nguyen vy khanhNguyễn Vy Khanh sinh ngày 05 tháng 3 năm 1951
Tốt nghiệp ĐH Sư Phạm Việt Hán Sài Gòn 1974,
Cử nhân giáo-khoa 1973 và Cao học Triết Tây 1975,
Master of Library Sciences, Montréal, Canada 1978.
Tác phẩm:
Khung Cửa (Thơ, Tác giả xb, Sài Gòn, 1972), Ngô Đình Diệm Và Nổ Lực Hoà Bình Dang Dở (dịch, Xuân Thu, tái bản 1989), Lỗ Tấn Và Truyện Xưa Viết Lại (Xuân Thu, 1997), Bốn Mươi Năm Văn Học Chiến Tranh 1957-1997 (Đại Nam, 1997; tái bản 2000), Văn Học Và Thời Gian (Văn Nghệ, 2000), Văn Học Việt Nam Thế Kỷ 20, Một Số Hiện Tượng Và Thể Loại (Đại Nam 2004).
(trích: vanchuongviet.org)

 

Kỷ niệm với giáo-sư Lê Hữu Mục

Tôi thi vào Đại học sư phạm Sài-Gòn trễ và giáo-sư Lê Hữu Mục là Thầy suốt cả ba năm Việt Hán (khóa 13, 1971-1974) phụ trách các môn chữ Nôm, văn-học (Lịch sử văn-học Thiền tông Đời Lý, lịch-sử tiểu-thuyết, v.v.) và lịch-sử giáo dục Việt-Nam. Hoàn cảnh vừa là sinh viên được các bạn đồng khóa bầu làm trưởng ban Học tập nên thường liên hệ với các thầy cô, lại vừa phụ trách in cours cho các thầy cô cũng như sau 1975 phải sống lưu vong cùng vùng Pháp thoại Canada với Thầy, khiến tôi được tiếp xúc và chứng kiến một số những công trình, sinh hoạt của Thầy Mục từ 1971 đến nay. Bài viết chúng tôi có hai phần: phần đầu về một số tác-phẩm, công trình của giáo-sư Mục, chúng tôi đứng ở vị thế một hậu-sinh nghiên cứu văn-học và lịch sử; và phần hai là những kỷ niệm rời của chúng tôi, một trong những sinh viên đã từng học giáo-sư Mục, từ 1971 đến 1974.

Giáo sư Lê Hữu Mục thứ nhất mà tôi biết là một nhà giáo mô phạm với những công trình giáo khoa công phu, những cuốn khảo luận về các tác-giả Tự Lực Văn đoàn (1957-60), và là một nhà chuyên môn Hán và Nôm học với các công trình dịch thuật, hiệu đính như Việt Điện U Linh Tập (NXB Khai Trí, 1961), Lĩnh Nam Chích Quái (Khai Trí, 1961) và Huấn Địch Thập Điều: Thánh Dụ (Phủ Quốc vụ khanh đặc trách văn hóa, 1971). Trong lời Tựa viết ở Huế ngày 24-11-1959 cho cuốn Việt Điện U Linh Tập, giáo sư cho biết «‘theo tinh thần tổng quát của tác phẩm ta có thể tin rằng năm 1329 là soạn niên của Việt Điện U Linh Tập và Lý Tế Xuyên là một văn sĩ đời nhà Trần, mặc dầu các chứng cứ chưa được minh bạch như ta mong muốn...». Về tập Lĩnh Nam Chích Quái, giáo-sư Mục khẳng-định tác-giả là Trần Thế Pháp, « một nhà nghiên-cứu vô-danh, thích dã-sử hơn chính-sử; tác-giả ấy không thể lầm lẫn với Vũ Quỳnh ». Các nhà nghiên cứu Hà-nội từ lâu vẫn bác thuyết này cho đến gần đây mới nhận Trần Thế Pháp là tác-giả!

