banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

BÀI HỌC LỊCH SỬ

Trần Khánh

Cách nay 14 năm, vào đầu thiên niên kỷ thứ ba, một sự kiện lịch sử về văn hóa vô cùng quan trọng xảy ra ở đảo quốc Đài Loan nằm ven biển Thái Bình.

Đó là cuộc tranh cử chức vụ tổng thống mà ông Trần Thủy Biển (Chen Shui-Bian) đảng Dân Chủ Tiến Bộ thắng Quốc Dân Đảng.
baihoclichsuÔng Biển xuất thân là con một tá điền thuộc gia đình nghèo ở một hòn đảo có diện tích 36200 km², nhỏ hơn Việt Nam cả mười lần, dân số 23 triệu.
Buổi lễ đăng quang ngày 20-5-2000 của ông làm mọi người sửng sốt: dám nói, dám làm. Tổ chức tại thủ đô Đài Bắc trước dinh tổng thống, kiến trúc thời Minh Trị Thiên hoàng (Nhựt), trước đây là dinh toàn quyền Nhựt, Nhựt đi rồi thì Quốc Dân Đảng thay hơn nửa thế kỷ.
Buổi lễ bắt đầu từ 9 giờ 50 sáng, bài ca đầu tiên do một nhóm nhạc sĩ thuộc thổ dân của bộ lạc Bunun bản xứ thuộc tộc Austronesian hát bài ca dân tộc truyền thống tên "Báo tin vui". Tiếp theo là phần trình diễn bài dân ca của người Hakka và người Hoklo. Sau đó tổng thống và phó tổng thống xuất hiện thì bản quốc ca chánh thức mới được hát.
Người hát quốc ca là nữ ca sĩ nổi tiếng của Đài Loan lẫn Trung Quốc Chang Hui Mei, gốc thổ dân bộ lạc Puyuma. Một nam ca sĩ của Đài Loan nổi tiếng vì hát ủng hộ tổng thống mới cũng bị tẩy chay. Trước kia không bao giờ có mặt trong các buổi lễ lớn trình diễn văn hóa địa phương, nay thì quốc ca trở thành thứ yếu. Cho thấy chủ đích của chánh phủ mới theo đuổi chánh sách của dân địa phương chứ không theo quan điểm của Hán tộc. Hậu ý của chánh phủ mới làm Trung Quốc giận dữ.
"Đài Loan đứng lên" được nhiều lần nhấn mạnh. Bài diễn văn này là một lối tuyên bố về văn hóa lẫn chánh trị, nói rõ sự khác biệt giữa Trung Quốc và Đài Loan. Đài Loan đã trải qua thời kỳ bị Nhựt đô hộ lâu dài và đã có riêng lịch sử, chứ không phải lịch sử từ 1949 với đôi mắt của người Hán, bị Hồng quân của Mao Trạch Đông đuổi chạy, gần hai triệu người do Quốc Dân Đảng Tưởng Giới Thạch cầm đầu, đặt trọng tâm vào cuộc chiến Quốc - Cộng với chiêu bài "Quang phục lục địa".
Ông nói cách đây bốn trăm năm Đài Loan có tên là Formosa có nghĩa là hòn đảo xinh đẹp, nay đảo này có một nền dân chủ trưởng thành. Bốn trăm năm trước cư dân đầu tiên là thổ dân Austronesian, chứ không phải xuất phát từ năm ngàn năm trước theo lịch sử Trung Quốc.
Ông nhấn mạnh về văn hóa địa phương phải bảo tồn. Đài Loan là một xã hội đa văn hóa, họ chấp nhận sự đa dạng và giao lưu với nhau giữa các tộc Austronesian, Hoklo, Hakka, và người Hoa từ lục địa sang được xem như cộng đồng người Hoa ở Singapore, San Francisco hay Sydney.
Phân tích bài diễn văn này như bản tuyên ngôn độc lập không như bài diễn văn bình thường.
