banner

Sau 15 năm hoạt động (2008-2023), website Ái hữu Đại học Sư Phạm Sài gòn ngưng việc đăng thêm bài vở và tin tức.

Độc giả muốn lưu giữ bài viết và hình ảnh để làm tư liệu, xin vui lòng truy cập vào các tiết mục đã đăng trên trang web để download.

Xin chân thành cảm tạ sự hợp tác của tất cả các tác giả và độc giả đã dành cho trang web.

20.07.2023
Admin Website Ái hữu Đại học Sư phạm Sàigòn

Khi mà vẻ dịu dàng, e lệ không còn là tiêu chuẩn hàng đầu để đánh giá nét đẹp nữ tính, thì chiếc nón lá nghiêng nghiêng nửa vành – phần để che nắng, che mưa, phần để giấu bớt chút thẹn thùng, và cũng để làm duyên – đã mất đi phân nửa công dụng. Từ đó. Nó rút lui dần khỏi cuộc sống của các cô gái trẻ Việt Nam…

Vũ Lưu Xuân

Tìm về quá khứ

Huỳnh Tịnh Paulus Của, trong Đại Nam quốc âm tự vị (imp. Rey, Curiol et Cie 1885) kể tên 16 thứ nón. Ba năm sau, J.F.M. Génibrel, trong Dictionnaire Annamite-Francais (Imp. Tân Định, 1898) lại đề cập tới 29 kiểu nón khác nhau, từ chiếc nón gõ của lính lệ, nón Gò Găng của nam giới, nón ba tầm, nón giâu của các bà các cô, rồi nón tàu ô, nón tu lờ…

Tuy nhiên cả hai ông đều không đề cập tới chiếc nón đã để lại nỗi nhớ, nỗi thương trong lòng chàng trai của văn học dân gian:

Sáu thương nón Nghệ quai tua dịu dàng

nón nghệ

Hai tác giả trên không đả động gì tới chiếc nón Nghệ, điều đó không đủ để khẳng định vào cuối thế kỷ 19, kiểu nón này chưa xuất hiện trong thế giới thời trang. Cũng cần lưu ý, tuy Génibrel không đề cập tới nón Nghệ, nhưng ông có nói tới một kiểu nón chuyên dùng cho phụ nữ: nón giâu (sau này trong Việt Nam Tự điển, quyển hạ, Lê Văn Đức soạn, Lê Ngọc Trụ hiệu đính, Khai Trí, 1970, sửa lại là nón dâu).

Bốn mươi năm sau, Gustave Hue, trong Dictionnaire Annamite-Chinois-Francais (imp. Trung Hoà, 1937) đã kể tên 22 kiểu nón và chú thích nón Nghệ = nón Giâu.

Như vậy có thể suy đoán vào cuối thế kỷ XIX, nón Nghệ đã xuất hiện, nhưng cái tên đó chưa được nhiều người biết tới, và trên bước đường Nam tiến, chiếc nón đó đã phải dừng lại ở miền Trung, vì phụ nữ Nam bộ vốn không chuộng kiểu thời trang cầu kỳ, nên hai tác giả Paulus Của và Génibrel (từng làm giám đốc nhà in Tân Định, mở cửa từ 1873), vốn hoạt động ở sài Gòn, đã không biết tới tên này.

Năm 1918, trên tạp chí Đô thành hiếu cổ (Bulletin des amis du vieux Huế – BAVH – năm thứ IV, số 1, tháng Giêng-tháng 3, trang 21), ông Hồ Đắc Hàm có một bài khá chi tiết với hai bức tranh màu nước minh hoạ. Tuy có nhan đề Le nón Thượng, chapeau des femmes annamites (Nón Thượng, chiếc nón của phụ nữ Việt Nam), nhưng toàn bài ông đề cập tới chiếc nón Nghệ. Ông cho biết: “Loại nón này làm ở làng Việt Yên Thượng trong tỉnh Hà Tĩnh, từ đó lấy tên làng làm tên nón: nón Thượng. Tại vùng Bắc Trung Kỳ, nó được gọi là nón Nghệ, vì cũng được làm tại một số làng trong tỉnh này, vả lại khi xưa Hà Tĩnh là một phần đất thuộc tỉnh Nghệ An” (dịch từ bản tiếng Pháp)

 

Ông cho biết thêm: “Trước kia nó rất thịnh hành ở Huế, được các mệ trong giới thượng lưu ưa chuộng, nó còn phổ biến ở phía Bắc Trung Kỳ, đặc biệt là các tỉnh Bắc Kỳ” (tlđd)

Người ta thường nói ăn Bắc, mặc Kinh. Kiểu nón đủ khả năng chiếm lĩnh thị trường thời trang của các o, các mệ tất phải đẹp, phải sang, phải cầu kỳ.

