Sử quan
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
sử lịch sai trang
chạy quàng
là lịch sử…
Chạy quáng quàng thế nào chả biết nữa, ngỡ gặp “sử lịch sai trang” của cụ Bùi Giáng, lại đụng đầu với cổ sử Việt qua một nhà sử học cổ thụ miền Nam đã bậm bạch:
Trong những giai đoạn lịch sử của nước nhà, thời cổ sử là thời ít được nghiên cứu hơn cả và cũng là thời gian u ám nhất. Nếu không đào sới, moi móc thì người đọc khó mà thấy sự thực huy hoàng, đẹp đẽ của buổi hừng đông…
Sự thật đâu chả thấy, chỉ thấy nguyên nhân gì “bà Âu Cơ lại đẻ ra trứng”, vì vậy có một ông lang ta ở bên Tây đã vật vã với…cái trứng. Chuyện là khi có chứng tích ắt có nguyên ủy, và ông giải bày là ông học Nam sử bằng chữ Nho từ tấm bé, bỏ tiền túi sang tận bên Tàu năm lần mười lượt. Lọ mọ lên tận núi Ngũ Lĩnh, láo quáo xuống tận Động Đình hồ có con sông Tương tìm ra một nhánh sông tên Âu Giang. Ở đây có một giống chim là chim…hải âu. Thế là chuyện ông Lạc Long quân và bà Âu Cơ được giải mã: Chim phải đẻ ra…trứng.
Với đẻ đái, thêm ông lang Tây ở miến đất ấm tình nồng viết rất thử nghiệm, rất bệnh lý:
Để hiểu rõ cổ sử Việt ta, hãy đi tìm “mã số di truyền học” (genetic code) hay mã số DNA của vua Hùng vương. Muốn thế ta phải dựa vào bản thể của tế bào gốc của Tổ Hùng, tức là ta phải dựa vào tế bào cuống nhau, tế bào màng nhau, tế bào bọc con của vua Hùng vương. Mẹ của vua Hùng là U cò tức con cò gió, cò lả, cò lang. Cò lang tức cò trắng vì “lang” là trắng như bị chứng lang da (chứng vitiligo).
Thôi thì cứ để hai ông lang vật vã với chim cò. Vì đang thả hồn quan san, quan hòai đến các sử quan, sử gia hành ngôn, hành tỏi rất ư hàn lâm này kia, kia nọ. Bởi bị giời xiềng vào chữ nghĩa như anh tù văn, nên thiên cổ chi mê nhìn cổ sử Việt như một người cuồng sử, mụ sử với thời Hồng Bàng từ truyền thuyết đến chính sử qua bài văn sử này, thưa bạn đọc.
***
Bởi có một sử nhân ở ngoài nước cho rằng: “Chuyện Hồng Bàng là chuyện vớ vẩn khó tin!”. Thế nên thiên cổ chi mê tôi được thể vọ vạy với những sử gia trong nước…
Sử gia Đặng Văn Lung cho rằng một số tác giả: “Họ thường lấy truyền thuyết làm lịch sử, thậm chí có người đã sửa lịch sử lại cho đúng với truyền thuyết. Truyền thuyết là truyền thuyết, lịch sử là lịch sử, không thể đồng nhất được”. Theo ông ngay trong sử thời Hồng Bàng dường như cũng có hiện tượng này: “Theo tôi truyền thuyết cái bọc trăm trứng đoạn đầu nói Lạc Long Quân là con Lộc Tục, và Lộc Tục là con vua Thần Nông, một vị vua mở đầu lịch sử Trung Quốc, theo sử cũ, thì đó là do các sử gia thêm thắt vào. Lại lối đặt tên như Hùng Vương, Lạc Long Quân, Âu Cơ, v…v… cũng là do các sử gia ấy bịa ra”.
Ông gần gặt: “Nói chung, những người nghiên cứu sử đều biết!”.
Giáo sư sử học Trần Quốc Vượng cũng đã từng khẳng định: “Truyền thuyết không phải là lịch sử, không ít truyền thuyết được chuyển thành chính sử. Ví dụ lịch sử thời Hồng Bàng, Lạc Long Quân, Âu Cơ đã từ truyền thuyết dân gian đi vào chính sử. Ông cho lịch sử là câu chuyện: “Kể lại những bước đi của con người, sự việc thực được ghi lại bằng chữ viết”. Với ông chức năng của sử là tác phẩm viết về các sự kiện và nhân vật lịch sử”.
Nhà sử học kè nè: ”Mục đích của sử là ghi chép sự thật, không hư cấu”.
Với hư cấu, với “sử ký” về vua Hùng lần đầu tiên xuất hiện trong Việt điện u linh tập qua truyện Sơn Tình Thủy Tinh của Lý Tế Xuyên. Theo nhà bác cổ, bác vật Hòang Xuân Hãn:
Lý Tế Xuyên là quan Thủ Đại Tạng Kinh Trung Phẩm Phụng Ngự nhà Trần, ông giữ hương hoả bất tuyệt, ghi chứng tích các vị thần qua đền miếu, khảo dị qua Giao Châu Ký của Tăng Cổn là Thứ sử Giao Châu vào đời Đường, Qua chức vụ ấy, ông ghi lại trong Việt điện u minh tập với hậu ý mong trừ dâm thần, tà quái, yêu ma, vọng quỷ trong dân gian.
Trong Việt điện u linh tập, Tăng Cổn diễn tả vua Hùng chỉ là nhân vật phụ trong truyện Sơn Tinh, Thủy Tinh dài không hơn một trang giấy khổ nhỏ với hai ba đoạn ngắn ngủi như:
Vương và Sơn Tinh, Thủy Tinh làm bạn rất thân thiết ở ẩn tại động Châu Phong, Hùng vương có người con gái tên là Mỵ Nương, dung mạo tuyệt luân, nhan sắc khuynh thành. Thục Vương Phán sai sứ sang cầu hôn, vua muốn gả. Quan Lạc hầu cản rằng: Ông ấy muốn dòm dỏ nước ta đó. Hùng vương sợ sinh ra hiềm khích.
Qua Giao Châu ký, một nhà biên khảo, khảo sử qua văn sử đã hặm hụi:
Nhưng linh động và hồn nhiên nhất là giai thoại giữa Hùng vương và quan Lạc hầu. Hùng vương trong chuyện này là ông nhu nhược và ba phải. Qua đối thọai với quan Lạc hầu, nói lời nào chỉ thấy “vua muốn gả”, “vua sợ”, “vua cả mừng”, “Hùng vương mừng lắm” và “Hùng vương cho là phải”..v..v..Tài viết truyện của Lý Tế Xuyên là ở chỗ ấy. Ông làm cho người đọc mê theo dõi câu chuyện từng chi tiết nhỏ nhặt, càng đọc càng thấy thích thú (1).
