banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Điện Élysée

tran ngoc quang

Trần Ngọc Quang

Nhiều người cư ngụ tại Pháp biết Điện Élysée là nơi Tổng Thống Pháp cư ngụ từ Đệ Nhị Cộng Hòa nhưng không biết ở đâu tại Paris vì điện Élysée nằm trong khu sang của thành phố, đường thì lại chật hẹp nên ít người đi ngang qua.

Nếu ai muốn viết thư cho Tổng Thống Pháp thì nên viết về số 55 đường Faubourg Saint-Honoré, 75008 Paris, gần đại lộ Champs Élysées, đó là địa chỉ chánh thức và cổng chánh tuy Điện Élysée có bảy cửa vô. Lịch sử Điện nầy rất ly kỳ và nhiều bí ẩn, người danh tiếng nhứt là Bà Hầu Tước De Pompadour, vợ nhỏ của vua Louis XV, người khách oai hùng nhứt có lẽ là Tổng Thống De Gaulle tuy ông Tướng nầy không thích ở đây, người chết do "thượng mã phong" là Tổng Thống Félix Faure, người chết tại đây mà dân Việt Nam biết nhiều là Paul Doumer, người hại nước Pháp nhứt là François Mitterrand và người dở nhứt chắc là Tổng Thống hiện tại François Hollande nay chỉ còn 20% người ủng hộ! Điện Élysée có thể là nơi huy hoàng và quyền thế nhưng cũng là nơi "xui xẻo" và tai tiếng nhiều: 2 Tổng Thống tại chức bị ám sát, 1 Tổng Thống chết trong lúc làm tình, 1 Tổng Thống chết khi chưa hết nhiệm kỳ, 1 Tổng Thống bị điên, 2 Tổng Thống cưới vợ trong dinh, 1 ly dị và nhiều Tổng Thống bị bệnh nan y và chết sau nhiệm kỳ…

Điện Élysée được xây cất từ 1718 đến 1720 dưới thời vua Louis XV và mang tên là Hôtel d'Évreux (hôtel đây có nghĩa là lâu đài nhỏ) có vườn hoa to lớn phía sau, và cất cho Bá Tước (Comte) Louis-Henri de La Tour d'Auvergne, Comte d'Evreux. Đất chiếm 2 mẩu và nằm ngoài Paris thuở đó, trên đường Faubourg Saint-Honoré lúc đó chỉ là một đường mòn dẫn tới một làng tên Roule (nay đã mất) và trên đường Le Grand Cours nơi dân chúng đi ngựa và đi bộ chơi, đường thẳng nầy nối dài từ vườn hoa và ĐiệnTuileries, và sau này trở thành đại lộ Champs Élysées. Kiến trúc sư là Armand-Claude Mollet, sau này là kiến trúc sư chánh thức của vua Louis XV.

Tiền xây cất rất hao tốn nên Bá Tước De la Tour D'Auvergne phải đi "đào mỏ" để có tiền bằng cách lấy vợ 12 tuổi tuy lúc đó đã 32 tuổi, và được hưởng 2 triệu Livres nhờ cha vợ cho, sau nầy khi ly dị vợ lúc khai trương Điện Élysée ông trả lại số tiền đó vì đã giàu sau khi hùn vốn với một công ty hàng hải buôn bán bên Ấn Độ. Kiến trúc thời đó gồm một dãy nhà hai tầng, với một hầm vĩ đại, sau nầy lại sửa tùy theo ý của các Tổng Thống nhưng kiến trúc vẫn vững chắc. Nhiều người trách sao cửa chánh quá hẹp, không bằng các dinh khác, nhưng đừng quên là hồi thế kỷ 18 người ta còn dùng xe song mã để di chuyển ! Cách trưng bày thì rất lộng lẫy, có vài phòng bàn ghế không thua gì lâu đài Versailles của Louis XIV với gỗ quý và mạ vàng.

Sau khi Bá Tước d'Evreux mất, vua Louis XV mua lại cho người "vợ nhỏ" là Bà Hầu Tước (Marquise) De Pompadour lúc đó 32 tuổi, nhà này thuận tiện vì ở ngọai ô Paris và gần tu viện Saint-Honoré mà con gái Bà đang tu, hơn nữa dân chúng Paris không thích Bà lắm vì Bà xài tiền như nước trong lúc dân Pháp đói khổ: Bà cho sửa thêm phòng ngủ và nhà tắm, cất thêm một cầu thang chánh to lớn nhưng Bà ít ở đó sau khi con gái chết lúc còn xuân.

elysée

Năm 1773 Nicolas Beaujon, Giám Đốc Ngân Hàng từng cho Bà Hoàng Hậu Marie Antoinette mượn tiền, mua lại Điện Élysée sau khi Bà Hầu Tước De Pompadour qua đời. Ông này là một tay ăn chơi về già, có cả 5, 6 cô gái ru ngủ… Lúc lớn tuổi Nicolas Beaujon bán lại cho vua Louis XVI vào năm 1786 và nhiều đồ đạc quý giá được bán đấu giá cho quần chúng.

Người cuối cùng ở Hôtel Beaujon trước cách mạng 1789 là Bà Công Tước Bathilde d'Orléans, (Duchesse de Bourbon), em họ vua Louis XVI với giá 600 000 Livres và từ đó Hôtel Beaujon đổi tên lại là Hôtel de l'Élysée-Bourbon. Élysée có nghĩa là nơi an nghĩ dưới âm-phủ (điạ ngục) của những vị anh hùng, theo huyền thoại. Mới nghe định nghĩa cũng thấy xui rồi ! Trong cảnh loạn ly của cách mạng 1789, Bà Công Tước Bathilde d'Orléans dâng của cải cho cách mạng mới được tha, tuy nhiên cũng bị liên lụy về sau và cũng xém chết, Bà lấy lại được nhà vào năm 1795. Vì không đủ tiền tu bổ một nhà quá lớn, Bà phải cho mướn để tổ chức dạ tiệc từ năm 1797, trong những năm kế tiếp Hôtel Élysée xuống cấp vì cho nhiều tay mướn mở tiệc, cho đến năm 1805 Thống Tướng Joachim Murat, em rể của Napoléon Bonaparte mua lại với một giá rất rẻ và sửa lại nhiều sau đó dọn vô ở với vợ là Caroline Bonaparte: từ đó Hôtel Élysée lấy tên chánh thức là Điện Élysée.

elysée

Năm 1808 khi Murat trở thành vua thành phố Naples, Napoléon Ier dọn về ở Điện Élysée và Điện Malmaison cho đến 1815 khi thất trận tại Waterloo, bên Vương Quốc Bỉ.

Năm 1818 vua Louis XVIII lên ngôi, ông lấy lại Điện Élysée và tặng cho cháu là Công Tước de Berry, người sẽ lên ngôi sau ông, nhưng không ngờ năm 1820 Công Tước bị một người thợ tên Louis-Pierre Louvel ám sát vì muốn diệt dòng dõi vua chúa Bourbon.