Lê Hữu Mục thứ hai dấn thân, chính-trị, sôi nổi lập trường theo tình thế. Lê Hữu Mục này là tác-giả của một số những công trình sau: Năm 1958, giáo sư xuất-bản Chủ Nghĩa Duy Linh (Huế: Nhận Thức, 1958. 220 tr. LM Cao Văn Luận viết Tựa), trong không khí đi tìm một định hướng văn hóa và chính trị mới của thời Đệ Nhất Cộng Hòa và Đại hội Văn hóa của ông Ngô đình Nhu. Khi ra hải ngoại, năm 1990, giáo-sư viết Hồ Chí Minh Không Phải Là Tác Giả 'Ngục Trung Nhật Ký' do Văn Bút Việt-Nam hải ngoại lúc bấy giờ trụ sở ở Toronto (Canada) xuất-bản đã gây phần nào phản ứng trong nước và giúp lên tinh thần người ở ngoài được một thời; tuy nhiên NTNK không phải là tác-phẩm văn-học mà thực sự chỉ là một 'văn bản' công cụ chính-trị của một tập đoàn. Vả lại, ông Hồ có phải là tác-giả NTNK không (ngay cả có con với ai), chưa chắc ông Hồ đã biết!? Giáo-sư Mục còn là nhạc sĩ, 2009 mới đây được giải thưởng của nhóm Kinh Tế Thị Trường của luật sư Nguyễn Bá Long ỡ Toronto!

Năm 1998, giáo-sư Mục cho ra mắt tuyển tập Truyện Kiều Và Tuổi Trẻ chung với giáo-sư Phạm Thị Nhung và dược sĩ Đặng Quốc Cơ gây nhiều phản ứng, vì các soạn giả đã 'hiện đại' hóa Thúy Kiều thành người đấu tranh nữ quyền mà mãi đến đầu thế kỷ XX mới xuất hiện ở Âu châu. Truyện Kiều Và Tuổi Trẻ đã có những lý luận và suy diễn 'mới, lạ' khi cho rằng Truyện Kiều là một Kinh Thi mới và đồng thời là một Kinh Thánh mới. Nếu truyện Kiều là Kinh Thi hay Kinh thánh, liệu những tiền đề hay kết luận của Nguyễn Du mà giáo-sư Mục tìm thấy trong truyện có thể giải quyết được những vấn nạn của hôm nay? Nếu Nguyễn Du đã 'từng' đọc Kinh Thánh của Công giáo và đem áp dụng vào tác-phẩm của mình, không lẽ ông đạo đức giả đến độ sống buông thả và nhiều thê thiếp? Theo thiển ý, giá trị của Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du chủ trì ở văn-chương, ở ngôn-ngữ sử-dụng, ở kỹ thuật dựng truyện, ở cách tả tình, tả cảnh, tà người, v.v. Ngay tựa đề đã nói lên nỗi lòng của một sĩ phu thời loạn, xa với tựa nguyên tác gây hứng của Thanh Tâm Tài Nhân thế kỷ XVII. Nội dung vì là truyện đựa theo một tiểu-thuyết của Thanh Tâm Tài Nhân đời nhà Thanh; giá trị nội-dung do đó nếu có, cũng giới hạn và ít quan trọng hơn (dĩ nhiên quan trọng ở những khía cạnh Việt hóa câu chuyện và nhân vật, v.v.).

Chính những sáng tạo văn-chương và nhân sinh quan của Nguyễn Du đã khiến tác-phẩm sống đời. Từ khi tác-phẩm của Nguyễn Du xuất hiện đến nay trải qua nhiều triều đại và chế độ, đã có những nghiên cứu và diễn giải khác nhau. Do đó có thể nói diễn giải sao cũng được hết, miễn là diễn giải có tính thuyết phục! Cho rằng Kiều phóng khoáng, tranh đấu cho nữ quyền, tự do luyến ái hay cho rằng truyện Kiều thấm nhuần tư tưởng đạo Công giáo thì cũng chỉ là những cách diễn giải chủ quan và có tính chất thuần giả thuyết! Thiên Chúa của đạo Công giáo hữu ngã vì đã tạm thời xuống thế làm người (Jésus), mặc lấy da thịt con người để cứu chuộc loài người đắm chìm trong tội lỗi và mê tín dị đoan, giáo-sư Mục đã 'phục sinh' Đạm Tiên làm 'thiên thần Ga-Biên (Gabriel)' đem sứ điệp Tin Mừng đến trinh nữ Maria? Giáo-sư Nghiêm Toản từng thán phục Hoạn Thư ghen tuông cao tay và ứng xử rất có văn-hóa, một tay đàn chị tuyệt vời; bây giờ giáo-sư Mục nhìn Hoạn Thư yêu thương người khác như Chúa Giê-su từng dạy, cả hai cùng đúng hết sao? 'Dập dìu tài tử giai nhân' đối với giáo-sư Mục - cũng là nhạc sĩ, là khiêu vũ quyện vào nhau nhịp nhàng, nhưng với đa số thì chỉ là đoàn người trẻ dạo chơi hay 'rửa mắt', tìm vợ tìm chồng; cắt nghĩa nào hay? Giáo-sư Mục nhìn Truyện Kiều như một bản trường ca của tuổi trẻ nổi loạn, buông thả, nhân vật Thúy Kiều quá tốt lành, quá nhiều cái Tâm, ... nhưng xuyên qua các lý luận, người đọc cũng nhìn thấy một số phẫn nộ của nam giới về phụ nữ và nữ quyền!

