Võ Nhơn Trí sinh tại Sa Đéc. Học trung học ở Sài-gòn, Pnom-penh. Học đại học ở Pháp (tốt nghiệp trường QG Tổ chức Kinh tế & Xã hội ENOES, Tiến sĩ Luật) và ở Anh (Ph.D. kinh tế).
Năm 1960 từ Paris về Hà nội. Chuyên viên nghiên cứu ở Ủy ban Khoa học Xã hội VN (viện Kinh tế Hà nội và viện Khoa học Xã hội Sài-gòn 1961-1984).
Cựu đảng viên đảng Cộng sản Pháp (1952) và đảng Cộng sản VN (1961). Năm 1980 bị công an bắt vì lý do chính trị; sau đó xin ra khỏi đảng CSVN. Trở qua Pháp cuối năm 1984. Từ năm 1985 đến 1991 nghiên cứu về kinh tế VN ở các viện nghiên cứu: Institute of Development Studies Sussex (Anh), Institute of Developing Countries Tokyo (Nhật), Institute of Southeast Asian Studies (Singapore), Australian National University Canberra (Úc) và Centre National de Recherche Scientifique Paris (Pháp).
Tác phẩm đã xuất bản:
- Croissance économique de la République démocratique du Viet Nam 1945-1965 (ELE, Hà nội, 1967)
- Viet Nam: the third five year plan 1981-1985, performance and limits - N°4, Indochina report (Special Issue)
- Socialist Vietnam's economy 1975-1985. An assessment - Monograph VRF Series, N°139 (Inst.Dev.Eco.Tokyo, Jan.1987)
-Vietnam's Economic Policy Since 1975 - Int.South.Asian Stu.Singapore & Allen & Unwin Sydney, 1990.


 

  • Nguyễn Trãi: “Ung dung ta nói điều ta nghĩ,
  •                      Uốn lưỡi theo người quyết chẳng theo”.
  • Karl Marx: “Tự do phê phán là một đức tính”.
  • P. Dehaye: “Chính quyền nào mà không chịu nghe những lời cảnh cáo về sai lầm của mình là một chính quyền yếu đuối".

Tác giả thân ái tặng cuốn sách nhỏ này cho tất cả các bạn yêu chuộng tự do dân chủ, nhất là các bạn đang dũng cảm đấu tranh ở trong nước


Cùng một tác giả:

Võ Nhân Trí, Croissance économique de la République démocratique du Viet Nam (1945-1965), ELE, Hà Nội, 1967 

Võ Nhân Trí, Vietnam: the third five-year plan 1981-1985. performance and limits, No 4, Indochina report (Special Issue), Oct. – Dec.1985, Singapore. 

Võ Nhân Trí, Socialist Vietnam’s economy, 1975-1985. An assessment, Monograph V. R. F Series, No 139, Institute of Developing Economies, Tokyo, January 1987. 

Võ Nhân Trí, Vietnam’s Economic Policy Since 1975, Institute of Southeast Asian Studies, Singapore, 1990 và Allen & Unwin, Sydney, 1990. (Tái xuất bản 1992).

 Cùng với các tác giả khác:

Nguyễn Ðức Nhuận, Võ Nhân Trí et al, Le Vietnam post- révolutionnaire (1978-1985). Asie – Débat 4, L’Harmattan, PARIS, 1987 – (Võ nhân trí : «Cải tạo XHCN trong nền kinh tế Việt Nam, 1975-1985»)

D.G. Marr & C. P. White (Chủ biên), Postwar Vietnam : dilemmas in socialist development, Southeast Asia Program, Cornell University, Ithaca, New York, 1988 (Võ Nhân Trí : «Chính sách của ĐCS và thành quả kinh tế : Bàn về kế hoạch ngũ niên lần thứ 2 và thứ 3»)

Southeast Asian Affairs 1988, Institute of Southeast Asian Studies, Singapore 1988 (Võ Nhân Trí: “Việt Nam 1987: Luồng gió “Ðổi Mới”)

J. Soedjati Djiwandong & Yong Mun Cheong, Soldiers & Stability In Southeast Asia, Institute of Southeast Asian Studies, Singapore 1988 (Võ Nhân Trí: “Việt Nam: kết hợp xây dựng kinh tế với quốc phòng”)

Mio Tadashi (Chủ biên), Quan Hệ Quốc Tế và Đông Dương, Viện Quan Hệ Quốc Tế Nhật Bản, 1988 (Võ Nhân Trí: “Hợp tác kinh tế Xô-Việt 1975-1987”, bằng tiếng Nhật). 

Dean Forbes et al (Chủ biên), Đổi Mới, Vietnam’s Renovation, Policy & Performance, Political & Social Change Monograph No 14, Research School of Pacific Studies, The Australian National University, Canberra, 1991 (Võ Nhân Trí: “Khía cạnh chính trị và xã hội của quá trình đổi mới”)

Hội Thảo: Hậu quả 50 năm cầm quyền của tập đoàn cộng sản, Tập Hợp Ðồng Tâm, Úc Châu ấn hành, Sydney (Úc), 20.08.1995 (Võ Nhân Trí: “Chính sách đổi mới hiện nay: phân tích và phê phán”). 

Kỷ Yếu Hội Thảo Chính Trị, International Committee for a Free Vietnam World Seminar and Vietnamese Political World Conference 1996, Washington D. C. , April 23 & 24, 1996 (Võ Nhân Trí: “Mười năm đổi mới kinh tế: chính sách và thành quả”). 

Tạp Chí Ðông Á, Số đặc biệt về cuộc Hội Thảo Chính Trị Năm 2000 của Phong Trào Thống Nhất Dân Tộc & Xây Dựng Dân Chủ tại Hoa-thịnh-Ðốn, tháng 09.2000 (Võ Nhân Trí: “Quan hệ biện chứng giữa phát triển và dân chủ”). 

Hội thảo: Việt Nam: Dân chủ hóa và thế địa lý chính trị tự lập, “American Enterprise Institute For Public Policy Research” bảo trợ xuất bản, Washington, D. C. , USA, 2002 (Võ Nhân Trí: “Phải làm gì để có tăng trưởng cao và bền vững?”)

_______________

 

Việt Nam cần đổi mới thực sự

 Võ Nhơn Trí

 

LỜI TỰA

Đại văn hào Pháp Victor Hugo đã từng nói: "Chủ nghĩa cộng sản là giấc mơ của một vài người, [nhưng] là cơn ác mộng cho mọi người".  Nhận xét này rất phù hợp với trường hợp Việt Nam trong mấy chục năm qua. 

Sau một thời gian dài thực hiện chủ nghĩa xã hội cổ điển (còn được gọi là "chủ nghĩa xã hội hiện thực") và thấy rằng nó đã thất bại, Đảng cộng sản Việt Nam (ĐCSVN) đã đem ra áp dụng, từ đại hội lần thứ 6 của họ (tháng 12.1986), cái gọi là "Chủ nghĩa xã hội đổi mới" (gọi tắt là "đổi mới"). 

Trong quyển sách nhỏ này, chúng tôi sẽ bàn trước tiên về Ý thức hệ (còn được gọi là "tư duy") của chính sách "đổi mới" này: nó bao gồm học thuyết Mác-Lê- Đặng (Đặng Tiểu Bình) và cái gọi là "Tư tưởng Hồ Chí Minh", (Chương I). Trong Chương II, chúng tôi sẽ phân tích quá trình "đổi mới" kinh tế trong thời kỳ 1986-2001, nêu lên những đặc điểm của nền "Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa", và nhận xét về các thành quả của công cuộc "đổi mới" này. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ không đi sâu vào vấn đề này vì đã bàn về nó ở chỗ khác rồi (xem phần chú thích). Trong Chương III, chúng tôi sẽ lần lượt bàn về "vai trò lãnh đạo" của ĐCSVN, sự áp dụng nguyên tắc "tập trung dân chủ", những khuyết điểm của tập đoàn lãnh đạo cộng sản, những sai lầm của họ trong chính sách đối nội và đối ngoại, sự thiết lập cái gọi là "chuyên chính vô sản" nhưng về thực chất là chuyên chính của tập đoàn lãnh đạo ĐCS, các đặc điểm của cái gọi là "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" hoặc "Nhà nước của dân, do dân và vì dân", và cuối cùng về bản chất cuả cái gọi là "Dân chủ xã hội chủ nghĩa".  Trong phần Kết luận, sau khi bàn về quan hệ biện chứng giữa "đổi mới" kinh tế và "đổi mới" chính trị và chứng minh rằng chế độ Hà Nội hiện nay, sau hơn 15 năm "đổi mới", vẫn còn là một chế độ xã hội chủ nghĩa về cơ bản, chúng tôi thử đưa ra một chương trình hành động tổng quát nhằm phi xã hội chủ nghĩa hoá chế độ này, hay nói một cách khác nhằm dân chủ hoá đất nước, cả về mặt đối nội (chính trị và kinh tế) lẫn đối ngoại. 

Về nguồn tài liệu sử dụng trong quyển sách này thì chúng tôi dựa chủ yếu vào các sách vở, tạp chí nghiên cứu, thống kê chính thức xuất bản ở trong nước. Ngoài ra, cũng có sử dụng nhiều tài liệu do các tổ chức tài chính quốc tế xuất bản, các sách vở, tạp chí và báo chí ngoại quốc. Chúng tôi cũng có tham khảo các tài liệu do Việt kiều xuất bản vì trong đó thường có những tư liệu rất bổ ích do các nhà ly khai, đối lập gửi ra từ trong nước (vì họ không thể đăng được trên báo chí quốc doanh). 

Ý thức rằng những phân tích trong các chương sau đây mới chỉ là nét phác họa của một người, mà đề tài lại rộng lớn cần có sự hợp tác nghiên cứu của nhiều người, nên chúng tôi sẵn sàng đón nhận, với lòng biết ơn, mọi Ý kiến phê bình xây dựng. 

Sau cùng chúng tôi xin chân thành cám ơn tất cả các bạn đã ân cần giúp chúng tôi hoàn thành quyển sách này: Nguyễn Minh Cần, Phạm Văn Hi, Trần Thanh Hiệp, Nguyễn Văn Hòa, Trần Quang Liêm, Nguyễn Đình Long, Phạm Văn Song, Bùi Tín và Nguyễn Văn Trần. 

 

Chương I

Ý thức hệ của chính sách "đổi mới"

Tác giả

Cơ sở ý thức hệ của chính sách "đổi mới" (ĐCS còn gọi là "tư duy chính trị" của "đổi mới"), là một sự chuyển hóa từ CNXH cổ điển (còn được gọi là "CNXH hiện thực" theo kiểu Mác-Lê-Mao) sang cái gọi là CNXH đổi mới (nói tắt là "đổi mới") theo kiểu Mác-Lê-Ðặng (Ðặng Tiểu Bình) và "tư tưởng Hồ Chí Minh". ’’

(Xin chú ý: Trong quyển sách này khi nói về "CNXH" thì phải hiểu là "CNXH Mác-Lê", và nó khác hẳn với "CNXH dân chủ" ở các nước phương Tây.)

 I. Thế nào là CNXH theo kiểu Mác-Lê-Ðặng?

Theo Yang Chungi, một nhà chính trị học Trung Quốc thì học thuyết này có bảy đặc điểm chính như sau:

  1. Mục tiêu của CNXH là phát triển lực lượng sản xuất;
  2. Một mục tiêu khác nữa là làm cho dân giàu, nhưng phải lần lượt người trước người sau, vùng này trước vùng kia sau. 
  3. Kinh tế thị trường không phải chỉ là một phạm trù thuộc về chủ nghĩa tư bản mà thôi; nó còn là một phương tiện để xây dựng CNXH, và trong hoàn cảnh này, người ta gọi nó là "kinh tế thị trường XHCN". 

Sự phối hợp 3 đặc điểm nói trên là bản chất của CNXH theo kiểu Trung Quốc hiện nay. 

  1. Ngoài ra, cần phát triển "dân chủ XHCN" và "pháp luật XHCN". 
  2. Cần nâng cao "ý thức hệ và văn hóa XHCN". 
  3. Cần mở cửa ra thế giới bên ngoài, nhất là thế giới tư bản chủ nghĩa nhằm học tập và lợi dụng vốn liếng, kỹ thuật công nghệ của nó để xây dựng CNXH và hiện đại hóa nền kinh tế, nhất là trong giai đoạn đầu của CNXH (và giai đoạn này có thể kéo dài đến 100 năm (2)
  4. Cần đề cao vai trò lãnh đạo ÐCS để xây dựng CNXH. 

Ðảng cộng sản Việt Nam (ÐCSVN) bắt chước 100% mô hình CNXH theo kiểu Trung Quốc này trong suốt quá trình "đổi mới" của họ từ Ðại hội 6 (tháng 12.1986) đến Ðại hội 9 (tháng 04.2001), dù rằng, trong báo cáo chính trị tại Ðại hội 9, ÐCSVN huyênh hoang tuyên bố là họ "không sao chép bất cứ mô hình có sẵn nào cả"! (3). Lời tuyên bố này mâu thuẫn hoàn toàn với lời thú nhận của Thủ tướng Phan Văn Khải trong một cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 11.03.1998 rằng Việt Nam đi theo mô hình kinh tế thị trường định hướng XHCN giống như Trung Quốc (4). Cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cũng nói đại ý như vậy, và còn nhấn mạnh thêm: "Nếu Trung Quốc thành công trong chính sách cải cách của họ thì Việt Nam cũng sẽ thành công (...); nếu Trung Quốc thất bại thì Việt Nam cũng sẽ thất bại" (5). (Xin chú ý: Ông Lê Khả Phiêu đã dự liệu là chính sách cải cách ở Trung Quốc có thể sẽ thất bại; tuy vậy ông vẫn muốn Việt Nam đi theo mô hình của Trung Quốc một cách mù quáng!). Gần đây, Chủ tịch Trần Ðức Lương cũng giải thích rằng sở dĩ Việt Nam bắt chước mô hình Trung Quốc là "vì có sự tương đồng nhiều mặt về các điều kiện kinh tế - xã hội giữa hai nước" (6). 

Ðiều đáng chú ý thứ nhất là trong báo cáo chính trị tại Ðại hội 9, ÐCSVN nhấn mạnh "con đường đi lên CNXH ở Việt Nam là sự phát triển quá độ lên CNXH bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa (...) nhưng tiếp thu những thành tựu đã đạt được dưới chế độ tư bản chủ nghĩa, đặc biệt về khoa học công nghệ để phát triển lực lượng sản xuất, xây dựng nền kinh tế hiện đại (...) Xây dựng CNXH bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa (...) tất yếu phải trải qua một thời kỳ quá độ lâu dài với nhiều chặng đường (...) [chứ không nhanh chóng như ÐCSVN đã nói trước đây - VNT]" (7). Nói một cách khác, ÐCSVN, theo gương ÐCS Trung Quốc, chủ trương chỉ lợi dụng những khía cạnh tích cực của chủ nghĩa tư bản để phát triển "lực lượng sản xuất của CNXH mà thôi - nhất là trong giai đoạn đầu khá dài của nó - nhưng vẫn bác bỏ con đường tư bản chủ nghĩa về mặt "quan hệ sản xuất" (bao gồm sở hữu tư nhân, quản lý kinh tế và phân phối thu nhập) và về mặt "thượng tầng kiến trúc" (chính trị, luật học, văn hóa, nghệ thuật, triết học, tôn giáo v.v..). 

Chúng ta cần hiểu rõ vấn đề này để đừng hấp tấp kết luận, như một số nhà quan sát nước ngoài và Việt kiều đã làm, là ÐCSVN đã "từ bỏ CNXH" và đã đi theo con đường tư bản chủ nghĩa. 

Ðiều đáng chú ý thứ hai là, cũng như ÐCS Trung Quốc, ÐCSVN cho rằng việc áp dụng phạm trù "kinh tế thị trường" không có nghĩa là đi theo con đường tư bản chủ nghĩa (bởi vì như Ðặng Tiểu Bình đã nói CNXH cũng có thể sử dụng phạm trù này) và để làm rõ thêm, họ đặt tên nó là "kinh tế thị trường định hướng XHCN"; và mục đích chính của nó là "phát triển sản xuất... để xây dựng cơ sỡ vật chất - kỹ thuật của CNXH" (ibid). Cần nói thêm là, theo quan niệm của ÐCSVN, phạm trù "kinh tế thị trường định hướng XHCN" này được sử dụng song song (chứ không phải thay thế như một số người đã ngộ nhận) với việc kế hoạch hóa có định hướng nền kinh tế quốc dân (nó uyển chuyển hơn kế hoạch hóa tập trung, độc đoán... trước đây). 

Ðiều đáng chú ý thứ ba là, nếu nhìn một cách tổng quát, thì ta thấy chính sách "đổi mới" ở Việt Nam về cơ bản giống chính sách cải cách của Trung Quốc ở chỗ là có sự phân đôi (dichotomy) giữa "đổi mới" kinh tế và "đổi mới" chính trị, tức là cởi trói phần nào về mặt kinh tế nhưng vẫn đông lạnh về mặt chính trị; lẽ dĩ nhiên có một sự chênh lệch trong thời gian bởi vì cải cách ở Trung Quốc đã bắt đầu sớm hơn "đổi mới" ở Việt Nam 8 năm. 

Qua ba điều chú thích vừa nêu trên, ai cũng có thể thấy rằng cái gọi là CNXH theo kiểu Trung Quốc mà ÐCSVN bắt chước một cách mù quáng chứa đựng đầy mâu thuẫn khó dung hòa, nhất là trong dài hạn. 

Trong nền tảng của ý thức hệ của ÐCSVN, ngoài khái niệm CNXH theo kiểu Ðặng Tiểu Bình, người ta còn ghép thêm cái gọi là "tư tưởng Hồ Chí Minh" nữa. 

 

II. Bàn về "tư tưởng Hồ Chí Minh" (8) (TTHCM)

 Theo gương ÐCS Trung Quốc đề cao "tư tưởng Mao Trạch Ðông", ÐCSVN cũng, bắt đầu từ năm 1991 trở đi, đề cao một cách giả tạo cái gọi là "tư tưởng Hồ Chí Minh" (TTHCM) tại Ðại hội 7 của họ (tháng 06.1991), để có chút ít bản sắc dân tộc sau khi chủ nghĩa Mác-Lê đã thất bại, với sự sụp đổ của khối Liên Xô - Ðông Âu. Giả tạo là vì chính Hồ Chí Minh cũng đã từng nói: "Tôi không có tư tưởng gì ngoài tư tưởng chủ nghĩa Mác-Lê cả" (9). Dưới đây chúng tôi sẽ lần lượt phân tích khía cạnh chính trị và kinh tế của "tư tưởng Hồ Chí Minh".

  1. Khía cạnh chính trị của "tư tưởng Hồ Chí Minh":

Về vấn đề này thì có lẽ cần nhắc lại trước tiên là trong báo cáo chính trị đọc tại Ðại hội 2 của đảng Lao Ðộng Việt Nam (tiền bối của ÐCSVN) hồi tháng 02.1951 trong Kháng chiến, Hồ Chí Minh đã hết sức ca ngợi và đề cao Stalin lẫn Mao. 

Quan điểm của Stalin mà Hồ Chí Minh rất tâm đắc là: "ÐCS là công cụ của chuyên chính vô sản" và "chuyên chính vô sản về thực chất được thay thế bởi chuyên chính của ÐCS"; hơn nữa, trong thực tế, chuyên chính của ÐCS có nghĩa là chuyên chính của một người: Stalin (10). Boris Souvarine đã từng cho rằng Hồ Chí Minh là "một đồ đệ tuyệt trần của Stalin"(11)

Về ảnh hưởng của Mao đối với Hồ Chí Minh thì chúng tôi chỉ muốn trích dẫn ở đây câu nói điển hình trong báo cáo chính trị mà Hồ Chí Minh đã đọc tại Ðại hội 2 (tháng 02.1951) vừa nhắc lại ở trên: "Cách mạng Việt Nam phải học nhiều kinh nghiệm của cách mạng Trung Quốc. Kinh nghiệm và tư tưởng Mao Trạch Ðông đã giúp chúng tôi hiểu thấu đáo hơn học thuyết của Mác-Ănghen-Lênin-Stalin. Những người cách mạng Việt Nam phải luôn luôn ghi nhớ và biết ơn Mao Trạch Ðông về sự cống hiến to lớn đó" 12. Và cũng tại Ðại hội 2 này, Hồ Chí Minh đã tuyên bố: "Ai đó thì có thể sai, chứ đồng chí Stalin và đồng chí Mao Trạch Ðông thì không thể nào sai được"! (13). Một sự sùng bái đến độ mù quáng. 

Theo cố Thủ tướng Phạm Văn Ðồng, "tư tưởng Hồ Chí Minh" bao gồm 5 yếu tố chủ yếu sau đây: chủ nghĩa Mác-Lê; sự lãnh đạo tuyệt đối của ÐCS; chuyên chính vô sản; con đường đi lên CNXH; và tinh thần quốc tế vô sản (14). Các yếu tố này đã được nhiều người - cả trong lẫn ngoài nước - phân tích rồi. Ở đây chúng tôi chỉ muốn nêu lên một vài khía cạnh mà thôi.

Có một số Việt kiều cho rằng ÐCSVN hiện nay cố ý nêu bật "tư tưởng Hồ Chí Minh" là vì họ muốn thay thế chủ nghĩa Mác-Lê đã lỗi thời bằng "tư tưởng Hồ Chí Minh" nhằm lừa phỉnh nhân dân đễ dàng hơn bởi vì nó còn có ít nhiều bản sắc dân tộc. Ðiều này không hoàn toàn đúng bởi vì chính cơ sở ý thức hệ của Hồ Chí Minh là chủ nghĩa Mác-Lê, và Hồ Chí Minh vẫn coi nó là "học thuyết đúng đắn nhất, cách mạng nhất", là "kim chỉ nam cho hành động" kia mà! [Có lẽ cũng cần nhắc lại ở đây: cụm từ "chủ nghĩa Mác-Lê" là do chính Stalin sáng tạo ra hồi năm 1938]. ÐCSVN thường hay khẳng định rằng "tư tưởng Hồ Chí Minh" là "một sự vận dụng và phát triển sáng tạo của chủ nghĩa Mác-Lê vào điều kiện cụ thể của nước ta", nhưng trong thực tế thì họ chỉ có rập khuôn một cách máy móc kinh nghiệm của Liên Xô và Trung Quốc mà không tính đến hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, do đó đã gây ra nhiều hậu quả vô cùng tai hại cho nhân dân (như cải cách ruộng đất, cải tạo XHCN đối với công, thương nghiệp tư doanh v.v.. theo kiểu Mao chẳng hạn). 

Về sự lãnh đạo tuyệt đối của ÐCS trong cách mạng Việt Nam thì chủ trương của Hồ Chí Minh, từ lúc đầu, là thủ tiêu bất cứ ai muốn cạnh tranh để giành sự lãnh đạo đó. Ông Hồ đã từng tuyên bố: "Ðảng ta không những giành được quyền lãnh đạo cách mạng trong cả nước, mà còn... đập tan được mọi âm mưu của giai cấp tư sản hòng tranh giành quyền lãnh đạo cách mạng với Ðảng ta" (15). Do đó, sau khi nắm chính quyền, Việt Minh (tức là ÐCS) đã tiêu diệt không những các đảng quốc gia (16) mà còn thủ tiêu các lãnh tụ trostkít Việt Nam (như Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Phan Văn Chánh v.v..) mà Hồ Chí Minh gọi là "đàn chó Troskít" và đã từng buộc cho họ tội "phản bội, gián điệp, tay sai đế quốc", "những kẻ đầu trâu mặt ngựa", "kẻ thù của nền dân chủ và tiến bộ", "bọn phản bội và mật thám tồi tệ nhất" (17). Có lẽ cần nhắc lại đây câu nói nổi tiếng của Hồ Chí Minh trong một cuộc đàm thoại với Daniel Guérin, một nhà báo Pháp: khi bình luận về cái chết của Tạ Thu Thâu, cựu cố vấn Troskít của Hội đồng thành phố Sài Gòn, Hồ Chí Minh tuyên bố: "Ông ấy là một người yêu nước vĩ đại, và tôi thương xót [?] ông ấy"; nhưng liền sau đó, với một giọng rất cứng rắn, Hồ Chí Minh nói tiếp: "tất cả những ai không theo đường lối của tôi đều sẽ bị bẻ gãy [tức là bị thủ tiêu - VNT]" (18)

Dưới thời đại Hồ Chí Minh, ÐCS thường nêu lên khẩu hiệu "Ðảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Dân làm chủ ". Ai cũng thấy khẩu hiệu này là vừa mâu thuẫn vừa khôi hài, nhưng chẳng ai dám nói ra. Mâu thuẫn là vì tại sao nhân dân làm chủ mà lại phải chịu sự lãnh đạo của đảng, thông qua sự quản lý (thực tế là cai trị) của Nhà nước (do đảng dựng lên); như vậy là người dân ở trong tình cảnh một cổ hai tròng! Còn khôi hài là vì, về lý thuyết, thì ÐCS nói một cách hoa mỹ và mỵ dân là dân làm chủ nhưng trong thực tế thì, ai cũng thấy rõ, là đảng làm chủ dân!

Nhà sử học và đảng viên Nguyễn Kiến Giang đã nhận xét như sau: " (...) Sự độc quyền lãnh đạo của đảng được thực hiện thành sự thống trị tuyệt đối của đảng trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, thậm chí cả đời sống cá nhân (...); đảng có quyền quyết định tất cả (...), và mọi người dân chỉ còn được phép nghĩ theo, nói theo và làm theo những quyết định của đảng, có khi chỉ là của một cấp lãnh đạo, thậm chí của một cá nhân lãnh đạo nào đó" (19)

Ông Hồ còn nhấn mạnh là trong lối sinh hoạt của đảng (và Nhà nước) thì nhất thiết phải dựa trên nguyên tắc tổ chức cơ bản là "tập trung dân chủ" (democratic centralism) (20). Ðấy là về lý thuyết, chứ trên thực tế thì ai cũng biết chỉ có tập trung chứ không có dân chủ! Cũng có người nói: "tập trung là căn bản, còn dân chủ chỉ là hình thức; nguyên tắc này bảo đảm sự tồn tại mãi mãi của một kẻ độc tài hay một nhóm độc tài toàn quyền thao túng công việc của đảng và nhà nước, độc tôn thống trị xã hội" (21). Theo thiển ý của chúng tôi thì phải gọi nguyên tắc tổ chức này là "tập trung chuyên chính" (dictatorial centralism) mới phải! 

Về vấn đề "chuyên chính vô sản" thì Hồ Chí Minh đã áp dụng triệt để khái niệm này của C. Mác, Lênin, và Stalin.

Ông Hồ đã từng nói rằng: "dân chủ cần phải có chuyên chính" (22) đúng theo định nghĩa của "chuyên chính vô sản" mà ÐCS nào cũng dạy cho đảng viên trong các lớp vỡ lòng. Dân chủ nói ở đây là phải hiểu theo định nghĩa của Lênin: "Chế độ dân chủ là một hình thức của nhà nước mà bản chất của nó là sự sử dụng một cách có tổ chức và có hệ thống sự cưỡng bức [đối với người dân]". Cũng theo Lênin, nhân dân [phải hiểu ngầm là chỉ nói đến nhân dân lao động mà thôi] được quyền bày tỏ ý kiến của mình, miễn là trong khuôn khổ của đường lối, chính sách mà đảng đã vạch ra, chứ không thể đặt lại vấn đề về đường lối đó; nếu nhân dân ngoan ngoãn như vậy thì không có lý do gì mà sợ bị đàn áp [đó là dân chủ], còn nếu chống lại đường lối của đảng thì sẽ bị đàn áp ngay [đó là chuyên chính]. 

Về lý thuyết thì đảng nói chỉ có chuyên chính với kẻ thù giai cấp nhưng trên thực tế thì, theo nhận xét của Lữ Phương (cựu thứ trưởng văn hóa của chính phủ cách mạng lâm thời của miền Nam trước đây), một thiểu số cầm quyền (tập đoàn lãnh đạo ÐCS) đã thực hiện một sự chuyên chính nhằm "thống trị đại đa số dân cư: không phải chỉ đối với đế quốc, tư sản phản động mà còn đối với cả nhân dân lao động, trong đó có cả giai cấp vô sản và những đảng viên bình thường nữa" (24). Như vậy là trên thực tế cái gọi là "chuyên chính vô sản" đã trở thành chuyên chính với giai cấp vô sản, chuyên chính với nhân dân. Một ví dụ: dưới thời đại Hồ Chí Minh có một quyết định của Bộ chính trị đã được "chính quyền hóa" bằng một nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội số 49/NQ/TVQH do Trường Chinh, lúc đó là Chủ tịch Quốc hội, ký ngày 20.06.1961. Nó cho phép chính phủ bắt giam công dân vào trại tập trung (được gọi là "trại cải tạo") mà không cần có tòa án xét xử ở khắp miền Bắc trong thời hạn 3 năm; và khi hết hạn đó thì chính quyền có thể gia hạn và cứ thế kéo dài vô thời hạn. Trong số nạn nhân đó không những có các người thuộc đảng phái chống đối, sĩ quan và công chức làm việc với Pháp trước đây đã chịu quy phục chính quyền mới mà còn có những trí thức, nhà văn, nhà báo, giáo sư đã từng tham gia Kháng chiến chống Pháp, cán bộ, đảng viên, quân nhân bất đồng ý kiến với chính sách của đảng. Hàng chục vạn người bị tù đày hầu như vô thời hạn; vợ con bị phân biệt đối xử tàn tệ; tình cảnh họ thật là bi đát. Bao nhiêu người khốn khổ đã phải bỏ mình ở các "trại cải tạo" này (25). Than ôi, nghị quyết 49 này lại được lập lại một lần nữa, 36 năm sau, với một quy mô rộng lớn hơn, dưới tên gọi là Nghị định 31/CP do ông Võ văn Kiệt ký ngày 14.04.1997 (xem phần sau). 

Cái "chuyên chính vô sản" mà Hồ Chí Minh và ÐCS chủ trương đã gây ra nhiều tội ác, và như nhà lão thành cách mạng quá cố Nguyễn Văn Trấn đã nhận xét: "Tội ác chế độ này, từ 40 năm nay, thật nói không hết" [tác giả nhấn mạnh - VNT] (26)

Ðể hình dung phần nào sự chuyên chính của ÐCSVN ở miền Bắc, thông qua bộ máy đàn áp khốc liệt của Nhà nước, dưới thời đại Hồ Chí Minh và sau đó nữa, chúng tôi xin trích dẫn nhận xét sau đây của Thành Tín (bút danh của nhà ly khai Bùi Tín, cựu phó Tổng biên tập báo Nhân Dân): "Ðó là một bộ máy đàn áp rộng lớn và tinh vi theo kiểu KGB lộng hành, bất chấp luật pháp và dư luận, chà đạp quyền tự do của công dân, khống chế con người và xã hội, tạo nên nỗi sợ thường trực và dai dẳng [cho nhân dân]... " (27)

Theo nhà văn nổi tiếng và rất dũng cãm Dương Thu Hương thì chế độ cộng sản ở miền Bắc là một chế độ "phong kiến và công an trị" (28). Nhà văn này còn cho rằng "chuyên chính vô sản" và nguyên tắc "tập trung dân chủ" đã biến chế độ Hà Nội thành một chế độ lạc hậu và man rợ" (29)

Còn Nguyễn Chí Thiện, một nhà thơ và nhà văn đã từng bị cầm tù trong 27 năm tr. ời, thì nhận xét chế độ Hà Nội như sau: "Ðảng là một tổ chức siêu phát-xít, cực kỳ hung hiểm"; "(...) họ đương xây con đường lên các chân trời cộng sản mù mịt đó bằng thây người, bằng nước mắt, mồ hôi, rớt dãi, cơ hàn, chiến tranh, lao tù, gian dối, thủ đoạn tàn bạo, bằng ngu tối, vô luân, vô sỉ, bằng nô lệ, kềm kẹp, bằng hủy diệt tất cả những gì mang tính người (...)" (30)

Jean Lacouture, một ký giả Pháp, thì cho rằng chế độ miền Bắc dưới sự thống trị của Hồ Chí Minh là "tàn nhẫn", "hung tợn", "có nhiều khía cạnh toàn trị" (31). Còn Olivier Todd, một nhà văn và nhà báo Pháp khác đã từng ủng hộ chế độ Hà Nội trước 1975 thì cho rằng Hồ Chí Minh "đã thiết lập một trong những quốc gia Stalinít nhất thế giới" (32).

 Yếu tố thứ tư mà hiện nay ÐCSVN coi là "cốt lõi" của "tư tưởng Hồ Chí Minh" là "con đường tiến lên CNXH" ở Việt Nam. Sao chép lại một cách máy móc học thuyết "cách mạng không ngừng" của Lênin và Mao Trạch Ðông, Hồ Chí Minh cho rằng, sau cuộc "cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân" - tức là sau cuộc đấu tranh giành độc lập chống thực dân Pháp và cải cách ruộng đất - thì đến ngay cuộc "cách mạng XHCN", và cả hai giai đoạn này gắn bó chặt chẽ với nhau, và đều do ÐCS lãnh đạo (33)

Ngày 07.09.1957, trong diễn văn khai mạc ở trường đảng Nguyễn Ái Quốc (Hà Nội), Hồ Chí Minh đề cập lần đầu tiên vấn đề "miền Bắc hoàn toàn giải phóng, ta đã bước vào thời kỳ quá độ tiến dần lên CNXH" (34). Nhưng vào đầu năm 1960, dưới ảnh hưởng của phong trào "đại nhảy vọt" của Trung Quốc (1958-1962), Hồ Chí Minh đưa ra khẩu hiệu "tiến nhanh, tiến mạnh, tiến thẳng lên CNXH" [chúng tôi nhấn mạnh - VNT] (35). Trong hoàn cảnh đó, Hồ Chí Minh, trong một bài báo viết hồi năm 1960, đã đưa ra chỉ thị là miền Bắc "từ một nước nông nghiệp lạc hậu tiến thẳng lên CNXH (mà) không phải kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa" [tác giả nhấn mạnh - VNT] (36). Lúc đó, Hồ Chí Minh tin tưởng một cách tuyệt đối rằng cách mạng Việt Nam muốn thắng lợi triệt để thì không có con đường nào khác hơn con đường Cách mạng tháng 10 ở Nga: "Trong thế giới bây giờ chỉ có cách mạng Nga là đã thành công (...) nghĩa là dân chúng được hưởng cái hạnh phúc [?] tự do [?] bình đẳng thật [?] (...)" (37)

Có lẽ cũng cần nhắc lại ở đây là, cũng trong năm 1960, tại Ðại hội lần thứ 3 của ÐCSVN, Hồ Chí Minh đã tiên đoán là "CNXH cuối cùng nhất định toàn thắng khắp thế giới" (38), và "chế độ tư bản chủ nghĩa nhất định sẽ biến đổi thành chế độ XHCN" (39). Sự sụp đỗ bức tường Bá-Linh vào cuối những năm 80 đã phủ định hoàn toàn lời tiên đoán nói trên của Hồ Chí Minh!

Liên quan đến CNXH mà Hồ Chí Minh coi như là ngọn đuốc soi đường cho cả nước, ông còn nhấn mạnh là "yêu tổ quốc... phải gắn liền với yêu CNXH, vì tiến lên CNXH thì (...) Tổ quốc ngày một giàu mạnh thêm" (40). Trong thực tế thì tình hình lại khác hẳn, như mọi người đã thấy trong mấy chục năm qua! (xem phần sau). 

Về việc "tiến thẳng lên CNXH", chúng tôi muốn nhắc lại đây nhận xét của nhà sử học Nguyễn Kiến Giang: Ông Hồ và ÐCSVN "đã phạm sai lầm... khi đặt ra nhiệm vụ trực tiếp xây dựng CNXH ở miền Bắc sau 1954 khi vừa mới giải phóng; (...); khi đặt ra nhiệm vụ này, (Hồ Chí Minh và ÐCSVN) đã xuất phát từ một sơ đồ lý luận trừu tượng (lý thuyết "cách mạng không ngừng" - VNT) mà không phát xuất từ hoàn cảnh cụ thể lịch sử của nước ta lúc đó (tác gỉa nhấn mạnh - VNT) (41). Chính chủ trương "tiến thẳng lên CNXH" là "nguyên nhân" của cuộc "khủng hoảng toàn diện, khủng hoảng tổng thể của xã hội, khủng hoảng trên tất cả các lĩnh vực... : kinh tế và xã hội, tinh thần và đạo đức, tư tưởng và chính trị" (42)

Về yếu tố cuối cùng của "tư tưởng Hồ Chí Minh", "tinh thần quốc tế vô sản", thì chúng tôi xin miễn bàn đến ở đây vì nó không còn có tính cách thời sự nữa. 

* * *

Khách quan mà nói thì không phải cái gì Hồ Chí Minh chủ trương về mặt chính trị đều là tai hại cho dân tộc hoặc sai lầm cả. Ví dụ như khi Hồ Chí Minh tuyên bố: "Hễ chính phủ nào mà có hại cho dân chúng thì dân chúng phải đập đổ chính phủ ấy đi và gây nên chính phủ khác" (43). Có lẽ những người bất đồng chính kiến ở trong cũng như ở ngoài nước khó có thể không đồng ý với nhận xét thật chí lý này. 

Một ví dụ khác là, khi rút ra từ chủ nghĩa Tam Dân của Tôn Dật Tiên (ở Trung Quốc, trong những năm 20), Hồ Chí Minh đưa ra khẩu hiệu đấu tranh cho độc lập (cho đất nước) - tự do - hạnh phúc (cho nhân dân) thì chúng ta chỉ có thể hoan nghênh mà thôi. Trong bức thư gửi cho Ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng hồi tháng 10.1945 (tức là sau "cách mạng tháng 8") Hồ Chí Minh đã khẳng định rằng: "Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì" (44). Ai mà có thể chống lại quan điểm chí lý này? 

Nhưng rất tiếc là trong thực tế, trong suốt cả thời gian nắm chính quyền, Hồ Chí Minh chưa bao giờ thực hiện lời nói trên đây cả! Về tự do chẳng hạn thì những sự việc kể trên liên quan tới "chuyên chính vô sản", dưới thời thống trị của Hồ Chí Minh cũng như sau đó, chứng tỏ là nhân dân ở miền Bắc chưa bao giờ biết tự do là gì trên thực tế, dù rằng trong các Hiến pháp 1946 và 1959 các quyền tự do dân chủ được ghi rõ ràng, nhưng đó chỉ là "bánh vẽ" (theo nhà thơ Chế Lan Viên) mà thôi. Còn về hạnh phúc thì người ta tự hỏi: làm sao nhân dân có được hạnh phúc khi, một mặt thì đời sống vật chất của nhân dân quá khó khăn trong những năm Hồ Chí Minh nắm chính quyền, mặt khác nhân dân chưa bao giờ hưởng được các quyền tự do dân chủ cơ bản như đã ghi trong các Hiến pháp lúc đó? Ðúng như anh Lữ Phương đã nhận xét: "mô hình XHCN (do Hồ Chí Minh) mang đến cho dân tộc Việt Nam suốt bao nhiêu năm qua là điều quá rõ ràng: độc lập đã có, nhưng tự do, hạnh phúc thì không (tác giả nhấn mạnh - VNT) (45). Ông Trần Ðộ cũng đã nhận xét như thế (46) và còn nói thêm: "Muốn có tự do, hạnh phúc, phải có dân chủ [thật sự]" (47). Ông Nguyễn Hộ cũng nói như ông Trần Ðộ: "rõ ràng ở Việt Nam (...) chỉ có độc lập, chứ không hề có dân chủ, tự do, đặc biệt về chính trị, tư tưởng (...)" (48)

Gần đây có người ở Việt Nam cho rằng để thực hiện lời tuyên bố chí lý của Hồ Chí Minh như đã nêu bên trên thì phải "tiến lên CNXH [vì đó] là con đường đem lại tự do hạnh phúc cho mọi người" (49)

Ðó là ngụy biện hoàn toàn vì kinh nghiệm trong bao nhiêu năm qua cho thấy là trên thực tế - ở Việt Nam cũng như ở các nước đã từng đi theo con đường "XHCN hiện thực" - nhân dân chưa bao giờ được hưởng tự do và hạnh phúc cả!

Hiện nay, nếu ÐCSVN thật tình muốn "thực hành công cuộc đổi mới theo tư tưởng của Người (Hồ Chí Minh)" như họ từng nói thì họ hãy thực hiện đúng lời nói hồi tháng 10.1945 trên đây của Hồ Chí Minh!

  1. Khía cạnh kinh tế của "tư tưởng Hồ Chí Minh"

Về vấn đề này thì chúng ta cần trở lại chủ trương "tiến thẳng lên CNXH" của Hồ Chí Minh để có thể hiểu rõ hơn. Ðiều đáng chú ý là ý đồ "tiến thẳng lên CNXH" từ một nước nông nghiệp lạc hậu, vừa ra khỏi chiến tranh chống thực dân Pháp, là vừa không phù hợp với hoàn cảnh cụ thể của đất nước, vừa đi ngược lại quan điểm của Mác. Bởi vì, như một đảng viên cao cấp đã nhận xét "theo Mác và Ănghen, CNXH chỉ có thể thành công ở những nước có nền công nghiệp phát triển, nghĩa là đã qua giai đoạn cao của chủ nghĩa tư bản" (50). Quan điểm này của Mác cũng là lý thuyết suông thôi vì cho đến nay dự đoán này chưa bao giờ được cụ thể hóa cả!. 

Thẳng thắn mà nói thì chủ trương "tiến thẳng lên CNXH" nói trên là sai lầm to lớn nhất và tai hại nhất của Hồ Chí Minh trong lĩnh vực kinh tế. Chính xuất phát từ đó mà, trong "Báo cáo về dự thảo hiến pháp sửa đổi năm 1959", Hồ Chí Minh khẳng định "chế độ ta [phải] xóa bỏ các hình thức sở hữu không XHCN [tức là sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất của người lao động riêng lẻ và của nhà tư sản - VNT. ] làm cho nền kinh tế gồm nhiều thành phần phức tạp trở nên một nền kinh tế thuần nhất dựa trên chế độ sở hữu toàn dân [tức là sở hữu quốc doanh, của nhà nước -VNT. ] và sở hữu tập thể [tức là của các hợp tác xã]" [chúng tôi nhấn mạnh - VNT]. Và Hồ Chí Minh còn nói thêm: "kinh tế quốc doanh là hình thức sở hữu của toàn dân, nó lãnh đạo nền kinh tế quốc dân, và Nhà nước phải bảo đảm cho nó phát triển ưu tiên; chúng ta phát triển thành phần kinh tế quốc doanh để tạo nền tảng vững chắc cho CNXH và thúc đảy việc cải tạo XHCN" (51)

Hồi tưởng lại quá khứ, một đảng viên cao cấp đã thứa nhận là "vào giai đoạn trước đổi mới, chúng ta [ÐCSVN] đã phạm sai lầm là rập khuôn mô hình cứng nhắc [của Stalin và Mao - VNT] về CNXH, thuần nhất thành phần kinh tế XHCN dưới hai hình thức: quốc doanh và tập thể, (...), thủ tiêu các thành phần khác. Những sai lầm này đã diễn ra ở nước ta trong một thời gian dài, và chúng ta phải trả giá quá đắt" (52)

Trong những năm 80, ông Trường Chinh (53) và ông Nguyễn Văn Linh (54) đều thừa nhận là việc xóa bỏ các khu vực kinh tế tư nhân theo chủ trương của ÐCS [và Hồ Chí Minh] lúc đó là một trong những sai lầm "ấu trĩ tả khuynh", "duy ý chí", bởi vì các thành phần kinh tế đó còn rất cần thiết cho sự phát triển kinh tế quốc dân. 

Chính xuất phát từ chủ trương xóa bỏ các thành phần kinh tế tư nhân cho nên Hồ Chí Minh thúc giục thực hiện khẩn trương kế hoạch 3 năm (1958-1960) ở miền Bắc nhằm "thực hiện cải tạo XHCN đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp, và công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa tư doanh [mà] khâu chính là cải tạo... nông nghiệp" [chúng tôi nhấn mạnh -VNT] (55). Không những tán thành chung chung thôi mà Hồ Chí Minh, theo một tài liệu của Ủy ban nghiên cứu lịch sử ÐCS, còn "theo dõi và chỉ đạo sát sao công cuộc cải tạo XHCN" đó nữa (56)

* *  *

Về vấn đề cải tạo XHCN đối với nông nghiệp, tức là hợp tác hóa nông nghiệp, Hồ Chí Minh đã chỉ thị như sau: "Ðường lối cải tạo XHCN (...) đối với nông nghiệp là đưa nông dân làm ăn riêng lẻ đi dần [nhưng trong thực tế thì thúc ép họ - VNT] từ tổ đổi công... tiến lên hợp tác xã cấp thấp... rồi tiến lên hợp tác xã cấp cao"; "các hợp tác xã, dưới sự lãnh đạo của đảng phải trở thành những đội quân vững mạnh của (...) nông dân lao động, trong cuộc phát triển sản xuất"; "yêu hợp tác xã như nhà, chống tư tưởng làm ăn riêng lẻ và những tư tưởng... có ảnh hưởng xấu cho việc củng cố phát triển hợp tác xã" (57). Ông Hồ còn theo dõi và chỉ đạo cụ thể việc biên soạn điều lệ hợp tác xã nông nghiệp, và tự tay viết lời giới thiệu bản điều lệ đó (58). Ðiều này nói lên tầm quan trọng của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp đối với Hồ Chí Minh. 

Trong bài diễn văn đọc tại hội nghị trung ương ÐCS lần thứ 5 bàn về nông nghiệp (tháng 07.1961) Hồ Chí Minh đánh giá phong trào hợp tác hóa nông nghiệp như sau: "Chúng ta nhất trí nhận định rằng phong trào hợp tác hóa nói chung là tốt (tác giả nhấn mạnh - VNT) (59), chính trong lúc đang xảy ra "những biểu hiện (...) nóng vội, gò ép [tức là thúc ép một cách thô bạo nông dân chuyển từ tổ đổi công lên hợp tác xã trong một thời gian rất ngắn - VNT], và các lệch lạc khác" như một đảng viên đã thú nhận (60)

Năm 1965, trong một bài báo tổng kết 20 năm cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã khẳng định: "với các hợp tác xã, nông nghiệp đã phát triển vững chắc" (61) trong lúc mà các số liệu chính thức cho thấy là sản lượng lương thực trong suốt thời kỳ 1960-1964 chưa vượt qua nổi mức đạt được hồi năm 1959, năm mà ông Trường Chinh chỉ thị phải thúc đẩy phong trào hợp tác hóa nông nghiệp (62)

Một điều quan trọng cần nhắc lại ở đây là, trong một thông điệp đề ngày 01.05.1969, Hồ Chí Minh đã đứng hẳn về phía Trường Chinh chống lại kinh nghiệm khoán hộ "chui" do Kim Ngọc, bí thư tỉnh ủy Vĩnh Phú đề xướng hồi năm 1968 (63) nhằm kích thích lợi ích của xã viên để họ hăng hái tham gia sản xuất. [Lúc đó ÐCSVN cũng bắt chước ÐCS Trung Quốc phê phán việc khoán hộ "chui" trước đó vài năm]. Phải đợi tới 13 năm sau thì kinh nghiệm khoán hộ đối với hợp tác xã nông nghiệp mới được ÐCSVN chấp nhận chính thức, và được áp dụng trên toàn quốc với chỉ thị 100 CT/TU nổi tiếng của Ban bí thư trung ương Ðảng (tháng 01.08.1964). 

Nhìn lại quá khứ, một số nhà kinh tế học Việt Nam, trong một tài liệu nội bộ, thừa nhận: "Phân tích diễn biến tình hình và hệ quả của 30 năm [từ năm 1958 trở đi - VNT] đối với tình hình kinh tế - xã hội nông thôn nước ta [ta thấy] (...) khuyết điểm và sai lầm trong nhận thức, trong chủ trương, trong chỉ đạo thực hiện, nhất là bước đi của phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, là thực tế, rõ ràng. Những sai lầm, khuyết điểm đó đã và đang gây hậu quả nặng nề đối với thực trạng kinh tế - xã hội của đất nước... Trong 30 năm hợp tác hóa nông nghiệp, bằng những cuộc cải tạo vội vàng và bất chấp quy luật, dẫn đến tập thể hóa mà thực chất là tước đoạt một cách rộng khắp và mau lẹ quyền sở hữu ruộng đất của nông dân, chính sách đó đã biến (...) nông dân từ những người sản xuất tự do thành những người làm thuê ăn điểm cho những ông chủ tập thể vô hình [tức là chủ nhiệm hợp tác xã - VNT]. Ðó là sai lầm lớn nhất của 30 năm hợp tác hóa nông nghiệp mà đến nay hậu quả còn nặng nề... " (tác giả nhấn mạnh -VNT) (65). Một nhà kinh tế học khác ở Hà Nội cũng nhận xét: "Người nông dân... thực chất biến thành người lao động... [cho] hợp tác xã. Kiểu kinh tế này (...) đối lập với hoạt động sản xuất nông nghiệp, vì thế [cho nên] nông nghiệp và kinh tế nông thôn đi tới chỗ đình đốn, suy thoái và khủng hoảng" 66

* *  *

Song song với chủ trương cưỡng bách nông dân cá thể đi vào con đường hợp tác hóa nông nghiệp, Hồ Chí Minh và ÐCSVN còn chủ trương "cải tạo XHCN" đối với giai cấp tư sản trong công, thương nghiệp [một uyển ngữ để nói việc đánh giai cấp tư sản tơi bời - VNT] theo mô hình của Lênin và nhất là của Mao. 

Trong bản "Báo cáo về dự thảo hiến pháp sửa đổi" hồi năm 1959, Hồ Chí Minh đã viết: "Hiện nay chúng ta có điều kiện để cải tạo họ [giai cấp tư sản - VNT] theo con đường XHCN... Nhà nước khuyến khích họ [trong thực tế là ép buộc họ - VNT] cải tạo theo XHCN bằng hình thức công-tư hợp doanh và những hình thức cải tạo khác" (67). Năm 1960, Hồ Chí Minh nhấn mạnh một lần nữa: "Một việc cần kíp là cải tạo (...) giai cấp tư sản dân tộc. Do bản chất của họ, họ vẫn luyến tiếc cách bóc lột và muốn phát triển theo chủ nghĩa tư bản. Nhưng trong điều kiện miền Bắc tiến lên CNXH, ý nguyện của họ không thể nào thực hiện được" (68)

Ðể hồi tưởng lại cuộc phát động quần chúng cải tạo công, thương nghiệp, tư bản, tư doanh, chúng tôi xin trích sau đây một đoạn trong quyển sách của Thành Tín: "Cuộc cải tạo công thương nghiệp, loại bỏ giai cấp tư sản dân tộc [trong thời kỳ 1958-1960 ở miền Bắc - VNT] - vẫn là theo kinh nghiệm của Trung Quốc (...), vẫn là theo sự "giúp đỡ" của các... phái viên đặc biệt của Mao... về cải tạo công thương nghiệp (...) về tận diệt nền sản xuất tư doanh (...). Các cuộc tố khổ, tính sổ bóc lột của tư sản, kể lể những thủ đoạn bóc lột, hà hiếp lao động, buôn gian bán lận, cân đo gian dối, buôn lậu,. tham tiền bất nhân (...) được phơi bày (...) Những hóa đơn, giấy tờ kinh doanh quan hệ với các hãng, công ty ở Pháp, Hồng kông (...) bị coi là tài liệu liên hệ với giai cấp tư sản đế quốc, cấu kết với bọn phản động quốc tế"! (69) Trong đợt "cải tạo" này có trường hợp một cơ sở sản xuất trình độ thủ công với 10 người thợ, phần đông là con cháu họ hàng, cũng bị quy thành tư sản và cứ thế là bị kiểm thảo, truy bức, truy thu. Ðáng thương hại là con cháu của các gia đình bị xếp vào loại tư sản thì không bao giờ có thể vào đại học, dù là khi thi vào được điểm rất cao; và khi đã tốt nghiệp rồi mà xin đi làm cho cơ quan Nhà nước thì cũng bị khước từ. Thành phần lý lịch tư sản trở thành một cái bướu dính vào suốt đời họ. 

Một nhân vật xuất hiện trong chiến dịch đánh tư sản từ cuối năm 1956 là ông Ðổ Mười. Ông này đã lập công lớn ở Hải Phòng, Hà Nội, Nam Ðịnh. Trong một hội nghị cán bộ toàn thành phố Hà Nội, ông Ðổ Mười đã dặn dò cán bộ như sau: "bọn tư sản" giống như lũ chuột cống; khi thấy nó lú đầu ở đâu thì phải đập cho nó chết ngay! [Chúng tôi không nhớ rõ nguyên văn, nhưng đại ý là như vậy - VNT]. Nhờ "thành tích" đánh tư sản ở miền Bắc mà ÐCS liền xuất tướng ông này vào miền Nam sau 1975 để chỉ huy công cuộc "cải tạo XHCN" đối với công thương nghiệp tư doanh ở Sài Gòn. 

Hậu quả của công cuộc "cải tạo XHCN" ở miền Bắc là, như nhà lão thành cách mạng Nguyễn Văn Trấn đã nhận xét: "cải tạo tư sản... làm cho nền kinh tế miền Bắc cứ nghèo, nghèo, nghèo!" (70)

Nhìn lại quá khứ, các nhà sử học Việt Nam cho rằng việc "cải tạo XHCN" ở miền Bắc đã phạm phải sai lầm "chủ quan, nóng vội"(71). Và cựu ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Ðức Bình, một người bảo thủ, giáo điều khét tiếng, cũng thừa nhận là: "Chúng ta [ÐCSVN] đã phạm sai lầm (...), nóng vội trong cải tạo XHCN, muốn xóa bỏ ngay nền kinh tế nhiều thành phần (...)" (72)

 * * *

Ngoài chủ trương "cải tạo XHCN" nói trên, Hồ Chí Minh còn "luôn luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của nhiệm vụ công nghiệp hóa XHCN nước nhà" [lẽ dĩ nhiên là theo mô hình công nghiệp hóa của Stalin - VNT] (73). Tại hội nghị trung ương lần thứ 7 (tháng 04.1962) bàn về công nghiệp hóa miền Bắc, Hồ Chí Minh đã chỉ thị: "Ðể đạt mục đích công nghiệp hóa XHCN, toàn Ðảng, toàn dân ta phải ra sức thực hiện đầy đủ nghị quyết của hội nghị thứ 7 của trung ương" (74), tức là thực hiện chính sách ưu tiên phát triển công nghiệp nặng - dù ở miền Bắc không có đủ điều kiện để làm việc đó - nhằm biến nền kinh tế miền Bắc thành một nền kinh tế hiện đại trong vòng 10 năm! (75). Sau đó, năm 1964, trong một bài nói chuyện tại Bộ công nghiệp nặng, Hồ Chí Minh nhấn mạnh một lần nữa: "để xây dựng thắng lợi CNXH, chúng ta phải quyết tâm phát triển tốt công nghiệp nặng" (76)

Phải chờ tới tháng 10.1986, ông Trường Chinh mới thừa nhận rằng việc ÐCSVN thiên về phát triển công nghiệp nặng ở miền Bắc từ năm 1962 trở đi vượt quá khả năng thực tế của đất nước là một trong những "sai lầm ấu trĩ tả khuynh" (77) của ÐCSVN; và ý kiến này được nhấn mạnh một lần nữa trong báo cáo chính trị của ông Trường Chinh tại Ðại hội 6 của ÐCSVN hồi tháng 12.1986 (78)

Tiếp theo đó, ông Nguyễn Văn Linh, lúc đó là Tổng bí thư đảng, cũng thừa nhận, trong một bài diễn văn đọc tại hội nghị trung ương lần thứ 5 (tháng 06.1988) rằng một trong những sai lầm có tính cách chiến lược của ÐCSVN trước đó là quá chú ý đến phát triển công nghiệp nặng trên quy mô rộng lớn, đồng thời coi nhẹ phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ (79)

Nhìn chung, chúng ta thấy nội dung kinh tế trong "tư tưởng Hồ Chí Minh" như đã nói bên trên không khác gì lắm so với khía cạnh kinh tế trong tư tưởng của Mao Trạch Ðông(80). Ðiều này không có gì là lạ vì chính Hồ Chí Minh [dưới bút danh Trần Lực] đã từng hô hào: "Việt Nam nên áp dụng hoàn toàn kinh nghiệm xây dựng kinh tế XHCN của Trung Quốc" (81)

Sở dĩ chúng tôi phân tích khá chi tiết các khía cạnh kinh tế của "tư tưởng Hồ Chí Minh" liên quan tới CNXH là để bù lại phần nào sự thiếu sót về phương diện này trong các quyển sách xuất bản ở trong nước. Trong những sách đó người ta thường chỉ nêu lên mục tiêu chung chung mà Hồ Chí Minh đã vạch ra cho CNXH ở Việt Nam như là "mọi người được ăn no, mặc ấm, sung sướng, tự do" (82) mà cố ý không nhắc lại các chủ trương và chính sách cụ thể mà Hồ Chí Minh đã đề ra nhằm thực hiện mục tiêu đó. Hơn nữa, trong các quyển sách xuất bản ở trong nước, người ta tránh đối chiếu các chính sách của Hồ Chí Minh với hậu quả tai hại của nó cho đất nước, cho dân tộc. Và hậu quả tổng quát về mặt kinh tế là, như ông Võ Nguyên Giáp đã thừa nhận trong một hội nghị quốc tế về "tư tưởng Hồ Chí Minh" tại Hà Nội năm 1990 là "nền kinh tế - xã hội [của Việt Nam] đang ở trong tình trạng trì trệ, nghèo khổ. Ðời sống của nhân dân cũng như năng suất lao động đang ở trong tình trạng thấp kém và lạc hậu hàng mấy thế kỷ, không những so với các nước phát triển mà so cả với những nước trong khu vực (Ðông Nam Á - VNT)" (83)

Tình hình thực tế này hoàn toàn bác bỏ luận điệu lừa bịp của bộ máy tuyên truyền của ÐCSVN khi họ khẳng định rằng Hồ Chí Minh "là một vĩ nhân..., là người mở đường cho nước ta xây dựng phồn vinh (?) của đất nước" (84)

Nhận xét một cách tổng quát về "tư tưởng Hồ Chí Minh" - cả về mặt chính trị lẫn về mặt kinh tế - anh Lữ Phương cho rằng "sự lựa chọn đường đi [tức là mô hình Stalinít - Maoít - VNT] của Hồ Chí Minh cho Việt Nam là chọn lựa bất toàn; nó có thể giành được độc lập cho dân tộc qua các hình thức đấu tranh bạo lực, nhất là chiến tranh, nhưng đã thất bại toàn diện trong xây dựng hòa bình. Ðiều này đã được chứng thực rất hiển nhiên qua hơn nửa thế kỷ thực hành (...). [Một mặt] khoác lác về cái gọi là "dân chủ gấp triệu lần" [ám chỉ cái gọi là "dân chủ XHCN" -VNT] nhưng lại đè đầu cưỡi cổ nhân dân một cách tự nhiên như những cường hào. [Mặt khác] làm mất hoàn toàn động lực về phát triển kinh tế qua chủ trương nhà nước hóa toàn bộ hoạt động sản xuất. Nói chung: giam hãm dân tộc trong cái ao tù chuyên quyền độc đoán [về mặt chính trị - VNT] và lạc hậu nghèo nàn [về mặt kinh tế -VNT]... " (85)

Bàn về trách nhiệm của Hồ Chí Minh trước lịch sử dân tộc, anh Lữ Phương nêu lên câu hỏi sau đây: "... [Hồ Chí Minh] đem ra thực hiện một cách toàn diện cái mô hình XHCN phi thị trường và chuyên chính vô sản trong suốt một thời gian đằng đẵng làm cho dân tộc cất đầu dậy không nổi (...) Chẳng lẽ cụ là người sinh ra đảng, người lập ra nước... mà không [có] trách nhiệm gì trước những chuyện tày đình đó hay sao?" (86)

Trong nhiều năm qua, ÐCSVN thường xuyên hô hào là phải dựa vào "tư tưởng Hồ Chí Minh" để đẩy mạnh công cuộc "đổi mới". Nhưng làm sao có thể dựa vào chủ trương, chính sách kinh tế của Hồ Chí Minh chẳng hạn (như đã phân tích bên trên) để "đổi mới" kinh tế khi nó trái ngược hẳn với chính sách đổi mới hiện nay? Vả lại chính sách kinh tế của Hồ Chí Minh trong những năm 50 và 60 đã bị Ðại hội lần thứ 6 của ÐCS (tháng 12.1986) gián tiếp phê phán là "sai lầm ấu trĩ tả khuynh" vì nó " kìm hãm lực lượng sản xuất và triệt tiêu động lực phát triển" (87). Khẳng định rằng "ngày nay những luận điểm của chủ tịch Hồ Chí Minh về CNXH ở nước ta vẫn giữ nguyên ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới" (88), hoặc nói rằng "tư tưởng Hồ Chí Minh" vẫn là "đúng đắn, sáng tạo" (89) trong sự nghiệp "đổi mới" kinh tế hiện nay như ÐCS đang làm là ngược đời hoàn toàn! Viện lý "tư tưởng Hồ Chí Minh" để hỗ trợ cho chính sách "đổi mới" kinh tế hiện nay là một nghịch lý!

Còn về mặt chính trị, việc ÐCSVN tiếp tục áp đặt chủ nghĩa Mác-Lê, độc quyền cai trị 80 triệu dân thông qua "chuyên chính vô sản", dưới hình thức của cái gọi là "nhà nước của dân, do dân, vì dân", hoặc "nhà nước XHCN", và vẫn "tiến lên CNXH" như Hồ Chí Minh đã từng chủ trương thì, ai cũng nhận ra là, dưới lá cờ "đổi mới" chính trị, chỉ có đổi chút ít về hình thức thôi, nhưng về nội dung cơ bản thì không có gì là mới cả. Tóm lại, nếu dựa vào "tư tưởng Hồ Chí Minh" để hỗ trợ cho chính sách "đổi mới" chính trị thì phải nói thẳng ra là có đổi nhưng không có gì mới!

Bây giờ chúng tôi sẽ lần lượt bàn về "đổi mới" kinh tế lẫn "đổi mới" chính trị. 

____

Chú thích (Chương I):

  1. Yang Chungui, "Deng Xiaoping, Theory & The Historical destiny of Socialism", Social Sciences in China, Spring 1, 2001, Beijing (China), tr. 30-47. 

- Lý Thiết Anh (Viện trưởng Viện khoa học xã hội Trung Quốc), Báo cáo ở Trung Tâm khoa học xã hội, Hà Nội (11.02.2000), trong tạp chí Nghiên cứu kinh tế (sẽ gọi tắt NCKT), Hà Nội, tháng 03.2000, tr. 58-69. 

- Marie-Claire Bergère, "La Chine de 1949 à nos jours", 3è éd. , Paris, Colin, 2000, tr. 3; 167; 172; 175. 

- J. L. Domenach, "La Chine post-totalitaire", tạp chí Commentaire, Plon, (Pháp) No 93, Printemps 2001, tr. 35-46. Cùng một tác giả, xem "L'Asie en Danger", Ed. Fayard, Paris, 1998, chương 4 . 

  1. Về khái niệm giai đoạn đầu của CNXH, do Giang Trạch Dân đưa ra tại Ðại hội 13 của ÐCS Trung Quốc (1987), xem MARIE - Claire Bergère, "La Chine... ", sđd, tr. 208; và Quang Huy, Tạp Chí Cộng Sản (sẽ gọi tắt TCCS), Hà Nội, số 23, tháng 12.1999, tr. 56. 
  2. Nhân Dân (sẽ gọi tắt ND), Hà Nội, 24.04.2001; và TCCS, số 9, tháng 05.2001. 
  3. Far Eastern Economic Review (sẽ gọi tắt FEER) trích dẫn, Hongkong, April 09.1998. 
  4. N. Chanda trích dẫn Lê Khả Phiêu, FEER, June 06.2000 
  5. Trần Ðức Lương, TCCS số đặc biệt 4 & 5, tháng 02.2002, tr. 5. 
  6. ND, 24.04.2001. 
  7. Thư mục chọn lọc về "Tư tưởng Hồ Chí Minh":

- Võ Nguyên Giáp (Chủ biên), "Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường cách mạng Việt Nam", NXBCTQG, Hà Nội, 2000. 

- Phạm Văn Ðồng, "Ho Chi Minh, un homme, une nation... ", ELE, Hanoi, 1990. 

- "Ho Chi Minh", Ed. Thế Giới, Hanoi, 1997 (ouvrage collectif rédigé par la Commission de l'histoire du Parti Communiste Vietnamien, traduit en français)

- Nguyễn Khánh Bật, "Những bài giảng về môn học tư tưởng Hồ Chí Minh", NXBCTQG, Hà Nội, 1999. 

- Pierre Brocheux, "Ho Chi Minh", Presses de Sciences PO, Paris, 2000. 

- William Duiker, "Ho Chi Minh", New York, Hyperion Press, 2000. 

- Jean Lacouture, "Ho Chi Minh", Ed. Seuil, Paris, 1967. Cùng một tác giả, xem "Mes héros et nos monstres ou Le temps des démiurges", Ed. Seuil, Paris, 1997 (xem chương nói về Hồ Chí Minh, tr. 102-110)

- Lữ Phương, "Huyền thoại về Hồ Chí Minh", tạp chí Thế Kỷ 21 (sẽ gọi tắt TK 21), (Mỹ), tháng 12.2001, tr. 63-71. 

- Thanh Phong, "Phê phán tư tưởng Hồ Chí Minh", TK21, tháng 02.2001, tr. 12-15. 

- Tôn Thất Thiện, "Luận bàn về Tư tưởng Hồ Chí Minh",Tin Nhà, Paris, số 27, Avril 1997. 

- Võ Nhân Trí, "Tư tưởng Hồ Chí Minh có mâu thuẫn gì với chính sách "đổi mới" không? ", trong quyển sách tập thể: "Ðảng Cộng Sản trước thực trạng Việt Nam", NXB Ðường Mới, Paris, 1994, tr. 63-94. 

  1. Trích theo Nguyễn Văn Trấn, "Viết cho Mẹ và Quốc hội", NXB Văn Nghệ, California (Mỹ), 1995, tr. 151. 
  2. Trích theo Nguyễn Minh Cần, "Ðảng Cộng Sản Việt Nam qua những biến động trong phong trào cộng sản quốc tế", NXB Tuổi Xanh (Mỹ), 2001, tr. 36. Về Stalin nói chung, xem Dimitri Volkogonov, "Staline, triomphe et tragédie", Flammarion, Paris, 1991. 
  3. Trích theo P. Brocheux, "Ho Chi Minh", sđd, tr. 93. 
  4. Ho Chi Minh, "Oeuvres Choisies", t.2, ELE, Hanoi, 1962, tr. 221-222. Chúng tôi dịch lại từ bản tiếng Pháp bởi vì đoạn quan trọng này đã bị cắt xén trong "Hồ Chí Minh, Toàn Tập" (bản tiếng Việt), NXBS.T, t.6, Hanoi, 1986, tr. 12. 

Xem thêm về Tư tưởng Mao Trạch Ðông:

- Stuart R. Schram, "The thought of Mao tse Toung", New York, Cambridge University Press, 1989. 

- Marie-Claire Bergère, "La Chine de 1949... ", sđd, tr. 172 và tiếp theo. 

- Dr. Li zhi Sui, "La vie privée du président Mao", Plon, Paris, 1994. 

- Encyclopaedia Universalis, "Mao et Maoisme", t.14; tr. 476-480. 

