CHUYỆN PHIẾM CON GÀ
Trần Khánh
Gà là loại gia súc có lông mao và cánh, đẻ trứng, trứng ấp nở ra con. Gà trống có mồng cao, tích lòng thòng bên dưới, chân có cựa nhọn, lông dài mã đẹp, tánh háo chiến với đồng loại, gáy cả ngày từ sáng tới khuya. Gà mái thân nhỏ và thấp hơn gà trống, mặt tái.
Gà có nhiều giống:
Gà ác còn gọi là gà ri hay ngũ trảo vì bàn chân có năm móng, lông trắng, da đen, ở xứ ta loại này thường nấu với lá dâu tằm ăn để trị bịnh hay hầm thuốc bắc ăn bổ dưỡng.
Gà cỏ hay gà rừng (gà cỏ quay mỏ về rừng), nhỏ con lông dài, bay giỏi hơn gà nhà.
Gà tre nói nôm na là gà "che", nhỏ con, lông rất đẹp.
Gà lôi còn gọi là gà tây, to con như công, đuôi xoè, có tiếng kêu lạ "cà lót! cà lót!", thường bị ăn thịt vào dịp Giáng sinh hay tết Tây.
Gà sao lông nhiều, màu xám có nhiều đốm đen.
Gà tàu là giống gà thường nuôi để ăn thịt, nhiều thịt và ngon.
Gà nòi còn gọi là gà chọi, người ta nuôi gà chọi để cáp độ đá nhau, tánh háo thắng, gan dạ. Gà chọi có cựa dài, cũng có loại cựa chỉ như hột bắp là gà đòn, giống này mạnh, lì đá tới chết. Những con gà chọi tùy theo màu sắc, hình dáng mà người ta đặt tên: gà điều có lông mã đỏ, gà ô lông đen, gà chuối có bộ lông đen trắng xen nhau, gà bông toàn thân có lông đen lẫn trắng, gà phèn lông vàng, gà nhạn lông toàn trắng, gà xám. Dân chơi gà còn đặt tên theo mấy ông tướng Tàu trong các tuồng tích. Gà Uất Trì Cung có mặt đen, gà Quan Công mặt đỏ và tướng oai phong như Lữ Bố, Triệu Tứ Vân, La Thành. Hồi trước đá gà vuốt cựa bén nhọn, về sau chơi gà buộc dao thay cựa để chém chết cho lẹ gọi là gà dao. Ở xứ ta gà Cao Lãnh là gà có tiếng cho nên có câu:
Gà nào hay cho bằng gà Cao Lãnh
Gái nào bảnh cho bằng gái Nha Mân. (thuộc Sa Đéc)
Khi gà còn nhỏ gọi là gà con, lớn lên bằng bắp tay gọi là gà giò, gà trống lớn là gà cồ, gà mái vừa mới lớn chịu trống là gà mái ghẹ hay mái tơ, khi đẻ ấp trứng là gà mái ấp trứng sau thành gà mái dầu, gà mẹ.
Bản tánh gà trống là gáy "ò ó o", thấy gà mái lại dê, xoè cánh chạy quanh là gà vè. Còn gà mái thì hay cục tác sau khi đẻ từ ổ nhảy xuống nên có câu: "Gà đẻ gà cục tác, ác đẻ ác la" để chỉ những người lên tiếng trước để bào chữa hành động sai quấy của mình. Gà mái còn có đặc tính là mặt tái mét nên những người mặt mét ví như "mặt gà mái". Gà thường hay ngủ sớm, chiều về tắt nắng là gà vô chuồng ngủ, nên ai ngủ sớm thường bị chê là "ngủ như gà", có lẽ trời tối không thấy rõ như "quáng gà". Ngủ sớm nên dậy sớm để gáy từ canh ba để báo thức cho nhà nông lo việc đồng áng.
Thế mà có kẻ ví von, bóng gió để chỉ những người buồn ủ rũ như "gà nuốt dây thun", "gà mắc mưa", "gà nuốt lò xo". Người ngớ ngẩn lớ mờ là "gà mờ", "quáng gà", "gà mở cửa mả" ("chần chờ như gà mở cửa mả"), con gà mái buộc vào cây mía kéo quanh mả người chết sau 3 ngày, con gà mái bị kéo mệt thả ra đờ đẫn, nghe đâu nó sẽ đẻ sai lắm.
Năm con gà được gọi là năm Dậu, đứng hàng thứ 10 trong 12 chi. Năm Dậu có Ất Dậu, Đinh Dậu, Kỷ Dậu, Tân Dậu, Quý Dậu. Tháng Dậu là tháng 8 âm lịch. Giờ Dậu từ đầu 17 đến 18 giờ (2 tiếng).
