bao giờ gả các công chúa cho người ngoại tộc, họ Ngô đã đáp lại rằng điều luật này chỉ áp dụng đối với người Hán, còn người Mông Cổ vẫn cưới con gái hoàng tộc nhà Thanh, do đó, người Việt cũng phải được đối xử ngang hàng với Mông Cổ…”.
Ba câu hỏi trên đây chỉ là những thắc mắc đã gây tranh luận nhiều trong giới sử học trong hàng thế kỷ qua. Ngoài ra, còn rất nhiều chuyện người ta không thắc mắc, do đó cũng không bàn luận, nhưng biết không đích xác và sai lầm, nay được phủ chính. Chẳng hạn, sách giáo khoa môn sử thường viết rằng sau khi nghe tin quân Thanh xâm lược Vua Quang Trung mới lên ngôi hoàng đế, mục đích lấy chính danh kháng địch.
Nhưng trong Việt Thanh Chiến Dịch Nguyễn Duy Chính đã kể rằng nhà vua làm lễ lên ngôi trước khi quân Thanh sang đánh, do nhiều bằng chứng. Từ tháng tám năm Mậu Thân, Quang Trung đã phong cho con lên tước vương, có nghĩa rằng nhà vua đã tự coi mình là một hoàng đế. Nhật ký của các giáo sĩ thuộc Hội Truyền giáo chép rằng vua lên ngôi ngày 8 tháng 11 năm 1788, họ còn dịch bản hịch văn của Quang Trung sang tiếng Pháp. Tôn Sĩ Nghị chỉ tiến quân vào nước ta ngày 25 tháng mười một năm đó.
Nguyễn Duy Chính còn cung cấp nhiều điều chưa hề được kể trong sử sách. Ông mô tả chiến thuật dùng voi trận để áp đảo đám quân Thanh chỉ gồm lính bộ và cưỡi ngựa. Kỹ thuật công đồn của quân Tây Sơn được mô tả với nhiều chi tiết, như dùng ván gỗ có bánh xe (3) nhồi rơm che chở binh sĩ tiến đến chân đồn địch, rồi dùng ván làm cầu vượt qua hào nước hay hào chông. Sau đó rơm lại được dùng làm vật dẫn hỏa để đốt các cơ sở, nhà cửa, kho lẫm của quân địch. Nguyễn Duy Chính còn cho biết kỹ thuật công đồn này rất thông dụng ở miền Đông Nam Á, xuất phát từ miền Nam Á. Ông cũng trả lời những thắc mắc như: Tại sao trong số các vị chỉ huy của quân Tây Sơn lại nhiều người là đô đốc, với tên gọi nhưng không nói họ là gì? Tôn Sĩ Nghị có mải mê tiệc tùng rượu thịt ăn Tết nên bị đánh bất ngờ hay không? (Không!) Tại sao Tôn Sĩ Nghị thất trận mà không bị xử tội nặng? (Vì Càn Long cũng có lỗi!)
(3) Người ngọai sử chỉ thuật lại từ Liệt truyện. (Việt-Thanh chiến dịch, trang 209).
Mụ chữ tôi nghĩ dại “Liệt truyện” vẽ chuyện từ Tam Quốc Chí chuyện Khổng Minh chế ra xe trâu có bánh xe chả hiểu có hợp nhẽ chăng?
Với các tài liệu mới, Việt Thanh Chiến Dịch còn cho biết vua quan nhà Thanh đã tính bảo trợ cho Lê Chiêu Thống về nước rồi sẽ công nhận cả nhà Tây Sơn, phân chia nước ta làm đôi như thời Trịnh Nguyễn cũ. Đó cũng là một lý do khiến quân Thanh không đuổi đánh khi quân của Ngô Văn Sở rút lui. Ngược lại, Càn Long còn ra lệnh cho Tôn Sĩ Nghị lui quân sau khi đưa được vua Chiêu Thống về đến “Lê thành,” tức Hà Nội. Điều này giải thích tại sao Tôn Sĩ Nghị chạy về Tàu vẫn tự biện hộ rằng mình đã làm đúng ý cấp trên, về sau vẫn được trọng dụng.