Sáu thương nón Nghệ…

Ông Hàm mô tả: “Nón có bộ khung tre, lợp lá gồi, mặt nón phẳng và tròn, đường kính khoảng 70cm, thành nón dày 8cm, giữa lòng nón có cái sưa đan bằng tre, đường kính khoảng 15cm. Cái sưa chụp trên đầu, giúp cái nón giữ được thăng bằng”. Năm 1951, hai nhà Việt Nam học, ông Pierre Huard và Maurice Durand, trong cuốn Connaissance du Viet Nam (Những hiểu biết về Việt Nam, Paris, imp. Nationale 1951) tả rõ: “Nón bằng (hầu như đã biến mất) được làm bằng lá cây gồi lớn. Người ta cắt lá, chằm vào bộ khung tre, khâu bằng sợi giang (các ông ghi là bamboo) vừa bền vửa dễ khâu hơn lông đuôi ngựa. Trước hết lá phải được hơ lửa, hoặc phơi nắng cho bạc màu xanh” (tlđd, trg. 181, mục Habillement)

… Quai tua dịu dàng

Cái tạo nên vẻ đẹp sang trọng, cầu kỳ, được giới phụ nữ đất Thần kinh ưa chuộng chính là bộ quai thao. Người ta thường nói nón quai thao, nhưng thực ra đây không phải là tên một loại nón, mà là một kiểu dây quai dùng cho nhiều loại nón: nón thúng quai thao; nón Nghệ quai thao; nón Thượng quai thao (đi ra nón Thượng quai thao).

nón nghệ

Bình thường quai nón chỉ là một sợi dây gai, hoặc một giải lụa màu. Tới ngày cưới hỏi, ngày tết, bộ quai thao được đem ra sử dụng. Quai thao dùng cho nón Nghệ gồm hai bộ phận:

1 – Một thẻ nón hoàn toàn bằng bạc thật, chạm trổ công phu. Thẻ nón có hai phần:

a/ Phần cố định là một thẻ bạc khoảng 8cm, gắn cứng vào thành nón bằng một cái móc, giữa thẻ có một chiếc khoen.
b/ Phần chuyển động tạo thành một kiểu dây xích, bắt đầu la bộ mỏ vịt móc vào khoen thẻ. Giữa xích có chiếc mặt dơi, theo quan niệm Đông Phương, con dơi tượng trưng cho điềm lành. Cụ Nguyễn Văn Tố cho biết, đồ cổ “chạm 5 con dơi tức là ngũ phúc” (tạp chí Tri Tân, số 131, ngày 24.2.1944, trg. 5). Hai đầu mặt dơi dính vào hai củ ấu tròn. Sợi xích tận cùng bằng khoen lớn để xỏ quai.

2 – Quai tua: dây quai rất dài, gồm 24 sợi lụa lớn hơn cọng nhang, tết bằng tơ đỏ, hai đầu quai kết lại thành búp tua, 24 sợi tách thành 2 nhánh, kết thúc bằng chùm tua dài phất phơ.

nón  nghệ

Dây quai xuyên qua hai khoen bạc, thắt lại giữ ngực, ngay chấn thuỷ, tại đây hai đầu dây chập lại, buông thỏng xuống khoảng 50cm. Mầu đỏ của dây quai lác đác điểm xuyết bằng những sợi chỉ vàng hoặc dây lụa nhiều màu. (theo Hồ Đắc Hàm, tlđd)

Đám cưới Việt Nam ngày xưa, cô dâu không trùm nhiễu đỏ, mà đội nón Nghệ quai thao, đi giữa hai cô phù dâu cũng đội nón quai thao, trong khi đó phái nam đội nón Gò Găng, kiểu nón nhọn làm ở làng Gò Găng, tỉnh Bình Định.

Cần lưu ý, hai ông Huard và Durand còn cho biết: “Nón là chóp nhọn dành cho nam giới… Nón nhọn bằng lá gồi không sơn có chất lượng cao làm ở Nghệ An, gọi là nón Nghệ … (tlđd, trg. 182)

Như vậy nón Nghệ gồm cả hai kiểu: nón nhọn và nón bằng.

Vũ Lưu Xuân