Việt điện u linh tập được Lý Tế Xuyên viết năm 1329, vua Hùng không được nhắc đến nhiều, phải đợi Lĩnh Nam Chích Quái của Trần Thế Pháp với những truyền thuyết và thần tích trong dân gian để chứng tỏ nước ta cũng có quá trình “truyền kỳ” như người phương Bắc (2).
Thế kỷ 15, người tới sau xuất hiện gốc tích mù mờ, chẳng rõ thổ ngơi, chỉ biết tên là Trần Thế Pháp. Ông không phụng mệnh vua, vì chuyện “vua Hùng”, “Lạc hầu” của Việt điện u linh tập, ông viết Cội nguồn tộc Việt. Ông chắp vá truyện cổ tích ở vùng đất phía nam núi Ngũ Lĩnh của Tàu như Tài quý ký hay Nam Hải cổ tích ký để thành truyện. Tuy nhiên lưu danh thiên cổ vẫn là truyện…”người lấy cá đẻ ra trứng”. Đời Lê, cụ Vũ Quỳnh góp nhặt những truyện ấy thành tập đặt tên: Lĩnh Nam Chích Quái liệt truyện. Trong bài tựa, cụ viết:
(…) Nước Việt ta tự cổ là đất hoang dã nên việc ghi chép còn sơ lược, những chuyện chép ở đây, từ thời nào? Tên họ người hòan thành là gì đều không thấy ghi rõ? (…)
Theo những bước chim di với quan lộ, quan san cùng chiều dài, chiều dầy của lịch sử qua Tài quý ký, Nam Hải cổ tích ký với truyện…cổ tích ở bên Tàu. Vậy mà Trần Thế Pháp than: “Than ôi! Lĩnh Nam chích quái sao không khắc vào đá, viết vào tre mà chỉ truyền tụng ở ngòai bia miệng…”. Rồi từ “bia miệng”, ông viết truyện hư cấu…”người lấy cá”, để có con rồng cháu tiên ngày nay, để từ truyền thuyết thành chính sử như dưới đây, thưa bạn đọc:
Xưa cháu ba đời vua Thần Nông là Đế Minh, nhân tuần thú phương Nam rất “dế mèn phiêu lưu ký”, Ngài đi với người con vợ cả là Đế Nghi, đi bằng gì, đi năm nào, không thấy nói tới. Rồi đến núi Ngũ Lĩnh, gặp một nàng tiên sinh ra Lộc Tục. Ngài phong cho con bà cả là vua phương Bắc, con bà hai là vua phương Nam cho vẹn đôi bề. Con bà hai làm vua lấy hiệu là Kinh Dương Vương. Ông xuống thủy phủ lấy con gái hồ Động Đình sinh ra Sùng Lãm. Một chiều chẳng biết vua cha đi đâu, vua con Sùng Lãm bèn lên ngôi, xưng Lạc Long quân để trị dân. Dân lúc nào có việc cần kêu vua con: Bố ơi không đến mà cứu chúng tôi.
Một ngày “Bố ơi” gặp nàng Âu Cơ ở một mình…Nguyên văn trong văn bản nắn nuôi thì “Bố ơi” thấy đẹp lạ lùng, yêu quá, nên lấy làm vợ. Giáp một năm, sinh ra bọc trứng và nở ra trăm con. Chia đều làm hai, 50 theo mẹ lên núi, 50 theo Lạc Long quân trở về thủy phủ, Âu Cơ lại gọi như gọi đò sang sông: Bố ơi không về để mẹ con ta thương nhớ. “Bố ơi” về thật và nói: Ta là rồng ở thủy tộc. Nàng là giống tiên, ở trên đất. Thủy hỏa tương khắc khó mà ở cùng nhau. Âu Cơ trở lại huyện Bạch Hạc, phong cho con trưởng là Hùng Vương, đặt tên nước là Văn Lang, truyền được 18 đời và được gọi là thời Hồng Bàng.
Từ chuyện người núi đánh nhau với người nước của Lý Thế Xuyên, Trần Thế Pháp đã vay mượn thêm truyện Liễu Nghi trong Đường Kỷ của Lý Triễu “thuộc đời Tống” cùng “niên kỷ với đời Trần” về một thư sinh xuông thủy cung gặp công chúa thủy tề lấy nhau đẻ con. Ông bèn dàn dựng một nước Văn Lang, trải rộng tới hồ Động Đình, để sau này cái nhọt nẩy cái ung, học giả cũng như học thật, quại nhau chí chát như Sơn Tinh với Thủy Tinh. (3)
Lạc đường vào lịch sử với lạc đường nắm đuôi chó, lạc ngõ nắm đuôi trâu, bộ sử đầu tiên đưa truyền thuyết vua Hùng vào sử sách là Đại Việt sử lược, là bộ biên niên sử xưa nhất nước ta. Sách được phát hiện và được vua biết mặt chúa biết tên nhờ một trong tứ trụ sử gia Hà Nội là giáo sư sử học Trần Quốc Vượng. Đại Việt sử lược thất lạc nhiều năm, nhưng sau nhờ học giả người Nhật tìm thấy ở bên Tàu và được xếp vào Tứ khố toàn thư, sách mang tên Việt Sử lược, không ghi tên tác giả. Về phần “sử ký” Hùng vương được Tiên Hi Tộ (đời Thanh) hiệu đính ghi một đoạn ngắn, vỏn vẹn chỈ ba bốn hàng và không hơn (4):
(…) Đền đời Trang Vương nhà Châu (696-682 TCN), ở bộ Gia Ninh có người lạ dùng ảo thuật áp phục được các bộ lạc, tự xưng là Hùng Vương, đóng đô ở Văn Lang, đặt quốc hiệu là Văn Lang, phong tục thuần lương chơn chất, chính sự dùng lối kết nút. Truyền được 18 đời, đều xưng là Hùng Vương. (…)
Tiếp là Việt Nam thế chí của Hồ Tông Thốc (1324–1404), sách lại cũng bị mất khi quân Minh đô hộ. Nhưng may Lời tựa sách được Phan Huy Chú chép trong Lịch triều hiến chương loại chí cho biết Việt Nam thế chí chép18 đời vua Hùng giữa truyền thuyết và lịch sử (5):
(…) Đất Việt ta từ đời Hồng Bàng vào thời cõi xa, trong lúc sách vở chưa đủ, nếu cho là có thực thì “bởi đâu mà biết?”. Cho nên những chuyện cóp nhặt đều là lượm lặt ở chuyện đồn đại, trích lấy đầu đuôi để cho biết rõ về phả ký từng đời mà thôi, còn những sự tích lờ mờ khó xét, tạm giữ để đó, những chuyện quái đản không đợi phá cũng vỡ. (…)
Trăm dâu đổ đầu tằm bởi có một số sử gia mằn mò là cụ Ngô Sĩ Liên đã đưa vua Hùng từ Đại Việt sử ký vào Đại Việt sử ký toàn thư. Nhưng họ quên tiệt: Một là sử quan Lê Văn Hưu sửa Việt Sử lược thành Đại Việt sử ký năm 1272 nhưng đã bị thất lạc. Hai là Lê Văn Hưu mất năm 1332, trước khi Việt Điện U Minh Tập và Lĩnh Nam Chích Quái xuất hiện. Không thấy cụ Ngô Sĩ Liên nhận xét gì về sử phấm Việt Nam thế chí của Hồ Tông Thốc. Cụ hòan thành bộ Đại Việt sử ký toàn thư năm 1479 Hồng Đức thứ 10 thời vua Lê Thánh Tông. Cụ viết: “Trộm nghĩ may thịnh trị, tự thẹn không chút báo đền, nên không tự nghĩ sức học kém cỏi, lấy những bộ sách của tiền nhân trước đây và sửa sang lại. Thêm phần Ngọai kỷ”.