  1. Trích theo Nguyễn Minh Cần, "Ðảng Cộng Sản Việt Nam... ", sđd, tr. 63. Cùng xem phỏng vấn của Bùi Tín, tạp chí Thông Luận (sẽ gọi tắt TL), Paris, tháng 10.2001, tr. 9. 
  2. Phạm Văn Ðồng, "Ho Chi Minh, un homme. ... ", sđd, tr. 84. 
  3. Hồ Chí Minh, "Toàn Tập", NXBCTQG, Hà Nội, 1995; t.10; tr. 17. 
  4. Xem Trần Gia Phụng, "Án tích Cộng Sản Việt Nam", NXB Non Nước, Toronto (Canada), 2001, chương 3; và Bs. Trần ngươn Phiêu, TK 21, tháng 05.1999, tr. 21 và tiếp theo. 
  5. Hồ Chí Minh, "Toàn Tập... ", trích theo Nguyễn Minh Cần, "Ðảng Cộng Sản Việt Nam... ", sđd, tr. 97. 
  6. Daniel Guérin, "Au service des colonies" do Jean Lacouture trích dẫn trong "Hồ Chí Minh", sđd, tr. 123. 
  7. "Tuyển tập Nguyễn Kiến Giang", NXB Trăm Hoa (Mỹ), 1993, tr. 72, và 129-130. 
  8. Ho Chi Minh, "Écrits 1920-1969", ELE, Hanoi, 1971, tr. 230. 
  9. Nguyễn Minh Cần, "Ðảng Cộng Sản Việt Nam... ", sđd, tr. 82. 
  10. Hồ Chí Minh, "Toàn Tập", NXBS.T, Hà Nội, 1989, t.7, tr. 548. 
  11. Trích theo Dimitri Volkogonov, "Le vrai Lénine", Laffont, Paris, 1995, tr. 314. Ở một chỗ khác, Hồ Chí Minh còn nói: "Tập thể lãnh đạo là dân chủ", Hồ Chí Minh, "Toàn Tập", NXBCTQG, Hà Nội, 1995, t.5, tr. 505. 
  12. Lữ Phương, tạp chí Diễn Ðàn (sẽ gọi tắt là DÐ), Paris, tháng 11.1993, tr. 19 và 22. 
  13. Nguyễn Minh Cần, "Ðảng Cộng Sản Việt Nam... ", sđd, tr. 125-126. 
  14. Nguyễn Văn Trấn, "Viết cho Mẹ... ", sđd, tr. 345. 
  15. Thành Tín, (bút danh Bùi Tín), "Mặt Thật", Saigon Press (Mỹ), 1993, tr. 3. 
  16. Dương Thu Hương, trong Reader's Digest, trích theo tạp chí "Việt Nam Dân Chủ" (sẽ gọi tắt VNDC). Paris, tháng 01.1999, tr. 20. 
  17. Dương Thu Hương, trích theo tạp chí "Quê Mẹ", Paris, tháng 04 & 05, 1990, tr. 38 và theo TK21, tháng 06.2000, tr. 53. 
  18. Nguyễn Chí Thiện, "Hỏa Lò", NXB Tổ Hợp xuất bản miền Ðông Hoa Kỳ, 2001, tr. 153 và 169. 
  19. J. Lacouture, "Ho Chi Minh", sđd, tr. 178-179; 181. 
  20. Oliver Todd, "Ho Chi Minh, l'homme et son héritage" (sách tập thể), NXB Ðường Mới, Paris, 1990, tr. 182. 
  21. Ho Chi Minh, "Écrits 1920-1969", ELE, Hanoi, 1971, tr. 215-219; và tr. 239-242. 
  22. Hồ Chí Minh, Toàn Tập, NXBS.T, Hà Nội, 1984, t.7, tr. 783. 
  23. Song Thành, TCCS số 5, 1991, tr. 4. 
  24. Hồ Chí Minh, Tuyển Tập, NXBS.T, Hà Nội, 1980; t.2; tr. 159. 
  25. Hồ Chí Minh, Toàn Tập, NXBCTQG, Hà Nội, 1995; t.2; tr. 280. 
  26. Hồ Chí Minh, Tuyển Tập, t.2, sđd, tr. 186-187. 
  27. Hồ Chí Minh, Toàn Tập, NXBCTQG, Hà Nội, 1995; t.9; tr. 156-157. 
  28. Võ Nguyên Giáp (Chủ biên), Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường. ..., sđd, tr. 138. 
  29. Tuyển Tập Nguyễn Kiến Giang, sđd, tr. 131. 
  30. ibid, tr. 125; 131; 133. 
  31. Hồ Chí Minh, Toàn Tập, NXBCTQG, Hà Nội, 1995; t.2; tr. 270. 
  32. Hồ Chí Minh, Toàn Tập, NXBCTQG, Hà Nội, 1995; t.4; tr. 56-57. 
  33. Lữ Phương, DÐ, tháng 11.1993. 
  34. Trần Ðộ, TL, tháng 02.1999, tr. 15. 
  35. Trần Ðộ, TL, tháng 03.1998, tr. 34. 
  36. Nguyễn Hộ, Quan điểm và cuộc sống, Thành phố Hồ Chí Minh, 1993, ronéo, tr. 29. 
  37. Võ Nguyên Giáp (Chủ biên), Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường..., sđd, tr. 371. 
  38. Thành Duy, TCCS số 03.1990, tr. 44. 
  39. Hồ Chí Minh, Tuyển Tập, NXBS.T, Hà Nội, 1980; t.2; tr. 130-131. 
  40. Vũ Xuân Kiều, TCCS số 03.1993, tr. 49. 
  41. Trường Chinh, ND, 20.10.1986. 
  42. Nguyễn Văn Linh, ND, 25.10.1986 và ND 31.03.1989 (diễn văn tại hội nghị Trung ương lần 6; tháng 03.1999). 
  43. Hồ Chí Minh, Tuyển Tập, t.2, sđd, tr. 161. 
  44. Ho Chi Minh, Ed. Thế Giới, Hanoi, 1997, tr. 188 (bản dịch tiếng Pháp). 
  45. Hồ Chí Minh, Tuyển Tập, t.2, sđd, tr. 131; 162; 170; 173. 
  46. Song Thành, TCCS số 05.1991, tr. 4. 
  47. Hồ Chí Minh, Tuyển Tập, t.2, sđd, tr. 227. 
  48. Song Thành, TCCS số 05.1991, tr. 4; và Võ Nhân Trí, "Vietnam's Economic Policy since 1975", Institute of Southeast Asian Studies, Singapore, 1990, tr. 14-15. 
  49. Hồ Chí Minh, Tuyển Tập, t.2, sđd, tr. 386. 
  50. Trường Chinh, Resolutely taking the North Vietnam countryside to socialism through agricultural cooperatives", FLPH, Hanoi, 1959, tr. 21; và Võ Nhân Trí, Vietnam's Economic Policy since 1975, sđd, tr. 11 và 19. 
  51. ND, 09.08.1969. 
  52. Võ Nhân Trí, Vietnam's Economic Policy since 1975, sđd, tr. 132. 
  53. Thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam - Giai đoạn 1986-1990, Tạp chí "Thống Kê" xuất bản, Hà Nội, 1990, tr. 55-56 (Tài liệu tham khảo nội bộ). 
  54. Lê Cao Ðoàn, NCKT, tháng 02.1999, tr. 39. 
  55. Hồ Chí Minh, Tuyển Tập, t.2, sđd; tr. 128; 131-132. 
  56. Hồ Chí Minh, ibid, tr. 162-163. Về vấn đề "cải tạo XHCN" ở miền Bắc, xem chi tiết: Võ Nhân Trí, Vietnam's Economic..., sđd, tr. 26-28. 
  57. Thành Tín, Mặt Thật, sđd, tr. 75-78. 
  58. Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ..., sđd, tr. 211. 
  59. Viện Sử Học, Lịch sử Việt Nam, 1954-1965, NXBKHXH, Hà Nội, 1995, tr. 90. 
  60. Nguyễn Ðức Bình, TCCS số 4, tháng 02.2000, tr. 17. 
  61. Xem bài của Lê Thi trong quyển sách tập thể, Tìm hiểu một số vấn đề trong tư tưởng của chủ tịch Hồ Chí Minh", NXBS.T, Hà Nội, 1982, tr. 77. 
  62. Hồ Chí Minh, Tuyển Tập, t.2; sđd, tr. 267. Về nghị quyết của hội nghị Trung ương lần thứ 7, xem Le chemin du bonheur et de la prospérité, ELE, Hà Nội, 1963. 
  63. Võ Nhân Trí, Vietnam's Economic..., sđd, tr. 30. 
  64. Hồ Chí Minh, Tuyển Tập, t.2, tr. 347. 
  65. ND, 02.10.1986 và ND, 5 & 6 tháng 11.1986. 

78.6th National Congress of the Communist Party of Vietnam, Documents, FLPH, Hanoi, 1987, tr. 18-19. 

  1. ND, 23.06.1988. 
  2. Về khía cạnh tiêu cực của chủ nghĩa Mao, xem Marie-Claire Bergière, La Chine 1949..., sđd, tr. 172 và tiếp theo. 
  3. Trần Lực (bút danh của Hồ Chí Minh), Mấy kinh nghiệm của Trung Quốc mà chúng ta nên học, NXBS.T, Hà Nội (không ghi rõ năm). 
  4. Hồ Chí Minh, Toàn Tập, NXBCTQG, Hà Nội, 1996; t.8; tr. 396. 
  5. Võ Nguyên Giáp, Tư tưởng bác Hồ soi sáng sự nghiệp đổi mới của chúng ta, NXBS.T, Hà Nội, 1990, tr. 34-35. 
  6. TCCS số 3, tháng 02.1999, tr. 3. 
  7. Lữ Phương, TK21, 2001, tr. 67 và 68. 
  8. Lữ Phương, DÐ, tháng 11.1993. 
  9. ÐCSVN, Chiến lược ổn định phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000, NXBS.T, Hà Nội, 1991, tr. 9. Cùng một quan điểm, xem Trần bá Ðệ, tạp chí Nghiên Cứu Lịch Sử, Hà Nội, số tháng 06.1991, tr. 67-68. 
  10. Tạp chí Khoa Học Xã Hội, Thành phố Hồ Chí Minh, số 25, III.1995, tr. 6. 
  11. Võ Nguyên Giáp (Chủ biên), Tư tưởng Hồ Chí Minh và con đường..., sđd, tr. 147.

 _________________________________________________________

Chương II

"Đổi mới" Kinh tế

Vì bắt chước một cách máy móc mô hình XHCN theo kiểu Stalinít-Maoít cho nên, trước năm 1986, kinh tế Việt Nam "lâm vào khủng hoảng và suy thoái trầm trọng..." (1) như một nhà kinh tế học ở Hà Nội đã nhận xét. Gần đây, cựu ủy viên Bộ chính trị Nguyễn Ðức Bình cũng đã thừa nhận: "Ðảng ta đã phạm sai lầm... nóng vội trong cải tạo XHCN [như đã nói bên trên - VNT] xóa bỏ ngay nền kinh tế nhiều thành phần..., duy trì quá lâu cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp" (2).
Xuất phát từ tình hình đó, và sau khi tham khảo ý kiến của M. Gorbatchev, ÐCSVN đã đề ra trong Ðại hội ần thứ 6 (tháng 12.1986) một chính sách có vẻ thực tế hơn gọi là chính sách "đổi mới". Ngay lúc đó, chúng tôi đã lưu ý rằng cái gọi là "đổi mới" này vẫn còn nằm trong quỹ đạo XHCN, và như Tổng bí thư lúc đó là Nguyễn Văn Linh đã nhấn mạnh, chính sách "đổi mới" "chỉ nhằm tăng hiệu năng" của CNXH mà thôi (3).
Ðại hội lần thứ 6 của ÐCSVN đã chủ trương, ngoài việc xóa bỏ "cơ chế tập trung..., bao cấp", sự phát triển "một nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần", và thực hiện "một chiến lược kinh tế mở" (4).
Sau đó, Ðại hội lần thứ 7 của ÐCSVN (tháng 06.1991) nói rõ thêm: nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần nói trên phải "vận hành theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng XHCN", và phải "lấy đổi mới kinh tế làm trọng tâm" (5).
Ðại hội lần thứ 8 của ÐCSVN (tháng 06.1996) cũng nhắc lại đại khái như thế, và nhấn mạnh rằng nền kinh tế nhiều thành phần đó phải "nhằm mục đích xây dựng XHCN" chứ không phải đi theo con đường tư bản chủ nghĩa (6).
[Chủ trương xây dựng một "nền kinh tế thị trường... theo định hướng XHCN" do ÐCSVN đưa ra từ đầu năm 1990 cũng là sao chép mô hình "kinh tế thị trường XHCN" của ÐCS Trung Quốc như đã nói bên trên](7).

Gần đây, trong báo cáo chính trị tại Ðại hội lần thứ 9 của ÐCSVN (tháng 04.2001), đảng này nêu lên 4 đặc điểm của một nền "kinh tế thị trường định hướng XHCN" ở Việt Nam như sau:
1. Ðặc điểm thứ nhất - mà cũng là mục tiêu của nền kinh tế này - là "phát triển lực lượng sản xuất... để xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của CNXH... Sử dụng cơ chế thị trường... để kích thích sản xuất, phát huy tinh thần năng động... của người lao động..., thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa... (nhưng phải) đúng định hướng XHCN".
2. Trong nền kinh tế nhiều thành phần, khu vực "kinh tế nhà nước (phải) giữ vai trò chủ đạo", và "kinh tế nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng... [của nền kinh tế quốc dân]".
3. "Nhà nước XHCN... quản lý nền kinh tế theo nguyên tắc kết hợp thị trường với kế hoạch", và Nhà nước này "hạn chế và khắc phục mặt tiêu cực của cơ chế thị trường" [Xin chú ý: ở đây ÐCS nói kết hợp chứ không phải thay thế như một số nhà quan sát ngoại quốc và Việt kiều đã ngộ nhận. - VNT]
4. "Kinh tế thị trường định hướng XHCN thực hiện phân phối chủ yếu theo kết quả lao động..., (và) đồng thời... theo mức đóng góp vốn và các nguồn lực khác vào sản xuất, kinh doanh... " (8.)
Như vậy là giữa một nền kinh tế thị trường thật sự - tức là một nền nền kinh tế thị trường mà ở đó có sự cạnh tranh lành mạnh dưới sự điều tiết và kiểm tra của một Nhà nước công minh - và một nền kinh tế thị trường định hướng XHCN như ở Việt Nam hiện nay, vẫn còn "một khoảng cách rất lớn" như một nhà kinh tế học Pháp đã nhận xét.(9) Bởi vì trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam không có tự do cạnh tranh giữa các thành phần kinh tế; hơn thế nữa, như ông Trần Ðình Hoan, ủy viên Bộ chính trị, đã nói: "kinh tế thị trường định hướng XHCN (chỉ có thể) phát triển dưới sự chỉ đạo của Nhà nước pháp quyền XHCN" (10) mà thôi, chứ không phải dưới sự điều tiết của một nhà nước không thiên vị.
Ở đây chúng tôi chỉ muốn bàn về 2 đặc điểm đầu của nền "kinh tế thị trường định hướng XHCN" nói trên mà thôi.

1. Ðặc điểm của kinh tế thị trường định hướng XHCN
Về đặc điểm thứ nhất, câu hỏi đầu tiên mà người ta có thể nêu lên là: ÐCSVN nói mục đích của họ là "phát triển lực lượng sản xuất"; thế thì tại sao từ 1986 đến nay, ÐCSVN không muốn cho khu vực kinh tế tư nhân - nhất là kinh tế tư bản tư nhân - phát huy tất cả tiềm lực của nó, trong khuôn khổ của một nền kinh tế nhiều thành phần, để góp phần vào việc "phát triển lực lượng sản xuất" dù rằng ÐCSVN thừa biết lợi thế, tiềm năng và vai trò tích cực của nó. Chỉ gần đây thôi, từ tháng 01.2000 trở đi, với việc thi hành "Luật doanh nghiệp", và nhất là từ hội nghị trung ương lần thứ 5 hồi đầu tháng 03.2002, ÐCSVN mới khuyến khích sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân, dù còn có nhiều trở ngại trong thực tế (xem phần sau). Trong khi đó thì ÐCSVN lại hết sức cố gắng vực dậy kinh tế quốc doanh, với nhiều chính sách ưu đãi và cải tổ liên tục, để nó có thể "đóng vai trò chủ đạo" trong việc phát triển "lực lượng sản xuất", nhưng vẫn thất bại thảm hại (xem phần sau). Tuy nhiên, ÐCSVN vẫn có cái "lô-gích" của họ: theo giáo điều cộng sản thì, như đã ghi rõ trong bản báo cáo chính trị trình bày trước Ðại hội 9, "phát triển lực lượng sản xuất hiện đại phải gắn liền với xây dựng quan hệ sản xuất mới theo định hướng XHCN", "...ưu tiên phát triển lực lượng sản xuất đồng thời xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp theo định hướng XHCN" (Chúng tôi nhấn mạnh- VNT) (ibid). Nói một cách khác, ÐCSVN không chấp nhận việc để bất cứ ai tham gia vào việc phát triển lực lượng sản xuất mà chỉ để dành việc này chủ yếu cho kinh tế quốc doanh (và một phần nào cho kinh tế tập thể) mà thôi; và làm như thế thì, theo quan niệm của ÐCSVN, nền kinh tế Việt Nam mới đi đúng theo định hướng XHCN. Nhưng kẹt một nỗi là kinh tế quốc doanh thì, như ai cũng biết, làm ăn tồi quá, không góp phần phát triển lực lượng sản xuất được bao nhiêu trong nhiều năm qua. Và bế tắc chính là ở chỗ này; cái "lô-gích" của ÐCSVN dẫn đến một nghịch lý như vậy đó!
Ngoài ra, phát triển lực lượng sản xuất còn là nhằm "xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật của XHCN", tức là "thực hiện... sự công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng XHCN", và đó là nhiệm vụ trung tâm của thời kỳ quá độ (lên CNXH) " (ibid). Ðiều cần nhấn mạnh ở đây là ÐCSVN chủ trương công nghiệp hóa, nhưng phải theo kiểu XHCN mới được, chứ không thể theo kiểu tư bản chủ nghĩa như ở Nam Hàn, Ðài Loan vv... chẳng hạn.

Thế nào là công nghiệp hóa XHCN? Nói một cách giản dị, điều này có nghĩa là trong sự nghiệp quan trọng công nghiệp hóa đất nước, ÐCSVN phải dành ưu tiên cho doanh nghiệp nhà nước [DNNN] chứ không phải cho doanh nghiệp tư nhân, dựa trên cơ sở của nền "kinh tế thị trường định hướng XHCN". Tuy nhiên, doanh nghiệp nhà nước đã chứng tỏ trong nhiều năm qua rằng nó hoàn toàn không có khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ này (xem phần sau).
Chúng tôi muốn nhắc lại ở đây là ÐCSVN đã hô hào công nghiệp hóa XHCN từ lâu và nhiều lần rồi, mà kết quả cụ thể thì chẳng có gì đáng kể!
Khi chưa thống nhất đất nước, tại Ðại hội lần thứ 3 của đảng (tháng 09.1960), Tổng bí thư lúc đó là ông Lê Duẩn đã đưa ra chủ trương công nghiệp hóa XHCN ở miền Bắc, mà nội dung chính là "ưu tiên phát triển công nghiệp nặng". Chính sách này được cụ thể hóa tại hội nghị trung ương lần thứ 7 (tháng 06.1962), và lúc đó đảng cho rằng chỉ cần khoảng 10 năm thì có thể biến miền Bắc từ một nền kinh tế lạc hậu thành một nền kinh tế hiện đại! (11)
Sau thống nhất, tại Ðại hội lần thứ 4 của ÐCSVN (tháng 12.1976) ông Lê Duẩn lại ra chỉ thị "đẩy mạnh công nghiệp hóa XHCN (để) đưa nền kinh tế nước ta từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn XHCN" trong vòng 20 năm (12).
Nhưng sau đó 20 năm, người ta chẳng thấy có thành tích gì chói lọi trong lĩnh vực công nghiệp cả! Rồi đến Ðại hội lần thứ 8 (tháng 06.1996), ÐCSVN lại hô hào phải tiến hành "công nghiệp hóa gắn liền với hiện đại hóa" nhằm "xây dựng CNXH" (13), và khẳng định một lần nữa là chỉ cần 20 năm, tức là đến năm 2015, thì Việt Nam về cơ bản sẽ trở thành một nước công nghiệp hiện đại.
Nhưng gần đây, tại Ðại hội lần thứ 9 (tháng 04.2001), ÐCSVN lại kéo dài thêm thời gian 5 năm nữa và tuyên bố rằng với chính sách "công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo định hướng XHCN" thì "đến năm 2020 nước ta cơ bản (sẽ) trở thành một nước công nghiệp... hiện đại" (14).
Như vậy là từ Ðại hội đảng lần thứ 4 (1976) đến Ðại hội đảng lần thứ 9 (2001), tức là trong 25 năm qua, ÐCSVN đã nhiều lần khẳng định là, với chính sách "công nghiệp hóa XHCN " - mà họ cho là ưu việt hơn công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa - thì Việt Nam sẽ trở thành một nước công nghiệp hiện đại. Nhưng thực tế hoàn toàn phủ định tham vọng này!

Bàn về kết quả của quá trình công nghiệp hóa ở Việt Nam từ 1976 đến nay, hai nhà kinh tế học ở Hà Nội đã thừa nhận rằng: "Mô hình công nghiệp kế hoạch hóa tập trung 1976-1987 đã thất bại. Mô hình tự do hóa đi kèm phá giá cao 1988-1991 đã đẩy công nghiệp Việt Nam vào bước suy thoái chưa từng có. Mô hình phát triển dựa quá nhiều vào đầu tư và vốn nước ngoài, thời kỳ từ 1992-1993 đến nay, vừa kém hiệu quả vừa đang dẫn đến bế tắc" (15).
Theo nhận xét của Bộ khoa học, công nghệ và môi trường ở Hà Nội thì "hiện nay trừ một số doanh nghiệp có trình độ công nghiệp hiện đại hoặc trung bình của thế giới và khu vực..., máy móc, thiết bị dây chuyền sản xuất của các doanh nghiệp nhà nước của ta (là) lạc hậu so với thế giới và khu vực từ 10 đến 20 năm, thậm chí 30 năm..., trình độ cơ khí hóa, tự động hóa dưới 10%, mức độ hao mòn hữu hình từ 30 đến 50%" (16).
Ðó là kết quả của quá trình "công nghiệp hóa XHCN" của Việt Nam trong hơn 25 năm qua!
Nếu so sánh với Nam Hàn chẳng hạn - một nước mà vào đầu thập kỷ 60 có trình độ tương đương với Việt Nam - thì ta thấy khoảng 25 năm sau, tức là giữa thập niên 80, Nam Hàn đã trở thành một nước công nghiệp tiên tiến và cường quốc kinh tế thứ 10 trên thế giới nhờ áp dụng chính sách công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa mà Hà Nội chê bai. Và cuối thập niên 80 thì Nam Hàn đứng hàng thứ 8 về mặt kinh tế trên thế giới. Cách đây 40 năm, nhiều nhà quan sát ngoại quốc cho rằng Nam Hàn không có tương lai gì sáng sủa lắm về mặt kinh tế, nhưng ngày nay nước này đã leo lên đỉnh cao nhất của những nước sản xuất ra tàu chở dầu cực lớn và hiện đại, thép và các linh kiện điện tử (17). Hồi tháng 08.2001, trong chuyến công du ở Nam Hàn, chính Chủ tịch Trần Ðức Lương cũng đã hết lời ca ngợi "... những thành tựu phát triển rực rỡ mà nhân dân Hàn Quốc đã giành được trong mấy chục năm qua" (18).

2. Về các thành phần kinh tế
Về đặc điểm thứ hai, tức là về vấn đề "nhiều thành phần kinh tế" trong nền "kinh tế thị trường định hướng XHCN" thì xin nhắc lại ở đây là tại Ðại hội lần thứ 8 của ÐCSVN (tháng 06.1996), người ta chỉ nêu lên 5 thành phần kinh tế mà thôi; và nó được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên như sau: kinh tế nhà nước; kinh tế hợp tác; kinh tế tư bản Nhà nước; kinh tế cả thể - tiểu chủ; và cuối cùng mới là kinh tế tư bản tư nhân (19).
Tới Ðại hội lần thứ 9 (tháng 04.2001), ÐCSVN lại thêm vào một thành phần kinh tế nữa, tức là có 6 thành phần kinh tế tất cả; và các thành phần kinh tế này được sắp xếp theo thứ tự ưu tiên như sau:
a. "Kinh tế nhà nước phát huy vai trò chủ đạo trong nền kinh tế (quốc dân)".
b. "Kinh tế tập thể, trong đó hợp tác xã là nồng cốt".
[Hai thành phần kinh tế này được coi là "nền tảng của nền kinh tế quốc dân"].
c. "Kinh tế cá thể - tiểu chủ, ở cả nông thôn và thành thị".
d. "Phát triển kinh tế tư bản tư nhân... trên những định hướng ưu tiên của Nhà nước" (private capitalism sector) [chúng tôi nhấn mạnh - VNT].
e. "Phát triển kinh tế tư bản nhà nước dưới các hình thức liên doanh, liên kết giữa Nhà nước với tư bản tư nhân, trong nước và ngoài nước" (State capitalism sector)
f. "Tạo điều kiện để kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài phát triển thuận lợi" (Foreign-invested sector).
Trong 6 thành phần kinh tế này, chúng tôi sẽ bàn chi tiết về các thành phần (a), (c) và (d) mà thôi.

Về thành phần kinh tế nhà nước, hoặc quốc doanh (state sector) thì cần phải nói rõ là, ngoài các doanh nghiệp nhà nước ra, thành phần kinh tế này còn bao gồm hệ thống ngân sách quốc gia, dự trữ quốc gia, các quỹ quốc gia thuộc sở hữu Nhà nước, ngân hàng nhà nước và các ngân hàng thương mại do Nhà nước sở hữu hoàn toàn hoặc chi phối, đất đai và các tài nguyên thiên nhiên, toàn bộ cơ sở hạ tầng sản xuất, và tuyệt đại bộ phận cơ sở hạ tầng xã hội. Nói một cách khác, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chỉ là nòng cốt của thành phần kinh tế nhà nước mà thôi; nó không đồng nghĩa với "thành phần kinh tế nhà nước" như một số người lầm tưởng.
Theo nhận xét của một cán bộ lãnh đạo thì "với sức mạnh vật chất vừa kể trên (cộng với sức mạnh của luật pháp), Nhà nước XHCN có thể chi phối định hướng phát triển của nền kinh tế (quốc dân)" (20).
Trong báo cáo trước Quốc hội (tháng 04.1998), phó Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nói về ảnh hưởng của doanh nghiệp nhà nước như sau:
"[Nó] nắm giữ một khối lượng rất lớn về tiền vốn, tài sản, đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật và hoạt động trên hầu hết những khâu và lĩnh vực then chốt của nền kinh tế. Tuy nhiên, một bộ phận lớn các doanh nghiệp nhà nước hoạt động kém hiệu quả,... số doanh nghiệp nhà nước khó khăn thua lỗ càng tăng lên, tạo ra sức ép nặng nề... trên các lĩnh vực thu chi ngân sách, việc làm, nợ quá hạn, vốn ngân hàng... " (21).
Về mặt năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế của doanh nghiệp nhà nước hiện nay thì báo chí trong nước nhận xét là, dù rằng từ 1991 đến đầu năm 2001 đã có tới ba đợt đại cải tổ và sắp xếp lại các doanh nghiệp nhà nước, nhưng "ngân sách nhà nước [vẫn] phải gánh chịu các khoản lỗ lã do các doanh nghiệp nhà nước làm ăn kém cỏi, thất bát gây ra" (22). TS. Nguyễn Thị Doan, ủy viên trung ương đảng và phó trưởng ban kiểm tra trung ương đảng, cũng thừa nhận là sau ba đợt cải tổ nói trên trong 10 năm qua, "doanh nghiệp nhà nước vẫn có sức cạnh tranh và hiệu quả kinh tế thấp, chỉ khoảng 40% làm ăn có hiệu quả [đó là theo tiêu chuẩn của Việt Nam - VNT], 40% hiệu quả thấp hoặc huề vốn, 20% thua lỗ liên tục" (23). Tuy nhiên, theo ước lượng của cán bộ Ngân hàng nhà nước thì "75-80% tổng số 5400 doanh nghiệp nhà nước (sau 3 đợt cải tổ nói trên, con số doanh nghiệp nhà nước đã giảm từ 12.000 xuống còn 5.400 trong 10 năm qua - VNT) vẫn bị lỗ lã", dù họ vẫn được hưởng nhiều ưu đãi trong các chính sách của nhà nước cũng như được hưởng nhiều tiềm lực sản xuất do Nhà nước giao cho (24).
Về nợ của doanh nghiệp nhà nước thì coi như ngập đầu: "vào cuối năm 2000 [số nợ này] lên tới 190.000 tỷ đồng (13,1 tỷ US$) và bằng 33% của GDP; và cuối cùng toàn bộ số nợ xấu sẽ do Nhà nước trả từ tiền thuế của nhân dân" (25). Ðiều đáng chú ý là "nợ quá hạn, nợ khó đòi ngày càng tăng. Năm 2000, trong số 15,1% nợ quá hạn của các ngân hàng thương mại nhà nước thì doanh nghiệp nhà nước chiếm 74,8%, [và việc này] đã ảnh hưởng xấu đến hoạt động của hệ thống ngân hàng" (26). Toàn bộ số nợ của doanh nghiệp nhà nước, như báo chí đã tiết lộ, là hơn hẳn tổng số vốn của nhà nước trong các doanh nghiệp nhà nước!
Một bi kịch nữa là đi đôi với nạn tham nhũng trầm trọng trong các doanh nghiệp nhà nước, khả năng quản lý của các giám đốc doanh nghiệp nhà nước là rất thấp kém. Bà Nguyễn Thị Doan đã thừa nhận rằng: "theo Bộ tài chính thì [trong] đội ngũ giám đốc các doanh nghiệp nhà nước (năm 2000) có tới 67% không biết đọc bản báo cáo tài chính hàng năm của doanh nghiệp", và bà này tự hỏi "vậy làm sao họ có thể quản lý và sử dụng vốn có hiệu quả được"? (27)

Nhận xét một cách tổng quát về doanh nghiệp nhà nước, một cán bộ cao cấp viết như sau:
- "Hiệu quả sản xuất kinh doanh và sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước còn thấp; tốc độ tăng trưởng của [nó] có biểu hiện giảm dần; nợ khó đòi ngày càng lớn...
- Ðầu tư đổi mới công nghệ chậm, trình độ công nghệ lạc hậu đang là cản trở lớn đối với khả năng cạnh tranh và quá trình hội nhập [kinh tế thế giới - VNT]. Hậu quả trực tiếp của tình trạng trên là một số mặt hàng sản xuất trong nước... có mức giá cao hơn giá nhập cảng từ 20 đến 40%...
- Quy mô của doanh nghiệp nhà nước vẫn còn nhỏ, chồng chéo về ngành nghề và tổ chức quản lý...
- Lao động thiếu việc làm và dôi dư có xu hướng ngày càng tăng là khó khăn lớn...
- Trình độ quản lý của doanh nghiệp nhà nước phần lớn còn yếu kém... chưa đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, lúng túng trước cơ chế thị trường" (28).
Có lẽ cần nêu thêm một khía cạnh nữa là "hiệu quả đầu tư [của doanh nghiệp nhà nước] lại quá thấp; tỷ suất sinh lời trên vốn đầu tư thấp hơn mức lãi suất ngân hàng" (29).

Dù tình hình của doanh nghiệp nhà nước bi đát như kể trên, nhưng tại sao ÐCSVN vẫn khăng khăng chống lại việc thu hẹp doanh nghiệp nhà nước, chuyển đổi cơ cấu sở hữu của nó, trái lại còn nói "phải củng cố, [thậm chí] mở rộng và phát triển thêm"? (30). Ông Ðỗ Mười, đã giải thích như sau: "Một doanh nghiệp nhà nước xét riêng rẻ là lỗ, nhưng nó tạo điều kiện cho các ngành kinh tế khác phát triển hoặc phục vụ nhiệm vụ chính trị, xã hội quan trọng của Ðảng và Nhà nước, thì vì lợi ích toàn cục, vẫn phải được Nhà nước giúp cho doanh nghiệp ấy tồn tại và phát triển (chúng tôi nhấn mạnh - VNT)" (ibid).
Ðiều này nói lên rõ ràng quan hệ phụ thuộc, biện chứng, giữa chính trị và kinh tế (31), và trong trường hợp này chính trị là quyết định, dù rằng nó hoàn toàn đi ngược lại sự hợp lý về mặt kinh tế. Ông Ðỗ Mười còn cảnh cáo "một bộ phận cán bộ, đảng viên" - mà ông cho rằng "có định kiến với doanh nghiệp nhà nước" vì bị "luận điệu tuyên truyền và sức ép của các thế lực bên ngoài " - rằng "mọi sự coi nhẹ, làm suy yếu kinh tế nhà nước chính là biểu hiện của nguy cơ chệch hướng XHCN" (32).
Tiếp theo lời chỉ giáo của ông Ðỗ Mười, tân Tổng bí thư Nông Ðức Mạnh cũng khẳng định (hồi tháng 08.2001) rằng: "chúng ta [ÐCSVN] không thể chấp nhận quan niệm coi doanh nghiệp nhà nước [là] tất yếu dẫn tới kém hiệu quả... ; kinh tế nhà nước, doanh nghiệp nhà nước, có vai trò quyết định trong việc giữ vững định hướng XHCN" (33).

Ðiều cần nhấn mạnh ở đây là, khác hẳn những gì mà các tổ chức tài chính quốc tế viện trợ cho Việt Nam chờ đợi, trong suốt quá trình "đổi mới" kinh tế, tỷ trọng của toàn bộ thành phần kinh tế quốc doanh (hoặc nhà nước) trong Tổng Sản Phẩm Quốc Nội (GDP) mà trong đó doanh nghiệp nhà nước là nòng cốt - lại tăng lên thay vì giảm đi (như ở Trung Quốc chẳng hạn): từ 29,2% năm 1991 (34), tỷ trọng thành phần kinh tế quốc doanh tăng lên tới "trên 42%" trong Tổng Sản Phẩm Quốc Nội năm 2000 (35), còn tỷ trọng của thành phần kinh tế tư nhân thì lại có xu hướng giảm đi thay vì phải tăng lên (xem phần sau). Ðó là do ý muốn chính trị của ÐCSVN vì họ đã từng tuyên bố "đổi mới nhưng quyết không đổi màu", tức là ÐCSVN không bao giờ đi chệch con đường tiến lên XHCN (36). ÐCSVN vẫn cố bám lấy tư tưởng giáo điều là kinh tế quốc doanh phải là "bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN" và là một trong hai trụ cột của "nền tảng vửng chắc của nền kinh tế quốc dân"; nó vẫn phải đóng "vai trò chủ đạo trong nền kinh tế (quốc dân)" (37).
Một trong những việc sắp xếp lại và giải thể các doanh nghiệp nhà nước là "cổ phần hóa" (equitization) một bộ phận doanh nghiệp nhà nước.
Tính đến cuối năm 2000, chỉ có "gần 400 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa theo quyết định 202/CP" mà thôi (38); và "số vốn Nhà nước ở các doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa còn rất thấp, chỉ bằng hơn 1% tổng số vốn Nhà nước hiện có tại doanh nghiệp nhà nước" (ibid). Trong 10 năm qua, theo lời một viên chức Hội đồng cải tổ doanh nghiệp nhà nước, thì có tất cả là 915 doanh nghiệp nhà nước được cổ phần hóa mà thôi (39). Rõ ràng là tiến trình "cổ phần hóa" vẫn diễn ra rất chậm chạp, dù là có áp lực và viện trợ của các tổ chức tài chính quốc tế. Xin nhắc lại ở đây là mục đích "cổ phần hóa", theo quan niệm của ÐCS, là để huy động thêm vốn, nhằm tạo thêm động lực thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước làm ăn có hiệu quả hơn, chứ không phải để tư nhân hóa như một số người đã lầm tưởng: "cổ phần hóa không phải là... tư nhân hóa mà là quá trình ra đời chế độ sở hữu theo mục tiêu XHCN" (40) [tức là sở hữu của người lao động nhờ mua được cổ phần của doanh nghiệp nhà nước].
Tại các doanh nghiệp đã được "cổ phần hóa", Nhà nước vẫn còn nắm giữ từ 15 đến 30% cổ phần; ngoài ra, theo quy định, mỗi người lao động chỉ được mua 10 cổ phần cho mỗi năm làm việc; không pháp nhân nào được nắm quá 10% cổ phần; không một cá nhân nào được nắm quá 5% cổ phần; và vốn nước ngoài không vượt 30% cổ phần (41).
Có lẽ cần nhấn mạnh thêm là "cổ phần hóa" đáng lẽ phải dẫn tới một sự thay đổi quan trọng trong phương thức quản lý các doanh nghiệp nhà nước, vì chỉ có như vậy thì các tài nguyên mới được sử dụng một cách có hiệu quả hơn. Nhưng trên thực tế thì người ta không thấy điều này xảy ra ở Việt Nam.
Trong tháng 08.2001, tại hội nghị trung ương lần thứ 3, ÐCSVN đã quyết định đại cải tổ và sắp xếp lại một lần nữa doanh nghiệp nhà nước (xem nghị quyết 05-NQ/TU đề ngày 24.09.2001) (42). Ðây là đợt đại phẫu thuật lần thứ 4 của doanh nghiệp nhà nước vì nó "vẫn yếu kém và trì trệ" (43) sau 3 đợt cải tổ trước đây! Nhưng chắc số phận của đợt cải tổ này cũng sẽ không khác gì hơn số phận của các đợt cải tổ trước đây.
TS. Lê Ðăng Doanh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng: "Cải cách doanh nghiệp nhà nước bây giờ là do yêu cầu bức xúc của hội nhập [kinh tế thế giới - VNT], của thị trường"; và ông này còn nói rõ thêm rằng trong một cuộc điều tra về khả năng cạnh tranh của hơn 40 ngành thì "thấy rằng những ngành sử dụng nhiều vốn và công nghệ của [Việt Nam] vẫn còn kém quá, rất khó cạnh tranh" (44). Còn theo một cán bộ lãnh đạo khác của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế nói trên thì "chỉ có 21% số xí nghiệp quốc doanh hiện nay có thể tồn tại trong công cuộc hội nhập [với kinh tế thế giới - VNT]" (45). Báo chí trong nước còn nhấn mạnh là "việc doanh nghiệp nhà nước được hưởng các ưu đãi, độc quyền đã góp phần kìm hãm sức phát triển của khu vực tư nhân, khiến cho sức cạnh tranh chung của [Việt Nam] trên thị trường quốc tế càng thêm suy yếu" (46). Năm 2001, theo đánh giá về năng lực cạnh tranh quốc gia của "Diễn Ðàn Kinh Tế Thế Giới" (WEF) công bố ngày 18.10.2001 thì Việt Nam chỉ được xếp vào hạng 62 trên 75 nước được xem xét mà thôi (47).

* * *
Bây giờ chúng tôi muốn bàn tới vấn đề khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (non-state sector: nó bao gồm kinh tế tập thể, kinh tế tư bản nhà nước, kinh tế cá thể - tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân. Cần nói rõ ở đây là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh không bao giờ đồng nghĩa với khu vực kinh tế tư nhân như một số người đã ngộ nhận. Bởi vì phạm trù kinh tế ngoài quốc doanh bao gồm lẫn lộn, một mặt, thành phần kinh tế có tính chất XHCN như là kinh tế tập thể, hoặc bán XHCN như là kinh tế tư bản nhà nước; và mặt khác, khu vực kinh tế tư nhân thuần túy như là kinh tế cá thể - tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân.
Kinh tế tập thể bao gồm các hình thức hợp tác đa dạng, trong đó hợp tác xã là nòng cốt; các hợp tác xã này dựa trên sở hữu của các hộ xã viên và sở hữu tập thể.
Ðiều đáng chú ý là gần đây, tại hội nghị trung ương lần thứ 5 (đầu tháng 03.2002), ÐCSVN lại chủ trương đẩy mạnh trở lại việc "phát triển... kinh tế tập thể", nhằm tăng tỷ trọng của nó trong GDP trong 5 năm tới (theo tinh thần Nghị quyết số 13-NG/TU đề ngày 18.03.2002) (48). Báo chí của đảng nhấn mạnh là kinh tế tập thể hiện nay khác với kinh tế hợp tác xã trước khi có "đổi mới", nhưng khác như thế nào thì chưa thật rõ, kể cả trong giới lãnh đạo!

Kinh tế tư bản nhà nước được thể hiện "dưới các hình thức liên doanh, liên kết giữa kinh tế quốc doanh với kinh tế tư bản tư nhân trong nước và ngoài nước" (49). Xin nhắc lại ở đây quan điểm của Lênin về thành phần kinh tế này bởi vì nó vẫn còn có hiệu lực ở Việt Nam hiện nay. Theo quan điểm này thì bản chất của kinh tế tư bản nhà nước thay đổi tùy theo chế độ nhà nước: nếu nhà nước đó là nhà nước tư bản chủ nghĩa thì thành phần kinh tế tư bản nhà nước ở đó lẽ dĩ nhiên có tính cách tư bản chủ nghĩa; còn nếu nhà nước đó là nhà nước cộng sản hoặc XHCN tức là nhà nước đó "có khả năng hạn chế chủ nghĩa tư bản" (50) thì thành phần kinh tế tư bản nhà nước ở đó đã có tính cách "3/4 của CNXH" rồi (51). ÐCSVN cũng nhắc lại rằng "Lênin coi chủ nghĩa tư bản nhà nước là một chính sách, một công cụ mà Nhà nước XHCN dùng để điều tiết và quản lý hoạt động của các thành phần kinh tế, nhất là kinh tế tư bản tư nhân trong thời kỳ quá độ lên CNXH" (52). Như vậy là, trái với sự ngộ nhận của một số người, thành phần kinh tế tư bản nhà nước trong chế độ XHCN ở Việt Nam không phải là con đường rẽ để đi tới chủ nghĩa tư bản mà trái lại là một con đường vòng để "quá độ lên CNXH"!
Ðiều đáng chú ý ở đây là trong thành phần kinh tế tư bản nhà nước ở Việt Nam, các doanh nghiệp nhà nước chiếm tới 98% các dự án liên doanh với nước ngoài, trong năm 2000 chẳng hạn (53).
Về kinh tế cá thể - tiểu chủ cả ở nông thôn lẫn thành thị thì, theo chủ trương của ÐCSVN, nó "được Nhà nước tạo điều kiện và giúp đỡ để phát triển" (54).
Còn về kinh tế tư bản tư nhân thì phải nói rằng từ cuối những năm 80 đến nay, ÐCSVN luôn luôn chủ trương phát triển nó trên lý thuyết, nhưng trên thực tế thì thành phần kinh tế này vẫn gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn.

Một tài liệu nghiên cứu Việt-Nhật cho biết là doanh nghiệp tư nhân phải trả lãi suất cao hơn nhiều trong việc vay mượn vốn (trên 20%) so với doanh nghiệp nhà nước (8,5-9%); hơn nữa, các món vay mượn của xí nghiệp tư nhân chỉ có tính cách ngắn hạn, và rất nhiều hãng tư nhân không hề được cấp tín dụng (55). Các xí nghiệp tư nhân còn "phải đương đầu với thuế suất quá cao, nộp trăm thứ nghĩa vụ ngoài quy định, gặp sự thờ ơ của các ngân hàng và một đống quy chế bất lợi" (56). Ðáng chú ý là các xí nghiệp tư nhân bản xứ phải đóng thuế lợi tức cao tới 30-50%, trong khi đó thì các xí nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chỉ phải chịu thuế suất 15-20% mà thôi (57). Một nhà kinh tế ở Hà Nội nhận xét rằng: "... so với doanh nghiệp nhà nước, các doanh nghiệp tư nhân [chỉ] có quy mô nhỏ, vốn ít, và không có lợi về mặt bằng, nhà xưởng và vị trí" (58). Một nhà kinh tế Việt Nam khác thì thừa nhận là "dân chưa hoàn toàn yên tâm về chính sách lâu dài cho kinh tế tư nhân phát triển của nhà nước [XHCN]. Sự lởn vởn trong tâm tư những câu hỏi: tư bản tư nhân được phát triển đến bao giờ?... Liệu có phải vỗ béo rồi giết thịt hay không?..." (59). Có lẽ cần nhắc lại ở đây là chính ông Nguyễn Văn Linh, lúc đó là Tổng bí thư, trong bài diễn văn đọc tại hội nghị trung ương lần thứ 6 (tháng 03.1999) cũng đã nói là trong tương lai các "thành phần kinh tế tư nhân [sẽ] bị cải tạo XHCN" (60)!
Những sự kiện vừa kể trên cho thấy nhận xét của một số nhà quan sát nước ngoài cho rằng, với sự xuất hiện kinh tế thị trường, Nhà nước XHCN ở Việt Nam cho phép kinh tế tư nhân tha hồ hoạt động, thậm chí có thể đóng vai trò chủ yếu trong nền kinh tế quốc dân, là hoàn toàn sai sự thật (61).

Dưới áp lực của các tổ chức tài chính quốc tế, chính phủ Hà Nội đã ban hành "Luật doanh nghiệp" hồi tháng 06.1999 (và nó đã có hiệu lực từ ngày 01.01.2000) nhằm - trên lý thuyết - tạo điều kiện thuân lợi cho việc đăng ký thành lập doanh nghiệp tư nhân mới dễ dàng hơn trước đây, và bãi bỏ các loại giấy tờ không cần thiết. Tuy nhiên, trên thực tế thì, như tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn [thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh] đã thừa nhận: "còn nhiều yếu tố cản trở sự phát triển kinh tế tư nhân. Trước hết, tư nhân vẫn khó tiếp cận các nguồn tín dụng, do ngân hàng [nhà nước] thích cho doanh nghiệp nhà nước vay hơn... [Còn] về đất đai [thì] doanh nghiệp tư nhân cũng không có lợi thế. Họ không được cấp đất nhiều như doanh nghiệp nhà nước, mà phải mua lại rồi làm thủ tục đăng ký quyền sử dụng hoặc thuê của nhà nước. Quá trình làm thủ tục này... rất khó khăn, làm chậm trễ việc đầu tư mở rộng sản xuất... Ngoài ra, việc tham gia kinh doanh những ngành, nghề cần vốn pháp định và chứng chỉ hành nghề cũng ách tắc... Một số chính sách thuế áp dụng cho khu vực [kinh tế] tư nhân chưa hợp lý" (62). Tờ tuần báo này còn than phiền là "Luật doanh nghiệp đang bị gặm nhấm" và hiện nay "vẫn còn khoảng 400 văn bản pháp luật khác nhau có những nội dung quy định trái với tinh thần Luật doanh nghiệp" (63). Tuy trong thời gian "hơn 10 năm qua nhà nước đã cố gắng dẹp đi rào cản... [nhưng] con đường đi lên của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn gập ghềnh" (64).
Sau hai năm áp dụng "Luật doanh nghiệp", báo chí trong nước vẫn tiếp tục nói đến các khó khăn của doanh nghiệp tư nhân. Nó "không chỉ gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn vốn khi mới thành lập doanh nghiệp mà còn trong cả hoạt động kinh doanh và xuất khẩu... Các doanh nghiệp tư nhân chỉ còn cách tốt nhất là trông chờ vào nguồn vốn tự có, vốn cổ phần, vốn vay người thân... hay vay tư nhân với lãi suất cao, đôi khi gắp 3 đến 6 lần lãi suất ngân hàng" (65).
Dù có "Luật doanh nghiệp" mới, nếu xem xét kỹ nội dung các văn bản đang soạn thảo hoặc đã được ban hành thì ta "thấy rõ hiện tượng cố níu kéo [cơ chế cũ - VNT] và duy trì một phần cơ chế xin-cho dưới các hình thức mới" (66).

Nhìn chung, theo một nhà kinh tế ở trong nước thì "kinh tế tư nhân còn nhỏ bé, phân tán, trình độ công nghệ, quản lý và tay nghề của người lao động còn nhiều hạn chế. Bên cạnh khó khăn chung của các doanh nghiệp về thị trường tiêu thụ, sức cạnh tranh, kinh tế tư nhân... còn có nhiều khó khăn, vướng mắc hơn về vốn hoạt động, về mặt bằng sản xuất, kinh doanh, về cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại, về môi trường pháp lý, môi trường tâm lý xã hội, còn khó khăn trong việc thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước" (67).
Do các trở ngại vừa nêu bên trên cho nên ta không lấy gì làm lạ là "ở nước ta, giới tư nhân chưa đầu tư làm ăn lớn, chưa hợp lực, chung vốn để thành lập những công ty lớn để có thể nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh trên thị trường" (68) [tác giả nhấn mạnh - VNT], dù rằng "hiện nay, theo một số nghiên cứu, vốn nhàn rỗi ở trong dân [là] vào khoảng 6-8 tỷ US$" (69).

Cần nhấn mạnh một điều là, theo thống kê chính thức của Hà Nội, tỷ trọng kinh tế tư nhân thuần túy (tức là kinh tế cá thể - tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân) trong Tổng Sản Phẩm Quốc Nội (GDP) của Việt Nam, thay vì tăng lên trong quá trình "đổi mới" kinh tế như người ta chờ đợi, thì nó lại giảm đi! Ví dụ: năm 1996, tỷ trọng kinh tế tư nhân thuần túy chiếm 28,48% của GDP (trong đó kinh tế cá thể - tiểu chủ chiếm 21,28%, và kinh tế tư bản tư nhân chiếm 7,21%) thì đến năm 2000, tỷ trọng này giảm xuống còn 26,87% của GDP (trong đó phần kinh tế cá thể - tiểu chủ chiếm 19,72%, và kinh tế tư bản tư nhân chiếm 7,14%)(70).
Ðiều ngạc nhiên là, dù thực tế như vậy, ông Andrew Steer, lúc đó là giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam đã nhận xét rằng cải cách khu vực kinh tế tư nhân ở Việt Nam là "tương đối tốt" (!) tại hội nghị các nhà tài trợ cho Việt Nam họp tại Hà Nội hồi tháng 12.2001 (71).
Gần đây, dưới áp lực của các tổ chức tài chính quốc tế, tại hội nghị trung ương đảng lần thứ 5 (tháng 03.2002), ÐCSVN đã ra một nghị quyết mà mục tiêu của nó là "tiếp tục đổi mới cơ chế và chính sách để khuyến khích, tạo điều kiện phát triển [thành phần kinh tế tư nhân - VNT)... theo pháp luật... dưới sự lãnh đạo của Ðảng"; và nghị quyết này còn nhấn mạnh rằng chính sách vừa nói trên là "một vấn đề chiến lược lâu dài" (tới bao lâu? - VNT) (72). Phải chờ xem trong tương lai người ta sẽ áp dụng nghị quyết này như thế nào trên thực tế.

Bây giờ xin nói vắn tắt tới thành phần kinh tế thứ 6, tức là kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài (foreign-invested sector).
Báo cáo chính trị trước Ðại hội đảng lần thứ 9 có ghi rõ: "Tạo điều kiện để [thành phần kinh tế này] phát triển thuận lợi, hướng vào mục tiêu phát triển các sản phẩm xuất khẩu... và xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội gắn với thu hút công nghệ hiện đại. " (73).
Ở đây có lẽ chỉ cần lưu ý một điều là ở Việt Nam, Nhà nước còn "có sở hữu trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, chẳng hạn như trong công ty khai thác dầu khí", trong đó Nhà nước có hơn 50% cổ phần (74). Như thế thì thành phần kinh tế này có tính cách bán XHCN chứ không phải là hoàn toàn tư nhân như một số người lầm tưởng.

Nhìn chung thì ta thấy nền kinh tế quốc dân Việt Nam là một nền kinh tế hỗn hợp, trong đó một mặt thì có các thành phần kinh tế có tính cách XHCN (như kinh tế quốc doanh và kinh tế tập thể) và bán XHCN (như kinh tế tư bản nhà nước), mặt khác thì có các thành phần kinh tế tư nhân thuần túy (như kinh tế cá thể - tiểu chủ và kinh tế tư bản tư nhân). Nhưng phải nhấn mạnh là trong nền kinh tế hỗn hợp này, tỷ trọng của các thành phần kinh tế có tính cách XHCN và bán XHCN vẫn chiếm ưu thế trong GDP, so với tỷ trọng của các thành phần kinh tế tư nhân thuần túy. Xin lấy ví dụ năm 1999 chẳng hạn (chúng tôi không có số liệu nào mới hơn) (75): Nếu ta tính gộp cả kinh tế quốc doanh (40,2% của GDP), kinh tế tập thể (9%) và kinh tế tư bản nhà nước (3%) thì ta thấy tỷ trọng tổng hợp của các thành phần kinh tế có tính cách XHCN và bán XHCN lên tới 52,2% của Tổng Sản Phẩm Quốc Nội (GDP) trong khi đó thì toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân thuần túy [bao gồm kinh tế cá thể - tiểu chủ: 34%, và kinh kinh tư bản tư nhân: 3,4%] chỉ chiếm có 37,4% của GDP mà thôi. Ðó là chưa kể thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó Nhà nước XHCN cũng có cổ phần [10,4% của GDP]. Do đó, dù có "đổi mới" kinh tế trong 15 năm qua, ta có thể khẳng định rằng nền kinh tế quốc dân Việt Nam về cơ bản vẫn còn có tính cách XHCN và bán XHCN, chứ không phải đã biến thành tư bản chủ nghĩa như một số nhà quan sát quốc tế và Việt kiều đã ngộ nhận, nhất là khi phải tính đến một yếu tố quan trọng nữa, đó là vai trò điều tiết và quản lý kinh tế vĩ mô của Nhà nước XHCN.
Dù về cơ bản là có tính cách XHCN nhưng ÐCSVN vẫn muốn lợi dụng tối đa khoa học kỹ thuật và vốn liếng của các nước tư bản chủ nghĩa, và viện trợ của các tổ chức tài chính quốc tế để phát triển lực lượng sản xuất, công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước (76). Tuy vậy họ vẫn tuyên bố, như ÐCS Trung Quốc, là phải "bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa [tức là] bỏ qua việc xác lập vị trí thống trị của quan hệ sản xuất (bao gồm cả ba mặt: sở hữu tư liệu sản xuất, quản lý nền kinh tế và phân phối thu nhập - VNT) và kiến trúc thượng tầng (bao gồm ý thức hệ, thể chế chính trị, luật pháp, văn hóa, tôn giáo và triết học, v.v.. - VNT) tư bản chủ nghĩa" (77). Ðó là ý đồ của họ, còn họ có thực hiện được việc này, tới mức độ nào lại là một chuyện khác.
Ðiều đáng chú ý là nền kinh tế Việt Nam hiện nay là một nền kinh tế hỗn hợp lũy tích các khía cạnh tiêu cực nhất, vừa của CNXH hoang tàn, vừa của tư bản chủ nghĩa hoang dại, theo kiểu Trung Quốc (78).  

3. Kết quả "đổi mới" kinh tế
Sau khi phân tích các thành phần kinh tế nói chung, chúng tôi xin bàn đến kết quả của quá trình "đổi mới" kinh tế trong mấy năm qua (79).
Theo số liệu chính thức của Hà Nội thì tốc độ tăng trưởng của Tổng Sản Phẩm Quốc Nội (TSPQN, tức là GDP tiếng Anh) đã diễn biến như sau:

Tốc độ tăng trưởng hàng năm của Tổng Sản Phẩm Quốc Nội (GDP) của Việt Nam (1991-2001):

 

 Năm            TSPQN (năm)                                                TSPQN (tỷ US$)                TSPQN  

                   theo TCTK Hà nội (a)     theo WB & IMF (b)              (a)                    đầu nggười US$ (b)

1991                  6

1992                  8,6

1993                  8,1

1994                  8,8

1995                  9,5                                 9,5                             20,9                           288

1996                  9,3                                 9,3                             24,7                           337

1997                  8,2                                 8,2                             26,8                           361

1998                  5,8                                 3,5                             27,2                           359

1999                  4,8                                 4,2                             28,7                           372

2000                  6,7                                 5,5                             31,1                           390

2001                  6,8                                 4,8

 

Nguồn:
(a) Tổng Cục Thống Kê (TCTK), Hà Nội, trích theo:
- Xuân Quang, Dân Chủ & Phát Triển (Ðức), số 17, tháng 03.2000, tr.31.
- Vietnam: EIU, Country Profile - 2001, tr. 5 và EIU, Country Report, July 2001, tr. 5, The Economist Intelligence Unit limited 2001, London.
- Ambassade de France au Vietnam, Mission économique: Situation économique du Vietnam en 2001, Hanoi, 28.12.2001, tr.1.
- Nguyễn Sinh Cúc, TCCS, số đặc biệt - số 2, tháng 01.2002, tr.26.
(b) IMF, Staff Report For The 2001 Article IV Consultation & First Review..., Asia & Pacific Department, Nov.7, 2001, tr.54.

Trên đây là tốc độ tăng trưởng hằng năm của Tổng Sản Phẩm Quốc Nội do Tổng cục thống kê Hà Nội, và do Ngân Hàng Thế Giới (WB: tiếng Anh) và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF: tiếng Anh) công bố. Ðiều đáng chú ý là từ năm 1998 trở đi thì tăng trưởng kinh tế của Việt Nam do Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế công bố thấp hơn nhiều so với số liệu của Hà Nội. Ví dụ năm 2000, tăng trưởng hằng năm của Tổng Sản Phẩm Quốc Nội của Việt Nam là 6,75% theo Hà Nội, nhưng theo Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế thì chỉ có 5,5%; năm 2001 thì Hà Nội đưa ra con số 6,8%, nhưng theo Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế thì chỉ có 4,8% mà thôi(80).
Các số liệu trên đây cho thấy trong kế hoạch 5 năm (1991-1995) tốc độ tăng trưởng hằng năm của Việt Nam tăng lên liên tục từ 1991 đến 1995, tức là từ 6% lên tới 9,5% (trung bình trong kế hoạch này là tăng 8,2%/năm). Ðó là "thời kỳ hoàng kim của kinh tế Việt Nam"(81). Sở dĩ có tăng trưởng khá cao trong giai đoạn nói trên là nhờ ba lý do chính:
a. Nhờ "phát triển kinh tế nhiều thành phần" cho nên đã khai thác được triệt để tiềm lực sẵn có mà cơ chế cũ (xóa bỏ khu vực kinh tế tư nhân theo chủ trương của Hồ Chí Minh và ÐCS trước 1986; và kế hoạch hóa tập trung, "quan liêu, bao cấp") không tạo điều kiện cho việc khai thác có hiệu quả. Nói một cách khác, sở dĩ có tăng trưởng khá cao là nhờ sửa chữa các sai lầm nghiêm trọng của chính sách kinh tế của ÐCSVN trước 1986.
Gần đây, trong một cuộc phỏng vấn của một tuần báo nước ngoài, ông Võ Nguyên Giáp cũng thừa nhận là đáng lẽ trước đây, Việt Nam không nên gạt bỏ khu vực kinh tế tư nhân như đã làm 82. Ðiều đáng chú ý là sau khi đả phá kinh tế nhiều thành phần trong gần 30 năm qua, ÐCSVN lại quay trở lại chủ trương một nền kinh tế với nhiều thành phần kinh tế, tức là quay trở lại bước đầu... sau bao nhiêu lãng phí sức người, tiền của và thời gian.
b. Nhờ sự phát huy tác dụng của đầu tư nước ngoài và một số khoản đầu tư trong nước trước đó.
c. Thêm vào đó là vì điểm xuất phát của Tổng Sản Phẩm Quốc Nội để tính toán là quá thấp cho nên nó chỉ cần tăng lên một ít về khối lượng thôi thì ta thấy tỷ lệ tăng trưởng của nó vọt lên khá cao; đó chỉ là một vấn đề toán học thuần túy mà thôi.

Tuy nhiên, sau thời kỳ "hoàng kim" thì ta thấy bắt đầu từ 1996, tốc độ tăng trưởng hàng năm của Tổng Sản Phẩm Quốc Nội có xu hướng giảm dần cho tới năm 1999: từ 9,3% xuống còn 4,8%. Thực tế này bác bỏ luận điệu lừa bịp của ông Ðỗ Mười, lúc đó là Tổng bí thư, khi ông này khẳng định trong "báo cáo chính trị" tại Ðại hội 8 của ÐCSVN (tháng 06.1996) rằng "nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội nghiêm trọng và kéo dài hơn 15 năm" (83). Thật vậy, hai năm sau ông Ðỗ Mười, Thủ tướng Phan Văn Khải, trong bài diễn văn đọc trước Quốc hội (ngày 28.10.1998) thừa nhận là "nhịp độ tăng trưởng kinh tế đã bắt đầu giảm sút từ năm 1996...; những yếu tố thiếu lành mạnh... đã xuất hiện trước khi bùng nổ khủng hoảng... [tài chính ở Châu Á từ giữa năm 1997 - VNT]. Vì vậy, chúng ta cần nhìn nhận rõ những mặt yếu kém của bản thân nền kinh tế nước ta mà cuộc khủng hoảng khu vực làm tăng thêm và bộc lộ rõ hơn" (chúng tôi nhấn mạnh - VNT) 84. Nói một cách khác, trái với luận điệu của bộ máy tuyên truyền của ÐCS, nguyên nhân chủ yếu của sự suy thoái bắt đầu từ 1996 là do yếu tố bên trong nền kinh tế Việt Nam (do "đổi mới" đã nửa vời rồi mà còn lại dẫm chân tại chỗ từ 1997 đến 2000) chứ không phải do yếu tố bên ngoài (khủng hoảng tài chính ở Châu Á); và yếu tố thứ hai chỉ làm trầm trọng thêm yếu tố thứ nhất mà thôi (vì cuộc khủng hoảng tài chính ở Châu Á giữa năm 1997 chỉ tác động tới kinh tế Việt Nam từ đầu năm 1998 mà thôi).
Năm 1999 là năm đặc biệt khó khăn đối với nền kinh tế Việt Nam vì đã xảy ra tình trạng suy thoái kèm với thiểu phát, và cung vượt quá cầu; và tình trạng này là nguyên nhân trực tiếp làm cho sản xuất không thể phát triển được.
Tuy nhiên, tình hình kinh tế năm 2000 đã sáng sủa hơn năm trước đó: xu hướng suy thoái từ 1996 đến 1999 đã bị phần nào đảo ngược do các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh của tất cả các thành phần kinh tế, song song với một chương trình kích cầu thông qua việc kích thích đầu tư và tiêu dùng rộng lớn, nhằm vực dậy nền kinh tế quốc dân.
Trong năm 2001, tăng trưởng hàng năm, theo chính quyền Hà Nội là 6,8%, nhưng theo Ngân Hàng Thế Giới và Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế thì "chỉ đạt 4,8% [mà thôi], mà chủ yếu là nhờ "Luật doanh nghiệp" đã... tạo ra động lực đầu tư [tư nhân] trong nước"...; "[tuy nhiên] về cơ bản nền kinh tế [Việt Nam] vẫn... còn kém hiệu quả, kém cạnh tranh và chưa đạt được sự tăng trưởng bền vững" (85). Thủ tướng Phan Văn Khải cũng đã thừa nhận trước Quốc hội hồi tháng 11.2001 rằng: "tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn những yếu kém tồn tại nhiều năm qua chưa khắc phục được... đan xen với những vấn đề mới phát sinh, hạn chế quá trình phát triển, chủ yếu là: chất lượng tăng trưởng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; cơ cấu sản xuất chuyển dịch chưa kịp với yêu cầu của thị trường, nhất là việc khắc phục kém về chất lượng và giá cả cao... ; chi phí sản xuất cao và có xu hướng tăng lên... ; tỷ lệ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhà nước sản xuất kinh doanh kém hiệu quả còn cao; nợ khó đòi của các ngân hàng còn lớn... " (86). Một nhà kinh tế ở Hà Nội còn nói rõ thêm: "tình trạng phổ biến [trong năm 2001] là... nhiều sản phẩm làm ra có chất lượng thấp, giá thành cao..., khả năng tiêu thụ sản phẩm khó khăn,... hàng tồn kho lớn. Năng lực cạnh tranh hàng hoá, dịch vụ của nước ta nhìn chung còn thấp do trang thiết bị công nghệ của nhiều doanh nghiệp còn yếu kém, lạc hậu so với thế giới từ 10 đến 30 năm, cộng thêm những yếu kém về quản lý, hạn chế về môi trường đầu tư kinh doanh...,và hạn chế về cung cấp thông tin, xúc tiến thương mại"(87).

Về năng lực cạnh tranh của Việt Nam thì, theo đánh giá của "Diễn đàn kinh tế thế giới" (gọi tắt tiếng Anh là "WEF"), năm 1998 Việt Nam được xếp hạng ở vị trí 39 trên 53 quốc gia, và đến năm 2001 thì Việt Nam được xếp hạng ở vị trí 62 trên 75, tức là năng lực cạnh tranh của Việt Nam còn rất hạn chế hiện nay (88).
Tính theo đầu người thì Tổng Sản Phẩm Quốc Nội (GDP/per capita) của Việt Nam, theo một tài liệu gần đây của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (89), thì chỉ đạt 390 US$ năm 2000 so với 288 US$ hồi năm 1995. Ðiều đáng chú ý là Tổng Sản Phẩm Quốc Nội / đầu người của Việt Nam năm 2000 (390 US$) là thấp hơn so với chỉ tiêu do Ðại hội 8 của ÐCSVN đã đề ra: 400 US$(90).
Trong năm 2001, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng thừa nhận rằng GDP / đầu người ở Việt Nam "mới có 400 US$ trong khi một số nước xung quanh đã đạt được 1.000 đến 2.000 US$, [còn] các nước phát triển cao đã đạt trên 20.000-30.000 US$"(91).
Còn nếu tính theo Tổng Sản Phẩm Quốc Gia / đầu người (tức là GNP/per capita gọi tắt tiếng Anh) thì GNP/per capita của Việt Nam năm 2000 là 398 US$, trong lúc đó ở Thái lan là 1.984 US$, ở Malaixia là 3.531 US$, ở Ðài loan là 14.216 US$ và Xing-ga-po là 24.664 US$(92).
Theo GS. Trần Văn Thọ (Ðại học Waseda, Tokyo) thì "kinh tế Việt Nam hiện nay phát triển chậm hơn Thái lan khoảng 20-25 năm" (chúng tôi nhấn mạnh - VNT) dù rằng vào giữa thế kỷ 20, Việt Nam có trình độ phát triển tương đương với Thái lan(93).
Gần đây, ông Võ Nguyên Giáp cũng thừa nhận, trong một cuộc hội thảo ở Hà Nội, rằng: "Chúng ta [các nhà lãnh đạo Việt Nam - VNT] phải... dũng cảm nhìn vào sự thật, thấy rõ rằng nước ta vẫn còn là một nước lạc hậu và nghèo nàn trên thế giới. Thu nhập đầu người còn thấp hơn mấy chục lần so với các nước trong khu vực [Ðông Nam Á - VNT] và hàng trăm lần so với các nước tiên tiến. Trình độ công nghệ so với các nước trung bình còn lạc hậu hơn mấy thập kỷ, so với các nước tiền tiến thì gần cả trăm năm. Trong khi các nước phát triển đã đi qua hai cuộc cách mạng công nghiệp và bước vào nền kinh tế tri thức thì nước ta mới bắt đầu tiến hành sự nghiệp công nghiệp hóa" (94).
Ðiều đáng tiếc là ông Giáp, một mặt thì thừa nhận tình trạng rất lạc hậu của Việt Nam, nhưng mặt khác thì vẫn tán thành đường lối "tiến lên CNXH" của ÐCS mà không thấy - hoặc không muốn thấy? - rằng cái này (CNXH) là nguyên nhân trực tiếp của cái kia (tình trạng lạc hậu). Có lẽ nào một nhà thông thái và am hiểu tình hình như ông Giáp mà không thấy quan hệ nhân quả giữa CNXH và sự lạc hậu của Việt Nam ngày nay hay sao?
Theo sự tính toán của GS. David Dapice (đại học Tufts và Harvard), nếu trong tương lai mức tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ là 6%/năm thôi thì GDP/đầu người của Việt Nam (tính bằng US$) trong 20 năm nữa cũng chưa đạt được một nửa GDP/đầu người của Thái lan vào năm 1999! (95) Và nếu mức tăng trưởng GDP hàng năm của Việt Nam là 10%/năm thì chỉ đến năm 2019 mức chênh lệch mới bắt đầu giảm, và GDP/đầu người của Việt Nam mới vượt GDP/đầu người của Thái lan vào năm 1999 (ibid).

 * * *
Ðể có tốc độ tăng trưởng cao và bền vững nhằm tạo khả năng đuổi kịp các nước láng giềng trong tương lai và khắc phục tình trạng tụt hậu xa hơn nữa - và đó là nỗi quốc nhục hiện nay - Việt Nam phải làm gì?
Một số nhà kinh tế trong nước (96), một số Việt kiều (97) và vài nhà kinh tế ngoại quốc (98) đã đóng góp khá nhiều ý kiến về vấn đề này rồi. Tuy nhiên, theo thiển ý, chúng tôi nghĩ rằng ÐCSVN và Nhà nước Việt Nam có thể áp dụng 10 biện pháp cơ bản sau đây để đạt mục tiêu nói trên:
1. Mạnh dạn cởi trói thật sự khu vực kinh tế tư nhân thuần túy, nhất là kinh tế tư bản tư nhân.
Ðể làm việc này ÐCSVN cần:
a. xóa ngay tâm lý nghi kỵ và tâm lý xem thường các đơn vị dân doanh trong các cấp quản lý của Nhà nước XHCN. Cần giải phóng tư tưởng lạc hậu ở trong và ở ngoài ÐCS đối với các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh nói chung, và kinh tế tư bản tư nhân nói riêng.
b. đưa ra một chính sách rõ ràng, nhất quán để tạo yên tâm cho các nhà đầu tư tư nhân để họ không sợ bị "cải tạo XHCN" như trước đây 99. Tờ Thời báo kinh tế Sài Gòn đã khuyến cáo rằng: "với nền kinh tế nhiều thành phần, ÐCS cần đóng vai trò chủ động đối với việc xuất hiện các nhà tư bản dân tộc"(100). Cũng cần khuyến khích giới tư nhân Việt Nam đầu tư làm ăn lớn, và cần tạo điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh tư bản tư nhân.
c. thiết lập sân chơi thật sự bình đẳng giữa kinh tế quốc doanh và kinh tế tư nhân, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, tín dụng.
d. khuyến khích doanh nghiệp tư doanh cạnh tranh một cách bình đẳng với doanh nghiệp nhà nước ở trong nước để, sau một thời gian tập dượt, cả hai thành phần kinh tế này có thể đương đầu với sự cạnh tranh quốc tế khi hội nhập vào kinh tế thế giới.
Cởi trói kinh tế tư nhân, nhất là kinh tế tư bản tư nhân là điều kiện thiết yếu để dần dần tiến tới một nền kinh tế thị trường thật sự (chứ không phải một "nền kinh tế thị trường định hướng XHCN" như hiện nay).

