Chiến tranh Ukraine

nhìn theo học thuyết Clausewitz

Nhữ Đình Hùng

Khi qua đời vào năm 1831, Carl von Clausewitz đã để lại một tác phẩm còn dang dở De La Guerre. Học thuyết của ông được Lénine ngưỡng mộ, được Mao và Giáp nghiên cứu, học thuyết Clausewitz đã được giảng dạy trong nhiều trường quân sự. Được coi như là một khoa học, các nhà nghiên cứu đã rút tỉa từ những trận chiến trong quá khứ những nguyên tắc mang tính cách phổ quát để làm khuôn khổ cho các ứng dụng của họ, trong số đó, Clauzewitz với tác phẩm Về Chiến Tranh đã đưa ra những nhận định vượt thời gian về chiến tranh giữa các quốc gia. Vậy, chúng ta có thể nhìn thấy được gì trong chiến cuộc Nga Ukraine qua học thuyết Clausewitz?

Trước hết, đối với Clauzewits, chiến tranh là sự tiếp diễn của chánh trị bằng những phương tiện khác vì đích đến cuối cùng của chánh trị luôn luôn là động cơ của chiến tranh! Clausewitz là một cựu chiến binh trong cuộc chiến chống lại Napoléon đã thấy được điều kinh nghiệm vượt trội kiến thức!
Từ sau đệ nhị thế chiến, Châu Âu đã được hưởng một thời kỳ hòa bình lâu dài, việc chiến tranh giữa những quốc gia với cường độ cao đã không còn xảy ra, việc chiến tranh bất cân xứng hầu như đã bị quên lãng. Cuộc chiến Nga/Ukraine đã là một cuộc chiến "cổ điển" kiểu đệ nhị thế chiến với cách hành quân thời kỳ Sô viết với các cuộc hành quân sâu và dàn trải đơn vị với sự yểm trợ của hỏa lực.
Chiến tranh không phải luôn luôn diễn ra như ý mong muốn. Không phải chỉ có một bên tấn công và một bên chịu đưng sự tấn công, không phải là một lực sinh động nhắm vào một khối bất động. Chiến tranh luôn luôn có những bất trắc, những cơ may, những nguy hiểm. Chiến tranh là việc một bên tìm mọi cách để buộc đối thủ phải theo, phải thi hành, phải tuân phục ý chí của mình! Theo Clausewitz, chiến tranh giữa hai quốc gia là một cuộc đấu tay đôi trên bình diện rộng lớn nhằm để triệt hạ kẻ thù (điều này cần đến quân đội), áp đặt ý muốn của mình (mục tiêu do chánh trị đưa ra). Nhưng, trong chiến tranh, không phải phe tấn công là phe có ưu thế. Quả thực là phe tấn công có được thuận lợi là sự bất ngờ về thời gian và đích nhắm; Trong khi đó, phe phòng thủ có được việc am tường diện địa và có được hậu thuẫn của nhân dân. Clausewitz cho rằng phòng vệ là hình thức mạnh nhất của chiến tranh cho phép chế ngự kẻ thù một cách dễ dàng và nhắm vào các mục tiêu tiêu cực. Nhưng Clausewitz không chủ trương phòng thủ thụ động. Hình thức phòng thủ trong chiến tranh không phải giản dị là một tấm khiên nhưng là một tấm khiên làm với những đòn tung ra một cách khéo léo. Việc chuyển sang tấn công nhanh chóng và mạnh mẽ - nhát gươm chớp nhoáng của việc phục thù - là thời điểm sáng chói trong việc phòng vệ!
Sau khi đã nhắc lại một cách sơ lược vài điều nhận định của Clausewitz về chiến tranh, chúng ta hãy thử áp dụng vào cuộc chiến đang xảy ra giữa Nga và Ukraine. Cuộc chiến đã kéo dài trên một trăm ngày có thể cho chúng ta một số dữ kiện để phân tách!