Giáo-sư Mục và hai vị Nhung, Cơ đã có ý tốt đánh giá lại Truyện Kiều của Nguyễn Du, với những kiến thức của thời đại, từ Âu Mỹ, và ở một không gian mới, ở hải-ngoại, theo các vị, là "bản thông điệp của Nguyễn Du gởi cho thanh niên, yêu cầu họ tin tưởng vào tuổi trẻ của mình, sống thành thật với bản thân một cách tự do, và biết đấu tranh quyết liệt với mọi trở ngại, đầu tiên là với chính mình, để có thể sống một cách trong sạch"; phương tiên là can đảm tự tin, "tin vào thế giới bên kia, vào một lực lượng siêu nhiên nhất định ... người đi đạo Chúa thì trông cậy vào tình yêu của Chúa...".

Thiển nghĩ, Truyện Kiều Và Tuổi Trẻ đáng ra phải đứng ở trình độ lý luận văn-học thì tiếc thay, đã được xem như những quyết đoán về văn-hóa, đáng ra phải ngừng (hay khởi) ở phương pháp, thì đã thành thông điệp chính thức của những tự cho thẩm quyền! Giả thuyết của giáo-sư Mục về Truyện Kiều (cũng như vụ giáo-sư Mục ‘xử lý’ nhạc sĩ Phạm Duy) đã gây tốn khá nhiều bút mực của báo chí cộng đồng và tiếng nói đài phát thanh ở hải ngoại (cả là đối tượng của ít nhất 3 tập sách phê bình)!

nguyen vy khanh

 

 

 

 

 

 

 

 

Tác giả và GS Mục trong một buổi hội 4/1994

Đến năm 2001, giáo-sư Mục cùng bà Phạm Thị Nhung cho ra cuốn Tiếng Nói Đoàn Thị Điểm Trong Chinh Phụ Ngâm Khúc trong đó giáo-sư Mục đã chuyển đổi cách đọc Nôm khác trước (của chính giáo-sư năm 1972, tạp chí Văn Học Sài-Gòn số 153-4, 1972), nay chứng minh văn bản cổ hơn, để chứng minh rằng bản Chinh phụ ngâm mà giáo-sư Nguyễn Văn Xuân phát hiện được ở Huế năm 1972 là một bản do bà Đoàn Thị Điểm dịch. Bà Nhung chủ trì nữ quyền cộng với lý giải của Thầy Mục, chập thành 'tiếng nói Đoàn Thị Điểm' và phủ bác thuyết của hai giáo-sư Hoàng Xuân Hãn và Nguyễn Văn Xuân. Giả thuyết và cách giải mã chữ Nôm của giáo-sư Mục đã được/bị ít nhất hai nhà nghiên cứu chữ Nôm tranh luận, Alexandre Lê ở Pháp và Nguyễn Tài Cẩn trong nước.