Vì đọc Ngọai kỷ lòi mắt thiên cổ chi mê tôi trộm thấy cụ là sử quan chừng mực. Cụ cân nhắc không đưa đọan Âu Cơ…”dâm lọan” hai chồng như Trần Thế Pháp viết Âu Cơ trước kia là “vợ của Đế Lai, con của ông bác ruột, tức anh họ của Lạc Long quân”. Ông anh họ chu du khắp thiên hạ ham vui quá quên khuấy cả ngày về. Ở nhà, ông em họ thấy Âu Cơ dung mạo đẹp lạ lùng và yêu quá. Nàng cũng thấy chàng nhi lang phong tú nên phải lòng ưng theo. Trong phàm lệ, cụ ghi: Cứ theo sự ghi chép ấy thì Kinh Dương Vương là em ruột Đế Nghi, thế mà kết hôn với nhau, có lẽ đời ấy còn hoang sơ, lễ nhạc chưa đặt mà như thế chăng?. Cụ làm ngơ bỏ qua một đọan trong Lĩnh Nam Chích Quái: Giáp một năm, sinh ra một bọc trứng, Âu Cơ cho là điềm không hay, nên đem vất bỏ ngòai đồng nội, hơn bẩy ngày sau, trong bọc nở ra một trăm trứng…
Vì chuyện lờ tít này, một sử gia riết róng: “Có lẽ là do ít ai không nhận ra những hạt sạn nhỏ nhặt. Hoặc nhiều người đã nhận ra rồi mà cho là nhỏ nên không bận tâm chăng?”.
Nhưng chả hiểu sao cụ Ngô Sĩ Liên lại đưa đất đai Văn Lang xa tít mù tới tận Động Đình Hồ. May mà cụ không tuồm luôm tới tên 18 đời vua Hùng, như con cả của vua Hùng, cụ chỉ ghi là “khuyết húy”.Cụ tiếp với phần Ngọai kỷ:” Thảng có hay hoặc dở, nhưng may ra cũng có thể giúp ích phần nào cho việc tra cứu tìm hiểu đời sau”. Việc tra cứu với Khâm Định Việt sử thông giám cương mục với họ Hồng Bàng, sử quan nhà Nguyễn vấy vá bằng vào cũng hai chữ “tương truyền” và sao chép như sử nhà Lê 300 năm trước với câu “Nhưng hẵng cứ chép lại để truyền nghi” . Riêng chuyện Âu Cơ đẻ ra 100 con trai, vua Tự Đức phê:
(…)Kinh thi có câu tắc bách tư nam, đó là lời chúc tụng cho nhiều con trai đấy thôi. Xét đến sự thực cũng chưa đến số ấy. Huống chi lại nói đếm trăm trứng! Nếu quả vậy thì khác gì chim muông, sao khác gì lòai người được. (…)
Với bắc giáp địa dư, tây giáp địa chí, bộ Khâm Sử nhà Nguyễn có phần cẩn án:
(…) Địa giới nước ta đông giáp Hợp Phố (phía biển), tây giáp Đại Lý (Vân Nam), bắc giáp Nghi Ung (Quảng Tây), nam giáp Chiêm Thành thì quả thực bờ cõi quá rộng rãi, chưa đời nào được như thế. Đại để nhiều sự việc trong Việt sử thất truyền đã lâu, không còn dựa vào đâu mà khảo đính được. Sử cũ lại chép quá xa, nào là hư truyền nước Văn Lang phía bắc giáp Động Đình hồ của nước Sở thì còn xa lắm, chẳng cũng xa sự thực lắm ru. (…)
Các sử gia sau ngầy ngật với nước Văn Lang và vua Hùng đã quên tuốt nhời dặn dò của cụ Ngô Sĩ Liên: “Nước ta thiếu sử sách biên khảo, mà đều do truyền văn. Sao chép có phần quái đản, phiền tạp, chỉ làm lọan mắt”. Mà lọan mắt, phiền tạp và quái đản thật…
Thật ra chuyện là thế này đây: Theo Keith Weller Taylor (The Birth of Vietnam) cho hay qua thư tịch cổ của Tàu hoàn toàn không có ghi nước nào mang tên Văn Lang hết. Tên Văn Lang lần đầu tiên xuất hiện trong Đại Việt sử lược, có lẽ sách “cóp” theo thư tịch Tàu vào thời nhà Đường 618-907. Tức tên Văn Lang được ghi vào sử sách ít lắm 800 năm sau khi nước đó ở bên Tàu “biến mất”, ít nhất trên danh hiệu. Vả lại tên hiệu bằng tiếng Hán vào lúc “nước” Văn Lang không biết một chút gì về chữ Hán. (6)
Thiên cổ chi mê tôi bơ bải theo nhà chép sử công phu, dài hơi đang ở ngoài nước thi:
Vương đầu tiên của người Việt là Kinh Dương vương, có thể hiểu đó là “vương của châu Kinh và châu Dương?”. Đất Kinh, mang tên loại cỏ kinh mọc thành bụi cao, đa số dân thuộc chi Âu, đại diện là Âu Cơ, đọc theo phát âm Mường : Ku-Cơ (Âu Cơ) và Quảng Đông đọc là Ngu Kơ, ưa sống miền núi rừng. Châu Thành Vương (1042-1021 TCN) phong cho Hùng Dịch tước tử ở nước Sở, còn có tên gọi là nước Kinh, để cai trị và ngăn chặn quấy phá của dân “man di” Yueh/Việt. Lãnh chúa của Sở là Hùng Thông tự ý xưng vương. Tiếp theo hàng chục đời, vua nước Sở bao giờ cũng có họ Hùng và tước vương. Hùng Dịch, Hùng Thông, Hùng Sì,… chữ Hùng viết y hệt như trong “Hùng vương” của Việt Nam.
