banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Bằng cách nào

Trung cộng cài gián điệp vào Quốc hội Úc?

Nguyễn Quang Duy

Chương trình 60 Minutes đài số 9 vào chủ nhật 24/11/2019 phát hình phóng sự điều tra việc gián điệp Trung cộng ngỏ lời tài trợ 1 triệu Úc kim cho Nick Zhao một đảng viên đảng Tự Do để đưa ông ra tranh cử Quốc hội Liên bang Úc.
Khi ông Zhao báo cho Cơ Quan Tình báo An ninh Úc (ASIO) biết thì đột nhiên qua đời tại một phòng trọ ở Melbourne, vào tháng 3/2019 chỉ 2 tháng trước cuộc bầu cử quốc hội liên bang vừa qua.
Sau phóng sự điều tra của 60 Minutes vào thứ ba 26/11, cảnh sát cho biết ông Zhao chết vì sử dụng ma túy quá liều nhưng chưa rõ vì vô tình hay bị ám hại. Hiện cảnh sát vẫn tiếp tục điều tra nguyên nhân dẫn đến cái chết của ông Zhao.
Ông Mike Burgess, Tổng giám đốc Tình báo ASIO, chính thức xác nhận nguồn tin và cho biết hiện cơ quan ông cũng đang điều tra việc ông Zhao khai báo:
“Các hoạt động gián điệp ngoại quốc nhắm vào nước Úc là mối đe dọa lớn lao cho an ninh quốc gia. ASIO sẽ tiếp tục đối đầu chống lại can thiệp và gián điệp nước ngoài ở Úc.”

Gián điệp Trung cộng là ai?
Theo Chương trình 60 Minutes, Nick Zhao có đại lý bán xe hơi nhưng từ năm 2016 đã gặp khó khăn về tài chính phải vay nợ một số nhà đầu tư Trung Quốc.
Đầu năm 2019, ông Zhao nói với hai cộng sự viên ông đã cho ASIO biết ông Brian Chen đề nghị giúp hàng triệu Úc kim tiền vốn để ông thành lập một công ty mới, đổi lại ông Chen muốn ông tranh cử vào Quốc hội Liên Bang Úc đại diện khu vực Chisholm.
Được báo chí phỏng vấn ông Chen phủ nhận đã biết ông Zhao và không liên hệ với các hoạt động tình báo. Nhưng theo nhiều nguồn tin ông Chen có liên lạc với ông Zhao.
Báo The Age, Herald và chương trình 60 Minutes còn cho biết ông Chen bị tình báo Úc và Phương Tây nghi ngờ là quan chức tình báo cấp cao của Trung Quốc.
Ông Chen phủ nhận thông tin đã bị giới chức Úc chận tại sân bay Melbourne vào tháng 3/2019, có thể để điều tra về cái chết của ông Zhao.
Báo chí có ảnh ông Chen mặc đồ quân đội Trung cộng và giả làm ký giả để tham dự các hội nghị chính trị quốc tế, bao gồm G20 và APEC.
Ông Chen chối là chỉ mượn đồng phục của bạn chụp một số ảnh để khoe với bạn bè ông không hề tham gia quân đội Trung Quốc.
Ông cũng cho biết chỉ đi theo người bạn là chủ công ty truyền thông China Press Group Limited tham dự các hội nghị quốc tế.
Ông Chen điều hành một số công ty liên quan đến quân sự, an ninh công cộng, năng lượng, bao gồm các công ty liên kết với nhà cầm quyền Trung cộng nên bị nghi ngờ sử dụng vỏ bọc doanh nhân để làm tình báo.
Ông là giám đốc điều hành công ty Prospect Time, chuyên giúp đầu tư thúc đẩy sáng kiến xây dựng cơ sở hạ tầng Chiến lược “một vành đai, một con đường”.
Theo báo The Age công ty Prospect Time đề nghị trả hàng triệu Úc kim để kiểm soát công ty công nghệ sinh học Imunexus có trụ sở đặt tại tòa nhà của cơ quan nghiên cứu khoa học nổi tiếng thế giới CSIRO.
Công ty Prospect Time được hỗ trợ bởi một số lãnh đạo chính trị trên khắp thế giới bao gồm Úc.
Công ty của ông Chen có mối quan hệ mật thiết với ông Marty Mei cố vấn của thủ hiến Lao Động Victoria Daniel Andrew.
Ông Martin Mei bị báo The Australian tố cáo là làm cố vấn cho tổ chức Shenzhen ở Úc, tổ chức này thuộc “Hội nghị Hiệp thương chính trị nhân dân Trung Quốc” tương tự “Mặt Trận Tổ Quốc” của nhà cầm quyền Hà Nội.
Mặc dầu đã gặp rất nhiều phản đối, ngày 23/10/2019 vừa qua tại Bắc Kinh, Thủ hiến Daniel Andrew chính thức ký kết tham gia chiến lược “một vành đai, một con đường” của Trung cộng.
Trong buổi chất vấn tại quốc hội hôm 25/11/2019 vừa qua, Thủ tướng Scott Morrison nói cáo buộc về âm mưu của điệp viên Trung cộng nêu trên “thật sự nghiêm trọng và rắc rối”, chính phủ Úc rất quan tâm sẽ điều tra làm sáng tỏ sự việc.

Dân biểu Gladys Liu là điệp viên?
Ông Nick Zhao chết chưa rõ nguyên nhân tại một phòng trọ vào tháng 3/2019, đến cuối tháng 5 bà Gladys Liu một người Úc gốc Hoa thuộc đảng Tự Do thắng cử dân biểu khu vực Chisholm.
Báo chí Úc tuần này khơi lại câu chuyện bà Gladys Liu được mệnh danh là “One Million Dollar Woman” vì bà đã khai trong đơn xin đại diện đảng ra tranh cử đơn vị Chisholm như sau:
“Tôi đã tổ chức nhiều buổi gây quỹ lớn hay nhỏ quyên được hơn $1 triệu Úc kim cho các ứng cử viên đảng Tự Do, cả cấp liên bang lẫn cấp tiểu bang.”
Trong bữa tiệc gây quỹ tháng 10/2015, bà Gladys Liu bán được 5 bàn mang về cho đảng Tự Do $50,000 Úc kim.
Đến tháng 4/2016 một cuộc gây quỹ khác bà bán được 10 bàn giá $100,000 Úc kim.
Giá 1 vé tham dự gây quỹ là $1,000 Úc kim, chưa kể đến số tiền khách đóng góp riêng và tiền thu được từ bán đấu giá. Cho thấy đóng góp của bà cho đảng Tự Do quả không ít.
Bà Gladys Liu còn bị chất vấn vì vào phút cuối của cuộc tranh cử đã “tự đóng góp” thêm hơn $100.000 Úc kim, bà không cho biết nguồn gốc của khoản tiền này.
Khi ra tranh cử bà Gladys Liu báo cho đảng Tự Do đã tham gia tất cả 17 Hội, Đoàn và Câu Lạc Bộ.
Đài ABC đưa ra bằng chứng bà không khai là thành viên trong ban chấp hành của ít nhất 3 tổ chức ngoại vi của đảng Cộng Sản Trung Hoa, nhưng bà Gladys Liu chối không còn sinh hoạt với các tổ chức này.
Báo chí Úc đã công khai đặt câu hỏi có phải chính bà Gladys Liu là một điệp viên? (Is Gladys Liu a spy?).
Câu trả lời từ đảng Tự Do là không phải.
Theo Đài ABC bà Gladys Liu nằm trong danh sách những người bị Cơ quan Tình báo và An ninh Úc (ASIO) điều tra vì có liên hệ với đảng Cộng sản Trung Hoa.
Vì thế, ASIO vào tháng 2/2018 đã khuyên cựu Thủ tướng Malcolm Turnbull không nên tham dự buổi gây quỹ “gặp gỡ và chào hỏi” do bà Gladys Liu tổ chức và đứng ra mời.
Trong cuộc tranh cử ngày 18/5/2019, bà Gladys Liu bị tố cáo vi phạm luật bầu cử vì đã sử dụng các áp phích tiếng Hoa nhằm lừa dối cử tri bầu cho đảng Tự do, hiện bà đang bị thưa tại tòa Tối cao pháp viện.