2. Kiên quyết cải cách triệt để các doanh nghiệp nhà nước bằng cách:
a. giảm bớt dần tỷ trọng khu vực kinh tế quốc doanh trong cơ cấu của GDP (và một cách tương liên, nâng cao dần tỷ trọng khu vực kinh tế tư nhân).
b. giảm mạnh và tái cấu trúc lại các món nợ lớn của doanh nghiệp nhà nước nhằm cải tổ các món nợ khó đòi của ngân hàng.
c. áp dụng một cách hết sức nghiêm túc kỷ luật tài chính đối với ngân sách của doanh nghiệp nhà nước theo nguyên tắc vận hành của một nền kinh tế thị trường thật sự; và áp dụng triệt để luật phá sản đối với các doanh nghiệp nhà nước lổ lã triền miên.
d. đẩy mạnh hơn việc "cổ phần hóa" các doanh nghiệp nhà nước (101) bằng cách:
- mở rộng đối tượng mua cổ phần cho các tổ chức hoạt động ngoài lãnh thổ Việt Nam và người nước ngoài.
- xóa bỏ mức khống chế về quyền mua cổ phần lần đầu.
- xử lý tài chính trước khi "cổ phần hóa".
- xác định trị giá tài sản của doanh nghiệp nhà nước khi tiến hành "cổ phần hóa" thông qua đấu giá theo cơ chế thị trường.
e. chuyển đổi doanh nghiệp nhà nước thành công ty có trách nhiệm hữu hạn, tức là cho nó có nhiều quyền tự chủ hơn trong việc thuê lao động, tiền lương và phân phối lợi nhuận.

3. Song song với việc cải tổ các doanh nghiệp nhà nước, Nhà nước cần đẩy mạnh hơn nữa những cải cách sâu rộng trong hệ thống ngân hàng để nó có thể hoạt động theo những nguyên tắc thương mại thuần túy phù hợp với một nền kinh tế thị trường thật sự (102).

4. Thiết lập một Nhà nước pháp quyền công minh phù hợp với một nền kinh tế thị trường thật sự; và xây dựng các thể chế và cơ chế mới thuận lợi cho giao lưu và cạnh tranh, dựa trên luật pháp kinh doanh minh bạch và công minh.

5. Thiết lập một hệ thống quản lý quốc gia hữu hiệu gồm 3 thành phần bình đẳng là Nhà nước, kinh tế tư nhân và xã hội dân sự.

6. Nhấn mạnh hơn nữa việc nâng cao hiệu suất của nông nghiệp.

7. Tăng cường tri thức và công nghệ để nâng cao hiệu suất đầu tư nhằm tạo ra tăng trưởng kinh tế.

8. Tích cực hội nhập kinh tế vùng và thế giới bằng cách:
a. tranh thủ mạnh mẽ hơn nữa đầu tư trực tiếp nước ngoài,
b. tăng cường và đa dạng hóa xuất khẩu; tăng cường tiếp cận thị trường vùng và quốc tế, nhất là thị trường Mỹ và Trung Quốc; và nâng cao sức cạnh tranh quá yếu kém hiện nay của Việt Nam.
c. gấp rút cải tổ luật lệ Việt Nam theo đúng những quy định quốc tế (như của WTO chẳng hạn).
d. đề ra một chính sách thuế thích đáng.
e. điều chỉnh tỷ giá của tiền Ðồng Việt Nam để không làm mất khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

9. Thiết lập một mạng lưới an toàn xã hội; thật sự cố gắng khắc phục tình trạng phân hóa giàu nghèo hiện nay, tình trạng cách biệt ngày càng trầm trọng giữa thu nhập thành thị và nông thôn, giữa miền xuôi và miền núi.

10. Tiến hành xây dựng "con người kinh tế Việt Nam" (103), tức là huấn luyện kinh tế và thương mại cho một thế hệ nhân sự kinh tế mới có chuyên môn và đạo đức kinh doanh ở trong nước cũng như hiểu biết quy luật làm ăn với quốc tế để thay thế dần dần, một cách toàn diện, tầng lớp nhân sự kinh tế lạc hậu hiện nay.

Ðể thực hiện 10 biện pháp kinh tế mới nói trên (104) nhằm tạo khả năng đuổi kịp các nước láng giềng và khắc phục, trong tương lai, tình trạng tụt hậu hiện nay, cần phải có một quyết tâm chính trị cao để có thể mạnh dạn đổi mới triệt để cái chính sách "đổi mới" nửa vời hiện nay. Do đó, các phần tử đối lập và ly khai, cả ở trong lẫn ở ngoài nước, trong tinh thần đoàn kết hết sức rộng rãi, cần gây sức ép tối đa và liên tục đối với tập đoàn lãnh đạo ÐCSVN và Nhà nước để bắt buộc họ (vì họ không bao giờ tự nguyện) phải chuyển một cách hoà bình sang một thể chế dân chủ thật sự, tức là theo khái niệm dân chủ đa nguyên mà thế giới văn minh đã thực hiện từ lâu (chứ không phải "dân chủ XHCN" bánh vẽ như hiện nay). Vì chỉ có một thể chế chính trị dân chủ thật sự mới có thể thực hiện một cách triệt để các biện pháp kinh tế nói trên: hai mặt này gắn bó chặt chẽ với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau một cách biện chứng (105) (xem phần sau). Ðiều này dẫn chúng tôi một cách tự nhiên đến việc phân tích chính sách "đổi mới" chính trị trong mấy năm qua.
_______
 
 Chú thích (Chương II)
1. Nguyễn Minh Tâm, NCKT, tháng 04.2000, tr. 59.
2. Nguyễn Ðức Bình, TCCS, số 4, tháng 02.2000, tr. 17.
3. Nguyễn Văn Linh, phỏng vấn của báo cộng sản Ý, l'Unita, 21.06.1987. Cùng xem bài của Võ Nhân Trí trong niên giám Southeast Asian Affairs 1988, Institute of Southeast Asian Studies, Singapore, tr. 297.
4.9th National Congress of the Communist Party of Vietnam (Documents), FLPH, Hà Nội, 1987, tr. 64; 99-100.
5. Nguyễn Minh Tâm, NCKT, tháng 04.2000, tr. 56.
6. ÐCSVN, Văn kiện Ðại hội Ðại Biểu Toàn Quốc lần thứ 8, NXBCTQG, Hà Nội, 1996.
7. Xem diễn văn của Ziang Zemin (26.12.1993), SWB (của BBC, London) Dec.29, 1993, tr. G.9; và Li Bingyan, Social Sciences in China, Beijing, No.2, 1995, tr. 18-25.
8. ND, 24.04.2001.
9. Michel Herland, Le Vietnam en Mutation, Notes et Études Documentaires, La Documentation Française, Paris 1999, tr. 56.
10. Trần Ðình Hoan, TCCS số 1, tháng 01.2002, tr. 16; và Lê xuân Tùng, TCCS số 6, tháng 02.2002, tr. 20.
11. Về chi tiết, xem Võ Nhân Trí, Vietnam's Economic Policy. ..., sđd, tr. 30.
12. ibid, tr. 73-74; 85; 87. Cùng xem: Báo cáo chính trị của Ban Chấp Hành Trung Ương Ðảng tại Ðại hội... lần thứ IV, NXBS.T, Hà Nội, 1977, tr. 68.
13. Vũ Hiền, TCCS số 18, 1996, tr. 15. Tác giả này còn nhấn mạnh là công nghiệp hóa XHCN thì khác hẳn công nghiệp hóa tư bản chủ nghĩa.
14. ND, 24.04.2001.
15. Xem bài của Lê Việt Ðức và Trần Thị Thu Hằng trong quyển sách tập thể: Phạm Ðỗ Chí và Trần Nam Bình (chủ biên), "Ðánh thức con rồng ngủ quên. Kinh tế Việt Nam đi vào thế kỷ 21", NXB Thành phố Hồ Chí Minh, Trung Tâm Kinh Tế Châu Á - Thái Bình Dương, Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, 2001, tr. 398.
16. TS. Trịnh Ðức Hồng, TCCS số 18, tháng 09.2001, tr. 29.
17. Tạp chí GÉO, Paris, Juin 2002, tr. 116.
18. Trích theo "Việt Nam Dân Chủ" (viết tắt VNDC), Paris, tháng 06.2002, tr. 22.
19. ÐCSVN, Văn kiện Ðại hội... lần thứ 8, sđd, tr. 93-96.
20. Phan Văn Tiệm, TCCS số 1, 1996, tr. 28-29.
21. Nguyễn Tấn Dũng, TCCS số 9, tháng 05.1998, tr. 5.
22. Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn (sẽ gọi tắt là TBKTSG), 12.07.2001, tr. 1.23
23. Nguyễn Thị Doan, TCCS số 1, tháng 01.2002, tr. 19. Theo một nguồn tài liệu khác thì "năm 1998, số DNNN thực sự kinh doanh có hiệu quả chiếm khoảng 40%; số chưa có hiệu quả, khi lỗ khi lãi (và lãi cũng là tượng trưng) là 40%; số DNNN không có hiệu quả liên tục là 20%; đến năm 2000, tỷ lệ theo thứ tự nói trên là 40%, 31% và 29%": xem Nguyễn Hữu Ðạt và Nguyễn Văn Thao, NCKT, tháng 03.2002, tr. 45.
24. Xem M. Cohen và A. Edwards, FEER, March 22, 2001, tr. 24.
25. TBKTSG, 27.07.2001, tr. 11.
26. Nguyễn Hữu Ðạt và Nguyễn Văn Thao, NCKT, tháng 03.2002, tr. 46.
27. Nguyễn Thị Doan, TCCS số 13, tháng 07.2001, tr. 24.
28. Trịnh Ðức Hồng, TCCS số 18, tháng 09.2001, tr. 28-29.
29. TBKTSG, 18.10.2001 (xã luận).
30. Ðỗ Mười, ND, 06.08.2001.
31. Võ Nhân Trí, tạp chí Ðông Á (Mỹ), bộ mới số 01 (Số đặc biệt về cuộc hội thảo chính trị năm 2000 tại Hoa Thịnh Ðốn), tháng 09.2000, tr. 20 và tiếp theo; hoặc TK21, tháng 09.2000, tr. 18-25; và tháng 10.2000, tr. 26-35.
32. Xem chú thích 30.
33. Nông Ðức Mạnh, TCCS số 17, tháng 09.2001, tr. 10-11.
34. CIEM, Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, Kinh Tế Việt Nam năm 1999, Hà Nội, tháng 02.2002, tr. 12 (trích dẫn thống kê của Tổng Cục Thống Kê). Tuy nhiên, theo Niên Giám Thống Kê, Hà Nội, 1996, tr. 51, thì tỷ trọng của khu vực kinh tế nhà nước năm 1991 lên tới 33,3%. Còn theo bà Nguyễn Thị Doan thì tỷ trọng này lên tới 36,5% năm 1991 (Xem TCCS số 1, tháng 01.2002, tr. 21).
35. Nguyễn Thị Doan, TCCS số 1, tháng 01.2002, tr. 21.
36. Lê Khả Phiêu, TCCS số 4, tháng 02.2000, tr. 5.
37. Báo cáo chính trị tại Ðại hội 9, ND, 24.04.2001.
38. TBKTSG, 16.08.2001.
39. VNDC, tháng 05.2002, tr. 39.
40. Lưu Văn Sùng, TCCS số 15, tháng 08.1997, tr. 25.
41. TBKTSG, 05.01.2000.
42. Trương Tấn Sang, TCCS số 10, tháng 04.2002, tr. 10-15; và TBKTSG, 30.08.2001.
43. Tuổi Trẻ Chủ Nhật, 12.08.2001.
44. Lê Ðăng Doanh, Tuổi Trẻ Chủ Nhật, 12.08.2001.
45. Ðinh Văn Ân, TBKTSG, 23.05.2002, tr. 12.
46. TBKTSG, 27.12.2001, tr. 11.
47. Lê Ðăng Doanh, TBKTSG xuân Nhâm Ngọ 2002, tr. 15; và DÐ, tháng 02.2002, tr. 5.
48. Xem TCCS số 8, tháng 03.2002, tr. 3-4; và bài giải thích của Trương Tấn Sang, TCCS số 11, tháng 04.2002, tr. 15-21.
49. ND, 24.04.2001.
50. V. I. Lenin, Selected Works, Vol.11, International Publishers, New York, T.2; tr. 644.
- Mao Trạch Ðông cũng có quan điểm tương tự như vậy, xem Mao Tsé Toung, "On State Capitalism", Selected Works, Vol.5, Beijing, tr. 88.
51. TCCS số 8, 1987, tr. 44. Cùng xem: Trung tâm hội chợ triển lãm Việt Nam, Việt Nam 2000, NXB Thống Kê, Hà Nội, 1997, tr. 403-404.
52. Thành Phương, TCCS số 16, 1996, tr. 21-22.
53. Nguyễn Hữu Ðạt và Nguyễn Văn Thao, NCKT, tháng 03.2002, tr. 41.
54. ND, 24.04.2001.
55. A. Schwarz, FEER, July 6, 1995.
56. A. Schwarz, FEER, Feb. 29, 1996.
57. Ðặng Ðức Ðạm, NCKT, tháng 01.1995, tr. 27.
58. Nguyễn Sinh Cúc, NCKT, tháng 01.1994, tr. 32.
59. Hoàng Kim Giao, NCKT, tháng 03.1993, tr. 5.
60. Nguyễn Văn Linh, ND, 01.03.1999. Cùng một ý kiến như vậy, xem NCKT, tháng 05.1998, tr. 30.
61. Xem J. C. Pomonti et Hughes Tertrais, Vietnam: Communistes et Dragon, Ed. Le Monde, Paris, 1994, tr. 77; và Adam Fforde (editor), Ðổi Mới, Ten years after the 1986 Party Congress, Political and Social Change Monograph 24; Research School of Pacific & Asian Studies; The Australian National University, Canberra 1997, tr. 4.
62. TBKTSG, 31.01.2002, tr. 14-15; tr. 19; 45.
63. ibid, 07.02.2002, tr. 1.
64. ibid, 31.01.2002, tr. 2; 14.
65. ibid, 08.03.2001.
66. Tuổi Trẻ Chủ Nhật, 29.07.2001.
67. Trần Nguyên Tuyên, NCKT, tháng 04.2002, tr. 12.
68. TBKTSG, 31.01.2002, tr. 19.
69. ibid, 31.01.2002, tr. 45. Theo báo Nhật, The Nikkei Weekly, March 5, 2000, thì vốn nhàn rỗi trong nhân dân được ước lượng là 6,7 tỷ US$, tức là tương đương với ngân sách nhà nước năm 2000.
70. TBKTSG, 31.01.2002, tr. 15, và Saigon Times Weekly, March 2, 2002, tr. 13.
71. UPI, 10.12.2001 và Thanh Niên, 08.12.2001, trích theo DÐ, tháng 01 & 02, tr. 7.
72. TCCS số 8, tháng 03.2002, tr. 4-5.
73. ND, 24.04.2001.
74. Vũ Quang Việt, DÐ, tháng 05.2002, tr. 15.
75. Saigon Eco, Janvier - Février 2000, tr. 19; và CIEM, Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, Kinh Tế Việt Nam 1999, Hà Nội, tháng 02.2000, tr. 12.
76. Nguyễn Ðức Bình đã giải thích về sự cần thiết phải lợi dụng chủ nghĩa tư bản để xây dựng CNXH ở Việt Nam như sau: "... lấy đâu ra máy móc, thiết bị, công nghệ, vốn liếng, kinh nghiệm để công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nhất là khi không còn bao cấp quốc tế [tức là viện trợ của phe XHCN nữa - VNT]. Tìm đâu ra những thứ đó nếu không sử dụng chủ nghĩa tư bản, tư bản trong nước và tư bản nước ngoài?", TCCS số 11, tháng 06.1997, tr. 8.
77. Xem báo cáo chính trị tại Ðại hội 9 của ÐCSVN, ND, 24.04.2001.
78. Jean-Louis Rocca, "Le Capitalisme Chinois... ", trong số đặc biệt tạp chí "Pouvoirs", No 81, Ed. Seuil, Paris, 1997, tr. 25-26.
79. Về "đổi mới" kinh tế (Thư mục chọn lọc).

A. Sách và Tài liệu
- Phạm Ðỗ Chí & Trần Nam Bình (chủ biên), "Ðánh Thức Con Rồng Ngủ Quên, Kinh Tế Việt Nam Ði Vào Thế Kỷ 21,’’ NXB Thành Phố Hồ Chí Minh, Vapec, TBKTSG, 2002.
- CIEM, Viện Nghiên Cứu Quản Lý Kinh Tế Trung Ương, Kinh Tế Việt Nam năm 1999, Hà Nội, tháng 02.2000.
- Kỷ Yếu Hội Thảo Chính Trị, International Committee For a Free Vietnam - World Seminar & Vietnamese Political World Conference 1996, - Washington, DC, April 23 & 24, 1996, (Trong đó, xem bài của Võ Nhân Trí, "10 năm đổi mới kinh tế: Chính sách và thành quả", tr. 114-126).
- Michel Herland, Le Vietnam en Mutation, Notes et Études Socumentaires, La Documentation Française, Paris 1999, tr. 73-136.
- Marie-Sybille de Vienne, L'Économie du Vietnam (1955-1995), Ed. CHEAM, Paris, 1994.
- Cường Văn Lê & Jacques Maziers (Eds), L'Économie Vietnamienne en transition: Les Facteurs de Réussite, Ed. L'Harmattan, Paris, 1998.
- Pierre Delalande, Le Vietnam Face à L'Avenir, Ed. L'Harmattan, Paris, 2000.
- Marie Lavigne, Économie du Vietnam, Réforme, Ouverture et Développement, Ed. L'Harmattan, Paris, 1999.
- Adam FForde (Ed.), Doi Moi, Ten Years After the 1986 Party Congress, Political and Social Change Monograph 24; The Australian National University, Canberra 1997 (Xem lời mở đầu, và các chương 2, 7, 8).
- Adam FForde & Stephen de Vylder, From plan to market, the economic transition in Vietnam, Westview Press (USA), 1996, chương 1, 5, 7-9.
- Gabriel Kolko, Vietnam: Anatomy of Peace, Routledge, London & New York, 1997, chương 1 và 2.
- Niên giám của FEER: Từ Asia 1991 Yearbook đến Asia 2002 Yearbook, Hongkong (xem phần nói về Việt Nam).
- Centre Français du Commerce Extérieur, Vietnam, les promesses de l'économie de marché, Paris CFCE, Mars 2000.
- Ambassade de France, Services d'Expansion Économique, PEE de Hanoi:
. Situation économique du Vietnam en 2001, Hanoi, 28.12.2001.
. Situation économique du Vietnam au 1er Trimestre 2001, Hanoi, 13.04.2001.
- World Bank, Vietnam Development Report 2002, Implementing Reforms for Faster Growth & Poverty Reduction, Dec.4, 2001.
- IMF, Staff Report For The 2001 Article IV Consultation & First Review Under The Poverty Reduction & Growth Facility..., Asia & Pacific Department, Nov.7, 2001.
(Xin thành thật cám ơn anh Nguyễn Ngọc Hiệp ở Canada đã cung cấp cho chúng tôi hai tài liệu bổ ích nói trên, và một số tài liệu khác nữa.)
- Vietnam, EIU, Country Profile 2001, London, The Economist Intelligence Unit Limited, 2001; và Country Report 1st Quarter 2002, London, The Economist Intelligence Unit Limited, 2002.

B. Tạp chí:
- Võ Nhân Trí, "Kinh tế Việt Nam: Phải làm gì để có tăng trưởng cao và bền vững?", Dân Chủ & Phát Triển (sẽ viết tắt DCPT), (Ðức), số 23, tháng 05.2002, tr. 35-40.
- Võ Nhân Trí, "Quan hệ biện chứng giữa Phát Triển và Dân Chủ", tạp chí Ðông Á (Mỹ) số 1 (số đặc biệt), bộ mới, tháng 09.2000, tr. 20-26 và 50-57; và Thế Kỷ 21 (Mỹ), September 2000, tr. 18 và tiếp theo, và October 2000, tr. 26 và tiếp theo.
- Comparative Economic Studies, Vol. XLII, No.4 (Winter 2000): "The Vietnamese Economy" (Symposium).
- Võ Nhân Trí & Anne Booth, Asian Pacific Economic Literature, ANU, Canberra (Úc), Vol 6, No.1, May 1992, tr. 16-40.
- Phạm Ðỗ Chí, TK21, - March 2002, tr. 12-14, và Jan-Feb.2002, tr. 29 và tiếp theo;
- Dec.2001, tr. 14-15, và Nov.2001, tr. 74-75;
- Sep.2001, tr. 18 và 20-21.
- Vũ Quang Việt, DÐ, tháng 05.2002, tr. 14-18.
- Nguyễn Ngọc Hiệp, TL, - tháng 07 & 08.2001, tr. 21 và tiếp theo.
- tháng 06.2001, tr. 15 và tiếp theo.
- tháng 05.2001, tr. 16 và tiếp theo.
- Nguyễn Sinh Cúc, TCCS, số 2, tháng 01.2002, tr. 26.
80. Ambassade de France au Vietnam, Mission Économique, Situation économique du Vietnam en 2001, Hanoi, 28.12.2001, tr. 2.
81. Nguyễn Minh Tân, NCKT, tháng 04.2000, tr. 56.
82. Võ Nguyên Giáp trả lời phỏng vấn Nayan Chanda, FEER, May 04.2000, tr. 36.
83. ÐCSVN, Văn kiện Ðại hội... lần thứ 8, sđd, tr. 12 và 67.
84. Phan Văn Khải, ND, 29.10.1998. Cùng một nhận xét, xem Trần Ðình Thiên, NCKT, tháng 03.2000, tr. 5.
85. TBKTSG, 27.12.2001, tr. 1 và 10-11.
86. ND, 21.11.2001.
87. Trần Nguyễn Tuyên, NCKT, tháng 04.2002, tr. 12.
88. TBKTSG, 25.05.2002, tr. 17.
89. IMF, Staff Report For The 2001 Article IV Consultation..., Nov.7, 2001, tài liệu đã dẫn, tr. 54.
90. "Báo cáo chính trị" tại Ðại hội 9 của ÐCSVN, ND, 24.04.2001. Ngoài TSPQN / đầu người ra, báo cáo này cũng thừa nhận là một số chỉ tiêu khác của kế hoạch 5 năm (1996-2000) như: nhịp độ tăng trưởng TSPQN nói chung, nhịp độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp, dịch vụ, kim ngạch xuất khẩu, v.v.. cũng đều không đạt chỉ tiêu đã đề ra (ibid).
91. Phan Văn Khải, TCCS số 29, tháng 10.2001, tr. 5.
92. Asia Week, Dec.7, 2001, tr. 54.
93. TBKTSG, 10.05.2001, tr. 12, và 28.12.2000, tr. 48-49. Cùng một nhận xét, xem GS. Phạm Ðỗ Chí, TK21, tháng 09.2001, tr. 21.
Ðể thoát khỏi tình trạng tụt hậu này, xem gợi ý của GS. Trần Văn Thọ trong quyển sách tập thể: Phạm Ðỗ Chí và Trần Nam Bình (chủ biên), Ðánh Thức Con Rồng Ngủ Quên..., sđd, tr. 45-50.
94. Võ Nguyên Giáp, TCCS số 8, tháng 04.2000, tr. 12.
Cùng một nhận xét như vậy, xem Võ Nguyên Giáp, ND, 20.08.2000.
95. David Dapice, TBKTSG, 24.01.2002, tr. 19.
96. Ví dụ như Nguyễn Minh Tú, NCKT, tháng 01.2000, tr. 15; Trần Ðình Thiên, NCKT, tháng 03.2000, tr. 12; TS. Lê Ðăng Doanh, TBKTSG, Xuân Nhâm Ngọ 2002, tr. 4.
97. GS. Phạm Ðỗ Chí, TK21, tháng 09, 11 và 12 năm 2001; tháng Giêng và tháng 02 năm 2002; Nguyễn Ngọc Hiệp, TL, tháng 5, 6, 7 và 8 năm 2001.
98. Janos Kornai, Presentation at UNDP, Vietnam, March 2001; Giải thưởng Nobel, J. Stiglitz, TBKTSG Xuân Nhâm Ngọ 2002, tr. 19-20. Cùng tác giả, xem bài phỏng vấn trong Vietnam Economic Times, trích dịch trong DÐ, tháng 06.2002, tr. 8; D. Dapice, TBKTSG, 24.02.2002, tr. 18 & 19.
99. Về vấn đề này, xem Võ Nhân Trí, Vietnam's Economic Policy..., sđd, tr. 26-29. và tr. 64-72. Cùng tác giả, xem bài ''Transformation socialiste de l’économie vietnamienne'', trong quyển sách tập thể, Nguyễn Ðức Nhuận, Võ Nhân Trí et al, Le Vietnam Post-Révolutionnaire, (1975-1985), Ed. l'Harmattan, Paris, 1987, tr. 43-66.
100. TBKTSG, 31.01.2002, tr. 45.
101. ibid, 22.11.2001.
102. Vũ Quang Việt, DÐ, tháng 11.2001, tr. 20-21, và Võ Nhân Trí, DCPT, tháng 05.2002, tr. 38.
103. Nguyễn Hữu Liêm & Phạm Ðỗ Chí, TK21, tháng Giêng và tháng 02.2002, tr. 36-39. Cùng 2 tác giả đó, xem TBKTSG Xuân Nhâm Ngọ 2002, tr. 30-31 và 33.
104. Về chi tiết, xem Võ Nhân Trí, DCPT số 23, tháng 05.2002, tr. 35-39.
105. Xem Võ Nhân Trí, tạp chí đặc biệt Ðông Á (Mỹ) số 1, tháng 09.2000, tr. 20-26 và 50-57.

 __________________________________________________________


  Chương III

"Ðổi mới" Chính trị

1. Ý thức hệ của "Đổi mới" Chính trị
Nói tới chính trị thì chủ yếu phải nói tới ÐCSVN và ý thức hệ của nó. Ðó là chủ nghĩa Mác-Lê-Mao trước năm 1986, và chủ nghĩa Mác-Lê-Ðặng sau 1986, cộng với cái gọi là "Tư tưởng Hồ Chí Minh". Trong chương I, chúng tôi đã phân tích vấn đề này rồi. Ở đây chỉ cần nhấn mạnh là chủ nghĩa Mác-Lê (CNML), như anh Hà Sĩ Phu đã chứng minh trong các nghị luận của anh ấy, là một học thuyết có nhiều thiện tâm nhưng là ảo tưởng, thiếu khoa học, nên cuối cùng đã bị thời đại đào thải.
Ðiều đáng chú ý là, trong một cuộc hội thảo nhân dịp 150 năm lễ kỷ niệm "Bản Tuyên ngôn của Ðảng Cộng Sản" của Các-Mác ở tại Paris hồi tháng 05.1998, hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng việc thực hiện chủ nghĩa xã hội(CNXH) trong thế kỷ 20 nhân danh Mác đã thất bại, và khẳng định rằng các chủ nghĩa ra đời sau Mác, như CNML, chủ nghĩa Stalin, chủ nghĩa Mao v.v.. đều bị diệt vong (1). Tuy vậy ở Việt Nam, ÐCS vẫn tiếp tục đề cao CNML dù rằng, như anh Lữ Phương đã nhận xét "mọi người đều cảm nhận hoặc nhìn thấy... sự phá sản không gì chống đỡ được của cái hệ thống giá trị do CNML đem lại cho đời sống trong suốt bao nhiêu năm qua" (2). Và hiện nay, CNML "được sử dụng chỉ để biện minh cho chế độ độc tài [mà] thôi"(3).
Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh một điều là CNML chưa biến mất ở Việt Nam, khác với một số người thường nói. Ngược lại, nó vẫn tiếp tục vận hành trong thực tế hàng ngày, dù rằng có một vài biến đổi không quan trọng so với trước đây [về vai trò lãnh đạo của ÐCS đối với Nhà nước, đối với các tổ chức xã hội vệ tinh của ÐCS như Mặt Trận Tổ Quốc, Hội phụ nữ, Ðoàn thanh niên CS v.v.. và đối với các phương tiện truyền thông chẳng hạn].
Cái gọi là "chuyên chính vô sản" (CCVS), một khái niệm do Mác sản sinh ra và được Lênin, Stalin và Mao áp dụng triệt để cũng đang được thực hiện hàng ngày đối với các phần tử đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ và nhân quyền, kể cả đối với các Ðảng viên lão thành cách mạng. Do đó, theo thiển ý, không thể nói là CNML không còn tồn tại ở Việt Nam nữa; nó chỉ biến dạng một phần nào đó thôi. Và điều đáng tiếc là các mặt xấu nhất của nó vẫn tồn tại, cả trong lĩnh vực chính trị lẫn lĩnh vực kinh tế.
Trong năm 2000, nhân dịp kỷ niệm 25 năm ngày thống nhất đất nước, một số báo chí và đài phát thanh ngoại quốc cũng nhấn mạnh là, dù có "đổi mới" trong những năm qua, hệ tư tưởng Mác-Lê vẫn đè nặng lên xã hội Việt Nam, cả trong lĩnh vực kinh tế lẫn chính trị (4). Dù đã bị xói mòn phần nào nhưng nó vẫn được sử dụng như là một phương tiện để tập đoàn lãnh đạo ÐCS bám lấy chính quyền hiện nay.

2. Về "vai trò lãnh đạo" của ÐCS thì chúng tôi thấy, trước cũng như sau "đổi mới" không có gì thay đổi về cơ bản: vẫn độc đảng như Ðiều 4 của "Hiến pháp 1992" đã ghi rõ: "ÐCSVN... là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và Xã hội" (5). Nhà văn Tiêu Dao Bảo Cự đã từng nói rằng: "độc đảng dẫn tới độc quyền, độc tài, độc ác" (6), và điều này vẫn còn giữ nguyên giá trị của nó.
Trong một bài nhận định khá dài, ông Trần Ðộ - một ngọn cờ của cuộc tranh đấu cho tự do dân chủ mà một ký giả đã vinh danh là "người cầm đuốc trong đêm" - đã nêu ra sáu hiện tượng tiêu cực do chế độ độc đảng cầm quyền sinh ra, trong đó có ba hiện tượng quan trọng đáng chú ý như sau:
- "Chủ quan, duy ý chí và quan liêu trong xác định chủ trương, đường lối.
- Ðảng dễ áp đặt ý chí của mình với Nhà nước và xã hội, sắp đặt người của đảng vào các cơ quan nhà nước và đoàn thể xã hội, tự đặt mình trên nhà nước và pháp luật...
- Các đảng viên có chức có quyền đã sa vào đặc quyền, đặc lợi, tham nhũng, cửa quyền, gây phiền hà cho dân v.v..." (7).
Ðây là "sự thật đang diễn ra... nói lên tình trạng phản dân chủ" (ibid) trong một chế độ độc đảng.
Gần đây, hai nhà trí thức đảng viên ở trong nước đã cảnh giới các nhà lãnh đạo ÐCS như sau: "Các đồng chí đã tự nhận có sứ mệnh phải độc quyền lãnh đạo, độc quyền cai trị. Các đồng chí (tự nhận) được lịch sử giao phó sứ mệnh chẳng khác gì vua chúa ngày xưa tự xưng mình Con Trời phải lĩnh mệnh Trời để cai trị dân. Cứ coi như thế đi, thì cũng phải biết cai trị một cách tử tế chứ!" (8).
Có lẽ cần nhắc lại đây lời tuyên bố của chính ông Hồ là ÐCS không thể vỗ ngực tự xưng mình là lãnh đạo rồi bắt nhân dân phải thừa nhận sự lãnh đạo của mình được, trái lại đảng phải cố gắng làm thế nào để xứng đáng là người lãnh đạo, để nhân dân tự nguyện thừa nhận sự lãnh đạo đó.
ÐCSVN đã lặp đi lặp lại khẩu hiệu tiến tới "một xã hội dân chủ, văn minh". Nhưng làm sao có thể có được một nền dân chủ thật sự - tức là dân chủ theo quan niệm phổ biến của thế giới văn minh ngày nay - mà lại chỉ có một đảng duy nhất? Bởi vì dân chủ thật sự tất yếu phải dẫn tới đa nguyên, đa đảng (xem phần sau). Mặt khác, như ai cũng biết, một chế độ độc đảng chưa bao giờ phản ánh một xã hội văn minh cả mặc dù cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã huyênh hoang khẳng định rằng "Ðảng ta là... văn minh" (9). Và để chứng minh sự "văn minh" này, trong một cuộc phỏng vấn với một nhà báo Pháp trước chuyến công du nước Pháp hồi năm 2000, ông Lê Khả Phiêu - mà báo chí Pháp đặt cho biệt hiệu là "Pinochet của Việt Nam" (10) - đã biện luận rằng "người cộng sản (Việt Nam) không có ăn thịt người!" (11). Lý lẽ thảm hại này tự nó đã nói lên trình độ chính trị và hiểu biết "siêu việt" của nhân vật số 1 của nước Việt Nam XHCN rồi; do đó, chúng tôi thấy không cần phải bình luận dài dòng ở đây. Tuy nhiên, cũng phải nhấn mạnh rằng trong thế kỷ 21 này, để chứng tỏ là văn minh thì không phải ÐCSVN chỉ "không ăn thịt người" thôi, mà chủ yếu họ phải có tinh thần bao dung trong các lĩnh vực như ý thức hệ, chính trị, kinh tế, văn hoá, tôn giáo v.v.. , phải chấm dứt việc tiêu hủy sách vở của các nhà đối lập như thời Tần Thuỷ Hoàng, Hitler v.v.. , phải tôn trọng ý kiến của thiểu số (dù phải hành động theo biểu quyết của đa số), phải tôn trọng các quyền tự do dân chủ cơ bản của công dân, phải tôn trọng triệt để tinh thần "Bản Tuyên ngôn thế giới về nhân quyền" của Liên hiệp quốc (1948) mà Tổng thư ký Liên hiệp quốc Kofi Annan gọi là "thước đo của sự tiến hoá của nhân loại". Tóm lại, trong thời đại ngày nay, văn minh về mặt chính trị phải là đồng nghĩa với một nền dân chủ đa nguyên, đa đảng, vì như Alexis de Tocqueville đã từng nói: "một chính phủ dân chủ (thật sự - VNT) chỉ có thể được thiết lập trên cơ sở một xã hội rất văn minh". Dựa theo tiêu chuẩn vừa nêu bên trên mà xét, thì còn lâu lắm ÐCSVN mới có thể được thế giới thừa nhận là văn minh, chừng nào họ vẫn còn bám lấy khái niệm "dân chủ XHCN, dưới sự lãnh đạo duy nhất của đảng" hoặc "Nhà nước XHCN dưới sự lãnh đạo của đảng" tức là họ vẫn tiếp tục thực hành "chuyên chính vô sản" dù rằng họ ít khi tuyên bố thẳng thừng như vậy từ khi có ‘’đổi mới"(xem phần sau). Và như nhà lão thành cách mạng Nguyễn Hộ đã nói: "ÐCSVN phải lột xác hoàn toàn..., tức là thay đổi từ... ý thức (hệ) đến tổ chức..., thay đổi triệt để thì mới có thể gia nhập vào thế giới văn minh" được(12).

Tuy ÐCSVN "không có ăn thịt người" nhưng đảng này từ khi chủ trương phong trào "Xô-Viết Nghệ Tĩnh" đến nay đã làm thiệt mạng - một cách trực tiếp và gián tiếp - bao nhiêu người rồi, kể cả đảng viên bất đồng chính kiến? Riêng từ năm 1945 đến nay, theo ước lượng của nhà báo Pháp, Michel Tauriac, số người bị đảng thủ tiêu, trực tiếp và gián tiếp, lên tới "hơn 2 triệu người" bao gồm những người quốc gia không cộng sản, những người Troskít, những người theo đạo Cao Ðài và Hoà Hảo ở miền Nam trong những năm 40, những nạn nhân của "cải cách ruộng đất" ở miền Bắc, vụ thảm sát ở Huế năm 1968, những tù nhân bị chết dần chết mòn trong các trại tập trung gọi là "trại cải tạo" ở miền Bắc và miền Nam trước và sau 1975, người bị đày đọa ở các "Khu kinh tế mới", những người di tản bằng thuyền bất chấp chết chóc, hiểm nguy (hàng chục ngàn người đã bỏ xác trên biển cả) và bằng đường bộ sau năm 1975, những liệt sĩ trong bộ đội viễn chinh Việt Nam (được gọi là quân "tình nguyện" ở Cam-bốt từ cuối 1978 đến 1989, và cuộc diệt chủng người H’mông ở Lào từ 1975 v.v.. (13). Con số "hơn 2 triệu" nạn nhân trên đây có thể gây ra nhiều tranh luận, nhưng cho đến nay, theo chúng tôi biết, thì chưa có phản ứng nào cả từ phía Hà Nội. Nếu số nạn nhân của chế độ cộng sản nêu trên là đúng sự thật thì điều ấy có nghĩa là tổng số nạn nhân do ÐCSVN gây ra từ 1945 đến nay là gấp đôi số nạn nhân của chế độ diệt chủng Pol Pot!

* * *
Ðể bào chữa cho chế độ độc đảng, ông Ðỗ Mười, lúc còn là Tổng bí thư, đã đặt câu hỏi sau đây trong một buổi nói chuyện nội bộ: "(Dân chủ) đa nguyên đa đảng để làm gì?"(14). Lẽ dĩ nhiên nếu muốn duy trì sự chuyên chính của ÐCS thì không cần phải có đảng đối lập làm chi. Tuy nhiên quan niệm này là phản biện chứng, là không thực tế bởi vì trong đời sống của thiên nhiên cũng như của xã hội sự vật luôn luôn là một thể thống nhất bao gồm hai mặt mâu thuẫn, xung đột với nhau, và vì vậy sự vật mới luôn luôn biến đổi, phát triển cho đến lúc nó biến đổi thành cái mới, tức là một biến đổi về chất: đó là quy luật của biện chứng pháp của Hê-ghen (Hegel) mà Mác đã tiếp thu. Ông Ðỗ Mười muốn gạt bỏ đảng đối lập trong đời sống chính trị - kinh tế là đi ngược lại nguyên lý cơ bản về phép biện chứng mà đáng lẽ ông phải biết chứ, đó là về mặt lý thuyết. Còn về mặt thực hành thì, trái hẳn với ý kiến ông Ðỗ Mười, rất cần phải có một nền dân chủ đa đảng: sở dĩ có sai lầm nghiêm trọng và kéo dài trong chính sách của ÐCSVN (xem phần sau) là vì không có đảng đối lập, không có tự do báo chí và tự do ngôn luận để vạch trần kịp thời các sai lầm đó; và phải chờ một thời gian dài, khá dài, khi hậu quả tai hại đã quá rõ ràng thì ÐCS mới thừa nhận là có phạm những sai lầm "ấu trĩ tả khuynh", "duy ý chí", "nóng vội" v.v...
Hơn nữa, cũng cần có đảng đối lập để họ có thể đưa ra trước nhân dân những dự án chính trị - kinh tế - xã hội khác hẳn với ÐCSVN để nhân dân có thể tự lựa chọn khi có bầu cử tự do, ví dụ như lựa chọn giữa hai con đường phát triển: XHCN hoặc phi XHCN chẳng hạn.
Hiện nay người ta vẫn tự hỏi tại sao ÐCSVN chủ trương phát triển một nền "kinh tế nhiều thành phần" về mặt kinh tế mà đồng thời lại khăng khăng chống lại sự thiết lập một nền dân chủ đa nguyên, đa đảng về mặt chính trị. Người ta cũng tự hỏi tại sao ÐCSVN cho phép tồn tại khu vực kinh tế tư nhân mà đồng thời lại không cho phép các doanh nhân trong khu vực kinh tế tư nhân thành lập một chính đảng riêng biệt của họ (15)? Ðó là một nghịch lý cần phải được giải quyết nếu Việt Nam muốn phát triển về mọi mặt và muốn gia nhập vào thế giới văn minh.
Gần đây, từ tháng 03.2002 trở đi, ÐCSVN, đại diện cho giai cấp công nhân trên lý thuyết, lại cho phép một số đảng viên tham gia các hoạt động tư doanh, có thể làm chủ các xí nghiệp tư doanh (16) tức là, theo quan niệm Mác-xít, có thể bóc lột giai cấp công nhân. Sở dĩ có tình trạng mâu thuẫn như vậy là vì chính quyền Hà Nội muốn giữ chế độ độc đảng cho nên phải chấp nhận, một cách hết sức gượng gạo, việc một thiểu số đảng viên - tư doanh có quyền bóc lột đa số đảng viên - công nhân, thay vì để cho các doanh nhân nói chung thành lập một đảng riêng biệt của họ để họ tự bảo vệ lấy quyền lợi của họ.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội khoá XI vừa rồi (tháng 05.2002) có 25 doanh nhân (trong đó có nhiều đảng viên) được bầu vào Quốc hội lần đầu tiên (17). Ðó là một điều tiến bộ. Nhưng nếu ÐCSVN để cho các doanh nhân trong nước - đảng viên và không đảng viên - được phép thành lập một đảng chính thức riêng biệt của họ và được có đại biểu ở Quốc hội thì hợp lý biết bao!

3. Về tài sản của ÐCSVN thì, theo một uỷ viên của Phòng thương mại Mỹ-Việt, hồi năm 1996 toàn bộ tài sản của họ lên tới 20 tỷ US$ (18), tức là tương đương với GDP của Việt Nam năm 1995 (20,9 tỷ US$). Ðiều ấy nói lên sự giàu có của ÐCS ở một trong những nước nghèo nhất thế giới.  Cũng theo nguồn tin trên, có 100 đảng viên có tài sản lên tới 300 triệu US$/người, trong năm 1996 (ibid).
Ban Kinh tài của ÐCSVN với hàng nghìn cán bộ là "công cụ Mafia của ÐCS", nó có 9 Phó ban chuyên kinh doanh về ngoại tệ, ma tuý, vũ khí, doanh nghiệp và đơn vị sự nghiệp của ÐCS, đất đai, nhà cửa và biệt thự (19).
Các nhà quan sát ngoại quốc cho rằng sở dĩ từ giữa những năm 90 trở đi, ÐCSVN tìm cách đầu tư trong nhiều lĩnh vực - từ tiệm cơm cho tới ngân hàng - là vì họ muốn xây dựng một cơ sở tài chính vững mạnh để làm nền tảng cho sự thống trị của họ trong đời sống chính trị của đất nước trong tương lai (20). [Trong thời kỳ hậu cộng sản các chính trị gia dân chủ cần phải nhớ tới yếu tố quan trọng này].
Một điểm cần lưu ý nữa là trong điều 46 của "Ðiều lệ (bổ sung) của ÐCSVN" (do Ðại hội IX của đảng thông qua) có ghi rõ là một trong những nguồn tài chính rất quan trọng của ÐCSVN là "ngân sách nhà nước và các khoản thu khác" (tài liệu nhấn mạnh - VNT). Do đó cho nên không lấy gì làm lạ khi ta thấy ÐCS điềm nhiên lấy tiền của ngân sách nhà nước (tức là tài sản của toàn dân) để chi cho các tổ chức của ÐCS và phụ thuộc vào đảng (21). Hơn nữa, như báo chí đã tiết lộ "mức chi ngân sách của cơ quan đảng là bằng 1,5 đến 2 lần cơ quan hành chính, sự nghiệp (của nhà nước - VNT) (22).
Sự lợi dụng ngân sách nhà nước để phục vụ quyền lợi của đảng đã giải thích tại sao vấn đề tài chính quốc gia ở Việt Nam (cũng như ở các nước cộng sản khác) được coi như là một vấn đề tối mật, và các đại biểu Quốc hội cũng không thể biết một cách chi tiết và chính xác các số liệu tuyệt đối của ngân sách nhà nước. Thông thường tại Quốc hội, người ta chỉ đưa ra một số tỷ lệ tổng quát mà thôi, và chỉ về phần chi (chứ không có số liệu nào về phần thu cả)!
Tuy nhiên, vào đầu năm 2002, Quốc hội đã đưa ra một tu chính "Hiến pháp 1992", theo đó thì từ khoá XI của Quốc hội trở đi (tức là tháng 07.2002) "Quốc hội có quyền quyết định dự toán, phê chuẩn và phân bố ngân sách nhà nước cấp trung ương" (23). Chúng ta cần theo dõi việc này để coi trong tương lai các quyền này sẽ được thực hiện như thế nào trên thực tế.

4. Về nguyên tắc "tập trung dân chủ"
Trước và sau "đổi mới", nguyên tắc tổ chức và hoạt động của ÐCS và Nhà nước xã hội chủ nghĩa vẫn là nguyên tắc lê-ni-nít "tập trung dân chủ" (democratic centralism) (24). Nguyên tắc này bảo đảm sự phục tùng tuyệt đối của đại đa số đảng viên đối với một nhóm nhỏ tập đoàn lãnh đạo; và đến lượt nó, tập đoàn này cũng phải phục tùng tuyệt đối một vài lãnh tụ tối cao. Nhìn vào lề lối lãnh đạo của ÐCSVN thì ta thấy nguyên tắc này vận hành như sau:
Nói về Ðại hội toàn quốc và Ðại hội các cấp từ cơ sở trở lên - một việc gây lãng phí tiền bạc của Nhà nước biết bao thay vì dùng nó để xoá đói giảm nghèo hoặc tăng ngân sách cho y tế hoặc giáo dục chẳng hạn - thì ta thấy là điều quan tâm nhất của tập đoàn lãnh đạo là bảo đảm địa vị thống trị của họ trong đảng và Nhà nước. Thông thường, khi chuẩn bị Ðại hội đảng toàn quốc, Bộ chính trị đưa ra một đề cương về đường lối chính sách kinh tế - xã hội, chính trị và ngoại giao dưới dạng dự thảo báo cáo chính trị của trung ương đảng để cho Ðại hội đảng ở các cấp dưới "thảo luận", và bầu đại biểu đi dự Ðại hội đảng toàn quốc. Ðề cương này được coi như là chân lý tuyệt đối, và Ðại hội đảng các cấp ở dưới chỉ có thể "thảo luận" một chiều theo sự hướng dẫn của cấp trên để "quán triệt", "thấm nhuần", hoặc thêm râu ria, chứ không thể phản bác, không thể có ý kiến trái ngược, càng không thể đưa ra đề cương khác để cùng thảo luận, tranh luận cho ra lẽ.
Ðiều đáng chú ý là chỉ những đại biểu nào ở cấp dưới tỏ ra "nhất trí", "tán thành" đề cương của Bộ chính trị mới được cử đi dự Ðại hội cấp trên. Theo lệnh của Bộ chính trị, ban tổ chức trung ương hướng dẫn các cấp dưới bầu đại biểu đi dự Ðại hội đảng toàn quốc "đúng theo yêu cầu của Trung ương". Làm như thế đảm bảo chắc chắn rằng 100% đường lối đối nội và đối ngoại, cũng như các nhân vật trong ban lãnh đạo mới, sẽ được thông qua đúng theo ý muốn của tập đoàn lãnh đạo cũ. "Bằng cách ’tập trung dân chủ’ (như vậy) tập đoàn thống trị (mới có thể) duy trì lâu dài quyền lực của mình trong đảng, Nhà nước và xã hội"(25).

Ðể minh họa nguyên tắc "tập trung dân chủ" nói trên trong lĩnh vực tư tưởng - chính trị chẳng hạn, ta có thể nêu lên nghị quyết của hội nghị lần thứ 5 của ban chấp hành trung ương hồi tháng 03.2002 về "công tác tư tưởng, lý luận trong tình hình mới", trong đó có ghi rõ: "Mọi đảng viên phải nói và làm theo nghị quyết, chỉ thị của đảng..., kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên nói và làm trái nguyên tắc đảng, xử lý kịp thời theo pháp luật (XHCN) và kỷ luật đảng mọi hoạt động tán phát tài liệu xấu (tức là phê phán hoặc chống đảng - VNT). Xử lý nghiêm những hành động vi phạm kỷ luật phát ngôn... Nghiêm cấm việc xuất bản, lưu hành những sách, báo và ấn phẩm có nội dung sai trái... "(26).
Nhận xét về nghị quyết này, TS. Nguyễn Thanh Giang viết: "... để bảo đảm tính tổ chức, dẫu còn những dị biệt, những bất đồng, nhưng đã thành nghị quyết thì... đảng viên nào cũng, ít nhất là tạm thời, phải làm theo; nhưng có phải vì vậy mà không ai cần tiếp tục động não suy xét về các nội dung của những nghị quyết đó và không ai được... phát biểu tất cả những gì mình thấy cần phải đề nghị bổ sung, sửa chữa? (...) Thực tế cho thấy đã có nhiều nghị quyết, nhiều chính sách, kể cả chủ trương, đường lối từng phạm sai lầm, sai lầm hết sức tai hại!" (27).
Sở dĩ trong nghị quyết nói trên, ÐCSVN hô hào "xử lý kịp thời các tình huống tư tưởng [chống đối - VNT], tăng cường kiểm tra các hoạt động tư tưởng cấp dưới" là vì, như chính họ nói, phải "đề phòng nguy cơ ’tự diễn biến [hoà bình] từ trong nội bộ" [chúng tôi nhấn mạnh - VNT] (28). Thật vậy, trong một bản báo cáo của Hồng Vinh, Phó trưởng ban tư tưởng - văn hoá trung ương, kiêm trợ lý của Tổng bí thư Nông Ðức Mạnh, tại hội nghị công tác tư tưởng - văn hoá toàn quốc hồi giữa tháng 04.2002, nhân vật này thừa nhận rằng hiện nay trong cán bộ, đảng viên có phong trào "công khai hoặc ngấm ngầm hoạt động truyền bá quan điểm sai trái, xuyên tạc chống đường lối, chính sách của đảng" (29). Và cũng tại hội nghị này, ông Nguyễn Khoa Ðiềm, uỷ viên Bộ chính trị, Trưởng ban tư tưởng - văn hoá, còn nhấn mạnh thêm: "Nếu đảng không lãnh đạo được trí thức thì trí thức sẽ nằm trong tay người khác... Nếu chúng ta [ÐCS] để họ rơi vào tay người khác chi phối thì bài học thất bại [tức là sự sụp đổ - VNT] của Liên Xô khiến chúng ta phải suy nghĩ" (ibid).
Vì vậy cho nên chúng ta thấy trong nghị quyết của hội nghị trung ương lần thứ 5 của Ban chấp hành trung ương nói trên có rất nhiều tính từ, trạng từ ngột ngạt mùi "chuyên chính vô sản" dựa trên nguyên tắc "tập trung dân chủ" như: "kiên quyết xử lý", "xử lý nghiêm", "đề phòng nguy cơ", bởi vì, như ông Trần Mô, một đảng viên cao cấp, đã viết một cách thẳng thắn trong "Tạp chí quốc phòng toàn dân" (tháng 11.1995): "Chúng tôi kết luận rằng không có một nước nào có thể trực tiếp lật đổ chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, và chỉ có người cộng sản [phản tỉnh, giác ngộ - VNT] mới có thể lật đổ được người cộng sản [ngoan cố, giáo điều trong tập đoàn lãnh đạo hiện nay - VNT] (30), và đó là "diễn biến [hoà bình] từ trong nội bộ", một nguy cơ có thật mà hiện nay ÐCSVN đang cố gắng đối phó.

Ðể kết thúc phần này chúng tôi muốn lưu ý một số bạn Việt Kiều rằng trong các tài liệu chính thức của ÐCSVN khi họ nói tới "tập trung dân chủ" (tập trung: danh từ; dân chủ: tính từ) thì có nghĩa là họ nói về nguyên tắc tổ chức, hoạt động trong đảng và nhà nước XHCN, chứ họ không bao giờ dùng cụm từ "dân chủ tập trung" (dân chủ: danh từ; tập trung: tính từ) với ý nghĩa là một thể chế, một chế độ chính trị - kinh tế cả. Do đó, nếu nói rằng một số người Việt chủ trương thiết lập một nền dân chủ đa nguyên để phản bác nền "dân chủ tập trung" (với tư cách là một thể chế) của ÐCSVN (31) là không đúng lắm. Bởi vì không thể lấy một nguyên tắc hoạt động của một đảng để đối lại một thể chế chính trị - kinh tế được! Vả lại, trong báo chí, sách vở thì ÐCSVN thường dùng cụm từ "dân chủ nhất nguyên" tức là một nền "dân chủ dưới sự lãnh đạo duy nhất của đảng" hoặc "dân chủ XHCN" (32) để đối lại cụm từ dân chủ đa nguyên, đa đảng (mà họ còn gọi là nền "dân chủ tư sản") chứ họ không bao giờ dùng cụm từ nền dân chủ đa nguyên để đối lại nền "dân chủ tập trung" (với tư cách là một thể chế) như đã nêu bên trên.
Nhân dịp này, có lẽ cũng cần nhấn mạnh là biệt ngữ "dân chủ nhất nguyên" mà ÐCSVN đang dùng là một khái niệm chứa đựng một mâu thuẫn lớn trong từ ngữ, là một quái tượng về mặt chính trị bởi vì thông thường mà nói thì một nền dân chủ thật sự (đúng theo tinh thần phổ cập quốc tế ngày nay) tất yếu phải là đa nguyên chứ không thể nhất nguyên, độc đảng được! (xem tiếp phần sau).

5. Tập đoàn lãnh đạo ÐCSVN
Nhiều đảng viên trong nước cho rằng không phải có Ðiều 4 của "Hiến pháp 1992" và có công an cộng với bộ đội thì có thể áp đặt "vai trò lãnh đạo" của ÐCS được. Họ nói rằng muốn đóng được vai trò này thì ÐCSVN cần phải có thêm hai yếu tố quan trọng nữa: đó là đảng viên, nhất là ở cấp lãnh đạo, phải trong sạch và đường lối, chủ trương phải đúng đắn (33).

A. Ðặc điểm chung
Từ khi khối Liên Xô - Ðông Âu sụp đổ, tập đoàn lãnh đạo ÐCSVN, trên thực tế, không còn đặt niềm tin hay lý tưởng vào chủ nghĩa Mác-Lê, CNXH, Chủ nghĩa Cộng Sản nữa mà chỉ dùng nó như một chiêu bài để che đậy âm mưu bám lấy quyền lực và quyền lợi mà thôi. Trong ÐCSVN ngày nay trên thực tế đã xuất hiện hai tầng lớp đối lập nhau rõ rệt: một tầng lớp thống trị nắm quyền hành với những đảng viên giàu có, những "nhà tư bản đỏ" với nhiều biệt thự, xe ôtô và doanh nghiệp do vợ, con nắm, sống xa hoa phè phỡn, thậm chí còn có thể chuyển US$ ra nước ngoài để kinh doanh và chuẩn bị cơ sở làm ăn và sinh nhai cho thời kỳ hậu cộng sản, và một tầng lớp bị trị của những đảng viên liêm chính, những cựu chiến binh và thương binh, những người nghỉ hưu, thật sự vừa vô sản lại vô quyền, sống rất nghèo khổ và vất vả.
Cách đây mấy năm nhà ly khai Bùi Minh Quốc đã từng nhận xét rằng "đảng viên có chức, có quyền trong đó một số ít nhờ chức quyền mà có tiền, cực kỳ lắm tiền, đang chi phối mọi công việc của đảng, của đất nước; chức, quyền, tiền ấy đã kết [hợp] họ lại thành một giai tầng mới, giai tầng tài phiệt đỏ... Thế lực tài phiệt [này] đang làm giàu theo công thức dùng chuyên chính vô sản để tích luỹ tư bản... [và] số tài sản mà họ đã và đang hối hả tích luỹ chính là xương máu, mồ hôi, nước mắt của toàn thể nhân dân" [chúng tôi nhấn mạnh - VNT] (34)
Hiện tượng phổ biến bám lấy chức quyền của các nhà lãnh đạo cũng được một đảng viên chính thống giải thích như sau: "... Mất ghế là mất tất cả bởi vì thời nay ’cái ghế’ là cái rất quan trọng... Trong nhiều trường hợp đi theo cái ghế thường là có tiền tài, lợi lộc" (35). Nhà ly khai TS. Nguyễn Thanh Giang cũng không nói gì khác hơn: "Họ [các nhà lãnh đạo - VNT] chủ yếu chú tâm tới việc giữ quyền, giữ chức, giữ ghế. Bây giờ mà họ còn cứ nói một cách ngoan cố về định hướng XHCN... chẳng qua cũng chỉ vì quyền lợi của các cá nhân thuộc tập đoàn này, tập đoàn khác, của cá nhân này, cá nhân khác" mà thôi (36).
Chính nhờ có chức, có quyền cho nên đám vợ con các nhà lãnh đạo cao cấp mới có thể trở thành, một sớm một chiều những "doanh nhân lỗi lạc", và từ chỗ tay trắng, chân ướt chân ráo nhảy vào một lĩnh vực không quen thuộc mà hiện nay trong túi họ đã đầy nhóc hàng triệu US$ (37).
Một ví dụ điển hình là bà Cầm, vợ của cựu Thủ tướng Võ Văn Kiệt, một người mà tên tuổi đã từng vang lừng trong những năm 90. Bà này có một lũ đệ tử, toàn giám đốc công ty, hãng xưởng, liên doanh. Riêng trong công trình thiết kế đường dây tải điện Bắc-Nam, bà và các đàn em đã tham gia rất nhiều hợp đồng: mua sắt, sứ cách điện, máy biến thế, cáp điện, xi-măng, xây dựng trạm cột điện v.v.. Kết quả là số tiền huê hồng ăn chia trên các hợp đồng như thế đã đem lại cho bà Cầm không biết bao nhiêu là tiền. Ngoài món lãi do các công ty xuất nhập khẩu của "Bà" do đàn em của "Bà" đứng tên hoặc do các công ty được "Bà" xoè ô dù che chở nộp lên, riêng các khoản phần trăm hợp đồng mà ông Kiệt, lúc còn làm Thủ tướng, cho phép công ty này ký hoặc công ty kia ký cũng đã đem lại một số tiền khá lớn cho "Bà" rồi. Một nhân vật trong "chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam" trước đây đã cho chúng tôi biết là người trong nước đặt tên bà Cầm là "Bà 10%", tức là "Bà" nhận 10% giá trị bất kỳ hợp đồng nào mà chính phủ Việt Nam cho phép ký nhờ sự "giúp đỡ" của "Bà". Nghe nói riêng việc Việt Nam không mua sắt của một công ty Nga với giá rẻ mà lại mua sắt của Nam Hàn với giá đắt gấp đôi đã nói lên tài kinh doanh của "Bà" rồi!
Còn về "Cậu" Nam, con riêng của ông Võ Văn Kiệt, "Cậu" này cũng nổi tiếng trong làng nhập lậu xe ôtô cũ được bán hạ giá từ nước ngoài về hàng sáu, bảy trăm chiếc một lúc, và số tiền thu vào lên tới vài chục triệu US$.
Về phía cựu Tổng bí thư Ðỗ Mười thì lại vô phúc: có mỗi một đứa con trai tên Thắng mà cả nước đều biết bị bệnh tâm thần (như cha nó) nên ông Mười bèn ra tay tế độ người con rể tên Phương. Thời ông Mười vừa lên chức Tổng bí thư thì có vụ sửa sang khu vực văn phòng cho Khu liên hiệp Su-pe-phốt-phát Lâm Thao. Liên hiệp này nhờ "Cậu" Phương xin tín dụng mười tỷ đồng và trong áp-phe đầu tay này "Cậu" Phương kiếm được trên hai tỷ đồng. Có vốn liếng rồi "Cậu" mới mở rộng kinh doanh: nhập lậu xe ôtô cũ, buôn máy công cụ, buôn địa ốc v.v.. "Cậu" nổi tiếng là người "cầm đầu một đường dây buôn lậu có hệ thống" (38). "Cậu" Phương còn phất lên một lúc nhờ vụ lấp ao hồ ở Hà Nội: mặt ao hồ rẻ thúi bỗng nhiên trở thành của quý sau khi người ta đổ ụp xuống đó mấy xe cát và đổi tên nó thành mặt bằng. Trong cơn sốt địa ốc giá khởi thuỷ của 1m2 mặt bằng là bốn chỉ vàng, rồi nó lại vọt lên một lượng vàng, và sau đó tới 2 lượng, tuỳ theo vị trí tốt xấu của nó.
Cũng ở một vị thế tương tự như "Cậu" Nam nói bên trên, "Cậu" Tỵ con trai của Thủ tướng Phan Văn Khải, thường được gọi là "Hoàng Tỵ" (vì cậu ăn chơi xa xỉ như một ông hoàng con) cũng đã nổi tiếng như cồn. Nổi tiếng không những vì ăn chơi trác táng, cầm đầu một băng đảng toàn thành phần "con ông cháu cha" (vào khoảng 1994-1995 thiên hạ trong nước đồn rằng "Cậu" là một trong những thủ phạm trong vụ giết người ở Ðồ Sơn) mà còn về mặt thương trường nữa: "Hoàng Tỵ" thường giữ một cửa (tức là cửa mở vào những nơi có quyền xét duyệt các chương trình đầu tư nước ngoài) được đánh giá là chỗ chắc ăn nhất. Trong bối cảnh lúc bắt đầu "đổi mới" kinh tế doanh nhân ngoại quốc hăm hở đầu tư vào các ngành ăn xổi như xây cất khách sạn, sân Golf v.v.. ở Việt Nam. Họ mau chóng biết rằng muốn có chân đứng thì phải tìm được sự hậu thuẫn của những người đang cầm quyền. Sau một thời gian tìm hiểu, họ đã tìm ra được cửa của "Cậu" Tỵ vừa chắc ăn, vừa giá phải chăng. Mỗi hồ sơ đầu tư, họ chi cho "Cậu" 5% là đủ chứ không phải tới 10% như một vài cửa khác.
Ngoài ra, "Cậu" Tỵ còn là chủ nhân của hai khách sạn thật "xịn" có tên là Hoàng Gia và Planet. Mọi dễ dãi dành cho khách hàng của hai khách sạn này được thông báo đến tận cửa hải quan ở phi trường Tân Sơn Nhất, và ai xuất trình giấy đặt phòng ở các khách sạn này thì chắc chắn là khỏi bị hạch sách...
Người dân trong nước cũng biết tới "Cậu" Tuấn Anh, con của Chủ tịch nước Trần Ðức Lương, qua vụ mở rộng nhà máy điện Phả Lại. Nhật đã trúng thầu công trình này với giá cao gấp đôi Nga: Nga ra giá 320 triệu US$ và thu tiền bằng cách đổi hàng, trong khi đó thì Nhật ra giá tới 550 triệu US$ và cho vay tiền để xây cất công trình. Tại sao lại xảy ra nghịch lý này? Sau khi truy hỏi phó Thủ tướng, lúc đó là Ngô Xuân Lộc, người ta mới biết sở dĩ sự việc xảy ra như vậy là vì phía sau Nhật có "Cậu" Tuấn Anh!
Còn về con trai của cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, "Cậu" Diễn thì sau khi cha "Cậu" lên chức cao nhất cuối năm 1997, "Cậu" mới bắt đầu hoạt động mạnh trong thương trường, chủ yếu là trong lĩnh vực xây dựng. Trong lĩnh vực này "Cậu" Diễn ký hợp đồng xong là chuyển ngay cho người khác, gọi là "ký hộ", để ăn phần trăm. Ngoài ra, "Cậu" cũng có ở trong công ty Vasuco, một công ty quân sự chuyên môn nhập vũ khí cho quân đội.
Cũng làm ở công ty Vasuco có "Cậu" Vịnh, con út của của Tướng quá cố Nguyễn Chí Thanh. "Cậu" Vịnh là người "tầm cỡ" trong công ty này, kiêm giám đốc công ty Toseco và kiêm luôn chức Vụ trưởng trong Tổng cục tình báo. "Cậu" này lo phần trang thiết bị cho hải quân, lo việc mua thiết bị (chủ yếu từ Nga) cho việc tu sửa, đóng mới các quân hạm, hoặc mua tàu để tăng cường cho hạm đội. Cứ mỗi hợp đồng mua bán, "Cậu" Vịnh được hưởng từ 10 đến 20% trên giá thanh toán, có khi hơn. Việc ăn chia này liên quan tới rất nhiều đầu mối ở tận bên Nga; và họ phải nộp cho "Cậu" Vịnh và phe cánh từ 30 đến 50% để chen chân vào các vụ mua bán với Vasuco. Nếu ta biết mỗi năm Việt Nam phải chi phí từ 100 tới 200 triệu US$ để mua thiết bị riêng cho hải quân thì ta thấy mức thu nhập của "Cậu" Vịnh riêng trong lĩnh vực này cũng đã là khá lắm rồi.
Một người nổi tiếng khác trong giới danh gia quân sự là "Ông" Công, em của Tổng tham mưu trưởng quá cố Ðào Ðình Luyện. Ông này chuyên nhập hàng cho không quân. Một ví dụ: một động cơ máy bay cũ của Nga bán cho Vasuco với giá là 150.000 US$ khi ký, nhưng sau đó phía bán phải "lại quả" cho Vasuco 50.000 US$. Tuy nhiên, tin mật lọt ra từ Vasuco cho biết là thông thường người bán phải "lại quả" cho Vasuco khoảng 2,5% ròng. Số tiền mua sắm lên đến cả trăm triệu US$, do đó phần trăm này cũng đem lại khá nhiều tiền cho "Ông" Công. Người ta đồn rằng "Ông" này có 50 triệu US$ gửi ở các ngân hàng nước ngoài, đó là không kể số tài sản có sẵn ở trong nước.
Nói đến Internet ở Việt Nam thì phải nói tới "Cậu" Bình, con rể của Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. "Cậu" này lợi dụng quan hệ rộng rãi của bố vợ để ký hợp đồng với công ty máy điện toán Olivetti của Ý để nhập các máy này về Việt Nam, một cách gián tiếp thông qua Ba Lan và Liên Xô cũ. Vì Liên Xô cũ bị các nước phương Tây cấm vận kỹ thuật tối tân trong thời kỳ cuối những năm 80 nên không thể mua được các dàn máy điện toán một cách tự do như họ muốn. Chính vì thế mà "Cậu" Bình và một số người Việt Nam khác đã dựng lên một đường dây buôn các dàn máy đó từ Ba Lan sang bán ở Liên Xô cũ, với lãi suất khổng lồ (lãi suất gần 100%); rồi với số tiền bán máy này họ quay ra mua một số hàng của Liên Xô (cũ) với giá ưu đãi và nhập về Việt Nam miễn thuế như sắt thép xây dựng, kim loại mầu, hàng tiêu dùng v.v.. Do đó chỉ trong vòng khoảng hai năm "Cậu" Bình đã kiếm được khoảng ba triệu US$. Và khi thị trường Liên Xô cũ hoàn toàn mở cửa thì "Cậu" Bình ôm tiền về Việt Nam lập ra công ty FPT, một trong ba công ty độc quyền công cấp dịch vụ Internet trên toàn quốc.

Qua các hiện tượng nêu bên trên người ta thấy rõ, như nhà văn Dương Thu Hương đã nhận xét: "Con ông cháu cha... lợi dụng quyền lực chính trị của ông cha để làm giàu..., [và] đó là một hiện tượng phổ biến" (39). Và nhà văn này đặt câu hỏi: "liệu còn sót bao nhiêu lương tri trong các băng buôn lậu quốc gia, các ổ ăn cắp của đảng độc quyền, nơi lũ con ông cháu cha quen cưỡi máy bay đi chơi điếm ở Hồng Kông và quen ném vào mỗi ván bài đỏ đen hàng trăm ngàn Ðô la Mỹ (40)" trong lúc mà đại đa số nhân dân còn phải sống rất lầm than?
Nhà văn này còn nhận xét tiếp: giai cấp "tư bản đỏ" nói chung "cố níu chặt mảnh ván XHCN của con thuyền xưa đã bị gió bão đánh tan tành, bởi chỉ nhờ trương lên tấm biển XHCN họ mới có thể cướp bóc dân chúng một cách dễ dàng, [và] chuyển hoá tài sản quốc gia thành các ngân khoản riêng ở các ngân hàng ngoài nước" (ibid).
Về phía mình Luật sư Lê Chí Quang cũng có nhận xét về "tư bản đỏ" như sau: "Ngày nay đảng... nhất định không thể đại diện trung thành cho giai cấp công nhân nữa vì ở đây thấy toàn những vị đại biểu cho tầng lớp mới trong xã hội. Ðó là tầng lớp tư bản đỏ, bọn tham quan ô lại, bọn cửa quyền bóc lột, hà hiếp dân chúng, bọn buôn lậu..."(41).
Ðúng như ông Trần Ðộ đã khẳng định từ lâu "...Ðảng bị thoái hoá, biến chất; những đảng viên nắm quyền lực trở thành một tầng lớp thống trị mới trong xã hội với những lợi ích riêng, đối lập với lợi ích nhân dân. Có thể nói rằng nhiều đảng viên có chức, có quyền đã thật sự trở thành "những tư bản mới" đầu cơ quyền lực, biến quyền thành của cải, và gây ra một mâu thuẫn xã hội ngày càng gay gắt..." [chúng tôi nhấn mạnh - VNT](42).
Không những ở trong nước mà ở nước ngoài cũng có một số nhà quan sát ngoại quốc - trong đó có những người nổi tiếng đã từng ủng hộ chế độ Hà Nội trước 1975 như GS. Gabriel Kolko (Mỹ) chẳng hạn (43) - tố cáo các nhà "tư bản đỏ" đang thống trị ở Việt Nam.

