banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

NGÀY TẾT NÓI CHUYỆN

TRẦU CAU VÀ BÁNH CHƯNG

Trần Khánh

Thời đại này mà nói chuyện trầu cau, bánh dầy, bánh chưng là xưa như quả đất. Ai cũng biết quả đất xưa, cây cỏ, thú vật, con người theo bốn mùa mà sống, điều để ý là mọi sự vật nằm trong trái đất đó mà ra, mà thay đổi làm mới.
Người Việt Nam ta ai ai cũng rõ sự tích trầu cau, bánh dầy, bánh chưng cả. Ở đây chúng ta nên tìm hiểu cái ý nghĩa chân thực của nó mà thôi.


Cho tới bây giờ, tại cái xứ văn minh ở cuối thế kỷ 20, trong năm qua, người viết đã hai lần nhận của bạn bè những miếng trầu têm của lễ đính hôn cho con. Cách chia trầu cau này để báo tin vui khi con cái trưởng thành dựng vợ gả chồng thật là thâm thúy, trân trọng và ý nghĩa hơn các cánh thiệp báo hỷ.
Lui về mấy chục năm trước, ông bà già ở quê ta còn ăn trầu, đi đâu cũng xách kè kè giỏ trầu, chẳng có chi giá trị hết, cái giá trị tiềm ẩn là không thiếu được, không có là không vui và không thể làm việc nổi. Trong giỏ có trầu, cau, bình vôi, thuốc rê và giấy quyến, người già cả, răng rụng có thêm cái ống ngoái nữa. Chỉ ngần ấy, lá trầu quết vôi nhai chung với cau, miệng đỏ chót, lâu lâu nhả bã, có người lại xỉa thêm một cục thuốc sống đặt bên khóe miệng, lại vấn một điếu thuốc rê phì phà khói, có vẻ thiếu vệ sinh và mất thời giờ lại cầu kỳ quá.
Bạn bè gặp nhau ở trong nhà và ngay cả ngoài đường cũng bày cơi trầu ra mời, có khi người nọ lấy trầu của người kia, trao đổi nhau vừa nhai vừa trò chuyện trong vẻ mến yêu, tin cậy và lịch sự nữa. Miếng trầu là đầu câu chuyện mà, chưa quen biết mời trầu để làm quen, quen rồi tình đậm đà hơn.
Về sức khỏe, ăn trầu để cho sâu không ăn răng được, bổ răng, chắc răng. Mùa lạnh ăn trầu để đánh tan cái lạnh, ấm lại, ăn trầu hồng đôi má, thêm duyên, ăn trầu kích thích hệ thần kinh, len lén xâm nhập vào thân thể, con người thấy nhè nhẹ, êm êm, tâm hồn say say, tâm tình cởi mở.
Là con người, ai cũng vậy, dù ở đâu và màu da nào cũng có chút ma túy trong thân hoặc phơn phớt hoặc đậm đà (cà phê, rượu, trà, thuốc phiện...). Kẻ nào không biết chút nghiện luôn luôn tỉnh như ruồi là kẻ đó độc địa, sống cũng chẳng để làm gì, chật đất. Tỉnh táo lúc làm việc, ngà ngà lúc chiều tàn trăng lên. Say tỉnh phải đúng lúc đúng nơi, thư thả vui chơi giải trí với bạn bè. Đó cũng là ý nghĩa say tỉnh của miếng trầu vậy.
Sự tiềm ẩn của miếng trầu trong tình anh em, vợ chồng theo sự tích trầu cau. Chỉ trong gia đình thôi, sống mà chia rẽ nghi kỵ là sẽ chết. Chết rồi mà còn biết suy nghĩ tại sao phải chết, biết hối hận nên được sống lại, hóa thân làm trầu cau vôi hòa hợp lại. Suy ra, gia đình cỏn con mà vậy, huống gì một khóm, xóm làng tới cả nước mà chia rẽ ắt bị xóa tên, bị tiêu diệt. Triết lý vô ngôn qua sự tích trầu cau mà tuyệt diệu, chẳng cần rao giảng rườm rà như của Tây hay kinh hồn lạc phách như của Tàu.
Sống ở đời phải có tình có nghĩa, triết lý trầu cau là triết lý tình nghĩa:
Có phải duyên nhau thì thắm lại,
Đừng xanh như lá, bạc như vôi.
Hồ Xuân Hương
Cầm miếng trầu trên tay nhìn cũng biết cá tính của người têm. Cách xếp lá, cánh trầu, cau và vôi có tương ứng với lá trầu. Vỏ cau xanh, thịt cau trắng, lá trầu xanh ửng vàng, vôi trắng tinh. Cả ba hòa thành một, vào trong miệng con người đỏ thắm, đỏ là màu máu, màu của sự sống:
Vào vườn hái quả cau xanh
Bổ ra làm sáu mời anh xơi trầu
Trầu này trầu tính trầu tình
Trầu loan trầu phụng trầu mình với ta.
Sự sống có sự hòa hợp, sự làm việc, sự gặp gỡ:
Sáng nay em đi hái dâu
Gặp hai anh ấy ngồi câu thạch bàn
Hai anh đứng dậy hỏi han
Miệng nói tay cơi túi trầu mời ăn
Thưa rằng bác mẹ em răn
Làm thân con gái chớ ăn trầu người.
Là một lối tỏ tình kín đáo, không thành lời. Người xưa thưa lời, chẳng nói bóng gió. Mượn miếng trấu để ướm thử, chạm hỏi.
Vào những ngày lễ lộc Tết nhứt, đèn nhang ba ngày liên tiếp trên bàn thờ ông bà khi còn sống nghiện trầu. Người chủ gia đình thường nhắc nhở: "Têm trầu cúng cho bà nội nghe con, quên thì bà quở, không phù hộ con cháu nữa".
Phần trên kể về sự ăn nhưng ăn để trải tình, ăn cho vui miệng vui chuyện, ăn không no và ăn không thể nuôi thân thể được. Phần sau cũng ăn, ăn khai vị, ăn no thật sự để sống, đó là ăn bánh chưng, bánh tét.
Ở các đô, tỉnh, thị xứ ta hoặc ngay ở Paris xứ Pháp, hàng ngày đều có bán bánh tét, bán ở vỉa hè, bán ở trong tiệm. Ngày Tết lại làm tích cực hơn để bán cúng ông bà.