Kẽ hở của chính trị Úc
Đơn vị Chisholm có tới 30% dân số là công dân Úc gốc Hoa, lại là một đơn vị tranh chấp giữa hai đảng Tự Do và Lao Động, bà Gladys Liu thắng cử chỉ vài trăm phiếu được 50.6% tổng số phiếu trong cuộc bầu cử 2019.
Bà Jennifer Yang, ứng cử viên đảng Lao động tại Chisholm có được 49.4% tổng số phiếu, lại cũng dính líu với các tổ chức ngoại vi của đảng Cộng sản Trung Hoa, nhưng vì thất cử nên ít được báo chí điều tra.
Nhìn chung các doanh nhân và công ty có xuất xứ Trung cộng đã tung hằng triệu Úc kim vào các cuộc gây quỹ của cả 2 đảng Tự Do và Dân Chủ ở đơn vị Chisholm để nắm chắc đưa được người của họ vào Quốc Hội Liên Bang.
Cái chết của ông Nick Zhao và bí mật của tân dân biểu gốc Hoa Gladys Liu đang được truyền thông Úc điều tra cho thấy chỉ cần 1 triệu Úc kim gián điệp Trung cộng có thể đưa người ra tranh cử và đưa người vào Quốc Hội Liên Bang Úc để ảnh hưởng đến chính sách Úc.
Dân biểu Tự Do Andrew Hastie, Chủ tịch Hội đồng An ninh và Tình báo Quốc hội Liên bang, cho đài số 9 biết ông đã được thông báo về cái chết của ông Nick Zhao vài tháng trước:
“Tôi biết rằng đó là một công dân Melbourne 32 tuổi được chính quyền Trung cộng cài vào đảng Tự Do để đưa vào Quốc hội Liên bang…
…Đây không chỉ là vấn đề tiền, để tài trợ cho những chính trị gia triển vọng. Đây là nỗ lực của một quốc gia nước ngoài can thiệp vào quốc hội của nước ta, sử dụng một công dân Úc như một mật vụ nhằm gây ảnh hưởng đến hệ thống dân chủ Úc”.

Cần quan tâm đến chính trị
Trung cộng tung tiền gây ảnh hưởng chính trị và chính sách Úc không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân Úc, mà còn ảnh hưởng đến tình hình thế giới, như chính sách về biển Đông của Úc.
Đồng thời có thể ảnh hưởng đến nhiều thế hệ như chiến lược “một vành đai, một con đường” được coi là “bẫy nợ” chính phủ hiện nay vay mượn nhưng các thế hệ sau phải trả.
Bởi thế mỗi người chúng ta cần quan tâm đúng mức để kịp thời ngăn cản những âm mưu đen tối của nhà cầm quyền cộng sản Bắc Kinh.

Melbourne, Úc Đại Lợi
28/11/2019
Nguyễn Quang Duy




Nhạc vàng kho tàng âm nhạc Việt Nam

Nguyễn Quang Duy

Miền Nam trước đây gọi nhạc vàng là tân nhạc để phân biệt với cổ nhạc. Sau chiến tranh, bên thắng cuộc mở “mặt trận” tấn công vào nền văn hóa miền Nam, cả tân nhạc lẫn cổ nhạc đều bị nghiêm cấm và bị hủy diệt.
Tân nhạc bị gán ghép là nhạc tâm lý chiến, nhạc phản động, nhạc xuyên tạc đường lối chống phá cách mạng, hay bị xem là thứ nhạc sến, nhạc đồi trụy, nhạc ru ngủ, nhạc lãng mạn bi quan, nhạc vàng vọt.
Từ ngữ nhạc vàng xuất phát từ miền Bắc đã nhanh chóng được người miền Nam chấp nhận để phân biệt với nhạc đỏ là loại nhạc cộng sản.
Trong tâm tư người miền Nam màu vàng là màu da, màu dân tộc, màu mai vàng phương Nam, màu tươi trẻ, màu của kim loại quý hiếm vào bậc nhất.
Bởi thế cờ vàng và nhạc vàng nhanh chóng được xem là báu vật của Việt Nam Cộng Hòa.

Vì yêu nhạc vàng…
Khi đất nước chia đôi cách mạng văn hóa được phát động tại miền Bắc nhạc vàng bị nghiêm ngặt cấm đoán. Nhạc đỏ với âm điệu Trung Hoa nhanh chóng thống trị nền âm nhạc miền Bắc, nhưng vẫn còn nhiều người yêu nhạc thường lén lút thưởng thức nhạc vàng.
Một vụ án văn nghệ liên quan đến ban nhạc 3 người bị tố cáo hát xen kẽ nhạc vàng trong những đám cưới và những cuộc liên hoan, được xử công khai tại Hà Nội vào tháng 1/1971.
Ông Phan Thắng Toán tự Toán Xồm bị kết án 15 năm tù giam và tước quyền công dân 5 năm. Ông Nguyễn Văn Đắc 12 năm tù và tước quyền công dân 5 năm. Ông Nguyễn Văn Lộc tự Lộc Vàng 10 năm tù và tước quyền công dân 4 năm.
Thập niên 1980 khi họ ra tù nhạc vàng đã khá phổ biến nhưng cả ba vẫn bị quản chế và gặp phải muôn vàn khó khăn.
Ông Toán Xồm không nhà sống lang thang đã qua đời trên hè phố Hà Nội vào đúng đêm 30/4/1994, tưởng niệm 19 năm miền Nam lọt vào tay cộng sản.
Ông Đắc mất năm 2005 trong nghèo khổ.
Ông Lộc Vàng sống bôn ba mãi đến gần đây mới mở một quán cà phê nhỏ ở Hà Nội lấy tên Lộc Vàng.