Những ý nghĩ cao cả thầm kính của ông đã manh nha từ lâu. Năm 1996 ông được bầu làm thị trưởng thành phố Đài Bắc. Ông cho đổi tên đại lộ trước dinh tổng thống là đại lộ Tưởng Giới Thạch thành đường Ketagalan, là tên một bộ lạc thổ dân Austronesian sống quanh vùng Đài Bắc đã bị đồng hóa vào xã hội Đài Loan.
Ông còn chọc giận Quốc Dân Đảng khi thành lập viện bảo tàng giữa một công viên lớn ở trung tâm thành phố để tưởng niệm biến cố ngày 28/2/1947. Công viên này được đặt tên mới là công viên Hoà Bình 28/2. Ông cho trưng bày những hình ảnh, thơ từ của các nạn nhân áo lỗ chỗ các vết đạn…nói lên sự tàn ác của quân đội Tưởng Giới Thạch đã bắn giết 20000 người. Bên trong có dòng chữ lớn: "Confused identity leads to tragedy. Taiwan has to know its past tragic event on 2/28/1947" (Không rõ nguồn gốc chúng ta là ai sẽ dẫn đến thảm kịch. Đài Loan phải biết lịch sử của biến cố bi thảm ngày 28/2/1947). Từ lúc ấy, đa số người Đài Loan bản xứ Hakka, Hoklo đã bắt đầu ý thức được quyền độc lập và tự hào về sự khác biệt của văn hóa, lịch sử, ngôn ngữ của họ với văn hóa Quan thoại của Trung Hoa lục địa và của đảng Quốc Dân.
Người bản xứ có nhiều người trong Quốc Dân Đảng đã đứng lên đòi phải cải tổ, thay đổi chính sách để thể hiện ý nguyện của người dân một cách thực tế, phải thích ứng với trào lưu dân chủ mà quần chúng muốn.
May mắn có Lý Đăng Huy là tổng thống thuộc Quốc Dân Đảng là người bản xứ có chính sách cởi mở, làm cho chánh quyền lục địa tức giận. Chính tổng thống họ Lý mở đường nâng đỡ cho Trần Thủy Biển.
Cùng thời điểm này, như có một sự sắp xếp trước, có nhà di truyền học là giáo sư Lâm Mã Lý đã nghiên cứu về nguồn gốc di truyền các sắc dân bộ tộc từ thời xa xưa ở đảo Đài Loan, một đề tài mới mẻ chưa ai biết. Sau khi tuyên bố kết quả trên tạp chí khoa học vào năm 2000 bà đã nhận được nhiều thơ tín của những người dân Đài Loan để hỏi về nguồn gốc của họ. Bà Lâm Mã Lý đã dùng mẫu máu, nhiễm sắc thể, hệ thống miễn nhiễm đưa vào trong tổ hợp hoạt động quốc tế để cho biết về sự liên hệ và khoảng cách của nhóm dân trên sơ đồ cây di truyền, cho thấy người Mân Nam và Hakka rất gần với người Việt, Thái và các dân thuộc chủng Mongoloid Nam Á, khác xa với người Hán thuộc chủng Mongoloid Bắc Á. Bà cho rằng người Đài Loan thuộc dân tộc Mân Việt (Min Yue) chứ không phải dân tộc Hán mặc dù có pha trộn với người Hán từ phương bắc. Để hiểu rõ hơn người Bách Việt, theo Từ Hải danh xưng này là tiếng để chỉ chỗ hỗn tạp gồm bảy tám ngàn dặm của trăm giống Việt từ Giao Chỉ đến Cối Kê, mỗi xứ đều có dòng họ riêng. Xét theo Thiên Vũ Cống, cõi nam là Việt Môn có rất nhiều nước như Âu Việt, Môn Việt, Lạc Việt gọi là Bách Việt. Từ Ngũ Lĩnh xuống phía nam thuộc về Nam Việt. Học giả Đào Duy Anh kể rõ hơn: "Âu Việt ở Chiết Giang, Mân Việt ở Phúc Kiến, Đông Việt ở Giang Tây, Nam Việt ở Quảng Đông, Lạc Việt là Việt Nam". Giáo sư Lăng Thuần Thanh ở đại học Đài Loan còn ghi thêm cho dân Bách Việt là tỉnh Hồ Nam.
