banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

ĐẠI ĐỨC TIÊN NGÔ MINH CHIÊU

Trần Khánh

float:left;Ông Ngô Văn Chiêu tức Ngô Minh Chiêu sanh ngày 7 tháng giêng năm Mậu Dần âm lịch, nhằm ngày 28-2-1878 dương lịch, sau chùa Quan Đế quận Bình Tây Chợ Lớn. Khi sanh ra, ông kỵ sữa, nên ông không chịu bú sữa mẹ, mỗi lần bú thì mình mẩy bị sưng lên, nên thân mẫu ông cho ông uống nước cơm, lần lần ăn cháo rồi ăn cơm. Đấy cũng là điềm lạ. Cha mẹ hàn vi sống trong sự lương thiện nên được chánh quyền Pháp cấp học bổng cho đến lúc thành tài.
Ông có tấm lòng từ thiện và kính Phật, tiên, thánh, thần, mỗi tháng ăn chay hai ngày và thường tụng kinh.
Năm 21 tuổi, ông đậu bằng thành chung và được bổ làm thơ ký sở Tân đáo (sở Ngoại kiều) ngày 23-3-1899 tại Sài Gòn.
Năm 1902, ông lên hầu đàn tiên tại Thủ Dầu Một để cầu thọ cho thân mẫu và muốn biết việc tương lai. Tiên ông giáng cơ khuyên ông lo tu hành ngày sau sẽ đắc lộ.
Ngày 1-1-1903 ông đổi về làm việc ở dinh Hiệp lý (Bureau du Gouvernement), rồi thuyên chuyển về làm việc ở Toà bố Tân An khoảng tháng 5-1909. Nơi đây, gia đình ông ở cầu Quây trên đường Lagrange trong một căn nhà ngói rộng rãi vách ván, sống một cuộc đời bình dị, đạo đức. Hàng tháng vào ngày mồng một và rằm là ông phóng sanh chim cá. Trước nhà ông có hai cây keo sum sê là nơi tụ họp của số đông các loài chim. Ban ngày, chim bay tứ tán kiếm ăn, đến sáu, bảy giờ chiều là quy tụ về đó ngủ, xôn xao kêu hót đến tám, chín giờ mới ngủ im lìm.
Năm 1917, ông thi đỗ tri huyện, bà mẫu thân ông lâm trọng bịnh, ông đến đàn Hiệp Minh ở cầu Cái Khế Cần Thơ cầu thuốc. Ơn trên cho ông một bài thuốc và một bài thơ dài như sau:
Trời còn sông biển cũng còn
Khắp xem cõi dưới núi non đượm nhuần
Thanh minh trong tiết vườn xuân
Phụng chầu, hạc múa, gà rừng gáy reo
Đường đi trên núi dưới đèo
Lặn tìm cao thấp phải trèo chông gai
Phận làm con trẻ há nài
Biết phương Tiên Phật, Bồng lai mà tìm
Xem qua xét lại cổ kim
Một bầu trời đất thanh liêm chín mười
Vàng trau ngọc chuốt càng tươi
Bền lòng theo Phật cho người xét suy
Thần tiên vốn chẳng xá chi
Có lòng chiêm ngưỡng nhất nhì giáng linh
Họ Ngô gắng sức, lòng mong
Tên Chiêu xem thấy ở trong hay ngoài
Cõi trần tro bụi bèn nay
Quên ơn dưỡng dục tháng ngày thuở xưa
Lâm gia nguyên tích thừa ưa (cụ bà họ Lâm)
Nữ môn thánh thị đề vừa thiên căn
Sáu mươi hội điểm lịnh đằng
Cầu cho mẹ mạnh mới bằng lòng con
Ba ngày trong điểm vuông tròn
Sớ dâng cho mẹ điển son tha rày.
Uống thuốc cầu về, bà thân ông mạnh sống thêm vài năm.
Ngày 1-3-1920 ông đổi đi Hà Tiên, ông thường lên thạch động cầu tiên. Một vị tiên cô xưng là Ngô Kim Liên cho ông bài thi và khuyên ráng lo tu hành.
Văng vẳng nhạn kêu bạn giữa thu
Rằng trời cùng đất vẫn xa mù
Non tây ngảnh lại đường gai góc
Gắng chí cho thành bực trượng phu
Ngần ngần trăng tỏ giữa trời thu
Cái cảnh tây phương vẫn mịt mù
Mắt tục nào ai trông thấy đấy
Lắm công trình mới đúng công phu.
Ít lâu sau ông được trấn nhậm quận Phú Quốc ngày 26-10-1920. Ông mộ đạo, thường để tâm nghiên cứu tôn giáo, hay lên núi Dương Đông thiết đàn cầu tiên để học hỏi đạo mầu và cầu linh dược cứu bệnh nhân. Được một chơn linh giáng cơ xưng là Cao Đài Tiên Ông thương, kêu đích danh ông Chiêu mà dạy đạo. Các chư vị có mặt hầu đàn lấy làm lạ vì thuở rày không thấy kinh sách nào chép cũng như không nghe ai nói đến danh hiệu Cao Đài Tiên Ông, duy một mình ông Chiêu nghiệm xét ý tứ trong bài thơ giáng cơ và linh tính cho biết rằng Cao Đài Tiên Ông là tả danh của Đức Ngọc Hoàng Thượng Đế.
