45 năm Người Việt Tự Do tại Melbourne:
Thử thách và Thành tựu
Bài 2
Những gương mặt trong cộng đồng người Việt tị nạn
đến thành phố Melbourne, Úc từ 1976
Nguyễn Quang Duy
Theo phần mở đầu Bản Nội Quy, Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Victoria đã được hình thành vào những năm cuối của thập niên 1970, nhưng Bản Nội Quy không cho biết ngày thành lập.
Theo thông tin về Liên Hội Ái Hữu người Việt Tự Do Úc châu tiền thân Cộng Đồng Úc châu đã được thành lập vào ngày 26/12/1977, tại thủ đô Canberra.
Đại diện cho Victoria tham dự cuộc họp có Tiến sĩ Nguyễn Triệu Đan, bà Huỳnh Bích Cẩm và ông Đoàn Việt Trung. Tiến sĩ Nguyễn văn Hưng mặc dầu không tham dự cuộc họp nhưng sau đó được mời làm Tổng thư ký Hội từ năm 1977 đến năm 1983.
Nhờ thông tin của bà Huỳnh Bích Cẩm và nhờ một số tài liệu tìm được cho biết Hội Ái Hữu Việt Kiều Tự Do được thành lập ngày 10/2/1976 chính là tiền thân của Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Victoria.
Hội Ái Hữu Việt Kiều Tự Do
Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng dưới bút danh Đào Phụ Hồ trên báo Văn Nghệ phát hành tại Úc châu vào ngày 12/8/2004, cho biết Hội Ái Hữu Việt Kiều Tự Do được thành lập ngày 10/2/1976.
Theo hồi ký Tiến sĩ Nguyễn Triệu Đan sau khi Thủ tướng Malcolm Fraser quyết định nhận người tị nạn chính trị vào tháng 2/1976, ông và một số sinh viên tổ chức một cuộc họp để thành lập Hội Ái Hữu Việt Kiều Tự Do dự tính hợp tác với chính quyền tiểu bang Victoria tiếp đón và giúp đỡ đồng bào mới qua.
Ông Đan cho biết Hội bầu một Ban Chấp Hành Lâm Thời gồm 4 người, trong đó có ông và bà Huỳnh Bích Cẩm hiền thê của ông, ít lâu sau mọi người cử ông làm Hội trưởng.
Bà Huỳnh Bích Cẩm cho biết cuộc họp chỉ có 7 hay 8 người, Ban Chấp Hành còn có Tiến sĩ Nguyễn văn Hưng và Thầy Huỳnh San, cuối năm 1979 Thầy San chịu chức linh mục.
Bà Cẩm không nhớ tên các hội viên sáng lập khác vì họ hầu hết là sinh viên sau này không còn sinh hoạt.
Theo thống kê dân số vào tháng 6/1976, có 382 người Việt sống rải rác tại Melbourne, nên so ra số hội viên sáng lập tuy khiêm nhượng nhưng chiếm một tỉ lệ không nhỏ.
Bà Cẩm cho biết nhu cầu chính của Hội lúc ban đầu là tạo mối dây liên lạc với người Úc, ông Đan có kinh nghiệm và quen biết với chính giới, lãnh đạo tôn giáo, ký giả và giới khoa bảng Úc nên được các hội viên đề cử giữ vai trò Hội trưởng.
Trong hồi ký ông Nguyễn Triệu Đan nói rõ hơn: “Mang tên là Hội Ái Hữu Việt Kiều Tự Do, song trên thực tế chúng tôi chỉ là một nhóm nhỏ nhoi tự nguyện hoạt động, phương tiện không có, đọc báo theo dõi tin tức, thấy nói có người mình tới thì bảo nhau đến thăm. Bà con gặp nhau tay bắt mặt mừng, song giúp đỡ cụ thể thì người đến trước chỉ có thể giúp đồng hương tới sau bằng cách thông ngôn và cung cấp chỉ dẫn về đời sống địa phương.”
Danh xưng Việt kiều
Bà Huỳnh Bích Cẩm cho biết tên tiếng Anh của Hội là Vietnamese Friendly Society. Chữ Vietnamese vì thế có thể được dịch là Việt kiều, người Việt hay người Việt tự do.
