banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Quanh chuyện ông Trump

bị luận tội lần thứ hai

Nguyễn Quang Duy

Nhiều người tin rằng ông Trump sẽ được Thượng viện xử trắng án, như vậy việc ông Trump phải thay đổi nhóm luật sư có ý nghĩa gì? và đảng Dân Chủ chỉ muốn loại ông khỏi cuộc tranh cử năm 2024 hay họ muốn gì khác nên vẫn tiếp tục mở phiên tòa luận tội ông?

Những bất thường từ việc luận tội
Mặc dù, chưa có bằng chứng nào để tòa án kết tội hay tiến hành điều tra ông Trump, nhưng Hạ Viện do đảng Dân Chủ nắm giữ đã dựa trên lời ông Trump phát biểu trước Tòa Bạch Ốc vào trưa ngày 6/1/2021 để làm bằng chứng luận tội.
Việc biểu quyết luận tội không cần nhân chứng, ông Trump không có luật sư bào chữa và cũng không còn khả năng lên tiếng biện hộ, vì tài khoản Twitter và Facebook của ông đều đã bị khóa.
Mới đầu, lãnh đạo Thượng viện đảng Cộng Hòa Mitch McConnell tuyên bố những kẻ gây bạo loạn đã bị ông Trump lừa dối và khuyến khích phản đối kết quả bầu cử nên ông ủng hộ việc Hạ viện luận tội.
Ông McConnell lại từ chối mở phiên tòa tại Thượng Viện ngay trong thời gian ông Trump còn tại chức, nhưng ông lại thương lượng với đảng Dân chủ để ông Trump có thời gian tìm luật sư biện hộ.
Bây giờ ông McConnell lại ủng hộ quan điểm ông Trump không còn là tổng thống nên Thượng Viện không có quyền xét xử thường dân và phiên tòa như thế là vi hiến.

Vụ án thiếu quan tòa
Ngay khi Thượng Viện quyết định mở phiên tòa, Chánh án Tối cao pháp viện John Roberts đã chính thức từ chối chủ tọa phiên tòa, nhưng ông không cho biết lý do.
Có thể ông Roberts nghĩ rằng ông Trump sẽ kiện lên Tối Cao Pháp Viện vì thế ông tránh không để xảy ra mâu thuẫn giữa việc chủ tọa hai phiên xử có tính cách liên đới.
Lẽ ra bà Kamala Harris, Phó Tổng thống, đương kim Chủ tịch Thượng Viện, một cựu công tố viên, sẽ là người chủ tọa phiên tòa.
Nhưng bà Harris cũng không cho biết lý do lại để Thượng Nghị sĩ Pat Leahy đã 80 tuổi thay mặt chủ tọa phiên tòa, với 9 công tố viên đều là các dân biểu Hạ Viện thuộc đảng Dân Chủ.
Lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ có phiên tòa “thuần chính trị” các đảng viên đảng Dân Chủ xét xử một cựu tổng thống thuộc đảng Cộng Hòa ngay tại Quốc Hội Hoa Kỳ.

Vụ án vi hiến?
Ngày 26/1/2021 tại Thượng Viện khi các nghị sĩ tuyên thệ đóng vai trò bồi thẩm đoàn, Nghị sĩ Rand Paul đặt vấn đề xét xử một tổng thống đã mãn nhiệm là không đúng với hiến pháp Mỹ, ông đề nghị Thượng Viện tranh luận và biểu quyết.
Thượng Viện như thế đã tước quyền của Tối Cao Pháp Viện vì Hiến Pháp cho phép chỉ Tối Cao Pháp Viện mới có quyền phán quyết một việc làm có trái với Hiến Pháp hay không.
Qua biểu quyết chỉ có 5 nghị sĩ đảng Cộng Hòa cùng với 50 nghị sĩ đảng Dân Chủ đồng ý việc xét xử là đúng với Hiến Pháp, phải cần thêm 12 nghị sĩ đảng Cộng Hòa đồng ý thì mới đủ số phiếu để kết tội ông Trump, nói cách khác ông Trump dễ dàng trắng án.