Văn nghệ tự do
Chủ trương của Việt Nam Cộng Hòa được ghi rõ trong cả 2 Hiến pháp 1956 và 1967 là xây dựng một xã hội dựa trên triết lý nhân bản, khai phóng và dân tộc.
Văn nghệ được tự do hoạt động nên chỉ trong vòng 20 năm đã có hằng chục ngàn bản tân nhạc đủ thể loại chính thức phát hành, trong số có hằng trăm tác phẩm đã trở thành bất hủ.
Đa số nhạc miền Nam đều chan chứa tình người, tình yêu quê hương, yêu đất nước, nỗi mong muốn thanh bình trở lại.
Tân nhạc được chia thành dòng nhạc tiền chiến, nhạc đại chúng, nhạc trẻ, nhạc du ca và nhạc phản chiến.
Còn được phân loại thành nhạc lính, nhạc tình, nhạc kích động, nhạc khiêu vũ, nhạc dân ca, nhạc sắc tộc, nhạc ngoại quốc lời Việt, nhạc chiêu hồi, nhạc chính huấn, nhạc đạo, nhạc thiếu nhi, nhạc hướng đạo, nhạc sinh hoạt…
Người miền Nam trân quý tác giả nên trân trọng đặt tên cho dòng nhạc Lam Phương, nhạc Phạm Duy, nhạc Trần thiện Thanh, nhạc Hoàng thi Thơ, nhạc Anh Bằng…
Trước khi hát một bản nhạc người điều khiển chương trình hay ca sỹ thường giới thiệu tên tác giả và hoàn cảnh tác phẩm được sáng tác.
Việc giới thiệu tác giả và tác phẩm đã trở thành một phần của nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa.
Mỗi tác giả mỗi khác, mỗi bài nhạc mỗi khác, mỗi ca sỹ trình diễn mỗi khác, biểu hiện sự phong phú và đa dạng của âm nhạc miền Nam.
Ở miền Nam nhà nào cũng có radio, nhiều nhà có tivi, có dĩa hát, có máy thu thanh cassette… không có thì nghe ké nhà hàng xóm.
Nhiều ca sỹ, nhiều ban nhạc, nhiều hãng băng dĩa cassette cạnh tranh phục vụ đại chúng.
Từ tờ mờ sáng nhạc vang vọng khắp nơi, đến tối mịt mù, đôi khi vẫn nghe tiếng nhạc dập dình.
Những bản nhạc bolero, rumba, chachacha, tango... dễ nhớ, dễ hát và dễ đi vào lòng người.
Người miền Nam hát bất cứ lúc nào có thể hát được. Đám cưới, đám hỏi hát hò, đến cả ngày giỗ đám ma cũng tụm năm tụm bẩy hát cho nhau nghe.
Họ hát từ tiền đồn heo hút, hát trong nhà thờ, trong chùa ra đến góc đường, góc chợ, quán ăn, hát cho nhau nghe và cho chính mình nghe.
Họ quan niệm hát hay không bằng hay hát, họ đồng cảm và đồng sáng tác bằng cách chế lời đổi nhịp điệu bài hát.
Máu văn nghệ chìm đắm trong tim óc người miền Nam, trở thành nếp sống, nếp văn hóa Việt Nam Cộng Hòa.
Trong tù “cải tạo” nhạc miền Nam bị cấm, ai hát bị biệt giam đến chết, các tù nhân vẫn hát, hát cho nhau nghe, hát để gìn giữ báu vật Việt Nam Cộng Hòa.

Nhạc vàng Bắc Tiến
Những ngày đầu 30/4/1975, không ít người miền Nam ngạc nhiên khi nghe bộ đội Bắc Việt hát những bài viết về người lính miền Nam như Rừng Lá Thấp của Trần Thiện Thanh hay Xuân Này Con Không Về của Trịnh Lâm Ngân.
Khác chiến tuyến nhưng họ hát với tấm lòng của người lính xa nhà mong muốn chiến tranh chấm dứt để về lại quê hương.
Về miền Bắc trong ba lô người bộ đội chiếc cassette nhỏ và chục băng nhạc làm quà. Làng trên xóm dưới bắt đầu biết đến nhạc miền Nam.
Còn ở miền Nam, các đội cờ đỏ truy lùng nhạc chế độ cũ. Người yêu nhạc bị mang ra khu phố đấu tố, nhiều thanh niên bị cưỡng bức đi Thanh Niên Xung Phong, có người còn bị bắt đi cải tạo chỉ vì lén lúp chơi nhạc vàng.
Đầu năm 1979, chiến lợi phẩm của bộ đội miền Bắc là những kho cassette và băng nhạc trên đất Campuchia, nhạc vàng lại một lần nữa tràn ngập miền Bắc.
Rồi những radio cassette, những cuộn băng nhạc hải ngoại được chuyển ra miền Bắc, tiếp tục sự nghiệp Bắc Tiến của nhạc vàng.
Khi ấy Hà Nội đã chuyển hầu hết công an và cán bộ tuyên giáo vào Nam nên nhạc vàng công khai cạnh tranh với loa phường và các đài chính thống.
Nhạc vàng trở thành món ăn tinh thần cho người dân miền Bắc, nhất là những người sống ở thành thị.
Nhạc vàng theo chân người Việt “xuất khẩu lao động” sang tận Liên Xô và Đông Âu. Ở đâu có người Việt ở đó có nhạc Việt Nam Cộng Hòa.
Ở miền Nam sau những cuộc truy quét, nhạc vàng bắt đầu sống dậy. Nhiều ca sỹ lén lút thu thanh, nhiều quán cà phê hát nhạc vàng, nhiều đoàn hát “chui” về tận miền quê trình diễn.
Ngược lại số người nghe nhạc đỏ giảm sút rất nhiều, nhất là với những người trẻ muốn quên đi chiến tranh và cách mạng.
Đến năm 1986, Hà Nội chính thức phải công nhận nhạc vàng, một danh mục gồm 36 tác phẩm âm nhạc của miền Nam được công khai trình diễn. Nhiều chương trình văn nghệ nhạc vàng được công khai tổ chức.
Ở hải ngoại các nhạc sỹ tiếp tục sáng tác tạo ra dòng nhạc vàng hải ngoại. Đến thập niên 1990, băng video Paris By Night, ASIA, Vân Sơn,… từ hải ngoại gởi về được bà con trong nước nhiệt tình ủng hộ.
Nghị quyết 36 ra đời Hà Nội chính thức chỉ đạo phục vụ văn nghệ “đồng bào” hải ngoại. Nhạc vàng được Hà Nội chính thức nuôi dưỡng. Nhiều ca sỹ nhạc vàng được Hà Nội cung cấp tiền và phương tiện ra hải ngoại trình diễn. Hà Nội còn chấp nhận một số ca sỹ hải ngoại về nước hát.
Các nhạc sỹ đỏ bị “vắt chanh bỏ vỏ”, nhạc đỏ bị bỏ xó không ai màng tới, đến đài phát thanh, đài truyền hình Hà Nội cũng phát nhạc vàng.

