Thành Kính Tưởng Niệm
Giáo sư Anh văn LÊ VĂN ĐÀO
Thành Viên Cuối Cùng của Hội Mỹ Thuật Nha Trang
Giáo sư Lê Văn Đào (bên phải)
Điệp Mỹ Linh
Như mọi buổi sáng, qua khung cửa sổ trên lầu, tôi âm thầm nhìn những sinh hoạt hằng ngày của nhiều người láng giềng thầm lặng, nơi hai góc đường của một khu vực dân cư rất yên tĩnh. Bất ngờ, điện thoại reng. Tôi nhận ra giọng của chị Phương Nga – cháu gọi giáo sư Lê Văn Đào bằng cậu – từ Canada.
Từ ngày thính giác của thầy Đào không còn như trước, tôi không điện thoại thăm Thầy nữa mà tôi lại gọi chị Phương Nga để hỏi thăm sức khỏe của Thầy; vì thầy Đào là bạn rất thân với Ba tôi – cụ Điệp Linh Nguyễn Văn Ngữ – và thầy Đào cũng là giáo sư Anh văn của tôi những năm tôi học đệ nhất cấp tại trường Võ Tánh.
Tại sao hôm nay chị Phương Nga lại bất ngờ gọi tôi? Linh tính cho biết có điều không lành, tôi vội nói:
- Chị ơi! Chị đừng nói với em là thầy Đào “đi” rồi, nha chị!
- Cậu “đi” rồi, em! Chị gọi, tin cho em biết đó!
Dù không ngạc nhiên, vì thầy Đào đã ngoài 100 tuổi, tôi cũng cảm thấy như hụt hẩng rồi nước mắt tuôn dài trên gò má nhăn nheo của tôi – không khác chi ngày tôi được tin Ba tôi qua đời!
Thầy Đào và Ba tôi đều là thành viên của Hội Mỹ Thuật Nha Trang.
Theo lời kể của Ba tôi, lúc Cụ còn sinh thời, tôi được biết, Hội Mỹ Thuật Nha Trang được thành lập vào thập niên 40. Theo đây, tôi xin trích một đoạn trong truyện ngắn Cây Đàn của Thầy Dưỡng – trong tập truyện Tưởng Như Trở Về của Điệp Mỹ Linh – để quý độc giả có thể biết phần nào về một tổ chức vô vị lợi, nhưng tinh thần yêu nước rất cao của nhóm người trẻ cùng thời đại với thầy Lê Văn Đào và Ba tôi:
“…Thời kỳ đó, trước những biến động của Quê Hương, trước nạn đói thảm khốc – năm Ất Dậu, 1945 – do Nhật gây ra cho đồng bào miền Bắc, Dưỡng, Đào, Ngữ, Lộc, Chại, Gia và Thông cùng nhiều công, tư chức, thương gia, học sinh tham gia công tác cứu trợ và cứu nước với tất cả nhiệt huyết và hoài bảo của thanh niên lúc bấy giờ.
Nhận thấy Dưỡng, Ngữ, Đào, Thông, Gia, Lộc, Chại và nhiều thanh niên khác là một tập hợp của những người trẻ có khả năng về nhiều bộ môn văn học nghệ thuật, bác sĩ Lê Khắc Quyến kêu gọi thành lập Hội Mỹ Thuật Nha Trang.
Dưới sự dìu dắt của bác sĩ Lê Khắc Quyến, Hội Mỹ Thuật Nha Trang, ngoài mục đích cứu đói miền Bắc, còn chủ tâm khích động lòng yêu nước bằng cách viết hoặc phóng tác và trình diễn, tại rạp xi- nê Cô Hai (sau này đổi tên là rạp xi- nê Tân Tiến) những vở kịch như Lửa Cách Mạng – phỏng theo Les Misérables của Victor Hugo – Hồn thiêng Sông Núi, kịch thơ Phi Khanh Nguyễn Trãi v.v…
Ngoài một ban kịch có tầm vóc và các nhóm phụ trách mỗi bộ môn khác nhau như vẽ phông, trang trí sân khấu, quảng cáo, v.v… Hội Mỹ Thuật Nha Trang còn được nguyên “băng” của Dưỡng thành lập ban đàn giây, chứ không đủ tiêu chuẩn để thành lập một dàn nhạc – orchestra – tối thiểu.