Cho tới 1848, Điện Élysée dùng làm nơi tạm trú cho các vua chúa và quan khách ghé thăm xứ Pháp. Trong Đệ Nhị Cộng Hòa năm 1848 Louis-Napoléon Bonaparte, 40 tuổi, cháu của Hoàng Đế Napolèon Ier đắc cử Tổng Thống Pháp : ông là Tổng Thống đầu tiên được đắc cử do phổ thông bầu phiếu (suffrage universel, do chính dân bầu) và ngày 20-121848 dọn vô Điện Élysée thay vì Điện Tuileries. Tân Tổng Thống tìm lại căn phòng mà Ông cậu Napoléon Ier đã viết bức thư xuống ngôi để nhường cho con là Napoléon II, không may mất sớm, và trong Salon Cléopâtre, nhìn thấy lại hình của mẹ Ông là Bà Hortense de Beauharnais bên cạnh Napoléon Ier. Tổng Thống còn đọc thân nên rất "bay bướm" trong những đêm dạ vũ, hơn nữa Tổng Thống còn cho mở thêm một cửa hậu sau dinh để qua thẳng đường rue du Cirque, nhà của nhân tình ông, một cô gái người Anh giàu có tên là Elizabeth Howard mà ông quen bên London lúc còn bị lưu đày. Tổng Thống Louis-Napoléon Bonaparte chỉ được bầu trong 4 năm và theo hiến pháp của Đệ Nhị Cộng Hòa không được tái ứng cử, nhưng vì muốn nắm chánh quyền thêm nên ông "đảo chánh" để trở thành Hoàng Đế Napoléon III vào ngày 01-12-1851 theo lời khuyên của người em cùng mẹ khác cha là Công Tước de Morny, sau nầy làm Bộ Trưởng Nội Vụ. Hoàng Đế ở Điện Tuileries trong khi chờ đợi sửa thêm Điện Élysée đến năm 1865 để tiếp đón các vua chúa Âu Châu. Napoléon III cũng không quên mở một đường hầm bí mật qua số 18 đường Élysée đến tận nhà của nhân tình Marie-Louise de Mercy-Argenteau, hầm ra ngay tại nhà của người chồng Bà ! Cũng nên nhắc lại là Sải Gòn và thành Gia Định thất thủ vào năm 1859 dưới thời Napoléon III.

Sau khi Napoléon III thất trận tại Sedan trước Đức Quốc và mất ngôi vào năm 1871, Đệ Tam Cộng Hòa ra đời năm 1875 (thời vua Tự Đức, 2 năm sau khi Hà Nội thất thủ) đến 1940: Tổng Thống được bầu bởi một Hội Đồng Dân Biểu và Thượng Nghị Sĩ họp tại Versailles với nhiệm kỳ 7 năm nhưng quyền hành thì ít hơn Thủ Tương.

Tổng Thống đầu tiên là Adolphe Thiers, chỉ làm Tổng Thống 2 năm vì áp lực của khối Bảo Hoàng. Ông ở lâu đài Versailles và ở Điện Élysée chỉ có 2 tháng. Đặc biệt là năm 1871 có biểu tình lớn tại Paris và Tổng Thống ra lệnh đàn áp mạnh, làm chết cả trăm người. Ông chỉ cao 1,55 thước nhưng chắc có "cung đa thê" sao đó nên được hạnh phúc với "tình chị duyên em": người tình nhân Félicie chính là em ruột của vợ mình là Bà Élise Thiers, cả 3 ở cùng nhà.Trước đó ông cũng là tình nhân của Bà Eurydice Dosme, người mẹ vợ của mình ! Thật là "Già không bỏ, nhỏ không tha" !

Năm 1873 Tân Tổng Thống Patrice Mac-Mahon, 65 tuổi, dọn vô Điện Élysée: lúc đầu ông từ chối không nhận chức vì cho mình là một Thống Tướng không biết gì về chánh trị, nhưng sau đó nhận lãnh vai trò Tổng Thống để lo cho khối Bảo Hoàng phục hồi. Năm 1879 ông đành từ chức vì không chịu ký vài nghị định về quân đội dưới áp lực của Léon Gambetta của khối Cộng Hòa. Ông cho sửa thêm Điện Élysée và nới rộng phòng ngủ dành cho Tổng Thống, ông chỉ ở tại Điện Élysée 5 năm và 8 tháng.

Tổng Thống Jules Grévy kế tiếp là người cho gắn điện thoại đầu tiên và cũng từ lúc đó bản nhạc "La Marseillaise " trở thành quốc ca. Ông xây thêm "vườn kính mùa đông" để gả con gái Alice cho Daniel Wilson, một dân biểu tham vọng và không lương thiện cho lắm. Hắn lợi dụng quyền thế để bán huy chương, luôn cả Légion d' Honneur có từ Napoléon Ier. Hai năm sau khi Grévy tái nhiệm kỳ thứ hai thì chuyện mua huy chưong và bán chức của con rể Wilson bị lộ nên Tổng Thống Grévy phải từ chức.

Ngày 3-12-1887 Sadi Carnot 50 tuổi, xuất thân từ trường Polytechnique, trở thành Tổng Thống thứ 4 của Đệ Tam Cộng Hòa Pháp, ông nội đặt tên như vậy vì say mê thi sĩ Sadi bên xứ Iran. Lúc đó tình hình chánh trị rắc rối, các đảng phái chống nhau (Jules Ferry, Georges Clémenceau v.. v..) đến nỗi năm 1889 "Lưc lượng phòng vệ Phủ Tổng Thống " (Garde Républicaine) phải chặn các cửa của dinh vì sợ Tướng Boulanger đảo chánh. Tổng Thống Carnot cho xây lại mặt trước của sân danh dự và phòng nghi lễ năm 1889 cùng lúc với tháp Eiffel nhân dịp cuộc Triển Lảm Quốc Tế 1900, ông cho kéo điện vô dinh. Khi Tổng Thống Sadi Carnot từ chối ân xá cho tên cực Tả Vaillant, ông bị tên khủng bố cực Tả người Ý tên Caserio ám sát bằng dao ngày 24-6-1894 tại Lyon. Quan tài được đem về Điện Élysée và sau đó vô Panthéon, Tổng Thống Carnot ở điện Élysée được 6 năm và 6 tháng, chưa hết nhiệm kỳ.

Ba ngày sau khi Sadi Carnot bị mưu sát Jean Casimir-Périer 47 tuổi được Hội Đồng họp tại Versailles bầu làm Tổng Thống, cũng ngoài ý muốn của đương sự. Ông thuộc một gia đình giàu có và chấp nhận trách nhiệm vì gia đình. Dân chúng trách móc ông vì bà vợ tham vọng thúc đẩy ông nhận chức Tổng Thống. Theo ký giả đảng Xả Hội Jean Jaurès sự giàu sang của ông là nhờ các mỏ than miền bắc và ông đã  "làm giàu trên lưng thợ thuyền" ! Ông thích làm việc ngoài vườn hơn trong các văn phòng lộng lẩy có lẽ vì ít quyền hành và chán vai trò Tổng Thống. Năm 1895 khi Thủ Tướng Charles Dupuy từ chức, ông cũng từ chức theo, ông chỉ ở dinh Élysée có 6 tháng và 20 ngày, nhiệm kỳ ngắn nhất !

Nhưng chuyện ly kỳ nhất ở Élysée là cái chết của Tổng Thống Félix Faure (18951899), Tổng Thống duy nhứt chết tại Điện Élysée: lúc "bị bầu" lên chức Tổng Thống vào lúc 54 tuổi, ông là một dân biểu bình dân, Bộ Trưởng Hải Quân, đi bộ từ sở qua Điện Élysée. Félix Faure là Tổng Thống duy nhứt chết tại dinh nầy trong trường hợp có một không hai: sáng ngày 16-02-1899 ông nghe trong mình không được khỏe nhưng vào 17 giờ vẫn vô "Salon d'Argent" tiếp Bà Marguerite Steinheil mà Tổng Thống thường tiếp từ 17 đến 19 giờ. Ông Faure uống một ly rượu Vouvray và thêm một loại thuốc "cường dương" để có thể "tiếp trong danh dự" kỳ nữ Marguerite. Sau 20 phút một nam thư ký nghe tiếng hét của phụ nữ và khi vô phòng thấy Tổng Thống nằm trên ghế salon và Bà Marguerite lõa thể ở dưới chân. Thư ký mau kéo Bà Marguerite Steinheil qua phòng khác (Bà bỏ quên lại đồ lót và người thư ký phải cất dấu !), và ẵm Félix Faure qua phòng làm việc, đó là thư viện hiện nay. Tổng Thống mất vài giờ sau đó do xuất huyết não, chánh thức là chết trong lúc làm việc tại văn phòng và chôn trong nghĩa trang Père Lachaise tại quận 20 thành phố Paris. Chết trong lúc khoái lạc như thế, người Việt ta gọi là "thượng mã phong" !