Chữ Nôm là một công trình lớn mà giáo sư Mục đã dành cả cuộc đời để nghiên cứu nhưng như thấy tâm sự với người viết từ nhiều năm gần đây thì Thầy phải xong lập thuyết và quy luật về Nôm Đạo thì Thầy mới xem là hoàn thành tâm nguyện. Một thời gian Thầy hay sang Pháp vì công trình L'Univers des truyên Nôm / Thế Giới Của Truyện Nôm - tác-phẩm của Maurice Durand mà bản thảo chưa xong thì mất, đã được giáo-sư Mục rồi các ông Đinh Gia Khánh, Nguyễn Văn Nguyên và Philippe Papin hiệu đính và hoàn thành, trường Viễn đông bác-cổ (École Française d'Extrême-Orient) và NXB Văn Hóa Hà-nội in năm 1998. Tác-phẩm tiếng Pháp và có điều đáng để ý là có hai Lời nói đầu, bài tiếng Pháp thì nhắc đến giáo-sư Lê Hữu Mục đã đóng góp hoàn thành (version B) (tr. 6), còn tiếng Việt thì không nêu danh giáo-sư Mục mà chỉ ghi là "một nhà nghiên cứu Việt-Nam hiện sống ở Canada". Ông Đinh Gia Khánh trong thực tế là người đã tiếp nối từ bản khởi đầu của giáo-sư Mục! Chuyện đời, ai có «chính quyền» chính thức đứng sau lưng, người đó có tên và có … tiền!

Giáo-sư Mục và chúng tôi sinh sống ở Montréal nơi các thầy cô và anh em cựu giáo chức Việt Nam đã thành lập hội Ái hữu Gia đình cựu giáo chức Việt Nam tại Québec, thời chúng tôi làm việc trong Ban chấp hành đã liên lạc xin giáo-sư Mục bài viết và trong số kỷ niệm Đệ thập chu niên ngày thành lập hội (2003), giáo-sư có bài viết “Đôi chút kinh nghiệm về sư phạm” trong đó giáo-sư truyền kinh nghiệm và kỷ niệm về “Học Nôm và nôm-học”; giáo-sư cho biết ông đã và đang: “tìm giải mã những chuẩn-thằng Nôm-học của Nguyễn Trãi qua Quốc Ấm Thi Tập và Cả Bỉa ơn áng Ná Cực Nặng (tức Đại Báo Phụ Mẫu Ấn Trọng Kính). Bản Quốc Ấm Thi Tập do tôi phiên âm có hơn một nghìn câu khác với bản do Đào Duy Anh phiên âm. Tác-phẩm của tôi dày 1500 trang đã viết xong từ 1974; vì tác-phẩm này (mà Hà-nội biết), tôi đã phải thuyết trình nhiều lần cho các cán bộ Hán-Nôm cộng sản khi tôi còn kẹt lại Sài-Gòn sau 1975. Họ còn giữ của tôi 2000 trang viết tay về chữ Nôm, và đã mang sang Nice (Pháp) để dùng làm tài liệu tranh luận với ông Paul Schneider về việc phiên âm cuốn Quốc Âm Thi Tập (...) Kết quả cuộc gặp gỡ giữa hai phái đoàn Việt-Pháp năm 1983 ở Nice là cuốn sách về Nguyễn Trãi được xuất bản năm 1987 nhưng tên tác-giả chỉ có Paul Schneider. Sau đó tôi có dịp hỏi thì ông tự mãn nói những người Việt Nam đó “họ không xứng đáng”, tự mãn thế nhưng Paul Schneider cũng đã không hiểu rõ những chuẩn thằng về chữ Nôm của Nguyễn Trãi...”. Cũng trong bài viết này Thầy Mục đã cho biết ông muốn bác bỏ lập luận của Hoàng Xuân Hãn đã cho rằng bản dịch Nôm lưu hành là của Phan Huy Ích và giáo-sư Mục muốn chứng minh ông Hãn đã không đọc được những từ Nôm cổ.

