Nhờ đâu cựu TT Trump được xử trắng án?
Nguyễn Quang Duy
Tôi dùng từ “trắng án” để nói về kết quả phiên tòa luận tội ông Trump lần thứ hai, nhưng nếu bạn dùng từ “chiến thắng”, hay “tha bổng”, hay “tha tội” theo tôi đều có lý cả.
Mục tiêu của đảng Dân Chủ là kết tội ông Trump nhưng họ đã không đạt được kết quả, nên phía ủng hộ ông Trump có quyền xem đó là chiến thắng của ông ấy và của họ.
Thượng nghị sĩ Mitch McConnell Lãnh đạo phe Thiểu số đảng Cộng hòa cho biết ông không kết tội ông Trump vì ông ấy đã mãn nhiệm, kết tội ông là vi phạm Hiến Pháp.
Nhưng ông McConnell cũng cho biết ông Trump vẫn phải chịu trách nhiệm về lời nói, việc làm và vẫn có thể bị tòa án truy tố trong tư cách một thường dân khi có bằng chứng phạm tội, nên cũng có thể coi như ông Trump đã được ông McConnell tha tội.
Dưới một phiên tòa pháp lý chỉ khi nào tòa án kết tội và người bị cáo buộc không tiếp tục kháng án thì mới bị xem là có tội.
Theo tôi có loại bỏ những định kiến chính trị thì mới có thể hiểu được những gì đã xảy ra trong tiến trình luận tội và lý do ông Trump không bị Thượng Viện kết tội.
Bằng chứng hiển nhiên ông Trump có tội.
Ngay sau cuộc bạo loạn xảy ra bên trong Quốc Hội, đảng Dân Chủ đã công khai tuyên bố sẽ luận tội ông Trump dựa trên những bằng chứng hiển nhiên mà mọi người đều có thể chứng kiến trên truyền hình, mạng xã hội và qua báo chí.
Khi ấy chính lãnh đạo Thượng viện đảng Cộng Hòa ông Mitch McConnell tuyên bố những kẻ gây bạo loạn đã bị ông Trump lừa dối phản đối kết quả bầu cử nên ông ủng hộ việc Hạ viện luận tội ông Trump.
Có sự khuyến khích của ông McConnell và hàng chục viên chức cao cấp bên Hành Chánh đồng loạt từ chức, nên đảng Dân Chủ tin rằng rất dễ dàng để họ có được 2/3 số thượng nghị sĩ đồng ý kết tội ông Trump.
Hạ Viện luận tội
Ngày 13/1/2021, tại Hạ Viện không cần điều tra, không cần nhân chứng và ông Trump không có luật sư bào chữa, các Dân biểu đảng Dân Chủ và 10 Dân biểu đảng Cộng Hòa quyết định luận tội ông đã “kích động bạo loạn” với bằng chứng là lời phát biểu của ông trước Tòa Bạch Ốc vào trưa ngày 6/1/2020.
Nhưng khi đó ông McConnell lại công khai từ chối mở ngay phiên tòa với lý do Thượng Viện sẽ chỉ còn họp 2 ngày 19 và 20/1/2021 và đã có chương trình cho cả 2 ngày.
Theo quy định Quốc Hội nếu đảng Dân Chủ đưa Nghị Quyết luận tội lên Thượng Viện trước trưa ngày 20/1/2021, khi đó ông Trump vẫn còn là tổng thống, thì bắt buộc Thượng Viện phải nhận và như thế bản chất của vụ kiện khi Thượng Viện mở phiên tòa vẫn là xử Tổng thống Trump.
Thượng Viện quyết định
Sau ngày 20/1/2021, khi Hạ Viện đưa Nghị Quyết luận tội lên Thượng Viện thì Chánh án Tối cao pháp viện John Roberts chính thức từ chối chủ tọa phiên tòa, dấu hiệu cho thấy việc luận tội ông Trump có thể đã vi phạm Hiến Pháp Hoa Kỳ.
Ngày 26/1/2021 được sự đồng ý của ông McConnell, Nghị sĩ Rand Paul đảng Cộng Hòa đặt vấn đề dùng thủ tục 'impreachment' (truất phế) với một tổng thống đã mãn nhiệm là trái với hiến pháp Mỹ, ông đề nghị Thượng Viện tranh luận và biểu quyết.
Qua biểu quyết chỉ có 5 nghị sĩ đảng Cộng Hòa cùng với 50 nghị sĩ đảng Dân Chủ đồng ý việc xét xử là đúng với Hiến Pháp.
Mục tiêu khác của đảng Dân Chủ là gây chia rẽ trong nội bộ đảng Cộng Hòa nhưng kết quả cuộc biểu quyết cho thấy các chính trị gia đảng Cộng Hòa vẫn rất đoàn kết.
Ngày 28/1/2021, Lãnh đạo đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện ông Kevin McCarthy đã phải chính thức xuống tận Câu Lạc Bộ Mar-a-Lago thuộc tiểu bang Florida để gặp ông Trump bàn luận về chiến lược và chiến thuật tranh cử năm 2022.
Theo tôi, hai người hẳn đã bàn và đã đồng ý với nhau về chiến lược tranh biện cho phiên tòa nên ngay sau đó có tin ông Trump đã thay nhóm luật sư biện hộ cho ông.
Phiên tòa bắt đầu
Vào ngày 9/2/2021, Thượng Viện bắt đầu phiên tòa bằng việc tranh biện giữa các công tố viên và nhóm luật sư bảo vệ ông Trump rằng việc xét xử một tổng thống đã mãn nhiệm có đúng với Hiến pháp Mỹ hay không.
Phía các công tố viên đảng Dân Chủ có kế hoạch, có tổ chức nên lập luận vững chắc, còn các luật sư bảo vệ ông Trump thì ngược lại lý luận lỏng lẻo, thiếu kế hoạch, thiếu tổ chức.
Nhưng kết quả vẫn chỉ có 6 thượng nghị sĩ đảng Cộng Hòa đồng ý với 50 nghị sĩ đảng Dân Chủ là phiên tòa hợp hiến.
Các công tố viên đảng Dân cần phải thuyết phục thêm 11 nghị sĩ đảng Cộng Hòa đồng ý ông Trump có tội, thì mới đủ 2/3 phiếu Thượng Viện để kết tội ông Trump.
Lý lẽ đảng Dân Chủ
Mặc dù kết quả khó đạt được các công tố viên trong vòng 12 tiếng đã trình bày khá chi tiết để lập luận ông Trump gieo rắc mối nghi ngờ có gian lận trong cuộc bầu cử tổng thống 2020 nhằm “tập hợp” cuộc biểu tình gây bạo loạn.
