NHỮNG NGƯỜI VỢ CỦA... BẢO AN, DÂN VỆ


Trần Khánh

Từ danh gọi Bảo an, Dân vệ đổi thành Địa phương quân, Nghĩa quân đã nói lên tầm mức quan trọng của các đơn vị địa phương, bảo vệ diện địa cho dân được yên ổn làm ăn là bảo quốc an dân…

Bảo an đoàn được thành lập hồi năm 1955 là lực lượng của Bảo chính đoàn, Nghĩa dũng đoàn, Việt binh đoàn thống nhứt lại. Từ năm 1955 đến năm 1964 thuộc Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng Hòa. Từ năm 1964 được đổi danh hiệu Địa phương quân trực thuộc Bộ Quốc phòng. Từ 1968 lực lượng này phát triển gấp đôi khoảng 300.000 quân chia ra từng đại đội trấn giữ địa phương tiểu khu, chi khu. Qua Tết Mậu Thân chiến cuộc sôi động nên nhiều đại đội trong tỉnh kết hợp lại thành tiểu đoàn. Những tiền đồn trọng yếu hay những căn cứ quan trọng như chi khu Địa phương quân trấn giữ. Còn các đồn nhỏ hơn hay làng xã thì Nghĩa quân trấn thủ.

Có thể nói ĐPQ/NQ là hai anh em được cha mẹ cho mỗi đứa giữ một trọng trách bảo vệ gia đình, còn ĐPQ/NQ đối với các lực lượng chánh qui như Biệt động quân, Thủy quân lục chiến, Nhảy dù… như người vợ hiền bảo chồng rằng anh hãy lo bổn phận làm trai của thời loạn, em ở nhà lo cho gia đình đàn con được no ấm: "Việc nhà em cố gắng lo làm sao mà ngày mùa bông luá tốt trên đồng xanh, Em lo việc ngoài đồng trong vườn sắn ngô khoai anh về anh khỏi lo ngày mai".

Sở dĩ có chuyện phối trí các lực lượng là do sự lớn mạnh của cộng quân mà ra, những ngày đầu của mặt trận trong Nam chỉ có dân quân du kích trong xã ấp với nhiệm vụ tuyên truyền, phá hoại rào chào đắp mô, bắt cóc, ám sát,… dần dần có cơ động huyện còn gọi là huyện đội, cơ động tỉnh (tỉnh đội) rồi sư đoàn ở cấp cao hơn. Để đáp lại các lực lượng địch đó "mắt đối mắt, răng đối răng", để đối đầu với dân quân du kích xã, ta có Nghĩa quân. Để chống lại cơ động huyện ta có Địa phương quân, và đương đầu với cơ động tỉnh cấp tiểu đoàn ta kết hợp nhiều đơn vị Địa phương quân lại thành tiểu đoàn. Và lớn hơn nữa khu chiến thuật, vùng chiến thuật.

Nhiệm vụ của ĐPQ/NQ thật nặng nề, vừa bảo vệ an ninh thôn ấp làng xã, vừa giữ an ninh cho thành thị, vô hiệu hóa những vụ pháo kích bừa bãi vào khu đông dân cư, chợ búa, trường học. Chống lại chủ trương của địch là lấy nông thôn bao vây thành thị, bắt cóc thủ tiêu… trong các công cuộc bình định phát triển Ấp tấn sinh, Ấp chiến lược, Người cày có ruộng…
Cho nên số tử vong của ĐPQ/NQ rất nhiều, nhiều hơn quân chánh qui. Ngoài ra, vì ở địa phương nên địch nghi ngờ các thân nhân như cha mẹ, vợ con của họ làm gián điệp, điềm chỉ những chuyện bí mật nên bị làm khó dễ, giết hại cũng không ít.