ghi cuộc phân ly ấy. Theo bản Mường, Ku-Cơ biểu hiệu là con hươu đốm sao. Nàng mặc áo đen, dẫn 50 con đi về miền núi; Long Wang mặc áo vàng, biểu hiệu là loài cá, dẫn 50 con xuôi miền sông nước. (7)
Đến quan san, quan hà cách trở này, thiên cổ chi mê tôi chả hiểu từ nhà chép sử công phu, dài hơi, từ đất Kinh mới có người Kinh và “người dân tộc” là người Mường chăng?! Thêm chuyên dây cà ra dây muống với huyền thoại…người lấy cá đẻ ra trứng trong huyền sử ta chắp vá từ truyện của người Mường hay may vá từ truyện của Tàu qua Nam Hải cổ tích ký về một thư sinh xuông thủy cung gặp công chúa thủy tề và lấy nhau rồi đẻ con. Chăn trâu nhân thể dắt nghé không thể không quấy quả tới thiền sư Lê Mạnh Thát với Lục độ tập kinh và lịch sử khởi nguyên của dân tộc ta. Và chuyện là:
(…) Chuyện mẹ Âu Cơ đẻ 100 trứng có nguồn gốc từ nước Phật. Khoảng năm 400 sau CN. Truyền thuyết An Dương vương cũng không có thật, nó là phiên bản một chuyện của Ấn Độ. mô phỏng cuộc chiến giữa hai chi Kôrava và Pandava trong sử thi Mahabharata. (…)
Sư nói sư phải, vãi nói vãi hay thiên cô chi mê tôi chả biết đâu mà lần. Lần mò về The Birth of Vietnam, đài BBC phỏng vấn Keith Weller Taylor có 5 năm nghiên cứu sử Việt ở Hà Nội, giảng dạy môn lịch sử Việt Nam tại đại học Cornell, Hoa Kỳ:
Trước thế kỷ 20, những người mà hiện nay gọi là người Kinh, hay người Mường (* xem phụ đính) trước kia không bị phân biệt. Nhiều nhân vật lịch sử như Hai Bà Trưng, Đinh Bộ Lĩnh, Lê Lợi đã ở vùng đất của người Mường. Cũng theo Keith Taylor: “Năm 1925, tạp chí Nam Phong đã in hai bài về người Mường. Một là do một người Mường viết về những thế hệ lãnh đạo gọi Quan lang bao gồm Hùng Vương, Hai Bà Trưng (* xem phụ đính). Quan lang là tước hiệu của thủ lĩnh người Mường”.
Hay nói khác đi theo Keith Weller Taylor: Vua Hùng gốc gác là…người Mường.
“Móc nối” cùng sử gia phương Tây, sử gia tân đương đại miền Nam nắn no:
Thời Hùng Vương cùng lắm chỉ là một liên minh 15 bộ lạc, hoặc cùng lắm là một nhà nước sơ khai" với "Địa bàn hoạt động chỉ ở đồng bằng sông Hồng" và "thời gian hình thành chỉ khoảng thế kỷ thứ VII trước Công nguyên".
“Liên hệ” với Taylor có nhà sử học thâm căn cố đế Trần Quốc Vượng cho rằng…
Thời Hùng vương là một thời kỳ khuyết sử để dẫn đến sự khẳng định, phủ định sử Việt. Qua bài báo Từ Hoa Lư đến Thăng Long, giáo sư khảo cổ, cổ học viết: “Thời đại các vua Hùng không nên xem là một thời đại của vương triều. Văn Lang là cái tên xuất hiện trong sử một cách muộn mằn (Thời nhà Đường, thế kỷ thứ VII - IX). Tôi đã chứng minh rằng vua Hùng là một Pò Khun – thủ lĩnh mạnh nhất của một phức thể Khun (Vua = Bua = Pò, Hùng = Khun) tức hệ thủ lĩnh địa phương chiếm cứ vùng đỉnh châu thổ sông Hồng (Việt Trì)”.
Dàng dênh theo một nhà biên khảo, khảo sử miền Nam sau này…
Điều đó cho ta suy gẫm là nội dung của truyện được ghi chép bởi Trần Thế Pháp, người Hoa. Chuyện của Trần Thế Pháp chỉ muốn gán ghép nguồn gốc Hoa cho Lạc Long quân. Thành ra chúng ta chỉ nên coi chuyện Hùng vương trong Lĩnh Nam chích quái như dựa trên chuyện dân gian nào đó, thêm thắt tình tiết cho có vẻ ly kỳ. Các nhà viết sử thời cận đại chỉ tin vào những gì do Trung Hoa ghi chép nên lập lại gần như nguyên văn những ý kiến cũ. Trần Thế Pháp không không nói tới Hùng vương bắt đầu lên làm vua từ khi nào? Và vương vực của đất nước mà Hùng vương thành lập mở rộng đến đâu? (8)
Được thể thiên cổ chi mê tôi lại mon men tới nhà chép sử công phu ở trên:
Vua Hùng bắt đầu từ năm 2879 và kết thúc vào 258 TCN. Tổng cộng 2622 năm. Nếu chia ra 18 đời thì mỗi một đời vua kéo dài trung bình 146 năm. Một chuyện hết sức hoang đường. Đại Việt Sử ký toàn thư sao chép 18 đời vua Hùng rập y khuôn 18 đời vua nhà Hạ, triều đại Hồng Bàng ở bên Tàu. Khổ nỗi tất cả đều viết tên hiệu bằng…chữ Hán ròng. Thí dụ, Hùng Huệ Vương, Hùng Tấn Vương, v.v. Và vua Hùng này có lẽ nói với thần dân bằng tiếng Tàu, trước khi người Tàu đến nước ta cả ngàn năm (9).
Vẽ rết thêm chân thì sử gia tân đương đại vừa rồi đã…ngôn sử như vầy:
Họ có thói quen lười nhác, lặp lại lời kẻ khác. Nói nghiêm chỉnh hơn, đó là do tác động đến tận tiềm thức của thành kiến, để nô lệ một cách vô thức. Họ trích dẫn chủ quan sai lạc từ các sự kiện trong sách sử từ xưa tới nay để viết về sử Việt Nam.
Và chẳng thể ngô vôn bất tận trước đó với sử quan Ngô Thì Sĩ (1726-1780) là người đầu tiên tỏ rõ thái độ ngờ vực qua Việt sử tiêu án:
(…) Họ Hồng Bàng khởi đầu từ năm Nhâm Tuất và kết thức vào năm Quý Mão thì Hùng vương mất nước: Nhiều ít bù trừ lẫn nhau, mỗi vua ở ngôi hơn 120 năm. Người ta không ai là vàng đá, sao lại sống lâu như thế. Điều này không thể hiểu và tin được. (…) (10)
Như thiên cổ chi mê tôi đã đùm đậu cụ Ngô Sĩ Liên là sử quan cẩn trọng nên trong Đại Việt sử ký toàn thư, cụ chỉ gọi các vua Hùng theo thứ tự số, như Hùng vương thứ 6, thứ 12, v…v...18 đời vua Hùng được Nguyễn Bính (1572) vâng lệnh vua làm sáng tỏ hơn với các tên Hùng Dịch, Hùng Thông, v…v...(sau có tới 3 bản húy hiệu khác nhau). Thêm nữa với Mỵ Châu là cháu thứ 14 đời Kinh Dương vương, và Hai Bà Trưng là cháu vua Hùng thứ 18.
