banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Vì sao người Úc ủng hộ TT Trump?

Nguyễn Quang Duy

Vẫn biết người Úc không có quyền bầu tổng thống Mỹ, nhưng chính trị Mỹ ảnh hưởng đến tình hình chính trị thế giới, nhất là đến quan hệ Mỹ Úc Trung nên không có gì phải ngạc nhiên khi người Úc rất quan tâm đến cuộc bầu cử Mỹ 2020.

Kamala Harris - cô gái da nâu nhỏ bé …
Tờ The Australian tờ báo duy nhất phát hành toàn nước Úc, và có thể nói là tờ báo uy tin nhất nước Úc, ngay khi nghe tin bà Kamala Harris được chọn làm Ứng cử viên Phó Tổng Thống đã đăng một hí họa có hình ông Biden chỉ vào bà Harris mà nói:
“Đã đến lúc hàn gắn một quốc gia bị chia rẽ bởi phân biệt chủng tộc… vì thế tôi giao cho bạn cô gái da nâu nhỏ bé này trong khi tôi đi nghỉ”.
Bức hí họa bị tờ The Guardian và một số chính trị gia cánh tả Úc công kích cho là kỳ thị màu da khi dùng các từ ngữ “cô gái da nâu” chỉ đích danh bà Harris.
Chủ bút tờ The Australian trả lời các từ ngữ nói trên là của chính Ứng cử viên Tổng thống Joe Biden đã giới thiệu bà Harris như sau:
"Sáng nay, trên khắp đất nước, các cô gái nhỏ thức dậy - đặc biệt là các cô gái da đen và da nâu, những người thường cảm thấy bị coi thường và đánh giá thấp trong cộng đồng - nhưng hôm nay, hôm nay, chỉ có thể, lần đầu tiên họ nhìn thấy mình theo một cách mới: như đặc thù của tổng thống và phó tổng thống."
Theo tôi bức hí họa mỉa mai phương cách tranh cử chính trị bản sắc (identity politics) dựa vào mầu da, sắc tộc và giới tính, nhằm thu hút cử tri của đảng Dân Chủ, đồng thời nói lên sự quan tâm của người Úc về cuộc tranh cử tại Mỹ lần này.

Diều hâu và két…
Còn bản tin tựa đề: “Nước Úc cần Trump thắng cử vì chúng ta không thể đơn phương đối đầu với Trung cộng” được phổ biến trên Sky News Australia ngày 9/8/2020.
Theo bản tin Thượng nghị sĩ đảng Tự Do James McGrath tuyên bố thẳng thừng Tổng Thống Trump cần thắng cử để thế giới đứng lên chống lại Bắc Kinh vì “Trung cộng là mối đe dọa lớn nhất nhằm duy trì trật tự thế giới hiện nay”.
Theo ông McGrath, đối với Bắc Kinh, Tổng thống Trump sẽ phản ứng mạnh hơn ứng cử viên Joe Biden: “khi phải đối phó với những kẻ bắt nạt mình, chúng ta không thể xoa bóp, hòa dịu bọn chúng, chúng ta phải đứng lên chống lại bọn chúng”.
Theo Thượng nghị sĩ McGrath về đối ngoại: “Biden không phải là diều hâu, ông ấy giống như một con két”.
Ông McGrath cho biết Úc cần bảo đảm có một liên minh sẵn sàng chống lại Trung cộng, vì thế Úc cần ủng hộ một tổng thống Mỹ mạnh mẽ cứng rắn và người ấy chính là ông Trump.