Ông Đoàn Việt Trung, cựu chủ tịch Cộng Đồng Úc châu, giải thích chữ Việt kiều khi ấy mang ý nghĩa công dân Việt Nam Cộng Hòa sống trên đất Úc.
Ngược lại chữ hội trưởng hay chủ tịch đều được dịch sang Anh ngữ là president. Trong khi đó phía cộng sản dịch chữ chủ tịch là chairman.
Nhóm tị nạn đầu tiên
Ngày 19/3/1976, nhóm người Việt tị nạn đầu tiên gồm chừng 20 người đến định cư tại Melbourne từ Thái Lan.
Ông Nguyễn Hữu Thu là một người trong nhóm này cho chúng tôi biết Tiến sĩ Nguyễn văn Hưng, Thầy Huỳnh San cùng một nhóm nhỏ nữ sinh viên tại đại học Monash đến đón bà con ngay tại phi trường Tullamarine rồi đưa về thẳng bệnh viện ở vài ngày để khám sức khỏe tổng quát trước khi chuyển về Eastbridge Hostel, Nunawading.
Đến ngày 7/2/1977, nhóm người Việt tị nạn thứ hai gồm chừng 250 người trong số có Thầy Bùi Đức Tiến, đến cuối năm 1979 Thầy được thụ phong linh mục.
Tương tự, Linh mục Tiến cho biết Thầy Huỳnh San, Tiến sĩ Nguyễn văn Hưng và Tiến sĩ Trần Minh Hà đã ra tận phi trường Tullamarine, Melbourne, đón bà con mới sang và giúp đỡ bà con trong bước đầu định cư.
Thuyền nhân, đề tài chính trị
Ngày 26/4/1976, tàu Kiên Giang chở 5 thuyền nhân đến thẳng Úc. Khi tàu ghé Malaysia định đi Guam họ được một thuyền trưởng người Úc cho bản đồ, hướng dẫn đường đi và khuyên họ nên đi thẳng tới Úc theo luật (khi đó) họ sẽ được nhận.
Trong năm 1976, 3 tàu khác với 111 thuyền nhân cũng đến thẳng Úc. Sang năm 1977, có thêm gần 30 tàu với tổng số 868 người cập bến Úc.
Ngày 13/12/1975, đảng Lao Động thất cử, Gough Whitlam mất chức thủ tướng, nhưng tiếp tục giữ chức thủ lãnh đối lập và vẫn giữ đường lối cứng rắn hầu ngăn cản người Việt tị nạn được đến Úc định cư. Gough Whitlam lợi dụng việc thuyền nhân từ Việt Nam đến thẳng Úc để mở chiến dịch tranh cử.
Thủ Tướng Gough Whitlam là người bãi bỏ chính sách di dân da trắng của Úc, nhưng lại mâu thuẫn trong chính sách đối với người tị nạn cộng sản, nên đến nay nhiều người vẫn xem ông là thiên cộng và kỳ thị người miền Nam Việt Nam.
Ngày 10/12/1977, Thủ tướng Malcolm Fraser thắng cử nhiệm kỳ 2 nhưng thuyền nhân vẫn là đề tài tranh luận tại Quốc Hội.
Năm 1978, có thêm 746 thuyền nhân Việt đến thẳng Úc, phe đối lập đề nghị lập trại tạm giam, kéo tàu tị nạn trở ra biển và giới hạn những trợ cấp an sinh xã hội.
Tất cả mọi ý kiến của phía đối lập đều bị Thủ tướng Fraser bác bỏ, ngược lại phe đối lập không cho phép chính phủ nhận thêm nhiều người Việt từ các trại tị nạn.
Trong khi đó, các trại tị nạn tại Đông Nam Á lại chật cứng thuyền nhân mới tới. Năm 1977 có 21,276 người; năm 1978 có tới 106,489 người; và chỉ 6 tháng đầu năm 1979 có đến 166,604 người đến được các trại tị nạn.
Nhiều người bị hải tặc Thái Lan cướp, cưỡng hiếp và bắt cóc, nhiều tàu cập bến bị đuổi ra, nhiều người chết trên biển, và nhiều con tàu tiếp tục cuộc hành trình đến Úc.