Chữ Dậu còn có nghĩa tục, dậu gà là cái bầu dầu nằm trên cái phao câu của con gà và cũng còn là cái sinh sản của con heo tên là cái dậu heo (tên chữ).
Gà cũng còn được gọi là con kê. Trong giới chọi gà qúy những con linh kê lắm, những con có hình dáng khi ngủ xòe cánh nằm bẹp là gà ngủ tử hình, ngủ tử mị. Gà lưng qui là gà có lưng khum như con rùa. Cẳng gà hay cựa gà có bớt son, gà có hai mồng nhưng phải là mồng trích mới đúng chớ mồng lái, mồng dâu, mồng chốc là không đúng. Kim kê có sắc vàng, gà né lòng (khi ôm vào mình nó nép vào lòng chủ), đầu gà hay lắc, hay gà lúc đi cái đầu lủi tới, sách có câu:
Nhất thời chắm muối quăng ra
Nhì thời lắc mặt, thứ ba né lòng.
Những con gà được cho là linh kê thường là gà đầu đàn, khi đem đá độ đối thủ e sợ, có khi qua dàn nạp đầu lúc so vai, địch thủ bỏ chạy như con gà rót.
Bản chất chó thì sủa, gà thì gáy, như phận tôi đòi thì làm việc cho chủ luôn: "Kê minh khuyển phệ".
Khi tuổi già sức yếu thì da nhăn, tóc bạc: "Kê bì hạc phát".
Con người thanh cao mà gần đám người thô tục như con hạc đứng giữa bầy gà: "Kê quần lập hạc".
Chuyện gì khác với tự nhiên là chuyện gở không lành như gà mái mà gáy: "Kê báo tai, thước báo hỉ".
Cuối đời Trần, một hôm vua Nghệ Tôn chiêm bao thấy con khỉ mõm đỏ nhảy lên lầu Bạch Kê (vua tuổi Dậu), điềm báo trước Hồ Quí Ly soán ngôi: "Bạch kê xích chủy".
Gà trống sống cùng gà mái cả bầy, oai phong lắm, sáng ra sung sức làm bổn phận truyền giống 5, 7 vợ. Mỗi lần leo lên chớp nhoáng, "lẹ như gà" theo kiểu "gà địt, vịt khoan, chim đạp, cá ép". Tuy thế, mỏ cắn lông đầu gà mái nhiều lần nên bị rụng sói: "Kê đầu phất vũ".
Để rồi nói bóng, nói xấu ga ta: "Chỉ kê, mạ khuyển".
Làm chân tay bộ hạ cho nhà quyền quý, ỷ thế bắt nạt dân lành: "Chó săn, gà chọi", "Gà cồ ăn quẩn cối xay".
Có người háo danh háo thắng, vì quyền lợi riêng mà bán cả lương tri, quên tình nghĩa anh em, nghe người ta khích bác làm càn không nghĩ suy: "Gà nhà bôi mặt đá nhau", "Gà cùng chuồng đá nhau", "Gà chết vì tiếng gáy", "Gà ghét nhau tiếng gáy", "Gà ta gáy, gà mình cũng cất cánh".
Dẫn người ngoài về giày xéo quê hương: "Cõng rắn về cắn gà nhà", "Máu gà thì tẩm xương gà, máu gà đem tẩm xương ta sao đành".
Người mẹ cũng như gà mái thương con, nuôi con, nếu có ai nhìn thấy gà con bị con diều gắp thì mới biết tình mẹ của con gà mái. Nếu gà mẹ mất thì gà con thiếu bảo vệ, mất tình thương như "gà mất mẹ", chừng đó thì đứa bé, gà con sẽ khổ dù được nuôi như "gà trống nuôi con". Khi đó, sự lo âu, lọng cọng như "rối như gà mắc tóc" hay "rối như gà mắc đẻ".
Những người Miên lai Tàu ở miền Tây được gọi là "đầu gà đít vịt".
Những người làm "bán lưng cho trời, bán mặt cho đất" nhưng vẫn thiếu sống là "bán thân Mẹo Dậu không đủ ăn". Ngược lại, kẻ ăn nên làm ra thì "cơm gà cá gỏi", thức ăn ngon phải kể như "đầu gà má lợn". Dù ăn ngon hay dở cũng đừng "ăn chuối trồng đến chuối trổ cũng chưa xong" hay "ăn cơm gà gáy cất binh nửa ngày" hay "ăn giờ Dần chí giờ Dậu".