Bằng chứng luận tội
Đảng Dân Chủ luận tội ông Trump gieo rắc mối nghi ngờ có gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống 2020 để kích động những kẻ bạo loạn đột nhập vào Điện Capitol gây hậu quả 5 người chết trong đó có 1 cảnh sát viên.
Họ dựa trên bằng chứng ông đã phát biểu trước Tòa Bạch Ốc chừng 70 phút từ 11 giờ 50 phút đến 1 giờ 11 phút mới chấm dứt.
Bài phát biểu dài gần 11 ngàn từ, trong đó nhiều lần tố cáo cuộc bầu cử bị gian lận, giới chức bầu cử tại nhiều tiểu bang đã tự ý thay đổi quy định bầu cử không thông qua Quốc Hội tiểu bang, có quá nhiều bất thường và kết quả bầu cử đã bị đánh cắp.
Có 4 lần ông Trump kêu gọi người biểu tình đi bộ xuống Quốc Hội (Điện Capitol) có thể được tóm dịch như sau:
1. “…Chúng ta tụ họp lại với nhau ở trung tâm Điện Capitol vì một lý do rất, rất cơ bản và đơn giản, là để cứu lấy nền dân chủ của chúng ta…”
2. “…Sau khi tôi phát biểu, chúng ta sẽ đi bộ xuống Điện Capitol và tôi sẽ đến đó với các bạn, chúng ta sẽ cổ vũ cho các nghị sĩ và dân biểu được dũng cảm… chúng ta làm thế bởi vì chúng ta sẽ không bao giờ lấy lại đất nước với sự yếu nhược, các bạn cần phải thể hiện sức mạnh và các bạn cần phải mạnh mẽ…”
3. “…Tôi biết rằng mọi người ở đây rồi sẽ sớm diễn hành tới Quốc Hội để tiếng nói của bạn được lắng nghe một cách hòa bình và yêu nước…”
Để kết thúc bài phát biểu ông Trump lại một lần nữa kêu gọi người biểu tình đi bộ xuống Quốc Hội:
4. “…Vì vậy, chúng ta sẽ đi bộ dọc theo đại lộ Pennsylvania, tôi yêu đại lộ Pennsylvania, và chúng ta sẽ đến Điện Capitol và chúng ta sẽ cố gắng cống hiến…”
Trong bài phát biểu có 23 lần ông sử dụng từ ngữ chiến đấu (fight hay fighting), ở cuối bài phát biểu ông kêu gọi:
“… Và chúng ta chiến đấu, chúng ta chiến đấu đến cùng, nếu các bạn không chiến đấu đến cùng, các bạn sẽ không giữ được đất nước này…”
Ông Trump phủ nhận mọi cáo buộc và cho biết ngay khi ông biết những kẻ bạo loạn đã xông vào Quốc Hội ông đã chính thức lên án những hành vi phạm pháp, ông loan báo những người gây bạo loạn sẽ bị luật pháp trừng trị và kêu gọi người biểu tình giải tán về nhà.

Bạo loạn khởi đầu lúc 12 giờ 45 phút
Tờ The Washington Post ngày 11/1/2021, đã phỏng vấn ông Steven Sund cảnh sát trưởng bảo vệ Điện Capitol và được ông cho biết những người biểu tình đầu tiên xuất hiện ở Điện Capitol vào lúc 12 giờ 40 phút.
Như vậy cuộc bạo loạn đã bắt đầu trước khi ông Trump chấm dứt bài phát biểu chừng 30 phút, ông Steven Sund kể lại:
“Cuộc đối đầu bạo lực đã diễn ra ngay từ đầu, họ đến với mũ bảo hiểm chống bạo động, mặt nạ phòng độc, lá chắn, bình xịt hơi cay, pháo hoa, đồ leo núi, thuốc nổ, ống kim loại, gậy bóng chày,…”
Ông Steven Sun cho biết những kẻ gây bạo loạn đã giật những hàng rào ngăn cách và ném vào đầu các cảnh sát viên đang bảo vệ Quốc Hội:
“Vào lúc 1 giờ chiều tôi nhận ra mọi thứ không còn diễn ra tốt đẹp, tôi chứng kiến các nhân viên của tôi đã say xẩm mặt mày…”
Ông cho biết những kẻ gây bạo loạn đã phá cửa xông vào bên trong Quốc Hội trước 2 giờ chiều.
Rõ ràng những kẻ gây bạo loạn đã có tổ chức và có chủ trương bạo động, họ khác hẳn với những người biểu tình nghe ông Trump phát biểu.
Mãi đến 1 giờ 11 phút ông Trump mới chấm dứt bài phát biểu, người biểu tình mới bắt đầu thu xếp di chuyển đến Điện Capitol, đoạn đường từ 30 đến 45 phút, nếu đoàn biểu tình có đi nhanh mới đến được Quốc Hội trước 2 giờ chiều.
Điều này khác hẳn với dư luận chống đối ông Trump, họ lên án cả những người tham dự biểu tình nghe ông Trump phát biểu và sau đó đi bộ đến Quốc Hội để ủng hộ các dân biểu và nghị sĩ đảng Cộng Hòa đang tranh luận về phiếu cử tri đoàn.