Báo chí thời đó không rõ nhiệm vụ lớn lao của họ, có lẽ các chiến công của họ bên cạnh các chiến công "Bình Long anh dũng, Kontum kiêu hùng" của các đơn vị chủ lực lớn làm lu mờ đi như bị bỏ quên. Nhưng đám nằm vùng địa phương sợ lắm nên có 2 câu:
Ngàn hai bắt được thì tha,
Chín trăm bắt được đem ra chặt đầu.
Lương hàng tháng của các binh sĩ quân dịch là 1200 đồng còn Nghĩa quân có 900 đồng.
Cộng quân nói để biết tầm mức quan trọng của Nghĩa quân, chớ bắt được kẻ địch nào cũng cho ăn mã tấu hay mò tôm chớ không xài đạn sợ tốn kém. Lương Dân vệ ít mà phải nuôi sống vợ con nên Mỹ có trợ cấp thêm hai bao gạo và một thùng dầu 4 lít nên:
Dân vệ đoàn vì dân trừ bạo,
Mỗi tháng hai bao gạo một thùng dầu.

Nói chung người lính địa phương cái gì cũng thiếu hết, đánh giặc theo lối nhà nghèo nên bị khi dễ là con rùa chậm tiến. Lấy đôi chân làm phương tiện di chuyển ít khi được quân xa đưa đón. Người lính nào có gia đình khá thì được cung cấp thêm, đừng tưởng họ dốt, vì vướng bận gia đình không muốn đi xa, có người cũng đỗ Tú tài. Có người nghèo quá không đủ sống nên vô làng xóm bắt con gà con vịt ăn, dân biết mặt bị nguyền rủa, con nhiều cha làm sao tránh khỏi nạn chôm chĩa, bị tuyên truyền của đối phương xuyên tạc thêm, có ít xít ra nhiều mà dân thành thị đâu có biết thành ra mang tiếng không tốt. Thêm vào đó lòng hận thù làng xóm có đi ngang nhà kẻ thù cũng phải phá phách, vào vùng sâu cũng đốt nhà chở gạo lúa. Thêm nữa, cấp chỉ huy địa phương thường nuôi lính trong nhà làm tạp dịch, tiền lương quan lãnh cho được chữ thọ nên có cảnh thiếu lính đi công tác, sanh ra nạn lính ma, lính kiểng… Nói chung xã hội nào cũng vậy ngay cả đơn vị chánh qui cấp chỉ huy vì tư lợi ít nhiều cũng bao che cho một số người có thế lực, tiền tài.

Nhiệm vụ ĐPQ/NQ là triệt tiêu hạ tầng cơ sở của địch như du kích, cơ động… nên cần phải biết tin tức tình báo cho chính xác để đột kích, phục kích. Tin tức do thân nhân hay cảm tình viên trong vùng cung cấp nên biết rõ đường đi nước bước của địch. Có khi gặp tình báo hai mang thì cũng bị nội tuyến mất đồn chết chóc tang thương.
Trong quốc sách chiêu hồi, ĐPQ/NQ đạt được thành tích cao, có hơn 200 ngàn cán binh trở về với chánh nghĩa với đại gia đình quốc gia dân tộc. ĐPQ/NQ vì ở địa bàn cố định, giữ an ninh đường sá, cầu cống, chợ búa… tùy vị trí lập đồn bót lớn nhỏ bảo vệ cứ điểm từ một tiểu đội đến một trung đội (10 đến 30 người). Những yếu điểm đóng đồn như ngay đường giao liên, thường các đơn vị cơ động thường di quân nên địch phải triệt hạ cho được nên nghiên cứu kỹ biết rõ cấp chỉ huy, quân số trong đồn, vũ khí… rồi lập sa bàn, họ dùng lực lượng lớn hơn từ 3 đến 6 lần thì cơ quan đồn trú khó bảo tồn.
Trong khi chủ lực quân với lực lượng hùng hậu quân trang, quân dụng đầy đủ, được yểm trợ pháo binh phi cơ thiết giáp, khi truy lùng chạm trán với các lực lượng lớn của địch cũng phải lấy tin tình báo của địa phương do các đồn bót cung cấp nên ít khi bị phục kích tấn công bất ngờ. Thường thì địch tìm cách tránh né các đơn vị thiện chiến và hỏa lực hùng hậu này.