Sau nhiều cuộc phỏng vấn của báo chí có câu hỏi nghiên cứu của bà đã gây ra sự chú ý và bàn luận nhiều vì nó thách thức Hán tộc cho là người Hán và văn minh Hán Hoa là cội nguồn tất cả.
Bà trả lời là đã biết trước nghiên cứu của bà sẽ khởi động cuộc tranh cãi, nhưng đây không phải là điều mới lạ vì trước đây có hai nhà nhân chủng học nổi tiếng là Liu Hui Shang và W. Meacham năm 1937 đã công bố về dân Mân Việt, Hakka và Bách Việt. Kết quả của bà chứng minh theo khoa học chứ không vì có chuyện về thống nhứt hay độc lập Đài Loan.
Bà lại nói thêm mọi người nên biết về nguồn gốc của mình và bà chỉ muốn tìm ra nguồn gốc của người địa phương sống lâu ở Đài Loan. Bà không hiểu tại sao người Mỹ gốc Phi Châu có thể đi tìm được nguồn gốc của họ, mà người Đài Loan không thể nói được! Chúng ta là người Mân Việt cổ xưa. Bà muốn rằng người Đài Loan nên xem mình là người địa phương Mân Việt chớ không phải Hán từ phương bắc. Bà nói: "Bài nghiên cứu của tôi đơn giản để hiểu biết nguồn gốc. Tôi không biết về chánh trị và không thuộc tổ chức chánh trị nào".
Theo sử liệu người bản xứ thuộc dòng ngôn ngữ Austronesian là dân cư lâu đời ở Đài Loan từ trước thế kỷ 17 khi những người ngoại quốc như Hoà Lan, Tây Ban Nha và sau này người Trung Quốc đến chiếm và định cư. Ngôn ngữ của người bản xứ rất đa dạng nhưng tất cả đều thuộc họ Austronesian cùng họ với ngôn ngữ hải đảo Indonesia, Mã Lai, Phi Luật Tân… Một số bộ tộc khác ở đồng bằng và bờ biển trước đây biến mất qua sự đồng hóa trong cộng đồng Hoklo, Hakka và di dân Trung Quốc. Ngôn ngữ các bộ tộc này còn giữ lại trong tự điển của người Hòa Lan, Nhật, Đài Loan.
Trong lịch sử từ 1624 khi người Hoà Lan đến chiếm cho tới thời kỳ nhà Thanh rồi thuộc Nhựt Bản tới chế độ Quốc Dân Đảng, người thổ dân bị phân biệt chèn ép trong xã hội. Năm 1930 một bộ lạc nổi lên chống Nhựt bị họ đàn áp dã man, đất đai của họ bị lấn chiếm. Sau này họ dựa vào đảng Dân chủ Tiến bộ để dành lại quyền lợi của mình từ khi chánh phủ Trần Thủy Biển nắm chánh quyền.
Như các thổ dân gốc Austronesian, các bộ tộc đều có tục lệ ăn trầu và xâm mình. Đặc biệt người Atayal còn xâm hình đầy mặt vì theo truyền thuyết khởi đầu chỉ có hai anh em, vì muốn dòng giống được lưu truyền, người em gái xâm hình lên mặt để gạt anh mình mà kết thành vợ chồng rồi sanh con.
Trước đây vì bị phân biệt, rẻ rúng nên đa số dấu đi nguồn gốc của mình. Ngày nay với chánh sách bảo vệ và phát triển xã hội văn hóa bản xứ trong giáo dục, chánh trị, kinh tế nên họ đều có mặt và hãnh diện là người gốc thổ dân, dân cư đầu tiên của nước Đài Loan.