Thế nhưng không sử Tàu nào nhúc nhắc đến…18 đời vua Hùng ta. Vơ bèo gạt tép với Sử Ký, sử quan Tư Mã Thiên không chép về vua Phục Hy, Thần Nông thời kỳ Hồng Bàng của họ vì ông cho là huyền thoại. Với Thần Nông của họ, một triết gia, linh mục ta đã…“minh triết”, đã bắt quàng làm họ là người Việt mình. Với Phục Hy, sử gia miền Bắc quơ cao là người làng Cần Kiệm, huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây, nằm dưới chân núi chùa Tây Phương. Vì vậy cụ Phan Bội Châu đã châm lửa đốt trời: “Tàu nó mửa ra, ta lại nuốt vào”. Vậy mà với thời kỳ Hồng Bàng của họ được người Pháp khiêng từ Bắc Kinh về Hà Nội cất trong Viện Viễn Đông Bác Cổ, sử gia ta sau này lôi ra và dùng sử liệu Tàu để viết tiền sử Việt. Cho đến nay, thực ra người Tàu cũng chả biết gì nhiều về tổ tiên gốc gác họ, vậy thì sao có thể tìm tổ tiên gốc gác Việt từ Sử ký, Hán thư? Vì sử Tàu khi nói đến Bách Việt, họ nói tổng thể, không hẳn lúc nào cũng ám chỉ người Việt ta ở Giao Chỉ.
Chìm đắm hỏa mù dòng Bách Việt, sử gia Phạm văn Sơn trong Việt Sử Tòan Thư viết:
(…) Lấy gì để căn cứ nói rằng chúng ta là một trong nhóm Bách Việt và dẫn chứng bằng hình dáng, tính tìinh, phong tục và văn hóa để ấn định nguồn gốc và dòng giống ẩy. (…)
“Sự cố” là sử gia miền Bắc dựa vào thư tịch Tàu, cùng khảo cổ học, nhân chủng học chắp vá, họ trình bày thời tiền sử tộc Việt một cách đầu Ngô mình Sở khiến người đọc bị lạc đường. Họ không hay biết rằng sử gia tân đương đại miền Nam đã phang ngang bửa củi:
Ông Hùng Vương không có mặt trong Cáo bình Ngô 1428 thì không thể nào là tổ dân Việt được dù là có hàng chục, hàng trăm con cháu dâu rể nằm trong các đền đài đổ nát. (11)
Thấy người ăn khoai cũng vác mai đi đào, thiên cổ chi mê tôi bèn đeo theo sử gia tân đương đại như đỉa bám dái trâu:
Thế là có những bằng chứng đào xới từ trong lòng đất, vẽ ra một lịch sử hàng chục vạn năm của những con người-khỉ-vượn có thể kéo dài đến ngày nay qua các tên khoa học mà gợi nên sự tự hào dân tộc, làm nổi bật sự nối kết với Đại Việt sử ký toàn thư về một ông Hùng Vương, nếu có không văn minh tiến bộ thì cũng không xa cách lắm với ở các trung tâm cổ đại khác trên thế giới. Loại kết luận “đất nước ta thành lập cả hàng chục vạn năm”, nói ra thì có vẻ khôi hài nhưng chính nó đã làm nền tảng tin tưởng cho những người hùng hổ mắng mỏ những ai có chút hoài nghi về sự lâu dài của đất nước, sự hùng hổ có khi không phải do vấn đề sử học gợi nên mà vì đã lan qua đến tâm cảm đã định hình, được bồi đắp “trong vòng tay quyền bính hiện tại”. Thế nhưng ngoài sự vẽ vời, ông Hùng Vương dù được các sử gia, các học giả cho mang mũ áo đai hia, cũng không có dạng hình cụ thể, và các lớp đất đào bới hình như cũng cạn kiệt chứng liệu, không lấp đầy các tập Những phát hiện mới về khảo cổ học…hàng năm.
***
Và rồi từ huyền sử đến hiện thực qua…giấc Nam Kha như vày, thưa bạn đọc.
Tối rày, canh khuya trằn trọc vì hồi hôm phăm phở với những nhà dựng sử miền Bắc dàn dựng thời tiền sử tộc Việt đầu Ngô mình Sở…khiến người đọc như thiên cổ chi mê tôi bị lạc đường trông thấy. Rồi thiếp đi lúc nào không hay, và lạc vào cõi trên để có túc duyên gặp người trăm năm cũ là cụ Phan Thanh Giản. Cụ đồng thời là Quốc sử viện giám tu thời Minh Mạng, là người đã soạn thảo bộ Đại Nam nhất thống chí. Ấy vậy mà cụ đội mũ giống…cái nón cối, quần “sóoc”, chân mang giầy da bò. Và dường cụ như đang nhìn thiên cổ chi mê tôi muốn…dò hỏi chuyện gì đang rối trí đây. Thiên cổ chi mê tôi bèn thưa gửi với cụ là đang lạc đường vào lịch sử với nhân chủng học và khảo cổ học thế này thế kia, v…v…
Giở cái nón cối cầm tay, cụ cười tũn rằng năm 54, ông Hồ tới đền Hùng báo cáo anh, báo cáo chị công chiến thắng Điện Biên Phủ vừa mới xong và bảo với đám bộ đội đi theo: “Vua Hùng có công dựng nước, bác cháu ta phải cùng nhau giữ nước”. Cứ theo cụ bổm bảm thì với họ, sử nhân và lịch sử chỉ là công cụ của chế độ. Với nhãn kiến vi thật, tức nhìn thấy mới cho là thật như cụ đây bị Bộ trưởng tuyên truyền Trần Huy Liệu đội cho cái nón Việt gian theo Pháp. Hốt nhiên cụ cười tịt một cái mà rằng: Ngay như sử thần Ngô Sĩ Liên còn bị chụp cái nón cối nữa là. Là vào năm 1468, ngự sử văn đàn của vua Lê Thánh Tông là Trần Phong, ông phán quan đây mắng cụ như vặt thịt là: “Hán gian, gian thần bán nước”.