Các công tố viên đã sử dụng những video clip với lời nói của ông Trump để cáo buộc ông đã “châm ngòi và kích động” những kẻ bạo loạn đột nhập vào Điện Capitol, và cáo buộc ông chính là tổng tư lệnh của một cuộc nổi dậy nhằm lật ngược kết quả cuộc bầu cử năm 2020.
Các công tố viên sử dụng các video an ninh Quốc Hội để chứng minh mức độ nghiêm trọng do những người bạo loạn gây ra khiến 5 người chết trong đó có 1 cảnh sát viên và họ quy trách nhiệm do ông Trump gây ra.
Đến phần kết luận, Dân biểu Jamie Raskin, trưởng nhóm công tố, cho biết trong hai ngày qua nhóm công tố đã nhiều lần sử dụng những “lý lẽ thường tình”(common sense) để chứng minh rằng cựu Tổng thống Donald Trump phạm tội cao nhất là kích động nổi dậy.
Ông kêu gọi các thượng nghị sĩ trong vai trò bồi thẩm viên cần cân nhắc sự phán xét của lịch sử khi biểu quyết vì nếu ông Trump không bị kết tội có thể sẽ gây thêm nguy hại cho nền dân chủ của Hoa Kỳ.
Lý lẽ biện hộ
Nhóm luật sư bảo vệ ông Trump đã dành hơn 3 tiếng đồng hồ lập luận rằng những “lý lẽ thường tình” của các công tố viên đảng Dân Chủ là dựa trên “hận thù” (hated) đảng phái.
Họ cho chiếu những video nhiều chính trị gia đảng Dân Chủ trong đó có cả Dân biểu Jamie Raskin tuyên bố cuộc bầu cử năm 2016 đã bị “đánh cắp”, nhiều người phủ nhận kết quả bầu cử năm 2016 và nhiều người cũng đã thách thức các cử tri đoàn.
Theo họ thách thức kết quả bầu cử của các chính trị gia đảng Dân Chủ không có gì sai trái vì đó là một thủ tục hợp pháp và hợp hiến, tương tự như ông Trump đã làm trong cuộc bầu cử năm 2020.
Họ cho chiếu những video nhiều chính trị gia đảng Dân Chủ trong đó có cả Dân biểu Jamie Raskin, tất cả các công tố viên, Chủ tịch phiên tòa Thượng Nghị sĩ Pat Leahy, đương kim Tổng thống Joe Biden và phó Tổng thống Kamala đều đã dùng những từ ngữ như “chiến đấu” (fight hay fighting) hay “chiến đấu đến cùng” (fight like hell) như ông Trump đã dùng trong bài phát biểu ngày 6/1/2021.
Theo họ đó là ngôn ngữ thường dùng của các chính trị gia là tự do ngôn luận được Tu chánh án thứ nhất bảo vệ nên không thể lấy đó làm chứng cớ kết tội ông Trump.
Nhóm luật sư lập luận rằng các công tố viên cố tình bỏ qua việc một số nhóm cực đoan, cả cánh tả lẫn cánh hữu, đã lên kế hoạch gây bạo loạn từ trước ngày 6/1/2021 và đã cố tình cắt xén lời ông Trump kêu gọi người biểu tình phải ôn hòa, phải tôn trọng luật pháp và an ninh trật tự.
Họ kêu gọi các Thượng Nghị Sĩ phủ quyết việc kết tội ông Trump vì kết tội ông Trump là vi phạm quyền luận tội, vi phạm quyền tự do ngôn luận và đồng nghĩa với việc kết tội đa số những người đã biểu tình một cách ôn hòa vào ngày 6/1/2021, cũng như kết tội gần 75 triệu cử tri đã bầu cho ông Trump.
Mời nhân chứng
Đảng Dân Chủ muốn mở rộng việc luận tội sang những gì ông Trump đã biết và đã hành động sau khi ông được báo tin cuộc bạo loạn đang diễn ra bên trong tòa nhà Quốc Hội.
Phía luật sư dứt khoát từ chối tranh biện ngoài đề tài luận tội: “ông Trump có kích động bạo loạn hay không?”
Công tố viên Jamie Raskin yêu cầu Thượng viện cho phép mời Dân biểu đảng Cộng Hòa Herrera Beutler làm nhân chứng về cuộc nói chuyện giữa ông Kevin McCarthy Lãnh đạo phe thiểu số đảng Cộng Hòa tại Hạ viện với ông Trump vào trưa ngày 6/1/2021.
Phía luật sư của ông Trump phản đối việc gọi nhân chứng nhưng nếu Thượng Viện quyết định mời họ sẽ mời hằng trăm nhân chứng và như thế phiên tòa sẽ kéo dài hằng tháng.
Thượng Viện đã biểu quyết thông qua với số phiếu là 55/45 muốn gọi nhân chứng, Thượng Nghị Sĩ Lindsey Graham đảng Cộng Hòa vào phút cuối đã thay đổi ý kiến ông cũng muốn gọi nhân chứng.
Ông Graham từng cho biết nếu đảng Dân chủ gọi dù chỉ một nhân chứng tại phiên tòa luận tội ông sẽ đưa FBI ra làm chứng về những tổ chức đã lên kế hoạch tấn công và những thất bại trong việc bảo vệ an ninh Điện Capitol.
Còn Thượng nghị sĩ Mitch McConnell Lãnh đạo phe Thiểu số đảng Cộng hòa tuyên bố với báo chí ông sẽ không kết tội ông Trump vì ông ấy đã mãn nhiệm kết tội ông ấy là vi phạm Hiến Pháp.
Rõ ràng việc kéo dài phiên tòa sẽ không mang lại kết quả như ý đảng Dân Chủ muốn, mà còn ảnh hưởng đến việc Thượng Viện phải bàn cãi để thông qua các Đạo Luật do Chính Phủ Biden và Hạ Viên đưa qua.
Chỉ vài tiếng sau, Thượng Viện tuyên bố các công tố viên đảng Dân Chủ và nhóm luật sư của ông Trump đã đồng ý sẽ đính kèm lời chứng của Dân biểu Herrera Beutler vào biên bản phiên tòa mà không gọi thêm nhân chứng.
Ngay sau đó Thượng Viện đã biểu quyết với số phiếu 57/43, theo đúng Hiến Pháp ông Trump không bị Thượng Viện kết tội đã “kích động bạo loạn” như Hạ Viện cáo buộc.