Một sử gia Pháp nhận xét rằng: "... chế độ cộng sản đang lột xác bằng con đường "mafia hoá". Như mọi nhóm mafia, ÐCS không còn thống nhất mà đã chia ra làm nhiều phe cánh, nhiều "chi họ mafia". Sự tranh giành quyền lực gay gắt trong ÐCS đã thể hiện ngày càng rõ ràng và lộ liễu. Những vụ cấu kết, hợp đồng giai đoạn giữa phe này và phe kia để hạ bệ đối thủ diễn ra thường xuyên... Toàn guồng máy đảng và Nhà nước... thuộc quyền kiểm soát của các phe nhóm khác nhau. Do đó mà những nhà lãnh đạo chóp bu, sau khi rút lui khỏi chính trường... vẫn tiếp tục chi phối đường lối, chính sách... [lãnh đạo] Việt Nam ngày nay... là một tập đoàn tham quyền, bám lợi cầm đầu đất nước" (44).
Qua "vụ án Năm Cam" mà báo chí trong nước đã phanh phui trước dư luận từ đầu năm nay (2002) người ta thấy rõ rằng hiện nay tập đoàn lãnh đạo ÐCSVN đang bị mafia hoá một cách nghiêm trọng. Sở dĩ Năm Cam (tên thật là Trương Văn Cam) và đàn em có thể hoạt động phi pháp một cách ngang nhiên trong nhiều năm qua, không những ở Sài Gòn mà còn trên địa bàn cả nước, như tổ chức sòng bạc lớn, cho vay nặng lãi, buôn lậu, tổ chức đường dây tiêu thụ ma tuý, đâm thuê chém mướn, hệ thống đĩ điếm v.v.. là vì tên "trùm xã hội đen" này đã dùng tiền bạc, quà cáp và gái đẹp v.v.. để mua chuộc chính quyền, cả địa phương lẫn trung ương. Báo Tuổi trẻ trong nước đã viết: "Tiền bạc trải thảm của Năm Cam tung ra, đã giúp hắn mua chuộc, khống chế không ít các nhân vật trong các cơ quan pháp luật" (45). Nhiều đảng viên, cán bộ cao cấp, không những trong ngành công an, quân đội, viện kiểm sát nhân dân tối cao, mà còn trong ngành thông tin, cũng dính líu vào vụ này.
Cho tới khi chúng tôi viết bài này thì được biết có tới 109 cán bộ đảng viên bị bắt, bị cách chức, bị kiểm điểm kể cả bảy tướng công an, một Viện trưởng viện kiểm sát nhân dân tối cao, hai thẩm phán, một giám đốc đài phát thanh quốc gia, một Thứ trưởng... Theo Thông tấn xã Việt Nam (20.06.2002) thì có ba tập thể (đảng uỷ công an trung ương, ban cán sự đảng của viện kiểm sát, và ban thường vụ thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh) và sáu cá nhân (Trung tướng Bùi Quốc Huy, uỷ viên Trung ương đảng, Thứ trưởng Bộ công an và nguyên giám đốc công an tại thành phố Hồ Chí Minh; Thiếu tướng Hoàng Ngọc Nhất, thuộc Bộ công an; Thiếu tướng Ðỗ Năm thuộc bộ công an; ông Lê Thanh Ðạo, nguyên Viện trưởng viện kiểm sát tối cao và ông Phạm Sĩ Chiến, phó Viện trưởng viện kiểm sát tối cao, ông Trần Mai Hạnh, uỷ viên Trung ương đảng, tổng giám đốc Ðài tiếng nói Việt Nam) phải kiểm điểm trách nhiệm về những việc dính líu tới vụ án Năm Cam.
Theo báo chí trong nước, vụ thả Năm Cam trước thời hạn hồi giữa năm 1997 (sau khi bị bắt hồi cuối 1995) có dính líu tới nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhưng ông này cho biết là có bàn thảo việc này với các ông Ðỗ Mười, lúc đó là Tổng bí thư, và ông Lê Ðức Anh, lúc đó là Chủ tịch nước (46). Báo chí đang phanh phui thì bị chặn lại. Dư luận trong nước đặt câu hỏi: Bộ chính trị có cố tình bao che những kẻ đại trọng tội trong vụ án này chăng?
Nhà báo Lý Sinh Sự ở trong nước đã tạm đúc kết vụ án này như sau: xưa nay mafia đều dựa vào quan chức tham nhũng, biến chất để tồn tại. Vậy thì mỗi vụ án bao giờ cũng có nhiều người liên can, hoặc là bao che, ăn hối lộ, bảo kê..., nặng hơn nữa là tiếp tay [cho chúng] (47).
Chắc ai cũng đồng tình với bà Nguyễn Thị Bình, cựu phó Chủ tịch nước khi bà nhận xét rằng: "Mafia không thể tồn tại nếu không thò được chân vào hàng ngũ bộ máy [đảng và nhà nước - VNT] của chúng ta"(48).
Ðiều đáng chú ý là đến ngày 20.06.2002 thì ông Nguyễn Khoa Ðiềm, uỷ viên Bộ chính trị và ông Nguyễn Hồng Vinh, chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam đã công khai ra lệnh khoá mồm báo chí, không cho tiếp tục đưa tin tức về "vụ án Năm Cam" nữa vì sợ bứt giây động rừng! Ông Ðiềm ra lệnh cho báo chí không được tường thuật nhiều hơn nữa về những vấn đề liên quan tới những người lãnh đạo cấp cao, không để lộ bí mật gây chia rẽ nội bộ (49). Người ta tự hỏi làm sao chống được tham nhũng khi tập đoàn lãnh đạo ÐCS quy định trước những gì được đưa ra công khai, những gì phải giữ bí mật của các vụ án lớn nhằm "giữ uy tín cho đảng"?
"Vụ án Năm Cam" này được phanh phui ra trước dư luận chỉ phản ánh phần nào sự tranh giành thế lực và quyền lợi giữa các phe nhóm cầm quyền đang bị mafia hoá, nhằm thanh toán lẫn nhau trong bộ máy đảng và nhà nước (mà trọng tâm là các đảng bộ ở miền Nam, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh) chứ không phải là quyết tâm của tập đoàn lãnh đạo nói chung muốn thực sự thanh toán triệt để "quốc nạn" tham nhũng. Dù muốn dù không"vụ án Năm Cam" cũng đã làm giảm bớt đi nhiều uy tín của ÐCS ở trong nước.

B. Tham nhũng và buôn lậu
Từ năm 1992, ông Võ Văn Kiệt, lúc đó là Thủ tướng, đã từng gọi tệ nạn buôn lậu và tham nhũng là hai "quốc nạn" (50). Ông Ðỗ Mười, trong diễn văn bế mạc ở hội nghị trung ương lần thứ 9 (tháng 11.1995) đã hô hào là " phải tích cực chống tham nhũng... Tham nhũng có quan hệ mật thiết với buôn lậu... [nó] làm hư hỏng một bộ phận [lớn - VNT] đảng viên, cán bộ. Trong lúc... dân còn khó khăn thiếu thốn thì tham nhũng... là tội ác"(51). Sau đó, cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu cũng hô hào kiên quyết chống tham nhũng, và chủ trương một đợt phê và tự phê bình chống tham nhũng trong vòng hai năm liền (bắt đầu từ tháng 05.1999). Tuy nhiên, sau tám tháng "phê và tự phê" một đảng viên cao cấp nhận xét như sau: "Tệ... tham nhũng đang làm biến chất một bộ phận [khá lớn - VNT] cán bộ, đảng viên. Ðáng lưu ý là hiện nay [đầu năm 2000 - VNT] tình trạng này còn diễn ra phổ biến hơn, tinh vi hơn, nghiêm trọng hơn" [chúng tôi nhấn mạnh - VNT](52).
Khi chiến dịch "phê và tự phê" sắp kết thúc thì chính ông Phiêu, tại hội nghị trung ương lần thứ 11 (tháng 01.2001) cũng phải thú nhận rằng "tệ... tham nhũng... của cán bộ, đảng viên vẫn còn rất nghiêm trọng"[chúng tôi nhấn mạnh - VNT)"(53].
Theo ban thanh tra trung ương của ÐCS thì trong thời gian 5 năm gần đây (1995-2000) có gần 69.000 trong số 160.000 đảng viên đã bị kết tội tham nhũng. Ngoài ra, có hơn 2.000 cơ sở đảng bộ đã bị điều tra và trong số đó có tới 1/3 bị ghi nhận là nhũng lạm tài sản nhà nước (54).
Còn theo số liệu của công an thì trong năm 2001 nạn tham nhũng đã gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 428 tỷ đồng (29 triệu US$)(55).
Năm 2001, theo cơ quan tư vấn về những rủi ro chính trị và kinh tế, Political và Economic Risk Consultancy (PERC) có trụ sở ở Xing-ga-po thì Việt Nam được xếp vào hạng thứ nhất trong các nước Châu Á có nạn tham nhũng tệ hại nhất: dựa trên bảng nặng nhẹ từ 0 đến 10 (10 là điểm tệ hại nhất) thì Việt Nam đứng đầu bảng ở mức 9,75 điểm!(56).
Còn theo một tài liệu nghiên cứu của Ngân hàng thế giới bàn về 4 khía cạnh của việc quản lý nhà nước, trong đó có mục "kiểm soát tham nhũng" tại 12 nước ở Ðông Á thì Việt Nam được xếp vào hạng thứ 10 về nạn tham nhũng, tức là khá nặng; và theo ông N. Stern phó Chủ tịch và Kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới thì "đây quả thật là [một] trong những vấn đề nan giải cho Việt Nam"(57).
Hiện nay, Tổng bí thư Nông Ðức Mạnh cũng thừa nhận là tuy "...những năm qua, đảng ta rất coi trọng cuộc đấu tranh chống tham nhũng,... coi đó là "giặc nội xâm"... là "quốc nạn" và đã đề ra nhiều biện pháp để khắc phục,... [nhưng] hiệu quả còn thấp", và ông ta đề ra 4 biện pháp để đấu tranh chống tham nhũng (58). Sau nhiều biện pháp hoàn toàn vô hiệu quả của các Tổng bí thư trước đây thì ta có thể khẳng định mà không sợ sai lầm là ông Mạnh có đưa ra 14 biện pháp đi nữa thì ông cũng vẫn không thể giải quyết được "quốc nạn" này. Bởi vì, như ông Trần Ðộ đã nhận xét "một nguồn gốc quan trọng của tệ nạn tham nhũng là có sự lạm dụng quyền lực (...) [và sự lạm dụng này xuất phát từ] một thể chế quyền lực không có cơ chế kìm hãm và giám sát"; [và] thể chế đó lại là con đẻ của... hệ thống chính trị [do] đảng lãnh đạo tuyệt đối, toàn diện... Thể chế đó tạo điều kiện cho người ta tự do dùng thủ đoạn để tìm kiếm quyền lực, và khi tìm [nó] được rồi thì [người ta] tự do và tuỳ tiện dùng để mưu lợi và làm giàu" (59). Ở Việt Nam hiện nay, như ai cũng biết, có quyền to thì tham nhũng to, có quyền nhỏ thì tham nhũng nhỏ. Do đó, như ông Trần Ðộ đã nói "những người có quyền lực là những người không chống được tham nhũng, và chỉ có dung túng tham nhũng [mà thôi]" [chúng tôi nhấn mạnh - VNT] (ibid, tr. 15).
Về phía mình, nhà văn Hoàng Tiến cũng đã nhận xét là trong nhiều năm qua, dù đảng và Nhà nước đã ra biết bao nhiêu chỉ thị, nghị quyết và trừng trị một số vụ tham nhũng "nhưng số vụ tham nhũng không giảm đi [mà lại] có chiều hướng tăng lên, nguy hiểm hơn, thâm độc hơn, kín nhẹm hơn. Chúng kết thành dây, thành tập thể chằng chịt như mạng nhện... "(60).
Gần đây, GS. Lê Trọng, Viện trưởng Viện Phát Triển Quốc Tế Học đã liệt kê khái quát 12 hình thức tham nhũng ở Việt Nam, và nêu bật một vật chướng ngại không thể vượt qua được trong quá trình đấu tranh chống tham nhũng là "nếu xử lý nghiêm thì động đến nhiều người, nhất là cán bộ cao cấp, [và họ] sẽ "mất uy tín lãnh đạo", [và Nhà nước] "sẽ mất cán bộ"... "(61). Ðiều này xác nhận quan điểm của ông Trần Ðộ vừa nhắc bên trên là "những người có quyền lực là những người không chống được tham nhũng"!

Dưới thời ông Nông Ðức Mạnh nạn tham nhũng vẫn tiếp tục lan tràn trên tất cả mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, quân sự, luật pháp, văn hoá v.v.. kể cả trong lĩnh vực cứu trợ nhân đạo. "Quốc nạn" này đang làm giàu cho cá nhân, gia đình và băng đảng, phe nhóm; nó đang cấu kết ngày càng rõ rệt với "xã hội đen" để thiết lập một mạng lưới mafia bao trùm lên khắp đất nước và trong mọi lĩnh vực. Dù ông Mạnh có hô hào "phải chống tham nhũng quyết liệt hơn nữa" ông cũng sẽ không giải quyết được "quốc nạn" này chừng nào mà, ngoài việc cải tổ chế độ tiền lương quá thấp hiện nay, ÐCS và nhà nước XHCN chưa chấp nhận tam quyền phân lập (lập pháp, hành pháp và tư pháp) để họ làm đối trọng, kiểm soát lẫn nhau; chưa có toà án, báo chí và cơ quan truyền thông hoàn toàn độc lập; chưa có quyết tâm chính trị nhằm trừng trị các cán bộ lãnh đạo chóp bu dính líu tới tham nhũng (chứ không chỉ trừng trị cán bộ, đảng viên trung, cao cấp mà thôi); chưa có các quy trình kiểm soát nội bộ trong các xí nghiệp và kiểm toán phía ngoài một cách độc lập; chưa có luật chống tham nhũng minh bạch và thủ tục hành chính, tài chính công vụ rõ ràng v.v..
Vả lại, người ta có thể tự hỏi ông Nông Ðức Mạnh có thật lòng muốn chống tham nhũng không bởi vì người ta thấy sau khi hai nhà ly khai Phạm Quế Dương và Trần Khuê làm đơn xin thành lập "hội nhân dân Việt Nam ủng hộ đảng và Nhà nước chống tham nhũng" và kêu gọi mọi người tham gia (ngày 03.09.2001) thì vài ngày sau hai ông bị cán bộ công an bắt lên sở công an xét hỏi, bị cắt điện thoại và trong tháng sau đó ông Khuê lại bị chính quyền thành phố Hồ Chí Minh ra lệnh quản chế hai năm! Lúc đó, Thứ trưởng công an Nguyễn Văn Hường còn cao giọng: "Chúng tôi phải bóp phong trào của các anh từ trong trứng nước"!
Sự kiện này chứng tỏ không những lời nói của Tổng bí thư Nông Ðức Mạnh không đi đôi với việc làm (cũng như của các Tổng bí thư khác trước đây) mà còn cho thấy là dưới thời ông Mạnh Nhà nước vẫn tiếp tục vi phạm trắng trợn các quyền công dân được ghi trong "Hiến pháp 1992" mà do chính nhà nước này bày vẽ ra, cụ thể là vi phạm điều 69, do đó "công dân có quyền... lập hội".
Trên thực tế thì ông Mạnh chỉ muốn chống tham nhũng nửa vời thôi để làm yên lòng phần nào dư luận trong nước và trấn an các nhà đầu tư ngoại quốc và các tổ chức tài chính quốc tế. Bởi vì nếu ông Mạnh thật sự chống tham nhũng một cách triệt để, tức là từ "đầu" (lãnh đạo chóp bu) trở xuống, chứ không chỉ từ "vai" (cán bộ trung, cao cấp trở xuống mà thôi (như cách nói ở trong nước hiện nay), thì bộ máy cai trị và quản lý của ÐCS và Nhà nước XHCN sẽ bị tê liệt ngay!

Liên quan đến tệ nạn tham nhũng còn phải nói đến hiện tượng "rửa tiền" (money laundering), một cách làm để "công khai hoá các khoản tài sản bất minh thường có được nhờ tham nhũng" như báo Tuổi trẻ chủ nhật (20.01.2002) đã tiết lộ: Ngoài cách "chuyển ngân lậu từ trong nước ngược ra nước ngoài" như nhiều người đã biết thì tác giả bài báo nói trên còn kê khai ra 7 cách làm khác nữa như: mua vé số trúng giải đặc biệt, mua nhà đất, bịa ra học bổng trị giá cả trăm ngàn US$ cho các con quan chức, các chuyến đi tham quan nước ngoài, góp vốn thành lập công ty cổ phần hoặc hùn vốn xây dựng khách sạn nhưng không phải bằng tiền mặt hay bằng hiện vật mà bằng trao đổi quyền lực, mua chứng khoán với giá ưu đãi cùng với làn sóng "cổ phần hoá" DNNN, dùng hoá đơn tài chính để hợp thức hoá những bòn rút từ ngân sách nhà nước v.v..

* * *
Ðã bàn về "quốc nạn" tham nhũng thì càng phải bàn luôn đến "quốc nạn" buôn lậu nữa, vì 2 vấn đề này gắn bó chặt chẽ với nhau. Và ai cũng biết trong số các thủ phạm của hai "quốc nạn" này đều có nhiều đảng viên, cán bộ lãnh đạo, kể cả loại cao cấp. Ở Việt Nam bọn buôn lậu đã tận dụng cả đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không.
Xin nêu ra một vài ví dụ: ai cũng còn nhớ hồi năm 1998 chẳng hạn, có xẩy ra một vụ án buôn lậu nổi tiếng gọi là vụ án Tân Trường Sanh trong đó có 71 cán bộ, đảng viên bị truy tố, và trong số đó có tới 49 cán bộ của Nhà nước (31 cán bộ hải quan và số còn lại là cán bộ công an, quân đội v.v..). Cuộc điều tra cho thấy Tân Trường Sanh đã tổ chức một mafia buôn lậu các loại hàng mà nhà nước đánh thuế nhập khẩu cao hoặc cấm nhập khẩu, và tổ chức buôn lậu này cấu kết với một mạng lưới "bảo kê" hùng hậu bao gồm hải quan, công an, kho hàng quân đội, DNNN và ÐCS (62).
Bằng đường thuỷ thì hàng lậu từ Trung Quốc thường cập bờ ở Móng Cái và các tỉnh vùng duyên hải miền Bắc và miền Trung, còn hàng lậu từ Thái Lan, Cam-bốt thì được đưa tới các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long. Hàng lậu cũng có thể đến từ Malaisia, Philippin do các tàu buôn lớn đổ ở ngoài khơi rồi được đưa vào bờ ở phía nam miền Trung hay ở miền Nam.
Ngoài ra, những DNNN có tàu biển cũng tham gia buôn lậu một cách tự nhiên. Báo Lao động đã cho biết là tại bến Hếnh Tống (Ðông Hưng, Trung Quốc) đối diện bờ tây sông Ca Long (Móng Cái) hàng lậu sẵn sàng xuất phát, và chỉ chờ ám hiệu cho biết hải quân rút đi là hàng chục thuyền ồ ạt băng qua sông. Trong 3 con đường buôn lậu kể trên thì buôn lậu đường bộ trên cả ba biên giới Hoa-Lào-Miên là quan trọng, đa dạng hơn cả. Vụ điển hình xảy ra gần đây là vụ Hang Dơi.
Trong tháng 06.2002 báo chí trong nước cho hay là Tổng cục cảnh sát đã phá được "một đường dây buôn lậu lớn nhất miền Bắc" tại núi Hang Dơi, xã Tân Mỹ, tỉnh Lạng Sơn. Bọn buôn lậu vận chuyển 95% số hàng lậu bao gồm máy điều hoà nhiệt độ, Tivi, CD, phụ tùng ôtô, xe máy v.v.. từ Trung Quốc vào các tỉnh phía Bắc từ 1989 đến nay. Dư luận trong nước cho rằng lực lượng biên phòng, hải quan Lạng Sơn đã bảo kê cho đường dây buôn lậu này từ lâu (63).

Hiện nay ở Việt Nam một số khá lớn đảng viên, cán bộ - kể cả cao cấp - trực tiếp nhúng tay vào việc đưa hàng lậu từ Trung Quốc vào Việt Nam trên quy mô rộng lớn và liên tục, làm thị trường nội địa bị tràn ngập hàng Trung Quốc (nhất là loại hàng không đủ tiêu chuẩn để xuất sang Mỹ và Châu Âu), và do đó giết dần giết mòn không những hàng hoá sản xuất ở trong nước mà còn khống chế cả các mặt hàng nhập khẩu khác như xe gắn máy, đồ điện, vật liệu xây dựng v.v.. Nói chung hiện nay ở Việt Nam hầu hết các quan chức ở những cơ quan chống buôn lậu tại các cửa khẩu đều bị bọn buôn lậu ‘’mua đứt".
Theo báo Nhân dân, nạn buôn lậu đã tăng 20% trong năm 2001, gây nên thiệt hại cho ngân sách 607 tỷ Ðồng (64). Báo chí trong nước tiết lộ rằng trong 5 tháng đầu năm 2002 tệ nạn "buôn lậu vẫn tung hoành" (65), và các cán bộ lãnh đạo ở Cục hải quan còn nhấn mạnh là cách buôn lậu ngày càng trở nên hiện đại, tinh vi và liều lĩnh hơn trước! Ký giả Lý Sinh Sự đã nhận xét trong báo Lao động gần đây: "Từ nhiều năm nay buôn lậu như căn bệnh trầm kha "di căn" khắp nước" (66).
Cũng cần nói thêm ở đây là đảng viên, cán bộ ngoại giao - kể cả cao cấp - chủ yếu là ở các đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô (cũ) và Ðông Âu thường dùng các đặc quyền ngoại giao để buôn lậu, và trong số đó có người đã bị bắt với hàng chục triệu US$ hàng lậu, hàng ngàn đồng hồ điện tử, nhiều máy Computer, hàng trăm quần jeans, hoặc mang vàng đi qua các cửa khẩu. Theo một nguồn tin đáng tin cậy thì ông Nguyễn Mạnh Cầm, lúc còn làm đại sứ ở Mạc-Tư-Khoa nhắm mắt để cho các nhân viên trong đại sứ quán buôn lậu tập thể (67).
Ngoài tệ nạn tham nhũng và buôn lậu, giai cấp "tư bản đỏ" ở Việt Nam còn có nhiều thủ đoạn khác để làm giàu bằng chữ ký và con dấu dựa trên tập quán "nhất biết nhì quen", bằng cách ra giá phong bì, "rút ruột ngân sách", quy hoạch nhà đất, bán đề thi, bán bằng cấp giả, ăn chặn viện trợ nước ngoài, dựng dự án ma, bòn rút phụ cấp của thương binh liệt sĩ v.v...
Ðầu năm 2002, ông Hồng Vinh, một uỷ viên trung ương đảng, đã nhận xét một cách tổng quát như sau: "có bảy nhân tố... ảnh hưởng đến tâm trạng cán bộ, đảng viên: nạn tham nhũng, tệ quan liêu, sự phát triển các tệ nạn xã hội [mà thủ phạm chủ yếu là cán bộ, đảng viên - VNT],... hiện tượng chạy chức, chạy quyền, tình trạng thiếu kỷ cương..., [và] mất dân chủ [tức là độc đoán, ức hiếp dân - VNT], sự suy thoái [về] phẩm chất đạo đức, [về] lối sống... của một bộ phận [khá lớn - VNT] của cán bộ, đảng viên" (68). Thêm vào đó, có lẽ cần phải nêu lên "bệnh kiêu ngạo" [tức là bệnh phách lối - VNT] cộng sản" nữa, và bệnh này theo nhận xét của một đảng viên là khá phổ biến (69). Ðây cũng là bệnh thông thường của những ếch ngồi đáy giếng!

C. Suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên
Về vấn đề này thì có thể liệt kê vô số hiện tượng. Tuy nhiên ở đây chúng tôi chỉ có thể nêu ra một số sự kiện điển hình gần đây mà thôi, như sự lạm phát bằng cấp giả, nạn mại dâm, nghiện ma tuý v.v..
Theo GS. Ðặng Hữu, Trưởng ban khoa giáo Trung ương (ÐCS) thì trong năm 2000 có hơn 3.000 bằng cấp giả bị phát hiện mà thủ phạm chủ yếu là cán bộ, đảng viên. Một trường hợp điển hình là việc thu hồi, năm 2000, bằng "Tiến sĩ" và huỷ bỏ việc công nhận học vị của ông Nguyễn Tiên Thỏa, Viện trưởng Viện nghiên cứu Khoa học thị trường và giá cả, một cơ quan quan trọng trực thuộc Uỷ ban vật giá Nhà nước, vì ông này đã gian lận thi cử, sử dụng bằng bất hợp pháp và đã nhờ người thi hộ bằng Anh văn v.v..(70).
Theo Bộ giáo dục và đào tạo thì trong năm 2001 người ta đã phát hiện có 5.506 văn bằng chứng chỉ bất hợp pháp trên toàn quốc, và trong số người sử dụng văn bằng đó thì có tới 634 cán bộ, đảng viên (71).
Gần đây tại Hà Nội, có trường hợp "Tiến sĩ" Trần Hồng Thái bị phát giác là chưa có học hết lớp 10 nhưng đã có ba bằng cấp tốt nghiệp đại học và hậu đại học!

Sở dĩ có hiện tượng cán bộ, đảng viên sử dụng lan tràn bằng cấp giả là vì từ khi Nhà nước chủ trương "đại học hoá cán bộ, đảng viên" thì mỗi cán bộ, đảng viên tại chức phải có bằng cấp để được điều chỉnh chức vụ của mình hoặc để được thăng tiến. Do đó mới xẩy ra các kiểu chạy như chạy thầy, chạy hội đồng thi, chạy điểm, chạy bằng cấp. Và theo GS. Nguyễn Văn Chiển thì sự việc này xảy ra "nhiều nhất là ở các trường kinh tế, quản trị kinh doanh, ở các lớp tại chức mở ở các địa phương để cấp bằng đại học cho các quan chức nhằm củng cố ghế của họ. Bởi vậy mới có tình trạng người có bằng giả thì ngồi đấy, người có bằng thật thì thất nghiệp. " [chúng tôi nhấn mạnh - VNT] (72). Một ví dụ điển hình là ở Việt Nam có tới 65% giám đốc và tổng giám đốc các doanh nghiệp nhà nước không có khả năng hiểu được quyết toán tài chính hàng năm của doanh nghiệp Nhà nước cho nên nhà nước mới có chủ trương "phải đào tạo lại đội ngũ [cán bộ lãnh đạo] này, nghĩa là phải giúp họ tiếp tục tồn tại... trong khi hàng vạn sinh viên... tốt nghiệp các trường đại học kinh tế có thừa khả năng... hiểu quyết toán tài chính thì chẳng thể nào tìm kiếm việc làm được"! (73)
Về tệ nạn bằng cấp giả, GS. Hoàng Tuỵ ở Hà Nội đã cay đắng phàn nàn rằng: "nói ra đáng tủi hổ - nhưng là sự thật - các học vị học hàm rởm, những tiến sĩ, viện sĩ giấy, những chức vụ hư danh thì không nước nào trên thế giới sản xuất nhanh, nhiều ra bằng ta. Mà khi những thứ này tràn ngập xã hội thì còn chỗ đâu cho trí tuệ chân chính phát triển" (74).
Về lối sống truỵ lạc của cán bộ, đảng viên thì chỉ cần nêu lên một hiện tượng thôi: báo Tuổi trẻ (tháng 04.2000) cho biết là Bộ lao động, thương binh và xã hội đã thừa nhận là trong số đàn ông đi tìm thú vui tại những lầu xanh thì 70% là cán bộ, đảng viên, bởi vì chỉ có họ mới có thừa tiền (do tham nhũng, buôn lậu v.v..) để có thể ăn chơi trác táng. Bà Nguyễn Thị Huệ, giám đốc cơ quan tệ đoan xã hội của Bộ này đã từng tuyên bố với báo chí rằng: "từ năm 1997 nạn mãi dâm đã bành trướng với mức độ đáng quan ngại và có tính cách rất công khai, phần lớn do sự... không trừng phạt khách tìm hoa, nhất là khi họ là những cán bộ nhà nước" (75).
Còn về tệ nạn ma tuý thì, theo ông Lê Văn Nhiên, phó giám đốc sở ma tuý và tệ đoan xã hội của Tổng công đoàn lao động Việt Nam, trong số 100.000 người nghiện ma tuý đã đăng ký hồi tháng 07.2000 có tới 30.000 người là cán bộ, đảng viên.

Tóm lại, "quốc nạn" tham nhũng và buôn lậu, sự lạm phát bằng cấp giả để có thể chiếm giữ các vị trí lãnh đạo, ăn chơi trác táng, nghiện ngập xì ke, ma tuý v.v... đó là một số hiện tượng phổ biến hiện nay trong hàng ngũ cán bộ, đảng viên, những "con người XHCN" mà ông Hồ Chí Minh đã công phu "trồng" trong mấy chục năm qua! Thật là hết sức trơ trẽn khi cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu huyênh hoang tuyên bố trong bài diễn văn kỷ niệm 110 năm ngày sinh ông Hồ (tháng 05.2002) rằng "Ðảng ta là đạo đức"!!!(76). Vậy phải chờ các tệ nạn vừa nêu bên trên phát triển đến đâu nữa thì ÐCSVN mới thú nhận là không đạo đức?
Những tật xấu, đồi bại của tập đoàn lãnh đạo ÐCSVN minh hoạ tính xác đáng của ngạn ngữ của Nam tước Acton: "quyền lực làm hư hỏng con người, và quyền lực tuyệt đối làm hư hỏng một cách tuyệt đối".

6. Một số sai lầm của ÐCS
Ðể có thể đóng "vai trò lãnh đạo", ngoài việc tập đoàn lãnh đạo phải trong sạch, còn một yếu tố cần thiết nữa là chủ trương, đường lối của ÐCS phải đúng đắn, ít nữa không phạm phải sai lầm nghiêm trọng. Nhưng trên thực tế, như ông Trần Ðộ đã nhận xét: ÐCSVN đã phạm "những khuyết điểm và sai lầm... mang tai hoạ cho toàn dân tộc, tàn phá số phận của hàng vạn gia đình và hàng triệu con người" (chúng tôi nhấn mạnh - VNT)(77).
Có những sự việc mà ÐCS gọi một cách đơn giản là "sai lầm" nhưng vì mức độ trầm trọng của nó, quy mô rộng lớn và thời gian kéo dài của nó như "sai lầm" đẫm máu trong cải cách ruộng đất ở miền Bắc trong những năm 50 chẳng hạn thì không thể dùng uyển ngữ "sai lầm" được và phải gọi là tội ác mới đúng (78). Ðáng chú ý là có những sai lầm thật sự mà ÐCSVN vẫn lờ đi, không công khai tuyên bố là sai lầm.

Về mặt chính trị, ông Trần Ðộ và một số nhà ly khai khác đã kê khai ra một số sai lầm rồi (79), do đó chúng tôi không muốn bàn thêm. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn nêu lên một sai lầm nổi bật nhất gần đây mà thôi, đó là cuộc nổi dậy của đồng bào Thượng ở Tây Nguyên hồi đầu tháng 02.2001 (80). Các đồng bào này đã đưa ra ba yêu sách chủ yếu:
1. Tôn trọng tự do tín ngưỡng, bởi vì nhiều mục sư Tin lành của họ đã bị giam giữ, sau khi bị đánh đập tàn nhẫn.
2. Trả lại đất đai canh tác cổ truyền của họ đã bị người Kinh khai thác một cách bừa bãi rồi chiếm hữu luôn để làm đồn điền trồng cà-phê để xuất khẩu mà không có biện pháp trợ cấp thoả đáng nào cả. Ðiều đáng chú ý là mức sống của người Thượng hiện nay là quá thấp so với người Kinh: thu nhập bình quân / đầu người của người Thượng là chưa tới 50 US$ / năm (81), trong lúc thu nhập bình quân / đầu người toàn quốc là 390 US$ / năm (năm 2000).
3. Chấm dứt phân biệt đối xử từ trường học đến các cơ quan nhà nước; đòi không bị công an địa phương hà hiếp, không bị khinh miệt và bỏ rơi trong khi các nhà lãnh đạo Việt Nam hô hào đoàn kết dân tộc.

Thay vì giải quyết các yêu sách nói trên trong ôn hoà thì ÐCS và Nhà nước đã chọn giải pháp đàn áp làm hơn hàng ngàn người Thượng phải bỏ chạy sang Cam-bốt tị nạn. Theo TS. Nguyễn Thanh Giang thì "sự sai lầm [này] của lãnh đạo [Hà Nội] sẽ để lại hậu hoạ không phải cho riêng ÐCS mà là hậu hoạ của [cả] dân tộc" (82).
Sai lầm của ÐCS đối với đồng bào Tây nguyên là một sai lầm nghiêm trọng toàn diện (bao gồm các lĩnh vực chính trị, kinh tế, dân tộc, tôn giáo và an ninh quốc phòng) và đã kéo dài trong nhiều năm. Chỉ khi nào ÐCS thay đổi toàn bộ chính sách đối với đồng bào Tây Nguyên thì mới mong thực hiện được trên thực tế khẩu hiệu "đoàn kết dân tộc".

Về mặt kinh tế thì, như chúng tôi đã phân tích bên trên, ngoài "sai lầm" đẫm máu của "cải cách ruộng đất" và "chỉnh đốn tổ chức", ÐCSVN còn phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng khác ở miền Bắc trong việc "cải tạo xã hội chủ nghĩa" đối với nông nghiệp (hợp tác hoá nông nghiệp), đối với công, thương nghiệp (loại bỏ tư doanh), và trong việc "công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa" dựa trên ưu tiên phát triển công nghiệp nặng v.v.. Sau 1975, ÐCS cũng muốn tái diễn trò hợp tác hoá nông nghiệp ở miền Nam nhưng không thành công. Tuy nhiên họ đã rất "thành công" trong việc "cải tạo XHCN" đối với công thương nghiệp, đánh tư sản miền Nam tơi bời (83). Cả một tầng lớp nhà tư doanh non trẻ có vốn, tài trí và kinh nghiệm kinh doanh đã bị "tận diệt", và điều này không những dẫn đến sự suy sụp của nền kinh tế của cả nước, trong ngắn hạn, mà còn là một trong những nguyên nhân cơ bản của sự tụt hậu nền kinh tế Việt Nam so với các nước láng giềng, trong dài hạn. Ở đây chúng tôi muốn nhắc lại lời thú nhận của cựu uỷ viên Bộ chính trị Nguyễn Ðức Bình: "Ðảng ta đã phạm sai lầm... nóng vội trong cải tạo xã hội chủ nghĩa, xoá bỏ ngay nền kinh tế nhiều thành phần v.v.. "(84).
Thật vậy theo thiển ý của chúng tôi, sai lầm nghiêm trọng nhất và có tính cách bao quát về mặt kinh tế là việc xoá bỏ các thành phần kinh tế tư nhân, (ở miền bắc từ 1958 trở đi, và ở miền Nam từ 1976 trở đi) trong thời kỳ quá độ "tiến lên XHCN". Và phải chờ tới Ðại hội VI của ÐCSVN (tháng 12.1986) tức là gần 30 năm sau, đảng này mới nhận thức ra được thảm hoạ này (!), và chủ trương trở lại "một nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần", như đã phân tích bên trên (xem phần "đổi mới" kinh tế).
Nhưng đáng tiếc là, sau khi thừa nhận sai lầm như vậy, ÐCSVN chỉ chủ trương "đổi mới" kinh tế nửa vời mà thôi. Do đó cho nên ta thấy là sau hơn 25 năm thống nhất đất nước, nước ta, với tài nguyên khá phong phú, nhân dân lao động cần cù và hiếu học, vẫn còn là một trong 10 nước nghèo nhất thế giới, trong khi đó thì một số quốc gia, khởi đầu là chậm tiến như nước ta, nhưng trong vòng 20-25 năm đã thành công trong việc phát triển nền kinh tế của họ nhờ đã chọn mô hình phát triển phi XHCN như Malaixia, Thái Lan, Nam Hàn, Ðài Loan v.v.. Tạp chí Far Eastern Economic Review đã nhận xét chí lý rằng cộng sản Việt Nam đã chiến thắng trong chiến tranh chống Mỹ, nhưng đã thất bại trong việc xây dựng kinh tế trong thời bình (85).
Ngoài những sai lầm trong lĩnh vực kinh tế và chính trị nói trên, ÐCSVN còn phạm nhiều sai lầm trong lĩnh vực văn hoá, giáo dục và y tế nữa.
Về mặt đối ngoại, một trong những sai quan trọng của ÐCSVN là việc thành lập, hồi đầu những năm 50, "Liên minh đặc biệt"giữa ba nước Ðông Dương, tức là giữa ba đảng và chính phủ Việt-Miên-Lào, dưới trướng của Việt Nam [ông Hồ được coi là lãnh tụ chung của 3 nước], và Ðông Dương được coi là một chiến trường duy nhất. "Liên minh" này đã bị các nước láng giềng chỉ trích.
Sau Hiệp định Genève (1954), nước Việt Nam bị chia ra thành hai miền, và miền Bắc trở thành "tiền đồn của phe XHCN" ở Ðông Nam Á trong bối cảnh chiến tranh lạnh giữa phe tư bản chủ nghĩa và phe XHCN [cũng như Ðông Ðức được coi là "tiền đồn của phe XHCN" ở Châu Âu, và Cu-ba là "tiền đồn của phe XHCN" ở Châu Mỹ La-tinh]. Ông Hồ đã từng tuyên bố tại Ðại hội lần thứ 3 của ÐCSVN (tháng 09.1960) rằng: "Nước VNDCCH [tức là Bắc Việt Nam] là một thành viên trong đại gia đình XHCN... chúng ta có nhiệm vụ giữ vững vị trí tiền đồn của chủ nghĩa xã hội ở Ðông Nam Á, ra sức góp phần tăng cường lực lượng của phe XHCN... " (86).
Sau khi thống nhất đất nước, ông Lê Duẩn, lúc đó là Tống bí thư, cũng đã khẳng định là nước Việt Nam thống nhất trở thành "tiền đồn vững chắc của phe XHCN" ở Ðông Nam Á (87). Ðiều này có nghĩa là Việt Nam đã trở thành một căn cứ cách mạng để đẩy mạnh sự bành trướng của CNXH ở toàn vùng Ðông Nam Á, theo "tinh thần quốc tế vô sản" dù rằng lúc đó Việt Nam còn gặp rất nhiều khó khăn về mọi mặt!
Chúng tôi được biết là sau 1975, ÐCSVN đã ráo riết đào tạo cán bộ tình báo để gửi qua căn cứ bên nước bạn Lào để huấn luyện cán bộ cộng sản Thái (về mọi mặt), để sau đó họ trở về Thái Lan "giải phóng" đất nước họ, dù rằng về mặt chính thức chính phủ Việt Nam vẫn tuyên bố là không bao giờ xen vào nội bộ các nước láng giềng, và luôn luôn tôn trọng chủ quyền của các nước này! Sở dĩ âm mưu "xuất cảng cách mạng" này của Hà Nội không thành công là vì có sự mâu thuẫn và chia rẽ giữa phe thân Việt Nam và phe thân Trung Quốc trong đảng cộng sản Thái Lan. Theo anh Bùi Tín kể lại thì trong một cuộc họp cán bộ cao cấp, một nhân vật trong Ban bí thư ÐCSVN có "tỏ ý tiếc là lúc ấy ÐCS Thái Lan quá yếu; nếu không thì đã có cơ hội cộng sản hoá được Thái Lan rồi!"(88).

Một sai lầm rất tai hại nữa trong lĩnh vực đối ngoại là vụ xâm chiếm Cam-bốt hồi cuối tháng 12.1978. Việc bọn "Khơ-me-đỏ" gây ra sự bắn giết tàn ác ở biên giới phía Nam từ Kiên Giang tới Lâm Ðồng và chính sách diệt chủng của chúng ở Cam-bốt đã tạo nên lý do cho việc đưa bộ đội Việt Nam vào xứ này. Tuy nhiên, sau khi chấm dứt chế độ Pol Pot - một việc mà nhân dân Cam-bốt thật sự hoan nghênh - thì Việt Nam lại tiếp tục chiếm đóng xứ này, và bị sa lầy ở đấy trong 10 năm liền (từ tháng 12.1978 đến tháng 10.1989) vì một mặt, Trung Quốc và Thái Lan tận lực tiếp sức cho "Khơ-me-đỏ" và mặt khác, ÐCSVN vẫn có ý định thực hiện khối "Liên minh đặc biệt" giữa ba nước Ðông Dương như đã nói bên trên. Cuộc phiêu lưu này làm cho cả thế giới chỉ trích, trừng phạt và cấm vận Việt Nam trong nhiều năm liền, gây nhiều tổn hại cho nền kinh tế tài chính Việt Nam. Hơn thế nữa, nó làm cho trên 50.000 thanh niên miền Nam bị thiệt mạng và gần 200.000 bị thương [xin lưu ý là lúc đó chỉ có thanh niên miền Nam bị lùa đi đánh giặc ở Cam-bốt mà thôi, trong lúc đó thì thanh niên miền Bắc, nhất là con cháu của các nhà lãnh đạo ở Hà Nội, thì được gửi đi đào tạo ở nước ngoài chủ yếu là trong phe XHCN để sau này, khi trở về nước, được sắp xếp vào những vị trí béo bở trong guồng máy của đảng và Nhà nước (89).
Có lẽ cũng cần nhắc lại ở đây là đại tướng Võ Nguyên Giáp lúc đó đã không tán thành chủ trương của các ông Lê Duẩn và Lê Ðức Thọ để lại ở Cam-bốt một đội quân gần 200.000 người trong 10 năm liền(90).

Trong quan hệ với Trung Quốc, ÐCSVN đã phạm hai sai lầm nghiêm trọng. Sai lầm thứ nhất là việc ông Phạm Văn Ðồng, lúc đó là uỷ viên Bộ chính trị và Thủ tướng, đã ký, theo lệnh của đảng và ông Hồ, một công hàm ngày 14.09.1958 gửi cho Tổng lý Quốc vụ viện Trung Quốc (Thủ tướng) Chu Ân Lai chấp nhận lời tuyên bố của chính quyền Trung Quốc, trong đó Trung Quốc công bố lãnh hải 12 hải lý của họ theo một bản đồ gọi là "Bản đồ 9 gạch", bao gồm toàn bộ các đảo trong Vịnh Bắc Bộ và toàn bộ các đảo ở biển Nam-hải như Hoàng Sa và Trường Sa. Nói một cách khác, ÐCS và Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà lúc đó đã đồng ý nhường cho Trung Quốc toàn bộ các đảo của Việt Nam trên biển Nam-hải và toàn bộ lãnh hải Việt Nam cách các đảo đó 12 hải lý! Chính vì công hàm này mà từ đó đến nay, Trung Quốc ngang nhiên thiết lập những cơ sở khai thác dầu hoả trong vùng(91).
Sai lầm thứ hai là việc chính phủ Việt Nam đã ký Hiệp định biên giới trên bộ với Trung Quốc ngày 30.12.1999 (Hiệp định này được quy định có hiệu lực từ ngày 06.07.2000) và hai Hiệp định khác (Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định hợp tác đánh cá) ngày 25.12.2002, dưới sức ép của Trung Quốc và để được sự ủng hộ của họ về mặt chính trị (92). Cho đến khi viết bài này thì các chi tiết liên quan đến cả 3 Hiệp định nói trên vẫn chưa được công bố. Ngay cả Quốc hội Việt Nam, tuy đã thông qua Hiệp định biên giới trên bộ, vẫn không được biết các chi tiết về Hiệp định này! Dư luận trong nước và Việt kiều đang đòi hỏi ÐCS và Nhà nước phải công khai hoá toàn bộ (kể cả bản đồ chi tiết) cả ba Hiệp định nói trên. Dư luận này cũng nêu ra thắc mắc: nếu ÐCS và Nhà nước không sợ bị chỉ trích là đã nhượng bộ quá nhiều cho Trung Quốc thì tại sao họ lại giữ kín nội dung của ba Hiệp định này?

Về Hiệp định biên giới trên bộ, nếu so sánh với Hiệp định biên giới cũ Pháp-Trung thời Mãn Thanh thì, theo nguồn thông tin thông thạo ở trong nước, Việt Nam bị mất 720-900 km2. Với Hiệp định này thì Thác Bản Giốc - một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất của Việt Nam - đã bị cắt hoàn toàn cho Trung Quốc.
Còn về Hiệp định Vịnh Bắc Bộ thì Hiệp ước Thiên Tân ký hồi năm 1887 giữa Pháp và Triều đình Mãn Thanh đã xác định tỷ lệ 62/38, tức là đã biếu 38% lãnh thổ Vịnh Bắc Bộ cho Trung Quốc rồi. Nhưng Hiệp định Vịnh Bắc Bộ ký gần đây (ngày 25.12.2000) lại phân định 47% Vịnh Bắc Bộ của Việt Nam là thuộc về Trung Quốc, tức là trước đây Việt Nam đã mất 38%, nay lại mất thêm 9% nữa! Vậy là so với Hiệp ước Pháp - Triều đình Mãn Thanh, ÐCS và chính phủ Việt Nam đã để mất thêm 11.362 km2 lãnh hải cho Trung Quốc. Và điều đáng lưu ý là phần thềm lục địa này ẩn tàng nhiều tiềm năng dầu khí và nhiều loại hải sản.
Theo Hiệp định đánh cá chung trong Vịnh Bắc Bộ, cũng được ký ngày 25.12.2000 thì hai bên đã thoả thuận thành lập "vùng đánh cá chung" rộng 33.500 km2, và vùng này chiếm 27,9% diện tích của toàn Vịnh Bắc Bộ. Nhìn vào bản đồ, ai cũng thấy rõ là phần của Trung Quốc góp vào "vùng đánh cá chung" hầu hết là nằm trong vùng họ vừa được phía Việt Nam nhượng cho. Hai bên còn thoả thuận lập thêm một "vùng quá độ" ở phía Bắc đảo Bạch Long Vĩ, chủ yếu trong vùng biển của Việt Nam, nhằm cho tàu của hai bên cùng đánh cá trong thời gian bốn năm.
Dư luận trong nước và Việt kiều cho rằng với hai Hiệp định về Vịnh Bắc Bộ và hợp tác đánh cá chung này Trung Quốc đã chiếm đoạt trung tâm của Vịnh Bắc Bộ, nơi có nhiều thuỷ sản, nhiều tiềm năng về dầu khí, khoáng sản và thuỷ sản, và cũng là địa bàn lợi hại nhất để khống chế toàn bộ Vịnh và biển Nam hải về mặt quốc phòng và giao thông vận tải. Do đó, họ yêu cầu Quốc hội mới (tháng 07.2002) không thông qua hai hiệp định nói trên.

Nhìn chung, theo thiển ý của chúng tôi sai lầm lớn nhất lớn nhất và cũng là bao trùm tất cả các sai lầm của ÐCSVN từ khi lên nắm chính quyền đến nay là sự cố tình chọn con đường "tiến lên CNXH" theo kiểu Mác-Lê, riêng cho miền Bắc từ năm 1957 (xem diễn văn khai mạc của ông Hồ ở trường đảng Nguyễn Ái Quốc ngày 07.09.1957 và nghị quyết của Hội nghị Trung ương Ðảng lần thứ XIII hồi tháng 12.1957), và cho cả nước tại Hội nghị Trung ương ÐCS lần thứ 24 hồi tháng 08.1975 (93). Những sai lầm trong lĩnh vực đối nội (chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá v.v..) cũng như đối ngoại vừa kể trên đều bắt nguồn từ sự lựa chọn có tính cách chiến lược đó.
Trong diễn văn kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ÐCS, cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu có thừa nhận qua loa là "qua 70 năm chiến đấu... đảng cũng vấp phải sai lầm và khuyết điểm... Ðảng xin chân thành nhận lỗi" (94). Với những sai lầm nghiêm trọng "mang tai hoạ cho toàn dân tộc, tàn phá số phận của hàng vạn gia đình và hàng triệu con người", như ông Trần Ðộ đã nhận xét, mà đảng chỉ thừa nhận sai lầm một cách đại khái, lấy lệ như trên là một sự xúc phạm đến nỗi thống khổ của các gia đình nạn nhân, là một điều không thể chấp nhận được.
Vả lại nếu tập đoàn lãnh đạo ÐCS có chút ít tự trọng thì đáng lẽ, sau khi thừa nhận sai lầm, phải rút lui ra khỏi chính trường như ở các nước văn minh. Nhưng, than ôi! không những họ không chịu rút lui mà còn muốn tiếp tục áp đặt sự thống trị của họ, muốn tiếp tục duy trì chế độ XHCN đối với 80 triệu dân - một chế độ "đã thất bại trên thế giới và đã gây nên nghèo đói ở Việt Nam" (Trần Ðộ) - trong "50 năm, 100 năm hay lâu hơn nữa" như ông Lê Khả Phiêu đã huyênh hoang tuyên bố!!! (95). Khăng khăng theo đuổi con đường XHCN mà sự thực hành của nó đã chứng minh là thất bại rồi, không những ở trong một nước mà còn ở trong nhiều nước, là một tội lỗi rất lớn của ÐCSVN trước toà án lịch sử dân tộc. (Không lẽ ÐCSVN đã quên đi nhận xét chí lý của C. Mác "sự thực hành (praxis) là tiêu chuẩn của chân lý" hay sao?). Người Pháp có câu châm ngôn: "Sai lầm là bản chất của con người, nhưng ngoan cố trong sai lầm là quỷ quái"!

7. "Chuyên chính vô sản" (CCVS)
Không những tập đoàn lãnh đạo ÐCS không chịu rút lui ra khỏi chính trường sau khi phạm phải nhiều sai lầm nghiêm trọng như đã nói bên trên mà họ còn muốn tiếp tục duy trì ách thống trị của họ, xuyên qua cái gọi là "chuyên chính vô sản" (CCVS), tức là chính quyền phải được đặt dưới sự lãnh đạo của ÐCS, một hệ quả tất yếu của sự độc quyền chính trị của ÐCS. Gọi là "CCVS" nhưng trên thực tế nó chỉ là sự chuyên chính của tập đoàn lãnh đạo của ÐCS, hay nói đích xác hơn là "chuyên chính của một bè lũ" gồm ba bốn người lãnh đạo (96) mà thôi. Họ tượng trưng cho một "chính quyền xây dựng trên nòng súng" - như nhà văn Dương Thu Hương đã nhận xét (97) - nhằm duy trì càng lâu càng tốt cái gọi là "ổn định" chính trị trong cả nước.
Cho tới nay sở dĩ có "ổn định" không phải là vì đa số nhân dân chấp thuận hoặc tán thành đường lối của ÐCS mà là vì theo TS. Nguyễn Thanh Giang có "cái chính sách chu di tam tộc" [nghĩa là khi chồng chống đối đảng và nhà nước chẳng hạn, thì cả vợ, con cũng bị trù diệt luôn: họ sẽ bị trừng phạt cả về mặt chính trị, hành chính và giáo dục lẫn bị bao vây về kinh tế - VNT] vừa mông muội, vừa tinh vi vô cùng tàn nhẫn..., [và chính sách đàn áp này] đang phát huy tác dụng rất khốc liệt"(98).
Ngày nay ÐCS và Nhà nước còn trấn áp được mọi sự đối lập thì chế độ còn "ổn định". Nhưng "mọi người đều biết, tuy tồn tại bằng bạo lực nhưng sự "ổn định" [đó] sẽ không kéo dài [mãi được]: nuôi trong bản thân sự đè nén, sự bùng nổ cũng sẽ không tránh khỏi" như anh Lữ Phương đã tiên đoán(99).

Vì trong "Hiến pháp 1992" không còn dùng biệt ngữ "CCVS" nữa như trong các Hiến pháp trước đây, một số nhà nghiên cứu (ngoại quốc và Việt kiều) ngộ nhận rằng ở Việt Nam XHCN hiện nay không còn có ‘’CCVS" nữa. Chúng tôi đã bác bỏ luận điều này từ lâu rồi (100). Nếu đọc kỹ các điều 3, 4, 12 và 13 của "Hiến pháp 1992" người ta thấy thể hiện rất rõ định nghĩa tổng quát cổ điển của "CCVS" (điều 3 và 4) và các đặc điểm khác của nó như Nhà nước phải tăng cường "pháp chế XHCN" (điều 12) và trừng trị mọi "âm mưu và hành động chống lại Tổ quốc XHCN" (điều 13).
Thay vì dùng cụm từ "CCVS" trong "Hiến pháp 1992" thì ở điều 3, ÐCS và Nhà nước nhắc lại định nghĩa cổ điển của "CCVS" bao gồm hai mặt chủ yếu: một mặt thì thực hiện cái gọi là "quyền làm chủ của... nhân dân" hoặc "dân chủ với nhân dân", tức là cho phép những người không chống đối tham gia phát biểu ý kiến trong khuôn khổ đường lối, chủ trương của ÐCS (như thêm bớt "mắm muối" chẳng hạn) và họ không sợ bị đàn áp, mặt khác thì sử dụng "chuyên chính đối với các lực lượng thù địch", và lực lượng này bao gồm không những "kẻ thù giai cấp" thuần tuý mà còn cả cán bộ đảng viên chống đối hoặc chỉ trích đường lối của ÐCS. Và để thực hiện "CCVS", ÐCS vẫn dựa vào 2 trụ cột chính: đó là quân đội (điều 44 và 45) và công an (điều 47); và bộ máy đàn áp này còn được tăng cường về mặt pháp lý XHCN nữa (điều 126).
Sở dĩ từ đầu những năm 1990 trở đi, ÐCSVN không dùng cụm từ "CCVS" trong các văn kiện chính thức nữa là vì họ muốn tạo ra một ảo tưởng "đổi mới" về mặt chính trị trong dư luận trong nước và quốc tế mà thôi. Nhưng khi cần, họ không ngần ngại nhắc lại khái niệm "CCVS" như ông Nguyễn Văn Linh, lúc đó là Tổng bí thư, đã làm trong Báo cáo chính trị tại Ðại hội đảng lần thứ VII: "... nội dung cơ bản của chuyên chính vô sản là chính quyền thuộc về nhân dân, chính quyền đó... xây dựng nhà nước xã hội chủ nghĩa, nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân... do ÐCS lãnh đạo" [chúng tôi nhấn mạnh - VNT)] (101). Và trong một cuộc phỏng vấn với một hãng thông tấn Nhật, ông Linh nhắc lại: "chuyên chính của đảng [CS] hiện nay [trong thời kỳ "đổi mới" - VNT] là còn cần thiết" (102). Về phía mình, ông Ðào Duy Tùng, lúc đó là uỷ viên Bộ chính trị phụ trách "Tuyên Huấn", cũng đã nói rõ trong một tài liệu "lưu hành nội bộ" như sau: "Nếu hiểu đúng nội dung của chuyên chính vô sản thì hoàn toàn có thể diễn đạt nó trong khái niệm Nhà nước xã hội chủ nghĩa... [hoặc] nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân... do đảng cộng sản lãnh đạo".
Dù rằng không mang tên nhà nước chuyên chính vô sản, nhưng nhà nước XHCN mà chúng ta xây dựng thực chất vẫn mang bản chất của chuyên chính vô sản" [chúng tôi nhấn mạnh - VNT](103).
Gần đây hơn, ông Nguyễn Duy Quý, uỷ viên trung ương ÐCS và giám đốc "Trung tâm khoa học xã hội và nhân văn quốc gia" (Hà Nội) đã nhắc lại rằng "thể chế Nhà nước... đã được tạo dựng từ cách mạng tháng 08.1945... nay chuyển sang thực hành chức năng của chuyên chính vô sản, là cơ quan quyền lực thực hiện chế độ làm chủ của nhân dân lao động. Ðó là thể chế nhà nước... của dân, do dân và vì dân..."(104).
Trái với một số nhà báo ngoại quốc khác, nhà báo Pháp JC. Pomonti cũng khẳng định là chuyên chính vô sản vẫn tồn tại hiện nay ở Việt Nam (105). Nói một cách khác, hiện nay cũng như trước đây dưới thời ông Lê Duẩn (106), trong kho tàng biệt ngữ mà ÐCSVN thường dùng cái gọi là "dân chủ XHCN", "Nhà nước XHCN" hoặc "Nhà nước pháp quyền XHCN", "Nhà nước của dân, do dân, vì dân" đều là những hiện tượng (phenomena) phản ánh một bản chất duy nhất, đó là bản chất (essence) của chuyên chính vô sản, đều đồng nghĩa với khái niệm "CCVS" (xem phần sau).
Chúng tôi muốn nhấn mạnh điểm quan trọng này vì một số nhà nghiên cứu (ngoại quốc và Việt kiều) thường hay rơi vào cái bẫy ngữ nghĩa (semantic trap): khi gặp phải các cụm từ nói trên trong các tài liệu chính thức của ÐCSVN thì các nhà nghiên cứu này tưởng rằng nó có một nội dung tương tự như các khái niệm thường dùng ở các nước phương Tây. Ví dụ: khi các nhà lãnh đạo Việt Nam đi ra ngoại quốc hay trong một cuộc phỏng vấn với báo chí nước ngoài nói về "dân chủ" ở Việt Nam thì các nhà nghiên cứu này tưởng rằng nó có một nội dung tương tự như ở các nước không cộng sản, và vỗ tay reo mừng rằng các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam cũng "dám" nói tới dân chủ (hiểu theo phương Tây). Họ đâu có ngờ rằng khi ÐCSVN hoặc các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam nói tới "dân chủ" tức là họ ám chỉ "dân chủ xã hội chủ nghĩa", tức là một nền "dân chủ" do ÐCS nặn ra và do ÐCS lãnh đạo, và loại ‘’dân chủ" này phản ánh đúng bản chất của "chuyên chính vô sản" như đã nói bên trên. Cái gọi là "dân chủ XHCN" này - một khái niệm do chính Stalin đặt ra (107) - là hoàn toàn đối lập với khái niệm dân chủ thực sự, theo nghĩa phổ biến toàn cầu của nó, mà người cộng sản Việt Nam gọi một cách khinh bỉ là "dân chủ tư sản", và chỉ trích rằng trong nền dân chủ đó người ta "đòi phi chính trị hoá bộ máy nhà nước, đòi đa nguyên, đa đảng nhằm tước bỏ vai trò lãnh đạo của đảng" (108). Thậm chí, họ còn dựa theo Lênin để huyênh hoang tuyên bố rằng nền "dân chủ XHCN" là "dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản" nữa, trong lúc đó thì, trên thực tế trong mấy chục năm qua nền "dân chủ XHCN" trong các nước cộng sản cũ cũng như trong các nước cộng sản (XHCN) còn lại hiện nay là phản dân chủ gấp triệu lần nền "dân chủ tư sản"!

Một trong những công cụ nổi bật nhất của "CCVS" ở Việt Nam mà nhiều người đã lên án là "Nghị định 31/CP" do ông Võ Văn Kiệt, lúc đó là Thủ tướng, ký ngày 14.04.1997. Ðó là một nghị định "có tính chất phát-xít..., [nó] cho phép công an có quyền quản chế [tại gia] trong thời hạn hai năm, sau đó có thể gia hạn thêm, những người bị công an coi là "nguy hại cho an ninh quốc gia" mà không cần đưa ra toà án xét xử"(109). Nghị định này nhằm "biến nhà ở thành nhà tù".
Trước nghị định nay, Nhà nước XHCN đã quản thúc tại gia vô thời hạn nhà lão thành cách mạng Nguyễn Hộ, Hoà thượng Thích Huyền Quang (vị đứng đầu giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất), thì với nghị định này họ công khai quản chế tại gia các người bất đồng chính kiến như Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự, Hà Sĩ Phu và nhiều người khác nữa.
Trong năm 2001 có 17 người dân chủ trong nước đã cùng ký tên một kháng thư gửi lên các vị lãnh đạo ÐCS và Nhà nước đòi "huỷ bỏ ngay tức khắc nghị định này" và đồng thời huỷ bỏ quyết định quản chế nhà trí thức Hà Sĩ Phu (110). Họ còn gọi nghị định 31/CP là "phản động, vô văn hoá vì nó chống lại Hiến pháp [1992], [chống lại điều 71 của Hiến pháp 1992 - VNT], và luật pháp nhà nước... XHCN [chống lại điều 2 của Bộ luật hình sự - VNT]" (ibid).

Các nhà tù và "trại cải tạo" (trên thực tế cũng là nhà tù) là những biểu lộ thông thường nhất của "chuyên chính vô sản". Các hồi ký và tiểu thuyết của một số nhà văn tiến bộ đã tiết lộ tình trạng khủng khiếp của chế độ lao tù ở Việt Nam.
Nhà văn Vũ Thư Hiên, nạn nhân của vụ án "tổ chức chống đảng... đi theo chủ nghĩa xét lại hiện đại" đã bị giam cầm trong nhiều nhà tù trong thời gian 1967-1976 mà không được xét xử, chỉ vì có tư tưởng bất đồng với tập đoàn lãnh đạo ÐCS. Vụ án này là vụ án oan khúc lớn nhất trong lịch sử ÐCSVN về quy mô và tính chất, sau những "sai lầm" đẫm máu trong "cải cách ruộng đất" và "chỉnh đốn tổ chức" ở miền Bắc trong những năm 50.

Trong quyển hồi ký tựa là "Ðêm giữa ban ngày", Vũ Thư Hiên cho rằng ‘’CCVS" ở Việt Nam "chỉ là một cái mặt nạ che giấu quyền lợi vô biên của một số kẻ nắm quyền" (111), và nhận xét rằng ở Việt Nam XHCN "mỗi công dân chỉ là một người tù dự khuyết", có thể bị bắt bất kỳ lúc nào, với bất kỳ lý do gì bởi vì "con người không có quyền gì hết" (ibid, tr. 202 và 291).
Nhà thơ và nhà văn Nguyễn Chí Thiện cũng đã bị cầm tù không xét xử trong một thời gian dài, tổng cộng là 27 năm chỉ vì dám chỉ trích chế độ cộng sản là độc đoán, không có tự do, vô nhân đạo, và dám đi vào Ðại sứ quán Anh ở Hà Nội (tháng 04.1979) đưa một tập thơ tố cáo hệ thống trại tù ở Việt Nam kèm theo một lá thư viết bằng tiếng Pháp, trong đó có câu "từ cuộc đời tan nát của tôi, tôi chỉ có một ước mơ là được thấy đông đảo người hiểu rõ rằng chủ nghĩa cộng sản là một tai hoạ lớn của loài người" (112). Ðể mô tả thái độ vô sỉ và đạo đức giả của các nhà lãnh đạo cộng sản anh đã viết bốn câu thơ sau đây mà chúng tôi rất tâm đắc:
"Tay chúng vung phí
 Chết chóc tù lao
 Miệng chúng đề cao
 Người là vốn quý" (113).
Trong quyển truyện về nhà tù với tựa đề "Hoả Lò", anh Thiện nhận xét rằng "cộng sản [Việt Nam] xây dựng một hệ thống trại tù kinh hồn táng đởm, tiêu diệt mọi sinh lực,... mọi ý chí. Thực chất là những trường bắn im lìm, không tiếng súng"(114). Anh Thiện còn nói thêm là đời sống của tù nhân trong "chế độ XHCN ưu việt" còn khổ cực hơn nhiều so với thời kỳ thực dân Pháp(115). Nhận xét về các nhà lãnh đạo cộng sản, anh Thiện viết như sau: "Không thể gọi [họ] là người được nữa [vì họ đã ra] những nghị quyết bắn bỏ hàng vạn dân vô tội, tù đày không xét xử hàng bao nhiêu vạn người trong lao ngục, xiềng xích, cơ hàn... " (ibid, tr. 157).

Một nhà văn nổi tiếng khác là Bùi Ngọc Tấn, tác giả của tiểu thuyết "Chuyện kể năm 2000"(116), trong đó nhà văn này kể lại kinh nghiệm sống của mình 5 năm trong nhà tù (1968-1972). Cuốn sách vừa được in xong ở trong nước thì bị thu hồi và tiêu huỷ ngay. Trong trại cải tạo - một uyển ngữ để gọi nhà tù, "một địa ngục rợn người" - các tù nhân chính trị (trong đó có cán bộ, đảng viên, có người thuộc về chính quyền cũ, có nhà văn, nhà báo, nông dân, người công giáo và Việt kiều) bị giam chung với tù nhân hình sự (trộm cắp, giết người). (Trong đoạn này những câu ở trong ngoặc kép đều là của nhà văn cả - VNT). Cái khác nhau giữa hai loại tù nhân này là tù hình sự thì có án rõ ràng, còn tù chính trị là tù không có án, tức là không biết được tội trạng cụ thể của mình và cũng không biết được ngày về. Tù nhân không những bị đói rét, khổ sở về mặt vật chất mà còn bị mạt sát, bị giáng xuống hạng "dưới người" hoặc được coi như "một con số không, hơn nữa một con số âm"; do đó dưới con mắt của chính quyền, họ không "đáng được đối xử như những con người" vì họ đã "phạm những tội ác đối với cách mạng, với đảng".
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn còn nhận xét rằng chế độ tù lao ở Việt Nam XHCN còn thâm hiểm hơn thời thực dân Pháp. Một giám thị ở trại tù đã từng nói: "[Chúng tôi] không đánh [tù nhân] như bọn Pháp. [Họ] chỉ đánh đau một lúc thôi. Chúng tôi có cách đánh của chúng tôi. Nó êm êm mà đau. Nó ngấm lâu, ngấm đến cả đời"!!!
Nhận xét một cách tổng quát, nhà văn này cho rằng: "Một ngày tù dài bằng 10 thế kỷ ở ngoài đời"!
Trong cuốn tiểu thuyết này, tác giả còn cho biết: ở tù thì mất tự do đã đành ("tù nội trú"), nhưng khi ra khỏi nhà tù thì cựu tù nhân vẫn không được tự do ("tù ngoại trú").
Xuyên qua tác phẩm này, độc giả thấy rõ là dưới con mắt "CCVS" chỉ có hai loại người trong xã hội Việt Nam ngày nay mà thôi: "những người tốt" tức là những người tuân phục, ủng hộ chế độ hoặc cam chịu và "những phần tử xấu" tức là những người không cam chịu, bất đồng ý kiến với chính quyền, có những "dấu hiệu" phản bội (đã, đang hoặc sẽ phạm tội) mà những "dấu hiệu" ấy thì có thể tìm thấy ở bất cứ ai. Và bộ máy đàn áp hùng hậu của "Nhà nước của dân, do dân, vì dân", dưới sự lãnh đạo của ÐCS - tức là bộ máy đàn áp của "CCVS"- có nhiệm vụ "quản lý" (tức là cai trị) chặt chẽ loại dân "xấu" này trong đó có cả các nhà lão thành cách mạng, các cựu chiến binh đã trải qua hai cuộc kháng chiến, các nhà trí thức được đào tạo dưới mái trường XHCN nhưng nay đã giác ngộ v.v...
Ðể biện bạch cho sự đàn áp các tù nhân chính trị, nhiều cai tù còn nói với tù nhân: "Các anh tưởng chúng tôi phải bắt các anh là chúng tôi sung sướng lắm đấy à... Chúng tôi muốn giúp các anh nhận ra tội lỗi, giúp các anh nâng cao cảnh giác cách mạng, giúp các anh tránh xa... sự lợi dụng của kẻ thù cách mạng. Thế mà các anh không biết"! Luận điệu vừa đạo đức giả, vừa vô sỉ như thế là cùng!!!

Sau 1975, chính quyền Hà Nội bắt những người trong chính quyền và quân đội Sài Gòn đi "học tập cải tạo" trong một thời gian dài, từ 2 đến 14-15 năm. Nhiều hồi ký của các nạn nhân đã nói lên đời sống cực kỳ khổ sở của các tù nhân: ăn đói triền miên nên kiệt sức nhưng lại phải lao động ngày càng nhiều, càng vất vả đến nỗi có lúc "thở cũng không đủ sức kéo không khí vào sâu trong phổi" (117). Vô số người đã chết trong các "trại cải tạo" do đau ốm (sốt rét, kiết lỵ, phù nề v.v..) không được chăm sóc đàng hoàng. Chỉ khi bị đau nặng gần chết thì được "tha" cho về nhà... để chết. Một tù nhân cho rằng chế độ "trại cải tạo" này còn thâm độc hơn chính sách dã man của bọn Pol Pot: " Nếu xảy ra như ở Cam-bốt [sau khi chiếm Pnom Pênh hồi năm 1975 cộng sản Pol Pot đã công khai tàn sát 1/3 dân số" - VNT] thì chúng tôi đỡ khổ hơn... Chúng tôi không chết nhanh chóng [nhưng] phải chết dần, chết mòn... Máu của chúng tôi không đổ ra ồ ạt [như ở Cam-bốt - VNT] nhưng rỉ ra từng giọt một và rỉ ra đến giọt cuối cùng... Sự tài tình của cộng sản Việt Nam là che giấu được thủ đoạn dã man... [của họ] tài hơn..., thâm độc hơn, tàn nhẫn hơn [Pol Pot]"(118).
Nói chung, chính sách "học tập cải tạo" này là "một chủ trương thất đức, thất nhân tâm, mang tính chất trả thù, gây không biết bao đau khổ, chết chóc, tật bệnh, (làm) tan vỡ gia đình, làm đau khổ cả đến vợ con, bố mẹ thân nhân"(119) của các nạn nhân.
Khi đi dự Hội nghị thượng đỉnh khối Pháp ngữ ở Hà Nội (tháng 11.97) một ký giả Canada đã đặt tựa bài báo nói về Việt Nam như sau "Một nhà tù tên là Việt Nam"(120); và điều này đã nói lên một cách xúc tích đặc điểm cơ bản của "chuyên chính vô sản" ở Việt Nam rồi!