Ấy vậy mà từ Bộ trưởng tuyên truyền…”đột biến” bỗng đâu sét đánh ngang tai bác Hồ đang sống chuyển qua từ trần. Hơ! Xin lỗi nói lộn! Ông được chuyển qua làm Viện trưởng viện sử học. Thế là sử gia miền Bắc như xẩm vớ được gậy “nhất trí”: Chỉ có Hùng vương thôi, vì bác đã nói như thế. Và như con bò nhai lại với âm bản của sử quan nhà Nguyễn: “Hùng Triêu Vương, huý Cảnh Chiêu Lang làm vua 94 năm, sống 286 tuổi có 60 vợ, sinh 40 con trai & 16 con gái, có 56 chi và sinh ra 399 cháu chắt”. Tiếp đến họ vẽ ra cả một đường hướng nghiên cứu cổ sử Việt không cho phép sử gia nào khác làm khác được. Họ được thể bắt kiến nuôi voi theo định hướng tuyên huấn ca tụng “bác” qua hình nhân thế mạng là…cụ vua Hùng. Với “bác”, ngay như Hưng Đạo vương cũng chỉ đồng vai đồng vế qua một bài thơ về “cái tôi” ở đền Kiếp Bạc: Bác đuổi giặc Nguyên thanh kiếm bạc, tôi xua quân Pháp ngọn cờ hồng. Với “bác”, các sử gia đồng thiếp in hịt trongLĩnh Nam chích quái với truyền thuyết, thần tích để chứng tỏ nước ta cũng có quá trình “truyền kỳ” như người phương Bắc.
Truyền thuyết, truyền kỳ hơn nữa họ lập ra ngành khảo cổ để đào xới loạn cào cào châu chấu. Họ đào xới thế quái nào chả biết nữa nhè moi lên được….xác chết da đen Phi Chấu mới rách chuyện. Chuyện là tại di chỉ Mán Bạc tỉnh Ninh Bình phát hiện khu mộ táng với 30 thi hài người Australoid và Mongoloid. Đây là chứng cứ vững chắc cho thấy người Mongoloid từ phía bắc xuống chung sống với người bản địa Australoid để rồi chuyển hóa di truyền toàn bộ dân cư sang Mongoloid phương Nam, là tổ tiên người Việt ta hiện đại.
Người Mongoloid Bộ xương thời tiền sử
Liam Kelley, giáo sư Đại học Manoa công bố:
Vào ngày định mệnh 29 tháng 9 năm 1998, thuyết Quan hệ di truyền của dân cư Trung Quốc (Genetic Relationship of population in China) đã sụp đổ! Liam Kelley khẳng định:
Người hiện đại Homo sapiens sinh ra tại châu Phi 180.000 năm trước. 70.000 năm cách nay, người tiền sử theo bờ biển Nam Á tới Việt Nam. 40.000 năm trước, do khí hậu phương bắc, người từ Việt Nam đi lên khai phá vùng đất ngày nay có tên là…”Trung Hoa”. (12)
Cụ ôn tồn kiến giải qua cái nhìn của một nhà sử học mà theo cụ với bất ngôn nhi dụ, hiểu lơ mơ lỗ mỗ theo thiên cổ chi mê tôi là…là không nói ra cũng hiểu được như vày:
Chả là người phương Bắc muốn đồng hóa người Việt bằng cách cho rằng cả hai là một dòng của người Tàu, sau một ngàn năm đô hộ, họ để lại rơi rớt một ông con lai là Trần Thế Pháp với hai dòng máu Tàu-Việt. Vì vậy, qua Lĩnh Nam chích quái, ông này đây muốn gán ghép nguồn gốc Hán tộc cho Lạc Long quân. Các nhà chép sử bây giờ, với xu hướng chỉ tin những gì vào người phương Bắc nên cũng lập lại gần như nguyên văn những huyền thọai, huyền sử ấy thôi. Cụ thở hắt ra vì bất khả ngôn truyền, là không nói ra được…Thế nhưng với tích mặc như kim, là việc viết lách, không phí bút mực vì mực như vàng, cụ rè ràng:
Sử thần Ngô Sĩ Liên cũng như bất cứ ai, viết sử nhưng không có đủ tư liệu để mà viết, nhất là hơn “12 thế kỷ sau thời vua Hùng”. Chỉ vì sau nhiều năm bị đô hộ bởi Hán tộc, cụ sử thần mượn truyền thuyết Tam vương ngũ đế với 18 vua Hùng để quân bình ngôi thứ, hai chủng tộc mang cùng một huyết thống, hầu mong tránh cảnh nồi da xáo thịt. Lịch sử thêm một lần lặp lại với ông Hồ ở Việt Bắc, sau trận Điện Biên Phủ ghé thăm đền Hùng cho có chuyện nước non trước khi về “tiếp thu” Hà Nội. Thế là sử gia Hà Nội hoá thân thành sử thần Ngô Sĩ Liên “bảo vệ” 18 vua Hùng để quân bình ngôi thứ, hai chủng tộc mang cùng một huyết thống xưa kia cả hai là một dòng của người Hoa.
Tiếp, cụ ba điều bốn chuyện ngay như đền Hùng cũng có “khuyết sử”…
Đền Hùng thờ 18 đời Hùng vương ở núi Nghĩa Lĩnh, thuộc huyện Phong Châu, Phú Thọ. Theo Đại Nam nhất thống chí, sau khi Hùng vương mất, theo văn bia, thần tích, ngọc phả: Chính An Dương Vương vì cảm kích được Hùng vương nhường ngôi, đã lên núi Nghĩa Lĩnh dựng miếu thờ. Tuy nhiên những thần tích, ngọc phả được viết lại bởi các nhà nho sau ghi chép đầy đủ 18 đời vua với đầy đủ duệ hiệu, phả hệ các vua Hùng với tên tuổi cùng thời gian trị vào thời An Dương Vương là một điều chắc chắn không thể xảy ra. Cho đến nay, không có sử phẩm khả tín dẫn chứng đền Hùng dựng năm nào? Cụ thở ra mà rằng: Lĩnh Nam chích quái cho 50 người con của Lạc Long quân ngụp lặn quanh Ðộng Ðình hồ phía nam núi Ngũ Lĩnh. Đại Việt sử ký toàn thưmới in năm 1697 thời Lê Trịnh cho 50 con của Âu Cơ an cư lạc nghiệp ở Việt Trì. Tiếp đến sử quan nhà Nguyễn cãi nhau ỏm tỏi nên đặt Lạc Long quân là “vua mở đầu nước Việt” hay là Hùng vương? Ông vua Hùng thắng thế nhờ Tự Ðức: Vua Hùng là quốc tổ… là tổ tiên chung của dân tộc Việt Nam. Với núi Nghĩa Lĩnh ở Phú Thọ, sử quan nhà Nguyễn như xẩm vớ được gậy với chữ “Lĩnh” giống núi Ngũ Lĩnh bên Tàu nên đền Hùng được dựng lên. Cụ nhẩm chừng đền Hùng chỉ có mới có đâu đây.