Emile Loubet (1899-1906) được bầu vào chức Tổng Thống lúc 61 tuội với sự tán thành của Georges Clémenceau, người rất có uy tín chánh trị thời đó. Nước Pháp là một cường quốc với cuộc Triển Lãm Quốc Tế năm 1900 (Exposition Universelle) trình bày tháp Eiffel và nhiều vương quốc ghé thăm Pháp Quốc nhưng Tổng Thống buồn tủi vì không có quyền hành nhiều nên không muốn ứng cử thêm nhiệm kỳ tiếp.

Năm 1906 Armand Fallières, 65 tuổi, cựu Bộ Trưởng và Chủ Tịch Thượng Nghị Viện lên tân Tổng Thống dưới bề ngoài hơi "lè phè" nhưng thật ra Armand Fallières là người thấy xa và đã đoán là sẽ có chiến tranh sau khi chánh phủ Clémenceau từ chức vào năm 1909. Ông thích các loại xe hơi, lúc đó mới được chế tạo và chạy "đến" 40 km/giờ. Ông cho gắn thang máy đầu tiên và làm Tổng Thống trong 7 năm và không muốn ứng cử một nhiệm kỳ tiếp.

Đầu năm 1913, Thủ Tướng trẻ tuổi Raymond Poincarré được bầu lên Tổng Thống: luật sư, Dân Biểu và cựu Bộ Trưởng, ông gặp một phe đối lập đáng ngại là nhóm của cựu Thủ Tướng Georges Clémenceau. Ông cho kéo thêm điện trong tất cả phòng và cho xây cất những phòng tắm mới. Trong lúc Đệ Nhứt Thế Chiến Ông Bà Poincarré chỉ tham gia giúp đỡ chiến binh, còn Georges Clémenceau là anh hùng tổ chức chiến thắng và ai nấy cũng tưởng ông sẽ lên Tổng Thống nhưng ông bị Aristide Briand chống đối nên không được bầu, đó cũng là số mạng...

Năm 1920 Paul Deschanel lên Tổng Thống: cử nhân văn chương và trí thức vẹn toàn ông có tánh hay thay đổi, vui giận không chừng vì mắc bệnh thần kinh. Tháng 5 năm 1920 ông té xuống đất từ xe lửa ở Montargis và được một nhân viên hỏa xa gặp mặc đồ pyjama đi lang thang, lúc đó dân chúng mới biết Tổng Thống Pháp bị điên ! Tổng Thống Deschanel từ chức vào ngày 10-9-1920 và làm Tổng Thống được 9 tháng.

Alexandre Millerand (1920-1924) đương kim Thủ Tướng được bầu thay thế Tổng Thống Deschanel. Sai lầm lớn của Tổng Thống đảng Xã Hội nầy là bổ nhiệm Aristide Briand làm Thủ Tướng, một người của đảng Xã Hội "bất tài nhưng to mồm", tuy đã làm Thủ Tướng 10 lần và 20 lần làm Bộ Trưởng, sau đó lại bổ nhiệm bạn mình là Raymond Poincarré, cựu Tổng Thống làm Thủ Tướng nên bị các đảng phái chê là "độc tài bạn bè trị". Sau khi nhiều chánh trị gia từ chối ghế Thủ Tướng, Millerand đành từ chức vào tháng 6 năm 1924, sau 3 năm và 9 tháng làm Tổng Thống.

Gaston Doumergue (1924-1931) là Tổng Thống kế tiếp, ông là Chủ Tịch Thượng Nghị Viện và Tổng Thống đầu tiên có đạo Tin Lành, còn độc thân như Louis-Napoléon Bonaparte. Thường thì Tổng Thống rời dinh từ 06 giờ đến 06g30 sáng để qua nhà cô bạn gái ở đại lộ Wagram tên là Jeanne Gaussal, một Giáo Sư Pháp văn, rồi sau đó trở về văn phòng trong Điện Élysée lúc 08g30 để làm việc ! Ông không thích nơi đây, cho là trang trí quá nhiều và nghi lễ nặng nề. Năm 1928 ông bỏ xe lục mã chánh thức (do 6 ngựa kéo) và mua một xe hơi thay thế. Những năm kế tiếp các chánh phủ thay phiên nhau mà chẳng làm gì được vì cơn khủng hoảng kinh tế. Trước khi rời chức Tổng Thống ông cưới Bà Jeanne Gaussal trong Điện Élysée trước Thị Trưởng quận 8 Paris và 77 năm sau Tổng Thống Nicolas Sarkozy tái diễn lại kinh nghiệm đó với ca sĩ Carla Bruni…

Khi Paul Doumer được bầu lên Tổng Thống ngày 13-6-1931, ông đã 74 tuổi và có một quá khứ đáng kể : dân biểu, bộ trưởng nhiều lần, Thống Đốc Toàn Quyền Đông Dương, và Chủ Tịch Thượng Nghị Viện. Nhiều người Việt biết tên ông vì ông cho Công Ty Daydé & Pillé (Eiffel sau nầy) xây cất cầu Long Biên tại Hà Nội, lúc trước gọi là Pont Paul Doumer dưới thời vua Khải Định và đến nay còn tồn tại. Ông làm Thống Đốc Đông Dương từ 1897 đến 1902 (Gouverneur Général) sau ông Armand Rousseau và cho xây cất nhiều nơi lịch sử tại Việt Nam : Nhà Trắng tại Vũng Tàu, đường xe lửa xuyên Đông Dương, bến tàu Hải Phòng, làm cho Hà Nội là thành phố có điện trước nhứt tại Á Châu, khuyến khích trồng cây cao su (hévéa) …Ông là một người nghiêm khắc và một người cha đau khổ vì đã mất 5 đứa con trong Đệ Nhứt Thế Chiến : 3 người trai chết ngoài mặt trận, 1 gái chết năm 1917 vì bắn một sĩ quan Đức và một con trai y khoa bác sĩ chết vì hơi độc. Ông ăn ít, không uống rượu, không hút thuốc, ít tiếp tân và không đi nghỉ hè. Chánh phủ của Thủ Tướng Pierre Laval chỉ vững vài tháng, sau đó đời sống chánh trị bị xáo trộn, nhiều chánh phủ thay phiên nhau.

Tổng Thống Paul Doumer bị Paul Gorguloff, một y khoa Bác Sĩ người Nga của đảng "Dân Chủ Cực Hữu" ám sát ngày 6-5-1932 bằng súng lục tại đường Berryer, quận 8 Paris, để "báo thù" vì trách nước Pháp không can thiệp giúp Nga Hoàng trong cách mạng 1917 ! Tổng Thống Paul Doumer được cấp cứu tại bệnh viện Beaujon, tên của một người chủ của Điện Élysée vào thế kỷ 18, và mất ngày hôm sau. Bà vợ Blanche Doumer chôn Ông ở nghỉa trang Vaugirard, đường Lecourbe tại Paris 15 vì từ chối đem ông vô Panthéon. Tổng Thống Paul Doumer ở trong Điện Élysée chỉ 11 tháng.

Sau khi Tổng Thống Doumer bị ám sát ông Albert Lebrun được bầu lên Tổng Thống, từ 1932 đến 1940, khi Pháp thất trận trước Đức Quốc Xã, đó cũng là Tổng Thống cuối cùng của Đệ Tam Cộng Hòa. Ông là một người học rất giỏi, xuất thân thủ khoa trường Polytechnique và thủ khoa trường Mỏ (Ecole des Mines) nhưng không có uy quyền và tánh tình không cương quyết. Sau khi ông lên Tổng Thống, nước Pháp bị cơn khủng hoảng kinh tế, thợ thuyền đình công rồi đưa đến chánh phủ Xã Hội thân Cộng Sản (Front Populaire) vào 1936 với Thủ Tướng Léon Blum. Tình hình quốc tế cũng bị xáo trộn, Hitler nắm chánh quyền bên Đức, nội chiến bên Tây Ban Nha, Mussolini độc tài bên Ý. Trong 7 năm đầu của nhiệm kỳ Tổng Thống Lebrun có 15 chánh phủ, tuy nhiên ngày 5-4-1939 ông lại ứng cử và được bổ nhiệm làm Tổng Thống thêm trong 7 năm nữa, đến 1946. Ngày 10-6-1944 Tổng Thống và phu nhân rời Điện Élysée xuống Bordeaux là vùng không bị Đức chiếm, đi cùng Thủ Tướng Paul Reynaud, nhưng 5 ngày trước đó Thủ Tướng đã ký nghị định bổ nhiệm một Thiếu Tướng trẻ làm Thứ Trưởng Bộ Quốc Phòng và Chiến tranh : người đó mang tên Charles de Gaulle và sẽ làm thay đổi nhiều lịch sử của Pháp Quốc…

Tổng Thống Lebrun cho gắn hệ thống sưởi trung ương đầu tiên dưới hầm vĩ đại của dinh nhưng không sửa nhiều vì tiết kiệm ngân sách chiến tranh.