Ngoài nhà tù và "trại cải tạo" ra, "CCVS" ở Việt Nam còn được thể hiện qua việc ám sát những người bất đồng chính kiến như vụ ám sát (hụt!) nhà văn sáng suốt và rất can đảm Dương Thu Hương. Về vụ này nhà văn Dương Thu Hương đã kể lại như sau: "đối với mình... họ (tức là công an - VNT) dùng tất cả mọi biện pháp. Họ đã từng làm accident... hồi cuối năm 1988... Họ định kẹp tôi vào xe của công an. Năm 1989, tại Ðại hội nhà văn... họ định làm accident kẹp chết tôi (một lần nữa - VNT), nhưng tôi lại (được) Trời cứu - có nghĩa là có người biết và họ (đã) cứu (tôi). Chính năm ấy Bộ chính trị điên lên vì tôi đọc bài "Ðảng phải biết ơn nhân dân chứ không phải chỉ có dạy nhân dân biết ơn đảng..."(121). Ông Nguyễn Văn Linh, lúc đó là Tổng bí thư đã từng gọi nhà văn này là "con đĩ chống đảng" (sic) (122), và đã ra lệnh bắt giam trong khoảng sáu tháng hồi năm 1991. Trong khi bị thoá mạ ở trong nước thì ở ngoại quốc, nhà văn Dương Thu Hương được trao tặng huân chương Chevalier de l’ordre des Arts et des Lettres của chính phủ Pháp hồi năm 1994 (bà là nhà văn Việt Nam đầu tiên được tặng huân chương này), và gần đây (tháng 12.2001) còn nhận được giải thưởng Prince Claus của Hà Lan vì "tác phẩm văn chương và thái độ của bà biểu lộ một sự phản đối tình trạng xã hội (ở Việt Nam) và một sự dấn thân cho cải cách, tự do"(123)

Về "CCVS" nói chung thì ÐCSVN đã và đang học tập nhiều ở người anh cả là ÐCS Trung Quốc; nhưng có khi nhờ rút kinh nghiệm của Trung Quốc, ÐCSVN có cách đàn áp "tế nhị" hơn ÐCS Trung Quốc, như trong vụ đàn áp cựu chiến binh lãnh đạo phong trào nông dân nổi dậy ở Thái Bình hồi tháng 07.1997 chẳng hạn. Theo nhà văn Dương Thu Hương kể lại thì những cựu chiến binh này thường bị "bắt nguội" (tức là bị bắt sau một thời gian lắng đi), và họ "đã lần lượt chết trong bóng đêm câm lặng... vô tăm tích khi dư luận báo chí lãng quên (...). Nào ai nghe được tiếng kêu hấp hối của họ trong các trại giam phân tán rải rác nơi hẻo lánh, giữa đám tù hình sự... giết thuê chém mướn. Một trăm kiểu chết khác nhau. Họ (những cựu chiến binh - VNT) ảo tưởng rằng máu đồng đội và máu chính bản thân đổ xuống trong (cuộc chiến tranh chống Mỹ vừa qua) bảo đảm cho họ quyền lên tiếng đòi công lý (...). Ảo tưởng (đó)... dẫn họ tới những cái chết im lìm trong các trại giam tàn khốc và tăm tối. Việt Nam không có Thiên An Môn. Nghệ thuật huyền diệu của (cộng sản) Việt Nam là ngâm tẩm những Thiên An Môn trong a-xít lặng câm và quên lãng, xé Thiên An Môn thành muôn ngàn mảnh vụn cho gió thổi bay vô tâm tích cùng cát bụi. Riêng về điểm này, những người lãnh đạo Trung hoa nên cắp sách tới học các nhà lãnh đạo "Việt Nam" (chúng tôi nhấn mạnh - VNT)(124)
Gần đây, nhà trí thức ly khai nổi tiếng, nhà lão thành cách mạng Hoàng Minh Chính cũng đã cho biết là công an đã từng nói thẳng với vợ con ông rằng nếu cần, họ sẵn sàng hy sinh cả một mạng người (tức là ông) để "bảo vệ an ninh quốc gia".(125)
Nói chung, những biện pháp chuyên chính vô sản kể trên do ÐCSVN áp dụng bấy lâu nay đều, ít nhiều, xuất phát từ quan niệm của Mao Trạch Ðông là "càng tàn bạo bao nhiêu thì càng có nhiệt tình cách mạng bấy nhiêu"!(126)

* * *
"Chuyên chính vô sản" ở Việt Nam còn có một sự tương liên đến chuyên chính vô học và vô văn hoá nữa. Những nhà trí thức từng sống dưới chế độ cộng sản trước và sau năm 1975 đều đã thực nghiệm điều nghịch lý này: người kém, dở lại lãnh đạo người giỏi, nhất là trong các cơ quan chuyên môn; và thậm chí có rất nhiều trường hợp người lãnh đạo chóp bu ở các cơ quan chuyên môn lại không biết chuyên môn gì cả! Ðó là phải tuân theo nguyên tắc "ÐCS phải lãnh đạo toàn diện", kể cả ở các cơ quan chuyên môn; và sự lãnh đạo này phải dựa trên một nguyên tắc tương liên khác nữa, đó là "hồng hơn chuyên", tức là tiêu chuẩn chính trị, sự trung thành tuyệt đối với đảng, sự tín nhiệm của "đảng uỷ" và "đảng đoàn" quyết định vị trí của các cán bộ, chuyên viên chứ không phải tiêu chuẩn chuyên môn, tài năng và kinh nghiệm của họ.
Do nguyên tắc ÐCS phải lãnh đạo cho nên ở các cơ quan chuyên môn thì nhất thiết phải có "đảng đoàn" và "đảng uỷ". Thường thường thì những người không làm được thủ trưởng ở cơ quan chuyên môn vì trình độ chuyên môn thấp kém thì họ lại làm Bí thư đảng đoàn và Bí thư đảng uỷ ở các cơ quan đó. Và khi có tranh luận về chủ trương, đường lối trong công tác chuyên môn hoặc về vấn đề nhân sự trong lĩnh vực chuyên môn thì ý kiến của "đảng đoàn" và "đảng uỷ" lại là ý kiến quyết định! "Kết quả là những người kém hiểu biết về chuyên môn thì lại (có quyền) quyết định những vấn đề về chuyên môn và số phận của những người (làm) chuyên môn... ": nghịch lý này đã được ông Trần Ðộ nêu lên từ lâu rồi (127). Ở cấp trung gian trong các cơ quan chuyên môn, người ta cũng thường thấy người giỏi, có bằng cấp cao và có nhiều kinh nghiệm nhưng không phải là đảng viên thì phải làm việc dưới sự điều khiển của những người kém về chuyên môn, có bằng cấp thấp hơn nhưng lại là đảng viên. Cũng có trường hợp người có bằng cấp cao (Tiến sĩ chẳng hạn) nhưng lại được đào tạo ở một nước tư bản chủ nghĩa thì lại phải chịu sự lãnh đạo của người có bằng cấp thấp hơn (cử nhân hoặc phó tiến sĩ chẳng hạn) nhưng lại được đào tạo ở một nước XHCN, dù rằng cả hai chuyên viên này đều là đảng viên cả!

Chuyên chính vô học được thể hiện một cách rõ ràng nhất trong thái độ coi thường những nhà trí thức nói chung, dù rằng trong một vài bài diễn văn gần đây các nhà lãnh đạo ÐCS cũng đôi khi (giả vờ) đề cao trí thức để động viên họ tích cực đóng góp vào sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Những nhà trí thức ngoan ngoãn, cơ hội chủ nghĩa về mặt chính trị hoặc nịnh hót chế độ thì được thăng cấp khá nhanh dù kém về chuyên môn; và ngược lại những chuyên viên, những giáo sư rất giỏi, nổi tiếng không những ở trong nước mà còn ở ngoại quốc nữa, nhưng lại thẳng thắn, ương ngạnh, cứng đầu hoặc bất đồng ý kiến thì không được tin dùng, không được quý trọng, luôn luôn bị nghi ngờ, bị theo dõi hoặc bị đàn áp một cách tàn nhẫn như GS. Nguyễn Mạnh Tường và nhà triết học nổi tiếng Trần Ðức Thảo chẳng hạn.
Giáo sư Nguyễn Mạnh Tường, Tiến sĩ luật và Tiến sĩ văn khoa, trong một bài diễn văn ở "Mặt trận Tổ quốc" ngày 30.10.1956, đã khẳng định rằng lý do cơ bản của những "sai lầm" của đảng trong cải cách ruộng đất ở miền Bắc đều bắt nguồn từ việc không có "một chế độ pháp trị chân chính (và) một chế độ dân chủ thật sự". Tuy nhận xét này là rất chính xác nhưng sau đó thì ông Tường bị mất dần các chức vụ, bị cô lập về mặt chính trị và bị bao vây về mặt kinh tế đến mức ông muốn dạy tiếng Pháp để kiếm tiền nuôi gia đình cũng không có ai dám đến học!
Giáo sư Thạc sĩ Trần Ðức Thảo, nhà triết học Việt kiều nổi tiếng ở Pháp cùng thời với Jean-Paul Sartre đã tự nguyện rời bỏ cuộc sống hoa lệ ở Paris để về Việt Bắc hoà mình vào cuộc kháng chiến chống Pháp gay go gian khổ. Nhưng sau khi hoà bình lập lại (1954) ông bị phê phán khá nặng trong vụ "Nhân văn giai phẩm" và bị đưa lên núi Ba Vì (Sơn Tây) trong một thời gian dài để được "lao động cải tạo" bằng cách chăn bò sữa. Cuối đời, đau ốm, ông được phép sang Paris chữa bệnh và chết ở đó. Nhưng khi tro hài cốt của ông được đưa về Việt Nam thì nó bị bỏ nằm hàng tháng ở gầm cầu thang nhà tang lễ Phùng Hưng vì không có người nhận!
Nói chung thì trong chế độ "chuyên chính vô sản" nếu ai có quan niệm khác với tập đoàn lãnh đạo, trong tư tưởng, trong cách kiến giải những vấn đề của đời sống chính trị, kinh tế, xã hội thì bị coi là chống (chống lại đường lối, chủ trương của ÐCS). Vì vậy cho nên ở Việt Nam không thể có điều kiện để bật nảy thiên tài. Nếu cho rằng ý nghĩ của Bộ chính trị ban bố ra là giới hạn cuối cùng của trí tuệ rồi thì làm sao vốn liếng trí lực chung của xã hội còn có thể bừng tỉnh dậy và nhân lên được?
Vấn đề lương bổng cho các chuyên viên, giáo sư v.v.. là thước đo cụ thể nhất của mức độ tôn trọng hay bạc đãi trí thức của nhà cầm quyền Hà Nội. Theo TS. Nguyễn Thị Anh Thu thuộc Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách khoa học - công nghệ, lương của chuyên viên khoa học và công nghệ "chưa bảo đảm tái sản xuất lao động". Thành thử, vẫn theo bà này, phần lớn giới này phải làm công việc chạy ngoài, luồn lót, bao bì... Lương chính trở thành lương phụ, thu nhập ngoài lương cao hơn lương chính nhiều (128).
Một chính sách lương bổng cho chuyên viên quá thấp như vậy (người ta thường nói đùa lương bổng, tức là lương nhẹ bổng!) khiến cho chuyên viên trong biên chế nhà nước chỉ làm "qua loa đại khái" thôi, và điều này "đang làm tê liệt động lực phát triển kinh tế trong thời đại khoa học kỹ thuật" (129). Các giới chuyên viên còn ta thán là "làm thật thì ăn cháo, làm láo nháo thì ăn cơm" (ibid). Ðây là nhận xét của TS. Nguyễn Ái Ðoàn, thuộc đại học Bách Khoa Hà Nội.
Chính sách lương bổng như trên lẽ dĩ nhiên không thể khuyến khích và thu hút những tài năng trẻ, những chuyên viên giỏi có nhiều kinh nghiệm.
Chuyên chính vô học còn được thể hiện trong chính sách phân biệt đối xử với các con em của các gia đình đã từng tham gia trong các chính quyền cũ trước đây và của các gia đình đã từng đi theo cách mạng, các gia đình cán bộ, đảng viên nhưng bất đồng chính kiến, hoặc chống đối chế độ: các con em này không bao giờ được tuyển vào đại học dù thi đỗ với điểm rất cao, hoặc được gửi đi đào tạo ở nước ngoài (sau đại học) dù rằng đã tốt nghiệp đại học với điểm khá cao.

* * *
Ở Việt Nam "chuyên chính vô sản" thường thường cũng đi đôi với chuyên chính vô văn hoá. Về vấn đề nầy thì có nhiều sự kiện đáng kể lắm, nhất là trong thái độ cư xử của cán bộ trong ngành công an đối với người dân, kể cả đối với các bậc lão thành cách mạng và các nhà trí thức. Xin nêu ra một ví dụ xảy ra gần đây. Trong một cuộc thẩm vấn Luật sư Lê Chí Quang về vấn đề tham gia xin thành lập "Hội chống tham nhũng... " và yêu cầu chính quyền thực hiện các quyền tự do dân chủ đã ghi trong "Hiến pháp 1992" thì một cán bộ công an đã tỏ ra rất xấc xược và vô văn hoá như sau:
- Công an (CA): "Tao tha cho mày (sic) vì mày ốm yếu... Nhưng tao cấm mày ra khỏi nhà"
- Lê Chí Quang (LCQ): "Có văn bản pháp luật nào cấm tôi ra khỏi nhà không?"
- CA: "Tao không cần văn bản nào cả!"
- LCQ: "Vậy là văn bản miệng à"?
- CA: "Ðúng. Miệng tao là pháp luật"
- CA: "Tao sẽ bắt mày ngay nếu ra khỏi nhà..."(130).
Ðây là một ví dụ điển hình về thái độ xấc xược của một cán bộ công an, một cán bộ của "Nhà nước pháp quyền XHCN" mà ngang nhiên coi thường pháp luật đến mức độ như vậy đối với một nhà trí thức ở Hà Nội hồi tháng 09 năm 2001. Thái độ xấc xược này khác hẳn với lời dạy của ông Hồ: "Ðối với nhân dân (công an) phải kính trọng, lễ phép".
Bình luận về sự kiện này, TS. Nguyễn Thanh Giang đã viết: "Hiện lên trước mặt người đọc đoạn đối thoại này hẳn phải là một tên phát xít cuồng bạo, vô văn hoá, vô giáo dục. Chao ôi! Rơi bao nhiêu xương, đổ bao nhiêu máu để chống cường quyền áp bức thì nay lại vẫn nghênh ngang trước mặt công dân Việt Nam những kẻ mang hàm tước "công an nhân dân" mà hống hách hơn cả phát-xít Nhật!" (ibid).
Ông Trần Dũng Tiến, một cựu chiến binh bất đồng chính kiến cũng cho biết ở một đồn công an khác ở Hà Nội cũng có một cán bộ công an rất xấc láo như trong ví dụ kể trên: cán bộ này đập bàn quát tháo hỗn xược đối với những công dân vô tội đáng tuổi cha chú mình (ibid).
Hai ví dụ trên đây minh hoạ một cách rõ rệt bản chất xấc xược và vô văn hoá vốn có của "công an nhân dân", một trong hai trụ cột chủ yếu của ‘’chuyên chính vô sản" ở Việt Nam, trước đây cũng như hiện nay.

8. Bạo lực và Dối trá của ÐCS và Nhà nước
Ở Việt Nam, cũng như ở các nước XHCN toàn trị khác, "bạo lực cách mạng" được thực hiện hàng ngày và được nâng lên thành một thể chế, trong lúc đó thì thái độ dối trá một cách có hệ thống của ÐCS và Nhà nước XHCN đối với nhân dân được nâng lên thành một quốc sách, và hai hiện tượng này có quan hệ hữu cơ, gắn bó mật thiết với nhau.
Giải thưởng Nobel, nhà văn Nga A. Soljénitsyne, một trong những người am hiểu chế độ toàn trị cộng sản có một nhận xét chí lý như sau: "Bạo lực chỉ có thể được che đậy bằng dối trá, và dối trá chỉ có thể được duy trì bằng bạo lực".
Ở Việt Nam, GS. quá cố Nguyễn Mạnh Tường cũng đã từng nói: "sự tàn bạo" của những người cộng sản nhằm "tiêu diệt những người mà họ gọi là kẻ thù" thường đi đôi với sự "dối trá" của họ. Ông này còn cho rằng "sự dã man quỷ quyệt... và sự bất nhân khéo che đậy của họ là chưa hề thấy trong lịch sử loài người" (131).
Trải qua nhiều kinh nghiệm, ông Trần Ðộ cũng đã nhận xét như sau: đối với tập đoàn lãnh đạo cộng sản "sự tồn tại của cầm quyền là tiêu chuẩn duy nhất của (ý thức hệ)..., của mọi nguyên lý, (bất chấp mọi) đạo lý. Vì vậy ý thức hệ cầm quyền cần có và cho phép mọi thủ đoạn dối trá, lừa bịp... (đi đôi với sự) đàn áp, khủng bố để đáp ứng yêu cầu tồn tại và củng cố sự cầm quyền hiện tại" (132).
Cũng về hành động dối trá của ÐCS, ông Phạm Thiều, một nhà trí thức đã từng theo cách mạng từ kháng chiến chống Pháp có trối trăn lại một câu cho đời trước khi tự vẫn như sau: "Những kẻ dốt hay làm dại, vì thế họ phải dối (trá). Ba chữ "D" này đi liền với nhau: Dốt-Dại-Dối"(133).

A. Ở phần trên, chúng tôi đã nêu lên nhiều hiện tượng liên quan đến "bạo lực cách mạng" mà "chuyên chính vô sản" đã áp dụng trong nhiều năm qua. Ở đây chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh là "trong suốt quá trình tồn tại (của ÐCSVN) đầu óc sùng bái bạo lực của (họ) rất nặng... Không chỉ cướp chính quyền và giữ chính quyền, mà cả khi xây dựng "xã hội mới" nữa(134); không những đối với "kẻ thù giai cấp" mà còn đối với cán bộ, đảng viên bất đồng chính kiến nữa.
Trong thời kỳ hoạt động bí mật đã có nhiều đảng viên chỉ vì bị lãnh đạo nghi ngờ mà bị chính đảng của họ thủ tiêu. Còn trong thời kỳ ÐCS đã nắm được chính quyền thì những đảng viên bất đồng chính kiến với lãnh đạo, như "vụ án xét lại - chống đảng" trong những năm 60 chẳng hạn, cũng bị đàn áp khốc liệt. Trong vụ án này nhiều người bị bắt, bị tù đày, giam tại gia, quản chế, kể cả đảng viên cao cấp trong 6, 9 thậm chí 20 năm mà không có một toà án nào xét xử cả. Theo một đảng viên ly khai thì trước đây cũng đã có những cuộc "đánh" vào nội bộ làm nhiều người bị oan uổng, nhưng "chưa bao giờ có trận đánh to lớn, kéo dài và độc ác vào nội bộ như lần này... " (135). Ngay trong lúc lãnh đạo đang mở rộng diện bắt bớ các đảng viên bất đồng ý kiến với các đường lối Mác-xít của đảng thì ông Trường Chinh, trong một diễn văn kỷ niệm 150 năm ngày sinh của C. Mác khẳng định rằng: "Từ ngày ra đời, luôn luôn trung thành với tư tưởng bạo lực cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lê..., đảng ta đã xác định con đường bạo lực cách mạng là con đường duy nhất đúng đắn để đánh đổ kẻ thù giai cấp..., giành chính quyền..., bảo vệ chính quyền cách mạng..."(136).
Gần đây hơn, nhất là từ sau Ðại hội lần thứ 9 của ÐCSVN (tháng 04.2001) và dưới thời Tổng bí thư Nông Ðức Mạnh thì song song với sự phát triển của phong trào đấu tranh đòi tự do dân chủ ở trong nước, ÐCS và Nhà nước cũng gia tăng cường độ đàn áp với nhiều hình thức khác nhau, cả thô bạo lẫn "tinh vi", xảo quyệt.
Ðồng thời với biện pháp chính trị như "quản chế hành chính" theo Nghị định 31/CP nhằm biến "nhà ở thành nhà tù" và Nghị định 89/CP cho phép "tạm giam" vô thời hạn mọi công dân, chính quyền Hà Nội còn kiếm đủ mọi cách và mọi cớ để bắt bớ những nhà ly khai, cướp đoạt bản thảo, hồi ký của họ ở giữa đường phố (như trường hợp của ông Trần Ðộ), truy lùng và thiêu huỷ sách của họ như bạo chúa Tần Thuỷ Hoàng, bất chấp luật pháp xông vào khám xét, lục soát ngay cả đêm tối (như trường hợp của ông Lê Hồng Hà), dựng lại cảnh đấu tố vắng mặt họ trong khu dân cư, hù doạ người thân và triệu họ lên công an để thẩm vấn nhiều lần liên tiếp, cắt điện thoại của cả gia đình họ v.v.. Song song với các biện pháp nói trên, chính quyền còn áp dụng nhiều thủ đoạn đểu giả để bao vây họ về mặt kinh tế để dồn họ và gia đình họ vào hoàn cảnh túng quẫn hết sức khó khăn.
Các hiện tượng kể trên đều là những sự biểu lộ dưới nhiều hình thức khác nhau của "bạo lực cách mạng", và như đã nói bên trên, bạo lực này có quan hệ hữu cơ với chính sách dối trá có hệ thống của ÐCS và Nhà nước XHCN.
Ðiều đáng chú ý là hiện nay thái độ dối trá, giả dối của chính quyền đã từ lâu lan tràn ra cả xã hội. Thiếu tướng, phó GS. Bùi Phan Kỳ đã thắng thắn thừa nhận: "Ðảng cộng sản lãnh đạo đã tạo ra và hình thành một xã hội dối lừa, lãnh đạo dối lừa, làm ăn giả dối, bằng cấp giả dối, đến gia đình cũng lừa dối... " (chúng tôi nhấn mạnh - VNT)(137).

B. Bàn về chính sách dối trá của ÐCS và Nhà nước thì không biết có thể viết bao nhiêu trang mới đủ! Ở đây chúng tôi chỉ muốn nhắc lại vài ví dụ điển hình mà thôi.
Về vấn đề "chuyên chính vô sản" (CCVS) chẳng hạn thì, từ Ðại hội 7 của ÐCS (1991) trở đi, trong nội bộ đảng người ta vẫn tiếp tục khẳng định là Nhà nước hiện nay "về thực chất là nhà nước chuyên chính vô sản", nhưng đối với nhân dân thì ÐCS thay thế "chuyên chính vô sản" bằng thuật ngữ "nhà nước (pháp quyền) XHCN" hoặc "Nhà nước của dân, do dân, vì dân,... dưới sự lãnh đạo của đảng". "Vậy là ta làm chuyên chính vô sản mà chỉ biết nói với nhau trong đảng, còn không cho dân biết" như ông Trần Ðộ đã từng tố cáo (138). Về mặt này thì phải nói ÐCS Trung Quốc có phần nào thành thật hơn ÐCSVN vì họ vẫn gọi nhà nước của họ là "chuyên chính dân chủ nhân dân". Ðối với chúng ta thì chuyên chính không thể nào đi đôi với dân chủ cũng như lửa không thể nào tồn tại song song với nước được nhưng ít ra ÐCS Trung Quốc cũng thừa nhận một cách thẳng thắn là họ đang thiết lập một nền chuyên chính!

Về chính sách nói dối của ÐCSVN thì có thể kể rất nhiều chuyện từ nhỏ đến lớn. Hãy bắt đầu từ một ví dụ nhỏ:
Ngày 25.04.2001, công an Hải Phòng chặn đường bắt nhà văn và cựu chiến binh Vũ Cao Quận, 70 tuổi, rồi tống giam suốt 9 ngày chỉ để tra hỏi về các bài viết của ông và của các nhà đối lập khác. Nhưng người phát ngôn của Bộ ngoại giao, bà Phan Thuý Thanh lại bai bải chối rằng Vũ Cao Quận không hề bị bắt khi trả lời phỏng vấn nước ngoài. Và đây không phải là lần đầu tiên mà "Nhà nước pháp quyền XHCN" Việt Nam nói dối một cách trắng trợn như thế!
Một ví dụ khác về thái độ dối trá quan trọng hơn của ÐCS và Nhà nước là khi đi ra nước ngoài các nhà lãnh đạo bị báo chí ngoại quốc chất vấn về vấn đề vi phạm nhân quyền, về sự đàn áp những người đối lập hoặc bất đồng chính kiến ở trong nước thì họ luôn luôn chối đây đẩy rằng ở Việt Nam không có tù nhân chính trị, tôn giáo gì cả! Một ví dụ gần đây: Tổng bí thư Nông Ðức Mạnh tuyên bố, trong một cuộc phỏng vấn với báo chí ngoại quốc: "Ở Việt Nam không có tù nhân chính trị. Không có ai bị bắt giữ hoặc bị bỏ tù vì phát biểu hay vì quan điểm (chính trị) của họ cả" (139).
Theo lập luận của ÐCS và Nhà nước XHCN thì những người bất đồng chính kiến hoặc đối lập, những người đấu tranh cho các quyền tự do dân chủ đều là "thường phạm" vì họ đã "lợi dụng" các quyền tự do dân chủ "để làm điều phi pháp như chống lại nhà nước XHCN"; do đó, họ bị trừng trị vì họ "vi phạm pháp luật XHCN" của Nhà nước, chứ chính quyền không hề vi phạm nhân quyền! Nói một cách khác, thủ đoạn dối trá xảo quyệt của chính quyền Hà Nội là tìm đủ mọi cách - kể cả những cách đểu giả nhất - để biến tội phạm chính trị, tôn giáo thành "thường phạm" để có thể chối đây đẩy trước dư luận thế giới rằng ở Việt Nam không bao giờ có tù nhân chính trị, tôn giáo cả. Do đó, chúng ta cần vạch trần mánh khoé bịp bợm, xảo quyệt này một cách có hệ thống và liên tục (để chống lại chính sách dối trá có hệ thống của ÐCS và nhà nước trong lĩnh vực này).
Dù chính quyền Hà Nội làm thế nào đi nữa, dư luận thế giới ngày nay đều biết khá rõ những tin tức đàn áp - cả thô bạo lẫn "tinh vi" - của chính quyền Hà Nội đối với những người đang đấu tranh rất dũng cảm cho các quyền tự do dân chủ cơ bản trong nước.

Xin nêu lên đây vài trường hợp về thủ đoạn biến tù nhân chính trị, tôn giáo thành "thường phạm".
Giáo sư và ký giả Nguyễn Ðình Huy bị bắt đi tập trung "cải tạo" từ tháng 04.1975 đến tháng 03.1992 vì là đảng viên của Ðảng Tân Việt. Sau khi được trả tự do trong một thời gian ngắn và được bầu làm chủ tịch "Phong trào thống nhất Dân tộc và Xây dựng dân chủ", một phong trào luôn luôn chủ trương đấu tranh dân chủ, đa nguyên một cách hoà bình, ông Huy bị bắt lại ngày 17.11.1992 chỉ vì xin phép chính quyền tổ chức một cuộc "Hội thảo quốc tế về Phát triển Việt Nam" tại thành phố Hồ Chí Minh, dự trù ngày 27.11.93. Ông bị quy vào tội "âm mưu và hoạt động nhằm lật đổ chế độ xã hội chủ nghĩa", và bị kết án 15 năm tù. Cho tới khi chúng tôi viết những dòng này, ông Huy vẫn còn bị cầm tù.
Một trường hợp khác là trường hợp của Bs. Nguyễn Ðan Quế, bị bắt năm 1990 vì ông, cùng với một số bạn bè, đã tổ chức "Cao trào nhân bản" và đã đưa lời kêu gọi bầu cử tự do và thiết lập một hệ thống đa đảng. BS. Quế đã bị kết án 20 năm tù hồi năm 1991 với tội danh là "tìm cách lật đổ Nhà nước XHCN". Tuy nhiên, cách đây không lâu, dưới áp lực quốc tế, Bs. Quế được trả lại tự do. Nhưng gần đây trong năm (2002) công an đến xét nhà Bs. Quế và tố cáo ông "vi phạm an ninh quốc gia và hoạt động lật đổ chính quyền".
Về trường hợp Cha Nguyễn Văn Lý, lý do thật mà linh mục này bị xử án là đã từng công bố trên mạng lưới "Internet" nhận xét rằng chính quyền cộng sản Việt Nam đã vi phạm nhân quyền trong đó có quyền tự do tôn giáo mà Cha Lý cương quyết đòi hỏi phải được thực hiện cho bằng được, dù sống hay chết. Về phía chính quyền thì họ kết án Cha Lý 15 năm tù vì hai tội danh: "phá hoại đoàn kết dân tộc và chống lại lệnh cấm thi hành nhiệm vụ linh mục và lệnh quản chế".
Những sự kiện trên đã cho ta thấy rằng, bằng một trò ảo thuật khá nhanh nhẹn, chính quyền Hà Nội biến các vụ vi phạm nhân quyền của họ thành các vụ vi phạm luật pháp hình sự (theo điều 88 của Bộ luật hình sự nhằm trừng phạt những hành vi "chống nhà nước XHCN Việt Nam" chẳng hạn) để có thể tuyên bố một cách trắng trợn rằng ở Việt Nam không có tù nhân chính trị, tôn giáo mà chỉ có "thường phạm" mà thôi!
Nhưng có lẽ vụ dối trá trâng tráo nhất của ÐCSVN là lời hứa của họ để cho miền Nam được hưởng "dân chủ, hoà bình, trung lập" trong một thời gian đáng kể sau khi thống nhất đất nước (140). Về vấn đề này xin nhắc lại một số sự kiện sau đây:
Dưới sự đạo diễn của Hà Nội, "Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam" (MTGPMN) đưa ra hồi tháng 12.1960 một chương trình 10 điều trong đó có một điều quan trọng là kêu gọi nhân dân miền Nam lật đổ chế độ Ngô Ðình Diệm và biến miền Nam thành "một nước độc lập, dân chủ, hoà bình và trung lập"(141).
Năm 1967 trong một cuộc đối thoại với ông Raymond Aubrac, ông Phạm Văn Ðồng, lúc đó là Thủ tướng, khẳng định rằng chính quyền Hà Nội và "MTGPMN" sẽ "không phạm phải sai lầm cưỡng ép miền Nam đi theo con đường xã hội chủ nghĩa sau khi chiến tranh chấm dứt" (142).
Năm 1969, dưới sự lãnh đạo của Hà Nội, "Chính phủ cách mạng lâm thời" (CPCMLT) cũng nhắc lại khẩu hiệu "độc lập, dân chủ, hoà bình và trung lập" nói trên và còn nói rõ, trong điều 11 của chương trình hành động của họ là sự thống nhất đất nước sẽ được thực hiện từng bước một, một cách hoà bình theo sự thoả thuận giữa hai miền, không bên nào cưỡng bức bên nào; và miền Nam sẽ thực hiện một chính sách ngoại giao hoà bình và trung lập(143).
Tuy nhiên bốn tháng sau khi chiếm được miền Nam (tháng 04.1975), tại Hội nghị trung ương lần thứ 24 của ÐCSVN (tháng 08.1975) tập đoàn lãnh đạo CS quyết định "đưa cả nước tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chủ nghĩa xã hội" (144). Và để thực hiện chủ trương này, ÐCSVN tổ chức một vở kịch khôi hài gọi là "Hội nghị hiệp thương" Bắc-Nam để gấp rút thống nhất đất nước tại Sài Gòn (tháng 11.1975) dưới sự đạo diễn của Hà Nội, nhằm cưỡng bức miền Nam đi theo con đường XHCN giống như miền Bắc, bất chấp những sự khác biệt rất lớn giữa hai miền (145). Làm như vậy, không những ÐCSVN đã đánh lừa nhân dân miền Nam - kể cả những thành viên trong CPCMLT - mà còn đánh lừa cả dư luận quốc tế với chiêu bài "hoà bình, trung lập" cho miền Nam. Thật vậy, sau khi chiến thắng ở miền Nam, ông Lê Duẩn, lúc đó là Tổng bí thư, đã giải thích mẹo lừa gạt dư luận quốc tế, nhất là các nước thuộc khối ASEAN đang lo sợ về sự bành trướng của cộng sản ở Ðông Nam Á, như sau: "Cả nước Việt Nam nhất định sẽ tiến lên chủ nghĩa xã hội, nhưng trong buổi đầu, chúng ta chỉ đề ra mục tiêu thực hiện một miền Nam "độc lập, dân chủ, hoà bình, trung lập, tiến tới hoà bình thống nhất Tổ quốc". Với mục tiêu hạn chế này, chúng ta làm cho bầu bạn ta (tức là các nước láng giềng Ðông Nam Á - VNT) hiểu rằng (ÐCSVN)... không chủ trương "xuất khẩu cách mạng", "xuất khẩu xã hội chủ nghĩa" sang các nước khác. Vì thế chúng ta đã tranh thủ được các lực lượng trung lập đứng về phía chúng ta và làm cho thuyết domino của Mỹ dần dần mất tác dụng" (146).
(Trên thực tế thì sau khi chiến thắng ở miền Nam, ÐCSVN vẫn tìm cách "xuất khẩu cách mạng" sang các nước láng giềng, bắt đầu là Thái Lan, nhưng không thành công như đã nói bên trên).
Song song với sự lừa gạt nhân dân miền Nam, ÐCSVN cũng dùng "bạo lực cách mạng" để thực hiện "chuyên chính vô sản" trên cả nước: khoảng 300.000 viên chức, sĩ quan của chế độ Sài Gòn trước đây và một số nhà trí thức, văn nghệ sĩ sống dưới chế độ cũ đã bị bắt bớ, giam cầm, đày đoạ trong các trại tù mệnh danh là "trại cải tạo", trái với điều 5 ("nghiêm cấm trả thù v.v.. ") của chương trình hành động được phổ biến trước đây của CPCMLT. Còn giai cấp tư sản ở miền Nam thì bị tước đoạt tài sản trong chiến dịch "cải tạo xã hội chủ nghĩa" như đã phân tích bên trên, và hành động này là trái hẳn với điều 6 của chương trình của CPCMLT trong đó có ghi rõ là CPCMLT "khuyến khích doanh nhân tư sản phát triển công thương nghiệp, bảo đảm quyền sở hữu tư liệu sản xuất và tài sản của họ". Các tôn giáo, kể cả tôn giáo có truyền thống dân tộc như Phật giáo bị kiểm soát ngặt nghèo, bị tước đoạt quyền tự do hành đạo; các tu sĩ, tăng sĩ, tín đồ tích cực của các tôn giáo bị đàn áp, giam cầm trong các trại tập trung v.v... và việc làm này cũng là trái với điều 5 của chương trình của CPCMLT đã hứa tôn trọng tự do tín ngưỡng.
Trên đây là một vài ví dụ điển hình minh hoạ một cách rõ ràng quan hệ hữu cơ, mật thiết giữa bạo lực được thể chế hoá và dối trá được nâng lên thành quốc sách của chế độ XHCN ở Việt Nam.

Bây giờ chúng tôi muốn bàn đến một khía cạnh tối quan trọng của "chuyên chính vô sản", đó là vai trò lãnh đạo của ÐCS đối với cái gọi là "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa".

9. "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" (NNPQXHCN)

A. Ðặc điểm chính của NNPQXHCN
Qua cách trình bày của các nhà lãnh đạo trong các tài liệu chính thức của ÐCS chúng ta có thể rút ra ba đặc điểm chính của cái gọi là "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa", cũng còn được gọi tắt là "Nhà nước xã hội chủ nghĩa".

Ðặc điểm thứ nhất và cũng là cơ bản nhất là, như Báo cáo chính trị tại Ðại hội lần thứ IX của ÐCS đã nêu rõ, Nhà nước này phải được "xây dựng... dưới sự lãnh đạo của Ðảng" (147). Ðiều này chứng tỏ là trên thực tế, cái gọi là "chuyên chính vô sản" (CCVS) vẫn tồn tại ở Việt Nam dù rằng trong các tài liệu chính thức người ta không dùng biệt ngữ này nữa từ năm 1991 đến nay. Gọi là "CCVS" nhưng sự thật là chuyên chính của ÐCS, hay nói một cách chính xác hơn là chuyên chính của tập đoàn lãnh đạo của ÐCS mà thôi, như đã nói bên trên. Do vậy cho nên người ta thường gọi chế độ chính trị ở Việt Nam là chế độ đảng trị tức là - như cựu Ðại tá quân đội nhân dân Phạm Quế Dương, người phát ngôn hiện nay của "Nhóm dân chủ" ở trong nước đã nhận xét "đảng thống trị ngồi trên đầu dân, quyết định hết (mọi công việc liên quan đến nhà nước và xã hội - VNT) nhưng không chịu trách nhiệm trước dân " (148).
Báo cáo chính trị tại Ðại hội IX của ÐCS đã ghi rõ: "Sự lãnh đạo của Ðảng đối với Nhà nước thể hiện ở việc Ðảng đề ra đường lối, chủ trương và các chính sách lớn định hướng cho sự phát triển trong từng thời kỳ; (ÐCS) lãnh đạo Nhà nước định ra và thực thi Hiến pháp, pháp luật; (ÐCS) xây dựng bộ máy nhà nước... (và chỉ định một số đảng viên vào lãnh đạo ở tất cả các cấp trong bộ máy này - VNT); (ÐCS) kiểm tra việc... tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Ðảng... (và kiểm tra) hoạt động các tổ chức Ðảng và đảng viên trong các cơ quan Nhà nước... " (chúng tôi nhấn mạnh - VNT) (149).
Như vậy, trước cũng như sau thời kỳ "đổi mới", ÐCS vẫn giữ độc quyền quyết định đường lối, chính sách đối nội lẫn đối ngoại mà Nhà nước XHCN phải thi hành, như điều 4 của "Hiến pháp 92" đã xác nhận. Nói một cách khác, "NNPQXHCN" chỉ cần làm một việc duy nhất là thể chế hoá và cụ thể hoá đường lối, chính sách của ÐCS trong mọi lĩnh vực (chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá, ngoại giao v.v..) trong từng thời kỳ. Hiện tượng này mâu thuẫn hoàn toàn với điều 83 của "Hiến pháp 1992" trong đó có ghi rõ Quốc hội là "cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất".
Theo nhận xét của ông Trần Ðộ, "đảng độc tôn, độc quyền chuyên chế (này chỉ có thể) đẻ ra một nhà nước kềnh càng, quan liêu, năng lực kém" mà thôi(150).
"NNPQXHCN" nói trên là khác hẳn với một Nhà nước pháp quyền thật sự (mà các nhà lãnh đạo cộng sản thường gọi là "nhà nước tư sản") như ta thấy ở các nước văn minh trên thế giới. Ở đó, Nhà nước không bị một đảng độc quyền thống trị mà chỉ có đảng nào (hoặc liên minh một vài đảng) chiếm được đa số phiếu cử tri trong một cuộc bầu cử thật sự tự do thì mới lên nắm được chính quyền, do đó có quyền quyết định đường lối, chính sách cho cả nước trong một thời gian nhất định, theo nguyên tắc luân phiên trong một nền dân chủ đa nguyên, đa đảng.

Ðặc điểm thứ hai của "NNPQXHCN" ở Việt Nam là quyền lực của nó phải là "thống nhất, (nhưng) có sự phân công và phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp (và) tư pháp", như Báo cáo chính trị tại Ðại hội ÐCS lần thứ IX đã vạch rõ (chúng tôi nhấn mạnh - VNT) (151).
Ông Hồng Vinh, uỷ viên Trung ương ÐCS, phó trưởng ban tư tưởng - văn hoá đã nói rõ như sau: "Nước ta được tổ chức không theo hình thức của Nhà nước tư sản kiêu "tam quyền phân lập". Các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp của Nhà nước ta hoạt động thống nhất, (nhưng) có sự phân công, phối hợp chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của Ðảng" (152).
Nhận định về sự thống nhất của ba cơ quan quyền lực nói trên, dưới sự lãnh đạo của ÐCS, ông Trần Ðộ viết như sau: "... hệ thống chính trị không dân chủ này không có một cơ chế hãm nào, không có sự giám sát nào của nhân dân (vì quyền tự do ngôn luận bị hạn chế khắc nghiệt) nên lạm quyền dẫn tới lộng quyền là tất yếu" (153).
Sở dĩ các nhà lãnh đạo ÐCSVN - trong đó có ông Hồ - luôn luôn chống lại nguyên tắc tam quyền phân lập là vì họ muốn tập trung tất cả quyền lực vào tay họ, và điều này phù hợp với nguyên tắc chuyên chính của ÐCS thể hiện trong điều 4 của Hiến pháp 1992.
Tuy nhiên kinh nghiệm cho thấy chính vì không chấp thuận nguyên tắc tam quyền phân lập cho nên mới xảy ra những sai lầm nghiêm trọng và kéo dài trong quá khứ do sự độc đoán của ngành hành pháp, như đã nêu bên trên. Và hiện nay, cũng chính vì không áp dụng nguyên tắc tam quyền phân lập, - cụ thể là không có hệ thống tư pháp độc lập (và không có tự do báo chí) - cho nên chính quyền Hà Nội không thể nào chống "quốc nạn" tham nhũng và buôn lậu một cách có hiệu quả được.
Chính để tránh những hậu quả tiêu cực do sự lạm quyền, sự độc đoán của Nhà nước gây ra mà từ hồi thế kỷ 17 nhà triết học Anh, John Locke (1632-1704) đã nêu lên lần đầu tiên sự cần thiết của nguyên tắc tam quyền phân lập. Sau đó nhà luật học và xã hội học Pháp Montesquieu (1689-1755) cũng nhấn mạnh trong quyển sách nổi tiếng tựa là L’Esprit des Lois (1748) tầm quan trọng của nguyên tắc tam quyền phân lập trong các nhà nước pháp quyền chân chính, và nguyên tắc này đã và đang được áp dụng từ Cách mạng Pháp 1789 đến nay.
Có lẽ cũng cần nhắc lại ở đây là ở nước ta, trái với ông Hồ Chí Minh, nhà chí sĩ Phan Chu Trinh cũng đã từng diễn giải về sự cần thiết phân chia quyền lực như sau: "Các quan chức về việc cai trị chỉ có quyền hành chính mà thôi, còn quyền xử án thì giao cho các quan án... (và những người này) chỉ coi việc xử đoán, có quyền độc lập, cứ theo lương tâm công bình, chiếu theo luật pháp mà xử, xử chính phủ cũng như xử một người dân...
Quyền tư pháp cũng như quyền hành chính của chính phủ và quyền lập pháp của nghị viện đều đứng riêng ra, không hợp lại trong tay một người nào"(154).
Hiện nay ở trong nước một số người bất đồng chính kiến như ông Trần Ðộ, TS. Nguyễn Thanh Giang, cựu đại tá Phạm Quế Dương cũng yêu cầu ÐCSVN và Nhà nước phải xác lập rõ ràng thể chế phân lập tam quyền, và cả ba cơ quan quyền lực này phải hoàn toàn độc lập với nhau về chức năng và quyền hạn, không có cơ quan quyền lực nào được lấn át cơ quan quyền lực nào (155).
Ở Việt Nam hiện nay cơ quan lập pháp, tức là Quốc hội thì, trên lý thuyết, là "cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, cơ quan cao nhất của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa... " (điều 83 của Hiến pháp 1992), nhưng trên thực tế thì cơ quan này, như một đảng viên đã nhận xét, chỉ có nhiệm vụ chủ yếu là "thể chế hoá đường lối, chính sách của Ðảng thành các quy định của Nhà nước" mà thôi! (156). Và tác giả này còn nói thêm: "trên cơ sở hoạt động lập pháp (như vậy) của Quốc hội, hệ thống pháp luật xã hội chủ nghĩa của Nhà nước" được thiết lập nhằm "góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, đổi mới kinh tế và mọi mặt của cuộc sống".
Nhìn chung, những văn bản pháp luật mà Quốc hội đã thông qua đã tạo ra khuôn khổ pháp lý... bảo đảm... giữ vững sự lãnh đạo của Ðảng... tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, củng cố quốc phòng, an ninh" (chúng tôi nhấn mạnh - VNT) (ibid tr. 10).
Nói một cách khác, trên thực tế, Quốc hội bị biến thành "bộ máy giơ tay" tự động tán thành các đường lối, chính sách của ÐCS, như Chủ tịch quốc hội Lê Quang Ðạo đã thú nhận sau khi rời khỏi chức vụ này (157), thay vì thực hiện "quyền lực cao nhất" của nó để quyết định việc nước như điều 83 của Hiến pháp 1992 đã quy định. Sau ông Ðạo, ông Trần Ðộ, cựu phó Chủ tịch Quốc hội cũng nói lên một điều tương tự như vậy: "Chúng ta đang thực hiện chế độ Ðảng trị, (đặt) quyền lực của Ðảng trên cả Quốc hội, trên cả Hiến pháp và pháp luật" (158).
Chủ tịch Quốc hội hiện nay, ông Nguyễn Văn An có tuyên bố gần đây là Quốc hội sẽ thực hiện nhiệm vụ "cơ quan quyền lực cao nhất của nước". Vậy thì, để thực hiện ý định tốt đó ông hãy đưa ra liền trước Quốc hội Hiệp định Việt-Trung về Vịnh Bắc Bộ và Hiệp định đánh cá chung trong Vịnh này (được ký ngày 25.12.2000) chẳng hạn để các đại biểu Quốc hội có thể thảo luận một cách công khai xem nào!
Ngoài ra, để chứng minh rằng lời nói đi đôi với việc làm, ông An cũng nên đưa ra trước Quốc hội để các đại biểu có thể bàn một cách công khai, trung thực và chi tiết ngân sách hàng năm của Nhà nước, cả thu lẫn chi, để họ có thể quyết định một cách độc lập việc phân bổ ngân sách giữa các cơ quan của chính phủ và các cơ quan và tổ chức quần chúng vệ tinh của ÐCS (đáng lẽ ngân sách của Nhà nước chỉ nên được dùng vào việc vận hành các cơ quan Nhà nước mà thôi). Sở dĩ chúng tôi đề nghị như trên là vì, như một chuyên viên trong nước đã nhận xét, "từ trước tới nay Quốc hội chưa bao giờ thực thi một cách thực chất quyền phân bổ ngân sách của mình (...) Quốc hội phải uỷ quyền cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội thực hiện nhiệm vụ này. Ðến lượt mình, Uỷ ban (này) cũng mới chỉ làm được việc phê chuẩn dự kiến phân bổ ngân sách do chính phủ trình (theo chỉ thị của ÐCS - VNT) là chính" (159).
Ðề nghị trên đây chắc cũng không đến nỗi gì khó thực hiện vì trước khi khoá X kết thúc, Quốc hội đã chấp thuận một tu chính của Hiến pháp 1992 trong đó có ghi rõ là từ khoá XI của Quốc hội tức là (từ tháng 05.2002 trở đi) "Quốc hội có quyền... phê chuẩn và phân bổ ngân sách nhà nước cấp trung ương" (160).
Chỉ khi nào ông Nguyễn Văn An thực hiện được hai đề nghị nói trên chẳng hạn thì chúng tôi mới tin rằng ông đã khôi phục lại vai trò "cơ quan quyền lực cao nhất" của Quốc hội như ông đã tuyên bố.
Trong những năm gần đây, ÐCS đã nới lỏng cho đại biểu Quốc hội chất vấn các Bộ trưởng, Thủ tướng về những chính sách của chính phủ hoặc để cho đại biểu Quốc hội thảo luận nhiều lúc có vẻ gay gắt về một vài chính sách của Chính phủ. Ðó là một sự tiến bộ so với trước đây. Tuy nhiên, ai cũng thấy rằng những cuộc chất vấn này chỉ liên quan đến chuyện nhỏ chứ đâu dám đụng đến những vấn đề lớn của đất nước như điều 4 của Hiến pháp 1992 hoặc vấn đề nhân quyền, dân quyền v.v.. Ngoài ra, người ta cũng nhận thấy rằng, như đã xảy ra ở kỳ họp Quốc hội hồi tháng 05.2001 chẳng hạn, những lời "hứa sẽ giải thích" hay "hứa sẽ giải quyết" của các Bộ trưởng bị chất vấn từ kỳ họp Quốc hội một năm trước đó vẫn "bị trôi tuột đi như nước chảy lá khoai" như ký giả Chu Thượng đã nhận xét (161).
Trong tháng 12.2001, khán giả truyền hình cả nước, được dịp chiêm ngưỡng các đại biểu Quốc hội chất vấn khá gay gắt các thành viên chính phủ, và các câu hỏi này cũng được đưa lên báo. Nhiều người đã tắc lưỡi khen sự tiến bộ của Nhà nước XHCN.
Nhưng sau đó thì người ta chỉ thấy ở trên báo có đăng một vài câu trả lời ỡm ờ, và vài lời hứa sẽ giải quyết của chính phủ... và thế là hết! Không ai biết các vấn đề nêu lên có được giải quyết đến nơi đến chốn hoặc được cải thiện hơn trước hay không khi tấm màn Quốc hội hạ xuống cuối tháng 12.2002 và trong thời gian sau đó.
Ngày 19.05.2002 ÐCS và Nhà nước đã tổ chức bầu cử Quốc hội khoá XI; và họ cũng vẫn làm theo nề nếp cũ "đảng chọn, dân bầu", tức là ÐCS đã chọn sẵn những ứng cử viên - thông qua "Mặt trận Tổ quốc" - rồi sau đó bắt mọi người dân phải đi bầu cho một số người nhất định trong số ứng cử viên đó.
Vai trò của "Mặt trận Tổ quốc" (MTTQ) trong mọi cuộc bầu cử như vậy là, như anh Tiêu Dao Bảo Cự đã nhận xét, "hiệp thương giới thiệu người ra ứng cử (theo tiêu chuẩn do ÐCS đề ra - VNT), một công việc cực kỳ phản dân chủ, xâm phạm trắng trợn và thô bạo quyền tự do ứng cử của người dân. Nhiệm vụ này (là) do đảng chỉ đạo chặt chẽ (...). Quyền giới thiệu người ra ứng cử này đã quyết định trước gần như hoàn toàn kết quả cuộc bầu cử... " (162).
Tuy nhiên trong thời gian gần đây cũng có một số nhỏ người giả vờ "tự ứng cử", nhưng trên thực tế họ cũng chỉ là những người được ÐCS chọn thông qua MTTQ mà thôi.
Trong số 498 đại biểu được bầu hồi tháng 05.2002 thì có tới 447 đảng viên và 51 người ngoài đảng nhưng đã được MTTQ chọn rất kỹ vì sự trung thành tuyệt đối của họ với chế độ XHCN. Linh mục Chân Tín gọi việc bầu cử này là "một trò xổ số tốn kém", và cho rằng "những người được bầu vào Quốc hội không phải là dân biểu mà là đảng biểu, (tức là) đảng biểu sao làm vậy" (163).
Ðể chấm dứt trò hề bầu cử như vừa kể trên, những người bất đồng chính kiến, như ông Phạm Quế Dương chẳng hạn, yêu cầu "bầu cử phải thật sự tự do, dân chủ, công khai... Người dân (phải) được tự do ứng cử, xoá bỏ việc mọi danh sách ứng cử phải thông qua MTTQ (...) Ðại biểu Quốc hội... không kiêm nhiệm chức vụ hành pháp và được tạo điều kiện hoạt động của ngành lập pháp... Chấm dứt trò xét lý lịch thành phần, lấy công nông là cơ bản. Các cơ quan ngôn luận, nhất là vô tuyến truyền hình, tổ chức tranh luận giữa những ứng cử viên để dân bầu chọn. Nếu ÐCSVN thật lòng vì chính nghĩa không tự lừa dối lương tâm như lâu nay thì mời quốc tế vào quan sát... " (164). Ðó là về Quốc hội, cơ quan lập pháp.
Còn về cơ quan hành pháp (Chính phủ) thì ông Phạm Quế Dương cho rằng "đây (phải) là bộ máy điều hành toàn dân, kể cả đảng, (và nó) phải thực hành mọi việc theo pháp luật. Thủ tướng (phải) do Chủ tịch (nước) hay Tổng thống giới thiệu (chứ không do ÐCS quyết định trước như hiện nay - VNT) và Quốc hội thông qua. Thủ tướng phải thật sự có trách nhiệm... và phải thực sự có quyền điều hành, tổ chức, chọn bộ trưởng, tỉnh trưởng... Xoá bỏ việc Ban tổ chức trung ương ÐCS chọn cử người (cho bộ máy Nhà nước) đến cả cấp vụ như hiện nay. Mấy ai không biết lời than thở của cố Thủ tướng Phạm Văn Ðồng: trên thế giới không ai làm thủ tướng lâu như tôi và cũng bất lực như tôi; tôi không có quyền chọn lấy một vụ phó cấp Bộ... Và ngày nay, mỗi lần thấy Thủ tướng Phan Văn Khải than phiền trên Tivi về sự bế tắc của những vụ dân khiếu kiện ngày càng nổi cộm mà không xử lý được thì thật vừa thương hại vừa buồn cười cho Thủ tướng như thế này".(ibid)
Ông Phạm Quế Dương còn đề nghị "phi đảng hoá quân đội và công an" vì hai ngành này "là công cụ của Nhà nước (chứ) không phải của đảng" (ibid). Ðề nghị này nhằm chống lại chính sách của ÐCS muốn "thường xuyên tăng cường sự lãnh đạo toàn diện của (họ) đối với quân đội và công an" (165). Trái với quan điểm hiện nay của ÐCS cho rằng "quân đội và công an (phải) trung thành tuyệt đối với Tổ quốc, với Ðảng... " (ibid), ông Phạm Quế Dương cho rằng quân đội và công an chỉ cần "trung với nước... " mà thôi (và đó cũng là quan điểm của ông Hồ trước đây).
Riêng về hoạt động của ngành công an thì TS. Nguyễn Thanh Giang cho rằng họ không hoàn thành tốt nhiệm vụ mà đáng lẽ họ phải làm như chống "quốc nạn" tham nhũng, các tệ nạn xã hội như ma tuý, cờ bạc, đĩ điếm, và tai nạn giao thông v.v.. nhưng lại rất tích cực trong việc đàn áp những người đấu tranh cho tự do, dân chủ thực sự. Ông Giang nhận xét: "... Ma tuý không diệt trừ được, và chính công an đi buôn ma tuý cỡ đầu sỏ. Cờ bạc đĩ điếm ngang nhiên hoành hành, tồi tệ hơn cả thời Pháp cai trị. Buôn lậu ngày càng gia tăng vì chính công an thông đồng bảo kê cho gian thương. Công an giết dân và giết cả công an vì chính ngay lãnh đạo Bộ (công an), lãnh đạo công an tỉnh,... quận, huyện, xã, phường tham gia băng nhóm tội phạm xã hội đen (như vụ án Năm Cam đã cho thấy - VNT)... Trong khi đó, để... kiếm cơ hội thành lập thành tích... ngõ hầu được lên lương, thăng chức, họ dày công tạo dựng hết vụ án này đến chiến dịch khủng bố khác để sách nhiều, đàn áp, hạ nhục đày đoạ những lão thành cách mạng, những trí thức ưu thời mẩn thế, thiết tha với vận mạng quốc gia... Râm ran trong quảng đại quần chúng câu ca:
Khá khen công an nước nhà
Ðánh địch thì dốt, đánh ta rất tài"(166)
Ðánh giá về bộ máy Nhà nước nói chung, nhiều đảng viên đã phê phán là nó quá cồng kềnh mà lại kém hiệu quả. Về hiệu quả cải cách hành chính trong mấy năm qua, chính Báo cáo chính trị tại Ðại hội IX của ÐCS cũng thừa nhận là "tiến hành chậm, hiệu quả thấp... Một số người và cơ quan do lợi ích riêng không muốn đẩy mạnh cải cách hành chính. Không ít cán bộ, công chức... không những kém về đạo đức, phẩm chất, gây ra tệ nạn tham nhũng, quan liêu, sách nhiễu, cửa quyền, mà còn... kém về năng lực, trí tuệ, văn hoá, trình độ chuyên môn và kỹ năng nghiệp vụ, làm giảm hiệu lực của bộ máy hành chính" (167).

Bắt chước ÐCS Trung Quốc (168), ÐCSVN, trong mấy năm gần đây cũng nói nhiều đến việc phát huy "dân chủ ở cơ sở". Theo một nhà báo ngoại quốc, đó chỉ là một cách mở van an toàn để những bất mãn ở địa phương không biến thành những cuộc nổi dậy hàng loạt (169) (như ở Thái Bình hồi tháng 05.1997 chẳng hạn). Cũng cần phải thấy rằng cái gọi là "Quy chế dân chủ ở cơ sở" do ÐCS ban hành có hai giới hạn rất quan trọng: thứ nhất là nó chỉ được thực hành trong khuôn khổ hoạt động của chính phủ trung ương theo nguyên tắc thống nhất quản lý vĩ mô trong cả nước và trong mọi lĩnh vực (chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh v.v..); và thứ hai là nó phải được "thực hành... theo nguyên tắc tập trung dân chủ"(170), tức là phải tuân theo đường lối, chính sách chung do ÐCS và Nhà nước đã quy định ở cấp trung ương.
Trên thực tế, như ông Nguyễn Phú Trọng, uỷ viên bộ chính trị, Bí thư thành uỷ Hà Nội đã nhận xét" vấn đề dân chủ ở cơ sở... còn mang tính hình thức. Một số cán bộ trực tiếp giải quyết công việc của cơ sở chưa tích cực... ("phát huy dân chủ ở cơ sở") (171). Một ví dụ: vào khoảng cuối năm 2000 chính quyền Hà Nội gửi nhiều phái đoàn đặc biệt đến 18 tỉnh để giải quyết các cuộc xung đột kéo dài về đất đai giữa cán bộ và nhân dân cũng như sự áp bức nhân dân ở các địa phương; nhưng kết quả là chưa có đến 1% trường hợp khiếu nại được giải quyết. Trong đa số trường hợp khiếu nại, thay vì được các phái đoàn trung ương giải quyết thì họ lại giao trở lại cho Uỷ ban nhân dân tỉnh giải quyết! Một trong những trưởng đoàn đặc biệt này, cựu Bộ trưởng y tế Ðỗ Nguyên Phương, xác nhận rằng ở miền Trung chẳng hạn "việc giải quyết các lời tố giác và khiếu nại không được xử ngay tận gốc. Luật pháp chỉ có trên giấy tờ (còn) cán bộ (thì) cứ việc thả dàn đàn áp dân..."(172).
Theo báo Tuổi trẻ thì, trên thực tế, "qua các vụ khiếu kiện... được các đoàn công tác của Chính phủ xử lý, người dân chẳng những không được tham gia giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo (của người dân địa phương) mà còn trở thành những nạn nhân (bị) kiệt quệ dần khi hết năm này sang năm nọ đội đơn đi khiếu nại mà không được giải quyết tới nơi tới chốn"(173).
Chung quy lại người ta thấy chính quyền trung ương chỉ nhân nhượng tối thiểu là cách chức một số cán bộ địa phương quá tham những và lạm quyền, nhưng đồng thời bí mật "bắt nguội" (tức là bắt sau một thời gian để cho tình hình lắng đi) những người cầm đầu phong trào phản kháng và bỏ tù họ một cách không thương tiếc - dù họ là cựu chiến binh cộng sản - như trong vụ nổi dậy ở Thái Bình hồi năm 1997 chẳng hạn.
Sau hơn ba năm phát huy "dân chủ ở cơ sở" thì kết quả ra sao? Nghị quyết của Hội nghị trung ương ÐCS lần thứ 5 (tháng 03.2002) vừa qua thừa nhận là "hệ thống chính trị ở cơ sở hiện nay (vẫn) bộc lộ nhiều mặt yếu kém... Tình trạng tham nhũng, quan liêu, vi phạm... quyền làm chủ của dân... có nơi nghiêm trọng. Nội dung và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở chậm đổi mới, còn mang nhiều dấu ấn của cơ chế tập trung quan liêu"(174).
Ông Trương Quan Ðược, uỷ viên Bộ chính trị, cũng xác nhận: "Một số cơ quan,... xã,... phường... chưa... thực hiện Quy chế (dân chủ ở cơ sở). Ở những cơ sở đã xây dựng được Quy chế thì tỷ lệ thực hiện còn thấp... Trong các khâu của nội dung Quy chế thì việc tổ chức để nhân dân thực hiện giám sát, kiểm tra là yếu nhất..."(175).
Tuy trên thực tế việc "phát huy dân chủ ở cơ sở" như đã nói bên trên còn nhiều khuyết điểm nhưng, theo thiển ý của chúng tôi, những người đấu tranh cho dân chủ ở trong nước vẫn nên dựa vào chính sách này để đẩy mạnh đấu tranh ở địa phương và đồng thời tiếp tục yêu cầu ÐCS và chính phủ thực hiện một thể chế dân chủ thật sự (chứ không phải dân chủ bánh vẽ như hiện nay) trên toàn quốc, bởi vì Dân Chủ chỉ có một và không thể phân chia được!

Sau khi bàn về ngành hành pháp chúng tôi muốn nói vài điều về ngành tư pháp. Về ngành này thì các nhà ly khai, như ông Phạm Quế Dương chẳng hạn, luôn luôn nhấn mạnh là nó phải "hoàn toàn độc lập, thực hiện theo pháp luật, không phụ thuộc vào sự chỉ đạo của Ðảng" (176). Ông Dương còn nhận xét rằng "bộ máy tư pháp của Việt Nam ngày nay là bẩn thỉu nhất (vì) do ÐCS khống chế. Quan to ăn cướp, ăn cắp bị vạch mặt thường được ÐCS đẩy lên cao né tránh hoặc hạ cánh an toàn". Ðể tránh tình trạng này trong tương lai, ông Dương chủ trương "bất cứ ai (ở) cương vị nào vi phạm pháp luật đều phải (được) xử (một cách bình đẳng và công minh). Trong ngành tư pháp ba bộ phận: điều tra, kiểm soát và toà án cũng (phải) độc lập (chứ) không phải là chung một tổ chức, dưới sự lãnh đạo của đảng" (ibid) như hiện nay.
Ở "Toà án nhân dân" thì, như ai cũng biết, các thẩm phán đều làm theo chỉ thị của ÐCS khi họ xét xử. Người dân thường cho rằng họ là "thẩm phán phường tuồng" chỉ có bổn phận làm đúng theo những lời người nhắc tuồng là ÐCS. Thông thường thì các bản án đều đã được ÐCS quyết định trước khi phiên toà họp.
Còn về "Viện kiểm sát nhân dân" thì, theo bộ "Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân" mang số 34/2002/QH được công bố ngày 02.04.2002, nhiệm vụ của họ được ghi rõ như sau: "Viện kiểm sát... có nhiệm vụ góp phần bảo vệ pháp chế XHCN, bảo vệ chế độ XHCN..., bảo vệ tài sản của nhà nước v.v...".
Nhìn chung, trong chế độ XHCN hiện nay, cả ba ngành lập pháp, hành pháp, tư pháp đều thể hiện rõ bản chất đảng trị, đúng theo điều 4 của "Hiến pháp 1992".

Ðặc điểm thứ ba của "Nhà nước pháp quyền XHCN" là, như báo cáo chính trị tại Ðại hội IX đã nhấn mạnh: "ÐCS lãnh đạo Nhà nước định ra và thực thi Hiến pháp, pháp luật" (chúng tôi nhấn mạnh - VNT) (177). Trên cơ sở đó, "Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật (XHCN)" (ibid) và đưa thứ pháp luật này lên hàng một quy phạm có giá trị tuyệt đối (pháp quyền) mà mục đích chủ yếu của nó là bảo vệ và củng cố chính quyền để họ dễ bề cai trị dân (đúng theo khái niệm "chuyên chính vô sản") chứ không phải để bảo vệ quyền lợi của người dân (nhất là các quyền tự do dân chủ của họ).
Dưới sự chỉ đạo của ÐCS, "Nhà nước pháp quyền XHCN" đã thiết lập "Hiến pháp 1992"; và theo điều 146 của nó thì Hiến pháp là "luật cơ bản của Nhà nước" thể hiện những nguyên lý cơ bản của cơ cấu Nhà nước và xã hội Việt Nam. Hiến pháp "có hiệu lực pháp lý cao nhất", và "mọi văn bản pháp luật khác phải phù hợp với (nó)".
Dựa theo Stalin, ông Trường Chinh, khi phổ biến dự thảo Hiến pháp hồi năm 1959, đã nhấn mạnh rằng Hiến pháp phải thể hiện thành tựu của ÐCS trong giai đoạn lịch sử đã qua và đồng thời phải đề ra nhiệm vụ, đường lối, chính sách của ÐCS trong giai đoạn tới. Nói một cách khác Hiến pháp chỉ là để phục vụ các mục tiêu chính trị của ÐCS mà thôi. Ông Trường Chinh gọi đó là tính đảng, tính giai cấp trong việc xây dựng Hiến pháp.
Quan điểm này, lẽ dĩ nhiên, khác hẳn quan điểm thông thường của các nhà luật học, xã hội học dân chủ thật sự. Họ coi Hiến pháp như là "một Khế ước xã hội" theo danh từ của J. J. Rouseau để toàn dân tộc cùng nhau chung sống và xây dựng một tương lai chung. Khác với Hiến pháp XHCN, Hiến pháp của một nền dân chủ thật sự (tức là đa nguyên) coi việc bảo đảm dân quyền và nhân quyền là mục tiêu cơ bản, đồng thời phải thể hiện hai nguyên tắc chủ yếu sau đây:
1. Chủ quyền toàn dân, trên thực tế, và phổ thông đầu phiếu
2. Tam quyền phân lập nhằm tránh sự độc đoán của chính quyền như Montesquieu đã nhấn mạnh.

Cho tới nay Việt Nam cộng sản có tất cả 4 Hiến pháp: Hiến pháp 1946, 1959, 1980 và 1992.(178)
Hiến pháp 1946 có vẻ là khá dân chủ vì thế của ÐCS lúc đó chưa được củng cố trong khi còn có sự tranh chấp giữa các đảng phải (chính bản thân ÐCS lúc đó cũng không dám lộ mặt ra mà thậm chí còn giả vờ tuyên bố tự giải tán). Vả lại cũng cần nhắc lại rằng tuy Hiến pháp 1946 đã được ban hành ngày 09.11.1946 nhưng lại không được thi hành vì người ta viện cớ là có chiến tranh. Thậm chí cho tới năm 1958 nó hoàn toàn không được nhắc đến vì chính quyền cộng sản muốn quên đi cái thời 1946 khi ÐCS phải có những nhượng bộ với các đảng phái khác và các nhân sĩ.
Ðiều đáng chú ý là các quyền tự do dân chủ cơ bản của công dân đều bị hạn chế dần từ Hiến pháp 1946 đến Hiến pháp 1992. Ví dụ: Hiến pháp 1946 có 7 chương thì toàn bộ chương 2 được dành cho chế định công dân trong đó điều 10 chỉ ghi một cách ngắn gọn, dứt khoát "Công dân Việt Nam có quyền được tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài". Nhưng đến Hiến pháp 1992 những quyền công dân nói trên được phân bổ trong các điều 68, 69 và 70 nhưng lại kèm theo một vòng kim cô "theo quy định của pháp luật" mà thường thường thì cái xiềng lỏng quy định của pháp luật XHCN này đi ngược lại tinh thần các quyền tự do dân chủ! Ðúng như Linh mục Chân Tín đã nói: "Hiến pháp (1992) thì kể các quyền tự do của người dân, nhưng luật pháp (XHCN) lại hạn chế hay huỷ bỏ các quyền căn bản đó! Làm gì có tự do ngôn luận khi những người trong đảng, ngoài đảng (nếu) nói khác đảng thì bị gọi lên "làm việc" (tức là bị công an gọi lên chất vấn, sách nhiễu, hăm doạ đủ điều - VNT), bị quản chế, bị bắt giam! Làm gì có tự do báo chí khi mà báo chí toàn là công cụ của đảng! Làm gì có tự do cư trú khi đi đâu ngoài phường của mình cũng phải xin giấy tạm vắng, tạm trú, rồi bị theo dõi khắp nơi! Làm gì có sự an ninh cá nhân khi bất cứ ai cũng có thể bị giam giữ vô cớ; các vị lãnh đạo tôn giáo bị quản chế hay bị giam cầm vì đòi tự do tôn giáo như Thượng toạ Thích Quảng Ðộ, Linh mục Nguyễn Văn Lý... ! Làm gì có tự do bầu cử khi đảng chỉ định người ứng cử và đắc cử!"(179)
Trên thực tế thì, như TS. Nguyễn Thanh Giang đã nhấn mạnh,"tất cả các quyền tự do (dân chủ) đều bị hạn chế dần". Còn "riêng quyền tự do xuất bản đã được ban bố trong Hiến pháp 1946 thì sau đó biến mất hẳn trong tất cả các bản Hiến pháp Việt Nam sau này!" (180). Như vậy thì ta có thể nói "tiến trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp ở nước ta (từ 1946 đến 1992) là một tiến trình phản lịch sử. Nó ngày càng thoái bộ!"(ibid).
Về quyền tư hữu của cộng sản thì điều 12 của Hiến pháp 1946 có ghi rõ: "Quyền tư hữu tài sản của công dân Việt Nam được bảo đảm". Nhưng dưới triều đại Tổng bí thư Lê Duẩn quyền tư hữu đó đã bị xoá bỏ qua điều 18 của Hiến pháp 1980. Tuy nhiên sai lầm này được sửa chữa một phần trong Hiến pháp 1992 tại điều 16: "... phát huy mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế: kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể, kinh tế cá thể, kinh tế tư bản tư nhân và kinh tế tư bản Nhà nước... "
Theo chỉ thị của Bộ chính trị, trong kỳ họp thứ 10 hồi tháng 11.2001, Quốc hội đã sửa đổi một số điều của Hiến pháp 1992 mà trọng tâm chỉ là, như Chủ tịch quốc hội Nguyễn Văn An đã nói "sửa đổi, bổ sung một số điều về tổ chức bộ máy Nhà nước... cho phù hợp với các nội dung mới đã được Nghị quyết Ðại hội IX của đảng xác định" mà thôi(181), chứ không đụng chạm gì đến các điều quan trọng liên quan tới "bản chất và mô hình tổng thể của thể chế chính trị..."(ibid).
Cần phải nhắc lại ở đây là ÐCS và Nhà nước đã bỏ ngoài tai một số đóng góp ý kiến chí lý của đảng viên như ý kiến của ông Phạm Ngọc Uyển, cán bộ giảng dạy kỳ cựu của Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh: "Sửa đổi Hiến pháp 1992 thì phải sửa đổi một cách cơ bản,... đầu tiên, nhất thiết phải bỏ điều 4. Ðiều 4 không có trong các Hiến pháp trước, khi Hồ Chí Minh còn sống..."(182).
Cũng về điều 4 này, Luật sư Lê Chí Quang góp ý như sau: "nói như (điều 4) thì chứng tỏ đây là bản Hiến pháp của đảng rồi, đâu còn là Hiến pháp của toàn dân. Ðảng chỉ là của 2,5 triệu đảng viên chứ không thể đại diện cho hơn 75 triệu người dân (hiện nay là hơn 80 triệu dân - VNT). Ðảng luôn dùng súng và nhà tù để bắt dân phải nghe theo và công nhận sự lãnh đạo tuyệt đối của đảng. Hãy thử trưng cầu dân ý tự do xem kết quả là thế nào.
Ðã là bản Hiến pháp của toàn dân tộc thì phải chấp nhận nhiều luồng tư tưởng của tất cả các cộng đồng trong xã hội, phải dân chủ, phải đa nguyên. Sự độc quyền, độc đảng bao giờ cũng dẫn đến chuyên chế, bao giờ cũng phản dân chủ, triệt tiêu dân chủ. Theo tôi, điều 4 nên sửa lại là: "ÐCSVN... cùng các đảng phái khác đại diện cho các tầng lớp dân chúng trong xã hội tham gia tranh cử để chọn người lãnh đạo Nhà nước..."(183).
Cũng về điều 4 này thì ông Phạm Quế Dương có nhận xét như sau: "... Cầm quyền như hiện nay (thì) đảng ta trở thành một thứ đảng độc quyền, đảng trị (...).