Người Úc nghĩ gì về Mỹ và Trung…
Theo cuộc khảo sát của Viện Lowy Úc vào tháng 3/2020 phổ biến ngày 26/6/2020 thì chỉ có 51% người Úc tin tưởng Mỹ hành động có trách nhiệm với thế giới.
Nhưng có đến 55% người Úc tin rằng quan hệ với Mỹ quan trọng hơn với Trung cộng, trong khi chỉ 40% cho rằng quan hệ với Trung cộng quan trọng hơn với Mỹ.
Lên đến 78% cho biết việc liên minh với Mỹ rất quan trọng hoặc khá quan trọng đối với an ninh của Úc, tăng sáu điểm so với khảo sát năm 2019.
Niềm tin của người Úc vào Bắc Kinh giảm xuống mức thấp kỷ lục từ 52% vào năm 2018 xuống còn 23%, mất 29 điểm.
Lên tới 40% hàng hóa xuất cảng từ Úc đã nhập cảng vào Trung cộng, nên 94% người Úc muốn chính phủ tìm kiếm các thị trường khác để giảm phụ thuộc kinh tế vào Trung cộng.
Đồng thời có đến 88% ủng hộ cuộc Đối thoại An ninh Tứ giác, đối thoại bốn bên giữa Úc, Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ, do Tổng thống Trump mở ra từ năm 2017.
Cuộc thăm dò còn cho thấy khi xảy ra xung đột giữa các giá trị dân chủ và lợi ích kinh tế với Trung cộng, lên đến 60% người Úc nói rằng chính phủ nên coi các giá trị dân chủ của Úc quan trọng hơn thương mãi và 84% tin rằng Úc nên trừng phạt các quan chức Trung cộng vi phạm nhân quyền.
Về cá nhân Tổng thống Trump chỉ 30% người Úc bày tỏ tin tưởng ông "sẽ làm điều đúng đắn liên quan đến các vấn đề thế giới", tỷ lệ này đã tăng năm điểm so với chỉ số 25% vào năm 2019.
Cuộc khảo sát thực hiện đã 6 tháng, khi ấy đại dịch coronavirus chưa bùng nổ tại Úc, Bắc Kinh chưa công khai bộ mặt ngoại giao “lang sói” bắt nạn nước nhỏ, quan điểm của người Úc nhìn chung đã xem Trung cộng như một mối đe dọa đến an ninh nội trị Úc.
Nay đại dịch đánh mạnh vào Úc, từ ngày 5/8/2020 lần đầu tiên trong lịch sử thành phố Melbourne bị giới nghiêm từ 8 giờ tối đến 5 giờ sáng, người dân chỉ được ra đường mỗi ngày 1 giờ để tập thể thao bằng cách đi hay chạy bộ, mỗi nhà mỗi ngày chỉ được một người đi chợ mua sắm, mọi người phải đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà và không được rời khỏi nhà quá 5 cây số, trường học đóng cửa, hầu hết các doanh nghiệp đóng cửa, mọi quy định được kiểm soát gắt gao với những hình phạt nặng nề cho người vi phạm.
Mọi hoạt động kinh tế của tiểu bang Victoria đều ngừng trệ, Victoria bị cô lập với các tiểu bang khác và với thế giới.

Cộng đồng Việt
Cộng đồng Người Việt Tự Do tại Úc sinh hoạt dựa trên nguyên tắc phi đảng phái chính trị nên sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm với chính phủ khi cần, nhưng đồng thời công khai nêu quan điểm khi chính phủ hành xử thiếu minh bạch.
Cộng đồng đã chính thức ngỏ lời cùng Chính Phủ Andrews nếu cần có thể sử dụng Đền Thờ Quốc Tổ tại Victoria như một trung tâm y tế tạm thời chữa trị cho những nạn nhân nhiễm dịch bệnh.
Nhưng đồng thời Cộng đồng bằng nhiều cách khác nhau, kể cả việc biểu tình phản đối Chính Phủ Lao Động Andrews thiếu minh bạch ký kết hợp đồng liên quan đến chiến lược “Vành Đai, Con Đường”.
Vừa rồi gia đình tôi nhận được một lá thư viết bằng tiếng Việt từ Dân biểu liên bang Bill Shorten cho biết ông và đảng Lao Động không chủ trương tham gia chiến lược “Vành Đai, Con Đường” vì không có ưu tiên nào lớn hơn nền an ninh quốc gia và chủ quyền nước Úc.