Người Hoklo để chỉ giống dân tộc và ngôn ngữ vùng Phúc Kiến ở Đài Loan và Hải Nam. Hiện nay ở Đài Loan có 70% dân số là người Hoklo. Ngôn ngữ họ có nguồn gốc cổ ở phía nam Trung Quốc. Theo hai nhà ngôn ngữ học Norman và Mei Tsu Liu thì Hoklo, Hakka và Quảng Đông cùng một gốc. Chúng xuất phát từ các bộ tộc Bách Việt phi Hán sống phía nam sông Dương Tử. Ngôn ngữ này thành phần gốc Thái cổ và được pha trộn với Môn, Khmer, Việt, Munda. Cho thấy các dân tộc người nói tiếng Austroasiatic đã có mặt ở nam Trung Quốc từ lâu đời, trước thời kỳ Tần Hán (200 năm trước Thiên chúa).
Theo lịch sử, tổ tiên nhà Trần, một triều đại lớn ở Việt Nam đã đánh bại Nguyên Mông ba lần, đã di cư từ Phúc Kiến (Mân Việt) theo đường biển và định cư ở Nam Định với nghề đánh cá vào thế kỷ 13.
Ngôn ngữ Hoklo ở Đài Loan nay được gọi là Đài ngữ.
Người Hakka có nghĩa là "khách trú" do người Quảng Đông chỉ những người di dân đến địa phận bắc Quảng Đông và nam Phúc Kiến. Người Hakka có mặt từ ngàn năm trước ở phía nam sông Dương Tử, nhất là khu vực nam tỉnh Giang Tây giáp giới Phúc Kiến. Họ bị người Quảng Đông cho là dân tộc phi Hán, dân mọi man di như các dân tộc Thái Choang hay Mèo ở miền núi. Thật sự người Quảng Đông không là người Hán, họ bị Hán hóa lâu đời, nên cộng đồng của họ không còn giữ được trong ký ức trước kia họ thuộc chủng phi Hán. Đại để như nhà cách mạng Tôn Dật Tiên vậy.
Một nghiên cứu khác cho thấy là người Hakka có một nền văn minh có từ trước đời nhà Tần (221 trước Thiên chúa) đánh chiếm các dân tộc phương nam.
Về sau người Hoklo, người Hakka mới di dân tới đảo Đài Loan vào thế kỷ 18 dưới triều nhà Thanh.
Tóm lại lịch sử Đài Loan đã có thổ dân Austronesia sanh sống từ lâu đời. Năm 230 có một số người chạy loạn từ bờ biển Phúc Kiến, Quảng Đông đến ngụ tại đảo. Họ có cách sống và theo phong tục khác nhau.
Từ cuối thế kỷ 16 đến năm 1624 có một số ít người từ lục địa sang ở dọc theo bờ biển ở phía bắc. Họ sống ngoài vòng kiểm soát của triều đình Trung Quốc, trong số đó không ít là quân cướp biển, thương thuyền bị sóng gió trôi giạt vào. Có khi các thương thuyền Hoà Lan, Bồ Đào Nha ghé qua rồi qua Trung Quốc, Nhật. Dân trên đảo có tiếng là hung dữ. Vì không có thành phố hay cảng chỉ có làng mạc thưa thớt dọc theo biển nên không ai để ý đến.
Các nước tranh nhau tìm thị trường mua bán, người Hoà Lan đến trước chiếm đảo Pescadores rồi năm 1624 đến lập các cơ sở bên bờ tây Đài Loan. Năm 1626 người Tây Ban Nha cũng đến chiếm đóng phía bắc Đài Loan. Người thổ dân bị lấn chiếm không chống trả nổi. Chiến tranh giữa Hoà Lan và Tây Ban Nha tiếp diễn mãi, lúc này người Hoa ở lục địa cũng qua ở hướng tây và nam đảo.
Bây giờ người dân bản địa Đài Loan đã rõ gốc gác của mình rồi, họ có gốc tích Malayo-Indonesian (hải đảo) đóng góp chung với tộc Hakka, Hoklo Phúc Kiến tạo dựng nên một nền văn hóa khác biệt với văn hóa Hán của Trung Hoa. Hơn 80 năm bị trị bởi Nhựt Bản đã ảnh hưởng văn hóa Nhựt đến con người Đài Loan. Họ có quan hệ kinh tế và văn hóa rất sâu rộng. Họ có trình độ trí thức cao, đó là cái chìa khóa để mở tất cả, họ chứng minh bằng khoa học được, nhiều nhà khoa học hợp tác lại dù có sai cũng ít thôi chứ không như người Tàu, họ nói bằng truyền thuyết, không hư cấu cũng cường điệu.