Tình hình đất nước ta ngày nay tụt hậu xa so với thế giới về kinh tế, ngay cả những nước lân cận trong khu vực; nạn tham nhũng lan tràn không có bài thuốc chữa trị..., sao những người lãnh đạo ÐCSVN không thấy, mà lúc nào cũng chỉ muốn người ta tung hô đảng sáng suốt,... đời đời nhớ ơn đảng (...). Dân ta nghèo khốn khổ mà phải nuôi bộ máy đảng to đùng thế này mà cứ phải luôn hô khẩu hiệu ơn đảng, ơn nhà nước thì nên xem trên thế giới có mấy nước làm như ÐCSVN hiện nay?"(184).
Trong một bức thư gửi Tổng bí thư Nông Ðức Mạnh hồi tháng 05.2001, 2 nhà trí thức đảng viên phê phán rằng "điều 4 đã đặt ÐCS vào vị thế siêu quyền lực..., không chịu bất cứ sự giám sát nào (...). Nói khác đi, đảng không chịu sự kiểm soát của nhân dân mà đảng ngồi trên đầu trên cổ nhân dân (...). Chính điều 4 của Hiến pháp... đã tạo điều kiện pháp lý cho những đảng viên tồi tệ có thể... lộng quyền một cách không giới hạn. Không thể chống được bọn cửa quyền, tham nhũng cũng chính là do điều 4 này" (185).
Dù có một số cán bộ, đảng viên đã đề nghị bỏ hoặc sửa lại một cách cơ bản điều 4 như kể trên, ông Hồng Vinh, uỷ viên trung ương đảng, phó Trưởng ban thường trực "Ban tư tưởng - văn hoá trung ương" vẫn nói dối một cách trắng trợn rằng: "Ðông đảo cán bộ và nhân dân ta không ai đề nghị hay bổ sung điều 4 của Hiến pháp..." cả!(186).
Ngoài điều 4 này ra, những người bất đồng chính kiến còn đưa ra những đề nghị khác như: xoá bỏ mệnh đề "dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác-Lê" trong lời nói đầu của Hiến pháp; không nên lạm dụng cụm từ "XHCN" trong các điều của Hiến pháp; sửa đổi lại luật bầu cử và ứng cử để cho mọi công dân có tài đức, có kiến thức đều được phép ứng cử vào Quốc hội không phải thông qua Mặt Trận Tổ Quốc; quy định sự phân lập rõ ràng giữa ba quyền lực (lập pháp, hành pháp và tư pháp) v.v..
Riêng về các quyền căn bản của công dân, anh Lê Chí Quang đã nhận xét một cách chí lý như sau: "Ðiều 69 viết: "Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật". Mệnh đề theo quy định của pháp luật rất dễ bị chính quyền sử dụng như là chiếc khoá khoá chặt tất cả các quyền ở trên rồi (chúng tôi nhấn mạnh - VNT).
Chính vì vậy nên điều 12 của Luật báo chí thẳng thừng quy định chỉ có nhà nước mới có quyền được xuất bản báo chí.
Bên cạnh đó, điều 88 và điều 226 của Bộ luật hình sự lại hùn thêm vào để tuốt nốt quyền được nhận và trao đổi thông tin...
Cho nên điều 69 cần được sửa lại là: "công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, có quyền được nhận và trao đổi thông tin bằng bất cứ hình thức nào, có quyền hội họp, lập hội; quyền được thành lập đảng phái của mình, quyền được biểu tình đình công"(187).
Rất tiếc là các đề nghị chí lý của các người đấu tranh cho dân chủ nói trên không được chấp nhận. Do đó họ vẫn kiên trì đấu tranh.

Theo thiển ý của chúng tôi thì trong giai đoạn trước mắt các người đấu tranh cho tự do, dân chủ, trong và ngoài nước, nên tập trung vào hai yêu sách sau đây:
1. Ðòi thi hành một cách chu đáo các điều 72, 73 và nhất là điều 83 của Hiến pháp hiện hành.
2. Ðòi cắt bỏ đoạn cuối cùng của điều 69 ("theo quy định của pháp luật") và điều 70 ("hoặc lợi dụng tín ngưỡng... Nhà nước") hoặc thay thế các đoạn này bằng một đoạn khác như: "theo đúng tinh thần của Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hiệp quốc" (mà Việt Nam đã ký hồi tháng 09.1982 chẳng hạn).
Còn trong thời kỳ hậu cộng sản thì, trái với ý kiến của một số Việt kiều, chúng tôi chủ trương là phải viết lại toàn bộ Hiến pháp, chứ không thể nào sửa đổi một cách chắp vá Hiến pháp cũ được. Lúc đó, nước ta cần có một Hiến pháp hoàn toàn mới, phi XHCN trong đó sẽ nêu bật hai đặc điểm của một nền dân chủ đa nguyên (như ta đã nói bên trên), tức là: "
a. Nguyên tắc chủ quyền toàn dân, theo quan niệm của Jean-Jacques Rousseau, với các hệ luận của nó: đa đảng, bầu cử thật sự tự do, và phổ thông đầu phiếu.
b. Áp dụng triệt để nguyên tắc tam quyền phân lập, theo quan niệm của Montesquieu.

Cũng như Hiến pháp, các đạo luật khác trong hệ thống "pháp luật XHCN" hiện hành đều nhằm mục đích chủ yếu, một mặt là bảo vệ và củng cố chế độ XHCN hiện nay, mặt khác là trị dân và duy trì họ trong sự lệ thuộc hoàn toàn đối với chính quyền - như các ông Nguyễn Mạnh Tường và Trần Ðộ đã nhận xét (188) - thay vì bảo vệ các quyền tự do dân chủ cơ bản của họ.
Về vấn đề này một đảng viên cao cấp đã viết rõ như sau: "...hệ thống pháp luật XHCN của Nhà nước ta... góp phần quan trọng vào việc giữ vững ổn định chính trị, đổi mới kinh tế... Nhìn chung, những văn bản pháp luật mà Quốc hội thông qua (dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của ÐCS - VNT) đã tạo ra khuôn khổ pháp lý... bảo đảm... giữ vững sự lãnh đạo của đảng... tăng cường hiệu lực quản lý của Nhà nước, củng cố quốc phòng, an ninh" (chúng tôi nhấn mạnh - VNT)(189).
Trong Báo cáo chính trị tại Ðại hội lần thứ IX, ÐCS nhấn mạnh là phải "hoàn thiện hệ thống pháp luật về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chế độ XHCN" (190). Ðể hiểu rõ thế nào là "bảo vệ Tổ quốc" theo quan điểm của ÐCS thì chúng tôi xin trích thêm một đoạn nữa trong bản Báo cáo chính trị này: "Bảo vệ Tổ quốc là bảo vệ... độc lập, chủ quyền (...); là bảo vệ Ðảng, Nhà nước... và chế độ XHCN" (ibid). Như vậy là, khác với ý nghĩ thông thường, "bảo vệ Tổ quốc" theo quan niệm của ÐCS còn bao gồm cả bảo vệ đảng, nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa nữa! Gần đây, báo Nhân dân đã đăng lại phần hình luật liên quan tới các hành động như biểu tình và chống đối nhà nước bao gồm các tội như "âm mưu lật đổ nhà nước XHCN, xúi giục bạo loạn" v.v.. và hai tội này là tội có thể bị án tử hình, căn cứ theo hình luật được ban hành hồi năm 1999 (191). Ðể cho thấy mục đích chủ yếu của "pháp luật XHCN" là bảo vệ chế độ XHCN, chúng ta hãy phân tích "Luật báo chí" do Quốc hội thông qua ngày 28.12.1989 chẳng hạn(192).
Một trong bốn nhiệm vụ của báo chí, theo Luật này, là "tuyên truyền, phổ biến đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng, pháp luật của Nhà nước,... phát triển dân chủ xã hội chủ nghĩa... ". Ba nhiệm vụ còn lại về thực chất chỉ làm trang trí cho nhiệm vụ tuyên truyền cho ÐCS mà thôi.
Vẫn theo Luật nói trên, báo chí phải biết tự kiểm duyệt vì trong điều 10 của nó có ghi rõ: báo chí "không được kích động nhân dân chống Nhà nước... xã hội chủ nghĩa... không được tiết lộ bí mật nhà nước... và những bí mật khác...".
Những điều cấm kỵ này thì luôn luôn được giải thích và áp dụng một cách rất tuỳ tiện để ngăn cản không cho báo chí (dù là do ÐCS kiểm soát) có thái độ quá phê phán đối với chính quyền. Ngoài ra, báo chí còn "phải có giấy phép do cơ quan nhà nước cao cấp phát mới được hoạt động" tức là bị nhà nước quản lý một cách rất chặt chẽ.
Còn đối với nhà báo thì Luật này có ghi rõ, trong điều 15 của nó, là họ có nhiệm vụ "bảo vệ mục tiêu, quan điểm và chính sách của ÐCS".
Ðối với dân thì Luật báo chí này không công nhận quyền có báo chí tư nhân, báo chí dân lập. Như vậy là Luật này đi ngược lại điều 69 của Hiến pháp 1992 "công dân có quyền... tự do báo chí", tức là nó đã vi phạm Hiến pháp hiện hành.
Luật báo chí này được sửa đổi và bổ sung ngày 19.05.1999 nhưng về thực chất thì quy chế năm 1999 không khác gì hơn quy chế năm 1989: trên đại thể vẫn là một nền báo chí không có tự do vì bị đặt dưới sự chi phối của ÐCS và Nhà nước XHCN.
Trong hội nghị tổng kết về công tác báo chí, xuất bản hồi tháng 10.2001, ông Nguyễn Khoa Ðiềm, uỷ viên Bộ chính trị, Bí thư trung ương và Trưởng ban văn hoá - tư tưởng đã lớn tiếng phê phán những người đối lập đòi tự do báo chí như sau: "Nhằm phá hoại mặt trận báo chí, xuất bản, những phần tử chống đối ra sức vu cáo (?) chúng ta không có tự do báo chí; họ đòi được ra báo, lập nhà xuất bản tư nhân; họ xúi giục báo chí đối lập... Trước tình hình ấy..., chúng ta khẳng định ÐCSVN là lực lượng chính trị duy nhất lãnh đạo... và hệ thống báo chí, xuất bản Việt Nam là công cụ sắc bén của Ðảng, Nhà nước..."(193).
Còn về nhiệm vụ của nhà báo thì ông Ðiềm nhấn mạnh: "... Những người làm báo, làm sách phải đặt mục tiêu chính trị lên hàng đầu... ; mục tiêu chính trị phải thấm nhuần (không chỉ đối với thông tin chính trị mà còn đối với) mọi thông tin kinh tế, xã hội, văn hoá, nghệ thuật, các hình thức giải trí" (ibid). Như vậy là ÐCS yêu cầu các nhà báo Việt Nam phải nhuộm đỏ tất cả các loại thông tin, phải tẩm "tính đảng" vào mọi tin tức, kể cả tin tức về các hình thức giải trí"!
Gần đây, ông Vũ Văn Hiền, uỷ viên trung ương đảng, Tổng giám đốc "Ðài tiếng nói Việt Nam" đưa ra một định nghĩa "độc đáo" về tự do báo chí như sau: "Nếu nói đến tự do báo chí ở Việt Nam thì cần hiểu đó là việc tự do hoạt động để phục vụ Ðảng..."!!!(194).
Hiện nay, những người dân chủ ở trong nước - như ông Phạm Quế Dương chẳng hạn - vẫn tiếp tục chỉ trích Luật báo chí nói trên, yêu cầu thay đổi luật này để báo chí có thể trở thành "một công cụ thông tin ngôn luận "khách quan, và đòi hỏi ÐCS và Nhà nước "cho phép ra báo dân lập, thậm chí cho ra đời các hãng truyền hình tư nhân". Ông này cũng yêu cầu "báo chí của Ðảng, Nhà nước và dân lập (đều phải được) bình đẳng" (195).

* * *
Trên đây chúng tôi đã bàn về ba đặc điểm của cái gọi là "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" ở Việt Nam. Có lẽ cũng cần lưu ý đọc giả là nhiều khi các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam, nhất là khi họ đi ra nước ngoài, thường gọi tắt Nhà nước XHCN Việt Nam là "Nhà nước pháp quyền" thôi, và điều này đã gây ra một số hiểu lầm trong giới học giả ngoại quốc và Việt kiều vì họ ngộ nhận là Nhà nước Việt Nam cũng thuộc loại "Nhà nước pháp quyền" như ở các nước phương Tây. (Cũng như trong nhiều cuộc phỏng vấn ở nước ngoài họ chỉ nói một cách ngắn gọn: "phát huy dân chủ" hoặc "kinh tế thị trường" thay vì nói rõ như các tài liệu ở trong nước: "phát huy dân chủ XHCN" hoặc "kinh tế thị trường định hướng XHCN"). Ðây là một cái bẫy ngữ nghĩa (semantic trap) mà các độc giả cần phải chú ý. Kinh nghiệm cho thấy là chúng ta phải luôn luôn nhớ rằng khi các nhà lãnh đạo cộng sản khoe rằng ở Việt Nam cũng có Nhà nước pháp quyền thì phải hiểu ngầm đó là "Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa" theo kiểu Xô-Viết, mà bản chất của nó thì khác hẳn với Nhà nước pháp quyền chân chính theo kiểu Tây phương (mà các nhà lãnh đạo cộng sản thường gọi một cách khinh bỉ là "Nhà nước pháp quyền tư sản"(196)).

GS. Jacques Chevallier (Ðại học Paris 2), một chuyên gia về vấn đề Nhà nước pháp quyền, đã từng nói rằng quan niệm "Nhà nước pháp quyền XHCN" mà Liên Xô đã đưa ra trong lúc thịnh thế đã trở thành hoàn toàn lạc hậu. Với sự tan vỡ của hệ thống XHCN hồi cuối thập niên 80, và từ đó trở đi chỉ còn tồn tại "một quan niệm duy nhất hợp pháp về Nhà nước pháp quyền" trên thế giới ngày nay, đó là quan niệm tự do (Conception libérale) về Nhà nước pháp quyền mà ở đó "không chỉ có một sự bố trí kỹ thuật nhằm giới hạn quyền lợi (của Nhà nước) xuất phát từ các quy phạm pháp lý... (mà còn là) một quan niệm bảo đảm sự ưu đãi các quyền tự do cơ bản (của công dân - VNT), bảo đảm một nền dân chủ (chân chính - VNT)..."(197). Và tác giả này còn nói thêm là quan niệm tự do về Nhà nước pháp quyền này còn được dùng làm chuẩn mực hoặc hệ quy chiếu, để có thể dựa vào đó mà phê phán mọi chế độ toàn trị(198).
Nói một cách khác, theo GS. Chevallier, thì quan niệm "Nhà nước pháp quyền XHCN" là một quan niệm lỗi thời từ đầu những năm 90, và trong thế giới văn minh ngày nay chỉ còn tồn tại một quan niệm duy nhất, đó là quan niệm tự do về Nhà nước pháp quyền mà đặc điểm chủ yếu của nó là quyền lực của Nhà nước phải được hạn chế vì lợi ích của các quyền tự do dân chủ cơ bản của công dân (chứ không phải ngược lại như trong quan niệm của "Nhà nước pháp quyền XHCN").
Hồi năm 1956, GS. Nguyễn Mạnh Tường đã từng nêu ra, lần đầu tiên ở Việt Nam, một quan niệm về Nhà nước pháp quyền chân chính - dù chưa đầy đủ lắm - nhân dịp ông phân tích nguyên nhân "sai lầm" của cải cách ruộng đất ở miền Bắc (199). Hiện nay, theo thiển ý của chúng tôi, những người đối lập ở trong và ngoài nước nên tiếp tục nâng cao trình độ dân trí về vấn đề này bằng cách, một mặt, phê phán những khuyết điểm và mâu thuẫn của cái gọi là "Nhà nước pháp quyền XHCN" đang được áp dụng, và mặt khác, đấu tranh đòi thực hiện một nhà nước pháp quyền chân chính, hoặc như TS. Nguyễn Thanh Giang đã gợi ý "một nhà nước dân chủ pháp quyền"(200).
Trong giới Việt kiều có người cho rằng chúng ta nên phân biệt một mặt giữa "Nhà nước pháp trị" theo quan niệm của các nước Pháp ngữ (Etat de droit) và Anh ngữ (Rule of Law) và mặt khác "Nhà nước pháp quyền" theo quan niệm XHCN như ở Việt Nam hiện nay. Nhìn từ một khía cạnh nào đó thì sự phân biệt này cũng có lý. Tuy nhiên, theo thiển ý của chúng tôi, điều quan trọng hơn cả trong vấn đề này là phải đặt ra câu hỏi sau đây: Nhà nước nói ở đây là thuộc loại Nhà nước nào? Bởi vì Nhà nước nào thì, nói chung, đẻ ra luật pháp phù hợp với bản chất chính trị của nó. Do đó, chúng ta cần phân biệt một cách rõ ràng giữa một "Nhà nước pháp quyền XHCN" và một "Nhà nước pháp quyền phi XHCN", tức là một "Nhà nước pháp quyền" chân chính theo quan niệm ‘’Etat de droit" của Pháp hoặc ‘’Rule of Law" của các nước anglo-saxon (202). Dựa trên sự phân biệt dứt khoát như trên, chúng ta cố gắng đấu tranh để biến "Nhà nước pháp quyền XHCN" hiện nay thành một Nhà nước pháp quyền thật sự dân chủ, phi XHCN. Và, gắn liền với cuộc đấu tranh này, chúng ta cũng tiếp tục đấu tranh để biến nền "dân chủ XHCN" (dân chủ bánh vẽ) hiện nay thành một nền dân chủ chân chính, tức là một nên dân chủ đa nguyên, đa đảng.

B. "Nhà nước của dân, do dân, vì dân"
Ở Việt Nam, "Nhà nước pháp quyền XHCN" còn được gọi là "Nhà nước của dân, do dân, vì dân". Báo cáo chính trị tại Ðại hội IX của ÐCSVN vẫn nhắc lại là "... Nhà nước pháp quyền XHCN (được xây dựng) dưới sự lãnh đạo của Ðảng... đó là Nhà nước của dân, do dân, vì dân"(203).
Trước hết có lẽ cần nhắc lại ở đây là thuật ngữ này không phải xuất phát từ ông Hồ như một số đảng viên ở trong nước đã ngộ nhận. Thật ra người cha đẻ của thuật ngữ này là tổng thống Mỹ Abraham Lincoln khi, trong diễn văn đọc tại Gettysburg hồi năm 1863, ông chủ trương thành lập "một chính phủ của dân, do dân, vì dân". Rồi trong thế kỷ 20, cả ba ông Tôn Dật Tiên, J. Nehru và Hồ Chí Minh đều lấy lại thuật ngữ này (205). Sau ông Hồ, tất cả các Tổng bí thư ÐCS như các ông Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Ðỗ Mười v.v.. đều dùng lại thuật ngữ này về mặt hình thức nhưng đã thay đổi hoàn toàn về mặt nội dung. Các nhà lãnh đạo ÐCSVN đánh tráo nội dung tiến bộ, thật sự dân chủ do Abraham Lincoln đề xướng với nội dung độc tài, toàn trị của chế độ XHCN. Tại Ðại hội ÐCS lần thứ IV hồi năm 1976 chẳng hạn, ông Lê Duẩn đã từng tuyên bố: "Nhà nước XHCN là nhà nước chuyên chính vô sản", "Nhà nước ta phải là một thiết chế của dân, do dân, vì dân"(206). Còn ông Ðỗ Mười thì nhắc lại trong Hội nghị giữa nhiệm kỳ của ÐCS hồi tháng 11.1994 rằng Việt Nam cần phải "xây dựng một Nhà nước pháp quyền... của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân" và Nhà nước đó "Phải do đảng lãnh đạo"(207). Thuật ngữ "Nhà nước của dân, do dân, vì dân" được dùng một cách phổ biến từ năm 1991 đến nay để thay thế cụm từ "chuyên chính vô sản" (CCVS) - một cụm từ làm cho ai cũng khiếp sợ! - khiến cho một số người, cả học giả ngoại quốc lẫn Việt kiều, hiểu lầm rằng ở Việt Nam không còn có "chuyên chính vô sản" nữa từ khi có "đổi mới". Do đó, cần nhắc lại ở đây rằng, việc thay thế tên gọi nói trên hoàn toàn không có nghĩa là ÐCSVN đã từ bỏ "CCVS". Bằng chứng là trong một tài liệu quan trọng "lưu hành nội bộ" xuất bản từ năm 1991, ông Ðào Duy Tùng, lúc đó là uỷ viên Bộ chính trị phụ trách về ý thức hệ đã nói rõ: "Nếu hiểu đúng nội dung của chuyên chính vô sản thì hoàn toàn có thể diễn đạt nó trong khái niệm "Nhà nước xã hội chủ nghĩa" (hoặc) "Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân"... do ÐCS lãnh đạo. Dù rằng không mang tên Nhà nước chuyên chính vô sản, nhưng Nhà nước xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng thực chất vẫn mang bản chất của chuyên chính vô sản"(208) (chúng tôi nhấn mạnh - VNT).
Sở dĩ từ 1991 trở đi, ÐCSVN thay thế (chứ không bao giờ từ bỏ) "CCVS" bằng thuật ngữ "Nhà nước của dân, do dân, vì dân" là vì họ cố ý muốn tạo ra một ảo tưởng "đổi mới" về mặt chính trị và tâm lý, nhưng đó chỉ là một mưu mẹo nhằm lừa gạt nhân dân và dư luận quốc tế mà thôi.
Nhưng cứ bằng vào lời nói của ÐCSVN ta thử phân tích xem coi Nhà nước XHCN có phải là do dân, vì dân v.v.. hay không. Trước hết thế nào là "nhân dân". Từ chỗ bao gồm "toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi giống..., giàu nghèo, giai cấp, tôn giáo theo điều 1 của Hiến pháp 1946" khái niệm "nhân dân" bị thu hẹp lại còn có "nhân dân nền tảng" bao gồm "liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức" theo điều 2 của Hiến pháp 1992. Ðây cũng là trên lý thuyết thôi, chứ trên thực tế thì khái niệm "nhân dân nền tảng" chỉ bao gồm những công nhân, nông dân và trí thức ngoan ngoãn mà thôi, còn những công nhân, nông dân và trí thức có óc phê phán hoặc bất đồng chính kiến thì bị xếp vào loại "kẻ thù của nhân dân", kể cả đảng viên và các nhà lão thành cách mạng, và do đó bị trừng phạt về mọi mặt (chính trị, hành chính và kinh tế) hoặc bị tống giam tuỳ theo trường hợp. Ðiều đáng chú ý là trong số "nhân dân nền tảng" đó thì trí thức luôn bị xếp vào hạng bét. Nhưng khi cần kêu gọi quốc dân đồng bào đứng lên đánh đuổi giặc ngoại xâm thì ông Hồ kêu gọi toàn dân đứng lên đấu tranh giành độc lập trong đó hiền nhân được xếp lên hàng đầu, kế đó là chí sĩ, rồi mới đến công, nông.(209)

Bây giờ chúng ta hãy xem coi, trên thực tế, Nhà nước XHCN có phải là "do dân" và "vì dân" hay không?
Nếu lấy ví dụ cuộc bầu cử Quốc hội hồi tháng 05.2002 chẳng hạn thì ta thấy, như đã nói bên trên, ÐCS và Nhà nước vẫn chọn sẵn những ứng cử viên thông qua "Mặt Trận Tổ Quốc", như từ trước đến nay, rồi bắt buộc mọi người dân phải đi bầu. Với thủ tục cổ điển "Ðảng chọn, dân bầu" này thì làm sao có thể nói Nhà nước XHCN hiện nay là "do dân" quyết định được? Hơn nữa, mặc dù tất cả 498 đại biểu trong Quốc hội hiện nay đều là đảng viên và người cảm tình đảng cả, nhưng trong các cuộc bầu cử vào các chức vụ lãnh đạo trong Quốc hội và Chính phủ hồi cuối tháng 07.2002, tập đoàn lãnh đạo chóp bu của ÐCS cũng không cho phép các đại biểu quyền lựa chọn giữa một số nhân vật trong số những uỷ viên trung ương đảng vì mọi sắp xếp về nhân sự cao cấp đã được quyết định trong hội nghị trung ương đảng lần thứ 5 hồi đầu tháng 07.2002 rồi! Các đại biểu Quốc hội sau đó chỉ còn có đồng ý hoặc không đồng ý với thành phần nhân sự đã được chọn sẵn mà thôi. Dĩ nhiên, trong trường hợp đó thì tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội chỉ bỏ phiếu thuận mà thôi. Vì vậy cho nên, trong diễn văn bế mạc kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khoá XI này, chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Văn An tỏ vẻ hài lòng vì "việc bầu và phê chuẩn nhân sự (cao cấp của Nhà nước) đã được tiến hành nghiêm túc... (dưới) sự lãnh đạo của Ðảng"!(210)
Nói tóm lại, việc bầu đại biểu Quốc hội và các nhân vật cao cấp của Nhà nước đều do ÐCS quyết định trước cả, đúng theo tinh thần của Báo cáo chính trị tại Ðại hội lần thứ IX của ÐCS: "... Nhà nước pháp quyền XHCN (được xây dựng) dưới sự lãnh đạo của Ðảng... Ðó là Nhà nước của dân, do dân, vì dân" (211). Như thế thì làm sao có thể nói Nhà nước XHCN Việt Nam hiện nay là "do dân" bầu ra được?

Còn Nhà nước này có phải "vì dân" không?
Dù ở nhiều cơ quan Nhà nước người ta thấy nhan nhản khẩu hiệu phục vụ nhân dân nhưng nạn cửa quyền, quan liêu, sách nhiễu, kiểu cách ban ơn của cán bộ là hiện tượng phổ biến, là cố tật của bộ máy hành chính - mà dân gọi một cách mỉa mai là bộ máy hành dân là chính!
Phát biểu về nguyên nhân của sự lề mề của của cái gọi là cái cách hành chính ở thành phố Hồ Chí Minh trong mấy năm qua, ông Nguyễn Minh Triết, bí thư thành uỷ, xác nhận là không những trình độ cán bộ còn rất hạn chế mà tinh thần trách nhiệm và cái tâm của họ cũng yếu kém. Và ông còn nói thêm: "Cán bộ... ai cũng có quyền, ngay đến người gác cổng cũng cũng có thể làm khó người khác được, nhưng khi có việc phải làm cho dân thì đùn đẩy nhau không chịu làm" (212).
Nhà văn Dương Thu Hương, thông qua một nhân vật trong cuốn "Tiểu thuyết vô đề", đã nói lên số phận của người dân trong chế độ XHCN "ưu việt" như sau: "Nếu cần lúa, nhân dân là con bò kéo cày. Lúc có chiến tranh, con bò ấy mặc áo giáp và cầm súng. Rồi khi mọi sự đã qua, vào những ngày lễ lạc, hội hè... người ta tôn xưng nhân dân như hú vọng các hồn ma, tưởng thưởng cho khói thơm và tro tiền, còn phần xôi thịt thì kẻ khác (ám chỉ cán bộ, đảng viên lãnh đạo - VNT) hưởng..."(213).
Hiện nay, sau hơn 15 năm "đổi mới", khoảng cách giữa kẻ giàu (giai cấp "tư bản đỏ" thuộc thành phần thống trị trong ÐCSVN đã nói bên trên) và người nghèo (nhân dân lao động) ngày càng doãng ra theo báo cáo của "Trung tâm quốc gia khoa học xã hội và nhân văn" với sự cộng tác của "Chương trình phát triển Liên hợp quốc" (UNDP)(214).
Sự phân cực giàu nghèo này cũng được Thủ tướng Phan Văn Khải thừa nhận, và ông này còn nhấn mạnh là nó đang "tăng khá nhanh"(215).
Kết quả điều tra gần đây nhất cho thấy là mức chênh lệch giàu nghèo ở Việt Nam chính thức là 12,5 lần (đó là chưa kể thu nhập của bọn "tư bản đỏ" và của một số quan chức tham nhũng).
Mức chênh lệch thu nhập giữa thành thị (mà ở đó bọn "tư bản đỏ" tha hồ ăn chơi phung phí) và nông thôn, theo nhận xét của một kinh tế gia ở Hà Nội, cũng trở nên ngày càng lớn: "chênh lệch về thu nhập của dân cư giữa khu vực thành thị và nông thôn ngày càng doãng ra, do tốc độ tăng thu nhập của dân cư thành thị cao hơn khu vực nông thôn... Năm 1995, chênh lệch là 2,6 lần, năm 2001 ước tính là hơn 4 lần (Trên thực tế, sự chênh lệch này còn lớn hơn nhiều! - VNT). Do sự chênh lệch về thu nhập ngày càng tăng mà mức sống của dân cư thành thị và nông thôn có xu hướng ngày càng cách biệt..."(216).
Trên lý thuyết thì một trong những mục tiêu chủ yếu của ÐCS là bảo vệ quyền lợi của nhân dân lao động, nhưng theo TS. Nguyễn Thanh Giang, thì ngày nay "người lao động bị bóc lột nặng nề hơn (trước Cách mạng tháng 08.1945 bởi vì họ) phải gánh chịu hai phương thức bóc lột tệ hại: bóc lột vô lương tâm - do tham nhũng; (và) bóc lột vô trách nhiệm - do phải nuôi béo tầng lớp vô số ban bộ của đảng, của Chính phủ, của các đoàn thể (quần chúng vệ tinh của đảng). Hậu quả biểu hiện ách bóc lột tàn tệ là giá thành sản phẩm của ta thường cao hơn trong khi lương người lao động lại thấp hẳn so với các nước (láng giềng)" (217).
Còn ông Trần Ðộ thì đưa ra câu hỏi sau đây: Ta nói nước ta nghèo, đó là sự thật. Nhưng tôi hỏi ai nghèo? Tôi thì thấy rằng nước ta nghèo là chỉ có dân nghèo, còn... các "quan cai trị" không nghèo; các quan có ôtô, phòng khách, máy lạnh, biệt thự, khách sạn, tiệc tùng không kém gì các quan ở các nước phát triển. (218).
Một hiện tượng phổ biến ở Việt Nam là "mỗi người dân đều bị coi là "vị thành niên", là "chưa trưởng thành", cần có đảng để... dạy dỗ, chỉ bảo từng ly từng tí một, cần sự dìu dắt trên... mỗi cử chỉ, mỗi lời nói. Ðảng cho gì thì được nấy, cho phép làm điều gì thì được làm điều ấy" (219). Tuy nhiên có lúc ÐCS cũng tỏ vẻ nịnh dân, nhưng theo nhà ly khai Hà Sĩ Phu thì đó chỉ là một mưu mẹo "để sai khiến" dân mà thôi(220).
Về khẩu hiệu "dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra" được nêu lên từ Ðại hội lần thứ VI của ÐCS (1986) thì chính ông Hữu Thọ, lúc đó là Trưởng ban tư tưởng - văn hoá trung ương, trong một bài nói chuyện hồi tháng 01.1998 cũng đưa ra nhận xét như sau: "Dân được biết thì được biết cái gì? Dân được bàn thì được bàn cái gì? Dân làm thì có lẽ đã rõ, còn dân kiểm tra thì kiểm tra cái gì, kiểm tra ai, kiểm tra theo cơ chế nào?
Sau 11 năm (từ cuối 1986 đến cuối 1997 - VNT) khẩu hiệu ấy... về cơ bản vẫn nguyên là khẩu hiệu, chưa có một cơ chế thực hiện..."(221). Và cho tới nay tình hình này cũng chưa có gì thay đổi!

Nói chung, theo nhận xét của ông Trần Ðộ, thì dù Nhà nước XHCN này "tự xưng là của nhân dân, nhưng thực sự bộ máy nhà nước ít khi tôn trọng ý kiến của dân..., nó thường tách khỏi nhân dân và coi nhân dân là đối tượng cai trị của mình... Dân chẳng có quyền mà cũng chẳng có phương tiện gì để thực hiện quyền của mình... " (222) (chúng tôi nhấn mạnh - VNT).
Dân chỉ có "quyền" tuân lệnh ÐCS và Nhà nước, "quyền" ủng hộ hoặc ca ngợi đường lối "đúng đắn, sáng suốt, tài tình" của đảng mà thôi!
Như đã chứng minh bên trên, Nhà nước XHCN Việt Nam không phải "do dân" thiết lập; và mục tiêu chủ yếu của nó cũng không phải là nhằm phục vụ nhân dân, tức là nó không phải "vì dân". Do đó, không thể nói Nhà nước này là "của dân" được. Giản đơn thế thôi!
Trên thực tế, Nhà nước XHCN ở Việt Nam chỉ là Nhà nước của Ðảng, do Ðảng và vì Ðảng mà thôi!

10. Thế nào là "dân chủ xã hội chủ nghĩa" (DCXHCN)?
Trong các tài liệu chính thức của ÐCSVN cái gọi là "Nhà nước (pháp quyền) xã hội chủ nghĩa" hoặc "Nhà nước của dân, do dân, vì dân" đều là những tên gọi khác nhau của hình thức tổ chức nhà nước phù hợp với nền "dân chủ xã hội chủ nghĩa" (DCXHCN).
Như đã nói bên trên, người cha đẻ của khái niệm "DCXHCN" này, không ai khác, là Stalin (223), người mà nhà thơ của ÐCSVN, ông Tố Hữu, đã tung hô là "ngôi sao sáng nhất tr. ời cao", và bảo nhân dân Việt Nam phải "tr. ọn đời nhớ ơn". Khi Stalin mất (1953), ông Tố Hữu đã viết một bài thơ trong đó có một đoạn như sau:
"... Ông Xta-lin bên cạnh nhi đồng
Áo ông trắng giữa mây hồng
Mắt ông hiền hậu, miệng ông mỉm cười".
Người mà ông Tố Hữu cho là có "đôi mắt hiền hậu" đó thì té ra là một người đã phạm rất nhiều tội ác vì đã ra lệnh bắn giết hàng chục triệu cán bộ, đảng viên kể cả các "đại công thần" của chế độ Xô-Viết, những nhà trí thức, nhân sĩ, nhiều sĩ quan cao cấp và dân thường hoặc ra lệnh giam cầm họ trong các trại tập trung giăng khắp Liên Xô cũ gọi là "gulag".
Ngày nay ai cũng thấy rõ cái gọi là "DCXHCN" được thực hiện dưới thời Stalin đã mang lại hậu quả khủng khiếp như thế nào: theo ước lượng của"phong trào Memorial", mà chủ tịch danh dự là Viện sĩ hàn lâm Andrei Sakharov, thì tổng số nạn nhân lên tới 40 triệu người (224) còn theo ước lượng của đài vô tuyến truyền hình Histoire ở Pháp thì tổng số nạn nhân lên tới 60 triệu người! (225).
Lịch sử đã chứng minh rằng chế độ "DCXHCN" theo kiểu Mác-Lê-Stalin không phải là, như Lênin đã nói, "một triệu lần dân chủ hơn chế độ dân chủ tư sản" mà là một triệu lần phản dân chủ và tàn bạo hơn các chế độ dân chủ tư sản.

Bây giờ chúng ta hãy xem coi ‘‘DCXHCN" được áp dụng như thế nào ở Việt Nam. Ở phần trên, chúng tôi cũng có nói lướt qua về vấn đề này rồi. Ở đây, chúng tôi muốn phân tích rõ hơn nữa vì tầm quan trọng của nó.
Trước hết là cần nhắc lại định nghĩa của ÐCSVN về ‘‘DCXHCN". Hội nghị trung ương lần thứ 8 (tháng 01.1995) của ÐCSVN định nghĩa "DCXHCN" là "quyền dân chủ trong bầu cử, ứng cử, là sinh hoạt dân chủ trên các phương tiện thông tin đại chúng, là quyền con người, quyền công dân ngày càng được tôn trọng và bảo đảm..."(226).
Chúng ta hãy lần lượt xem coi các "quyền dân chủ"‘ nói trên đã được thực hiện, trong thực tế, như thế nào.

A) Về vấn đề bầu cử và ứng cử thì ở đây chúng tôi xin miễn bàn tới nữa vì cái trò hề ‘‘đảng chọn, dân bầu" đã được phân tích khá dài ở bên trên rồi.

B) Còn về vấn đề "sinh hoạt dân chủ trên các phương tiện thông tin đại chúng" thì xin lấy một ví dụ cụ thể mà chúng tôi được biết: một cuộc tranh luận về dân chủ và CNXH giữa một cán bộ cao cấp, ông Lê Quang Vịnh và một nhà khoa học tiến bộ ở Hà Nội, ông Phan Ðình Diệu. Trong năm 1993, một tờ báo Việt kiều ở Pháp, Diễn Ðàn (tháng 06.1993) có đăng lại một bài phỏng vấn của ông Diệu về "Ứng dụng toán học và dân chủ". Sau đó, ông Vịnh viết một bài khá dài trên báo Sài Gòn giải phóng và Nhân dân gọi là để "nói lại" ông Diệu, nhưng hai tờ báo này không hề đăng lại bài phỏng vấn của ông Diệu. Thậm chí, khi ông Diệu viết thư trả lời thì các báo này hoàn toàn làm ngơ. Do đó, các độc giả ở trong nước chỉ biết quan điểm của ông Diệu thông qua các trích dẫn bị cắt xén hoặc bị bóp méo mà ông Vịnh đưa ra để phê phán ông Diệu mà thôi chứ không thể nào đọc được toàn bộ nguyên văn bài của ông Diệu. Ðây là một ví dụ điển hình về "sinh hoạt dân chủ trên các phương tiện thông tin đại chúng" mà ÐCSVN đã huênh hoang!
Cũng như trường hợp của ông Diệu, các nhà bất đồng chính kiến ở trong nước chưa bao giờ có cơ hội để phát biểu ý kiến trên các báo chí quốc doanh. Không những thế, các báo chí này còn tha hồ bóp méo, vu khống các quan điểm của các người bất đồng chính kiến để dễ bề phê phán họ; và nhân dân ở trong nước chưa bao giờ biết rõ được các quan điểm của họ để có thể tự mình nhận xét được ai đúng ai sai, ai có lý ai không.
Chính quyền XHCN còn đi xa hơn nữa. Không những chính quyền không cho các nhà đối lập hoặc bất đồng chính kiến phát biểu trên báo chí hoặc Tivi quốc doanh mà còn cho cán bộ công an bẻ khoá vào nhà riêng của họ để ăn trộm bản thảo công trình nghiên cứu của họ như trường hợp nhà lão thành cách mạng Nguyễn Văn Trấn chẳng hạn. Hoặc trắng trợn hơn nữa, trong trường hợp của ông Trần Ðộ, nguyên là phó Chủ tịch Quốc hội, cán bộ công an thành phố Hồ Chí Minh còn chặn đường ô tô để cướp đoạt bản thảo nhật ký của ông giữa ban ngày (ngày 12.06.2001), và việc này đã làm ông uất ức phải đi bệnh viện cấp cứu ngay hôm đó để rồi không thể nào vực ông dậy được nữa! (Khi chúng tôi viết những dòng này thì được tin ông Trần Ðộ đã mất ngày 09.08.2002).
Ngoài việc phê phán một cách độc đoán quan điểm các người bất đồng chính kiến mà không bao giờ đăng trên báo chí quốc doanh nguyên văn các bài viết của họ thì cũng phải nhắc lại rằng "Luật báo chí" đã cấm hẳn việc xuất bản báo chí tư nhân như đã nói bên trên, tức là ở Việt Nam không hề có tự do báo chí. Tuy vậy Tổng bí thư Ðỗ Mười vẫn trâng tráo tuyên bố ở Ðại hội lần thứ 6 các nhà báo Việt Nam hồi tháng 03.1995 rằng "ở Việt Nam có tự do báo chí thật sự"!!! (227). Và để chứng minh điều đó, nhà cầm quyền Việt Nam thường khoe khoang rằng ở Việt Nam có hàng trăm báo chí đủ loại. Nhưng họ "quên" nói rằng các báo chí đó đều là báo của ÐCS, của chính quyền và của các đoàn thể quần chúng vệ tinh của ÐCS cả!
Việc không cho các người bất đồng chính kiến phát biểu hoặc trên báo chí quốc doanh hoặc trên Tivi và việc cấm hẳn báo chí tư nhân chứng tỏ là ở Việt Nam không có sinh hoạt dân chủ thật sự trong lĩnh vực thông tin.
Tuy nhiên thỉnh thoảng ÐCSVN cũng có kêu gọi nhân dân đóng góp ý kiến, nhân dịp đưa ra dự thảo "Báo cáo chính trị" mỗi lần sắp có Ðại hội toàn quốc của ÐCS chẳng hạn. Nhưng đó chỉ là dân chủ giả vờ mà thôi. Về mưu mẹo này thì hai nhà trí thức đảng viên Trần Khuê và Nguyễn Thị Thanh Xuân đã nhận xét như sau: "Kêu gọi người ta đóng góp ý kiến xây dựng (nhưng) ý kiến nào đồng tình với mình thì hồ hởi bảo nhau đăng lên đủ các thứ báo quốc doanh, ý kiến nào khác với mình thì cho ngay công an đến hạch hỏi khám xét nhà cửa (trường hợp đ/c Lê Hồng Hà) hoặc triệu lên sở công an để chất vấn (trường hợp đ/c Hoàng Minh Chính). Thử hỏi (trong tương lai) thì còn ai muốn góp ý kiến nữa" (228).
Ngoài các hành động phản dân chủ vừa kể trên, có lẽ cũng cần nhắc lại là hồi tháng 01.2002, ông Phan Khắc Hải, Thứ trưởng Bộ văn hoá - thông tin, đã ký quyết định truy lùng và thiêu huỷ bốn cuốn sách của những người bất đồng chính kiến: "Nhật ký rồng rắn" của ông Trần Ðộ, "Ðối thoại năm 2002" của Trần Khuê và Nguyễn Thị Thanh Xuân, "Suy tư và ước vọng" của Nguyễn Thanh Giang, và "Gửi lại trước khi về cõi" của Vũ Cao Quận.
Sau đó một thời gian, báo chí trong nước cho biết là ngày 09.07.2002 Sở văn hoá - thông tin ở Hà Nội đã tổ chức tiêu huỷ những văn hoá phẩm mà họ coi là "độc hại" bao gồm băng hình, đĩa CD, VCD và CD-R, nhiều cuốn sách, ấn phẩm v.v.. Quyết định truy lùng và tiêu huỷ các văn hoá phẩm nói trên là, theo dư luận ở trong nước, lập lại tội ác "đốt sách chôn nho" của bạo chúa Tần Thuỷ Hoàng (cách đây trên 2000 năm), Hitler và Mao.
Gần đây, chính quyền Hà Nội ra lệnh siết chặt sự kiểm soát hệ thống Internet tại Việt Nam (229). Sau khi ban hành Nghị định số 55/2001/NÐ-CP (ngày 23.08.2001) về việc quản lý, cung cấp và sử dụng dịch vụ Internet "nhằm hạn chế tối đa những tiêu cực nảy sinh trong dịch vụ này", Thủ tướng Phan Văn Khải đã ra lệnh hồi tháng 06.2002 cho các bộ, ngành, các uỷ ban nhân dân ở các tỉnh, thành phố chỉ đạo các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet tăng cường các biện pháp kỹ thuật "nhằm ngăn chặn các nguồn thông tin độc hại trên Internet", đồng thời chỉ thị Bộ thông tin phối hợp với các cơ quan liên hệ cũng "nhằm... phòng tránh những tin độc hại trên Internet".
Một điều đáng chú ý liên quan đến việc sử dụng Internet là vụ bắt ông Phạm Hồng Sơn (ngày 27.03.2002) chỉ vì đã dịch và phổ biến tài liệu tựa đề "Thế nào là dân chủ" lấy từ trang Internet của Ðại sứ quán Mỹ ở Hà Nội. Trước đó, một trong những lý do làm cho ông Lê Chí Quang bị bắt giam là vì ông đã đưa lên Internet một bài chỉ trích Việt Nam nhượng đất cho Trung Quốc trong Hiệp định biên giới Việt-Trung ký hồi cuối năm 1999.
Tiếp theo chính sách siết chặt sự kiểm soát hệ thống Internet, Thủ tướng Phan Văn Khải cũng ban hành ngày 24.06.2002 lệnh ngăn cấm dân chúng không được sử dụng đĩa vệ tinh (parabol) để xem các đài truyền hình ngoại quốc (sắc lệnh này nhằm củng cố lệnh cấm trước đó nhưng không được tuân theo).
Cũng trong tháng 06.2002, noi theo gương Trung Quốc, Bộ văn hoá - thông tin Việt Nam quyết định theo dõi chặt chẽ những người lui tới, đặc biệt là thanh thiếu niên và sinh viên, các quán cà phê Internet vì chính quyền cho rằng các quán này "còn là nơi phổ biến các tài liệu chống đối, phản động của các lực lượng phản động ở nước ngoài và những người bất mãn ở trong nước".
Trên đây là một số hiện tượng điển hình về "sinh hoạt dân chủ trên các phương tiện thông tin đại chúng" mà ÐCSVN đã huyênh hoang tuyên bố. Trên thực tế thì, như ai cũng biết, tất cả phương tiện thông tin ở Việt Nam từ các đài phát thanh, trạm Tivi đến tất cả các loại báo chí in ấn hay điện tử đều do ÐCS và Nhà nước XHCN điều hành và kiểm soát chặt chẽ cả.

C) Bây giờ chúng tôi muốn bàn kỹ về khía cạnh cuối cùng của cái gọi là "DCXHCN", tức là "quyền con người, quyền công dân" mà ÐCS tuyên bố rằng "ngày càng được (họ) tôn trọng và bảo đảm".
Về vấn đề này thì cần nhắc lại là Hiến pháp 1992 có ghi rõ ràng người dân có đủ quyền tự do dân chủ, nhưng trên thực tế thì đó là, như nhà thơ Bùi Minh Quốc đã từng nhận xét, "dân chủ bánh vẽ" cả(230).
Ngoài ra, cũng cần nhắc lại là khi Việt Nam gia nhập Liên hiệp quốc hồi tháng 09.1977, Việt Nam đã cam kết tuân thủ các điều khoản của "Tuyên ngôn quốc tế về Nhân Quyền" (1948). Sau đó vào ngày 24.09.1982 Việt Nam đã tự nguyện tham gia ký kết (mà không có bảo lưu) vào "Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị"(1966).
Về bản "Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền" thì có thể nói rằng các điều khoản được ghi trong đó chỉ có giá trị như là một lời khuyên bảo (recommendation). Nhưng khi Việt Nam tự nguyện tham gia ký kết "Công ước quốc tế về các Quyền dân sự và chính trị" thì có nghĩa là, như một tài liệu của "Học viện chính trị quốc gia Hồ Chí Minh" đã nhận xét, "Nhà nước và nhân dân Việt Nam thừa nhận các giá trị tiến bộ và nhân văn về các quyền dân sự và chính trị" của thế giới văn minh (231) (chúng tôi nhấn mạnh - VNT). Và hệ quả của việc ký kết này là Việt Nam phải có nghĩa vụ (obligation) pháp lý thực hiện một cách chu đáo các điều khoản đã ghi trong "Công ước quốc tế... này", và không thể viện bất cứ một lý do nào để trốn tránh cả(232).
Ở đây cần phải tố cáo cách nói nước đôi của chính quyền Hà Nội về vần đề nhân quyền. Một mặt thì họ luôn luôn khẳng định rằng ở Việt Nam có đủ mọi thứ nhân quyền như đã ghi trong Hiến pháp 1992 và phù hợp với Công pháp quốc tế, nhưng mặt khác thì họ lại nhấn mạnh rằng phương Tây không thể áp đặt những quy phạm riêng về nhân quyền của mình vì nhân quyền tuỳ thuộc vào điều kiện đặc thù của mỗi nước.
Bằng chứng là luận điệu quanh co của một nhà nghiên cứu cộng sản phụ trách về nhân quyền sau đây: sau khi thừa nhận rằng "các thành viên tham gia Công ước (quốc tế về các quyền dân sự và chính trị nói trên) đều có nghĩa vụ thực hiện những tiêu chí chung về nhân quyền đã ghi nhận" thì lại viết tiếp, trong vài trang sau đó, "vấn đề nhân quyền... là vấn đề nội bộ mỗi nước. Chúng ta (chính quyền Hà Nội - VNT)... kiên quyết phản đối những ai muốn lợi dụng vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ nước khác" (233) (chúng tôi nhấn mạnh - VNT).
Còn Tổng bí thư Ðỗ Mười thì nói: "Ta tôn trọng Công ước nhân quyền... song phải nói mỗi nước có đặc thù,... có luật pháp của mình"(234).

Về quan điểm của Hà Nội liên quan đến vấn đề nhân quyền, chúng tôi xin nêu lên hai nhận xét tổng quát sau đây:
1. Lời tuyên bố của ông Ðỗ Mười nói trên chứng tỏ là ông này "quên" rằng theo công pháp quốc tế thì khi một nước đã tự nguyện tham gia ký kết vào một Công ước quốc tế thì Công ước đó phải được ưu tiên áp dụng so với luật pháp quốc gia, nó phải chiếm vị trí tối cao, thậm chí luật pháp quốc gia cần phải được sửa đổi để cho nó phù hợp với Công ước quốc tế nữa. Nói một cách khác, vì công pháp quốc tế phải đứng trên luật pháp quốc gia cho nên Việt Nam không thể nguỵ biện lý do "can thiệp vào nội bộ" và "chủ quyền quốc gia" để thoát khỏi búa rìu của dư luận quốc tế khi bị tố cáo là vi phạm nhân quyền, dựa theo điều khoản đã ghi trong "Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị".
2. Về vấn đề "chủ quyền quốc gia" thì cần nhắc lại và nhấn mạnh rằng hồi năm 2001, khi nhận giải thưởng Nobel Hoà Bình, ông Kofi Annan, Tổng thư ky Liên hiệp quốc, đã nói rõ: "Chủ quyền quốc gia không thể dùng để che giấu các vụ vi phạm nhân quyền" (chúng tôi nhấn mạnh - VNT)(235).
Ðối chiếu với Hiến pháp 1992 (nhất là điều 69 và 70) và 2 văn kiện quốc tế kể trên ("Tuyên ngôn quốc tế về Nhân quyền" và "Công ước quốc tế...") thì rõ ràng chính quyền Hà Nội đã và đang vi phạm nhân quyền một cách có hệ thống nhưng vẫn cố sức chối cãi.

* * *
Từ khi khối "xã hội chủ nghĩa hiện thực" đã sụp đổ ở Liên Xô và Ðông Âu hồi đầu những năm 90, hình thức đấu tranh nhằm biến dân chủ bánh vẽ thành dân chủ thật sự ở Việt Nam đã chuyển dần từ bí mật sang công khai với việc thành lập tổ chức "Cào trào nhân bản" của BS. Nguyễn Ðan Quế chẳng hạn. Ông Quế yêu cầu ÐCSVN phải chấp nhận đa nguyên chính trị và tổ chức bầu cử thật sự dân chủ, và ngay sau đó (1991) bị bắt liền và bị kết án 20 năm tù. Dưới áp lực quốc tế BS. Nguyễn Ðan Quế được phóng thích hồi tháng 08.1998, nhưng sau đó lại bị quản chế tại gia cho đến nay.
Từ đầu những năm 90 cho đến khi chúng tôi viết những dòng này thì, như ai cũng thấy, đội ngũ của những người đấu tranh cho dân chủ một cách công khai ngày càng đông hơn và cũng ngày càng dứt khoát, cương quyết hơn.
Vào đầu thập niên 90 thì chỉ có một số ít người - cả cộng sản tỉnh ngộ lẫn không cộng sản - như BS. Quế với "Cao trào nhân bản", TS. Ðoàn Viết Hoạt với "Diễn đàn tự do", Hoà thượng Thích Huyền Quang và Hoà thượng Thích Quảng Ðộ với "Giáo hội phật giáo Việt Nam thống nhất", Nguyễn Ðình Huy với "Phong trào thống nhất dân tộc và xây dựng dân chủ", các nhà lãnh đạo cách mạng như Nguyễn Văn Trấn, Nguyễn Hộ (người đứng đầu "Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ"), Tạ Bá Tòng, Hồ Hiến, Ðỗ Trung Hiếu, Hoàng Minh Chính, Lê Giản, La Văn Lâm; các nhà trí thức như Nguyễn Kiến Giang, Nguyễn Khắc Viện, Hà Sĩ Phu tức là Nguyễn Xuân Tụ, Lữ Phương, Linh mục Chân Tín, Nguyễn Ngọc Lan, Phan Ðình Diệu; và các văn nghệ sĩ, nhà báo như Dương Thu Hương, Nguyên Ngọc, Phùng Gia Lộc, Nguyễn Huy Thiệp, Lưu Quang Vũ, Nguyễn Duy, Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự tham gia đấu tranh đòi dân chủ thật sự.
Từ giữa thập niên 90, ông Trần Ðộ - mà tập đoàn lãnh đạo cộng sản coi là "người đứng đầu của các nhóm chống đảng" - từ một cán bộ cao cấp có nhiều công với ÐCS nhưng vì chủ trương thiết lập một nền dân chủ chân chính và phê phán triệt để dân chủ bánh vẽ hiện nay nên bị bao vây, đàn áp... và cuối cùng bị khai trừ khỏi ÐCS. Ông Ðộ đã từng nói Việt Nam có độc lập nhưng đồng bào ta chưa có tự do, và đã thẳng thắn phê phán rằng việc chính quyền bắt giam, bỏ tù, đày đoạ một cách độc đoán những người bất đồng chính kiến là một chính quyền mang bản chất phát-xít. Ông cũng cho rằng một chế độ chỉ tương tịch thu, đốt huỷ sách báo tiến bộ, hãm hại các nhà trí thức mang lương tam của thời đại là một chế độ mang bản chất u tối của Tần Thuỷ Hoàng. Ông đã từng nói giành lại tự do cho dân tộc trước hết là một cuộc cách mạng văn hoá, là giành lại quyền tự do sáng tạo cho mỗi văn nghệ sĩ, trí thức nhằm đưa dân tộc ta tiến kịp với văn hoá tiên tiến của thế giới văn minh. Ông cũng đã nói nhiều lần là nếu không có cải cách chính trị một cách cương quyết thì cải cách kinh tế bị bế tắc, và nhấn mạnh rằng phát triển kinh tế phải đi đôi với dân chủ hoá thật sự.
Cùng với ông Trần Ðộ, các nhà lão thành cách mạng, các nhà trí thức, văn nghệ sĩ và các tu sĩ, tăng ni, linh mục cũng đồng loạt lên tiếng đấu tranh đòi thực thi các quyền tự do dân chủ như tự do báo chí, tự do tín ngưỡng, đòi trả lại những cơ sở thờ phượng và văn hoá bị chính quyền tước đoạt. Ðiều đáng chú ý là trong đội ngũ của những người bất đồng chính kiến có nhiều nhà lão thành cách mạng (như Trần Ðộ, Hoàng Minh Chính, La Văn Lâm, Nguyễn Văn Trấn, Nguyễn Hộ, Lê Giản, Lê Hồng Hà, Nguyễn Kiến Giang, La Văn Lâm, Ngô Thức, Nguyễn Văn Ðào, Hoàng Hữu Nhân, Trần Dũng Tiến v.v..), nhiều nhà trí thức văn nghệ sĩ đã từng một thời phục vụ cho ÐCS và Nhà nước XHCN (như Nguyễn Thanh Giang, Hà Sĩ Phu, Phạm Quế Dương, Trần Khuê, Hoàng Tiến, Bùi Minh Quốc, Tiêu Giao Bảo Cự, Dương Thu Hương, Bùi Ngọc Tấn v.v..), và gần đây những nhà trí thức trẻ, con em gia đình cách mạng (như Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Văn Bình, Nguyễn Khắc Toàn v.v..). Ðiều làm cho tập đoàn lãnh đạo cộng sản rất lo ngại là sự chống đối công khai ngày càng đông đảo của những người giác ngộ nói trên, vì kinh nghiệm ở Liên Xô và Ðông Âu cho họ thấy rằng chỉ những người cộng sản giác ngộ mới có thể làm nòng cốt có hiệu quả nhất cho một phong trào đối lập với chính quyền bảo thủ hiện nay được. Ở đây chúng tôi muốn nhắc lại nhận xét của một đảng viên cao cấp, ông Trần Mô, trong tạp chí "Quốc phòng toàn dân" hồi năm 1995, như sau: "Chúng tôi kết luận rằng không có một nước nào có thể trực tiếp lật đổ chủ nghĩa cộng sản ở Việt Nam, và chỉ có người cộng sản (giác ngộ - VNT) mới có thể lật đổ được người cộng sản (bảo thủ đang cầm quyền hiện nay - VNT)" (chúng tôi nhấn mạnh - VNT) (236). ÐCSVN gọi hiện tượng này là "tự diễn biến" (nói tắt "tự diễn biến hoà bình") hoặc "diễn biến từ trong nội bộ (ÐCS và Nhà nước)".
Ở đây có lẽ cần mở một dấu ngoặc để nói rõ thế nào là "diễn biến hoà bình" và tự diễn biến (hoà bình)" theo quan điểm của ÐCSVN vì có một vài ngộ nhận trong giới Việt kiều.
Noi theo gương ÐCS Trung Quốc, ÐCSVN định nghĩa khái niệm "diễn biến hoà bình" là "chiến lược phá hoại các nước XHCN của các nước thù địch (ám chỉ Mỹ là chủ yếu - VNT). Nó được tiến hành theo kiểu thẩm thấu dần dần trên các lĩnh vực chính trị, tư tưởng, kinh tế, văn hoá, xã hội... Nó dùng mọi âm mưu và thủ đoạn... tạo nên những nhân tố tác động từ bên trong và bên ngoài nhằm xoá bỏ chủ nghĩa xã hội mà không cần chiến tranh (tức là lật đổ chế độ XHCN bằng phương pháp hoà bình)" (chúng tôi nhấn mạnh - VNT)(237). Và một trong những đặc điểm của nó là "tạo dựng ngọn cờ, tập hợp lực lượng ngay trong lòng các nước XHCN, đặc biệt chú ý... lôi kéo những người có chức vụ cao trong Ðảng và Nhà nước, những văn nghệ sĩ, trí thức có uy tín, những người có tư tưởng dao động... hoặc bất mãn với chế độ" (ibid).
Trung tướng Lê Xuân Lựu còn gọi "diễn biến hoà bình" là "một loại chiến tranh không có khói súng" (238). Còn "tự diễn biến (hoà bình)" là, như đã nói ở trên, những người cộng sản giác ngộ làm hạt nhân nòng cốt cho một phong trào chống đối (bao gồm nhiều xu hướng chính trị, tôn giáo khác nhau) nhằm thay thế chế độ XHCN hiện nay bằng phương pháp hoà bình; và đó là nguy cơ có thật đối với ÐCS một khi phong trào đối lập này được tổ chức đàng hoàng và có thể lôi kéo được đông đảo quần chúng.
Chủ tịch Trần Ðức Lương đã báo động nguy cơ này trong một bài diễn văn đọc tại hội nghĩ toàn quốc của các lực lượng công an hồi cuối năm 2000: "Các thế lực thù địch sẽ có cơ hội làm cuộc diễn biến hoà bình, xâm nhập nội bộ của Ðảng để hoạt động phá hoại và ảnh hưởng cuộc chuyển hoá nội bộ" (239).
Cuối tháng 03.2002, Nghị quyết hội nghị trung ương lần thứ 5 (khoá IX) của ÐCS lại nhấn mạnh là "các tổ chức đảng, chính quyền, đoàn thể chính trị - xã hội (phải) nắm chắc diễn biến ở từng địa bàn, đối tượng, (phải) có phương án kịp thời xử lý những tình huống phức tạp có thể xảy ra, (và phải) đề phòng nguy cơ "tự diễn biến (hoà bình)" từ trong nội bộ (Ðảng và Nhà nước)" (240). Nghị quyết này còn nói thêm là phải "xử lý kịp thời theo pháp luật và kỷ luật đảng mọi hoạt động tán phát tài liệu xấu (tức là chống ÐCS và Nhà nước - VNT),... xử lý nghiêm những hành động vi phạm kỷ luật phát ngôn,... (và) nghiêm cấm việc xuất bản, lưu hành những sách, báo và những ấn phẩm có nội dung sai trái..."(ibid).
Gần đây, ông Võ Nguyên Giáp cũng tỏ vẻ lo âu về nguy cơ "tự diễn biến hoà bình" và chỉ giáo cho tập đoàn lãnh đạo ÐCS là "không để diễn ra "tự diễn biến" trong cán bộ, đảng viên là cách chống "diễn biến hoà bình" có hiệu quả nhất hiện nay" (241).
Tuy nhiên như ông Vũ Huy Cương, một nhà ly khai đã nhận xét "Nếu một cuộc cách mạng mà cắn vào những đứa con đẻ của nó (thì) cuộc cách mạng đó nhất định sẽ bị tiêu vong"(242).
Cuộc đấu tranh chống "tự diễn biến hoà bình" hiện nay đang được thực hiện một cách không khoan nhượng, nhất là từ khi ông Nông Ðức Mạnh lên làm Tổng bí thư(243):
- Mở đầu đợt đàn áp này là vụ bắt giam cựu chiến binh Vũ Cao Quận hồi đầu tháng 04.2001 như đã nói bên trên.
- Tháng 07.2001, công an thành phố Hồ Chí Minh chặn đường bắt Trung tướng Trần Ðộ và cướp đoạt giữa ban ngày bản thảo nhật ký của ông như đã nói bên trên.
- Tháng 09.2001, chỉ vì lá đơn xin thành lập "Hội nhân dân ủng hộ Ðảng và Nhà nước chống tham nhũng" (để hưởng ứng chính sách chống tham nhũng của đảng) mà các ông Phạm Quế Dương và Trần Khuê bị công an bắt để xét hỏi. Cả cựu Viện trưởng Viện triết học Hoàng Minh Chính cũng bị công an bắt theo, làm xôn xao dư luận Hà Nội. Ðồng thời, hơn 20 người khác, đa số là trí thức đảng viên lão thành cách mạng, cựu chiến binh, cũng bị sách nhiễu.
- Suốt tháng 09 và tháng 10.2001, công an Hà Nội cho người viết bài nặc danh rồi tán phát rộng rãi để xuyên tạc, bôi nhọ nhà văn Hoàng Tiến, ông Trần Khuê và dựng lại cảnh đấu tố kiểu cải cách ruộng đất ở miền Bắc hồi những năm 50 khắp các khu dân cư đối với các ông Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Nguyễn Thanh Giang, Lê Chí Quang. Ðặc điểm chung các cuộc đấu tố này là sự vắng mặt của đương sự để dễ bề tạo dựng một số tên cò mồi mạt hạng thoá mạ các người nói trên một cách bừa bãi, bất chấp sự thật.
- Gần cuối năm 2001 công an bắt giam hơn 4 tháng mà không xét xử cựu sĩ quan quân đội nhân dân và hiện là doanh nhân ông Nguyễn Khắc Toàn (vì ông này đã giúp đỡ bà con bị ức hiếp ở các địa phương chuyển đơn khiếu nại lên trung ương trước hội trường của Quốc hội và đã tham gia đấu tranh cho dân chủ từ năm 2000), luật sư Lê Chí quang (vì đã phản đối Hiệp định biên giới Trung Quốc - Việt Nam và cũng đã dấn thân đấu tranh cho dân chủ từ năm 2000), BS. và nhà kinh doanh Phạm Hồng Sơn (vì đã dịch và phát tán tài liệu của Ðại sứ quán Mỹ phổ biến trên Internet tựa đề là "Thế nào là dân chủ", và đã tham gia đấu tranh cho dân chủ từ năm 2001). Ngoài ra, công an cũng đã gọi lên xét hỏi quyết liệt liên miên anh Nguyễn Vũ Bình, cựu biên tập viên "Tạp chí Cộng sản" vì đã trả lời phỏng vấn đài BBC về vấn đề dân chủ hoá đất nước, đã đứng ra xin thành lập "Ðảng tự do - dân chủ" (tháng 09.2000), và đã viết bài nhận định về "Việt Nam và con đường phục hưng đất nước"
- Cũng trong thời gian cuối năm 2001, chính quyền Hà Nội đã chặn bắt nhà thơ Bùi Minh Quốc trên đường về nhà ở Ðà Lạt sau một chuyến đi thực tế ở các tỉnh biên giới phía Bắc, và ra lệnh quản chế ông trong thời gian 2 năm chỉ vì khi khám xét hành lý thấy có mấy trăm trang ghi chép và một tư liệu cá nhân. Ngoài ra, chính quyền cũng đã ra lệnh quản chế hai năm các ông Trần Khuê và Hà Sĩ Phu chỉ vì có tư tưởng tự do dân chủ và muốn đóng góp ý kiến với đất nước. Trong thời gian này một số chức sắc tôn giáo như Hoà thượng Thích Quảng Ðộ của "Giáo hội phật giáo Việt Nam thống nhất", ông Lê Quang Liêm của "Phật giáo Hoà hảo", Linh mục Nguyễn Văn Lý và hàng loạt tín đồ cũng bị sách nhiễu, bắt giữ và quản chế.
- Tháng 01.2002, ông Phan Khắc Hải, Thứ trưởng Bộ văn hoá - thông tin ký quyết định truy lùng và thiêu huỷ bốn cuốn sách của các ông Trần Ðộ, Trần Khuê, Nguyễn Thanh Giang và Vũ Cao Quận như đã nói bên trên. Quyết định này bị dư luận trong và ngoài nước lên án rất mạnh mẽ.
Trong khi chúng tôi viết những dòng này thì được biết công an thành phố Hồ Chí Minh lại vào lục soát nhà BS. Nguyễn Ðan Quế (ngày 20.09.2002), tịch thu các bài viết và đe doạ bắt giam ông trở lại vì đã kêu gọi dân chủ hoá đất nước.
Vài ngày sau thì được tin anh Nguyễn Vũ Bình, người đã gửi một bài điều trần đến Quốc hội Mỹ hồi tháng 07.2002 về vấn đề vi phạm nhân quyền ở Việt Nam (244), đã bị bắt giam ngày 25.09.2002 theo lệnh của Viện kiểm sát nhân dân. Trong khi đó thì hồ sơ các ông Nguyễn Khắc Toàn, Lê Chí Quang và Phạm Hồng Sơn đã được công an chuyển sang Viện kiểm sát nhân dân với đề nghị truy tố tội danh là "tàng trữ và tán phát tài liệu chống Nhà nước XHCN".
Không hề thông báo chính thức, Sở bưu điện Hà Nội, theo lệnh công an, đã làm một việc phi pháp là cắt điện thoại cả gia đình các ông Hoàng Minh Chính, Phạm Quế Dương, Hoàng Tiến, Trần Dũng Tiến, Hà Sĩ Phu, Nguyễn Ðan Quế, Bùi Minh Quốc, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Thanh Giang v.v.. , nhưng vẫn tiếp tục đòi họ phải trả chi phí điện thoại!
Về hành động phi pháp này, TS. Nguyễn Thanh Giang tuyên bố rằng "cắt điện thoại (thì) phản ứng của chúng tôi càng quyết liệt hơn. Riêng tôi, càng tìm mọi biện pháp để, đã và sẽ, duy trì quan hệ với bên ngoài khăng khít hơn... Tôi đã và sẽ tìm mọi biện pháp thực thi quyền công dân chính đáng một cách mạnh mẽ hơn qua mối bang giao với mọi tổ chức, cá nhân trong nước và trên thế giới... " (245).
Có lẽ cũng cần nhắc lại rằng là, song song với biện pháp "quản chế hành chính" theo nghị định 31/CP đã nói bên trên, chính quyền còn áp dụng nhiều biện pháp khác như hù doạ người thân của nạn nhân, triệu họ lên thẩm vấn nhiều lần liên tiếp, đặc biệt là việc cô lập, bao vây kinh tế không những đối với người chống đối thôi mà còn đối với gia đình họ nữa để dồn... cả gia đình họ vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, túng quẫn. Chống đỡ với hoàn cảnh này mà không bỏ cuộc là một cuộc đấu tranh phi thường của họ. Do đó, chúng ta có nhiệm vụ thiêng liêng là phải hết sức giúp đỡ họ cả về mặt vật chất lẫn tinh thần, cả về mặt chính trị lẫn về mặt kinh tế.