Úc Mỹ đồng minh chiến lược
Từ năm 2012, Quốc Hội Úc đã chính thức thông qua Đạo Luật cấm Huawei phát triển mạng 5G và nhiều Đạo luật nhằm giới hạn người nước ngoài đầu tư vào Úc.
Năm 2018, Úc thông qua hai Đạo luật chống can thiệp của chính phủ nước ngoài, trọng tâm nhắm vào Bắc Kinh can thiệp nội trị và an ninh nước Úc.
Vào đầu tháng 7/2020, Chính phủ Úc công bố tăng ngân sách quốc phòng trên 40% lên đến $270 tỉ Úc kim trong vòng 10 năm tới, Thủ tướng Scott Morrison cho biết:
"Chúng ta muốn khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương được cởi mở tự do, không bị hiếp đáp. Chúng ta muốn một khu vực trong đó các nước lớn nhỏ đều có thể tiếp cận nhau một cách tự do theo luật pháp quốc tế. Không có gì là vô lý hay tham vọng quá đáng, các nước đều theo đuổi quyền lợi riêng và không muốn bị can thiệp từ bên ngoài, Úc cũng muốn theo đuổi những quyền lợi của mình."
Cuối tháng 7/2020, hai bà Ngoại trưởng Úc Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds đã sang thủ đô Washington họp với Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper để bàn về chiến lược phòng vệ Thái Bình Dương từ những đe dọa quân sự của Bắc Kinh.
Về lại Úc theo luật hiện hành hai bà đã bị cách ly 15 ngày đủ thấy sự quan tâm của Chính phủ Úc trong công cuộc chung bảo vệ thế giới tự do.
Từ sau Đệ nhị thế chiến hai nước Úc và Mỹ đã trở thành hai đồng minh chiến lược luôn sát cánh bên nhau không phân biệt chính trị đảng phái nội bộ quốc gia.
Từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, Mỹ và Úc có khá nhiều khác biệt về chính sách, nhưng ông Trump và Chính phủ của ông luôn đối thoại, tìm hiểu và triệt để tôn trọng người Úc, thật khó nghĩ ra điều gì có thể trách cứ ông.
Trung cộng nay cũng đã là vấn đề nội trị nước Mỹ, theo cuộc khảo sát Pew công bố vào tháng 3/2020, có tới 91% người Mỹ xem sức mạnh và ảnh hưởng của Trung cộng trên thế giới là mối “đe dọa” đối với nước Mỹ.
Dự thảo Cương Lĩnh của đảng Dân Chủ vừa phổ biến cho biết sẽ cứng rắn với Trung cộng, nhưng vẫn xem Trung cộng như một yếu tố quốc tế hơn là yếu tố nội trị đang tàn phá nước Mỹ về nhiều mặt.
Cương Lĩnh cho biết sẽ thành lập một liên minh quốc tế nhưng không nói rõ liên minh với ai và để làm gì, mọi điều viết trong đấy chỉ nhằm đả kích ông Trump thay vì đưa ra đường lối, chiến lược rõ ràng.

Quyền bầu cử Tổng thống là quyền của công dân Mỹ, nhưng quyền nhận xét và ủng hộ ông Trump, ông Biden hay trung dung là quyền của bạn của tôi và của tất cả mọi người trên toàn thế giới.
Ngày 3/11/2020 sẽ tới và rồi sẽ trôi qua, tôi xin phép trung dung không đả kích ông này ủng hộ ông kia, chỉ mong giải thích một số góc cạnh chính trị một cách trung thực nhất, chỉ có sự thật mới có thể thuyết phục chính mình và bạn đọc.

