banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

GIAI THOẠI VĂN CHƯƠNG VỀ PHAN KHÔI


Trần Khánh

phan khôiVào thời cuối thập niên 20, các nhà văn, nhà thơ từ Bắc, Trung vô Nam làm báo ở Sài Gòn.
Trong một đêm trăng vào cuối năm 1929, trên con kinh Nhiêu Lộc có một chiếc thuyền cặp bến cầu Bông (thuở ấy nước sông trong, không như ngày nay đen và hôi). Trong khoang thuyền có một tiệc rượu bày ra cho khách ly hương tưởng nhớ quê nhà vào lúc năm cùng tháng tận, chờ đón Xuân sang cùng nhau ngâm vịnh chừng như Tô Đông Pha thả thuyền trên dòng sông Xích Bích.

Những tao nhân mặc khách đó là ai mà có thú chơi tao nhã thế? Xin thưa, đó là những vị văn nhân, thi sĩ có tiếng thời bấy giờ, Phan Khôi, Tản Đà Nguyễn Khác Hiếu, Ngô Tất Tố, Bùi Thế Mỹ…
Đang khi thù tạc để tìm những vần thơ trác tuyệt, bỗng nghe tiếng rao lanh lảnh của cô gái bán vàm: "Ai ăn nem nướng hông?…" Tiếp theo là một chiếc thuyền con thoăn thoắt lướt tới bên bến "tiên ông". Một cô gái duyên dáng mặn mà lễ phép chào và nói: "Thưa qúy ông, em đã từng nghe danh và rất hâm mộ qúy ông. Em cũng học đòi võ vẽ làm thơ được đôi bài. Nay xin được hân hạnh trao hầu qúy ông chỉ dạy để em học hỏi thêm".
Thật là một thú vị bất ngờ. Thi sĩ Tản Đà toan mở lời thì Phan Khôi hứng khởi hơi thơ nhanh nhảu đáp: "Xin cô đừng ngại, anh em chúng tôi sẵn lòng nhuận sắc nếu xét thấy cô có tài văn chương".
Cô gái vui cười nói lời cảm tạ: "Rất mong qúy ông duyệt lãm", vừa nói vừa trao cho Phan Khôi rồi bơi thuyền đi một mạch khuất dạng.
Cụ Phan Khôi và các bạn đồng tự hỏi: "Cô gái là ai? Thơ thẩn ra làm sao?". Bùi Thế Mỹ lên tiếng: "Hãy đọc xem, người đẹp làm thơ hẳn lời cũng đẹp cũng hay chớ, văn tức là người mà".
Cụ Tú Phan Khôi mở thơ ra xem lướt qua, bỗng mặt mày biến sắc, với gương mặt nhăn nhó ông nói: "Chúng ta gặp phải tay bản lĩnh rồi. Các bạn hãy nghe đây:
Chiều hôm thơ thẩn dưới cầu Bông
Chợt thấy giang san luống ngại ngùng
Tả ngạn Phan Công đền khói lạnh
Hữu giang Lê Tướng mộ rêu phong
Thuyền tình du tử buồm đang thuận
Rạp hát Ca nhi trống điểm thùng
Già chết cái thân, trai chết óc
Biết ai thầy thiếp, biết ai chồng?

Chết chưa! Rõ ràng lời và ý thơ chê trách đám thi nhân sao giờ này lại còn sống trong mộng ảo, chẳng nghĩ gì đến non sông đang chìm đắm. Hãy xem tả ngạn có Phan Công (tức đền thờ ông Phan Châu Trinh ở Đa Kao). (Xin lạc đề một chút về bánh cuốn nổi tiếng Tây Hồ ở góc ngã tư đường Đinh Tiên Hoàng và Huỳnh Khương Ninh, trước kia ở trong phạm vi đền Tây Hồ Phan Chu Trinh nhưng không có bảng hiệu, nhưng nói đến bánh cuốn Tây Hồ là ở đó, nhiều người lầm tưởng Tây Hồ là Hồ Tây. Cũng như đối diện với bánh cuốn Tây Hồ bây giờ là bánh mì Bảy Quang nổi tiếng ở Đa Kao, sau này Ba Lẹ, Bé Bự… đều bắt chước recette đó nhưng cũng không ngon bằng).
Bên hữu ngạn Lê Tướng (lăng Lê văn Duyệt ở Bà Chiểu) sờ sờ ra đó thế mà ai nỡ quên công nghiệp và lòng ái quốc của hai vị Phan, Lê. Và sao còn hứng thú nhởn nhơ uống rượu khi mà đất nước còn đang bị lệ thuộc ngoại bang. Rạp hát Ca nhi ở đây là rạp Cao Đồng Hưng. Mà thuyền thơ của qúy vị vẫn đang say sưa.
Chua chát cho thời thế, thân già thì không còn sức ra gánh vác chuyện non sông, người trẻ thì sa ngã đến chết óc thì thân gái biết chọn ai làm thầy, làm chồng.
Đọc xong bài thơ rồi ngẫm nghĩ, ai nấy đều ngẩn ngơ tự vấn lương tâm mà hổ thẹn, kính phục cô gái đã dệt nên những vần thơ trác tuyệt để cảnh tỉnh những ai còn đang mê. Rồi tất cả ra khoang thuyền tìm cô gái bán nem, nhưng còn đâu nữa, nàng đã đi rồi!
Tất cả đồng nghĩ: "Có phải cô gái bán nem là tác giả bài thơ hay một cao nhân ẩn sĩ nào mượn tay cô gái giả đò bán nem với ẩn ý thức tỉnh bọn mình hay có ý gì khác nữa?".

Ít lâu sau, một nữ sĩ ẩn danh nghe hết chuyện cô gái bán nem đưa thơ trêu cợt cụ Phan Khôi, nữ sĩ cao hứng họa lại bài thơ trên một cách ý nhị và chua xót:
Tương tư đầu bạc trắng như bông
Thấy cảnh xuôi tay luống chạnh lòng
Công nghiệp sử ghi đành Nguyễn thị
Cõi bờ ai giữ hỡi là công
Vài anh bạch diện như con cóc
Mấy chị thanh lâu tợ cái thùng
Buồn lại Nam Hưng kêu nước uống
Tìm ông Phan Sót lấy làm chồng.
Nữ sĩ này biết rõ Nam Hưng là tiệm cà phê mà các bạn thơ văn cùng Phan Khôi thường hay lui tới ở vùng chợ Bà Chiểu. Còn ông Phan Sót? Tại sao lại Sót? Vì những ông Phan ái quốc cách mạng như Phan Đình Phùng, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh đã từ trần. Giờ chỉ còn ông tú Phan Khôi sót lại để lấy làm chồng. Hay mà cũng đau nhỉ!

Cần nói thêm, ông Phan Khôi là một lão tướng hết lòng ủng hộ phong trào thơ mới nổi tiếng với bài "Tình già", ông có bút hiệu là Chương Dân và Tú Sơn. Theo ông, Tú ở đây không phải là Tú tài, mà lấy cái âm tiếng Pháp đọc ra "Tout", còn Sơn không phải là núi mà là "Seul". Hai chữ ghép lại "Tout Seul" (Tú Sơn), có nghĩa là một mình, ý nói mình độc lập hay cô độc. Vì tánh cụ vừa ngang lại vừa kiêu.

Trần Khánh

Trích: "Nhìn về quê hương đất tổ"