Trong những lần thầy trò gặp nhau trong năm 2010 gần đây, Thầy Mục cho biết thêm có một Nôm Đạo xuất phát từ những thế kỷ XV, XVI song hành với chữ Nôm lịch triều và Nho gia Việt Nam, mà vì không biết đến nên những Kiều Oánh Mậu, Trần Trọng Kim rồi Hoàng Xuân Hãn, Đào Duy Anh (và các cán bộ Hán-Nôm của Hà-nội) đã đọc (và đoán) sai chữ Nôm văn bản của Nguyễn Trãi cũng như Nguyễn Du và Đoàn Thị Điểm. Giòng chữ Nôm kia đã khỏi từ Ngô Thì Nhậm đời Tây Sơn, tiếp nối sang đời nhà Nguyễn, Tự Đức, rồi ra Bắc Hà, trong khi giòng Nôm Đạo lưu hành khắp nước với những chuẩn-thằng, quy ước gần với ngôn ngữ Việt Nam nôm na hơn. Nay chúng ta biết rằng có một mảng văn học chữ Nôm của giới Công giáo Việt Nam với những văn bản chép tay từ thế kỷ XV. Thời Việt Nam Cộng Hoà trước 1975 đã có một số nghiên cứu như của các linh mục Đỗ Quang Chính, Nguyễn Hưng. Sau biến cố 30-4-1975, việc nghiên cứu mảng văn-học này được tiếp nối bởi nhóm linh mục Nguyễn Hưng rồi những giáo-sư Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung, Trần Thái Đỉnh, Vũ Văn Kính, Võ Long Tê, v.v. Nhưng hình như vẫn chưa có công trình quy mô và hệ thống nào về mảng chữ Nôm Đạo này! Mong nghiên cứu của giáo-sư Mục sớm ra đời để giới nghiên cứu có thêm mốc mà tiến tới cũng như phục hồi sự thực cùng hiệu-đính lại những sai lầm văn-học sử! Thầy Mục cho tôi biết ông còn muốn viết một hồi ký về Nôm học của ông với tựa đề có thể là Thích Lập Luận Thuận Hoài là danh tính của những vị đã khơi động cũng như khuyến khích giáo-sư trong việc học và dạy chữ Nôm, đó là các linh mục Nguyễn Văn Thích và Cao Văn Luận thời đầu ở Huế, linh mục Nguyện Văn Lập thời dạy ở Đà-Lạt, đức hồng-y Nguyễn Văn Thuận qua nhiều thời và đức ông Trần Văn Hoài thời hải ngoại!

Ngoài ra giáo-sư Mục còn viết về văn hóa Việt Nam (Văn-hoá Việt Nam và những thách-đố của nó đối với giới trẻ Việt Nam sống trên đất Mỹ), chưa xuất bản nên người theo dõi chỉ biết được vài bài trên Internet, đặc biệt về hai lý và giả thuyết, một về nguồn gốc nước của văn-hoá Việt Nam và thứ hai gọi là thuyết bất-vô cắt nghĩa làm sao để 'vận-dụng nguồn nước ấy, nguồn tư-tưởng sinh-động để bảo-đảm sự sinh-hoá của con người Việt Nam'. Giả-thuyết về nước đã có nhiều vị đưa ra như LM Kim Định, các ông Nguyễn Đổng Chi (cõi nước), Khiếu Đức Long, Phạm Thế Duyệt (Texas), v.vCùng chung giả thuyết với Khiếu Đức Long (Vietnamologica), Phạm Thế Duyệt (Houston) (Định Hướng ?), ... Giáo-sư Mục căn-cứ trên các ‘dữ-kiện lịch-sử, địa-lí, nhân-chủng-học, sinh-thái-học, ngôn-ngữ-học, và nhất là ngữ-âm-học lịch-sử để chứng-thực nguồn gốc nước của văn-hoá Việt Nam và những hệ-quả to lớn của nó trong việc hình-thành nền văn-hoá lâu đời của dân-tộc’. Thuyết bất-vô thì Thầy Mục cho khởi đi từ Đạo Huệ (?-1172), thiền sư nhà Lý. Giáo-sư Mục chứng minh văn-hoá Việt Nam xuất-phát từ một gốc chung và có với nhau những liên-hệ có tính bản-chất, dùng học-thuyết bất-vô của Đạo Huệ mà theo giáo-sư đã dựng nên một hệ-thống bền-vững để giải-thích sự liên-hệ chặt-chẽ giữa các hiện-tượng văn-hóa.