Nói về công trạng của các anh hùng vô danh ĐPQ/NQ không sao kể hết trong chiến tranh 54-75. Người lính thực thụ có cấp số, quân trang quân dụng vũ khí dù thiếu nhưng cũng có, lương bổng dù ít, có chết cũng được tổ quốc ghi công, phủ lên lá quốc kỳ đưa ra nghĩa trang. Nhưng oan nghiệt thay cho những bà vợ lính, con lính chết oan mà không ai biết ơn. Vì muốn biết tin tức bên ngoài để báo cho chồng nên vợ con cha mẹ đều làm tai mắt khi thấy nghi ngờ một cuộc di chuyển của địch để đoán biết ý định họ đánh đồn nào, nhà ai, con ai có con cháu theo bên trong, đơn vị có bao nhiêu người, ai chỉ huy, có giỏi không, vũ khí để cơ quan tình báo ghi vào trận liệt. Có bà còn đặt lưới tình báo nữa, dặn thân nhân trong vùng xôi đậu làm ám hiệu như du kích về thì phơi cái áo đen v.v… Khi địch phát giác được thì vợ của người lính lãnh đủ bị giết làm gương để dân chúng sợ như chặt đầu, chôn sống để lại bản án kết tội.
Người lính đâu phải ở trong đồn, ban ngày phải xuất đồn mở đường bảo vệ trục lộ liên lạc với dân. Ban đêm đi phục kích đám kinh tài hay đi thu thuế nhà dân. Nên thường không đủ người. Nên về đêm các chị thay chồng phụ lo canh gác, ngày thì lo kiếm ăn, nhiều khi đồn bị bao vây nội bất xuất ngoại bất nhập các chị cũng đóng vai trò như người lính mà không lương.

Trong chiến dịch Phượng Hoàng vào cuối thập niên 60, vai trò ĐPQ/NQ đóng góp không nhỏ làm cho đối phương thất điên bát đảo, tin tức do thân nhân cung cấp từng địa phương. Trong thôn ấp ai làm gì đều rõ cả. Đêm qua ai rào đường, đốn cây chận, ai đóng thuế, ai có con theo cộng đều bị dòm ngó, báo cáo.
Nhiều bà vợ lính được học kinh nghiệm của chồng "giặc tới nhà đàn bà phải đánh". Có khi lên nắm quyền chỉ huy khi đơn vị bị chết gần hết. Có chị bắn hay, tiếp đạn khi bị bao vây, thường bị tấn công giữa đêm khuya nên các chị ít ngủ, nghe tiếng ếch nhái ễnh ương kêu ngoài rào bỗng dưng ngưng thì mấy chị lo báo động các anh sẵn sàng ứng chiến. Chuyện kể người vợ lính ĐPQ/NQ hy sinh cho chồng, cho đồng đội, cho quê hương là một sự thường, quen tai trên khắp 4 vùng chiến thuật.
Đây là câu chuyện người vợ lính, là một chuyện trong muôn một hồi cuối tháng 4/1975. Chị Nguyễn thị Thàng là vợ anh Trung đội trưởng Nghĩa quân đóng đồn ở Giồng Trôm, Bến Tre. Trước khi đồn bị tràn ngập, chị Thàng cùng con giúp chồng và đồng đội chống trả mãnh liệt, chồng ngã gục, chị cùng con cho nổ trái lựu đạn cuối cùng, xác chị nằm bên cạnh anh. Cái chết của chị như tướng giữ thành. Thành mất phải chết theo thành, như Võ Tánh…

Họ là những vị anh hùng vô danh, không ai cậy nhờ, họ không xin xỏ điều gì phúc lợi cho họ, họ luôn ngẩng cao đầu mà đi vì họ nghĩ phải đóng góp máu xương của mình cho tổ quốc, dân tộc và trọn nghĩa vợ chồng. Hành động này đối phương nghe ai cũng phải khâm phục. Hãy trả lại công đạo cho họ.