Làm việc gì cũng phải cẩn thận, đừng "trông gà hóa quốc", dù cho "chữ như gà bới" đi nữa mà khi đã đặt viết ký thì "bút sa gà chết", dù có sợ đến "nổi da gà", bỏ xứ ra đi, xa chợ xa làng sống đời cơ cực, xứ gì đến nỗi "chó ăn đá gà ăn muối".
Trai gái loại "anh đi ăn trộm gặp nàng xới khoai" thích trăng hoa hẹn hò nhau là "mèo mả gà đồng". Đàn bà hung dữ, ăn hiếp chồng, đánh chồng là "gà mái đá gà cồ".
Làm việc nhỏ không cần người tài, hạ kẻ hèn không cần đến tướng là "cắt cổ gà không cần dao phay".
Kinh nghiệm nhà nông, giữa đêm có sấm chớp hướng đông lúc gà gáy thì trời mưa, "chớp đông nhay nháy trời mưa".
Thôi thì đủ thứ để ví với gà: gà đẻ trứng vàng, màu mào gà, đầu như ổ gà, đẻ như gà, cỏ gà, gà luộc lại, da trắng như trứng gà bóc, ông nói gà bà nói vịt, gà lên chuồng, khách đến nhà không gà thì vịt.
Thịt gà rất ngon lẫn bổ dưỡng, làm được nhiều món ăn, đại khái như gà kho gừng, kho sả, xé phay, hầm măng, nấu đậu, nấu rượu....
Ở đây người viết xin bày món gà luộc hồng đào, ngày tư ngày Tết làm ăn cho đời hồng lên. Mua con gà vàng ngon, nấu nồi nước sao cho đầy thân gà, nêm nếm tùy ý như thường lệ, khi nước sôi bỏ gà vô, canh chừng khi nước sôi trở lại độ 10 đến 15 phút tùy gà lớn nhỏ, rồi tắt lửa mà đừng có vớt ra, vẫn đậy nắp, chừng nửa giờ sau vớt ra, chặt ăn thấy trong xương còn tươm máu nhưng thịt đã chín. Ăn kiểu này có nhiều người, nhứt là mấy bà sợ, đem luộc lại mới dám ăn. Người Tàu hay ăn gà luộc hồng đào nên hay bệnh lây lan vì khi luộc vi trùng bệnh rút vào xương không đủ nóng chết.
Trong mười hai con giáp, gà là con vật gần gủi với cuộc sống con người nhứt và chỉ có gà được khen về đức. Có lần Tả quân Lê văn Duyệt bị vua Gia Long quở trách vì biết ngài mê đá gà trễ chầu. Lê Văn Duyệt bào chữa nói chơi gà là cao cả vì con gà có "ngũ đức": nhân, nghĩa, lễ, trí, tín. Trên đầu mang cái mào (mồng) như quan văn võ đội mũ, bộ mã (lông màu) như phẩm phục trong triều, chân có cựa như mang kiếm trông thật dũng cảm. Khi có lúa thóc gọi đồng loại lại cùng ăn đó là nhân tính.
Đêm đêm rất đúng giờ gà lại gáy báo thức cho người thức dậy bắt đầu ngày mới, lập đi lập lại ngày này qua ngày khác giữ chữ tín.
Tranh Tết làng Đông Hồ hay vẽ gà "Tranh Đông Hồ gà lợn nét tươi trong". Theo quan niệm xưa vẽ gà treo trong nhà có thể trừ tà, yếm quỉ mang lại điềm tốt trong nhà. Tranh gà treo cửa mang lại cát tường, chiếm địa vị "môn thần" (thần canh cửa).
Đọc chuyện Tàu, Chu Tuyên Vương nhờ Kỷ Tín, một người huấn luyện gà đá nổi tiếng, nuôi con gà hay, đợi ngày đem chọi. Cứ mười ngày Tuyên Vương sai hỏi gà đá được chưa, Kỷ Tín trả lời rằng chưa, tất cả ba lần, lần thứ nhứt bảo gà còn chưa đủ sức đá, lần nhì bảo là hăng quá, lần ba là nghe tiếng gáy gà khác mà muốn tung chuồng ra; lần chót Kỷ Tín bảo gà đá được rồi vì nghe tiếng gà khác chẳng có biểu hiện gì, tỏ ra điềm nhiên, gà khác thấy muốn bỏ chạy huống gì đến đấu đá. Chuyện này có tiếng về gà, người viết thấy hoàn toàn sai. Theo cách nuôi gà tới rủn chí vì bản chất gà là hăng, gà đá độ mà hết cảm giác thì có vải hường tâm (hầm tương), hà sẩm (hầm sả). Tin chắc rằng người Tàu mượn cách nuôi gà để dạy người, vào đời đừng có háo thắng, hãy trầm tĩnh suy xét mọi việc mới thành công.
