GIAI THOẠI VĂN CHƯƠNG ĐÀO DUY TỪ
Trần Khánh
Lúc nhà Mạc chiếm kinh đô Thăng Long, vua Lê xiêu dạt vào Thanh Hóa, nhà Lê có tổ chức nhiều khoa thi để kén nhân tài. Đào Duy Từ ra thi Hương nhưng quan trường không cho vào thi, chỉ vì ông là con nhà xướng ca, lại còn bị sung vào quân đội để đi đánh họ Mạc.
Trong quân ngũ ông có dịp quen với Nguyễn Hoàng, một hôm Nguyễn Hoàng đến nhà riêng thăm ông, nhìn thấy trên vách có treo bức tranh Lưu Bị đón Khổng Minh. Trông tranh Nguyễn Hoàng ứng khẩu xướng hai câu thơ :
Vó ngựa sườn non nhí trập trùng
Cầu hiền lặn lội biết bao công.
Đào Duy Từ liền tiếp theo:
Đem câu phò Hán ra dò ý
Lấy nghĩa Tôn, Lưu để ướm lòng.
Qua lời xướng họa, Nguyễn Hoàng đã hiểu lòng Đào Duy Từ. Về sau họ Nguyễn hùng cứ phương Nam, Đào Duy Từ trốn vô theo ở phủ Hoài Nhơn (tức phủ Bồng Sơn, Bình Định hiện nay), Nguyễn Hoàng mất, lúc đầu ông ở ẩn chăn trâu cho một phú ông. Một hôm phú ông đãi tiệc các danh sĩ trong vùng. Đào Duy Từ đứng nghe rồi luận bàn chuyện cổ kim thông suốt. Phú ông mến tài nên giới thiệu với quan Khám lý Trần Đức Hòa là người có uy tín trong phủ chúa Nguyễn Phúc Nguyên. Trần Đức Hòa thấy Đào Duy Từ có tài văn võ đem lòng quý mến nên mời về nhà dạy học và gả con gái cho. Đào Duy Từ thường ngâm nga bài Ngọa Long Cương để sánh mình như Gia Cát Lượng đời Tam Quốc là một quân sư lỗi lạc, có điều cái thế tam phân (chân vạc) của Khổng Minh thất bại, nhà Hán mà Khổng Minh thờ bị mất. Còn thế tam phân (Mạc Lê Trịnh Nguyễn) mà Đào Duy Từ thiết kế đã thành công.
Sau đó Trần Đức Hòa đưa Đào Duy Từ ra mắt chúa Sải (Nguyễn Phúc Nguyên), chúa Sải rất hài lòng liền cho giữ chức Nội tán, tước Lộc Khê hầu. Từ đó Đào Duy Từ dốc lòng đem hết tài năng ra giúp chúa Nguyễn để chống quân Trịnh và có công lớn trong việc đắp lũy xây thành (lũy Trường Dục ở huyện Phong Lộc, lũy Nhật Lệ tức Định Bắc Trường thành tục gọi là lũy Thầy trên sông Đồng Hới, Quảng Bình) và viết pho binh thơ "Hổ trướng Khu cơ" để dạy tướng sĩ đàng Trong. Có thể nói rằng nếu không có Đào Duy Từ lập ra các chiến lũy giữ đất, chống Trịnh, chắc chúa Nguyễn khó giữ yên được bờ cõi để tiến vào Nam tạo nên một miền Nam trù phú như ngày nay.
Năm Kỷ Tỵ (1629) Trịnh Tráng tính việc xâm chiếm đàng Trong, sai sứ giả Nguyễn Khắc Minh mang sắc thư vào Nam tấn phong chúa Nguyễn làm Thái phó Quốc công và lệnh cho chúa Nguyễn ra Đông Đô (Hà nội) đem quân đi đánh họ Mạc ở Cao Bằng. Chúa Sải khó nghĩ, biết rằng sắc chỉ đó là âm mưu của chúa Trịnh kiếm cớ để đánh vào Nam. Chúa hội quân thần để nghị bàn. Đào Duy Từ khuyên chúa nên nhận sắc chỉ để tránh nghi ngờ và cũng kịp có thì giờ củng cố biên thùy phòng chống xâm lăng, khi đã chuẩn bị xong hãy trả lại sắc phong. Chúa Sải nhận theo ý Đào Duy Từ.
Trong vòng hơn tháng vào mùa thu 1630 Đào Duy Từ hoàn thành lũy Trường Dục. Ông xin chúa trả lại sắc thư, ông cho làm mâm đồng hai đáy để sắc thư ở giữa và phẩm vật lên trên, cử Văn Khuông làm sứ thần, căn dặn Văn Khuông những điều ứng đối khi bị chúa Trịnh bắt bẻ.