Nước Mỹ càng chia rẽ
Đây là một phiên tòa lịch sử, một cuộc đấu trí nghị trường Hoa Kỳ được mở công khai, mọi chứng từ và tranh biện hai bên đều đã được công bố, nên bài viết chỉ mong tóm lược các diễn biến để trả lời câu hỏi nhờ đâu ông Trump được trắng án.
Khi bắt đầu việc luận tội đảng Dân Chủ đã hết sức tự tin sẽ có đủ số phiếu ở Thượng Viện để kết tội ông Trump, ngăn chận ông ra tranh cử năm 2024 và gây chia rẽ nội bộ đảng Cộng Hòa.
Nhưng suy tính của đảng Dân Chủ vì các lý do được nêu bên trên đã hoàn toàn thất bại.
Đến bây giờ vẫn chưa có một bằng chứng pháp lý nào dù thật yếu để có thể đưa ông Trump ra tòa để kết tội ông đã “kích động bạo loạn”.
Nay, theo tôi người thương ông Trump vẫn thương và có thể thương hơn, còn người ghét ông Trump thì vẫn ghét và có thể ghét hơn.
Chính trị Mỹ sẽ tiếp tục chia rẽ trái ngược lời kêu gọi đoàn kết hay thống nhất chính trị của Tổng thống Joe Biden.
Nhưng trong một nền chính trị quá tự do, đa nguyên và công khai như nước Mỹ thì phải hết sức “lý tưởng” mới dám nghĩ đến chuyện đoàn kết hay thống nhất.
Cuộc tranh cử và luận tội cuối cùng thắng thua đều đã được xác nhận, người Mỹ lại tiếp tục chạy đua cho cuộc tranh cử giữa kỳ năm 2022 và tranh cử tổng thống năm 2024.
Thấy vậy mà thèm cho Việt Nam quê hương mến yêu của chúng ta không rõ đến bao giờ mới có tranh cử tự do.
16/2/2021
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
Công lý đã đứng về phía TT Trump
Trưa Thứ Ba, ngày 9/2/2021, Thượng Viện đã tổ chức cuộc luận tội truất phế Tổng Thống mãn nhiệm Donald Trump. Phiên tòa này đã bị Chánh Án Tối Cao Pháp Viện John Roberts từ chối chủ tọa. Sau đó TNS Patrick Leahy thuộc đảng Dân Chủ của tiểu bang Vermont đã được đề cử làm chủ tọa. TT Trump bị buộc tội xúi giục dân chúng tấn công tòa nhà Quốc Hội ngày 6/1/2021. Có 9 Dân Biểu Dân Chủ được chỉ định làm công tố viên và đại diện TT Trump có 3 luật sư biện hộ. Tuy rằng lực lượng 2 bên quá chênh lệch nhưng nhiều bình luận gia, cũng như giáo sư luật lỗi lạc Alan Dershowitz đã tiên đoán rằng cuộc luận tội này sẽ chẳng đi tới đâu, chỉ là một trò hề chính trị vì tự bản chất cuộc luận tội đã vi phạm hiến pháp.
Trong 4 ngày liên tiếp, 9 công tố viên đã lớn tiếng buộc tội TT Trump là người kích động bạo loạn. Nhóm công tố đã ghép những đoạn video, cắt xén lời phát biểu của TT Trump, lấy ra những phần họ cho là có thể buộc tội TT Trump. Cụ thể là hình ảnh hàng trăm ngàn người biểu tình ôn hòa thì không được đưa vào video mà họ chỉ lấy hình ảnh của vài trăm người chen lấn, gây hỗn loạn, tràn vào tòa nhà Quốc Hội. Lời phát biểu của TT Trump kêu gọi “hãy biểu tình trong ôn hòa, trong tinh thần ái quốc” không hề được nhắc tới. Công tố viên đã đưa ra những hình ảnh, tài liệu không trung thực, không có giá trị pháp lý, không được phép xử dụng tại tòa án. Thật đúng là tòa án kangaroo.
Trọng tâm lời buộc tội của các công tố viên là TT Trump đã nhiều lần phát biểu “chiến đấu, chiến đấu mãnh liệt". Mấy ông bà công tố viên này đã cắt đầu cắt đuôi, để tạo ra bằng chứng cáo buộc TT Trump là xúi giục người dân chiến đấu. Họ không dám dẫn chứng trọn câu nói của TT Trump là “chúng ta cần chiến đấu, chiến đấu mãnh liệt cho công lý và minh bạch của cuộc bầu cử. Chúng ta cùng đi tới Quốc Hội để ủng hộ những nhà lập pháp can đảm dám bảo vệ cuộc bầu cử. Chúng ta hãy giữ ôn hòa, tôn trọng an ninh trật tự và không gây hỗn loạn". Nhóm công tố đã không trình bày mục đích của TT Trump mà họ lại xuyên tạc, tố cáo TT Trump xúi giục người dân tấn công Quốc Hội.
Luật sư Michael van der Veen đã xuất sắc phản biện lại cáo buộc này qua một video chiếu lại hình ảnh và lời nói của nhiều thành phần lãnh đạo Dân Chủ như ông Joe Biden, Kamala Harris, Nancy Pelosi, Chuck Schumer... và tất cả những Dân Biểu trong nhóm công tố đã nhiều lần nói “chiến đấu, chiến đấu". Thậm chí nhiều người trong đảng Dân Chủ còn nói họ muốn đấm vào mặt TT Trump, muốn tiêu diệt ông... Thực ra đảng Dân Chủ đã lên kế hoạch và tiến hành việc truất phế TT Trump ngay từ khi ông mới đắc cử vào cuối năm 2016, và họ cứ tiếp tục đánh phá trong suốt 4 năm liên tiếp.
Một số chi tiết trong video do luật sư Michael van der Veen trình chiếu được ghi nhận vắn tắt như sau:
-TTT Joe Biden nói: “Chúng ta cần chiến đấu cho cuộc sống của chúng ta". Một lần khác ông Joe Biden nói “tôi muốn đấm anh ta".
-PTT Kamala Harris: “Phải chiến đấu, chúng ta không thể ngừng chiến đấu”.
-TNS Chuck Schumer: “Chiến đấu, chúng ta phải quyết liệt chiến đấu". Có lần ông ta nói “tôi muốn đấm vào mặt anh ta”
-Bà Nancy Pelosi than phiền rằng “Không hiểu sao chưa có những cuộc nổi dậy trên toàn quốc".
-TNS Corey Booker: “Chúng ta phải chiến đấu”.
-DB Ted Lieu: “Chúng ta đã chiến đấu, chúng ta cần tiếp tục chiến đấu”.