19/8/2020
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi



Bầu cử Mỹ: Vì sao thành phần bảo thủ

ủng hộ Tổng thống Trump?

Nguyễn Quang Duy

Theo kết quả do hãng Gallup khảo sát được công bố vào tháng 8/2018, có tới 51% số người trẻ ở Mỹ và 57% số người theo đảng Dân Chủ thích chủ nghĩa xã hội.
Bài viết trước “Vì sao giới trẻ Mỹ nay thích Chủ nghĩa Xã hội?” (Vì sao giới trẻ Mỹ nay thích Chủ nghĩa Xã hội? - BBC News Tiếng Việt) đã giải thích hiện tượng nói trên.
Đồng tiền còn có 2 mặt, nói chi một xã hội tự do và đa nguyên nhất thế giới như nước Mỹ, hôm nay xin tiếp tục giải thích về thành phần bảo thủ tại Mỹ.
 
Giá trị Mỹ bị đảo ngược…
Vào những năm cuối thập niên 1950, nhà xã hội học Michael E. Harrington, người khai sinh tổ chức Dân chủ Xã hội Hoa Kỳ, nhận xét có hai nước Mỹ, một của người giàu và một của người nghèo.
Quyền lực kinh tế và chính trị đều nằm trong tay người giàu, vì vậy chênh lệch giàu nghèo ngày càng tăng, người đã giàu lại càng giàu hơn.
Muốn thay đổi xã hội phải dứt khoát từ bỏ đấu tranh giai cấp do Karl Marx đề ra, phải thực hiện đấu tranh chính trị, phải tái cấu trúc hệ thống các đảng chính trị và phát động cuộc chiến chống lại nghèo khó ngay trên đất Mỹ.
Tư tưởng nói trên ảnh hưởng đến chính sách của Tổng thống John Kennedy (1961-63), một kế hoạch chống lại nghèo đói và bất công đã ra đời, và đã được Tổng thống Lyndon Johnson (1963-69) tiếp tục thực hiện.
Tư tưởng xã hội chủ nghĩa, các phong trào bình đẳng giới tính, bình đẳng sắc tộc, chống chiến tranh Việt Nam trong thập niên 1960 làm đảo lộn mọi giá trị truyền thống của người Mỹ.
Tư tưởng xã hội chủ nghĩa dần dà không chỉ trở thành chính sách của đảng Dân Chủ, mà còn ảnh hưởng đến chính sách của đảng Cộng Hòa, và ảnh hưởng đến nước Mỹ.
Những người trưởng thành trong thập niên 1960 và thập niên 1970 trở thành những nhà báo, nhà làm phim, nhà hoạch định chính sách, nhà hoạt động xã hội và chính trị, nhà giáo dục…, ảnh hưởng đến xã hội và đến thế hệ trẻ hơn.
Bởi thế ngay cả Hiến Pháp và các giá trị truyền thống Mỹ những người trẻ ít được biết đến, họ được giáo dục, được đọc sách, đọc báo, xem phim ảnh, theo quan điểm của người cấp tiến xã hội chủ nghĩa.

Bảo thủ là thế nào?
Nước Mỹ theo thể chế Cộng Hòa, công dân Mỹ phải trung thành với Hiến Pháp, nhưng mỗi người hiểu Hiến Pháp mỗi khác.
Tối Cao Pháp Viện là cơ quan có thẩm quyền giải thích Hiến pháp, tuyên bố các đạo luật liên bang, đạo luật tiểu bang là vi hiến, hoặc tuyên bố các hoạt động của hành pháp liên bang và tiểu bang là vi hiến.
Tối Cao Pháp Viện gồm chín thẩm phán do Tổng Thống bổ nhiệm trọn đời và Thượng viện phê chuẩn chấp nhận.
Các thẩm phán theo khuynh hướng bảo thủ giải thích Hiến Pháp và các đạo luật theo nghĩa gốc ban đầu tạo ra chính nó.
Còn các thẩm phán theo khuynh hướng cấp tiến giải thích ý nghĩa của Hiến Pháp theo hoàn cảnh, theo thời gian hoặc theo các tài liệu chứng cứ xung quanh việc ban hành đạo luật.
Tối Cao Pháp Viện có khi do phía cấp tiến nắm giữ và có lúc do phía bảo thủ quyết định.
Thành phần bảo thủ như vậy là những người muốn duy trì giá trị truyền thống do những nhà lập quốc Hoa Kỳ truyền lại trong Hiến Pháp.