Tới Đông Đô Trịnh Tráng triệu Văn Khuông vào chầu hỏi chuyện Nam Hà. Sứ giả đàng Trong trả lời lưu loát. Trịnh Tráng đãi Văn Khuông rất hậu. Khi hiến xong mâm lễ Văn Khuông ra dịch xá rồi lén trốn vào Nam. Chúa Trịnh nghi ngờ, cho soạn lại phẩm vật thấy mâm rỗng lấy làm lạ lục tìm thấy mâm hai đáy, bèn khui ra xem bắt gặp sắc thư năm trước của mình bị trả lại với một cánh thiếp đề bốn câu:
Mâu nhi vô dịch
Mịch phi kiến tích
Ái lạc tâm trường
Lực lai tương địch
Đó là những câu ẩn ngữ không ai hiểu gì cả. Nên chúa Trịnh phải triệu Phùng Khắc Khoan tức Trạng Bùng là em cùng mẹ khác cha với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm vô chầu giải thích. Trạng Bùng giải thích bốn câu chữ đó là "Ta không nhận sắc phong" (Dư bất thụ sắc).
Chúa Trịnh nghe qua giận dữ muốn dấy binh đánh chúa Sải ngay, nhưng lúc đó Cao Bằng và Hải Dương có giặc nên thôi.
Biết được Đào Duy Từ một nhân tài lợi hại bỏ xứ ra đi chỉ vì bất mãn chế độ khoa cử hà khắc bất công bày mưu đố chữ để trả sắc phong, chúa Trịnh bí mật sai sứ giả giỏi biện luận, lại có liên hệ với họ Đào vào Nam gặp ông hầu giải bày kêu gọi ông trở về đàng Ngoài giúp chúa Trịnh. Ông trả lời với sứ giả là đã trễ, ông đã thờ chúa Nguyễn ở phương Nam rồi như gái đã có chồng. Qua bài thơ để trách cứ và cũng để trần tình bày tỏ nỗi lòng:
Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra cánh biếc
Em có chồng Anh tiếc lắm thay
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao Anh chẳng hỏi những ngày còn không
Bây giờ Em đã có chồng
Như chim vào lồng như cá cắn câu
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ
Chim vào lồng biết thuở nào ra?
Đào Duy Từ đã dùng ý thơ, nói lên tâm trạng của mình, ngày tôi còn con gái, chỉ với ba đồng trầu cay, sao anh tiếc của không ngó ngàng đến tôi, bây giờ tôi đã có chồng, xuân sắc mặn nồng anh lại tiếc tôi. Trễ rồi anh ơi… Đành thôi!
Sau đó, ông lập nên nhiều kỳ công hiển hách giúp chúa Nguyễn đẩy lui quân Trịnh. Một lần nữa chúa Trịnh sai sứ vào thuyết phục bỏ chúa Nguyễn ra Bắc sẽ được trọng dụng. Ông lại khẳng khái từ chối, ông nói rằng ông rất cám ơn chúa đã nghĩ tới, nhưng ông không thể bỏ đi được, xin chúa đừng nói gì thêm nữa và đừng đi lại nữa sợ chúa Nguyễn biết được rồi nghi kỵ ông, hiểu lầm ông, xin đoạn tuyệt từ đây.
Có lòng xin tạ ơn lòng
Đừng đi lại nữa kẻo chồng em ghen.
Chúa Trịnh Tráng không dụ được Đào Duy Từ, bèn cho đặt những câu hát có ý mỉa mai chê trách ông:
Rồng nằm hồ cạn phờ râu
Mấy lời Anh nói dấu đầu hở đuôi
Rồng khoe vượt gió tung mây
Nào hay rồng đất có ngày rồng tan
Có ai về tới đường Trong
Nhắn nhe với bố liệu trong đường về
Mãi tham lợi bỏ quê quán tổ
Đất nước người dù có như không!
Đào Duy Từ biết thế nào đàng Ngoài cũng mở cuộc Nam chinh nên càng phòng thủ kỹ, cho xây thành đắp lũy kiên cố thêm.
Đào Duy Từ giúp chúa Sải được 8 năm thì mất vào tháng 10 năm 1634 thọ 63 tuổi. Lũy Trường Dục, thành Đồng Hới một thời oanh liệt nay còn đâu, ruộng dâu hóa bể, lũy Thầy nay chỉ còn lại cái tên trong lịch sử thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Những bài thơ bóng bẩy, đẹp đẽ còn truyền trong dân gian đã trở thành ca dao mà ít người biết tác giả, xuất xứ. Khi nghe nữ nghệ sĩ dân ca Hoàng Oanh hát "Trèo lên, trèo lên… cây bưởi hái hoa…" người nghe thổn thức theo lời ca, tiếc nuối một thời con gái… phụ lòng người thương… để ngậm ngùi.
Trần Khánh
(Trích: "Nhìn về quê hương đất tổ")