Sau chiến tranh năm 1947 Đệ Tứ Cộng Hòa ra đời nhưng quyền hạn của Tổng Thống vẫn ít hơn Thủ Tướng (Président du Conseil). Chiến tranh Đông Dương xẩy ra dưới thời nầy và Tổng Thống đầu tiên được bầu tại Versailles là Ông Vincent Auriol của Đảng Xã Hội ngày 16-01-1947. Nghe tin đó, người "đồng chí" Léon Blum ôm ông ứa lệ vì ông là cựu Bộ Trưởng Tài Chánh của chánh phủ ông Blum khi xưa !

Ông Auriol vô Điện Élysée, nay cũ kỷ và đầy bụi bậm nhưng nguyên vẹn không bị chiến tranh tàn phá, sau đó dinh được sửa lại và tân trang với phòng bếp mới, các thang máy được thay đổi. Ông bỏ phòng làm việc cũ của các Tổng Thống trước (nay là thư viện) và chọn Salon d'Argent làm nơi làm việc. Tuy quyền hạn Tổng Thống còn ít hơn dưới Đệ Tam Cộng Hòa, ông Vincent Auriol làm việc rất nhiều, coi tất cả hồ sơ quan trọng, tiếp các Bộ Trưởng, Dân Biểu, kinh tế gia …. Ngoài xã hội tình thế đang bị xáo trộn : Tướng De Gaulle lập ra đảng RPF (Rassemblement du Peuple Français), đảng Cộng Sản không có chân trong chánh phủ nên xúi các nghiệp đoàn biểu tình và đình công, đồng Franc bị mất giá, chiến tranh Đông Dương càng ngày càng lan rộng, 14 chánh phủ thay phiên nhau nắm chánh quyền : Paul Ramadier, Robert Schumann, André Marie, Henri Queuille, Georges Bidault, René Pleven, Edgar Faure, René Mayer, Joseph Laniel, Antoine Pinay…. Dân Pháp không biết ai nắm chánh quyền vì chánh phủ thay đổi quá nhanh ! Tuy nhiên Tổng Thống Vincent Auriol vẫn giữ một vai trò tích cực cùng gia đình trong Điện Élysée, đặc biệt ông có dâu con là Bà Jacqueline Auriol, người đàn bà đầu tiên bên Âu Châu xuyên qua bức tường âm thanh với phản lực cơ Mystère II ngày 15-8-1953.

Nhưng năm đó "anh hùng đã thấm mệt", có lẽ là vai trò Tổng Thống quá eo hẹp và những âm mưu của các chánh trị gia không phải là một đường lối chánh trị cho nước Pháp.

Vì thế về sau vào tháng 5 năm 1958 khi đã về hưu ông trở ra sân khấu chánh trị để phát biểu nguyện vọng quyền Tổng Thống rộng hơn với một người cùng ý kiến với ông, đó là Tướng Charles de Gaulle.

Vào ngày 17-12-1953, lúc mặt trận Đông Dương qua giai đoạn gay cấn dưới Tướng Henri Navarre, Hội Đồng Versailles bầu tân Tổng Thống trong trường hợp khó khăn kéo dài trong 7 ngày và sau 13 lần bầu phiếu, sau cùng người được chọn là ông René Coty 71 tuổi mà ít ai biết đến, tuy đã làm Bộ Trưởng, Dân Biểu, Thượng Nghị Sĩ và Phó Thủ Tướng! Dưới thời Tổng Thống René Coty chiến tranh Đông Dương được kết thúc với Thủ Tướng Pierre Mendès-France tại Genève ngày 20-7-1954 lúc 00 giờ. Ông rất bình dân và là Tổng Thống thứ nhì ở Điện Élysée, sau Adolf Thiers, mà không để râu ! Không gì đau đớn cho bằng khi bà vợ Germaine Coty mất vào tháng 11 năm 1955, Tổng Thống muốn từ chức và nghỉ hưu nhưng việc đó sẽ gây thêm rắc rối cho nươc Pháp nên Tổng Thống Coty can đảm ở lại Élysée mà trong lòng hết nghị lực.

Tình hình chánh trị rối beng, nhiều chánh phủ thay phiên nhau, chiến tranh Algérie bắt đầu gây xáo trộn trong nước Pháp, người thì muốn trả độc lập cho Algérie, Tướng kia muốn giữ Algérie trong thuộc địa và nội chiến sắp bùng nổ. Sáng suốt, ông viết thư tay cho Quốc Hội là ông "xây qua người Pháp lừng danh nhứt " để lập chánh phủ và biết thế nào cũng sẽ rời ghế Tổng Thống vì Charles de Gaulle không bao giờ chịu Hiến Pháp của Đệ Tứ Cộng Hòa. Ông là Tổng Thống thứ nhì và cũng là Tổng Thống cuối cùng của Đệ Tứ Cộng Hòa và ở Điện Élysée trong 5 năm.

Vị anh hùng của nước Pháp trong Thế Chiến thứ II, người kêu gọi nước Pháp ngày 186-1940 tiếp tục chiến đấu và là Chủ Tịch Chánh Phủ lâm thời sau chiến thắng từ 1945 đến 1947 là Thiếu Tướng Charles de Gaulle, sanh năm 1890 cùng năm với ông Hồ Chí Minh. Ông chấp nhận trở lại sân khấu chánh trị để cứu nươc Pháp một lần nữa vào tháng 5 năm 1958 trong lúc chiến tranh Algérie đang ác liệt nhưng đòi hỏi quyền hành Tổng Thống nhiều hơn nên Hiến Pháp Đệ Ngũ Cộng Hòa ra đời đến ngày nay : Tổng Thống được dân bầu, Tổng Thống chọn Thủ Tướng và chấp thuận hay từ chối bổ nhiệm các Bộ Trưởng mà Thủ Tướng đề nghị, là Tư Lệnh tối cao của quân đội… Ông cho ra đời đồng Franc mới bằng 100 Francs cũ, trả lại đọc lập cho Algérie và những thuộc địa bên Phi Châu tuy vẫn giữ ảnh hưởng của Pháp, gieo ý định một Cộng Đồng Chung Âu Châu, cho chế bom nguyên tử để tự vệ, làm bạn lại với Cộng Hòa Liên Bang Đức, chống chiến tranh Việt Nam và là chính khách đầu tiên nhìn nhận Trung Cộng. Có rất nhiều ý nghĩ hay và tiên đoán đúng vì ông là một người thấy xa nhưng cũng có những điều sai lầm như bổ nhiệm "ông Thầy Tu" Đề Đốc Thierry d'Argenlieu vào tháng 8 năm 1945 để "tái lập trật tự" bên Đông Dương và sửa soạn cho sự trở lại của Pháp quốc, dùng lá bài vua Duy Tân thay thế Bảo Đại quá trễ vào tháng 12 năm 1945 khi Cộng Sản đã cướp chánh quyền tại Hà Nội và nhất là đề nghị, khi đọc diễn văn tại Nam Vang vào năm 1966, Mỹ rút quân khỏi Việt Nam để trung lập hóa Đông Dương. Dù sao đi nữa ông một cũng là một vĩ nhân và trong thế kỷ 20 không ai tài ba hơn ông trên đất Pháp. Tổng Thống de Gaulle không thích chánh trị Mỹ và những dịp hai nước có thể gần lại nhau lại bị đổ vỡ như khi tiếp Tổng Thống John F. Kennedy và phu nhân vào tháng 6 năm 1961 tại Điện Élysée, tuy bề ngoài dân chúng thấy là một thành công của ngoại giao Pháp. Khi Mỹ cần sự hỗ trợ như vụ Berlin và Cuba thì de Gaulle đứng sau lưng Mỹ, nhưng ông cũng không ngại rút ra khỏi khối NATO (Tổ Chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương) và yêu cầu Mỹ dẹp các căn cứ quân sự trên đất Pháp.