Quyền phá thai
Án lệ Roe v. Wade về quyền phá thai là án lệ gây tranh cãi và chia rẽ trong suốt 40 năm qua.
Án lệ được thành phần cấp tiến nhiệt tình ủng hộ vì nó đáp ứng quyền riêng tư và nữ quyền, nhưng đã phạm vào niềm tin và tín ngưỡng của thành phần bảo thủ.
Án lệ được Tối Cao Pháp Viện phán quyết ngày 22/1/1973, theo Tu Chính Án số 14 của Hiến Pháp Hoa Kỳ, người phụ nữ có quyền phá thai và quyền này được quy định trong suốt thời gian người phụ nữ mang thai.
Nhưng Tối Cao Pháp Viện đồng thời lại cho phép các tiểu bang ấn định khi nào bào thai có khả năng tồn tại độc lập, vì thế ở một số tiểu bang bảo thủ quyền phá thai gần như không được thi hành.

Quan điểm bảo thủ…
Những người có tín ngưỡng tin rằng bào thai là nguồn sống được Thượng đế ban cho con người và đất nước Hoa Kỳ, nên không ai được quyền tước đi mạng sống của người khác.
Những người bảo thủ còn tin rằng việc phá thai, sẽ dẫn đến việc xa rời đức tin tôn giáo, phá bỏ truyền thống gia đình và xã hội.
Trong khi những người cấp tiến tin vào kế hoạch hóa gia đình, thì người bảo thủ lập luận việc phá thai khiến nước Mỹ bị lão hóa phải nhận thêm di dân, càng đông di dân càng hủy hoại giá trị truyền thống của người Mỹ.
Vào năm 1995, bà Norma McCorvey người tạo ra án lệ Roe v. Wade trở thành một tín hữu Tin Lành, bà nhìn nhận khi còn trẻ bị hoàn cảnh đưa đẩy dẫn đến án lệnh này.
Bà McCorvey rất hối hận nên đã trở thành một nhà hoạt động chống phá thai, bà đã từng điều trần trước Quốc Hội chống lại việc phá thai.

Phán quyết đổi chiều…
Vào đầu tháng 6/2019, Tối cao Pháp viện Mỹ bất ngờ ủng hộ một điều luật của tiểu bang Indiana là tất cả các bào thai dù bị sẩy thai hoặc phá thai đều phải được chôn cất hoặc hỏa táng.
Quyết định này được xem là bước đầu công nhận bào thai không phải là chất thải y tế, mà là con người khi mất phải được đối xử trang nghiêm.
Khi đã xem bào thai là con người, bước kế tiếp là bào thai có quyền được sống được hưởng mọi thứ quyền mà công dân Hoa Kỳ được hưởng.
Nhưng các thẩm phán Tối cao Pháp viện cẩn thận đưa ra một phán quyết khác là trong một số trường hợp phụ nữ ở tiểu bang Indiana tiếp tục có quyền phá thai.