Nguyễn Duy Chính trích dẫn nhiều lời khai của các quân nhà Thanh trở về xứ sau khi được trả tù binh, theo tài liệu Quân cơ xứ, còn tàng trữ trong Cố Cung Bác Vật Viện ở Đài Bắc. Một tù binh được thả kể khi chạy qua sông Nhị Hà, đến cầu phao thì cầu đã bị Tôn Sĩ Nghị sai phá vì sợ quân ta truy đuổi, “Cầu đã bị đứt chìm xuống nước, lại thêm số người ngựa bị trận voi đốt cháy chết chồng lên nhau đè cây cầu xuống sâu hơn. Người chạy qua đạp chân trên xác những người nằm dưới nước, chỉ có đầu nổi lên, phải đến ba dặm mới qua tới bờ bên kia; quần áo giầy dép ướt sũng, bỏ hết cả ngựa, cả yên cương trên cầu. Đọc biểu chương của các quan Tàu, mới biết Tôn Sĩ Nghị khoe rằng đã quyết lên ngựa tử chiến với quân ta, nhưng bị Hứa Thế Hanh ngăn cản, lấy lý do nếu Nghị chết thì “quan hệ đến quốc thể!” Sau khi bị các tướng níu cương ngựa không cho đi mấy lần, Tôn Sĩ Nghị mới nghĩ rằng Hứa Thế Hanh nói có lý. Nghị bèn bỏ trốn, Hứa Thế Hanh ở lại, chết trận.
Mỗi năm vào dịp Tết người Việt Nam vẫn kỷ niệm chiến thắng năm Kỷ Dậu của vua Quang Trung. Nhưng phải nói rằng nếu chỉ học lịch sử ở trường trung học thì chúng ta biết rất ít về vị anh hùng kiệt xuất này. Những công trình nghiên cứu của Nguyễn Duy Chính cung cấp rất nhiều điều mới. Thí dụ, một tài liệu của Hội Truyền Giáo Bắc Hà kể rằng trong trận Ngọc Hồi, Quang Trung cưỡi voi xung trận, quân sĩ thấy chủ tướng còn trên voi thì yên tâm. Nhưng khi nhìn thấy binh sĩ không đủ hăng hái, nhà vua bèn bỏ voi mà cưỡi ngựa để xung phong cùng tướng sĩ của mình. Ông dùng hai đoản đao, chạy ngang chạy dọc, chém rơi đầu nhiều tướng và binh lính địch. Một thí dụ khác, khi quân Thanh kéo sang nước ta, họ còn đúc một thứ tiền tệ riêng, đồng tiền mang niên hiệu Càn Long, nhưng mặt kia viết hai chữ An Nam. Quân Thanh đi tới đâu lại mua hàng hóa, thực phẩm và bắt dân Việt phải nhận đồng tiền “giải phóng” này!
Càng biết thêm về lịch sử dân tộc, người Việt càng ý thức kẻ xâm lăng từ đâu tới, với những âm mưu quỷ quyệt của họ như thế nào. Nhớ ơn Vua Quang Trung, người Việt càng vững tin vào ý chí độc lập bất khuất của dân tộc…
***
Thật tình mà nói, bởi học các cụ qua câu ca dao văn hay chẳng luận đọc dài, vừa mở đầu bài đã biết văn hay còn khúc cuối bài sau này thì sao…Có trước có sau, mụ chữ tôi học lóm người phương Tây vơi cái bệnh của người viết biên khảo, nói như Nietzsche: “Không viết lên được gì nếu không vay mượn trích dẫn từ người khác”.
Nay gặp khi thiên hôn địa ấm, là gặp lúc trời đất khó khăn, mụ chữ tôi “trích dẫn từ người khác”…từ nhà báo Ngô Nhân Dụng qua “Những điều chưa biết về vua Quang Trung” đến Nguyễn Duy Chính với Những nghi vấn lịch sử về triều đại Quang Trung.
Bèn nghĩ vụng “những điều chưa biết” và “những nghi vấn” có…khác nhau gì đâu.
(còn tiếp)
Trích "Chuyện người ngoại sử" - Tác giả: Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
Đăng ngày 16 tháng 04.2020