Ban đàn giây gồm có:
- Ông Trần Tân Thông, công chức, đàn Accordéon Diatonique.
- Ông Lê Văn Đào, giáo sư Anh văn, đàn Violon.
- Ông Nguyễn Hữu Dưỡng, giáo sư Toán Lý Hóa, đàn Violon.
- Ông Hùng Lân, công chức – không phải nhạc sĩ Hùng Lân, tác giả hùng ca Việt Nam Minh Châu, sau này – đàn Guitar Hawaiian.
- Ông Huấn, học sinh, đàn Acoustic Guitar.
- Ông Trần Bá Lộc, thổi Flute.
- Ông Đức, tư chức, đàn Acoustic Guitar.
- Ông Khương, thương gia, đàn Banjo Soprano.
- Ông Chại, đàn Banjo Alto.
- Ông Phạm Ngọc Gia – về sau trở thành Đại Tá Bộ Binh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) – viết, phóng tác hoặc tập cho thành viên đóng kịch.
- Ông Nguyễn Văn Ngữ, bút hiệu Điệp Linh, giáo sư Pháp văn, có khả năng xử dụng nhiều nhạc cụ khác nhau; được chỉ định – ngoài việc viết hòa âm và phân đoạn bản nhạc để nhạc công độc tấu hay hòa tấu – phải đóng vai trừ bị để thay thế bất cứ nhạc công nào trong trường hợp cần thiết.
Thời điểm đó chưa có “micro”. Nhạc cụ hầu hết là nội hóa, không thể lên đúng âm thanh biểu (diapason) cho nên ông Ngữ phải chép lên một bậc âm thanh so với Accordéon; đó cũng là lý do ban nhạc ít khi hòa tấu nhiều bè – partie son croisement – vì muốn âm thanh của tất cả nhạc cụ đều tập trung vào bè chính để khán giả có thể nghe được. Ngoài những nhạc khúc thời danh như Ải Chi Lăng, Dòng Sông Hát, Chùa Hương, ban nhạc cũng hợp tấu Bến Đò Xưa, Lửa Thiêng, Đường Đi Quan Ải, Chiến Sĩ Phương Nam của Trần Tân Thông và Con Thuyền Trên Sóng của Trần Bá Lộc cùng một số nhạc ngoại quốc như Goodbye Hawaii của Tony Rossy, Shina No Yoru của Kyu Sakamoto, v.v…(hết trích)
Trong các thành viên của Hội Mỹ Thuật Nha Trang tôi chỉ được gặp và nhớ tên vài vị:
- Bác Nguyễn Hữu Dưỡng – giáo sư Toán của tôi trong mùa Hè, tại các tư thục – vì tôi có ý định theo ban Toán khi lên đệ nhị cấp, cho nên phải học thêm toán vào mùa Hè tại trường tư.
- Bác Trần Tân Thông – em ruột của bà chủ tiệm sách Kim Anh, đầu đường Độc Lập; nơi tôi thường đến mua sách và bản nhạc. Bác Thông chết trong thời gian cùng với Ba tôi đi kháng chiến chống Tây.
- Bác Chại là chủ tiệm vàng Mỹ Kim và khách sạn Mỹ Kim.
- Bác Lê Văn Đào là giáo sư Anh văn.
Nhà của bác Đào ở Phú Vinh. Nhà Ba Má tôi trên đường Yersin; do đó, thuận đường, bác Đào thường ghé nhà thăm Ba tôi.
Năm lên đệ Tam, tôi chọn ban Anh văn. Ba tôi im lặng. Giáo sư Anh văn của tôi thời điểm đó là thầy Nguyễn Bá Tiết. Khi bác Đào ghé thăm, tôi bưng nước lên mời Bác thì Ba tôi chỉ vào tôi rồi hỏi Bác Đào:
- Đào! Nó chọn Anh văn. “Toi” thấy “Cha làm thầy, con đốt sách”, đúng không?