Bằng chứng dấu vết tấm bia đá năm 1923, bia “Hùng miếu kỷ niệm bi” khắc chữ Hán Nôm ghi rõ chuyện trùng tu năm 1915 khi đang xảy ra Thế chiến I do Công sứ M.G. Guillard, Khâm sai đại thần Hoàng Cao Khải, và Tuần phủ Phú Thọ Hoàng Mạnh Trí dựng lên. Bỗng không cụ chép miệng cái tách như thạch sùng kêu mà rằng: Rằng năm 1928 thời Bảo Đại, sử thần Trần Trọng Kim sọan Việt Nam sử lược dựa vào Đại Việt sử ký toàn thư với truyền thuyết Hông Bàng. Chữ quốc ngữ phát triển, sáchđược đưa vào học đường làm sách giáo khoa, khiến truyền thuyết thành chính sử, rồi thẩm nhập lâu ngày nên không đổi được...
Chợt bối rối nhìn trời nhìn đất, cụ ôn cố tri tân mập mờ nhân ảnh mịt mùng gió mây…
nghe ngóng ít oi”. Hồ Tông Thốc căn cứ vào tục truyền nhờ…già làng kể lại. Nhờ vậy, Ngô Sĩ Liên sao chép thành chính sử cho người đời nay rồi cũng không đổi thay được nữa. Qua lời tựa, Ngô Sĩ Liên có nhắc một tên sách là Việt sử cương mục của Hồ Tông Thốc. Tuy không nói ra nhưng chắc Ngô Sĩ Liên còn biết đến một tên sách khác là Việt Nam thế chí trong đó có một chương chép thế phổ 18 đời Hồng Bàng. Theo cách giới thiệu của Phan Huy Chú thì tựa hồ còn thấy được ít ra là những mảnh vỡ thế phổ ấy còn lay lắt đến cuối thế kỷ XVIII.
Tiếp đến, quả thật người Pháp trong Viện Viễn Đông Bác Cổ đã cố công đào bới đất đai, phát hiện các nền văn hoá đá cũ, đá mới, đồ đồng có tên được giữ lại về sau: Hoà Bình, Đông Sơn. Họ đã đi sâu vào thời sơ sử Hùng Vương, thời Bắc thuộc, thời độc lập đầu tiên. Qua đến thế kỷ XX, quyển thông sử có ảnh hưởng rộng rãi là Việt Nam sử lược của Trần Trọng Kim đã ý thức được khuyết điểm của những sử gia đi trước: “Bất kỳ lớn nhỏ, hễ ai cắp quyển sách đi học thì chỉ học sử Tàu, thơ phú văn chương gì cũng lấy điển tích ở sử Tàu, chứ chuyện nước mình là nhất thiết không nói đến”. Cho nên với sự phổ biến chữ quốc ngữ, ông “lấy tiếng nước nhà mà kể chuyện nước nhà...để cho ai ai cũng có thể xem được sử..”. Lại nhờ tình thế mới, quyền hành nhà Nguyễn không với tới Hà Nội, tới các công chức “Bảo hộ”. Mặc dù ông đưa truyền thuyết Hông Bàng vào Việt Nam sử lược, nhưng đồng thời Trần Trọng Kim cũng đã đem nhà Tây Sơn vào chính sử với lời phân trần về sự công bình lịch sử với các triều đại trong quá khứ, bao hàm các triều Hồ, triều Mạc. Vương triều chấm dứt ở đây, bằng vào ở Ba Đình từ năm 1956 đến năm 1958, họ cấm sử gia miền Bắc viết về nhà Nguyễn vì họ kết tội nhà Nguyễn theo Pháp. Với những nhời nhẽ như: “Tối tăm, cực kỳ phản động, hủ lậu, mục nát, mù quáng, cực kỳ ngu xuẩn của bè lũ phong kiến, v…v...”. (11)
18 vua Hùng di cư vào Nam…
Đến tao đoạn này, thiên cổ chi mê tôi…thì mà là với cụ…là ở miền Nam, vì chiến tranh lan rộng cùng khắp, không có cơ hội cho những khảo sát thực địa. Trong khi ở miền Bắc, nơi có Hùng vương khởi phát, sử học và khảo cổ học miền Bắc có ưu thế hơn về địa vực với sự ủng hộ của chính quyền với chính trị thúc đẩy, đã hấp dẫn miền Nam qua một số sách hiếm hoi mang vào, thường bằng con đường Pháp, Phnom Penh hay Ủy hội quốc tế đình chiến. Vì vậy ở miền Nam, sử phẩm về vua Hùng cũng có đấy nhưng không nhiều.
Nếu có là có đền Hùng vất vưởng trong sở thú tại Sài Gòn, trước kia là “Đền kỷ niệm Âu chiến” lính An Nam chết trong trận Thế chiến thứ I ở Âu châu. Ngôi đền kỷ niệm chỉ mới được xây sau này, là món quà của người Pháp trả ơn cho lính thuộc địa đã sang mẫu quốc đánh nhau với Đức. Thiên cổ chi mê tôi thưa gửi với cụ trước kia ngoài Bắc không có lễ hội giỗ Tổ, mọi sự do cụ vua Khải Định dựa vào ngày giỗ tổ dân gian của dân bản địa rồi lùi lại một ngày. Về ngày lễ, bia 1923 ở đền Thượng ghi rõ: Tục lệ dân xã Hi Cương, phủ Lâm Thao lấy ngày 11-3 là ngày thờ thổ kì, tức thổ địa “Hùng vương” làm lễ riêng. Cụ vua Khải Định ra chiếu chỉ: Từ nay lấy ngày 10-3…trước khi đi Tây dự “Hội chợ thuộc địa Marseile” năm 1922. Từ đấy câu ca dao: “Nhớ ngày mồng Mười tháng Ba…” có từ hồi nào chả ai hay. Năm 2005, ai đó tạo tác thêm đền Tổ mẫu Âu Cơ ở núi Vạn tại Bắc Giang.
Ở miền Nam ngày lễ giỗ tổ 10-3trôi qua như những ngày kỷ niệm khác, hoài đồng vọng đến vua Hùng là những người gốc Bắc di cư hồi cố quận về nơi chốn xa cách với quá khứ. Bởi nhẽ ấy, vua Hùng ở miền Nam đã rẽ sang chiều hướng không phải sử học nhưng lại có dáng sử học, kết hợp với tình tự quê hương dân tộc thành một niềm hãnh diện tự kiêu.