* * *
Ðầu năm 2002, trong một cuộc trao đổi về tình hình nhân quyền với một số cố vấn trưởng trong Uỷ ban bang giao quốc tế Hạ nghị viện Mỹ (ngày 20.01.2002) tại Việt Nam, BS. Nguyễn Ðan Quế có đưa ra một bản tổng kết về các hành động vi phạm nhân quyền ở Việt Nam(246). Trong bản tổng kết này, BS. Quế nêu lên vấn đề tự do thông tin theo hai chiều (chứ không phải có một chiều như hiện nay) giữa Việt Nam và Hoa Kỳ; vấn đề tự do ngôn luận và quan hệ với báo chí nước ngoài; vấn đề tự do tôn giáo và sự cần thiết phải ngưng sử dụng cả hội giáo quốc doanh để gây khó khăn cho các tôn giáo khác; vấn đề tự do chính trị như bầu cử tự do, xoá bỏ điều 4 của Hiến pháp 1992 và nghị định 31/CP; vấn đề về các sắc tộc ở Tây Nguyên; và cuối cùng là đề nghị chính phủ Mỹ nên gắn liền thương mại với nhân quyền trong quan hệ Mỹ-Việt.
Trong tháng 07.2002, 17 người dân chủ ở trong nước - trong đó có nhiều nhà lão thành cách mạng, cán bộ, đảng viên gửi một Kiến nghị lên các nhà lãnh đạo cộng sản tố cáo "tình trạng đàn áp liên tục, trắng trợn, bất chấp đạo lý, không cần chứng cứ, lý lẽ, ngang nhiên vi phạm ngày càng thô bạo luật pháp, Hiến pháp, làm cho nhiều người nhận xét rằng, cùng với "Nhân văn giai phẩm" và "vụ xét lại chống đảng", đây là một trong những thời đen tối nhất của lịch sử ÐCSVN trong lĩnh vực văn hoá, tư tưởng, lý luận"(247) (chúng tôi nhấn mạnh - VNT).
Một tháng sau đó, trong một bức thư tập thể gửi lên Quốc hội (khoá X) đề ngày 02.08.2002, 21 người dân chủ ở trong nước "yêu cầu chính phủ phải tôn trọng quyền công dân và quyền làm người của người Việt Nam đã được ghi nhận trong Hiến pháp nước nhà và luật pháp quốc tế", "huỷ bỏ Nghị định 31/CP (vì nó) vi phạm trắng trợn Hiến pháp và Luật pháp Nhà nước... (và) yêu cầu phải trả tự do vô điều kiện cho tất cả những công dân bị giam cầm, quản chế phi pháp, vô căn cứ như đã nói trên"(248).
Trong bức thư tập thể này, họ còn ‘"kêu gọi tha thiết các... Nhà nước dân chủ trên thế giới cùng... Cao uỷ nhân quyền Liên Hiệp Quốc... yêu cầu chính phủ Việt Nam phải tôn trọng "Tuyên ngôn thế giới về Nhân quyền",... phải tôn trọng "Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị" mà Việt Nam đã gia nhập ngày 24.09.1982"(ibid).
Trên thế giới, Việt Nam xã hội chủ nghĩa cũng bị thường xuyên lên án về vấn đề nhân quyền. Hồi cuối năm 1998 chẳng hạn, ông Abdelfattah Amor của Ủy Hội nhân quyền Liên Hiệp Quốc đã nêu lên vân đề vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, nhất là việc đàn áp tôn giáo(249).
Tháng 04.2000, Ủy hội nhân quyền Liên Hiệp Quốc cũng đã lên án Việt Nam là một trong 9 nước vi phạm một cách có hệ thống nhân quyền(250).
Năm sau, vào ngày 21.03.2001, trong buổi khai mạc khoá họp thường niên của Uỷ ban này người ta cũng liệt kê Việt Nam "vào danh sách những quốc gia vi phạm nhân quyền trầm trọng nhất"(251).
Tháng 07.2002 tại Genève, sau gần ba tuần họp bàn duyệt xét báo cáo của ông Hà Hùng Cường, Thứ trưởng tư pháp Việt Nam về quyền làm người và quyền công dân ở Việt Nam, Uỷ ban nhân quyền Liên hợp quốc kết luận là Việt Nam vẫn tiếp tục hạn chế những quyền tự do dân chủ như trong quá khứ, và đã gia tăng vi phạm nhân quyền trong hiện tại. Uỷ ban này cũng thúc giục chính quyền Hà Nội chấm dứt việc tuỳ tiện dùng biện pháp "quản chế hành chính" giam người không xét xử và trả tự do cho những người bị quản thúc, đồng thời phải mở rộng quyền tự do ngôn luận"(252).
Gần đây, tổ chức "Ân xá quốc tế" (Amnesty International) đã công bố ngày 28.05.2002 bản phúc trình thường niên về tình hình nhân quyền trên thế giới trong đó có ghi rõ là "trong năm 2001 hàng chục người Việt Nam đã trở thành tù nhân lương tâm với bản án nhiều năm. Họ là những người bất đồng chính kiến, những người đấu tranh cho tự do tôn giáo hoặc những nhà trí thức đã phát biểu điều gì trái ngược với chủ trương của nhà nước" (253). Về mặt tôn giáo thì phúc trình này ghi rằng chính quyền Hà Nội gia tăng kiểm soát các tôn giáo lớn có truyền thống lâu đời ở Việt Nam như Hoà Hảo, Phật giáo, Thiên chúa giáo và Tin lành. Ðiển hình về sự đàn áp tôn giáo là vụ Linh mục Nguyễn Văn Lý và Hoà thượng Thích Quảng Ðộ.
Tóm lại, theo bản phúc trình này thì trong năm 2001, chính quyền Hà Nội đã gia tăng đàn áp những người đấu tranh cho nhân quyền, đàn áp tôn giáo và những sắc tộc thiểu số bằng đủ mọi cách.(ibid)
Chính quyền Hà Nội luôn luôn chối đây đẩy rằng Việt Nam không hề vi phạm nhân quyền. Họ còn khẳng định một cách dối trá rằng ở Việt Nam "không có tù nhân chính trị", rằng chỉ có người nào lợi dụng "chính sách tôn trọng nhân quyền (sic) để làm điều phi pháp thì họ mới bị trừng phạt vì họ phạm pháp luật XHCN của Việt Nam. Ðây là một luận điệu dối trá và là một mánh khoé xảo quyệt của chính quyền Hà Nội để họ biến tội phạm chính trị thành thường phạm, như đã nói bên trên.

Sở dĩ chính quyền Hà Nội rất dị ứng với những lời tố cáo vi phạm nhân quyền của dư luận thế giới (xem phản ứng dữ dội của họ khi Hạ viện Mỹ đã thông qua "Dự luật nhân quyền cho Việt Nam (HR2833) hồi tháng 09.2001 chẳng hạn) là vì họ cần giữ một bộ mặt không quá dữ tợn để có thể thu hút viện trợ kinh tế - kỹ thuật và đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Ðó là chỗ yếu nhất của họ - là Achilles"heel của họ theo cách nói của người Anh-Mỹ. Do đó, những người đấu tranh cho dân chủ chân chính, cả trong lẫn ngoài nước, cần xoáy vào tử huyệt đó, cần vạch trần kịp thời một các có hệ thống những vụ vi phạm nhân quyền ở Việt Nam để các chính phủ dân chủ ngoại quốc, các tổ chức chính trị quốc tế (Nhân hàng thế giới, Quỹ tiền tệ quốc tế, Nhân hàng Châu Á v.v..) và các tổ chức bảo vệ nhân quyền trên thế giới có thể gây sức ép tối đa đối với chính quyền Hà Nội như luôn luôn gắn liền các điều kiện viện trợ kinh tế và đầu tư ngoại quốc với sự tôn trọng nhân quyền (đúng theo tinh thần của "Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị" chẳng hạn).

* * *
Trên đây chúng tôi đã lần lượt bàn đến ba khía cạnh chủ yếu của cái gọi là "dân chủ xã hội chủ nghĩa" (DCXHCN) theo quan điểm của ÐCSVN, tức là "quyền dân chủ" trong bầu cử và ứng cử, trong sinh hoạt trên phương tiện thông tin đại chúng, và trong vấn đề nhân quyền và dân quyền.
Thực tế cho thấy rằng các "quyền dân chủ" trong ba lĩnh vực nói trên đều là bánh vẽ cả!
Trước đây, ông Nguyễn Hữu Thọ cũng đã thừa nhận, trong Ðại hội Mặt trận Tổ quốc thành phố Hồ Chí Minh hồi năm 1988 (trong không khí hồ hởi "đổi mới" sau Ðại hội ÐCSVN lần thứ 6) rằng Quốc hội và các Uỷ ban nhân dân chỉ là những "tổ chức hình thức" ngoan ngoãn làm theo chỉ thị của ÐCS. Và ông nói thêm: "Nhân dân ai cũng thích cái bánh thật chứ chẳng ai thích cái bánh vẽ. Chỉ có những kẻ bất tài, có quyền lợi cá nhân gắn với những cơ chế tổ chức hình thức mới thích những thứ hoạt động hình thức đó. Ðiều đau lòng là, trong nhiều năm liền... chúng ta vẫn duy trì những thứ hình thức hữu danh vô thực đó. Khuyết điểm lớn của chúng ta là chưa có dân chủ thật sự... Người dân chưa thật sự chọn lựa được những người lãnh đạo theo sự tín nhiệm của họ... ". Và ông rút ra kết luận rất thích đáng là "dân chủ không thể có bằng sự ban ơn mà bằng sự đấu tranh" (254) (chúng tôi nhấn mạnh - VNT).
Cũng trong năm 1988, ông Trần Xuân Bách, lúc đó là uỷ viên Bộ chính trị, vốn là một người khá bảo thủ, giáo điều dưới thời Lê Duẩn nhưng nhờ tiếp thu được cái mới nên, khi phát biểu tại Hội nghị các phó Chủ tịch Viện hàn lâm khoa học xã hội của các nước XHCN họp ở Hà Nội vào tháng 10.1988, đã tuyên bố như sau: "... Rõ ràng là mô hình CNXH sẽ... giảm sức hấp dẫn nếu năng suất lao động thấp hơn chủ nghĩa tư bản, nếu mọi công dân không thật sự có quyền tự do dân chủ. Những biểu hiện dân chủ hình thức chỉ làm nảy sinh sự thờ ơ, bàng quan, làm giảm lòng tin... " (chúng tôi nhấn mạnh - VNT) (255). Và sau đó, tại Hội nghị trung ương lần thứ 7 (tháng 12.1989), ông Bách nhấn mạnh là để "đổi mới" cần phải đi trên hai chân, chân kinh tế đi mạnh vào thị trường hàng hoá, chân chính trị đi vào con đường dân chủ và chấp nhận dân chủ đa nguyên. Nhưng ý kiến của ông không những bị đa số người giáo điều trong Hội nghị này bác bỏ mà ông còn bị "kết tội" nữa; và đến Hội nghị trung ương lần thứ 8 (đầu năm 1990) ông bị thi hành kỷ luật, bị đưa ra khỏi Bộ chính trị và Uỷ ban trung ương ÐCSVN.
Ðầu năm 1990, nhà khoa học tiến bộ Phan Ðình Diệu, trong một bài diễn văn tại Mặt trận Tổ quốc ở Hà Nội, đã nhận xét về "dân chủ XHCN" như sau: "Trong mấy chục năm qua, tại Liên Xô và các nước XHCN (trong đó có Việt Nam - VNT), dưới danh nghĩa chuyên chính vô sản, đã thực hiện trong thực tế nền chuyên chính của một đảng, từ đó quyền tự do dân chủ như tự do ứng cử và bầu cử trở thành hình thức, tự do ngôn luận và báo chí, tự do tư tưởng bị cấm đoán v.v...
... Nếu trong xã hội chỉ có một đảng duy nhất nắm quyền thì không thể có dân chủ...)(256). Và ông Diệu yêu cầu "phải thiết lập một nền dân chủ thật sự... Một xã hội như vậy sẽ có một nền kinh tế hàng hoá phát triển với cơ chế thị trường, một thể chế chính trị dân chủ với việc tôn trọng các quyền tự do dân chủ cơ bản của con người và công dân"(ibid).
Gần đây hơn, hai nhà trí thức đảng viên Trần Khuê và Nguyễn Thị Thanh Xuân cũng khẳng định: "Qua bài học của Liên Xô và Ðông Âu mới thấy rằng "dân chủ xã hội chủ nghĩa" chỉ là một tứ dân chủ ảo. Trên đời này chưa hề có cái gọi là "dân chủ xã hội chủ nghĩa" (...). Trong tình cảnh hội nhập quốc tế mà ta cứ trói chân trói tay nhau, khâu mồm khoá miệng nhau lại thì quả là sẽ "chết" thực sự (...).
Tóm lại, trả lại Tự Do Dân Chủ thực sự cho Nhân dân thì còn, ngược lại thì mất... Chắc chắn dân tộc Việt mình không bao giờ chấp nhân dân chủ vờ để rồi nô lệ thật (chúng tôi nhấn mạnh - VNT)" (257). Trong một đoạn khác hai nhà trí thức này còn nhấn mạnh: "Thực tế lịch sử cũng như hiện đại đã chứng minh rằng cứ có tự do dân chủ thực sự là chúng ta phát triển... Nhiều đ/c cứ... chê bai dân chủ tư sản là thứ dân chủ vờ vịt, giả hiệu. Vâng, chúng ta cứ thử vờ vịt, giả hiệu như thế để cố mà phát triển cho bằng (người ta) trong khu vực (Ðông Nam Á). Còn "thực sự" như dân chủ XHCN của ta trong vài ba chục năm vừa qua thì không thể chấp nhận được" (ibid).
Nhà văn Bùi Ngọc Tấn cũng có một nhận xét thích đáng như vậy: "Tình trạng mất dân chủ hiện nay rất nghiêm trọng dẫn tới những hậu quả khôn lường, làm suy giảm lòng tin của nhân dân, cản trở sự phát triển của đất nước"(258).
Về phía mình thì ông Trần Dũng Tiến, một đảng viên kỳ cựu, đã dám nói thẳng với công an Hà Nội rằng: "Tao đã sống qua ba chế độ, nhưng tao chưa thấy chế độ nào dã man và mất dân chủ như chế độ này" 259).
Còn ông Trần Ðộ thì nhận xét như sau: "Mặt thật cái thể chế đẻ ra những sự bất chấp luật pháp; trắng trợn, tuỳ tiện vu cáo, bịa đặt; tuỳ tiện hại dân thường, hại người lương thiện; coi thường và chế giễu lẽ phải. Ðó là mặt thật của một thể chế tự nhận mình là dân chủ gấp triệu lần dân chủ tư sản" (260). Và ông Ðộ còn khiển trách tập đoàn lãnh đạo cộng sản vì họ hay "dùng các thắng lợi đã qua (thành tích đánh thắng Pháp và Mỹ - VNT) để... che lấp tình trạng mất dân chủ (và) tình trạng lạc hậu và tụt hậu thê thảm của đất nước" hiện nay(261).

* * *
Trong "Báo cáo chính trị" tại Ðại hội toàn quốc lần thứ 9 (tháng 04.2001) người ta có đưa thêm hai chữ "dân chủ" vào các mục tiêu chung của ÐCSVN, và điều đó làm cho một số Việt kiều và người quan sát nước ngoài ngộ nhận là trong ÐCSVN có một sự thay đổi đáng kể. Ngộ nhận là vì nếu đọc kỹ bản "Báo cáo chính trị" nói trên thì thấy có ghi rõ là ÐCSVN "thực hiện dân chủ trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế văn hoá" nhưng phải là "dưới sự lãnh đạo của Ðảng"(262).
Hồi năm 1998, cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã từng nói: "Ðối với chúng ta (ÐCS), dân chủ giờ đây không chỉ là mục tiêu... mà còn là biện pháp chiến lược... để bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ"(263).
Năm 2002, Tổng bí thư Nông Ðức Mạnh lại nhấn mạnh là "dân chủ là bản chất của chế độ XHCN..., (điều này) được xác định rõ trong chủ trương, đường lối hơn 72 năm qua của Ðảng" (264); "Ðảng phải nêu gương về dân chủ và lãnh đạo chặt chẽ quá trình phát huy dân chủ"(265).
Còn ông Trương Quang Ðược, uỷ viên bộ chính trị, thì khẳng định rằng: "Dân chủ là bản chất của chế độ ta... ÐCSVN là lực lượng lãnh đạo nền dân chủ đó... Ðảng phải nắm chắc ngọn cờ dân chủ, hướng dẫn nhân dân phát huy dân chủ đúng hướng"(266).
Cần nhắc lại ở đây là mục tiêu chủ yếu của chính sách "đổi mới" chính trị hiện nay của ÐCSVN vẫn là, như "Báo cáo chính trị" tại Ðại hội lần thứ 8 đã ghi rõ "nhằm thực hiện tốt dân chủ xã hội chủ nghĩa" (267), hoặc "nhằm phát huy dân chủ (XHCN) trong đời sống xã hội, dưới sự lãnh đạo của Ðảng" như "Báo cáo chính trị" tại Ðại hội lần thứ 9 đã nhấn mạnh (268). Như vậy là, trước và sau Ðại hội lần thứ IX của ÐCSVN, không có gì thay đổi cả trong quan điểm của đảng này về khái niệm "dân chủ" cả!
Tóm lại, theo quan điểm của ÐCSVN, cái gọi là "Nhà nước (pháp quyền) xã hội chủ nghĩa" hoặc "nhà nước của dân, do dân, vì dân" chỉ là tên gọi khác nhau của một thể chế chính trị được gọi là "dân chủ xã hội chủ nghĩa" dưới sự lãnh đạo của ÐCS, nhằm thực hiện nhiệm vụ "chuyên chính vô sản", mà thực chất là, như đã nói bên trên, chuyên chính của tập đoàn lãnh đạo cộng sản. Nếu dùng ngôn ngữ triết học thì ta có thể nói là các hình thức Nhà nước nói trên chỉ là những hiện tượng (phenomena) khác nhau của một bản chất (essence) duy nhất, đó là "chuyên chính của tập đoàn lãnh đạo của ÐCS".
Ðể dễ nhớ, chúng tôi xin nêu ra "công thức" sau đây:
"Nhà nước (pháp quyền) XHCN = "Nhà nước của dân, do dân, vì dân" = "Dân chủ XHCN" = "Chuyên chính vô sản" = Chuyên chính của tập đoàn lãnh đạo của ÐCS.
Người ta có thể tự hỏi "thực hiện tốt" hoặc "phát huy" cái gọi là "dân chủ XHCN" hiện nay còn có nghĩa lý gì khi mà "chủ nghĩa xã hội hiện thực" ở Liên Xô và Ðông Âu - cái nôi của khái niệm "dân chủ" này - đã sụp đổ từ đầu những năm 90?
Vấn đề thiết thực được đặt ra trước mắt nhân dân ta hiện nay không phải là "thực hiện tốt" hoặc "phát huy dân chủ XHCN" nữa mà là phải thay đổi hẳn bản chất của nó, tức là phải thay thế, bằng phương pháp hoà bình, "dân chủ XHCN" bằng dân chủ phi XHCN, bằng dân chủ đa nguyên (mà các nhà lãnh đạo cộng sản gọi một cách khinh bỉ là "dân chủ tư sản"). Vả lại, về thực chất mà nói, chỉ có một loại dân chủ chân chính mà thôi, đó là dân chủ đa nguyên: Dân Chủ tất yếu phải Ða Nguyên chứ không thể"nhất nguyên" về mặt chính trị được, như một cán bộ cao cấp của ÐCS đã nói (269).
Ông W. Churchill, một chính khách nổi tiếng Anh đã từng nói đùa rằng: "dân chủ (đa nguyên) là thể chế rất tồi, nó chỉ khá hơn tất cả những thể chế đã thử được áp dụng trên trái đất này".
Trước đây, ở nước ta, chí sĩ Phan Chu Trinh đã cho rằng "cái độc chuyên chế cùng cái hủ nho nhà ta đã trở thành chứng bệnh bất trị mà học thuyết tự do, dân quyền Âu Tây là vị thuốc đắng để chữa bệnh đó" (270).
Ngày nay các người đấu tranh cho dân chủ chân chính - kể cả cán bộ, đảng viên ở trong nước - cũng cho rằng "phải nghĩ đến việc thay đổi thể chế chính trị. Chúng ta phải có một Quốc hội tử tế, nhân dân phải được hưởng thực sự mọi quyền tự do đã ghi trong Hiến pháp. Tất cả những nhân viên công quyền phải được nhân dân cắt cử và kiểm soát. ... Phải nghiêm túc chỉ ra rằng Ðảng (CS) đang hết sức độc đoán và thực hiện một thể chế chính trị không thích hợp với thời đại. Ðại hội (ÐCS) từ cơ sở đến toàn quốc, các (nhà lãnh đạo cộng sản) dự kiến bầu cử nhau, nhân dân tham gia vào chỗ nào? (Sau đó các nhà lãnh đạo CS) lại dự kiến cử người sang Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc và đủ các thứ người vào các chức vụ trong bộ máy nhà nước, đại đa số là đảng viên, nhân dân có quyền gì vào đó? Chúng ta tiếp tục dân chủ một cách hình thức... " (Chúng tôi nhấn mạnh -VNT)(271).
Về vấn đề xây dựng một nhà nước dân chủ thực sự thì TS. Nguyễn Thanh Giang cho rằng một thiết chế nhà nước như vậy phải thoả mãn các điều kiện sau đây:
- Phải được nhân dân uỷ nhiệm bằng một chế độ bầu cử mà nhân dân có quyền và có khả năng, có điều kiện tự do lựa chọn để bầu.
- Phải bảo đảm cho nhiều khuynh hướng, nhiều chính kiến khác nhau được tự do tranh luận.
- Phải bảo đảm cho các cơ quan quyền lực không thể lạm quyền (nhờ áp dụng nguyên tắc tam quyền phân lập - VNT)" (272).

Ðể trả lời luận điệu dối trá của chính quyền cho rằng dân chủ đa nguyên đa đảng sẽ dẫn tới mất "ổn định", năm công dân, trong một kiến nghị gửi cho Quốc hội ngày 19.05.2000, đã viết như sau:
"Phát huy dân chủ là đáp ứng và thoả mãn khát vọng chính đáng tự nhiên của người dân là chủ nhân đất nước muốn được và có quyền tham gia quản lý Nhà nước và xã hội. Và chỉ có dân chủ (thật sự) mới là vật đảm bảo cho đại đoàn kết chân thành. (Ðến) lượt mình, đại đoàn kết đích thực sẽ là vật đảm bảo cao nhất cho an ninh chính trị, và an ninh xã hội. Một nền dân chủ thực sự... không tạo ra mất ổn định. Thực tiễn dân chủ của các dân tộc khác trên thế giới... với các quyền tự do cụ thể (tự do bầu cử, tín ngưỡng, ngôn luận, báo chí, lập hội) đã từng tồn tại hàng trăm năm mà các quốc gia đó vẫn sống trong ổn định, trong an ninh cả về chính trị lẫn xã hội. Thực tiễn này là một dữ kiện đáng để tham khảo (cho) nước ta... " (chúng tôi nhấn mạnh - VNT)(273).
Nhưng cũng có người không đồng ý với quan điểm vừa nêu trên. Trong bài diễn văn bế mạc hội nghị trung ương lần thứ bảy hồi tháng 08.1999, ông Lê Khả Phiêu, lúc đó là Tổng bí thư, đã chỉ trích gay gắt những ai đòi dân chủ đa nguyên, ‘và cho rằng ‘"mọi luận điệu tuyên truyền về nhân quyền, (dân chủ) đa nguyên, đa đảng... đều là dối trá, lừa bịp... " (274). Ðể thấy ai là "dối trá, lừa bịp" thì xin nhắc lại là, như đã phân tích bên trên, các "quyền dân chủ" mà ÐCSVN coi là những đặc điểm chủ yếu của cái gọi là "dân chủ XHCN" đều là bánh vẽ cả; và khái niệm "dân chủ XHCN" chỉ là một lá nho che đậy một cách vụng về chuyên chính, độc đoán của tập đoàn lãnh đạo cộng sản trong mấy chục năm qua mà thôi.
Nhà văn Anh, ông George Orwell, trong một cuốn tiểu thuyết châm biếm nổi tiếng về Liên Xô tựa đề "1984" (xuất bản hồi năm 1949) đã phát hiện là ở Liên Xô dưới thời Stalin người ta thường dùng một ngôn ngữ chính trị mà tác giả gọi là "ngôn ngữ mới", ví dụ như khi Liên Xô nói "hoà bình" thì có nghĩa là chiến tranh; "tự do" có nghĩa là nô lệ; "dân chủ" có nghĩa là chuyên chính để lừa bịp nhân dân trong nước và dư luận quốc tế.
Hiện nay, trong chế độ "dân chủ XHCN" ở Việt Nam các nhà lãnh đạo cộng sản cũng nói như ở Liên Xô dưới thời Stalin, tôn trọng nhân quyền có nghĩa là vi phạm nhân quyền; dân chủ có nghĩa là chuyên chính, độc tài.
Thế xin hỏi lại ông Lê Khả Phiêu - mà một nhà báo Pháp gọi là "Pinochet của Việt Nam"(275) - ai là kẻ dối trá, lừa bịp nhân dân trong vấn đề này?
Ai huyênh hoang tuyên bố rằng nhân dân có "quyền dân chủ" đủ mọi thứ, ai ghi trong Hiến pháp 1992 (các điều 69 và 70 chẳng hạn) và ai cam kết thực hiện nhân quyền đã ghi trong "Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị" nhưng không bao giờ tôn trọng các quyền đó cả trong thực tế, nếu không phải là ÐCS và nhà nước XHCN?
Về vấn đề dân chủ thì xin hỏi lại ông Lê Khả Phiêu: tại sao đòi dân chủ đa nguyên là "dối trá, lừa bịp" trong khi mà các nước văn minh trên thế giới ngày nay, kể cả ở Châu Á, đều thực hiện nền dân chủ đa nguyên, và nhờ vậy mà họ có được một nền kinh tế phát triển? Ðó là một thực tế không thể nào chối cãi được. Vả lại, như đã nói bên trên, dân chủ thật sự thì tất yếu phải là đa nguyên. Chính khi ÐCSVN bịa đặt ra cái gọi là dân chủ "nhất nguyên" dưới sự lãnh đạo của họ là một sự dối trá lừa bịp vì trên thế giới này chưa có nước nào được các nước văn minh thừa nhận là dân chủ thật sự mà lại "nhất nguyên", độc đảng cả! Chỉ có chuyên chính, cộng sản hoặc phát-xít, mới đi liền với nhất nguyên, độc đảng.
Hơn nữa, gắn dân chủ với "nhất nguyên" như ÐCSVN đã làm là một sự mâu thuẫn trong từ ngữ!

Tóm lại, chính các nhà lãnh đạo cộng sản là kẻ đại dối trá, đại lừa bịp nhân dân chứ không phải những người đấu tranh đòi dân chủ đa nguyên, đòi thực hiện các quyền tự do, dân chủ!
Ðiều đáng chú ý hiện nay là từ Ðại hội IX trở đi, nhất là từ năm 2002, cuộc đấu tranh cho dân chủ thật sự ngày càng phát triển mạnh mẽ hơn, cả bề rộng (từ Hà Nội đến Cần Thơ) lẫn bề sâu (từ các nhà lão thành cách mạng đến cán bộ, đảng viên trẻ; từ cá nhân đến bố mẹ, vợ con, bạn đồng nghiệp).
Bằng chứng là bài lên án vi phạm nhân quyền của BS. Nguyễn Ðan Quế trao cho cố vấn trưởng trong uỷ ban bang giao quốc tế của Hạ nghị viện Mỹ ngày 20.01.2002 (276), bài điều trần, cũng về vi phạm nhân quyền, của Nguyễn Vũ Bình gửi cho Quốc hội Mỹ ngày 20.07.2002 (277), và hai bức thư tập thể của cán bộ, đảng viên - trong đó có nhiều nhà lão thành cách mạng - gửi cho tập đoàn lãnh đạo cộng sản và Quốc hội Việt Nam hồi tháng 07 và 08.2002 (278) tố cáo hành động đàn áp những người bất đồng chính kiến, tố cáo tham nhũng và yêu cầu làm sáng tỏ vụ Năm Cam và việc ký kết các Hiệp định Việt-Trung.
Nhưng điều đáng chú ý hơn cả là trong bức thư của 21 người dân chủ gửi cho Quốc hội Việt Nam ngày 02.08.2002 các người dân chủ đã thản nhiên thông báo công khai lần đầu tiên sự thành lập một tổ chức chính trị lấy tên là "Nhóm dân chủ". Trong bối cảnh của một chế độ độc đảng, toàn trị thì đây là một thách thức lớn đối với chế độ Hà Nội. Hiện tượng này đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong chu kỳ biện chứng đàn áp - chống đối từ đầu năm 1990 đến nay: đàn áp dẫn tới chống đối, và càng đàn áp thì càng có chống đối; và quá trình biện chứng này phát triển theo hình xoắn ốc ngày càng được nới rộng ra.
Rất có thể là trong tương lai những người đấu tranh cho dân chủ - đáng lẽ phải gọi họ là những chiến sĩ dân chủ mới phải vì sự can đảm và tinh thần hy sinh lớn lao của họ - sẽ bị đàn áp nặng nề hơn trước. Nhưng viễn ảnh này không làm cho họ nản lòng vì họ ý thức được rằng Cuộc Ðấu Tranh Ðể Dân Chủ Hoá Ðất Nước Trong Thế Kỷ 21 này Cũng Có Tầm Quan Trọng Như Cuộc Ðấu Tranh Giành Ðộc Lập Trong Thế Kỷ 20. Và họ cũng ý thức được rằng đấu tranh đòi thực hiện các quyền tự do dân chủ, đòi thực hiện một nền dân chủ đa nguyên là đánh vào chỗ yếu nhất (Achilles"heel) của chế độ độc tài, toàn trị hiện nay. Do đó, chắc có lẽ họ cũng chờ đợi một phản ứng khá mạnh về phía chính quyền nhưng họ tỏ vẻ rất vững vàng, không sợ hãi vì họ tin tưởng sắt đá rằng họ là đại diện cho lẽ phải, cho xu thế tiên tiến của thời đại và của dân tộc.
Họ hiểu rất rõ là, như Montesquieu đã nói "dân chủ không phải là giá trị mặc nhiên mà là kết quả của sự đấu tranh để khẳng định quyền lực của nhân dân" (De L"Esprit des Lois).
Nhiệm vụ thiêng liêng của tất cả những người yêu chuộng dân chủ chân chính, cả ở trong nước lẫn ở ngoài nước, là phải, lúc này hơn lúc nào hết, tìm đủ mọi cách, cả vật chất lẫn tinh thần, để tích cực hỗ trợ họ, nhất là các thành phần trong "Nhóm dân chủ" mới được thành lập.

Cụ thể thì chúng ta phải làm gì?
Trong tình hình chính trị hiện nay, theo thiển ý chúng tôi, thì những người dân chủ có thể tập trung sức người và của vào những mục tiêu chủ yếu sau đây:
1. Yêu cầu thả ngay những tù nhân bị giam cầm vì lý do chính trị, tôn giáo và sắc tộc; giải quản ngay những người bị "quản chế hành chính"; chấm dứt ngay việc bao vây kinh tế những gia đình và cá nhân bị giam cầm và quản chế; nối lại ngay điện thoại cho các gia đình bị cắt điện thoại.
2. Yêu cầu huỷ bỏ Nghị định 31/CP và Nghị định 89/CP; và thực hiện các quyền tự do dân chủ cơ bản đã ghi trong Hiến pháp 1992 và trong "Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị" đặc biệt là tự do ngôn luận, tự do báo chí và xuất bản, tự do tôn giáo và trả lại cho các tổ chức tôn giáo mọi tài sản, cơ sở bị Nhà nước XHCN cưỡng chiếm, tự do hội họp, và tự do lập hội v.v..
3. Yêu cầu thực hiện tự do thông tin theo cả hai chiều giữa Việt Nam và ngoại quốc (chứ không một chiều như hiện nay); chấm dứt việc bưng bít thông tin giữa trong và ngoài nước; chấm dứt việc phân biệt đối xử trong việc sử dụng các phương tiện truyền thông đại chúng; chấm dứt việc cấm đoán in và phân phát tài liệu của bất cứ ai và việc quan hệ với báo chí ngoại quốc.
4. Yêu cầu chấm dứt chính sách nhằm tiêu diệt và đồng hoá các sắc tộc hiện nay; chấm dứt những đợt càn quét, chiếm đất, đàn áp tôn giáo và buộc một số làng sắc tộc phải di tản khỏi nơi cư trú truyền thống của họ.
5. Tách rời hoàn toàn ÐCS với Nhà nước cả về mặt chính trị (tức là phi chính trị hoá quân đội, công an, toà án v.v..) lẫn về mặt kinh tế - tài chính (cấm dùng ngân sách nhà nước để trả lương và cung cấp chi phí cho ÐCS và các đoàn thể vệ tinh của ÐCS).
6. Thiết lập một nền dân chủ đa nguyên, đa đảng trong đó ÐCS vẫn tồn tại, nhưng không còn là chính đảng duy nhất nữa; địa vị của mỗi chính đảng sẽ tuỳ thuộc vào lá phiếu của cử tri trong một cuộc phổ thông đầu phiếu thật sự tự do và dân chủ; xoá bỏ điều 4 của Hiến pháp 1992. Trong tương lai sẽ phải viết lại hoàn toàn một Hiến pháp mới trong đó sẽ nêu bật hai nguyên tắc cơ bản là chủ quyền thật sự của nhân dân thể hiện qua phổ thông đầu phiếu và tam quyền phân lập.
7. Xoá bỏ nguyên tắc "tập trung dân chủ". Tuy nhiên, mọi nghị quyết, quyết định đều phải được biểu quyết theo đa số, nhưng thiểu số phải được tôn trọng, không bị đàn áp, vì thiểu số hôm nay có thể trở thành đa số ngày mai theo nguyên tắc luân phiên.
8. Xây dựng một hệ thống luật pháp dân chủ thật sự.
9. Tạo điều kiện cho sự nảy nở một xã hội dân sự, tức là khuyến khích các hội đoàn, các tổ chức cộng đồng, các cơ quan phi chính phủ v.v.. được thành lập và hoạt động độc lập với Nhà nước.
10. Song song với các mục tiêu nói trên, những người dân chủ cũng nhiệt liệt ủng hộ các yêu sách khác của nhân dân như đấu tranh để cải thiện đời sống của họ - chủ yếu là của nông dân - chống tham nhũng, tệ nạn ức hiếp dân v.v.. ; cần phải gắn liền các yêu sách nói trên với cuộc đấu tranh nhằm dân chủ hoá đất nước, và trong quá trình đó, tìm mọi cách để nâng cao dần trình độ giác ngộ chính trị của nhân dân.

Chỉ khi nào thực hiện được các mục tiêu nói trên thì chúng ta mới có thể nói là có đổi mới chính trị thật sự ở Việt Nam.
____

 Chú thích (Chương 3)
1. J. Julliard, le Nouvel Observateur, Paris 14-20 mai 1998, tr. 60
2. Lữ Phương, DÐ, tháng 11.1993, tr. 23
3. Lữ Phương, DÐ, tháng 07.1995, tr. 12
4. Xem The Economist, Jan 8th-14th, 2000; Asiaweek, april 21st, 2000 và april, 24th 2000; La Croix, 22 avril 2000; Ðài RFI, 21.04.2000; Ðài truyền hình Arte 27.04.2000
5. Hiến Pháp nước Cộng hòa XHCN Việt nam năm 1992, Hà Nội 1992
6. Tiêu Dao Bảo Cự, Nửa đời nhìn lại, NXB Thế kỷ (Mỹ), 1994, tr. 333
7. Trần Ðộ, DÐ tháng 07.2000, tr. 14
8. Trần Khuê và Nguyễn Thị Thanh Xuân, TK21, tháng 07.2000, tr. 19
9. Lê Khả Phiêu, TCCS, số 11, tháng 06.2000, tr. 10
10. Le Nouvel Observateur, Paris, 1-7 juin 2000
11. Lê Khả Phiêu, phỏng vấn trong báo Le Monde, Paris, 23.05.2000 "les communistes (vietnamiens) ne mangent pas les gens"
12. Nguyễn Hộ, phỏng vấn đài RFI 30.04.1995, và bức thư ngỏ của Nguyễn Hộ, TL, tháng 07 và 08.1995, tr. 21
13. Michel Tauriac, VietNam, le dossier noir du communisme, Edition Plon, Paris, 2001, tr. 66 và tr. 213-241
14. Ðỗ Mười, DÐ, tháng 07.1994, tr. 17
15 . TCCS, số 5, 1994, tr. 34
16. Nguyễn Tấn Dũng, The Saigon Times Weekly, March 30th, 2002, tr. 13 (phỏng vấn) và VNDC, tháng 04.2002 tr. 38
17. DÐ, tháng 06.2002, tr. 6
18. Theo tuần báo Pháp Le Point, Paris, 21.09.1996, tr. 27
19. Bùi Tín, tuần báo L'Express, Paris, 11.05.2000, tr. 51
- Cùng một tác giả, Mây mù thế kỷ, NXB Ða nguyên (Mỹ), 1998, tr. 243 và 255.
20. Asia 1995 Yeardbook (của FEER), HongKong, tr. 221
21. Về gánh nặng của các tổ chức của ÐCS và các đoàn thể vệ tinh của Ðảng trong ngân sách nhà nứơc, xem DÐ, tháng 11.1996, tr. 5
22. Lao Ðộng, Hà Nội, 02.10.1998. Cùng xem TK21, tháng 01.1999, tr. 27 và DÐ, tháng 01.1999, tr. 4
22. Trích theo VNDC, tháng 06.2002, tr. 6
24. ÐCSVN, Văn kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 8, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr. 142.
25. Nguyễn Minh Cần, ÐCSVN qua những..., sđd, tr. 83
26. Trích theo Nguyễn Thanh Giang (Thư ngõ gửi ông Nguyễn Khoa Ðiềm) VNDC, tháng 06.2002, tr. 13.
27. Ibid, tr. 14
28. Trích theo VNDC, tháng 06.2002, tr. 13
29. Hồng Vinh, trích theo VNDC, tháng 05.2002, tr. 23
30. Trần Mô, trích theo DCPT, số 06.1999, tr. 20
31. Nguyễn Gia Kiểng, Tổ Quốc Ăn Năn, Paris 2001, tr. 505 (Ðiều này không có nghĩa là trong quyễn sách này không có nhiều nhận xét và suy luận rất có giá trị và bổ ích)
32. GS. Phạm Ngọc Quang, TCCS, số 18, tháng 09.2001 tr. 39 và 41.
33. TL, tháng 12.1999, tr. 15
34. Bùi Minh Quốc, TL, tháng 02.1995, tr. 10
35. Nguyễn Văn Lộc, TCCS, số 22, 1996, tr. 56
36. Nguyễn Thanh Giang, TK21, tháng 04.2001, tr. 60
37. Về phần này, chúng tôi dựa chủ yếu vào tài liệu đáng tin cậy của ông Hai Cù Làn ở trong nước: Luận bàn về tông, lông và cánh viết hồi cuối năm 1998 (được phổ biến trên internet) và bài tóm tắt tài liệu này của Nguyễn Thanh, VNDC, tháng 03.1999, tr. 11-13
38. Xem Ðoàn Viết Hoạt, TK21, tháng 04.1999, tr. 61; và DÐ, tháng 12.1998, tr. 13
39. Dương Thu Hương, TL, tháng 09.2000, tr. 26
40. Dương Thu Hương, VNDC, tháng 07.1999, tr. 15 và 16
41. Lê Chí Quang, TL, tháng 10.2001, tr. 7
42. Trần Ðộ, DCPT, tháng 05.1998, tr. 26. Cùng một nhận xét, xem Nguyễn Thanh Giang, TL, tháng 04.1998, tr. 12 và 13.
43. Gabriel Kolko, VietNam, Anatomy of Peace, Routledge London & New York 1997, tr. 58, 150
44. Trích theo VNDC, tháng 03.2000, tr. 14,
45. VNDC, tháng 06.2002, tr. 7 trích dẫn. Về vấn đề này cũng xem Trần Trọng Nghĩa, ibid, tr. 7-9; Lục Ðinh, Ibid, tr. 24-25; và Hòa Vân, DÐ, tháng 06.2002, tr. 1 và tr. 4-6
46. Tiền Phong Chủ nhật, 05.05.2002
47. Trích theo VNDC, tháng 06.2002, tr. 24
48. Nguyễn Thị Bình, trích theo VNDC, Ibid
49. Nguyễn Khoa Ðiềm, báo Pháp Luật, 20.06.2002 và Reuters, 21.06.2002
50. Võ Văn Kiệt, ND, ngày 02, 14, 19 và 21.10.1992
51. Ðỗ Mười (lúc đó là Tổng bí thư), TCCS, số 17, 1995, tr. 6
52. Bùi Ngọc Thanh, TCCS, số 3, tháng 02.2000, tr. 23
53. Trích theo VNDC, tháng 02.2001, tr. 38
54. Báo Pháp Luật (Hà Nội) do VNDC trích dẫn, tháng 03.2001, tr. 38
55. Hoàng Quế, DCPT, tháng 05.2002, tr. 29
56. VNDC, tháng 04.2001, tr. 38
57. TBKTSG, 23.05.2002 do DÐ tháng 07.2002, tr. 4 trích dẫn
58. Nông Ðức Mạnh, TCCS số 18, tháng 09.2001, tr. 5
59. Trần Ðộ, DÐ, tháng 07.2000, tr. 13
60. Hoàng Tiến, trích theo TL, tháng 10.2001, tr. 6
61. Lê Trọng, TCCS, số 21, 2001 (trích theo VNDC, tháng 02.2002, tr. 24)
62. Xem tóm tắt vụ án này trong báo Tuổi Trẻ (từ ngày 03 đến ngày 12.11.1998) và báo Lao Ðộng (từ ngày 04 đến ngày 09.11.1998)
63. Xem các báo Lao Ðộng, Tuổi Trẻ, Thanh Niên các ngày 18, 20 và 21.06.2002
64. Hoàng Quế, DCPT, tháng 05.2002, tr. 29
65. VNDC, tháng 05.2002, tr. 22
66. Lao Ðộng, 07.09.2002
67. Bùi Tín, VietNam, La face cachée du régime (1945-1999), Ed Kergour, Paris 1999, tr. 256, 257 và 277
68. Hồng Vinh, TCCS, số 8 tháng 03.2002 tr. 27-28
69. Nhân Ðăng, TCCS, số 5 tháng 03.1998, tr. 51
70. VNDC, tháng 03.2001, tr. 38-39
71. DÐ, tháng 02.2002 tr. 7
72. Tạp chí Tia Sáng (Việt Nam) số 5, 2000
73. Thanh Niên, 02.06.2000
74. Hoàng Tụy, DÐ, tháng 02.2001, tr. 13
75. Trích theo VNDC, tháng 04.2001, tr. 39
76. Lê Khả Phiêu, TCCS, số 11, tháng 06.2000, tr. 10
77. Trần Ðộ, DÐ, tháng 07.2000, tr. 10
78. Võ Nhân Trí, Viet Nam"s economic policy. , sđd, tr. 3
79. Trằn Ðộ, DÐ, tháng 07.2000, tr. 12; Nguyễn Thanh Giang, VNDC, tháng 06.2002, tr. 14
80. Nguyễn Văn Huy, TL, tháng 03.2001, tr. 3-4, và tháng 04.2001, tr. 6-9. Cũng xem J. C Pomonti, Le Monde, Paris 26.04.2001
81. Nguyễn Văn Huy, TL tháng 03.2001, tr. 3
82. Nguyễn Thanh Giang, (bài phỏng vấn) TK21, tháng 04.2001, tr. 60
83. Về chi tiết xem Võ Nhân Trí, Viet Nam"s economic policy..., sđd, tr. 64 và tiếp theo; Nguyễn Ðức Nhuận, Võ Nhân Trí et al, Le Viet Nam post-révolutionaire, Population - Economie - Socìété 1975-1985, Ed. Harmattan, Paris 1987, tr. 43-66; Thành Tín, Mặt Thật, sđd, tr. 84-86
84. Nguyễn Ðức Bình, TCCS, số 4, tháng 02.2000, tr. 17
85. FEER, May, 4th 2000, tr. 8
86. Hồ Chí Minh Tuyển tập, NXB Sự Thật, Hà Nội 1980, tr. 2, tr. 186
87. Lê Duẩn, Communist Party of Viet Nam, 4th National Congress, Documents, Hanoi, Flph, 1977, tr. 39. Cũng xem J. C. Pomonti et H. Tertrais, Viet Nam, communistes et dragons, sđd, tr. 110-111
88. Bùi Tín, Mây Mù thế kỷ, NXB Ða Nguyên, Westminster, Mỹ, 1998, tr. 33
89. Thành Tín, Mặt Thật, sđd, tr. 291-292
90. Ibid, tr. 192-193
91. Nguyễn Thanh Giang, Trăn trở xót đau cùng biên cương tổ quốc, Hanoi 19.05.2002, do VNDC trích dẫn, tháng 08.2002 tr. 22
92. Nguyễn Thanh Giang, Ibid, Bùi Tín, TL, tháng 05.2002, tr. 11-14; và TL, tháng 06.2002, tr. 5-6; Nguyễn Vũ Bình, VNDC, tháng 06.2002 tr. 12 và 15; Nguyễn Trúc Giang, ibid, tr. 10-11
93. Nguyễn Minh Cần, ÐCSVN..., sđd, tr. 123 và 187
94. Lê Khả Phiêu, TCCS, số 4, tháng 02.2000, tr. 10
95. Lê Khả Phiêu, trích theo, AFP, 22.09.2000, và VNDC, tháng 10.2000, tr. 11
96. Bùi Tín, Viet Nam. La face cachée du régime, sđd. Paris 1999, tr. 295
97. Dương Thu Hương, VNDC, tháng 07.1999, tr. 14
98. Nguyễn Thanh Giang, DÐ, tháng 09.1999, tr. 15
99. Lữ Phương, DÐ, tháng 02.1994, tr. 19
100. Võ Nhân Trí, TK21, tháng 08.1992, tr. 6-8
101. N. V. Linh, TCCS, tháng 07.1991, tr. 18
102. N. V. Linh (phỏng vấn) Kyodo news service, Tokyo, Feb 28, 1992
103. Ð. D. Tùng, Về con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt nam, NXB Sự Thật, Hà Nội, 1991, tr. 72-73 (tài liệu nội bộ)
104. N. Duy Quý, TCCS, số 7, tháng 04.2000, tr. 7
105. J. C. Pomonti, Viet Nam, Quand l"aube se lève, Ed, Picquier, Arles, 1997, tr. 139
106. Lê Duẫn, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành trung ương Ðảng tại Ðại hội toàn quốc lần thứ IV: "Nhà nước XHCN là Nhà nước chuyên chính vô sản. Nhà nước ta phải là một thiết chế của dân, do dân và vì dân", NXB Sự Thật, Hà Nội, 1977, tr. 133
107. J. Stalin, Problems of Leninism, Moscow, 1953, tr. 553 do Yu. Shiskov trích dẫn: "Stalin stated that (soviet) society was characterised by a special. . type of democracy..., a ‘socialist democracy‘, Tạp chí Far Eastern Affairs, Moscow, Feb 1989, tr. 27
108. ÐCSVN, Văn Kiên Ðai hội lần thứ 8, sđd, tr. 75
109. Nguyễn Minh Cần, Ðảng Cộng Sản. Việt nam..., sđd, tr. 215
110. TL, tháng 04.2001, tr. 19-20
111. Vũ Thư Hiên, Ðêm giữa ban Ngày, NXB, Văn Nghệ, Mỹ, 1997, tr. 632
112. Trích theo Thành Tín, Mặt Thật, sđd, tr. 222
113. Nguyễn Chí Thiện, Flowers from hell (Hoa Ðịa Ngục) translated by Huynh Sanh Thông, Southeast Asia Studies, Yale University, 1984, tr. 116
114. Nguyễn Chí Thiện, trích theo VNDC, tháng 08.2001, tr. 33
115. Nguyễn Chí Thiện, Hoả Lò, Tổ hợp xuất bản Miền Ðông Hoa ký, 2001, tr. 146-148; 301; 303; 305.
116. Bùi Ngoc Tấn, Chuyện kể Năm 2000, NXB Câu lạc bộ Tuổi xanh, CA, Mỹ 2000, (2 tập)
117. Trần Tri Vũ, Những năm mất trắng, NXB Nam Á, Paris, 199, tập 1, tr. 220. Về đề tài này thì rất có nhiều hồi ký của các nạn nhân đã được xuất bản ở Mỹ, Pháp, Úc v.v.. mà không thể kê khai hết ở đây được...
118. Dương Thanh, Vượt địa ngục, NXB Mõ Làng, San Francisco, Mỹ (không có ghi năm) tr. 160
119. Thành Tín, Mặt Thật, sđd, tr. 231
120. L"Actualité, Québec, số 5, tháng 04.1998, do VNDC, tháng 05.1998, trích dịch, tr. 23-25
121. Phỏng vấn Dương Thu Hương của Ðài Á Châu Tự do (RFA) ngày 04.07.2000, trong TL, tháng 09.2000, tr. 27
122. Trích theo DÐ, tháng 01.1995, tr. 9, (chú thích số 5). Chúng tôi cũng đã trực tiếp nghe Dương Thu Hương kể lai chuyện này trong một cuộc hội thảo tại Ðại học Paris Vll hồi năm 1994.
123. Trích theo Báo cáo của Hội Ðồng Giám Khảo Prince Claus trong quyễn "Prince Claus Award 2001 Book" xem DÐ, tháng 01.2002, tr. 12
124. Dương Thu Hương, VNDC, tháng 07.1999; tr. 14-15; Về đìểm này cũng xem Bùi Tín, VietNam La face cachée..., sđd, tr. 296
125. Nguyễn Thanh Giang kể lại, TL, tháng 10.2001, tr. 2
126. Mao Tsé Toung, theo trích dẫn của Nicolas D. Kristof, The New York Times (International) Aug 31st 1990: "The more cruelty, the more enthusiasm for revolution"
127. Trần Ðộ, DÐ, tháng 01.1999, tr. 22 và DÐ, 05.1999, tr. 17
128. Nguyễn Thi Anh Thu, NCKT, tháng 03.2000, tr. 34-39
129. Nguyễn Ái Ðoàn, NCKT, thàng 02.2000, tr. 34
130. Trích theo Nguyễn Thanh Giang, TL, tháng 10.2001, tr. 3
131. Nguyễn Mạnh Tường, Un Excommunié. Hanoi 1954-1991: Procès d"un intellectuel, Ed. Quê Mẹ, Paris, 1997 tr. 147
132. Trần Ðộ, TK21, tháng 02 và 03.1999, tr. 41
133. Trần Ðộ, trích dẫn, Ibid, tr. 40
134. Nguyễn Minh Cần, Ðảng Cộng Sản Việt nam..., sđd, tr. 72
135. ibid, tr. 132-133
136. Trường Chinh Ðời đời nhớ ơn Các Mác và đi con đường Các Mác đã vạch ra, Hà Nội, 1969, tr. 47-49
137. Bùi Phan Kỳ, Quân đội nhân dân, Hà Nội, 26.10.2001
138. Trần Ðộ, Thư gửi Ðỗ Mười, DÐ, tháng 05.1995 tr. 17
139. N. Ð. Mạnh, Kay Johnson phỏng vấn, Time Asia: ‘"In Vietnam, we have no political prisoners. No one is arrested or jailed for her or his speech or point of view", 23 Jan 2002
140. Xem thêm Tôn Thất Thiên, TK21, tháng 05.2000, tr. 25-33
141. 50 years of activities of Communist Party of Vietnam, FLFH, Hanoi, 1980 tr. 146
142. Raymond Aubrac, Où la mémoire s"attarde, Ed Odile Jacob, Paris 1996 tr. 268-269 và 331
143. Xem Trương Như Tảng (cựu Bộ Trưởng Tư pháp của CPCMLT) A Vietcong memoir, Harcourt, Brace, Jovanovich Publishers, San Diego, New York, 1985, Phụ lục tr. 336 và tiếp theo
144. 50 years of activities. . sđd, tr. 255-257
145. Về chi tiết, xem Võ Nhận Trí, Vietnam ‘s Economic Policy..., sđd, tr. 59-62
146. Lê Duẩn, Phấn đấu xây dựng nước Việt nam xã hội chủ nghĩa giàu đẹp (diển văn tại hội nghị trung ương lần thứ 25 của Ðảng CSVN) 1976, NXBS.T, Hà Nội, 1979 tr. 16
147. ND, 24.04.2001
148. Phạm Quế Dương, TL, tháng 07 và 08.2001, tr. 13
149. ND, 24.04.2001
150. Trần Ðộ, DÐ, tháng 07.2000, tr. 12
151. ND 24.04.2001
152. Hồng Vinh, TCCS số 16, tháng 06.2002 tr. 13
153. Trần Ðộ, DÐ, tháng 07.2000, tr. 12
154. Phan Chu Trinh, trích theo Nguyễn Thanh Giang, TL tháng 11.2001, tr. 13
155. Trần Ðộ, DÐ, tháng 07.2000, tr. 12; Nguyễn Thanh Giang, TL, 11.2001, tr. 12-13; Phạm Quế Dương, TL tháng 07 và 08.2001, tr. 13-14
156. H. Tâm, TCSS số 14, tháng 05.2002, tr. 9
157. L. Q. Ðạo, Tuổi trẻ Chủ nhật, số 33, 1998
158. Trích theo Trần Khuê và Nguyễn Thị T. Xuân, TK21, tháng 07.2001, tr. 15
159. TS. Nguyễn Sĩ Dũng, TBKTSG, 06 .09.2001
160. Trích theo VNDC, tháng 06.2002 tr. 6
161. Trích theo VNDC tháng 06.2001, tr. 24
162. Tiêu Dao Bảo Cự, TL, tháng 02.1995, tr. 13
163. C. Tín, TL, tháng 06.2002, tr. 7
164. Phạm Quế Dương, Tl, tháng 07 và 08.2001, tr. 13
165. ND, 24.04.2001
166. Nguyễn Thanh Giang, TL, tháng 09.2002, tr. 7
167. ND, 24.04.2001
168. Marie-Claire Bergère, La Chine de 1949..., sđd, tr. 278
169. M. Cohen, FEER, May 3rd 2001, tr. 20
170. Vũ Hiền, TCCS số 8, tháng 03.2002, tr. 14 và Báo cáo chính trị tại Ðại hội 9, ND 24.04.2001
171. N. P. Trọng, trích theo VNDC, tháng 09.2000, tr. 12
172. Theo báo Luật, 03.10.2000 (Saigon) do VNDC trích dẫn, tháng 01.2001 tr. 37
173. Tuổi Trẻ, do DÐ trích dẫn, tháng 12.2000, tr. 8
174. TCCS, số 8, tháng 03.2002, tr.7
175. Trương Quang Ðược, TCCS, số 12, tháng 04.2002, tr. 9
176. Phạm Quế Dương, TL, tháng 07 và 08.2001, tr. 14
177. ND, 24.04.2001
178. Về chi tiết xem Nguyễn Thanh Giang, TL, tháng 11.2001, tr. 9-13, và N. M. Cần, TK21, tháng 10.2001, tr. 76-78
179. C. Tín, TL tháng 11.2001, tr. 25
180. Nguyễn Thanh Giang, TL, tháng 11.2001, tr. 10
181. N. V. An, trích theo VNDC, tháng 05.2002, tr. 7
182. Trích theo Nguyễn Thanh Giang, TL, tháng 11.2001, tr. 11
183. Lê Chí Quang, TL, tháng 10.2001, tr. 7
184. Phạm Quế Dương, TL tháng 07 và 08.2001, tr. 13
185. Trần Khuê và N. T. Thanh Xuân, TK21, tháng 07.2001, tr. 17
186. H. Vinh, TCCS, số 16, tháng 06.2002, tr. 12
187. Lê Chí Quang, TL, tháng 10.2001, tr. 8
188. N. M. Tường, Un excommunié..., sđd, tr. 85 và T. Ðộ, DÐ, tháng 11.1999, tr. 13
189. Hoàng Tâm, TCCS số 14, tháng 05.2002, tr. 10
190. ND, 24.04.2001
191. ND, 29.03.2001
192. Xem Thiên Trung, TL, tháng 06.1999, tr. 8
193. Nguyễn Khoa Ðiềm, ND, 01.11.2001
194. V. V. Hiền, ND, 20.06.2002
195. Phạm Quế Dương, TL, tháng 07 và 08.2001, tr. 14
196. Trương Mậu, TCCS, 1995, tr.5
197. Jean Jacques Chevallier, État de Droit, Edition Montchrestien, Paris 1999 tr. 71 và 72
198. Ibid, tr. 97
199. N. Manh Tường; Un Excommunié. ; sđd, tr. 84-85 và Nguyễn Văn Trấn, Viết cho Mẹ..., sđd tr. 289-291 (trích đăng lại bài của N. M. Tường)
200. Nguyễn Thanh Giang, TL, tháng 11.2001, tr. 12
201. J. J. Chevallier, État de Droit, sđd
202. Xem Philippe Nemo, Histoires des idées politiques aux temps modernes et contemporains, Ed Puf, Paris 2002, tr. 324-335.
203. ND, 24.04.2001
204. Như ông Ðặng Xuân Kỳ chẳng hạn, TCCS, số 05.1995, tr. 18 và Xã luận TCCS, số 06.1995 tr. 8
205. Xem Ðức Vượng, TCCS, tháng 11.1992, tr. 23
206. Lê Duẩn, Báo Cáo Chính Trị của Ban Chấp hành Trung ương Ðảng tại Ðại hội. . lần thứ IV, NXBS.T, Hà Nội 1977, tr. 133
207. Ðỗ Mười, ND, 21.11.94
208. ÐDTùng, Về con đường xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở Việt nam, NXBS.T, Hà Nội 1991, tr. 72-73
209. Nguyễn Thanh Giang, TL, tháng 11.2001, tr. 10
210. Nguyễn Văn An, TCCS, số 24, tháng 08.2002, tr. 18
211. ND, 24.04.2001
212. Nguyễn Minh Triết, DÐ, tháng 04.2000, tr. 6 (trích dẫn)
213. Dương Thu Hương, Tiểu thuyết vô đề, Văn nghệ xuất bản, California Mỹ, 1991, tr. 237
214. Xem VNDC, tháng 05.2002, tr. 38
215. Phan Văn Khải, TCCS, số 6, tháng 02.2002, tr. 14. Cũng về vấn đề này GS. Ðỗ Nguyên Phương Bộ trưởng Bộ Y tế, cũng thừa nhận "tốc độ chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn", TCCS, số 9 tháng 03.2002, tr. 15
216. TS. Hoàng Việt, NCKT, tháng 04.2002, tr. 27-28. Về vấn đề này xem thêm Nguyễn Mạnh Hùng, TL, tháng 11.2001, tr. 14-18 và tháng 12.2001, tr. 6-9
217. Nguyễn Thanh Giang TL, tháng 12.2002, tr. 16
218. Trần Ðộ, DÐ, tháng 11.1999, tr. 12
219. Thành Tín, Mặt Thật, sđd, tr. 316
220. Hà Sĩ Phu, TL, tháng 03.2001, tr. 8
221. Trích theo Nguyễn Mạnh Sơn, TL, tháng 11.2000, tr. 11
222. Trần Ðộ, DÐ, tháng 07.2000, tr. 15
223. Xem chú thích 107.
224. Tạp chí GÉO, Paris, Jan 1991, tr. 6
225. Le Monde Télévision, Paris, 16.11.2001
226. Xã luận TCCS, số 3, 1995, tr. 3
227. Ðỗ Mười, V.O.V. (Voice of Vietnam) Hà Nội, chương trình Việt ngữ, 08.03.1995
228. Trần Khuê và Nguyễn Thị Thanh Xuân, TK21, tháng 07.2002, tr. 16
229. Nguyễn Chấn, VNDC, tháng 07.2002, tr. 11-12 và bài của Jorg Auf Dem Hövel, Spiegel on line (Ðức) do Trần Hải lược dịch trong VNDC, tháng 06.2002, tr. 28.
230. B. M. Quốc, TL, tháng 02.1995, tr. 9
231. Học viện Chính Trị quốc gia Hồ Chí Minh, Trung tâm nghiên cứu quyền con người, Một số vấn đề về quyền dân sự và chính trị, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, tr. 6
232. Xem toàn văn "Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị" trong quyển sách " Một số vấn đề về quyền. . ", sđd, tr. 251-285. Về vấn đề này nên tham khảo thêm VNDC tháng 02.1996 tr. 11 và tiếp theo; các bài bình luận của Trần Thanh Hiệp, TL, tháng 05.1997 tr. 17-18, và tháng 01.2000, tr. 39-40; bài của Thiên trung, TL, tháng 01.1999 tr. 19-20; và Le Nouvel Etat du monde, (Bilan de la décennie 1980-1990) Édition Découverte, Paris, tr. 303 và tiếp theo;
233. Anh Thơ, TCCS, tháng 07.1993 tr. 44 và 47
234. Ðỗ Mười, DÐ, tháng 07.1994, tr. 18
235. Kofi Annan, theo Ðài RFI, Paris 10.12.2001, (chương trình Việt ngữ)
236. T. Mô, Tạp chí Quốc Phòng toàn dân, tháng 11.1995 do DCPT trích dẫn, số 6, 1999, tr. 20. Gần đây ông Ðoàn Viết Hoạt cũng có 1 nhận xét tương tự, xem TK21, tháng 04.1999, tr. 58
237. TCCS, số 01.1994, tr. 61
238. L. X. Lưu, TCCS, tháng 04.1993
239. T. Ð. Lương trích theo VNDC, tháng 01.2001, tr. 39
240. Hà nội mới, 01.04.2002. Xem ‘"Thư ngõ gửi ông Nguyễn Khoa Ðiềm" của Nguyễn Thanh Giang về vấn đề này, VNDC, tháng 06.2002, tr. 13
241. Võ Nguyên Giáp, TCCS, số 25, tháng 09.2002, tr. 9
242. V. H. Cương, TL, tháng 01.2001, tr. 26
243. Về sự đàn áp của nhà cầm quyền Hà Nội trước đó, xem N. M. Cần "ÐCSVN qua những biến động. . ", sđd, tr. 212-221
244. N. V. Bình, VNDC, tháng 08.2002, tr. 4-5
245. Nguyễn Thanh Giang, TL, tháng 09.2002, tr. 8
246. Nguyễn Ðan Quế, TL, tháng 02.2002, tr. 7
247. Xem VNDC, tháng 08.2002
248. Xem TL, tháng 09.2002, tr. 4
249. Xem báo cáo của Abdelfattah Amor, Commission des Droits de l"Homme (55ème session) Droits civils et politiques notamment: intolérance religieuse, Nations Unies, Commission économique et sociale. E/CN, 4/1999/58/AD D2.29.12.1998
250. Trần Thanh Hiệp, TL, Tháng 05.2000, tr. 20 và 22
251. Xem VNDC, tháng 04.2001, tr. 35
252. Xem VNDC, tháng 08.2002, tr. 37
253. Xem VNDC, tháng 06.2002, tr. 39 và RFI, Paris 28.05.2002 (chương trình Việt ngữ)
254. N. Hữu Thọ, Saigon Giải Phóng, 25.09.1988
255. T. X. Bách , ND, 27.10.1988
256. Phan Ðình Diệu, tạp chí Ðoàn Kết, Paris số 424, tháng 06.1990, tr. 28-29. . Cùng xem TCCS, tháng 02.1990, tr. 41-42.
257. Trần Khuê và Nguyễn Thị Thanh Xuân, TK21, tháng 07.2001, tr. 18
258. Bùi Ngọc Tấn, DÐ, tháng 11.2001, tr. 9
259. Trần Dũng Tiến, theo trích dẫn của Lê Chí Quang, DÐ, tháng 10.2001, tr. 19
260. Trần Ðộ, TL, tháng 03.2001, tr. 14
261. Trần Ðộ, DÐ, tháng12.2001, tr. 12
262. ND, 24.04.2001
263. Lê Khả Phiêu, TCCS, số 3, tháng 02.1998, tr. 7
264. N. Ð. Mạnh, ND, 04.03.2002
265. N. Ð. Mạnh, VNDC, tháng 04.2002, tr. 22 (trích dẫn)
266. T. Q. Ðược, TCCS, số 4 và 5, tháng 02.2002, tr. 18
267. ÐCSVN, Văn Kiện Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 8, sđd, tr. 44 và 71
268. ND, 24.04.2001
269. Phạm Ngọc Quang, TCCS, số 18, tháng 09.20 tr. 39
270. Phan Chu Trinh, do Nguyễn Thanh Giang trích dẫn, TL, tháng 11.2001, tr. 11
271. Trần Khuê và Nguyễn Thị Thanh Xuân, TK21, tháng 07.2001, tr. 21
272. Nguyễn Thanh Giang, TL, tháng 02.2002, tr. 7
273. Xem DÐ, tháng 06.2000, tr. 12
274. Lê Khả Phiêu, TCCS, số 17, tháng 09.1999, tr. 6
275. Le Nouvel Observateur, Paris 1-7 juin 2000
276. Nguyễn Ðan Quế, TL, tháng 02.2002, tr. 7
277. N. V. Bình, VNDC, tháng 08.2002, tr. 4-5
278. Về kiến nghị của 17 người đề ngày 06.07.2002, xem VNDC, tháng 08.2002. Về bức thư của 21 người gửi cho Quốc hội đề ngày 02.08.2002, xem TL, tháng 09.2002, tr. 2-5
_______________________________________________________________

Kết luận

Trong các chương trên chúng tôi đã phân tích riêng rẽ các khía cạnh của "đổi mới" kinh tế và "đổi mới" chính trị. Tuy nhiên, trong thực tế thì hai loại "đổi mới" này có quan hệ chặt chẽ với nhau, ảnh hưởng lẫn nhau một cách biện chứng. Sự phụ thuộc lẫn nhau giữa chính trị và kinh tế cũng là đặc điểm của mọi chế độ độc đảng.(1)
Nhìn chung, trong hơn 15 năm qua, chúng ta thấy về mặt kinh tế thì có "cởi trói" phần nào, tuy còn là nữa với, nhưng về mặt chính trị thì hệ thống chính trị vẫn còn bị "đông lạnh" về cơ bản, tuy cũng có một số thay đổi ở ngoại vi. Hiện tượng "đông lạnh" chính trị này, đến lượt nó góp phần kìm hãm "đổi mới" kinh tế. Ðó là quan hệ biện chứng giữa chính trị và kinh tế.
Về vấn đề này, cần nhấn mạnh một điều là, trái với dự đoán của một số người (cả Việt Kiều lẫn các nhà quan sát ngoại quốc), cải tổ kinh tế không tự động dẫn đến mở rộng tự do về mặt chính trị, ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc. Trong trường hợp Việt Nam, một nhà quan sát Pháp đã nhận xét rằng chính quyền Hà Nội một mặt thì cố gắng cải tổ kinh tế để thu hút viện trợ, ngoại thương và đầu tư ngoại quốc cần thiết cho tăng trưởng kinh tế, nhưng mặt khác vẫn cưỡng lại những áp lực của các nước tư bản yêu cầu Việt Nam thực hiện dân chủ đa nguyên và tôn trọng nhân quyền (2). Tuy nhiên, sự phân đôi (dichotomy) quá trình "đổi mới" như ÐCSVN đang làm hiện nay không thể nào kéo dài mãi mãi được. Bởi vì theo quy luật biện chứng như đã nói bên trên, đến một lúc nào đó nếu không đẩy mạnh cải tổ chính trị hơn nữa thì cải tổ kinh tế sẽ bị kìm hãm dần dần, thậm chí có thể bị tắc nghẽn. Và hiện tượng này đã bắt đầu xảy ra hồi đầu năm 1997. Lúc đó, công cuộc "đổi mới" kinh tế, vốn đã nửa vời, lại giẫm chân tại chỗ vì nó chạm phải một số chướng ngại vật có tính cách chính trị - ý thức hệ của ÐCS, do đó tăng trưởng kinh tế bị khựng lại trong một thời gian.