Từ ngày 8-2-1921, Tiên Ông dạy cho ông phủ Chiêu (đã vinh thăng tri phủ) trường trai học đạo. Ngài chỉ cho cách tu luyện và dặn rằng phải giữ kín bí truyền, chờ tới thời kỳ khai đạo thì ngài sẽ dạy.
Một buổi chiều kia, ông ngồi trên hòn đá ngó mông ra biển cả, thấy mịt mù trời mây nước, sóng dợn ba đào. Bỗng đâu ông thấy lần lần từ chỗ trời nước giáp nhau, lộ ra một cảnh thật là huy hoàng đẹp đẽ, cảnh này vừa khuất lại lộ ra cảnh khác cũng xinh đẹp vô cùng. Ngồi mê mẩn quên thân còn ở chốn hồng trần. Độ 15 phút cảnh ấy đều đi qua rồi biến mất. Sau ông hầu cơ, Tiên Ông cho biết là cảnh bồng lai theo lời thỉnh nguyện của ông được Tiên Ông cho thấy sự nhiệm mầu mà nung chí tu hành.
Một buổi sáng, ông Chiêu nằm trên võng, bỗng thấy trước mắt ông độ hai thước, một "con mắt" rất lớn, linh động khác thường và hào quang rực rỡ. Biết là sự huyền diệu của Đức Cao Đài, ông lật đật quỳ gối chắp tay bạch rằng: "Bạch ngài, đệ tử biết đó là huyền diệu của ngài, nếu ngài dạy thờ ngài bằng tượng trưng "con mắt" thì đệ tử xin ngài cho biến mất đi kẻo đệ tử sợ lắm". Lời bạch xong, hiện tượng "con mắt" biến đi. Đó là biểu tượng thờ Đức Cao Đài mà ngài giáng cho ông Chiêu. Muốn cho chắc ý hơn, ông Chiêu có dịp hầu đàn xin biểu tượng để thờ, lần này Đức Cao Đài dùng cọ cỏ chắm rượu vẽ trên bàn một "con mắt" như ông đã thấy. Đức Cao Đài lại xưng trọn Thánh danh là: "Cao Đài Tiên Ông Đại Bồ Tát Ma Ha Tát", rồi dạy ông Chiêu từ đấy kêu ngài bằng Thầy.
Ngày 30-7-1924, ông phủ Chiêu đổi về dinh Hiệp lý ở Sài Gòn. Đây là nhiệm sở cuối cùng của ông.
Cuối năm Ất Sửu (1925) Đức Cao Đài dạy ông đem mối đạo truyền ra. Ông gặp một người bạn tâm đầu ý hợp là ông Phủ Vương Quang Kỳ. Ông độ được bốn người theo đạo rất đắc lực:
- Ông Phủ Vương Quang Kỳ
- Ông Phán Nguyễn Văn Hoài
- Ông Phán Võ Văn Sang
- Ông Đốc học Đoàn Văn Bản
Ông Vương Quang Kỳ mộ được nhiều ông theo đạo như: Nguyễn Thành Cương, Nguyễn Thành Diêu, Nguyễn Văn Tý, Nguyễn Hữu Đắc, Lê Văn Bảy tự Tý, Võ Văn Mân, Âu Kiệt Lâm…
Tháng 5 năm 1927, ông Kinh lý Lê Công Phương và các tín đồ ở Cần Thơ lập "Chiếu Minh nghĩa địa" có viết thư cầu xin ông Chiêu đến lúc qui vị cho phép tín đồ mang xác ông về nghĩa địa đó.
Tháng 4 năm 1928 ông nghỉ phép 6 tháng đi du lịch các nơi theo lịnh của Đức Thượng Đế dặn.
Đến năm 1931, ông tu được 11 năm, ăn uống rất ít nên càng ngày càng ốm. Tuy đau mặc lòng, ông vẫn cười nói nên ít ai biết căn bệnh.
Ngày 30-3-1932, ông đi núi Tà Lơn Châu Đốc, khi về ghé Cần Thơ ở dưỡng bệnh trong một thảo lư cất trên một ao sen mát mẻ thanh tịnh ngang Chiếu Minh nghĩa địa. Ông thường nói Thầy đã định cho ông chết khi qua sông, lời Thầy rằng:
Giờ này Thầy điểm thâm công,
Ngày sau con sẽ cởi rồng về nguyên.
Đúng ngày về, ông biểu phải đem ông về Tân An lập tức. Các đệ tử chở ông đi ngay, qua đò Mỹ Thuận đến giữa lòng sông Tiền Giang thì hồn ông lìa khỏi xác lúc ba giờ chiều ngày 18-4-1932 (nhằm 13-3 năm Nhâm Thân) thọ được 55 tuổi. Mãi 51 giờ sau khi chết mà mình mẩy, Thi hài ông được liệm ngồi trong cái quan tài hình lục giác tượng trưng cho lục tự Cao Đài: "Nam Mô Cao Đài Tiên Ông", đường kính tám tấc tây, bề cao một thước hai.
Đám táng ông rất êm tịnh, không kinh kệ, không lễ nhạc. Vì khi còn sống ông đã căn dặn: ông biết mình là ai, bỏ xác sẽ về đâu. Đọc kinh cầu nguyện cho ông là điều vô ích.
Đức Cao Đài Thượng đế phong cho anh linh ông Ngô Văn Chiêu tức là Ngô Minh Chiêu là "Đại Đức Tiên".

Trần Khánh

Trích "Bài học lịch sử"

 

Đăng ngày 02 tháng 12.2019