banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Tâm tình giữa Phạm Phú Nam & Điệp Mỹ Linh

về Người Lính năm xưa

Trích đăng: Văn Tuyển.Net

1

Dân Sinh Media Network.- Trong chương trình phát thanh hôm nay, chúng tôi kính mời quý thính giả theo dõi cuộc đàm thoại giữa ông Phạm Phú Nam và nhà văn Điệp Mỹ Linh.

Bà Điệp Mỹ Linh là tác giả cuốn tài liệu Hải-Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975. Đây là một tài liệu quý giá viết về quân chủng Hải-Quân.
Trong thời kỳ chiến tranh, bà Điệp Mỹ Linh thường tháp tùng các đơn vị chiến đấu Hải-Quân, dưới sự chỉ huy của Hải-Quân trung tá Hồ Quang Minh – phu quân của Bà – trong những cuộc hành quân hỗn hợp trên sông rạch thuộc vùng IV Sông Ngòi. Bà đã chứng kiến nhiều cuộc giao tranh ác liệt giữa các đại đơn vị Việt Cộng và Hải-Quân V.N.C.H. trên những dòng sông chằn chịt thuộc vùng U Minh hung hiểm.
Vào thời điểm 30 tháng Tư – 1975, bà Điệp Mỹ Linh may mắn đã cùng gia đình thoát khỏi Việt-Nam trên Đương Vận Hạm Thị Nại, HQ502. HQ502 cùng với Hạm Đội Hải-Quân V.N.C.H. đã thực hiện sứ mệnh cuối cùng của Hải-Quân là đưa hơn 30 ngàn đồng bào và quân bạn đến bến bờ Tự Do.
Là một phụ nữ có chồng là Lính, bà Điệp Mỹ Linh đã sống đoạn đường gian khổ trong các trại gia binh. Bà can đảm theo chồng hành quân. Bà còn là một nhân chứng đặc biệt trong chuyến hải hành cuối cùng của Hải-Quân V.N.C.H. Bà chứng kiến những cuộc tiếp cứu trên sông, trên biển và sự hy sinh tận tụy của Thủy Thủ Đoàn. Những gì Bà đã trải qua, đã mục kích, tác động rất mạnh vào tâm cảm và tư duy của Bà cùng với sự ngưỡng phục của Bà dành cho quân chủng Hải-Quân là nguyên nhân đã thúc đẩy Bà thu thập tài liệu để thực hiện cuốn tài liệu Hải-Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975.
Hôm nay Dân Sinh xin hân hạnh giới thiệu và kính mời quý thính giả cùng nghe cuộc đối thoại giữa ông Phạm Phú Nam và bà Điệp Mỹ Linh.

Tôi là Phạm Phú Nam, xin kính chào quý thính giả khắp nơi. Hôm nay chúng tôi được tiếp chị Điệp Mỹ Linh, là một tác giả nổi tiếng của Hải-Quân về những tác phẩm viết về Hải-Quân.
Xin chào chị Điệp Mỹ Linh.
Điệp Mỹ Linh xin trân trọng kính chào quý thính giả và kính chào anh Phạm Phú Nam.

Thưa chị, bây giờ là 39 năm tỵ nạn, còn vài tháng nữa là 40 năm. Bốn mươi năm nhìn lại, xin chị cho biết, 40 năm trước, vào thời điểm 30 tháng Tư, chị rời Việt-Nam trong trường hợp nào?
Thưa anh, tôi cùng gia đình rời Việt-Nam khoảng 12 giờ đêm 29 tháng Tư 1975, bằng ngã Sở Hàng Hà. Từ chiều 29 tháng Tư, ông nhà tôi liên lạc với nhiều đơn vị nhưng không được đơn vị nào trả lời. Gia đình tôi cùng một số bạn hữu vào Sở Hàng Hà. Ông nhà tôi nhờ một giang đỉnh đưa sang Dương Vận Hạm Thị-Nại, HQ502 – lúc đó HQ502 đang cặp cầu trước Bộ Tư Lệnh Hải-Quân.
Giang đỉnh cập bên hông HQ502, mé ngoài sông. Thành tàu rất cao, nước chảy xiết, không có cầu bắt lên HQ502 cho nên phụ nữ và trẻ em gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng, nhờ những người có mặt trước trên HQ502 giúp đỡ tận tình cho nên chúng tôi nhập hạm một cách an toàn.
Sau khi lên được HQ502, tôi thấy chiến hạm đầy người, không còn một chỗ trống.
Khoảng 12 giờ rưỡi hay 1 giờ sáng 01 tháng 05-75, HQ 502 rời bến, giang hành về hướng Nhà Bè. Gần đến Nhà Bè tôi thấy lửa rực trời vì kho xăng Nhà Bè bị trúng đạn pháo kích của Việt Cộng.
Trên đường ra biển, HQ502 vớt thêm không biết bao nhiêu đồng bào và quân bạn từ ghe nhỏ và chiến đỉnh. Trong số quân nhân được HQ502 vớt, tôi được biết có khoảng 60 Người Nhái – thuộc Liên Đoàn Người Nhái – Hải Quân trung tá Trịnh Hòa Hiệp, chỉ huy trưởng Liên Đoàn Người Nhái và Hải-Quân đại tá Trịnh Quang Xuân, Tư Lệ Vùng III Sông Ngòi, từ một PBR (River Patrol Boat – Giang Tốc Đỉnh).
Sáng 01 tháng 05 – 1975, HQ502 ra đến biển.