Về pháp lý
Một số người gây bạo loạn bị tòa án truy tố nay đổ lỗi là đã nghe theo lời xúi giục của ông Trump, có người còn muốn làm nhân chứng trước Thượng Viện tố cáo ông Trump xúi giục họ.
Căn bản pháp lý cho tội xúi giục vi phạm luật pháp hay gây ra bạo lực đã có tiền lệ qua phán quyết Brandenburg kiện Ohio tại Tối Cao Pháp Viện vào năm 1969.
Theo phán quyết này thì lời nói có tính chất kích động phải đáp ứng ba tiêu chuẩn: (1) người nói phải có ý định xúi giục hành động trái pháp luật; (2) hành động trái pháp luật phải có khả năng xảy ra; và (3) hành động trái pháp luật phải sắp xảy ra.
Thượng Nghị Sĩ Lindsey Graham cho biết sẽ đưa FBI ra làm chứng về những người lên kế hoạch tấn công và những thất bại trong việc bảo vệ an ninh Điện Capitol nếu đảng Dân chủ cố gắng gọi dù chỉ một nhân chứng tại phiên tòa luận tội ông Trump.

Hướng tranh biện của ông Trump
Theo tin từ Politico và CNN, luật sư Butch Bowers và các luật sư khác trong nhóm đã rút lui vì bất đồng ý kiến về hướng tranh biện trong phiên tòa tại Thượng Viện.
Ngày 31/1/2021, văn phòng của ông Trump cho biết hai luật sư David Schoen và Bruce Castor Jr. sẽ dẫn đầu nhóm pháp lý mới.
Ngày 2/2/2021, nhóm luật sư mới đã đệ trình Quốc Hội một bản dài 14 trang trả lời 8 cáo buộc cho thấy hướng tranh biện trước phiên tòa luận tội như sau:
Thứ nhất, ông Trump đã mãn nhiệm chức vụ tổng thống nên phiên tòa luận tội là vi hiến; và
Thứ hai, những lời phát biểu của ông Trump thể hiện quyền tự do ngôn luận được Tu chính án thứ nhất bảo vệ và ông Trump có quyền đặt nghi vấn cho kết quả bầu cử trong bài phát biểu.
Ông Trump là người luôn muốn chủ động nắm bắt tình hình và quyết không chịu thua nên bản trả lời Quốc Hội cho thấy ông muốn thay đổi nhóm luật sư để tranh biện theo hướng chính trị thay vì pháp lý.
Như thế sẽ tạo cơ hội để ông đối phó và tranh biện về nội dung chính trị của bài ông phát biểu, điều cần nhớ là phiên tòa sẽ đi vào lịch sử và ông Trump muốn có 1 trang sử công bằng với ông.