Con gà còn là con vật hiến tế để cúng sơn thần thổ địa, tượng trưng nhất là ngày mùng ba cúng ra mắt con gà luộc để đủ gan lòng mề tiết, tréo cánh gà để đầu hướng lên trên, cúng xong lấy cặp cẳng bói để đoán cát hung. Nhìn chung chân gà vàng óng ả là điềm tốt, ngược lại cẳng gà u nần nổi sùng là điềm xấu, nếu thêm các yếu tố khác như cẳng gà móng khít khao và có vải tốt như án thiên, thượng tam tinh hạ tam tài.
Ngoài ra người ta còn tiên đoán những giấc mộng thấy gà:
Ăn thịt gà vịt là điềm tốt: "Thực kê áp đẳng ngục cát".
Giết gà, ngan, ngỗng, vịt là điềm đại cát: "Sát kê nga áp đại cát lợi".
Tắm gà là điềm xét xử kiện tụng quang minh: "Tẩy kê đắc quang minh khẩu thiệt".
Gà ấp trứng là điềm vui lớn: "Kê bảo noãn hữu đại hỷ".
Gà đậu trên cây là điềm được của: "Kê đại thụ thượng đắc tài".
Chuyện kể gia đình văn nghệ vào dịp Tết, gồm vợ chồng và hai con, gái là chị, trai là em. Giao hẹn nhau về cách chia gà ăn là phải đọc một câu thơ trong truyện Nôm có thể sửa chữa vài chữ sao cho thích hợp, nếu đọc được thì lấy dao tự xẻ phần thịt có trong thơ.
Ông già điềm nhiên đọc một câu trong thơ Lục Vân Tiên: "Trai thời trung hiếu làm đầu". Ông già liền bẻ cái đầu gà chắm muối, cắn cần cổ nhai rồi hớp một ngụm rượu đế, khè một cách khoái trá.
Bà già ngồi bên đọc tiếp: "Gái thời tiết hạnh, phao câu cánh đùi". Cả nhà vổ tay khen bà tài quá, một mình xơi cả bốn món. Con dao bà lướt qua cái cánh, cái đùi, thẻo cái phao câu rồi khều cả phần tiết luộc cạnh đó.
Cô gái chị suy nghĩ rồi đọc: "Phận con một dạ một lòng". Như vậy là nguyên cả bộ đồ lòng cô lùa vào dĩa cô, gan, mề, ruột, tim. Còn lại thân gà óng mượt nằm trên dĩa. Đứa con trai út chưa tìm ra câu thơ Nôm nào. Chợt đôi mắt bật sáng làm vẻ cung kính chắp tay reo: "Công cha nghĩa mẹ hết mình vì con". Vừa đọc vừa ra tay bê hết phần còn lại vô dĩa mình. Cả nhà vui vẻ ăn một cái Tết ai cũng có phần thưởng.
Cùng lúc nhằm Tết con gà, bạn bè tụ hội nhau mừng xuân, rượu vào lời ra làm vài câu đối cho vui.
Có một câu lưu truyền mà chưa ai đối được:
Chuồng gà kê áp chuồng vịt.
Cái khó, kê là gà, áp là vịt, vì là tiểu xảo nên khó đối chỉnh được. Thi sĩ Nguyễn Bính dùng tiểu xảo chữ Tây đối lại:
Chú chuột ra bốp chú bò.
Vậy là đối nhau chan chát vì "rat" là con chuột, "boeuf" là con bò.
Một lần đến nhà bên vợ, trên bàn có món ba ba. Ông bố vợ Nguyễn Bính ra vế:
Ba ba đã chín.
Nhà thơ cũng dùng thuật ngữ Tây đối lại:
Cát cát đầy xe.
Rất ư là chọi nhau vì ba lần ba là chín. Đối lại, "quatre" là bốn (đọc là cát), "seize" là mười sáu (đọc là xe), bốn lần bốn là mười sáu vậy.
Vật nào gia vị nấy, nếu phở bò phải có củ hành, củ gừng nướng, nếu hủ tiếu thịt heo thì có mực khô, tôm khô, nếu bún bò thì có sả, mắm ruốc. Nên gà, heo, chó phải có lá chanh, củ hành, riềng:
Con gà cục tác lá chanh,
Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi,
Con chó khóc đứng khóc ngồi,
Ai có đi chợ mua tôi củ riềng.
Trích "Bài học lịch sử" - Tác giả: Trần Khánh