Xin cảm ơn chị. Tôi muốn hỏi chị, vào những ngày cuối tháng Tư chị có cảm nhận hoặc cảm thấy tình hình chính trị của đất nước diễn biến như thế nào không?
Thưa anh, tôi chỉ xin nói những gì tôi thấy, tôi biết, trong phạm vi Hải-Quân mà thôi.
Thời điểm đó tinh thần tôi rất rối loạn. Theo báo chí, TV và đài BBC thì quân của V.N.C.H. cứ bị đẩy lùi dần về phía Nam – vì thiếu vũ khí, thiếu đạn dược và cũng vì kẹt đồng bào chạy theo cho nên Lính V.N.C.H. không thể chống trả những đợt tấn công của Việt Cộng! Khi ông nhà tôi cho biết chiến hạm Hải-Quân đã di tản đồng bào và quân bạn khỏi vùng II Duyên Hải thì tôi hoàn toàn không còn tự chủ được; vì em tôi, đại úy Pháo Binh bị kẹt tại Phù-Cát và đại gia đình của tôi bị kẹt tại Cam-Ranh, chỉ một mình tôi ở Saigon!
Tôi nhờ ông nhà tôi xem có chiến hạm nào ra Trung, xin cho tôi quá giang để về đón đại gia đình của tôi. May mắn là Dương Vận Hạm Nha-Trang, HQ505, Hạm Trưởng là Hải-Quâng trung tá Nguyễn Văn Nhượng, đang nhận đạn tại Thành Tuy Hạ để tiếp tế cho mặt trận Phan-Rang. Tôi quyết định xin theo HQ505 đến Phan-Rang rồi sẽ tìm phương tiện về Cam-Ranh.
Khi HQ505 đến hải phận Phan-Rang thì Phó Đề Đốc Hoàng Cơ Minh – đang chỉ huy các đơn vị Hải-Quân Vùng II Duyên Hải, từ Tuần Dương Hạm Trần Nhật Duật, HQ3, tại vịnh Phan-Rang – không cho HQ505 ủi bãi. Lúc đó tôi mới biết Việt Cộng đã chiếm Phan-Rang và tôi thấy hai xe tăng T54 ngay bãi biển, chỉa mũi súng ra HQ3 và HQ505! Tôi thấy ghe thuyền ồ ạc chèo ra HQ505; trên ghe toàn lính, đủ mọi quân binh chủng! Tôi khóc cho gia đình tôi. Tôi khóc cho những oan khiên đang phủ chụp xuống Quê Hương tôi. Và tôi khóc cho thân phận những người lính đang cố giăng cao chiếc áo trận để thủy thủ đoàn dễ nhận diện!
Hạm Trưởng Nhượng sắp bước lên đài chỉ huy. Tôi gọi: “Anh Nhượng!” Nhượng dừng bước, nhìn tôi. Tối tiếp: “Anh không vớt mấy ông lính trên ghe sao?” Hạm Trưởng Nhượng im lặng một thoáng như cố nén xúc động rồi đáp: “Tôi được lệnh không vớt ai cả. Một tàu đạn đầy!”
HQ505 bẻ một vòng cua ngặt để rời vùng biển Phan-Rang.
Trên hải hành xuôi Nam, HQ505 được tin Dương Vận Hạm Vũng-Tàu, HQ503 – vừa hoàn tất công tác vớt nhóm quân nhân Nhảy Dù trong vịnh Cà-Ná, theo lệnh của Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, từ trực thăng – bị Việt Cộng lấy pháo binh của V.N.C.H. bắn trúng đài chỉ huy, gây tử thương cho bốn năm người. Sau đó, HQ505 được tin Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi – Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn III – bị Việt Cộng bắt tại hầm chống pháo kích, sau khi Ông bay trở lại mặt trận Phan-Rang!
HQ505 đến Phan Thiết vào buổi chiều. Tối đó tôi thấy đạn xẹt xanh đỏ cả vòm trời rồi rơi xuống Phan Thiết. Phan Thiết bị Việt Cộng pháo kích liên tục và dai dẳng! HQ505 nhận được tín hiệu kêu cứu của Tỉnh Trưởng Phan Thiết, nhưng đành chịu!