Nhạc Việt Nam Cộng Hòa sống dậy
Bước sang thời đại Youtube và Facebook, chỉ cần chiếc máy tính, chiếc điện thoại cầm tay mọi người có thể dễ dàng thưởng thức kho tàng âm nhạc Việt Nam Cộng Hòa.
Nhiều bạn trẻ mặc đồ lính Việt Nam Cộng Hòa hát nhạc vàng thu hút hằng triệu người xem.
Nhạc vàng không chỉ giúp giới trẻ tìm hiểu lịch sử Việt Nam Cộng Hòa, một số bạn trẻ dùng lời ca tiếng hát làm phương tiện đấu tranh với mong ước phục hồi thể chế tự do.
Nhạc vàng còn được sử dụng để phản kháng làn sóng nhạc Hàn, nhạc Mỹ, nhạc Tàu… giữ gìn tình tự dân tộc và văn hóa Việt Nam.
Nhạc vàng được hát khắp nơi từ miền núi xa xăm phương Bắc xuống Cà Mau tận cuối miền Nam và mọi nơi trên thế giới.
Nhạc vàng đã bị “chôn” nhưng vẫn sống, ngày càng sống mạnh. 44 năm qua, nhiều thế hệ tiếp nối vẫn yêu quý nhạc miền Nam, tìm ra sự thật lịch sử và hướng về một ngày đất nước có tự do.
Trong vòng 20 năm Việt Nam Cộng Hòa xây dựng thành công một kho tàng văn hóa dựa trên triết lý nhân bản, khai phóng và dân tộc.
Kho tàng này không chỉ thuộc thể chế Việt Nam Cộng Hòa mà đã trở thành một kho tàng văn hóa Việt Nam.

Melbourne, Úc Đại Lợi
21/11/2019
Nguyễn Quang Duy



Vì sao báo Nhân Dân

đăng bài Hoàng Duy Hùng viết?

Nguyễn Quang Duy

Có bạn đọc thắc mắc luật sư Hoàng Duy Hùng từng nổi tiếng chống cộng, ông từng là đảng viên đảng Đại Việt Cách Mạng và là chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia ở Houston, vậy vì sao báo Nhân Dân ngày 29/10/2019 cho đăng bài viết “Một góc nhìn về tổ chức chính trị của người Việt ở hải ngoại”?
Ông nổi tiếng chống cộng là nhờ năm 1992 về nước bị bắt và bị kết án 15 tháng tù. Đến năm 2001, ông lại về nước với ý định đặt bom tại Sài Gòn nhưng không thành phải trốn sang Thái Lan.
Ông càng “nổi tiếng” khi chuyển sang hoạt động chính trị Mỹ trở thành nghị viên thành phố Houston. Tháng 12/2012, ông đại diện thành phố Houston tiếp Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn. Sang đến tháng 3/2013 ông hướng dẫn một phái đoàn nghị viên thành phố Houston thăm Việt Nam.
Ông nhiều lần được báo chí và truyền hình cộng sản ca ngợi như một khuôn mặt chống cộng nay thay đổi lập trường.
Trên diễn đàn PhobolsaTV (trước khi bài viết được đăng) ông Hùng công khai tuyên bố ông cộng tác với báo Nhân Dân và cộng tác với nhà cầm quyền cộng sản Hà Nội.

Nội dung bài viết
Ông Hùng chỉ trích đảng Đại Việt Cách Mạng xây dựng trên quan niệm “lãnh tụ chế”, đảng Việt Tân sống nhờ tiền quyên góp và kinh doanh giỏi, ông Nguyễn Hữu Chánh đảng Dân Tộc là “bịp”, ông Đào Minh Quân là “phịa” lập “chính phủ phường chèo” và các “chính phủ” mọc ra như nấm… bài viết đi đến kết luận:
“Chuyện đất nước là chuyện hệ trọng, phải cân nhắc kỹ lưỡng, và không phải là chuyện đùa, hoặc vô tổ chức.
“Người Việt ở nước ngoài có quá nhiều đảng phái, tổ chức, hội đoàn, chính phủ, nhóm, không ai phục ai, ai cũng muốn làm “lãnh chúa trong giang san CÁI TÔI” đầy kịch tính của họ, mà họ còn muốn mang cái quan niệm này về áp dụng cho đất nước, thì đó là mầm họa loạn lạc của dân tộc đưa đến mất nước.
“Sự loạn lạc đó đã và đang được chứng minh qua hoạt động chính trị của một số người trong các cộng đồng Việt Nam trên thế giới, không có quyền, không có tài chính, chỗ nào cũng phân hóa chia năm xẻ bảy, phe này “choảng” phe kia hằng ngày.
“Chỗ nào có chút thực quyền và lợi ích như hội đồng thành phố thì nạn chụp mũ, phân hóa như đang xảy ra ở Westminster, làm ô nhục cộng đồng gốc người Việt.
“Đa đảng dân chủ kiểu này mang về áp dụng cho Việt Nam thì đất nước sẽ loạn, nước ngoài sẽ lợi dụng phân hóa, nguy cơ mất nước không còn là giả thuyết.
“Vì thế tôi kêu gọi các bạn trẻ hãy cảnh tỉnh cao độ trước cảnh đa đảng, dân chủ loạn cào cào này, vì đó sẽ là sự tiêu vong của dân tộc Việt”.

 Lên tiếng về bài viết
Được chương trình Nửa Vòng Trái Đất phỏng vấn ông Nguyễn Hữu Chánh đảng Dân Tộc cho biết ông phải lên tiếng vì bài viết đã xúc phạm đến tổ chức của ông, đến những người đấu tranh và những người hoạt động cộng đồng.
Ông Chánh cho biết đảng Dân Tộc và những người chống cộng đều là những người yêu nước.
Ngược lại, Hoàng Duy Hùng “thiếu đạo đức chính trị” phản lại lời thề trung thành với đảng Đại Việt Cách Mạng, với Chủ Tịch đảng ông Hà Thúc Ký đã đỡ đầu chính trị cho ông Hùng.
Ông Hùng ngây thơ tin rằng “buông đao thành Phật” có khả năng thuyết phục nhà cầm quyền Hà Nội thay đổi.
Ông Hùng phản bội cộng đồng người Việt quốc gia, tuyên truyền cho nhà cầm quyền cộng sản nhằm thực hiện Nghị Quyết 36.

