banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

CẬU HAI MIÊN GÒ CÔNG

Trần Khánh

Cậu Hai Miên tên thật là Huỳnh Công Miên sanh vào khoảng cuối thế kỷ 19, cha là Lãnh binh Huỳnh Công Tấn, một đại Việt gian ở Nam Kỳ, trước theo làm thuộc tướng cho Trương Định được tín cẩn, vì lạm quyền hiếp đáp kẻ dưới và mê gái nên bị Trương Định áp dụng kỷ luật.     Tấn đem lòng thù hận nên ra đầu thú với thực dân Pháp, chính Tấn đã dẫn quân vào tận sào huyệt của Trương Định ở khu vực "Đám lá tối trời" bao vây và có ý bắt sống để lập công lớn với Pháp, nhưng vì sự chống trả mãnh liệt để mở đường máu thoát thân của nghĩa quân nên Tấn và đồng bọn bắn trả lại làm Trương Định bị thương ở xương sống và dùng gươm tự tử.
Được Pháp tin cậy, Tấn thẳng tay đàn áp nghĩa binh, bắt bớ khảo tra dân chúng để làm tiền, mở sòng bạc, chiếm đất của nông dân một cách phi pháp. Vì thế Tấn trở nên giàu có, uy quyền được Pháp tấn phong chức lãnh binh.
Để tưởng thưởng công lao của một tay sai đắc lực và cũng để nhử cho những kẻ tham lam có máu phản bội, Pháp cho con của Tấn là Huỳnh Công Miên đi du học ở Pháp. Sẵn tiền của, cậu Hai ăn chơi thả cửa cho tới khi về nước chẳng biết có cấp bằng gì không mà cậu đến đầu quân dưới trướng của Tổng đốc Trần Bá Lộc, là một tên Việt gian khét tiếng, giết người như chém chuối không biết gớm tay. Miên cũng có tham gia đàn áp nghĩa quân nhiều trận ở Nam Kỳ. Nhưng tự dưng cậu Hai thức tỉnh xin từ chức, có lẽ thấy đồng bào vô tội bị chém giết dã man mà mình thì chỉ làm tay sai cho ngoại bang giày xéo quê hương.
Từ lúc buông súng gươm, Hai Miên đi ngao du đây đó khắp miền, sống cuộc đời phong lưu ngang tàng của người lắm tiền nhiều của, trên đường hễ thấy việc bất bình chướng tai gai mắt là cậu Hai can thiệp, ra tay cứu giúp người thế cô mắc nạn, theo câu chữ rằng: "Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả, Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng".
Công tử Hai Miên có lòng thương người nghèo khó, bị hiếp đáp, nên đối tượng của cậu Hai là những kẻ hống hách, giàu có, bọn chức quyền, ngay cả Tây rặt cũng ra tay dạy cho chúng bài học nên ai cũng nể, vì thời đó người có học, nói tiếng Tây lưu loát thì hiếm lắm. Hơn nữa, cậu là con của một tên lãnh binh nắm quyền sanh sát trong tay nên cậu Hai không sợ ai cả.
Bản tánh cậu Hai rộng rãi, đãi đằng, bao che đàn em, uống rượu, cờ bạc, hút á phiện, cậu không từ thứ gì cả, nhưng tánh bình dân, không phân biệt giai cấp, hòa mình với mọi người. Cậu còn có tác phong du côn lại hung dữ, dám ăn thua đủ với bọn thực dân, cặp rằng trong các đồn điền Tây ở Ô Môn, Cờ Đỏ.
Xài phí hết tiền, cậu Hai đến các cửa quyền Tây lẫn ta mượn tiền xài đỡ, tiếng mượn nhưng không bao giờ trả. Ngay cả khi cậu Hai làm loạn bị đưa tới cò bót thì tức khắc có tham biện, tỉnh trưởng can thiệp rồi lại còn cho tiền xài nữa, nên dân chúng tặng cho cậu biệt hiệu là "miễn tử lưu linh" và phong danh "đáo xứ hữu tiền". Khi chết rồi, cậu Hai vẫn được đời ca tụng trong một tập thơ phát hành bán cùng khắp Sài Gòn.
Đọc sách báo thường viết tên cậu chữ Miên có "g", nhưng tại mả của cậu nằm trong nghĩa địa Cầu Kho trên mộ chí bằng đá xanh đã ghi rõ ràng: "Gò Công Lãnh binh Huỳnh trưởng tử, Huỳnh Công Miên chi mộ".
Oan ức cho cậu Hai, chết rồi chẳng biết ai còn nuối tiếc ghi chức vụ ghê tởm của cha và tập thơ viết ra có nhiều điều sai sự thật.
Cho hay, người Việt Nam dễ tánh, cha thì bán nước hại dân, con thì cũng một thời theo giặc nhưng sau biết ăn năn hối cải trở về đường ngay nẻo chánh thì chẳng những rộng lượng tha thứ mà còn được suy tôn nữa.

Trích "Bài học lịch sử" - Tác giả: Trần Khánh