Cho đến nay, chưa có một quốc gia nào khác tham chiến bên cạnh Ukraine, vậy cuộc chiến Nga Ukraine là một cuộc chiến tay đôi giữa hai nước,  Nga dưới sự lãnh đạo của Poutine và Ukraine dưới sự lãnh đạo của Zelensky. Có thể nói là cho đến nay, Poutine chưa thành công trong việc thuyết phục tính chánh đáng cho việc mở ra "chiến dịch đặc biệt" chống lại Ukraine nhưng Zelenski đã thành công trong nỗ lực vận động các quốc gia Âu Châu và Mỹ ủng hộ Ukraine trong nỗ lực phòng vệ! Tuy nhiên, cho tới những ngày gần đây, sự vận động của Zelenski không còn được ủng hộ mạnh mẽ như những ngày đầu của chiến cuộc!
Trong chiến tranh, có hai điều cần lưu ý, đó là mục đích của cuộc chiến (zweck) và mục đích trong cuộc chiến (ziel). Với Nga, mục đích của cuộc chiến để bảo vệ không gian sinh tồn của Nga, tạo ra vùng trái độn ở biên giới phía tây của Nga chống lại sự bành trướng của OTAN (hay NATO theo tiếng Anh) trong chiều hướng biến Ukraine thành một quốc gia chư hầu của Nga hoặc thành một quốc gia trung lập. Hãy xem xét các tuyên bố công khai của Tổng Thống Nga trong các diễn từ các ngày 21 và 24 tháng 02 năm 2022.  Ông ta xác định là cuộc tấn công của ông ta mang tính cách dự phòng nhằm đi trước việc Ukraine gia nhập vào OTAN điều đặt nước Nga dưới sự đe dọa của vũ khí Mỹ và các đồng minh. Điều khẩn cấp là phải chấm dứt việc này. Về phía Ukraine, ông Zelenski coi cuộc chiến chống Nga là cuộc chiến chống xâm lược, là một cuộc chiến tự vệ. Nhưng trong cuộc chiến, nhiều mục tiêu phụ đã hiện ra, với Nga là việc hỗ trợ và củng cố những vùng tự trị và nối liền với vùng Crimée do Nga kiểm soát, trong khi đó với Ukraine hình như các mục tiêu trong cuộc chiến là gia nhập Liên Âu, gia nhập OTAN và có được nhiều viện trợ quân sự và viện trợ kinh tế.
Cuộc chiến Nga/Ukraine là một cuộc chiến tay đôi trên một bình diện rộng lớn nhưng với một cung cách cổ điển. Các phương tiện quân sự được huy động cho chiến tranh là các phương tiện cổ điển như phi cơ, chiến xa, trọng pháo (dù rằng Nga có đe dọa xử dụng vũ khí nguyên tử nếu phương Tây và Mỹ cung cấp các vũ khí tối tân cho Ukraine). Cho đến nay, cuộc chiến giữa Ukraine/Nga vẫn còn là cuộc đối đầu của hai nước, các nước ủng hộ Ukraine vẫn còn tránh né việc trực tiếp tham dự vào cuộc chiến mặc dù không ngừng làm áp lực như cấm vận kinh tế - điều này ngược lại cũng có tác dụng ngược với các nước Liên Âu - và cả áp lực quân sự như gây khó khăn cho Nga trong việc di chuyển các thương thuyền và quân hạm trong vùng biển Baltique.
Các tin tức của truyền thông dòng chính và của Ukraine cho thấy Nga bị sa lầy trong chiến cuộc và sẽ bị thảm bại. Nhưng cho tới bây giờ, gần bốn tháng sau khi chiến cuộc xảy ra, có tin Nga đã kiểm soát được 20% lãnh thổ Ukraine! Hiển nhiên là Nga đã không thành công trong việc tiến chiếm Kiev, một trọng tâm chính trị và quân sự của Ukraine vì gặp phải sức kháng cự dũng mãnh của quân Ukraine, Poutine đã thay đổi các mục tiêu. Đây là điều bình thường trong chiến tranh khi thay đổi mục tiêu chiến thuật để đạt mục tiêu chánh trị hay chiến lược đã được vạch ra, giờ đây Poutine bỏ Kiev để chiếm Donbass. Vả chăng, khi tấn công Kiev, Nga đã không có được yếu tố bất ngờ, từ nhiều tuần trước khi Nga mở cuộc tấn công, tình báo Mỹ đã thông báo việc tấn công có thể xảy ra!
Nhiều người ca ngợi Zelenski đã kích thích được tinh thần chiến đấu của quân đội Ukraine và quân Ukraine đã dũng mãnh chiến đấu. Điều này quả là đúng trên thực tế nhưng không phải chỉ có vậy. Theo như Clausewitz, một cuộc chiến đấu với tính cách tự phòng luôn luôn mạnh hơn cuộc chiến đấu tấn công. Điều này cho phép một lực lượng tự vệ chống trả lại một cuộc tấn công của đối phương với quân số đông hơn. Điều này có được nhờ việc nắm vững địa thế (quân Ukraine chiến đấu trên lãnh thổ của mình), nhờ sự linh động (đột kích, không chiến tuyến rõ rệt...), xử dụng các công sự phòng thủ kiên cố (do Nga xây thời kỳ chiến tranh lạnh với Mỹ và phương tây như ở Marioupol) và khai thác tối đa cuộc chiến truyền thông có lợi cho Ukraine.

Ukraine thường xuyên lên án Nga về những tàn phá do Nga gây ra. Trong chiến tranh, nếu muốn buộc đối thủ phải tuân phục, làm theo ý muốn của mình thì không thể đặt một giới hạn cho bạo lực. Điều này được thấy qua các hình ảnh hoang tàn đổ nát do oanh tạc hay pháo kích của Nga.  Ngày càng có ít những tin tức tổn thất của Nga về phi cơ hay chiến xa; ngày càng có nhiều tin về các thành phố của Ukraine có nguy cơ thất thủ! Nga hình như thay đổi chiến thuật... Nhưng không thể quyết đoán một cuộc chiến trên giấy tờ, trên trận địa luôn luôn có những điều không dự liệu xảy ra và để đối phó người ta cần phải liên tục điều chỉnh.

12 tháng 06.2022
Nhữ Đình Hùng
(ĐHSPSG, ban Sử Địa, 1963-1967)

Tham khảo:
http://www.strato analyse.org/fr/IMG/pdf/une_lecture_clausewitzienne_guerre_ukraine_note_ifas_gere_21_mars_2022. pdf (François Géré,  Président de l’Institut Français d’Analyse Stratégique. )
https://www. ledevoir. com/opinion/idees/713472/idees-relire-clausewitz-pour-mieux-comprendre-la-guerre-en-ukraine Mourad Djebabla / Professeur au Collège militaire royal de Saint-Jean-sur-Richelieu,  Groupe de recherche en histoire de la guerre et de la stratégie
https://www. revolutionpermanente. fr/Quelques-elements-d-analyse-militaire-sur-la-guerre-en-Ukraine

 

Đăng ngày 21 tháng 06.2022