Trước kia, thời Văn Lang - Âu Lạc, tổ tiên ta dùng nếp là lương thực thường nhựt, qua thời Lý Trần vì nhu cầu dân số gia tăng nên phải trồng lúa để dùng thay nếp. Từ đó, địa vị của nếp cao hơn, dành cho những ngày Tết, giỗ chạp, cưới xin ( xôi vò, xôi gấc, xôi lá cẩm...). Xôi trở thành món ăn nghi lễ từ trong nhà ra đến đình, chùa, miếu, từ dân cho đến vua quan. Vậy bánh chưng là món ăn dân tộc, là lễ vật, cho tới ngày nay vẫn thế, đáng cho ta trân trọng gìn giữ chiếc bánh lịch sử.
Năm nay, nhằm Tết Bính Tý 1996, con chuột ăn lúa, ăn nếp, ăn bánh tét, cũng phải đưa ra một ngộ nhận về văn hóa về cái bánh chưng và cái bánh tét.
Từ nguyên thủy, chiếc bánh chưng không gói vuông mà gói tròn và dài như chiếc bánh trong Nam mà ta thường thấy gọi là bánh tét. Còn chiếc bánh tét người ta bảo là do chữ Tết đọc trại ra vì bánh này làm để cúng ngày Tết. Có thuyết khác cho rằng chiếc bánh lột ra, dùng dây lạt quấn buộc khi nấu mà cắt từng khoanh nên gọi là tét.
Nói sao thì nói, ai không tin xin đến vùng Đông Anh, Cổ Loa thuộc ngoại ô Hà Nội sẽ thấy người dân địa phương ấy gói đòn bánh tét vẫn gọi là bánh chưng, ở đây cũng có gói bánh chưng hình vuông nhưng rất ít. Cái triết lý muộn màng trời tròn đất vuông của Tàu đã nhập cảng vào xứ ta về sau mà thôi.
Sự thật mà nói, nghe không được văn hoa mấy, hình tượng bánh chưng tròn như cái chày, cái nõ. Bánh dầy giẹp như cái nường, cái cối. Đó là tín ngưỡng phồn thực của dân gian. Đem cái sinh thực khí của đàn ông và đàn bà để làm biểu tượng bằng hình dáng chiếc bánh cho những ngày lễ lạc, chúc nhau được nhiều con, cháu để phụ giúp trong việc nông gia vì ngày xưa rất ít người. Hiện nay trên thế giới còn nhiều nước vẫn thờ sinh thực khí, chẳng hạn như Ấn Độ...
Ngay như cho, biếu bánh cũng có lệ, không bao giờ cho một cái bánh, phải biếu cặp đôi, buộc dính lại với nhau.
Cũng như mua chiếu phải mua một cặp:
Mua chiếu thì mua cả đôi
Không ai mua chiếu mồ côi bao giờ.
Bánh chưng được kết cấu bằng lá dong lá chuối bọc quanh nếp, đậu xanh, thịt heo, củ hành. Không ngoài nền văn minh nông nghiệp và chăn nuôi của xứ ta, chỉ có điều khác là hương vị và hình thức hết sức đặc biệt đối với hàng trăm bánh khác với cùng vật liệu.
Vậy truyện tích Lang Liêu, ông tổ sáng tạo ra chiếc bánh cũng là một trong những ông tổ mở nước, không chỉ biểu trưng cho một cá thể mà còn là một đoàn thể, cộng đồng dân tộc. Ông là một nhà văn hóa lớn. Vì sự sáng tạo ra trong cái trước mắt, hàng ngày đã sử dụng, nghĩa là tổ tiên ta đã thấy cái phi thường trong cái bình thường.
Con tép, thịt gà ta thấy trước mắt, ăn hàng ngày, nếu biết ướp gia vị, con tép sẽ không bị teo lại khi xào chín và miếng thịt gà sẽ mềm dai khi nấu chín.