Đang búi bấn đến trần ai khoai củ không phải sử học nhưng lại có dáng sử học, trong một phiêu hốt cụ lậu bậu: “Cái gì của lịch sử hãy trả lại cho lịch sử”. Thiên cổ chi mê tôi đành quen quén với cụ rằng,…thì, mà. là…là:
18 vua Hùng di tản ra nước ngoài…
75 đứt phim, thiên cổ chi mê tôi là thuyền nhân, phải giăng phải gió gì đâu chả biết nữa dòm thấy 18 vua Hùng cũng chèo thuyền theo. Nghe vua Hùng nhận nơi này là đất tạm dumg, cụ vạy vọ thế nào chả có sử nhân với sử sách. Thiên cổ chi mê tôi bèn lay lắt tới bài văn khảo Từ huyền sử đến sự thật của một sử nữ, cũng là nhà văn tỵ nạn đất Hưng Yên:
(…) Thật sự, những người quan tâm tới tới lịch sử, văn hoá nói chung không nhiều. Một số người còn tỏ vẻ coi thường, cho Hồng Bàng là chuyện vớ vẩn khó tin. Ngay cả với trống đồng nếu không xác nhận được địa bàn của tộc Việt, loại tranh cãi tỷ như ai là chủ nhân trống đồng, kinh Dịch, các nền văn hóa Ðông Nam Á, văn minh lúa nước, tiếng Việt/tiếng Tàu...chỉ loanh quanh giữa các tác giả người Việt, những tấm lòng son cô quạnh giữa hoang phế miếu đường. Trái lại, một số bài viết/tác phẩm công phu/dài hơi, huyền thoại hóa thêm truyền thuyết, khiến truyền thuyết/lịch sử dường như chỉ dành cho giới...viễn tưởng. Những buổi nói chuyện về tiểu phẩm/tác phẩm lịch sử chỉ lôi cuốn được một số người lớn tuổi, hoặc các cựu giáo chức sử/địa/ngôn ngữ. Những về nguồn, di sản văn hóa, giữ gìn bản sắc dân tộc, 4000 năm văn hiến...được lập đi lập lại trong các bài bình luận/diễn văn hiếm khi nêu rõ nguồn gì, di sản ấy là gì, bản sắc gì, giữ gìn thế nào, văn hiến tính từ hồi nào... (…)
Văn chương thiên cổ sự của người sử nữ có hơi tiêu cực, không bằng bài viết Về chuyện mới cũ của nhà văn ngoài nước Nhược Trần có phần nào tích cực gần như cực đoan nên thiên cổ chi mê tôi không dám trình với cụ Phan vì sợ cụ mắng cho rỗ mặt:
(…) Con người, xã hội và văn hóa Việt Nam có vấn đề, lấn cấn rất nhiều vấn đề. Tôi ví nó như một lọ mắm nêm, vừa ngon, vừa đậm đặc lại vừa có cái mùi thum thủm khó ngửi. Ở đây, những điều được xem là “bản sắc”, là “cá tính dân tộc” hay “đặc thù văn hoá” cần phải được xét lại toàn bộ. Thử xem, sẽ trải bao thế hệ nữa, dân Việt mới thôi không còn ngửa mặt ngạo nghễ về những thành quả của những tự hào về các ý niệm mơ hồ như “bốn ngàn năm văn hiến”, “con rồng cháu tiên”, “dân tộc anh hùng”, v…v…đã thật sự thiếu cơ sở và trở nên vô cùng lố bịch. Việt Nam sẽ muôn đời không thể ngóc đầu lên được, nếu chúng ta mãi cứ tự mãn về cái nguồn gốc rồng chim của mình. Một dân tộc thấp kém mới phải thường xuyên bám víu vào huyền thoại, tự kỷ ám thị để làm cuộc “phong vương” cho mình. (…)
***
Từ hồi nào ở đất khách quê người, với đường mưa ướt đất…
Một ngày thiên cổ chi mê tôi quáng quàng từ “sử lịch sai trang,…chạy quàng,...là lịch sử” của cụ Bùi Giáng đến lược sử cội nguồn của tộc Việt để đưa bạn đọc về một thời hồng hoang của cổ sử qua những trích dẫn này nọ, tham khảo này kia. Ngoài tận tín thư bất như vô thư, từ đông sang tây sử sách ở đâu cũng có những vũng lầy của riêng nó. Như một nhà sử học cổ thụ miền Nam đã dòm dỏ: Xưa và nay, nói chung các sử gia xưa thường chép sử chứ không trình bầy. Các sử gia nay nặng về sưu tầm chứ ít tra cứu, và nếu có tra cứu gặp nhiều khó khăn, phức tạp và chính vì tính cách phức tạp của khó khăn. Họ đã nhẩy qua vũng lầy của lịch sử, để dễ dãi chấp nhận những gì của những sử gia đi trước.
Với những rối rắm của bài văn sử chữ nghĩa dày đặc như ruồi bu này đây, thiên cổ chi mê tôi không biết làm gì hơn là nhẩy qua…Đại Tây dương đi tìm Fustel de Coulanges. Ông sử gia phương Tây đang lúi húi với quả địa cầu bằng gỗ mà rằng: Sự thật của lịch sử là gì? Sự thật của lịch sử là quả cầu tròn, mỗi người chỉ nhìn được một phía.
Thạch trúc gia trang
Ngộ Không Phí Ngọc Hùng
(viết xong Giáp thân 2004
thêm bớt Ất Mùi 2015)
Nguồn:
Việt Điện U Minh Tập – Lý Tế Xuyên
Lĩnh Nam Chích Quái - Trần Thế Pháp
Đại Việt Sử Ký Tòan Thư – Ngô Sĩ Liên
Việt Nam Sử Luợc - Trần Trọng Kim
Bài viết còn được góp nhặt qua những tác giả:
Trần Đại Sỹ, Hà Văn Thủy, Tạ Chí Đại Trường,
Nguyễn Xuân Quang, và Trần Thị Vĩnh Tường.
Và:
(1) Việt Điện U Linh Tập 1960 : Lê Hữu Mục
(2) Nhìn lại sử Việt : Lê Mạnh Hùng
(3) Lĩnh Nam Chích Quái 1959 & Việt Điện U Linh Tập 1960 : Lê Hữu Mục
4) Việt Nam tinh hoa : Thái Văn Kiểm
(5) Hồ Tông Thốc là người đưa thời đại Hùng Vương vào chính sử : Hồ Sĩ Hủy
(6) Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương - Nước Văn Lang : Nguyên Nguyên
(7) Thử đọc lại truyền thuyết Hùng Vương : Nguyên Nguyên
(8) Lĩnh Nam Chích Quái 1959 : Lê Hữu Mục
(9) 18 đời vua Hùng Vương: Một ý niệm về liên tục : Nguyên Nguyên
(10) Tiến tình văn hóa Việt Nam : Nguyễn Khắc Thuần
(11) Những bài văn sử : Tạ Chí Đại Trường
(12) Học giả Mỹ viết gì về sử Việt : Hà Văn Thủy
(*) Phụ đính:
Linh mục Léopld Cadière là một sử gia và nhà ngôn ngữ học danh tiếng người Pháp, trong biên khảo Dialectes du Annam (1902) đà đi kết luận rằng hai sắc dân Mường-Việt vốn là anh em họ hàng, cùng một chủng tộc nhưng chia làm hai theo cổ thuyết con rồng cháu tiên:
Một đằng ở đồng bằng, duyên hải. Một đằng ở cao nguyên, miền núi Bắc Việt.
(Người Việt gốc Chàm – Nga Sơn)
Đăng ngày 11 tháng 7.2015