Vào thời điểm đó, phu quân của chị là một sĩ quan cao cấp, chị có nghĩ rằng miền Nam sẽ mất vào tay Cộng Sản hay không?
Thưa anh, ngay như khi ông Vũ Văn Mẫu đuổi Mỹ ra khỏi Việt-Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ, tôi cũng không nghĩ rằng miền Nam sẽ mất vào tay Cộng Sản. Lý do là Hải-Quân V.N.C.H. không có dự trù gì cả. Đô Đốc Chung Tấn Cang có ý định đưa Hạm Đội ra Phú-Quốc hoặc về Vùng IV Sông Ngòi, chỉnh đốn hàng ngũ để chuẩn bị cho cuộc chiến lâu dài hoặc là nhờ Liên Hiệp Quốc cang thiệp; vì Việt Cộng đã ký Hiệp Định Genève, năm 1954, nhưng Việt Cộng đã vi phạm. Nếu Liên Hiệp Quốc không cang thiệp thì Hạm Đội sẽ về Vùng IV; vì thời điểm đó tình hình Vùng IV rất yên tĩnh.
Sau này tôi được dịp phỏng vấn Trung Tướng Vĩnh Lộc – Tổng Tham Mưu Trưởng cuối cùng của V.N.C.H. – thì Tướng Vĩnh Lộc xác nhận rằng chính Tướng Vĩnh Lộc điện thoại trực tiếp cho Tướng Nguyễn Khoa Nam – Tư Lệnh Vùng IV Chiến Thuật. Tướng Lộc cho Tướng Nam biết rằng: Nếu không giữ được Saigon, Chính Phủ sẽ di tản xuống Vùng IV và giao trách nhiệm chỉ huy chiến trường cho Tướng Nguyễn Khoa Nam. Tướng Nam đáp: “Vâng. Đàn anh đã giao phó thì đàn em xin nhận lệnh.” Điều này xác nhận rằng Hải-Quân V.N.C.H. không hề có bất cứ một dự tính nào để Hạm Đội rời khỏi hải phận Việt-Nam.
Nhưng cuối cùng, ông Richard L. Armitage – nguyên là cố vấn của Hải-Quân – khuyên Hạm Đội nên tập trung tại Côn-Sơn để xem tình hình chính trị diễn tiến như thế nào rồi mới hoạch định những bước kế tiếp.
Lúc đó Hạm Đội mới được chỉ thị tập trung tại Côn-Sơn.