CÁI TÔI của ông Hùng
Trên diễn đàn PhobolsaTV ông Hùng cho biết trước đây ông như con tàu nhỏ “đối đầu” với con tàu lớn cộng sản, còn ngày nay ông thay đổi chiến thuật áp sát con tàu nhỏ của ông vào chiếc tàu lớn để đẩy nó đi đúng hướng.
Ông Hùng không phải là thuyền nhân tỵ nạn, chưa từng lênh đênh trên biển nên không lượng được sức của con tàu nhỏ chỉ cần va nhẹ vào tàu lớn là vỡ tan tành.
Ông Hùng cũng chưa từng sống với cộng sản nên chưa biết trên con tàu cộng sản chỉ vì không làm vừa lòng tầng lớp lãnh đạo nhiều đảng viên bị thanh trừng, đến đời con, đời cháu vẫn còn bị ảnh hưởng. Nhiều người bị thủ tiêu hay bị chết trong tù.
Bởi thế đến nay người dân vẫn tiếp tục rời bỏ con thuyền cộng sản liều chết tìm cách thay đổi cuộc đời, như trường hợp 39 nạn nhân trên chuyến xe tìm đường sang Anh Quốc.
Ông Hùng may mắn từ nhỏ được cha mẹ đưa sang Mỹ một xứ sở tự do muốn làm gì thì làm, muốn nói gì thì nói miễn là tôn trọng luật pháp Hoa Kỳ.
Nhưng việc ông Hùng công khai cộng tác với báo Nhân Dân và nhà cầm quyền Hà Nội cho thấy giá trị của tự do mà các thế hệ trước đây phải hy sinh bảo vệ nay bị CÁI TÔI của ông Hùng phản bội.

Chính trị người Mỹ
Ông Hùng cho rằng người Việt hải ngoại khi có chút thực quyền và lợi ích là xảy ra phân hóa như đang xảy ra tại hội đồng thành phố Westminster.
Là người học ngành luật có tham gia chính trị Mỹ, ông Hùng quên rằng chuyện phân hóa đang xẩy ra ngay tại Hạ Viện Liên Bang nơi Tổng thống Trump đang bị tiến hành luận tội và đang xảy ra ở nhiều nơi khác trên đất Mỹ.
Tranh cãi, luận tội và truất phế dân cử là thủ tục dân chủ tuyệt vời được những nhà lập quốc Hoa Kỳ nghĩ ra và ghi vào Hiến Pháp.
Nhờ đó nước Mỹ mới giảm thiểu được tệ nạn lạm quyền, tránh được độc đảng và độc tài xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới, nhất là tại Việt Nam.

Sinh hoạt người Việt hải ngoại
Sau 30/4/1975, người Việt bỏ nước ra đi, nơi nào có đông người Việt nơi đó có các sinh hoạt cộng đồng dựa trên tinh thần và nguyên tắc bất vụ lợi hay không vì quyền lợi cá nhân.
Các sinh hoạt cộng đồng bao gồm các tổ chức tôn giáo, từ thiện, đồng hương, đồng nghiệp, phụ nữ, cao niên, dạy tiếng Việt, hướng đạo, văn nghệ, võ thuật, văn hóa, yểm trợ đấu tranh… và hầu hết người Việt hải ngoại đều có đóng góp tốt cho các sinh hoạt nói trên.
Đương nhiên chính trị là lý do người Việt phải bỏ nước ra đi, chính nhờ ý thức chính trị luôn gắn liền với sinh hoạt cộng đồng của người Việt hải ngoại, mà hơn 44 năm qua đảng Cộng sản đã tốn bao công sức nhưng vẫn không kiểm soát được người Việt tự do.
Nghị Quyết 36 tự nó chính là một dấu hiệu nhìn nhận sự thất bại của nhà cầm quyền Hà Nội trong việc kiểm soát người Việt hải ngoại.
Chính Nghị Quyết 36 đã cho người Việt tự do thấy rõ hơn Hà Nội luôn rình mò mọi sinh hoạt của họ và vì thế càng phải chống cộng và yểm trợ đấu tranh quốc nội ngày một tích cực hơn.

Cách mạng và chính trị
Một tỷ lệ rất nhỏ những người sinh hoạt cộng đồng tham gia vào các đảng phái hay tổ chức cách mạng hải ngoại.
Các tổ chức như đảng Đại Việt Cách Mạng, đảng Việt Tân, đảng Dân Tộc, bao gồm đảng Cộng sản đều là các đảng cách mạng.
Bản chất các đảng cách mạng là đối đầu hay đối kháng đến cùng nên đương nhiên đa đảng cách mạng dễ dẫn đến loạn lạc chiến tranh. Lịch sử tranh quyền của đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng minh điều này.
Bài viết của ông Hùng trên báo Nhân Dân là một bằng chứng mới nhất. Cộng tác với đảng Cộng sản, ông Hùng sẵn sàng tập trung vào góc nhìn tiêu cực nhất của các đảng cách mạng quốc gia để chỉ trích sinh hoạt chính trị của người Việt hải ngoại.
Nếu đảng Cộng sản không thay đổi tiếp tục đối đầu với dân chúng thì cuối cùng số phận của nó cũng như số phận của các đảng Cộng sản ở Nga và Đông Âu.
Và nếu các đảng cách mạng quốc gia không chịu thay đổi để trở thành các đảng chính trị, tiếp tục chủ trương đối đầu tranh giành quyền lực thì cũng sẽ bị lịch sử đào thải.

Bỏ Điều 4 Hiến Pháp Cộng sản
Trên diễn đàn PhobolsaTV ông Hùng cho biết tổ chức Phục Hưng đấu tranh ôn hòa đòi bỏ Điều 4 Hiến Pháp nên trong bài viết khi chưa bị kiểm duyệt ông có ý muốn nói tốt cho tổ chức này nhưng bị báo Nhân Dân cắt bỏ.
Báo Nhân Dân không đăng phần này là vì trong Cương Lĩnh tổ chức Phục Hưng đã nói rõ “…chủ trương tiến hành công cuộc phục hưng đất nước trên căn bản xây dựng Dân Chủ Hiến Định, Pháp Trị và Đa Nguyên...”  như thế Việt Nam cần có một hiến pháp mới, do một quốc hội lập hiến được toàn dân bầu lên và soạn thảo.
Mục đích của tổ chức Phục Hưng là Việt Nam phải có tự do chính trị, còn đòi bỏ điều 4 Hiến Pháp chỉ là mục tiêu đấu tranh ngắn hạn.
Ông Hùng đã lầm lẫn giữa mục tiêu và mục đích nên mới bị báo Nhân Dân kiểm duyệt đục bỏ phần này.

Kết luận
Mục đích của bài ông Hùng viết là chứng minh đa đảng gây phân hóa chia năm xẻ bảy, phe này “choảng” phe kia, không có lợi gì cho dân tộc, đất nước sẽ loạn, đưa đến việc mất nước.
Bài viết được đăng trên báo Nhân Dân, cơ quan tuyên truyền chính thức của đảng Cộng sản, xưa nay chỉ được cán bộ đảng viên xem.
Người dân nhất là người trẻ không đọc báo Nhân Dân, như thế bài viết không phải để “cảnh tỉnh cao độ” các bạn trẻ “đa đảng là rối loạn” như câu cuối cùng của bài viết.
Mà mục tiêu chính là để Hà Nội răn đe và ngăn cản cán bộ đảng viên đang tự diễn biến, tự chuyển hóa đòi đa nguyên dân chủ dẫn đến sụp đổ thể chế độc đảng cộng sản tại Việt Nam.

Melbourne, Úc Đại Lợi
13/11/2019
Nguyễn Quang Duy




Nhân tài Việt Nam nay ở đâu?