Vì sao họ quyết kết tội ông Trump?
Đã từ lâu và đã nhiều lần báo chí chính thống dự đoán ông Trump sẽ “tự ân xá” trước ngày 20/1/2021, điều họ không nói ra là một người phải bị tòa án kết tội hay đang bị truy tố thì mới nói đến chuyện ân xá.
Nếu ông Trump có tội thì đó là tội ông làm chính trị, làm đảo lộn mọi “trật tự” mà các chính trị gia cả đảng Dân Chủ lẫn đảng Cộng Hòa, giới báo chí, giới khoa bảng, giới tư bản, giới quan chức chính phủ bấy lâu nay gầy dựng.
Ông Trump có tội vì ông đã gầy dựng lại niềm tin cho gần 75 triệu cử tri Mỹ đã bầu cho ông, trong đó nhiều người đã quá chán ngán các chính trị gia nói một đằng làm một nẻo.
Mặc dù ông Biden đã trở thành tổng thống nhưng hiện vẫn còn 37% cử tri Mỹ tin rằng cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020 có quá nhiều bất thường và kết quả không đáng tin cậy.
Lãnh đạo đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện ông Kevin McCarthy đã phải chính thức xuống tận Câu Lạc Bộ Mar-a-Lago thuộc tiểu bang Florida để bàn với ông Trump về cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 (và có thể đã bàn về chiến lược tranh biện luận tội) cho thấy uy quyền chính trị của ông Trump vẫn còn rất cao.
Nhưng luận tội có thể là cái bẫy nếu ông Trump không cẩn thận những lời tranh biện sẽ trở thành những bằng chứng để đảng Dân Chủ chính thức truy tố ông ra tòa, như vậy họ không chỉ ngăn cản ông tranh cử năm 2024 mà còn đưa ông vào vòng lao lý, hủy hoại tất cả những uy tín chính trị ông đã gầy dựng.
Đưa ông Trump vào tù chính là mục tiêu muốn đạt được của đảng Dân Chủ nên cuộc luận tội lần này sẽ còn nhiều điều bất ngờ rất đáng để quan sát và học hỏi.
4/2/2021
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi



Nhìn lại sự thua cuộc của ông Trump

trong bầu cử Tổng thống Mỹ vừa rồi

Có người nói rằng "Đừng buồn nữa, không phải lần nào "chính" cũng thắng "tà". Lần này "tà" nó gian manh hơn nên thắng "chính". Phe "chính" sẽ phải rút kinh nghiệm và lần sau sẽ cố gắng để thắng trở lại" v.v...
Tôi không nghĩ lần này chỉ đơn giản là một cuộc chiến của "chính" và "tà". Từ thế kỷ 20 trở đi thế giới này đã chứng kiến biết bao chiến thắng của phe "tà", chẳng lẽ người ta đã quên hết rồi sao!