Chị vui lòng thuật lại những biến động quanh hoặc trên HQ502 mà chị đã ra đi. Hải trình của HQ502 như thế nào? Có bị trở ngại gì không? Bao nhiêu người trên HQ502?
HQ502 rời Saigon, theo sông Soài Rạp. Sau khi chúng tôi rời trại tỵ nạn Camp Pendleton, báo Mỹ phỏng vấn, ông nhà tôi cho biết HQ502 đã chuyên chở khoảng trên năm ngàn đồng bào và quân bạn.
Khi HQ502 ra đến biển, chúng tôi được tin Việt Cộng bắn vào thương thuyền Việt-Nam Thương Tín, gây tử thương cho nhiều người; trong số nạn nhân có nhà văn Chu Tử.
HQ502 chỉ còn một máy, đang “ì ạch” tiến, bỗng một L19 bay đến, lượn quanh chiến hạm. Mọi người trên tàu đều nằm rạp xuống, vì sợ Việt Cộng lấy phi cơ của V.N.C.H. bay theo để tấn công chiến hạm. Đến vòng thứ ba, L19 sà thấp xuống, cách mũi HQ502 khoảng 50 thước và anh phi công phụ nhảy ra. Nhiều phao nổi được vất xuống biển.
Trong khi mọi người chưa biết phương cách nào để cứu anh phi công phụ thì Người Nhái Nguyễn Văn Kiệt chụp con dao cá nhân, mang vội đôi chân nhái, tròng vào người một áo phao và mang theo một áo phao cho nạn nhân rồi nhảy xuống biển.
Sau khi vớt được phi công phụ, Người Nhái Kiệt cố bơi theo tàu; nhưng vì sức nước bị bánh lái tàu đẩy mạnh ra sau khiến anh Kiệt rất vất vả và khó khăn trong việc cấp cứu.
Trong khi anh Kiệt đang tận lực chống chọi với sức đẩy của nước thì trên không trung chiếc L19 đảo lại một vòng nữa và anh phi công nhảy ra. Thân người của anh phi công vừa chạm mặt nước liền bị “tưng” lên rồi chìm trong khi chiếc L19 không người lái cũng đâm vào lòng biển.
Anh phi công phụ – đang trong vòng tay cứu vớt của anh Kiệt – hét to: “Anh thả tôi ra, tới cứu giùm bạn tôi.” Anh Kiệt đáp: “Tôi chưa biết tôi có thể cứu anh được hay không; vì chúng ta đang bị sóng đẩy lùi ra sau thì làm thế nào tôi có thể cứu bạn anh?”
HQ502 quay lại, vớt cả anh Kiệt và anh phi công phụ trong tiếng reo hò vang dội của mọi người trên tàu.

Sau đó tình trạng của anh phi công và anh phi công phụ như thế nào?
Anh phi công chìm luôn. Thời điểm đó gia đình tôi tạm trú tại khoảng không gian nhỏ, giữa đài chỉ huy và sàn tàu – Hải-Quân Việt-Nam gọi là “sân thượng”; Hải-Quân Hoa-Kỳ gọi là spardeck (1). Ngay khuya hôm đó tôi thấy một bóng trắng, gần nơi gia đình tôi tạm trú, phóng mạnh, vượt qua khoảng không gian của sàn tàu và rơi vào lòng biển! Nhiều người và tôi cùng la lên “Có người tự tử!” nhưng tàu vẫn tiến, không ai có thể làm gì được! Về sau nhiều người kiểm chứng và cho biết người tự tử là anh phi công phụ của chiếc L19!

Điều đó đúng hay không, thưa chị?
Thưa anh, cả 5 ngàn người trên tàu không ai có thể xác quyết được đúng anh phi công phụ hay không. Nhưng điều quan trọng là không hề thấy hoặc nghe anh phi công phụ lên tiếng. Mấy mươi năm qua cũng chẳng nghe anh phi công phụ lên tiếng.

Thưa chị, anh phi công phụ đã được cứu, tại sao anh ấy lại tự tử?
Tôi nghĩ truyền thống cao đẹp của Người Lính V.N.C.H. là Huynh Đệ Chi Binh; lúc nào cũng lo lắng, giúp đỡ nhau. Có thể lúc đầu anh phi công cho anh phi công phụ lên máy bay là có ý giúp bạn. Về sau, anh phi công phụ lại được Người Nhái Kiệt cứu giúp một lần nữa – trên biển – trong khi ân nhân của anh thì không. Có thể trong thời gian hoảng loạn đó anh phi công phụ nghĩ đến Cha Mẹ vợ con bị kẹt lại; chỉ còn vị ân nhân mà vị ân nhân đó cũng không sống được, vậy thì mình sống để làm gì! Đây là tôi suy ra từ tâm trạng của tôi; bởi vì niềm đau khổ đó rất to lớn, rất sâu xa, không dễ gì vượt qua!