Nguyễn Quang Duy

Quốc Hội cộng sản tuần qua bàn cãi về Dự luật quy định “thế người nào là nhân tài?”, theo Báo Dân Trí ngày 24/10/2019, đại biểu Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội, đưa ý kiến:
“Có rất nhiều thạc sỹ, tiến sỹ ở nước ngoài về đang thất nghiệp; có rất nhiều lái xe ôm, Grab là thạc sỹ. Xin hỏi những người đó được đào tạo tốt như vậy có là nhân tài hay không? Xin thưa là không!”
Tốt nghiệp thạc sỹ, tiến sỹ nước ngoài chứng tỏ người tốt nghiệp có khả năng làm việc và nghiên cứu độc lập, về nước lại không có việc làm chuyên môn là vấn nạn mang tầm vóc quốc gia.
Ở các nước tự do, không dân cử nào dám mở miệng kết luận những người như thế không phải nhân tài, mà cả Quốc Hội phải tìm hiểu cặn kẽ lý do và tìm ra giải pháp khắc phục.
Bài viết xin dựa trên triết lý của triết gia Lý Đông A "Nuôi tâm sinh thiên tài, nuôi trí sinh nhân tài, nuôi thân sinh nô tài" để bàn luận vấn đề nhân dụng tại Việt Nam.
Triết lý này có thể giúp giải thích được hành vi và kết quả việc làm của con người và của tập thể.
Để dễ dàng thảo luận xin đảo thứ tự câu trên thành "Nuôi thân sinh nô tài, nuôi trí sinh nhân tài, nuôi tâm sinh thiên tài".

Mục đích làm chính trị
Chính trị nuôi thân sinh nô tài, chính trị nuôi trí sinh nhân tài, chính trị nuôi tâm sinh thiên tài.
Trong thể chế cộng sản muốn tham gia chính trị bắt buộc phải gia nhập đảng Cộng sản. Vì thế đảng viên thường gia nhập vì quyền lợi chính trị, nói cách khác muốn làm nô tài nuôi thân.
Đảng Cộng sản chủ trương hồng hơn chuyên, nên hiện tượng con ông cháu cha, quan hệ, quen biết, đút lót, dùng bằng giả, là hệ quả của chính sách nô tài nuôi thân này.
Bởi thế nhân tài trong đảng Cộng sản trước đây đã hiếm nay lại hiếm hơn. Nhân tài nếu không được trọng dụng sẽ sớm biến thành bất tài hoặc nô tài.
Phương cách quản trị nhân sự của cộng sản là người đi trước chọn kẻ theo sau, thực hiện công việc những người đi trước giao cho.
Người đi trước đã thiếu tài, thiếu tâm, thiếu tầm thì những kẻ được chọn theo sau khó có thể khá hơn.
Rõ nhất là các đại biểu Quốc Hội do đảng Cộng sản đề cử, nên chọn toàn những đại biểu như Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội.
Bởi thế ông Tuấn mới cho rằng nhiều tiến sỹ và thạc sỹ tốt nghiệp nước ngoài về thất nghiệp phải chạy xe ôm không phải nhân tài, ông Tuấn phủ nhận mọi trách nhiệm của ông và của đảng Cộng sản.
Đất nước bị cai trị bởi những người bất tài, vô trách nhiệm chỉ chạy theo đồng tiền nên ngày càng khủng hoảng, tham nhũng tràn lan, chẳng qua là hệ quả của “chính trị nuôi thân sinh nô tài” mấy chục năm nay.

Mục đích việc học
Thời cộng sản toàn trị, đảng và nhà nước cộng sản quyết định mọi việc: Ai được đi học? Học cái gì? Học như thế nào? Học ở đâu? Học đến đâu? Học ai? Học để làm gì?
Người mình thì vẫn chịu ảnh hưởng Nho giáo: học để làm quan, nền giáo dục chủ yếu lại chỉ đào tạo những người phục vụ guồng máy cai trị, bởi thế mới sinh ra những ông quan cộng sản chỉ biết vơ vét của công.
Triết lý “Học nuôi thân sinh nô tài, học nuôi trí sinh nhân tài, học nuôi tâm sinh thiên tài.” chỉ thích hợp trong môi trường giáo dục tự do và cho những con người có chí hướng tự do.
Một số người trẻ được may mắn du học ở các nước tự do, đáng tiếc đa số vẫn chỉ cố gắng học kiến thức chuyên môn để kiếm việc nuôi thân.
Người du học nuôi tâm và dưỡng trí ngoài việc học hỏi chuyên môn ở học đường, còn học hỏi về lịch sử, về xã hội, về chính trị, về văn hóa, học điều hay học lẽ phải của quốc gia họ theo học, rồi suy tư về vận mệnh quốc gia, về hoàn cảnh đồng bào để nuôi dưỡng lòng yêu nước thương dân.
Tiếc thay đảng Cộng sản vẫn nắm độc quyền yêu nước, bởi thế có những sinh viên du học nuôi tâm và dưỡng trí, như luật sư Lê công Định và kỹ sư Nguyễn tiến Trung, khi về nước bị tù đày, bị cô lập.
Nhiều người về nước không có việc làm, có người lại phải sang Đài Loan, Đại Hàn, Nhật Bản, Mã Lai, hay Thái Lan kiếm sống. Vì thế đa số sinh viên du học đều tìm đường ở lại xứ người.
Con người là vốn quý của đất nước là tài nguyên của quốc gia, nhưng vì sao mà người Việt vẫn muốn bỏ nước ra đi?

Bỏ nước ra đi
Đang viết dở dang lại được tin cô gái Hà Tĩnh tên Phạm Thị Trà My 26 tuổi, vĩnh biệt cõi đời trên đường sang Anh, để lại di chúc:
“Con xin lỗi bố mẹ nhiều mẹ ơi. Chuyến đi hải ngoại của con không thành… Con chết vì không thở được… Con xin lỗi mẹ, mẹ ơi”
39 tử thi trên chuyến xe định mệnh có thể đều là người Việt và đều từ 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Hơn 100 năm về trước, cũng từ Nghệ An “Người” đã ra đi mang theo ước mơ đổi đời.
Nhiều tài liệu để lại thì “Người” nhận tiền của Liên Sô vừa làm gián điệp, vừa truyền bá chủ nghĩa cộng sản, vừa biến Việt Nam thành một nước theo Quốc Tế Cộng Sản.
“Người” nuôi thân hay “Người” nuôi trí là một đề tài còn nhiều tranh cãi, nhưng điều khó có thể tranh cãi là từ ngày “Bác” trở về hầu như cả nước, ngay cả người theo cộng sản đều muốn bỏ nước ra đi.