-DB Al Green nói “Phải truất phế ông Trump, nếu không, ông ta sẽ tái đắc cử".
-DB Maxine Waters: “Tôi không tôn trọng Trump, tôi sẽ chiến đấu mỗi ngày cho tới khi ông ta bị truất phế". Bà Waters còn nói “tôi sẽ loại ông ta”, bà ta đã xúi giục dân chúng “Khi thấy nhân viên của Tòa Bạch Ốc, hãy tấn công họ bất cứ nơi nào trông thấy họ, tại một đám đông, nhà hàng hay trạm xăng, hãy đuổi họ đi".
Phần tranh luận của luật sư Michael van der Veen đã được chính giới đánh giá cao. Tối Thứ Sáu, Giáo Sư luật học nổi tiếng Al Dershowitz đã xác nhận trên đài Newsmax là nhóm luật sư của TT Trump đã thắng. Chính ra sáng Thứ Bảy hôm nay, Thượng Viện sẽ biểu quyết xem TT Trump có bị kết tội hay không nhưng phía công tố lại đưa ra đòi hỏi gọi nhân chứng. Luật sư Michael van der Veen khẳng định “Chúng tôi sẽ lấy lời khai của 100 nhân chứng, chúng tôi không chấp nhận qua video, nhân chứng phải có mặt tại văn phòng của chúng tôi tại Philadelphia, PTT Kamala Harris và bà Nancy Pelosi sẽ được mời tới để chúng tôi lấy khẩu cung".
Nhiều người xôn xao nghĩ rằng cuộc luận tội này rồi sẽ kéo dài thêm nhiều tuần lễ nữa. Tuy nhiên, luật sư Michael van der Veen đã có phần kết luận rất thuyết phục, ông ta nói rằng “Một nhóm nào đó đã lên kế hoạch tổ chức cuộc hỗn loạn tràn vào Quốc Hội từ trước ngày 6/1/2021. Nhiều cuộc bạo loạn do thành phần cực đoan thiên tả tổ chức đã xảy ra trong mùa hè vừa qua nhưng đảng Dân Chủ đã hạ thấp nhu cầu an ninh, họ đã từ chối sự can thiệp của vệ binh quốc gia. Bà Pelosi chưa bao giờ gọi những cuộc biểu tình bạo loạn chiếm tòa án liên bang, phá hoại kho bạc là cuộc nổi dậy. Bà Harris còn quyên góp cho quỹ bảo lãnh những người gây bạo loạn để họ có thể tham gia trở lại. Đảng Dân Chủ đã tạo ra một tiêu chuẩn mới để bảo vệ lời phát biểu dựa theo tính cách đảng phái". Luật sư này nói thêm “Ông Trump có quyền đặt ra câu hỏi và tìm hiểu về tính trung thực của những bằng chứng mà nhóm công tố đã xử dụng. Cáo buộc của họ là vô căn cứ và bằng chứng của họ thì dựa trên những nguồn ẩn danh".
Khoảng 4 giờ chiều hôm nay, Thượng Viện đã biểu quyết TT Trump trắng án. Kết quả là 57/43, có 7 Thượng Nghị Sĩ đảng Cộng Hòa đã bỏ phiếu theo đảng Dân Chủ là TNS Bill Cassidy (R-LA), TNS Richard Burr (R-NC), TNS Susan Collins (R-ME), TNS Lisa Murkowski (R-AK), TNS Mitt Romney (R-UT), TNS Pat Toomey (R-PA) và TNS Ben Sasse (R-NE.)
Cuộc luận tội của Thượng Viện chỉ là một thủ đoạn chính trị tồi tệ, không có giá trị pháp lý, nhằm mục đích ngăn chặn TT Trump trở lại chính trường.
Ngoài cuộc Thượng Viện luận tội TT Trump trong tuần này, New York Post đã tung ra một tin chấn động vào Thứ Năm ngày 11/2/2012 là cô Melisa DeRosa, phụ tá đặc biệt của Thống Đốc Andrew Cuomo đã xác nhận rằng chính quyền New York đã không báo cáo đầy đủ những trường hợp tử vong do Covid 19 tại các viện dưỡng lão của tiểu bang vì Thống Đốc Andrew Cuomo lo sợ sẽ bị chính quyền liên bang mở cuộc điều tra hình sự. Tháng Tám năm vừa qua, vì nghi ngờ có sự mờ ám đã xảy ra tại các viện dưỡng lão tại New York, TT Trump đã yêu cầu một cuộc điều tra, và một tuần trước đây bà Litita James, Bộ Trưởng Bộ tư Pháp New York đã công bố kết quả điều tra cho thấy có nhiều vấn đề khuất tất đã xảy ra, quan trọng nhất là số người cao niên bị chết vì đại dịch thực sự nhiều hơn 50% so với báo cáo của Bộ Y Tế New York.
Hai Dân Biểu tiểu bang New York là Lee Zeldin và Elise Stefanik đã đòi hỏi mở một cuộc điều tra hình sự vì Thống Đốc New York đã ngăn cản công lý. Thị Trưởng New York, Bill de Blasio cũng đang kêu gọi một cuộc điều tra. Thống Đốc Andrew Cuomo sẽ phải đối mặt với những cuộc truy tố, rất có thể ông ta sẽ bị bãi nhiệm.
Thống Đốc Andrew Cuomo là người đã gây ra tội ác, thay vì xử dụng tầu bệnh viện Hải Quân do TT Trump gởi tới thì ông ta lại ra lệnh cho các viện dưỡng lão phải nhận những bệnh nhân Covid 19. Ông Thống Đốc này cũng như nhiều Thống Đốc Dân Chủ khác đã luôn luôn chống đối TT Trump trong chương trình chống đại dịch. Hậu quả là một số tiểu bang Dân Chủ có nhiều người bị chết oan, kinh tế bị suy sụp, trẻ em không được đi học.
Mới đây, TTT Joe Biden dự định sẽ áp đặt lên tiểu bang Florida lệnh “hạn chế du lịch” có nghĩa là hạn chế việc đi tới và đi ra khỏi tiểu bang này". Thống Đốc Ron DeSantis thề rằng ông ta sẽ chống đối lại bất cứ lệnh cấm du lịch nào nhằm vào tiểu bang Florida. Ông ta cho rằng quyết định này là “thiếu khôn ngoan, không công bằng, không hợp lý và vi hiến".
Kế hoạch chống đại dịch của ông Joe Biden thật là ngớ ngẩn khi ông ta cho phép di dân lậu đổ tràn vào Hoa Kỳ mà người dân lại bị cấm không được tự do đi lại trong nước.
