ÔNG GIÀ BA TRI
Trần Khánh
Trong khi trấn nhậm đất Vĩnh Long, Kinh lược sứ Phan Thanh Giản thường hay giải nghĩa cho dân chúng rằng ông già Ba Tri không phải là người ăn nhiều, lắm vợ như người ta lầm tưởng. Mà ông già Ba Tri là người quắc thước, can đảm, là người có công sửa làng, giúp nước, mở đường, lập chợ.
Năm 1742, đời vua Lê Cảnh Hưng thứ ba, Thái Hữu Xưa từ Quảng Ngãi vào Ba Tri (Bến Tre) lập nghiệp. Thời này dân cư thưa thớt lắm, chỉ gọi là trại chứ chưa thành làng. Ông Thái Hữu Xưa được cử làm cai trại, coi việc thu thuế, con là Thái Hữu Chư giữ chức quản trị để tuần phòng giặc cướp vì ông Chư có sức mạnh lại giỏi võ nghệ.
Năm 1759, thời Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát có lệnh lập thành làng, trại này đặt tên là An Bình Đông. Thái Hữu Xưa lãnh thủ khoán, Thái Hữu Chư làm tri thâu.
Tháng 10 năm 1787, chúa Nguyễn Phúc Ánh gặp Trương Tấn Bửu ở Cái Da Trại, Tri thâu Thái Hữu Chư cùng con là Thái Hữu Kiểm ngày ngày dâng cơm nước lên chúa. Nhận thấy Thái Hữu Kiểm là người có lòng, có tài nên phong chức trùm cả làng An Bình Đông (Ba Tri).
Năm Gia Long thứ năm (1806) Trùm cả Kiểm cất chợ Ba Tri và làm lại con đường từ Ba Tri đi Vĩnh Đức Trung, Ba Tri đi Phú Lễ. Nhờ vậy mà chợ Ba Tri được phồn thịnh.
Thời đó chợ có trước là chợ Ngoài thuộc làng An Bình Tây, cách chợ Ba Tri ba cây số, trở nên thưa thớt. Ông trùm xã An Hoà Tây cho dân đến đắp đập ngang rạch để phân ranh, khiến ghe xuồng từ sông Hàm Luông không thể vào chợ Ba Tri được nữa. Nên chợ Trong (Ba Tri) vắng khách. Do sự bất hoà ấy nên có câu:
Chợ Dinh bán áo con trai
Chợ Trong bán chỉ, chợ Ngoài bán kim.
Trùm cả Kiểm nổi giận, kiện xã chợ Ngoài lên phủ huyện, nhưng bị thất kiện với lời phê: "Làng nào cũng có quyền đắp đập nước trong địa phận làng của mình".
Tức quá, Trùm cả Kiểm cùng hai kỳ lão là Tham trưởng Nguyễn Văn Tới và Hương trưởng Lê Văn Lợi cơm gói, hành trang nhứt định đi bộ từ Ba Tri đến Huế, không đợi mùa ghe bầu từ trong Nam ra Quảng. Lúc đó vua Gia Long đã mất, Minh Mạng ở ngôi vua, tuy vừa mới lên ngai nhưng mà vua đã đọc quyển bút ký của tiên đế trong lúc bôn tẩu, gian nan thấy có chép rõ ràng các việc làm của Trùm cả Kiểm. Tri ân một công dân đối với người sáng lập nhà Nguyễn và khâm phục sự can đảm và chịu đựng của các ông già dám đi bộ từ Ba Tri ra kinh đô Huế, vua Minh Mạng truyền chỉ: "Dù làng riêng nhưng rạch chung, phủ huyện phải coi phá đập". Từ đó người ta gọi chợ Trong là chợ Đập.
Ông Trùm cả Kiểm đã thắng kiện, nhờ ở tấm lòng can đảm, ngay thẳng bất chấp nghịch cảnh, thời gian lặn lội đường xa, hiểm nguy để đạt được mục đích.
Ông già Ba Tri thứ hai được nhắc đến là Cai việc Trần Văn Hạc.
Năm 1787 vào một đêm tháng mười, có ba vị khách lạ quần áo lem luốc, dáng điệu mệt mỏi chạy đến nhà Trương Tấn Khương ở Cái Da Trại làng Hưng Lễ (Ba Tri) để xin tá túc. Họ tự xưng là người từ Trung vào mua bán ở chợ Mỹ Lòng, chẳng may gặp phải quân Nguyễn Ánh đánh với quân Tây Sơn nên chạy mất cả đồ đạc. Chủ nhà đưa ba người khách lạ vô chòi ruộng ở với con là Trương Tấn Bửu. Ít lâu ba người khách ấy cho biết tông tích mình là Nguyễn Ánh và hai quan hộ giá đang bị Tây Sơn truy lùng. Trương Tấn Bửu mới xin phép cha được theo phò Nguyễn Ánh.
Trên đường hoạt động bốn người ngồi thuyền thẳng ra sông Hàm Luông, bỗng thấy thấp thoáng ghe tuần tiểu Tây Sơn, bốn người lẩn tránh vào ụ ghe của ông Cai việc Trần Văn Hạc. Vì là chỗ quen thân nên Trương Tấn Bửu khai thật với Trần Văn Hạc. Chờ cho quân Tây Sơn qua khỏi, năm người băng qua Cồn Đất, một cù lao nhỏ nổi giữa sông Hàm Luông ngang nhà Cai việc Hạc.
Hàng ngày, từ sáng sớm Cai việc Hạc phải cõng chúa Nguyễn Ánh ra ẩn trú ở Cồn Đất, đến chiều sẫm tối mới rước trở về nhà. Vì cồn này tới nhà là một bãi sình lầy nên Cai Hạc phải cõng chúa.
Lúc ấy Trương Tấn Bửu đi khuyến dụ nghĩa quân khắp nơi. Nguyễn Đức Xuyên qua Gò Công thuyết phục Võ Tánh. Khi Nguyễn Ánh bình định xong Tây Sơn, thống nhất sơn hà lên ngôi vua hiệu là Gia Long, nhớ ơn một người đã cực khổ giúp mình lúc còn bôn tẩu có ban cho Trần Văn Hạc tấm kim bài khắc hai chữ "Miễn tử" và cho hưởng huê lợi các cù lao trên sông Hàm Luông ra đến cửa biển, "tự Hàm Luông chí hải khẩu".
Vậy ông Cai việc Trần Văn Hạc cũng là ông già Ba Tri có công giúp chúa Nguyễn lúc lâm nạn.
Trần Khánh
Trích "Bài học lịch sử"
Đăng ngày 02 tháng 12.2019