Từ mấy năm nay đã có một số người sáng suốt ở trong nước đề nghị rằng, để khai thông hoàn toàn con đường phát triển kinh tế, để có tăng trưởng kinh tế cao và bền vững thì cần phải có một "đột khẩu phá" về mặt chính trị theo hướng dân chủ hóa thật sự đất nước.
Ông Trần Ðộ, cách dây hơn 3 năm, trong một bài tham luận gởi cho các lãnh đạo ÐCS và Nhà nước đã nhận xét như sau:
"...chúng ta gần như chỉ có một phương án (phát triển kinh tế -VNT), và phương án này được coi là độc tôn chỉ vì đó là phương án của Ðảng... không ai được thảo luận một cách tự do về phương án duy nhất (nầy)..., Tôi tin rằng trong nhân dân ta, nhất là trong giới trí thức (kể cả trong và ngoài nước), có rất nhiều ý kiến hay mà nếu được nói lên, được cọ sát với nhau, được tranh cãi tự do thì sẽ phá vỡ được sự bế tắc về trí tuệ, do đó sẽ có lợi cho việc tìm kiếm một con đường đi thích hợp cho đất nước... Nói cách khác,... gánh nặng độc tôn còn đè nặng lên đầu óc con người; những ý kiến khác với chính thống bị coi là chống đối, đó chính là một trong những nguyên nhân quan trọng đưa tới tình trạng gần như tắc tị về chiến lược phát triển hiện nay (...).
Trong nhiều Nghị quyết của Ðảng cũng có nói tới "cải cách chính trị" đi đôi với "cải cách kinh tế". Và có nói thêm "cải cách kinh tế đi trước" rồi sẽ tiến hành "cải cách chính trị" nhưng lại thấy mất tăm; thay vào đó là "cải cách hành chính" mà suốt nhiều năm qua vẫn chưa đi tới đâu.
Theo tôi, cải cách kinh tế hiện nay đang đòi hỏi phải có cải cách chính trị một cách mạnh mẽ (theo hướng dân chủ hóa thật sự - VNT) và nếu không có cải cách chính trị thì cải cách kinh tế sẽ bế tắc (tác giả nhấn mạnh)"(3)
Ở một đoạn khác, ông Ðộ còn viết: "Tình hình đất nước đang đòi hỏi dân chủ hóa một cách bức thiết. Tôi không nói rằng dân chủ là thuốc trị bách bịnh; còn phải làm những việc khác nữa mới đưa đất nước lên con đường phát triển..., mới rữa được cái nhục nghèo khổ và tụt hậu. Nhưng dân chủ hóa là điều kiện không thể thiếu, điều kiện đầu tiên để đảm bảo sự phát triển của đất nước. Khi người dân không có tự do tư tưởng, tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do lập hội... thì mọi bàn luận về sự phát triển đất nước và hiện đại hóa... chỉ là vô ích. Bởi vì... chỉ có những quyền tự do này mới tạo nên được sức mạnh trí tuệ toàn dân tộc, và chỉ có sức mạnh này mới đưa tới sự phát triển của đất nước" (tác giả nhấn mạnh) (ibid).
Hiện nay, những nhận xét trên đây vẫn còn giá trị hoàn toàn.
Ngoài ông Trần Ðộ ra, nhiều người trong nước cũng nói đến quan hệ biện chứng giữa chính trị và kinh tế, giữa dân chủ và phát tiễn như BS. Nguyễn Ðan Quế chẳng hạn(4). Một số nhà quan sát và ký giả ngoại quốc am hiểu tình hình Việt Nam cũng đã có nhận xét tương tự(5).

Về mặt lý thuyết thì đã có nhiều tài liệu nghiên cứu về quan hệ gắn bó chặt chẽ, qua lại giữa tự do, dân chủ và phát triển kinh tế. Năm 1992, nhà kinh tế học John F. Helliwell chẳng hạn cho rằng tự do, dân chủ và nhân quyền là điều kiện cần thiết để nâng cao mức sống của người dân và đưa đất nước tiến lên phồn vinh. Về ngắn hạn thì ảnh hưởng trực tiếp của tự do, dân chủ đối với tiến bộ kinh tế có thế là không đáng kể. Nhưng về dài hạn thì tự do dân chỉ góp phần nâng cao văn hoá, giáo dục, đầu tư và do đó gián tiếp giúp cho kinh tế phát triển(6).
Năm 1994, ba nhà kinh tế học ngoại quốc đã viết một bài khá dài trong tuần báo The Economist tựa đề là "Dân chủ và Tăng Trưởng", và họ đã kết luận rằng: "nền dân chủ (đa nguyên) củng cố tự do kinh tế, và do đó trở thành nền tảng của sự tăng trưởng (kinh tế)"(7).
Gần đây, nhà kinh tế học Anh gốc Ấn Ðộ, GS. Amartya Sen, giải thưởng Nobel kinh tế năm 1998, cũng nhấn mạnh rằng: "thật ra, có những nhà nghiên cứu... đã đem lại nhiều bằng chứng cho thấy rằng quyền công dân và quyền chính trị (tức là quyền tự do dân chủ - VNT) có tác dụng tích cực đối với tiến bộ kinh tế" (8). Lấy một ví dụ cụ thể để minh họa sự liên hệ giữa dân chủ đa nguyên và không có nạn đói chẳng hạn, GS. A. Sen viết: "tại sao lại phải giả thiết là có một mối liên hệ giữa dân chủ (đa nguyên - VNT) với sự không có nạn đói xảy ra? Trả lời rất dễ. Nạn đói đã giết hại hàng triệu con người trong nhiều nước trên địa cầu, nhưng không hề giết (những người lãnh đạo) ở các nước đó... và miễn là không có tuyển cử (tự do), không có đảng phái đối lập, không có chỗ cho người ta tự do phê bình công khai thì chính quyền không bao giờ phải gánh chịu hậu quả chính trị về việc họ bất tài, bất lực không ngăn chặn nổi nạn đói. Trái lại, trong một nền dân chủ (đa nguyên) thì các nhóm cầm quyền... cũng phải trả cái giá cho nạn đói đó.
Ngoài ra, còn có vấn đề thông tin nữa. Báo chí tự do, và nói một cách tổng quát hơn thực thi dân chủ (đa nguyên) đóng góp lớn vào việc phổ biến thông tin có tính cách quyết định trong chiến lược ngăn chặn nạn đói (...). Tôi cho rằng tự do báo chí và đối lập chính trị tích cực là phương cách báo động hữu hiệu nhất trong một nước bị nạn đói đe dọa".(9)
Trong một bài phỏng vấn của tờ báo Yomiuri tại Tokyo hồi tháng 02.1999, GS. Sen nói rõ thêm về quan hệ giữa dân chủ đa nguyên và phát triển kinh tế như sau:
"Ðể phát triển kinh tế, dân chủ (đa nguyên) đóng vai trò quan trọng vì ba lý do:
1. Dân chủ đem lại cho mọi người dân trong một nước quyền tự do chính trị và các quyền lợi phát huy khả năng của mọi người.
2. Dân chủ đem lại động cơ chính trị khiến chính phủ mỗi nước phải đáp ứng các yêu cầu của quốc dân vì chính phủ phải tiếp nhận các lời phê bình từ các đảng đối lập, từ các cơ quan thông tin, từ Quốc hội vì chính phủ không muốn thất bại trong các cuộc tuyển cử (tự do), nên chính phủ buộc lòng phải xem các nổi khốn khó của dân chúng là nổi khốn khó của chính mình. Vì vậy, dưới chế độ dân chủ (đa nguyên) không xảy ra nạn đói. Nạn đói chỉ xảy ra ở Ấn Ðộ dưới thời thực dân, ở các xứ độc tài quân phiệt hay độc tài do một dảng duy nhất cầm quyền.
3. Việc được tự do bàn bạc và trao đổi ý kiến là một điểm quan trọng của dân chủ. Nếu không được nghị luận rộng rãi, công khai, người ta khó lòng quyết định thứ tự ưu tiên của chính sách một cách đầy lý tính bằng những thủ tục hợp pháp được".(10)
Gần đây hơn, khi trả lời phỏng vấn của tạp chí Vietnam Economic Times hồi tháng 03.2002, ông Joseph Stiglitz, giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2001, cũng nhấn mạnh là phát triển không chỉ là tăng Tổng Sản Phẩm quốc nội (GDP) mà còn là tạo dựng một xã hội tốt đẹp hơn, một xã hội dân chủ thật sự và công bằng. Ông nói: "sự phát triển bền vững, (về mặt kinh tế), dân chủ (về mặt chính trị), công bằng (về mặt xã hội) có ý nghĩa bao quát hơn" (11) tăng trưởng kinh tế thuần túy.
Cố Tổng thống Pháp Francois Mitterrand đã từng nói: "Tự do (dân chủ) đi đôi với phát triển"(12) và cựu Tổng thống Nam Hàn Kim Ðại Trung cũng nhấn mạnh: "Dân chủ (đa nguyên) và phát triển phải đi đôi với nhau" (13). Cựu Tổng thống Mỹ, Bill Clinton, trong bài diễn văn tại Ðại Học Quốc Gia Hà Nội hồi tháng 11.2000 cũng cho rằng dân chủ thật sự là động cơ chính đáng để phát triển kinh tế.
"Tuyên ngôn về quyền được phát triển" (Dec1aration on the Right to Development) do Ðại hội Ðồng Liên Hiệp Quốc biểu quyết hồi năm 1986 đã long trọng xác nhận là việc không tôn trọng các quyền dân sự chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá là ngăn trở sự phát triển.(14)
Năm 2000, trong bản báo cáo hằng năm của "Chương Trình Phát Triển của Liên Hiệp Quốc" (UNDP) người ta cũng nhấn mạnh rằng tự do, dân chủ tôn trọng nhân quyền là điều kiện cần thiết cho sự phát triển kinh tế, và quốc gia nào muốn có tăng trưởng kinh tế bền vững đều phải có dân chủ thật sự và tôn trọng nhân quyền.(15)
Bên phía các nước cựu XHCN Ðông Âu, nhà kinh tế học nổi tiếng Hungari, GS. Janos Kornai, một chuyên gia về kinh tế XHCN và hậu XHCN chứng tỏ là cải cách chính trị, chính quyền và ý thức hệ là điều kiện quyết định để mở đường cho các cải cách cơ bản trong các lĩnh vực khác như kinh tế, xã hội và văn hóa(16) (chúng tôi nhấn mạnh - VNT).

Kinh nghiệm của các nước Trung Âu và Ðông Âu cho thấy rằng những nước nào kiên quyết thay đổi một cách dứt khoát hệ thống chính trị cũ bằng một hệ thống chính trị mới như Ba Lan, Hungari, Cộng Hòa Tiệp từ lúc khởi đầu đều thành công, cả về mặt phát triễn kinh tế lẫn tiến bộ dân chủ thật sự về mặt chính trị. Ngược lại, các nước nào chỉ cải cách nửa vời về mặt chính trị và kinh tế thì không thành công cả về hai mặt này(17).
Thiết tưởng tập đoàn lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam nên qua các nước bạn cũ này để tham khảo kinh nghiệm của họ hơn là đi qua Bắc Kinh để, theo lời tuyên bố của cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu, "học tập kinh nghiệm quý báu (?) của việc xây dựng chủ nghĩa xã hội theo kiểu Trung Quốc". (18)

* * *
Sau gần 16 năm "đổi mới", nếu căn cứ vào cả ba khía cạnh ý thức hệ, chính trị và kinh tế - và để đánh giá đúng bản chất của một chế độ toàn trị thì tất nhiên phải xem xét toàn bộ cả ba khía cạnh nầy vì nó gắn bó chặt chẽ với nhau - thì chúng ta có thể khẳng định rằng chế độ Hà Nội hiện nay về cơ bản vẫn là một chế độ XHCN toàn trị chứ không phải đã "từ bỏ XHCN" như một số người (cả Việt Kiều lẫn người ngoại quốc) lầm tưởng.
Do đó, đối sách của những người dân chủ hiện nay là phải đấu tranh để phi xã hội chủ nghĩa hóa nó một cách toàn diện. Nói một cách khác, chúng ta cần phải kiên trì đấu tranh để dân chủ hóa thật sự đất nước, cả về mặt đối nội (chính trị và kinh tế) lẫn đối ngoại (chính sách ngoại giao).
Theo thiển ý của chúng tôi, chương trình hành động tổng quát của những người yêu chuộng tự do, dân chủ trong giai đoạn hiện nay có thể bao gồm năm điểm chủ yếu sau đây:
1. Yêu cầu chính quyền Hà Nội thả ngay những tù nhân chính trị, tôn giáo và sắc tộc, và giải quản những người bị quản chế; đồng thời hủy bỏ nghị định 31/CP.
2. Thực hiện các quyền tự do dân chủ cơ bản đã ghi trong Hiến Pháp 1992, và nhất là trong "Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị", đặc biệt là tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do tôn giáo, tự do hội họp và lập hội; từ bỏ điều 4 của Hiến Pháp 1992; và chấm dứt việc bưng bít thông tin giữa trong và ngoài nước.
3. Mạnh dạn cởi trói khu vực kinh tế tư nhân (nhất là kinh tế tư bản tư nhân); công nhận quyền tư hữu ruộng đất và các tài sản khác.
4. Cùng lúc, cải cách triệt để các doanh nghiệp nhà nước, song song với việc đẩy mạnh cải cách hệ thống ngân hàng như đã đề nghị bên trên.
5. Ðảo ngược hoàn toàn trật tự ưu tiên trong chính sách ngoại giao hiện nay.
Có lẽ về điểm nam này cần nói thêm một vài chi tiết. Trong "Báo cáo chính trị" tại Ðại hội lần thứ 9 (tháng 04.2001), ÐCSVN đã nêu lên trật tự ưu tiên trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam như sau:
 a. "coi trọng và ra sức phát triển quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước XHCN" (tức là Trung Quốc, Cu Ba, và Bắc Hàn - VNT).
 b. "(và) các nước láng giềng" (tức là Cam-Bốt và Lào - VNT).
 c. "từng bước nâng cao hiệu quả của sự hợp tác với các nước... ASEAN".
 d. "củng cố và mở rộng quan hệ với... các nước độc lập dân tộc, các nước đang phát triển ở Châu Á, Châu Phi, Trung Ðông và Mỹ La Tinh".
 e. "thúc đẩy quan hệ với các nước phát triển (tức là các nước tư bản dân chủ như Nhật, Anh, Pháp. Mỹ, Bắc Âu v.v.. - VNT) và các tổ chức (tài chính) quốc tế"(19).

Nhìn vào thứ tự ưu tiên trên đây thì chúng ta thấy nổi bật một điều là sự tréo cẳng ngổng giữa kinh tế đối ngoại và chính sách ngoại giao của chính quyền Hà Nội: Việt Nam tìm đủ mọi cách để thu hút đầu tư ngoại quốc, viện trợ và vay vốn v.v.. từ các nước tư bản dân chủ và các tổ chức tài chính quốc tế nhưng lại đặt tầm quan trọng trong quan hệ ngoại giao với họ ở hàng cuối cùng; ngược lại Việt Nam đặt quan hệ ngoại giao với các nước XHCN toàn trị lên hàng đầu, trong đó trước tiên là Trung Quốc, một nước đã từng "dạy cho Việt Nam một bài học" hồi năm 1979 (Trung Quốc đã tấn công nước Việt Nam anh em hồi tháng 02.1979 và chiếm một số tỉnh cho tới tháng 05.1979 khi bị đánh bại), một nước đã ép Việt Nam phải nhượng cho họ, theo các Hiệp Ðịnh đã ký kết khu vực Ải Nam Quan, thác Bản Giốc và hơn 10.000 cây số vuông ở Vịnh Bắc Bộ, một nước đã và đang làm tràn ngập hàng lậu và hàng thiếu phẩm chất không thể bán được ở Mỹ và Châu Âu, do đó gây nhiều thiệt hại cho công nghiệp và thủ công nghiệp Việt Nam! (20) Quan hệ "hữu nghị, hợp tác" với Trung Quốc là như thế đấy!
Vì vậy cho nên trong điểm năm trên đây chúng tôi chủ trương đảo ngược hoàn toàn trật tự ưu tiên của chính sách đối ngoại của Việt Nam hiện nay, tức là đặt lên hàng đầu quan hệ với các nước dân chủ, tư bản, và đặt ở hàng chót quan hệ với các nước XHCN, độc tài. Làm như vậy tức là góp phần vào việc dân chủ hóa đất nước về mặt ngoại giao.
Nếu về mặt chính trị, kinh tế và ngoại giao những người dân chủ kiên trì gây sức ép tối đa và liên tục để buộc ÐCS và nhà nước thực hiện dần dần năm yêu sách nói trên thì, tới một mức độ nào đó, chúng ta sẽ thấy lượng sẽ biến đổi thành chất tức là sẽ xảy ra hiện tượng mà các nhà triết học chuyên về phép biện chứng (Dialectics) gọi là một sự Thay đổi về chất (Qualitative change).
Ðiều này có nghĩa là hệ thống chính trị - kinh tế của "chủ nghĩa xã hội đổi mới" sẽ phải chuyển sang một hệ thống chính trị - kinh tế hoàn toàn phi XHCN (hoặc phi cộng sản) một cách hòa bình.
Chúng tôi vẫn ý thức rằng ÐCSVN chỉ thực hiện điều này khi tương quan lực lượng giữa họ với đối lập đã thay đổi một cách bất lợi cho họ mà thôi. Những người dân chủ không thể ngây thơ trông chờ tập đoàn lãnh đạo cộng sản tự ý chấp nhận một sự thay đổi triệt để hệ thống chính trị kinh tế hiện nay nếu họ không bị áp lực hết sức mạnh mẽ hoặc nếu không có một biến động gì lớn.
Chúng tôi vẫn nhớ rằng cựu Tổng bí thư Lê Khả Phiêu đã từng tuyên bố là ÐCSVN: "đổi mới nhưng quyết không đổi màu", và không có "khó khăn, thách thức (nào) làm cho (ÐCS) đi chệch con đường tiến lên CNXH" (21) dù rằng về vấn đề này, như Nông Ðức Mạnh đã thú nhận, "còn nhiều câu hỏi (được) đặt ra và công tác lý luận chưa có lời giải đáp".(22)
Một khi xảy ra sự: "thay đổi về chất" như đã nói bên trên thì, dù muốn dù không, các nhà lãnh đạo cộng sản cũng không thể nào chống đỡ được, tức là họ phải "đổi màu" khi tương quan lực lượng đã ngã hẳn về phía những người dân chủ như trường hợp đã xảy ra ở Ðông Ðức khi bức tường Bá Linh sụp đổ chẳng hạn.
Ðể thực hiện chương trình hành động tối tổng quát trên, cần thành lập một Liên Minh (hoặc Mặt Trận) Dân Chủ hết sức rộng rãi bao gồm tất cả các phần tử chính trị và tôn giáo đấu tranh cho dân chủ đa nguyên, cả trong lẫn ngoài nước, bất kể xu hướng chính trị và tôn giáo khác nhau trước đây.
Năm 1995, trong một cuộc hội thảo về Việt Nam ở Sydney (Úc) chúng tôi cũng đã đưa ra một đề nghị tương tự như vậy rồi (23).
Về vấn đề Liên Minh này có một số Việt Kiều cho rằng giới tuyến phân cách giữa bạn và thù là giữa "một tập hợp dân tộc" một bên, còn bên kia là "nhóm phản dân tộc". Nhưng nên hiểu như thế nào là dân tộc một cách cụ thể ở đây? Không lẽ chúng ta coi các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam hiện nay không phải là một thành phần của dân tộc Việt Nam hay sao? Do có sự nhập nhằng đó cho nên, theo thiển ý của chúng tôi, giới tuyến phân cách giữa dồng minh và địch thủ phải là dân chủ, đa đảng một bên, và độc tài độc đảng bên kia, tức là tất cả những người yêu chuộng dân chủ một bên (bao gồm cả những cán bộ, đảng viên bất dồng chính kiến, công khai và thầm lặng) và bên kia là tập đoàn lãnh đạo độc tài và tay sai. Tóm lại, khẩu hiệu dân chủ đối kháng với độc tài có thể là rõ ràng, dứt khoát hơn là khẩu hiệu "dân tộc" chống lại "phản dân tộc".
Sở dĩ cần làm rõ điều này bởi vì nó quyết định chiến thuật liên minh của chúng ta: liên minh với ai, để chống lại ai.
Về chiến thuật này có lẽ chúng ta nên học tập kinh nghiệm đã thành công của nhũng người cộng sản trước đây, tức là:
 a. nên phân định cuộc đấu tranh để dân chủ hóa đất nước thành 3 tuyến: người dân chủ kiên định, người trung gian hoặc thờ ơ, và nhóm lãnh đạo độc tài.
 b. người dân chủ kiên định làm nòng cốt cho Liên Minh Dân Chủ. Ðó là điều kiện tiên quyết dễ tranh thủ, tập hợp các phần tử trung gian, hoặc thờ ơ vào Liên Minh, trên cơ sở một vài điểm đã được thỏa thuận (không nên bắt buộc họ chấp nhận tất cả các quan điểm của những người dân chủ kiên định, trong quá khứ cũng như trong tương lai)
 c. Khi thực hiện được sự đoàn kết rộng rãi toàn bộ lực lượng dân chủ rồi thì chĩa mũi nhọn vào địch thủ chủ yếu duy nhất hiện nay, đó là tập đoàn lãnh đạo cộng sản và tay sai, từ trung ương tới địa phương, và chỉ có họ mà thôi (chứ không đụng chạm gì tới đảng viên bình thường: không nên quơ đũa cả nắm!)

Trong cuộc đấu tranh nầy thì, một mặt, chúng ta phải đoàn kết hết sức rộng rãi với bất cứ ai, kể cả những cán bộ, đảng viên bất đồng chính kiến công khai hoặc thầm lặng và mặt khác, phải phân hóa tối đa hàng ngũ địch để làm họ yếu đi va do đó giảm bớt sức kháng cự của họ.
Ðể gây áp lực tối đa và liên tục đối với địch thủ, những người đối lập có thể áp dụng chiến thuật Bốn Mũi Giáp Công (hai trong, hai ngoài).
1. Ở trong nước:
 a. hoạt động của Liên Minh Dân Chủ là lực lượng chính để tấn công chính quyền trong mọi lĩnh vực (ý thức hệ, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, ngoại giao)
 b. đồng thời Liên Minh Dân Chủ ủng hộ hết tất cả các yêu sách chính đáng của nhân dân lao động (chủ yếu là nông dân) của trí thức, văn nghệ sĩ, thanh niên và sinh viên, phụ nữ và các dân tộc thiểu số, cần gắn liền các yêu sách đó với quá trình dân chủ hóa đất nước, và trong quá trình đấu tranh đó tìm cách nâng cao dần dần trình độ giác ngộ chính trị của nhân dân nói chung.
  Hai mũi tấn công ở trong nước này là chủ lực có ý nghĩa quyết định vì họ phải đương đầu hàng ngày với bộ máy đàn áp khốc liệt ở trong nước. Họ đang và sẽ là những người làm nên lịch sử ở nước ta trong thế kỷ 21 này.
2. Ở ngoài nước:
  a. ủng hộ áp lực của các chính quyền dân chủ ngoại quốc và các tổ chức tài chính quốc tế khi họ đặt điều kiện cần thiết để viện trợ cho Việt Nam; yêu cầu họ không quên nêu lên vấn đề nhân quyền khi họ thương thuyết về viện trợ, đầu tư và buôn bán với Nhà nước Việt Nam
  b. Việt kiều nhiệt liệt yểm trợ cuộc đấu tranh dề dân chủ hóa đất nước ở trong nước cả về vật chất lẫn tinh thần. Và điều kiện để làm việc này có hiệu quả là phải tăng cường đoàn kết giữa Việt kiều với nhau để có thể thống nhất hành động nhằm thực hiện một vài mục tiêu cụ thể trong một thời gian nhất định. Ngoài ra, Việt kiều cũng nên cung cấp đầy đủ và kịp thời các dữ kiện về các vụ đàn áp chính trị và tôn giáo, về vi phạm nhân quyền cho các tổ chức phi chính phủ như Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International), Tổ Chức Quan Sát Nhân Quyền Quốc Tế (Human Rights Watch), Tổ Chức Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters Sans Frontières) v.v.., và tích cực vận động họ tố cáo các hiện tượng nói trên. Cũng nên làm như vậy đối với báo chí, công luận ở nước mà Việt kiều đang cư trú. Việt kiều cũng nên vận động các chính trị gia, dân biểu v.v.. tại địa phương mình bằng nhiều cách (có khi phải có qua có lại) để họ ủng hộ cuộc đấu tranh nhằm dân chủ hóa đất nước ta.
Trong quá trình đấu tranh này, chúng ta cần nhớ tới lời khuyên bảo của nhà ly khai Tiệp, cựu Tổng Thống V. Havel: "hãy gieo hạt và biết chờ đợi! Gieo hạt là tuyên truyền, truyền bá qua nói chuyện, thảo luận, viết báo, viết sách... về quyền dân chủ. Gieo hạt không mệt mỏi, chăm sóc hạt, tưới và xới đất, cây dân chủ sẽ mọc. Khi nó mọc lên rồi, chớ sốt ruột. (Nếu) kéo thân cây lên để (cho nó) lớn nhanh, thân cây sẽ đứt, cây chết! Biết chăm sóc để nó lớn, lớn mãi thành cây cao, sum suê cành lá và hoa quả... Cây dân chủ ở Tiệp Khắc lớn từng ngày qua vận động, giải thích, nâng cao dân trí và đấu tranh... " (24) (chúng tôi nhấn mạnh - VNT).

Con đường đấu tranh để dân chủ hóa đất nước thì, ai cũng biết, là rất gay go gian khổ. Nhưng chắc chắn rốt cuộc thì những chiến sĩ dân chủ sẽ giành được thắng lợi vì tập đoàn lãnh đạo cộng sản dù có ngoan cố tới đâu đi nữa thì cũng không thể nào đi ngược mãi cao trào Dân Chủ đa nguyên của thời đại được (25). Nhà văn Hoàng Tiến đã nói rất đúng là "bây giờ cả thế giới sống trong trào lưu dân chủ thì (nước ta) sống trong cái ốc đảo sao được" (26). Nhất là khi, như Ðức giáo hoàng Jean Paul II đã nhấn mạnh: "Tính toàn cầu của khát vọng tự do, dân chủ là một dấu hiệu đặc thù của thời đại chúng ta".

_______

Chú thích (Kết luận)
1. P. Delalande, le Vietnam face à l"Avenir, sđd, tr. 209-210.
2. Alain S. de Sacy, Vietnam, Le Chagrin de la Paix, Librairie Vuibert, Paris 2002, tr.128.
3. Trần Ðộ, TK 21, tháng 03.1998, tr. 26 và 29.
4. Nguyễn Ðan Quế, tuần báo L"Express, Paris, 25.05.2000, tr. 68.
5. N. Chanda, FEER, May 4, 2000; J. Grant, Financial Times, London, April 17; 1998, và M. Herland, Le Vietnam en mutation, sđd, tr.65.
6. John F. Helliwell, Empirical Linkages Between Democracy and Economic Growth, Working Paper, No 4066, National Bureau of Research, Cambridge,1992.
7. The Economist, (London), Aug. 27 - Sept. 2nd, 1994. (Có thể xem bản tóm tắt của Ðỗ Qúy Toàn, TK.21, tháng 10.1994 tr.13.
8. A. Sen, Le Monde, Paris, 28.10.1998.
9. A. Sen, ibid. Cùng một tác giả, xem L"Economie est unescience morale, Ed. La Découverte, Paris, 1999, tr.35.
10. A. Sen, báo Yomiuri, do Nguyễn Minh dịch trong TL,tháng 04.1999, tr.27.
11. J. Stiglitz, trích theo DÐ, tháng 06.2002, tr. 8.
12. F. Mitterrand, trích theo TK 21, tháng 01.1999, tr. 28.
13. K. Ð. Trung, trích theo TK 21, tháng 04.1998, tr. 51; và đài RFI. , 25.02.1998 (chương trình tiếng Việt).
14. Xem Trần Thanh Hiệp, TL, tháng 01.2000, tr. 41.
15. Báo cáo UNDP ngày 28.06.2000, RFI 29.06.2000 (Chương trình tiếng Việt).
16. J. Kornai, The Socialist System. The Political Economy of Communism, Pronceton University Press, New Jersey, 1992, tr. 568.
17. Tạp chí Le Courrier des Pays de l"Est, No 428-429, Mars-Avril 1998, La Documentation Française, Paris, tr. 6. Cùng xem tạp chí này trong các số 1016 (Juin-Juillet 2001) và số 1026 (Juin-Juillet 2003). Về vấn đề này có thể tham khảo thêm: W. Andreeff (chủ biên), Analyses Economiques de Transition Post - Socialiste, Ed. La Découverte/Roses, Paris, 2001; Bài "Communisme et Post- Communisme en Europe Centrale et Orientale", tạp chí Communisme, France, No 64, 2001; C. Wyplosz, "The years of transformation. Macroeconomic Lessons", tài liệu do Ngân hàng Thế Giới soạn thảo cho hội nghị "ABCDE" hàng năm, 28 & 30.04.1999; S. Fischer & R. Sahay, "The Transition economies after ten years", IMF, Qũy Tiền Tệ quốc tế, số 00/30, 2000.
18. Lê Khả Phiêu, Vietnam Investment Review, March 1-7, 1999.
19. ND 24.04.2001.
20. Về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, một chuyên gia nổi tiếng Pháp, Ông Jean-Luc Domenach, trong quyển sách L"Asie en Danger (Ed. Fayard, Paris, 1998, tr. 260) đã viết như sau: "Bắc Kinh vẫn coi Việt Nam trước hết là một quốc gia thần phục" ("Pékin continue à voir dans le Vietnam,c"est d"abord... un Etat destiné à retrouver sa condition de FÉAL").
21. Lê Khả Phiêu, TCCS, số 4, tháng 02.2000, tr.5.
22. Nông Ðức Mạnh, TCCS, số 6, tháng 02.2002, tr. 5. Cùng xem Nguyễn Ðức Bình, TCCS, số 4, tháng 02.2000, tr.18.
23. Võ Nhân Trí "Chính sách đổi mới hiện nay: phân tích và phê phán", trong Hậu quả 50 năm cầm quyền của tập đoàn cộng sản, Tập hợp Ðồng Tâm Úc Châu ấn hành, Syney, New South Wales (Úc), 1995, tr.53.
24. Thành Tín trích dẫn, Mặt Thật, sđd, tr. 299.
25. J. Attali, Dictionnaire du 2 1ème siècle, Ed. Fayard, Paris, 1998, tr.92.
26. Ðỗ Ðinh Quang Anh Thái trích dẫn, TK21, tháng 09.2002, tr.20.

Paris, tháng 9.2002
_________________________________________________________________
 
Lời bạt

Ðể cập nhật hoá tình hình kinh tế và chính trị ở trong nước, chúng tôi xin bổ sung một vài số liệu và sự kiện quan trọng sau đây:
1. Về mặt kinh tế thì điều đáng chú ý là năm 2002 tốc độ tăng trưởng của Tổng Sản Phẩm Quốc Nội (TSPQN, tức là GDP) là 7% so với năm trước theo số liệu chính thức của Hà Nội (nhưng theo Ngân Hàng thế giới thì chỉ có 6% mà thôi); còn TSPQN bình quân đầu người (GDP/per capita) thì lên tới 439 Ðô la Mỹ năm 2002(1).
Lý do cơ bản của sự tăng trưởng này, theo Thủ tướng Phan Văn Khải, là sự "phát triển của khu vực dân doanh, đi đôi với chính sách kích cầu..., mở rộng thị trường trong nước (...), đồng thời mở thêm được thị trường mới ở bên ngoài (nhờ thực thi Hiệp định thương mại Việt-Mỹ -VNT)"(2).
Bên cạnh kết quả tích cực nói trên, ông Khải cũng thừa nhận rằng tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều mặt yếu kém, những vấn đề bức xúc chưa được giải quyết nổi lên là tăng trưởng GDP thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch... ; đầu tư trực tiếp của nước ngoài giảm nhiều về số vốn mới đăng ký, nhập siêu gần gấp đôi năm trước; bội chi ngân sách chưa giảm; tỷ lệ nợ quá hạn có giảm nhưng còn cao... Trong khi đó chỗ yếu căn bản của kinh tế (là) về chất lượng tăng trưởng; hiệu quả và sức cạnh tranh chưa có chuyển biến tích cực: chi phí sản xuất tăng nhanh, giá thành nhiều sản phẩm và dịch vụ chủ yếu cao hơn nhiều so với giá quốc tế, nhịp độ tăng năng suất lao động giảm,... đầu tư của Nhà nước đạt hiệu quả thấp...
Chương trình cải cách các doanh nghiệp nhà nước, cải cách hệ thống tài chính - ngân hàng tiến hành chậm...
Hội nhập Kinh tế quốc tế chưa chuyển thành nỗ lực phấn đấu khẩn trương của các doanh nghiệp và các ngành, các cấp (...).
Bộ máy Nhà nước và hệ thống chính trị chưa đáp ứng được đòi hỏi của tình hình mới do... hoạt động kém hiệu lực và hiệu quả. Tệ tham nhũng, lãng phí, quan liêu, mất dân chủ vẫn còn nghiêm trọng, đang là điều nhức nhối nhất của toàn xã hội..." (ibid) (chúng tôi nhấn mạnh -VNT).
Một trong những lý do làm tăng nhanh tốc độ tăng trưởng của TSPQN năm 2002 là sự phát triển mạnh mẽ của khu vực kinh tế tư nhân (bao gồm kinh tế cá thể - tiểu chủ ở nông thôn và thành thị + kinh tế tư bản tư nhân).
Trong ba năm qua, số doanh nghiệp tư nhân đã tăng khá nhanh; và tới cuối năm 2002, con số này lên tới 92.850 đơn vị (3). Tuy nhiên phải nói rõ rằng "trong 10 năm qua (1991-2000) (tỷ trọng của) khu vực kinh tế tư nhân (trong TSPQN) bị giảm" (4) thay vì tăng lên như người ta trông chờ với chính sách "đổi mới" kinh tế (chúng tôi nhấn mạnh - VNT). Còn theo "Niên giám thống kê 2001 "mới xuất bản gần đây thì trong thời gian 1995-2001, tỷ trọng của khu vực kinh tế tư nhân trong TSPQN cũng giảm đi từ 39,14% năm 1995 xuống còn 35,9% năm 2001 (trong đó tỷ trọng của kinh tế tư bản tư nhân là 3,77% và của kinh tế cá thể - tiểu chủ là 32,13%) (5). Một điều đáng chú ý nữa là, như TS. Lê Xuân Bá, phó Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương đã nhận xét " số lượng doanh nghiệp bình quân đầu người (của khu vực kinh tế tư nhân) ở nước ta còn quá nhỏ, khoảng 40-50 người mới có một doanh nghiệp... trong khi ở nhiều nước chỉ khoảng 10 người đã có một doanh nghiệp. Số người bỏ vốn thành lập doanh nghiệp chưa phải đã nhiều..., còn có sự bất bình đẳng và phân biệt đối xử (ví dụ trong vay tín dụng, thuê đất...) nên sự cạnh tranh của kinh tế tư nhân còn thấp"(6).
Ðể tránh hiểu lầm, có lẽ cần nói rõ thêm ở đây là tuy ÐCS hiện nay khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân, điều này không có nghĩa là họ muốn tư nhân hoá toàn bộ nền kinh tế Việt Nam. ÐCS nhấn mạnh là nếu làm như vậy thì sẽ "mở đường cho kinh tế tư bản chi phối nền kinh tế quốc dân, tạo đà cho nền kinh tế Việt Nam phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa, chống lại định hướng xã hội chủ nghĩa".
Sau một năm thực thi Hiệp định thương mại Việt-Mỹ, chính quyền Hà Nội vẫn phải đối đầu với nhiều khó khăn nan giải. Ngay từ lúc Hiệp định này bắt đầu có hiệu lực (ngày 10.12.2002), mức đánh thuế trên hàng hoá của Việt Nam vào Mỹ đã giảm từ 40% xuống còn 3%, và điều này đã làm gia tăng 1,3 tỷ US$ hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ, tức là một sự tăng trưởng 127% so với năm trước (7). Phía Mỹ thì họ phàn nàn là "Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ tất cả các cam kết liên quan đến tính minh bạch, đầu tư và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ" như đại sứ Mỹ ở Hà Nội đã tuyên bố trong một cuộc họp báo ngày 06.12.2002 (8). Ông này còn nói thêm là việc không thi hành các điều khoản trong Hiệp định này sẽ khiến cho Việt Nam không thu hút được các đầu tư có chất lượng cao với hình thức chuyển nhượng về kỹ thuật hữu ích cho sự phát triển của Việt Nam (ibid).
Việc thực hiện thành công hay không Hiệp định này cũng sẽ là một thử nghiệm đo lường ý chí và khả năng hội nhập "Tổ chức thương mại thế giới" (WTO) của Việt nam.
Nếu nhìn vào năm lĩnh vực chính được nêu trong Hiệp định thương mại Mỹ-Việt (tiếp cận thị trường, thương mại dịch vụ, quyền sở hữu trí tuệ, đầu tư và tính minh bạch trong cơ chế thương mại) thì người ta thấy rằng Việt Nam chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng để có thể cạnh tranh trên thị trường thế giới, và đang bị lôi vào thị trường này với nhiều bất lợi trong dài hạn.
Trong quan hệ Việt Nam với khu vực tự do thương mại của các nước ASEAN thì, theo sự thú nhận của một chuyên viên ở Hà Nội, "cho đến (tháng 12.2002), tuy đã bảy năm thực hiện lịch trình cắt giảm thuế theo CEPT (Hiệp định ưu đãi thuế quan có hiệu lực chung - VNT) nhưng nhìn chung các doanh nghiệp (mà trong đó đa số là doanh nghiệp nhà nước - VNT) còn chưa nhận thức được hết tính chất quyết liệt của cuộc cạnh tranh có thể dẫn họ đến nguy cơ bị mất thị trường ngay trên thị trường nội địa, và cũng không phải dễ dàng tăng được thị phần trên thị trường các nước ASEAN" (9). Và trong năm 2003, theo lộ trình mà Việt nam đã cam kết khi tham gia AFTA, Việt Nam phải cắt giảm thuế nhập khẩu hàng loạt mặt hàng xuống còn 20% và tiếp tục giảm đến mức cuối cùng là chỉ còn 0-5% vào năm 2006 (danh mục hàng hoá này bao gồm các sản phẩm thông dụng hiện đang được bảo hộ với thuế suất cao trung bình là 40-50%). Trong năm 2003, Việt Nam cũng phải loại bỏ các hoàng rào bảo hộ phi thuế quan đối với những mặt hàng như phân bón, xăng dầu, sắt thép v.v.. Ðiều tất yếu sẽ xảy ra là khi các rào cản thương mại được gỡ bỏ thì trên thị trường hàng hoá sẽ có nhiều lựa chọn hơn cho khách hàng và đồng thời giá cả sẽ giảm đi. Nhưng ngược lại, đối với các doanh nghiệp Việt Nam, câu hỏi "tồn tại hay không tồn tại" sẽ được đặt ra một cách gay gắt. Xin lưu ý là cán cân thương mại của Việt Nam trước khi đối mặt với thách thức của thuế suất AFTA năm 2003, đã bị thường xuyên thâm hụt trên 1,5 tỷ US$/năm rồi.
Hiện nay ở Việt Nam đã phát sinh nỗi lo sợ là khi thực hiện AFTA một số công ty nước ngoài sẽ đóng cửa nhà máy của họ hiện nay ở Việt Nam để tập trung và hợp lý hoá sản xuất tại một nước khác trong khu vực có nhiều lợi thế hơn. Kịch bản này sẽ có nhiều khả năng xảy ra trong ngành công nghiệp đồ điện và điện tử chẳng hạn (9). Nhìn chung thì, theo báo cáo hàng năm của Ngân hàng thế giới công bố hồi tháng 11.2002, kinh tế Việt Nam phải đối đầu với ba thách thức lớn hiện nay.
Thách thức thứ nhất là sự bất bình đẳng, chênh lệch giàu nghèo trong xã hội đang tăng lên cùng với sự phát triển kinh tế. Những thành quả đạt được về giảm nghèo trong thập niên vừa qua còn rất mong manh, hàng triệu người có thể rơi trở lại vào cảnh nghèo khó, đặc biệt là ở nông thôn. Trong khi đó thì ở các thành phố lớn đã hình thành một tầng lớp người đạt mức tiêu chuẩn giàu của thế giới. Ông Martin Rama, kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới nhận xét rằng: "Chuyện này sẽ là bình thường nếu như họ giàu lên bằng con đường chính đáng... Phải xem xét lại việc làm giàu không chính đáng của một số người này (ám chỉ tư sản đỏ - VNT)".
Thách thức thứ hai là sự thực hiện cải tổ cơ cấu trong các lĩnh vực doang nghiệp nhà nước, ngân hàng, thương mại không đúng như những cam kết của chính quyền Hà Nội đối với các tổ chức tài chính quốc tế.
Thách thức thứ ba là khả năng quản trị kém cỏi của Nhà nước trong lĩnh vực tài chính công cộng, nhất là quản lý chi tiêu công cộng và đầu tư công cộng. "Quản lý Nhà nước tốt hơn (trong lĩnh vực này) chính là yếu tố cơ bản để tạo sự tăng trưởng (kinh tế) bền vững trong trung hạn", ông K. Rohland, giám đốc Ngân hàng thế giới ở Việt Nam đã khẳng định như vậy(10).
Ðiều đáng lưu ý là dù với một sự tăng trưởng khá cao của TSPQN năm 2002 như đã nói bên trên, "Việt Nam vẫn (còn) là một nước nghèo, thua kém nhiều nước xung quanh về tính độ phát triển kinh tế và công nghệ" như Thủ tướng Phan Văn Khải đã thừa nhận(11).
Trong một cuộc phỏng vấn hồi tháng 05-2002, Ðại tướng Võ Nguyên Giáp cũng khẳng định: "Nếu không có đổi mới mạnh mẽ, còn giáo điều, bảo thủ (...) thì tụt hậu sẽ còn kéo dài so với các nước trong khu vực" (12). Và đến cuối năm 2002, khi đến dự đại hội cựu chiến binh, ông Giáp cũng cho rằng giả thử TSPQN có tăng 7,5% mỗi năm đi nữa thì đến năm 2020 Việt Nam vẫn còn thua Thái Lan 30 năm!(13).
Một nhà kinh tế Pháp am hiểu tình hình Việt Nam cũng nhận xét rằng dù TSPQN có tăng trên 7% mỗi năm đi nữa thì còn lâu Việt Nam mới có thể đạt trình độ phát triển của các nước khác trong khối ASEAN như Thái Lan hoặc Malaixia(14).
Nếu lấy Tổng Sản Phẩm Quốc Gia / đầu người (GNP/per capita) của Việt Nam là 420 US$ và của Thái Lan là 1.930 US$ (năm 2001, theo số liệu của Ngân hàng thế giới), và với giả thuyết dân số Việt Nam gia tăng 1,35% mỗi năm và đồng tiền Việt Nam mất giá khoảng 1,62% đối với đồng Mỹ Kim như hiện nay thì, theo GS. Nguyễn Quốc Khải (đại học John Hopkíns) "Việt Nam phải cần tới 40 năm nữa mới đạt được mức lợi tức (gần) 2.000 US$/năm như Thái Lan bây giờ"!(15).

2. Về mặt chính trị, sự kiện nổi bật nhất là vào cuối năm 2002, ÐCSVN và Nhà nước đã tăng cường đàn áp các chiến sĩ dân chủ ở trong nước.
- Luật sư Lê Chí Quang bị bắt hồi tháng 02.2002, và bị toà xử án 4 năm tù giam và 3 năm quản chế ngày 08.11.2002 vì "tội tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa".
Một ngày trước hôm xử, một sĩ quan công an đã tiết lộ rằng: ‘"Thằng (sic) Lê Chí Quang cực rắn, cực ngoan cố, nó không nhận bất cử tội lỗi gì, nó cứ khăng khăng là nó vô tội..."(16). Nhưng khi được chất vấn trước toà ngày xử thì anh Quang có vẻ ngơ ngác, có mọi triệu chứng của một người đã bị tiêm thuốc an thần. Anh chỉ nhìn nhận có viết những bài tham luận phê phán chế độ, có liên lạc bằng điện thư với các bạn ở nước ngoài, và khẳng định rằng ‘"đó là những việc làm hợp pháp" và xác định là mình vô tội. Toà đã xử anh đúng như bản án đã quyết định trước. Tuy bị bệnh khá nặng nhưng LS. Quang không được đưa đi bệnh viện, do đó tính mạng anh hiện nay đang bị đe doạ trầm trọng.
Trước, trong và sau phiên toà nói trên đã có hàng trăm bài báo lên án quyết liệt bản quyết định của phiên toà là chống Hiến pháp, chống "Công ước quốc tế" mà Việt Nam đã ký kết, là phản đạo lý nhân văn v.v...
- Ngày 20.12.2002, toà án Hà Nội đã tuyên án cựu chiến binh Nguyễn Khắc Toàn (bị bắt hồi tháng 01.2002) 12 năm tù về "tội" giúp đồng bào viết đơn khiếu nại và về "tội gián điệp".
Về "tội gián điệp" thì cả luật sư lẫn bị cáo thách thức toà trưng bằng cớ: gián điệp cho nước nào? nhận tiền của ai? bao giờ? Nhưng Viện kiểm soát nhân dân không trả lời được mà chỉ viện dẫn điều 81 Bộ luật hình sự theo đó bị coi là gián điệp, là những ai cung cấp thông tin để nước ngoài sử dụng chống lại Nhà nước XHCN. Viện kiểm sát nhân dân đã đưa ra bốn "chứng cớ phạm tội":
1- Nguyễn Khắc Toàn thường lui tới những nơi đồng bào tập trung để khiếu nại nhằm lấy tin tức. Tuy nhiên toà không trả lời được chất vấn của Luật sư là tại sao đến những nơi đó là một hành động phạm pháp.
2- Nguyễn Khắc Toàn đã sao chụp nhiều bài viết của những người đối lập như bài của Trần Ðộ, Nguyễn Thanh Giang v.v... Nhưng toà không trả lời được chất vấn là nếu những bài này là phạm pháp thì sao không truy tố người viết mà lại truy tố người đọc và sao chụp.
3- Nguyễn Khắc Toàn đã mở trương mục ngân hàng "để nhận tiền từ nước ngoài..." nhưng chính toà cũng thừa nhận rằng anh Toàn "chưa nhận được gì cả". Toà không trả lời được chất vấn của Luật sư là trương mục này chưa nhận được một số tiền nào cả thì dựa vào đâu để nói rằng nó được mở ra để nhận tiền từ nước ngoài.
4- Nguyễn Khắc Toàn đã trao đổi một số điện thư với một phụ nữ thuộc một tổ chức Việt kiều tên là "Liên Minh Việt Nam Tự Do". Nhưng toà không nêu ra được một thông tin nào có hại cho Nhà nước.
Mặc dù phía bị cáo đã đưa ra những lý lẽ không bác được, chánh án sau cùng vẫn đọc một bản án đã được quyết định từ trước: 12 năm tù và ba năm quản chế! Khi toà vừa tuyên án, anh Toàn hô to: "Phi lý! Phi lý!", nhưng lập tức bị công an khoá tay lại lôi đi.(17)
Ðiều cần nói thêm là trong lúc bị giam cầm, chính quyền không cho anh được trở về nhìn mặt thân phụ lần cuối trước khi chôn cất, bất chấp truyền thống lâu đời của dân tộc.
Chỉ một giờ sau khi biết được bản án này, các hãng thông tấn thế giới đã đồng loạt thông tin và đánh giá phiên toà này chỉ là môt hành động đàn áp chính trị thô bạo. Hai tổ chức Amnesty International và Human Rights Watch đã lên án mạnh mẽ điều mà họ gọi là một đợt đàn áp quy mô.
- Ngày 28.12.2002 ông và bà Phạm Quế Dương bị công an bắt tại nhà ga Sài Gòn. Liền ngày hôm sau đến lượt ông Trần Khuê cũng bị công an ập vào nhà bắt, sau khi lục soát nhà và tịch thu nhiều hồ sơ cá nhân. (Xin nhắc lại là ông Phạm Quế Dương và ông Trần Khuê là hai phát ngôn viên của "Nhóm dân chủ" thành lập hồi tháng 08.2002).
Chính quyền Hà Nội buộc tội cựu đại tá Phạm Quế Dương đã cấu kết với một ‘"tổ chức phản động" nước ngoài nhờ thế con gái và cháu ngoại ‘"đã được bọn phản động" (sic) đưa ra nước ngoài nuôi dưỡng. Cáo buộc này là rất thô bỉ vì cả con gái và cháu ngoại của ông Dương đều đã được chính quyền cấp giấy thông hành cho đi du học và cả hai đều tự kiếm tiền sinh sống bằng những công việc bình thường của các sinh viên không có lợi tức như giữ trẻ em, người già, giúp việc cho tiệm ăn v.v..
Ông Phạm Quế Dương là nhân vật cao cấp nhất của chế độ cộng sản đã bị bắt giam vì vận động dân chủ hoá đất nước. Lập trường của ông là đấu tranh nhằm thiết lập một thể chế dân chủ đa nguyên bằng phương pháp hoà bình. Ông đã tích cực vận động lên án chính quyền Hà Nội ký hai Hiệp định Việt - Trung, tố giác hành động thô bạo của ÐCS trong đám tang Tướng Trần Ðộ, và bênh vực các nhà trí thức trẻ đối lập bị bắt giam như Lê Chí Quang, Phạm Hồng Sơn, Nguyễn Vũ Bình, Nguyễn Khắc Toàn. Tư cách, trình độ và sức thu hút của ông đã khiến ông trở thành người lãnh đạo của phong trào đấu tranh cho dân chủ thật sự ở trong nước.
Cũng như ông Phạm Quế Dương, nhà nghiên cứu Trần Khuê chủ trương đấu tranh cho một nền dân chủ đa nguyên bằng phương thức bất bạo động. Ông Khuê bắt đầu dấn thân đấu tranh cho dân chủ từ 1999 và lập tức trở thành một khuôn mặt lớn của phong trào dân chủ với các bài ‘"Ðối thoại 1999", ‘"Ðối thoại 2000", ‘"Ðối thoại 2001". Ông đã từng tuyên bố: ‘"chế độ này là một liên minh ma quỷ, để chống lại nó phải có một liên minh thần thánh... ". Hiện nay, ông là linh hồn của cuộc vận động dân chủ ở miền Nam. Ông bị bắt ngày 29.12.2002 và bị truy tố về tội danh ‘"tuyên truyền chống Nhà nước xã hội chủ nghĩa"(18).
- Ngày 22.01.2003 đến lượt ông Trần Dũng Tiến, đảng viên kỳ cựu, từng là cận vệ của ông Hồ Chí Minh, cũng bị công an bắt trong lúc đang làm photocopy một bài kêu gọi những người yêu chuộng tự do, dân chủ hãy đấu tranh đòi nhà cầm quyền trả tự do cho hai ông Phạm Quế Dương và Trần Khuê. Qua bài này ông T. T. Dũng muốn báo động là chính quyền đang có trong tay danh sách những người tham gia Hội chống tham nhũng, và Hà Nội sẽ tiến hành đàn áp những người này trong thời gian tới. Ông đã trả thẻ đảng hồi năm 1999.
Từ năm 1996, người quyết tử quân cầm súng năm xưa nay trở thành chiến sĩ dân chủ bằng ngòi bút. Hai loạt bài nổi tiếng của ông, dưới những tựa đề châm biếm ‘"Hoan hô Tổng bí thư Lê Khả Phiêu" và ‘"Chào mừng thời kỳ đổi mới Nông Ðức Mạnh" là những cáo trạng gay gắt đối với chế độ cộng sản(19).
Những vụ xử án, bắt bớ nói trên đối với những chiến sĩ dân chủ đã từng được đào tạo trong chế độ XHCN hoặc đã từng là đảng viên lão thành cách mạng, cán bộ cao cấp, phản ánh tâm trạng vô cùng lo ngại của tập đoàn lãnh đạo cộng sản đối với nguy cơ mà họ gọi là ‘"tự diễn biến hoà bình" (như đã phân tích bên trên). Tâm trạng này được ông Nguyễn Ðình Hương, phó Trưởng ban bảo vệ chính trị nội bộ trung ương mô tả như sau: ‘"Hiện nay có một số đảng viên đã từng chiến đấu hy sinh vì nước, vì dân..., có công lao nhất định đối với sự nghiệp cách mạng, nay quay lưng lại với đảng, phản bác cương lĩnh, đường lối..., tạo kẽ hở cho những thế lực thù địch chống phá đảng. Số này chỉ là một bộ phận rất nhỏ, nhưng rất tai hại cho uy tín và sức chiến đấu của đảng" (20) (chúng tôi nhấn mạnh - VNT). Nguy cơ ‘"tự diễn biến hoà bình" này lại được cụ thể hoá bằng một tổ chức đối lập công khai lấy tên là ‘"Nhóm dân chủ". Ðây là một thách thức nguy hiểm đối với chế độ độc đảng, độc tài. Bởi vì, như ai cũng biết, chừng nào mà những người đối lập tự giới hạn trong việc phê phán riêng lẻ ÐCS và chính quyền, dù có gay gắt đến đâu đi nữa, cũng được chính quyền dung thứ phần nào. Nhưng nếu những người này bắt đầu thành lập một tổ chức đối lập hẳn hoi để chống lại chế độ thì ÐCS và chính quyền dập tắt ngay. Ðó là một trong những lý do quan trọng khiến cho chính quyền Hà Nội tăng cường đàn áp những chiến sĩ dân chủ đã từng chung trận tuyến với họ trước đây từ những tháng cuối năm 2002 tới nay.
- Ngày 17.03.2003 BS. Nguyễn Ðan Quế lại bị bắt trở lại, và công an đã đến lục soát nhà và tịch thu máy vi tính, điện thoại cầm tay và một số tài liệu (21). Chính quyền đổ cho ông ‘"tội chuyển tài liệu có nội dung chống nhà nước xã hội chủ nghĩa tại một quán cà phê Internet cho một tổ chức có tên là "Cao trào nhân bản" có trụ sở ở Mỹ". Như vậy là chính quyền vi phạm rõ ràng quyền tự do thư tín của người dân dù rằng người phát ngôn của Bộ Ngoại giao đã từng rêu rao " người dân có mọi điều kiện thuận lợi để... sử dụng thông tin rộng rãi trên mạng lưới Internet". Theo chính quyền Hà Nội thì việc chuyển tài liệu đó là ‘"phạm vào điều 80 Bộ luật hình sự". Cũng cần nhắc lại ở đây là điều 80 này là điều nói về tội gián điệp và dự trù hình phạt từ 12 đến 20 năm tù, tù chung thân đến tử hình.
Trước khi bị bắt, BS. Quế đã gởi ra nước ngoài (ngày 13.03.2003) một bản thông cáo đòi quyền tự do thông tin ở Việt Nam trong đó ông tố cáo sự lừa bịp của chính quyền khi họ cho rằng ở Việt Nam có tự do báo chí bằng cách đưa ra con số 486 tờ báo, 80% gia đình được nghe đài phát thanh và 70% được xem truyền hình. Ông khẳng định rằng tất cả các báo đài này đều là công cụ tuyên truyền của ÐCS, và ở Việt Nam "không có báo chí tư nhân, độc lập với chính quyền dù chỉ là một tờ". Trong thông cáo này ông cũng ủng hộ việc hai dân biểu Mỹ đã đưa ra trước Uỷ ban bang giao quốc tế của Hạ nghị viện Mỹ dự luật HR1019 nhằm thúc đẩy tự do thông tin ở Việt Nam".
Ngay khi được tin về việc bắt giam BS. Quế nhiều tổ chức quốc tế như "Phóng viên không biên giới", "Ân xá quốc tế", "Uỷ ban bảo vệ ký giả" đã lên tiếng phản đối hành động đàn áp này và đòi chính quyền trả tự do ngay cho BS. Quế cũng như những người đấu tranh cho dân chủ khác đang bị giam giữ.
Ðiều đáng chú ý là, ngoài các vụ đàn áp nói trên, chính quyền Hà Nội còn dự tính ban hành một Nghị định hầu chặn đứng các vụ biểu tình nhằm, theo lời ông Ðoàn Mạnh Giao, Bộ trưởng chủ nhiệm văn phòng chính phủ "ngăn chặn việc lợi dụng quyền dân chủ để gây rối an ninh và trật tự xã hội" trong lúc chờ đợi chính quyền đưa ra trước Quốc hội một dự luật về biểu tình và tụ tập đông người (22).
Ðối với người dân tộc thiểu số thì hồi tháng 03.2003 tại Gia Lai thêm năm người dân tộc Thượng đã bị kết án tù từ 5 tới 6 năm vì "tội" đã giúp cho những người Thượng bỏ trốn sang Cambốt sau khi xảy ra những vụ biểu tình ở Tây Nguyên hồi năm 2001 (23).
Tất cả những vụ đàn áp nói trên đều bị nhiều tổ chức quốc tế lên tiếng phản đối. Trong bản phúc trình được phổ biến hồi tháng 10.2002 tổ chức "Amnesty International" chẳng hạn đã lên án tình trạng vi phạm nhân quyền ở Việt Nam và nói rõ là chính quyền Hà Nội đã vi phạm các điều 2, 3, 7, 9, 10, 12, 14, 17, 18, 19 và 21 đã ghi trong "Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị" mà Việt Nam đã ký kết(24).
Ðầu năm 2003, Tổ chức này mở ra một chiến dịch vận động giới chuyên viên y tế và mọi người gửi thư đến các nhà lãnh đạo Việt Nam thúc bách họ phải cho phép điều trị bệnh cho LS. Lê Chí Quang chiếu theo quy ước quốc tế trong đó có quy luật tiêu chuẩn tối thiểu cho việc điều trị bệnh cho tù nhân.
Liên hiệp Châu Âu đã ra một bản thông cáo báo chí ngày 13.02.2002 yêu cầu chính quyền Hà Nội trả tự do cho hai Hoà Thượng Thích Huyền Quang và Thích Quảng Ðộ. Bản thông báo này do ông Chris Patten, uỷ viên đối ngoại của Uỷ hội Châu Âu ký tên, còn nói lên sự bất mãn của Liên hiệp Châu Âu trước sự thoái trào của Việt Nam XHCN trên lĩnh vực nhân quyền (25). Có lẽ cần nhắc lại ở đây là trong Hiệp ước hợp tác song phương Liên hiệp Châu Âu - Việt Nam về viện trợ phát triển ký kết hồi năm 1995 có điều 1 ghi rõ Việt Nam phải "tôn trọng nhân quyền và các nguyên tắc dân chủ".
Tổ chức "Human Rights Watch", trong bản phúc trình hàng năm phổ biến hồi tháng 01.2003 cũng đã tố cáo rằng tình trạng nhân quyền tại Việt Nam tiếp tục suy thoái, rằng chính sách đàn áp thô bạo những người bất đồng chính kiến và các dân tộc thiểu số đã gia tăng đáng kể trong năm 2002(26).
Nhìn chung thì cần phải thấy rằng tất cả các đàn áp vừa kể trên đều xuất phát từ một chính sách có cân nhắc kỹ lưỡng do Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (kỳ 1) của ÐCS đề ra hồi tháng 11.2002, trong đó họ nêu lên rõ ràng là mục tiêu chính trong kế hoạch kinh tế - xã hội hiện nay là "giữ vững an ninh chính trị trong mọi tình huống"(27).
Việc tăng cường chính sách đàn áp thô bạo từ tháng 11.2002 đến nay phản ánh quy luật biện chứng đã nêu bên trên: đàn áp dẫn tới chống đối, càng đàn áp mạnh thì càng có chống đối quyết liệt hơn nữa, và vòng xoắn này đang được càng ngày càng nới rộng ra.
Thiết tưởng tập đoàn lãnh đạo Cộng sản Việt Nam nên đọc lại bản phân tích về những nguyên nhân của sự sụp đổ khối Liên Xô (cũ) - Ðông Âu do Viện hàn lâm khoa học xã hội Trung Quốc soạn thảo trong đó họ nêu rõ nguyên nhân chính của sự sụp đổ đó là chế độ độc tài; và chế độ này, theo họ, đã bóp chết cá nhân và xã hội dân sự, và điều này đã đưa đến tình trạng kiệt quệ kinh tế và xã hội (28).

3. Về quan hệ rất mật thiết giữa chính trị và kinh tế, giữa dân chủ đa nguyên và phát triển kinh tế thì có lẽ chỉ cần nhắc lại đây là trong phiên họp của các quốc gia và tổ chức viện trợ cho Việt Nam hồi tháng 12.2002, đại diện Liên hiệp Châu Âu đã nói với chính quyền Hà Nội rằng "phát triển bền vững, cầm quyền tốt, cổ vũ và bảo vệ nhân quyền có liên hệ mật thiết và phụ thuộc lẫn nhau". Và vì thế Việt Nam cần phải tôn trọng "quyền tự do chính trị và tôn giáo cũng như các quyền tự do kinh tế và xã hội" (29).
Ðiều đáng chú ý là gần đây trong tạp chí "Nghiên cứu kinh tế" ở Hà Nội có một bài rất lý thú với tựa đề "Quan hệ giữa thiết chế dân chủ với chất lượng tăng trưởng", một nhà nghiên cứu Việt Nam ở Hà Nội, dựa vào các tài kiệu tham khảo do Ngân hàng thế giới xuất bản, đã đi đến kết luận là: "Nghiên cứu kinh tế chính trị Ðông Á trong thời gian qua... có thể đi đến... kết luận (là): nền chính trị chuyên chế không thể tạo ra tăng trưởng (kinh tế) bền vững. Thiết chế dân chủ (đa nguyên - VNT) thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ngược lại tăng trưởng kinh tế đóng góp tích cực cho quá trình... cải biến cấu trúc xã hội và tạo ra những giá trị chính trị mới.
Dân chủ (đa nguyên - VNT) và kinh tế thị trường (chân chính - VNT) là hai yếu tố cùng tồn tại song hành trong quá trình phát triển" (30) (chúng tôi nhấn mạnh - VNT).

Mong rằng ÐCS và Nhà nước Việt Nam XHCN tán thành kết luận chí lý nói trên và sẽ đem nó ra áp dụng trong một tương lai không xa, bởi vì chỉ có làm như vậy thì dân tộc ta mới mong cùng nhau kéo được con tàu Việt Nam "từ bóng tối ra ánh sáng" (Victor Hugo).

Paris tháng 04.2003
____
 
Chú thích (Lời bạt)
1. Xem báo cáo hằng năm Situation économique du Vietnam en 2002, 5 février 2003, Ambassade de France au Vietnam, Mission économique de Hanoi, Minefi. Dree Tresor; và RFI, 28.12.2002 (chương trình tiếng Việt). Cũng nên xem The World Bank Group. Vietnam country Office. Development Report 2003: Vietnam. Delivering on its promise. The World Bank in collaboration with the Asian Development Bank. Consultative Group Meeting for Vietnam, Dec, 10-11, 2002; và Vũ Quang Việt, Chất lượng..., DÐ, tháng 01.2003, tr. 1 và 10-12.
2. Phan Văn Khải, ND, 13.11.2002, và TBKTSG, 14.11.2002
3. Le courrier du Vietnam, Hanoi, 22.12.2002.
4. Lương Hoài Nam, TCCS, số 18, tháng 06.2002, tr. 27. Tác giả này cho biết là trong thời gian 1991-2000, tỷ trọng của kinh tế tư bản tư nhân trong GDP không tăng (chiếm khoảng 3,1-3,4%) còn tỷ trọng của kinh tế cá thể - tiểu chủ thì từ 35% của GDP năm 1995 giảm xuồng còn 32% năm 2000.
5. Niên giám Thống kê 2001, NXB Thống kê, Hà Nội, 2002, tr. 55.
6. L.X.Bá, TCCS, số 22, tháng 08.2002, tr. 44.
7. Xem Situation économique du Vietnam en 2002, tài liệu đã dẫn.
8. Xem Nguyễn Chấn, VNDC, tháng 02.2003, tr. 11-12.
9. TBKTSG, 12 và 19.12.2002 và 02.01.2003; DÐ, tháng 02.2003, tr. 3-4.
10. Tuổi trẻ, 7 và 12.11.2002; TBKTSG, 21.11.2002; DÐ, tháng 01.2003, tr. 4-5.
11. P. V. Khải, TCCS, số 24, tháng 08.2002, tr. 4
12. Võ Nguyên Giáp, TCCS, số 15, tháng 05.2002, tr. 14
13. Võ Nguyên Giáp, trích theo Bùi Tín, TL, tháng 02.2003, tr. 15
14. Alain S. de Sacy , Vietnam..., sđd, tr. 156
15. N.Q.Khải, TK 21, tháng 03.2003, tr. 19
16. Theo Hoàng Minh Chính kể lại, TL, tháng 12.2002, tr. 2
17. TL tháng 01.2003 tr. 2-4
18. TL, tháng 03.2003, tr. 2-5
19. Ibid, tr. 6
20. N.Ð.Hương, tạp chí Quốc Phòng Toàn Dân, tháng 12.2001, tr. 18
21. Xem DÐ, tháng 04.2003, tr. 10 và VNDC, tháng 04.2003, tr. 4-5 và tr. 17-18
22. VNDC, tháng 02.2003, tr. 38 và TL, tháng 02.2003, tr. 35.
23. VNDC, tháng 04-03, tr. 39.
24. Xem Amnesty international: République socialiste du Vietnam. Un bilan de la situation des droits de l"homme établi sur les critères du Pacte international relatif aux droits civils et politiques. Octobre 2002, Index AI: ASA 41/007/2002. SF.03. CO.10.
25. VNDC, tháng 03.2003, tr. 23.
26. VNDC, tháng 02.2003 tr. 38.
27. Thông báo Hội nghị trung ương lần thứ 7, TCCS, số 33, tháng 11.2002, tr. 4.
28. RFI, 24.06.2001 (chương trình tiếng Việt).
29. Nguyễn Mạnh Hùng trích dẫn, TK 21, tháng 04.2003, tr. 39.
30. Trần Văn Tùng, NCKT, tháng 11.2002, tr. 52.

Paris, tháng 04.2003

Võ Nhơn Trí
________________________________________________________

Danh sách các từ viết tắt:

CCVS = Chuyên chính vô sản
CNML = Chủ nghĩa Mác-Lê
CNTV = Chủ nghĩa tư bản
CNXH = Chủ nghĩa xã hội
CPCMLT = Chính phủ cách mạng lâm thời (miền Nam)
DC&PT = Dân chủ và Phát triển
DCXHCN = Dân chủ xã hội chủ nghĩa
DÐ = Diễn Ðàn
DNNN = Doanh nghiệp nhà nước
ÐCS(VN) = Ðảng cộng sản (Việt Nam)
FEER = Far Eastern Economic Review
IFM = International Monetary Fund
MTGPMN = Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam
MTTQ = Mặt Trận Tổ Quốc
NCKT = Nghiên cứu kinh tế
ND = Nhân Dân
NHTG = Ngân Hàng Thế Giới
NN(PQ)XHCN = Nhà nước (pháp quyền) xã hội chủ nghĩa
QTTQT = Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế
RFI = Radio France Internationale
TBCN = Tư bản chủ nghĩa
TBKTSG = Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn
TCCS = Tạp chí cộng sản
TK21 = Thế kỷ 21
TL = Thông Luận
TSPQN = Tổng Sản Phẩm Quốc Nội (tức là Gross Domestic Product, GDP)
TS. PQG = Tổng Sản Phẩm Quốc Gia (tức là Gross National Product, GNP)
TTHCM = Tư tưởng Hồ Chí Minh
VNDC = Việt Nam Dân Chủ
WB = World Bank
WTO = World Trade Organisation
XHCN = Xã hội chủ nghĩa

__________________________

Tiểu sử Tác giả

Võ Nhơn Trí sinh tại Sađéc. Học trung học ở Sài Gòn, Pnom Penh. Học đại học ở Pháp (Viện chính trị học, IEP, tốt nghiệp Trường quốc gia tổ chức kinh tế và xã hội, ENOES, Kỹ sư thương mại, Tiến sĩ luật) và ở Anh (học Ph. D, kinh tế).
Năm 1960, từ Paris về Hà Nội. Chuyên viên nghiên cứu ở Uỷ ban khoa học xã hội Việt Nam (Viện kinh tế ở Hà Nội và Viện khoa học xã hội ở Thành phố Hồ Chí Minh: 1961-1984).
Cựu đảng viên Ðảng cộng sản Pháp (1952) và Ðảng cộng sản Việt Nam (1961). Năm 1980, bị công an bắt vì lý do chính trị, sau đó xin ra khỏi ÐCSVN. Trở qua Pháp cuối năm 1984. Từ năm 1985 đến 1991, nghiên cứu về kinh tế Việt Nam ở các Viện nghiên cứu: Institute of Development Studies (Sussex, Anh), Institute of Developing Countries (Tokyo, Nhật), Institute of Southeast Asian Studies (Xinggapo), Australian National University (Canberra, Úc) và Centre national de Recherche Scientifique (Paris).
Ðã xuất bản một số sách tham khảo và viết nhiều bài nghiên cứu về Việt Nam. Các tài liệu này đều đã được công bố tại Âu châu, Mỹ châu, Á châu và Úc châu.❑


 

Đăng ngày 12 tháng 08.2019