Kim Nguyễn
Feb 13-2021
nhandinhthoicuoc.com
Xạo sự
Làm thế nào để trở thành một Tổng thống tồi tệ?
Tôi sinh ra trong bối cảnh thế chiến thứ hai đang bùng nổ dữ dội. Pháp đã đầu hàng Đức Quốc Xã, Nhật chiếm Đông Dương gây ra nạn đói thảm khốc Ất Dậu cho người Việt Nam chúng ta không có bút mực nào để diễn đạt hết tội ác của quân đội thiên hoàng con cháu của Thái Dương Thần Nữ. Lớn lên trong thời niên thiếu chỉ có biết học hành và rong chơi với bọn trẻ hàng xóm, khi được chín mười tuổi thì Cụ Ngô Đình Diệm về nước, không còn nghe nói đến Vua Bảo Đại nữa mà chỉ nghe Tổng Thống Ngô Đình Diệm, một chí sĩ anh minh vĩ đại của dân tộc, các quan đầu tỉnh quận được thay thế dần dần bởi những sĩ quan cấp úy cấp tá. Khi tôi vừa 18 tuổi (1963), sau khi Cụ Diệm bị thảm sát, thì tướng tá lên như diều gặp gió, đến nổi dư luận lúc đó gọi là hiện tượng "lạm phát tướng lãnh" đang chia nhau quyền hành lãnh đạo quốc gia trước cơn sóng ngầm của cộng sản ngày càng lớn mạnh. Rồi tôi vào lính, chỉ biết giày saut áo tận, chỉ biết núi rừng với bom đạn hàng ngày, có biết gì đâu tổng thống này hay phó tổng thống kia, ông tướng này tranh giành quyền lực với ông tướng nọ để lật đổ khai trừ đảo chánh chỉnh lý bắt bớ giam cầm lẫn nhau. Thật sự, mười năm trong quân ngũ, tôi cũng chỉ biết ông Lyndon B. Johnson, rồi tới ông Nixon, ông Gerald Ford là tổng thống Mỹ, chỉ có vậy thôi, tôi không biết mà cũng chẳng cần phải biết chính sách và đường lối ngoại giao của các vị này đối với Việt Nam ra sao, cũng chẳng tìm hiểu họ đã giúp gì cho Việt Nam cho đến khi họ rút quân và bỏ rơi Miền Nam vào tay cộng sản Bắc Việt. Lịch sử dân tộc mình còn chưa thông, lịch sử quân đội của chính mình đang phục vụ còn chưa thấu đáo ngọn ngành thì mắc mớ chi đi tìm hiểu mấy ông tổng thống của một quốc gia còn quá xa lạ với sự hiểu biết non nớt của tôi trong thời điểm này cho đến khi được may mắn được định cư ở xứ sở này khi Ông Ronald Reagan đang làm tổng thống. Thời gian này phải chúi mũi vào chuyện học hành rồi còn phải đi cày kiếm cơm, có thì giờ đâu mà theo dõi và tìm hiểu "Globalism, New World Order, Star War" của ổng. Cho đến cuối năm 1989 một biến cố, đối với tôi. vô cùng quan trọng xảy ra. Chế độ cộng sản của Liên Bang Xô Viết hoàn toàn sụp đổ và tan rã, hy vọng rằng sẽ kéo theo sự sụp đổ của Việt Nam, nhưng chỉ là một hy vọng mong manh trong hảo huyền như chuyện phong thần. Rồi kế tiếp là George H.W. Bush chỉ làm tổng thống có một nhiệm kỳ giao lại cho Bill Clinton, mọi hy vọng Cộng Sản Việt Nam sẽ sụp đổ hoàn toàn bị đẩy lùi vào bóng đêm với chiếc áo dài màu vàng của Bà Hillary Clinton phất phới bay lượn trên phố phường Hà Nội.
Muốn trở thành một tổng thống của Hoa Kỳ phải trải qua một chặng đường dài truân chuyên khổ luyện để vật lộn với chính giới Mỹ, chớ không phải như dưới chế độ quân chủ hay cộng sản "con vua thì được làm vua, chú tiểu trong chùa thì... cứ quét lá đa". Dĩ nhiên hai yếu tố tài năng và đạo đức của các ứng viên tổng thống Mỹ đã được đặt dưới hàng triệu kính hiển vi soi xét trước khi lá phiếu được bỏ vào thùng. Từ ngày lập quốc Hoa Kỳ, vị tổng thống đầu tiên không của một đảng phái nào cả đó là George Washington (1789-1797), và nay là vị tổng thống thứ 46 Joe Biden. Trong 45 vị tổng thống đó cũng có người mang lại thịnh vượng phú cường cho đất nước này, nhưng không ít người đã vì thiếu khả năng lãnh đạo đất nước trước những khủng hoảng toàn cầu, khiến cho nước Mỹ rơi vào tình trạng suy thoái, uy tín "anh cả" thế giới bị tụt hậu và dậu đổ bìm leo. Người Mỹ xếp hạng những tổng thống tồi tệ không phải vì hạnh kiểm, tư cách mà vì ông ta đã làm kinh tế và chính trị của Mỹ bị suy thoái và thiệt hại.
Một Harry S.Truman (1945-1953) đã vì quá nhu nhược đàn bà tính, tin tưởng vào con cáo già Stalin, mà để Đông Âu lọt vào vòng kiềm tỏa của cộng sản, làm cho chính trị Mỹ mất ăn mất ngủ kéo dài hơn 40 năm trong chiến tranh lạnh, sau đó cũng vì tính nhút nhát cả nể Nga, không tận tình trợ lực cho Tưởng Giới Thạch để mất Trung Hoa Lục Địa vào tay Mao Trạch Đông mở thêm một trang sử chính trị mới cho Hoa Kỳ kể từ năm 1949. Chỉ vài năm sau, hậu quả của chính sách nữa nạc nữa mở của Truman xảy ra ngay sau đó. Chiến tranh Triều Tiên sinh ra thêm một quái thai Bắc Hàn, kéo theo chiến tranh đông dương Việt Miên Lào, hệ lụy kéo dài cho đến ngày nay sinh ra cái lưỡi bò hán triều, tư thế và ảnh hưởng ở biển đông Thái Bình Dương của Mỹ coi như không có ký lô nào.