Tôi ngẩn người, không ngờ Ba tôi phật ý về việc tôi không chọn Pháp văn là sinh ngữ chính. Bác Đào đáp:
- Kệ nó! Tình hình này thì Mỹ sẽ đến Việt Nam. Nó chọn Anh văn là đúng.
Năm 1998, Minh – Bố của các con tôi – và tôi về Việt Nam. Từ Nha Trang, chúng tôi đón xích lô lên Phú Vinh thăm thầy Đào. Sau đây là phần trích dẫn trong bài Tìm Vết Chân Xưa của Điệp Mỹ Linh, viết về lần hội ngộ sau cùng với thầy Đào:
“…Nhìn ngôi nhà thầy Lê bị đập sập hết một phần ba, Bảo Trân phân vân, không biết đúng nhà hay không. Giữa lúc đó, từ phía nhà sau, một người đàn ông đứng tuổi bước ra sân, khom xuống sắp mớ rui mè lại cho ngay ngắn. Nhận ra thầy Lê, nhờ vầng trán rộng và cao của Thầy, Bảo Trân bước nhanh đến:
- Dạ, thưa Thầy.
Quá bất ngờ, thầy Lê đứng thẳng lên, nhìn Bảo Trân không chớp mắt. Bảo Trân cười, tiếp:
- Thầy không nhận ra con sao, thưa Thầy?
Thầy Lê đưa ngón tay trỏ gõ gõ lên vầng trán rộng:
- Nhận ra chứ, nhưng không nhớ tên.
Chỉ một thoáng thôi, Thầy cười, tiếp:
- Con “thằng” Ngữ, phải không?
Ngày xưa, trong trường và những nơi khác – nếu gặp thầy Lê – Bảo Trân gọi thầy Lê bằng Thầy. Nhưng mỗi khi thầy Lê đến nhà thăm ông Ngữ, Bảo Trân bưng nước mời thì Bảo Trân gọi thầy Lê bằng Bác. Bây giờ nghe thầy Lê nhắc đến ông Ngữ một cách trìu mến, Bảo Trân trở lại cách xưng hô như trong gia đình:
- Dạ, con cảm ơn Bác. Bác vẫn còn nhớ Ba con. Con tên là Bảo Trân.
- Đúng rồi! Vô đây, con!
- Thưa Bác, tại sao nhà Bác và nhà hai bên đường bị đập phá vậy, Bác?
- Nhà cầm quyền đập phá để làm đường. May mà con và Minh thoát được! Thôi, đừng nói về “họ” nữa, Bác “ngán” thấu cổ rồi!
Đó là lý do suốt cuộc viếng thăm, thầy Lê và Bảo Trân chỉ nhắc lại những ngày gia đình ông Ngữ mới hồi cư sau khi ông Ngữ ly khai Việt Minh, những người bạn của Thầy và của ông Ngữ mà Bảo Trân biết, như chú Phạm Ngọc Gia – sang Mỹ theo diện HO – và thầy Dưỡng. Thầy Dưỡng đã chết trong trại tù Nghĩa Phú. Giọng Bảo Trân bùi ngùi:
- Để tưởng nhớ Bác Dưỡng, tụi con đã đi ngang nhà Bác, trên đường Hoàng Tử Cảnh.
- Nay đổi là đường Hoàng Văn- Thụ...” (hết trích)
Đang hàn huyên, thầy Đào chợt nhớ:
- Ô, có cái này hay lắm, để Bác cho con xem. Chờ chút.
Nói xong Thầy đi vào trong. Vợ của Thầy góp chuyện:
- Chắc Thầy đi lấy cuốn Lướt Sóng…
Cô chưa dứt lời, thầy Đào trở ra phòng khách, cầm theo đặc san Lướt Sóng của Hội Hải Quân V.N.C.H. tại San Jose. Tôi ngạc nhiên:
- Làm thế nào Bác có được cuốn này?