Người có tín ngưỡng ủng hộ ông Trump
Tổng thống Trump chống lại việc phá thai, nhưng lại đồng ý trong trường hợp người phụ nữ bị hãm hiếp, hay loạn luân, hay để bảo vệ cuộc sống của người mẹ, người phụ nữ có quyền phá thai.
Mặc dù, quan điểm này không được giới chống phá thai đồng ý, nhưng họ đều biết chính nhờ ông Trump đã bổ nhiệm 2 thẩm phán bảo thủ nên mới có được kết quả nói trên.
Ngay sau đó đã có tới mười tiểu bang ban hành các quy định phá thai và cấm phá thai nhằm thách thức Tối cao Pháp viện phải xét lại quyền phá thai.
Con số phá thai đã giảm rất nhiều, nhiều phòng khám phá thai đã phải đóng cửa, tiểu bang Missouri không có phòng khám phá thai nào…
Theo khảo sát được Democracy Institute/Sunday Express công bố ngày 14/7/2020, đa số người Mỹ có tín ngưỡng ủng hộ Tổng thống Trump tái đắc cử.
Đặc biệt, 90% người theo Công giáo Phúc âm (Evangelical Christians) bày tỏ ủng hộ ông Trump, chỉ có 8% nói họ sẽ bỏ phiếu cho ông Joe Biden.
56% người theo Tin lành ủng hộ ông Trump, 42% bỏ phiếu cho ông Biden.
Còn người theo Công giáo Roma 52% ủng hộ ông Trump, 44% ủng hộ ông Biden.
Ông Biden nhận được sự ủng hộ của đa số người theo Do Thái giáo (61%) và những người vô thần (90%).

Xóa bỏ chủ nghĩa tư bản
Ngày 9/7/2020, ông Joe Biden, ứng cử viên đảng Dân Chủ, tại Dunmore, tiểu bang Pennsylvania đã công khai kế hoạch tranh cử Tổng thống trong đó có việc “chấm dứt kỷ nguyên chủ nghĩa tư bản cổ đông” (era of shareholder capitalism).
Ông cho biết sẽ thay thế bằng một hệ thống quản trị xí nghiệp dựa trên quyền lực của các nghiệp đoàn lao động và dựa trên các cộng đồng người da đen, da màu và người Mỹ bản địa.
Ông định mức lương tối thiểu 15 Mỹ kim một giờ và dự định tăng thuế thu nhập công ty từ mức thuế 21% hiện nay lên 28%, trở lại mức thuế thời Tổng Thống Obama.
Việc Tổng thống Trump vào năm 2017 giảm thuế công ty xuống còn 21%, đã vực dậy nền kinh tế Mỹ, giảm thất nghiệp đến mức thấp nhất trong vòng mấy chục năm, nhất là giảm thất nghiệp trong cộng đồng người Mỹ gốc da đen.
Những chính sách của ông Biden tương tự với ý tưởng của Thượng Nghị Sĩ Bernie Sanders, một người cực tả, có lập trường đối nghịch với thành phần bảo thủ kinh tế những người tin vào kinh tế tự do, chính phủ không can thiệp vào hoạt động xí nghiệp, giảm thiểu thuế công ty.

Bảo thủ chống chủ nghĩa xã hội
Hai thí dụ trong bài nói lên sự khác biệt về xã hội và kinh tế giữa thành phần bảo thủ và thành phần cấp tiến theo xã hội chủ nghĩa tại Mỹ.
Ngay từ thời Tổng thống John Kennedy (1961-63), những cuộc tranh cử Tổng thống và tranh cử giữa kỳ tại Mỹ, đều là những cuộc giao đấu chính trị giữa hai khuynh hướng bảo thủ và xã hội chủ nghĩa.
Những đề tài chính trị khác, như bình đẳng giới tính, bình đẳng sắc tộc, bảo vệ môi trường, toàn cầu hóa, thương mãi Mỹ-Trung, mở cửa phục hồi kinh tế sau đại dịch…, sẽ là những đề tài tranh cãi giữa các ứng cử viên trong cuộc tranh cử 2020 sắp tới.
Cuối cùng khối cử tri trung dung, thầm lặng quan sát, cân nhắc và quyết định kết quả cuộc bầu cử.

17/07/2020
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi



Đăng ngày 05 tháng 09.2020