Một Jimmy Carter vị tổng thống thứ 39 của Mỹ, là một nhà đạo đức nhưng không đủ tài kinh bang tế thế khiến cho kinh tế nước Mỹ trì trệ, thất nghiệp nhiều và tăng trưởng chậm, cuối nhiệm kỳ của ông từ 1979-1981 gặp nhiều khủng hoảng chính trị như Iran bắt con tin Mỹ, năm 1979 khủng hoảng năng lượng, Xô Viết xâm lăng Afghanistan. Carter là một Tổng Thống tồi tệ của Mỹ cuối thập niên 70 đầu thập niên 80. Lạm phát trung bình là 12.5%, tỷ lệ thất nghiệp 7.5%… kinh tế cũng như chính đối ngoại của Mỹ thê thảm dưới sự lãnh đạo của TT Carter và nước Mỹ trở thành con cọp giấy.
Như là thời mạt vận của Mỹ đã gần kề nên đưa Bill Clinton lên làm tổng thống. Tại cuộc Bầu cử Tổng Thống ngày 3/11/1992, Bill Clinton (Dân Chủ) thắng Bush cha tỷ lệ 370/168 (Cử tri đoàn), hơn Bush cha khoảng 5 triệu phiếu phổ thông. Clinton trở thành Tổng Thống thứ 42 của Mỹ. TT Bill Clinton gặp may trước sự bùng nổ của high tech, internet, kinh tế lên, tỷ lệ thất nghiệp giảm, chính ông Bush con sau này cũng được hưởng sự bùng nổ của high tech. Từ ngày Clinton nhậm chức tới hết nhiệm kỳ tỷ lệ thất nghiệp giảm từ 7.4 tới 1994 còn 6 chấm, khi hết nhiệm kỳ khoảng 4.2. Clinton bị Hạ Viện Luận tội ngày 19/12/1998 vì nói dối qua vụ bê bối tình dục tại tòa Bạch Ốc. Bill Clinton bị đàn hặc vì nói dối và cản trở công lý, Thượng Viện tha tội cho ông ngày 12/2/1999, với tỷ lệ phiếu bầu 55/45. TT Clinton làm nhục cả nước Mỹ vì những vụ án tình dục với Paula Jones và Lewinsky. Ông thoát tội vì người dân không muốn truất phế Tổng Thống từ sau vụ Watergate 1974, họ cho là truất phế chỉ là trò đảng phái đánh phá nhau. Nhưng cái tồi tệ nhất của Clinton là dùng chiêu bài "toàn cầu hóa kinh tế thương mại", mở rộng thị trường rước khỉ về dòm nhà, nuôi ong tay áo, để bây giờ gián điệp nước ngoài được cài vào cơ cấu hệ thống từ thượng đến hạ tầng chính trị Mỹ. Thân xác là Mỹ nhưng máu huyết là Tàu.
Tiếp nối 8 năm của Clinton là George W. Bush (2001-2009). Làm tổng thống chưa đầy một năm thì Bush Con bị những vố nặng ngàn cân của Al Qaeda. Cả nước Mỹ kinh hoàng vì vụ 911, đưa đến cuộc chiến tranh Afghanistan và Iraq, cuộc chiến tranh hao của mất người mà vẫn còn nhì nhằng chưa kết thúc dù đã thanh toán được Saddam Hussein. Khi chuẩn bị dư luận để đánh Iraq, các nước Tây Âu nhất là Pháp, Đức chống đối cuộc chiến mạnh. Dư luận bi quan cảnh báo cuộc chiến tranh Iraq sẽ sa lầy như tại Việt Nam, ông Bush con quả quyết Iraq khác Việt Nam vì quân đội VNCH không chịu đánh chỉ chờ Mỹ đánh dùm !!! (Đồ Chó Đẻ - Xạo Sự). Khi không tìm thấy vũ khí hủy diệt ông lại đưa ra một mục tiêu mới: dân chủ hóa Iraq. Nhiều người cho rằng cuộc chiến Iraq là do ý muốn riêng của một mình TT Bush con. Năm 2008 người dân quá chán Bush con và Cộng Hòa với cuộc chiến Iraq, Afghanistan, họ nói nước Mỹ đã đi sai đường, người dân vô cùng thất vọng. Dư luận cứ thắc mắc vị phó tổng thống quyền lực nhất trong lịch sử Hoa Kỳ là Dick Cheney được Bush giao trọng trách khai thác 36 mỏ dầu ở Mosul bắc Iraq đã mang lợi ích gì cho Hoa Kỳ, tổng số lợi nhuận cả trăm tỷ mỹ kim chạy đi đâu? Câu hỏi không bao giờ được trả lời, chỉ thấy giá xăng từ trên 3 đồng giảm xuống còn trên dưới 2 đồng. Trước ngày bầu cử Tổng Thống năm 2008 khoảng sáu tuần lễ thì khủng hoảng tài chính diễn ra dữ dội. Thị trường chứng khoán lao xuống đáy vực, có ngày chỉ số Dow Jones mất gần 800 điểm, có ngày mất tiêu một ngàn tỷ, ngày nào cũng tụt xuống từ 700 tới 500 điểm, khủng hoảng kéo dài mấy tuần liên tiếp đã làm tiêu tán trên 8 ngàn tỷ Mỹ kim. Nhiều ngân hàng phá sản, hãng xưởng cho công nhân viên nghỉ hàng loạt. Dân chúng chán nản bất mãn, đối lập gay gắt chỉ trích "Bush lied people died..." Kinh tế Mỹ thường là mười hoặc hơn mười năm sẽ suy thoái một lần, nó giống như một trái banh khi ném xuống đất, banh sẽ nảy lên, một nhà bơi lội nhảy từ trên cầu cao xuống hồ tắm anh ta chìm dưới làn nước rồi sẽ nổi lên. Một phần TT Bush con gặp xui, nhưng phần lớn do ông đi sai đường vì sa lầy cuộc chiến Iraq và do thị trường địa ốc, quá dễ dãi trong việc cho mượn tiền mua nhà. Dư luận và truyền thông đã xếp Bush Con vào hạng Tổng Thống tồi tệ hàng đầu của Mỹ. Khi Bush sang Iraq họp báo, bị một phóng viên rút giày ném vào mặt. Năm 2016, khi Donald Trump tranh cử thắng 16 ứng cử viên Cộng Hòa khác, thấy Trump có đường lối khác lạ, ông cựu TT Bush con bèn tuyên bố một câu xanh rờn: “Có lẽ tôi là một Tổng Thống Cộng Hòa cuối cùng”. Lời tự đề cao cá nhân quá trớn của ông khiến người ta càng chán ngấy ông đến tận cổ vì những tại hại kinh hoàng mà ông đã làm cho nước Mỹ, không ai muốn nhắc đến tên ông, có lẽ ông nên im miệng thì hay hơn.