Ông cũng không ưa gì chánh trị của Anh Quốc và chống đối không cho xứ nầy vào Cộng Đồng Chung Âu Châu, hồi Đệ Nhị Thế Chiến ông coi việc Anh Quốc giúp nước Pháp là sự hiển nhiên và cảm thấy "không thiếu nợ tinh thần" nhưng không phải vì thế mà ông không tiếp long trọng Nữ Hoàng Elizabeth II khi viếng nước Pháp. Tổng Thống Charles de Gaulle không thích Điện Élysée vì lịch sử nơi nầy. Ông muốn đặt văn phòng ở Ecole Militaire hay Les Invalides hoặc ở lâu đài Vincennes rộng lớn hơn nhưng việc đó sẽ tốn nhiều tài chánh nên miễn cưỡng ông mới vô ở Điện Élysée vào tháng giêng năm 1959, cựu Tổng Thống René Coty đón tiếp ông tại bậc thềm với câu : "người Pháp số 1 nay trở thành người số 1 tại Pháp" ! Sống 10 năm tại Điện Élysée, ông chỉ dọn đến vài chục quyển sách, đồ đạc cá nhân và chỉ coi đó là nơi làm việc, còn nhà thật của ông tên là "La Boisserie" ở Colombey-les-Deux-Églises ở tỉnh Haute-Marne, gần thành phố Chaumont.

Bà Yvonne de Gaulle, một người kín đáo sống sau bóng của chồng, cũng không thích ở đây nhưng được dân chúng thương mến và gọi là "Dì Yvonne".

Ông chọn phòng Salon Doré là nơi làm việc với "kỷ luật nhà binh" : thức dậy lúc 07 giờ, đọc báo trong lúc điểm tâm, vô văn phòng từ 09g30 đến 13g, ăn trưa không quá 45 phút với Bà Yvonne, trở lại làm việc từ 14g30 đến 19g30, và tắt đèn khi rời văn phòng ! Nhưng đừng tưởng Tổng Thống sống buồn tẻ, ông tiếp rất nhiều quan khách, viếng thăm nhiều quốc gia và thường tiếp các ký giả và đài truyền hình tại phòng khách lớn của Điện, trả lời lưu loát (đôi khi làm cả Hội Trường vui cười to) các câu hỏi và mỗi tuần họp với các Bộ Trưởng vào sáng thứ tư, đến nay vẫn còn tiếp tục thói quen đó.

Tổng Thống có nhiều người ghét, nhứt là các sĩ quan muốn giữ Algérie lại cho nước Pháp thuộc tổ chức OAS (Organisation Armée Secrète), Tổng Thống bị mưu sát 4 lần và thoát chết năm 1962 tại Petit-Clamart, vùng ngoại ô Paris.

Ngày 19-12-1965 dân Pháp đi bầu lần đầu Tổng Thống dưới Đệ Ngũ Cộng Hòa, Charles de Gaulle thắng trước François Mitterrand thuộc đảng Xả Hội. Thủ Tướng là ông Georges Pompidou rất mềm dẻo và trung thành với Tổng Thống, nhưng Tổng Thống de Gaulle với quan niệm xưa không hiểu nổi sự bùng nổ của xã hội Pháp nhứt là tuổi trẻ của thế hệ "baby boom".

Vào tháng 5 năm 1968, trong lúc Việt Nam Cộng Hòa bị Cộng Sản Bắc Việt tấn công đợt hai, các sinh viên Paris biểu tình, dưới sự xúi dục của phe Tả và đảng Xả Hội của ông François Mitterrand, đòi cải tổ các viện Đại Học và nhứt là thay đổi cách điều khiển quốc gia. Tổng Thống cho Thủ Tướng Pompidou lo vụ nầy nhưng Ông quá cứng rắn nên thợ thuyền và nghiệp đoàn xen vô đình công và bạo động, Paris chìm trong khói lửa mà những người ở Việt Nam không hiểu nổi, trong đó có kẻ viết dòng nầy. Thủ Tướng Pompidou khuyên giải tán Quốc Hội vì lúc đó có nhiều thành phần phe Tả và khi bầu lại Dân Biểu thì kỳ nầy phe Hữu chiếm đa số. Tháng 4 năm 1969, nhân dịp cải tổ quyền hạn hành chánh của các vùng và tỉnh, Tổng Thống de Gaulle thêm vô hỏi ý kiến dân bằng Trưng Cầu Dân Ý coi có tán thành hành động của ông hay không. Ngày 27-4-1969 kết quả là "KHÔNG" và de Gaulle liền từ chức vào ngày hôm sau. Ông rút về làng Colombey-les deux-Églises, buồn về sự vô ơn bạc nghĩa của dân tọc Pháp, và mất vào năm sau ngày 09-11-1970 tại tư gia, sau ông Hồ Chí Minh một năm.

elysée

Ngày 15-6-1969 Thủ Tướng Georges Pompidou 58 tuổi được bầu lên Tổng Thống thứ nhì của Đệ Ngũ Cộng Hoà. Ông mở cửa Điện Élysée cho truyền hình để dân chúng biết thêm dinh nầy, trưng bày những tranh mới nhưng ông cũng không thích ở trong Điện Élysée. Tổng Thống Georges Pompidou gần với quần chúng hơn và rất đơn giản, nước Pháp sau chiến tranh Algérie thịnh vượng, kinh tế phồn thịnh và giá dầu hỏa còn thấp. Thời ông có hai Thủ Tướng Jacques Chaban-Delmas khó tính và ngạo mạn, và sau đó là Pierre Messmer tài ba và trung thành. Bà vợ Claude Pompidou cũng không thích ở trong Điện Élysée nhưng phải chiều chồng. Ông bị bệnh ung thư máu hành thân xác vào năm chót và mất tại gia vào ngày 02-4-1974.

Ngày 19-5-1974 Bộ Trưởng Kinh Tế và Tài Chánh của ông Pompidou được bầu lên Tổng Thống, thắng François Mitterrand dưới 1% cử tri, tân Tổng Thống là Valéry Giscard d'Estaing, 48 tuổi, là Tổng Thống trẻ nhứt sau Louis-Napoléon Bonaparte lên ghế Tổng Thống lúc 40 tuổi. Ông học giỏi từ trường Polytechnique, trường Quốc Gia Hành Chánh, dân biểu lúc 30 tuổi và giữ nhiều chức trong các chánh phủ dưới thời de Gaulle và Pompidou (ông nầy không thích Giscard cho lắm tuy cùng quê vùng Auvergne). Tổng Thống Giscard d'Estaing hơi tự cao, xuất thân từ gia đình quý phái nên hơi lạnh nhạt với quần chúng. Ông cho sửa đổi nhiều trong Điện Élysée, từ đèn đến bàn ghế, luôn cả các bức tranh cũng bị dời đi nơi khác hoặc thay thế, tuy ông không ở thường xuyên trong dinh nầy. Thật ra Tổng Thống Giscard không trung thành với Tướng de Gaulle và hơi khinh Tổng Thống Pompidou nên thường bất hòa với Thủ Tướng Jacques Chirac, ông nầy xin từ chức vào 1976 và sau đó trở thành Thị Trưởng Paris. Ông Raymond Barre, một giáo sư kinh tế, lên thay thế và giữ chức Thủ Tường đến hết nhiệm kỳ của Tổng Thống Giscard. Vào những năm ấy nước Pháp vẫn còn là môt cường quốc, an ninh trật tự được bảo đảm, tuy nhiên sau đó Tổng Thống Giscard lại tỏ ra "mờ ám" trong nhiều vụ tai tiếng như vụ hột xoàn mà Tổng Thống Bokassa bên Cộng Hòa Trung Phi khai tặng, vụ tuẩn tiết của Bộ Trưởng Robert Boulin, vụ đặt chất nổ tại nhà thờ Do Thái đường Copernic…làm nhiều người chán nản.
 