Xin chị cho biết nhận xét của chị về Người Lính V.N.C.H – đặc biệt là thủy thủ đoàn – như thế nào trong chuyến di tản đó.
Thưa quý vị thính giả, thưa anh Nam, điều nhận xét của tôi không phải để đề cao quân chủng Hải-Quân. Sự thật thì Hải-Quân là một trong những quân binh chủng V.N.C.H. có truyền thống tốt đẹp, đạo đức và tinh thần kỹ luật rất cao; nhờ vậy, những cuộc di tản từ Vùng I Chiến Thuật cho đến suốt cuộc di tản vĩ đại đầu tháng 05-1975 không hề xảy ra bất cứ một sự việc đáng tiếc nào.
Anh nhớ những cuộc di tản từ miền Trung bằng xà-lang, ghe hoặc tàu dân sự vào Vũng Tàu hoặc Phú Quốc thê thảm như thế nào không? Vì Việt Cộng đã lấy quân phục của Lính V.N.C.H. mặc rồi cố ý gây những điều tàn ác để làm giảm uy tín của Người Lính V.N.C.H. Những thảm trạng đó không hề xảy ra trên bất cứ chiến hạm nào của Hải-Quân; vì Hải-Quân đã đề cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống để giữ an ninh cho đồng bào và đồng đội. Vả lại, tôi nghĩ, thời gian đó, mọi người đều rơi vào tâm trạng đau đớn, khổ sở và hoang mang trước một thực thể không thể chấp nhận được cho nên không ai còn tâm trí nghĩ đến những điều tàn ác để hại nhau.

Xin chị cho biết tâm trạng cũng như vấn đề thức ăn, nước uống và vệ sinh cho cả năm ngàn người trên chiến hạm?
Thưa anh, mấy anh hỏa đầu vụ lo nấu cơm liên tục – ngày cũng như đêm – mới đủ để cung cấp cho đồng bào và quân bạn; nấu nước sôi cho em bé uống sữa. Mấy anh thủy thủ dùng gỗ đóng nhà vệ sinh “dã chiến” dọc theo thành tàu để giải quyết vấn đề vệ sinh. Nhưng tội nghiệp nhất là cảnh nhiều thủy thủ, sĩ quan và hạ sĩ quan, vợ con bị kẹt lại, tối họ đứng riêng, khóc một mình. Nhưng khi ngày đến, họ đều trở lại “vị trí hoặc nhiệm sở” để phục vụ đồng bào và đồng đội.
Về tâm trạng, tôi nhận thấy trong mắt và trên nét mặt của mỗi người đều mang nét u buồn, thất vọng. Khi nói chuyện với người Lính tôi mới nhận ra rằng quân nhân là những người đau khổ nhất! Bao nhiêu năm hết lòng chiến đấu cho Quê Hương; nếu họ được gục ngã ngoài chiến trận thì họ gục ngã cho Quê Hương, vì Quê Hương, linh hồn của họ có thể yên nghỉ trong niềm hãnh diện của người trai đã làm tròn sứ mạng. Nhưng họ đã không được gục ngã để ngày nay phải thấy đồng bào và đồng đội dắt díu nhau ra đi và Quê Hương rơi vào tay Cộng Sản! Đó là những quân nhân đem theo được vợ con; còn những quân nhân không thể đem Cha Mẹ vợ con theo thì niềm đau khổ của họ là vô tận!
Một sĩ quan cao cấp Hải-Quân – cựu Hải-Quân đại tá Đỗ Kiểm, nguyên Tham Mưu Phó Hành Quân Bộ Tư Lệnh Hải-Quân (2) – là một điễn hình. Với cấp bậc và chức vụ như vậy, đại tá Kiểm đã đặt trách nhiệm trên hết. Đại tá Kiểm đã lo cho đoàn tàu, lo cho mọi người, không có thì giờ về cư xá đưa vợ con của Ông đi.
Khi Hạm Đội đến Guam, được lệnh phải cởi bỏ cấp bậc, nhiều ông khóc! Tôi nghĩ rằng đó là những giọt nước mắt tủi nhục! Họ tủi nhục vì mấy mươi năm chiến đấu mà vẫn không giữ được miền Nam! Tôi nghĩ, lý do mình không giữ được miền Nam không phải trong tầm tay của người dân miền Nam hoặc do chính phủ miền Nam hoặc do khả năng chiến đấu của Người Lính V.N.C.H. Sự thất thủ miền Nam đến từ bàn hội nghị và cũng do sự lừa đảo của Cộng Sản Việt-Nam. Cộng Sản Việt-Nam xâm phạm hiệp định ngưng chiến năm 1973 không phải bằng súng đạn mà bằng sự xảo trá, gian manh tại bờ sông Thạch Hãn.
Theo nhà văn quân đội Phan Nhật Nam ghi lại thì, trong thời gian ngưng chiến, Việt Cộng bỏ súng, sang phòng tuyến Thủy Quân Lục Chiến V.N.C.H., bảo: “Anh em cả. Ngưng chiến dzồi, thích quá! Chúng tôi thèm thuốc hút, thèm ăn, các anh ủng hộ tý.” Thủy Quân Lục Chiến tin người, lấy thuốc quân tiếp vụ và thức ăn hộp đãi người anh em bên kia chiến tuyến. Ăn, hút xong, một tiếng “sát” vang lên, nhóm Việt Cộng rút lưỡi lê đâm mấy ông Thủy Quân Lục Chiến chết!
Tại một địa điểm khác, cũng bên sông Thạch Hãn, sáu tên Việt Cộng sang phòng tuyến của Thủy Quân Lục Chiến xin thức ăn và thuốc hút. Ăn, hút xong, nhóm Việt Cộng mời mấy ông Thủy Quân Lục Chiến sang thăm phòng tuyến của Việt Cộng. Mười hai Thủy Quân Lục Chiến theo sáu tên Việt Cộng đó rồi không bao giờ mười hai Thủy Quân Lục Chiến trở về!