Năm 2008 Barrack Hussein Obama Dân Chủ lên thay thế Bush Con Cộng Hoà, tổng thống thứ 44 của Mỹ. Obama đắc cử là nhờ 42% phiếu của người da trắng, giới trẻ cũng ủng hộ nhiều, họ tin là ông sẽ thay đổi dòng lịch sử. Người ta quá chán Cộng Hòa và bỏ sang bầu cho Obama tin tưởng vào chính sách cứu nguy nền kinh tế của ông. Dân Chủ thắng lớn cả Hành Pháp lẫn Lập Pháp với Hạ Viện 257/178, Thượng Viện 57/41. Khi mới nhậm chức TT Obama bail out gấp 3 lần Bush con để cứu nền kinh tế suy sụp, ông cứu được thị trường chứng khoán trong vài tháng, người ta cho là Obama đi đúng đường. Nhưng ngày vui qua mau, thất nghiệp ngày càng tăng cao, khi nhậm chức tháng 1/2009 tỷ lệ 7.3, sau nó tăng lên 10 chấm (tháng 10/2009), một năm sau thất nghiệp vẫn cao, tỷ lệ 9.6 cuối năm 2010. Người dân thất vọng biểu tình đầy đường đòi việc làm, cơm áo. Họ phẫn nộ và bầu cho Cộng Hòa chiếm 63 ghế tại Hạ Viện và thêm 6 ghế Thượng viện. Năm 2012 người ta bầu cho Obama làm tiếp nhiệm kỳ hai để hoàn tất chương trình Obamacare và cũng vì Mitt Romney (Ứng viên CH) quá tệ. Cuối năm 2011, Obama ra lệnh rút hết quân ra khỏi Iraq, vì Obama cho rằng cuộc chiến Iraq là một cuộc chiến "ngu xuẩn" nhất lịch sử. Cái ngu này của Obama được trả giá bằng sự trỗi dậy kinh hoàng của phiến loạn ISIS xuất phát từ Syria chiếm gần 1/3 lãnh thổ phía bắc Iraq, thành lập Nhà Nước Hồi Giáo man rợ chưa từng thấy. Năm 2014, Putin yểm trợ nhóm thân Nga, tấn công Ukraine, Obama cứ giả bộ như mắt mù tai điếc làm ngơ coi như không hay biết gì. Gần cuối tháng 2/2014 Putin đưa vũ khí lén giúp bọn gốc Nga chiếm bán đảo Crimea, cuối tháng 3 họ tổ chức bầu cử ma mãnh để sáp nhập vào Nga. TT Obama chỉ phản đối xuông, sự nhu nhược của ông đã khiến người Mỹ vô cùng bất mãn, họ đâm lo, nay các cường quốc hạng nhì dám giở trò hăm dọa siêu cường Mỹ, Putin nói: “Nga là nước duy nhất trên thế giới có thể biến Hoa Kỳ thành tro bụi”. Dân Mỹ quá thất vọng về ông tổng thống da đen này nên ông được xếp hạng Tổng thống tồi tệ nhất nước Mỹ từ sau Thế Chiến thứ hai, tỷ lệ ủng hộ tụt xuống còn từ 35 tới dưới 40%. Cũng chẳng có gì phải ngạc nhiên khi mà một tổng thống của một quốc hàng đầu thế giới chỉ biết cúi đầu khom lưng làm trò hề cho thiên hạ chê cười. Chưa bao giờ nước Mỹ có hai ông Tổng Thống tồi tệ kế bên nhau trong khoảng gần hai thập niên như thế.
Như xạo sự tôi đã thưa trong phần dẫn nhập, tổng thống Mỹ là của nước Mỹ, nước Mỹ chỉ là đất tạm dung của tôi trên bước đường tha phương cầu sinh cầu thực. Một tổng thống của Mỹ dù tốt dù xấu, dù hay dù dở thật sự không ảnh hưởng gì nhiều đến cuộc sống cá nhân của tôi, chỉ có điều, những biến cố chính trị của Mỹ qua chính sách của mỗi tổng thống khác nhau làm cho hy vọng và lý tưởng tự do dân chủ của tôi bị soi mòn dần.
Năm 2017, Donald Trump lên làm tổng thống Hoa kỳ là ông "tuyên chiến" ngay với xã hội chủ nghĩa, một cuộc chiến toàn diện không thỏa hiệp, không hòa giải, không khoan nhượng. Cuộc chiến một mất một còn, anh được tôi mất hay ngược lại. Vì sự kiện này khiến tôi bỏ rất nhiều thời giờ để theo dõi, quan sát và tìm hiểu thêm về vai trò của một tổng thống Hoa Kỳ và nội các của ông. Rõ ràng ông đang mở ra cuộc chiến ý thức hệ minh bạch trắng đen giữa cộng sản và tư bản. Cộng Sản còn thì tư bản mất. Cộng Sản mất thì Tư Bản còn. Đơn giản chỉ có thế, và xạo sự tôi ủng hộ ông cũng chỉ có thế.
Ông Trump không phải là một người "ham danh háo vị". Tên Donald Trump đã thuộc loại "danh bất khả danh phi thường danh" rồi. Ông đã từng chỉ thẳng mặt Joe Biden mà nói rằng : "sở dĩ tôi phải vào tòa Bạch Ốc là vì các ông". Điều đó có thể diễn giải rằng Obama và Biden là một tổng thống và phó tổng thống quá tồi tệ đã chôn vùi nước Mỹ xuống đầm lầy. Trump ra ứng cử tổng thống không phải chỉ được cái danh làm tổng thống Mỹ mà ông ra ứng cử như Nguyễn Công Trứ đã viết “LÀM TRAI SỐNG Ở TRONG TRỜI ĐẤT, PHẢI CÓ DANH GÌ VỚI NÚI SÔNG”. Ông muốn làm cái gì đó cho "núi sông" của ông vĩ đại trở lại sau một thời gian núi sông của ông đã khom lưng cúi đầu cung kính với những tên đạo sĩ trùm đầu che mặt dấu K54 trong áo thụng. Ông hòa hoãn với Putin bao nhiêu thì ông cứng rắn với Tập Cận Bình bấy nhiêu, ông tăng cường tối đa lực lượng quân sự ở biển Đông cắt đứt cái lưỡi bò đầy tham vọng của Bắc Kinh, đạp đổ một con đường, phá nát một vành đai với mưu đồ thống trị toàn cầu, gây không biết bao nhiêu thiệt hại cho chủ nợ, ảnh hưởng đến bao nhiêu con nợ. Ông dám nói thẳng ruột ngựa, ông dám làm những điều mà các tổng thống tiền nhiệm không bao giờ dám nghĩ tới, đừng nói chi là dám làm. Ông đã làm được những việc cốt chỉ với mục đích là làm sao cho nước mạnh dân giàu, chớ không phải cho cá nhân ông. Bốn năm làm tổng thống hơn phân nửa tài sản của ông tiêu hao dần hơn hai tỷ đô la, trong khi bọn tài phiệt cũng bị mất đi hàng trăm tỷ đô la. Người ta không ghét ông sao được, có khi còn nghiến răng thù hận ông nữa là đằng khác. Ghét ông chứ không ai dám khinh ông, vì ông không có "hám lợi danh". Chữ “hám” gần nghĩa với chữ “háo”. Hám nghĩa là rất ham, rất thích đến mức hầu như không còn nghĩa gì khác, thật đáng chê trách; như háo danh, háo sắc, háo của, háo vị. Vì “khát” mà “háo”.