Dưới thời chánh phủ Quốc Dân Đảng, các ngôn ngữ Hakka, Hoklo và các thổ ngữ bị cấm dùng trong nền giáo dục và các công sở, bắt buộc phải dùng ngôn ngữ Quan thoại (Mandarin). Tuy vậy nhiều trí thức Hakka, Hoklo cố gắng giữ gìn tiếng nói của họ bằng nhiều phương cách. Họ sáng tạo ra chữ viết mới na ná như chữ Hán (Koa-a-chheh) vào thế kỷ 17 dưới thời kỳ nhà Thanh theo như lối chữ Nôm của Việt Nam. Lâu dần cũng biến mất vì khó thể thống nhứt và còn sự tùy tiện của người viết. Đến đầu thế kỷ 20, chữ cái La Tinh cũng được thực hiện giống như chữ Quốc ngữ ở Việt Nam. Chữ này có tên là Poe-oe-ji nhưng cũng không thành công.
Vì chánh sách Quốc Dân Đảng ngăn cản, họ chỉ muốn dùng chữ Hán Quan thoại thôi. Vì chánh sách độc tôn của Quốc Dân Đảng nên một số dân ở thế hệ mới quên đi hoặc không biết tiếng mẹ đẻ của họ. Chính sách này cũng cấm dùng tiếng địa phương nơi công cộng, công sở, trên truyền thanh, truyền hình. Hơn thế nữa, trường học nào để con em học sinh nói tiếng địa phương không phải là Quan thoại thì bị phạt tiền. Ông Lý Đăng Huy và Trần Thủy Biển cho phép các ngôn ngữ địa phương được sử dụng trong môi trường đa văn hóa, đồng thời bảo tồn, phát triển văn hóa bản xứ.
Tháng 4/2001 ông Trần Thủy Biển khánh thành viện bảo tàng văn hóa và lịch sử Hakka lớn nhất Đài Loan ở thành phố Cao Hùng. Ông còn thành lập ủy ban văn hóa Hakka hy vọng sẽ biến thành trung tâm nghiên cứu về văn hóa Hakka lớn nhất thế giới.
Ngoài ra còn có phong trào Đài văn (Tribun) để phổ biến văn học bản xứ (Đài ngữ), mục đích dùng ngôn ngữ, chữ viết địa phương trong địa hạt giáo dục, xã hội để chống lại Hán học được quý trọng, còn văn học Đài Loan chỉ là văn hóa "xóm làng" trong địa hạt nhỏ bé. Được vậy cái văn hóa "xóm làng" đó dân bản xứ lấy làm hãnh diện chứ không bị hổ thẹn. Tiếc là sự thống nhứt và tiêu chuẩn chữ viết chưa thực hiện được chỉ vì có nhiều chữ dùng từ Hán để phát âm, lên vi tính cũng gặp nhiều khó khăn. Nhưng vẫn dùng được chữ Hán Đài ngữ và La tinh Đài ngữ trong phong trào Đài văn.
Có thể nói rằng tình trạng của các dân tộc Hakka, Hoklo ở Đài Loan giống như tình hình Giao Châu của Việt Nam trước thời Ngô Quyền giành lại độc lập sau cả ngàn năm bị đô hộ. Dân tộc Lạc Việt đã gìn giữ văn hóa mà không bị Hán hóa. Không có chữ viết thì mượn chữ người và sau đó cải cách văn hóa truyền miệng. Lịch sử cho biết rằng văn hóa còn là dân tộc còn.
Bản chất của Hán tộc muôn thuở là tham lam, giành giựt, xảo quyệt, độc ác. Họ không buông tha hành động nào với những địch thủ họ cho là nguy hiểm.