Tháng Tư vừa qua là đã 35 năm tôi rời Việt-Nam sống đời hội nhập, làm người Việt xa quê và đồng thời xa cả một thời quá khứ, cái quá khứ mà khi ra đi đã rất cận kề và thân thương. Một năm sau khi tôi tốt nghiệp đại học sư phạm Sài-Gòn, cũng có nghĩa là chưa đủ một năm «gõ đầu trẻ» nơi miền thùy dương của đất nước, những ngày tháng vừa qua đó chưa kịp thành kỷ niệm, tôi đã phải nhập «bầy chim bỏ xứ». Nhưng sau hơn 35 năm, thì những ngày tháng đẹp của một thời sinh viên, vô tình như thời gian biết bao «bóng câu qua cửa sổ», đã và đã trở thành một dĩ vãng thật xa xôi! Tôi vừa lấy hưu sau gần 34 năm liên tục làm việc chuyên môn và sinh hoạt cho cộng đồng Việt Nam nơi xứ người!

Xa xôi khi nhớ nghĩ đến các thầy cô mà nhiều vị đã quá vãng: người đầu tiên là Thầy Phạm Văn Diêu (cháu của thủ tướng PVĐ) bất ngờ mất khoảng 1980 khi chuẩn bị sang Canada đoàn tụ với con trai du học trước đó. Thầy Phạm Văn Đang tác-giả Văn-học Thời Tây-Sơn thì cả gia đình vượt biên bằng thuyền bị hải tặc tấn công giết chết cùng với một đồng nghiệp tiến sĩ Hán văn vừa du học Đài Bắc về khoảng 1974. Thầy Trương Văn Chình tác-giả Khảo luận về ngữ pháp Việt NamStructure de la langue vietnamienne, sang Pháp trị bệnh năm 1982 nhưng mất ở Paris năm 1983 do một tai nạn y khoa (tôi vẫn hợp tác biên tập cho tờ Ngày Nay của con Thầy, anh Trọng-Kim Trương Trọng Trác, thương tiếc thay mới mất năm 2009). Thầy Lê Ngọc Trụ mất ở Sài-Gòn ngày 11-8-1979, tác-phẩm cuối cùng của Thầy xong trước 1975 đã được ái nữ Lê Kim Ngọc Tuyết tìm cách xuất bản năm 1993 với tựa Tầm-Nguyên Tự-Điển Việt Nam gần 900 trang; một công trình rất quý báu về nguồn gốc và phát triển của tiếng Việt. Thầy Trần Trọng San đoàn tụ gia đình ở Toronto (Canada) và đã qua đời ở đó, sau khi hoàn thành và xuất bản thêm những bộ Tự điển Hán Việt và tuyển tập Thơ dịch cùng với trưởng nam của Thầy. Thầy Nguyễn Sỹ Tế sang Mỹ năm 1992 theo diện H.O., đã tiếp tục đóng góp cho văn-hóa, giáo dục Việt-Nam ở hải ngoại, xuất bản Chants d’Ya (thơ Pháp ngữ, 1997), Khúc Hát Gia Trung (thơ tù, Edition Imn, 1994 mà tôi đã có bài viết), Tiểu Luận Văn hóa và Giáo Dục (Trúc Lâm, Quận Cam CA, 2000 ), và đã mất ở California 16-11-2005. Thầy Giản Chị mất ở Sài-Gòn ở tuổi thọ 104 tuổi.

Thầy Lưu Khôn hiện sinh sống ở vùng San Jose CA (thầy trò chúng tôi cùng có mặt ở những đặc san Hội Ái hữu Petrus Ký Bắc Nam California). Cô Khưu Sĩ Huệ đã tị nạn ở Đài Bắc sau 1975 (* Cô mới mất tháng 11-2012). Sau biến cố 30-4, cá nhân tôi đã được gặp lại các Thầy Lê Hữu Mục, Trần Thái Hồng và Phan Hồng Lạc cũng như liên lạc điện thư với cô Huệ. Thầy Hồng làm thuyền nhân với con trai qua Canada, thầy lấy bằng cao học thư viện và thầy cô sống mấy năm ở Montréal, sau đó thiên cư về vùng Austin, Texas, nơi Thầy mở nhà in, xuất bản và cô (Hồng Trần) phụ trách chương trình Tiếng Việt Trong Sáng của đài phát thanh địa phương và chúng tôi từng được cô mời tham gia trực tiếp truyền thanh đôi lần về văn-học và tiếng Việt. Thầy Lạc qua Pháp khoảng đầu thập niên 1980, dạy học và hành nghề đông-y, nhưng những năm sau này thầy cô trở về sống ở ngoại ô Sài-Gòn. Giáo-sư Lê Hữu Mục là người thầy mà tôi có dịp sống gần nhiều nhất: Thầy được con bảo lãnh sang Montréal khi tôi còn làm ở thư viện Quốc hội ở Québec nhiều lần thăm Thầy lúc Thầy ở đường Bouchette và từ đầu năm 1987 tôi thuyên chuyển về Montréal và đã có nhiều dịp hơn nữa sinh hoạt với Thầy.