Rất nhiều người biết chị là tác giả của nhiều tác phẩm viết về Hải-Quân. Xin chị cho thính giả biết chị viết những tác phẩm đó vào trường hợp nào?
Tôi thực hiện cuốn Hải-Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975 vì lòng yêu mến, ngưỡng phục của tôi dành cho quân chủng Hải-Quân. Suốt cuộc di tản năm 1975 tôi thấy Hải-Quân đã thể hiện truyền thống cao đẹp của Hải-Quân. Ngoài cuốn tài liệu về Hải-Quân, tôi còn viết nhiều truyện ngắn về Hải-Quân và Lính, thuộc đủ quân binh chủng. Lý do tôi có thể viết về Hải-Quân và Lính là do ngày trước tôi thường tháp tùng các đơn vị chiến đấu Hải-Quân – dưới sự chỉ huy của Hải-Quân trung tá Hồ Quang Minh – lênh đênh trên sông rạch thuộc Vùng IV Sông Ngòi.
Những lần Hải-Quân đụng trận trên sông, khung cảnh quanh tôi thật “đẹp”, thật hào hùng, như xi-nê. Hình ảnh hùng tráng nhất là, ở những đoạn sông rộng, mấy chiếc forms (Truy Kích Đỉnh) hoặc PBR vừa bắn trả vừa lướt nhanh trên mặt nước, trong tầm đạn xối xả của Việt Cộng. Hình ảnh bi thảm nhất là những khi đoàn chiến đỉnh phải chuyển quân trên những đoạn sông hẹp!
Trận đánh ác liệt nhất mà tôi được mục kích xảy ra tại kinh Trèm Trẹm, thuộc tỉnh Kiên-Giang, Rạch-Giá. Thời điểm đó ông Minh là thiếu tá, chỉ huy Giang Đoàn 26 Xung Phong. Vào một đêm tối trời, tôi thấy hỏa châu chập chùng hướng kinh Trèm Trẹm – còn gọi là kinh Thứ – và từ máy truyền tin tôi nghe tiếng kêu cứu từ đồn thứ 9. Thiếu tá Minh trực tiếp liên lạc với đại tá Tỉnh Trưởng xin chỉ thị. Đại tá Tỉnh Trưởng không chấp thuận cho đoàn giang đỉnh đi tiếp cứu, vì Trèm Trẹm là một kinh đào tương đối hẹp, đại tá sợ trách nhiệm! Đến khuya, từ máy truyền tin, lời kêu cứu khẩn thiết – hòa lẫn với tiếng đại pháo của Việt Cộng – từ đồn thứ 9 vẫn vang lên từ máy truyền tin. Thiếu tá Minh tự động đưa đoàn giang đỉnh vào đồn thứ 9.
Đến nơi, dưới ánh hỏa châu, tôi thấy đồn thứ 9 không còn gì và quanh đồn lố nhố Việt Cộng! Dưới sức tác xạ vũ bão của đoàn chiến đỉnh, Việt Cộng “chém vè”.
Một trận chiến khác trên một kinh đào rất hẹp, thuộc quận Gia-Rai, Chương-Thiện. Giang Đoàn 26 Xung Phong đụng độ dữ dội với Việt Cộng.
Nhờ những chuyến hành quân đó, tôi thấy Quê Hương mình đẹp vô cùng. Người dân quê nghèo nhưng tâm họ hiền hòa và họ rất thương Lính. Họ thấy Lính là họ cảm thấy yên lòng như được nơi nương tựa. Khi nào chiến trận bùng nổ thì người dân chạy về phía Lính Cộng Hòa.
Sở dĩ Việt Cộng chiếm được nông thôn vì Việt Cộng dùng chính sách khủng bố, trả thù. Nếu Việt Cộng chiến đấu một cách can cường, ngay thẳng, không man rợ – như Người Lính V.N.C.H. – thì không thể nào Việt Cộng chiếm được nông thôn. Bằng vào thời gian phiêu bạc trên những chiến đỉnh và căn cứ theo chiều dài lịch sử, kể từ ngày tôi đủ hiểu biết, thì chưa bao giờ có cảnh đồng bào Việt-Nam chạy về phía Việt Cộng cả. Năm 1945, bao nhiêu đồng bào rời miền Bắc để di cư vào Nam? Năm 1972 ai khai sinh ra Đại Lộ Kinh Hoàng? Cái dã man tàn ác của Việt Cộng là Việt Cộng pháo kích ngay vào làn sóng người chạy loạn, đi tìm sự bảo vệ từ phía Quốc Gia. Năm 1975, sau khi Việt Cộng “giải phóng (!)” miền Nam, thống nhất đất nước, mà cả trên 30 ngàn người bỏ hết tất cả để ra đi; dù họ không biết sẽ đi về đâu và đi để làm gì! Sau đó, biết bao ngàn người phải liều chết trên biển để trốn khỏi một tập thể đầy ác tính? Từ đó Anh ngữ mới phát sinh ra danh từ Boat People. Tôi tin tưởng rằng Người Lính V.N.C.H. chiến đấu có lý tưởng, có chính nghĩa.