Dưới thời Tổng Thống Giscard có 2 luật quan trọng được chấp thuận : đó là hợp thức hóa sự phá thai và hạ tuổi đi bầu xuống là 18 tuổi, mà những chính trị gia sau nầy cho là sai lầm.

Ngày 10-5-1981 ông mất chức vì ông François Mitterrand đắc cử Tổng Thống với 51,76 % cử tri sau 34 năm chánh quyền trong tay phe Hữu và sau 3 lần ra ứng cử. Điện Élysée không có gì thay đổi trong 7 năm đó vì Bà Anne-Aymone Giscard d'Estaing không thích ở trong dinh mà thích ở nhà riêng tại Paris. Tổng Thống François Mitterrand, Đệ Nhứt Thơ Ký của đảng Xã Hội Pháp, cựu Dân Biểu, cựu Thượng Nghị Sĩ và Bộ Trưởng trong 12 chánh phủ, là luật sư, "thần tượng" của nhiều trí thức phe Tả, và đêm thắng cuộc bầu cử 10-5-1981, Paris tưng bừng trong tiếng nhạc vui mừng và tiếng kèn xe hơi. Ông bước vô Điện Élysée một cách nghiêm trang và liền chọn văn phòng của Tướng de Gaulle (Salon Doré) để làm việc. Ông là một người trí thức khôn ngoan, vẻ mặt lúc nào cũng bình tĩnh nhưng bề trong ông rất nguy hiểm, xảo trá, nhiều người gọi ông là "cáo già". Ông là Tổng Thống Đệ Ngũ Cộng Hòa ở lâu nhứt trong Điện Élysée, tất cả là 14 năm. Thủ Tướng đầu tiên của ông Mitterrand là Pierre Mauroy, Thị Trưởng thành phố Lille ở miền bắc, ông nầy xài tiền không cần biết vì cựu Thủ Tướng Raymond Barre dưới thời Tổng Thống Giscard để lại khá nhiều tiền trong ngân khố. Trong 2 năm đầu đồng Franc mất giá 2 lần, chánh phủ có 4 Bộ Trưởng cộng sản làm Mỹ nghi ngờ ông thân cộng, nhưng "tộỉ lớn nhứt" của Tổng Thống Mitterrand có lẽ là cho các nghiệp đoàn quá nhiều quyền hạn, nhứt là các nghiệp đoàn Cộng Sản và Xã Hội, nên sau nầy họ "biểu tình trước và nói chuyện sau". Sau 3 năm nhiều Thủ Tướng thay phiên nhau nhưng nước Pháp bắt đầu xuống dốc mà nhiều người chưa nhận thấy. Tổng Thống Mitterrand cho bãi bỏ luật tử hình, tăng lương tối thiểu, cho nhiều người ngoại quốc nhập tịch Pháp để kiếm phiếu, cho điều chỉnh rất nhiều người vào Pháp bất hợp pháp, trong 5 năm tiền Franc phá giá 4 lần và kinh tế Pháp xuống dốc vì đồ sản xuất quá mắc, ông quốc hữu hóa nhiều ngân hàng và tăng nhiều thuế. Trong cuộc bầu cử quốc hội năm 1986 dân biểu phái Hữu (đảng RPR của Tướng de Gaulle) được đa số, Tổng Thống đành phải bổ nhiệm ông Jacques Chirac, Chủ Tịch đảng RPR, lên làm Thủ Tướng nhưng cuộc "sống chung hòa bình" trong 2 năm không đem lại nhiều kết quả. Sau 7 năm điều khiển nước Pháp, xài hết tiền của chế độ trước để lại, khi biết mình bị ung thư tiền liệt tuyến từ khi mới đắc cử năm 1981, khi gần cả nước biết mình có vợ nhỏ (Anne Pingeot) và một đứa con gái (Mazarine Pingeot sanh năm 1974) sống tại quận 7 Paris mà dấu dân chúng, ông ra ứng cử thêm một nhiệm kỳ mới 7 năm làm người ta cho là Tổng Thống dối trá và tham quyền. Khi dân chúng còn tin những lời hứa của đảng Xả Hội và chưa thấy sự thất bại hằng ngày của chánh trị phe Tả và bầu lại Tổng Thống Mitterrand năm 1988 thì nhiều người cho là dân tộc Pháp chưa trưởng thành và còn quá khờ …. Nhiệm kỳ II của Tổng Thống Mitterrand đầy thất vọng và nước Pháp bắt đầu nghèo, nhưng điều nguy hiểm nhứt là ông gieo trong đầu các thành viên của đảng Xả Hội là có thể làm việc ít hơn mà lương vẫn như cũ sau khi xuống 39 giờ làm việc trong tuần (sẽ 35 giờ vài năm sau), mỗi năm nghỉ có lương 5 tuần và có thể nghỉ hưu lúc 60 tuổi trong lúc các nước khác trên thế giới làm việc nhiều và lâu hơn. Ông muốn thế hệ sau phải nhớ là chính ông đã ra các luật "tiến bộ" ấy trong khi không ai đòi hỏi những điều nầy ngoài các nghiệp đoàn, phần lớn theo đảng Cộng Sản Pháp hoặc đảng Xả Hội.