Lý Đông A là ai?
Lý Đông A (1921-1947) tên thật Nguyễn Hữu Thanh là một triết gia, học giả và chính trị gia.
Danh hiệu Lý Đông A mang ý nghĩa phục hưng dân tộc như triều Lý, triều Trần (Đông A ghép lại là Trần).
Năm 15 tuổi, Lý Đông A theo phụ giúp cụ Phan Bội Châu khi cụ bị quản thúc ở Huế.
Năm 19 tuổi, ông làm ủy viên chính trị cho Phục quốc quân, Việt Nam Quang phục Hội. Phục quốc quân khởi nghĩa thất bại ông chạy sang Trung Hoa lánh nạn.
Ông về nước, ngày 1/1/1943, thành lập Đại Việt Duy dân Cách mạng Đảng đấu tranh chống Pháp và được bầu làm Đảng trưởng.
Ông là tác giả Việt sử thông luận và chừng 30 tác phẩm, bao gồm Huyết hoa, Ðạo trường ngâm, Chu tri lục, Duy nhân cương thường, Thiết giáo phương pháp và Chìa khóa thắng nghĩa.
Các tác phẩm của ông được tái bản thời Việt Nam Cộng Hòa, ở Mỹ và có thể tìm thấy trên mạng toàn cầu.
Triết gia Lý Đông A là bậc thiên tài hiếm có. Triết lý "Nuôi tâm sinh thiên tài, nuôi trí sinh nhân tài, nuôi thân sinh nô tài" được trích trong Huyết hoa ông viết năm 1944 vào tuổi 24.
Tiếc thay ông qua đời đúng tuổi 26, cùng tuổi với cô gái Hà Tĩnh Phạm Thị Trà My vừa qua đời trên đường sang Anh.
Theo Chương 3, Lịch sử Đảng bộ (đảng Cộng sản Việt Nam) tỉnh Hòa Bình, Lý Đông A bị Việt Minh cộng sản giết khoảng giữa năm 1946 tại Bến Chương, xã Hiền Lương, tỉnh Hòa Bình.
Cộng sản là khắc tinh của nhân tài. Chủ nghĩa cộng sản đã tiêu diệt biết bao nhân tài Việt Nam.
Chính chủ nghĩa cộng sản là nguyên nhân làm Việt Nam cạn kiệt nhân tài. Con đường “Bác” đi quá bi đát cho cả dân tộc Việt Nam.
Tự do và dân chủ là con đường nhân tài khắp nơi quay về, nhân tài trong nước hồi phục, cùng đóng góp xây dựng lại Việt Nam.

Melbourne, Úc Đại Lợi
29/10/2019
Nguyễn Quang Duy



Văn hóa Việt Nam Cộng Hòa là gì?

Nguyễn Quang Duy

Việt Nam Cộng Hòa thành lập ngày 26/10/1955, đang lúc chiến tranh nên quốc sách bảo vệ tự do được ưu tiên, nhưng không phải vì thế mà quên lãng mục đích xây dựng một xã hội dựa trên triết lý nhân bản, khai phóng và dân tộc.
Lời mở đầu Hiến Pháp 1956 ghi rõ: “…dân tộc ta sẵn sàng tiếp nhận các trào lưu tư tưởng tiến bộ để hoàn thành sứ mạng trước đấng Tạo hóa và trước nhân loại là xây dựng một nền văn minh và nhân bản bảo vệ phát triển con người toàn diện.”
Còn Điều 11 của Hiến pháp 1967 ghi rõ “Văn hóa giáo dục phải được đặt vào hàng quốc sách trên căn bản dân tộc, khoa học và nhân bản.”

Con người làm gốc
Việt Nam Cộng Hòa nhìn nhận mọi người đều có quyền và có bổn phận như nhau, không ai được sử dụng người khác làm phương tiện hay công cụ phục vụ cho mục tiêu cá nhân hay đảng phái.
Người miền Nam tin rằng giới lãnh đạo cũng là con người nên đều mắc phải những sai lầm, vì thế cần xây dựng một thể chế đa nguyên, đa đảng đối lập, với luật pháp chặt chẽ để kiểm soát quyền lực của tầng lớp lãnh đạo.
Việt Nam Cộng Hòa nhìn nhận sự khác biệt giữa người và người, ngăn cấm việc kỳ thị giàu nghèo, địa phương, tôn giáo, sắc tộc, trình độ học vấn hay kỳ thị dựa trên lý lịch, trên chính kiến, mọi người đều có cơ hội bình đẳng.
Mọi chiến lược, chính sách, chủ trương, hành động quốc gia đều phải phù hợp với nhân sinh quan về con người, với mục đích phục vụ con người, quan tâm tới quyền lợi và hạnh phúc của con người.
Ngoài việc xây dựng thành công nền giáo dục nhân bản, mọi sinh hoạt tôn giáo, sắc tộc, hướng đạo, văn hóa, văn nghệ, nghệ thuật, dân sự đều được đối xử một cách công bằng không thiên vị.
Chính quyền miền Nam nhìn nhận và bảo vệ quyền con người, quyền dân sự được ghi trong bản Tuyên Ngôn Quốc Tế nhân quyền.
Trong hoàn cảnh chiến tranh, gia đình những người theo cộng sản vẫn được đối xử một cách công bằng như mọi công dân khác, được pháp luật bảo vệ, được quyền bầu cử, quyền gia nhập quân đội bảo vệ đất nước, quyền tham gia chính trị, được làm ăn buôn bán, con em họ được đến trường như mọi trẻ em khác tại miền Nam.
Từ năm 1962, chương trình Hồi chánh giúp trên 200 ngàn cán binh cộng sản buông súng quay về tạo dựng cuộc sống mới trong cộng đồng dân tộc.

Dân tộc làm nền
Tinh thần dân tộc được hình thành và phát triển theo giòng lịch sử, tạo tình đoàn kết, gắn bó dân tộc và phát triển quốc gia.
Trong thời bình thúc đẩy người dân đóng góp phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, nghệ thuật, nâng cao dân trí. Vào thời chiến giúp toàn dân đoàn kết đánh đuổi ngoại xâm.
Việt Nam Cộng Hòa luôn đề cao các giá trị lịch sử dân tộc, độc lập, tự chủ, ngôn ngữ, nghệ thuật, văn hóa. Ngay từ tấm bé trẻ em miền Nam được dạy yêu nước thương nòi.
Người miền Nam luôn tôn trọng các giá trị đặc thù, các truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong mọi sinh hoạt gia đình, nghề nghiệp, sắc tộc, địa phương và đất nước.
Chính phủ miền Nam chủ trương bảo tồn và phát huy những tinh hoa, những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc, để không bị mất đi hay bị đồng hóa với văn hóa nước ngoài.
Người miền Nam giữ gìn văn hóa dân tộc nhưng luôn cởi mở, cầu tiến, học hỏi, gạn lọc điều hay cái đẹp của văn hóa dân tộc khác.
Việt Nam Cộng Hòa đặt Tổ quốc trên hết, đặt dân tộc và đất nước trên cá nhân, trên giai cấp, trên đảng phái và trên cả thể chế chính trị.