Rất nhiều người nhận định rằng tác phẩm Hải-Quân V.N.C.H. Ra khơi, 1975 giống như một cuốn hải sử. Làm thế nào chị có thể tìm được nhiều tài liệu, chi tiết như là sự tổ chức của Hải-Quân, quân cụ và các chiến hạm, v.v… mà chị đã viết ra?
Thưa anh, tôi gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện cuốn tài liệu Hải-Quân V.N.C.H. Ra Khơi, 1975. Thời gian đó tôi còn đi làm, các con tôi đang học đại học và thời điểm đó chưa có Internet. Vì vậy, tôi chỉ có thể tận dụng hai ngày cuối tuần để liên lạc bằng điện thoại. Tiền điện thoại viễn liên khá cao. Có vị không trả lời bằng điện thoại, tôi phải “bay” đến để phỏng vấn, xin tài liệu, thu băng rồi về viết lại. Từ nhân vật này tôi tìm ra nhân vật khác. Tỷ dụ trung tá Nguyễn Văn Nhượng – Hạm Trưởng HQ505 – cho tôi biết về cuộc rút quân tại Chu-Lai thì cũng chính Hạm Trưởng Nhượng cho tôi biết thời điểm HQ505 tiến vào Chu-Lai thì có những chiến hạm nào khác, Hạm Trưởng những chiến hạm đó là ai, v.v…Tôi thuộc vào gia đình Hải-Quân từ năm 1962 cho nên nhiều người biết tôi. Họ biết tôi có những hoạt động âm thầm nhưng đáng tin. Đại Gia Đình Hải-Quân cũng nhận thấy rằng việc làm của tôi rất hữu ích, để ghi lại những biến chuyển trọng đại của lịch sử Việt-Nam cận đại qua cuộc di tản vĩ đại do Hải-Quân V.N.C.H. thực hiện. Nếu không ai ghi lại thì Cộng Sản Việt-Nam sẽ bóp méo lịch sử cho nên Đại Gia Đình Hải-Quân đã tận tình giúp tôi. Tôi tốn rất nhiều công sức, thời gian – từ cuối thập niên 70 cho đến năm 1990 mới hoàn tất – và tiền bạc; nhưng bù lại, tôi rất may mắn được sự giúp đỡ vô điều kiện của hầu hết sĩ quan, hạ sĩ quan và thủy thủ, cũng như cựu trung tướng Vĩnh Lộc và ông Richard L Armitage.
Lúc nào tôi cũng quý mến và hãnh diện về Người Lính và quân chủng Hải-Quân V.N.C.H.