- Bà chị của Bác ở Canada về thăm, đem theo cho Bác; vì trong này có bài của Điệp Mỹ Linh đề cập đến Hội Mỹ Thuật Nha Trang, có tên Bác. Bác chỉ biết “thằng” Ngữ hồi đó viết báo, bút hiệu Điệp Linh; còn Điệp Mỹ Linh là ai, Bác không biết
- Dạ, Bác nhớ, năm xưa, có lần Ba con than với Bác hay không, thưa Bác?
- Than cái gì? Bác không nhớ.
- Dạ, hồi đó – khi con chọn Anh văn là sinh ngữ chính – Ba con than với Bác là “Cha làm thầy, con đốt sách”. Nhưng, sau đó Ba con dạy con viết văn.
- Vậy thì bây giờ “Cha nào con nấy”. Được đó, con! Còn đàn thì sao, con vẫn chơi chứ?
- Dạ, bên đó thời gian eo hẹp lắm mà anh Minh lại không thích con đàn cho nên con không đàn nữa.
Im lặng. Minh nghiêm nét mặt, nhìn tôi. Tôi chuyển đề tài:
- Thưa Bác, con thấy, tại phi trường Tân Sơn Nhất họ kiểm soát gắt gao lắm mà làm thế nào cuốn Lướt Sóng có thể “thoát” được?
- Cho họ vài đô la là xong, con à!
- Dạ, Bác có bị đi “cải tạo” hay không, thưa Bác?
- Không. “Thằng” Ngữ và thằng gì em kế của con đó, có bị đi tù hay không?
- Dạ, em con tên Linh. Linh và mấy đứa em trai kế đều bị tù, nhưng khác trại. Riêng Ba của con thì bị vô trại tù Nghĩa Phú, gặp Bác Dưỡng trong đó. Sau bốn năm, Ba con được tha, Bác Dưỡng vẫn còn bị giam.
- “Thằng” Ngữ thì Bác hiểu, vì “nó” là trưởng Ty Nội An thị xã Cam Ranh, mấy thằng em của con thì sĩ quan, còn “thằng” Dưỡng cũng đi dạy như Bác mà tại sao lại bị tù còn lâu hơn “thằng” Ngữ?
- Thưa Bác, theo Ba con kể – sau khi Ba con ra tù và sang Mỹ – thì bác Dưỡng thành lập tổ chức phục quốc, ngay sau khi cộng sản Việt Nam cưỡng chiếm miền Nam. Tổ chức phục quốc bị “bể”. Bác Dưỡng bị bắt. Điều làm con ăn năn và áy náy mãi là lần Ba con trở lại nhà tù Nghĩa Phú thăm Bác Dưỡng, Bác Dưỡng nói Ba con xin con $400.00 đô la cho Bác để Bác mua cây đàn Violon. Nhưng thời điểm đó (đầu thập niên 1980) con không thể giúp được vì con phải phụ với anh Minh lo cho các cháu và gửi tiền về Việt Nam giúp Má con nuôi Ba và các em trai của con trong tù!
- Thôi, chuyện qua rồi, vì hoàn cảnh con không thể giúp được “thằng” Dưỡng thì đành chịu, đừng áy náy. Bác nghĩ “thằng” Dưỡng chắc không trách con đâu. Còn chuyện “thằng” Dưỡng thành lập nhóm phục quốc thì Bác không ngạc nhiên bởi vì tất cả thành viên trong Hội Mỹ Thuật Nha Trang đều mang hoài bảo lớn cho Quê Hương và dân tộc Việt Nam. Nhưng, thế hệ chúng ta thất bại thì các thế hệ kế tiếp sẽ thành công. Như Tổng Thống John F. Kennedy đã nói sau khi ông ấy được đề cử là ứng cử viên Tổng Thống: “We are not here to curse the darkness, but to light the candle that can guide us thru that darkness to a safe and sane future.”