Mấy năm nay, trên báo chí Việt Nam đã phổ biển toa thuốc tỏi trị bá bịnh của Tây Tạng cho là UNESCO tìm thấy khắc trên bản gỗ cách đây 2500 năm, hiện nay có nhiều người Việt Nam uống.
Thật ra ông bà ta đã biết và sử dụng tỏi từ lâu rồi. Dân chúng Việt Nam đã dùng hàng ngày, xào, kho, nướng gì cũng ướp tỏi, tôm, cá, thịt gì cũng dùng tỏi. Điển hình như nem làm bằng thịt heo, thịt bò sống, dùng nhiều tỏi để gia vị ở trong, lúc ăn lại dùng thêm tép tỏi sống nữa, vừa cay với ly rượu đế nữa thì chẳng phải uống thuốc là gì.
Đi tìm cái đặc biệt trong cái của lạ thì chẳng khó khăn gì. Đi tìm cái phi thường trong cái bình thường mới là tài năng đặc biệt, cái nhan nhản trước mắt đã thấm sâu vào lòng văn hóa dân tộc từ lâu lắm rồi.
Thiển nghĩ, không vì tính cách lịch sử mà bánh chưng còn tồn tại đến ngày nay mà vì tính cách thơm ngon, dù xa quê hương, vật liệu tìm khó nhưng ngày Tết cũng phải làm sao có bánh chưng, thiếu nó là thiếu hương vị Tết. Vậy bánh chưng là bánh vô cùng đặc biệt.
Bánh chưng cho ta biết trình độ văn minh dân tộc từ thời vua Hùng, một nền văn minh về nông nghiệp. Tất cả vật liệu làm nên chiếc bánh đều do nông nghiệp tạo ra rồi gói chung lại thành một món ăn tổng hợp, mà nền triết học đông phương hết sức chú tâm về sự tổng hợp, âm dương.
Bánh chưng còn được làm với tính cách tập thể, xúm nhau lại, kẻ lượm đậu người vút nếp, kẻ gói bánh người cột dây v.v... ngồi quanh dưới ánh lửa cháy bập bùng tán gẫu. Vậy làm bánh chưng là một công trình nghệ thuật tập thể, là một sự đoàn kết vậy.
Khi đã có một chiếc bánh chưng đẹp mắt, cũng phải biết cắt bánh chưng làm sao đừng sứt mẻ bể vụn mất thẩm mỹ. Phải gỡ từ từ sợi dây lạt buộc ngoài, gỡ miếng lá dong ra một cách nhẹ nhàng. Dùng dây lạt vừa gỡ hay sợi chỉ chắc cắt thành những ô vuông bàn cờ, thì bánh không bị nhàu nát, trông ngon lành đẹp đẽ.