Nhiệm kỳ II nầy làm nước Pháp kiệt quệ vì các nghiệp đoàn quá mạnh,"xuống đường" liên tục, xe lửa và Métro đình công liên miên, tiền nợ công qủy tăng quá cao, nhiều thuế mới xuất hiện. Năm 1993 Tổng Thống Mitterrand chỉ còn 20% dân chúng tán thành và cuộc bầu cử Dân Biểu năm đó cho thấy phe Hữu thắng lại vẻ vang, Thủ Tướng mới là Edouard Balladur của đảng thân Hữu RPR, lại "sống chung hòa bình" một lần nữa trong 2 năm… Trong nhiệm kỳ II Tổng Thống Mitterrand nhìn nhận chính thức bị ung thư nặng và có con ngoài hôn thú, ngoài ra Điện Élysée cho nghe lén nhiều người và xẩy ra hai chuyện chết chóc mờ ám là cựu Thủ Tướng Pierre Bérégovoy tự sát ngày 01-5-1993 tại Nevers. Ngoài ra một bạn thân của Tổng Thống Mitterrand và là cố vấn François de Grossouvre cũng tuẫn tiết ( ?) trong văn phòng ở trong Điện Élysée với súng lục Magnum (!) vào năm 1994 mà người ta cho là "bị xử tử" đúng hơn vì nhiều điều nghi vấn mà báo chí che dấu. Điện Élysée trong 14 năm trên không được sửa chửa gì nhiều ngoài sự chia cắt phòng thêm cho các phụ tá của Tổng Thống, Bà Danielle Mitterrand thích ở nhà riêng tại quận 5 Paris hơn và đặc biệt là Bà không bao giờ ngủ tại Điện Élysée. Tổng Thống François Mitterrand mất ngày 08-01-1996 tại tư gia sau khi bàn giao chức vụ cho tân Tổng Thống Jacques Chirac, 63 tuổi, để lại một nước Pháp kiệt quệ với sự gia tăng của phe cực Hữu vì dân đã chán đảng Xã Hội. Jacques Chirac là cựu Thị Trưởng Paris từ 1977 đến 1995, sau khi từ chức Thủ Tướng dưới thời Tổng Thống Valéry Giscard d'Estaing năm 1976. Ông từng làm Bộ Trưởng, được Tổng Thống Pompidou giao nhiều trọng trách và sau nầy ông lập đảng RPR (Rassemblement Pour la République), sau đó trở thành UMP (Union pour un Mouvement Populaire) gồm nhiều thành phần ủng hộ Tướng de Gaulle. Tổng Thống Chirac giúp rất nhiều dân Việt Nam tỵ nạn nhứt là các thuyền nhân trong những năm 1978-1982 và có con gái nuôi Việt Nam. Ông cũng là Tổng Thống Pháp "có tướng" nhứt và dược dân mến. Lổi lầm lớn nhứt của Tổng Thống Chirac là giải tán Quốc Hội, theo lời khuyên của Tổng Thơ Ký Điện Élysée Dominique de Villepin, để bầu lại vào tháng 4 năm 1997 sau sự "thất bại" của Thủ Tướng Alain Jupé : thật ra Thủ Tướng đề nghị sửa đổi cách làm viêc của Bộ An Sinh Xã Hội và tăng tuổi nghỉ hưu rất đúng nhưng các nghiệp đoàn xúi đình công nhứt là ngành Hỏa Xa, làm tê liệt nước Pháp. Phe Hữu không còn đa số trong Quốc Hội mới nên Tổng Thống Chirac đành phải chấp nhận Đệ Nhứt Thơ Ký đảng Xả hội Lionel Jospin lên làm Thủ Tướng : đó là thời kỳ "sống chung hòa bình" thứ 3 kéo dài trong 5 năm. Ông Jospin thuộc loại "to mồm" và theo đường lối của Mitterrand nên làm xáo trộn xả hội và kinh tế với luật 35 giờ làm việc mổi tuần. Mười năm sau mới thấy đó là một luật làm cho kinh tế Pháp yếu dần so với các nước khác. Năm 2001 Hiến Pháp được sửa đổi và nhiệm kỳ Tổng Thống Pháp chỉ còn 5 năm. Khi bầu Tổng Thống năm 2002 ứng cử viên Lionel Jospin bị loại ngay vòng đầu và Jacques Chirac thắng vẻ vang trước ông Jean-Marie Le Pen ứng cử viên đảng Front National cực Hữu.