Nào là chiến thắng giành chính quyền của phe CS trên đất Trung Hoa, đẩy bật phe DC sang đất Đài Loan, tiếp theo là sự chiến thắng của CSTQ trên chính trường thế giới khi giành lấy được cái ghế Thành viên thường trực Hội đồng Bảo An LHQ từ tay Đài Loan, và chính thức cô lập Đài Loan thành một quốc gia "nửa chính thức" bị gần hết các nước trên thế giới không công nhận sự độc lập. Tiếp theo ta lại chứng kiến sự sụp đổ của Nền Cộng Hòa VN trong cái chết của tổng thống Diệm, một người yêu nước chân chính, bị đảo chính và bị sát hại bởi chính người của phe mình. Tiếp theo nữa, năm 75 ta lại chứng kiến sự thua cuộc và cái chết tức tưởi của VNCH khi bị xâm lược bởi CSVN, trước con mắt ngó lơ của cộng đồng thế giới (càng đau hơn nữa khi nhớ lại rằng năm 1972 CSVN đã rơi vào tình thế kiệt quệ gần phải đầu hàng, không ngờ chỉ 3 năm sau người CS chạy xe tăng ngông nghênh trên đất Sài Gòn mà không hề bị một sự chống đối nào từ VNCH).
Năm 2019-2020, người ta nói về Hong Kong như một biểu tượng đấu tranh dân chủ tự do, không chịu khuất phục trước CSTQ. và rồi kết quả thế nào? Giữa năm 2020, trong khí thế đấu tranh sục sôi của thanh niên Hong Kong, CSTQ đã giành được sự kiểm soát hoàn toàn chính quyền Hong Kong chỉ trong vòng vài tuần, thậm chí vài ngày. Thành viên chính phủ thân dân chủ bị bức ép đến từ chức và giải tán. Thanh niên đấu tranh dân chủ bị bắt bớ và tù đày. Hong Kong chính thức bị chiếm bởi CS TQ chỉ trong mấy nước cờ. Cộng đồng thế giới chỉ phản đối lấy lệ, cũng y hệt như sự phản đối lấy lệ vào năm 1975 khi mà CSVN chiếm đất VNCH.
Năm 1972 không ai tin rằng miền Nam sẽ bị chiếm. "Chắc chắn sẽ xây dựng một quốc gia 2 chế độ theo như kiểu Triều Tiên", họ nghĩ vậy. Năm 1975 CS VN chỉ trong vài nước cờ đã chiếm gọn VNCH. Thế giới lúc đó sửng sốt không? Chẳng ai nhớ. Năm 2019 không ai không nghĩ rằng với sự bất khuất kiên cường của thanh niên Hong Kong thì CSTQ sẽ khó thể nào giành thế chủ động được. Năm 2020 CSTQ chỉ trong vài nước cờ đã chiếm gọn Hong Kong. Thế giới có ai bất bình không? Có ai bất ngờ không? Chẳng ai nhớ. Hay là chẳng ai quan tâm?...
Đầu năm 2020 chẳng ai nghĩ rằng Tổng thống Trump sẽ thua Biden. Cuối năm 2020 đầu năm 2021 ông Trump bị thua thê thảm, thua toàn diện, từ việc thua phiếu, cho đến việc bị hệ thống Tam quyền phân lập cùng nhau phớt lờ các phản đối của ông và ép ông phải nhận thua, đến việc bị truyền thông lăng mạ sỉ nhục đến mất hết thanh danh, mạng xã hội thì khóa tài khoản, chính quyền các cấp và hệ thống doanh nghiệp thì cùng nhau tìm mọi cách tẩy chay và cô lập chính ông và cả những người ủng hộ ông... Ông Trump và những người phe của ông đã bị thua chỉ trong vòng 3 tháng. Lại cũng chỉ thua chóng vánh sau một vài nước cờ. Cộng đồng yêu mến ông Trump trên thế giới và chính trên nước Mỹ có bất bình không? Tôi nghĩ chắc có. Nhưng họ có làm được gì để thay đổi tình hình không? Chắc là không...