Nhiều thập niên qua, chưa bao giờ tôi có thể quên được dáng thầy Đào ngồi nghiêng nghiêng trên chiếc Vespa, chiếc mũ “phớt” màu cà- phê sữa cũng đội hơi nghiêng; và nhất là lần cuối cùng viếng thăm Thầy, nghe Thầy dẫn một câu rất thâm thúy và đầy ý nghĩa.
Thầy tôi – giáo sư Anh văn Lê Văn Đào, thọ 101 tuổi – đã từ biệt cõi đời vào ngày 20 tháng 11 năm 2020.
Dù Thanksgiving đã qua, lòng tôi lúc nào cũng biết ơn sự dấn thân, sự hy sinh và sự dạy bảo của các thế hệ Ông Cha. Nguyện cầu các thế hệ tiếp nối sẽ ghi nhớ câu nói của Tổng Thống Kennedy mà Thầy Lê Văn Đào – năm 1998 – đã lập lại để dạy tôi.
ĐIỆP MỸ LINH
https://www.diepmylinh.com/
Hải Quân VNCH - Ra khơi 1975 (daihocsuphamsaigon.org)
Nhà Văn Điệp Mỹ Linh &
Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975
Vương Trùng Dương
Hầu hết các tác phẩm viết về Quân Binh Chủng trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QL/VNCH) xưa nay đều do những tác giả đã từng phục vụ trong đơn vị mới am tường để ghi vào trang Quân Sử… Tác phẩm Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975 của nhà văn nữ Điệp Mỹ Linh được coi là tài liệu lịch sử rất đáng quý.
Những tác phẩm khác của nhà văn ĐML đã ấn hành: Dáng Xưa, Chỉ Còn Là Kỷ Niệm, Trăng Lạnh, Tìm Vết Chân Xưa, Sau Cuộc Chiến, Một Đọan Đường, Đưa Tiễn, Cuồng Lưu, Bước Chân Non… Còn nhiều bài viết chưa in thành sách trong thời gian qua.
Nhà văn Điệp Mỹ Linh ở Nha Trang là phu nhân của cố Hải Quân Trung Tá Hồ Quang Minh, khóa 8 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang. Cựu Trung Tá Minh qua đời năm 2014 tại Texas.
Cuộc tình của nhà văn ĐML với HQ Trung Úy Hồ Quang Minh vào đầu thập niên 60 khi Trung Úy Minh phục vụ tại Duyên Đoàn 26, đóng tại Bình Ba, trong vịnh Cam Ranh. Thời điểm nầy, theo lời chia sẻ của ĐML: “Mỗi ngày, ngoại trừ Thứ Bảy, Chủ Nhật, tôi đi bộ xuống làng Bình Ba để dạy các em học sinh – miễn phí. Hè và những ngày Lễ, tôi theo đoàn ghe đi kích hoặc hành quân”. Và, từ đó bà theo chồng phục vụ Giang Đoàn 23 Xung Phong tại Vĩnh Long, Giang Đoàn 30 Xung Phong, hậu cứ trong Trại Cửu Long, Thị Nghè. Giang Đoàn 30XP trở thành một trong những đơn vị tác chiến Hải Quân tham gia những cuộc hành quân hỗn hợp, tham dự các cuộc hành quân Tam Giác Sắt tạo được nhiều chiến công hiển hách…
Khi theo chồng thuyên chuyển về Giang Đoàn 26 Xung Phong, hậu cứ tại Long Xuyên, theo lời ĐML:
“Chính tại Vùng IV Sông Ngòi tôi mới thấy rõ lòng quý mến và tin tưởng của quân nhân Địa Phương Quân đồn trú trong các đồn rải rác dọc những bờ sông hoang vắng dành cho quân nhân thuộc các đơn vị tác chiến Hải Quân. Tình cảm của Địa Phương Quân cộng với tinh thần "huynh đệ chi binh" và lòng quả cảm đã thúc đẩy Minh – đôi khi – bất chấp cả lệnh của Tỉnh Trưởng, tự động đưa đoàn giang đỉnh đến giải cứu các đồn Nghĩa Quân khi nghe lời kêu cứu của họ!...