Cũng nên nhắc lại Điện Élysée bất ngờ thay đổi mặt ngày Tổng Thống Mitterrand bàn giao chức vụ cho tân Tổng Thống Chirac: ông cho dẹp hết những gì đã thay đổi và để lại bàn ghế như ngày Tổng Thống Charles de Gaulle rời Điện Élysée nhứt là phòng làm việc, đó là hành động "quân tử" nhứt của Mitterrand đối với tân Tổng Thống mà ông biết là "con tinh thần" của Tướng de Gaulle ! Bà Bernadette Chirac thích sống trong Điện Élysée, lo chưng diện lại dinh nầy từ vườn hoa đến nhà bếp, một tay Bà lo trang trí và luôn cả các món ăn, thế mà bị Tổng Thống Chirac chê là "con rùa" vì chậm hơn ông ! Ngược với Bà Danielle Mitterrand, Bà Bernadette Chirac sống luôn trong Điện Élysée và có văn phòng làm việc gần thư viện vì lo cho nhiều Hội Đoàn, nhứt là các bệnh viện trẻ em, ngoài ra Bà cũng có vai trò chánh trị vì được tái đắc cử Hội Đồng Tỉnh Corrèze. Trong nhiệm kỳ II 5 năm của Tổng Thống Chirac, Thủ Tướng Jean Raffarin lo giảm thuế, lo vấn đề nghỉ hưu vì bên Pháp làm việc ít mà nghỉ hưu sớm hơn các nước Âu Châu, và tìm cách làm cho "luật 35 giờ" bớt hại cho các xưởng. Điều đặc biệt là ngày lễ Quốc Khánh 14-7-2002 một thanh niên trẻ tên Maxime Brunerie toan ám sát Tổng Thống Chirac nhưng không thành công. Năm 2003 xẩy ra vụ chiến tranh với Irak mà Tổng Thống George W.Bush muốn kéo nước Pháp tham gia như Anh Quốc, Tổng Thống Chirac chống lại vì chưa thấy có lý do để khai chiến và Bộ Trưởng Ngoại Giao Dominique de Villepin đọc diễn văn chống chiến tranh Irak tại Liên Hiệp Quốc làm cho Mỹ và Pháp giận nhau trong hơn 15 tháng. Vào tháng năm 2005, Dominique de Villepin lên ghế Thủ Tướng và Nicolas Sarkozy lên Bộ Trưởng Nội Vụ, nhưng 2 người không thuận nhau. Ông Sarkozy muốn "quét sạch" các du đảng ở ngoại ô Paris phần lớn là gốc Algérie, nên bị đảng Xả Hội và đảng Cộng Sản tấn công vì muốn lấy phiếu của các người Bắc Phi có quốc tịch Pháp, nhưng 68% dân chúng ủng hộ thái độ của Bộ Nội Vụ. Tổng Thống Chirac bị xuất huyết não nhẹ vào năm đó và cũng từ đó ông bớt hoạt động nhưng ông miễn cưỡng phải ủng hộ Nicolas Sarkozy, ứng cử viên Tổng Thống : Nicolas Sarkozy đắc cử vào ngày 06-5-2007 trước Bà Segolène Royal của đảng Xả Hội. Nicolas Sarközy de Nagy-Bocsa, Cha gốc Hung Gia Lợi và mẹ Pháp gốc Do Thái, sanh năm 1955 tại Paris là luật sư, Thị Trưởng thành phố Neuilly-sur-Seine, Dân Biểu tỉnh Hauts-de-Seine, nhiều lần Bộ Trưởng Nội Vụ và Kinh Tế, ổng là Chủ Tịch đảng UMP (Union Pour un Mouvement Populaire). Ông làm chánh trị sớm sau khi tốt nghiệp đại học và theo phe Hữu với Jacques Chirac, tuy nhiên về sau tránh phe Chirac để theo Thủ Tướng Edouard Balladur. Cuộc đời tình ái của Tổng Thống Sarkozy cũng sống gió không ít : ông là Tổng Thống đầu tiên ly dị lúc còn tại chức với Bà vợ thứ nhì là Cécilia Ciganer-Albéniz năm 2007, trước đó ông có 2 con trai với vợ trước là Bà Marie-Dominique Culioli. Tuy có chồng, Bà Cécilia là tình nhân của ông Sarkozy và chánh thức sống chung từ năm 1989 sau khi cả 2 ly dị. Ông Bà cưới nhau vào năm 1996 và ly dị vào 2007, 5 tháng sau khi ông đắc cử Tổng Thống, Bà có 2 con với chồng trước và 1 con với ông Sarkozy. Ít lâu sau Tổng Thống cưới Bà Carla Bruni, một ca sĩ "đợt sống mớỉ" năm 2008, Thị Trưởng quận 8 Paris làm lễ cưới tại Điện Élysée và năm 2011 Tổng Thống làm cha của một bé gái, đây là lần đầu tiên một Tổng Thống có con trong lúc tại chức. Từ lúc còn là Bộ Trưởng Nội Vụ, ông cứng rắn về luật di trú đối với các người nhập cảnh bất hợp pháp và đoàn tụ gia đình. Vào 2007 sau khi bàn giao với cựu Tổng Thống Chirac ngày 16-5, Tổng Thống Sarkozy bổ ông François Fillon làm Thủ Tướng và vài người của đảng Xã Hội nắm giữ những bộ quan trọng như Bernard Kouchner bên Ngoại Giao. Những luật sau đây được Quốc Hội sửa đổi : giảm thuế cho những người tình nguyện làm việc hơn 35 giờ/tuần, thay đổi vài điều nhập cảnh vào Pháp, giảm thuế thừa kế, và ra luật phải có người làm việc tối thiểu khi đình công nhứt là trong ngành hỏa xa và métro. Năm 2009 khủng hoảng tài chánh toàn cầu xuất phát từ Mỹ Quốc gây khó khăn cho Âu Châu, nạn thất nghiệp bên Pháp tăng lên và nợ quốc gia càng ngày càng cao. Về ngoại giao Tổng Thống Sarkozy thành công và thân thiện với Tổng Thống Hoa Kỳ Obama và Bà Angela Merkel của Đức Quốc nhưng trong nước bị đảng Xã Hội tấn công về mọi mặt, từ báo chí che dấu nhiều chuyện đến các dân biểu chỉ trích đủ điều. Ông cũng có nhiều tật xấu, như chuyện gì ông cũng "xen" vô thay vì để Thủ Tướng giải quyết, nhưng đường lối chung của chánh phủ thì cũng không sai cho lắm. Những cuộc thăm dò dư luận cho thấy địch thủ đáng ngại khi ra ứng cử Tổng Thống là Giám Đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (FMI) Dominique StraussKahn, cựu Bộ Trưởng Kinh Tế. Ông "DSK" vì muốn chơi trò cao, định thay thế đồng Mỹ Kim ra thành tiền "ảo" nên bị Mỹ "gài" vô chuyện hiếp dâm mờ ám tại New York. Ứng cử viên của đảng Xã Hội chỉ còn François Hollande, Đệ Nhứt Thơ Ký của đảng Xã Hội, một nhân vật kỳ lạ mà thời cơ đưa đến vì từ 1981 ông chỉ tranh đấu bằng mồm, chưa nắm trách nhiệm trong bất cứ chánh phủ nào, trừ làm Đệ Nhứt Thơ Ký của đảng Xã Hội và Thị Trưởng thành phố nhỏ Tulle, ông ngồi ghế Chủ Tịch tỉnh Corrèze và vùng nầy nợ nhiều nhứt nước Pháp ! Vì khéo ăn nói (láo) dẫu không có cách nào thực hiện được mà ông cứ hứa đại nên nhiều người nhẹ dạ, hay thơ ngây hay ghét cá nhân Tổng Thống Sarkozy, bỏ phiếu cho ông. Các đảng phái thân Hữu không lúc nào qua mặt được các đảng Xã Hội và Cộng Sản một điều, đó là NÓI LÁO ! Ít ai chịu hiểu là "Chủ Nghĩa Xã Hội chỉ tồn tại khi nào còn tiền" như Bà Margueret Thatcher đã nói. Từ 2008 Điện Élysée được sửa sang nhiều nhưng làm vào tháng 8 lúc hè khi Tổng Thống không có mặt. Mỗi phòng được tân trang từng phòng một và theo các kiến trúc sư, trong 50 năm nữa Điện Élysée sẽ không cần sửa nữa. Ngày 06-5-2012 Nicolas Sarkozy thất cử và François Hollande trở thành Tổng Thống đến 2017. Tổng Thống Hollande bổ nhiệm Thủ Tướng Jean-Marc Ayraud, một dân biểu và Thị Trưởng thành phố Nantes nhưng từ hồi trước đến giờ chỉ ngồi chỉ trích trong Quốc Hội và chưa bao giờ làm được gì, nay chỉ được dưới 20% người ủng hộ nên chắc cũng không ngồi lâu dài ghế Thủ Tướng. François Hollande học giỏi nhưng tánh tình không dứt khoát và ít khi quyết định điều gì. Ông ra luật "Đám cưới cho tất cả" dành cho những đồng tình luyến ái, nhưng chính ông không bao giờ cưới vợ : sống với Bà Ségolène Royal (ứng cử viên thất cử Tổng Thống với Sarkozy) được 4 mặt con từ 1984 đền 1992, ông nhìn nhận là cha của các con mà không cưới Bà Royal ! Ngoài ra Tổng Thống Hollande cũng có 1 con khác sanh năm 1998 với Bà Anne Hidalgo, phụ tá hiện tại của Thị Trưởng Paris. Nay ông ở Điện Élysée với Bà Valérie Trierweiler (chưa ly dị và có 2 đứa con riêng với chồng trước), và bà nầy tự cho mình là Đệ Nhứt Phu Nhân, gây nhiều rắc rối nội bộ và ngoại giao. Nghe nói đâu Tổng Thống Hollande có "lem nhem" với một nữ tài tử trẻ tên là Julie Gayet lúc tranh cử, nhỏ hơn ông 18 tuổi nên Bà Trierweiler canh chừng Tổng Thống hơn các cận vệ ! Chỉ có nước Pháp mới có chuyện như vậy…. Từ khi lên Tổng Thống đến nay đã 19 tháng mà nếu phải tóm tắt lại những gì ông đã làm thì rất nhanh: tăng thuế, xài tiền và bớt phụ cấp ! Thuế nào cũng tăng, thất nghiệp chưa bao giờ cao đến thế nhưng chỉ có Tổng Thống Hollande mới nói là cuối năm 2013 nạn thất nghiệp sẽ giảm, không biết do sự mầu nhiệm nào! Chỉ tuyên bố một câu trong lúc tranh cử thôi, ông làm cho các thương gia bỏ xứ Pháp chạy nhanh qua các nước khác trước khi ông thắng: "Tôi ghét người giàu! " tuy Bà Valéry Trierweiler, nhủ danh Massonneau, là con của một giám đốc ngân hàng! Ngoài ra ông nói trước sẽ đánh thuế 75% các lợi tức cao và tăng thuế về tài sản (=Impôt sur la Fortune, có lẻ chỉ có Pháp Quốc mới có thuế đó trên thế giới) làm các đại gia đem tiền ra khỏi xứ và đầu tư ở nước ngoài : không có chủ sao có thợ ? Kinh tế làm sao lên được nếu mỗi tháng cả chục công ty đua nhau đóng cửa ? Tai hại nhứt là các sinh viên sau khi tốt nghiệp đều tìm việc làm nơi xứ ngoài, vì không thấy tương lai trong xứ mình, Pháp mất rất nhiều chất xám và "đào tạo miễn phí" chuyên gia cho Mỹ, Úc và Gia Nã Đại…Ngoài ra điều mà dân chúng sợ, ngoài đảng Xả Hội ra, là chánh phủ quá yếu hay đúng hơn quá nhu nhược đối với dân đạo Hồi Giáo vì muốn kiếm phiếu lúc tranh cử: thanh niên gốc Bắc Phi của thế hệ thứ 2 hay thứ 3 lộng hành, du đảng, cướp bóc, không theo luật pháp nhưng chánh quyền rất nhẹ tay, đôi khi "làm lơ" không thấy…
 
Như vậy ta thấy là lấy Điện Élysée làm nơi cư ngụ của các Tổng Thống Pháp là "không khá", nội tên Élysée đã là hắc ám rồi! Không hiểu hết tên rồi sao mà Bà Công Tước Bathilde d'Orléans lấy tên dưới âm phủ ? Theo khoa Phong Thủy thì nên nhờ "Thầy" coi lại địa thế và đặt tên lại may ra mới bớt xui xẻo cho các Tổng Thống!

Bs Trần Ngọc Quang
Paris, mùa Giáng Sinh 2013

* Bài nầy viết vào cuối năm 2013, đến nay thì cả thế giới biết chuyện Tổng Thống Hollande "ăn vụng" với cô đào Julie Gayet tại đường rue du Cirque cách Điện Élysée 100 thước như Napolèon III khi xưa. Giữa đêm khuya mà một Tổng Thống ngồi xe moto qua lén nơi hẹn với nhân tình thì cũng đủ biết là không khôn ngoan: tai tiếng, an ninh… Vậy mà Ông nói "đó là đời tư của tôi" ! Ngoài ra phòng đó là do Bà vợ cũ của Michel Ferracci, một tay Mafia corse, cho mượn nên không biết Mafia corse có quây phim hay không? Thật xấu hổ cho nước Pháp ! Sau Mitterrand Pháp Quốc bị suy sụp (déclin) nay thật là suy tàn (décadence) !

 

Đăng ngày 14tháng 08.2015