Dân Sinh xin cảm ơn chị rất nhiều; vì đây là dịp nhìn lại quá khứ 40 năm lịch sử mà chị là một trong những nhân chứng và cũng là tác giả ghi lại những biến cố và sự kiện quan trọng của lịch sử. Bốn mươi năm nhìn lại, chị có ý nghĩ gì muốn chia xẻ với thính giả không?
Thưa anh, ý nghĩ của tôi rất buồn. Bốn mươi năm qua mà Cộng Đồng Người Việt tỵ nạn không những không đồng nhất mà còn bị chia 5 xẻ 7 cho nên vấn đề đối đầu với Cộng Sản Việt-Nam rất khó khăn. Cái khó khăn mà tôi nhận thấy và đã đưa vào truyện ngắn là: Thế hệ anh và tôi biết V.N.C.H. như thế nào; thế hệ của các con của anh và con của tôi có thể hiểu chút ít. Nhưng đến thế hệ cháu của anh và cháu của tôi – thế hệ di dân thứ III – thì thế hệ thứ III này không biết V.N.C.H. là gì cả!
Cộng Sản Việt-Nam đưa rất nhiều sinh viên sang đây du học. Vấn đề bạn trai bạn gái giữa sinh viên du học và thế hệ di dân thứ III làm sao có thể tránh được? Thế hệ di dân thứ III được sinh ra và lớn lên trong một xã hội an bình, lương thiện, đạo đức, có văn hóa cao, hoàn toàn khác biệt với môi trường của những sinh viên sang đây du học và những người vợ người chồng được người Việt tỵ nạn về Việt-Nam cưới đem sang đây. Những sinh viên du học hoặc vợ chồng “xuất cảng” từ Việt-Nam – vì lớn lên trong một xã hội Việt-Nam không có đạo đức, thiếu văn hóa – đã đem theo bản chất lừa lọc, dối trá, tham lam, ăn cắp, tàn ác. Những người “xuất cảng” từ Việt-Nam sang đây không thực hiện những hành động tàn ác vì họ sợ pháp luật; nhưng những lời nói độc hại, những lời nói thô tục, những lời nguyền rủa của họ làm xáo trộn nếp sống văn minh và hiền hòa trong cộng đồng Việt-Nam tại ngoại quốc.
Tuy nhiên, tôi cũng cảm thấy an ủi vì Mỹ bỏ cấm vận cho Việt-Nam rất nhiều. Trong tương lai, nếu Mỹ đưa cố vấn về Việt-Nam để huấn luyện cho quân đội Việt-Nam, tôi hy vọng Mỹ sẽ chọn những sĩ quan Hoa-Kỳ gốc Việt – tức là hậu duệ của Q.L./V.N.C.H.
Nếu niềm hy vọng của tôi thành sự thật thì tôi mong sao những vị cố vấn Mỹ gốc Việt đó hiểu rõ bản chất lừa đảo, gian manh, xảo trá của Cộng Sản Việt-Nam. Bản chất của người Cộng Sản Việt-Nam là họ không có lòng thương người. Cha Mẹ, vợ chồng, con cái mà họ còn đem đấu tố cho đến chết – trong chiến dịch Cải Cách Ruộng Đất – thì làm thế nào họ thương ai!

Xin cảm ơn chị Điệp Mỹ Linh đã dành cho chương trình phát thanh hôm nay cuộc phỏng vấn này. Chúc chị sức khỏe để viết về Người Lính V.N.C.H.
Xin cảm ơn quý thính giả. Xin cảm ơn anh Phạm Phú Nam đã giúp cơ hội để Điệp Mỹ Linh được thố lộ những trăn trở và khắc khoải của mình.
(1)Theo sự giải thích của Cựu Phó Đề Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại.
(2)Ông Phạm Phú Nam đã nhắc Điệp Mỹ Linh về chức vụ của HQ/ĐT Đỗ Kiểm

 

Đăng ngày 20 tháng 03.2015