Tự do để tiến bộ
Việt Nam Cộng Hòa lấy triết lý khai phóng làm rường cột thăng tiến, mọi người được tự do mở rộng tầm nhìn, tự do trau dồi năng khiếu, tự do ngôn luận, tự do quyết định cho chính mình, tự do tìm ra sự thật, ra điều hay, lẽ phải, tìm đến chân, thiện, mỹ.
Ngay từ nhỏ trẻ em miền Nam đã được giáo dục tự do, được khuyến khích mở rộng tầm nhìn tiếp nhận những tư tưởng và kiến thức tân tiến trên thế giới.
Nhờ vậy xã hội miền Nam đào tạo được những công dân tự do, sẵn sàng nhận trách nhiệm, tôn trọng luật pháp, biết xây dựng kinh tế, phát triển xã hội, đón nhận văn minh thế giới và tích cực đóng góp vào sự thăng tiến nhân loại.
Miền Nam đã xây dựng một hiến pháp và một thể chế dân chủ tam quyền phân lập rõ ràng.
Nền Cộng Hòa tại miền Nam có thể được xem là một nền dân chủ hiến định và pháp trị tiên tiến vào bậc nhất trong khu vực Á châu thời ấy.

Nền tảng triết lý Việt Nam Cộng Hòa
Tổng hợp 3 tinh thần nhân bản, khai phóng và dân tộc tạo thành triết lý xây dựng Việt Nam Cộng Hòa, một quốc gia vừa giành được độc lập, phải đối đầu với chiến tranh và chỉ trong vòng 20 năm đã xây dựng được nền tảng vững chắc.
Một quốc gia với kinh tế tự do, y tế đại chúng, người cày có ruộng, báo chí tự do, tôn giáo, văn học, văn nghệ, nghệ thuật phát triển tự do, và một nền dân chủ hiến định, pháp trị với tam quyền phân lập rõ ràng.
Một xã hội dân sự với nhiều hội đoàn dân sự, gồm các tổ chức tôn giáo, nghiệp đoàn, hướng đạo, đồng hương, tương trợ, từ thiện, nghiên cứu, các câu lạc bộ, đã được hình thành tại miền Nam.
Đặc biệt, nền giáo dục dựa trên nhân bản, khai phóng và dân tộc, đã đào tạo được những thế hệ công dân tốt cho miền Nam, cho Việt Nam và cho nhân loại.

Văn hóa Việt Nam Cộng Hòa
Con người làm gốc, dân tộc làm nền, tự do để tiến bộ đã trở thành nền tảng văn hóa Việt Nam Cộng Hòa, được bảo tồn và được truyền đạt đến các thế hệ Việt Nam ngày nay.
Văn hóa thể hiện qua cách sống cách suy nghĩ. Người Việt Nam Cộng Hòa sống, suy nghĩ và hướng về tương lai hoàn toàn khác với người cộng sản.
Sau 20 năm chia cắt lấy thời điểm 30/4/1975 làm mốc, miền Bắc đã trở thành một bản sao của cộng sản Trung Hoa.
Xem lại phim ảnh cách ăn mặc, cách phục sức, cách sống, cách giáo dục, xem lại sách báo, lại văn thơ, lại âm nhạc, lại tranh ảnh miền Bắc bạn sẽ dễ dàng nhận ra điều này.
Ở hải ngoại, 44 năm qua người Việt Nam Cộng Hòa vừa bảo vệ cộng đồng, bảo tồn văn hóa, vừa hỗ trợ quốc nội đấu tranh cho tự do và vẹn toàn lãnh thổ.
Ở những nơi đông người Việt sinh sống nhiều hội đoàn dân sự được thành lập, có trường dạy tiếng Việt, có sách giáo khoa soạn theo chương trình trước 1975, có tổ chức những buổi lễ ghi ơn các anh hùng dân tộc, tổ chức Tết, Tết Trung Thu cho trẻ em.
Mỗi gia đình đều cố gắng gìn giữ tiếng Việt cho con em, duy trì những sinh hoạt gia đình và cộng đồng, vừa giảng giải cho con em truyền thống dân tộc, vừa nhắc nhở con em lý do phải bỏ nước ra đi.
Nhiều ban nhạc, ban kịch, ban cải lương, câu lạc bộ văn học nghệ thuật và cả điện ảnh cũng được hình thành ở khắp nơi.
Truyền thanh, truyền hình và báo chí là những phương tiện phục vụ cộng đồng có mặt ở mọi nơi.
Nhiều nơi còn xây dựng đền thờ Quốc Tổ, đền thờ và tượng đài các anh hùng dân tộc, viện bảo tàng, chùa, nhà thờ, võ đường, trung tâm sinh hoạt cộng đồng.

Phục hồi Việt Nam
Ở trong nước, người Việt Nam Cộng Hòa vẫn âm thầm gìn giữ và truyền bá cho thế hệ tiếp nối nền văn hóa nhân bản, khai phóng và dân tộc, mong một ngày phục hồi đất nước.
Sức sống của văn hóa Việt Nam Cộng Hòa vô cùng mãnh liệt, mặc dù bị nhà cầm quyền Hà Nội ngăn cấm âm nhạc, văn học, nghệ thuật, cách sống tại Việt Nam ngày nay được phục hồi mạnh mẽ.
Phong trào thoát Trung là nỗ lực đẩy lùi tì vết văn hóa Trung Hoa còn tồn đọng tại Việt Nam.
Nhiều người cộng sản miền Nam trong tiềm thức vẫn chưa quên một xã hội miền Nam đầy nhân bản, khai phóng và dân tộc.
Trước Quốc Hội cộng sản, 12/9/2018, bà chủ tịch Nguyễn thị kim Ngân phải thừa nhận kiến thức về sử ký và địa lý nước nhà, bà học từ thời Việt Nam Cộng Hòa nay vẫn nhớ không quên điều gì. Bà Ngân biểu lộ lòng luyến tiếc (?) vì giờ đây trẻ em học hành khổ sở, nhưng sử ký và địa lý nước nhà hầu hết đều không biết!
Triết lý nhân bản, khai phóng và dân tộc ngày nay được nhiều người miền Bắc biết đến, nhất là giới trẻ Việt Nam những người đang tìm kiếm một con đường thay cho con đường cộng sản bị nhân loại đào thải.
Tự do và dân chủ chỉ là điều kiện cần, mục đích và triết lý sống của dân tộc là điều kiện đủ để phục hồi Việt Nam.
Mục đích và triết lý sống giúp mỗi dân tộc biết đang ở đâu, đang làm gì, đang sống như thế nào, sẽ đi về đâu, đi cách nào và làm sao để đạt được mục tiêu tối thượng trong hoàn cảnh và khả năng có được.
Mục đích, triết lý và văn hóa xây dựng xã hội thời Việt Nam Cộng Hòa đã thích hợp và thành công ở miền Nam, cũng sẽ thích hợp với cả nước.
Nhân bản, khai phóng và dân tộc sẽ trở thành mục đích, triết lý và văn hóa chung cho toàn dân tộc làm nền tảng đưa đất nước đi lên theo kịp đà tiến bộ và văn minh nhân loại.

Melbourne, Úc Đại Lợi
26/10/2019
Nguyễn Quang Duy


Đăng ngày 29 tháng 11.2019