Một bằng chứng rõ rệt là ông Lý Đăng Huy là người theo Quốc Dân Đảng được cất nhắc lên tới tổng thống, giúp Trần Thủy Biển theo Dân Tiến Đảng được bầu làm tổng thống. Điều này làm cho chánh quyền Trung Quốc tức giận gây khó khăn cho ông Lý Đăng Huy ngay khi ông không còn trong chính trường trở về như là công dân bình thường, khi ông muốn đi thăm Anh, Mỹ, Nhật với tính cách riêng tư, thế mà chánh quyền Trung Quốc cũng đã gây sức ép lên các nước liên hệ để không cấp visa cho ông. Ghê chưa!
Gần đây nhứt, hồi đầu năm 2014 chánh quyền Trung Quốc ngang nhiên đưa giàn khoan vào lãnh hải Việt Nam. Họ chọc ghẹo, phá phách, giết chóc, ăn hiếp người một cách hèn mọn như trò chơi trẻ con. Thế mà thế giới tự do, Liên Hiệp Quốc can thiệp lấy lệ. Một hành động của một siêu cường vừa rộng lớn vừa đông dân đi bắt nạt kẻ yếu như vậy. Người dân dốt nát mà còn thấy huống gì…
Ở Đài Loan chỉ có vài dân tộc thôi mà khi người Hán Quốc Dân Đảng chạy sang rồi tánh nào tật nấy lại hà hiếp dân địa phương, quên mình là kẻ ở đậu. Phải chi họ là thuần giống Hán, đều là bọn lai căng hết! Đọc lại lịch sử rõ ràng Trung Quốc có 56 dân tộc, đến nước Tàu "vĩ đại" mà xem, các dân tộc ít người họ bị dồn lên núi, ngoài bể sống khổ cực lắm, tội nghiệp họ lắm.
Sách xưa ở Tàu ghi: "Thiên cổ Trung Quốc, vạn chủng nhân tình" (Lịch sử Trung Quốc ngàn xưa, người nhiều tộc).
Giáo sư đại học ở California ông Voyram Eberhard giảng: "Hiện nay người ta biết rằng xưa kia không có một chủng tộc Tàu, ngay cả người Tàu cũng không có nữa. Người Tàu thực ra chỉ là sự pha trộn dần dần theo một tiến trình vừa phiền toái vừa lâu dài của nhiều bộ tộc khác nhau. Vì thế chúng ta thấy rằng không hề có một nước Tàu văn minh chung quanh là những dân tộc man di mọi rợ, mà chỉ có một nước Tàu và các quốc gia trong vùng cũng văn minh như họ tuy theo đường hướng khác".
Theo ông Charles Hucker, cuộc nam chinh của người Hoa không phải là tiến vào vùng hoang dã không có dân cư mà cũng không phải là cuộc bành trướng kiểu Hoa Kỳ đoạt đất đai của đám "mọi rợ". Khi một nền văn minh có bản sắc rõ rệt ở bắc Trung Quốc xuất hiện lần đầu tiên tại Bình Nguyên, bắc Trung Quốc thì vùng đất miền nam đã có những sắc dân cư ngụ tại đó và họ cũng có một trình độ phát triển văn hóa không kém người Hoa. Vậy là cuộc bành trướng về phương nam của Trung Hoa đã làm phong phú hóa (nghĩa là học hỏi của người làm của mình) cuộc sống cho người Hoa nguyên thủy và văn hóa của họ. Nhưng không phải tất cả các dân bản địa phương nam đều chịu tùng phục và chịu đồng hóa. Những dân tộc chống đối mạnh mẽ nhất đã di tản trước đà tiến của văn minh và kiên định phát triển một nền văn minh riêng của họ như dân tộc Việt, Thái.
Những di vật tìm thấy ở Sanxingdui được các nhà khảo cổ công bố: "Đó là văn hóa nước Thục. Thục là nước bị vương quốc Tần chiếm vào thời Chiến quốc (khoảng 400 năm trước Thiên chúa) nhưng văn hóa Sanxingdui có trước lúc đó trên 2000 năm". Khám phá này được thế giới xem là quan trọng nhứt ở hậu bán thế kỷ 20.