Thời gian Giang Đoàn 26 Xung Phong được lệnh chuyển vùng hành quân về quận Gò Quau, Chương Thiện, tôi phải trở về Sài Gòn lo việc gia đình. Minh điện thoại cho tôi hay rằng Minh đã gặp Thiếu Tá Phép, Quận Trưởng quận Gò Quau và Phó Quận Hành Chánh mà tôi không nhớ tên. Khi nói chuyện, ông Phó Quận Hành Chánh hỏi Minh rằng có phải tên thật của Điệp Mỹ Linh là Thanh Điệp hay không? Nếu đúng thì ngày trước ông Phó Quận Hành Chánh cùng học với tôi tại trường trung học Võ Tánh Nha Trang và ông Phó Quận Hành Chánh biết tôi chơi đàn Accordéon. Vậy là hai ông yêu cầu Minh bảo tôi đem Accordéon theo khi tôi trở lại vùng hành quân để chung vui với dân làng và mọi người trong dịp Tết… Khi dân làng tề tựu trong sân Quận thì Việt cộng pháo kích. Mọi người chạy tán loạn. Minh ra lệnh đoàn chiến đỉnh phân tán mỏng, tìm địa điểm của Việt cộng để phản pháo. Bị Hải Quân phản pháo, VC ngưng pháo kích. Trên giang hành trở lại Quận, Minh gọi các chiến đỉnh xem "Thủy Thủ không số quân” đang ở trên chiếc nào? Không ai thấy tôi cả! Thấy Minh có vẻ lo, anh truyền tin pha trò để Minh cười cho vui: "Chắc Thủy Thủ của Chỉ Huy Trưởng… đào ngũ rồi!" Minh cười gượng: "Mẹ, Bả mà đào ngũ, ai nuôi con tao, mày!" Rồi Minh liên lạc vô tuyến với Thiếu Tá Phép để hỏi về tổn thất nhân mạng và cũng để tìm tôi. Thiếu Tá Phép cho biết “tụi nó pháo trật lất” và “Thủy Thủ không số quân” bình yên, đang ngồi trên nền xi măng vì không nỡ bỏ cây đàn Accordéon!...
…Những kỷ niệm về sự "trình diện" của "Thủy Thủ không số quân" tưởng đã chìm sâu trong quá khứ; vì tôi hoàn toàn không nhớ được. Nhưng, trong tang lễ của Minh, khi các cựu quân nhân thuộc Hội Hải Quân Houston, mặc quân phục đại lễ, đến chào tiễn biệt Minh và trao lá cờ VNCH cho tôi thì những kỷ niệm xưa cuồn cuộn dâng trào trong hồn tôi! Tôi khóc nhiều và nhận ra những kỷ niệm đó tươi đẹp, trắng xóa và sôi nổi không khác chi những lượn sóng do những chiếc fom hoặc PBR rẻ nước, lướt “vèo vèo” trên những dòng sông xưa, tạo nên…”
Trích dẫn những dòng trên với lời tâm tình, chia sẻ của nhà văn Điệp Mỹ Linh để cảm nhận bà đã hơn nửa thế kỷ gần gũi với chồng và “gắn bó” với Quân Chủng Hải Quân từ những tháng ngày chiến tranh cho đến thời gian ở hải ngoại.
Trở lại với tác phẩm Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975. Trong Lời Ngỏ, tác giả cho biết:
“Trong Hải Quân không hề thiếu những cây bút thừa khả năng để ghi lại những đoạn đường đầy chông gai mà tập thể ấy đã vượt qua. Nhưng sở dĩ tôi được hân hạnh làm công việc này là vì tấm lòng tha thiết của tôi đối với quân chủng này từ khi tôi trở thành "dâu" của Đại Gia Đình Hải Quân.
Vì yêu thích thiên nhiên và cũng vì muốn thấy tận mắt những khía cạnh gai góc nhất của quân chủng Hải Quân để viết bài, tôi xin tháp tùng những đơn vị chiến đấu Hải Quân.