Theo ước tính của Phủ Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc có tới nửa triệu người Việt mất tích trên đường tìm tự do.
Ngày 21/7/1979, Hội nghị quốc tế về người tị nạn được triệu tập tại Geneva với 66 quốc gia tham dự để tìm ra những giải pháp cho người tị nạn Đông Dương.
Chính phủ Fraser đồng ý Úc sẽ nhận thêm mỗi năm hằng chục ngàn người tị nạn. Đồng thời tiến hành thương lượng với nhà cầm quyền cộng sản để những người tị nạn được bảo lãnh gia đình còn kẹt lại ở Việt Nam.
Hội trưởng đầu tiên
Tiến sĩ Nguyễn Triệu Đan là hội trưởng đầu tiên của Hội nhiệm kỳ 1 năm 1976-77.
Ông tốt nghiệp luật khoa Đại học Paris, ở Pháp, sau đó phục vụ ngoại giao cho chính phủ Việt Nam Cộng Hòa từ 1955 đến năm 1975.
Ông từng làm Tổng lãnh sự tại Ấn Độ, thành viên phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa tại Hòa Đàm Paris, Pháp, và là Đại sứ tại Nhật. Giữa tháng 7/1975 ông cùng gia đình đến Úc định cư.
Ông còn nhiều đóng góp khác cho cộng đồng, như đầu năm 1983, ông làm trưởng nhóm 25 người vận động đưa tiếng Việt vào Chương trình Trung Tiểu học tại Victoria. Đến đầu năm 1987 tiếng Việt đã được công nhận là môn thi để lấy bằng tốt nghiệp trung học tại Victoria.
Ông Nguyễn Việt Long, cựu chủ tịch Cộng Đồng và cựu chủ tịch Hội Cựu Quân Nhân, cho biết ông Đan cũng giúp vận động để các cựu quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa được hưởng quyền lợi hưu trí theo tiêu chuẩn cựu quân nhân Úc.
Vào tháng 10/1991, Tiến sĩ Đan thành lập Câu Lạc Bộ thứ Sáu là diễn đàn chính trị vận động cho nhân quyền, tự do và dân chủ tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Triệu Đan qua đời ngày 15/5/2013 tại Melbourne hưởng thọ 84 tuổi.
Hiền thê ông Đan là bà Huỳnh Bích Cẩm ở tuổi bát tuần (tuổi 80) vẫn tích cực hoạt động xã hội. Bà sáng lập Hội Phụ Nữ Việt Úc năm 1983 và vẫn giữ vai trò Tổng Thư Ký kiêm Giám Đốc của Hội. Chúng tôi sẽ có bài viết riêng về Hội Phụ Nữ Việt Úc.
Hội trưởng thứ hai
Ông Đoàn Việt Trung, cựu chủ tịch Cộng Đồng Liên Bang, cho biết Tiến sĩ Nguyễn Văn Hưng là người soạn bản Nội Quy và là Hội trưởng thứ hai trong thời gian 1977-78.
Ông Trung là Trưởng ban Văn Nghệ nhưng không nhớ người nào khác trong Ban Chấp Hành dưới thời ông Hưng.
Ông Hưng là sinh viên Colombo sang Úc năm 1965, tốt nghiệp ngành Kỹ sư Hóa Học ở Viện đại học Queensland và Tiến sĩ Hóa học tại Viện đại học Monash.
Từ tháng 11/1975 đến cuối năm 1978, ông Hưng là chủ bút tạp chí Người Việt Tự Do, quay roneo và phổ biến miễn phí cho bà con mới sang.
Ông Đoàn Việt Trung chịu trách nhiệm vẽ cho tạp chí. Ông Hưng và ông Trung xin thư viên Đại Học Monash một góc riêng để giữ các tạp chí và sách báo của người Việt tự do.
Ông Hưng cộng tác với Bộ Di Trú Úc đón tiếp người tị nạn ngay tại phi trường, giúp đỡ bà con tại các trung tâm tiếp cư di dân, giúp đỡ bà con xin việc làm cũng như chuẩn bị cho họ khả năng hội nhập và định cư.