Thế kỷ 20 và 21 người ta đã chứng kiến rất nhiều sự thua cuộc đau đớn của phe "Chính", và phải chấp nhận đứng nhìn những chiến thắng dễ dàng của phe "Tà" mà chẳng làm được gì cả.
Người phe "Chính" luôn nói về những thất bại đó rằng phe "Tà" họ quỷ quyệt và gian xảo hơn nên giành chiến thắng. Nhưng họ không hề nhìn ra rằng các sự thua cuộc đó của họ đều có những điểm chung: đó là sự ủng hộ của thành phần đa số dân chúng cho phe "Tà".
Năm 1949 nếu không có chính người dân TQ ủng hộ thì liệu CSTQ có thể giành chiến thắng trước chính quyền Tưởng Giới Thạch hay không? Năm 1971 nếu không có sự ủng hộ của cộng đồng thế giới thì liệu TQ có giành được ghế Hội đồng Bảo An LHQ từ tay Đài Loan? Năm 1975 nếu không có toàn thể người dân miền Bắc ủng hộ, một số đông dân miền Nam ủng hộ CS (MTGPMN), một số đông dân miền Nam trung dung đứng giữa nhưng lại sẵn sàng chấp nhận sự khuất phục trước CS, và một số đông quân dân miền Nam ghét CS nhưng lại không đủ dũng khí đứng lên và cam chịu sự thua cuộc, nếu không có tất cả bọn họ thì liệu CSVN có dễ đánh chiếm miền Nam một cách dễ dàng vậy không? Năm 2020 nếu không có sự ủng hộ của một số đông dân Hong Kong thân CS, một số đông dân Hong Kong trung dung đứng giữa không quan tâm CS hay Tư bản ai thắng, và một số đông dân Hong Kong ghét CS nhưng cam chịu thua cuộc, nếu không có tất cả bọn họ thì liệu CSTQ có nhanh chóng dễ dàng chiếm trọn quyền kiểm soát chính quyền Hong Kong chỉ trong vòng vài tuần hay không?
Người Cộng Sản họ đã từng nói một câu "Thế giới rồi sẽ tiến lên XHCN. XHCN sẽ là hình thái kinh tế chính trị xã hội cao nhất trong xã hội loài người."
Người theo Tư Bản họ chế giễu lời tuyên bố đó, cho rằng lời tuyên bố đó là kiêu ngạo ngu ngốc, không thể có chuyện một hình thái xã hội không tôn trọng tự do thị trường, một hình thái chính trị độc tài kiểu như vậy mà có thể được áp dụng trên thế giới, khi mà thế giới càng ngày càng dân chủ hóa thì hình thái XHCN chỉ có đi vào đường tuyệt vong. Năm 1991 Liên Xô sụp đổ. Người Tư bản càng có lý do để tin rằng XHCN chỉ là ảo vọng, chỉ là một lý tưởng điên cuồng ngu xuẩn của những con người như Các Mác, Ăngen, Lê Nin... Họ tin rằng XHCN rồi cũng sẽ có ngày cáo chung.
Hóa ra mọi chuyện không đơn giản như vậy. Năm 1991 nền CS Liên Xô sụp đổ không hề là một dấu hiệu cho thấy XHCN sụp đổ. Thật ra nó chỉ là một sự chọn lọc tự nhiên, một sự đào thải những cá thể yếu kém trong cái "giống loài" Cộng Sản. "Cá thể" Liên Xô yếu kém bệnh tật và không đủ sức sinh tồn nên buộc phải bị tiêu diệt. Còn những cá thể khác thì lại bắt đầu tiến hóa hơn và đã tìm được cách thích nghi với môi trường nên chúng càng phát triển và lớn mạnh thêm. Người ta tưởng rằng thế giới CS chỉ còn những "cá thể" yếu kém sống lay lắt qua ngày như là Cu Ba, VN, Bắc Triều Tiên hay dù mạnh mẽ nhưng bản chấn vẫn bệnh tật bên trong chính là TQ. Họ không hiểu rằng thế giới CS hiện nay gần như chiếm trọn gần hết thế giới, khi mà "giống loài" của chúng không còn nằm ở dạng Cộng sản nữa, mà đã biến hóa thành những dạng khác như Đảng Dân Chủ ở Mỹ, các chế độ Dân chủ ở châu Âu, hệ thống Dân chủ độc tài kiểu Nga v.v... Tức là hiện nay hệ thống CS đã phủ khắp thế giới, chỉ có điều ở các hình thức khác nhau và không mang cái tên rõ ràng "Cộng Sản". Trong số đó, cũng có một số thành phần Tư bản khi đã lớn mạnh đến một mức độ nào đó, chính họ cũng tự biến thành CS và hướng dân chúng đi theo tư tưởng CS để họ dễ bề thao túng. Đó chính là các tài phiệt mà điển hình là thế giới Big Tech của Mỹ bây giờ.