Ba năm ở Đại học Sư phạm là những tháng ngày thật đẹp và đáng nhớ của tôi cũng như nhiều sinh viên khác. Nơi đây, tình thầy trò gắn bó hơn vì nhiều thầy cô dạy nhiều môn hoặc cả ba năm và vì sĩ số sinh viên ít hơn, khoảng 30 người so với Luật khoa năm đầu có khi cả ngàn nên nếu muốn có chỗ ngồi phải đến trường thật sớm giành... chỗ! Các thầy cô ở ban Việt Hán chúng tôi phần lớn là những vị đã có tiếng và sự nghiệp về nghiên cứu, học thuật hoặc giáo dục: các Thầy Giản Chi, Trương Văn Chình, Lê Hữu Mục, Phạm Văn Diêu, Vũ Khắc Khoan, Lưu Khôn, Lê Ngọc Trụ, Trần Trọng San, Nguyễn Sỹ Tế, ... hoặc trẻ hơn như các Cô Khưu Sĩ Huệ, Nguyễn Thị Xuân Lan, các Thầy Phan Hồng Lạc, Phạm Văn Đang, Trần Đức Rật, Trần Thái Hồng, ... Tình thầy trò ở sư phạm thắm thiết hơn với những buổi hướng dẫn thực tập ở các trường thuộc vùng Sài-Gòn Gia Định, các buổi văn-nghệ, du ngoạn hoặc thăm các trường học bị pháo kích có khi mãi tận Vĩnh Long, Cái Bè, v.v. Một số sinh viên vẫn thường đến nhà thầy cô thăm hỏi bài vở, có khi chỉ thuần túy vấn an sức khoẻ thầy cô. Khóa 13 của chúng tôi khi mãn khóa đã được cô Huệ cho mượn nhà ở Phú Lâm để làm liên hoan cảm ơn các thầy cô và chia tay lên đường nhận nhiệm sở. Các thầy cô đã ngạc nhiên khi PĐ Khoa vốn có tài bắt chước (imitateur), đã lập lại lời giảng cùng dáng điệu của một số thầy cô.

Biến cố 30-4-1975 xảy ra, tôi là người đầu tiên của khóa rời Việt-Nam một đêm trước 30-4 sau khi đã vừa di tản từ Nha Trang về Sài-Gòn, sau đó là các bạn khác theo làn sóng boat people hoặc đoàn tụ gia đình. Khóa có trên 30 người thì phần lớn ở lại Việt-Nam, khoảng 12 người ở Úc, Pháp, Hoa-kỳ, Đức và Canada. Phần ở trong nước thì 3 đã mất, 1 dạy đại học công, 2 đại học tư, 1 làm lớn trong ngành giáo dục, vài người vẫn theo nghề dạy học mà mùa hè năm 2006 tôi đã được tái ngộ (cũng như với Thầy Cô Phan Hồng Lạc). Thầy Mục là giáo sư phụ trách sinh-hoạt sinh viên cho ban Việt Hán (cũng như các giáo-sư Phạm Đình Tiếu, Trần Trung Lương (tức Trà Lũ hải ngoại sau này) bên Sử địa, Anh văn,...); Thầy Mục cố vấn văn nghệ, dàn dựng kịch và tôi từng được làm lính, chuyên viên... dọng gậy lên sàn sân khấu trong vở kịch Hội nghị Diên Hồng.