Ông đứng ra tổ chức Tết Trung Thu, Tết Nguyên Đán, Tưởng niệm biến cố 30/4/1975, biểu tình chống các phái đoàn cộng sản.
Ông Hưng còn là Tổng thư ký của Liên Hội Ái Hữu người Việt Tự Do Úc châu trong 5 năm, liên tục từ 1977 đến 1982.
Ông vận động đài sắc tộc 3EA cho chương trình phát thanh tiếng Việt và được 3EA mời giữ Trưởng ban Việt ngữ.
Đài phát thanh hàng tuần buổi đầu tiên vào ngày 25/4/1978 cho đến giữa năm 1992 đài sáp nhập với 2EA Sydney thành đài phát thanh toàn quốc SBS.
Ông Hưng và ông Nguyễn Ngọc Phách trong một thời gian dài còn thực hiện chương trình phát thanh hàng tuần trên đài phát thanh Radio Australia phát về Việt Nam.
Ông Hưng là tác giả hằng ngàn bài báo và nghiên cứu, dưới các bút hiệu Đào Phụ Hồ, Nguyễn Lương Triều, Nguyễn Nhất Đình, Ngụy Ông, Nguyễn Tất Thắng, Đằng Phong Hầu, được đăng trên nhiều tờ báo hải ngoại.
Khoảng đầu thập niên 1990, khi biết tôi viết tiểu luận cao học về “Tình hình giáo dục tại Việt Nam”, chính ông Hưng đã đến tận nhà hỏi mượn bài viết cùng tài liệu để nghiên cứu và viết bài.
Ông Hưng, Giáo sư Bửu Khải và Giáo sư Nguyễn Ngọc Phách còn thành lập và phụ trách giảng dạy khoa Thông Ngôn Phiên Dịch, thuộc trường Ngôn Ngữ Viện Cao Đẳng Kỹ Thuật RMIT ở Melbourne.
Trong vòng 20 năm cộng tác với RMIT ông đào tạo hàng trăm thông ngôn và phiên dịch viên. Ông cũng dịch nhiều tác phẩm từ tiếng Việt sang tiếng Anh, như quyển “Chuyện kể năm 2000” của nhà văn Bùi Ngọc Tấn.
Công việc chính của ông Hưng là Giám Đốc kỹ thuật Công ty hóa chất ICI (sau đổi thành Orica), những đóng góp của ông cho cộng đồng đều hoàn toàn bất vụ lợi.
Ông Hưng tiêu biểu cho những người tiên phong khai dựng Cộng đồng người Việt tự do tại Victoria và Úc châu, ông qua đời ngày 5/8/2012 tại Melbourne hưởng thọ 65 tuổi.
Linh mục Huỳnh San
Cha San luôn gắn bó với sinh hoạt Cộng Đồng, Cha là chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự Do tại Victoria, nhiệm kỳ 1982-83.
Cha về chốn Vĩnh Hằng ngày 10/10/2019, hưởng thọ 71 tuổi, với một tang lễ thật đơn sơ. Quan tài của Cha được đặt dưới đất với di ảnh Cha mặc áo lễ có hình lá cờ vàng ba sọc đỏ.
Chiếc áo lễ với hình lá cờ Việt Nam Cộng Hòa này, Cha được một giáo dân tặng và đã mặc trong buổi lễ thụ phong linh mục trên 40 năm trước.
Người Việt Tự Do
Đến khoảng cuối năm 1978 thành phố Melbourne đã có trên 2,000 người, để tránh bị coi là công dân nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam, những người tị nạn mới sang không còn đồng ý sử dụng Danh xưng Việt kiều nữa.
Danh xưng được đổi thành người Việt tự do và Hội đổi tên thành Hội Ái Hữu người Việt Tự Do tại Victoria.
_________
Mời các bạn đón xem số tới về những thách thức của người tị nạn tại thành phố Melbourne trong giai đoạn 1978-83.
Nếu có thông tin chưa chính xác, xin quý bạn chia sẻ để chúng tôi có thể hiệu đính.
21/02/2020
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
Đăng ngày 04 tháng 03.2020