…Nhờ thời gian dài sống cạnh những đơn vị tác chiến này tôi mới cảm nhận được tất cả nỗi đau thương của Người Lính VNCH. Và cũng nhờ thời gian này tôi mới ý thức được rằng Người Lính Hải Quân cũng chiến đấu can cường, liều lĩnh và dũng cảm không thua bất cứ một đại đơn vị tác chiến nào của Quân Lực VNCH.
…Tâm nguyện của tôi tưởng chỉ quẩn quanh trong những dòng sông nhuộm máu ở U Minh. Nhưng, đến đầu năm 1975, Người Lính Áo Trắng không những chỉ giải cứu đồn Nghĩa Quân mà Người Lính Áo Trắng còn đón cả mấy Sư Đoàn thiện chiến và cả vạn vạn đồng bào từ Vùng I và Vùng II Chiến Thuật đưa về Sài Gòn và Phú Quốc thì tâm nguyện của tôi trở nên to lớn hơn và khó khăn hơn.
Tôi muốn ghi lại những đóng góp vĩ đại của quân chủng Hải Quân như là một tài liệu lịch sử…
…Tôi nghĩ lịch sử là những sự kiện có thật, hãy để những sự việc đó tự nói lên từng trạng huống của mỗi giai đoạn. Muốn thực hiện được điều đó và cũng để giữ mức độ khách quan và vô tư của ngòi bút, tôi tránh xen vào cuốn tài liệu này những suy luận, những nhận định, những bình phẩm của bất cứ một cá nhân nào – và ngay cả của chính tôi.
…Cuốn tài liệu này là sự đóng góp tích cực và lớn lao của Đại Gia Đình Hải Quân. Tôi có ý nghĩ để tên tác giả là "Nhóm Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa". Nhưng nghĩ lại, tôi nhận thấy, dù sao đi nữa, cuốn tài liệu này cũng còn nhiều khiếm khuyết, nếu "Nhóm Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa" viết, có thể không có những khiếm khuyết đó. Vậy, tôi là người trực tiếp thực hiện những cuộc phỏng vấn, tham khảo tài liệu và đúc kết mọi chi tiết, xin để cá nhân tôi chịu trách nhiệm…”
Trong những bài viết của nhà văn ĐML ghi lại rất chân tình về gia đình, bạn bè ở Nha Trang và tấm lòng với những chiến sĩ QL/VNCH, nhất là Hải Quân. Một thời và một đời bên nhau với biển khơi, sông lạch… Hình ảnh đó nói lên Điệp Mỹ Linh, người con của quê hương, của Hải Quân VNCH từ lúc làm dâu của quân chủng nầy cho đến cuối đời.
*
Tác phẩm Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975 dày 370 trang, gồm 12 Chương. Trình bày đẹp, trang nhã, nhiều hình ảnh đính kèm.
Chương I: Sơ Lược Lịch Sử Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa (Trang (1- 11)
Chương II: Các Vị Tư Lệnh Hải Quân (13- 19)
Chương III: Sự Tổ Chức Của Hải Quân – Về Hành Quân (21- 70)
Trong Chương nầy đề cập đến Bộ Tư Lệnh Hải Quân, Những Đại Đơn Vị Chiến Đấu, các Vùng Sông Ngòi, các Vùng Duyên Hải… ghi lại tổng quát để độc giả biết tổng quát về Hải Quân VNCH.
Chương IV: Cuộc Đàm Thoại Bất Ngờ (71- 72). Tuy chỉ 2 trang nhưng “báo động” trang sử đau thương của dân tộc.
Chương V: Những Biến Chuyển Quân Sự Và Các Cuộc Rút Quân (73- 143).
Trong Chương nầy tác giả ghi lại Những Cuộc Rút Quân từ Vùng I đến Vùng V Duyên Hải… Nói lên sự dũng cảm, hy sinh, tinh thần quân dân, bao nỗi uất hận, tang thương, ngậm ngùi của thời điểm ngày tàn cuộc chiến!