Để biện minh cho nền văn hóa của Tàu nói một đường làm một nẻo, viết trên sách vở mệnh danh là danh gia, lời Triệu Lương ra mắt, Thương Ưởng nói: "Ban đầu tập tục nước Tần không khác tập tục Nhung, Địch, cha con không phân biệt ở chung một buồng. Nay tôi đặt là lễ giáo, trai gái không có sự lẫn lộn như Lỗ, Vệ" (Thương Ưởng là thừa tướng nước Tần, khoảng 350 trước Thiên chúa, chỉ tập tục nước Lỗ là nước Khổng Tử làm quan ở đó).
Trong sách Nam Hoa kinh của Trang Tử có viết, một người đánh xe cho vua đã ba đời đánh xe từ thời ông nội. Một hôm thấy ông vua ngồi bệ vệ xem sách, người đánh xe tới trước mặt vua quỳ xin miễn tội chết, nhà vua cho, ông mới hỏi nhà vua đọc sách gì? Nhà vua nói ta đọc sách Thánh hiền. Người đánh xe chê là sách nhảm nhí cặn bã. Nhà vua nổi trận lôi đình, nhưng đã hứa là tha chết nhưng phải nói rõ tại sao? Người đánh xe giải thích là: "Như thần đây đã ba đời đánh xe cho vua, cái nghề hạ tiện mà cũng học cho thông phải mất nhiều năm. Như xe hư cái bánh phải làm sao cái bánh lọt vô cái niền xe không bị sút rớt, phải dùng búa đập cái bánh xe tròng vô cái niền, nếu đập nhẹ tay thì bánh xe không vô, đập mạnh tay thì gãy cái niền, đập sao cho vừa, vậy phải ngồi mà coi cái ý, theo dõi cái tình rồi lấy cái tâm mà lãnh hội. Nghề đóng bánh xe còn vậy, nói chi đến kinh sách thơ văn làm sao nói hết được bằng lời, ghi lại chữ cho hết được tình cao ý đẹp. Lời không nói hết được ý, ý không nói hết được tình".
Vậy đọc sách gì cũng phải suy nghĩ, chớ đừng vội tin, có khi hại cả cuộc đời. Đời xưa ít chữ nghĩa, đời nay sách vở tràn ngập, thông tin nhiều hình thức.
Nói về đọc sách dịch thuật, ông Phan Hán một dịch giả nổi tiếng của Tàu viết: "Đọc tác phẩm qua bản dịch chẳng khác nào ăn cơm do kẻ khác nhả ra, chẳng những vô vị mà còn kinh tởm".
Tác giả nào cũng viết theo ý mình, người dịch còn thêm thắt giải nghĩa. Sách kinh, sử liệu đã đầu độc con người nặng lắm. Hãy suy nghĩ kỹ trước khi hành động, đừng vội tin.
Hai ông Lý Đăng Huy và Trần Thủy Biển thật đáng vinh danh, làm chuyện vĩ đại thật là vô cùng khó khăn khi tìm lại bản sắc dân của mình cùng với các nhà khoa học có tâm huyết. Chứ không thì muôn đời mình chẳng biết mình là ai, từ đâu tới để mà hãnh diện. Tiếc thay công việc họ làm chưa hoàn thành thì ông Trần Thủy Biển bị tai tiếng, ông và con rể ở tù, vợ chồng lem nhem tiền bạc, bạn bè xa lánh. Mong rằng dù gì sách vở thông tin cũng còn đó, nhóm trí thức bản địa vẫn còn đó.
Chuyện làm của hai vị tổng thống ở đảo quốc Đài Loan là một bài học lịch sử đáng giá cho nhiều nước Đông Nam Á Châu: Nam Dương, Mã Lai, Phi Luật Tân, Thái Lan, Miên, Lào, nhất là Việt Nam và các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Phúc Kiến…

Trần Khánh

(Trích "Bài học lịch sử")

 

Đăng ngày 11 tháng 10.2017a