Người ta nói "ăn để mà sống" nhưng món ăn nghệ thuật như bánh chưng có lẽ nói "sống để mà ăn" thì đúng hơn. Cho nên ăn bánh chưng làm sao, với món gì đi kèm còn phải tùy ý thích mỗi người và mỗi miền mỗi khác. Tưởng tượng, sau khi nấu xong vài ba tiếng, bánh vừa nguội (bánh nóng còn nhão), ta thử bánh ngồi mâm bàn, ngồi ngoài hành lang, đu đưa trên võng, cho miếng bánh vào miệng, nếp đậu mỡ tan ra, cái cảm giác "đã" tận mạng, ngọt mặn béo bùi đủ cả. Có người ăn kèm với dưa hành, dưa món, dưa cải. Có kẻ ăn chung với thịt kho hột vịt nấu nước dừa.
Có kẻ ví chiếc bánh chưng như cô gái đang xuân mới bước về nhà chồng, được chồng nâng niu trìu mến. Qua nhiều năm tháng bị chồng bỏ chồng chê. Còn bánh chưng chỉ có mấy bữa Tết thì người ta đã có thái độ liền, "dửng dưng như bánh chưng ngày Tết", vì những ngày đầu năm có nhiều món ngon vật lạ, ai cũng muốn đổi món cả. Vậy nên những chiếc bánh chưng đãi khách còn ế dư hoặc còn nguyên, người ta tán ra trộn chung lại, có nếp, có đậu, có thịt rồi nắn lại để vô chảo chiên lại với mỡ tỏi, bánh ngả màu vàng, mùi vị có khác hơn nhưng vẫn thơm ngon đậm đà.
Tâm lý của con người là vậy, mới thì "nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa". Khi đã hưởng thụ thỏa mãn rồi thì chán chê thờ ơ nhạt nhẽo, rồi tìm của mới lạ.
Nếu người vợ cũ biết trang điểm lại, ăn mặc đẹp đẽ, thay đổi luôn, trau luyện thêm về tình trường thì người chồng cũng sẽ quay về. Số phận ấy giống như bánh chưng được chiên lại, thay sắc đổi màu.
Tình dù cũ, quen rồi cũng nhớ mùi nhớ hơi: "Thia thia quen chậu, vợ chồng quen hơi".
Có đi lâu cũng nhớ tìm về thấy cũng như mới, cũng ngon và thèm. Cho nên, hàng năm chiếc bánh chưng được lập đi lập lại nhiều lần, vẫn ngon, vẫn mặn mà và không thể thiếu được.
Nghệ thuật ăn bánh chưng cũng như nghệ thuật yêu đương giữa vợ chồng, phải từ từ, đừng có vội vã mới hưởng hết cái khoái lạc, cái mùi thơm ngon béo bổ ngấm vô làn da thớ thịt, lần vô tỳ vị thấu tận tâm can.
Ăn bánh chưng để nhớ về nguồn cội, để biết ơn tổ tiên đã sáng tạo ra chiếc bánh mà trên thế gian này không nước nào có được, không đâu tìm ra. Và cũng để tự hào, hãnh diện cho một dân tộc vậy.

Trần Khánh

(Trích "Bài học lịch sử")

 

Đăng ngày 30 tháng 11.2019