Trong cuộc sống, ta thường bắt gặp nhan nhãn đủ mọi loại người hiếu danh và hám danh. Những việc làm “ồn ào” của họ gây ra nhiều khó chịu cho nhiều người. Danh thường gắn liền với quyền và lợi, hám danh xét cho cùng là hám quyền hám lợi. Có danh, có chức quyền nên mới có nhiều lợi lộc, bạc vàng. Những kẻ hiếu danh, hám danh, về tài thì hạn chế, về đức thì lèm nhèm, méo mó, còn lòng tham thì vô độ. Kẻ hiếu danh và hám danh không từ bỏ bất cứ thủ đoạn nào như xảo ngôn, mị dân, gian xảo lừa gạt để được "có chức", có chức rồi thì ra sức lũng đoạn đục khoét tiền của công quyền, móc túi của dân. Vì hám danh, háo danh, hễ thấy lợi, thấy vàng, thấy đô-la thì lao vào như con bạc khát nước, con thiêu thân lao vào ánh đèn. Chẳng có tài cán gì, đức độ gì, những kẻ hám danh, hám lợi dùng đủ mọi trò ma quái để đánh lừa người dân. Bản chất, bản tính “máu tham hễ thấy hơi đồng thì mê” nhưng chúng đóng kịch rất giỏi về sự trong sạch, về cần kiệm liêm chính chỉ để lừa bịp thiên hạ.
Môn phái "hám danh háo lợi" này thì Obama là quả là một chưởng môn nhân tuyệt hảo. Bây giờ thì ông phó chưởng môn Biden đang trên con đường xưa anh đi, nhưng bốn năm trước mặt ông có nhiều bóng ma đang lởn vởn ám ảnh ông khiến ông sẽ ăn không ngon ngủ không yên. Bốn năm không dài không ngắn không biết tuổi tác của ông có kham nổi đoạn trường thất thanh hay không. Bốn năm, năm thứ nhất lo chỉnh đốn củng cố lại cơ cấu nhân sự của ông, hai năm kế tiếp còn cả trăm vấn đề đối nội đối ngoại phải giải quyết, năm cuối cùng phải lo việc bầu cử. Bốn năm tuy ngắn nhưng rất dài vì lắm mộng. Con ma Hunter Biden, con ma bán uranium Hillary, con ma laptop của Bể Lỗ Xì, con ma gian lận bầu cử, con ma Tập Cận Bình...cứ bám theo ông, bám cho đến năm 2024 thì ông đã 82 tuổi. Cũng chưa chắc đâu, đêm dài lắm mộng khiến ông chịu không nổi phải uống quá đô trường xuân tửu đến nổi đọc diễn văn phải quỳ gối.
Hãy còn quá sớm để phán đoán Joe Biden là một vị tổng thống xuất sắc nhất hay tồi tệ nhất của lịch sử Hoa Kỳ. Chỉ khi nào bộ mặt kẻ hám lợi bị vạch mặt, tay bị còng, bị đẩy vào nhà đá mà ngồi “bóc lịch” những năm dài! Và còn bao quan chức hám danh, hám lợi, làm xằng làm bậy mà chưa bị vạch mặt.
Trời mưa mau tối, nói dối mau cùn, giấu đầu hở đuôi, một lời nói dối sám hối chín ngày... là những câu tục ngữ nói lên cái hậu quả bi thảm của thói nói dối bịp bợm của kẻ hám danh, hám lợi. Thế gian rất công bằng, sáng suốt. Người có tài đức lập nên công danh sẽ được nhân dân ngưỡng mộ, tôn vinh. Gặp thời thì đem tài năng ra giúp vua, giúp nước, lập công danh. Không gặp thời thì lui về mái nhà gianh, với suối rừng, làm bạn với trăng thanh, gió mát. Xưa, Nguyễn Trãi đã lui về Côn Sơn, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã dựng am Bạch Vân, lập quán Trung Tân. Đâu có chuyện bon chen danh vị quyền lợi mà ăn gian nói dối để được làm thừa tướng như Lã Bất Vi buôn vua bán chúa, hay như bọn mua quan bán chức của cộng sản Việt Nam hiện nay. Người có tài đức mới biết lẽ xuất xử. Còn bọn hám danh, hám lợi sao mà biết được! Nhân cách như con lừa, tâm địa như chồn cáo thì làm sao mà biết hổ thẹn?
Xã hội, đất nước ngày một đổi mới. Người người ra sức làm ăn, kinh doanh để làm giàu, góp phần làm cho đất nước phú cường, nhân dân được yên vui hạnh phúc. Trong hoàn cảnh ấy, trong xu thế đi lên của lịch sử, bàn luận về chuyện hám danh, hám lợi để rút ra bài học làm người, để mỗi chúng ta phấn đấu, tu dưỡng mà sống tốt đẹp hơn.
Donald Trump đã nối gót Nguyễn Trãi lui về Côn Sơn, bắt chước Nguyễn Bỉnh Khiêm dựng am Bạch Vân an hưởng tuổi già. Xin các ông bà sờ mu rùa đừng tung tin cực nóng cực sốt rằng thì là Trump đang mài kiếm dưới trăng chờ ngày phục hận, nay mai sẽ trở lại Nhà Trắng để vét sạch đầm lầy Washington, suốt năm qua các ông bà đã đoán cái nào trật cái đó, dẫn dắt dư luận bay lên cõi trên rồi nhào xuống đất, mà bây giờ còn phải nghe mấy ông bà cứ lải nhải hoài cực... thấy mẹ.
Út Bạch Lan E22
Đăng ngày 17 tháng 02.2021