Nhìn lại sự thua cuộc của ông Trump. Dù rằng có sự gian lận phiếu bầu. Dù rằng có sự lưu manh đến trắng trợn trong hệ thống bầu cử và kiểm phiếu ở các địa phương. Nhưng tôi lại hỏi chữ NẾU:
Nếu không có đông đảo những người dân thân phe Dân Chủ tham gia vào làm việc ở hệ thống bầu cử ở địa phương, nếu không có sự ủng hộ và bỏ phiếu của một số đông người dân cho chính Joe Biden (80 triệu phiếu có thể là không phải hoàn toàn thuộc về ông ta nhưng ít nhất có thể là đã có 50 triệu phiếu bầu thật sự cho ông ta), nếu không có sự ủng hộ và bỏ phiếu của một số đông người dân cho chính các dân biểu và thượng nghị sĩ đảng Dân Chủ dẫn đến sự thắng thế của đảng Dân Chủ trong Lưỡng Viện Quốc Hội, nếu không có một số đông người dân đồng tình với việc thất cử của ông Trump (có thể do họ ghét ông Trump), nếu không có một số đông người dân trung dung đứng giữa chẳng quan tâm ai thắng ai thua sẵn sàng chấp nhận mọi kết quả bầu cử, và quan trọng nhất, nếu không có một số đông người dân mặc dù ủng hộ ông Trump nhưng cuối cùng lại cam chịu và im lặng trước sự gian lận của đảng Dân Chủ, cam chịu và im lặng trước sự toa rập hèn nhát của hệ thống Tam Quyền Phân Lập khi phớt lờ các phản đối của ông Trump, cam chịu và im lặng trước hành động trả thù đê hèn của đảng Dân Chủ khi họ bắt đầu chiến dịch tẩy chay và cô lập các thành viên phe Trump, nếu không có tất cả bọn họ, nếu không có những người dân kiểu như họ đã gián tiếp trợ giúp, tạo động lực cho đảng Dân Chủ giành chiến thắng, thì liệu đảng Dân Chủ có lộng hành được như ngày hôm nay hay không?
Hãy nhìn lại sự thua cuộc của phe Trump ngày hôm nay, có ai nhìn thấy sự giống nhau đến kỳ lạ khi liên hệ sự kiện này với sự kiện Hong Kong bị mất chính quyền năm 2020, và sự kiện miền Nam bị mất chính quyền năm 1975? Tất cả đều có điểm chung, đó là: phe Tà ngửi thấy được sự đồng thuận của số đông dân chúng, và đánh hơi thấy được sự hèn nhát cam chịu chấp nhận thua cuộc của số đông thành viên ở phe Chính, nên phe Tà quyết định xuống tay nhanh chóng, tàn độc, bất chấp luân thường đạo lý, để cuối cùng giành được một chiến thắng áp đảo. Sự gian lận phiếu bầu và cách hành xử lưu manh của đảng Dân Chủ ở trong cuộc bầu cử Mỹ 2020 có diễn ra một cách ngang nhiên trắng trợn không? CSTQ cướp chính quyền Hong Kong có trái với Hiệp ước với Anh Quốc và hành động có ngang nhiên trắng trợn không? CSVN cướp chính quyền miền Nam có trái với Hiệp định Paris và có cướp một cách ngang nhiên trắng trợn không? Tất cả câu trả lời đều là Có. Tất cả họ đều hành động một cách rất trắng trợn và ngang nhiên, bất chấp mọi lời phản đối. Nhưng tại sao? Đó là vì họ biết rằng dù có nhận được lời phản đối, thì con số phản đối vẫn còn ít hơn con số ủng hộ (cộng thêm con số cam chịu im lặng không phản đối), nên họ vẫn cứ bất chấp tất cả để hành động. Họ không sợ vì biết rằng đa số vẫn đang ủng hộ họ.
Cho nên tôi kết luận rằng, lần này phe ông Trump không thua vì phe Dân Chủ gian manh xảo quyệt hơn. Mà ông thua chính là vì vẫn còn một số rất rất đông người dân Mỹ không thích hay không hiểu tư tưởng và chính sách của ông, và họ vẫn còn đang mơ tưởng vào một hệ thống xã hội công bằng tốt đẹp thiên đường hão huyền do đảng Dân Chủ vẽ ra, một hệ thống kinh tế theo kiểu XHCN, một hệ thống chính trị độc tài toàn trị kiểm soát mọi hành động mọi suy nghĩ của người dân. Vẫn còn rất đông người Mỹ vẫn tin vào một hệ thống mơ mộng đó và vì thế họ vẫn cứ góp phiếu cho Joe Biden, vẫn cứ góp phiếu cho dân biểu và nghị sĩ đảng Dân Chủ, vẫn cứ tin theo truyền thông cánh tả để ghét và chỉ trích các hành động của ông Trump, vẫn cứ thù ghét và phản đối các phong trào biểu tình ủng hộ ông Trump v.v... vì thế họ đã góp một tay vào con đường thành công trong chính trường của đảng Dân Chủ trong bầu cử lần này. Phải nói rằng nhờ một số đông người dân ủng hộ mà nước Mỹ nói riêng, thế giới văn minh nói chung đang từng bước tiến lên XHCN như người Cộng Sản đã từng tiên đoán. Chính người dân xứ văn minh chính là nhân tố chính để đưa Chủ Nghĩa Xã Hội trở thành một tư tưởng được chấp nhận và chính thức áp dụng trong xã hội loài người, cũng như chính họ sẽ là nhân tố chính để từng bước biến thế giới này nằm dưới tay kiểm soát của các chính quyền độc tài toàn trị.

PS: Bài viết này tôi muốn nói, nếu muốn chiến đấu ta phải biết kẻ thù là ai. Kẻ thù của tự do không phải chỉ đơn giản là bọn độc tài toàn trị, Big Tech, tài phiệt... Kẻ thù của thế giới tự do chính là những con người thường dân xung quanh chúng ta, vẫn đang u mê, lầm lạc, tin tưởng vào những tư tưởng hão huyền mơ mộng do bọn độc tài toàn trị tô vẽ và sẽ luôn chấp nhận làm con cừu ngoan ngoãn cho bọn độc tài toàn trị thao túng. Chính những người xung quanh chúng ta ngày nào trong đầu họ vẫn còn cái tư tưởng XHCN, thì thế giới nay vẫn sẽ còn lầm than vì vẫn còn để bọn độc tài toàn trị dẫn dắt.
An Trandiec
Nguồn: Internet

 

Đăng ngày 05 tháng 02.2021