Chương VI: Những Đột Biến Tại Các Vùng Sông Ngòi (145- 171)
Chương VII: Kế Hoạch Phòng Thủ (173- 176)
Chương VIII: Chuyến Ra Khơi Bi Hùng (177- 199)
Chương IX: Phỏng Vấn Những Nhân Vật Liên Hệ Đến Chuyến Ra Khơi (200- 229)
Chương X: Những Vị Anh Hùng Hải Quân VNCH (231- 242)
Chương XI: Lời Chân Tình của “Thủy Thủ Không Số Quân (243- 300). Danh sách sĩ quan Hải Quân VNCH Lập Nhiều Chiến Công trong cuộc chiến 1954- 1975 (243- 300)
Chương XII: Những Dòng Ký Ức (301- 354) Bài viết của các vị Hải Quân. Phần Phụ Lục (355- 359): Danh Sách Chiến Hạm & Chiến Đĩnh Hải Quân VNCH.
Tác giả Điệp Mỹ Linh HQ Trung tá Hồ Quang Minh
Năm 2003, anh Trần Trọng An Sơn tặng tôi quyển Hải Sử Tuyển Tập, khổ magazine, dày 592 trang được biên soạn rất công phu, đóng góp cho Bộ Quân Sử VNCH. Quân Chủng Hải Quân VNCH có nhiều văn tài đã đóng góp cho nền văn học Việt Nam từ trong nước, trước năm 1975 và sau nầy ở hải ngoại. Anh cũng là nhà thơ, năm 2017 ra mắt tập thơ thứ hai Tâm Tư Người Lính Biển. Tài liệu nầy hữu ích cho tôi để sưu tầm.
Nguyệt san Chiến Sĩ Cộng Hòa trong 11 năm qua được vinh dự đăng tải các bài viết, tác phẩm, thi ca của quý vị.
Tác phẩm Hải Quân VNCH Ra Khơi, 1975 của nhà văn nữ Điệp Mỹ Linh tuy là Tài Liệu Lịch Sử nhưng qua ngòi bút linh động của tác giả lôi cuốn người đọc như “tự truyện” qua cuốn Một Cơn Gió Bụi của cụ Trần Trọng Kim, Bên Giòng Lịch Sử của Linh Mục Viện Trưởng Đại Học Huế Cao Văn Luận… Điều đặc biệt ở đây là nữ giới, “người không có số quân” đã viết lại trang sử.
Được biết cô nữ sinh Thanh Điệp là một trong những thành viên của ban ca nhạc Bình Minh, được thành lập vào giữa thập niên 50, để phụ trách phần ca nhạc cho Đài Phát Thanh Nha Trang. Trưởng Ban Bình Minh – Cụ Điệp Linh Nguyễn Văn Ngữ – là thân Phụ của Thanh Điệp. Thanh Điệp cũng được thân phụ dạy viết văn, dùng bút hiệu Điệp Mỹ Linh để tưởng nhớ công ơn của bậc sinh thành.
Kể từ khi khởi viết vào năm 1961, có bài đăng trên Đuốc Thiêng, Tin Sáng và Tia Sáng… cho đến nay tròn 6 thập niên. Thời chinh chiến, anh Hồ Quang Minh thích và đồng tình với tinh thần văn nghệ của chị. Nhưng, trong những lần trò chuyện qua email với chị, chị cho biết, anh không thích chị viết, hát và đàn… tôi cũng hơi ngạc nhiên nhưng tế nhị không hỏi vì sao? Qua tìm hiểu, tôi nghĩ anh cũng như nhiều vị tướng lãnh, sĩ quan khác, cho rằng mất nước là mất tất cả! Anh HQM là chiến sĩ can cường, lập được nhiều chiến công (Bảo Quốc Huân Chương) và (theo chị), anh “ba gai”, nhiều lần cãi với thượng cấp; nhưng anh rất thương và bảo vệ thuốc cấp… nên đường binh nghiệp của anh không may mắn.
Tôi gọi chị Điệp Mỹ Linh “Nhà văn không có số quân” nữ giới đã viết nhiều về người Lính VNCH.
Little Saigon, Dec 2020
Vương Trùng Dương
https://vietbao.com
Đăng ngày 16 tháng 12.2020