Còn nhiều nữa, chẳng may người lính ĐPQ/NQ hy sinh hoặc tàn phế cụt tay, mất chân, mù mắt thì người vợ lãnh đủ, gánh lấy trọng trách nuôi con cái, có khi còn phải nuôi cả cha mẹ ruột, cha mẹ chồng già, đau yếu, bệnh tật. Cái cảnh đầu tắt mặt tối không sao tránh khỏi cho người vợ lính, có được chút ít ruộng vườn thì cố công cho ra huê lợi miệt mài "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời". Hoặc không có tài sản thì phải tảo tần mua bán sao cho con cái được no ấm như cảnh cơ cực của bà Trần Tế Xương:
Quanh năm buôn bán ở ven sông
Nuôi nấng năm con với một chồng
Lặn lội thân cò khi quãng vắng
Eo sèo mặt nước buổi đò đông.
Những đứa con thiếu cha phải bỏ học phụ mẹ để đi tìm thức ăn, tối ngày giăng câu, xúc tép mò cua, lòng tong hủm hỉnh, miễn thức gì ăn được thì mang về giúp mẹ.
Vậy mà gặp được bà mẹ giỏi, biết tính toán con cái được đi học và đỗ đạt, sau ra gánh vác gia đình thay mẹ. Dĩ nhiên là được hàng xóm khen làm gương để noi theo.
Ba mươi lăm năm sau cuộc chiến tương tàn, hậu quả vẫn còn thấy như các hình ảnh trong tờ "Nạng gỗ". Hội này đã và đang hoạt động, kêu gọi những nhà hảo tâm, hằng tháng kẻ ít người nhiều đóng góp để giúp thêm phương tiện cho những người cùng khổ bị bỏ quên cho đỡ tủi thân, an ủi phần nào cho đời sống cơ cực bần hàn. Kẻ cho người nhận đều thấy lòng mình được vui.

Bao năm qua rồi, các nhà quân sự mới biết rằng sai lầm về chiến lược khi sử dụng các lực lượng ĐPQ/NQ và các đơn vị chánh qui sư đoàn, các lực lượng lưu động ưu tú. Thay vì để cho ĐPQ/NQ làm nhiệm vụ chánh trong việc phòng thủ diện địa, phải huấn luyện kỹ, nâng cấp số vũ khí lên trong đồn bót, đồn bót phải chắc chắn đầy đủ tiện nghi, lương bổng tăng cho đủ sống. Có vậy người lính trấn thủ lưu đồn mới được vững tâm về mọi mặt, chỉ lo tìm cách đối đầu với địch. Còn những lực lượng chánh qui sư đoàn khu chiến, trách nhiệm lớn hơn cũng bảo vệ diện địa, khi đó các đơn vị đặc biệt Nhảy dù, Thủy quân lục chiến… lưu động được gởi tới chiến trường sôi động cho toàn vùng.
Cho tới ngày cuối tháng 4/1975 thì các lực lượng tổng trừ bị không đủ phân phối khi cộng quân dốc hết toàn lực. Mấy nút chặn đồn bót không đủ sức cản ngăn.

Thôi thì thời trời dân ta đành chịu vậy. Chưa hết đâu, biên cương lãnh hải ta bị đe dọa bởi Bắc phương, lịch sử đã chứng minh khi dân ta đoàn kết thì không một âm mưu nào không bị bẻ gãy như quân Nguyên Mông từng bách chiến bách thắng từ Á sang Âu đến Việt Nam bị bại ba lần.
Gương trung trinh, tiết liệt của bà Trưng bà Triệu, đọc sử sách thế giới từ trước tới giờ có vị nữ anh hùng nào sánh nổi không? Ta lấy đó làm tự hào dân tộc, danh dự vô cùng.

Trần Khánh
(Trích: "Nhìn về quê hương đất tổ")