Chúng tôi đã là sinh viên học với Thầy, thì khi Thầy cần đến, vẫn có mặt, như sau này, khi Thầy muốn lập Trung tâm Việt-Nam học (với Lettres patentes của tỉnh bang Québec ngày 24-11-1993: tôi là 1 trong 3 người đứng tên thành lập, với luật sư Ngô Văn Hoa và giáo-sư Vũ Tiến Phúc), sau đó tôi được cử làm thư-ký Trung tâm cũng như đặc san Vietnamologica 1994), tổ chức Tuần lễ văn-hóa Việt-Nam (Semaine de la culture vietnamienne) khá thành công ở thư viện Mile-Ends thuộc thành phố Montréal từ 5 đến 9-4-1994 gồm triễn lãm hội họa của 6 họa sĩ và nhiếp ảnh gia Việt-Nam nổi tiếng ở Montréal và Canada (kéo dài đến 30-4) và những buổi nói chuyện về văn-hóa Việt-Nam (các giáo-sư Phạm Hoàng Hộ, Khiếu Đức Long, Lê Hữu Mục, Vũ Tiến Phúc, Đỗ Quí Toàn, Nguyễn Hữu Quang, LS Ngô Văn Hoa, ...) kèm theo phụ diễn dân ca ba miền (nhạc sĩ Nguyễn Văn Tỉnh, ban Lạc Việt) và cả giới thiệu văn-hóa ẩm thực của người Việt (hãng chả giò của ông NV Công). Chúng tôi đã là sinh viên học với Thầy và là hậu sinh nghiên cứu văn hóa, văn-học, nhưng nếu được nói ra ước vọng thì tôi vẫn tiếc cho Trung tâm Việt-Nam học và tập san Vietnamlogica từ đa dạng văn hóa đã thu nhỏ lại trong lãnh vực vật chất của văn hóa (thổ nhưỡng, địa lý, canh nông)

Giáo-sư Lê Hữu Mục là Thầy của nhiều thế hệ sinh viên trong hơn ba thập niên 1950-70. Những sinh viên nầy đa số đã trở thành những công dân gương mẫu, những 'chiến sĩ' văn-hóa cũng như quân sự, chính-trị, nhưng cũng có những 'anh chị' nằm vùng, học ít hơn là làm loạn khuôn viên nhà trường và cả miền Nam tự do, dân chủ đã nuôi ăn và giúp họ lớn dậy. Có những anh chị không bao giờ thấy vô lớp dự cours, nhưng đến ngày thi thì xuất hiện và phần lớn ... đậu, nghe nói có áp lực 'vô hình', vả lại giáo-sư khoa trưởng thời chúng tôi sau này mới biết là người của bên kia (TVT). Chúng tôi thuộc vào số những sinh viên cuối cùng của Thầy trước 1975 và ban Việt Hán chúng tôi đã có những người theo đuổi nghiệp nghiên cứu, ngoài tôi ra, có đàn anh Lê Trung Hoa, Đoàn Xuân Kiên và hai đồng khóa Nhật Chiêu (văn-học Nhật và truyện Thiền), Lê Thành (dịch giả Suối Nguồn Tươi Trẻ), ... là những người tôi biết được. Vài năm gần đây khóa 13 Việt Hán đã có những emails thường xuyên, tin tức của và về nhau đi và đến nhanh hơn trước. Nghe tin Thầy Mục bị tai biến lần thứ 3, Thầy đã được nhiều sinh viên điện thoại thăm hỏi và Ngọc Anh cũng đã đến nhà hưu dưỡng đường Côte-St-Luc thăm Thầy. Thành phố Montréal từ nay có thêm ex-sinh viên thăm hỏi Thầy, ngoài chúng tôi ra!

Tôi nhớ Thầy Mục hay nhắc nhở sinh viên học để có kiến thức và bằng cấp nhưng quan trọng vẫn là học làm người và trau giồi tư cách. Lời vẫn còn vang trong tôi đến nay và sau khi đã phải chứng kiến những nhố nhăng của con người, cuộc đời và thần tượng tiếp nối nhau sụp đổ, tôi nghiệm ra rằng giữ tư cách rất khó, vì không phải chỉ những lúc ở trên bục giảng và trong quá khứ mà còn liên tục ở ngoài đời và trong xã hội. Cuộc nhân sinh thế thái, cái quí dĩ nhiên là những gì sẽ còn lại lâu dài như những giá trị văn hóa dù chỉ như bức tranh hoặc văn bản đầy ẩn ngữ!

Montréal, 10-2010
Nguyễn Vy Khanh
(Cựu SV ĐHVK & ĐHSPSG)

 

Đăng ngày 07 tháng 06.2015